Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TỔNG HỢP PHẦN VI


  HAI ĐỨA TRẺ RANH


Tiếng kèn đám ma ở cuối làng văng vẳng, nỉ non theo gió xuôi về khiến cái chợ huyện nhỏ vốn đã buồn tẻ và ủ ê lại càng thêm phần não nề, thê thảm.
Chân trời phía Tây đỏ rực như quả cam Tàu, khác một chỗ là cam Tàu để cả tháng vẫn đỏ, còn phương Tây thì chỉ lát nữa thôi sẽ tối sầm, nhường chỗ lại cho màn đêm liêu tịch. Trên cái nền trời đỏ rực ấy cắt hình rõ rệt mấy cái cột điện cao thế dây rợ nhằng nhịt, mấy tòa nhà lổm nhổm, to nhỏ, lớn bé nhấp nhô, rồi cả mấy cái cột ăng-ten lèo khoèo ngắc ngư theo gió. Nhà nào không có cột ăng-ten thì sẽ có một cái chảo ngửa lên trời để thu sóng, cũng toàn là chảo Tàu cả, chỉ xem được mấy kênh quảng bá không mất tiền, chứ đến dịp World Cup hay Euro là biết nhau ngay. Rõ ràng cũng cái kênh đó, vừa mới đó còn xem ngon lành, thế mà đến giờ bóng đá mở ra thì nó hiện lên dòng chữ: "Bạn không thể xem kênh này vì bạn dang dùng chảo Tàu, chảo lậu. Muốn xem, hãy bỏ tiền ra mua chảo xịn".

Sẽ là một chiều êm ả như ru với văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng và tiếng muỗi vo ve bay lượn bên tai nếu như không có mấy cái xe máy rú ga inh ỏi, vèo vèo lạng lách từ con đường trong làng phóng ra. Xe nào cũng chở ba chở bốn, toàn mấy đứa nhãi ranh mới lớn, mắt xanh mỏ đỏ, vừa đánh võng vừa hú hét và cười sằng sặc như một lũ tâm thần. Và cũng sẽ là một chiều êm ả như ru nếu không có cái tiếng kèn trống đám ma vẫn đang ê a, réo rắt bên tai. Liên vừa đếm đếm, kiểm kê lại hàng, vừa hỏi An:

– Ai chết ấy nhỉ?

– Cái Vân con bà Ập!

– Sao chết?

– Nó có thai, nhưng bố đứa bé không chịu nhận con, nó quẫn quá nên tự tử!

– Khốn nạn thật! Có biết bố đứa bé là ai không?

– Em chịu! Ngay cả con Vân, lúc hấp hối, mẹ nó có hỏi nó rằng bố đứa bé là ai để mẹ nó đi kiện, nhưng con Vân bảo là nó cũng không chắc, chỉ dám nghi nghi cho một số người thôi. Mẹ nó bảo là nghi cho những ai thì cứ nói, mẹ sẽ điều tra. Con Vân bảo mẹ lấy giấy ra ghi lại, vì sợ nói mồm mẹ nó lại quên. Nhưng mẹ nó cũng chỉ mới kịp ghi được gần 2 trang thì con Vân đã gục xuống và đi luôn, thành ra việc điều tra cũng rất khó khăn bởi vẫn còn nhiều người bị tình nghi mà con Vân chưa kịp nói.

Liên nghe em kể thì lắc đầu, thở dài ngao ngán. Ngao ngán thôi chứ Liên không ngạc nhiên, bởi chuyện đó ở cái làng này giờ như cơm bữa, có gì lạ! Làng này, có mấy đứa học hết lớp 9 đâu, chỉ lớp 7, lớp 8 là nghỉ học, ăn chơi đua đòi. Con trai thì cờ bạc, lô đề, nghiện ngập, con gái thì trưng diện, đú đởn. Toàn những đứa mặt non choẹt, ngực búng ra sữa đã biết lơi lả, yêu đương, rồi đi nạo thai như đi chợ. À, mà nói vậy cũng không đúng lắm, bởi đi nạo thai thì một hai tháng chúng nó lại đi, còn đi chợ thì từ bé đến giờ toàn mẹ đi, chứ chúng nó có đi bao giờ!

Bọn trẻ hư hỏng đã đành, người lớn cũng chẳng khá hơn. Từ ngày ruộng đất bán đi cho mấy khu công nghiệp, mấy dự án sân gôn, rì-zọt, rồi ôm một đống tiền về thì chả còn ai thiết tha đến lao động, làm ăn nữa. Tội quái gì phải bươn chải vất vả trong khi tiền có đầy trong hòm rồi?! Cứ ngồi mà ăn chơi cho sướng! Nhưng các cụ có câu: "Ăn không biết lo, của kho cũng hết". Của kho thì sắp hết nhưng cái nết lười, cái thói quen ăn không ngồi rỗi nó không chịu hết mà nó vẫn bám riết lấy người dân làng này, thành ra tiền dẫu chẳng còn nhiều mà vẫn ít thấy ai lo toan, tính toán cho cái sự mưu sinh.

Nhà Liên là dân ngụ cư chuyển về làng, không có ruộng mà bán, nên hằng ngày hai chị em vẫn phải ra đây bán hàng, vẫn phải chắt chiu, nâng niu từng đồng bạc lẻ. Nghĩ vậy cũng may, chứ nếu cũng bán ruộng, cũng ôm một mớ tiền như nhà người ta thì biết đâu giờ này Liên không còn ở đây mà lại đang loay hoay phía sau vườn, buộc cái sợi dây thừng lên cành cây để treo cổ mình lên đấy, vì cái bụng chửa hoang đã phưỡn ra mà tìm mãi không ra cha đứa bé. Rồi cả thằng An nữa, đời nào nó chịu ngồi ở cái chỗ này cặm cụi phụ chị bán hàng, nó phải ở quán game online, miệt mài, mệt nhoài với những trò đột kích, half life, bắn giết, sống một cuộc sống chìm đắm trong tiếng súng, trong bom đạn, dù đất nước ta đã hòa bình, dù chiến tranh đã trôi qua hơn một phần ba thế kỷ.

Cái cửa hàng tạp hóa của chị em Liên mang đúng nghĩa đen của từ tạp hóa, tức là những hàng hóa tạp nham: từ bút mực, sách vở đến mắm muối gạo mỳ, rồi thì thuốc men, mỹ phẩm, thứ gì cũng có. Cứ hôm trước ai hỏi mua gì là hôm sau mẹ Liên lấy về thứ ấy. Cũng bởi thế nên việc kiểm kê hàng khá là lặt vặt, lắt nhắt với toàn những thứ nhỏ nhặt, linh tinh...

– Trưa nay chị thấy em bán cho cụ Sang mấy cái bao cao su cơ mà? Sao không thấy ghi vào đây?

– Cụ Sang định lấy, nhưng khi đeo thử thấy bao hơi nhỏ, nên cụ ấy trả lại! Cụ còn dặn là khi nào đi lấy hàng thì nhớ lấy cho cụ cái loại to nhất!

Thực ra ban đầu, cửa hàng của chị em Liên không bán bao cao su và thuốc tránh thai. Nhưng nhiều lần khách từ mấy cái nhà nghỉ bên kia đường cứ chạy đến rồi hỏi: "có bao cao su không?", "có thuốc tránh thai khẩn cấp không?", nên Liên lại bảo mẹ lấy mấy thứ đó về bán vì thấy nhu cầu sử dụng của khách cũng như của thanh thiếu niên trong làng là rất lớn. Và quả thực bây giờ, đó chính là những mặt hàng mang lại nguồn thu chủ yếu và ổn định nhất cho cửa hàng của chị em Liên.

Một trong những lý do khiến bao cao su và thuốc tránh thai khẩn cấp bán chạy là bởi có khá nhiều gái mại dâm tụ tập đón khách ở cái chợ huyện này. Gái mại dâm mua bao cao su thì đã đành rồi, nhưng còn thuốc tránh thai khẩn cấp họ cũng rất hay mua và mua với số lượng nhiều thì quả thực Liên không hiểu lắm. Chỉ đến khi được trò chuyện với một chị làm nghề bán dâm, là khách quen hay mua hàng ở quán thì Liên mới biết rằng khách mua dâm cũng nhiều loại lắm: có ông rất sợ rách bao, bắt phải đeo hai ba cái vào mới dám chơi; có ông thì lại không thích chơi bao vì nó vướng, cứ nằng nặc đòi đi chân đất.

Những ông đòi đi chân đất ấy sẵn sàng trả thêm tiền để được thỏa mãn sở thích của mình. Và tất nhiên sau mỗi lần chiều khách chân đất thì chị ấy lại phải uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Có đợt uống thuốc nhiều cũng xót tiền nên chị ấy đã quyết định đi đặt vòng cho tiết kiệm, nhưng không ăn thua, bởi khách hầu hết là đi tàu nhanh, mà đi tàu nhanh thì thường phải đứng, cộng thêm với lực tác động mạnh và liên tục nên vòng rất dễ bị rơi ra ngoài. Nhớ lần ấy tàu đang đi khá nhanh, chuẩn bị lên dốc thì chị ấy phải đột ngột cho tàu dừng lại rồi cả chủ tàu lẫn khách đi tàu phải bật điện thoại, lọ mọ soi xuống đất để tìm vòng. Sau vụ đó, chị đành quay về dùng thuốc để đảm bảo cho giao thông được xuyên suốt.

Đêm đã về tự lúc nào! Không còn quả cam Tàu đỏ rực phía Tây, cũng chẳng còn những ngôi nhà lô nhô cắt hình rõ rệt trên nền trời. Giờ tất cả đã chìm vào bóng tối, thi thoảng đâu đó mới thấy những đốm đèn xa xa như những con ma trơi lấp lóe, lập lòe. Duy có khu vực quanh cổng chợ, nơi chị em Liên đang ngồi, là sáng hơn cả – dẫu rằng đó là thứ ánh sáng đỏ quạch, yếu ớt phát ra từ cái bóng đèn cũ mèm với một lớp bụi và mạng nhện phủ lên dày đặc, còn lại thì cả khu chợ, lều quán, và con đường nhỏ gồ ghề, nhấp nhô dẫn vào làng đều bị nhạt nhòa, chìm dần trong thứ bóng tối chập chờn, thăm thẳm.

Lẽ ra thì chị em Liên có thể dọn hàng được rồi, vì giờ này khách mua cũng vãn. Nhưng có vẻ như hai chị em vẫn đang chờ đợi một điều gì đó. Đúng thế! Hôm nay là cuối tuần, sẽ có chuyến xe khách liên tỉnh chạy qua đây! Mà không chỉ hai chị em Liên thôi đâu, mấy thằng nghiện choai choai cũng đã căn giờ và đang lảng vảng ngoài bãi đợi xe từ nãy rồi. Mỗi lần qua quãng này, tài xế sẽ cho xe dừng để khách có đói thì xuống ăn tạm cái bánh mì, có khát thì xuống mua chai nước, và có buồn tè, buồn ị thì tìm chỗ mà giải quyết. Liên sốt ruột nhìn đồng hồ: Giờ này, lẽ ra xe phải đến rồi chứ nhỉ?

– A! Xe kìa! Xe kìa!

Mấy thằng nghiện ngoài bãi reo lên, lập tức Liên và An cũng quay ra theo. Con xe giường nằm cao lênh khênh đang ngắc ngư đánh xinh-nhan và rẽ chầm chậm xuống bãi chợ. Hai cái đèn pha sáng rực làm bừng lên cả một khoảng đất rộng mấp mô. Mấy bụi cây ven đường bị ánh đèn soi trực diện cũng giật mình thức giấc, hấp háy những chiếc lá như những con mắt lấp lóa, tò mò. Tiếng động cơ xe nổ êm êm, rì rì, mùi xăng dầu, mùi khói phả ra khen khét, nghèn nghẹt, nao nao...

Cửa xe từ từ mở! Khách lục tục xuống! Tiếng chân người lịch thịch, tiếng gọi nhau í ới...

– Mua bánh mì, mua nước uống đi cô ơi, chú ơi!

Liên và An hối hả chào mời, nhưng cũng ít người mua lắm, họ chủ yếu là xuống để hít thở chút không khí trong lành, để được vung tay, đá chân cho đỡ mỏi sau hành trình dài phải ngồi trên xe ngột ngạt...

– Có bao cao su không em? – Một vị khách bước vào quán và hỏi Liên với giọng thản nhiên.

– Dạ có ạ! Anh lấy mấy cái?

– Cho anh 8 cái!

– Anh lấy luôn 10 cái cho tròn tiền đi anh!

– Thôi! Mua hôm nào dùng dứt điểm hôm ấy thôi, mai cần thì lại mua sau, chứ mua thừa ra lãng phí lắm!

Rồi lại hai người khách nữa bước vào...

– Có giấy đi vệ sinh không em?

– Dạ có đây anh!

– Không bán lẻ à? Cả cuộn thế này anh chùi sao hết?

– Anh thông cảm! Em không bán lẻ được ạ!

Người khách cầm cuộn giấy lên với vẻ mặt đăm chiêu rồi quay sang hỏi vợ:

– Em có đi ị luôn không? Mình anh ị thì sao hết cuộn giấy được, phí lắm!

– Dạ không! Em đi tè thôi! Không buồn ị!

– Cố ị luôn đi! Ị ở đây thì lát về nhà khỏi ị, chứ chẳng lẽ lại mang cuộn giấy thừa này về sao?

– Nhưng em chỉ buồn tè thôi! Nếu anh muốn thì tè xong em sẽ lấy giấy chùi, được chưa?

– Tè thì chùi được đáng bao nhiêu? Vẫn còn thừa nhiều lắm!

– Thôi được rồi! Ị thì ị!

Rồi đôi vợ chồng ấy dắt díu nhau, lần mò và chìm sâu vào trong khoảng tối mênh mông.

Có tiếng quát tháo, chửi bới đâu đó, rồi lại nghe tiếng la hét, tiếng đánh lộn huỳnh huỵch ở chỗ mấy cái lều quán tối om phía trong chợ. Liên và An khỏi cần ngó nghiêng cũng biết đó là tiếng kêu của mấy thằng nghiện. Hôm nay chắc bọn nó xui xẻo nên gặp cớm rồi. Còn các bạn chắc cũng đang thắc mắc rằng mấy thằng nghiện nó lảng vàng ở chợ để đợi xe làm gì? Thì đó, nó chui vào trong chợ, đợi lúc người ta vào tè, vào ị là tụi nó xông ra xin đểu. Chúng nó sẽ tự nhận là dân phòng, là bảo vệ của chợ đang đi tuần tra để bắt người tè bậy, ị bậy. Rồi chúng nó giơ mấy cái ống tiêm ra bắt người ta nộp phạt. Đù má! Dân phòng với bảo vệ đi tuần thì phải mang súng, mang gậy chứ ai đời mang ống tiêm. Với cả dân phòng và bảo vệ người ta bận giữ gìn trật tự, chăm lo cho đời sống, cho bữa ăn, giấc ngủ của dân chứ ai rảnh đâu mà đi rình dân ỉa bậy. Thế nhưng lúc ấy hoảng rồi, ối kẻ vẫn dạ dạ, vâng vâng, van xin xoắn xít, rồi chúng bắt nộp phạt bao nhiêu cũng nộp.

Nhưng đấy là gặp mấy chị, mấy anh nhát gan thì mới ngon lành thế, chứ chẳng may hôm nào đụng phải anh có võ, có máu mặt, giang hồ, thì bọn nghiện lại no đòn. Như hôm nay chẳng hạn, lũ nghiện chạy toán loạn mỗi đứa một xó, ru rú như con chó phải ngày mưa gió.

Khách lại lục tục lên xe. Chiếc xe đánh xinh-nhan, ngắc ngư, ngật ngưỡng bò lên mép đường, rồi gầm lên, phả lại đằng sau mớ khói trắng khét lẹt, lao đi và hút dần trong bóng đêm vô tận. Cái bóng đèn đỏ quạch ở cửa hàng của chị em Liên cũng tắt phụt. An cầm chiếc đèn pin bé xíu, vừa soi cho chị khóa cửa vừa cất giọng tỉ tê:

– Mai chị đi lấy hàng hả? Cho em theo với nhé?

– Không được! Em ở nhà lo học bài đi, sắp thi rồi!

– Dạ! Mà chị nhớ lấy thêm bao cao su và thuốc tránh thai nhé! Sắp hết hàng rồi đấy! Đừng lấy sách vở với bút mực nữa, cả tháng nay có thấy ai hỏi mua mấy thứ đó đâu!

Thế rồi hai cái bóng nhỏ rảo bước lặng lẽ, thênh thang trên con đường làng khấp khểnh, dập dềnh. Bóng chúng mờ dần và chìm hẳn trong màn đêm sâu thẳm, chỉ còn ánh sáng từ chiếc đèn pin trên tay An là vẫn lấp láy, hệt như một ngôi sao lung linh trong đêm...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
LÒNG TIN CÓ GIÁ


Vợ gục đầu vào vai tôi, giọng nũng nịu:

– Anh có yêu em không?

– Hỏi vớ vẩn thật! Không yêu em thì anh còn lý do gì để sống trên đời này?

– Anh đã bao giờ phản bội em chưa?

– Chưa! Anh đâu có ngu đến mức tự hủy hoại cuộc sống của mình!

– Anh thề đi!

– Anh thề, nếu anh mà phản bội em thì anh sẽ bị liệt dương!

– Khiếp! Anh thề độc thế! Lần sau, thề cái gì thì thề, nhưng cấm không được lôi cái đó ra thề, nhỡ nó thành sự thật thì em còn lý do gì để sống trên đời nữa đây?! Mà anh ơi...

– Sao em?

– Trên huyện có thầy Sang xem bói rất giỏi. Thầy chỉ xem qua bàn tay là biết được người đó có ngoại tình hay không đấy! Mai em đưa anh đến đó xem thử nhé?

– Đi thì đi, sợ gì! Thời buổi này mà em còn tin vào mấy trò bói toán, mê tín dị đoan ấy sao?

– Không phải mê tín đâu anh, thầy xem đúng lắm, và xem miễn phí chứ không lấy tiền đâu nhé! Em được chứng kiến một lần rồi nên biết. Thầy nói chi tiết lắm: ngày nào, giờ nào, vào nhà nghỉ nào, phòng nào, dùng hết mấy cái bao, thầy đọc ra hết! Cái ông khách hôm ấy đi cùng vợ, nghe thầy kể ra thì mặt cứ tái mét, cứng họng, nhưng về sau vẫn cố cãi chày cãi cối. Thầy Sang bực mình quá mới đốt một lá bùa cho ông chồng ấy uống. Vừa uống trôi khỏi cổ, ông chồng lập tức như bị thôi miên, quỳ rụp xuống trước mặt vợ, có bao nhiêu vụ ngoại tình với bà nào, con nào thì cứ thế tự kể ra hết! Anh không tin thì cuối tuần này cứ đi với em, em sẽ nhờ thầy xem cho!

– Ờ! Hay để hôm khác đi, giờ mới nhớ ra là mai anh có cuộc họp quan trọng!

Vợ tôi nghe thế thì cũng ậm ừ đồng ý. May quá, vậy là tôi còn thời gian để thu xếp, chứ nếu vợ tôi đòi đi ngay thì thực sự là nguy to. Tôi trước giờ vốn không tin lắm vào bói toán, nhưng nếu theo như những gì vợ tôi đã nói và đã chứng kiến thì đúng là ông thầy Sang này giỏi thật. Mà nếu giỏi thật thì tôi nguy thật, nguy thật rồi! Không được, không thể để chuyện đó xảy ra được!

Vậy là chiều hôm sau, tôi giấu vợ xin nghỉ làm rồi cặm cụi phi xe lên huyện, hỏi dò mãi mới tìm đến được nhà thầy Sang. Bước chân vào là đã thấy khách xếp hàng chờ xem ngồi la liệt, ngổn ngang từ sân vào đến cửa. Cứ xem xong một cặp thì thầy Sang lại ra và gọi cặp khác vào. Nhiều lúc đang yên thì lại nghe bên trong phòng thầy có tiếng đàn bà rú lên, rồi khóc lóc, gào thét: "Trời ạ! Vậy ra bấy lâu nay tôi bị ông lừa gạt, bị ông biến thành con lợn mà tôi không hề biết, vẫn cứ tin vào mấy lời thề thốt ngon ngọt của ông. Giờ thì ông còn cãi đường nào? Đi về, đi về nhà rồi biết tay tôi".

Và sau đó là cảnh ông chồng run rẩy, dúm dó như một con chó bị vợ kéo tai lôi xềnh xệch ra ngoài. Nhưng cũng có những đôi đi từ trong phòng thầy ra với vẻ rất tình cảm, họ khoác tay, gục đầu vào vai nhau, mỉm cười đầy mãn nguyện. Nhìn họ yêu đời và phơi phới như vừa trút được gánh nặng nghìn cân, như bầu trời vừa bỏ lại sau lưng những ngày mưa gió tơi bời, chỉ còn mây trắng xinh, nắng lung linh trên nền xanh bao la, chỉ còn bướm, còn hoa cùng bầy chim rộn rã hát ca.

Đến khoảng cuối giờ chiều thì khách cũng đã vãn hẳn, và rồi lúc gà nhập nhoạng lên chuồng thì chỉ còn có một mình tôi ở lại. Thầy Sang thấy vậy thì vẫy tay gọi tôi vào. Trong phòng thầy đặt một cái điện thờ khói hương nghi ngút, nồng nặc, hoa quả và bánh kẹo xếp thành hàng, thành đống dài dằng dặc. Thầy bảo tôi ngồi xuống chiếu, rót trà vào chén cho tôi, rồi cất giọng ỉ ôi:

– Sao con đi có một mình? Thường những người tới đây đều đưa theo vợ hoặc chồng!

– Dạ! Con không đến xem, mà con đến có việc nhờ thầy giúp ạ! Chả là...

– Thôi! Khỏi phải nói! Ta hỏi vậy, chứ ta biết thừa rồi!

– Dạ! Trăm sự nhờ thầy! Một hai ngày tới, vợ con nó sẽ đưa con đến đây. Nếu con mà tử tế thì chẳng nói làm gì, đằng này con cũng có năm bảy lần lăng nhăng, linh tinh bên ngoài, thế nên con phải đến gặp thầy trước để...

Tôi vừa nói vừa nhẹ nhàng đẩy xấp tiền về phía thầy. Thầy Sang cầm cục tiền lên đếm đếm rồi gật gù, giọng đầy cảm thông:

– Ta hiểu mà! Mọi việc sẽ đúng như ý con! Phá hoại hạnh phúc của người khác cũng không phải là điều ta muốn làm. Đó là việc thất đức mà! Con thấy đấy, ta xem cho mọi người đều miễn phí, có lấy của ai đồng nào đâu!

– Dạ! Thầy thật đại từ đại bi! Nhưng thầy ơi, xem miễn phí mà sao nhà thầy vẫn giàu thế ạ? Toàn đồ xịn, xe xịn! Chắc thầy phải có nguồn thu nhập nào khác chứ?

– Đúng vậy! Thu nhập chính của ta là từ những thằng như con đó! Giờ còn sớm, chứ lát nữa con sẽ thấy, khách vẫn đến ngùn ngụt, và chỉ đi một mình thôi chứ không đi theo cặp giống như ban ngày.

– Vậy tức là những đôi mà đưa nhau đến nhà thầy vào ban ngày thì trước đó một trong hai người họ đã đến gặp thầy vào ban đêm?

– Đúng quá!

– Vậy sao con vẫn thấy có người sau khi được thầy xem thì gào thét, khóc lóc rồi lôi xềnh xệch chồng hoặc vợ của mình ra ngoài?

– Đó là bọn cò, là người của ta, chúng nó diễn trò ấy mà. Phải diễn như thế thì những người như vợ của con mới tin, mới rỉ tai nhau rồi đưa thêm vợ, thêm chồng của họ tới. Và phải thế thì những người như con mới tới đây đưa tiền cho ta chứ?!

– Dạ! Vậy chắc thầy bận rộn lắm?

– Đương nhiên rồi! Đàn bà thường nghi ngờ chồng, nên nếu có dịp kiểm chứng những nghi ngờ ấy thì họ không bao giờ chịu bỏ lỡ. Còn mấy lão chồng cũng vậy, khi nghe tin, có thể lúc đầu vẫn bán tín bán nghi, nhưng rồi thì thằng nào cũng phải cuống cuồng tìm đến gặp ta thôi. Bởi vậy ta làm không hết việc, đang định mở thêm mấy chi nhánh nữa vì khách đến ngày càng đông.

– Dạ! Vậy theo thầy, liệu có thầy bói nào có tài năng thật sự mà có thể xem và biết được chuyện ngoại tình của người khác không ạ?

– Trên thế giới thì ta không biết, chứ ở Việt Nam thì ta khẳng định là không có! Bởi nếu có thì vợ ta nó đã lôi ta đến đó từ lâu rồi, và tất nhiên, ta sẽ chẳng thể còn lành lặn mà ngồi đây để lấy tiền và lo giữ gìn hạnh phúc cho vợ chồng con được!

Cũng bởi thế, hôm đến nhà thầy Sang, trong khi vợ tôi thấp thỏm, bồn chồn thì tôi lại rất tự tin và thoải mái. Cứ mỗi lần thấy cảnh một bà vợ vừa quát tháo, khóc lóc vừa kéo tai lôi chồng xềnh xệch từ trong phòng thầy ra là vợ tôi lại thở dài thườn thượt nhìn sang tôi, giọng bùi ngùi:

– Khổ thân anh chồng quá!

– Khổ gì? Cái loại chồng ấy thì chém chết cũng đáng chứ khổ cái gì!

Vợ tôi nghe vậy thì chỉ im lặng, gục vào vai tôi dịu dàng, miệng cười tủm tỉm. Và nụ cười tủm tỉm ấy còn theo vợ tôi trên suốt đoạn đường về, và suốt những ngày sau đó. Đương nhiên rồi, với người phụ nữ thì còn gì vui hơn khi biết rằng chồng mình là một người đàn ông chung thủy, chưa bao giờ làm điều gì phản bội hay có lỗi với mình? Rồi mấy hôm sau, tự nhiên vợ ôm tôi thì thào:

– Em xin lỗi vì lâu nay đã nghi ngờ anh! Đừng giận em nhé!

– Anh sao giận em được! Có giận thì anh giận bản thân mình chứ, vì dù là anh chưa bao giờ làm gì phản bội em, nhưng để em phải nghi ngờ, dù chỉ là một chút xíu thôi, ấy cũng vẫn là lỗi của anh!

– Giờ thì em tin anh rồi! Sẽ không bao giờ em nghi ngờ gì anh nữa!

– Em thề đi!

– Em thề, nếu em mà còn nghi ngờ anh thì em sẽ bị liệt...!

– Khiếp! Lần sau, thề cái gì thì thề, nhưng cấm không được lôi cái đó ra thề, vì nó vớ vẩn bỏ xừ. Bấy lâu nay, anh có thấy nó động đậy bao giờ đâu mà em lại thề cho nó bị liệt!

Đôi lúc, tôi cứ tự hỏi mình rằng, có phải tôi đã mất tiền oan cho lão thầy Sang ấy? Bởi lão ta đâu có tài năng gì đâu, chỉ là lừa bịp thôi mà! Nhưng nghĩ lại thì cũng không hẳn là oan, bởi nếu tôi tử tế thì tôi đã không phải bỏ ra số tiền đó, và cũng coi như số tiền ấy tôi dùng để mua lấy sự tin tưởng của vợ dành cho tôi, để mua lấy hạnh phúc gia đình. Với tôi, hạnh phúc gia đình là thứ quý giá lắm, bỏ chút tiền ấy ra để mua kể cũng đáng, thậm chí là quá đáng!


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
BẠN CÓ THÍCH IPHONE 6?


Iphone 6 đã ra mắt được một thời gian, và phải nhận khá nhiều phàn nàn của người sử dụng. Cái này là phàn nàn của người sử dụng nhé, Tòng đọc trên báo chí thấy nói thế, chứ Tòng không có thích dùng Iphone nên có biết gì về nó đâu mà phàn nàn. Lý do Tòng không thích dùng Iphone là bởi Tòng không biết cách cóp nhạc cóp phim vào máy, thứ hai là bởi
Tòng dùng điện thoại bé và màn hình đen trắng quen rồi, trong khi cái Iphone nó hơi to, lại là màn hình màu nên nhìn chói mắt lắm, không khoái! Nhưng lý do quan trọng nhất đó là Tòng không có tiền mua Iphone. Nếu ai đó mua Iphone tặng Tòng thì biết đâu Tòng lại thay đổi được sở thích của mình?!
Cái này giống với một chị đã up status lên Phây tuyên bố rằng: Khi đi chơi, và đặc biệt là khi đi ngủ, bạn trai muốn động vào đâu thì động nhưng không bao giờ chị ấy cho phép bạn trai động vào Iphone của chị ấy! Mọi người hỏi tại sao lại nghiêm khắc và khắt khe với bạn trai thế, thì chị ấy trả lời rằng: thứ nhất vì chị ấy không có bạn trai, thứ hai là vì chị ấy không có Iphone.
Hiện tại Tòng vẫn đang dùng con Nokia 1110i, đời đầu, màn hình màu gồm hai màu chủ đạo là đen và trắng. Nếu chịu khó dùng ngón tay ấn mạnh vào màn hình và chú ý quan sát thì có thể thấy xuất hiện thêm một số vệt màu xanh tím loang lổ nữa. Dù được thiết kế nguyên khối rất chắc chắn nhưng con 1110i này của Tòng lại vô cùng linh động và dễ dàng tháo lắp, chỉ cần lách nhẹ móng tay vào cái khe hở dọc thân máy là lập tức vỏ máy rơi ra, pin và sim cũng rơi theo luôn. Phím được làm bằng cao su non, siêu mềm, siêu mỏng tạo cảm giác chân thật khi ấn. Pin và sóng cực khỏe, lúc nào cũng đầy tràn, chỉ có tài khoản là thường xuyên ở trong tình trạng cạn kiệt.
Đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất của dòng máy này, bởi Tòng thấy mấy người bạn của Tòng dùng Iphone hay Vertu thì tài khoản của họ lúc nào cũng có ít nhất vài trăm nghìn, trong khi Tòng dùng con này cũng phải 7,8 năm nay rồi, chưa lúc nào thấy tài khoản của nó vượt quá 18 nghìn. Lần nào nạp cái thẻ 20 nghìn vào là cũng lập tức nhận được tin nhắn của tổng đài: "Tài khoản của bạn chỉ còn 18 nghìn vì Viettel đã trừ đi 2 nghìn mà bạn ứng từ cuối tháng trước. Cảm ơn bạn vì đã nhiệt tình sử dụng dịch vụ ứng tiền của Viettel".
Thôi, nói lan man quá, quay trở lại với những phàn nàn của người sử dụng về Iphone 6 nhé! Tòng xin trích dẫn ra đây một số phàn nàn tiêu biểu của người dùng Iphone được đăng tràn lan trên các báo mạng:
– "Vỏ của Iphone 6 mềm và dễ bị bẻ cong quá! Tôi nghĩ Apple nên đổi logo sang hình quả chuối sẽ hợp hơn là hình quả táo, vì tôi để Iphone 6 ở túi sau của quần bò, lúc lôi ra, nó cong như quả chuối".
– "Tôi mua chiếc Iphone 6 màu trắng ở cửa hàng, bỏ túi quần bò, thế mà về đến nhà lôi ra thì nó lại chuyển sang màu xanh loang lổ. Ban đầu tôi tưởng Apple đã bổ sung tính năng tự đổi màu cho Iphone, nhưng không phải, đó là cái màu phai ra từ quần bò của tôi. Vấn đề nằm ở chỗ là tôi đã dùng đủ các loại dung dịch tẩy rửa nhưng vẫn không thể xóa sạch được cái vết màu xanh loang lổ ấy. Thật bực mình!"
– "Iphone 6 làm rụng râu và giật đứt tóc của tôi. Cứ mỗi lần tôi đưa máy lên tai để nghe gọi là cái khe hở giữa màn hình và thân máy sẽ hút râu với tóc của tôi vào, và mỗi lần hạ máy xuống là tôi vô tình kéo cả mớ râu tóc của mình rụng xuống theo. Tôi hay có thói quen nghe gọi điện thoại bằng tay phải, và chỉ sau gần một tháng dùng Iphone 6, râu và tóc ở nửa mặt và nửa đầu bên phải của tôi đã trụi lủi và nhẵn thín. Hiện tôi đã chuyển sang nghe điện thoại bằng tay trái".
– "Tôi thì không bị rụng râu, đứt tóc, bởi mỗi lần nghe gọi tôi thường bật loa ngoài rồi giơ ra trước mặt, nên Iphone 6 cũng đành bất lực, không thể hút được sợi râu tóc nào của tôi. Tưởng thế là ổn rồi nên tôi đâm ra chủ quan, nhét Iphone vào túi quần trước. Ai ngờ túi quần trước lại thủng một lỗ, thế nên mỗi lần móc điện thoại ra là tôi lại vô tình lôi cả một búi lòa xòa ra theo. Tôi tưởng nó chỉ thích hút tóc và râu thôi, nhưng không, cứ cái gì dạng sợi, đen đen, quăn quăn là nó hút hết! Bởi vậy chỉ sau gần một tháng để Iphone 6 ở túi quần trước bên phải thì mé bên phải của tôi đã trụi lủi, nhẵn thín. Hiện tôi đã chuyển sang để điện thoại ở túi bên trái".
Sau khi nghe những lời phàn nàn gay gắt từ phía người sử dụng, đại diện của Apple đã có trả lời chính thức như sau:
– "Những vấn đề các bạn vừa nêu không phải là lỗi mà là ý đồ của Apple. Bởi bản Iphone 6 này Apple thiết kế để dành riêng cho các sư thầy. Sư thầy thì không có tóc, không có râu, và không mặc quần bò. Nếu bạn không phải là sư thầy mà bạn vẫn dùng Iphone 6 thì bạn phải chịu, đừng có kêu ca gì".
Đọc đến đây, Tòng bất giác đưa tay sờ lên mái tóc dài óng ả, vuốt bộ râu quai nón rậm rạp, rồi lại cúi xuống nhìn cái quần bò xanh lét mua đã gần 3 năm nhưng đến giờ vẫn không dám giặt chung với những quần áo khác bởi nó vẫn phai màu ra xanh lè cả chậu. Rồi Tòng cho tay vào trong cái túi quần trước, thò ngón tay vào cái lỗ thủng rộng bằng quả chuối ở trong ấy mà khua khoắng để cảm nhận thật rõ rệt trên đầu ngón tay mình cái cảm giác rối rắm, rậm rạp, lòa xòa, và rồi một mình mỉm cười, gật gù đầy mãn nguyện:
– Mình quả là sáng suốt khi không thèm mua Iphone 6!


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
HEO


Hôm trước cô giáo ra đề văn là: em hãy tả con gà. Đọc xong đề, con bé mừng húm vì trúng tủ. Nó cắm cúi viết:

"Em rất là thích gà, vì thịt gà ngọt, thơm, đặc biệt là khi chấm với muối ớt chanh
thì không gì tuyệt bằng. Thế nhưng mẹ em toàn mua thịt lợn, rất ít khi mua thịt gà, thường là mùng 1 hoặc hôm rằm mẹ mới mua để thắp hương. Em hỏi tại sao thì mẹ bảo thịt gà đợt này đắt lắm, của đâu màăn nhiều được.

Thường thì nếu bữa nào có món mình thích, người ta sẽ ăn được nhiều cơm hơn, nhưng em thì khác, hôm nào có thịt gà là em không ăn được miếng cơm nào, em chỉ tập trung ăn thịt gà thôi. Quan điểm của em là cơm thì ngày nào cũng có, còn thịt gà thì tháng mới được ăn một hai lần, tội gì mà phải ăn cơm trong khi đang có thịt gà.

Mẹ em thường mua gà đã làm sẵn ở chợ, da nó nhẵn nhụi, được chà nghệ vàng ươm, rất bắt mắt. Người ta mổ phanh bụng gà ra từ ngực kéo dài xuống tận phao câu. Lòng mề để riêng, nếu thích thì cho vào luộc cùng gà, còn không thì để xào với bí hoặc nấu với bánh đa. Bố em thường cho nguyên cả con vào xoong để luộc. Nước vừa sôi là đã ngửi thấy cái mùi gà béo ngậy xộc lên trong gió. Xong, bố em vớt gà ra cái rổ cho ráo nước. Da con gà lúc này không còn nhăn nheo, vàng nghệ nữa mà đã chuyển sang căng mọng, vàng sậm, toàn thân bao phủ một lớp bóng nhẫy, nhầy nhậy tiết ra từ những thớ mỡ nần nẫn nằm sâu dưới da.

Từ lúc bố vớt gà ra rổ để trên bếp là lúc em bắt đầu thập thò nấp sau cánh cửa dập dò, rình lúc không ai để ý là em mò tới ăn vụng: khi thì đoạn lòng mề, lúc thì miếng tiết, miếng gan, bữa lại quả tim, quả cật. Lần ấy, đang trốn trong buồng ăn vụng thì em nghe thấy bên ngoài tiếng bố quát rất to và bực bội:

– Cô lại ăn vụng hả?

– Đâu! Em ở ngoài sân suốt nãy đến giờ, ăn lúc nào? – Mẹ em cãi bằng giọng khá gay gắt.

– Không ăn? Không ăn mà hai hòn dái gà vừa mới đây xong đã mất tiêu. Đây là hai hòn dái để lát nữa thắp hương cúng ông nội đấy! Cô có biết lúc còn sống ông nội rất thích ăn dái không? Vậy mà cô lại nỡ ăn vụng dái của ông! Cái loại con cháu mất dạy!

Mẹ em cũng không vừa, nhất là khi bị đổ oan, thế là bố mẹ em cãi nhau to, rồi giận nhau, không ai thèm ăn uống gì, làm bữa đó một mình em phải khổ sở cố ăn cho hết con gà".

Đấy! Toàn bộ bài văn của con bé là như thế. Chưa bao giờ nó viết một bài văn nào mà cảm xúc dạt dào với những lời lẽ và ngôn từ đầy hào hứng, say mê đến thế! Ấy vậy mà lúc trả bài, cô giáo cho nó có 3 điểm kèm theo lời phê: "Lạc đề! Tôi yêu cầu tả con gà sống, không phải gà luộc". Nó ấm ức lắm, mang bài lên tận chỗ cô khiếu nại: "Rõ ràng đề ra là em hãy tả con gà, không có nói là gà sống hay gà luộc mà". Cô giáo chẳng nói gì, chỉ lấy bút sửa điểm 3 thành điểm 1, kèm theo lời phê: "Chừa cái tội dám đôi co với cô đi con nhé!".

Vài hôm sau cô giáo lại ra đề: em hãy tả đàn heo nhà em (heo sống). Con bé ôm đầu, nhăn trán đăm chiêu. Nhà nó ăn thịt heo suốt, nhưng mẹ nó chỉ mua về một hai miếng nhỏ, có bao giờ mẹ mua cả con về đâu mà nó biết con heo trông như thế nào? Huống hồ đề lại yêu cầu tả con heo sống, mà không phải một con đâu, là cả đàn heo sống. Vậy thì nó biết tả làm sao?

Nó đành lên tìm trên Google. Thế nhưng lạ lắm, rõ ràng là nó tra từ "con heo", ấy vậy mà toàn hiện ra hình ảnh mấy cô gái mắt đờ đi mụ mị, ăn mặc hở hang, thậm chí là không mặc, chỉ đang ăn, ăn cái gì nó cũng không nhìn rõ, nhưng chắc không phải là cám, bởi vì cám nó là dạng cháo chứ không phải dạng hình trụ, tròn tròn, dài dài như vậy. Nhìn mấy cái hình ảnh đó nó lại càng thêm hoang mang. Cũng may là cuối cùng con bé cũng tìm được một đoạn văn tả đàn heo như sau:

"Gia đình heo có 3 người: heo bố, heo mẹ và heo con. Cả ba rất yêu thương nhau. Hôm ấy, heo con ăn phải cái gì đấy, bị giắt răng, nó ngắc ngắc cái đầu trông rất buồn cười rồi chạy đến bên heo mẹ kêu lên: "éc! éc!". Heo mẹ bảo heo con há hồm ra, rồi lấy móng tay khều khều vào răng heo con. Loay hoay một hồi không được, heo mẹ đành quay ra gọi heo bố: "ụt ịt! ụt ịt!". Heo bố đang dũi đất ở gốc chuối, nghe heo mẹ gọi thì liền hối hả chạy lại. Cả gia đình cùng nhau hí hoáy nên chỉ lát sau đã lôi được cái mảng giắt ở răng heo con ra. Cả nhà heo vui lắm, tất cả cùng reo lên mừng rỡ: "ủn ỉn! ủn ỉn!".

Con bé chép lại y chang bài văn đó để mai mang đến lớp sẵn sàng nộp cho cô. Thế nhưng hình như cô quên thì phải, bởi mãi chẳng thấy cô thu bài. Và rồi vài hôm sau, cô lại cho cả lớp cái đề văn khác: em hãy tả một cảnh sum vầy vui vẻ của gia đình em.

Cái đề này tưởng là dễ, bởi gà hay lợn thì nó chưa được nhìn thấy bao giờ nên mới khó, chứ bố với mẹ thì con bé gặp suốt ngày, còn kêu khó gì? Ấy thế mà vẫn khó, bởi đề bài yêu cầu là tả cảnh sum vầy vui vẻ. Giá mà bắt nó tả cảnh cãi cọ, chửi bới, hoặc đánh nhau của bố mẹ nó thì nó viết một loáng xong luôn. Con bé ngồi vào bàn, cố gắng hết sức để tưởng tượng ra một cảnh sum vầy vui vẻ của gia đình, nhưng nó bất lực, và mãi không thể nặn ra một chữ nào. Nó đành ôm vở đến hỏi bố. Bố nó đang dán mắt vào chương trình quay thưởng xổ số được phát trực tiếp trên tivi. Nó gọi mấy lần bố mới quay ra với cái mặt hằm hằm:

– Biến đi! Lúc tao đang xem kết quả thì đừng có làm phiền!

Con bé đứng thừ người ra đó ngẫm ngợi bởi nó cũng chưa biết lúc nào thì nó có thể làm phiền bố nó được?! Vì lát nữa xem kết quả xong, nếu trúng, bố nó sẽ rú lên rồi lao đi lĩnh tiền, rồi tất nhiên là đi nhậu, gần sáng mới về. Còn nếu trượt, bố nó sẽ la hét, chửi bới, và rồi cũng bỏ đi, gà gáy mới về.

Và rồi, con bé quyết định mang vở vào hỏi mẹ. Mẹ nó đang ngồi trong phòng, khoanh chân trên giường cùng với mấy người nữa, tạo thành một vòng tròn khép kín, trên tay ai cũng xòe ra những lá bài nhìn như cái quạt, dưới chân ai cũng là một xấp tiền đủ loại, nét mặt ai cũng đăm chiêu, căng thẳng. Nó gọi mấy câu mà mẹ vẫn không quay ra. Thế rồi, nó nghe tiếng ai đó rú lên:

– Ù rồi! Ù rồi! Há há!

Lập tức mẹ nó vơ lấy cái gối ném thẳng vào nó, giọng đầy tức giận:

– Biến ra ngoài kia! Không thì không sao, mày vừa vào đây là tao bị ù đền! Cái loại con cái mất dạy!

Vậy là con bé chẳng hỏi được ai cả. Nó trở về bàn học, lại cố gắng hết sức để tưởng tượng ra một cảnh sum vầy vui vẻ của gia đình, nhưng nó bất lực, và mãi không thể nặn ra một chữ nào. Rồi nó chợt nhớ ra cái bài văn tả đàn heo mà nó chép được hôm trước, may mà cô giáo chưa thu. Cái bài đó hay đấy! Cũng là tả cảnh sum vầy, vui vẻ của gia đình. Nó chỉ cần chỉnh lại đôi chút là xong thôi. Chỗ nào có từ heo mẹ thì nó xóa chữ heo đi, để lại mỗi chữ mẹ; có từ heo bố thì nó chỉ để lại chữ bố, bỏ đi chữ heo; và có từ heo con cũng vậy, bỏ heo đi, chỉ giữ lại chữ con.

Thế mà bài văn đó của con bé được điểm cao nhất lớp đấy! Cô giáo khen hết lời, rồi còn đọc to cho cả lớp nghe nữa. Cô cho nó điểm 10, kèm theo lời phê: "Cô rất thích những đoạn hội thoại trong bài văn của con, dù chỉ là éc éc, ụt ịt, ủn ỉn, nhưng mà rất hợp lý, logic, và đầy biểu cảm! Giỏi lắm! Cố gắng lên con nhé!".


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
PHỤ NỮ KHÔNG HỀ KHÓ HIỂU


Đàn ông thường kêu ca rằng phụ nữ rất khó hiểu, nhưng thực tế liệu có đúng như vậy? Hãy dành chút thời gian quý báu của bạn để đọc mấy dòng tâm sự, chia sẻ sau đây của tôi, rồi các bạn sẽ thấy rằng: "Ồ! Hóa ra phụ nữ cũng không khó hiểu như ta vẫn nghĩ!".

Tôi vẫn nhớ như in cái hôm sinh nhật vợ mình, khi tôi đang băn khoăn và hoang mang chưa biết chọn mua quà gì cho vợ thì bà chị cùng công ty đã kéo tay tôi ra một góc thì thầm:
– Đợt trước có dịp khuyến mại nên chị mua cả chục lọ về dùng dần, giờ vẫn còn mấy lọ nữa ở nhà. Nếu chú muốn, chị để lại cho một lọ mang về mà tặng vợ. Cái loại này mùi thơm dễ chịu lắm, từ ngày chị dùng thì chồng chị rất thích, các sếp cũng rất thích, khen suốt!
– Nước hoa hả chị?
– Không! Là Dạ Hương!
– Vâng! Vậy chỉ để lại cho em một lọ!
Thấy bảo phụ nữ ai cũng thích quà, và ai cũng vui khi được tặng quà, nhưng sao vợ tôi lại không vậy nhỉ? Bởi từ lúc nhận được cái món quà ấy, mặt vợ tôi cứ lầm lì, chảy xị, chẳng nói gì, tối cũng không thèm ăn cơm, bỏ vào giường nằm sụt sịt. Tôi vỗ về, tỉ tê hỏi han cũng không đáp lời, lại còn quát mắng đuổi tôi ra ngoài. Đợi một lát thấy yên yên, nghĩ là vợ đã ngủ, tôi mới nhè nhẹ hé cửa định lẻn vào thì thấy vợ đang ngồi trên bàn loạt soạt viết lách cái gì đó. À, hóa ra vợ có nhật ký mà tôi không biết.
Đợi cho vợ ngủ say, tôi mới lồm cồm bò tới chỗ mấy ngăn tủ để lục tìm. Đây rồi! Cuốn nhật ký đây rồi! Giấu kỹ thế này thảo nào bao lâu nay mình lại không thể phát hiện ra. Tôi hồi hộp lật từng trang, nôn nóng muốn biết lý do tại sao hôm nay vợ tôi lại buồn phiền và bỏ ăn như vậy...
"Ngày....tháng...năm....
Hôm nay là sinh nhật buồn nhất trong đời mình, tất cả chỉ bởi cái món quà của chồng – người đàn ông bấy lâu nay mình hết lòng yêu thương, tin tưởng. Anh ấy đã tặng mình lọ Dạ Hương, khác gì anh ấy chê mình hôi hám? Hồi mới yêu, mỗi lần muốn gặp nhau là anh ấy lấy cớ nói rằng anh nhớ cái mùi thơm của mình (của mình chứ không phải "cửa mình" nhé!), rằng không được ngửi cái mùi ấy là anh không thể nào ăn cơm nổi, bởi chỉ nuốt nước bọt không đã no rồi. Vậy mà giờ, mới cưới nhau được vài tháng anh ấy đã bắt mình dùng Dạ Hương. Chẳng lẽ đàn ông là cái giống dễ thay lòng đổi dạ đến thế sao?..."
Một lần khác nữa, bà bác ở dưới quê có gửi lên cho mấy quả bưởi. Tôi thì thích ăn bưởi lắm, nên xơi một lúc hết gần hai quả. Cái giống bưởi thì các bạn biết rồi đấy, nó nhuận tràng và kích thích tiêu hóa ghê lắm, nên ăn xong một lúc là tôi bắt đầu thả bom bí bủm liên tục. Các cụ bảo "bom ai vừa mũi người ấy", nhưng quả thực cái bom bưởi này ngay cả chính tôi cũng không thể chịu đựng nổi chứ nói gì là người khác (kể cả cái "người khác" đó là vợ tôi).
Và rồi đêm hôm đó tôi không thể ngủ yên, bởi cứ được một lát lại phải vén chăn chui ra ngoài, rón rén giữ hơi, điều tiết khí công để lặng lẽ thả bom, vừa thả vừa lo ngay ngáy sợ bom phát nổ sẽ khiến vợ giật mình tỉnh giấc. Ấy thế mà không hiểu sao cả ngày hôm sau mặt vợ tôi cứ sưng như bánh chưng, gọi không nghe, nhắn tin không trả lời. Buổi tối về vứt phịch cái túi xuống giữa nhà rồi phi luôn vào phòng ngủ, đóng cửa cái "rầm". Chẳng lẽ vợ giận tôi vì cái tội đêm qua thả bom thối? Đó đâu phải lỗi của tôi? Đó là lỗi tại quả bưởi mà, tôi đâu có quyền lựa chọn được mùi bom đâu? Nếu được chọn thì hẳn tôi đã chọn cho nó cái mùi thơm ngan ngát, nồng nàn như mùi của những chùm hoa lan đang đua nở trong tiết xuân ngập tràn trên những cánh rừng đại ngàn; hoặc không thì cũng phải là thứ mùi thanh cao, tinh khiết giống như thứ hương thơm phảng ra từ những đóa hoa ly tím biếc – biểu tượng cho lòng thủy chung của một tình yêu sắt son, tha thiết.
Và để biết lý do tại sao vợ tôi lại trở nên như vậy thì tôi không còn cách nào khác là lại phải đợi đến khuya, lúc vợ đã ngủ say, rồi lồm cồm bò đến chỗ mấy cái ngăn bàn, lục tìm quyển nhật ký...
"Ngày... tháng... năm...
Hôm nay là một ngày buồn nhất trong đời mình, tất cả chỉ bởi sự vô tâm và lạnh nhạt của chồng – người đàn ông bấy lâu nay mình hết lòng yêu thương, tin tưởng. Trước giờ, anh ấy vẫn ngoang ngoác cái mồm nói rằng chỉ cần được nằm trùm chăn kín mít rồi ôm vợ ngủ là anh ấy thấy trong lòng bình yên và hạnh phúc vô bờ, dù cho ngoài trời có mưa giông, báo tố, dù cho cuộc đời còn dối trá, lọc lừa. Vậy mà đêm qua, anh ấy có vẻ không còn muốn ôm mình nữa. Chỉ ôm được một tí là anh ấy lại rón rén chui ra khỏi chăn, nằm lăn về một góc. Mình tưởng anh ấy mơ ngủ và sợ anh ấy lạnh nên đã kéo anh ấy vào, rồi trùm chăn, ôm nhau ngủ tiếp. Nhưng anh lại ôm mình rất gượng gạo, giống như bị bắt ép vậy, rồi lát sau lại thấy anh vén chăn chui ra. Đến lúc đó thì mình mới biết không phải anh đang mơ ngủ mà thực sự là anh không muốn ôm mình nữa. Sao lại phải vậy hả anh?
Nếu đã không còn yêu em, không còn tình cảm với em, nếu đã ghê sợ khi ở bên em thì anh cứ mạnh dạn, tự tin nói thẳng với em, đừng ôm em như là trách nhiệm vậy, điều đó làm con tim em đau lắm! Chẳng lẽ đàn ông là cái giống dễ thay lòng đổi dạ đến thế sao?"
Rồi tới đợt ấy, vợ tôi cho đứa em mượn xe nên không có xe đi làm. Vì vậy buổi sáng tôi tiện đường thì chở vợ qua cơ quan vợ luôn, còn buổi chiều tôi hay thất thường, hôm về sớm, hôm về muộn nên vợ bảo vợ sẽ về nhờ xe đồng nghiệp trong cơ quan. Chiều hôm đó, tôi thấy một gã khá bảnh bao đi SH chở vợ tôi về, đỗ xịch xe trước cửa. Vợ tôi xuống xe không thèm vào nhà ngay mà còn đứng đó quyến luyến, cười cười, nói nói với thằng ấy một hồi, ra điều vui vẻ và tâm đầu ý hợp lắm! Thấy tôi đi ra, vợ đã không biết ý thì thôi lại còn giới thiệu hắn với tôi bằng giọng rất hãnh diện:
– Đây là anh Hưng, hót-boi cơ quan em! Em may mắn lắm mới được về nhờ xe anh ấy đấy!
Tôi thấy vậy thì nóng mặt lắm rồi, nhưng không dám cư xử lỗ mãng sợ làm mất thể diện của vợ, đành giở giọng tươi cười:
– Cảm ơn anh đã đưa vợ tôi về! Thật làm phiền anh quá! Mời anh vào nhà uống nước!
– Thôi! Để khi khác!
Nói rồi tay Hưng hót-boi đó nổ máy phóng vù đi, vợ tôi còn cố nhìn theo đến khi bóng con SH khuất sau cái đống rác cuối ngõ mới chịu quay vào. Tôi vẫn cố gắng giữ vẻ bình tĩnh dù trong lòng khá là hậm hực, bởi suy cho cùng, tôi chẳng có cớ gì mà nổi cáu với vợ được. Tuy nhiên, không khí trong nhà tôi buổi tối hôm đó không được vui. Và ngược đời ở chỗ, người tạo nên cái không vui ấy lại là vợ tôi. Chẳng hiểu sao cô ấy cứ gắt gỏng, vùng vằng với vẻ rất bức xúc, khó chịu. Tôi đoán lại có chuyện, chắc chắn là có chuyện, nhưng lý do vì sao có chuyện thì có lẽ phải đợi đến đêm, lúc vợ tôi ngủ say thì tôi mới biết được.
"Ngày... tháng... năm...
Hôm nay là một ngày có lẽ là buồn nhất trong đời mình, tất cả chỉ bởi sự vô tâm và lạnh nhạt của chồng – người đàn ông bấy lâu nay mình hết lòng yêu thương, tin tưởng. Người ta bảo yêu nhau thì phải ghen, ghen mới chứng tỏ là yêu, rằng ghen là gia vị của hạnh phúc. Ấy vậy mà chồng mình thì không! Anh ấy thấy mình cười nói, lả lơi với một người đàn ông khác mà vẫn cứ thản nhiên như thường. Mình đã cố ý tạo ra những hành động đong đưa để xem phản ứng của anh ấy ra sao, nhưng thực sự mình đã thất vọng! Không biết mình là vợ hay là em gái của chồng mình nữa đây?".
À! Hóa ra lý do là vậy! Nếu không nhờ cuốn nhật ký này thì tôi nghĩ dù có dành cả phần đời còn lại của mình để học tập, nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích, chắc cũng chẳng bao giờ tôi tìm ra được câu trả lời. Nhưng không sao, nếu vợ muốn, tôi sẽ làm cho vợ hài lòng. Vậy là hôm sau tôi xin về sớm, rình sẵn ở cửa. Vẫn là cái thằng Hưng hót-boi SH ấy chở vợ tôi về. Xe vừa dừng, vợ tôi còn chưa kịp đặt chân xuống đất thì tôi đã chồm tới đạp thẳng vào mạng sườn của thằng hót-boi. Nó kêu cái "hự" rồi bắn ra, lăn vài vòng trên đất, chiếc xe SH đổ kềnh, cái bánh xe chỏng lên, quay tít mù. Tôi một tay lôi vợ vào nhà, một tay chỉ thẳng mặt tên hót-boi đó gằn giọng:
– Thằng chó! Tao không khiến mày chở vợ tao về nữa! Mày tưởng mày có SH là ngon sao? Tao thà để vợ đi bộ còn hơn là phải ngồi nhờ xe mày! Cút!
Sau màn ghen tuông chứng minh tình yêu ấy, những tưởng vợ tôi sẽ hài lòng, sung sướng lắm, nhưng không, vợ tôi mặt hầm hầm, lao luôn vào phòng ngủ, đóng cửa cái "rầm", hỏi không nói, gọi không nghe. Vậy là sao? Lại có chuyện gì nữa? Tôi đoán chắc chắn là có chuyện, nhưng lý do vì sao có chuyện thì lại phải đợi đến tối, lúc vợ tôi ngủ say thôi.
"Ngày... tháng... năm...
Hôm nay là một ngày buồn nhất trong đời mình, tất cả chỉ bởi sự nông cạn và thô lỗ của chồng – người đàn ông bấy lâu nay mình hết lòng yêu thương, tin tưởng. Đã yêu nhau thì phải tin tưởng nhau chứ? Tại sao lại ghen tuông mù quáng thế? Người ta chỉ ghen khi mà tình yêu dành cho nhau chưa đủ lớn, chưa đủ để tạo cho nhau một niềm tin vững chắc. Mà mình với anh Hưng hót-boi ấy có cái gì đâu, chỉ là đồng nghiệp trong sáng. Vậy mà cũng ghen được! Thật vớ vẩn! Chẳng lẽ mình lại vớ phải thằng chồng u tối và nông nổi thế sao?".
Trên đây chỉ là một vài vụ tiêu biểu, nhưng tôi nghĩ như vậy là đủ để mấy người đàn ông hay kêu ca hiểu được rằng: phụ nữ thực ra rất dễ hiểu! Nếu bạn vẫn thấy phụ nữ khó hiểu thì chẳng qua là vì bạn chưa được đọc nhật ký của họ mà thôi!


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
TỰ TRUYỆN CỦA TÒNG


Chém gió nhiều, bịa đặt nhiều, và kể chuyện của người khác cũng nhiều rồi, thế nên hôm nay Tòng xin phép kể chuyện thật, và là chuyện của chính Tòng.
Vì là chuyện của Tòng nên các bạn đừng hi vọng sẽ có những chi tiết bậy bựa, bởi những thứ bậy bựa thường chỉ gắn liền với những thằng mất dạy, đểu, còn Tòng thì từ bé đến lớn đã nổi tiếng khắp làng vì sự trong sáng, đứng đắn, và ngoan, thế thì lấy đâu ra cái bậy bạ mà kể?
Chả là mấy bữa trước về quê dọn nhà cho mẹ, thấy một cuốn sổ bằng bàn tay, mốc meo, cũ mèm, nằm giắt và khuất vào giữa mép tủ với cái góc tường. Nhìn và nhận ra ngay đây là cuốn sổ có từ cái hồi Tòng đi thi đại học. Hồi hộp mở lại từng trang ố vàng, loang lổ trong cuốn sổ đầy kỉ niệm, mùi ẩm mốc nồng nồng xộc vào mũi, và mùi của những tháng ngày tuổi trẻ đầy hoài bão, nhiệt huyết cũng theo đó xộc vào tim, râm rỉ, cồn cào. Rồi Tòng dừng lại ở một trang giấy lấm lem có dòng chữ khá đẹp, tròn trịa, ghi: "Nguyễn Phương Linh, con thầy Tinh, hiệu trường trường tiểu học Phương Đông, Uông Bí, Quảng Ninh".
Nhìn mẩu giấy đó, Tòng bất giác mỉm cười, bởi nó gợi cho Tòng lại những chuyện khá buồn cười. Và bây giờ, Tòng xin bắt đầu kể lại cho các bạn nghe vì sao có cuốn sổ và có dòng chữ đó.
Từ bé, Tòng đã muốn trở thành họa sĩ. Thứ nhất bởi cũng thích vẽ, thứ hai là vì đợt ấy xem trên tivi, có một bộ phim về một ông họa sĩ tài ba chuyên vẽ tranh khỏa thân rất đẹp. Ông ấy thuê những người mẫu nữ về nhà riêng của ông ấy để vẽ, toàn là mấy cô xinh như hoa. Lập tức ước mơ được làm họa sĩ đã bùng cháy trong lòng Tòng, bởi làm quái gì có cái nghề nào mà chỉ phải ngồi trong nhà nhàn hạ, thoải mái ngắm gái đẹp khỏa thân, vẽ vời linh tinh và rồi mỗi bức tranh lại bán được cả gần triệu bạc. Tòng hồi đó còn bé, cũng chưa biết gần triệu bạc nó lớn thế nào nên mới chạy tới hỏi mẹ. Mẹ nghe xong thì bảo:
– Bằng gần tấn thóc con ạ! Bằng công mẹ mày cày mặt ngoài đồng, phơi lưng ngoài ruộng cả năm ròng đấy con!
– Dạ! Vậy mẹ yên tâm, lớn lên con sẽ làm họa sĩ, con vẽ vèo một phát xong bức tranh, bán cả triệu bạc, mẹ khỏi đi làm đồng chi cho vất vả!
– Mày ra sông vớt bèo về nấu cám cho lợn đi! Nó đang réo ầm ĩ ngoài chuồng kia kìa! Đứng đó mà lảm nhảm mãi!
Thế rồi đến năm lớp 12 cuối cấp, ước mơ ấy vẫn không tắt. Và trong khi cả lớp hối hả học thêm Toán, Hóa, Văn, Sử, Địa, Ngoại Ngữ, Sinh, Lý để thi các khối A, B, C, D thì riêng Tòng chỉ cặm cụi vẽ lưu bút cho các bạn, chả thiết học hành. Ai nhờ vẽ gì cũng vẽ hết: nào là hai con chim chu mỏ mổ nhau, rồi thì mũi tên xuyên qua trái tim rỉ máu, rồi cành phượng hồng nở tung tóe những cánh hoa; có bạn thích Bếch-Khăm, Đan Trường, có bạn thích diễn viên Hàn Quốc, ai cũng được, chỉ cần đưa sổ và đưa ảnh mẫu đây, một ngày sau sẽ xong hết.
Không chỉ vẽ cho lớp Tòng mà cả mấy bạn lớp khác cũng nhờ vẽ, người nọ quảng cáo cho người kia, thế nên lúc cao điểm nhiều khi có tới gần hai chục quyển sổ lưu bút xếp chồng lên trước mặt chờ vẽ. Vẽ ở lớp chưa đủ, phải mang cả sổ về nhà, nhiều đêm ngồi chong đèn hì hụi vẽ đến 2,3 giờ sáng. Mẹ Tòng thấy vậy thì vô cùng phấn khởi, thường xuyên đi khoe với hàng xóm:
– Thằng con nhà tôi chăm học lắm! Nó ngồi vào bàn học từ lúc gà lên chuồng, ngồi miết đến tận lúc gà gáy thì nó mới chịu lên giường.
Thi tốt nghiệp xong, còn thời gian khoảng 1 tháng, Tòng quyết định lên Hà Nội học vẽ thêm cho khỏi bỡ ngỡ, và cũng là để biết xem cái trường đó nó thi thố kiểu gì. Hôm trước khi đi, mẹ gói ghém cho đủ thứ, nào quần áo, khăn mặt, rồi đồ ăn thức uống. Tưởng là đã đủ rồi, ai ngờ về sau mẹ còn dúi vào tay Tòng một cái túi ni-lông màu đen...
– Gì đây mẹ?
– Quần sịp đấy! Ai lại con trai lớn tướng rồi mà cứ không chịu mặc sịp!
– Con mặc quần đùi bên trong là được rồi mà! Mặc sịp nóng và khó chịu lắm!
– Ở quê thì sao cũng được, nhưng lên Hà Nội người ta lịch sự lắm, ai cũng đều mặc sịp cả, họ mà biết con không mặc, họ cười cho đấy!
Mẹ đã nói thế thì Tòng đành cầm. Lên Hà Nội, cũng có một đôi lần lôi ra mặc, nhưng quả thực là Tòng không quen, vì mấy cái đường may ở mép quần hơi cứng, nó cứ cọ vào đùi, vào mông rất khó chịu. Hơn nữa, cũng bởi quần khá chật và bí bích, nên lúc bình thường thì còn đỡ, chứ lúc không bình thường, tức là lúc ra đường, gặp mấy em xinh tươi ăn mặc theo kiểu gọi mời là cái khó chịu nó tăng lên. Mà hồi ấy mới lên Hà Nội nên còn háo hức, lại đang trẻ khỏe, thành ra cứ bước ra đường là lập tức rơi vào tình trạng không bình thường. Vì vậy nên cuối cùng Tòng vẫn quyết định là không mặc!
Sau một tháng học tập chăm chỉ thì Tòng cũng đã ngộ ra được nhiều thứ, rằng những cái mình vẫn vẽ trước đến giờ toàn là theo bản năng, chứ đi thi thì lại cần sự bài bản và nguyên tắc, phải chú trọng đến bố cục, sáng tối, mảng miếng, đến gam nóng, gam lạnh, đến sự tương phản hay ăn nhập của các hình, các khối. Tòng đã được vẽ người mẫu, nhưng không phải mẫu nữ mà là mẫu nam, và không phải mẫu khỏa thân mà là mẫu mặc quần sịp. Nhiều hôm về nhà tự luyện tập vẽ thêm nhưng không có mẫu, Tòng đành phải tự làm mẫu cho mình, tự cởi quần áo mình ra, mặc mỗi quần sịp, ngồi trước gương mà vẽ. Nói thật là lúc ấy mặc quần sịp cũng khó chịu lắm, nhưng vẫn phải cố, bởi nếu mặc quần đùi thì sẽ che hết các đường nét mơn mởn, căng tràn trên cơ thể của một câu thanh niên mới lớn, sẽ mất hết vẻ đẹp, sự quyến rũ trời phú. Còn nếu cởi hết ra thì lại càng không thể, bởi cái chỗ đó nó khá phức tạp và rối rắm, không vẽ thì không được mà vẽ thì sẽ mất rất nhiều thời gian tỉa tót.
Vẽ người thì thường là vẽ bằng chì, còn vẽ màu thì các thầy thường mang hoa và trái cây đến để làm mẫu vẽ. Sau một vài buổi học vẽ màu thì Tòng rút ra được kinh nghiệm đó là phải vẽ trái cây trước, còn hoa hoặc mấy cái chai lọ khác sẽ vẽ sau. Bởi ở lớp có một thằng rất bựa, nó chỉ rình rình lấy trộm mẫu để ăn. Cứ hôm nào mẫu vẽ có cam, bưởi, xoài, thanh long là thế nào cũng sẽ có lúc đang cắm cúi vẽ, ngẩng lên đã không thấy mẫu đâu, nhìn ra góc lớp thì đã thấy thằng đó đang núp sau tấm bảng, bóc cam ăn ngon lành. Mọi người có kêu ca, phàn nàn hay chửi mắng thì thằng đó vẫn cười hềnh hệch, giọng nhăn nhở:
– Tôi ăn là muốn tốt cho mọi người thôi! Bởi một họa sĩ giỏi không phải chỉ ở đôi mắt quan sát mà còn là ở bộ óc biết tưởng tượng. Không có mẫu mà vẫn vẽ được, ấy mới là người họa sĩ tài!
Nói mãi không ăn thua nên về sau, những hôm học vẽ màu, thầy giáo thường mang chuối xanh, bắp cải, xu hào đến để làm mẫu, thay vì là cam, bưởi, xoài như trước đó.
Thế rồi ngày thi Đại học quan trọng cũng đã tới. Buổi đầu tiên thi môn Văn, vì sợ tắc đường nên Tòng đạp xe đến địa điểm thi khá sớm. Sớm quá nên chả biết làm gì, đành dắt xe vào cái công viên gần ngay đó, nằm ngả lưng lên ghế đá tí cho đỡ mỏi. Ấy vậy mà thiếp đi lúc nào không hay, lúc giật mình tỉnh dậy thì ôi thôi, cái xe đạp dựng bên cạnh đã không cánh mà bay, cái ba lô ôm trên bụng cũng mất tiêu, cả đôi dép quai hậu cũng mất nốt (về sau mới biết rằng cái công viên Tòng nằm là tụ điểm của bọn nghiện). Lúc ấy Tòng không tiếc của, bởi cái xe đạp cũ mèm, chả đáng gì, dép quai hậu thì một bên đã đứt mõm, một bên cũng rách quai, Tòng chỉ tiếc cái balo, dù là cái balo đã cũ sờn, sắp rách, nhưng trong ấy lại chứa tất cả các giấy tờ quan trọng: nào thẻ dự thi, chứng minh thư, giấy chứng nhận tốt nghiệp...
Đến giờ vào phòng thi rồi mà lại mất hết giấy tờ nên Tòng hoảng loạn lắm, muốn khóc mà không khóc nổi (chứ không phải là "cười rồi khóc, khóc rồi cười" đâu). Rồi mắt Tòng lóe lên khi thấy cái balo của mình đang nổi lềnh phềnh giữa hồ như con chó chết trôi. Lập tức Tòng nhảy ùm xuống, bơi ra vồ lấy cái balo rồi lại hối hả bơi vào, cuống cuồng lục tìm. Thằng nghiện khốn nạn, nó lấy hết tất cả những gì có thể dùng được, từ cái bút, quyển vở, cái thước kẻ, cũng may là mấy cái giấy tờ của mình chẳng có giá trị gì với nó nên nó không thèm lấy, và cũng may là cái balo đã nát quá, nên nó mới quẳng xuống hồ.
Vậy là cắm đầu cắm cổ chạy vào phòng thi, quần áo ướt sũng, nước nhỏ tong tong, mỗi bước chạy đạp xuống đường là mỗi lần nghe tiếng lép nhép, trơn trượt, từng viên đá dăm nhọn găm vào gan bàn chân trần đau điếng. Kệ, Tòng vẫn chạy...
– Thưa thầy cho em vào thi ạ!
Tòng vừa nói vừa thở hồng hộc. Tức thì cả phòng thi đồng loạt quay ra, trợn mắt lên nhìn Tòng như nhìn một sinh vật lạ. Cũng phải thôi, bạn đã thấy ai vào phòng thi mà đi chân đất, không sách vở, không bút thước, và quần áo thì ướt như vừa ngâm nước chưa? Trong khi chúng nó thì ngay ngắn, chỉnh tề, còn Tòng thì lôi thôi, lếch thếch như con ếch. Nhưng lúc ấy Tòng cũng đếch quan tâm, được vào thi là ngon rồi!
Đọc xong đề thi, chuẩn bị làm bài thì mới nhớ ra là không có bút. Đang nhìn ngó xung quanh xem ai có hai bút để mượn thì Tòng bỗng thấy có cái gì đó chọc chọc vào lưng mình. Quay lại thì ra là một con bé khá xinh, cười rất tươi khoe hàm răng trắng tinh. Nó đang hươ hươ cái bút, ý bảo Tòng cầm lấy mà dùng. Có bút rồi, Tòng ngồi im cặm cụi làm bài. Nhưng được một lát lại thấy con bé ấy đập đập vào lưng. Quay lại thì thấy nó đang phe phẩy tờ giấy, giọng thều thào:
– Cậu không có giấy nháp hả? Cho cậu một tờ làm nháp này!".
Nhận tờ giấy của con bé ấy mà Tòng thấy khá buồn cười. Không biết nó đi thi hay là đi làm tình nguyện viên phục vụ cho zai đẹp đây? Nhưng thôi, mặc xác nó, phải tập trung làm bài đã.
Nói là phải tập trung, nhưng tập trung không nổi, không phải bởi con bé xinh xắn ngồi sau, mà là bởi bộ quần áo ướt sũng vẫn đang bết từng mảng trên người Tòng bắt đầu gây khó chịu, ngứa ngáy. Lúc trước hoảng loạn thì chẳng để ý gì nhiều, nhưng giờ bị ngứa thì Tòng mới nhớ ra là cái hồ ở trong công viên ấy rất bẩn, nước đen ngòm, rêu váng bám vào nhau cả tảng, rồi rác rưởi, cặn bã hôi thối dồn đống, tích tụ, nồng nặc cả một góc hồ. Bởi vậy, cứ viết được vài dòng thì Tòng lại phải dừng bút, cho tay vào trong quần gãi say sưa. Bao nhiêu ngôn từ lãng mạn, bao nhiêu ý văn bay bổng vừa chực chui ra thì đã bị cơn ngứa hung hãn chồm tới nuốt chửng. Thế nhưng đang gãi khí thế thì Tòng lại bị làm phiền, lần này không phải là con bé xinh xắn ngồi sau mà là cái thằng bị đao ngồi ngay bên cạnh:
– Mày có thể đợi lát nữa thi xong rồi hẵng gãi được không? Mày gãi rung hết cả bàn ghế, tao không viết được!
– Vậy mày có thể đợi lát nữa thi xong hẵng viết được không? Chứ tao đang ngứa lắm, không gãi không được!
Thằng bị đao đó nghe vậy thì cái mặt lì lì, chẳng nói thêm gì, cặm cụi viết tiếp. Còn Tòng cũng chẳng nói thêm gì, cặm cụi cho tay vào trong quần gãi tiếp.
Nộp bài xong, Tòng lững thững đi bộ ra ngoài cổng. Quần áo đã khô, nhưng cáu bẩn, rong rêu và cái mùi hôi thối của nước hồ thì vẫn bám theo dai dẳng. Đang đi thì Tòng nghe ai đó gọi giật tên mình. Lạ nhỉ! Tòng có quen ai ở cái chốn phồn hoa âm hộ, à nhầm, phồn hoa đô hội này đâu, sao lại có người biết tên được? Quay lại thì ra là con bé xinh xắn ngồi sau mình vừa nãy:
– Sao biết tên tao? Mày gọi để đòi bút hả? Đây! Trả đây! Có mỗi cái bút mà cũng...
– Đùa, trông người không đến nỗi nào mà ăn nói thì... Có biết tại sao tớ cho cậu mượn bút, mượn giấy nháp không?
– Chắc tại vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú?
– Đúng nhưng chưa đủ!
– Còn thiếu gì?
– Tại thấy cậu không mặc quần sịp! Ha ha ha!
Con bé đó cười sằng sặc rồi chạy vụt đi, rẽ vào trong cái ngõ bé tí tẹo, sâu thăm thẳm...
Hôm sau là buổi thi vẽ chì, cụ thể hơn là vẽ mẫu nam cởi trần mặc quần sịp. Cái này thì trong một tháng ôn luyện Tòng đã được vẽ nhiều rồi, nên rất tự tin. Đặc thù của mấy cái môn năng khiếu này đó là thời gian thi rất dài: 8 tiếng đồng hồ, suốt từ 8h sáng đến tận 16h chiều mới kết thúc, buổi trưa thí sinh không được ra ngoài mà phải mang theo bánh mì, sữa, nước uống để tranh thủ ăn ngay tại phòng thi. Tòng thấy thời gian 8 tiếng là quá nhiều, bởi bình thường, với những bức vẽ kiểu này, Tòng chỉ cần khoảng 4 tiếng là đủ. Vậy nên khi thời gian mới chỉ trôi qua được 2 tiếng, Tòng đã phác xong bố cục và những đường khối cơ bản, chỉ còn đánh bóng và tạo mảng sáng tối nữa là xong, thế nên Tòng vẽ rất nhởn nhơ, vừa vẽ vừa nhìn quanh, nghiêng ngó vu vơ.
Nhìn mấy đứa khác trong phòng vẽ thì Tòng biết ngay đứa nào đã được học vẽ, được ôn luyện, và đứa nào chỉ vẽ bằng bản năng. Đứa đã được học, được luyện, dù là một tuần hoặc chục ngày thì nhìn cũng vẫn khác, bởi nó sẽ đo tỉ lệ, phác thảo, phân mảng, chia bố cục ba phần đầu, thân và tay chân rất bài bản, đúng quy trình. Còn cái đứa vẽ theo bản năng thì cứ thích chỗ nào là tập trung vẽ cho xong chỗ ấy, những chỗ khác tính sau. Có đứa mới chỉ vẽ được cái chân, có đứa được cái tay, và có đứa đã vẽ gần xong cái đầu, đang tô mắt, kẻ râu.
Đang ngắm nghía lung tung thì chợt có ai đó chọc chọc vào lưng Tòng. Quay lại, vẫn là con bé xinh xinh hôm qua...
– Chọc cái gì? Hôm nay tao có bút rồi, khỏi cần mượn!
– Vẽ hộ tớ với! Tớ vẽ mãi mà chửa đâu vào đâu!
Tòng quay sang nhìn vào bài vẽ của con bé ấy và suýt nữa thì sặc, may mà còn kịp đưa tay lên bịt mồm chứ nếu phá ra cười thì cả phòng thi sẽ chửi Tòng là thằng điên. Nhưng thực sự là không thể không cười, bởi con bé đó mới chỉ vẽ được một đoạn từ rốn trở xuống và từ bẹn trở lên, trên đó nổi bật nhất là cái sịp của anh người mẫu, màu đen tuyền, u lên một cục. Thôi thì con gái đã nhờ, mình là đàn ông, chả lẽ lại không giúp? Hơn nữa, hôm qua, chính nó đã cho Tòng mượn bút và giấy nháp. Vậy là Tòng cầm bút, nheo mắt đo tỉ lệ, rồi múa những nét chì điêu luyện, liến thoắng và nhoang nhoáng trên tờ giấy vẽ (đoạn này Tòng có miêu tả hơi quá một tí cho nó thêm phần lôi cuốn). Con bé đó đứng bên cạnh vừa tròn mắt nhìn Tòng vẽ, vừa tỉ tê hỏi chuyện:
– Cậu được học vẽ bài bản đúng không? Chả bù cho tớ, chỉ vẽ theo bản năng.
– Biết chứ!
– Sao biết?
– Thì mấy người vẽ theo bản năng họ không vẽ tổng thể mà thường tập trung vẽ từng bộ phận một, bộ phận nào thu hút họ nhất thì họ sẽ vẽ bộ phận đó trước.
Con bé nghe xong thì đá cái "bụp" vào chân Tòng một phát khá đau. Nhưng Tòng vẫn thản nhiên như không, rồi lại hỏi nó:
– Sao hôm qua mày biết tao không mặc sịp?
– Không chỉ mình tớ biết, mà cả phòng đều biết! Lúc cậu đứng trước cửa phòng, quần áo ướt sũng bết chặt vào người, nhìn rõ luôn!
Tòng cúi gằm mặt, không nói gì, chăm chú vẽ tiếp. Lúc này, không chỉ con bé đó mà cả mấy đứa xung quanh cũng xúm lại xem Tòng vẽ, và mọi rắc rối xảy ra cũng đều bắt đầu từ đó. Giám thị trong phòng thì khá trẻ nên thoải mái, thấy Tòng vẽ hộ cũng chẳng thèm ý kiến gì, nhưng con mụ giám thị hành lang thì không thế, nó thấy một nhóm túm tụm lại thì xồng xộc lao vào, quát um lên:
– Cái gì thế này? Phòng thi hay cái chợ? Xúm lại chỗ này làm cái gì?
Mấy đứa nghe vậy thì tản hết, ai về chỗ người nấy. Còn Tòng thì vẫn hốt hoảng chưa biết phải làm sao. Nếu Tòng cũng bỏ về chỗ của Tòng thì khác nào Tòng thú nhận với mụ ta là Tòng đang vẽ hộ con bé đó, bởi vì mụ ta đã nhìn thấy Tòng vẽ nãy giờ rồi. Mà không về cũng không ổn, bởi cái bài thi của Tòng vẫn ở kia và không có ai đứng đó cả, và bà ấy sẽ nghi ngay. Đang rối bời thì con bé đó đã lập tức chạy lại chỗ bài vẽ của Tòng, cầm bút đưa đi đưa lại, vờ như đấy là bài của nó. Nhưng con mụ giám thị hành lang có vẻ như đã đánh hơi thấy sự bất thường, mụ lập tức nhào tới chỗ bài thi của Tòng nghiêng ngó, kiểm tra. Tất nhiên là đến lúc đó thì không thể cứu vãn được nữa rồi, bởi Tòng đang vẽ bài của nó, còn nó thì lại vẽ bài của Tòng. Cả hai đều bị lập biên bản và lập tức đình chỉ thi.
Con mụ đó lôi biên bản ra, hí hoáy viết cái gì đó rồi đưa bút bắt Tòng ký. Tòng cầm bút, ngẫm nghĩ một lát rồi cái cảm giác uất ức không hiểu từ đâu nó ập tới, ứ nghẹn nơi cổ họng. Tòng đập mạnh cái bút xuống nền nhà rồi gào lên:
– Đéo ký! Đằng đéo nào cũng trượt rồi! Ký làm đéo gì!
Rồi Tòng cứ thế chạy ù ra cổng như để thoát khỏi cái cảm giác bực bội, nghèn nghẹn khó chịu đang dồn lên đầy ngập trong lòng. Có người đang chạy đuổi theo Tòng thì phải. Quay lại, vẫn là con bé ấy...
– Mày đuổi theo tao làm cái quái gì vậy?
Con bé vừa mếu, vừa khóc, nức nở...
– Tớ xin lỗi đã liên lụy đến cậu! Là lỗi tại tớ...
– Không phải lỗi tại mày!
Nói xong, Tòng lại cắm đầu bước đi. Nhưng con bé đó vẫn chạy theo...
– Cậu định đi đâu?
– Thi xong rồi, ra bắt xe về quê chứ còn đi đâu!
Rồi Tòng lại tiếp tục đi, và rồi con bé đó lại chạy theo, dúi vào tay Tòng quyển sổ bằng bàn tay...
– Tớ có ghi địa chỉ của tớ ở trong này! Nhớ viết thư cho tớ nhé! Đợi thư của cậu!
Nói xong, con bé lầm lũi rẽ vào trong cái ngõ bé tí tẹo, sâu thăm thẳm.
Thi đại học gì mà chưa biết điểm đã biết trượt, nên từ hôm đi thi về, Tòng đâm ra chán nản, bỏ đi chơi cùng lũ bạn miết. Ngày thì đá bóng, tắm sông, tối thì rượu sung, rượu ốc, Tòng quên luôn cả cuốn sổ mà con bé đó đã đưa, và cũng chẳng biết đã vứt nó ở xó nào.
Nhưng chơi mãi cũng chán, và cũng đến lúc phải vạch ra một kế hoạch cho tương lai. Tòng đã định lên Hà Nội ôn để thi lại cái trường đó, nhưng rồi một hôm đi chợ, gặp một bà thầy bói, bà ấy chỉ thẳng vào mặt Tòng và bảo rằng: Mày thi bất kì cái gì cũng đỗ, nhưng thi vẽ thì không bao giờ đỗ con ạ! Không đỗ không phải bởi con không đủ tài, mà bởi con bị gái nó ám! Không tin thì con cứ thi vẽ đi! Thi 10 năm sẽ trượt cả 10, và lý do thì chỉ có một: vì gái!
Tòng nghe vậy thì thấy đúng quá và sợ quá, lập tức chuyển sang khối D thi Ngoại Ngữ! Mà đúng là thi Ngoại Ngữ thì đỗ luôn thật! Tiên sư bố bà thầy bói!
Hơn 10 năm trôi qua, cuốn sổ ấy vẫn nằm giắt và khuất vào giữa mép tủ với cái góc tường. Mãi đến hôm dọn nhà vừa rồi mới là lần đầu tiên Tòng đọc, và cũng mãi hôm đó Tòng mới biết con bé ấy tên là Nguyễn Phương Linh, con thầy Tinh, hiệu trường trường tiểu học Phương Đông, Uông Bí, Quảng Ninh. Và rồi Tòng tự hỏi: nếu bây giờ mình viết thư tới địa chỉ này, liệu con bé ấy có nhận được không nhỉ? Chắc là không, bởi nhiều khả năng thầy Tinh đã về hưu, hoặc bị chuyển công tác, hoặc nếu có nhận được thì chắc con bé đó cũng không thể nhớ nổi Tòng là ai – trừ khi Tòng gửi kèm cho nó bức ảnh chụp lúc Tòng vừa mới bơi từ dưới hồ lên, quần áo bết dính vào người, và không mặc quần sịp!
Tòng không vứt cuốn sổ đi mà lau chùi nó sạch sẽ rồi cất vào góc cái hòm gỗ cũ để trên gác, dù biết rằng sẽ chẳng bao giờ dùng cuốn sổ này, và dù biết rằng giá trị sử dụng của nó gần như không còn. Bởi nếu người ta chỉ chăm chăm giữ cho mình những thứ mà họ cho rằng vẫn còn giá trị sử dụng, và lấy giá trị sử dụng làm tiêu chuẩn để đánh giá mọi thứ, thì cuộc đời này sẽ buồn tẻ biết bao nhiêu!


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
CHIM BIẾT NÓI


Dù là đàn ông nhưng tôi rất mê chim và đã biết chơi chim từ khi 16 tuổi, tức là lúc bắt đầu dậy thì. Tính đến nay, tôi đã có gần 20 năm kinh nghiệm chơi chim, cả chim ngoại (tức chim Tây) và chim nội (tức chim ta).
Nhiều người chơi chim (đặc biệt là các chị em phụ nữ) hay thích chim Tây, vì chim Tây to, đẹp mã, da dẻ hồng hào, lông vừa dài vừa nhiều màu sắc, lại mượt mà. Nhưng tôi khuyên các bạn (đặc biệt là các chị em phụ nữ) một điều thật lòng như thế này: "Chim quý không phải ở chỗ to hay nhỏ, cũng không phải ở cái mã, mà là ở cách hót, ở sức khỏe, ở độ dẻo dai, độ bền". Quan trọng nhất vẫn là tìm được con chim phù hợp với mình.
Nếu bạn là người yếu sức (sức ở đây là sức mạnh về kinh tế nhé!) mà bạn lại cứ thích chim Tây thì rõ là không ổn, bởi chim Tây ăn rất khỏe, ngày nó có thể ăn vài lần, mỗi lần ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ, liệu bạn có đủ sức (sức ở đây là sức mạnh về kinh tế nhé!) để đáp ứng cho nhu cầu ăn của nó? Một vài tuần thì bạn còn cố xoay sở, chịu đựng được, chứ liên tục như thế vài tháng thì việc bạn kiệt sức là điều khó tránh khỏi (sức ở đây là sức mạnh về kinh tế nhé!).
Vườn nhà tôi bây giờ lúc nào cũng có khoảng vài trăm giống chim nội ngoại đủ loại, lồng chim treo lủng lẳng rợp lối đi. Tôi không nuôi chim để chơi mà tôi nuôi để bán. Khách đến xem và mua chim đông lắm. Đặc biệt tôi còn có khả năng dạy chim nói theo yêu cầu của khách, vì vậy mà khách họ rất thích.
Khách đến mua chim, sau khi chọn được một con ưng ý, thì thường đề nghị tôi dạy cho con chim ấy biết nói mấy câu chào hỏi cơ bản, hoặc thậm chí những câu giao tiếp phức tạp hơn một chút. Tất nhiên là câu càng dài, càng khó thì tiền công mà khách phải trả cho tôi càng cao. Và tất nhiên là chim cũng chỉ giao tiếp được một số câu cố định do phản xạ theo thói quen thôi, chứ không thể trò chuyện tâm sự với ta giống như một người bạn được, nếu nó làm được vậy thì nó thành yêu quái rồi chứ không còn là chim nữa.
Việc dạy nói thì cũng muôn hình muôn vẻ lắm, mỗi khách một sở thích, một yêu cầu riêng. Phổ biến nhất vẫn là mấy câu kiểu như: "Xin chào!" "Cảm ơn!" "Tạm biệt!", "Oh Shit!", "Fuck you", "Come on Baby". Riêng lần ấy có một chị còn khá trẻ đến mua chim thì cứ hỏi là chim này có treo trong phòng tắm được không? Rồi yêu cầu tôi dạy chim nói chỉ một câu duy nhất: "Mặc quần áo vào! Mặc quần áo vào!". Về sau mới biết là bởi chị này mắc bệnh đãng trí, nhiều lần tắm xong quên không mặc quần áo, cứ để tồng ngồng như vậy ra ngoài phòng khách, thậm chí ra cả ngoài đường. Vì vậy chị ấy muốn mua con chim này treo trong nhà tắm để mỗi lần tắm mà có đãng trí thì nó sẽ có trách nhiệm nhắc nhở chị: "Mặc quần áo vào! Mặc quần áo vào!".
Thế nhưng mua chim về được vài ngày thì đã thấy chị mang chim trả lại, nói không mua nữa, và bắt tôi hoàn lại tiền. Tôi hỏi tại sao thì chị bảo rằng con chim này cũng bị đãng trí giống chị. Những lúc chị không tắm mà chỉ vào đó để đi vệ sinh hoặc giặt quần áo thôi thì nó cứ kêu loạn lên là "Mặc quần áo vào! Mặc quần áo vào!", còn cái lúc chị tắm thật thì nó cứ há hốc mồm lên nhìn, rồi mắt đờ đi, chẳng kêu được tiếng nào, thành ra chị lại quên. Tóm lại đó là một con chim không có tác dụng gì.
Một ông khách nữa thì không cần chim nói mà chỉ muốn tôi dạy cho chim rên rỉ được thôi. Tôi còn chưa hiểu là rên như thế nào thì ông ấy đã lấy điện thoại ra, mở một đoạn phim sex của Nhật lên rồi nói:
– Đấy! Rên như diễn viên nữ này là được!
Hỏi ra mới biết là vợ ông ấy bị lãnh cảm, lúc vợ chồng quan hệ thì bà vợ cứ nằm im như khúc gỗ, không một tiếng kêu, không biểu lộ tí cảm xúc gì, nên ông ấy muốn mua con chim này về treo ở đầu giường, khi nào vợ chồng gần gũi thì ông ấy sẽ bắt con chim rên lên để tạo cảm hứng.
Thế nhưng cũng chỉ được vài ngày lại thấy ông ấy mang chim đến trả, rồi đòi hoàn lại tiền. Tôi thấy vậy thì liền thắc mắc:
– Sao thế? Nó không chịu rên à?
– Có rên! Rên rất to và rất giống là đằng khác!
– Thế tại sao trả lại?
– Tại nó không phân biệt được lúc nào nên và lúc nào không nên rên. Hôm qua, bố mẹ vợ tôi qua nhà tôi chơi, trong lúc bố vợ tôi đang ngồi ngoài phòng khách, chỉ có tôi với mẹ vợ nói chuyện ở trong buồng, vậy mà nó cũng rên ầm ĩ lên...
Tất nhiên, những lần bị khách mang chim trả lại như vậy rất hiếm, hầu hết là khách đều hài lòng với chim của tôi. Tuần trước có một vị khách rất giàu có, ông ấy đến ngắm nghía và chọn một con chim đẹp nhất, quý nhất, rồi muốn tôi dạy nói cho nó. Nhưng không phải dạy nói mấy câu bình thường mà là dạy theo kiểu một cuộc hội thoại. Nghĩa là khi ông ấy hỏi nó câu gì thì nó phải trả lời đúng câu đó. Tất nhiên là câu hỏi và câu trả lời thì ông khách đã có mẫu sẵn, tôi chỉ việc huấn luyện cho con chim học thuộc câu trả lời rồi mỗi khi nghe câu hỏi thì tự lựa chọn ra câu trả lời tương ứng để đáp lại mà thôi.
Cụ thể câu hỏi và câu trả lời mẫu mà ông khách đưa ra như sau:
– Hỏi: Làm bạn với ta, ngươi thấy thế nào? Trả lời: Vui lắm! Vui lắm!
– Hỏi: Hôm nay ta có đẹp không? Trả lời: Quá tuyệt vời! Quá tuyệt vời!
– Hỏi: Có muốn ăn thịt sống không? Trả lời: Không! Mắc ói lắm! Mắc ói lắm! (Cái này chắc ông ấy sợ người lạ cho chim ăn thịt sống sẽ sinh bệnh).
– Hỏi: Nếu đột nhiên ta chết và không làm bạn với ngươi được nữa thì ngươi sẽ thế nào?
Trả lời: Phát điên mất thôi! Phát điên mất thôi!
Đấy! Chỉ có bốn câu đấy thôi, và ông khách nói rằng đúng một tuần nữa sẽ quay lại lấy chim. Nghĩa là tôi có đúng một tuần để dạy cho con chim học thuộc và nói thạo bốn câu trả lời ấy. Trước khi về, ông khách ứng trước cho tôi một nửa tiền, rồi cẩn thận dặn dò:
– Đây là món quà bất ngờ tôi muốn tặng vợ tôi. Tuần sau tôi sẽ đưa vợ đến đây và tôi muốn lúc đó con chim phải nói chuyện được với vợ tôi thật trôi chảy. Anh hiểu chứ?
– Dạ! Ngài cứ yên tâm! Chắc chắn con chim sẽ làm vợ ngài hài lòng!
Vậy là trong suốt một tuần ấy, tôi với con chim chăm chỉ, miệt mài luyện tập. Nhiều hôm đến 3, 4 giờ sáng tôi vẫn ngồi ôm rồi vuốt ve chim để động viên tinh thần cho nó. Động viên là phải, đến như tôi đây là người mà còn thấy oải, huống hồ nó chỉ là một con vật bé nhỏ, phải lao tâm khổ tứ, hao tổn sức lực cho cái ham muốn, cho cái thú vui của người đời. Thật may là đến đúng ngày hẹn, con chim cũng đã nghe và trả lời khá nhuần nhuyễn tất cả bốn câu hỏi. Thỉnh thoảng có đôi chút hơi vấp váp, nhưng nhìn chung là ổn. Bởi vậy nên khi ông khách ấy đưa vợ đến, tôi đã nở nụ cười rất tươi chào đón với một sự tự tin và bình thản như không. Ông khách thấy vậy thì cũng gật gù, mỉm cười với vẻ rất an tâm. Rồi ông dắt tay vợ đến chỗ cái lồng chim, giọng đầy trịnh trọng:
– Đây! Đây chính là sự bất ngờ mà anh đã nói với em! Nó là con chim rất đặc biệt, có thể trò chuyện được với người đấy!
– Thật á? Nó có thể nói chuyện với em được sao?
– Tất nhiên rồi! Em hãy hỏi nó những câu hỏi mà anh ghi trong giấy này nhé! Nó sẽ trả lời được hết! Và những gì nó nói cũng chính là những điều mà anh muốn nói với em bấy lâu nay!
Bà vợ của ông khách thích thú nhận mảnh giấy từ tay chồng rồi tiến gần hơn lại chỗ con chim, giọng không giấu nổi vẻ hồi hộp:
– Hôm nay ta có đẹp không?
Con chim nghe xong thì ngơ ngác trong giây lát, rồi trả lời dõng dạc:
– Không! Mắc ói lắm! Mắc ói lắm!
Mặt bà vợ tối sầm, mặt ông khách tối sầm, và mặt tôi cũng thế. Chỉ có mặt con chim thì vẫn vênh vênh lên tự đắc như thể nó vừa trả lời được câu hỏi một cách rất xuất sắc. Cái con chim chết tiệt này! Lúc tập luyện thì ngon vậy mà đến lúc làm thật thì lại nhầm lẫn lung tung cả. Thế nhưng tôi và ông khách còn chưa kịp can thiệp gì thì bà vợ đã tiếp tục:
– Có muốn ăn thịt sống không?
– Quá tuyệt vời! Quá tuyệt vời!
– Làm bạn với ta, ngươi thấy thế nào?
– Phát điên mất thôi! Phát điên mất thôi!
– Nếu đột nhiên ta chết và không làm bạn với ngươi được nữa thì ngươi sẽ thế nào?
– Vui lắm! Vui lắm!
Xong bốn câu hỏi, mặt bà vợ đã chuyển từ tối sầm sang tím tái. Bà ta vo tròn mẩu giấy, ném thằng vào mặt chồng rồi quát:
– Hóa ra, đó là những điều mà ông muốn nói với tôi bấy lâu nay hả?
Dứt lời, bà vợ hầm hầm bỏ đi. Ông chồng cuống cuồng chạy theo trình bày, giải thích, rồi xin lỗi, nhưng có vẻ như tình hình không ổn lắm!
Tôi thở dài ngao ngán nhìn con chim chết tiệt vẫn đang vui vẻ nhảy nhót loạn xạ trong lồng. Thôi, thế là bao công sức đi tong, lát nữa chắc lão khách ấy sẽ quay lại đòi tiền tạm ứng, rồi còn chửi rủa tôi nữa chứ. Bao nhiêu năm theo cái nghề này rồi mà đến giờ vẫn còn bị một vố nhục nhã thế này. Quả đúng là lão khách ấy quay lại thật, nhưng không hề tỏ ra giận dữ mà ngược lại, mặt lão rất hả hê. Lão dúi vào tay tôi một xấp tiền khiến tôi như muốn ngã ngửa, không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra...
– Ơ! Thế này là sao? Tôi đã làm hỏng việc của ngài thì tôi phải trả lại tiền ứng cho ngài chứ, sao ngài còn đưa thêm tiền cho tôi?
– Đúng ra là tôi phải đưa cho anh gấp nhiều lần chỗ này, nhưng trong túi chỉ còn bấy nhiêu nên mong anh thông cảm. Hôm nay, con chim đã thay mặt tôi nói với vợ tôi những điều mà tôi ấp ủ bấy lâu nay, những điều mà tôi biết rằng cho đến lúc chết tôi cũng không bao giờ đủ dũng khí để nói! Tôi đội ơn con chim của anh nhiều lắm!
Nói xong, lão khách vội vã ra về, bỏ lại tôi một mình đứng đó trong sự ngỡ ngàng đến bàng hoàng. Con chim chết tiệt ấy thì vẫn đang nhảy loạn xạ trong lồng, vừa nhảy vừa nói luôn mồm:
– Điên mất thôi! Điên mất thôi! Quá tuyệt vời! Quá tuyệt vời!


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
THANH LÝ ĐỒ


Đang dọn đồ chuyển nhà nên thừa ra một số thứ không còn nhu cầu sử dụng cần thanh lý như sau:
– Hai quần sịp màu hồng, mặt trước in hình chú vịt Đô-Nan đang ăn miến ngan, mặt mông in hình quốc kỳ Trung Quốc. Còn mới 90%, (mới mặc được vài lần, chỉ hơi sứt chỉ ở mép cạp và bị mấy vệt loang lổ ở mặt trước do ăn sữa chua vô ý đánh rơi vào). Giá là 10k.

– Hai cuộn giấy vệ sinh, một cuộn còn nguyên, một cuộn mới dùng được 1/3, vẫn đang sử dụng tốt. Tại đợt này bị trĩ, không dám chùi bằng giấy nữa mà toàn phải rửa bằng nước ấm nên mới thanh lý. Giá cho cuộn nguyên là 3k, cuộn dùng dở là 2k. Nếu lấy cả hai cuộn thì mình tính giá là 4k.
– Một hộp bao cao su 5 chiếc, fullbox, loại có gai dài và cứng như gai hoa hồng – loại hoa biểu tượng của tình yêu, lại có hương và vị sô-cô-la rất thơm và ngọt ngào, còn hạn sử dụng đến tận tháng 11 năm ngoái. Đợt ấy tưởng sắp có gấu nên mua về dự phòng, ai ngờ gấu vừa nhìn thấy cái bao đó thì đòi chia tay luôn, thành ra 5 chiếc vẫn còn nguyên. Hôm qua thằng cháu con nhà bà chị mình nó khóc quá mình mới bóc ra một chiếc để thổi bóng bay cho nó chơi. Thấy bóng bay vừa thơm vừa ngọt nó thích lắm, nhưng được một lúc thì nó khóc thét lên. Hóa ra vì ham chơi nên thằng cu ngã đập mặt vào bóng, bị gai chọc vào mắt và xước mấy vết dài trên mặt, giờ đang nằm theo dõi ở viện Nhi rồi, vì thế mình quyết định thanh lý luôn. Giá cho 4 cái bao còn lại là 6k.
Như vậy là chỉ với vỏn vẹn 20k, các bạn đã có thể sở hữu trọn bộ các sản phẩm thanh lý trên đây. Nếu bạn mua trọn bộ sản phẩm thì mình sẽ ship miễn phí trong vòng bán kính 10 mét. Nếu mua riêng từng sản phẩm thì các bạn làm ơn tự đến lấy, hoặc cho địa chỉ mình sẽ gửi chuyển phát nhanh cho các bạn. Nói thật là mình đang rất bí tiền nên mới bán với giá rẻ thế, vì vậy các bạn làm ơn đừng mặc cả nữa nhé. Bạn nào nhiệt tình mua và ở xa thì mình bớt cho chút đỉnh gọi là tiền xăng xe thôi.
Để được bớt tiền xăng xe thì các bạn phải đáp ứng được hai điều kiện:
+ Thứ nhất các bạn phải chứng minh được rằng các bạn đi tới chỗ mình bằng xe máy hoặc ô tô (không tính xe buýt nhé!). Chứ nếu các bạn đi bộ hoặc đi xe đạp tới mà các bạn lại đòi bớt tiền xăng xe thì nó vô lý lắm.
+ Thứ hai là nhà bạn phải ở xa, nếu nhà bạn ở ngay gần cạnh chỗ mình mà vẫn đòi bớt tiền xăng xe thì không bao giờ mình chấp nhận. Để chứng minh rằng nhà bạn ở xa thì bạn phải cung cấp cho mình các giấy tờ sau:
a. Bản phôtô sổ hộ khẩu có công chứng (yêu cầu mang theo bản gốc để đối chiếu, sau khi đối chiếu sẽ trả lại bản gốc, bản phôtô thì mình sẽ giữ).
b. Giấy khám sức khỏe có dán ảnh 6×9 trong vòng 6 tháng trở lại đây. (Chú ý: phải là giấy khám sức khỏe do bệnh viện Phụ Sản hoặc bệnh viện Ung bướu Trung ương cấp nhé, giấy của các bệnh viện khác coi như không có giá trị).
c. 01 bản gốc và 01 bản sao chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu). Bản sao bạn thích thì có thể công chứng, không thích thì thôi, tùy bạn, bởi mình sẽ giữ lại bản gốc, còn bản sao cho bạn giữ, vì thế nên mình không quan tâm lắm đến việc bạn có công chứng hay không.
Chỉ khi có đầy đủ các điều kiện và các giấy tờ nói trên thì mình mới xem xét đến việc bớt tiền xăng xe cho bạn. Giá trị khoản bớt cụ thể sẽ do hai bên đàm phán và thương lượng nhưng không được phép vượt quá 10% tổng giá trị của bộ sản phẩm thanh lý (tức là không được lớn hơn 2 nghìn đồng).
Với những bạn ở nước ngoài mà có nhu cầu mua hàng thì mình sẽ gửi cho các bạn tài khoản tiền Đô của mình để các bạn thuận tiện trong giao dịch. Giá trị thanh toán sẽ được quy đổi từ tiền Việt ra USD dựa trên tỉ giá ngoại tệ được công bố bởi Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại thời điểm thực hiện thanh toán.
Nếu các bạn muốn mua thì hãy liên hệ ngay trong tuần này nhé, vì tuần sau mình đi công tác bên Mỹ rồi, không ở nhà ship hàng cho các bạn được đâu.
Ai có nhu cầu xin liên hệ theo số: 012345678910. (Chỉ gọi thôi nhé, cấm nhá máy, cấm nhắn tin, vì điện thoại hết tiền rồi, nhá máy cũng không gọi lại được, nhắn tin cũng không trả lời được).


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
THU HÀ NỘI


Người ta bảo mùa thu Hà Nội đẹp lắm, có lá vàng xào xạc trên những con phố dịu dàng, có mặt hồ yên ả soi bóng bầu trời thu xanh cao vời vợi, mênh mang. Nhưng nếu chỉ có thế thì thu Hà Nội có khác gì thu Quảng Ninh hay thu Hải Phòng?
Bởi tiết trời của vùng Đông Bắc Bộ là khá giống nhau: hiu hiu, hanh hanh, khô khô và mát mẻ; bởi Quảng Ninh hay Hải Phòng thì cũng đều có phố, có cây, có hồ, tức là sẽ có chỗ cho vòm trời xanh soi bóng, có cái trút lá vàng cho xào xạc gió đưa.
Vậy thì tại sao cứ phải mùa thu Hà Nội mới đẹp, còn mùa thu Quảng Ninh hay Hải Phòng thì không đẹp? (Hoặc có đẹp nhưng ít người khen ngợi?). Cái này thì tôi chịu, tôi không hiểu, và tôi không giải thích nổi. Cũng giống như phở bò ấy, đều từ thịt bò, từ nước hầm xương, rồi hành, rồi chanh, rồi ớt, nhưng riêng Phở bò Nam Định thì có một mùi rất đặc trưng, thơm, ngậy, nồng nàn, đến nỗi đi qua một khu nào đó, ngửi mùi hương bay trong gió, người ta có thể tự tin thốt lên: "Quanh đây có quán Phở bò Nam Định gia truyền!".
Thấy bảo Phở bò Nam Định có mùi đặc trưng vậy là do họ có bí quyết riêng trong việc chế biến nước dùng. Vậy còn mùa thu Hà Nội có bí quyết gì của riêng mình mà khiến cho bao nhiêu nhiếp ảnh gia, bao nhiêu phóng viên phải vất vả mai phục và rình rập chỉ để chộp được một phần vẻ đẹp của nó? Để bao nhiêu văn sĩ, thi sĩ phải thức đêm thức hôm phờ phạc mà làm thơ, mà viết lách ca ngợi sự mỹ miều của nó?
Thế nên, tôi đã quyết định xin nghỉ làm nửa ngày không lương để nếm, để hưởng thụ, để đắm say với cái đẹp của mùa thu Hà Nội. Lương tôi 6 triệu một tháng, nghỉ một ngày trừ 200 nghìn, tôi nghỉ nửa ngày, tức là bị trừ 100 nghìn, thêm tiền xăng xe, tiền café là mất tổng cộng khoảng trăm rưỡi. Một trăm rưỡi để được nếm, được hưởng thụ cái đẹp đã khiến bao văn nghệ sĩ si mê, điên đảo, khiến bao trái tim người đời dù là già hay trẻ đều phải nôn nao, rung động, cồn cào, vậy thì cũng đáng mà!
Tôi chọn một quán café nhỏ khá yên tĩnh, nằm ngay bên đường và sát bên hồ. "Một vị trí khá lý tưởng để thưởng thức thu Hà Nội" – Tôi nghĩ thế, và quả đúng như thế. Bởi cái bàn tôi ngồi đặt ngay dưới gốc cây sấu già, mỗi lần có con gió nhẹ vờn qua là một lần cây sấu già nua ấy rùng mình, trút xuống những cơn mưa lá vàng chao nghiêng lã chã, liệng trong không trung lơi lả, trôi băng trên lòng đường, sà xuống mặt hồ êm ả, rơi cả xuống đầu, xuống vai tôi, xuống mặt bàn nơi tôi đang ngồi, và vào cả ly café trước mặt đang tỏa hương ngào ngạt, nóng hổi, thơm nồng.
Tôi đưa ly café lên nhấp một ngụm ngon lành, mặc cho chiếc lá vàng vẫn đang dập dềnh trong ấy. "Chà! Vị khác và ngon hơn hẳn!". Cũng đúng thôi, bởi trong cái ly mà tôi đang cầm trên tay ấy không chỉ có café mà còn có cả một mảnh của mùa thu Hà Nội. Thật thoải mái, êm ái, và sảng khoái. Ấy thế nhưng ở một bàn gần chỗ tôi, có một đôi trai gái đang ngồi, cũng dưới gốc một cây sấu già dịu dàng trút lá, cũng bên mặt hồ yên ả, cũng ly café nồng nàn, nhưng sao tôi thấy mặt họ không vui. Chàng trai thì cứ lầm lì, còn cô gái thì vừa vò nát những chiếc lá vàng rơi trên bàn vừa vùng vằng, phụng phịu:
– Ngồi ở đây chán bỏ xừ! Anh không còn chỗ nào chơi vui hơn sao?
– Đi xem phim nhé?
– Lại xem phim! Anh không còn ý tưởng nào thú vị hơn à?
– Đi ăn nhé?
– Em béo như heo rồi mà hơi tí anh lại rủ đi ăn!
– Cái gì em cũng không thích, vậy chứ em muốn thế nào?
– Đi nhà nghỉ đi!
– Lại nhà nghỉ! Anh vừa mới ốm dậy mà! Em có nhớ lần trước anh mới ốm dậy, em cũng bắt anh vào nhà nghỉ không, xong rồi phải đi viện truyền nước cả tuần đấy! Mà nếu anh nhớ không nhầm thì hôm nay là đúng ngày em bị rồi, vào đó cũng đâu có làm ăn gì được!
– Đâu! Em bị từ đầu tháng mà, của em đều lắm, không bao giờ lệch một ngày!
– Vậy thì ai hay bị ở giữa tháng nhỉ?
– Là em gái em!
– Ừ, vậy chắc anh nhầm với em gái em. Cơ mà đang tiết trời thu Hà Nội đẹp thế này mà vào nhà nghỉ thì phí lắm, đi dạo quanh bờ hồ một vòng có phải lãng mạn hơn không!
– Em ghét mùa thu, ghét cái thời tiết hanh hanh này làm cho da em khô và nứt nẻ. Em cũng ghét lá vàng rơi khiến em ngày nào cũng phải quét sân. Em ghét cả anh nữa, không nghĩ ra trò gì để làm cho em vui...
Họ cứ vậy vùng vằng, tranh cãi một hồi nhưng vẫn không tìm ra được cách nào khiến cho cô gái hứng khởi. Cuộc đời kể cũng lạ! Nghèo, không có tiền thì buồn, thì chán đã đành, đằng này có tiền nhưng không tìm được chỗ chơi, không biết tiêu khiển vào viêc gì cũng lại sinh buồn, sinh chán. Thế rồi đôi trai gái ấy ngừng tranh cãi khi thấy một gã đàn ông bẩn thỉu tiến lại gần chỗ thùng rác dưới gốc cây, tay liến thoắng khua khoắng, bới móc vào cái đống lá lẻo, rác rưởi hôi thối trong ấy. Hình như gã đó vừa moi được dưới đáy thùng lên một mẩu bánh mì thì phải, gã cười hềnh hệch, đưa lên mồm nhai ngau ngáu. Cô gái thấy vậy thì cất giọng uể oải, vừa nói vừa thở dài:
– Haizz. Có khi cứ như gã khùng kia lại sướng, suốt ngày cười hềnh hệch, chả ham hố gì, chả phải đau đầu tìm cách tiêu tiền, nghĩ cách ăn chơi như chúng mình!
– Em có chắc là lão ta không ham hố gì không?
– Thì lão ấy bị khùng mà, khùng thì còn ham gì nữa?
– Thử xem nhé!
Dứt lời, chàng trai móc ví, lôi ra tờ tiền 100 nghìn thả trôi theo gió. Tờ tiền bay là là, loẹt xoẹt trên mặt đất. Gã điên thấy vậy thì vứt luôn miếng bánh mì đang ăn dở trên tay đi rồi lao tới chộp lấy tờ tiền. Gã rú lên sung sướng, chạy quanh thùng rác rồi lăn một vòng trên đất đầy vẻ phấn khích. Cô gái chứng kiến cảnh tượng ấy thì ôm bụng cười như nắc nẻ đầy khoái trá:
– Haha! Nhìn lão điên kìa anh ơi! Buồn cười quá đi thôi! Haha!
Thấy bạn gái mình có vẻ hứng thú với trò này, chàng trai lập tức rút thêm tờ nữa quăng ra. Và rồi cũng như lần trước, gã điên lại rú lên sung sướng, lao đến chộp lấy tờ tiền, chạy quanh thùng rác rồi lăn tròn trên mặt đất. Nhưng lần này gã không lăn một vòng mà lại lăn hai vòng...
– Haha! Anh ơi! Lão điên này ngộ quá! Ném tờ 100 nghìn thì lão lăn một vòng, ném 200 nghìn lão lăn hai vòng! Buồn cười quá đi thôi! Anh thử ném tờ 500 nghìn xem!
Tức thì chàng trai lấy tờ 500 nghìn quăng ra. Và cũng như những lần trước, gã điên lại rú lên, chộp lấy tiền, chạy quanh thùng rác rồi lăn lộn đúng 5 vòng. Cô gái càng lúc càng phấn khích, càng cười to. Chàng trai thấy người yêu vậy thì cũng liên tục vứt tiền ra. Gã điên thì vẫn miệt mài hú hét, chạy và lăn lộn. Cuộc vui chỉ dừng lại khi tiền trong ví của chàng trai đã cạn, dù cho cô gái vẫn đầy vẻ hào hứng, thòm thèm...
– Em thích trò này rồi đấy! Còn vui hơn cả lên bar nữa! Mai anh nhớ mang nhiều tiền hơn để mình chơi tiếp nhé!
– Nhưng chắc gì mai đã gặp được. Lão ấy lang thang khắp nơi, biết lão ở đâu mà tìm?
Vừa dứt lời thì gã điên đã đứng lù lù ngay bên, chìa mẩu giấy về phía họ:
– Đây là số điện thoại của chú. Lúc nào muốn chơi thì cứ gọi nhé!
Cô gái nghe vậy thì mừng húm, cầm lấy mẩu giấy với vẻ đầy sung sướng. Nhưng rồi mặt cô lập tức nghệt ra...
– Ơ! Vậy ra lão ấy không điên à? Nếu mà không điên thì đâu có vui!
Chàng trai lúc này cũng sực tỉnh:
– Hóa ra, nãy giờ lão ấy chỉ giả vờ để lấy tiền của mình sao? Thằng chó!
Dứt lời, chàng trai xông tới giật lại hết mớ tiền trong tay gã điên, tiện thể đạp luôn cho gã một nhát vào giữa ngực. Dính cú đạp mạnh và bất ngờ, gã điên chỉ kịp kêu cái "Hự" rồi ngã đập vào thùng rác, lăn lộn mấy vòng trên đất. Vừa nãy lăn lộn xong thì gã chồm dậy được ngay, nhưng lần này thì gã nằm im, ôm đầu, ôm lưng rên rỉ. Chỉ khi đôi trai gái đã lên xe nổ máy bỏ đi thì gã mới lồm cồm bò được dậy. Tôi thấy gã tội quá nên chạy lại, dúi vào tay gã tờ 50 nghìn. Gã cầm tiền rồi mở giọng thều thào:
– Cảm ơn anh! Nhưng lưng tôi vẫn đang đau lắm, không lăn lộn được nữa đâu!
– Khỏi cần lăn lộn! Cầm lấy mua bánh ăn cho lại sức!
Rồi tôi cũng lên xe và nổ máy phóng đi. Vừa đi tôi vừa lầm rầm nhẩm tính: mình nghỉ nửa ngày bị trừ lương 100 nghìn, 50 nghìn café và xăng xe, thêm 50 nghìn cho gã điên, vậy là mất 200 nghìn. 200 nghìn để được nếm, được hưởng thụ mùa thu Hà Nội – cái đẹp đã khiến bao văn nghệ sĩ si mê, điên đảo, khiến bao trái tim người đời dù là già hay trẻ đều phải nôn nao, rung động, cồn cào, vậy thì cũng đáng mà!
Lại một con gió thổi từ mặt hồ vờn qua khiến hàng sấu già nua hai bên đường rùng mình và trút xuống những cơn mưa lá vàng chao nghiêng, lơi lả...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
CĂN BỆNH LẠ


Tôi đang bị một căn bệnh rất lạ, và rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng là bởi cái bệnh đó không bị ở mắt, mũi, tay, chân, lưng, bụng, mà lại bị ở một chỗ rất quan trọng. Nói vậy chắc bạn cũng đoán ra là tôi bị ở chỗ nào rồi!

Buổi sáng hôm ấy, ngủ dậy, như thường lệ, tôi vào nhà vệ sinh đi tè. Tôi đi tè thường không có thói quen nhìn xuống, bởi khả năng điều chỉnh cự ly và lưu lượng của tôi nó đã ăn vào máu, bởi đó là cái việc tôi đã làm mấy chục năm nay rồi, đã thành thuần thục rồi. Cũng giống như mấy nghệ sĩ chơi ghita hay piano điêu luyện ấy, họ chơi đàn có cần thiết phải nhìn vào dây, vào phím nữa đâu. (Cái này cũng lý giải vì sao trẻ con 2 hay 3 tuổi lúc đi tè lại thường phải nhìn xuống).
Thế mà không hiểu sao hôm ấy, như có linh tính mách bảo, giống như là giác quan thứ 6, tôi lại bất chợt nhìn xuống phía dưới, và tôi đã thực sự hoảng loạn: cái chỗ quan trọng ấy của tôi đã chuyển sang màu đỏ tím, nó đậm nhất ở phần đầu và đang có dấu hiệu lan rộng xuống phần thân. Mặc dù không có biểu hiện đau rát hay nổi mụn, nhưng rõ ràng đây là điều rất bất thường. Tôi lo lắng lắm, mất ăn mất ngủ mấy ngày, tí tí lại vạch ra kiểm tra, theo dõi. Trong mấy ngày đó, đã có lúc những mảng đỏ ấy nhạt đi, tưởng là hết, nhưng hôm sau nó lại quay trở lại, đậm hơn và lan rộng hơn.
Không thể chịu nổi với những hoang mang, sợ hãi dày vò, tôi quyết định tìm đến phòng khám tư của một bác sĩ đã về hưu. Tôi vừa tụt quần xuống là bà bác sĩ đã há hốc mồm:
– Ebola rồi!
– Sao vậy được ạ? Cháu thấy bảo Ebola vẫn chưa về tới Việt Nam mà? Hơn nữa, Ebola chỉ phát bệnh ở người chứ có phát bệnh trên gia cầm đâu?
– Chưa về nghĩa là vẫn có thể về, chưa phát trên gia cầm nghĩa là vẫn có thể phát!
– Vậy phải làm sao hả bác sĩ?
– Cậu mang thuốc này về uống. Trong vòng 3 ngày, nếu những vệt đỏ ấy không hết mà vẫn tiếp tục lan rộng thì chắc là phải cắt thôi!
Tôi nghe vậy thì toàn thân bải hoải, rụng rời, lặng người nhận mớ thuốc từ tay bà bác sĩ. Có mỗi cái gói nhỏ với mấy viên thuốc xanh xanh đỏ đỏ, thế mà gần 5 triệu bạc. Nhưng thôi, giờ thì còn tiếc tiền chi nữa, chỉ mong sao không phải cắt, chứ nếu cắt rồi thì có nhiều tiền cũng để làm gì?
Thế nhưng điều tôi lo sợ nhất đã xảy ra: sau 3 ngày uống thuốc, cái vùng da đỏ tím ấy không hết đi mà vẫn có dấu hiệu loang rộng. Chẳng lẽ phải cắt thật sao? Không! Không thể như thế được! Tôi quyết định tìm đến một bệnh viện quốc tế nổi tiếng và quy mô nhất nhì thủ đô. Hi vọng rằng với đội ngũ bác sĩ nước ngoài có năng lực, được đào tạo chuyên nghiệp, kết hợp với máy móc và thiết bị y tế hiện đại thì cái chỗ ấy của tôi sẽ được giữ lại.
Sau một hồi xem xét, kiểm tra, bẻ qua bẻ lại, tay bác sĩ nước ngoài lắc đầu, giọng ái ngại:
– Đây là loại bệnh khá mới! Nó biến tướng từ cúm gia cầm!
– Vậy cụ thể nó là bệnh gì hả bác sĩ?
– Vẫn là cúm gia cầm, nhưng không còn là H5N1 nữa mà biến tướng thành H2NO3, loại này đời cao hơn, nguy hiểm hơn.
– Không thể thế được! Vô lý quá!
– Không vô lý đâu! Gà bị, vịt bị, ngan bị, thì chẳng có lý do gì mà chim lại không thể bị.
Thế rồi tay bác sĩ ấy lại kê cho tôi một mớ thuốc, hẹn 3 ngày sau nếu không đỡ thì quay lại cắt. Lần này tiền thuốc là 8 triệu. Cũng đúng thôi, phòng khám tư nhân còn mất 5 triệu thì ở cái bệnh viện quốc tế này, lấy ngần ấy có gì quá đáng? Thế nhưng dù tư nhân hay quốc tế, 5 triệu hay 8 triệu thì cái điều tôi mong đợi vẫn không đến, bởi vùng da màu đỏ tím ấy vẫn không hết mà lại đang có dấu hiệu lan rộng hơn. Có người biết chuyện thì khuyên tôi nên đến khám ở một bệnh viện của nhà nước, đừng khám ở mấy phòng khám tư nhân với lại bệnh viện quốc tế làm gì, chúng nó toàn khám láo. Tôi thấy cũng đúng, của nhà nước thì hẳn là sẽ yên tâm hơn.
Quả nhiên là vậy, vị bác sĩ ở bệnh viện nhà nước này khám kỹ lắm, tỉ mỉ, ngắm nghía từng tí một. Bà ấy còn áp ống nghe vào tận nơi để kiểm tra nhịp đập, kiểm tra độ đàn hồi, độ cứng, độ mềm...
– Có tìm ra bệnh gì không bác sĩ? – Tôi hỏi bằng giọng lo lắng.
– Một loại bệnh lạ được gây ra bởi một loại virus lạ!
– Là virus gì ạ?
– Nếu biết là virus gì thì đã là virus quen rồi! Tại vì chưa biết là virus gì nên mới là virus lạ!
– Nhưng quả thực là cháu không hề chơi bời linh tinh gì, làm sao mà nhiễm virus được?
– Chính vì lâu quá không được đi chơi, không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên nó mới sinh ra bức bối, tự kỷ, rồi tự phát bệnh!
– Vậy hướng điều trị thế nào ạ?
– Còn điều trị gì nữa, bệnh nặng lắm rồi, phải cắt luôn kẻo virus sẽ ăn sang các bộ phận khác!
– Cắt thì hết bao nhiêu tiền ạ?
– Cái đó còn tùy vào kích thước và khối lượng! Càng to, càng nặng thì càng tốn kém! Ví như cắt cho mấy anh Tây thì hết khoảng 2 trăm triệu; cắt cho mấy anh Việt Nam thì thường là hết khoảng 1 trăm triệu.
– Thế còn của cháu?
– Của cháu chắc chỉ khoảng 3 chục triệu là thoải mái!
Ba chục triệu đấy! Tôi biết kiếm đâu ra đây? Không cắt thì chết vì bệnh tật, còn cắt thì chết vì nợ nần. Quá bế tắc và tuyệt vọng, tôi vùi đầu vào men rượu cho quên đi cái bi kịch thê thảm của cuộc đời. Lão chủ quán rượu thấy tôi mấy hôm liền ngồi lì từ sáng đến tối, say thì ngủ gục, tỉnh dậy lại uống đến say, say rồi lại ngủ gục, nên chắc lão cũng rất thương cảm. Rồi lão lân la lại gần hỏi thăm. Sau khi biết tình cảnh của tôi, lão ấy khuyên tôi nên đi tìm thầy cúng, vì lão gặp nhiều trường hợp lắm rồi, có nhiều căn bệnh lạ, khoa học không thể lý giải, không thể chữa khỏi nhưng mấy ông thầy cúng lại chữa được. Tôi thấy lão ấy nói đúng, bởi khi mà thực tại không thể mang lại cho con người niềm tin thì họ đành phải tìm niềm tin ở những thứ tâm linh huyền bí.
Theo lời giới thiệu và chỉ dẫn của lão chủ quán rượu, tôi tìm đến nhà thầy cúng. Đó là một lão thầy cúng già có vẻ ngoài khá cổ quái và bí hiểm. Lông mày lão rậm che kín cặp mắt ti hí nhưng rất tinh ranh, da nhăn nheo như táo mèo, râu dài và rậm như rễ bèo – cái loại trôi bềnh bồng trên sông mà bà con thường vớt về nấu cám cho heo. Ngay khi tôi tụt quần ra, cặp mắt ti hí của lão ấy lập tức lộ vẻ thảng thốt. Lão bắt tôi đứng im, không được kéo quần lên, rồi lão run rẩy châm lửa thắp hương, lầm rầm khấn vái. Tôi thấy biểu hiện của lão vậy thì nửa mừng nửa lo. Mừng là có vẻ lão đã biết nguyên nhân căn bệnh của tôi, còn lo là bởi phản ứng của lão rất hốt hoảng, nghĩa là vấn đề không hề đơn giản.
Sau một hồi khấn lễ và làm phép, lão thầy cúng lấy xuống 2 lá bùa rồi ngồi bệt xuống đất, hì hụi quấn 2 lá bùa ấy vào cái bộ phận đang bị bệnh của tôi. Một lá lão quấn ngang, giống như người ta gói nem chua; một lá lão dán dọc từ đầu tới cuống...
– Sao lại phải dán bùa vào đó hả thầy? – Tôi hỏi với giọng băn khoăn.
– Chỗ này của con bị ma ám! Ta quấn bùa vào là để ngăn cho con ma nó không lan rộng ra!
– Rồi sao nữa thầy? Có cách nào đuổi được con ma đi không?
– Yên tâm! Con cứ về chuẩn bị lễ! Chiều ta sẽ qua nhà con làm phép đuổi ma đi!
Tôi thở phào như trút được gánh nặng nghìn cân, rồi tức tốc trở về sắp lễ. Đúng giờ hẹn, thầy có mặt tại nhà tôi. Tôi rất tò mò muốn xem thầy làm lễ ra sao nhưng thầy lại đóng chặt cửa rồi bắt tôi đứng đợi bên ngoài. Nghe tiếng thầy khấn vái, niệm thần chú và hú hét bên trong, tôi thấp thỏm, hồi hộp và lo lắng vô cùng. Tay tôi liên tục chắp trước ngực, miệng luôn hồi lầm rầm cầu nguyện cho mọi chuyện được suôn sẻ, tốt lành.
Và rồi điều kì diệu đã xảy ra, ngay sau hôm thầy làm lễ, những mảng da màu đỏ tím ấy đã nhạt dần, nhạt dần và biến mất hẳn. Tôi vui lắm! Dù tiền công làm lễ của thầy cũng hết gần chục triệu, nhưng như thế vẫn còn may chán, chứ nếu phải đến bệnh viện cắt thì vừa mất tiền lại vừa mất hàng.
Một năm sau đó, tôi tình cờ gặp lại lão thầy cúng ấy ở chợ. Nhưng giờ lão không làm nghề thầy cúng nữa mà chuyển sang làm ăn mày. Lão cứ bò lê bò la ngoài cổng chợ, ngửa nón xin tiền người ta. Hình như chân lão đã bị què thì phải.
Tôi ngồi xuống bên lão, ném vào cái nón rách của lão vài đồng bạc lẻ...
– Sao lại đến nông nỗi này hả thầy? – Tôi hỏi han bằng giọng đầy trăn trở.
– Tai nạn nghề nghiệp con ạ!
– Cụ thể là sao ạ?
– Lần ấy, có một thằng đến nhờ ta đuổi giúp con ma nhập vào người vợ nó. Ta đưa vợ nó vào trong buồng làm phép rồi bắt nó đứng ngoài cửa đợi. Không hiểu ở bên ngoài nó nghe thấy gì mà trong lúc ta đang hì hục bắt ma thì nó đạp cửa xông vào rồi đánh đấm ta túi bụi. Ta cuống cuồng bỏ chạy nhưng chỉ chạy được hai bước thì ngã vật xuống sàn...
– Sao lại ngã ạ? Thằng đó đạp vào người thầy à?
– Không! Tại ta quên chưa kéo quần! Sau đợt ấy, ta bị què luôn, không đi cúng được nữa, giờ đành bò ra chợ này ăn mày thôi!
– Thầy này! Có một việc con muốn hỏi thầy từ lâu mà không dám hỏi vì sợ thầy giấu nghề. Nhưng giờ, thầy đã là ăn mày rồi, chắc không cần phải giấu nữa, nên...
– Có chuyện gì thì hỏi đi!
– Con muốn biết, hôm đến làm lễ ở nhà con, thầy đã dùng phép gì mà lại đuổi được con ma đó đi? Và tại sao thầy lại không cho con đứng đó xem thầy làm phép?
– Ừ, đến nước này rồi, ta cũng chả giấu con làm gì nữa. Nghe ta hỏi đây, có phải trước thời điểm phát bệnh, con có mua mấy cái quần sịp màu đỏ, đúng không?
– Dạ vâng! Con mua ở chợ sinh viên, 20 nghìn 3 chiếc!
– Đó! Chính mấy cái sịp rẻ tiền ấy là thủ phạm đó. Hôm đến nhà con làm lễ, ngay khi con ra ngoài, ta cũng hú hét một lúc cho có khí thế, rồi lập tức lùng sục, tìm lục khắp tủ quần áo, nhà tắm, dây phơi trong nhà con, thấy cái quần sịp đỏ nào là ta lấy và giấu hết đi. Không mặc mấy cái sịp dễ phai màu ấy nữa thì cái chỗ đó của con nó sẽ nhạt đi dần, rồi hai ba hôm sau là hết thôi. Giờ con đã hiểu vì sao ta phải đuổi con ra ngoài rồi chứ? Nếu để con biết sự thật thì chắc ta đã bị què ngay từ hôm đó chứ sao phải đợi đến sau này!
– Có vậy thôi mà ông nỡ lấy của tôi cả chục triệu?
– Ta lấy chục triệu nhưng ta giúp ngươi khỏi bệnh, còn hơn ngươi đi bệnh viện, vừa bị cắt, vừa bị mất tiền gấp 3 lần! Nghe chửa!


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: