Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tuyển tập truyện dân gian Việt Nam

1. KIỆN TRỜI 

Một thầy lại về hưu trí. Có người anh em họ nghèo túng, tưởng thầy giàu đến hỏi vay tiền. Thầy nói:

-Tôi tính hay rượu được đồng nào uống hết. Chú bảo tôi làm đơn đi kiện thì tôi làm cho, chú vay tiền thì tôi không có.

Người kia nói:

-Tôi nhờ bác làm hộ cái đơn kiện trời, tôi ăn ở hiền lành mà sao phải bần cùng mãi.

Thầy lại lấy giấy viết ngay, rồi đốt đi để kiện trời (theo phong tục ngày trước , văn, sứ tâu quỉ thần đều phải đốt đi thì quỉ thần mới nhận được). Trời thấy đơn, nổi giận lôi đình hôm sau sai Đại thánh xuống bắt người kiện. Tôi, thổ công báo mộng cho người kiện biết: " mai, trời sai Đại thánh bắt mày đấy ".

Người kia sợ lắm, sáng sớm đến nói ngay cho thầy lại nghe. Thầy bảo:

-Chú cứ về dọn rượu ra, ta cùng đánh chén, còn công việc đó để mặc tôi.

Người kia biện rượu ra về, thầy lại uống hết. Thấy Đại thánh đến ngõ, thầy nói to:

-Đại thánh đánh trời, còn không có tội, huống chi ta.

Đại thánh sợ bỏ chạy. Hôm sau, Trời tức quá sai lão tử xuống bắt. Thổ công lại báo mộng cho người kiện biết. Người kia lại nói với thầy lại. Thầy nói:

-Chú lại về dọn rượu ra, không việc gì mà sợ.

Lúc Lão tử đến ngõ, thầy nói to:

-Lão Tử ở trong bụng mẹ bảy mươi năm còn không có tội, huống chi ta.

Lão Tử sợ chạy mất. Hôm sau, trời sai Phật ba xuống bắt. Thổ công lại báo mộng cho người kiện biết. Người kia lại nói với thầy lại. Thầy nói:

-Chú về mua rượu , tôi sang ngay.

Lúc Phật bà tới ngõ, thầy lại nói to:

-Phật bà trái ý bố mẹ, không lấy chồng, còn không có tội , huống chi ta.

Phật bà chạy mất. Hôm sau trời sai Lục đinh, Lục giáp xuống bắt. Thổ công lại báo mộng cho người kiện biết. Người kia lại nói với thầy lại. Thầy nói:

-Lần này chú mua thật nhiều rượu vào, uống xong tôi sẽ đi thay cho chú.

Lục đinh, Lục giáp đến bắt thầy giải lên Thiên đình. Trời truyền quỉ sứ đi mua nghìn quan tiền dầu, để bỏ thầy lại vào vạc nấu. Thầy lại nói với quỉ sứ:

-Năm trăm quan cũng đủ chết tôi rồi, còn năm trăm thì anh em để đấy mua đồ nhắm rượu giải phiền, vì anh em làm việc quan khó nhọc.

Quỉ sứ nghe êm tai, mua ngay rượu thịt cùng uống no say, nằm bất tỉnh nhân sự. Thầy lại vào tâu trời:

-Tội tôi phải mua một nghìn quan tiền dầu mà nấu mới đáng, chứ năm trăm quan thì nhẹ quá.

Trời nói:

-Trẫm đã truyền lệnh bảo mua một nghìn quan rồi mà.

Thầy lại nói:

-Bẩm quả chỉ có năm trăm quan thôi ạ !

Trời ra xem, thấy chỉ có năm trăm quan. Giận lắm, nói:

-Ở thiên đình còn có kẻ làm bậy, huống chi ở dương thế. Tha nó về.

2. DIÊM VƯƠNG THÈM ĂN THỊT

Trên dương thế, có một con lợn bị đem ra giết thịt. Hồn nó về kêu với diêm vương. Diêm vương hỏi:

-Nỗi oan ức của nhà ngươi như thế nào, hãy nói rõ đầu đuôi nghe !

-Dạ ! Họ bắt tôi làm thịt !

-Được rồi, hãy khai rõ ràng. Họ làm thịt như thế nào?

-Dạ, trước hết họ trói tôi lại, đè ngửa ra chọc tiết. Xong, họ đổ nước sôi lên mình tôi, cạo lông.

-Rồi sao nữa !

-Cạo sạch rồi họ mổ ra, thịt tôi xẻ ra từng mảnh, chặt nhỏ bỏ vào rổ. Rồi thì... họ bắt chảo đổ mỡ vào, phi hành cho thơm, thêm muối mắm xào lên...

-Thôi ! Thôi... Đừng nói nữa mà tao thèm!

3. ĐI TU PHẢI TỘI

Ngày xưa có một ông sư và một con đĩ chết xuống âm phủ. Vua Diêm vương đem ra tra hỏi, nếu ai không có tội thì tha, lại cho hóa kiếp làm người, nếu ai có tội thì bắt bỏ ngục hay bắt đầu thai làm súc vật. Khi Diêm vương hỏi thì đĩ tâu :

-Lúc tôi còn sống, tôi chỉ mua vui cho người ta, ai buồn bực điều gì, đến tôi thì quên hết.

Hỏi ông sư, ông tâu:

-Lúc tôi còn sống, tôi chỉ cứu nhân độ thế. Hễ ai ốm đau, tôi làm chay tụng niệm cho họ khỏi chết.

Vua Diêm vương phán:

-À, thằng này là của không vừa, chỉ ăn không có nói, dối trên lừa dưới. Ai đến số chết thì ta mới sai quỉ sứ đi bắt, thế mà nó dám cầu nguyện cho họ khỏi chết, cưỡng lại mệnh ta, khoe khoang với người đời lên mặt cứu nhân độ thế. Quỉ sứ đâu ! Đem giam nó vào ngục, rồi sau này hãy cho làm kiếp chó !

Và chỉ vào con đĩ:

-Còn con kia chỉ mua vui cho người ta, xét ra không có tội gì cho lên làm kiếp người!

Ông sư tức quá phàn nàn:

-Đi tu phải tội, làm đĩ được phúc ! 

4. XIN ĐẠI VƯƠNG ĐÌNH LẠI CHO MỘT ĐÊM 

Ngày nọ, quỉ sứ bắt ba hồn trên dương gian về nộp cho Diêm vương. Diêm vương phán hỏi:

-Chúng bay khi còn sống làm nghề gì?

Hồn tên trộm tâu:

-Tôi nghèo lắm, không của mà bố thí, nên phải thí công: đêm nào cũng phải đi xem nhà ai bỏ quên cái gì thì đem cất giấu cho họ.

Diêm vương khen:

-Ngươi chịu khó với đời, cho ngươi đầu thai làm quan lơn".

Hỏi hồn gái đĩ, nó cũng tâu:

-Tôi từ nhỏ đến lớn không có chồng, nhưng tính lại hay thương những người đàn ông góa bụa. Ai đến tôi cũng tiếp đãi như chồng !

Diêm vương khen:

-Ngươi thật có lòng nhân đức, cho ngươi đầu thai làm bà lớn.

Diêm vương hỏi đến hồn thầy thuốc thì hồn nói:

-Tôi không có lòng "nhân đức" được như hai hồn kia. Chỉ biết rằng ở trên dương thế, tôi cứu chữa được nhiều người khỏi bệnh.

Diêm vương nổi giận mắng:

-Vậy ra khi ta sai quỉ Vô thường lên dương gian bắt hồn về thì chính mi đã cản lại mệnh ta ! Đem bỏ vạc dầu !

-Hồn thầy thuốc quì lạy, vừa khóc vừa tâu:

-Xin đại vương đình lại cho một đêm, để tôi về mách con trai tôi đi ăn trộm, con gái tôi đi làm đĩ, chớ làm chuyện phúc đức mà bị bỏ vào vạc dầu !

5. BẨM CHÓ CẢ 

Nhà nho nọ thấy quan lại tham nhũng, trong lòng rất khinh. Một hôm các quan đến nhà chơi, trong số đó có mấy bạn đồng song thuở trước. Ông ta bảo người nhà dọn rượu thết.

Người nhà bưng mâm lên, ông ta đứng dậy thưa:

-Chả mấy khi rồng đến nhà tôm, các ngài có bụng yêu nhà nho thanh bạch đến chơi, có chén rượu nhạt xin các ngài chiếu cố cho.

Các quan cầm đũa, gắp mấy món. Các quan ăn thấy ngon miệng , liền khề khà hỏi:

-Đây dĩa gì, kia bát gì?

Nhà nho thong thả nói:

-Đây là chó, kia cũng là chó, bẩm toàn chó cả. 

6. BẨM TOÀN GẠO, MUỐI 

Một quan huyện ăn tiền rất bẫm, với dân rất tàn nhẫn. Có giấy đổi quan đi nơi khác. Đợi mãi chẳng thấy ma nào lên tống tiễn cả, bà huyện gọi nha lại trách :

-Dân tình ở đây sao mà bạc thế ! Quan phụ mẫu sắp đổi đi nơi khác mà chẳng thấy đứa nào lên tiễn chân cả.

Nha lại thưa:

-Bẩm bà lớn, cả làng huyện đã sắp sẵn đồ lễ tiễn quan rồi đấy ạ !

Bà huyện mừng rỡ hỏi:

-Họ lễ gì thế các thầy !

Nha lại ân cần thưa:

-Bẩm toàn gạo, muối. 

7. MẤT TRỘM BÒ

Một người vừa mới tậu được con bò. Tối đi ngủ, anh ta chốt chuồng bò cẩn thận rồi lại đặt cái chỏng ngay lối ra vào mà nằm ngủ. Ấy thế mà ban đêm, kẻ trộm vẫn dắt mất bò của anh ta.

Xót ruột, anh ta trình quan:

-Bẩm quan chắc là chúng nó dắt bò chui qua chõng con nằm mà đi ra.

Quan nghe nói vô lý quá bật cười :

-Con bò chứ có phải con chó, con mèo đâu mà chui qua gầm chõng!

-Dạ, bẩm quan, thế thì chúng nó dắt bò của con chui qua lối nào ạ? Sáng dậy cái chõng con nằm vẫn để y nguyên ở chỗ cũ chắn lối ra vào kia mà !

-Đồ ngốc! Mày ngủ say, chúng nó khiêng chõng mày nằm ra một bên, dắt bò ra rồi lại khiêng về chỗ cũ...

Người kia vỡ lẽ nói:

-À, thế ra quan thông đồng với bọn trộm, nên mới tỏ tường được như thế chứ ! 

8. TRUNG THẦN NGHĨA SĨ CẢ 

Nhà vua vi hành (vi hành là cải trang thành dân để đi dò xét dân tình) gặp một ông lão đang cày ngoài đồng. Nhà vua đứng lại hỏi thăm về ruộng nương, lúa má, rồi lân la hỏi đến chính sự, tư cách quan địa hạt thế nào.

Ông lão nói:

-Ối chà! Các quan ở đây đều là những bậc trung thần nghĩa sĩ cả.

Nhà vua hỏi:

-Làm sao mà lão biết?

Ông lão đáp

-Tôi xem hát xưa nay, thấy những vai nịnh như Đổng Trác, Tào Tháo đều mặt trắng mà các quan ở đây, tôi chưa thấy ông nào mặt trắng như thế bao giờ ! Ông nào cùng mặt mũi hồng hào béo tốt cả ! 

9. CỨ BẢO TUỔI SỬU CÓ ĐƯỢC KHÔNG? 

Đồn rằng có một ông huyện rất thanh liêm, không ăn của đút bao giờ. Bà huyện thấy tính chồng như vậy cũng không dám nhận lễ của ai. Có làng nọ muốn nhờ quan huyện bênh cho được kiện, nhưng mang lễ vật gì đến, quan cũng gạt đi hết. Họ mới tìm cách đút lót với bà huyện. Bà huyện cũng chối đây đẩy :

-Nhà tôi thanh liêm lắm, tôi mà nhận của các ông thì mươi, mười lăm năm sau, ông ấy biết ông ấy vẫn còn rầy rà tôi cơ đấy !

Dân làng năn nỉ mãi, bà nể tình mới bày cách :

-Quan huyn nhà tôi tuổi tí (tí là tuổi chuột, sửu là tuổi trâu). Dân làng đã có ý như vậy, thì hãy về đúc một con chuột bạc đến đây, rồi tôi thử cố nói giùm cho, họa may được chăng !

Dân làng nghe lời, về đúc một con chuột cống thật to, ruột đặc, toàn bằng bạc, đem đến.

Một hôm, ông huyện trông thấy con chuột bạc, mới hỏi ở đâu ra, bà huyện đem đầu đuôi câu chuyện kể lại. Nghe xong, ông huyện mắng:

-Sao mà ngốc vậy! Lại đi bảo là tuổi "tí" ! Cứ bảo là tuổi "sửu " có được không?

10. QUAN LỚN MUA VÀNG 

Theo lệ ngày xưa, ai làm quan thì mua món gì cũng chỉ phải trả nửa giá tiền, trừ mua vàng phải trả đủ.

Một hôm quan nọ vừa đến nhận chức, bảo hiệu bán vàng đem hai lạng đến bán cho ngài. Chủ hiệu vàng nghe tiếng quan dữ như cọp, mới bẩm:

-Vàng mỗi lạng giá sáu chục đồng, song quan lớn thì trả một nữa cũng được.

Quan cầm hai lạng vàng xem, rồi ung dung bỏ một lạng vào túi. Chủ hiệu tưởng quan chỉ mua có một lạng, còn lạng kia trả lại, nên khi quan vào nhà trong, anh ta vẫn đứng đấy đợi trả tiền. Hồi lâu quan ra thấy vậy mới hỏi:

-Mua bán xong rồi còn đứng đấy làm gì?

Chủ hiệu vàng đáp:

-Con chờ quan lớn trả tiền cho.

Quan bảo:

-Tiền trả rồi còn đòi gì nữa?

Chủ hiệu vàng đáp:

-Hai lạng, quan trả một lạng, lấy một lạng.

Quan nổi giận:

-Nhà ngươi lạ thật ! Nhà ngươi bảo ta trả một nữa cũng được. Ta mua hai lạng, nhưng chỉ lấy một, trả lại một, chẳng phải là ta đã trả một nữa là gì !

11. TRẢ ƠN CON LỢN 

Có hai anh em kết nghĩa đèn sách. Một anh gặp may thi đỗ, ra làm quan, liền trở mặt. Bạn đến thăm nhiều lần, lần nào cũng cho người ra bảo, khi thì ngài giấc, ngài ngơi, khi thì ngài bận công việc không tiếp. Năm bảy phen như thế, anh này giận lắm.

Một hôm, anh ta mua một con lợn, quay vàng, để lên mâm bưng tới. Lính lệ vào bẩm, một lát trở ra, niềm nở mời vào.

Vào đến nơi, quan chào vồn vã rồi sai lính lệ mang trầu ra mời. Anh ta cầm lấy miếng trầu, đút vào miệng con lợn, vái nó mấy vái mà rằng:

-Tao trả ơn mày ! Nhờ mày tao mới lọt vào cửa quan để nhìn lại bạn cũ ! 

12. HAI KIỂU ÁO 

Một ông quan lớn đến thợ may may một cái áo thật sang để tiếp khách. Biết quan xưa nay nổi tiếng luồn cúi quan trên, hách dịch với dân, người thợ may hỏi:

-Xin quan lớn cho biết ngài may chiếc áo để tiếp ai ạ?

Quan chạm lòng tự ái cau mày lại:

-Nhà ngươi muốn biết như thế để làm gì?

Người thợ may liền đáp:

-Thưa ngài, con hỏi để may cho vừa. Nếu ngài mặc hầu quan trên thì vạt đằng trước phải may ngắn đi dăm tấc. Còn nếu ngài mặc để tiếp dân, thì vạt đằng sau phải may ngắn lại.

Quan ngẫm nghĩ một hồi, gật gù cho là chí lí, truyền:

-Thế thì nhà ngươi may cho ta cả hai kiểu.

13. ĐÁNH QUÂN NGŨ SÁCH 

Ngũ sách là tên một con bài tổ tôm

Lính huyện đi tuần đêm, bắt được đám tổ tôm. Sáng hôm sau đem lên công đường để tân công.

Quan chưa biết việc gì, cứ bảo nọc ra đánh. Lính cầm roi hỏi:

-Bẩm quan đánh bao nhiêu ạ?

Quan đang dở ngủ dở thức mơ màng đến quân bài đánh cho cụ thượng lúc gà gáy, bảo:

-Đánh quân ngũ sách ! 

14. DÂN GIẦN QUAN 

Có hai anh lính hầu hạ quan lâu ngày, thấy quan đã ác lại hay ăn tiền, ai có việc vào cửa quan là y như bị đánh đập tàn tệ, đến lúc xì tiền ra mới thôi.

Một hôm, rỗi rãi, hai anh ngồi kháo chuyện với nhau nói xấc quan. Một anh bảo:

-Ác thế thì có ngày dân nó quật lại cho mà xem.

Quan quán quạn chi quàn quan

Dân dấn dận chi dần dân

Quan là quan, quan quàn quan

Dân là dân, dân giần quan

Chẳng ngờ, quan đi qua nghe được, trợn mắt hỏi:

-Bay nói gì thế?

Anh kia nói chữa:

-Bẩm quan, con bảo : Quan quản dân, dân..... cần quan. Không có quan thì ai cai trị dân. 

15. TRI KỶ 

Một ông quan võ tính thích thơ nôm. Ở cạnh nhà, có một anh chỉ khéo tán ăn. Hễ làm được bài thơ nào, ông quan võ thường gọi anh ta sang đọc cho nghe, anh ta tán tụng khen hay. Thế là lại cho ăn uống. Một hôm, quan cho gọi anh ta sang chơi. Lúc ngồi ăn quan nói:

-Tôi mới làm được một cái chuồng chim ở sau vườn, nhân nghĩ được một bài tứ tuyệt, đọc bác nghe, xem có được không?

-Dạ xin ngài cứ đọc.

Ông quan võ vừa gật gù vừa ngâm:

Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời.

Đứa thì bay bổng đứa bay khơi.

Ngày sau nó đẻ ra con cháu.

Nướng chả băm viên, đánh chén hơi.

Anh kia nức nở khen:

-Hay lắm, xin ngài đọc lại từng câu cho tôi được thưởng thức hết cái hay của bài thơ.

Quan đọc lại:

-Bốn cọc chênh vênh đứng giữa trời.

Anh kia tán:

-Hay ! Tôi nghiệm như câu này, có lẽ ngài sẽ làm đến quan tứ trụ (tứ trụ: bốn vị quan to trong triều. Nịnh khéo ở chỗ là bốn cột tức là tứ trụ )

Quan đọc lại:

-Đứa thì bay bổng đứa bay khơi.

Anh kia tán:

-Ngài còn thăng quan chưa biết đến đâu !

Quan đọc đến câu:

Ngày sau nó đẻ ra con cháu

Anh kia tán:

-Hay tuyệt ! Con cháu ngài còn vô số.

Quan đọc tiếp. Anh kia ngập ngừng rồi lại khen:

-Hay quá ! Cảnh ngài về sau tha hồ mà phong lưu phú quí !

Ông quan võ, mũi nở bằng cái thúng, đắc chí, rung đùi, rót rượu mời anh kia và bảo:

-Thơ tôi được cái tự nhiên. Bây giờ nhân có thi hứng, tôi làm thử một bài tức cảnh nữa, anh nghe xem thế nào nhé !

-Bẩm, thế thì hân hạnh quá !

Quan nhìn chung quanh, trông thấy con chó, làm luôn bài thơ rằng:

Chẳng phải voi, chẳng phải trâu,

Ấy là con chó cán gâu gâu,

Khi ngủ với nhau thì phải đứng

Cả đời không ăn một miếng trầu

Anh kia gật gù khen hay. Hai người mời nhau uống trà tàu, rồi anh kia cũng xin họa một bài:

Quanh quanh đằng đít lại đằng đầu

Hễ thấy ai vào cắn gâu gâu

Ăn hết của thơm cùng của thối

Trăm năm chẳng được chén trà tàu. 

16. QUAN ĐỐI VỚI "CHÓ"

Một hôm quan huyện Thạch Thành qua bến đò Thạch gặp một thằng bé cắp sách đi học. Thằng bé nhìn quan vẻ lơ láo. Quan gọi lại bảo:

-Mày đã cắp sách đi học, hẳn phải biết đối, bây giờ tao ra một vế, nếu mày đối được thì có thưởng mà không đối được thì tao sẽ đánh đòn vì tội vô lễ nghe chưa.

Thằng bé nhơn nhơn gật đầu. Quan bèn đọc:

-Quan huyện Thạch sang bến đò Thạch.

Thằng bé gãi đầu gãi tai:

-Bẩm quan....có cho phép thì con mới dám nói !

Quan giục:

-Cứ đối xem !

Thằng bé bây giờ mới mạnh bạo đọc:

-Con chó vàng ăn cục c*'c vàng. 

17. THẦN BIA TRẢ NGHĨA

Có một ông lãnh binh, lúc nào bên lưng cũng đeo khẩu súng kè kè, nhưng lại bắn rất tồi. Có cái bia sau nhà, đứng cách mấy sải tay mà tập mãi vẫn chưa bắn được phát nào tin. Chẳng may cho quan, bắn chưa thạo thì đã có lệnh gọi ra đánh giặc.

Vừa ra trận buổi đầu đã thua, quan bỏ mặc quân lính đấy, chạy thoát thân. Nhưng giặc đuổi riết, cố bắt cho được. Quan sắp đến đường cùng, bỗng có một vị thần ở đâu hiện ra, cõng quan chạy vào rừng. Vào đến giữa rừng, quan biết mình đã chạy thoát, mới hoàn hồn hỏi vị thần kia:

-Xin cho biết người ở đâu? Chẳng hay vì sao lại có lòng tốt mà cứu tôi như vậy?

Vị thần trả lời:

-Ta là thần bia ở trong vườn nhà ông. Trong bấy nhiêu năm nay ở nhà ông, nhờ ông có lòng nhân đức nên mới sống được tới ngày nay. Cảm cái ơn ấy, hôm nay ông lâm nạn, tôi cứu ông để trả nghĩa vậy. 

18. QUAN SỢ AI

Ông quan nọ hống hách hay đánh người, tưởng chừng như không ai to hơn mình nữa. Một hôm, trời mưa, quan rỗi việc bắt chuyện với anh lính hầu cho qua thì giờ. Anh lính hầu mới thủ thỉ hỏi, có vẻ nịnh:

-Bẩm, từ khi ra làm việc, quan có sợ ai không?

Quan vuốt râu nói:

-Ta làm quan chỉ sợ đấng minh quân thôi.

-Bẩm, thế ông vua ngày nay có phải là đấng minh quân không ạ?

-Thằng này hỏi hay chửa? Không phải là minh quân sao lại làm được vua?

-Bẩm vua có sợ ai không ạ?

-Vua là thiên tử, còn sợ ai nữa?

Anh lính ngẫm nghĩ một lúc rồi thưa:

-Bẩm con tưởng thiên tử là con trời thì còn phải sợ trời chứ ạ!

-Ừ thì sợ trời, nhưng trời thì không sợ ai cả.

-Bẩm, con tưởng trời thì phải sợ mây, mây có thể che kín trời.

Nghe nói cũng có lý, quan bèn hỏi gặn:

-Thế mày bảo mây có sợ ai không?

-Bẩm mây sợ gió, gió thổi bạt mây.

-Thế gió sợ ai?

-Bẩm gió sợ sức tường, tường cản gió lại.

-Bức tường sợ ai?

-Bức tường sợ chuột cống, chuột cống khoét đổ tường.

-Chuột cống sợ ai?

-Chuột cống sợ mèo.

-Mèo sợ ai?

-Mèo sợ chó.

-Chó sợ ai?

-Bẩm chó mà cắn càn thì có ngày người ta vác gậy đánh chết ạ! 

19. QUAN THỊ VÀ QUAN VÕ XỎ NHAU

Quan võ ghét quan thị, trông thấy quan thị mới đặt một vế câu đối xỏ. 

Thị vào hầu, thị đứng thị trông

Thị cũng muốn, thị không có ấy

Bốn chữ THỊ ở đây có bốn nghĩa và được giải thích ngay, chữ thị đầu là hầu hạ, chữ thị thứ hai là trông, chữ thị thứ ba là muốn, chữ thị thứ tư là ấy.

Quan thị tức quá đối lại :

Vũ cậy mạnh, vũ ra vũ mưa

Vũ gặp mưa, vũ ướt cả lông

Bốn chữ VŨ cũng có bốn nghĩa và được giải thích ngay như bốn chữ thị ở vế trên. Hai bên đối nhau đều giỏi cả. Thật là kẻ tám lạng, người nửa cân. 

20. DIỆU KẾ

Một quan võ có tính sợ vợ. Một hôm, đang cầm cự với giặc ở biên thùy, bỗng nghe tin mật báo là phu nhân đang ở sau lưng xốc tới để hỏi tội quan về việc quan đem nàng hầu đi theo, quan bèn triệu ban tham mưu lại vấn kế.

Kẻ đưa thế này, người bày mưu nọ, quan đều thấy không ổn. Bỗng một viên quân sư, vốn dòng râu quặp, tiến lại tâu rằng:

-Trước mặt, địch quân như gió bão, sau lưng phu quân như nước lũ. Song lọt vào tay giặc không nguy bằng lọt vào tay phu nhân. Chỉ có nước tướng quân hàng giặc, để thoát khỏi tay phu nhân là hay hơn cả.

Quan vỗ đùi khen:

-Diệu kế ! Tuyệt diệu kế !

21. YẾT THỊ

Ngoài đường không có đèn. Tối đến, quan Phủ doãn (quan đứng đầu tỉnh có kinh đô) đi vấp phải người ta, lấy làm giận lắm. Sáng mai, quan ra yết thị:

"Ai đi đêm phải cầm đèn ".

Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người. Quan quở:

-Ngươi không đọc yết thị à?

Người kia đáp:

-Bẩm, có đọc.

-Thế sao ngươi không cầm đèn?

-Bẩm có, tôi có đèn.

-Thế sao trong đèn không có cắm nến?

-Bẩm trong yết thị chỉ thấy nói cầm đèn, chớ không nói cắm nến.

Quan phủ doãn về, sáng hôm sau lại ra yết thị :

"Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải có cắm nến"

Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người. Quan lại quở:

-Đi đêm sao không có đèn, có nến?

Người kia đáp:

-Bẩm tôi có đủ đèn đủ nến ạ !

-Thế sao ngươi không thắp nến?

-Bẩm, vì trong yết thị không thấy nói thắp nến.

Quan Phủ doãn về, sáng hôm sau lại ra yết thị:

"Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải có nến, nến thì phải thắp"

Nhưng một hôm, nửa đêm, quan đi, lại vấp phải một người có đèn, có nến, nhưng nến đã thắp hết rồi. Quan lại quở:

Người kia nói:

-Bẩm, trong yết thị không thấy nói hết cây nến này, phải tiếp cây nến khác ạ !!! 

22. BỨC THƯ LẠ 

Có anh lính đi xa, nhân có bạn ghé thăm, nhờ bạn đem về cho vợ ở nhà trăm quan tiền và một bức thư.

Giữa đường, anh bạn tò mò giở thư ra xem, không thấy biên số tiền gửi bao nhiêu cả, chỉ thấy vẽ bốn con chó, một cái hình bát quái, hai con dê và một cái chũm choẹ nên nảy ra ý ăn bớt. Về đến nơi, anh ta chỉ giao cho vợ bạn bức thư và bốn chục quan thôi.

Người vợ xem thư biết thiếu tiền, nên lên quan nhờ phân xử.

Quan hỏi:

-Chồng mày gửi người ta bốn mươi quan tiền, người ta mang về đưa tận tay cho, còn kiện nỗi gì?

Người vợ đáp:

-Bẩm quan lớn, anh ta ăn bớt ạ ! Chồng con gởi cho những một trăm quan kia ạ !

-Sao mày biết?

-Bẩm quan lớn, thư chồng con viết rành rành ra đấy, xin quan xem thư, sẽ rõ !

Quan giở bức thư quái gở kia ra xem, không hiểu gì cả, liền hỏi:

-Thế là thế nào? Bức thư không có chữ nghĩa gì cả, sao mày lại biết chồng mày gởi một trăm quan?

-Bẩm quan lớn, chồng con biên rõ ràng ra đấy. Bốn con chó là tứ cẩu, cẩu là cửu, tứ cẩu tam thập lục, là ba mươi sáu. Bát quái có tám cạnh, bát bát vị chi lục thập tứ, là sáu mươi tư. Sáu mươi tư với ba mươi sáu, chả là một trăm quan đó sao?

Quan cho phải, bắt anh kia trả lại số tiền. Nhưng ngài còn hỏi chị kia :

-Thế còn hai con dê và cái chũm choẹ kia là ý thế nào?

Chị ta sượng sùng không nói. Quan hỏi mãi mới thưa:

-Đấy là nhà con vẽ đùa.

-Đùa thế là có ý gì, phải nói ra.

-Bẩm quan lớn, hai con dê và cái chũm choẹ là nhà con muốn hẹn con rằng, đến tết Trùng dương (Trùng dương nghĩa đen là hai con dê, ngày 9 tháng 9 gọi là Trùng dương hay Trùng cửu) thì nhà con sẽ về thăm nhà để đánh chũm choẹ với nhau đấy ạ! 

23. BỐ MÀY ! ĐÃ CHẾT VỚI TAO CHƯA? 

Một hôm, nhà có giỗ vợ vừa làm cỗ xong, đặt lên bàn thờ thì một con ruồi đến đậu ngay lên dĩa thịt. Chị vợ vội kêu lên:

-Thôi chết tôi rồi ! Mâm cơm cúng ông bà mà anh không coi cẩn thận để ruồi nó đậu vào, làm uế tạp mất rồi !

Anh chồng nghe thế, giận con ruồi lắm, nghĩ bụng: Hai vợ chồng lòng thành làm được mâm cơm mà con ruồi nó làm ô uế, giờ có cúng, ông bà cũng không về hưởng nữa, liền lên huyện kêu:

-Bẩm lạy quan lớn, chúng tôi vất vả quanh năm, hôm nay mới làm được mâm cơm cúng ông bà, thế mà con ruồi nó sà vào, làm ô uế cả. Xin quan lớn xử cho con được nhờ.

Quan nghe xong bảo:

-Tao cho phép mày từ rày hễ thấy nó bất kỳ ở đâu, cứ đánh cho chết !

Quan vừa nói buông lời, thì có một con ruồi đậu ngay trên má quan.

Anh kia trông thấy, mím môi, giang tay tát bốp vào mặt quan và chửi:

-Bố mày ! Đã chết với tao chưa? 

24. TÀI NÓI LÁO 

Xưa, có một anh rất rành về khoa nói láo. Những câu chuyện anh ta bịa ra thần tình, khéo léo đến nỗi nhiều người đã biết tính anh ta rồi mà vẫn mắc lừa.

Nhờ cái tài ấy, anh ta nổi tiếng khắp vùng. Tiếng đồn đến tai quan. Một hôm, quan đòi anh ta đến nha môn, chỉ vào chồng tiền và một cây roi song to tướng để trên bàn:

-Ta nghe đồn anh nói láo tài lắm, lâu nay thiên hạ bị anh lừa nhiều rồi. Bây giờ anh hãy bịa ra một câu chuyện gì lừa được ta thì ta thưởng cho ba mươi quan tiền. Trái lại, anh không lừa nổi ta, thì sẵn chiếc roi song kia, ta cho anh ba chục roi.

Anh nói láo nghe xong, gãi đầu gãi tai bẩm:

-Lạy quan lớn, đèn trời soi xét. Quả bấy lâu nay con mắc tiếng oan, con có nói láo bao giờ đâu ạ ! Nguyên con có ông tằng tổ đời xưa đi sứ bên tàu, đem về được một bộ sách nói toàn chuyện lạ, con xem thấy hay hay, đem kể lại, nhưng chẳng ai tin, cứ bảo rằng con nói láo...

Câu trả lời gợi tính tò mò của quan. Quan liền bảo:

-Thế à? Vậy anh có thể cho ta mượn xem được không?

-Trăm lạy quan lớn. Ngài xá cho, vì..... con làm gì có sách ấy! Con nói láo đấy mà !

Bấy giờ quan mới ngã ngửa người ra. 

25. THI NÓI KHOÁC

Một hôm được nghỉ, bốn quan họp nhau đánh chén. Nhân lúc cao hứng liền mở cuộc thi nói khoác.

Quan thứ nhất nói:

-Tôi còn nhớ, ngày tôi trọng nhậm ở huyện nọ, tôi được trông thấy một con trâu to lắm, nó liếm một cái mất cả một sào mạ !

Quan thứ hai nói:

-Thế đã thấy gì làm lạ. Tôi còn trông thấy một sợi dây thừng to gấp mười cái cột đình làng này !

Quan thứ ba nói:

-Tôi đã từng thấy một chiếc cầu dài lắm, đứng đầu này không thể nào trông thấy đầu kia. Chỉ biết rằng có hai bố con nhà nọ, kẻ ở bên này, người ở bờ bên kia, mà chẳng bao giờ gặp nhau được. Lúc ông bố chết, người con nghe tin, vội vã sang đưa đám ma. Nhưng khi đi qua cầu sang đến nơi thì đã đoạn tang được ba năm rồi.

Đến lượt quan thứ tư:

-Thế kể đã ghê đấy ! Nhưng tôi lại còn trông thấy một cây cao khiếp lắm. Cứ biết rằng trứng chim ở ngọn cây rơi xuống mới đến nữa chừng, chim đã nở đủ lông đủ cánh và đã bay đi rồi.

Quan thứ ba hiểu ý, cây ấy dùng để làm cái cầu mình nói, đành chịu thua.

Bốn ông quan đắc chí, cười ha hả.

Bỗng có tiếng thét thật to làm các quan giật bắn người:

-Đồ nói láo cả ! Lính đâu? Trói cổ chúng nó lại cho ta !

Các quan sợ run cầm cập, ngơ ngác nhìn trước nhìn sau xem ai, thì té ra là tên lính hầu. Lúc ấy, các quan mới lên giọng :

-Thằng kia mày định trói ai thế?

-Bẩm quan, con thấy các quan thi nhau nói khoác thì con cũng nói khoác chơi đấy ạ ! 

26. CÓ CON GIUN ĐẤT

Quan tuần rậm râu, ngồi ăn cơm với quan án không râu. Có hạt cơm dính vào râu quan tuần, anh lính hầu quan tuần vội bẩm:

-Bẩm cụ lớn trong bộ râu cụ lớn có hòn ngọc minh châu.

Quan tuần thủng thẳng vuốt râu để cho hạt cơm rơi xuống.

Quan án về nhà, bảo anh lính hầu mình:

-Đấy mà xem ! Lính bên quan tuần khôn ngoan thế đấy ! Giá mà mày học được như nó thì có phải tao cũng được mát mặt không?

Cách mấy hôm sau, quan tuần mời quan án ăn cơm. Có sợi bún dính vào mép quan án, anh lính hầu quan án trông thấy vội bẩm :

-Bẩm quan lớn, trên mép cụ lớn có con giun đất ạ ! 

27. RẮM CỦA CON

Một bà huyện đến chơi nhà chị em, cùng đi có anh đầy tớ theo hầu. Đương ngồi trò chuyện đông đủ, bà huyện bỗng vãi rắm ra. Anh đầy tớ đứng hầu sau lưng, vội bưng miệng cười. Lúc bấy giờ, bà lớn tẽn lắm, nhưng cũng không dám nói gì.

Về đến dinh, bà mới gọi anh đầy tớ vào buồng, mắng cho một thôi một hồi:

-Đồ ăn hại ! Không ra thể thống gì cả ! Như người ta thì mày nhận là của mày, có được không ! Đằng này mày lại nhe răng cười như con khỉ ! Bà lại đánh tuốt xác ra bây giờ !

Anh đầy tớ sợ mất vía, vội lui ra chạy một mạch đến nhà kia, thanh minh với mọi người :

-Bẩm các bà ! Cái rắm bà con đánh lúc nãy là rắm của con đấy ạ !

28. GIÀN HOA LÝ SẮP ĐỔ

Một thầy đề sợ vợ, một lần bị vợ cào cấu cho sứt cả mặt, khi đến công đường, quan huyện thấy mới hỏi:

-Sao mặt thầy lại xây xát cả ra thế?

Thầy đề thưa:

-Bẩm chiều hôm qua con ngồi chơi hóng mát, cái giàn hoa lý nó đổ xuống, suýt nữa thì khốn.

Quan không tin hỏi lại:

-Thầy dối tôi. Chắc hôm qua vợ thầy lại cào cho thầy đấy chứ gì ! Thầy cứ nói thật đi, rồi tôi sai mấy tên lệ ra lôi cổ vào đây. Cái giống đàn bà phải trị thẳng tay, không thì được đằng chân lân đằng đầu cho mà xem.

Không ngờ, quan bà đứng trong tư thất nghe thấy quan ông nói vậy nên giận lắm, hầm hầm bước ra. Quan ông thấy bóng quan bà líu cả lưỡi lại, bảo thầy đề :

-Thôi... thầy... tạm lui... Giàn hoa lý nhà tôi cũng sắp đổ ! 

29. QUAN SẮP ĐÁNH BỐ 

Một anh lính lệ tính cương trực, thấy quan huyện làm nhiều điều trái mắt, thường hay chế nhạo. Quan vẫn định bụng trị. Một hôm có người đến vu cho anh ta ăn tiền ở ngoài chợ, quan mừng thầm có dịp báo thù, liền cho lính bắt về.

Anh lính lệ về, dắt cả thằng con đi theo. Quan vừa trông thấy, đập bàn thét :

-Đánh ! Đánh ! Đánh cho nó chừa cái tật ăn hối lộ đi !

Anh lính lệ ngoảnh lại thủng thỉnh bảo con :

-Con đứng lui ra. Quan sắp đánh bố đấy ! 

30. NHƯNG NÓ PHẢI BẰNG HAI MÀY 

Làng kia có một tên lý trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.

Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lý năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng. Khi xử kiện thầy lý nói :

-Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.

Cải vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lý, khẽ bẩm :

-Xin xét lại, lẽ phải về con mà !

Thầy lý cũng xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay phải, nói:

-Tao biết mày phải....... nhưng nó lại phải......bằng hai mày !

31. ĐỔ MỒ HÔI MỰC

Một ông tai mắt trong làng, tính thích ăn đỗ đen luộc, nhưng lại sợ vợ. Một hôm, nhân lúc vợ đi vắng, ông ta luộc một nồi đỗ đen ăn vụng. Ăn được một ít thì vợ về. Lúc ấy lại đến giờ ra đình lễ thánh. Sợ để nồi đỗ ở nhà vợ biết thì nguy, nên ông ta trút vào mũ (đây là loại mũ của ông hào lý thời phong kiến đội khi tế lễ ở đình), rồi đội lên đầu mà đi. Dọc đường, nước đổ cứ chảy ròng ròng, lem luốc cả mặt. Ra đến đình mọi người trông thấy, hỏi vì sao.

Ông ta đáp:

-Ấy tôi thường có tính đổ mồ hôi mực như thế đấy ! 

32. VỤT VÀO ĐẦU, CÒN PHẢI HỎI

Một ông cửu phẩm có tính mê cờ bạc nhưng lại sợ vợ. Một hôm đánh bạc bị thua, ông ta cởi giày cắp vào nách, rón rén đi quanh sân vào nhà. Chị vợ đang cầm sào gẩy rơm trông thấy thế liền giơ luôn gậy lên vụt chồng.

Ông Cửu cuống quá, giơ tay đỡ gậy, mồm kêu rối rít:

-Ơ! Mẹ mày! Làm cái gì thế này? Làm cái gì thế này?

Mấy ông hàng xóm cười bảo:

-Rõ khéo? Trên năm mươi tuổi đầu, làm ông cửu, vợ vụt vào đầu còn phải hỏi. 

33. XIN LÀM BỐ ĐỂ TRẢ NỢ

Một anh lúc còn sống công nợ nhiều quá, lúc chết xuống âm phủ, vua Diêm vương tra sổ thấy chưa trả hết mới bắt hóa kiếp trâu kéo cày trả nợ.

Anh ta kêu rằng:

-Làm kiếp trâu cũng không xong, trừ phi làm bố chúng nó (chúng nó ở đây chỉ những người cho vay nợ) mới trả hết nợ chúng nó được.

Vua phán hỏi:

-Thế nghĩa là làm sao?

Anh ta trả lời:

-Làm kiếp trâu thì có hạn, làm bố chúng nó thì phải lo lắng cho chúng nó cả đời người, lúc chết có nghìn, có vạn cũng để lại cho chúng nó cả. Lại còn một nỗi, chúng nó bóp hầu nặn họng, nghịch ngợm trêu chọc người ta, người ta cứ gọi thằng bố chúng nó ra người ta chửi. 

34. CHIẾM HẾT CHỖ

Một người ăn mày hom hem, rách rưới, đến cửa nhà giàu xin ăn. Người nhà giàu không cho, lại còn mắng :

-Bước ngay! Rõ trông như người ở dưới địa ngục mới lên ấy !

Người ăn mày nghe nói, vội vã trả lời :

-Phải, tôi ở dưới địa ngục lên đây !

Người nhà giàu nói:

-Đã xuống địa ngục, sao không ở hẳn dưới ấy, còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?

Người ăn mày đáp:

-Thế không ở được nên mới phải lên. Ở dưới ấy, nhà giàu chiếm chỗ hết cả rồi ! 

35. ĐÂU DÁM LÀM KHỔ LÂY ĐẾN ÔNG

Một lão nhà giàu, vừa buôn bán, vừa cho vay, bóp nặn từng xu, nhưng lại cứ làm ra vẻ không thích giàu sang.

Một hôm lão ngồi than thở với bạn:

-Nhiều của cũng chẳng làm gì? Của càng nhiều càng khổ thân mà thôi.

Người bạn mới bảo:

-Tôi chỉ thấy thiên hạ mong có của, có ít thì mong được nhiều, có nhiều lại mong nhiều hơn, chứ chưa thấy ai phàn nàn như ông bao giờ. Hay nếu ông thấy khổ quá thì chia bớt cho tôi.

Lão nhà giàu vội từ chối:

-Ấy chết ! Tôi đâu dám thế ! Tôi có của đã lấy làm khổ rồi, đâu dám khổ lây đến cho ông !...... 

36. THÍCH XU NỊNH

Một người giàu nói với một người nghèo:

-Tao giàu có nghìn vàng, sao mày không xu nịnh tao?

Người kia nói:

-Ông có nghìn vàng, việc gì đến tôi mà tôi phải xu nịnh ông?

Người giàu bảo:

-Tao chia cho mày một nửa, mày xu nịnh tao nhé.

Người kia nói:

-Thế thì tôi cũng giàu bằng ông rồi, việc gì tôi phải xu nịnh?

Người giàu lại nói:

-Tao cho mày cả, hẳn mày phải xu nịnh tao chứ !

Người kia bảo:

-Lúc đó thì ông phải xu nịnh tôi mới phải ! 

37.UỐNG THUỐC ĐỘC KHÔNG CHẾT

Có một anh nhà giàu nghiện rượu, sợ đầy tớ uống vụng, nên số chọn nuôi một người lù khù. Anh ta có việc phải đi vắng, bảo người ở trông nhà:

-Mày ở nhà, phải trông coi lấy cái chân giò treo đó, với con gà sống thiến trong chuồng, kẻo chó mèo nó tha đi, nghe.

Và chỉ vào hai ve rượu:

-Còn hai ve này là thuốc độc để bẫy chuột. Uống chết đấy !

Anh ta đi rồi, người đầy tớ ở nhà bắt hai con gà sống thiến làm thịt, luộc chân giò lên ăn, lại lấy cả hai ve rượu uống hết, say mèm cả người. Khi anh ta về thấy người đầy tớ nằm sấp dưới đất, hơi men nồng nặc, liền đánh thức dậy hỏi gà, đùi heo và hai ve kia đâu. Người đầy tớ khóc mà thưa rằng:

-Con vâng lời ông ở nhà coi nhà, rủi có con mèo và con chó chạy lại, con mèo thì tha cái chân giò, con chó thì cắp con gà sống thiến chạy mất. Con sợ ông mắng nên lấy hai ve thuốc độc uống cho chết, không ngờ vẫn chưa chết! 

38. DẠY CON

Một lão nhà giàu có máu me cờ bạc, nhưng cũng nghĩ đến tương lai của con, cho con đi học. Một hôm nhân rỗi, lão ta hỏi con xem nó học hành như thế nào. Nhưng lão ta chẳng nhớ gì ngoài mấy bài, mới hỏi:

-Mày bảo chữ "bất" là nghĩa thế nào?

-Thưa bố bất là lên đĩa ạ !

Lão nhà giàu giận quá, bèn quát:

-Thế thì mày viết chữ cửu cho tao xem?

Thằng bé hỏi lại:

-Thưa bố, cửu sừng hay là cửu vạn ạ?

39. NGHE QUA THÌ BIẾT

Có một ông nhà giàu đã dốt lại hà tiện. Con đã lớn mà không cho đi học , sợ mất tiền. Một ông khách thấy vậy hỏi:

-Sao không cho thằng nhỏ đi học trường?

-Vô trường học sợ trò lớn ăn hiếp.

-Rước thầy về nhà cho nó học vậy!

-A nó chưa có trí biết nó học được hay không?

-Có khó gì, thầy sẽ tùy theo sức nó mà dạy. Nay dạy chữ nhất là một, một gạch, nó thuộc. Qua ngày mai dạy nó chữ nhị là hai, hai gạch, nó thuộc. Qua bữa mốt dạy nó chữ tam là ba, ba gạch. Lần lần như vậy thì nó sẽ biết chữ.

Khách ra về, thằng con ra bảo cha:

-Thôi cha đừng rước thầy về tốn kém ! Mấy chữ ấy con đã thuộc rồi nghe qua thì biết.

Người cha bảo nó viết chữ nhất, chữ nhị, chữ tam nó đều viết được cả. Người cha khen giỏi rồi bảo nó viết chữ vạn. Nó thưa:

-Chữ vạn khó quá. Con viết gần nữa ngày mới được có năm trăm gạch mà thôi.

40. CHỐC NỮA TAO SANG

Một lão trọc phú đang ngồi tiếp khách, chợt có người vào đưa giấy, và đứng đợi trả lời. Lão kia vốn dốt đặc, nhưng sĩ diện với khách, làm mặt biết chữ, giả vờ mở giấy ra xem, rồi trả lời:

-Cứ về đi chốc nữa tao sang !

Tên người nhà kia gãi đầu gãi tai bẩm:

-Ông chủ sai con sang mượn con ngựa đem về ngay, chứ không phải mời ông sang đâu ạ !

41. BA ANH ĐẦY TỚ

Một lão nhà giàu có ba anh đầy tớ, nhưng mỗi anh một tính. Anh thì rất cẩn thận, anh thì rất lo xa, còn một anh thì rất lễ phép. Lão lấy làm đắc ý lắm.

Một hôm cậu con trai lão ngã xuống ao, anh cẩn thận trông thấy, chạy về thưa với chủ:

-Thưa ông, cậu cả nhà ngã xuống ao, xin ông cho phép con đi vớt cậu lên ạ !

Vớt lên được, thì cậu cả đã chết ngoẻo rồi. Lão liền vác gậy đuổi, anh cẩn thận chạy biến. Lão sai anh lo xa đi mua áo quan về liệm. Được một lúc, anh này mang về hai cái. Thấy thế ông chủ trừng mắt:

-Tại sao lại mua những hai cái thằng kia?

Anh này trả lời:

-Ấy con mua phòng xa, nhỡ cậu hai có chết đuối thì có cái dùng ngay.

Lão lại vác gậy đuổi đi.

Chỉ còn anh lễ phép vẫn được lòng ông chủ. Một hôm, anh ta cùng một người nữa cáng chủ nhà đi chơi. Đến chỗ lội bùn ngập đến lưng ống chân mà anh ta vẫn vui vẻ không một lời phàn nàn. Thấy thế ông chủ khen:

-Anh khá lắm, biết chịu khó. Cứ đi rồi tết đến ta sẽ may cho bộ cánh.

Vừa nói đến đây thì anh đầy tớ đặt cáng xuống giữa đống bùn khoanh tay lễ phép nói:

-Con xin đa tạ ông ! 

42. NÓI CÓ ĐẦU CÓ ĐUÔI

Một lão nhà giàu có anh đầy tớ tính rất bộp chộp, thấy có gì nói ấy, gặp đâu nói đó, chẳng có đầu có đuôi gì cả. Lão mới gọi anh ta bảo:

-Mày ăn nói chẳng có đầu đuôi gì cả, người ta cười cả tao lẫn mày. Từ rày nói cái gì thì phải nói cho có đầu có đuôi nghe không!

Anh đầy tớ vâng vâng dạ dạ.

Một hôm lão mặc quần áo sắp sửa đi chơi, đang ngồi hút thuốc thì thấy anh đầy tớ đứng chắp tay trịnh trọng nói:

-Thưa ông, con tằm nó nhả tơ, người ta mang tơ bán cho người tàu, người tàu đem dệt thành the rồi bán sang ta. Ông đi mua the về may thành áo. Hôm nay ông mặc áo ông hút thuốc. Tàn thuốc nó rơi vào áo ông, và áo ông đang cháy.

Lão giật mình nhìn xuống thì áo đã cháy to bằng bàn tay rồi. 

43. TẠI ÔNG KHÔNG HỎI

Có người mời cụ Bá đến nhà chơi. Lúc đi cụ cho anh đầy tớ theo hầu. Thấy cụ Bá đến chơi, chủ nhà ân cần hỏi han:

-Đường xa, cụ đi mệt, tôi lấy làm ngại quá!

Cụ Bá sĩ diện, bảo:

-Không, từ nhà sang đây, đi xe cũng không mệt nhọc gì.

Anh đầy tớ nhìn cụ, rồi như tiếc rẻ, nói:

-Giá lúc bấy giờ cụ trả thêm nó độ một vài xu thì ta đã đến nơi từ sớm kia rồi !

Cụ Bá nghe nói, xám mặt lại. Chủ nhà thì cứ tủm tỉm cười. Lúc về nhà , cụ Bá mắng anh đầy tớ:

-Ai bảo mày chõ mồm vào ! Từ giờ trở đi hễ không hỏi mà mày mở mồm thì chết với tao.

Anh đầy tớ biết mình lỡ lời, sợ quá, vâng vâng, dạ dạ.

Một hôm, cụ Bá làm cỗ mời khách. Mọi người đến gần đủ, chỉ thiếu một ông, chờ mãi chẳng thấy. Sợ khách phải chờ lâu, cụ sai anh đầy tớ mời lượt nữa. Anh ta đi một chốc rồi về, lẳng lặng xuống bếp, không nói gì cả.

Cụ Bá đợi mãi, không thấy, sốt ruột, tưởng anh đầy tớ chưa đi mời, lại gọi lên hỏi:

-Mày đã đi chưa?

-Dạ đã đi rồi ạ !

Cụ Bá tưởng ông kia sắp đến, lại ngồi vào trò chuyện với khách.

Cỗ bàn đã nguội cả mà vẫn không thấy ông kia đến, cụ Bá bực mình lại gọi đầy tớ lên hỏi:

-Mày đến ông ấy bảo thế nào?

-Dạ ông ấy xin kiếu vì bị cảm ạ !

Cụ Bá nổi giận mắng:

-Thế sao không nói từ nãy để mọi người khỏi phải chờ?

Con không dám nói, tại ông không hỏi ạ !

44. ĐI HỒ

Ở miền nam, đi đám ma gọi là đi điếu, đi đám hát gọi là đi giải, đi đình chùa gọi là đi cúng, đi đám ăn mừng là đi hạ, còn đi đám cưới gọi là đi hồ. Người kia hà tiện lắm, nhưng vì bạn cưới vợ, không đừng được cũng ráng đi hồ. Anh ta đi hồ năm hào, nhưng trong lá thiếp lại đề:

-Tôi đi hồ một đồng, xin chịu lại năm hào.

-Đến lượt anh ta cưới vợ, bạn cũng đáp lễ theo cách ấy, và đề vào thiếp mừng :

-Tôi đi hồ một đồng, chịu năm hào, còn năm hào trừ nợ lần đi hồ trước của anh. 

45. MAY KHÔNG ĐI GIÀY

Có ông tính hà tiện, một hôm đi chân không ra chợ. Giữa đường vấp phải hòn đá, ngón chân chảy máu ròng ròng. Thế mà ông ta không phàn nàn gì, lại còn nói:

-May cho mình thật!

Có người qua đường lấy làm lạ hỏi:

-Ông vấp toạc chân, máu chảy ra như thế, mà còn bảo may là thế nào?

-Anh không rõ. May là vì tôi không đi giày ! Chớ mà đi giày thì rách mất mũi giày còn gì ! 

46. NHÀ GIÀU KEO BẨN

Một anh nhà giàu keo bẩn, không hề thết khách bao giờ. Một hôm, có kẻ thấy người ở nhà anh ta đem rổ bát ra cầu ao rửa, mới hỏi đùa:

-Nhà hôm nay mời khách đấy à?

Người ở nói:

-Ôi chà ! Ông chủ tôi mà mời khách, thì có họa đến ngày chết !

Anh ta đi qua đấy, nghe thấy người ở nói vậy bèn đứng mắng:

-Mày biết khi chết tao có mời ai hay không mà mày dám hẹn trước như thế ! 

47.SAO PHÍ QUÁ THẾ

Một người hà tiện chết xuống âm phủ. Vua Diêm vương mắng:

-Mày ở trên trần, chỉ thích bo bo giữ của không chịu đỡ đần kẻ đói, cứu giúp người nghèo. Tội mày không tha được, phải bỏ vạc dầu.

Lúc quỉ sứ đưa anh ta đến chỗ vạc dầu, anh ta nói:

-Ngần ấy dầu kia à? Sao phí quá thế ! Xin hãy đem dầu ấy bán lấy tiền cho tôi, rồi bỏ tôi vào vạc nước sôi cũng được. 

48. THÀ CHẾT CÒN HƠN

Xưa có anh keo kiệt, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chỉ khư khư tích của làm giàu.

Một hôm có người bạn cũ rủ ra tỉnh chơi. Trước anh ta còn từ chối, sau người bạn nói mãi, anh ta mới vào buồng lấy ba quan tiền giắt vào lưng rồi cùng đi.

Khi ra đến tỉnh, trông thấy cái gì anh ta cũng muốn mua, nhưng sợ mất tiền lại thôi. Trời nắng quá, muốn vào hàng uống nước nhưng sợ phải thết bạn, không dám vào.

Đến chiều trở về, khi qua đò đi đến giữa sông, anh keo kiệt khát nước quá, mới cúi xuống uống nước, chẳng may lộn cổ xuống sông. Anh bạn trên thuyền kêu:

-Ai cứu xin thưởng năm quan !

Anh keo kiệt ở giữa dòng sông, nghe tiếng cố ngẩng đầu lên nói:

-Năm quan đắt quá !

Anh bạn chữa lại:

-Ba quan vậy !

Anh hà tiện lại ngoi đầu lên lần nữa cố nói cho được:

-Ba quan vẫn đắt, thà chết còn hơn ! 

49. CON NÓI HỢP VỚI Ý TA

Có một lão nhà giàu hà tiện, lúc lâm chung gọi ba đứa con vào hỏi:

-Cha chết thì các con tính chôn cất ra sao cho khỏi tốn kém?

Con thứ ba nói:

-Con mua một chiếc chiếu rách, bó xác cha lại, chúng con lôi đi, ném xuống huyệt.

-Vẫn tốn kém.

Con thứ hai nói:

-Con ném cha xuống sông cho cá ăn.

-Không được ! Thịt cha cá ăn phí quá !

Người con cả nói:

-Con chất củi đốt xác cha để lấy tro bón ruộng nhà ta.

Người cha gật đầu:

-Con nói hợp ý ta. Như vậy là không mất cái gì mà có lợi. 

50. TIẾC DA CỌP

Một lão già hà tiện bị cọp bắt, thằng con định giương súng lên bắn. Lão thấy vậy vội kêu lên:

-Nhằm chân nó mà bắn, kẻo bắn trúng mình nó thì hỏng tấm da bán không còn được giá nữa !

51. CÁ GỖ

Một anh nhà giàu hà tiện vắt cổ chày ra nước, bữa cơm không dám mua thức ăn. Anh ta treo một con cá bằng gỗ lơ lửng ở giữa nhà, dặn ăn cơm thì nhìn lên cá gỗ, chép miệng một cái rồi hãy và, thế cũng coi như được ăn cơm với cá rồi. 

Đứa con út mới lên bốn tuổi, háu ăn, nhìn lên con cá gỗ chép miệng luôn mấy cái mới và cơm. Thằng lên sáu trông thấy liền mách bố:

-Thằng này nó chép miệng mấy cái liền mới và cơm đấy bố ạ.

Anh ta mắng:

-Cứ để nó ăn mặn cho khát nước chết. 

52. THỈNH SAO ĐƯỢC

Có một anh nhà giàu mà hà tiện, đãi khách trọng thể đến đâu, đi chợ cũng chỉ năm hào trở lên. Một lần anh ta mắc bệnh nặng, không chịu mất tiền uống thuốc, chỉ sắm có một con gà và mấy tờ giấy vàng bạc, rồi rước thầy cúng về cúng. Thầy cúng chán ngán, liền thỉnh hết thần ngoài Huế (đây là truyện miền nam nên gọi là "ngoài Huế") đến thần bên Xiêm. Anh ta lấy làm lạ hỏi:

-Sao thầy không thỉnh thần sở tại mà lại thỉnh các thần ở xa như vậy?

Thầy cúng trả lời:

-Các vị thần ở gần đều biết tính ông rồi, thỉnh sao được.... 

53. VẮT CỔ CHÀY RA NƯỚC

Một hôm chủ nhà bảo đầy tớ về quê có việc, người đầy tớ xin mấy đồng tiền uống nước dọc đường.

Chủ nhà ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

-Thằng này đến là ngốc, hai bên đường thiếu gì ruộng ao, có khát thì xuống đấy tha hồ uống, tìm vào quán làm gì cho phiền phức.

-Thưa ông, độ này trời hạn, cạn khô cả.

-Thế thì tao cho mượn cái này !

Nói rồi đưa cho anh đầy tớ cái khố tải. Người này chưa hiểu ý ra làm sao, thì chủ nhà đã bảo:

-Vận vào người khi khát, vắt ra mà uống.

Người đầy tớ liền nói:

-Trời này vận khố tải, ngốt lắm. Hay là ông cho tôi mượn cái chày già cua vậy.

-Để mày làm gì?

-Dạ vắt cổ chày cũng ra nước ! 

54. CHÓ ĐÁ

Một lão nhà giàu keo kiệt mà lại ác. Một hôm, sang chơi chùa, thấy ngoài cổng có đôi chó đá, bèn hỏi:

-Sư ông có đôi chó đá để làm gì thế?

-Có chúng nó giữ chùa cũng đỡ trộm cắp.

Lão kia mừng thầm, nghĩ bụng: có chó giữ nhà lại chẳng phải nuôi, bèn gạ xin một con. Nhà sư nể tình:

-Vâng ngày mai, ông cho người sang đào mang về.

Đêm ấy nhà sư nằm mê thấy con chó đá quấn quít bên người, năn nỉ xin cho ở lại giữ chùa. Nhà sư bèn hỏi:

-Sao vậy?

Nó đáp:

-Con sợ lắm ! Người ta đồn rằng ông ấy " đánh chó đá vãi cứt " thì còn gì là con nữa ! 

55. CƯỠI NGỖNG MÀ VỀ

Một anh tính keo kiệt, ngày nọ có khách đến chơi gà vịt đầy vườn nhưng anh ta vẫn cứ phàn nàn:

-Chẳng mấy khi bác đến chơi mà lại không có thức gì thết đãi tử tế, thật lấy làm ân hận quá !

Khách mới bảo:

-Tôi có con ngựa đấy, bác đem làm thịt, anh em ta cùng chén cho vui.

Chủ hỏi:

-Thế nhưng đường xa, bác về bộ thế nào được?

Khách đáp:

-Khó gì việc ấy ! Rồi bác xem trong đàn ngỗng của bác có con nào lớn, bác cho tôi mượn một con cưỡi về cũng được. 

56. NHÀ GIÀU KÉN RỂ

Một lão nhà giàu đi kén rể, một hôm qua đình làng thấy một anh nghiện thuốc phiện, quần áo lôi thôi bẩn thỉu, vừa đi vừa ngáp gió. Khi anh ta đi qua cửa đình, lão chợt thấy ông thành hoàng đứng dậy dường như để chào. Lão nghĩ bụng:

-Chắc anh này tướng đế vương, nên đi qua đình, thần mới phải đứng dậy như thế !

Lão liền gọi anh ta về nhà gả con gái cho. Anh ta sống với cha mẹ vợ giàu có, nên không còn rách rưới nữa, và được hút đã đời. Lão nhà giàu muốn khoe con rể của mình cùng họ hàng, nên thuật lại chuyện kia. Họ hàng không tin bảo làm thử. Lão ta bảo rể ăn mặc chỉnh tề, rồi đi qua đình cho họ hàng xem. Nhưng lần này, ông thần cứ ngồi trơ trơ. Họ hàng cười rộ. Lão mắc cở, giận quá, bước thẳng vào đình hỏi:

-Này ông thần ! Sao ngày nọ thằng rể tôi dơ dáy, ngáp lên ngáp xuống, đi qua đây, thì ông đứng dậy chào. Còn bây giờ nó no đủ, sạch sẽ như thế, thấy nó ông lại ngồi trơ như khúc gỗ vậy?

Thần cười đáp:

-Bây giờ rể nhà ngươi no đủ, có tiền dư dật ăn hút, đi ngang đây ta có sợ gì nữa. Ngày trước, nó nghèo đói, ta phải đứng dậy để coi chừng bộ lư đồng của làng thờ, sợ nó thỉnh mất. (tiếng miền nam có nghĩa là nẫng mất, lấy mất) 

57. THÀNH HOÀNG LẤY MẤT CHỮ

Lão trọc phú nọ có đứa con gái xinh, muốn kén rể thông chữ. Đợi mãi chẳng có tú, cử nào đến. Có thằng bịp biết chuyện lập kế lấy gia tài này. Hắn mua một hòm sách, thuê người gánh, giả làm học trò. Qua cánh đồng, thấy thợ cấy đang nói chuyện thửa ruộng này "thành chủng", hắn định bụng học một chữ ấy. Hắn dò hỏi thì biết thành chủng nghĩa là "nên cấy". Lại một quãng gặp mấy đứa bé đi học, đứng cãi nhau về cây gì mà có chữ thiên tử. Hắn làm ra bộ thông, hỏi đố:

-Thế thì tao đố chúng mày thiên tử là gì nào?

Bọn trẻ đáp:

-Thiên tử là con trời chứ còn gì nữa.

Thế là hắn học lõm được hai chữ. Hắn vào hàng uống nước thì lúc ấy lão trọc phú cũng đang ngồi đấy, thấy hắn ra dáng học trò liền bắt chuyện rồi mời về nhà. Đêm đêm hắn đốt đèn vờ xem sách, khuya mới đi nghỉ. Lão trọc phú mừng thầm, định bụng sẽ gả con gái cho, nhưng muốn thử hỏi tài học của hắn ra sao. Có người đến mượn đôi nến và cái mâm gỗ trơn. Lão trọc phú nhờ hắn đánh dấu hộ cho khỏi lẫn. Hắn lấy vôi vẽ loằng ngoằn như xích chó, lão trọc phú chả hiểu chữ gì, hỏi hắn, hắn trả lời liến thoắng:

-Đây là lối viết thảo đấy ạ !

-Thế anh viết chữ gì?

-Đây là chữ "thành chủng", kia là chữ " thiên tử".

Lão trọc phú ngơ ngác nhìn hắn. Hắn nói:

-Con đánh dấu như thế để người ta không biết được. Họ có ý gian, muốn đánh tráo đồ vật của nhà ta, cũng chẳng được. "Thành chủng" là "nên cấy", "nên cấy" chả là "cây nến" thì là gì? Còn "thiên tử" là "con trời", "con trời" là "cơi tròn". Họ đoán thế nào ra được chỉ có nhà mình là biết thôi.

Lão trọc phú nghe xong, nức nở khen hắn hay chữ thật, bàn với con gái nên lấy hắn, về sau mà nhờ. Thế là hắn được vợ. Lúc ấy làng có đám, nghe noi hắn hay chữ, làng cắt hắn đọc văn tế. Lão trọc phú lấy làm hãnh diện cho con rể mình, còn hắn thì cũng chẳng còn cách nào từ chối.

Hôm đám, hắn quì xuống cầm chúc bản, đọc. Đọc được chữ "duy" hắn liền đỏ mặt tía tai, quăng chúc bản, đạp án thư, trèo trên sập, giả vờ làm Thành hoàng lên dồng, thét ầm ầm :

-Làng thiếu gì người đọc văn, sao lại cắt thằng ngụ cư đọc. Có phải nó khoe hay chữ, thì ta lấy hết chữ cho mà xem.

Nói xong, ngã lăn ra. Thế là đồng thăng.

Từ đấy ai chê hắn dốt, hắn đổ cho Thành hoàng lấy mất hết chữ của hắn rồi. 

58. KIẾM RỂ LƯỜI

Một lão nhà giàu có một cô con gái rất đẹp. Trong làng có bao nhiêu chàng ngấp nghé muốn hỏi, nhưng chẳng ai lấy được. Ấy là vì ông lão ra một điều kiện kén rể rất dễ mà lại rất khó: ai lười nhất thì sẽ gả con gái cho. Các anh lười trong làng đều đến thi tài, rốt cuộc chẳng anh nào lấy nổi cô con gái nọ. Lão rất phiền lòng, than cho con gái mình phận mỏng. Một hôm, hai bố con lão đang ngồi ở thềm nhà thì thấy một anh áo quần xốc xếch đi giật lùi từ cổng vào. Thấy cung cách kỳ dị như thế, lão liền phì cười hỏi:

-Ngoảnh mặt lại đây xem nào! Sao lại đi cái kiểu lạ lùng như vậy?

Anh kia vẫn không ngoảnh mặt lại, nói:

-Nếu ông không bằng lòng cho tôi lấy con gái ông thì tôi cứ thế mà đi, khỏi phải mất công quay lại.

Lão thấy anh này lười đến thế là cùng, bèn gả con cho.

59. VỪA BUỒN CƯỜI VỪA SỢ

Một lão có con gái lớn sắp gả chồng. Một hôm, lão gọi một anh trai trai làng có tiếng là láu lỉnh đến bảo:

-Anh làm thế nào cho cả nhà ta vừa buồn cười vừa sợ thì ta gả con gái cho.

Anh này nhận lời, và giao hẹn với ông lão là phải giữ đúng lời hứa.

Anh ta về nhà giết một con dê, đem đến nhà ông lão, chờ mọi người ngủ say, lẻn vào buồng cô gái, để bộ lông dê lên bụng rồi lại lẻn sang buộc hai hòn dái dê vào cổ ông lão và trải trước buồng lão tấm da dê còn tươi. Sau đó xuống bếp để đầu dê vào phía sau ba ông dầu rau, nhét cái kèn vào ống thổi lửa và đặt một chiếc pháo tống trong dĩa dầu ta thay bấc.

Xong anh ta trở lại buồng cô gái, lấy kim khẽ chích vào bụng cô ta. Thấy đau cô kia giựt mình, đưa tay lên bụng, thì sờ phải bộ lòng, khiếp quá vội kêu lên:

-Bố ơi, muỗi đốt con lòi ruột ra rồi !

Ông lão nghe, hoảng hồn, vùng dậy, chạy ra cửa, giẫm phải tấm da dê ngã đánh oạch một cái, lại sờ lên cổ thấy hai hòn dái, hết vía vội kêu lên:

-Bà ơi, tôi ngã thọt dái lên cổ rồi !

Bà lão vội vàng trở dậy, bưng dĩa đèn chạy xuống bếp lấy lửa, cầm cái ống thổi, thổi, cứ nghe toe toe...lửa sáng, nhìn lên thấy ông lão nhe hai hàm răng nhăn nhở, bà lão sợ quá, chắp tay vừa lạy vừa nói:

-Xin ông, giận gì tôi mà nhăn răng ra vậy !

Ông lão trên nhà đợi lâu, thét lên:

-Con lòi ruột, chồng thọt dái, không nhanh chân lên, còn vui nỗi gì mà thổi kèn!

Bà lão vội vã châm lửa vào đèn thì nghe "đùng" một tiếng vang nhà. Mọi người lại bị một mẻ kinh hồn, van lạy xin trời đừng giáng họa.

Lúc ấy anh kia mới chạy ra, châm đèn lên. Cả nhà nhìn nhau, ôm bụng cười, nhưng vẫn chưa hoàn hồn. 

60. TÀI ĂN CỨT CHÓ

Một ông nọ có cô con gái khá xinh, nhiều trai làng muốn hỏi làm vợ. Ông cụ liền thách:

-Đứa nào ăn được ba bãi cứt chó thì tao gả con gái cho.

Bên hàng xóm có một anh nhận lời. Đêm ấy, anh ta mua mật và bôi bột về nấu ba bát chè lam, đổ làm ba đống trên mấy chiếc là trong vườn nhà ông cụ. Sáng hôm sau, khi mọi người đến chứng kiến, anh ta liền ra vườn hốt từng đống "cứt chó" ăn rất ngon lành. Chỉ loáng một cái hết cả ba đống. Ai nấy lắc đầu le lưỡi phục hắn. Hai ông bà cũng chịu anh ta tài, nhưng lại hối hận, vì thực chưa muốn gả chồng cho con gái vội, tưởng thách thế thì bọn trai làng sẽ bó tay. Không ngờ lại gặp phải thằng bất trị này. Hai ông bà bàn với nhau cố ý lảng ra, không gả con cho anh ta. Biết thế, anh ta liền nói với vợ chồng ông cụ:

-Ông bà đã hứa thì phải giữ lời. Có cả làng làm chứng cho tôi. Nhược bằng ông bà không muốn gả con cho tôi thì phải ăn cứt chó giống như tôi, tôi mới chịu.

Hai vợ chồng ông cụ nói với nhau:

-Chắc cứt chó không khó ăn lắm thì một lúc nó mới ăn được ba đống như thế chứ !

Rồi nhận lời sẽ ăn cho anh ta xem. Anh ta liền ra vườn hốt một đống cứt chó thật để lên bàn. Ông cụ ngửi đã lợm giọng, đến lúc nhắm mắt lại liền nếm một tí thì không sao chịu được, nôn ọc mãi, đành phải gả con cho anh ta.

61. MẤT MÌNH

Quan huyện sai tên lính lệ giải một nhà sư lên tỉnh. Tên lính có tính hay quên, lúc ra đi sợ quên, cứ nhẩm đi nhẩm lại mãi :

-"Khăn gói đây, ô đây, gông đây, trát đây, sư đây, mình đây. Khăn gói đây, ô đây,..........."

Nhà sư biết thế, lừa tên lính vào quán, mua rượu cho uống thật say, rồi lấy dao cạo đầu, tháo gông đeo vào cổ anh lính lê. Xong trốn mất.

Một lúc tên lính tỉnh dậy, soát cả lại một lượt, miệng lại lẩm nhẩm:

-Khăn gói đây, ô đây, (sờ vào túi) trát đây, (sờ lên vai) gông đây. Bỗng anh ta kêu to lên:

-Còn nhà sư đi đâu mất rồi?

Anh ta cuống quít sờ tai vò đầu. Khi vò đầu, thấy đầu trọc lóc, anh ta mừng lắm, reo lên:

-À nhà sư đây rồi !

Bỗng anh ta như sực nhớ ra điều gì, than thở:

-Quái ! Chỉ có mình đâu mất không thấy ! 

62. CÂY BẤT Ở BỂ ĐÔNG

Có một ông thầy dốt, dạy học trò học Tam tự kinh đến câu: "Phàm huấn mông"(*) thì thầy không biết nghĩa là gì, cứ dạy bừa rằng:

-Phàm là ông Phàm, Huấn là ông Huấn, Mông là ông Mông.

Trẻ cứ thế mà gào.

Đến bài khác, có chữ "Bôi" là cái chén, thầy cũng bí, thấy có chữ "Mộc" đứng bên chữ "Bât" nên thầy mới dạy:

-Bất là cây bất.

Học trò hỏi:

-Thưa thầy cây bất nó như thế nào ạ !

Thầy nghe hỏi vội mắng át đi:

-Cây bất ở tận ngoài bể Đông, chúng bay biết thế nào được mà hỏi !

Ở cạnh trường, có người đàn bà biết chữ, nghe thầy dạy láo mới hát ru con rằng:

-Ai trông cây bất bể Đông?

-Hay là ông Huấn, ông Mông, ông Phàm !

(*)Chú thích: Phàm huấn mông nghĩa là "Phàm dạy học" 

63. NGƯU LÀ CON BÒ TÓT

Một thầy đồ dốt, ngồi dạy học ở nhà nọ. Có nhiều chữ thầy không biết, nên phải đi hỏi người ngoài rồi mới về dạy lại.

Một hôm dạy đến chữ "bôn" nghĩa là chạy, chữ không in lối thường mà in lối cổ, thấy ba chữ " ngưu" chồng lên nhau, đoán mãi không ra chữ gì, mới hỏi dò người ta:

-Có giống gì khoẻ bằng ba con trâu không nhỉ?

Có người bảo:

-Có giống bò tót.

Thầy về dạy học trò:

-Ngưu là con bò tót.

Một hôm khác, thầy lại dạy đến chữ " đinh", mặt chữ thì biết, mà nghĩa thì lại không hay, nhưng vội quá không kịp đi hỏi. Thấy chữ viết giống như cái giằng cối xay, thầy bèn dạy liều:

-Đinh là giằng cối xay.

Nhà chủ thấy thầy dốt quá, đành mời thầy cắp tráp ra cửa và đọc tiễn thầy một bài thơ:

Ngưu là con bò tót

Đinh là giằng cối xay

Thầy dạy hay chữ quá !

Xin thầy về đi cày.... 

64. TAM ĐẠI CON GÀ 

Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ ", đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.

Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Một hôm, dạy sách Tam Thiên Tự, sau chữ " tước" là chim sẻ, đến chữ "kê" là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: Dủ dỉ là con dù dì.

Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khe khẽ, tuy vậy trong lòng thầy vẫn thấp thỏm.

Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương (1) để xem chữ ấy có phải thật là "dù dì" không. Thổ công cho ba đài được cả ba.

Thấy vậy thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:

-Dủ dỉ là con dù dì.... Dủ dỉ là con dù dì....

Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:

-Chết chửa ! Chữ "kê" là gà, sao thầy lại dạy ra "dủ dỉ" là con "dù dì"?

Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: " Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa, nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ:

-Tôi vẫn biết, chữ ấy là chữ kê mà kê nghĩa là gà, nhưng tôi dạy cháu thế là dạy cho nó biết tận tam đại con gà kia.

Nhà chủ càng không hiểu hỏi:

-Tam đại con gà nghĩa là làm sao?

-Thế này nhé ! Dủ dỉ là "chị con công", con công là ông con gà. 

65. NGƯỜI CHẾT NHẦM THÌ CÓ

Một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà nọ. Vợ chủ nhà chết, chủ nhà nhờ thầy làm cho một bài văn tế. Thầy liền sao ngay bài văn tế bố mình cho chủ nhà. Lúc đọc lên mọi người cười ầm. Chủ nhà trách thầy:

-Sao thầy lại nhầm như thế?

Thầy trừng mắt cãi:

-Văn tế thì làm sao nhầm được ! Họa chăng, người nhà ông chết nhầm thì có ! 

66. VẪN CHI HAI QUAN

Một nhà đón thầy đồ về dạy trẻ. Thầy mặc cả với nhà chủ phải nuôi cơm ăn áo mặc, và cuối năm phải tiễn chân sáu quan tiền. Nhà chủ bằng lòng, nhưng lại giao hẹn là hễ thầy đọc sai một chữ là phải trừ một quan.

Một hôm, thầy dạy sách Đại học, đọc cho trò câu:

-"Ư hi! Tiền vương bất vong "

Nhà chủ nghe liền chạy ra bảo:

-Thôi chết rồi ! " Ô hô" cớ sao lại dạy là " Ư hi"? Thầy sai hai chữ xin trừ hai quan.

Thầy biết mình sai, đành ngậm miệng không dám cãi. Cách mấy tháng sau, dạy đến sách Sử ký, đoạn nói về Hán Cao Tổ, thầy trông thấy hai chữ " Ư hi" giật mình nhớ lại bận trước, chỉ vì "Ô hô" dạy ra "Ư hi" mà bị trừ hai quan, nên thầy đọc:

-"Cao Tổ lạc, ô hô mạn "

Nhà chủ nghe lại chạy ra bảo:

-"Ư hi" sao thầy lại dạy là " Ô hô", thầy sai hai chữ nữa xin trừ bốn quan (1)

Thầy biết là nhầm không dám nói gì. Đến tết, thầy đồ ra về, nhà chủ đưa có hai quan. Vợ thầy đồ khôn ngoan hơn, đến nói với nhà chủ:

-Bận trước hai chữ "Ô hô" nhầm là "Ư hi", bận sau "Ư hi" nhầm là "Ô hô" tuy bốn chữ nhưng thật chỉ có sai hai. Vì chữ nọ đọc nhầm chữ kia mà thôi, tưởng chi nên trừ hai quan là được rồi.

Nhà chủ cũng dễ tính, bằng lòng, liền sai người vào nhà lấy thêm hai quan nữa trả cho thầy.

Thầy đồ mừng quá vỗ đùi nói:

-Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trung.

Nhà chủ lại nói:

-Thôi, thôi lại nhầm hai chữ nữa rồi: "Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trúng" (2) mới phải chứ !

Nói xong lại bảo cất hai quan tiền đi.

************************************************** ******

(1) (2): Hai chữ này viết giống nhau tùy từng chỗ âm đọc khác nhau 

67. KHÔNG PHẢI NUÔI CHÓ

Có thằng kẻ trộm, một hôm vào rình nhà thầy đồ. Hắn đang hì hục khoét vách đằng trước thì thầy đồ xem cổ văn vừa đến bài Tiền Xích Bích Phú, nhưng thầy lại đọc nhầm là "Tiền diệc bích tặc" (*) (phía trước cũng có trộm). 

Tên kẻ trộm nghe tưởng thầy bảo đuổi mình, vội co cẳng chạy. Nhưng được một khoảng không thấy ai đuổi theo, hắn mới trở lại, vào khoét vách đằng sau. Lúc bấy giờ thầy lại đọc là: " Hậu diệc bích tặc" (phía sau cũng có giặc). Thằng kẻ trộm nghe sởn tóc gáy, đâm đầu chạy, vừa chạy vừa nghĩ thầm:

-Quái lạ, cái ông thầy này sao mà tinh thế ! Ai có phúc đón được thầy về dạy học thì không cần phải nuôi chó giữ nhà. 

68. ĐÔI CÂU ĐỐI CHỌI

Thầy đồ thường dạy học trò đã đối thì phải đối cho chọi mới hay. Một hôm, thầy ra một vế đối:

"Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc" (thần nông dạy dân trồng ngũ cốc)

Tất cả học trò đang ngơ ngác chưa biết đối thế nào, thì anh học trò nọ gãi đầu gãi tai:

-Thưa thầy, chữ "thần" con xin đối với chữ "thánh" , có chọi không à?

Thầy gật đầu:

-Được lắm !

Anh ta lại hỏi:

-Chữ "nông", con đối với "sâu", có chọi không ạ?

Thầy nói:

-Được lắm !

Anh ta lại hỏi tiếp:

-Chữ "giáo" đối với "gươm", "dân" đối với "vua", có chọi không ạ?

Thầy gật đầu:

-Được lắm ! Được lắm !

Anh ta lẩm nhẩm: " nghệ " đối với "gừng", "ngũ" đối với "tam", "cốc" đối với "cò".

Cuối cùng anh ta xin đọc:

-Bây giờ con xin đối ạ !

Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc

Con xin đối là:

Thánh sâu gươm vua gừng tam cò 

69. THẦY ĐỒ ĂN VỤNG CHÈ

Có một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà kia. Một hôm, nhà chủ có giỗ, nấu chè bày ngay trước mắt. Thầy thèm quá không nhịn được, nhân lúc nhà chủ mải bận, thầy ăn vụng luôn mấy bát. Chủ nhà biết, nhưng nể không dám nói gì, sợ thầy thẹn mà đi mất.

Đêm đến, thầy đau bụng quá, muốn đi ngoài, nhưng lại ngại chó dữ. Túng thế, thầy mở tráp ra tương ngay vào đấy.

Sáng hôm sau, mờ mờ đất, thầy đã dậy cắp tráp đi, định ra ngoài ao quẳng cho mất tích.

Chẳng ngờ nhà chủ cũng dậy sớm, thấy thầy cắp tráp tưởng thầy ăn vụng chè, có ai nói gì, thẹn mà bỏ đi chăng, vội vàng chạy cố lưu thầy lại.

-Thầy đi đâu sớm thế?

-Tôi đi ra đằng này một lúc, xin về ngay.

-Thầy đi có việc gì mà mang cả tráp. Hay là xin thầy để tráp lại đây.

-Ấy không ! Tôi phải mang cả tráp đi, có chút việc cần.

-Thế thầy dọn đi thẳng hay sao? Thầy đến đây chỉ có cái tráp mà thầy lại mang cả tráp đi thì tôi không nghe. Thôi xin mời thầy trở lại.

Nói rồi giằng lấy cái tráp. Thầy đồ sợ quá, cứ giữ riết, hai bên giằng co nhau, không may tuột tay, tráp rơi xuống đất, c*'c bắn tung toé !

70. THẦY ĐỒ LIẾM MẬT

Có một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà kia. Nhân một buổi vui mừng, chủ nhà khao một chầu bánh rán mật. Thầy ăn hết bánh rồi mà vẫn thòm thèm, nhìn thấy đĩa hãy còn nhiều mỡ với mật, tiếc lắm, nhưng chả nhẽ trước mặt bao nhiêu trò, mà thè lưỡi liếm thì sao tiện. Thầy nghĩ mãi, bỗng nảy ra được một kế, liền ngồi ngay ngắn lại, một tay chống tráp, tay kia nhịp roi mây vun vút vừa rung đùi vừa dõng dạc truyền với học trò:

-Này ! Bây giờ ta ra cho các con chữ này, đứa nào không nói được, ta đánh đòn, nghe không !

Học trò vội vàng ngồi lại ngay ngắn, chú mục vào thầy lo lắng.

Thầy rung đùi, ung dung liếm ngang một đường giữa đĩa và hỏi:

-Chữ này là chữ gì?

Học trò ngơ ngác, nhìn nhau buồn cười mà không dám hé răng... Thầy được thể quát:

-Chữ nhất mà cũng không biết, chúng mày dốt quá !

Nhìn lại trong đĩa, thấy vẫn còn nhiều mật, thầy bèn liếm dọc một đường nữa, rồi giơ lên hỏi:

-Thế chữ này là chữ gì?

Học trò nhìn nhau xanh mắt. Thầy nhịp roi đánh "vút" một cái rồi quát:

-Đồ cơm toi ! Chữ "thập" biết không !

Nhưng vẫn còn mật, thầy lại rung đùi liếm một vòng quanh đĩa và hỏi:

-Chữ này nữa là chữ gì? Đứa nào không nói được thì toa cho ăn đòn.

Cả lớp im phăng phắc... Thầy quất roi vun vút xuống giường và thét:

-Chữ điền mà cũng không thằng nào biết cả !

Nhìn vào đĩa, đã sạch nhẵn, thầy liền bỏ xuống truyền:

-Thôi cho chúng bay nghỉ !!!

71. THÁI CỰC SINH LƯỠNG NGHI

Có nhà giàu nọ chỉ có một cậu con trai, nên rất cưng. Muốn cho đi học, lại sợ con ra trường, các đứa trẻ khác bắt nạt. Bố mẹ thằng bé kiếm một ông thầy đồ về tận nhà kèm.

Chẳng may gặp phải thầy đồ hay ăn dỗ trẻ. Một hôm mẹ thằng bé đi chợ mua cho con một chiếc bánh đa đường rất ngon. Thằng bé cứ ôm chiếc bánh chần chừ chưa dám ăn vì tiếc.

Thầy đồ trông thấy gọi:

-Đem bánh lại đây thầy tập nghĩa (cũng như giảng nghĩa) cho nghe.

Thằng bé đem lại. Thầy để bánh trên bàn nói:

-Ngôi thái cực là như vậy.

Rồi thầy bẻ chiếc bánh ra làm hai và nói:

-Thế này là thái cực sinh lưỡng nghi.

Xong bẻ chiếc bánh ra làm bốn nói:

-Lưỡng nghi sinh lại sinh ra tứ tượng.

Đoạn thầy bỏ bánh vào mồm vừa nhai vội vàng vừa nói:

-Tứ tượng biến hóa vô cùng.

Thằng bé trố mắt nhìn, rồi lăn đùng ra khóc dãy chân đành đạch.

Chú thích: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, là một câu trong Kinh dịch 

72. BÁNH TAO ĐÂU?

Có một thầy đồ, vốn tính tham ăn. Bữa nọ, có người mời đi ăn cồ, thầy cho một cậu học trò nhỏ đi theo hầu.

Đến nơi thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người xung quanh nom thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm chiếc bánh thản nhiên đưa cho học trò và bảo:

-Này con cầm lấy.

Vừa đưa, vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy.

Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn.

Thầy nhìn thấy, giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng. Đến lúc ra về, thầy vẫn còn tiếc mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò.

Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:

-Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?

Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước, thầy lại gắt:

-Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?

Trò tụt lùi lại sau, thầy lại quát:

-Tao có phải là thằng tù đâu mà đi sau áp giải.

Trò ngơ ngác quay lại thưa:

-Bẩm con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy xin thầy bảo cho con nên thế nào cho phải ạ?

Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:

-Thế bánh tao đâu?

73. ĐÃ CÓ THẦY GIỮ NHÀ HỘ

Có một thầy đồ rất nhát, ngồi dạy học trò ở nhà kia. Một đêm, thầy muốn đi đồng, nhưng phần sợ ma, phần sợ chó, thầy không dám mở cửa đi ra ngoài. Đến lúc mót quá, không tài nào nhịn được nữa thầy liền đánh liều đào một cái hố ở kẽ vách rồi tương vào đấy.

Sáng hôm sau, biết không dấu được, thầy bèn gọi chủ nhà lại, chỉ vào cái hố, nói:

-Đêm hôm qua, trộm nó đào gạch nhà ta. Tôi biết, tôi đợi lúc nó thò đầu định chui ra, tôi ỉa lên đầu nó một bãi. Nó sợ quá bỏ chạy mất.

Chủ nhà biết tính thầy nhát, đoán ngay rằng thầy nói láo, đã ỉa bậy ra nhà mà còn chực bịp mình. Ông ta mới gọi đông đủ cả nhà lại và bảo rằng:

-Nhà ta nuôi một đàn chó, rặt đồ ăn hại. Đêm qua, trộm nó vào đào ngạch, thế mà cả bầy chó không con nào biết. May có thầy, không thì khốn ! Thôi đem mà giết thịt cả đi. Từ giờ đã có thầy giữ nhà hộ. 

74. HỎI ĐƯỜNG LÊN TRỜI

Một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà bà nọ. Bà ta chỉ có một trai và một gái. Đêm đến, phải nhường cho thầy và con trai ngủ trên nhà, còn bà và cô gái phải ngủ dưới bếp.

Thầy đồ bụng muốn tòm tem. Một hôm, nhân lúc cả nhà đã đi ngủ, thầy lò dò xuống bếp. Bất đồ, bà chủ nhà tỉnh giấc hỏi:

-Ai đó?

-Tôi.

-Tôi là ai?

-Thầy đồ đây mà!

-Đêm hôm thầy xuống bếp làm gì?

-Tôi..... xuống lấy vài cái rế để đựng sách.

Cách mấy hôm sau, thầy lại mò mẫm, trèo lên mái nhà bếp. Đang dỡ tranh để tụt xuống, bỗng nghe tiếng bà chủ hỏi :

-Ai trên kia?

-Tôi đây mà !

-Tôi là ai?

-Thầy đồ đây mà !

-Thầy leo lên trên ấy làm gì thế?

-Tôi hỏi thế này khí không phải.......... Có phải đường này là đường lên trời không?.............. 

75. VỀ BẢO CÁI THẰNG THẦY MÀY ĐỪNG CÓ NÓI DỐI !

Một thầy đồ hay ngủ ngày, nhưng lại bắt học trò phải thức, nếu ngủ là thầy đánh. Học trò tức quá mới hỏi:

-Con học chữ và phải học cả tính nết của thầy. Thầy hay ngủ ngày, sao thầy không cho con ngủ ngày?

Thầy trả lời liều:

-Ta đâu có ngủ ngày, đấy là ta nằm chiêm bao để nói chuyện với ông Chu Công và Khổng Tử đấy chứ !

Một buổi kia, thầy ngủ, trò cũng ngủ theo. Thầy thức dậy trước, liền lay trò dậy và mắng:

-Sao mày dám bỏ học mà nằm ngủ?

Trò thưa:

-Thưa thầy, con có ngủ đâu ! Con nằm chiêm bao để ra mắt ông Chu Công và ông Khổng Tử đấy chứ ạ !

Thầy tức giận nói:

-Mày bảo ra mắt ông Chu Công và ông Khổng Tử, vậy thì hai ông ấy nói gì với mày?

Trò trả lời:

-Hai ông ấy bảo sao lâu nay không thấy thầy mày đến thăm. Con trình rằng mới hôm qua đây thầy có đến thăm ông. Hai ông thấy nói vậy, có vẻ giận lắm, bảo con rằng:

-"Mày về bảo cái thằng thầy mày đừng có nói dối !" 

76. ĐẾN HÓC MÀ CHẾT MẤT

Một thầy đồ đi tìm nơi dạy học, ghé nghỉ chân nhà hàng nước ven đường. Trông thấy thầy đồ lấm lét, có vẻ gian vặt. Bà hàng nước phải xem chừng trước, trong nhà có cái gì nom dễ đút túi thì vội dấu đi hết. Chỉ còn có con dao rựa là phải để chẻ củi nấu cơm, nên không cất được mà thôi. Thế mà thoáng một cái, lúc thầy đồ cơm nước xong, sắp khăn gói ra đi, thì bà hàng nước không thấy con dao rựa đâu nữa.

Bà hàng nước tức lắm, trong quán lúc bấy giờ chỉ có thầy đồ, không còn ai vào đây nữa. Chẳng nể nang, bà ta bảo thầy đồ cho khám khăn gói. Tìm mãi trong khăn gói không thấy, bỗng bà ta nhìn mo cơm nắm, để bên chõng, sao mà dài ngoằng ngoẵng. Bà ta liền cầm lên thấy nặng chình chịch, mới mở ra xem thì thấy con dao rựa đã nằm lọt vào giữa mo cơm.

Thầy đồ xấu hổ quá, nhưng lại còn nói chữa:

-Chết thật, may mà bà nhìn thấy, chứ không mà khi ăn đến hóc mà chết mất !........ 

77. KIÊNG CHỮ

Một thầy nọ tính hay kiêng, một hôm cùng một chú nhỏ theo hầu vào kinh đi thi.

Chú này có chiếc khăn vắt vai, dọc đường gió thổi mạnh, chiếc khăn cứ rơi xuống đất mãi. Chú cáu lắm và nói:

-Sao lại cứ rớt hoài như vậy !

Ông thầy nghe mới mắng:

-Đi thi chỉ sợ có một tiếng "rớt" mà mày cứ nói "rớt" mãi, thế thì bất lợi quá !

Chú nhỏ làm thinh.

Đi một lúc, chiếc khăn lại rơi xuống đất, lần này chú tức lắm, nhặt buộc chặt lên đầu nói:

-Phen này tao trói chặt mày vào đây, có đi tới kinh cũng không "đậu" nữa (vì chú kiêng chữ "rớt"). 

78. ÔNG ĐỒ NGHỆ LÀM THƠ

Có một ông đồ người xứ Nghệ ra Bắc tìm chỗ dạy học. Vào đền thờ đức thánh Quan, ông trông thấy tượng ngài uy nghi ngồi giữa. Ông Châu Xương vác ngọn dao, ông Quan Bình bưng hòm ấn đứng hầu hai bên, ngoài sân có đôi hạc đứng chầu trên lưng rùa.

Thầy liền tức cảnh làm bài thơ rằng:

Nỏ biết ông chi mặt đỏ gay?

Thế mà hương hỏa bấy lâu nay.

Bên kia chú lái cầm dao quắm, 

Bên này thằng sải bưng cái khay.

Trên án, lư hương con chó đứng,

Ngoài sân cò trắng đụ cà cay (cà cuống) !!!! 

79. VĂN HAY

Một thầy đồ đang cặm cụi viết bài, bà vợ đến bên cạnh nói:

-Ông lấy giấy khổ to mà viết có hơn không?

Thầy đồ lấy làm đắc chí, cho là bà vợ khen tài văn chương của mình, văn tứ dồi dào, giấy khổ nhỏ không đủ chép, nhưng cũng hỏi lại:

-Bà nói vậy là thế nào?

Bà vợ thong thả nói:

-Ông chả biết tính toán gì cả, giấy khổ to bỏ đi còn gói hàng, chứ giấy khổ nhỏ thì làm gì được !!!

80. ĐẬU PHỤ MẮM TÔM

Hai ông đồ rủ nhau vào hàng để đánh chén. Nhìn vào đĩa đậu phụ trên mâm, một ông nói:

-Tôi ra một câu, ông đối được cho thông thì tôi chịu tiền cả, đối không thông thì ông chịu tiền cả.

Ông kia bằng lòng.

-" Nướng đậu phụ cho cha ăn". Đối đi !

Ông kia ngẫm nghĩ một lúc, rồi đọc:

-"Sắc ích mẫu cho mẹ uống". Ông trả tiền nhé !

Ông ra câu đối hơi hoảng. Nhưng rồi ông ta trấn tĩnh được, thong thả nói:

-Đối sát đấy. Phụ là cha đối với mẫu là mẹ, uống đối với ăn. Có điều thông chưa thông.

-Thông thế nào nữa?

-Đậu phụ không có mắm tôm thì ăn với gì? Ăn với ích mẫu được ư?

-Đối thế này mới thông: "Lấy mắm tôm cho mẹ chấm ". Ông trả tiền cả chứ !!!

81. CHÓ THUI

Mấy thầy đồ nói chuyện với nhau về chữ nghĩa văn chương. Có thầy kể chuyện ông trạng Nguyễn Hiền đời Trần mới lên tám tuổi đã đối đáp được với sứ Trung quốc. Sứ Trung quốc sang ta, thử tài người nước ta, đọc bài thơ:

Lưỡng nhật bình đầu nhật

(Hai chữ nhật ngược xuôi đều là chữ nhật)

Tứ sơn điên đảo sơn

(Bốn chữ vương tranh nhau ở một nước)

Tứ khẩu tung hoành gian

(Bốn chữ khẩu dọc ngang đều là chữ khẩu)

Không ai biết chữ gì. Chỉ có trạng Hiền biết, trả lời đó là chữ điền, nghĩa là ruộng. Mọi người tấm tắc khen.

Một anh ngồi nghe lỏm cũng hỏi ghé vào:

-Các thầy hay chữ, tôi xin đố các thầy:

"hai nghệ hai bên, khuyển trên hỏa dưới, là chữ gì?"

Các thầy đồ bí nhìn nhau.

Anh kia nói:

-Thưa là chữ "chó thui" !!!

82. CHỈ TIÊU NHỮNG CHỮ LẺ

Có ông thầy đồ dốt, nhưng lại muốn học trò đến đông nên hay xổ chữ. Ai đến chơi ngồi chuyện là ông ta tìm cách nói sao cho được vài câu chữ nho, tuôn ra hàng tràng những "chi hồ giả dã", ra vẻ ta đây học thông lắm chữ.

Bà vợ ở trong nhà, nghe mãi, sốt ruột, một hôm ngồi ăn cơm, bảo khẽ chồng:

-Ông ạ! Ông có một dúm chữ thì để lận lưng làm vốn, chứ gặp ai ông cũng vung vãi ra như thế còn gì nữa mà làm ăn !

Ông ta mắng vợ:

-Bà biết gì mà nói ! Chữ của thánh hiền chứ có phải tiền bạc đâu, cứ tiêu là hết. Với lại, đó là mấy chữ lẻ, còn vốn của tôi thì tôi xếp trong bụng này kia mà ! Tôi chỉ tiêu những chữ lẻ đấy chứ ! 

83. NGỬI VĂN 

Một người mù chỉ ngửi văn mà biết được văn hay hay dở. Có ông tú đưa bộ Tây sương ký ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:

-Tây sương ký đây mà !

Ông tú hỏi:

-Sao biết?

-Ngửi có mùi phấn sáp.

Ông tú lại đưa pho Tam quốc chí ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:

-Tam quốc chí đây mà!

Ông tú hỏi:

-Sao biết?

Người mù nói:

-Ngửi có mùi binh đao.

Ông tú mới đem chính tập văn của mình ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:

-Văn này của ông chứ gì?

Ông tú hỏi:

-Sao biết?

Ông mù nói:

-Ngửi có mùi thum thủm. 

84. RẮM QUÍ

Một anh tú tài hay chữ mà cũng xu nịnh. Khi chết xuống âm phủ, anh khai với Diêm vương:

-Tôi ở đất Bắc hay chữ nổi tiếng một thời.

Diêm vương nghe thấy anh ta khoe khoang như vậy, bật cười và bật cả rắm.

Anh tú tài liền ứng khẩu một bài chúc tụng:

Đền ngọc ngai cao

Mộng vàng rắm quí

Êm như tiếng sáo tiếng thiều

Mường tượng mùi lan mùi huệ

Đã nên hương xạ thơm tho

Lại thoảng giọng đàn rủ rỉ

Có phen đại pháo nổ mừng xuân

Thật sánh được với địa lôi phá lũy

Chúa ngồi trên bệ, đã đành mở cửa năm xe,

Tôi ở dưới thềm, cũng được nhờ hơi một tí. 

85.PHẢI HỌC GÌ NỮA

Xưa có ông thầy đồ lười, tiếng đồn khắp nơi, đến nỗi không ai dám cho con đến học cả. Thế mà lại có anh nọ đem trầu cau đến xin học.

Thầy mới bảo trò:

-Nhà ta không có án thư, con xem nhà ai có mượn tạm một cái về đây để ta lễ thánh.

Trò vội trình thầy:

-Thưa thầy, đi mượn rồi phải trả lôi thôi. Để con xin cúi lưng làm cái án thư, thầy đặt trầu cau lên đấy lễ thánh cũng được.

Thầy nghe nói chắp tay vái trò:

-Con khá hơn thầy nhiều rồi, còn phải học thầy làm gì nữa. 

86. TRÒ HƠN THẦY

Một anh học trò rất hà tiện, học một thầy đồ cũng rất hà tiện. Một hôm, thầy đồ có giỗ, anh học trò phải đến phục dịch. Thầy sai ra chợ mua cái bánh đa về cúng. Anh học trò đi chơi một lúc, mang về một xâu bánh đa và một con gà. Thầy ngạc nhiên hỏi:

-Bảo mày đi mua bánh đa, sao lại mua thêm gà, hoang phí thế.

Trò trả lời:

-Con mua thế này là con đã tính kỹ lắm rồi ! Thầy trò ta ăn bánh đa thế nào cũng rơi vãi. Con mua gà về để nhặt những mảnh rơi cho khỏi phí.

Thầy gật gù:

-Khá đấy !!! 

87. LẤY ĐÂU RA MÀ RẶN

Có anh học trò nọ, thầy cho ra đối một vế câu đối thật khó. Anh ta nghĩ mãi hai ba ngày đêm mà vẫn không ra, cứ hết đứng lại ngồi thở vắn than dài.

Vợ thấy thế thương hại mới hỏi:

-Tôi hỏi thế này khí không phải, chứ làm câu đối có khó bằng tôi rặn đẻ không anh?

-Chồng phì cười đáp:

-Trời ơi ! Mình thật ngớ ngẩn quá ! Đẻ thì còn có con ở trong bụng, rặn mãi nó phải ra. Chứ làm câu đối, chữ đã không có lấy đâu ra mà rặn.

88. VIÊN LÀ TRÒN

Có cậu học trò trí nhớ kém quá, học chữ Viên là tròn, đọc luôn mồm mà vẫn quên nghĩa. Hỏi mãi sợ thầy gắt, cậu bèn lấy đất nặn một viên tròn để dễ nhớ.

Vừa học cậu vừa gõ nhịp chân:

-Viên là tròn, viên là tròn.

Học một lúc cậu ta quên và đọc:

-Tròn là viên, tròn là tròn.

Lầm lẫn quá, cậu vội cầu cứu đến viên đất để dễ nhớ. Nhìn viên đất cậu đã dẫm bẹt từ bao giờ, cậu ta đọc:

-Bẹt là bẹt, bẹt là bẹt. 

89. MUA KÍNH

Anh nọ dốt đặc cán mai, thấy các ông già bà cả mang kính xem sách, bắt chước ra chợ hỏi mua một đôi. Vào hiệu, bảo chủ hiệu lấy ra cho anh ta chọn. Anh ta đeo kính vào, lấy cuốn lịch đem theo ra xem, xem xong lại bảo chủ hiệu cho chọn đôi khác. Chủ hiệu chiều ý, chọn cho anh ta năm sáu đôi, nhưng đôi nào anh ta cũng không ưng ý. Chủ hiệu bèn chọn một đôi tốt nhất trong hiệu đưa ra. Anh ta đeo vào, lại lấy cuốn lịch ra xem, vẫn lắc đầu chê xấu. Chủ hiệu lấy làm lạ, liếc thấy anh ta cầm cuốn lịch ngược mà xem, sinh nghi , liền hỏi:

-Sao đôi nào ông cũng chê xấu cả?

Anh ta đáp:

-Xấu thì bảo xấu chứ sao ! Kính tốt thì tôi đã xem chữ được rồi !

Chủ hiệu nói:

-Hay là ông không biết chữ?

Anh ta đáp:

-Biết chữ thì đã không cần mua kính !!!!! 

90. NAM MÔ CHUỲNH

Xưa có ba anh học trò, một hôm ăn canh lươn thấy ngon cứ tấm tắc khen mãi. Rồi sau đó sinh chữ, nên ba anh bàn với nhau:

-Lươn là giống quý thế mà xưa nay chưa có chữ gì để đặt tên cho nó cả. Hay là ba anh em ta nghĩ đặt cho nó một cái tên chữ thật hay, họa sau này thiên hạ chép vào sử sách chăng !

Một anh liền nói:

-Con lươn vốn ở dưới nước, đặt tên cho nó chữ gì có "ba chấm thủy".

Anh thứ hai nói tiếp:

-Nó thường hay chui dưới bùn, vậy phải đặt cho nó chữ gì có bộ "thổ " nữa.

Anh thứ ba:

-Nó có cái đuôi cong cong, tôi nghĩ thêm cho nó một chữ cong cong như chữ "tư".

Đặt xong, ba anh liền ghép lại thành ra chữ "pháp" nhưng cả ba anh không biết chữ gì.

Ba anh lại bàn với nhau:

-Chữ đủ nét rồi, nhưng lại phải đặt âm gì nghe cho nó giòn một tí, thì thiên hạ mới chịu theo.

Bàn tán mãi, cuối cùng ba anh đặt cho cái chữ ấy âm là "chuỳnh". Con lươn quý hóa bây giờ có chữ viết là " pháp" lại có âm đọc là " chuỳnh". Nghĩa sâu xa, âm đọc nghe kêu, ba anh đắc chí cười.

Bỗng có nhà sư đi qua, thấy ba người cười thích chí mới ghé vào hỏi. Ba anh liền đem câu chuyện kể lại cho nhà sư nghe. Nghe xong, nhà sư trông khổ não lắm. Ba anh lấy làm ngạc nhiên hỏi:

Nhà sư đáp:

-Bần tăng ăn mày cửa Phật hơn ba mươi năm nay vẫn tụng niệm rằng: 

"Nam mô pháp. Phật pháp tinh thông..." mà thôi. 

Bây giờ nghe các thầy dạy cho mới biết không phải là Nam mô pháp, Phật pháp tinh thông.....; mà là Nam mô chuỳnh, Phật chuỳnh tinh thông....

Vậy thì A di đà Phật, Nam mô Phật, nam mô chuỳnh, nam mô lươn, nam mô tăng, Phật chuỳnh tinh thông, Phật lươn tinh thông.... Thế thì tôi cũng chết mất.

91. VỊNH CẢNH ĐỀN

Bốn anh học trò vãng cảnh đền. Xem quanh một lúc, bốn anh cùng cao hứng làm thơ. Anh thứ nhất thấy tượng Quan Công liền xuất khẩu đọc:

-Hán Vương ăn ớt mặt đỏ gay.

Anh thứ hai nhìn sang bên cạnh, thấy tượng Quan Bình nói luôn:

-Bên kia Thái tử đứng khoanh tay.

Anh thứ ba thấy tượng Châu Xương đọc tiếp:

-Thằng mọi râu ria cầm cái mác.

Anh thứ tư thấy con hạc cỡi trên lưng rùa mới kết rằng:

-Con cua nằm dưới chú cò gầy !!! 

92.THƠ CÁI CHUÔNG

Bốn chàng kia vẫn tự đắc làm thơ hay. Một hôm lên chùa thấy cái chuông mới rủ nhau cùng họa.

Anh thứ nhất ngâm:

-Chùa này có cái chuông...

Anh thứ hai nối theo:

-Đánh tiếng kêu boong boọng,

Anh thứ ba:

-Treo lên như cái vại.

Anh thứ tư:

-Ấy nó vốn bằng đồng.

Làm xong, bốn anh ngâm đi ngâm lại mãi, tấm tắc khen hay. Bỗng một anh giật mình nói:

-Chết rồi ! Tôi nghe nói Vương Bột (một nhà thơ nổi tiếng thời Đường ở Trung quốc) ngày xưa mười bảy tuổi làm bài "Đằng Vương Các" hay quá, tinh hoa phát tiết cả ra ngoài nên chết non. Bây giờ, bốn anh em mình làm bài thơ cái chuông có chiều hay hơn, có lẽ phải chết ngay bây giờ chứ chẳng chơi.

Anh thứ hai nghe nói đâm lo:

-Nếu chết bây giờ, đường xá xa xôi như thế này, thì làm thế nào?

Anh thứ ba nhanh nhẩu:

-Các anh không phải lo, tôi thấy trong chùa có mấy cỗ thọ đường (quan tài), ta thử vào hỏi mua, may ra nhà chùa để lại cho.

Bốn anh em liền dắt nhau vào hỏi nhà sư để mua. Nhà sư thấy lạ hỏi:

-Các thầy mua thọ đường về làm gì?

Bốn anh kia mới thuật lại đầu đuôi câu chuyện và đọc luôn bài thơ cho nhà sư nghe......Nghe xong nhà sư liền bảo chú tiểu vào khiêng ra năm cỗ.

Bốn anh kia ngạc nhiên:

-Chúng tôi chỉ mua có bốn cỗ thôi mà !

Nhà sư đáp:

-Vâng vâng, còn cỗ thứ năm là của tôi. Nguyên là ngày xưa tôi trót phát nguyện một câu: "thằng nào dốt thơ hơn ông thì ông chết". Bây giờ số tôi đã đến, nên trời Phật mới dun dủi cho tôi gặp bốn ông đây. 

93. TỨC CẢNH SINH TÌNH

Ba thầy đồ đi chơi, có một thằng nhỏ theo hầu. Mùa xuân phơi phới, tức cảnh sinh tình, ba thầy cao hứng rủ nhau làm thơ.

Chợt trông thấy cái tháp chuông ở đằng xa, một thầy ứng khẩu:

-Viễn viễn nhất cái tháp (Xa xa có một cái tháp)

Hai thầy kia nức nở khen hay, nhưng nghĩ mãi chưa ra câu tiếp. Đi đến tận nơi, một thầy mới hạ được câu:

-Cận cận nhất cái tháp (Lại gần có một cái tháp)

Thầy thứ ba gật đầu lia lịa khen:

-Hai thầy tức cảnh như thế, thật là hết cả cái hay rồi, tôi chịu không sao tiếp được nữa.

Nhưng vào trong chùa, trông thấy cái chuông, thầy cũng muốn trổ tài, liền bảo:

-Hay bây giờ ta lại làm thơ cái chuông này vậy.

Rồi thầy ngâm:

-Vừa bằng cái chõ đen thò lõ.

Thầy "viễn viễn" bóp đầu bóp trán maĩ mới ra được một câu:

-Treo lên rõ ràng một cái nơm

Ba thầy khen nhau hay, nhìn nhau cười, khoái trá. Thằng nhỏ thấy thế cũng cười và thưa với ba thầy:

-Con được đi hầu ba thầy đã lâu, nhờ cái văn tứ dồi dào của các thầy, con cũng xin mạn phép gọi là nối điêu (ý nói họa theo) cho đủ bài.

Ba thầy đang vui liền cho phép. Thằng nhỏ mới ngâm rằng:

-Tháo xuống, có thể úp con chó. 

94. THƠ VỊNH CON CHÓ

Có một anh học trò nhỡ độ đường, vào huyện ăn xin, nói là học trò nghèo. Quan huyện vốn trước cũng là học trò nghèo, thương hại bảo:

-Có phải học trò thì ta ra thơ " Con chó" cho mà làm, làm được sẽ có thưởng.

Anh học trò nghĩ hồi lâu đọc:

-Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy theo

-Thương ôi con chó ngỡ con mèo

Quan huyện nghe xong phán:

-Học trò thật ! Thơ không hay lắm, nhưng được cái đúng vần.

Liền thưởng cho một quan tiền và một thúng gạo.

Anh kia lạy tạ ra về. Giữa đường gặp một anh học trò khác, anh này hỏi:

-Tiền gạo đâu ra thế?

Anh kia kể đầu đuôi câu chuyện. Anh này liền vào huyện, cũng nói là học trò nghèo, nhỡ độ đường vào huyện. Quan huyện cũng lại ra thơ như lúc nãy. Anh ta mừng quýnh, tưởng chuyến này ăn chắc liền đọc:

Thoạt thấy chúa nhà ngoe nguẩy đuôi

Thương ôi con chó ngỡ ông trời !

Quan huyện nghi anh ám chỉ mình, tái mặt, sai lính đánh mấy chục roi, rồi đuổi ra. 

95. GHEN

Một anh học trò có tính hay ghen muốn thử lòng vợ. Tối đến anh ta ngồi núp một xó, đợi vợ đi qua rồi chạy ra ôm chầm lấy. Vợ giật mình kêu lên. Anh ta mừng lắm nói:

-Rõ thật phúc nhà mình. Được người vợ trinh tiết.

Một hôm, xem sử đến chỗ Tần Cối giết Nhạc Phi, anh ta giận lắm. Trên tay đang cầm cái chén, anh ta quăng xuống đất vỡ tan. Vợ thấy thế nói:

-Cả nhà có mười cái chén, đập mất chín rồi, còn cái này lại đập nốt, lấy gì mà uống nước?

Anh ta nghe nói, trợn mắt quát to lên:

-À à, mình bênh thằng Tần Cối à ! Hay là mình đã thông dâm với nó !!!

96. THI NÓI KHOÁC

Quan thứ nhất nói:

- Tôi còn nhớ, ngày tôi trọng nhậm ở huyện nọ, tôi được trông thấy một con trâu to lắm, nó liếm một cái hết cả sào mạ!

Quan thứ hai nói:

- Thế đã lấy gì làm lạ. Tôi còn trông thấy một sợi dây thừng to gấp mười cái cột đình làng này!

Quan thứ nhất biết ông kia nói lỡm mình, bèn chịu thua và giục quan thứ ba lên tiếng. Quan thứ ba nói:

- Tôi đã từng thấy một cây cầu dài lắm, đứng đầu này không thể trông thấy đầu kia. Chỉ biết rằng có hai bố con nhà nọ, kẻ ở bên này, người ở bên kia mà chẳng bao giờ gặp nhau được. Lúc ông bố chết, người con nghe tin, vội vã sang đưa đám ma, nhưng khi qua cầu sang đến nơi thì đã đoạn tang được ba năm rồi!

Đến lượt quan thứ tư:

- Thế kể cũng đã ghê đấy. Nhưng tôi lại còn trông thấy một cái cây cao khủng khiếp lắm! Cứ biết rằng trứng chim ở ngọn cây rơi xuống mới đến nửa chừng, chim đã nở đủ lông đủ cánh và đã bay đi rồi.

Quan thứ ba hiểu ý, muốn nói cây dùng để làm cái cầu mình nói, đành chịu thua. Bốn ông quan đắc ý, vỗ đùi cười ha hả. Bỗng có tiếng thét thật to làm các quan giật bắn người:

- Đồ nói láo cả! Lính đâu? Trói cả chúng nó lại cho ta! Các quan sợ run cầm cập, ngơ ngác nhìn trước nhìn sau xem ai thì té ra là anh lính hầu. Lúc ấy, quan mới lớn giọng:

- Thằng kia, mày định trói ai thế?

- Bẩm quan, con thấy các quan thi nhau nói khoác thì con cũng nói khoác chơi đấy ạ!

97. cHỐNG RA CHÔNG VÔ

Ăn được vài miếng, nghe chị vợ xởi lởi:

- Con gà béo quá, hén mình!

Chồng vừa nhồm nhoàm nhai vừa quay sang mắng vợ:

- Đang đậu gần rừng mà nói "béo, béo", bộ hổng sợ cọp nó ra sao? Chống ghe ra!

Chị vợ lui cui lấy sào làm theo lời chồng. Còn anh chồng vẫn nghiến ngấu ăn, hết miếng này đến miếng khác.

Vừa ngồi xuống mâm, chị vợ nói:

- Tôi nói vậy có gì đâu mà mình nổi thầu lậu lên vậy?

Anh chồng quay sang nạt:

- Đang đậu giữa dòng mà nói "nổi thầu lậu", bộ muốn dông gió cho chìm ghe phải không? Chống vô!

Chị vợ không dám cãi, lại lúi húi chống ghe vô. Gặp nước chảy mạnh, toát mồ hôi chị mới đưa được ghe vào bờ.

Đến lúc chị quay vào mâm thì chỉ còn lại mấy cái xương gà. Anh chồng nói với vợ:

- Phải cẩn thận vậy mới chắc ăn!

98. CHƯA NGÁN AI

Ông tu tại một ngôi chùa tuy không lớn như Thiếu Lâm Tự bên Trung Quốc nhưng nói chung là khá lớn và nổi tiếng. Ngôi chùa có sân, có vườn cây ăn trái. Một ngày kia có một thằng nhỏ trong làng lén vào chùa hái trộm xoài bị nhà sư bắt được, không cho hái nữa.

Thằng nhỏ tức lắm mới về mách ba nó, nói rằng sư đã chửi nó, đánh nó.

Nghe vậy, ông bố nổi giận chạy lên chùa kiếm sư.

- Thưa Sư, lâu nay con rất kính trọng Sư và xem Sư như là cha mẹ. Thế sao Sư lại chửi con tui vậy?

Nhà sư rất từ tốn, lui lại 3 bước và nói:

- Adiđà Phật, bần tăng chưa chửi ai bao giờ.

Ông bố đang trong cơn nóng giận, nói tiếp:

- Sư chửi nó thì thôi chứ, sao Sư lại đánh nó, nó là con nít mà.

Vị sư cũng rất hiền hòa, từ tốn lui lại 3 bước, chắp tay trước ngực, Sư nói: - Mô Phật, bần tăng chưa đánh ai bao giờ.

Ông bố tức qua, quát vào mặt sư:

- Sao Sư chối hoài thế, Sư dám đánh con tui, sao Sư không dám nhận. Có ngon thì đánh tui luôn nè.

Vị sư vẫn lui lại 3 bước và nói:

- Thiện tai, thiện tai. Bần tăng chưa ngán ai bao giờ!

98. TÔI NGU SAO ĐƯỢC

Còn chú bé thì tinh nghịch và cũng khá thông minh. Một hôm lão ta đi chợ về. Bụng đói mà cơm chưa nấu. Chắc là chú bé mải chơi. Vừa lúc chú đi chăn bò về, lão lôi chú ra đập. Cứ một roi lão ta lại nói "Chừa đi nhá". Chú bé đau quá van:

- Ðau quá trời ơi! Ðau quá trời ơi!

- Mày đau chứ tao không thấy đau - Lão ta đáp lại.

Chú bé nhớ lấy câu đó. Một hôm khác lão ta đi thăm đồng về. Trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại , lão khát khô cổ. Chưa vào đến nhà lão đã sai chú bé:

- Múc cho tao bát nước, nhanh lên!

Chú bé chạy vội vào nhà, múc nước ra. Vì khát quá lão cầm lấy gáo uống luôn. Nhưng lập tức lão nhổ toẹt ra giữa nhà rồi quát lớn:

- Nước nóng như thế này mà mày đưa tao uống hả?

- Thưa ông con thò cán gáo vào ấm nước đang sôi mà chả thấy nóng!

- Chú bé nhanh nhảu đáp.

- Ðồ ngu! Ðồ ngu! - Lão ta quát lớn.

Chú bé thấy lão mắc kế mình liền nói:

- Thưa ông tôi chẳng ngu đâu! Ông đánh tôi ông bảo ông không thấy đau. Như vậy tôi cũng bằng ông đấy chứ!

99. THÍCH XU NỊNH

 Tao giàu có nghìn vàng, sao mày không xu nịnh tao?

Người kia nói:

- Ông có nghìn vàng, việc gì đến tôi mà tôi phải xu nịnh ông?

Người giàu bảo:

- Tao chia cho mày một nửa, mày xu nịnh tao nhé?

Người kia nói:

- Thế thì tôi cũng giàu bằng ông rồi, việc gì tôi phải xu nịnh?

Người giàu lại nói:

- Tao cho mày cả, hẳn mày phải xu nịnh tao chứ?

Người kia bảo:

- Lúc đó thì ông phải xu nịnh tôi mới phải!

100. TRỊ BÀ LA SÁT

Tới chỗ hàng nâu, Ba Giai cứ chọn mấy củ nâu đưa lên đưa xuống, rồi thừa lúc cô hàng ngoảnh đi, Ba Giai ôm bụng ù té chạy.

Cô ả giật mình, ngỡ tên ăn cắp nâu, liền ba chân bốn cẳng chạy theo bắt lại, vừa chạy vừa la:

- Thằng trời đánh thánh vật, trả nâu cho bà đi, không mày chết bỏ cha bây giờ!

Thiên hạ đổ nhào ra xem. Một lúc, Ba Giai bước thủng thẳng. Cô hàng xấn tới nắm được áo. Ba Giai cũng quay lại nắm áo cô hàng. Người ta tưởng sẽ bắt được một vụ ăn cắp nâu. Nhưng khi cô hàng thét:

- Trả nâu cho tao, thằng khốn nạn!

Ba Giai liền tốc áo dài lên:

- Nâu đâu mà trả? Nè đây, "nâu" này của tôi hay của cô? Bà con làng nước làm chứng cho; "nâu" đây rõ là của tôi, mà con mẹ này nó bảo là của nó, nâu nó đâu phải thứ nâu này!

Cô hàng mặt đỏ gay, biết bị xỏ, toan chạy, nhưng Ba Giai đã nắm chặt lấy áo:

- Con kia, mày dám vu tao ăn cắp nâu giữa chợ, tao phải đưa mày lên quan cho ra chuyện.

Vừa nói, Ba Giai lại vừa kéo áo dài lên, vừa hỏi lặp trở lại:

- Mày thấy nâu này của tao hay của mày?

Cô hàng biết gặp tay bợm xỏ, lại đuối lý, nên chỉ còn nước hạ thấp giọng xuống để lạy van năn nỉ xin Ba Giai tha lỗi. Ba Giai tha cho và bảo:

- Từ nay, mày bỏ cái giọng chu ngoa đanh đá đi, không tao còn trở lại đây nữa, thì mày chớ trách tao là ác. Tội nghiệp cô ả lủi thủi về chỗ, mặt mày xanh nhợt như không còn một giọt máu nào.

101. CÔ HÀNG MẮM

- Chẳng giấu gì ông, lẽ ra tôi còn bán hàng ở chợ Ðồng Xuân nữa, nhưng không thể nào chịu được mấy con ả cực kỳ đanh đá chu ngoa, mỗi đứa một phách, nhất là cô ả hàng mắm tôm.

Ba Giai ra vẻ anh hùng đáp:

- Có gì mà phải sợ, nó đã chu ngoa đanh đá, thì mình phải có cách trị nó, bà hiền quá chứ vào tay tôi thì...

Bà chủ quán nguýt một cái trả lời:

-Thôi, ông ơi, tôi cũng van ông thôi, du côn ở đây còn kiêng mặt bọn chúng, chứ người như ông, chúng nó coi ra gì.

- Bà nói thế, nếu tôi trị được chúng nó thì bà mất gì đây?

- Trị chúng nó à? Ông mà trị được thì tôi cho không ông hẳn một phòng để ở, nuôi luôn cơm rượu mãn đời, không bao giờ lấy tiền.

- Bà nói chơi hay nói thật?

- Tôi nói thật đấy. Nếu không tin tôi thề có trời đất quỷ thần chứng giám.

- Thôi, thế thì được, sáng mai, bà sẽ xem tôi sẽ vào cuộc ngay.

Ngày mai, vào lúc gần trưa, Ba Giai cởi trần, chỉ mặc một cái quần "vận", không giây lưng, hay dải rút, rồi gài mấy đồng tiền kẽm bên lưng quần, ra đi. Tới ngoài đường, Ba Giai nhặt một miếng lá chuối bên đường, phủi sạch đất, bụi, rồi tới chỗ cô hàng bán mắm tôm ở cửa nam.

- Cô bán cho hai đồng mắm tôm!

Cô hàng bảo:

- Lấy cái gì mà đựng?

Ba Giai chìa miếng lá chuối ra:

- Cô đổ vào đây, tôi đùm lại tạm vậy.

Cô hàng sơ ý, lại cũng rắn mặt, nên chẳng ngần ngại liền múc ngay mắm tôm đổ vào miếng lá chuối được đặt giữa lòng hai bàn tay ông khách. Xong, ông khách bảo:

- Phiền cô lấy hộ tiền, tôi dắt nơi cạp quần đây này.

Cô hàng tưởng ông khách quê mùa chất phác, không dè vừa đưa tay vào cạp quần lấy tiền, Ba Giai thót bụng lại, tức thì chiếc quần tụt xuống ngay. Ba Giai la ầm ĩ:

- Chết chửa, sao giữa thanh thiên bạch nhật, cô lại cởi quần tôi ra thế này, "của" tôi cũng như "của" người khác, có gì lạ đâu?

Cô hàng mắm xấu hổ đỏ mặt, vội kéo quần Ba Giai lên, vặn lại, Ba Giai lại thót bụng, quần lại tụt, kêu lên:

- Cô làm gì thế này? Tôi đã bảo "của" tôi cũng như "của" người khác, chẳng có gì lạ mà!

Cứ như thế đến mấy lần, sau cô ta phải đổ mắm tôm trở lại, rồi chạy đi lấy nước rửa tay cho Ba Giai để ông tự vặn lấy quần lại, rồi cầm tiền ra đi.

Lúc ấy, các bạn hàng, người mua bán bu lại xem đông, làm cô hàng mắm càng ngượng ngùng, xấu hổ thêm. Sau đó, cô phải nghỉ luôn cả mấy ngày, từ đó cũng bỏ bớt tính chua ngoa, đanh đá.

Trưa hôm ấy về, bà chủ hàng cơm nghe người thuật lại, liền thết Ba Giai một bữa thật say.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: