Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

tutuonghcm-Đảng cầm quyền

Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền

Ngày 5/6/2006. Cập nhật lúc 15h 45'

(ĐCSVN)- Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua trên 3/4 thế kỷ đấu tranh đầy thử thách, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, từng bước trưởng thành và ngày càng lớn mạnh. Đảng đã bước lên vũ đài chính trị với tư cách người chiến sĩ tiền phong lãnh đạo cả dân tộc đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân Việt Nam thừa nhận hoàn toàn không phải ngẫu nhiên bởi mấy lẽ sau đây:

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sau khi đã được Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị chu đáo về lý luận và về cán bộ để đưa phong trào công nhân và phong trào yêu nước từ tự phát đi đến tự giác, thiết lập mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.

Hai là, ngay sau khi ra đời Đảng đã sớm xác định được đường lối cách mạng đúng đắn, phản ánh được nguyện vọng trước mắt và lâu dài của nhân dân. Đường lối cách mạng của Đảng được thể hiện trong Chính cương, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 thông qua và không ngừng được điều chỉnh, bổ sung, phát triển về sau này.

Ba là, Đảng đã xây dựng được một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới và chuẩn bị một đội ngũ cán bộ, Đảng viên đến với các tầng lớp nhân dân để tuyên truyền, giáo dục, tổ chức nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng; đồng thời cũng thu hút ngày càng nhiều những người ưu tú trong mọi giai tầng xã hội gia nhập Đảng, làm cho lực lượng của Đảng ngày càng lớn mạnh.

Bốn là, thông qua phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, Đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng hy sinh, xả thân vl sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, giữ được uy tín với nhân dân, được nhân dân tin cậy và thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Có thể thấy rõ là ở Việt Nam không có một Đảng phái yêu nước nào đã được xây dựng như Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định như một tất yếu lịch sử: Nhân dân tìm thấy ở Đảng người dẫn đường trong đấu tranh cách mạng; Đảng tìm thấy ở nhân dân chỗ dựa vững chắc trong 2 cuộc cách mạng nối tiếp nhau, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng XHCN trong cả nước.

Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua 2 thời kỳ: từ năm 1930 đến năm l945 là thời kỳ chưa giành được chính quyền; từ năm 1945 đến nay là thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân xóa bỏ được chính quyền thực dân phong kiến để xây dựng chính quyền nhân dân, từ đó trở thành Đảng cầm quyền.

Lãnh đạo là ''đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức nhân dân thực hiện'', còn cầm quyền có nghĩa là ''nắm giữ chính quyền''. Khái niệm Đảng lãnh đạo là để chỉ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam; còn khái niệm Đảng cầm quyền là để chỉ vai trò của Đảng khi đã giành được chính quyền, cũng có nghĩa là Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền, lãnh đạo toàn xã hội bằng chính quyền, thông qua chính quyền và các đoàn thể nhân dân.

Khái niệm Đảng cầm quyền đã được Lênin nêu ra. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã sử dụng các khái niệm như ''Đảng giành được chính quyền'', ''Đảng nắm chính quyền'', ''Đảng cầm quyền''. Những khái niệm này cũng đã được ghi trong các văn kiện của Đảng ta khi đề cập đến vai trò của Đảng đối với xã hội từ sau khi có chính quyền cách mạng. Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại dùng khái niệm ''Đảng chấp chính'' để chỉ Đảng Cộng sản cầm quyền, còn các Đảng phái dân chủ khác là Đảng ''tham chinh'', có nghĩa là ''tham gia chính quyền ở một cương vị nào đó''.

Ở nước ta, trong suốt 60 năm qua không phải chỉ có một Đảng Cộng sản là Đảng duy nhất có mặt trên chính trường Việt Nam. Trong năm đầu tiên của chính quyền cách mạng, từ tháng 9/1945 đến giữa năm 1946 đã có thêm 4 đảng phái khác tham gia chính quyền, trong đó có 2 đảng phái dân chủ là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam ủng hộ Đảng cộng sản và 2 đảng phản động là Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (gọi tắt và ''Việt Quốc'', ''Việt cách'') chống Đảng cộng sản. Từ giữa năm 1946 đến năm l988, ngoài Đảng Cộng sản lãnh đạo chính quyền chỉ còn 2 đảng phái dân chủ tiếp tục tham gia chính quyền - Đảng Dân chủ Việt Nam là đảng của giới công chức cũ và tư sản dân tộc và Đảng Xã hội Việt Nam là đảng của giới trí thức cũ đi theo cách mạng. Trong những năm tồn tại của mình cả 2 đĐảng này đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, vào thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kháng chiến chống ngoại xâm và bước đầu của cách mạng XHCN trên phạm vi cả nước. Từ tháng 11 năm 1988 đến nay, trên chính trường Việt Nam chỉ còn lại một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc tồn tại một đảng hay nhiều đảng ở một nước là do những điều kiện lịch sử cụ thể quy định, không có một khuôn mẫu chung cho tất cả các nước, cũng như chung cho mọi giai đoạn, mọi thời kỳ trong phạm vi một nước. Nếu ở Việt Nam, Cu Ba hiện nay chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất có mặt trên chính trường, thì ở Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản là đảng chấp chính còn có 8 đảng phái dân chủ khác tham chính, ủng hộ Đảng cộng sản.

Sự lãnh đạo của Đảng khi đã có chính quyền khác rất nhiều so với khi chưa có chính quyền. Trước khi có chính quyền, Đảng không có bất cứ quyền lực nào đối với dân, đối với toàn xã hội. Trong điều kiện hoạt động bất hợp pháp, mọi đường lối, chủ trương của Đảng có đến được với dân hay không, chủ yếu là do các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến các hội, đoàn thể nhân dân, đến các quần chúng ''cốt cán'' của Đảng, thậm chí đến từng người dân, từ đó tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sáng trong đấu tranh cách mạng và trong cuộc sống, có như vậy Đảng mới được dân tin, dân yêu, dân nuôi, dân bảo vệ. Mọi sự xa rời nhân dân đều có thể dẫn đến tổn thất cho cách mạng, trước hết cho ngay sinh mệnh của người cán bộ, đảng viên.

Khi Đảng đã giành được chính quyền thì chính quyền là công cụ mạnh mẽ để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống. Trước kia, muốn đưa một chủ trương của Đảng đến với quần chúng nhân dân đòi hỏi không biết bao nhiêu thời gian, công sức, thậm chí cả xương máu của không ít cán bộ, đảng viên. Khi đã có chính quyền thì việc đó lại được thực hiện hết sức thuận lợi, nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều.

Nói đến chính quyền là nói đến Nhà nước, đến pháp luật và quyền lực. Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo là Nhà nước kiểu mới, khác về bản chất so với Nhà nước của các giai cấp bóc lột. Đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhân dân mới là người chủ thực sự của Nhà nước. Đó là Nhà nước pháp quyền, thực hiện việc quản lý xã hội trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Mọi quyền lực của Nhà nước là quyền lực của dân, thuộc về dân. Hệ thống Nhà nước từ trên xuống dưới đều do nhân dân cử ra. Như Hồ Chí Minh đã nói, nếu Chính phủ làm hại đến lợi ích của dân, thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Đảng cầm quyền là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội; Nhưng Đảng không phải là ông chủ mà lại là đầy tớ của nhân dân, không phải đứng trên Nhà nước và pháp luật, mà phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quyền của Đảng là ở chỗ xác định cho được đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và tổ chức nhân dân thực hiện. Đồng thời Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những đúng sai của mọi đường lối, chủ trương, chính sách đã đề ra. Quyền càng lớn, trách nhiệm lại càng nặng.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng bắt tay ngay vào việc xây dựng Nhà nước kiểu mới ở nước ta, với một hệ thống chính quyền từ Trung ương đến tận cơ sở. Đó là Nhà nước dân chủ nhân dân, đại biểu cho mọi giai tầng xã hội, trước hết là công nhân, nông dân, những người lao động chân tay và trí óc là những giai tầng chiếm tuyệt đại đa số trong dân tộc. Nhà nước đó còn thu hút khá nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, những quan lại cũ và đại biểu của các đảng phái ngoài Đảng Cộng sản tham gia Quốc hội, Chính phủ. Một cuộc tổng tuyển cử toàn quốc đã được tổ chức khi chính quyền cách mạng mới có 4 tháng tuổi và chưa đầy một năm sau đó, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta đã được Quốc hội nhất trí thông qua. Khi đất nước đang trong tình trạng ''ngàn cân treo sợi tóc'', chính quyền còn rất non trẻ, phải có tầm nhìn xa trông rộng và quyết đoán chính xác của người đứng đầu, bản lĩnh vững vàng và sách lược mềm dẻo của Đảng lãnh đạo, sự đồng tâm quyết chí và quyết tâm lớn của đông đảo quần chúng nhân dân, mới có thể thiết lập được những cơ sở vững chắc như vậy cho chế độ dân chủ nhân dân ở nước ta. Từ đó về sau hàng loạt sắc lệnh và luật được ban hành ngày càng nhiều để bảo đảm tính pháp quyền của Nhà nước.

Cùng với việc xây dựng bộ máy Nhà nước kiểu mới và ban hành Hiến pháp, pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc xây dựng cách lãnh đạo mới của Đảng và cách làm việc mới của cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Những chỉ dẫn của Người về cách lãnh đạo, cách làm việc đã được nêu rõ trong tác phẩm ''Sửa đổi lối làm việc'' và nhiều bài viết về sau. Cách lãnh đạo, cách làm việc trong thời kỳ Đảng hoạt động bí mật không thể áp dụng khi đã có bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật mới hơn nữa còn phải thay đổi cho phù hợp với tình hình đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ nhất định - khi có nhiều Đảng phái tham chính khác với khi chỉ có Đảng Csản duy nhất cầm quyền, cầm quyền trong điều kiện đất nước có chiến tranh khác với cầm quyền trong xây dựng hòa bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sớm phát hiện thấy nhiều thứ tệ nạn xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ngay trong năm đầu tiên của chính quyền cách mạng. Về sau Người đã tổng hợp lại và vạch rõ tham ô, lãng phí, quan liêu bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân là ba thứ giặc nội xâm có thể biến một người có công thành kẻ có tội, thậm chí làm đổ vỡ cả sự nghiệp của Đảng. Đặc biệt cần phải quan tâm chỉnh đốn Đảng trước những bước ngoặt của cách mạng hoặc khi tình hình trong nước và thế giới có những biến động lớn. Điều này cũng giống như Lênin ngay sau Cách mạng Tháng Mười đã chỉ ra 3 thứ tệ nạn của Đảng Cộng sản cầm quyền là quan liêu, dốt nát, kiêu ngạo cộng sản, thành quả của Cách mạng Tháng Mười có giữ vững được hay không, nước Nga Xô Viết có xây dựng được CNXH hay không cũng tuỳ thuộc và cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Nga chống lại 3 thứ tệ nạn đó.

Nhưng vấn đề bao trùm nhất mà Hồ Chí Minh đặt ra khi Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền là phải xác định cho được đường lối đúng đắn để phục hưng và phát triển đất nước, xây dựng thành công CNXH với nội dung là: hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như về sau Người đã viết trong Di chúc. Để có được đường lối đúng đắn, Đảng phải nâng cao trình độ lý luận, trình độ hiểu biết thực tiễn, trình độ vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra quy luật phát triển của cách mạng nước ta, không giáo điều, rập khuôn, không bảo thủ trì trệ, không chủ quan, duy ý chí, không say sưa với thắng lợi đã giành được. Đặc biệt, Người đã chỉ rõ trong xây dựng CNXH phải căn cứ vào thực tiễn Việt Nam để vận dụng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn Việt Nam đang đặt ra. Vì vậy, nếu chúng ta có làm khác Liên Xô, Trung Quốc nhưng đem lại lợi ích cho dân cho nước thì như vậy cũng là mác xít. Đó là những chỉ dẫn hết sức quan trọng định hướng cho tư duy lãnh đạo của Đảng trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ cách mạng.

Những quan điểm trên đây rất rõ ràng, dễ hiểu, nhưng thực hiện cho được lại hoàn toàn không dễ dàng, đơn giản. Thực tiễn ở nước ta cũng như ở tất cả các nước XHCN khác đã chứng tỏ việc xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền không phải chỉ có thuận lợi mà còn không ít thách thức và nguy cơ không thể coi thường. Thách thức là những vấn đề mới đòi hỏi Đảng phải chấp nhận, phải giải quyết hay vượt qua. Nguy cơ là những gì có thể đe dọa vận mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ XHCN, đòi hỏi Đảng phải đề phòng, ngăn chặn hoặc đẩy lùi. Đối với một Đảng Cộng sản cầm quyền thì nguyên nguy cơ lớn nhất là nguy cơ từ bên trong do mặt trái của quyền lực gây ra. Nếu quyền lực có sức mạnh to lớn trong việc cải tạo hiện thực, xây dựng xã hội mới, thì cũng có mặt trái có thể làm tha hóa con người, thậm chí làm tha hóa cả một đảng cầm quyền. Mặt trái ấy như một ma lực cuốn hút con người vào vòng xoáy của quyền lực, làm cho con người khi đã nắm quyền lực trong tay rất dễ biến quyền lực của nhân dân thành quyền lực của mình, biến mình từ chỗ là người được giao quyền lực điều hành quyền lực thành người sở hữu quyền lực. Những kẻ nắm quyền lực như vậy sẽ nhanh chóng rơi vào các tệ nạn như lợi dụng quyền lực để tham nhũng, vơ vét của dân, tiêu xài sa hoa lãng phí, ăn chơi xa đọa còn hơn cả các giai cấp bóc lột; lạm quyền, lộng quyền để ức hiếp nhân dân, chèn ép cấp dưới; dựa vào quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực để gây bè cánh, từ đó phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Thời kỳ Khai sáng thế kỷ XVIII ở Pháp, Montesquieu đã nêu rõ một kinh nghiệm của muôn đời là tất cả những người có quyền lực đều dễ lạm dụng quyền lực; Đến cuối thế kỷ XIX, Lord Acton - nhà sử học đồng thời là nhà triết học người Anh cũng đã đi đến một kết luận là quyền lực rất dễ dẫn đến hư hỏng, quyền lực tuyệt đối dẫn đến hư hỏng tuyệt đối. Những luận điểm ấy hoàn toàn có lý khi xem xét mặt trái của quyền lực trong các chế độ xã hội khác nhau. Phải thấy rõ điều đó không phải để chịu bất lực trước mặt trái của quyền lực, mà để tìm cách phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nó như Lênin, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cho Đảng cộng sản khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền.

Khi sinh thời, Hồ Chí Minh đã dầy công xây dựng Đảng ta trở thành đảng cầm quyền đứng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng. Những tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí tuy có xảy ra nhưng không nhiều. Sở dĩ được như vậy là do Hồ Chí Minh đã sớm dự báo tình hình, phát hiện kịp thời và đòi hỏi Đảng không được che giấu, mà phải kiên quyết đấu tranh chống những tệ nạn khi chúng mới xẩy ra ở một số ít cán bộ, đảng viên. Và điều quan trọng là cùng với việc tự mình nêu một tấm gương mẫu mực cho toàn Đảng, toàn dân, Người đã tập trung vào khâu quyết định nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng thực sự có đức, có tài, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. Người đứng đầu và những người lãnh đạo chủ chốt có trong sạch, vững mạnh mới có thể lãnh đạo xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Đây là một trong những bài học lớn mà Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, mãi mãi có ý nghĩa chỉ đạo việc xây dựng Đảng để Đảng xứng đáng là Đảng cầm quyền chân chính, đội tiền phong lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc đi tới thắng lợi cuối cùng của độc lập dân tộc và CNXH.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, từ đó đưa nước ta bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ cả nước quá độ lên CNXH. Thời kỳ mới có những điều kiện mới, những thời cơ, thách thức, nguy cơ mới do những biến đổi của tình hình trong nước và thế giới đặt ra. Việc cầm quyền của Đảng trong thời kỳ mới cũng phải thay đổi, không thể giống như trước kia khi có chiến tranh. Tuy nhiên, do chủ quan duy ý chí và có phần say sưa với những thắng lợi lớn đã giành được, do giáo điều rập khuôn về xây dựng CNXH, do có những sai lầm về chỉ đạo chiến lược và về những chủ trương, chính sách lớn, hơn nữa còn do không chú ý đầy đủ đến những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền, Đảng ta đã bỏ lỡ thời cơ thuận lợi sau khi giải phóng miền Nam để khôi phục và phát triển đất nước và đã để đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội từ cuối những năm 70 thế kỷ XX. Phải đến Đại hội VI năm 1986, Đảng ta mới vạch ra được đường lối đổi mới toàn diện, đưa nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới và vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền, Đảng ta đã chủ trương đổi mới Đảng về tư duy, về tổ chức, về đội ngũ cán bộ, về phương thức lãnh đạo và phong cách công tác, coi thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Chính vì vậy, qua 20 năm đổi mới, Đảng và nhân dân ta đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường đi lên của đất nước, tạo tiền đề và điều kiện cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN hiện nay.

Nếu việc khẳng định những thành tựu đã đạt được là cần thiết, thì việc đánh giá cho đúng những hạn chế, yếu kém, nhất là những hạn chế, yếu kém trong việc xây dựng Đảng cầm quyền lại càng cần thiết hơn. Như Đảng ta đã khẳng định, Đảng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề lý luận về CNXH và về con đường đi lên CNXH ở nước ta, tiếp tục hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và cả hệ thống chính trị, phong cách công tác của cán bộ, đảng viên, xây dựng và tổ chức một đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Từ thực tiễn đổi mới của đất nước và sự lãnh đạo của Đảng, có thể thấy trong những năm gần đây cho đến Đại hội X của Đảng vừa qua, nhiều vấn đề về xây dựng Đảng cầm quyền chưa ngang tầm với nhiệm vụ mới; Đặc biệt là vấn đề chống suy thoái về tư tưởng chính trị và về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên mà tập trung nhất là vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu những vấn nạn đang trở thành bức xúc nhất, gây nên những bất ổn xã hội và làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Vì vậy, để thực hiện những nhiệm vụ mà Đại hội X của Đảng đã đặt ra cho thời gian tới, việc vận dụng và phát triển những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền thực sự là yêu cầu chính trị quan trọng. Trong Đảng ta, nếu việc làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nhiều như chúng ta vẫn thường nói về tư Tưởng Hồ Chí Minh, chắc chắn những tệ nạn đối với một Đảng cầm quyền là hoàn toàn có thể ngăn chặn và đẩy lùi được; Đảng ta sẽ mãi mãi là Đảng của Hồ Chí Minh xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân trên con đường phục hưng và phát triển đất nước.

GS Đặng Xuân Kỳ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: