tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để giảm thiểu tai nạn giao thông 3
Tháng an toàn giao thông năm nay có chủ đề "Thanh, thiếu niên trường học nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông". Đây có thể xem là điểm đột phá, bởi nếu tuổi trẻ học đường, bao gồm cả học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức về Luật Giao thông, có sự chuyển biến về nhận thức, tuân thủ các quy định của pháp luật thì sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chấp hành giao thông của cả xã hội. Giảm thiểu tai nạn giao thông là việc khó, nhưng không phải không làm được, nếu cả xã hội cùng nỗ lực, chọn đúng điểm đột phá, có biện pháp đúng trong tổ chức và kiên trì trong thực hiện.
Hưởng ứng tháng an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội song cần hướng mạnh vào lớp trẻ, trong đó bộ phận quan trọng là tuổi trẻ học đường. Cần làm cho đối tượng này tự giác thực hiện các quy định về an toàn giao thông một cách liên tục, bảo đảm tính bền vững lâu dài, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn giao thông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông khó kiềm chế trong thời gian qua. Về khách quan là phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông chưa được cải thiện đáng kể. Song, nhìn lại, phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do người điều khiển phương tiện giao thông gây nên. Trong số những người gây ra tai nạn giao thông, học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ không nhỏ. Cộng với đó là quản lý hành lang an toàn giao thông chưa chặt chẽ; hệ thống biển báo còn thiếu, phân luồng giao thông chưa hợp lý; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử phạt chưa nghiêm minh, thậm chí còn có hiện tượng tiêu cực trong xử lý...
Đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những biện pháp hữu hiệu và sáng tạo hơn, chủ động và tích cực hơn để giáo dục lớp trẻ ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Trách nhiệm thuộc về nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, mỗi bậc phụ huynh phải là tấm gương để con em mình noi theo về chấp hành luật lệ giao thông. Đã có địa phương ban hành quy chế khen thưởng, xử phạt một cách cụ thể về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, như không đưa vào xét danh hiệu thi đua dưới mọi hình thức đối với cán bộ, công chức vi phạm an toàn giao thông, hoặc có người thân nhiều lần vi phạm an toàn giao thông. Có cơ quan đề ra biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với nhân viên cố tình vi phạm hoặc gây tai nạn giao thông... Những biện pháp hành chính này là cần thiết, nhưng trong tháng an toàn giao thông năm nay, mỗi người cần tự giác nêu gương, thông qua đó giáo dục, nhắc nhở, tạo thói quen cho thanh niên, thiếu niên, học sinh chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự giao thông. Cần tổ chức nhiều đội thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự giao thông để các em nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội.
Muốn hạn chế vi phạm Luật Giao thông và tai nạn giao thông, rất cần tạo chuyển biến về ý thức của cả xã hội. Phải có sự kết hợp giữa chính quyền các địa phương với các cơ quan chức năng và các nhà trường. Thực tế cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức chấp hành Luật Giao thông cho nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ thì địa phương đó hạn chế được tai nạn giao thông và ngược lại.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro