Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

#4: Quỳnh không phải là Quỳnh

"Thằng Quỳnh không tên là Quỳnh. Đấy là bút danh của nó, Hoàng Quỳnh. Tôi mới là Quỳnh, Đặng Hiểu Quỳnh. Nó thực ra tên là Huỳnh, nhưng nó ghét cái tên đấy. Nó bảo các văn sĩ khi đặt bút danh, biệt hiệu phải lấy cái tên nào đọc lên là thấy sóng cuồn cuộn trong lòng, gió vi vu trong tai, mưa xuân nhỏ lách tách trong tâm hồn, đọc lên là thấy êm ả, là thấy như có thiên nhiên đang ào vào trái tim. Nó bảo, tên Hoàng Quỳnh đọc nghe thơ mộng như sông Ô Lâu chảy, tên Huỳnh mà làm văn sĩ nghe như đấm vào tai.

Chậc, tên tôi là Hiểu Quỳnh mà hình như tôi chả hiểu thằng "Quỳnh" tí teo nào cả, tôi với nó cứ hở ra gặp nhau là như chó với chó (tôi không dám nói là chó với mèo, sợ Quỳnh tưởng tôi bê đê), khắc khẩu như thế mà văn cũng khắc luôn. Tôi là tôi chúa ghét mấy thằng mở mồm ra bảo ghét con gái nhưng về nhà vẫn lén lút đọc được tiểu thuyết ngôn tình. Tôi mà là thủ tướng, là chủ tịch nước, tôi sẽ tử hình thằng nhãi ranh này vì sự thiếu tráng chí làm trai và đánh mất lòng tin với nhân dân. Cỡ đó thôi là tôi cũng quyết làm Bao Thanh Thiên xử trảm nó.

Ngược lại, Quỳnh rất mê văn của tôi. Nó bảo, văn của những con người xa nhà luôn mang một hương vị gì đấy rất "nhà quê", rất thương và đầy những dư vị khắc khoải.

Tôi đoán là nó nói thật, hay là nó nịnh thì tôi không biết vì nhìn mặt nó thật lắm.

Hay là nó điêu nhỉ?

Nhưng dù là thật hay giả thì đúng, tôi nhớ quê lắm. Tôi nhớ Huế, nhớ cái con sông cuồn cuộn chảy trước nhà, nhớ cái bóng dừa cao cao, nhớ cây mít sai trĩu quả. Nhớ cả cái quang gánh mạ tôi hay quẳng lên vai để đi gánh dừa ra chợ bán. Nó cũng đã làm tôi quắn đít mấy lần, nhưng tôi không ghét nó nổi, nó đã cứu cả gia đình tôi khỏi cơn đói và sự túng thiếu.

Tôi đưa niềm yêu quê vào đây, để tất cả cùng cảm nhận, tuổi thơ tôi cũng nhiều bi đát.

Đặng Quỳnh."

- Mặt trời có còn nhàn nhã như ngày đầu tôi về nhà? -

Vi vu... vi vu gió lộng!

Mát mẻ, mát mẻ bầu trời xanh

Xanh ngát, xanh ngát thảo nguyên cánh

Cánh chim bay liệng, mặt trời mỏng manh

Cớ sao man mác, chút buồn lấp lánh?

Trên mảnh đất cằn cỗi ngày ấy, đâu có ai tin rằng, thảo nguyên bát ngát một màu xanh hoa lá, khi mà từng tấc cây ngọn cỏ đều tươi tốt, chắc chẳng ai hay, chúng tươi tốt đều là nhờ màu máu đã đổ xuống thành dòng, tưới cho ngọn cỏ, tắm cho màu hoa, để giờ chúng mới có được vẻ đẹp như ngày hôm nay, nhỉ?

Thảo nguyên Vàng – nơi ánh dương tản mác nhẹ trên từng ngọn xanh mướt, đã từ bao giờ, nắng chẳng còn nhàn nhã được như thế?

Truyện kể về một trang trại bò sữa từ những năm 80 của thế kỷ 19, có một cuộc xung đột đã xảy ra giữa chủ trang trại và những kẻ hèn mọn làm nô lệ của ông. Chủ trang trại là một gã đàn ông cao to, vạm vỡ, là kẻ có tiền án tiền sự vì tội buôn bán trái phép khi chỉ mới có 25 tuổi. Giờ mà lão lại đi làm chủ một nông trang với từng ngày phải đi dọn phân bò, cắt cỏ, bật nhạc giao hưởng cho đàn bò của ông nghe và vắt sữa dê, hừ, có chó nó tin! Tôi không làm quá lên đâu, vì cha mẹ tôi từng phải làm việc cho lão già Henry ấy, và cả con vợ Nevada của lão nữa, nên họ - nhưng người làm nô lệ cho lão, có lẽ biết hơn tất cả về công việc của lão, chắc chắn là hơn những gì lão nghĩ về đám người làm là dân da đen, nghèo nàn và bán thân cho lão.

Tôi ngày ấy còn bé lắm, chỉ mới qua được bốn cái đông giá rét ở với cha mẹ trong chuồng heo của trang trại, miệng còn hôi sữa và mắt thì còn thanh khiết trong sáng, chẳng có vấy chút đục ngầu nào của những khốn khổ như các nô lệ khác. Đôi khi tôi còn có quyền được chạy ra chơi với con của lão Henry, nhưng thường là trong lén lút và hên xui. Giả như tôi vào nhà mà đúng hôm ông chủ đi vắng thì tôi được nhong nhong với thằng Alex đi ra suối tắm và ra cánh đồng hái bồ công anh, còn hôm nào xui tận cùng thì đụng ngay ở cửa là ánh mắt sắc như dao găm của ổng đậu ở bên thềm, và sau đó là một tràng những đòn roi vun vút xuống kèm tiếng chửi bới:

-Cho chừa mày nè, cho chừa nè, không ở trong dọn phân bò cho tao mà dám trốn ra đây nè, con chó ngu đần, đồ vô dụng, đồ vô tích sự, mày nên chết đi cho đỡ chật đất, đồ ngu...

Tôi khóc. Phải, một đứa trẻ ngay từ nhỏ chẳng thể đi học, chẳng có bạn bè hay có được một ngôi nhà thực sự, tôi vốn đã nhạy cảm từ trong trứng. Tôi nức nở với mẹ rằng, chẳng lẽ tôi không phải Vera nữa, mà sắp thành rác rưởi thừa thãi của xã hội như ông chủ nói với con sao mẹ?

Mẹ tôi im lặng, ánh mắt vô hồn của bà hướng về con suối xa xa kia, và tôi tin, trong lòng bà cũng đang nức nở, giống như tôi đang ngồi trước hai cục đá lạnh, cũng mang một tâm trạng in hệt thuở còn thơ bé...

Cuộc xung đột giữa nô lệ và chủ trang trại những năm tháng ấy diễn ra mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi tháng, như một thứ bữa ăn chẳng thể thiếu của những kẻ chẳng còn là con người, là chủ trang trại, hay chủ đồn điền. Hàng trăm đến hàng nghìn những nô lệ là dân gốc Châu Phi nếu không sống khổ sống sở nhẫn nhịn trong những tháng ngày phải đi mót lúa còn sót lại để về ăn, hay phải cắn răng cắn lợi ăn cám trong chuồng lợn, thì đều chết như cỏ rạ từ đầu thảo nguyên đến tận phía cuối chân trời. Đâu đâu đều vang lên tiếng ai oán thấu tận tâm can, mùi thối rữa của xác thịt, và những cơn buồn nôn từng chặp khi phải nhìn thấy thảm cảnh người – ăn – thịt – người của những nô lệ đói đến chỉ còn da bọc xương, tất cả, đều mang đến cho tôi, một tuổi thơ đau đến nao lòng.

"Bố...

Mẹ...

Con về rồi!"

Tôi thì thầm với ngôi nhà mới của cha mẹ ở ngay giữa thảm cỏ xanh man mát. Nơi những ngôi nhà nhỏ bé xếp thành từng hàng, từng lối đi, và mỗi cư dân của thành phố chuyển về thảo nguyên này đều phải chọn cho mình một con phố mới, như con phố Sunrise của cha mẹ tôi đang sinh sống là một con phố đông đúc. Có thể thấy khá nhiều cư dân từ thành phố đều đã chuyển về đây, vì bình yên, vì nắng đẹp hay gió thổi nhe nhàng thì tôi không biết. Tôi chỉ biết, cha mẹ tôi về nơi này, đơn giản vì họ đã vất vả cả một đời rồi.

-Hana, Sara, chào bố mẹ chị đi em.

Hai chú cún nhỏ xíu nằm trong lòng tôi giương đôi mắt lay láy lên nhìn tôi, rồi nhìn vào di ảnh của bố mẹ tôi, hai khuôn mặt chẳng thể cười suốt cả một chặng đường chông gai để đi từ khi lúc mới sinh ra, lúc sống hay lúc nằm dưới nấm đất ấm áp như Mặt Trời, tôi chưa thấy họ cười một giây phút nào, ngay cả khi họ đã được ở bên nhau và đã an nghỉ khỏi những gian truân của cuộc sống, họ vẫn chưa hề cười với tôi, hay cười cho thảo nguyên...

Họ đã mất được 20 năm rồi, nhưng mỗi lần về lại với vòng tay ấy, thứ xúc cảm dâng lên trong lòng tôi vẫn thổn thức như thuở ban đầu. Đặt một bó cúc vàng bên chân mộ, tôi quỳ xuống nhổ bằng sạch đám cỏ đang làm "tổ" ngôi nhà của bố mẹ tôi. Họ đã phải sống chui sống lủi như một con chó trong trang trại ấy, hằng đêm nằm nghe tiếng ho sù sụ của cha tôi, tiếng đấm lung bùm bụp của mẹ tôi, dù còn nhỏ, nhưng lòng tôi vẫn xót xa, vậy chẳng lẽ, khi đã chết rồi, họ không có quyền sống một cách sung sướng, để bù lại những năm tháng khổ ải đầy đường hay sao? Càng nghĩ, những lần bứt cỏ của tôi càng mạnh, cho đến cọng màu xanh cuối cùng...

Ngồi bó gối cùng cha mẹ, tôi quyết định làm một tiệc trà nho nhỏ. Từng giọt trà hoa cúc sóng sánh, ngọt lành, chảy xuống từ tận đáy ly đến đầy tràn, tôi đẩy hai ly trà về phía cha mẹ, còn mình thì uống trà hoa hồng. Ngọt lắm, giọt trà ấm nóng, ngòn ngọt ở đầu lưỡi, dư vị thanh thanh thuần khiết như sương đọng trên cỏ lá ban mai, ngon và tuyệt vời thật, bố mẹ nhỉ?

Chợt, một giọt sương chảy từ mắt tôi, xuống gò má, chảy vào ly trà, đắng nghét...

Đắng, chát, mặn, và chua, tất cả đều vào cuống họng tôi, lấp lấy toàn bộ thứ ngọt thanh trong lành vừa rồi.

Đúng, đã từ bao giờ tôi vẫn biết, từng tấc cây ngọn cỏ xanh xanh đều là do máu của cha mẹ mình và của những người anh hùng vô danh, dám đứng lên vì tự do cho nô lệ được giải phóng giành lấy.

Đúng, đã từ bao giờ tôi vẫn biết, con suối xa xa kia ngọt lành mạch nước ngầm ấy, đã từng phải nếm trải cái tanh tưởi của những xác thịt cứ thế bị thả xuống, cho trôi về nguồn cội, ra sông, ra biển gì cũng được, miễn là không phải mảnh đất, nơi khởi nguồn của mọi đau thương gian khó này.

Đúng, đã từ bao giờ tôi vẫn biết, bầu trời như vực nước sâu thăm thẳm kia biêng biếc màu mây và màu nắng đã từng có những tháng ngày phải oà khóc dữ dội vì những tiếng kêu oan trái dậy trời đến tắc nghẹn mà ra đi chẳng có kẻ than khóc, bầu trời sẽ khóc thay cho kẻ đó.

Và đúng, đã từ bao giờ tôi vẫn hay, cha mẹ tôi vĩ đại đến thế nào khi chính họ là những người khởi xướng công cuộc chống lại áp bực bóc lột của những tên giàu có đầy dã tâm kia, rồi họ ra đi một cách oanh liệt biết mấy khi độc lập và tự do cho những dân đen đã được tái sinh, còn họ thì chết.

Tôi biết chứ, biết là mình phải tự hào vì họ, biết là mình phải vui vẻ sống tiếp cái cuộc sống mà họ đã phải khổ công giành giật chắt chiu từng chút hạnh phúc cho tôi, nhưng chúng vẫn không ngăn được cảm giác thèm thuồng cha mẹ của tôi, không, chẳng cản được nó...

Một giây phút im lặng khiến thứ thanh âm thét gào ấy càng lớn hơn, rồi chợt tôi thốt lên một tiếng khóc nghẹn đắng, phải chăng đó là tâm hồn tôi đang quẫy đạp một cách bất nhã, và bắt tôi đừng mạnh mẽ, đừng chai sạn nữa, và đừng bắt nó phải yên lặng một cách giả tạo, được không Vera ơi?

Một vòng tay có lẽ là thứ mà tôi cần nhất lúc này. Một thứ ấm áp và vững vàng có lẽ là thứ mà tôi muốn nhất lúc này, nhưng giờ tôi cô độc, và lạnh lẽo với hai tấm bia mộ trước mắt. Chỉ biết gục vào chính mình và sự tự hào đôi phần giả tạo mà trước mặt bà con làng xóm tôi cứ phải đeo chúng như một thứ gông cùm.

Tôi chợt cảm thấy thứ gì đó rất ấm, rất vững nhưng lại vô cùng nhẹ nhàng đang quàng lấy toàn bộ người tôi, và trao cho tôi một giây phút bình yên, thong thả khỏi những gia vị đắng nghét mà tôi vừa trải qua. Tôi cầu được ước thấy rồi, một vòng tay, một bờ vai thật sự đã đến bên tôi, dẫu đó là ai thì tôi cũng sẵn lòng ôm lại ấy người đó, dù chỉ trong mơ, tôi cũng sẽ ích kỷ giữ lại vòng tay ấy, ít nhất là đến khi tắt nắng hôm nay.

Đó là ai, là người bạn thuở thiếu thời những năm tháng xưa cũ, là hai chú cún trung thành bé xinh, là một người thương cảm tôi từ tận đáy lòng, hay là cha mẹ tôi?

Có lẽ, là cha mẹ tôi.

Chắc chắn là vậy rồi...

"Từ phía xa xa kia, dòng suối trong trẻo, Mặt Trời sáng rõ, thảo nguyên đồng cỏ, gió vờn nhẹ đu...

Tất cả đều khác nhau nơi màu sắc

Nhưng giống nhau nơi trải nghiệm của tuổi hồng hoang..."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro