Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tuyen chon truyen rat ngan

Đi thi

Tác giả: Ngô Thị Thu Vân

Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: "Nhờ Ba mày mát tay". Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út - cấp II, cấp III, tú tài, đại học - Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.

... Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi "Hội thi sức khỏe người cao tuổi". Má nhìn Ba ái ngại: "Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả".

Buổi tối, má hỏi: "Ông thi sao rồi?". Ba cười xòa bảo: "Rớt!".

*************

Đành thôi

Tác giả: Ngô Thị Thu Vân

Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.

Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ...

*************

Xa xứ

Tác giả: Bùi Phương Mai

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.

Thư đầu viết: "ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..."

Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..."

Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..."

************

Tuổi thơ

Tác giả: Ngọc Chi

Thằng Nhân vừa về đến nhà, chưa kịp rửa mặt mũi tay chân liền sà vào lòng bà nội.

- Con đi thăm chị có vui không? Bà hỏi.

Thằng bé mặt buồn xo, phụng phịu:

- Chị Hiếu nói thương con, nhớ con. Vậy mà xin một cái áo mới để "tụ" trường mặc đi học chỉ cũng hổng cho. Nhà chỉ ở treo áo nhiều ơi là nhiều, đủ màu xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp...

Bà ái ngại nhìn cháu mà nước mắt ứa ra. Tội nghiệp con bé Hiếu của bà... Mười mấy tuổi đầu đã phải đi làm thuê cho người ta, mấy tháng rồi không dám về thăm nhà vì sợ hụt tiền đóng học phí cho em.

***********

Tiền cứu trợ

Tác giả: Kim Ngân

Lũ. Ba nhắn lên " ... Nhà ngập, con đừng về! "

Mỗi tối, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây.

Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng.

Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: " Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó! "

Thịt gà

Tác giả: Nguyễn Tuấn

Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đứng ăn trước cửa. Tý khoe:

- Nhà Tý ăn thịt gà.

Đêm đó, bà Tám chửi:

- Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc.

Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui.

Trời đổ mưa.

Thằng Tý la lớn:

- Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi.

Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo.

*************

Tại mẹ

tác giả: Nguyễn Minh Chi

Chị chuẩn bị lấy chồng, mẹ bảo:

- Lấy chồng rồi mau sinh con, đứa trẻ sẽ là cầu nối hạnh phúc hai vợ chồng.

Nghe lời mẹ, chị thuyết phục anh có con sớm. Chẳng may đứa bé không được khỏe, hai vợ chồng phải vất vả. Anh cứ cằn nhằn.

Mẹ lên thăm, chị trách:

- Tại mẹ...

Mẹ run run:

- Mẹ mong có cháu để bồng..

************

Tình yêu

tác giả: Lưu Quang

Vợ tôi ra chợ xách về cho thằng con trai một đôi vẹt Trung Quốc. Tôi không thích đôi vẹt đó. Không thích màu lông sặc sỡ của chúng - một con vàng rực, một con xanh biếc, không thích cái vẻ bắng nhắng, tán tỉnh nhau rất lộ liễu, không thích cả tiếng hót lảnh lót đầy xu nịnh mỗi khi có người đi ngang. Lông đuôi của cả hai con đều rất dài, về mấy hôm tự dưng rụng hết. Tôi đồ rằng đó là do lão bán chim cắm vào. Đúng đồ chim rởm! Được cái từ ngày có đôi vẹt, con trai tôi tự giác dậy rất sớm. Lấy kê cho chim ăn, thay cốc nước, làm vệ sinh chuồng ... Đi học về là nó sà đến chúm mồm líu chíu nói chuyện với chim. Thấy con trai yêu đôi chim như vậy, dần dần tôi cũng bớt ghét chúng.

Nhưng một buổi chiều đang ở cơ quan bỗng thấy tiếng con tôi thảng thốt trong điện thoại: "Bố về ngay! Con vẹt vàng bị ốm rồi..." Khi về tới nhà, đón tôi là đôi mắt ướt đẫm của thằng con trai hàng ngày vốn gan cóc tía. Con vẹt vàng đã chết, nằm rũ rượi một góc chuồng. Nhưng cái làm tôi không ngờ nhất lại là "thái độ" của con vẹt xanh sau đó. Nó thực sự hoảng loạn, bỏ kê, chê nước, cứ kêu thảm thiết, cuống quýt chạy đi chạy lại tìm bạn, đập cả đầu vào nan chuồng... Rồi ngày hôm sau, vẹt xanh cũng lăn ra chết.

Giữ lời hứa với con trai, tôi đem xác đôi chim lên chôn trên quả đồi cao nhất trong vườn Bách Thảo. Tôi cứ nghĩ ngợi lan man về đôi mắt đẫm nước của con trai tôi, về sự chung tình của đôi vẹt, về cái mà ta gọi là tình yêu trên cõi đời này...

***********

Tình già

Tác giả: Nguyễn Thái Sơn

Đêm tối đen. Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mình đã mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây sào rồi đẩy đưa bâng quơ trên vòm lá. Con chim cú vỗ cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà...

Ông trách: "Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?". Hạt bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: "Lỡ ông bỏ tôi lại thì sao?".

***********

Tài sản

tác giả: Tinh Hoa

Anh chị thành đạt nơi xứ người, mới đem một phần tài sản thành lập một công ty nhỏ giúp đỡ công ăn việc làm cho đồng bào gặp cảnh khó khăn.

Công ty không sinh nhiều lợi nhuận nhưng ấm áp tình người, tiếng lành đồn xa trong cộng đồng người Việt. Thêm nhiều người hảo tâm góp vốn góp sức vào.

Công ty ngày càng phát triển, và rồi bị chiếm đoạt. Bởi thương trường như chiến trường, quy luật kinh tế đã ghi nhận vậy.

Mất mát tài sản, mất mát niềm tin, chị rất buồn. Nhưng anh vẫn bình thản an ủi vợ:

- Tài sản thật sự của một người là cái lợi ích mà người ấy đã làm được trong đời này.

Hiểu được chồng, chị vui vẻ như chưa hề mất mát.

**********

Sinh nhật

tác giả: Lê Nguyễn Thục Quyên

Chồng mất. Vốn kiến thức đã mai một không kiếm đủ việc làm. Chị xin vào làm công cho một cửa hàng bánh ngọt trong thành phố. Khách ra vào tấp nập, người chọn kiểu này, kẻ chỉ kiểu kia. Mệt, đói, nhưng chị vẫn phải tươi cười.

Khuya, chị trở về nhà. Bếp núc lạnh tanh. Đứa nhỏ hâm hấp nóng...Thằng anh nghèn nghẹn: "Buổi chiều con đưa em đi công viên, hôm nay sinh nhật em".

Chị ôm con vào lòng, rơi nước mắt. Từ ngày anh mất, gia đình chưa có một bữa cơm chung.

Quà sinh nhật

tác giả: Võ Hồng Dũng

Hôm đó, có việc không vui ở cơ quan, tôi bực dọc ra về. Thằng Tí hớn hở chạy ra :

- Ba cho con xin mười nghìn.

- Không có! Tôi quát, nó thút thít chạy vào nhà.

Bữa cơm tối chẳng ngon chút nào. Tôi đi ngủ sớm nhưng vẫn trằn trọc mãi với chuyện bực dọc ở cơ quan. Cu Tí lặng lẽ đến bên :

- Con mừng sinh nhật ba, - nó ngập ngừng - con không có tiền - nó đưa gói quà - một cái thiệp giấy vẽ lem luốc với hàng chữ nắn nót "Happy Birthday"

***********

Như một phép màu

Tác giả: Bùi Phương Mai

Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy người đàn ông góa vợ. Cô tôi coi Lộc, con riêng của chồng như cái gai trong mắt.

Sáu tuổi, Lộc làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ.

Lộc mười lăm tuổi, bố chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô tôi đuổi khéo:

- Có muốn về với bà ngoại mày không?

Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:

- Con đi rồi, mẹ ở với ai?

Sau câu nói, dường như tính khắc nghiệt của bà mẹ ghẻ cũng được chôn vào nấm mộ, cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm, rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con yêu thương như một phép màu.

***********

Những tờ báo của tôi

Tác giả: Bình An

Mẹ tôi già, nguồn giải trí duy nhất là đọc báo. Mẹ thích đọc những bài báo của tôi. Có bài, tôi mua một tờ để đọc, tờ báo biếu để lưu. Tờ lưu tôi cất kỹ cho mới. Mẹ qua nhà tôi, lấy báo về đọc: " Mẹ đọc hết, không sót mục nào ". Bài viết của tôi, khi mẹ khen, khi mẹ chê. Thỉnh thoảng, cần lục tìm lại những bài báo, không thấy tôi cằn nhằn: " Đọc xong mà mẹ không đem qua cho con ".

Bị tiểu đường, mắt mẹ mờ. Đi khám. Có hai hạt cườm đang che lấp dần con ngươi. Chua mổ được, vì phải trị hết tiểu đường. Mắt mẹ mờ dần. Những tờ báo của tôi bây giờ nằm im gọn gàng trên kệ, hàng ngày từng lớp bụi áo lên. Chẳng có ai qua lấy báo về đọc, để tôi có dịp cằn nhằn mỗi khi tìm không thấy nữa.

**********

Người tốt, người xấu

Tác giả: Dương Thị Hồng

Trong lần đi công tác lên Đà Lạt, chiếc xe hơi cũ kỹ bò lên dốc đồi, trời sẩm tối, đường vắng, anh thấy sợ. Chợt có một bóng người đàn ông tất tả xách một chiếc túi nhào ra đường vẫy tay dồn dập xin quá giang.

Nhìn tới nhìn lui, anh bỗng ngại. Nhưng đôi mắt kia van xin, tuyệt vọng.

Anh dừng xe chép miệng:

-Thôi đành vậy! Tôi chỉ sợ gặp phải người xấu.

-Xin ông cứ trói tay chân tôi lại và cho tôi đi nhờ lên Thị xã. Con tôi đang nằm viện.

***********

Người cha

tác giả: Đ. Dũng

Hừng đông, bến tất bật thuyền ra khơi. Cũng như mọi lần, chị ở nhà cùng con. Anh đi nhanh, bóng vạm vỡ, rắn rỏi.

Đã đủ cả: lưới, dây, lửa, đèn, dầu, muối...

Thuyền khởi động. Bỗng anh dừng máy, xuống thuyền quay trở lại. Chị hỏi:

- Anh quên thuốc hút?

Anh cười, mở tủ lấy bút. Hôn vợ và con thêm lần nữa, anh vội vã rời nhà.

Trời nổi bão. Anh không về nữa. Nhưng sổ liên lạc của con, anh đã nhớ ký.

***********

Nghiệp sáng tác

tác giả: Lê Nguyên Vũ

Anh là nhạc sĩ. Mười năm trước, vừa tốt nghiệp anh lao vào nghệ thuật. Tận tâm với tác phẩm mà vẫn không sống nổi. Cái đói, cái nghèo vây quanh.

Cơ chế thị trường. Anh viết ca khúc cho giới trẻ, cho đơn đặt hàng. Dễ dàng hơn, vừa nhẹ nhàng túi lại rủng rỉnh.

Chiều nay. Họp phụ huynh về. Ngang cổng tình cờ nghe anh bảo vệ say sưa bài hát đầu tay của mình, anh cảm thấy rạo rực, kiêu hãnh lạ thường. Ôi ! cái thứ cảm giác - dễ đến 10 năm - hôm nay anh mới gặp lại.

**********

Nghề của ba

tác giả: Đăng Châu

Trước đây, ba nó là công chức. Vì bất đồng với cung cách làm ăn bất chính của lãnh đạo cơ quan, ba nó xin nghỉ. Về nhà, ba nó sắm một chiếc xích lô:

- Đạp xích lô vậy mà tự do thoải mái hơn, được làm chủ công việc của mình và thu nhập bằng chính sức lao động đích thực của mình.

Từ ngày ba nó đạp xích lô, nó trở nên trầm mặc, ít giao du với bạn bè, không còn vui vẻ nhí nhảnh như trước nữa.

Một lần đi học về, không may nó bị trúng gió, tay chân cứng đờ, mặt xanh như tàu lá chuối. Bạn bè dìu nó vào nằm lề đường dưới gốc cây bàng. Giữa giòng xe cộ ngược xuôi hối hả, bạn nó đón một vài chiếc xe máy để nhờ chở nó đến bệnh viện nhưng chẳng ai chịu dừng. Bỗng một chiếc xích lô ở đâu trờ tới và dừng lại, bác xích lô liền bế nó lên xe chở ngay đến bệnh viện. Đến nơi, bác lại bế nó đến tận phòng cấp cứu. Bạn nó cũng vừa đến cảm ơn và xin gởi tiền xe. Bác nhất định không lấy.

Được đưa đến bệnh viện kịp thời nên cơn nguy hiểm đã qua, nó nhanh chóng khỏe trở lại. Nghe bạn kể, những giọt nước mắt hối hận lăn dài trên má, nó bỗng yêu quí và mến phục tất cả những người đạp xích lô tốt bụng. Nó tin rằng trong số đó sẽ có cả ba của nó, bởi nó biết tính ba, và nó cảm thấy rất tự hào về ba của nó.

Bức tranh

- Tăng Khắc Hiển -

Đêm. Dưới trời sương. Hai mẹ con nhìn trăng tròn treo trên những ngọn dừa và mái ngói ngủ yên. Người mẹ mơ có một mái ấm. Đứa con ước với được vầng trăng.

Mười năm.

Đứa con đã chạm tới đỉnh cao và nghĩ về tổ ấm.

Người mẹ một mình nhìn trăng qua lỗ hổng mái nhà.

Vầng trăng khuyết đi một nửa...

Tiếng đêm

- Lê thị Cẩm Âu -

Căn nhà ngày càng trở nên trống lạnh. Nhất là sau lần chúng tôi chính thức chia tay nhau.

Anh thất chí :

- Cuộc đời sao cứ mãi cưu mang bao lận đận!

Rồi anh say. Say...

Hai mẹ con tôi, rốt cùng loanh quanh như hai cái bóng, đẫm buồn.

Đêm. Chiếc giường trống đi một chỗ. Mẹ con tôi nằm gần nhau hơn.

Khuya. Trở mình, nó vòi :

- Mẹ thoa lưng cho con!

Rồi so bì :

- Tay ba sần, thoa đã hơn!

- Đã thì theo ổng đi! - Tôi phát cáu.

Nó mủi lòng, trong khi tôi khóc.

Một mình

- Nguyễn Thái Sơn -

Em lớn dần, cái tuổi rất dễ tự ti và mủi lòng. Nhà vẫn nghèo; ba mất sớm, mẹ làm lụng một mình. Mẹ chỉ có hai tài sản quý giá nhất, đó là em và chiếc xe đạp.

Hôm thi cấp tỉnh, mẹ dậy sớm, gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ ấy đưa em đến nơi thi. Quanh quẩn, toàn xe máy! Dường như tất cả nán lại cổ vũ tinh thần cho con em mình. Em ngẩng nhìn mẹ, giọng mẹ đượm buồn những đĩnh đạc: "Thôi, về đi mẹ!".

Chuông điểm hết giờ! Ngoài cổng nhốn nháo hẳn lên. Lời han hỏi rộn ràng, tiếng máy xe dòn nổ. Nắng rát, em về lầm lũi, chỉ cái bóng là "người bạn đường" đi kè bên chân. Nhìn những chiếc xe chở bạn bè cùng trang lứa lướt qua, em thấy sự cô độc nhân đôi; nhưng lạ thay, em bỗng càng thương mẹ hơn vì giờ này mẹ cũng đang hẩm hiu ngoài đồng xa. Em ra đồng, chờ mẹ cùng về. Em nghe mắt cay cay: mẹ đang cấy mạ... một mình!

Mùi thơm hương bài

- Trần Huy -

Ngoài sáu mươi tuổi ông nghỉ hưu, tất cả để lại Hà Nội. Một mình ông về quê chăm sóc mẹ già sau mấy mươi năm đằng đẵng xa mẹ.

Đó là những ngày hạnh phúc của đời ông, ông được sống lại những năm tháng ông là thằng Thiều bé bỏng, đêm đêm cùng mẹ xe những cây hương bài thơm ngọt ngào để nuôi ông ăn học...

Hai mái đầu bạc của hai mẹ con lại xe hương bài cho đến một ngày trong túp lều nhỏ nghi ngút lan tỏa mùi thơm và khói trắng của hương bài...

Ông trở lại Hà Nội với vợ con mang theo hương thơm của hương bài quê hương...

Gặp lại

- Trần Mai Thu Hương -

Chia tay nhau lần đầu. Khi gặp lại anh trái tim tôi bồi hồi xao xuyến, nhịp đập dồn dập. Hình như anh cũng thế. Cái nhìn vẫn thuộc về nhau. Anh ra về. Tôi mới thấm thía câu thơ "Người đi một nửa hồn tôi mất".

Tôi và anh quay lại.

Chia tay lần hai. Anh lại tìm đến tôi. Cái nhìn của anh còn da diết hơn xưa. Nhưng trái tim tôi chẳng nói điều gì. Chiều buồn nắng đã nhạt. Lá vàng rụng phân đôi.

Dây gấc ngày xưa

- Ngọc Vân -

Xưa, nhà nghèo, có trồng dây gấc. Hôm nào gấc chín, nấu xôi, má khen: "Xôi gấc ngon quá".

Hai ba bữa hái một lần, bán được mười ngàn, mua miếng heo quay, ít bánh hỏi, cải thiện. Má vui lắm: "Cha, thịt quay ngon quá. Dây gấc này cứu má".

Giờ má mất. Con khá lớn. Gấc chín không biết làm gì. Hôm giỗ má, mua một ký thịt quay. Hai cha con buồn, nhớ má, ăn không biết ngon.

Nhìn dây gấc, lòng trĩu buồn. Đời gấc còn dài. Đời má thì quá ngắn ngủi!

Bàn tay

- Võ Thành An -

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

- Tâm Bình -

Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa. Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người châu Phi - đen trùi trũi! Có người hỏi: "Mày có buồn không?". Nó yên lặng nhìn xa xăm!

Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: "Con còn có Nội - nó chẳng còn ai!".

Bão

- Nga Miên -

Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.

Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...

Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.

Khóc

- Bùi Phương Mai -

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.

Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.

Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói :

- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.

Đánh đổi

- Song Vũ -

Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.

Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.

Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: "Anh còn giữ nó?" Anh nghẹn ngào: "Anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa".

Hoa mai

- Nguyễn Thánh Ngã -

Cây mai mang cốt cách người, từ xưa cha ông đã nói vậy. Mai đem thân mình đọ khí tiết xung hàn khắc nghiệt của mùa đông mới bật được những đóa vàng kỳ diệu, giống như người quân tử phải nếm trải trăm cay nghìn đắng, rèn luyện tâm trí, giữ lòng trung hiếu. Nét đẹp ấy chỉ hoa mai mới có. Ngày nay mai được cho vào chậu, chăm bón tối đa, nở theo ý muốn, biết phẩm chất kia có còn lưu dẫn trong tinh thần hoa không? Có còn được coi là một trong tứ quý không?

Tro ấm

- Kim Liêu -

Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.

Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:

"Ông ơi vào ăn cơm"

Cả nhà tôi đều im lặng.

Ông nội đã mất 20 năm rồi!

Tình đầu

- Hứa Vĩnh Lộc -

Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi :

- Ba tìm gì vậy?

- Tìm tuổi thơ của ba.

- Chưa tới nhà nội mà?

- Ba tìm thời học sinh.

- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?

- À, ba tìm người... ba thương.

- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?

- Ừ, thì cũng... thương.

- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.

- Ba cũng không biết.

Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.

Chung riêng

- Nga Miên -

Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mải chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên...

Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta...

Ngày thi trượt

- Đàm thị Nhung -

Giọng bố run run khi báo tin anh trượt đại học. Mẹ thở dài não nuột, em chết lặng trong góc bàn, anh cổ nghẹn đắng giả vờ điềm nhiên đọc báo. Không ai khóc, cũng chẳng ai nói. Im lặng bủa vây tất cả, nhấn chìm mọi suy nghĩ vào hư không.

Em vẫn ngồi, mắt không rời trang sách, đầu óc trống rỗng. Em thấy sợ khi nghe tiếng thở dài của mẹ, sợ cái điềm nhiên của anh, sợ nhìn vào ánh mắt của bố.

Giá như ai đó khóc.

Buổi sáng ra vườn

- Nhánh Rong -

Sáng sớm ra vườn, thấy một con ốc hưởng ánh nắng mặt trời ở tuốt ngọn cây hoa hồng đầy gai, chị phục nó quá không nỡ giết. Lại thấy con sâu róm đen thui to bằng ngón tay đang vội vã bò đi, nghĩ đến một ngày đẹp trời nó lột xác thành con bướm tuyệt sắc, chị để nó yên.

Buổi chiều, bà chị dẫn về mấy đứa con nít giỡn như quỷ. Chị định la, bỗng nhớ chúng sẽ trở thành người lớn nay mai. Chị mang bánh mời chúng. Ánh mắt chúng đầy vẻ vui mừng biết ơn.

Cái Nụ

- Nguyễn thị Bích Phụng -

Cái Nụ là con nuôi. Mẹ Hà cho tôi và Nụ cùng đi học. Tôi thường đỏng đảnh, đố kỵ Nụ. Điều đáng ghét là Nụ vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, lời biển cả...

Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên ấy. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí trong lần tai nạn. Mẹ nhìn tôi xa lạ, rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó :

- Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi... mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng... "tùng dinh dinh là tùng dinh dinh, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh".

Câu hát như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.

Nghề cao quý

- Thanh Sử -

Cô bé học giỏi nhất, ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, cô-trò vô cùng tâm đắc. Chị hình dung đến một ngày cô bé đứng trên bục giảng. Chị ướm thử :

- Con có thích trở thành cô giáo không?

Cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ lắc đầu. Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế? Nghề giáo vốn là nghề cao quý. Hay là...

Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài.

Phấn son

- Nguyễn Hồng Ân -

Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.

Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: "Bạn gái con xinh".

Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: "Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không..."

Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #education