Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Cuối Cùng Mình Cũng Lấy Được Vợ

- Cuối Cùng Mình Cũng Lấy Được Vợ.
- Tác Giả: CaptainHook.
- Tình trạng: Hoàn thành.

-------------------------------------

Mình xin được bắt đầu ạ :

Cuộc đời độc thân dài đằng đẵng của mình vừa kết thúc cuối tuần qua. Ở tuổi 39, khi mấy thằng bạn cùng lớp đã chuẩn bị thành bố vợ thì Thuyền trưởng Húc mới đi chạm ngõ ăn hỏi, còn khi đám cưới cử hành mình đã bước sang tuổi 40. Mình, cao 1m77, mặt mũi ko hề đến nỗi nào, ko nghiện ngập đồng tính, thu nhập hằng năm từ lâu đã là 11 con số, nghe chuyện 40 tuổi mới lấy vợ hầu như ko ai tin.

Thực ra thì đám cưới cuối tuần rồi là kết thúc của một vài mối tình và có khi đến cả trăm vụ mai mối giới thiệu, một số vụ còn bắt đầu và kết thúc éo le hệt như phim Hàn quốc. Mình thấy nhiều bạn 24, 25 tuổi đã than là "ế lắm rồi", phải như Thuyền trưởng Húc và vợ mới gọi là siêu ế, ai đời đám cưới lần thứ nhất mà chồng 40, vợ 32, nhưng chuẩn bị đi trăng mật thì vẫn tíu tít tí tởn như thường.

Tự nhiên mình chợt có ý nghĩ kể lại cho các bạn nghe con đường gần 20 năm đến hôn nhân của mình. Nghĩ lại, đúng chuyện vợ chồng thật sự là có duyên có số, muốn cưỡng cầu cũng không được.

Nói lại 1 tí về hoàn cảnh nhà mình (vì nó liên quan nhiều đến chuyện của mình với nàng). Nhà mình gốc HN nhưng bố mẹ lên miền núi công tác nên mình sinh ra và lớn lên ở miến núi. Lúc bé nhà mình nghèo lắm, cả nhà chỉ có 2 cái thau, 1 cái thau nhôm nhỏ dùng để rửa mặt, 1 cái thau sắt tráng men to hơn để vo gạo rửa rau. Cái thau men dùng lâu bị thủng, bố mình lấy nhựa đường trét lại, được vài hôm lại bục ra như cũ. Thế nên năm lớp 2 về thăm ông ngoại ở HN, thấy hàng xóm có 1 chú đi học Liên Xô mang về bao nhiêu là thau nhôm sáng choang, mình đã thề quyết phải học giỏi để cũng đi Liên Xô mua thau về cho bố mẹ (!).

May mà mình học cũng khá, được gửi đi du học thật, năm 96 học xong mình đã có một ý tưởng kinh doanh, kèm theo là những kiến thức và quan hệ cần thiết ở nước ngoài. Thế là mình về nước, mang quà của 1 anh bạn nghiên cứu sinh cho gia đình anh ấy, tình cờ gặp nàng ở đó và… chết luôn.

Nàng lúc đó đang học năm thứ 4, là bạn của cô em anh bạn (lằng nhằng quá nhỉ), hôm đó cũng chỉ tình cờ sang chơi. Mình đổ tắp lự vì nàng xinh và có một vẻ hiền thục rất đặc biệt, chỉ cần nhìn qua là hình dung ngay đây sẽ là một người phụ nữ toàn tâm toàn ý vì gia đình. Thế là mình mặt dày nhờ luôn cô em anh bạn giới thiệu, mặc dù biết cô em luôn luôn cảnh cáo “đuôi của nó xếp hàng dài mấy vòng Bờ Hồ, anh đừng có mơ”.

Không biết vì cao to đẹp giai hay vì cái mác du học sinh mà cuối cùng mình tán được nàng. Mấy tháng đầu tiên hai đứa rất hạnh phúc, rắc rối chỉ bắt đầu khi nàng mang mình về báo cáo với gia đình và bà mẹ nàng tỏ ngay ý không hài lòng.

Đối với mẹ nàng, mình chỉ là một thằng miền núi không nhà cửa, không quan hệ, tương lai thì hết sức mù mờ, dù có cái mác du học sinh nhưng đi học nước ngoài ở HN thiếu quái gì, vơ bừa 1 cái cùng được cả rổ. Về sau khi thấy hai đứa yêu nhau quá thì mẹ nàng cũng miễn cưỡng chấp nhận, nhưng lại bắt đầu một kiểu mới: luôn tìm cách đạo diễn cả gia đình mình, cái này phải thế nọ, cái kia phải thế kia. Bố mẹ mình xuống chơi nhà nàng vài lần, nghe giọng dạy bảo của bà ta rất bực nhưng vì thương con nên phải nhịn, mình cũng cố chịu với ý nghĩ “đợi đến lúc ta thành công rồi xem thái độ thế nào”, cảnh bằng mặt không bằng lòng giữa 2 nhà cứ như vậy kéo dài đến khi ông chú nàng xuất hiện.

Ông này chỉ là em họ của bố nàng nhưng mẹ nàng rất quý ông ta, vì thời bao cấp hay giúp đỡ gia đình nàng. Ông chú có cty ở Sài gòn, ra HN mở chi nhánh mới đến thăm anh chị. Lúc gặp mình ở nhà, mẹ nàng giới thiệu mình cũng đang mở cty kinh doanh. Ông chú hỏi mình định làm gì thì thằng bé thành thật kể ra hết, kể nhiều hơn cần thiết khiến ông ta nổi lòng tham, định cướp luôn cả ý tưởng của mình.

Hôm sau chú nàng hẹn ngay mình gặp riêng, thuyết phục mình ko cần thành lập cty nữa mà nhập vào cty ông ta làm chung. Mình đã suýt nữa đồng ý nếu ko ngẫu nhiên nhìn thấy vẻ tham lam trong mắt ông ta, chợt nhận ra rằng nếu làm như vậy thì mình sẽ phải tiết lộ rất nhiều thông tin, và mọi giao dịch, hợp đồng sẽ mang tên cty đó. Về sau khi kinh doanh đã có kết quả, nếu ông ta tìm cách đuổi đi thì mình sẽ mất trắng.

Thế nên mình đã từ chối, và đúng như dự đoán, chú nàng thay đổi ngay thái độ. Không biết ông ta nói gì với bố mẹ nàng mà thứ bảy tuần sau, khi mình đến đón nàng đi chơi thì đã thấy ông ta ở đó với 1 anh chàng trạc tuổi mình, bố mẹ nàng ngồi tiếp khách. 4 người chuyện trò rất vui vẻ, thấy mình đến họ cũng mời ngồi, mẹ nàng rót chén trà và giới thiệu anh chàng kia là con một bà người quen của gia đình, “nhà giàu lắm, có cửa hàng to, mấy nhà trong phố cổ”. Thế rồi 4 người lại nói chuyện coi như không có mình ở đó, mà chuyện thì toàn là tâng bốc sự giàu có của ông chú và bà mẹ anh chàng kia.

Mình cũng hơi tức nhưng mặc kệ, đến lúc nàng trang điểm xong đi ra, mình xin phép hai ông bà cho nàng đi chơi với mình thì mẹ nàng nạt luôn “Con H. hôm nay ở nhà tiếp khách, không đi đâu hết!”

Nghe thế cả mình và nàng đều sững người, mình dại dột cố vớt vát thêm 1 câu: “Tối nay có nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng biễu diễn ở Nhà hát lớn, cháu xin phép hai bác cho chúng cháu đi nghe.” Có lẽ chỉ chờ thế, mẹ nàng nhìn mình lạnh tanh: “Nhà có khách thì chủ phải ở nhà tiếp khách, BỐ MẸ CẬU KHÔNG DẠY CẬU THẾ HẢ?”

Động đến bố mẹ thì không xong rồi, máu nóng bốc lên đầu, mình trừng mắt nhìn thẳng vào bà ta và cả ông chú, dằn giọng: “Bố mẹ cháu có thể không dạy cháu nhiều thứ, nhưng ít nhất cũng dạy đồng tiền phải tự mình làm ra, không đi xin đi cướp của người khác!” Nói rồi mình quay lại, sập cửa đi thẳng.

Những ngày tiếp theo đúng là khổ cho người yêu mình, nàng tìm cách giải hòa 2 bên nhưng mẹ nàng đương nhiên đã coi mình là đồ bỏ, mình thì cũng đòi mẹ nàng phải xin lỗi mới nói chuyện tiếp. Tình yêu của mình với nàng bắt đầu đẹp bao nhiêu, cuối cùng đã kết thúc tức tưởi như vậy.

Hơn 1 năm sau nàng thành hôn, chú rể chính là anh chàng mình gặp hôm ấy. Mấy năm sau nữa qua cô em anh bạn, mình mới biết nàng không hạnh phúc. Chồng nàng là một kẻ bám váy mẹ thượng hạng, bà mẹ chồng lại quá mức keo kiệt. Sau khi cưới, mẹ chồng bắt nàng nghỉ việc cơ quan để trông hàng nhưng thường xuyên “quên” đưa tiền tiêu, làm nàng mấy lần phải về nhà mẹ đẻ xin tiền mua sữa cho con. Nàng định đi làm trở lại thì mẹ chồng tuyên bố “Con H. xin việc thì tự đi mà xin, đừng mong tao cho đồng nào”.

Lúc đó việc kinh doanh của mình đã ổn định và có 1 chút quan hệ, mình nhờ xin được cho nàng chỗ làm trong 1 tổng cty Nhà nước với thu nhập tương đối tốt. Nhận việc xong nàng muốn gặp để cảm ơn nhưng mình từ chối. Cái gì đã qua, tốt nhất hãy để nó trôi qua.

Khoảng 1 năm sau khi chia tay, mình được giới thiệu cho 1 em. Thực ra mình chưa có ý định yêu trở lại vì dư âm của mối tình đầu còn quá lớn, hơn nữa việc kinh doanh lại đang gặp khó khăn, nhưng khi gặp người bạn mới này mình thay đổi ngay ý định vì đó là 1 cô gái rất đặc biệt.

Mặc dù là con của một vị lãnh đạo cấp cục, gia đình không thiếu thứ gì, nhưng sự tự lập của em làm mình kinh ngạc. Đang học năm cuối đại học nhưng em đã là nhân viên part-time của một cty nước ngoài, còn có vốn góp trong 1 cửa hàng lưu niệm khá đông khách, chuyện học giỏi thì tất nhiên khỏi phải bàn. Tóm lại, em là 1 mẫu người hoàn toàn khác với các cô sinh viên tiểu thư Việt nam đương thời. Em và mình kết thân rất nhanh vì đều là những người ham hiểu biết và thượng tôn kiến thức, và sau chừng 3 tháng thì 2 đứa đã ngầm hiểu rằng, chỉ cần chọn thời điểm nói câu I Love You nữa là xong.

Thế nhưng, lúc ấy mình mới khẳng định một tính cách đã nhận thấy từ trước đó ở em, đó là sự cực đoan đến lạ lùng. Với thiên hạ em không quan tâm, nhưng với những người thân thì em không thể chịu được khi họ có một ý kiến hay quan điểm nào đó trái với mình, cho dù đó chỉ là những chuyện nhỏ. Và “chuyện nhỏ” giữa mình và em đã nổ ra một buổi sáng chủ nhật, khi 2 đứa ngồi uống cà phê tán gẫu chuyện trong tuần. Không nhớ câu chuyện dẫn dắt thế nào mà đưa đến xung đột về một vấn đế “vĩ đại” là hội họa. Em sùng bái hội họa lãng mạn Nga của Levitan, Kramskoy và Serov, mình lại thích hội họa ấn tượng Pháp của Monet, Cezane và Pissaro.

Tất nhiên bình thường thì chẳng có gì xảy ra nhưng cô bạn mình lại nhất quyết không chịu, tìm cách chứng minh bằng được là em đúng, mình sai. Cuối cùng quan điểm của em là mình thích Ấn tượng Pháp cũng được, nhưng phải công nhận với em rằng Levitan là nhất, còn Monet của mình thì giỏi lắm chỉ đứng thứ hai thôi (!). Mình không chịu, thế là em đùng đùng đứng dậy đi về, bỏ cơm trưa, cả buổi tối mình nhắn ra gặp cũng không thèm trả lời.

Ngay sau đó mình phải vào Sài gòn làm việc mấy tháng, những cuộc điện thoại cứ khách sáo dần rồi dừng hẳn từ lúc nào không biết. Có lẽ cả em và mình đều cùng nhận ra rằng bên kia không phải là người trong mộng của bên này, và vì cùng có tính cách quá mạnh nên không thể uốn mình theo đối phương được.

Thật ra hôm ấy mình hoàn toàn có thể nhường nhịn em để mọi sự yên lành trôi qua. Hội hoạ chỉ là chuyện chơi, nếu cần thì chẳng những Levitan mà họa sĩ Còm mình cũng cho nhất thế giới được hết, chỉ là mình muốn thử đẩy tranh luận lên đến cùng xem em phản ứng thế nào, và đúng như mình nghĩ, đối với em chỉ có một con đường là “theo tôi hoặc biến”. Thử nghĩ xem, nếu là vợ chồng thì gia đình mình và em sẽ thế nào?

Có lẽ đó là lý do em không thể tìm được chồng Việt nam, những anh chàng cái gì cũng gật thì chắc chắn không đủ kiến thức để làm em rung động, còn những người học rộng tài cao thì tất nhiên luôn có chính kiến của mình. Mãi đến gần đây mình mới biết em đã lấy chồng Na uy và sang đó định cư. Con trai Bắc âu rất ga lăng và hiền lành, mình rất hy vọng em được hạnh phúc.

Khoảng giữa năm 99 công việc của mình bắt đầu có kết quả. Những ai đã từng lăn lộn dựng nghiệp chắc đều biết, kinh doanh ban đầu bao giờ cũng gian khổ vô cùng, nhiều khi khóc không ra tiếng, thậm chí tuyệt vọng muốn buông bỏ tất cả, nhưng đến khi hàng hóa được thị trường chấp nhận thì tình hình xoay chuyển nhanh không ngờ. Chỉ trong vòng 1 năm mình đã có thể xây nhà đón bố mẹ về Hà nội, mua được 1 con Toyota xinh xinh và bắt đầu được thiên hạ gọi là “doanh nhân thành đạt”.

Thú thực với các bạn, 1 thời gian dài mình cứ lâng lâng như trong mơ. Cảm giác thành công bằng ý tưởng và bàn tay của chính mình nó đặc biệt lắm, bạn nào phải trải qua rồi mới biết. Nói không ngoa, nó còn sướng hơn cả việc tay không tán đổ một em hoa hậu hay trúng xổ số độc đắc liên tỉnh. Mình không vung tiền vào rượu chè ăn chơi mà bắt đầu thực hiện những giấc mơ hồi nhỏ: mua 1 ống kính viễn vọng để “nghiên cứu” trời sao, sắm piano chuẩn bị học nhạc, mua 1 giàn hi-fi hoành tráng… và đương nhiên là khởi động lại việc đi tìm vợ.

Gọi là “tìm vợ” chứ không phải tim người yêu vì mình đã ngót 30 tuổi, bắt đầu bị tất cả các bên liên quan thúc giục đá trận chung kết rồi. Lúc này các quan hệ của mình đã rộng hơn, và kết quả mình được giới thiệu cho 1 cô bạn hết sức “khủng bố”.

Chắc hẳn nếu chỉ tiết lộ 1 vài chi tiết thì các bạn đều đoán ra ngay đó là ai nên mình kể hết sức chung chung thế này: em vừa học xong chuẩn bị đi làm, cũng đang có ý tìm người yêu nhưng rất khó khăn vì các anh chàng đến với em đều không thể giấu được sự quan tâm thái quá tới bố em, mà em lại là người tinh nhanh nên nhận ra ngay và lập tức cho đối tượng đi “tàu suốt”.

Nghe người giới thiệu nói em là con ai, mình lắc đầu ngay “thôi ngại lắm, người ta lại tưởng mình lợi dụng”, nhưng bà chị rất nhiệt tình: “Chị thấy hai đứa rất hợp nhau, thử gặp đi xem nó có nhận ra chất của em không, nếu không thì thôi cũng mất gì đâu?”

Mình nghe bùi tai, ừ thì gặp thử. Gặp rồi mới biết cô bạn rất vui vẻ dễ gần, phải tinh ý lắm mới nhận ra sự đề phòng trong lời ăn tiếng nói, mình cho rằng như thế là đúng vì con của VIP không thể vô tư quá được. Có điều dù em là con ai thì mình cũng không care vì mình đã đứng được trên đôi chân của mình, và chắc chắn sẽ còn thành công hơn nữa.

Em kiêu ngầm, mình cũng kiêu ngầm, có lẽ vì thế mà mình lọt vào mắt xanh của em. Lần đầu tiên em gặp một người không nịnh nọt em, không quỵ luỵ bố em, còn dám phê phán thẳng lĩnh vực mà bố em phụ trách. Thật ra lúc phê phán mình đã nghĩ sẽ bị bố em đuổi ra khỏi nhà, nhưng vì quá bức xúc nên không nói không được.

Hóa ra nghe xong bố em chỉ lắc đầu: “Khó lắm cháu ạ, về sau cháu sẽ biết!” Chắc ý “về sau” của ông là sau khi mình và em cưới nhau, còn lúc đó hai đứa vẫn chỉ là bạn thân trên mức bình thường, thậm chí còn chưa chính thức nhận lời yêu nên ông không thể nói nhiều cho mình được.

Các bạn thấy quan hệ của mình với em, thậm chí với cả gia đình em đã tiến xa đến mức nào. Vậy mà cuối cùng chuyện cũng không thành, mình phải bỏ của chạy lấy người sau khi phát hiện ra một sự thật “kinh hoàng”.

Số là, một hôm gặp nhau mình thấy em có 1 chiếc Hermes mới, hỏi mua ở đâu thì em bảo có người tặng, nhưng bà chị em lại thành thật kể hôm qua hai chị em sang Singapore mua sắm 1 ngày rồi về, tổng cộng quẹt thẻ hết gần 100 ngàn usd và “tháng nào cũng đi, không đi thấy thiếu không chịu được”.

Trời đất ạ, con chỉ là thảo dân, không dám sánh với công chúa rồi!

Lại một mùa thu nữa qua đi…

Khi bắt đầu mình đã biết là sẽ bị soi về thu nhập 11 chữ số, và mình hoàn toàn thông cảm về điều đó. Cơm áo gạo tiền lúc nào cũng là nỗi lo lớn nhất của con người, nhất là trong thời lạm phát phi mã như hiện nay mà.

Thực ra định viết về chuyện này vào cuối truyện, nhưng vì sự quan tâm lớn quá nên mình cho nó nhảy cóc lên đây. Hy vọng một vài bạn nào đó có thể bắt chước con đường của mình thì vui lắm.

Nói đến kinh doanh, có lẽ tất cả mọi người Việt nam đều nghĩ về bất động sản, vàng, chứng khoán và ngoại tệ. Điều đó đúng nhưng không đủ, mình cũng không kiếm tiền bằng cách ấy.

Nếu thường xuyên xem báo, các bạn có thể đọc được tin “hơn 80% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt nam sản xuất”, có lẽ đúng là như thế, nhưng mình biết chắc đến 90% nguyên liệu của các hàng Việt nam đó là nhập từ nước ngoài.

Sự phụ thuộc gần như hoàn toàn về nguyên liệu và tư liệu sản xuất vào nước ngoài giải thíchsố nhập siêu siêu lớn của Việt nam, năm 2010 đâu như là hơn 10 tỉ$. Chắc các bạn biết Chính phủ từng có ý định hạn chế nhập khẩu những hàng “xa xỉ” như ô-tô, điện thoại di động để giảm bớt nhập siêu, nhưng mình cho đó là vô tác dụng. Tổng kim ngạch nhập ôtô năm 2010 là 1 tỉ$, ĐTDD hình như cũng xêm xêm. Nếu cấm hẳn hai thứ đó thì nhập siêu cũng còn đến 8,9 tỉ.

Vấn đề thực ra không nằm ở hàng xa xỉ, mà ở nguyên liệu và máy móc, là những thứ Việt nam không nhập không được. Một đất nước có 3000km bờ biển mà đến muối ăn đủ chuẩn cũng nhập khẩu, hay vẫn tự hào là “nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới” nhưng đến 80% giống lúa lại mua từ Trung quốc. Đất nước như thế, không nhập siêu kinh niên mới lạ.

Với một nền kinh tế phụ thuộc đến 90%nguyên liệu vào nước ngoài, nếu bạn sản xuất được chỉ cần 0,0000001% giá trị số nguyên liệu đó trong nước với chất lượng tương đương, bán rẻ hơn nước ngoài chỉ cần vài phầm trăm, tiền bạn đã không biết để đâu cho hết rồi.

Thu nhập hơn 20tỉ/năm của mình thực ra là kết quả của sản xuất chỉ 2 nhóm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến với 6 sản phẩm, bí quyết công nghệ mua từ Đức và Séc, giá bán thấp hơn 8-10% so với thị trường thế giới. Mình không buôn bán vàng, cổ phiếu hay chứng khoán, nhà cửa thì thỉnh thoảng làm cho vui nhưng cũng không ham.

Viết thề này có hơi lan man, nhưng quả thực mình rất muốn bạn Dr.K hay các bạn trai khác vào đọc, quan tâm đến thu nhập 11 chữ số của mình thì đọc kỹ bài này và nghiêm túc quan tâm đến gợi ý: hãy cố kiếm tiền rồi đầu tư vào sản xuất, bởi nếu đầu tư thành công bạn không chỉ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn mà còn giúp nhiều người khác có công ăn việc làm, và làm ra giá trị cho xã hội. Người Việt nam đang sục sôi vì bất động sản, vàng, chúng khoán, đô-la, tất cả những thứ đó đều KHÔNG LÀM RA GIÁ TRỊ. Căn nguyên nhập siêu của Việt nam chính là ở chỗ đó.

Trước đây mình rất tham việc, thượng vàng hạ cám cái gì cũng muốn can thiệp. Năm 2007 bị một trận sốt virus nặng, đang nằm giường bệnh truyền dịch mà đến cái bệ xí công nhân dùng loại gì cũng bị hỏi. Sau khi khỏi ốm mình thay đổi, tìm người có trình độ, thoả thuận lương thưởng thỏa đáng rồi giao quyền điều hành, ràng buộc thêm bằng hợp đồng chia cổ phần tương lai. Bây giờ mình chỉ còn 80% sở hữu cty (sang năm sẽ giảm xuống 70%) nhưng bù lại mỗi ngày chỉ phải làm việc chừng 6 tiếng mà công việc vẫn chạy tốt, vì những quản lý trẻ “máu mê” công việc và tiền bạc hơn, thứ mà đối với mình đã không còn nhiều ý nghĩa lắm.

-------------------------
Bạn đang đọc truyện tại wapsite www.giaitri321.pro. Chúc bạn có những giây phút vui vẻ. 
www.giaitri321.pro – Wapsite giải trí miễn phí đích thực trên di động...!
-------------------------

Tuần trăng mật mình chỉ ăn chơi nhảy múa, cắt hết điện thoại, không vào internet, kết quả cuối ngày thứ năm hết chịu nổi phải gọi về công ty, hóa ra công ty vẫn hoạt động bình thường (hay mình bắt đầu trở thành người thừa nhỉ?).

Vào internet, thật vui về sự quan tâm và ủng hộ của các bạn. Như đã nói ở bài đầu tiên, mặc dù đã trải qua không ít chìm nổi nhưng sau đám cưới mình vẫn thấy cuộc đời như vừa bước sang một trang khác, và tự nhiên có ý muốn tâm sự với ai đó về những gì đã trải qua. Thật may là WTT có mục Tâm sự này, nếu những thứ mình viết không đúng lắm với chủ đề “Tình yêu” thì cũng mong các bạn thể tất.

Trở lại với chủ đề chính. Năm 2002, việc kinh doanh thương mại của mình đạt đến mức cực hạn. Hàng cứ đều đều về rồi đi, thậm chí còn xuất tiểu ngạch được sang cả Trung quốc và Cam-pu-chia. Công việc thì sáng sủa như vậy, không hiểu sao đường tình duyên mình vẫn cứ tối mù như bên trong cây đèn thần của Alađanh, tóm lại là thất bại toàn tập.

Mình có gặp một số người, cũng được giới thiệu cho một số người khác, nhưng tất cả cứ nhàn nhạt trôi đi rồi kết thúc. Mình nhận ra rằng khả năng nhìn người của mình tăng lên theo sự trưởng thành trong công việc và khi gặp một ai đó, thường chỉ cần nói chuyện khoảng 30 phút là mình có thể đoán được gần hết tính cách người ấy, hầu như không bao giờ nhầm. Khi đã đoán được hết thì tự nhiên sinh ra chán, mà đã chán thì làm sao có thể yêu!

Mấy người bạn thân, thậm chí cả mẹ mình cũng bảo “mắt nhắm mắt mở thôi, phiên phiến đi chứ cứ cú vọ thế thì tìm đâu ra người hoàn hảo”. Thực ra mình cũng muốn phiên phiến lắm chứ, có lúc nửa đêm tỉnh giấc cảm giác rõ ràng thiếu một người nằm cạnh, đi nghỉ thấy một phong cảnh đẹp, tự nhiên rất muốn chia sẻ mà ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ có một mình. Không hiểu số phận đưa đẩy thế nào mà người thích thì mình chẳng có cảm xúc gì, đến lúc gặp người làm mình rung động thì hoa lại đã có chủ mất rồi.

Mình kể câu chuyện này, thâm tâm có hơi áy náy, chỉ muốn khuyên các bạn tự coi là “muộn màng” đừng vội vã đốt cháy giai đoạn, vì sự vội vã rất có thể “đốt cháy” cơ hội của bạn.

Đó là cuối năm 2002, một hôm vào giờ nghỉ trưa có cô nhân viên lại bắt chuyện với mình, kể chuyện gia đình, nhà cửa… rồi mới vào đề “Anh có người yêu chưa? Nếu chưa, để em giới thiệu đứa bạn thân cho!” Theo như lời kể thì hai cô này chơi thân với nhau hồi cấp 2, lên cấp 3 một cô chuyển nhà, vừa rồi mới tình cờ gặp lại. Cô bạn kia đã đi làm, đang học văn bằng hai, “cả bề ngoài tính tình đều rất được”. Mình nghe hay gật đầu luôn: “Ừ, em bố trí đi!”

Cuộc gặp đầu tiên diễn ra khá vui vẻ, thực ra thì mình không có ấn tượng lắm với cô bạn kia, chỉ nghĩ “thử gặp lại lần nữa xem sao”. Không ngờ vì mình cư xử hay ho thế nào đó, cộng thêm cô nhân viên tuyên truyền về mình nhiều quá mà nàng bạn kia đổ cái rụp luôn. Lần gặp thứ hai chỉ sau có 6 ngày, tán gẫu một lúc dẫn đến chuyện tuổi tác, cô nhân viên của mình hỏi “Hình như T. kém tớ 1 tuổi ấy nhỉ?”. Cô bạn gật đầu: “Ừ, năm nay tớ 27, không cưới là sang năm Kim lâu mất rồi!” Nói xong liếc nhìn mình một cái rất nhiều ý nghĩa.

Nhìn cái liếc mắt ấy, có là thằng ngốc nhất cũng biết cô bạn định nói gì. Thế mà đó mới là buổi gặp thứ hai, thực ra còn chưa qua giai đoạn “xem mặt”!

Không biết tại sao cô bạn lại có một hành động thiếu khôn ngoan như vậy, mọi hứng thú của mình bay biến hết và đành lấy lý do “cảm thấy không hợp” để từ chối cuộc hẹn lần sau. Có lẽ cho đến giờ cô nhân viên của mình vẫn không hiểu tại sao.

Sự tỉnh táo quá mức có thể nhiều lúc không hay, những ít nhất cũng cứu mình trong một trường hợp.

Chuyện là, sau mấy năm mình gặp lại bà chị từng giới thiệu mình cho “cô bạn Hermes”, tất nhiên ngay sau câu hỏi “khỏe không?” là “vợ con gì chưa?”. Khi mình bảo “chưa” thì bà chị sảng khoái gật đầu ngay “Chị biết mày là thằng kén lắm. Chị đang có một đứa rất được, đảm bảo hai đứa xứng đôi luôn!”

Bà chị này là người kỹ tính lại quen biết lớn, bảo “được” thì chắc là phải được, khi nghe em này đã tốt nghiệp đại học 2 năm, đang làm ngân hàng thì mình thở phào, chỉ cần trông sạch nước cản nữa là xong!

Đến nhà, hóa ra em còn hơn cả mong đợi, một sự pha trộn rất hài hòa giữa sự dịu dàng nữ tính và tự tin của người có kiến thức. Em là người Thái bình, chắc gia đình khá giả nên mua được căn hộ cho hai chị em lên HN học. Người xinh, nhà sạch, nói chuyện hay, đúng là chẳng còn gì nữa để băn khoăn.

Quan hệ giữa mình và em diễn ra không chậm không nhanh, sau hơn hai tháng mình nghĩ, nếu cứ tiếp diễn thì chừng một tháng nữa thì có thể nói I love you. Thế mà đến một lúc, cảm xúc của mình với em tự nhiên dừng lại, không tiến thêm được nữa.

Ban đầu mình rất khó hiểu, thậm chí hoang mang, vì thâm tâm đã coi em là người yêu. Sau khi bình tâm nghĩ lại mình mới nhận ra, hình như lý do là những hành động của em đều tính toán quá. Mỗi câu nói, nụ cười của em có vẻ như đều nằm trong kiểm soát và gây ra cảm giác không thật lòng (dù phải tinh ý mới thấy), sự “không thật lòng” ấy bảo chứng mình thì mình chịu mà chỉ thuần túy là cảm giác. Nếu sự kiểm soát đó là công việc thì mình ok, nhưng chẳng nhẽ với người yêu tương lai mà em cũng như vậy?

Lần gặp sau đó mình để ý thật kỹ, và càng lúc càng tin cảm giác của mình là đúng. Không biết nguyên nhân tại sao, nhưng sự tính toán của em trong cư xử làm mình cụt hứng và không biết nên tiếp tục thế nào. Mình đành thực hiện một “âm mưu” là lấy lý do đi công tác, xa hẳn em 1 tháng, thử xem lúc gặp lại em có thật sự vui mừng không. Nếu em vẫn tính toán và kiểm soát được cảm xúc bản thân thì có lẽ mình phải nghĩ lại.

Không ngờ chưa đầy 1 tháng sau mình nhận được điện thoại của bà chị: “Này, mày đã có gì với con A. chưa?”. Có gì là thế nào chị?”. “Tóm lại đã yêu đương gì chưa?”. “Chưa, mà có chuyện gì vậy?”. “Ồi, may quá……………..!”

Hóa ra từ lâu em đã là bồ nhí của một đại gia còn hơn tuổi bố em, hai người giấu khéo đến nỗi bà chị mình quen cả hai người mà cũng không biết gì. Sự việc bại lộ chỉ hoàn toàn tình cờ, và khi không thể giấu diếm được nữa thì em sắm ngay một chiếc BMW, mua kim cương đeo đầy tay và chuyển sang thái độ thách thức tất cả mọi người.

Ơn trời, hai mắt cú vọ của mình đôi lúc cũng được việc!

Thời gian ấy, không phải mình không gặp cô gái nào khiến mìnn rung động, thậm chí còn hơn một lần như vậy, nhưng nó chỉ càng chứng tỏ sự “vô duyên” với tình yêu của mình. Những cuộc gặp ấy đều diễn ra trong hoàn cảnh chớ trêu, còn mình vì sĩ diện, vì tử tế hay thậm chí vì nhát gan, đã không làm gì mà chỉ đứng nhìn, và tiếc…

Có hai cuộc gặp làm mình nhớ mãi. Một ở Sài gòn năm 2002, năm ấy khi vào công tác mình thường ăn sáng ở quán phở trong một ngõ đường Hàm Nghi, thực ra đồ ăn quán này không có gì đặc biệt nhưng được cái sạch và yên tĩnh mát mẻ. Thường thì ăn xong mình hay gọi thêm tách cà phê, vừa uống vừa đọc báo chờ đến giờ làm việc.

Hôm ấy mình ăn xong, vừa giở tờ báo ra thì một chiếc xe hơi đỗ trước quán, bước xuống đầu tiên là hai mẹ con. Người mẹ khoảng 27, 28 tuổi, dáng dong dỏng cao, mặc chiếc váy đầm trắng hoa xanh và sắc đẹp thì, phải nói là sáng bừng cả một góc phố.

Thú thật là mình đã gai hết người mất mấy giây, không những vì người đẹp mà còn vì kiểu cách của nàng gợi lại cho mình mối tình đầu gần bảy năm về trước. Có những người phụ nữ mà vừa gặp bạn đã biết đây là mẫu người toàn tâm toàn ý vì gia đình, người đàn ông thấy ngay cảm giác vừa muốn che chở nâng niu, lại vừa có thể yên tâm giao phó nhà cửa, con cái. Quả thực thật may mắn cho ai lấy được người vợ như vậy.

Sau phút choáng váng, mình định thần lại và nghĩ thầm “mẹ đẹp mà con chẳng xinh tí nào”. Lúc ấy người lái đỗ xe xong xuống xe… một ông già khoảng gần 60 tuổi, thấp (thấp hơn nàng), béo, hói, bệch xệch như một cỗ máy cũ mà tất cả các ốc vít đều đã lỏng. Đầu tiên mình hy vọng đó chỉ là tài xế hay thân phụ của nàng, nhưng sau khi nghe đứa trẻ gọi “ba” thì… từ hy vọng chuyển thành thất vọng toàn tập.

Quán sáng hôm đó rất vắng, chỉ có mình và hai người đàn bà hình như đang bàn công chuyện, nên trước sau chỉ chúi đầu vào nhau to nhỏ. Mấy đứa phục vụ có vẻ rất tò mò nhưng không dám nhìn lâu, chỉ đi qua đi lại nhiều hơn cần thiết. Quả thực nhìn cặp vợ chồng ấy đặc biệt quá, không ai có thể thờ ơ được.

Mình nhớ hai vợ chồng đó gọi hai bát phở, đứa con thì uống sữa mang theo. Người vợ lấy sữa cho con rồi lấy khăn, lau thìa đũa cho chồng, tận tình chu đáo nhưng rất lặng lẽ. Chỉ có đứa trẻ ngây thơ chạy lăng xăng, đầu tiên quanh bàn ba mẹ rồi bắt đầu sang các bàn khác, đột nhiên nó vấp vào chân ghế và ngã ra sàn nhà.

Đưa bé ngã ngay phía sau lưng mình, mình đứng lên đỡ nó dậy, người mẹ chạy tới, cảm ơn rồi mang nó trở lại bàn. Lúc nói “cảm ơn”, mắt nàng và mắt mình gặp nhau trong giây lát, và mình lại một lần nữa gai người vì nỗi buồn mênh mông trong đôi mắt ấy. Cho đến bây giờ, mình chưa thấy đôi mắt nào đẹp và buồn như vậy.

Hai người nhanh chóng ăn xong rồi mang con đi. Nhìn cách họ lên xe, mình càng khẳng định gia đình này chắc có nhiều uẩn khúc. Chỉ là một thoáng nhìn, nhưng đôi mắt buồn lặng lẽ của người phụ nữ ấy còn ám ảnh mình mãi mấy năm sau này.

Thấy mọi người quan tâm đến kinh doanh nhiều quá, mình đành thay đổi chương trình, hoãn tình lại để viết về tiền vậy!

To bạn amypdx: Bạn hãy đọc kỹ, mình chưa bao giờ nói là mình được thử hàng của LV và Hermes. Nơi mình học là một thành phố nhỏ, không đủ lớn để LV và Hermes đặt cửa hàng, nhưng vẫn có một số shop D&G, Moschino, và quầy bán hàng hiệu tại các department stores.

Có lẽ vì là thành phố nhỏ nên con người đối với nhau cởi mở hơn, và thực tế là mình không khó khăn lắm để bắt chuyện và hỏi thông tin ở các SAs. Còn về chuyện thử hàng, thực ra chủ yếu chỉ là nước hoa và một lần được xỏ thử đôi giày Todd thôi.

Mình không biết bạn định nói gì khi so sánh thu nhập của mình với lương của Tổng thống Mỹ. Có lẽ theo bạn, vì Việt nam là nước nghèo nên không nhà kinh doanh nào có thể có thu nhập hơn Tổng thống Mỹ, nếu nói hơn thì là xạo chăng?

Vậy thì bạn sẽ giải thích ra sao khi nhìn vào bảng 10 người đứng đầu sàn chứng khoán Việt nam, với người giàu nhất có tài sản xấp xỉ 1 tỉ USD? Nói thật, tài sản và thu nhập của mình so với những người đó còn chưa thấm vào đâu. Càng kinh doanh, mình càng gặp và biết những người thực sự rất giàu, và càng tự thấy mình nghèo. Số người có thu nhập hơn Tổng thống Mỹ ở Việt nam không phải quá nhiều, nhưng không ít chút nào đâu bạn ạ!

Quay lại chủ đề chính hôm nay, mình muốn bàn về câu hỏi của bạn kochino: về câu “nghèo thì lâu, giàu mấy chốc”.

Đây là một câu tổng kết rất chính xác. Nếu bạn đọc lại một bài viết trước, mình đã kể là sau thời gian đầu rất khó khăn, đến năm 1999 tự nhiên doanh thu của mình tăng vọt và chỉ sau 1 năm mình không những trả hết nợ mà còn mua được nhà và sắm một số vật dụng lớn. Bản chất của chuyện đó không phải là sự may mắn, mà là một đặc tính mà mình tạm gọi là SỰ BẤT TIỆM TIẾN của các quá trình kinh doanh.

Thế nào là sự bất tiệm tiến? Đó có nghĩa là trong hầu hết trường hợp, mặc dù bạn có ý tưởng đúng, chuẩn bị và tổ chức tốt, việc kinh doanh cũng không bao giờ “tăng dần đều” mà thường có một thời gian dài đi theo đường ngang, không ổn định và thu không bù chi. Phải sau một thời gian nhất định, khi thị trường đủ “ngấm” hàng hóa của bạn thì đến một lúc nào đó, tự nhiên sẽ có một bước nhảy vọt của nhu cầu, và bạn sẽ chứng kiến một sự phát triển vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận. Cái gọi là “giàu mấy chốc” chính là như vậy.

Quãng thời gian từ khi bắt đầu đến lúc đạt bước nhảy vọt lúc nào cũng là quãng thời gian rất khó khăn, kể cả với những nhà kinh doanh dày dạn. Bạn sẽ thấy những kế hoạch mình đề ra lúc đầu đều sai bét, sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính triền miên, trong khi tương lai lại hoàn toàn bất định. Quãng thời gian này chính là thước đo sự sáng suốt, nghị lực, tài tháo vát và độ “liều” cũng như độ “lì lợm” của bạn. Nếu có thể vượt qua sự trì trệ ban đầu, kiên trì đưa kinh doanh đến bước nhảy vọt, thì không những bạn sẽ được nếm trái ngọt của thành công mà tôi còn dám chắc 100%, bạn sẽ trưởng thành vượt bậc.

Tuy nhiên, cũng có một tin buồn là cái “thời điểm nhảy vọt” ấy bao giờ thì đến, thậm chí liệu có đến hay không, không ai có thể dự đoán cũng như tính trước được. Nhiều khi đó chỉ thuần túy là dự cảm và niềm tin sắt đá vào chính mình, mỗi người kinh doanh đều phải có dự cảm và niềm tin như vậy thì ít nhất mới có hy vọng thành công.

Một số bạn muốn biết ngay về tình yêu cuối cùng của mình nhưng như đã nói, truyện này mình không hẳn muốn kể chuyện tình yêu mà là sau đám cưới mình cảm thấy cuộc đời như bước sang hẳn một trang khác, và tự nhiên muốn tâm sự về quãng thời gian đã qua. Câu chuyện của mình có cả chuyện tình yêu, chuyện đời, chuyện kinh doanh (vì nó là nghề của mình), và diễn biến tuần tự theo thời gian, vì ý muốn của mình là tâm sự. Nếu bạn nào thấy câu giờ quá thì mình thành thật xin lỗi, bởi mình không thể viết nhanh hơn được.

Quay lại chủ đề mình đang nói, kinh doanh. Một số bạn muốn biết mình khởi nghiệp như thế nào, lấy vốn ở đâu. Thực ra mình may mắn hơn nhiều người vì được gửi đi học nước ngoài, sau 5 năm về nước mình có được một vốn kiến thức rất có ích, một ý tưởng kinh doanh, và tích cóp được gần 6.000$. Mình phải vay mấy người họ hàng thêm 6.000$ nữa với lãi suất 2,5% một tháng mới đủ cho chuyến hàng đầu tiên.

Lúc đó mình chưa có công ty riêng, phải thuê một công ty khác nhập khẩu và xử lý hóa đơn hộ. Khi hàng về, vì không có tiền nên mình phải kiêm tất cả các công việc: giám đốc, kế toán nội bộ, tiếp thị, bán hàng và bốc vác. Có lần trời mưa ngập kho, mình phải tự tay chuyển gấp gần 10 tấn hàng từ chỗ thấp lên chỗ cao, xong việc bị lên 1 cơn co giật vì quá sức, may mà sau đó cũng tự khỏi.

Hai năm 96,97 là hai năm địa ngục đối với mình, nỗi vất vả về làm việc đã lớn, nhưng còn chưa thấm vào đâu so với sự căng thẳng về tài chính. Mình luôn sống trong cảnh giật gấu vá vai, lấy món vay này bù vào chỗ nợ khác. Có những lúc chỉ cần 150 ngàn đồng trả lãi một khoản 5 triệu vay nóng mà cũng không biết làm sao kiếm ra, phải làm một việc kinh khủng là đem cắm bằng tốt nghiệp. Vậy mà không hiểu tại sao ngay trong những lúc đen tối nhất mình vẫn không bao giờ nghĩ mình sẽ thất bại, chỉ lẳng lặng tự đi cho tới cùng, không kêu ca than vãn với ai, kể cả với bố mẹ.

Năm 96 coi như tập sự, năm 97 doanh thu có khá hơn chút ít nhưng thu vẫn xa xa mới đủ bù chi, cả bố mình cũng mấy lần khuyên mình nên thôi nhưng mình không bỏ cuộc. Năm 98 tình hình bắt đầu sáng sủa hơn, đến năm 99, đột nhiên nhu cầu về sản phẩm của mình tăng lên, doanh thu gấp đến 6 lần năm trước, đã thấy dấu hiệu của sự thành công.

Mỗi người kinh doanh, khi thành công đều ít nhiều có một ân nhân, ân nhân của mình chính là vị đại diện khu vực của công ty cung cấp. Suốt hai năm 97,98, mặc dù biết mình không đủ năng lực tài chính nhưng ông vẫn không bác bỏ tư cách đại lý của mình, và năm 99 ông lại lấy tư cách cá nhân bảo lãnh cho mình được mua hàng trả chậm từ công ty mẹ. Chính nhờ có bảo lãnh trả chậm mà hàng về kịp thời, và mình mới không nhỡ cơ hội khi thị trường bùng nổ.

Những năm ấy, tài sản cá nhân duy nhất của mình là chiến Cub 81 bố mẹ mua cho khi về nước, chiếc xe đã cùng mình đi hết tất cả khốn khó đến thành công sau này. Bây giờ chiếc Cub 81 vẫn ở trong nhà mình, trong một góc kín đáo nhưng trang trọng. Thỉnh thoảng buổi tối mình vẫn ra ngồi cạnh, im lặng đặt tay lên yên, lần nào cũng thấy một cảm giác rất khó nói từ chiếc xe truyền sang, cảm giác như với một người tri kỷ.

Lần “say nắng” thứ hai của mình là vào mùa thu 2003. Mình có việc với văn phòng đại diện một công ty Châu Âu tại Hà nội, đến nơi mới biết Đại diện trưởng là người quen, học trên mình 3 khóa nhưng hơn đến 10 tuổi. Văn phòng đó chỉ có 4 người, 1 sếp trưởng, 2 nhân viên và 1 em thư ký rất xinh, đến mức mình phải tròn mắt ngạc nhiên.

Là bạn cũ nên mình và sếp trưởng chuyện trò rất thoải mái, bàn công việc xong mình mới hỏi “anh có cô thư ký xinh thế, có cơ chế đặc biệt gì không?” Sếp trưởng lắc đầu quầy quậy: “Đâu có, anh tuyển nhân viên công bằng, con bé được việc lắm đấy”

Mình không tin lắm những lời anh bạn nói. Những cô thư ký như vậy mình đã gặp không ít, làm bình hoa di động, bưng trà rót nước đánh vài trang văn bản là cùng, lúc đầu có thể rất ấn tượng nhưng tiếp xúc vài lần là chán ngay.

Nội dung công việc là mình hỏi mua 1 số phụ gia hóa chất, anh bạn hẹn 1 tuần sau trả lời chi tiết. 6 ngày sau sếp mới gọi điện báo phải đi công tác đột xuất, “có gì chú cứ nói chuyện với cái T., anh đã bàn giao hết cho nó rồi!”

T. chính là cô thư ký xinh đẹp của anh bạn. Thú thực là lúc ấy mình hơi bực, chuyện mua bán nghiêm chỉnh chứ có phải đi chơi đâu mà giao cho thư ký, nhưng vì anh bạn hơn 1 tuần sau mới về nên mình vẫn phải qua gặp cô thư ký. Hóa ra… gặp rồi mới biết anh bạn nói đúng.

Cô thư ký có kiến thức rất chắc chắn, hiểu sâu về sản phẩm, biết rõ về thị trường, phát âm tiếng Anh tốt, cách giao tiếp đúng mực. Cho đến lúc bấy giờ, mình chưa gặp người nào được cả sắc lẫn tài như vậy. Đoạn cuối câu chuyện, nghe em nói về công thức hóa học mà mình chỉ muốn bật ra câu hỏi “em có người yêu chưa?” Tóm lại, chỉ sau hai tiếng là mình đã “đổ” hoàn toàn.

Từ văn phòng ra, mình lái xe vào góc khuất rồi gọi điện ngay cho sếp của em. Anh bạn là người rất nguyên tắc, chỉ hẹn “đợi anh về nói chuyện”. Đến lúc anh bạn về những gần 1 tuần nữa, trong mấy ngày ấy mình cứ như ngồi trên tổ kiến lửa.

Thật sự trong đời mình chưa bao giờ mong một người đàn ông không phẩi là bố mình đi công tác về đến như vậy. Có lẽ vì say nắng quá nên mình đã không tỉnh táo nghĩ ra một điều, lúc nói chuyện tuần trước anh bạn từng hỏi mình có vợ chưa, mình trả lời “chưa” mà anh không hề tỏ ý giới thiệu hai người với nhau. Nên chờ đợi suốt gần 1 tuần, cuối cùng mình chỉ nhận được một gáo nước lạnh “nó có người yêu, nghe đâu sắp cưới rồi”.

Theo lời anh bạn kể thì tay người yêu em trình độ không bằng, lại còn ghen tuông tệ hại. “Cái T. khổ với nó lắm, nhưng hình như hai gia đình có giao hẹn gì đó nên không bỏ được. Anh vốn phản đối chuyện xen ngang, nhưng vì nó nên anh ủng hộ chú. Có điều chú phải thật kiên nhẫn, tuyệt đối không được nôn nóng!”

Mấy hôm sau anh bạn rổ chức một buổi ăn trưa, cuộc gặp rất nhẹ nhàng vui vẻ. Rồi mình phải sang Trung quốc công tác 2 tuần. Buổi chiều về đến nhà, buổi tối mình gọi điện ngay cho anh bạn và lại được dội một gáo nước lạnh: “Chú chưa biết à, cái T. nghỉ việc rồi!”

Hóa ra buổi trưa hôm chúng tôi gặp nhau, tay người yêu đến tìm em nhưng không thấy, anh ta đợi ngoài văn phòng đến tận khi tôi đưa anh bạn và em về. Một linh tính nào đó đã khiến anh ta nổi cơn ghen, về nói với cả hai gia đình bắt em phải bỏ việc, bỏ luôn cả Hà nội để về quê làm dâu gia đình bên ấy.

Những gì mình nghe sau đó là một câu chuyện buồn. Trước khi thôi việc em mới kể cho anh bạn, bố em và bố của người-được-gọi-là-người-yêu (bởi em không hề yêu người đó) là đôi bạn cùng làng, cùng nhập ngũ vào chiến đấu ở chiến trường Tây nam. Năm 1978 trong một trận đánh, người bạn đã cứu bố em thoát chết và mất một bàn chân, vì thế mà năm 80 mới có em ra đời, nhưng cũng vì thế mà từ khi lớn lên em đã nghiễm nhiên bị coi là dâu con của gia đình đó, để bố em trả món nợ ơn nghĩa hơn hai mươi năm trước.

Anh bạn bảo: “Về quê lấy chồng là coi như xong đời. Anh có địa chỉ nhà đây, nếu thật sự yêu em nó, chú thử về xem giải quyết thế nào?” Nói vậy nhưng cả mình và anh bạn đều hiểu điều đó là không thể. Chuyện không phải chỉ liên quan đến hai đứa trẻ mà còn là quan hệ ơn nghĩa giữa hai gia đình, mình lại hoàn toàn là người ngoài, có tư cách gì đâu để can thiệp!

Mấy tháng trời sau mình lâm vào trạng thái trầm cảm, thất tình thì ít mà thương cho em thì nhiều. Cứ nghĩ đến một bông hoa như em đang phải chịu hành hạ về tinh thần, thậm chí cả thể xác là mình lại như lên cơn điên muốn đập phá. Tại sao ông trời đã tạo ra em xinh đẹp thông minh, mà lại bắt em phải chịu đựng một số phận cay nghiệt như vậy…

Bây giờ mình sẽ đổi chủ đề một chút, từ tình yêu chuyển sang kinh doanh. Mình đã suy nghĩ có nên viết bài này không hay chỉ kể lại chuyện tình cảmi, cuối cùng mình quyết định viết vì nếu không thì cả những chuyện yêu đương về sau cũng sẽ không được rõ ràng.

Năm 2003 là năm bước ngoặt đối với mình. Trước đó mình chỉ làm thương mại, nói đúng hơn là làm đại lý độc quyền cho một công ty lớn của châu Âu. Mình là người khai phá thị trường cho công ty đó tại Việt nam, đổi lại thì trong một thời gian, công ty đó cho mình toàn quyền thương mại: hàng hoá, giá cả, marketing, thị trường… cứ thế cho đến năm 2002.

Những bạn đã có kinh nghiệm trong ngành phân phối hàng hóa có lẽ đều biết, các công ty lớn của Âu Mỹ khi thâm nhập thị trường thường dùng các công ty bản địa để dọn đường. Họ chọn một nhà phân phối, đặt giá tương đối thấp và thực hiện việc giám sát vòng ngoài. Đến khi doanh thu tại chỗ lên đủ cao thì nhà sản xuất sẽ nhảy vào cuộc, trực tiếp nắm lấy quyền kinh doanh và cắt đứt nhà phân phối bản địa, hoặc sẽ nâng giá bán và biến nhà phân phối thành một dạng như người khuân vác cao cấp, với lãi suất phân phối chỉ chừng 4-5%.

Kịch bản tương tự đã xảy ra với mình năm 2003. Năm 2002, vị đại diện khu vực ân nhân của mình hết nhiệm kỳ về nước (và về hưu luôn), tay đại diện mới sang chỉ hơn mình 4 tuổi, đúng kiểu người kinh doanh hiện đại: nhanh nhẹn, quyết đoán và lạnh lùng. 4 tháng sau khi nhậm chức hắn hẹn gặp mình, thông báo “từ sang năm bọn tao sẽ nắm các quyền quản lý chiến lược, marketing và bán hàng. Việc của chúng mày là nhận đơn hàng, chở hàng đến và thu tiền. Lợi nhuận sẽ là 4,5%, miễn thương lượng!”

Mình không quá bất ngờ vì đã phần nào đoán trước được chuyện đó. Tất nhiên không bao giờ mình có ý định làm phu khuân vác, nên mới bắt tay ngay vào nghiên cứu ý tưởng sản xuất đang hình thành trong đầu.

Ý tưởng đó tới một cách khá tình cờ. Đầu năm 2003 mình đến thăm chị khách hàng ở khu chợ Bình tây, đang nói chuyện thì một người vào hỏi một loại nguyên liệu, chị nói hết rồi. Mấy phút sau lại có người gọi điện thoại hỏi đúng thứ đó, chị mới than vãn với anh chồng “dạo này đứt hàng nhiều quá, nghe khách hỏi mà rầu hết cả ruột”. Mình ngồi đó chỉ thuận miệng hỏi “cái này Việt nam không ai làm hả chị?”

Chị khách hàng lắc đầu ngay: “Có người Hoa thử rồi nhưng khó quá không làm nổi. Chú mà làm được, chị bao tiêu ngay 100%!” Trở về nhà mình bắt đầu nghiên cứu, theo lý thuyết thì loại nguyên liệu đó không quá phức tạp, nhưng thiết bị đắt tiền và cần một số bí quyết sản xuất nên Việt nam vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.

Sau khi nghe thông báo của tay đại diện, mình mới dốc sức tìm kiếm, huy động tất cả các người quen ở Mỹ, Nhật và châu Âu để tìm nguồn chuyển giao công nghệ. Cuối cùng may mắn đã tới từ nơi ít hy vọng nhất là cậu bạn Hà lan cùng học hồi đại học, bạn của bố cậu ta chính là một chuyên gia về lĩnh vực này, hay nhất là ông ta đã về hưu và không có ràng buộc với công ty nào nữa.

Vậy là phần khó nhất đã giải quyết xong, đến khâu xây dựng và thiết bị. Đến đây mình mắc phải một sai lầm lớn là gọi người góp vốn, nhưng người đó lại là bạn bè.

Đó là hai anh em bạn cùng học với mình hồi phổ thông. Ngoài việc gánh đỡ về tài chính, còn có lý do là người em rất giỏi tiếng Trung. Vì thiết bị châu Âu quá đắt nên sau khi tham khảo chuyên gia, mình quyết định mua chừng 1/3 dây chuyền từ Trung quốc, mình cần người giỏi tiếng Trung là như vậy.

Hết năm 2003 mình kết thúc luôn hợp đồng phân phối, tập trung vào nhà xưởng, và đến mùa hè 2004 thì mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời. Vị chuyên gia ở nhà máy 1 tháng, dạy hết các bài rồi về nước. Ngay sau đó thì chuyện xấu bắt đầu xảy ra: mặc dù đã vận dụng hết các bí quyết được học, gọi điện tham khảo đủ các cách mà sản phẩm ra cứ lúc được lúc không. Không những hàng bị trả về, mình còn nhận đủ mọi lời mắng chửi của khách, và điều kinh khủng nhất là không hiểu tại sao lại như vậy.

Ban đầu mình nghi vị chuyên gia giấu bài, nhưng khi nói chuyện đó ra ông ấy gạt ngay: “không dạy chúng mày thì tao cũng mang theo bí quyết xuống mồ, giấu để làm gì chứ?” Mình chuyển sang kiểm tra các quy trình vận hành, cũng không phải, vì công nhân mình tuyển cẩn thận, trả lương tốt, làm việc rất nghiêm túc. Nhưng cũng từ kiểm tra vận hành mà mình phát hiện ra một việc khác: thiết bị Trung quốc có vấn đề.

Mình thuê người kiểm định lại, đúng là hàng Trung quốc bị ăn cắp chất lượng. Sự ăn cắp này rất tinh vi, dường như cty Trung quốc biết trước máy móc sẽ hoạt động chính xác trong điều kiện nào để sản xuất những linh kiện chịu đựng quá điều kiện đó một chút. Có điều vì khí hậu nóng ẩm và điện áp không chuẩn ở Việt nam nên điều kiện công tác của máy không hoàn toàn giống như xác định của chuyên gia, lúc đó thiết bị Trung quốc mới lộ ra chuyện bị ăn cắp chất lượng.

Quá trình chuẩn bị, chỉ có ba người là mình và hai anh em đó biết về công thức sản xuất, người em lại phụ trách thương lượng mua thiết bị Trung quốc. Chắp nối lại các sự kiện, mình mới bàng hoàng khi nhận ra một điều: mình đã bị qua mặt, bị tham những một cách trắng trợn.

Lấy một ví dụ cho các bạn dễ hiểu: mình đặt một van chịu được 350 độ nhưng người em biết sản xuất chỉ cần 250 độ, thế là hắn ta nói với nhà máy Trung quốc chỉ lấy van chịu được 280 độ nhưng vẫn làm hồ sơ kỹ thuật và tính giá bằng van 350 độ. Số tiền chênh lệch giữa hai loại van, cty Trung quốc sẽ trả lại bằng tiền mặt cho người em coi như “phí môi giới”. Nếu như những điều kiện sản xuất ở Việt nam mà chuẩn như ở châu Âu thì có lẽ còn lâu mình mới phát hiện ra.

Không phải mình không biết nhìn người, nhưng đã để tình bạn từ thửa hàn vi làm mờ mắt. Mình đã tin tưởng hai anh em họ vô điều kiện, thậm chí khi hàng hỏng bị trả về mình đã nói “nếu thất bại, tớ sẽ bảo toàn vốn góp cho các cậu, đừng lo.” Thế mà họ đã đối xử với mình như vậy.

Cuộc gặp với hai anh em sau đó là một trong những cuộc nói chuyện khó khăn và nặng nề nhất trong đời mình. Cuối cùng hai bên đồng ý rằng mình sẽ bỏ ra 70% số tiền góp vốn của hai anh em để lấy lại toàn bộ cổ phần, và coi như chấm dứt quan hệ. Mình còn lại nhà máy với một dây chuyền sản xuất không đú tiêu chuẩn, một kho hàng kém chất lượng và một tài khoản rỗng tuếch.

Có lẽ trong tất cả tình huống hết hy vọng, con người ta cuối cùng cũng tìm về gia đình. Mình phải xin bố mẹ bán đi ngôi nhà đang ở, dọn vào một căn hộ chung cư cũ kỹ để lấy tiền tái thiết nhà máy. Trong lần này, vị chuyện gia già lại trở thành ân nhân khi tìm được cho mình một số thiết bị cũ nhưng còn tốt của Đức, và tình nguyện sang lần thứ hai, chỉ ở nhà nghỉ 200.000 đồng một ngày, lăn lộn với mình và công nhân suốt 2 tháng cho đến khi nhà máy hoạt động ổn định.

Suốt một thời gian dài, đầu mình luôn ở trạng thái căng như dây đàn. Sau khi nhà máy cho ra được mẻ sản phẩm đạt chuẩn thứ bảy không cần đến chuyên gia, nghĩa là đã coi như thành công, lúc đó mình mới gục xuống ngủ một mạch liền 40 tiếng. Mẹ mình sợ quá phải gọi bác sĩ, ông chú bán sĩ chỉ cười “cứ cho nó ngủ chán nó khắc dậy!”

Mình còn phải mất rất nhiều công để thuyết phục các bạn hàng tin lại vào sản phẩm của mình, nhưng khi đã gây dựng được lòng tin thì doanh thu tăng rất nhanh. Sản phẩm của mình thuần túy là kỹ thuật, không có một chút quan hệ hay chính trị nên thu nhập của mình nghiêm túc và sạch hoàn toàn.

Sau chuyện buồn với mối tình say nắng, mình gần như mất cảm giác với hẹn hò yêu đương. Thêm vào sản xuất quá bận rộn nên một thời gian dài, thuyền trưởng Húc sống gần như một nhà tu hành. Có bắt tay vào mới biết, quản lý sản xuất chẳng khác gì nuôi con mọn. Phải lo toan hàng trăm thứ bà dằn, mà thiếu một thứ nhỏ cũng có thể khiến cho cả dây chuyền ngưng trệ. Suốt mấy năm liền, ngày nào mình cũng 5 rưỡi dậy, 6 giờ đi, tối 9 giờ về ăn với bố mẹ bữa cơm rồi lăn ra ngủ. Thời khóa biểu như vậy, có muốn cũng không thể tìm hiểu hẹn hò ai.

Bù lại, mình có những niềm vui khác. Cảm giác là người duy nhất ở Việt nam làm ra những sản phẩm đó và còn hoàn thiện được thêm là một niềm tự hào đặc biệt, thế đứng “vững như bàn thạch” không phụ thuộc vào ai là một kiêu hãnh khác. Nếu thương mại chú trọng doanh thu và lợi nhuận thì sản xuất quan trọng nhất là sự liên tục và ổn định, có lẽ vì vậy mà mình dần trở thành điềm tĩnh và bao dung hơn. Kể cả hai người bạn từng chút nữa làm mình phá sản, mình cũng đã làm lành và còn tư vấn cho một việc kinh doanh tương đối tốt.

Mãi đến năm 2007, dưới sự thúc giục rất nhiệt tình của vợ chồng một người bạn lâu năm, mình mới lại có một buổi giới thiệu. Nàng là người đẹp và người mẫu tương đối có danh, mình thì, mặc dù có một số kiến thức về thời trang, thực sự không có thiện cảm mấy với giới showbiz. Nhưng chị vợ, cũng là dì họ của nàng, cứ nhấn mạnh “nó ngoan ngoãn ngây thơ lắm”, và cùng chồng lôi mình ra cà phê gặp cô cháu bằng được.

Quả thực nàng rất đẹp, đẹp hơn nhiều so với trong ảnh. Ngay từ đầu mình đã khẳng định nàng ngoan nhưng không hề ngây thơ. Dù sao thì mình cũng không phải là cậu bé mới lớn nên cả bọn bốn người nói chuyện rất vui vẻ và đến cuối buổi, với sự đảm bảo của cô chú nàng, mình đã được phép chở nàng về nhà.

Mình và nàng trở thành bạn thân khá nhanh, chính nàng đã tự nói với mình “Em chưa thân với ai nhanh như thế, chỉ vì tiếp xúc với anh ngay từ đầu em đã có cảm giác an toàn.” Sau hơn 1 tháng nàng bắt đầu nhờ mình đi cùng đến các nơi, và lần nào mình cũng gây được ấn tượng rất tốt. Đến một lúc mình đột nhiên nhận ra, hình như mình đã thâm nhập kha khá vào giới showbiz.

Gặp một số người mẫu và người đẹp mình mới thấy, thực ra nhiều người trong họ khá thông minh, có điều vì mất tập trung và rời bỏ sách vở quá sớm nên hầu hết đều trở thành người ít kiến thức, hời hợt và ồn ào. Một số người mình gặp còn như lúc nào cũng lơ lửng trong mây đến mức không thể tưởng tượng nổi, khi không làm nghề được nữa thì họ sẽ sống như thế nào.

Có một điều mình hiểu ra và thông cảm là trong giới này, chuyện một người phải có nhà tài trợ là gần như tất yếu, nhà tài trợ đó có thể là gia đình (như cô bạn mình), là công ty quản lý hay một cá nhân nào đó. Chuyện “hư, ngoan” của giới showbiz rất khác với đời thường và vì thế, có lẽ khó lấy những tiêu chuẩn truyền thống để đánh giá được.

Và ấn tượng sâu sắc nhất của mình với giới này là sự kèn cựa khủng khiếp. Ai cũng cố gắng nổi trội, ai cũng không muốn cho người khác hơn mình, bất kể là trong nghề hay trong cuộc sống riêng. Chính mình cũng từng là “nạn nhân” của chuyện đó.

Như đã nói, cô bạn của mình có một số lần nhờ mình tháp tùng và đưa đi nhân dịp nọ kia. Lần nào cũng vậy, mình luôn tỏ thái độ khiêm tốn và thân thiện vừa phải, cộng thêm những món quà mình tặng nàng cũng đắt tiền và sang trọng vừa phải nhưng rất phù hợp, khiến mình nhanh chóng gây được ấn tượng của một “đại-gia-tử-tế” (thú thực lần đầu tiên được ca ngợi là đại gia, mình tí nữa sặc nước ra bàn). Và vì thế, lập tức có ngay những người thấy ngứa mắt với cô bạn.

Một buổi tối mình tự nhiên nhận được một tin nhắn “Anh yy, anh không biết em nhưng em biết rất rõ zz (cô bạn của mình), chắc anh không biết nó là người thế nào đâu.” Đầu tiên mình hơi ngạc nhiên, chỉ nhắn lại “Xin lỗi, tôi không hiểu bạn định nói gì.” Dường như chỉ chờ có thế, người kia tuôn luôn một tràng “Anh có biết nó đã cặp với ai, anh có biết cái xe của nó ai mua cho không, anh có biết blablabla không…?”

Mình hiểu đã gặp một kẻ phá hoại nặc danh nên nhắn lại “Xin lỗi, tôi không quan tâm đến chuyện đó” rồi tắt máy. Thế mà mấy hôm sau, một số khác lấy danh đàn ông lại nhắn cho mình “Tôi là người đã từng… với zz, vì không muốn anh bị lừa nên cho anh biết…” Khi mình bực quá nhắn lại “Tôi có rất nhiều bạn làm công an, anh có muốn gặp nói chuyện không?” thì số kia im luôn.

Chắc kẻ nặc danh kia nghĩ mình là “đại gia” thì chắc phải ghê gớm lắm nên không dám phá tiếp, rõ ràng hắn non gan và rất thiếu hiểu biết. Mình cũng bỏ qua và gần như quên đi, cho đến gần 4 tháng sau…

Hôm đó mình cùng cô bạn đến một bữa tiệc nhỏ. Mình đến nhà chờ đưa nàng đi, nàng vừa xuống cầu thang thì có điện thoại. Lên phòng nói chuyện một lúc, khi xuống nàng mới kể lại để xin lỗi “Điện thoại của B. Nó vào Phú quốc chiều nay, lớ ngớ bị giật mất mobile phải mua một chiếc rẻ tiền dùng tạm, may mà trong túi vẫn còn một cái sim.”

Tự nhiên trong đầu mình sinh ra linh tính. Đến bữa tiệc, lúc cô bạn nhờ cầm túi để đi vệ sinh, mình lấy nhanh điện thoại của nàng ra xem. Quả nhiên số B. vừa gọi chính là 1 trong 2 số nặc danh đã nhắn tin cho mình 4 tháng trước, trong khi nàng từng kể với mình “cùng nghề, em chỉ chơi được với mình nó”!

Dần dần mình cảm thấy mệt mỏi, nàng cũng nhận ra điều đó. Sau một cuộc nói chuyện thẳng thắn và tình cảm, mình và nàng đồng ý nên chấm dứt thì hơn. Hai người thuộc về hai nơi khác nhau mà muốn kết hợp, một trong hai phải từ bỏ thế giới của mình. Vậy thì tốt nhất nên giữ một khoảng cách vừa đủ…

Có lẽ đó là mối quan hệ duy nhất mà sau khi chia tay, mình với người kia vẫn giữ được tình cảm tốt đẹp. Hàng năm mình đều chúc mừng và gửi quà cho nàng dịp sinh nhật và năm mới. Đám cưới của mình, nàng kéo một đám người mẫu đến dự làm khách khứa lác hết mắt, sau đó nàng có nói nhỏ với mình “Em vẫn tức lắm, nhưng thấy vợ anh thì em chịu thua rồi!”

Năm 2009, tính tuổi mụ, mình đã bước sang năm thứ 38.

Nhân viên và những bạn bè quen biết từ lâu đã không hỏi về chuyện vợ con của mình nữa. Bố mẹ thì sau một thời gian thúc giục (những năm mình 30-33) đến ngao ngán (34-35) qua buồn phiền (36-37), lúc ấy cũng đành phải chấp nhận rằng về đường tình duyên thằng bé vướng phải số lận đận. Mình không còn thiếu gần như bất cứ một thứ gì để có một gia đình đầy đủ và hạnh phúc, cái thiếu duy nhất “chỉ” là một cô dâu cho đám cưới mà thôi…!

Thỉnh thoảng mình cũng nghĩ đến chấp nhận một ai đó trong số người quen, nhân viên hoặc các đối tượng được giới thiệu để lấy cho xong chuyện, nhưng rồi mình lại sợ làm khổ người ta khi lấy mà mình không yêu. Một phần nữa là sự kiêu hãnh cũng không cho phép mình bỏ cuộc, vì rằng chấp nhận hôn nhân không có tình yêu cũng tức là chấp nhận đầu hàng số phận. Mình không thể đầu hàng một cách lãng xẹt và dễ dàng như vậy.

Trong cuộc “đấu tranh với số phận” này mình có một đồng minh rất ít người biết, là bác gái mẹ của người bạn thân hồi đại học.

Bác là một thiên kim tiểu thư chính cống của đất Hà nội xưa. Thời kỳ cải tạo công thương nghiệp, gia đình bác mất hết, các anh em vì lý lịch gia đình mà không được vào đại học. Bác đã phải đi con đường vòng từ làm công nhân lên trung cấp, rồi công nhân kỹ thuật, sau đó mới được cử đi học đại học. Chồng và con gái cả mất sớm, bác một mình nuôi dạy hai cậu con trai và tất cả các em chồng nên người.

Bây giờ cậu bạn mình là giảng viên đại học ở Canada, cậu em út là giảng viên ở Nhật. Nhưng bác ở lại nhà một mình, nhất định không chịu xa Hà nội vì đây là nơi chồng và con gái bác yên nghỉ. Quả thực là một người mẹ vĩ đại.

Mình đến thăm bác đầu tiên chỉ là xã giao, nhưng rồi hai bác cháu hợp chuyện và trở thành đôi bạn vong niên. Quả thực những người Tràng an gốc gác, nhất là thế hệ được tiếp nhận nền giáo dục chính thống thời thuộc địa, có một chiều sâu và cốt cách đặc biệt. Khoảng hai ba tuần mình lại đến thăm bác một lần, hai bác cháu nói đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới bể, tất nhiên trong đó không thể thiếu chủ đề vợ con yêu đương của mình. Và trong chuyện này người bạn vong niên của mình có quan điểm như của nhà Phật, đó là “tùy duyên”. Bác phản đối mọi sự giới thiệu, ý rằng “Trời Phật đã sinh ra một người, tất sẽ sinh ra người phối ngẫu. Việc gặp người đó sớm hay muộn là do Trời Phật sắp xếp, có muốn cưỡng cầu cũng không được.” Có lẽ bác là người duy nhất không sốt ruột, không thúc giục hay khuyên bảo gì mình, chỉ nói “Cháu sống có tâm như vậy, tất Trời sẽ không bạc đãi!”

Trời Phật có thật hay không, chắc con người phải cãi nhau hàng thế kỷ mới ra được. Nhưng duyên phận thì mình tin là có thật, và duyên phận của mình đã đến một cách rất tình cờ, tình cờ đến mức không thể tình cờ hơn, bởi nó bắt đầu từ một sự hiểu nhầm lãng xẹt.

Tối hôm đó mình nhận được điện thoại của một khách hàng cũ từ thời còn làm thương mại, anh bạn này mình đã không gặp từ năm 2004: “Húc à, anh vừa ra Hà nội. có rỗi không ra làm vài ly!”

Anh bạn này là người hào sảng tốt bụng nhưng phải cái uống như hũ chìm, lần nào mình gặp cũng bị ép uống cho tới bến mới thôi. Mình không muốn say nhưng cũng muốn gặp lại anh nên từ chối khéo: “Em chưa về Hà nội, hay là để mai đi?”

“Được rồi, ở đâu?” Mình đã tính trước nên trả lời: “My Way, anh biết chỗ đó không?” Mình chọn My Way vì đó là quán lịch sự, ngồi đấy thì không thể say được. Anh bạn đồng ý ngay: “OK, My Way chứ gì, mấy giờ?”

Nghe cách nói thì anh bạn rất quen thuộc My Way, mình không hỏi thêm nữa mà chỉ hẹn 10 giờ sáng. Đến đó uống vài chai bia, ăn một bữa cơm là hợp lý, vừa vui vẻ vừa không phải nhậu quắt cần câu. Có gì thì thêm lý do “chiều em phải làm việc” là xong, nói chung mình không chịu được cảnh nhậu lai rai đến say xỉn.

Hôm sau đúng 10 giờ mình đến My Way Tràng Tiền, chờ đến 10 rưỡi không thấy bạn mới gọi điện: “Anh đang ở đâu?” Anh bạn đáp oang oang như lệnh vỡ: “Anh ngồi chờ hơn nửa tiếng rồi, chú bị kẹt hả?” Lúc ấy mình mới nghĩ ra: “Anh ngồi ở My Way nào?” “Thì My Way ở Trung hòa Nhân chính đó…!”

Hóa ra hai người đến hai My Way khác nhau. Sau đó anh bạn kể anh có bà chị ở ngay bên cạnh, đến thăm chị nhìn thấy quán nên khi mình hẹn, anh đồng ý luôn mà không hỏi lại. Mình dặn anh chờ rồi ra xe chạy xuống Trung hòa Nhân chính, khoảng 11 giờ hai anh em gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện ran như pháo nổ.

Đang lúc bọn mình chuyện trò thì ở bàn phía sau mình có khách vào. Thoạt đầu mình không để ý, chỉ biết loáng thoáng đó là một phụ nữ Việt nam trẻ và hai người châu Á đã lớn tuổi. Câu chuyện của bọn mình rất vui vẻ, anh bạn lại có tính nói to nên mình gần như không nhận thức gì ở xung quanh. Chỉ đến khi chọn món ăn trưa thì anh bạn mới chịu giải lao đọc menu, tình cờ tiếng cười của mấy người ở bàn sau lọt vào tai mình.

Giọng cười của người phụ nữ trẻ nghe quen quen, mình thử nhớ lại và… giật bắn người. Chẳng lẽ lại là em…?

Sau tiềng cười (thực ra cũng khá nhẹ nhàng), ba người đó lại hạ giọng xuống rất thấp. Căng tai ra một lúc không nghe được thêm gì (xấu hổ nhỉ) mình đành phải diễn bài “gọi điện”: rút mobile, bấm số một cậu quản lý, đứng lên đi ra một góc ra vẻ nói chuyện riêng. Tất nhiên cái góc đó đã được nhắm từ trước, để lúc về mình “phải” đi ngang qua mấy người ngồi phía sau.

Ba vị khách láng giềng đang chúi đầu vào máy tính và rất nhiều tài liệu, không hề ngẩng đầu lên. Cuối cùng mình đã nhìn thấy chủ nhân của tiếng cười quen thuộc…

Vẫn khuôn mặt ấy, dáng người ấy, nhưng chỉ nhìn qua cũng biết em đã trưởng thành rất nhiều. Thật khó diễn tả cảm xúc lúc đó của mình, có lẽ là một hỗn hợp 30% ngạc nhiên, 30% vui mừng và đến 40% còn lại là tò mò khủng khiếp. Đã sáu năm qua kể từ ngày em phải về quê theo sự sắp đặt phi lý của gia đình, sự kiện nào đã mang em quay lại Hà nội, không những thế còn dường như đang khá thành công? Với tính cách của anh chàng “người yêu chỉ định” ngày xưa, hẳn em không thể thành đạt thế này nếu lấy anh ta, vậy thì gia đình của em bây giờ…?

Hàng loạt câu hỏi khiến mình ăn cơm mà chẳng thấy mùi vị hứng thú gì, may mà anh bạn không nhận ra. Thật may cho mình, đúng lúc nghĩ chắc phải diễn màn bám đuôi như phim bộ Hồng Kông thì chuông điện thoại reo, có người hỏi địa chỉ văn phòng để chuyển cho em một bưu kiện gì đó. Thế là chỉ trong chốc lát mình đã nghe được nguyên xi địa chỉ, tầng, phòng của nơi em làm việc. Và một kế hoạch hình thành ngay trong đầu…

Hôm sau mình diện một bộ complet kẻng, xách cặp da, căn giờ đến nơi, đứng nấp một góc gần cửa văn phòng của em. Đó là một tòa nhà văn phòng lớn nên mình thực hiện âm mưu không khó khăn gì. Đúng 12 giờ nhân viên bắt đầu ùa ra đi ăn trưa, mình chờ đến 12 giờ 20 không thấy em đâu, đang nghĩ “hay là nhầm rồi” thì cửa mở, lần này mới là em xuất hiện.

Ngực mình lúc ấy đập còn hơn trống trận (đã nghĩ chắc là em đã có gia đình rồi mà khi nhìn thấy em vẫn không sao bình tĩnh được), mình cố ra vẻ rất thản nhiên xách cặp từ góc khuất đi ra, ngang qua người em mới “ngờ ngợ” dừng lại: “Xin lỗi, có phải bạn là T. không?”

“Xin lỗi, anh là…?”

“Nếu anh không nhầm thì em từng làm việc cho văn phòng đại diện abc, năm 2003 anh có đến đặt mua mấy chất phụ gia…?”

“À… vâng… em nhớ rồi. Anh đang đi làm việc ạ?”

Thái độ của em lịch sự và khách sáo, không một lời nhắc tới anh bạn Đại diện trưởng thời đó làm mình không biết tiếp tục thế nào. Thực ra mình và em chỉ gặp nhau có hai lần rồi bẵng liền 6 năm, có gặp lại thì cũng chẳng khác gì người xa lạ. Nấn ná nữa sợ mang tiếng vô duyên, mình đành bịa “Anh đến chỗ xyz có chút việc” (xyz là hãng vận tải ngay cạnh văn phòng của em) rồi cáo từ.

Ra khỏi tòa nhà, mình gọi ngay đứa cháu con bà chị họ cả đến giao nhiệm vụ: “Đối tượng của cậu tên là T., hình như là quản lý của văn phòng này này... Hạn cho cô 1 tuần, phải điều tra ra hắn ở đâu, thích gì, có chồng hay chưa?”

“Chèng đéc, có chồng chưa mà cậu cũng không biết sao?”

“Thế cậu mới phải nhờ cô. Tóm lại là chuyện rất dài, cứ xong đi cậu sẽ có thưởng…”

Đứa cháu này là đứa thân nhất với mình, có chuyện gì hai cậu cháu đều tâm sự được với nhau. Hôm sau mình phải quyết toán thuế nên bận mất mấy ngày, mà thực ra muốn biết về em thì để người khác đi hay hơn. Mình tự làm, nhỡ lộ thì hỏng hết hình tượng (!).

Vụ quyết toán thuế làm mình cũng “khuây khỏa” được vài hôm, đúng 1 tuần sau cô cháu gọi điện thông báo: “Đối tượng của chú sống như tu sĩ, hình như chẳng thân với ai nhưng nghe nói rất giỏi, nhân viên phục lắm. Mà xinh thế nhỉ!”

“Tóm lại là có chồng con gì không?”

“Ở đây thì hình như không, còn ở chỗ khác thì không biết…”

Cô cháu mình sau 1 tuần đã tìm ra, em sống một mình một căn hộ, đúng là quản lý một văn phòng tài chính của người Nhật, nhưng chỉ đến đó là hết. Về mảng này mình không có một chút liên quan nào, nghĩ tới nghĩ lui mấy ngày vẫn không tìm được cách tiếp cận.

Ở tuổi của mình, nhất là với một đối tượng như em, thì không thể xô bồ chạy bổ đến làm quen như thời sinh viên, cũng không thể làm ra vẻ “tình cờ gặp lại” một lần thứ hai được. Mà có ra vẻ tình cờ thì với thái độ của em như lần trước, chuyện cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Mình cần một lý do, một người trung gian hoặc một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, nhưng làm sao để có được bây giờ…?

Từ kinh nghiệm bản thân, mình có một lời khuyên cho các bạn nữ là nếu “được” tán thì hãy cẩn thận với những anh chàng mồm mép dẻo quẹo hoặc chai mặt bám riết bất kể đối tượng nghĩ gì. Bởi nếu yêu thật lòng, một người hoạt ngôn nhất cũng sẽ biến thành lóng ngóng, và những người tử tế sẽ không bao giờ muốn bạn phải khó chịu hay phiền lòng. Những ngày ấy, đúng là mình đã sa vào tình cảnh như vậy, cả ngày không nghĩ được gì nên hồn, cứ vu vơ sợ được sợ mất. Mối liên hệ trung gian duy nhất là anh bạn Đại diện trưỏng ngày xưa thì đã cùng vợ sang Canada định cư, mình cứ loanh quanh từ xa mà không biết cách nào để bắt chuyện với em lần thứ hai. Tóm lại, tình trạng mình trong một vài tuần sau đó là cực kỳ thê thảm.

May mà thời gian này mình đã giao được nhiều việc cho mấy cậu trợ lý, không thì không biết chuyện kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào.

Đến một ngày, đứa cháu lớn kéo thêm mấy đứa cháu nhỏ qua chơi (gọi là cháu nhưng cả bọn đã trong ngoài 30 cả rồi), một đứa lôi mình đến gí vào gương: “Cậu xem cậu thành ra thế nào rồi. Không nghĩ ra cách gì thì chỉ còn cách trực tiếp xông đến, đập chết ăn thịt!” Đứa khác dọa: “Nghe nói chị ấy xinh lắm, xinh thì thiếu gì người theo? Cậu mà cứ lờ vờ là thằng khác nó nẫng mất ngay đấy!”

Nghe thế mình cũng thấy chột dạ. Đúng là một cô gái với nhan sắc và công việc như em, có biết bao nhiêu cơ hội gặp gỡ với những người chẳng kém gì, thậm chí còn hơn cả mình nữa. Đằng nào thì cũng chỉ còn có một cách, cứ liều mình như mấy nghĩa sĩ của cụ đồ Chiểu có khi lại hay (!)

Quyết định rồi, hôm sau mình mặc một bộ kaki giả bò hơi bụi bặm một tí, đúng giờ chờ em ở dưới sảnh tòa nhà. Thật may, hôm đó em đang bận gì đó nên đi ăn trưa một mình, vừa ăn vừa đọc tài liệu. Mình chờ đúng lúc em ăn xong, lại gần chào rồi hỏi ngay: “Xin lỗi, anh có thể gặp em 15 phút được không?”

Em chỉ có vẻ hơi ngạc nhiên một chút rồi lấy lại bình tĩnh rất nhanh, xem đồng hồ rồi nhẹ nhàng gật đầu: “Vâng, em cũng còn khoảng 15 phút, có chuyện gì không ạ?”

Mình ngồi xuống đối diện với em rồi không vòng vo, đi thẳng vào vấn đề: “Những lời anh sắp nói đây có thể sẽ làm em rất bất ngờ, thậm chí có thể bực mình, nhưng dù thế nào cũng xin em nghe đến hết, vì anh chỉ có 15 phút thôi, được không?”

“Vâng, anh cứ nói đi!” Nhìn em lại bắt đầu ngạc nhiên, chắc là đang nghĩ: “Thằng cha này có làm sao không nhỉ…?” Mình cũng chẳng còn gì để mất nữa, bắt đầu ngay: “Chắc em còn nhớ, năm 2003 chúng ta đã có ba lần gặp nhau, lần thứ hai em và anh còn nói chuyện gần hai tiếng về công việc?”

“Vâng…?”

“Anh chỉ muốn nói với em rằng, sau cuộc nói chuyện đó, em đã chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm trí anh. Anh nói chuyện ngay với anh B., anh B. nói em đã có người yêu mà anh vẫn không sao quên em được. Sau khi em phải theo gia đình về quê, anh đã mất tinh thần mấy tháng trời…”

“Em có thể không tin, nhưng sự thực là sáu năm qua, cứ nghĩ đến em là anh lại thấy xót xa vì anh có biết một chút vì sao em phải rời Hà nội. Thế nên gặp em hôm trước, em không biết là anh đã mừng đến mức nào, vì anh thấy em đã vượt qua được hoàn cảnh để trở lại với những gì em xứng đáng được có…”

Đại loại là lúc ấy mình đã nói như vậy, chỉ mấy phút mà cổ họng khô khốc. Mình uống bừa cốc nước lọc trên bàn rồi nói lời cuối cùng: “Sáu năm qua, trong tim anh lúc nào em cũng có vị trí đặc biệt như vậy. Nên hôm nay anh mới tới tìm em, đầu tiên để chúc mừng em đã trở lại, sau nữa là để nói ra tất cả những điều ấy. Bởi nếu gặp rồi mà không nói ra với em, có lẽ anh phát điên lên mất…”

Sau đó là một khoảng lặng “kinh hoàng”, mình và em nhìn nhau một thoáng. Mình nhận ra đôi mắt em lúc tối lúc sáng, và có lẽ em cũng kinh hoàng chẳng kém gì mình. Mình phải trấn an em ngay: “Xin lỗi vì có thể anh đã làm em sợ, nhưng em yên tâm. Anh chỉ nói với em một lần thôi, nếu em không thích, từ nay anh sẽ không làm phiền em nữa...”

Em vẫn yên lặng một lát, rồi tự nhiên bật ra câu hỏi: “Anh nói những lời như thế, không sợ làm chị ấy buồn sao?”

Đầu mình thoáng tê đi trong một dự cảm tốt lành. Mình lấy hết sức bình tĩnh, “thản nhiên” trả lời: “Anh chưa có gia đình, đó cũng là một phần lý do hôm nay anh tới gặp em. Nhưng chủ yếu là anh muốn nói với em rằng anh rất mừng vì em đã trở lại…”

Nhìn đồng hồ thấy đã hết 15 phút, mình “kiên quyết” đứng dậy: “Chắc bây giờ em phải quay lại làm việc. Đây là số của anh, nếu không muốn gặp nữa, em chỉ cần nhắn một tin ngắn cho anh. Còn nếu không nhận được tin gì thì anh sẽ lại đến tìm em, được không?” Lúc ấy thực sự là mình có ý áp đảo em. bởi cũng chẳng còn gì để mất.

Em vẫn ngồi yên tại chỗ như chưa hết sợ, chỉ khẽ “vâng” và gật nhẹ đầu khi mình chào từ biệt.

Ngày hôm sau với mình là một ngày dài đằng đẵng, cứ có chuông báo tin nhắn là sau gáy lại gai lên một chút, giơ điện thoại lên thấy số lạ (lúc ấy mình vẫn chưa có số của em) lòng lại càng chìm xuống, đến khi mở tin nhắn ra đọc không phải mới kín đáo thở phào một hơi. Nghĩ đến chuyện có thể bị từ chối và phải giữ đúng lời hứa không gặp em nữa, thực sự mình cảm thấy tức thở. Có thể nhiều bạn sẽ cho rằng mình đã quá sến hay quá mẫn cảm, nhưng phải ở vào hoàn cảnh như thế các bạn mới hiểu. Bạn phải tìm rất lâu mới thấy được báu vật của đời mình, chưa kịp vui mừng đã lại phải sợ có thể sẽ mất đi, cảm giác đó thực sự là rất, rất khó chịu.

Ngày đầu tiên em không nhắn gì. Mình chờ đến nửa đêm hôm sau, khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng mới bật nắp một chai vang tự chúc mừng. Chiến thuật cảm tử có đôi chút điên rồ nhưng như người ta nói, “đúng là cách khi hết cách”. Bây giờ mình có thể đường hoàng xuất hiện trước mặt em, chỉ cần em chịu nói chuyện thì mình tin, mình sẽ tìm được cơ hội.

Không ngờ ngay đầu giờ chiều hôm sau mình đã nhận được tin nhắn: “Tối nay 7 giờ, em gặp anh ở chỗ cũ được không ạ?”

Chà chà, được quá đi chứ!

Mình đang có công chuyện ở Thái nguyên bèn điều chỉnh ngay lịch làm việc, rút ngắn thời gian mấy cuộc gặp rồi nhanh chóng quay về Hà nội. Đúng 7 giờ tối, thằng bé đã đĩnh đạc ngồi chờ tại ngội quán cũ, cũng đúng chiếc bàn đó.

Em đến sau 7 giờ vài phút, thoạt trông mình hơi hoảng khi thấy vẻ mệt mỏi trên mặt em. Mình không tin sự tỏ tình hôm trước có thể khiến em trở thành như vậy, bởi dù kiểu cách đường đột nhưng mình cư xử rất lịch sự, và vẻ bề ngoài cũng không thể khiến em nghĩ rằng mình là người không đàng hoàng. Hay, em đang gặp phải một chuyện buồn nào đó?

Sau vài câu chào hỏi xã giao, hai đứa ngồi tại chỗ… nhìn mặt bàn. Có vẻ ai cũng chờ người kia lên tiếng trước, cuối cùng mình thử bắt đầu bằng một câu pha trò: “Anh xin lỗi lần nữa vì sự đường đột hôm trước, không biết em đã phần nào hoàn hồn lại chưa…?”

Có lẽ đến cả tấn đá đã rơi khỏi người mình lúc đó khi nhìn thấy em mỉm cười, dù nụ cười rất nhẹ. Nhưng câu nói tiếp theo lại khiến mình rơi ngay vào hoang mang: “Em cũng xin lỗi đã làm mất thời gian của anh. Em nhắn gặp anh hôm nay không phải ý gì đâu, chỉ muốn nhờ anh giúp một việc…”

“Không có ý gì” nghĩa là ý gì? Chẳng nhẽ em thấy nhắn tin là bất lịch sự nên mới hẹn mình ra gặp một lần, coi như phát súng ân huệ cho kẻ tử tù tội nghiệp?

Khi mình đã chuẩn bị để chết cho thật đẹp thì em tiếp lời nói về một chuyện hoàn toàn khác, lúc đó mình mới phần nào đoán ra, vì sao em lại có vẻ mệt mỏi như vậy.

“Em không phải mới quay lại Hà nội mà đã gần năm năm rồi. Lúc quay lại, em không liên lạc với chú B. (em gọi anh bạn Đại diện trưởng bạn mình bằng chú), mãi về sau em mới biết cô chú đã đi định cư…Ngoài cô chú B., chỉ có mình anh là biết chuyện gia đình em. Em muốn nhờ, rất nhờ anh giữ kín chuyện giúp em…”

Nhìn vẻ mặt em, mình biết câu chuyện còn nhiều chi tiết nữa, có thể còn nặng nề bi kịch hơn những gì mình đã được nghe. Nhưng mình không muốn và cũng không cần biết thêm gì nữa, quan trọng nhất là hôm nay mình đã được gặp em, và dù bằng một cách không ai muốn thì giữa mình với em đã có một sợi dây liên hệ…

Suốt mấy tháng trời sau đó, quan hệ giữa mình và em là một tình trạng khá lạ lùng. Không phải là bạn bình thường (cả hai đều hiểu ngầm như thế) nhưng tương lai sẽ như thế nào thì cải hai lại không hề dám chắc, đúng hơn là vì em không xác định nên mình cũng không thể mong gì hơn.

Mình vẫn có thể rủ em đi chơi, bảy mười ngày một lần. Hai đứa nói đủ thứ chuyện thơ ca nhạc họa, nhưng em không nhắc một lời nào về bản thân và gia đình. Dường như em là một con-người-có-hai-lớp-vỏ, và mình dù cố gắng đến mấy, cũng chỉ được tiếp xúc với lớp bên ngoài của em. Tất cả mọi sự riêng tư, mọi cảm xúc và suy nghĩ, em giấu kín bưng trong tầng thứ hai, mà có lẽ không một người nào được nhìn thấy.

Qua những lời mơ hồ trong câu chuyện của em, mình chỉ biết rằng sau khi quay trở lại Hà nội, em tránh né tất cả các mối quen biết cũ, người thân duy nhất dạo ấy là một cô bạn cùng lớp cấp III, đã chia sẻ phòng trọ và giúp đỡ em nhiều trong thời gian đầu tiên. Sau đó người bạn lấy chồng rồi theo chồng về Quảng ninh sinh sống, “anh ấy cố mấy năm nhưng cuối cùng không trụ được, phải rời Hà nội về quê” em kể lại như vậy.

Đó là những chi tiết riêng tư duy nhất mình biết được từ em trong suốt mấy tháng trời. Mỗi lần đi cùng nhau, mình đều rất muốn được nghe em kể về công việc và bạn bè, nghe em nói đùa hoặc thậm chí chỉ cần cười một lần thật thoải mái cũng tốt. Nhưng, em luôn luôn chỉ là một quý cô xinh đẹp chỉnh tề, uyên bác, đúng mực và tự chủ. Nếu em cười, lúc nào cũng chỉ là nụ cười một nửa, nghĩa là có thể rất tươi tắn thân thiện nhưng nhìn vào trong mắt, mình thấy ngay lòng em không hề cười.

Đến một lúc mình buồn rầu nhận ra, sự kiên nhẫn của mình hình như đang vơi dần. Hình như mọi cố gắng của mình đến lúc đó chỉ giống như tìm cách trồng cây trên một mặt sàn gạch men bóng đẹp, nhưng dù có đẹp đẽ cỡ nào thì trước sau cây cũng sẽ chết mà thôi.

Mình chợt nảy ra ý nghĩ đi tìm cô bạn của em. Chuyện này không khó lắm vì em có nói nơi chồng cô bạn làm việc, tình cờ mình lại quen phó giám đốc công ty đó. Phải có một người hay một cách giúp mình hoặc giúp em thoát ra khỏi tình trạng này, nếu không, có lẽ câu chuyện của mình lại có nguy cơ kết thúc buồn như bao nhiêu lần trước.

Không ngờ khi mình chưa kịp tìm thì đã gặp cô bạn, nhưng lại theo cách không ai muốn nhất trên đời…

Đó là đầu hè 2010, khoảng 5 rưỡi chiều, mình vừa về nhà thì nhận được điện thoại của em. Mình biết có chuyện vì em chưa bao giờ tự gọi cho mình, quả thực bật máy lên mình nghe thấy giọng rất gấp gáp của em: “Anh có thể giúp đưa em đến nhà H. không, nó vừa bị tai nạn…?”

Mình vội lấy xe chở em đi. Sau vẻ mặt mệt mỏi lần bị tỏ tình kiểu dội bom, đây là lần thứ hai mình thấy em hoang mang lo lắng. Mình không biết nói gì, chỉ đành an ủi: “Người tốt sẽ được trời giúp, đợi sơ cứu rồi chuyển H. về Việt Đức xem sao!” Nói vậy nhưng mình biết tình hình không ổn chút nào, bởi người gọi điện cho em dường như là để gặp mặt lần cuối…

Đến viện, hai đứa lao ngay tới phòng cấp cứu. Hóa ra câu chuyện vô cùng đơn giản… Nhà vợ chồng cô bạn ở mặt đường. Cuối giờ chiều, cô bạn đi dạy xong mới chạy sang bên kia đường mua thịt. Vừa mua xong thì bà nội bế cháu đi chơi về, đặt cháu xuống đất lấy chìa khóa mở cổng. Đứa bé nhìn thấy mẹ, quên hết tất cả chạy ào qua đường, đúng lúc một chiếc xe chở phế thải đi tới. Cô bạn em kịp lao đến đẩy con ra nhưng bị chiếc xe cán qua người, lôi đi cả chục mét mới dừng lại…

Em chỉ gọi nghẹn một tiếng: “Hoa…!” rồi nắm tay bạn lặng lẽ khóc. Cô bạn vừa được sơ phẫu nằm bất tỉnh trên giường, băng quấn kín người. Bác sĩ quen của gia đình nói riêng với bố anh chồng, không hiểu sao cô ấy còn sống được đến lúc đó, bởi cú đâm xe quá mức thảm khốc. Đứa bé thì được mẹ cứu thoát nhưng bị ngã mạnh, và có lẽ vì quá sợ nên cũng ngất đi, đến lúc mình và em tới vẫn chưa tỉnh.

Đến 11 giờ cháu bé mới đột ngột thức dậy, được bố dỗ nín rồi bế đến bên mẹ. Theo lời người bố kể lại, lúc bé cầm tay mẹ, cô bạn dường như tỉnh dậy một thoáng, khẽ mấy máp môi rồi ra đi. Vậy là người mẹ đó đã cố níu kéo sự sống, đến khi biết chắc con mình được an toàn mới chịu từ giã cõi đời. Đêm hôm đó, mình đã được chứng kiến sức mạnh kỳ diệu của tình mẫu tử.

Mình không bao giờ quên quang cảnh trong phòng bệnh lúc ấy. Ánh đèn điện yếu ớt, người chồng câm lặng gục đầu bên cạnh vợ, đứa con mới ba tuổi khóc gọi mẹ ơi… Tất cả gợi lên cảm giác sự sống thật mong manh, và đột nhiên mình chợt muốn mãnh liệt ôm ghì em vào lòng, khẩn thiết khuyên em hãy sống hết từng phút chừng nào còn được sống. Bởi khi nhìn sự đau đớn của những người ở lại, mới thấy cuộc sống quý giá đến nhường nào…

Cuối cùng mình đã kìm lại được, giúp gia đình hoàn thành mấy thủ tục bệnh viện rồi đưa em quay về Hà nội. Sáng hôm sau em muốn sắp xếp vài việc để buổi chiều quay trở lại Quảng ninh, ở với bạn cho đến khi tang sự xong xuôi. Cho đến lúc ấy, cả mình với em đều chưa có gì vào bụng. Bảo em ăn nhưng em lắc đầu, mình đành khuyên “vậy thì em ngả ghế, cố ngủ đi một chút”. Thấy em nhắm mắt, mình mới bắt đầu lên đường.

Đường nửa đêm vắng tanh, mình vừa lái vừa nghĩ lan man, và tự nhiên thấy cuộc đời sao mà thật bất công với mình. Người duy nhất có thể giúp nay đã không còn nữa, không biết ngày mai mình sẽ phải tiếp tục thế nào. Thiên hạ vẫn yêu nhau rồi lấy nhau hàng ngày, tại sao với riêng mình thì chuyện đơn giản đó lại phức tạp đến như vậy?

Đột nhiên mình cảm giác em đã tỉnh. Nhìn sang bên, mình giật mình thấy hai vai em đang run bắn, nhưng không hề có tiếng khóc. Dường như em đang cố gắng im lặng, chỉ giữ lại tiếng khóc cho riêng mình. Mình vội vàng tấp xe vào lề đường, đưa tay nắm cả hai tay em (lần đầu tiên) rồi lấy giọng thật chân thành: “Nếu em muốn khóc, hãy khóc cho hết đi. Đừng giữ lại điều gì, ít nhất anh cũng là người bạn em có thể tin tưởng…”

Cuối cùng em đã khóc ra thành tiếng, khóc như một đứa trẻ trên vai mình. Không biết chất chứa đã bao nhiêu năm, nước mắt cứ rơi, rơi mãi… Sau cơn khóc, lần đầu tiên em đã mở lòng, một câu chuyện dài, buồn, và thật đáng phẫn nộ…

“Từ khi nhận biết được các thứ xung quanh, em đã thấy em bị gọi là con dâu nhà ấy. Lúc đó em không biết gì, cứ vô tư sang nhà anh ấy chơi vì hai bác vui tính, nhà lại có khu vườn rất đẹp. Đến khi lớn lên một chút, biết “con dâu” là gì và cảm thấy đó không phải là gọi đùa, em mới phản đối lại mọi người. Kết quả em bị bố đánh cho một trận, lần đầu tiên em nghe câu nói “không có bác thì không có mày trên đời đâu con ạ” và biết rằng, phận của em đã được định đoạt từ lúc chào đời…”

“V. là con cả, khỏe mạnh nhanh nhẹn nhưng rất nghịch ngợm, kiểu coi trời bằng vung, hơn em hai tuổi nhưng học đúp mãi, cuối cùng thành cùng lớp với em. Suốt những năm phổ thông, luôn luôn là em đứng đầu còn anh ấy đứng cuối lớp. Từ năm lớp 9 anh ấy đã bắt đầu gọi em là vợ, em bực lắm nhưng sợ không dám cãi lại. Có đứa con trai trong lớp trêu em, bị anh ấy đánh một trận rồi dìm xuống mương suýt chết ngạt. Từ lúc đó không ai dám nói gì về V. và em nữa, cũng may anh ấy chỉ gọi thế nhưng không làm gì quá đáng, cuối cùng cũng học được hết phổ thông…”

“Ở quê em, đàn bà con gái không hề có tiếng nói trong nhà, tất cả mọi sự đều do người đàn ông quyết định. Em biết mẹ phản đối sự sắp đặt của bố nhưng cũng như tất cả những chuyện khác, mẹ chỉ dám để trong lòng. Có lần em chứng kiến mẹ chỉ khẽ khàng có lời: Anh ạ, con T. nhà mình học được, hay để cho nó học lên kiếm lấy cái nghề tử tế, đừng bắt nó lấy chồng sớm quá? Chỉ có thế mà bố em nổi điên, cầm chiếc ấm quăng ra giữa sân, và em lại được nghe câu không có bác ấy thì đừng hòng có nó trên đời…”

“Theo sắp đặt của bố em và bác ấy thì học xong phổ thông là em phải ở nhà lấy chồng, nhưng lên cấp ba em học giỏi đạt giải quốc gia, nên việc học của em được nhiều người chú ý. Nhờ các thầy nói giúp, bố đã đồng ý cho em thi đại học, anh ấy cũng xin được một suất học trung cấp ở Hà nội…”

“Lên Hà nội, em cắm đầu vào học và đi làm, vì chỉ có đó là con đường duy nhất giúp em có thể thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại. Nhưng V. không chịu từ bỏ, bố em cũng không đổi ý, anh ấy không ngăn cản em nhưng luôn theo dõi em từng bước, tra hỏi về từng người em gặp. Em đã mất những chỗ làm rất tốt vì tính ghen tuông của V. cho đến khi tìm được việc trong văn phòng của chú B., cũng chỉ vì V. nhận xét rằng chú ấy trông có vẻ tử tế…”

“V. không học xong trung cấp, có đi làm một vài nơi nhưng vì tính hay cãi nên chỉ được vài tuần là mất việc. Lần cuối cùng là anh ấy làm bảo vệ, cãi nhau với khách hàng đến mức chút nữa gây án mạng, sau đó anh ấy bảo không thể sống được ở Hà nội nữa và bắt em cũng phải về quê…”

Lý do em về quê thì ra là như vậy. Theo lời anh bạn, suốt mấy năm mình cứ nghĩ vì anh chàng người yêu thấy ba người đi ăn trưa nên mới nổi cơn ghen. Dù sao cũng có chút nhẹ nhõm trong lòng khi biết mình không phải là lý do đẩy em vào bi kịch…

Có lẽ đã đau đến tận cùng nên giọng em vô cùng bình thản, bình thản như nói về chuyện của người khác: “Em thấy V. đã không còn cách chữa, lại bị bố thúc giục nên đành trở về nhà, chỉ hy vọng không khí và môi trường sống làng quê có thể làm anh ấy trở nên thuần tính...”

“Những năm qua, mặc dù không muốn nhưng em hiểu nỗi khổ tâm của bố. Bác ấy có thể không bị thương nặng như thế, nhưng vì cứu bố em mà mất hẳn một chân, còn bị mảnh đạn găm đầy trong phổi. Vì bác mà bố em còn sống, em được sinh ra trên đời, làm con bác để trả ơn là chuyện em không thể từ chối…”

Mình không hiểu tại sao, nghe vậy mà lòng mình chỉ thấy thương em vô hạn, không bất bình với hai ông bố, cũng không có cảm giác căm ghét V. Tình yêu thật sự bao dung như thế chăng? Hay trong tình cảm của mình với T. còn cả tình thương của anh trai với em gái, của con người đối với đồng loại của mình? Mỗi một người trong câu chuyện của em đều mắc phải một cái nghiệp đã định sẵn, hoặc vô thức đi theo như V. hoặc cố vùng vẫy để thoát ra như em, cuối cùng cũng không thể thoát khỏi…

“Khi em về, cả bố em và bác ấy đều muốn cưới ngay cho xong, chỉ vì bà ngoại mất chưa lâu nên phải chờ thêm mấy tháng. Ngày ăn hỏi và đám cưới đã định, ban ngày em phải sang nhà anh ấy làm dâu, đến tối mới được về. Em làm mọi thứ trong nhà, không nề hà bất cứ việc gì. Thực ra em rất thương bác gái, và dần dần cũng hiểu hoàn cảnh của bác trai. Hai bác chỉ có hai con trai nhưng V. thì không chí thú, người con trai thứ hai lại bị chậm phát triển, lấy em làm dâu có lẽ là hy vọng duy nhất để hai bác có thể yên tâm về sau này…”

“Về nhà vài tuần, em nhận ra em đã nhầm. V. không chịu tĩnh trí làm ăn, suốt ngày chỉ lang thang ngoài quán, hôm nào về nhà cũng hơi rượu nồng nặc. Bà bán rượu cũng ái ngại, giục anh ấy kiếm việc đi làm, V. đã trả lời ngay giữa quán: Tôi cần quái gì đi làm. Vợ tôi nó giỏi lắm, nó khắc lo được tất!”

“Câu nói của V. làm hy vọng cuối cùng trong em sụp đổ. Buổi tối đi qua bờ ao, lần đầu tiên em đã nghĩ đến cái chết. Ao làng em lúc nào cũng đầy nước, em chỉ cần đi sang trái mấy bước là xong… May mà lúc ấy có mấy đứa trẻ con đi sinh hoạt đội ngang qua, không thì không biết bây giờ thế nào…”

“Đó cũng vẫn chưa phải là điều kinh khủng nhất, chuyện tồi tệ nhất là em phải chịu đựng sự động chạm với V. Cả bố em và bố anh ấy đều cấm không được làm gì trước ngày cưới, nhưng V. vẫn tìm đủ mọi cách để chạm vào người em. Lần nào bị V. động vào, em cũng cứng cả người vì sợ, không phải sự sợ hãi bình thường mà gần như là em bị tắc thở, cảm giác như sợ đến ngất đi. Lúc bấy giờ em mới nhận ra, lý trí có thể chịu đựng nhưng bản năng của em lại tuyệt đối không chấp nhận anh ấy…”

“Em còn đủ sức sống tiếp là chỉ vì nghĩ đến mẹ. Phận người phụ nữ quê em, tủi nhục thế nào cũng chỉ dám khóc thầm, mẹ chỉ an ủi xót thương em chứ không dám trách móc gì bố. Có lẽ sống quá lâu trong đè nén áp bức, con người ta cũng dần tự coi mình như con sâu cái kiến. Lúc ấy em đã chôn vùi mọi dự định ước mơ, coi như cuộc đời mình sẽ kết thúc ở đó, chỉ có thân thể em vẫn khăng khăng phản kháng, không chịu chấp nhận để V. chạm vào…”

“Hôm ấy là buổi chiều tối. Em làm việc nhà bên ấy xong, chuẩn bị đi về thì V. về nhà. Vừa xuống khỏi xe máy, anh ấy say quá nôn ngay ra sân. Em đỡ anh ấy vào giường, lấy chậu lấy nước rồi đi lau dọn. Chắc là vì say, V. đang nằm tự nhiên vùng dậy lôi em xuống…”

“Cả người anh ấy nồng nặc mùi rượu, mùi nôn, em cố vùng ra nhưng không thể chống lại. Cảm giác sợ hãi, uất ức khiến em gần như ngất đi, lần thứ hai em lại nghĩ đến cái chết…”

“Không biết vì sao, lúc đó V. tự nhiên tỉnh rượu. Thấy thái độ của em, hình như anh ấy nhận ra điều gì đó và buông em ra lấy xe phóng đi, lại ra quán uống đến tối khuya. Lúc về anh ấy lạc tay lái, lao xuống chân đê bất tỉnh, nằm viện gần một tuần thì mất…”

“Đám tang V., đầu tiên em không muốn đội khăn. Vì chuyện đó mà em bị bố đánh một trận kinh khủng, đến khi mẹ em phải quỳ xuống van xin cả hai bố con, em đành phải nghe lời mẹ. Thế rồi không biết từ đâu, trong làng lại kháo nhau là vì em cậy học cao khinh người nên V. mới buồn, mới uống rượu mà bị tai nạn. Em trở thành chủ đề cho người ta cạnh khóe, răn dạy, cả họ hàng cũng xa lánh…”

“Em chỉ còn cách cúi mặt xuống mà sống, định hết giỗ đầu anh ấy mới đi cho trọn nghĩa. Không ngờ bố anh ấy nhất định không chịu buông tha, ép bố em phải gả em cho đứa con trai chậm phát triển của báy ấy, ý rằng em nhất định phải gán vào nhà bên đó để trả nợ, trả cái ơn vì cứu bố em mà em được sinh ra…”

“Đến lúc ấy thì mẹ em cũng không thể chịu được nữa, mẹ nói với em: “Con thu xếp ngày mai đi ngay đi, đừng để ai biết. Nếu phải lấy mạng đền ơn, ngày mai mẹ chết trước mặt ông ấy thay cho bố con!” Em khóc xin mẹ cùng đi với em, nhưng mẹ bảo mẹ không bỏ được bố. Em đành phải gạt nước mắt đi như chạy trốn khỏi làng, hơn năm năm rồi…”

“Năm năm trời, em có nhà mà không dám về, chỉ thỉnh thoảng nói chuyện được với mẹ vì bị bố cấm. Mẹ em bây giờ khổ lắm, vừa làm việc nhà vừa phải sang bên ấy giúp vì mẹ V. bị ốm liệt giường, cậu em trai lại không thể tự lo. Cứ nghĩ đến là em lại như mất trí, không biết làm sao để giúp mẹ…”

Giọng em nhỏ dần, rồi co người trên ghế thiếp đi. Mình cho xe từ từ lăn bánh, lòng chợt trở nên bình tĩnh lạ thường. Mình sẽ phải giúp em vượt qua tất cả các chuyện này, thực sự rất khó nhưng mình tin nếu có lòng thành, mình và em sẽ làm được…

Một tháng sau cái đêm đáng nhớ ấy, mình được gặp mẹ em. Bà lấy lý do em trai (tức là cậu ruột em) vừa sinh cháu đích tôn, đến Hà nam thăm cháu và hẹn chúng mình ở đó. Người cậu này chỉ hơn mình đúng 2 tuổi, 20 tuổi sinh con trai, đứa con trai 22 tuổi noi gương bố. Vậy là vừa mới 42, cụ đã có cháu đích tôn bồng bế.

Em kể bố mẹ em ngày xưa nổi tiếng xinh trai đẹp gái nhất làng, gặp rồi mình mới thấy chắc là không sai. Mẹ em đã ngoài 50, vất vả như thế mà khi gặp, rất khó hình dung là một phụ nữ từ bé đến lớn chỉ làm ruộng. Có lẽ em là kết hợp những nét đẹp nhất của bố và mẹ nhưng giống bố nhiều hơn, nhìn chỉ hao hao giống mẹ, phát hiện đó làm mình đột nhiên thấy “thông cảm” với bố em hơn đôí chút. Dù sao ông cũng là người đã cho em hình hài nhan sắc này…

Sau khi khóc được hết nỗi lòng đêm hôm ấy, em tự nhiên thành một người rất đa sầu đa cảm. Vừa thấy mẹ, em ôm chầm lấy bà khóc mãi, đến nỗi cậu em phải ra khuyên can em mới dần dịu đi. Mẹ em mắt ngân ngấn nước, đẩy em ra cầm xem hết mặt mũi đến chân tay (em kể lần nào bà cũng như thế), rồi vừa sụt sịt vừa than thở: “Gầy đi đấy con ạ, mẹ nghĩ mãi vẫn không hiểu vì sao bố mày lại bỏ được một đứa con gái thế này. Làng thì bảo con gái như cái T. thì đổi năm con trai cũng không đắt, thế mà bố mày…”

Cậu em xen vào giọng rất bất bình: “Kệ cả cái họ đằng ấy. Nếu họ không làm thì bên nhà mình đứng ra tổ chức cho cháu, xem ai dám nói gì? Cứ nghĩ đến là em tức lên đến tận đầu, mồm thì nói xấu cháu, người thì có tí việc ra Hà nội là lại cái T. cái T. Cháu việc gì phải giúp mấy người ấy?...”

Nghe cậu em kể lại mình mới biết, suốt mấy năm qua em vẫn lặng lẽ cưu mang giúp đỡ người làng, đặc biệt là những người ra Hà nội đi học và chữa bệnh. Bố mẹ em giờ được tiếng có con gái hiếu thảo giỏi giang, vậy mà em vẫn không thể về làng…

Mẹ em bảo: “Bố cháu sau khi cháu nó giúp cụ Bài (mẹ của ông trưởng họ) đã nguôi đi nhiều rồi. Ông ấy chỉ khó nói với ông Xuyên, tôi cũng thấy khó nghĩ quá…”

“Sau khi thằng V. nó mất, ông ấy sợ chết cũng bỏ rượu nhưng sinh ra như dở người, cả ngày cứ ăn nói lảm nhảm. Tôi sang giúp bà ấy từ bấy nay nhưng nghĩ cũng không ổn, làm sao cứ thế suốt đời được. Cũng may thằng Hiển sau khi bị anh nó nhập vào lại như sáng ra, bây giờ tự lo được rồi…”

Cậu em hỏi ngay: “Chuyện là như thế nào chị? Ở đây em cũng nghe nhưng mỗi người một phách, bảo là thằng V. nhập vào thằng Hiển, bây giờ nhanh nhẹn khỏe mạnh lắm?”

Người cậu nói vô tư, không hề để ý cháu gái mình đang run lên, mặt trắng bệch. Ký ức cũ quá nặng nề khiến em cứ nghe đến V. là sợ hãi, có lẽ nỗi sợ càng tăng thêm khi thấy bảo V. “đã quay lại”. Mình nhìn mà thấy thương em quá, nhưng vì em đang ngồi cạnh mẹ nên không biết làm sao để an ủi em.

Mẹ em kể: “Cuối tháng 11 âm năm ngoái, ông Xuyên làm lễ bốc mộ cho thằng V. Hôm trước làm lễ cúng, tự nhiên thằng Hiển lăn ra giãy mấy cái, tỉnh dậy quỳ xuống lạy bố lạy mẹ như tế sao, cứ lắp bắp con bất hiếu không đền ơn được cha mẹ. Được một lúc thì nó lăn ra ngủ một giấc đến tối mịt mới tỉnh…”

“Từ lúc tỉnh lại, thấy nó khôn ra nhiều. Nói nhanh nhẹn như anh nó là không phải nhưng bây giờ nó tự lo được, nói nó hiểu, thỉnh thoảng còn giúp tôi mấy việc. Bà Xuyên bà ấy cứ nhắc đi nhắc lại xin lỗi cháu T., bảo cháu nó về đi, nhưng bố nó với ông Xuyên cứ như thế thì làm sao nó về được…”

Bà chuyển câu chuyện sang mình. Cũng như tất cả các bà mẹ vợ, mẹ em muốn biết thật nhiều về chàng con rể tương lai. Sau khi mình có lời, mẹ em mới thở dài: “Chuyện của con cô, chắc cháu đã biết cả. T. nó khổ nhiều quá rồi, bây giờ hai đứa cứ tự quyết định. Chỉ cần T. nó yên ấm là cô bằng lòng…”

Đôi khi trong đời cũng phải đao to búa lớn một chút, mình nhìn thẳng vào mắt mẹ em, nghiêm trang: “Cháu đã nghĩ cháu và T. sẽ phải cố gắng rất nhiều để hòa giái chuyện ngày xưa, nhưng nghe cô và cậu kể thì em đã đi được đến chín phần mười chặng đường rồi. Còn lại chỉ là một phần mười, nhất định cháu sẽ cùng T. đi đến đích…”

Hơn một tuần sau khi gặp mẹ em, bà nhắn lên “Mẹ kể chuyện gặp các con, không thấy ông ấy nói gì, hai đứa cứ về xem sao!”

Cho đến lúc ấy, mình và em vẫn chỉ mới ở giai đoạn dự-bị-của-tình-yêu, cái mà ông bà chúng ta đã ví bằng câu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Có điều đôi lứa trong câu ca dao chưa bước qua ngưỡng cuối cùng là vì những lý do rất nên thơ, còn mình và em lại là vì một tâm bệnh vẫn chưa thể hóa giải.

Sau khi trút được nỗi lòng đêm hôm ấy, em không còn đóng cửa tâm hồn với mình nữa. Qua những câu chuyện em kể, hình như đời em chỉ toàn là những kỷ niệm buồn. Đôi lúc quá thương mình ôm ghì em vào lòng, em không phản đối, nhưng cũng không hưởng ứng. Nhìn vào mắt em lúc ấy mình chợt nhận ra, em vẫn chưa thể giải tỏa được nỗi u uất trong lòng.

Tình yêu của mình đã làm được em khóc, nhưng chưa thể làm được em cười. Em và mình đều thuộc mẫu người cầu toàn đến cực đoan, có lẽ chừng nào chưa thể đàng hoàng trở lại làng quê, chưa được vui vẻ chấp nhận bước vào ngôi nhà chôn rau cắt rốn, chừng ấy em còn ôm mãi khối tâm bệnh trong lòng. Mình biết, lần về quê này có một ý nghĩa quan trọng không thể tưởng tượng nổi đối với cả hai đứa. Nếu thất bại, không biết lúc nào em mới về lại được lần thứ hai. Mình có thể vẫn có được em, nhưng tình yêu thì sẽ mãi bị một bóng đen bao phủ…

Mình không biết gì hơn về bố em ngoài những điều em kể, mà qua những chuyện đó thì, quả thật là không ai có thể có cảm tình. Nếu bố em khăng khăng không chịu giảng hòa, thậm chí chỉ cần “anh chị đi đâu thì đi, tôi không cản” thì mình sẽ phải làm thế nào? Mình chỉ nghĩ được một điều, rằng mình sẽ lấy hết lòng thành ra ứng đối, chỉ hy vọng nếu còn chút tình thương thì không bố mẹ nào có thể quay mặt trước hạnh phúc của con mình.

Làng quê em cách quốc lộ chừng gần một cây. Đường vào làng đổ bê tông sạch sẽ, cổng làng đã cũ nhưng khá đồ sộ. Sau cổng, con đường thu hẹp lại, bị che kín bởi mấy bụi tre rất dày. Đi qua rặng tre, mình đã thực sự bị choáng vì không thể tưởng tượng được cách Hà nội chỉ gần 70 cây, qua thế kỷ 21 mười năm, vẫn còn một cái làng nghèo như thế ở giữa đồng bằng Bắc bộ.

Hết bê tông, con đường trở thành lồi lõm nham nhở, hai bên đường là những bụi cúc tần lưa thưa xiêu vẹo. Đáng sợ nhất là những ngôi nhà gạch be bé không trát, nằm lồ lộ giữa màu xanh nhợt nhạt của cây cối. Mình như lạc vào một thế giới khác, hoặc ở đây thời gian đã dừng lại từ sáy bảy mươi năm trước. Có lẽ vào những lúc khó khăn nhất của thời bao cấp, quê mình cũng không như vậy.

Em đã nói mới mình rằng làng em nghèo lắm, cả làng chỉ có hai nghề là bộ đội và công nhân, nhưng bộ đội không ai lên được to mà công nhân thì mãi cũng vẫn chỉ là công nhân thường. Thế nên bao nhiêu năm nay làng vẫn cứ nghèo, đến mức các cụ trong làng phải mời thầy về thỉnh ý có nên đổi hướng đình không. Thầy phán “phải xoay đình” nhưng làng nghèo lấy đâu ra tiền mà xoay, thế là mọi sự đâu vẫn chỗ đó!

Sau này mình có giành thời gian nghiên cứu và kết luận rằng, làng nghèo như thế, mọi sự đều nằm tại cái đầu. Nhưng cũng không hiểu tại sao môi trường ấy lại sinh ra được một người như em…?

Hình như ngay khi mình đỗ xe, cả làng bên trong đã biết. Đường làng vắng tanh nhưng mình cảm tưởng như có hàng chục cặp mắt dõi theo từng bước chân của hai đứa. Lần đầu tiên mình biết cảm giác của con cá trong bể là như thế nào (hy vọng cũng là lần cuối cùng). Qua một lối rẽ, mình và em gặp một người phụ nữ đang đứng chống cuốc quạt nón. Thấy em, mắt bà ta sáng lên, vừa nhìn mình từ đầu đến chân vừa hỏi oang oang: “Cái T. à, về lúc nào đấy cháu?”

Sau này mình biết đó là một người họ hàng xa ba tầm đại bác của em, rất đanh đá và độc miệng. Không cần ai kể, ngay lúc ấy mình đã chứng kiến sự ngoa ngoắt của bà ta: “Trông cứ như Hàn quốc ấy nhỉ, người Hà nội có khác, chồng mày đây hả?”

Có khôn ngoan thế nào thì cũng không ai không ngượng trước kiểu hỏi như thế. Em lắc đầu cố gạt đi: “Bác cứ nói, có gì thì cháu phải về mời bác chứ…” Không dè bà ta độp ngay: “Bác cứ tưởng mày đi không về nữa nên mới hỏi, thế ông Oánh ông ấy cho mày về rồi hả?”
Nhìn sang thấy mặt em tái đi, mình lập tức nhảy vào can thiệp: “Cháu và T. phải về nhà bây giờ, lúc nào rỗi mời bác sang chơi!” rồi kéo ngay em đi, đành phải mềm mỏng vì mình chưa biết ai ra ai. Ơn trời đó cũng là cuộc chạm trán duy nhất, qua một đoạn đường ngắn nữa, cuối cùng mình cũng tới nhà em.

So với những ngôi nhà khác trong làng, nhà em khá khang trang sạch sẽ. Về sau em kể cho mình, đó là do cụ tổ năm đời thi đỗ làm quan dựng nên. Hồi cải cách nhà em mất rất nhiều đất, may còn giữ được ngôi nhà và mảnh vườn…

Để tạo thêm tư thế cho chuyến đi, mình đã “từ bỏ” nguyên tắc khiêm tốn, bảo mẹ em tuyên truyền rằng mình là giám đốc “công ty to lắm, có dững là mấy trăm công nhân”. Chiến thuật phủ đầu xem ra có kết quả, khi mình đến nhà đã thấy bố em ăn mặc chỉnh tề ngồi đợi sẵn.

Thực sự mình không nghĩ rằng bố em lại có vẻ ngoài nho nhã thư sinh như vậy. Chỉ cần nhìn qua cũng thấy em thừa hưởng khá nhiều nét từ bố, nhất là chiếc mũi và đôi mắt. Mình càng cảm thấy chuyện giữa bố em và bố V. không phải là đơn giản, bởi rất khó có thể hình dung một người cha lại có thể hà khắc với đứa con gái ruột vừa giống mình, vừa ngoan ngoãn giỏi giang như em.

Em chỉ lí nhí được một câu: “Con chào bố!” rồi đứng đan tay lóng ngóng, không biết làm gì thêm. Mình lúc ấy cũng rất hồi hộp nhưng phải ra vẻ bình tĩnh, cố lấy giọng dõng dạc: “Cháu chào chú!” rồi thuyết mình thêm một câu: “Cháu đưa T. về thăm nhà…” (lãng xẹt, nhưng không nghĩ ra được gì hơn)

Thật may, bố em chỉ dò xét nhìn hai đứa chừng nửa phút, đứng lên mời mình ngồi rồi nói với em: “Xuống bếp giúp mẹ làm cơm đi!” Nghe câu nói, người mình như nhẹ đi đến nửa tấn có dư, bởi mình biết ông đã sẵn sàng cho sự hòa giải…

Sau chén trà đầu tiên, bố em bắt đầu hỏi về gia cảnh và nghề nghiệp của mình rồi đột ngột nói thẳng vào chuyện: “Con T. nhà tôi kể những gì cho anh nghe rồi?”

Chủ đề này hết sức nhạy cảm, mình phải lựa lời thật cẩn thận: “Cháu và T. là bạn nên cũng có kể chuyện gia đình cho nhau nghe. Cháu nghĩ cháu hiểu hoàn cảnh của T.”

Bố em nhìn thẳng vào mình một lúc và chợt nói một câu không ngờ: “Vậy là anh phải biết, con T. nhà tôi đã có chồng?”

Thật là một đòn tấn công lợi hại, khó nhất là mình phải trả lời câu hỏi thật thỏa đáng nhưng không thể đi sâu vào chi tiết, vì nếu tỏ ra biết quá nhiều thì có thể gây bất lợi cho em...

Chỉ còn một đoạn nữa nhưng câu chữ cứ rời rạc như cơm nguội. Sau một hồi cố gắng, mình nhận ra có lẽ câu chuyện của mình cũng đã đến hồi kết thúc.

Ngày hôm ấy, mình và em đã giảng hòa được với cả hai ông bố. Không phải vì mình cao tay hay tài giỏi gì mà chính em, bằng sự cố gắng vươn lên trong năm năm qua và những việc tốt làm cho làng quê họ hàng, đã làm cho họ dần thay đổi cách nhìn. Mình chỉ là lý do cuối cùng, là cái cớ để họ công nhận sự hòa giải.

Mẹ V. được đem ra Hà nội chữa trị, bây giờ đã có thể ngồi dậy trên giường. Mình và em góp vốn mở cho hai ông bố một quầy hàng tạp hóa lớn ở chợ xã, cậu em của V. là “nhân viên” duy nhất. Tiền lãi không lớn vì người làng không có nhiều tiền, nhưng cũng tạm đủ sinh hoạt cho gia đình V.

Cuộc tình long đong hơn 7 năm của mình đã kết đoạn có hậu bằng một đám cưới ngập trong hoa và rượu. Mình và em đang sống trong sự yêu thương của cả hai bên gia đình. Mỗi ngày đi làm về, nhìn ánh mắt và nụ cười tươi tắn của em, mình thực sự cảm thấy thế nào là hạnh phúc...

Xin kết thúc câu chuyện của thuyền trưởng Húc tại đây. Một lần nữa, cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm, ủng hộ và tin tưởng mình. Với vị trí của một người đang kinh doanh và có chút thành công, mình đã có ý định cuối cùng sẽ chia sẻ với các bạn những quan sát, kinh nghiệm hơn 15 năm qua, và cả vài gợi ý cho các bạn quan tâm đến truyện này, nhưng có lẽ trước mắt mình cần phải giải lao một thời gian.

------- Hết -------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: