Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1

1.

Ta quả thực không may mắn.

Ngày thứ hai sau khi ta vào Vi phủ làm nha đầu, gia đình nhà họ Vi liền suy sụp.

Khi ta được bán vào Vi phủ, có lẽ vì Vi phủ trả nhiều tiền, người buôn nô vui vẻ đã nói thêm vài lời với ta. Hắn nói, nhà họ Vi hiện nay đang như mặt trời ban trưa, ta ở lại đây làm việc, sau này chắc sẽ sướng mà chẳng cần phải lo.

Người hầu nhà họ Vi ăn uống rất đầy đủ, bánh bao trắng mềm mịn được phát không giới hạn, ăn đến một bụng no nê.

Ta một hơi ăn liền ba cái, hạnh phúc cười suốt cả đêm.

Nhưng đến ngày hôm sau, vài tiểu tư khiêng về một người bằng tấm ván gỗ, người ấy nằm úp, phần dưới che bằng tấm vải trắng, tóc tai rối bời, không nhìn rõ mặt.

Phải sau một lúc lâu, ta mới nghe người ta nói, người được khiêng về ban ngày đó chính là đại công tử Vi Chiêu của nhà họ Vi.

Hắn bị bãi chức và bị đánh bốn mươi gậy đình trượng ngay trước mặt mọi người.

Về phần lão gia nhà họ Vi, ông ấy đã cầu xin cho đại công tử trong triều nhưng lại bị lưu đày đến Ba Lăng.

Phu nhân nghe tin liền ngất xỉu, phải uống ba bát canh sâm mới tỉnh.

Cả Vi phủ hỗn loạn, nhị công tử còn đang học ở một thư viện nổi tiếng xa xôi, nên trong chốc lát, Vi gia không còn ai có thể quản lý gia tộc.

Trong lúc hỗn loạn, ta len lén hỏi Chu bà bà - người dạy ta quy củ, rằng đình trượng là gì.

Chu bà bà nói, đình trượng là bị cởi quần rồi đánh vào m.ô.n.g bằng gậy trước mặt mọi người.

Ta kinh ngạc đến sững sờ.

Hồi nhỏ, ta nghịch ngợm, mẹ ta giận quá cũng từng dùng dép cỏ đánh vào m.ô.n.g ta, từ đó ta biết phải nghe lời.

Nhưng đó chỉ là chuyện lúc nhỏ.

Giờ đại công tử đã lớn, sao lại có thể bị đánh m.ô.n.g trước mặt thiên hạ—hơn nữa là phải cởi quần—thật là mất mặt đến chết—hắn làm sao chịu đựng nổi chứ?

Dù mới đến Vi gia, nhưng ta đã nghe không ít về đại công tử Vi Chiêu.

Lão gia nhà họ Vi chức quan không lớn, chỉ là một quan lục phẩm. Nhưng sự thịnh vượng của Vi gia lại dựa vào đại công tử Vi Chiêu.

Đại công tử là một tài năng học vấn hiếm có.

Hắn bắt đầu học lúc ba tuổi, đọc qua là nhớ, đến năm mười chín tuổi đã đỗ đầu Tam nguyên, danh tiếng vang dội khắp thiên hạ.

Từ khi triều đại này thành lập đến nay, chưa từng có ai thi đỗ Tam nguyên, huống hồ lại còn trẻ tuổi như vậy, nên bệ hạ đã phá lệ, thăng chức cho Vi Chiêu, chỉ định hắn phò trợ Thái tử.

Hiện nay, Vi Chiêu hai mươi hai tuổi, đã trở thành cánh tay phải không thể thiếu bên cạnh Thái tử.

Chờ đến ngày Thái tử đăng cơ, với tài năng của Vi Chiêu, việc phong vương bái tướng chỉ là chuyện sớm muộn, chẳng phải đó là sự vinh quang tột đỉnh hay sao?

Nhưng hiện giờ, trời nhà họ Vi đã sụp đổ.

Lòng người hoang mang, trong Vi phủ im lặng đến lạ thường, đến bữa cơm tối, cả tòa phủ đệ rộng lớn nhưng không một ai dám lên tiếng.

Ta bị bầu không khí nặng nề, như thể điềm báo trước cơn bão táp này, làm cho khiếp sợ, chiếc bánh bao trắng trong miệng cũng chẳng còn ngon, ta chỉ dám rụt rè ăn vài miếng rồi đặt xuống.

Đại công tử bị người ta khiêng về trên một tấm ván gỗ, phần dưới che bằng một tấm vải trắng, nhưng che cũng chẳng ích gì, m.á.u chảy nhiều đến nỗi tấm vải trắng đã dính chặt vào người hắn.

Đêm đó, nhà họ Vi gần như đã mời hết các đại phu nổi danh trong kinh thành đến, thuốc men liên tục được mang vào, cảnh tượng vô cùng hối hả, cả sân viện đều tràn ngập mùi đắng của thảo dược.

Nghe nói, mọi người đang cố hết sức giữ lại sức khỏe cho đại công tử, mong sao không để lại tàn tật.

Nhìn thấy khắp nơi trong phủ người người đều lo lắng, bọn hạ nhân âm thầm bàn tán, rằng đại công tử đã chọc giận Thánh Thượng, đến cả Thái tử cũng không cứu nổi, chẳng ai biết rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra trên Kim Loan điện.

Có người nói Vi gia sẽ bị tịch thu gia sản, có người nói gia tộc sẽ bị diệt vong, thậm chí còn có kẻ bảo rằng sẽ bị tru di cửu tộc.

Nghe đến mà hồn vía bay lên mây.

2.

Ta vừa mới đến Vi gia, còn chưa hiểu rõ tình hình. Đêm xuống không dám chợp mắt, trong không khí vẫn phảng phất mùi thuốc, ta hoang mang suy nghĩ — đang yên lành, sao lại có thể đến mức tru di cửu tộc như vậy?

Chu bà bà nằm bên cạnh ta, thấy ta không ngủ được, liền thở dài, lấy từ trong n.g.ự.c ra một chiếc bánh bao đưa cho ta.

"Nha đầu ngốc này, cầm lấy đi, sau này chưa chắc còn mà ăn đâu."

Tình cảnh của Vi gia như thế, sau này quả thật chưa chắc đã còn cái mà ăn.

Ta nhận lấy bánh bao, vuốt ve một cách trân trọng, nhưng không nỡ ăn, mà đặt ngược lại dưới gối.

Cứ thế ta cầm cự cho đến sáng. Quản gia thay mặt phu nhân triệu tập toàn bộ hạ nhân trong phủ.

Quản gia chủ yếu nói một việc: Vi gia sẽ giải tán một số hạ nhân.

Ai muốn đi, có nơi nào tốt hơn, Vi gia sẽ trả lại khế ước bán thân và mỗi người sẽ được thưởng thêm mười lượng bạc.

Cũng phải thôi, Vi gia giờ không như trước nữa, đại công tử cần chữa bệnh, nhị công tử phải tiếp tục đi học, phu nhân cần dưỡng sức, lão gia thì phải lên đường nhậm chức ở Ba Lăng, dọc đường còn phải chi phí, mua xe ngựa, thuê tiểu đồng đi theo, chỗ nào cũng cần đến tiền.

Quả thật Vi gia không thể nuôi thêm nhiều hạ nhân nữa.

Vi gia có khó khăn của Vi gia.

Nhưng ta cũng có nỗi khổ của ta.

Năm đó ta mười ba tuổi, theo người buôn nô đến Kinh thành. Ra khỏi cổng Vi gia, ta không quen biết ai.

Đất trời rộng lớn, Vi gia sụp đổ, nhưng ngoài Vi gia, dường như ta chẳng có nơi nào khác để đi nữa.

Chẳng lẽ ta lại cầm khế ước bán thân trước, rồi sau đó tìm một người buôn nô khác để bán mình lần nữa ư?

Thế nên ta đã ở lại.

Chu bà bà thì rời đi, những năm qua bà đã tích góp được ít tiền dưỡng già, nghe nói bên ngoài bà còn có thân nhân để nương tựa. Nay chủ nhà chịu trả lại khế ước bán thân, bà chẳng còn lý do gì để ở lại nữa.

Trước khi đi, bà để lại cho ta một cái giỏ khâu vá mà bà thường dùng.

Gia đình Vi gia lớn mạnh, nhưng chỉ trong một đêm đã tan tác.

Cuối cùng chỉ còn lại năm, sáu người. Ta là người nhỏ tuổi nhất. Ngoài ta và quản gia, còn có một người tên Châu Nhi là người trong viện của phu nhân, một người tên Kiếm Như là cận vệ của đại công tử, một người tên Thôi Cửu, trước đây chuyên coi ngựa trong chuồng, và một người tên Lưu Tam Vạn, là lão nhân trong phủ, không con không cái, từ lâu đã coi nơi này là nhà.

Cuối cùng Lão gia đã quyết định để Lưu thúc đi cùng ông đến Ba Lăng.

Đường xá xa xôi, bên cạnh ông cần phải có một người thân tín để chăm sóc.

Còn ở Vi gia, Châu Nhi tỷ tỷ là người trong viện của phu nhân, dĩ nhiên không thể điều động: nay đại công tử bị thương, bên cạnh cần có người phục vụ, nên để nam nhân hầu hạ sẽ tiện hơn. Quản gia thì vẫn tiếp tục quản lý phủ đệ và sổ sách.

Chỉ còn lại ta và Thôi Cửu.

Hắn chia việc quét dọn sân cho ta.

Còn ta, vốn trước đây giúp Chu bà bà nhóm lửa và nhặt rau. Nay Chu bà bà đi rồi, không còn ai phụ trách nhà bếp của Vi gia.

Ánh mắt của quản gia dừng lại trên người ta, trong mắt lộ vẻ lưỡng lự.

Ta hiểu ý của ông, ta trông quá nhỏ bé, việc nấu nướng cho cả đại gia đình như thế này, dù nhìn thế nào cũng không giống người có thể làm nổi. Huống hồ, ta vừa mới tới, tính cách và phẩm chất của ta ông cũng chưa rõ.

Nhưng nếu Vi gia không muốn ta, ta biết đi đâu để tìm việc làm?

Ta cắn chặt môi, nói với quản gia: "Trước đây ở nhà, nô tỳ cũng thường xuyên nấu cơm. Nếu không ngại, chi bằng cứ để ta thử, nếu thấy không được, rồi hẵng đổi người."

Huống hồ, việc ta ở lại đây, cũng đã chứng tỏ lòng trung thành với Vi gia rồi.

Giờ mà vội vã ra ngoài tìm mua nha đầu khác, với tình cảnh của Vi gia hiện tại, e rằng trong thời gian ngắn cũng khó mà tìm được người tốt.

Quản gia ngẫm nghĩ một lúc, rồi đồng ý.

Thế là, năm mười ba tuổi, ta vô tình trở thành nha đầu nhóm lửa, nấu ăn cho Vi gia ở Thượng Kinh.

Cũng phải cảm ơn vì Vi gia đã suy sụp.

Nếu không, những nguyên liệu quý hiếm như thế này, đừng nói đến việc nấu nướng, ngay cả thấy qua, ta cũng chưa từng thấy.

Ta phụ trách nấu ba bữa mỗi ngày, bữa sáng thì dễ hơn một chút, chỉ cần làm chút bánh bao và cháo loãng là được.

Phiền phức là hai bữa còn lại.

Phu nhân sức khỏe yếu, đã ăn chay nhiều năm, bà không ăn đồ mặn. Nay bà bệnh nặng, mỗi ngày phải dùng một bát yến sào, món này ta không biết nấu, may mà Châu Nhi tỷ tỷ đích thân làm. Còn đại công tử, bị thương nặng, đang cần bồi bổ. Không cần quản gia dặn dò, ta cũng biết phải hầm gà và sườn cho hắn.

Nấu cơm cho chủ nhân xong, còn phải lo cơm cho hạ nhân, món ăn cũng phải có sự khác biệt

3.

Mỗi ngày ta đều dậy rất sớm, trước tiên hầm canh cho đại công tử, sau đó bắt đầu nấu cháo, chuẩn bị cơm cho cả nhà, không lúc nào rảnh rỗi, lúc thì rửa bát, lúc lại nhặt rau, bận rộn đến mức chân không chạm đất.

Không biết có phải do phu nhân và đại công tử sức khỏe không tốt nên ăn uống không ngon miệng hay không, nhưng mấy ngày ta nấu ăn cũng không ai nói là dở. Chủ nhân không lên tiếng, quản gia dĩ nhiên cũng không nói gì. Qua ba đến năm ngày, thấy quản gia Ngô thúc không tìm ta, cũng không có ý định ra ngoài mua thêm nha đầu, ta mới dần dần an tâm.

Thôi Cửu là người tốt, nếu có rảnh, hắn sẽ giúp ta bổ củi và gánh nước.

Giờ hắn phụ trách quét dọn sân vườn, đi khắp nơi, không như ta chỉ quanh quẩn trong gian bếp nhỏ.

Hắn đã ở Vi gia được hai năm, biết nhiều chuyện hơn ta rất nhiều.

Hắn kể với ta rằng, lúc Vi gia còn vinh quang, quả thật không thể nào tả hết, mỗi ngày đều có những nhân vật đeo vàng đội bạc ra vào. Nhiều người cầu mong được gặp đại công tử, có khi chỉ cần dẫn họ đi một đoạn đường, cũng được thưởng một nắm hạt vàng.

Các chủ nhân của Vi gia đều là người tốt, chưa bao giờ đánh mắng hạ nhân, tiền công hàng tháng cũng rất hậu hĩnh. Bất cứ ai ở Vi gia làm việc vài năm, nếu biết lo toan, cũng có thể dành dụm được ít nhiều như Chu bà bà, rồi về quê nương tựa người thân hoặc mở một cửa hàng, đều tốt hơn là làm kẻ hầu người hạ.

Nghe đến đây, ta liền hỏi Thôi Cửu: "Vậy sao ngươi không rời đi?"

Thôi Cửu lúng túng, trả lời mập mờ: "Lão gia có ân với ta, đương nhiên không thể không báo đáp."

Cụ thể là ân huệ gì, Thôi Cửu không nói.

Hắn lảng sang chuyện khác, tiếp tục kể về những ngày tháng vinh quang của Vi gia.

Nói đến vinh quang của Vi gia, không thể không nhắc đến đại công tử. Đại công tử Vi Chiêu, tài mạo song toàn, tiền đồ vô hạn.

Trước đây, hắn đã có một hôn ước với đích nữ của Vĩnh Xương Bá phủ.

Đó là một đối tượng đính hôn có xuất thân gia thế và dung mạo đều hoàn hảo, không có gì để chê trách.

Nhưng bây giờ, đại công tử gặp nạn, tiền đồ tan vỡ, thương tích đầy mình, chưa thể xuống đất đi lại, ai cũng không biết liệu đôi chân của hắn có còn lành lặn hay không. Với rủi ro tàn tật đang gánh trên vai, tình thế đã khác trước rất nhiều.

Thôi Cửu nhìn xung quanh, hạ giọng nói: "Ta nghĩ mối hôn sự này e là khó mà thành. Vĩnh Xương Bá có lẽ không muốn gả đích nữ qua nữa."

Nghe chuyện về đại công tử, ta không khỏi lo lắng, cũng hạ giọng, như kẻ trộm hỏi: "Chẳng lẽ lại có thể từ hôn sao?"

Nếu từ hôn, quả thực là không cần gả cho đại công tử nữa.

Nhưng nghĩ lại, thanh danh của Vĩnh Xương Bá phủ sẽ bị tổn hại thế nào đây? Đích nữ của họ, cành vàng lá ngọc, nếu bị từ hôn, sau này cũng khó mà tránh khỏi lời gièm pha của thiên hạ.

Thôi Cửu có vẻ rất hiểu về các thủ đoạn của những gia tộc thế gia này, chỉ nghe hắn bí mật nói: "Chỉ khi không còn cách nào khác mới từ hôn thôi, người đời đàm tiếu đáng sợ lắm. Ngươi nghĩ xem, tuy đích nữ chỉ có một, hai người, nhưng Vĩnh Xương Bá phủ còn có bao nhiêu là thứ nữ, đổi một người gả cho đại công tử cũng không sao."

Ta hít sâu một hơi: "Thay tân nương sao?"

Thôi Cửu không nói gì, chỉ giơ ngón tay ra hiệu im lặng, thận trọng bảo ta đừng nói nữa.

Ta cũng không dám hỏi thêm.

Trong lòng chỉ thầm nghĩ, ai nấy đều nói đại công tử tài cao bát đẩu, danh tiếng vang dội từ khi còn trẻ. Nay gặp hoạn nạn, nếu Vĩnh Xương Bá phủ thực sự gả một thứ nữ sang, e rằng với đại công tử, đó còn là sự sỉ nhục lớn hơn cả việc từ hôn.

Có lẽ ban ngày ta và Thôi Cửu đã bàn luận quá nhiều về chuyện hôn nhân nam nữ, đêm đó, trong cơn mơ màng, ta mơ thấy Thu Sinh ca.

Cách Kinh Thành tám mươi dặm, có một trấn nhỏ tên là Thanh Thạch.

Trong trấn Thanh Thạch, có một thôn nhỏ tên là Bạch Vân.

Nhà ta ở trong thôn Bạch Vân ấy, là một gia đình nhỏ bé.

Cha ta làm ruộng, còn mẹ ta ở đầu làng mở một quán nhỏ bán mì.

Từ khi biết chuyện, ta đã phụ giúp mẹ ở quán.

Thuở đầu, cuộc sống cũng tạm ổn, cho đến khi mẹ ta qua đời.

Cha ta nhanh chóng tái hôn, mẹ kế lại sinh hai đệ đệ và một muội muội. Cha ta một mình với hai mẫu ruộng khô, phải nuôi mấy miệng ăn, từ đó ông chẳng còn quan tâm đến ta nữa.

Ban đầu họ dự định gả ta đi sớm, nếu có thể làm thiếp của Vương viên ngoại trong làng thì càng tốt.

4.

Vương viên ngoại tuổi đã cao, thích nhất là những cô gái trẻ, trong phủ của ông ta có một đám tiểu thiếp, toàn độ tuổi mười ba mười bốn.

Cha và mẹ kế dự định đợi đến khi ta có nguyệt sự, rồi tìm cách để ta xuất hiện trước mặt Vương viên ngoại, nếu ông ta vừa ý thì tốt, không thì tính sau.

Về phần ta, ta không thích lão Vương viên ngoại chút nào.

Ông ta còn lớn tuổi hơn cả cha ta.

Nếu phải gả, ta muốn gả cho Thu Sinh ca - người đã lớn lên cùng ta.

Mẹ của Thu Sinh ca bán nước trà lạnh, quán của bà ở cạnh quán mì của mẹ ta. Cha Thu Sinh mất sớm, một mình mẹ huynh ấy nuôi nấng huynh ấy khôn lớn. Thu Sinh ca bị bệnh hen, không giống những đứa đệ đệ nghịch ngợm của ta, cũng không giống những nam nhân đồng trang lứa thô lỗ, huynh ấy là một người rất trầm lặng.

Mẹ kế của ta luôn xem thường huynh ấy, sau lưng chê huynh ấy nhút nhát.

Bề ngoài, ta không dám phản đối mẹ kế, nhưng trong lòng ta luôn nghĩ, trên đời này có người dũng cảm, thì cũng phải có kẻ nhút nhát. Nhút nhát thì có làm sao? Huynh ấy ngồi yên tĩnh một chỗ, gọi ăn cơm thì ăn, gọi uống nước thì uống. Sau này, huynh ấy chắc chắn sẽ không như những nam nhân trong làng, say rượu rồi đánh vợ. Gả cho huynh ấy, ta sẽ an tâm lắm.

Thu Sinh ca không bán trà lạnh, huynh ấy học nghề mộc từ những người già trong làng, dự tính sẽ làm thợ mộc. Ta đã thấy bàn ghế huynh ấy làm, phẳng phiu mịn màng, không một chút gợn sần.

Thời ấy, khi ta mơ, người xuất hiện trong giấc mơ của ta cũng là Thu Sinh ca.

Ta mơ thấy huynh ấy trở thành thợ mộc nổi tiếng nhất trong vòng trăm dặm, mang theo hai con ngỗng lớn, đường hoàng đến nhà ta xin cưới.

Trong mơ, ta cầu mong cha và mẹ kế vì huynh ấy đã thành danh mà gả ta cho huynh ấy, chứ đừng bắt ta làm thiếp cho Vương viên ngoại.

Sau này nghĩ lại, khi đó ta quả thật đã nghĩ quá nhiều.

Dù là Vương viên ngoại hay Thu Sinh ca, đều là những con đường tốt, ta nào có quyền lựa chọn.

Những gì ta gặp phải là con đường thứ ba, một con đường không người phụ nữ nào trên đời muốn gặp.

Đệ đệ út của ta ăn phải đồ hỏng, mắc bệnh kiết lỵ.

Bệnh đến rất dữ dội, chỉ mấy ngày đệ ấy đã gầy rộc đi.

Đúng lúc ấy, cha ta đi mời lang y vào ban đêm, đường núi trơn trượt, cha ta ngã gãy chân.

Trong nhà này, đệ ấy nhất định phải cứu, nhưng không có cha thì cũng không được.

Cứu mạng thì cần tiền gấp.

Mà tiền từ đâu ra?

Ngày ta khóc lóc theo người buôn nô đi, ta gặp Thu Sinh ca đang ngồi trước cửa nhà, đang gọt một khúc tre.

Huynh ấy ngẩng đầu lên, liếc nhìn ta một cái, rồi vội vàng quay mặt đi.

Đó là lần cuối cùng ta nhìn thấy huynh ấy.

Đêm nay trong mộng, ta lại mơ thấy huynh ấy, lâu lắm rồi mới thấy lại.

Huynh ấy vẫn đang gọt tre, không dám nhìn ta một lần.

Biển người mênh mông, một lần chia tay, không biết bao giờ gặp lại. Lần cuối cùng ấy, huynh ấy chẳng dám nhìn ta.

Nhìn ta một lần thì sao chứ? Ta không cầu huynh ấy bỏ hết gia sản để mua ta, ta chỉ muốn nói lời từ biệt đàng hoàng mà thôi.

Mẹ kế nói đúng, huynh ấy quá nhút nhát.

Nhút nhát đến cực độ.

Tỉnh mộng, ta sờ vào dưới gối, lôi ra chiếc bánh bao cứng còng mà ta không nỡ ăn.

Đây là Vi gia tại Thượng Kinh.

Ta đã ký khế ước bán thân, là người hầu của Vi gia.

Ta nghĩ, đời này, Thu Sinh ca ở thôn Bạch Vân có lẽ không có duyên phận với ta.

Sau hơn mười ngày, nhị công tử trở về.

Hôm đó, sau khi nhặt rau xong, ta có chút thời gian rảnh, đang giặt quần áo ở sân sau thì đột nhiên nghe tiếng ngựa hí ở sân trước, sau đó là một loạt tiếng động vang lên.

Từ khi Vi gia gặp chuyện, trong phủ rộng lớn này lúc nào cũng im lìm c.h.ế.t chóc. Giờ đột nhiên nghe tiếng động ồn ào, lòng ta giật thót, thầm nghĩ có phải quan phủ đến tịch biên tài sản hay không.

Ta lấy hết can đảm ra ngoài xem, suýt nữa đụng phải một bức tường người.

Người đó cũng chẳng để ý đến ta, ba bước thành hai, chạy thẳng về viện của phu nhân. Ta chỉ kịp thoáng thấy vạt áo phong trần của hắn.

Theo sau hắn là quản gia Ngô thúc đang chạy gấp.

Ngô thúc thở hổn hển, khi đi ngang qua ta thì dừng lại một chút, nói: "Mau đun nước nóng cho nhị công tử."

Ánh mắt của Ngô thúc lấp lánh, lâu lắm rồi mới thấy tia sáng trong đôi mắt ấy. Ta vô thức đáp lời, rồi nghiền ngẫm lại câu nói của ông — ủa? Nhị công tử?

Lúc đó, từ viện của phu nhân vọng ra một tiếng nức nở: "Mẫu thân — nhi tử đã về muộn rồi —"

Ta không biết vì sao lòng ta bỗng nhiên rung động, rồi cảm giác chua xót trào lên. Nhị công tử đã về, người của Vi gia cuối cùng cũng đoàn tụ.

Nhị công tử vội vã trở về, đương nhiên là cần tắm rửa sạch sẽ. Ta đun nước nóng, lại tự giác thêm đồ ăn.

Ta nghĩ, chắc phu nhân không muốn để nhị công tử biết hiện giờ Vi gia ăn uống đạm bạc như thế nào.

Nhị công tử trở về, trong phủ cuối cùng cũng thêm chút sinh khí. Có lẽ vì quản gia Ngô thúc đã nhìn nhị công tử lớn lên, mấy ngày nay khi giao việc cho chúng ta, thỉnh thoảng ông còn nở nụ cười.

5.

Việc đầu tiên nhị công tử làm sau khi trở về là mời đại phu nổi tiếng nhất Thượng Kinh đến, xem mạch cho phu nhân và đại công tử, rồi đích thân đi mua nhân sâm về hầm canh.

Nhị công tử trở về, tất nhiên cần người hầu hạ, Thôi Cửu được điều đến viện của hắn. Còn việc quét dọn, Ngô thúc nói, mỗi viện tự dọn dẹp, còn tiền sảnh và hành lang thì giao cho ta.

Đây là lần đầu tiên ta có cơ hội rời khỏi căn bếp nhỏ, để đi xem những nơi khác.

Phủ đệ nhà họ Vi được xây dựng rất đẹp, tao nhã và thâm trầm. Nghe nói, năm xưa Thái tử quý mến đại công tử, đã đặc biệt mời người nổi tiếng đến tu sửa nơi này.

Nhưng ta cũng chỉ có thể nhìn qua loa mà thôi.

Việc của ta vốn đã nhiều, nay lại thêm việc quét dọn, gần như không có lúc nào rảnh rỗi. Hành lang vắng vẻ, chỉ cần quét lá rụng, may mắn là lúc này chưa đến mùa thu, ta chỉ cần quét sáng và chiều là đủ.

***

Một đêm nọ, sau khi dọn dẹp bếp xong, ta đặt bát đũa lên giá cho ráo nước, như thường lệ cầm chổi ra quét tiền sảnh. Khi bước đến hành lang, ta bỗng nghe thấy từ xa vọng lại một tiếng sáo, trôi theo ánh trăng, mang theo cảm giác lạnh lẽo, cô tịch không thể tả.

Nhìn về phía bắc từ hành lang là viện của phu nhân, nếu có gió thổi qua, có thể thấy cành hoa khẽ đung đưa. Nhìn về phía nam là viện của đại công tử, ẩn hiện sau rặng trúc xanh. Xa hơn về phía nam là nơi nhị công tử ở, nhưng chỉ có thể thấy một góc gạch xanh mà thôi.

Tiếng sáo phát ra từ phía nam, không biết là đại công tử hay nhị công tử đang thổi. Ta nghe đến say mê, vô thức ôm chổi dựa vào hành lang, đến nỗi không nhớ mình đã về phòng như thế nào, chỉ nhớ trong mộng còn văng vẳng giai điệu nào đó không rõ tên.

Sau đó, mỗi lần ta ra quét sân, tiếng sáo ấy chẳng còn vang lên nữa, như thể ngọn đèn lay động trong gió đêm đó chỉ là một giấc mơ thoáng qua.

Năm ngày sau khi nhị công tử trở về, phu nhân đến tìm ta.

Bà đứng trước bếp, nấu một bát chè đậu xanh giải nhiệt. Bà còn giã nhỏ hoa quế khô từ năm trước, có vẻ như định làm bánh hoa quế.

Đây là lần đầu tiên phu nhân bước vào bếp, mà không mang theo Châu Nhi tỷ tỷ.

Bà không nói gì, ta cũng không dám bắt chuyện, chỉ dám lặng lẽ rút vài khúc củi cháy quá mạnh, điều chỉnh lửa cho dịu đi. Khi ta ngẩng đầu lên, thấy phu nhân đã rơi lệ.

Nước mắt chảy lặng lẽ trên khuôn mặt bà, nhưng thân thể bà không chút lay động, toàn thân căng cứng, ta không biết lòng bà đau đớn đến mức nào.

Ngày đầu tiên ta đến Vi gia, ta đã được đưa đến viện của phu nhân để diện kiến. Khi đó, bà mang vẻ trang nghiêm, hiền thục. Vậy mà chỉ sau mười mấy ngày, tóc bà đã điểm bạc, cả người gầy đi trông thấy.

Ta biết, phu nhân đến đây là để nấu món gì đó cho nhị công tử ăn.

Thôi Cửu nói với ta rằng phu nhân đã đuổi nhị công tử trở lại thư viện để học tiếp, ngày mai là ngày đi.

Với tình cảnh của Vi gia hiện tại, nhị công tử trở về cũng không giúp được gì. Nếu Vi gia muốn vực dậy, nhất định phải có người tiến thân trong triều đình, nhị công tử vẫn phải đi con đường làm quan.

Chè đậu xanh và bánh hoa quế, hẳn là những món nhị công tử thích ăn khi còn nhỏ.

Ta lấy ra chiếc khăn tay từ trong n.g.ự.c áo, gấp gọn rồi đặt vào nơi tay phu nhân có thể dễ dàng với tới, sau đó quay người, nhẹ nhàng đóng cửa, tựa vào tường, ngồi co gối lại.

Nhìn phu nhân như vậy, ta chợt nhớ đến mẹ mình.

Trước đây, khi mẹ còn sống, mẹ cũng thường nấu cho ta bát mì sợi.

Về sau, khi mẹ yếu đi, mẹ đã dạy ta cách nấu ăn, để ta có thể tự kiếm sống dưới tay mẹ kế. Giờ ta lại dựa vào tay nghề này để sinh tồn ở Vi gia.

Dù Vi gia có suy sụp, ít nhất họ vẫn có một mái nhà.

Còn ta, thì không còn nhà nữa.

Phu nhân ở bên trong khóc, còn ta ngồi ngẩn ngơ bên ngoài.

Ánh chiều tà nhuốm đỏ như máu, khi thời gian trôi qua hết một tuần trà, ta đứng dậy, phủi sạch bụi trên áo, ghé tai nghe ngóng động tĩnh bên trong rồi đẩy cửa bước vào.

Phu nhân đã chỉnh đốn xong xuôi, đang sắp xếp lại bát đũa, chỉ là khóe mắt còn vương chút đỏ. Ta tiến tới, hỏi có việc gì cần giúp đỡ không.

Phu nhân bảo ta lấy cho bà một bát nước.

Sau đó, phu nhân hỏi ta tại sao khi đó lại quyết định ở lại.

Trong phủ, những người ở lại cuối cùng, chỉ có mình ta là bà không quen biết.

Ta thật thà đáp, ngoài Vi gia, ta không có nơi nào khác để đi.

Phu nhân thở dài, nói: "Vi gia bây giờ, cũng chẳng phải nơi tốt đẹp gì."

Trước đây Thôi Cửu cũng từng nói như vậy.

Nhưng với ta, ở đâu chẳng phải làm việc? Ở Vi gia, khi trời mưa vẫn có mái che, khi đói bụng vẫn có cái ăn, mỗi tháng còn có tiền bạc, còn gì tốt hơn thế?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #cổtrang