Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1.

Người lớn thường thích kể chuyện ngày xưa, cái ngày xa lắc xa lơ khi mà bố mẹ chúng tôi còn chưa gặp nhau cơ, nói gì đến việc chúng tôi ra đời để chứng kiến những "ngày xưa" ấy. Ví dụ như hôm nay, thầy Đoàn – giáo viên Tin học dạy lớp chúng tôi – nhân khi xong bài sớm, mới tần ngần nhớ tuổi thơ xa lắm của mình. Sáng học ở trường, chiều về băm bèo, thái rau, nấu cám lợn, có khi chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng. Những ngày trời mưa vẫn lặn lội đi học, ngồi trong cái lớp nhỏ xíu còn bị dột, nước cứ rơi tõm từng đợt xuống nền, làm ướt một mảng lớn. Cái bút máy ngày xưa, cái quần ngồi nhiều đến mài hết mông, phải đắp chi chít vải lại.. Những trò nghịch ngợm của bọn trẻ con, những tiếng cười giòn tan không chút âu lo, những mảng tuổi thơ xanh thật xanh, hòa mình với hương sắc thiên nhiên chân thật, bình dị. Theo những dòng kí ức thầy kể, trong đầu tôi hiện ra liên tiếp những liên tưởng chớp nhoáng ấy. Thật đủ tươi đẹp!

Cuối cùng, sau tất cả lời tâm sự, luôn là sự tiếc nuối cho tuổi thơ của thế hệ chúng tôi.

Tôi nghĩ đến mình, liền gật gù trong lòng. Đúng thật, vốn chẳng có tuổi thơ mà.

Giờ ra chơi, mấy đứa trong lớp tụm năm tụm bảy bàn tán về những lời của thầy Đoàn. Tôi thấy ghét mấy lời nói xấu của bọn nó, chắc vì tôi đã thực sự nghĩ về những điều thầy nói, nên không thích thú nổi khi bọn nó bảo đấy là nhiều lời, kể lể, và chẳng được tích sự gì.

Đúng là người lớn thì có hơi kể lể thật, toàn mấy chuyện mà thế hệ chúng tôi chưa từng chứng kiến, cũng có thể... có những người chẳng hứng thú nghe. Nhưng chẳng ra sao khi một người chia sẻ những dĩ vãng mình nâng niu trong lòng ra, cuối cùng những kí ức ấy bị biến trở thành chuyện phiếm cho kẻ khác đùa cợt, chê bai.

Mà chẳng biết nữa, nói ra cũng được! Quan trọng là mình thoải mái thôi. Dù sao là nói sau lưng, mình không nghe thấy nên không thể ảnh hưởng đến tâm trạng của mình được.

Tôi ngán ngẩm. Đúng đó! Tôi không chỉ ghen tị vì những người lớn có tuổi thơ đúng chất tuổi thơ, mà còn vì họ có thể thoải mái nói lòng mình ra, sau đó mặc kệ mấy lời xì xào.

Cất con xe đạp luôn sẵn sàng giở chứng bất kì lúc nào xong, tôi lên nhà, chào mẹ, rồi nhanh chóng vào phòng mình.

Nằm phịch xuống giường, tôi cứ thế mơ màng nhìn màn trắng. Vậy là kết thúc một ngày rồi – một ngày yên ả, chưa có gì xảy ra cả! Nhịp thở vẫn đều đều, tôi dang tay ra, tiếp tục nhìn lên một cách vô định, lại nghĩ ngợi vu vơ về mấy mẩu kí ức ban sáng được nghe.

Tuổi thơ á? Giới hạn của cái thứ đó thì đến đâu nhỉ? Tôi hiện tại đang học lớp 8... Chắc vẫn còn trong "tuổi thơ" nhỉ?

Tuổi thơ mỗi người chỉ một, là quãng thời gian đẹp nhất, ngây thơ nhất, bla bla các thứ, nên chúng ta phải biết trân trọng từng giây phút quý báu này... Tuổi thơ của tôi á hả, đẹp hay không tôi chả biết, tôi chỉ mong có thể yên bình thoát ra khỏi mà thôi! Chỉ cần không có bất kì một biến động, rắc rối gì nữa là tôi đã cảm tạ ông trời lắm rồi.

Tôi là một đứa bình thường. Hoặc giả là tôi tự cho mình là như thế, hoặc giả tôi cố gắng biến mình là thế!

Tất nhiên tôi chẳng thể mò vào não người khác, xem người ta có đánh giá tôi là người bình thường không. Nhưng kệ, vì tôi chỉ muốn an ổn, nên tôi phải cực kì tiếp tục làm người bình thường nhất có thể.

Rồi tôi nhận ra mình chẳng giống "người bình thường" chút nào. Vì tôi chẳng thể hiểu được suy nghĩ của những đứa xung quanh, tất cả, những đứa cùng năm sinh với tôi, cùng lớp tôi, và đáng ra về mặt tâm sinh lý, suy nghĩ nọ kia tôi phải giống chúng nó mới phải. Nhưng không, tôi chẳng hiểu tí gì những điều bọn nó nói, bọn nó làm, bọn nó quan tâm đến. Và những điều tôi nói, tôi làm, tôi quan tâm cũng chẳng ai hiểu luôn.

Được rồi, tôi tự nhủ rằng mỗi người là một cá thể riêng, vậy thì trong lớp có những thành viên kì lạ một chút cũng không bất ngờ gì. Điều quan trọng là kì lạ theo kiểu nào. Tôi thất bại trong việc cố gắng làm người bình thường (theo ý hiểu rằng giống với đại đa số mấy đứa trong lớp),  nhưng tôi biết cách khiến mình có thể an ổn.

Các thầy cô có thể chú ý đến đứa học giỏi nhất lớp, nghịch ngợm nhất lớp, nghỉ học nhiều nhất lớp, nói chuyện nhất lớp, đánh nhau nhiều nhất lớp, nhưng chắc chắn không chú ý đến đứa ít nói nhất lớp! Đơn giản chắc vì... đó là kiểu học sinh nhàm chán nhất. Không bao giờ nói chuyện riêng trong giờ học, không bao giờ giơ tay phát biểu ý kiến, không đóng góp gì cho hoạt động của lớp, cũng chẳng gây chuyện. Đến lớp thì nghiêm chỉnh nghe giảng chép bài đầy đủ, điểm kiểm tra chấp chới giữa khá và giỏi. Nghe thì có vẻ đúng chuẩn học sinh bình thường, mà để ý một chút lại thấy đặc biệt đó. Nhưng chỉ thế thôi, lại chẳng ai quan tâm nữa.

Nói thật có khi thấy tủi tủi, như mình bị bỏ quên ấy. Rồi thôi kệ, giáo viên không nhớ đến, rồi bọn nó càng không nhớ đến mình, không phải rất tốt sao?

Hôm nay bọn nó xôn xao hẳn. Chắc lại có chuyện gì. Mấy đứa túm tụm ở hai bàn đầu, bàn tán sôi nổi lắm. Hình như lại chuẩn bị một vụ đánh nhau. Nghe loáng thoáng có đứa lớp bên, lên face nói xấu gì đó, bọn nó bàn nhau rủ thêm mấy đứa trường khác, chặn đường con bé kia, làm một trận.

Tôi nhức đầu, chẳng muốn nghe mấy câu tục của bọn nó thêm nữa. Cái khẩu hiệu "Không nói tục chửi bậy" của trường chẳng biết để làm gì, bọn học sinh vẫn nói đến phát ớn. Không muốn nghe cũng bị bắt nghe đến quen! Tôi muốn thoát ra khỏi đây, nhưng chẳng có bạn đi ra ngoài cùng, một mình lững thững trên sân trường thì chẳng khác gì đứa điên, nên thôi, tôi tiếp tục ngồi đó giả vờ đọc sách vậy.

**

Tôi thờ ơ chứng kiến từng đứa đứng lên, chịu trận mắng của cô giáo chủ nhiệm, thờ ơ nhìn bọn nó cười cợt trong giờ ra chơi sau đó, và thờ ơ với kết cục nhanh chóng – một lời xin lỗi, một bản kiểm điểm, không hơn – cho tội đánh bạn của mấy đứa đó.

Các bạn nói tôi vô tâm cũng được, nói tôi nhát chết cũng được, chẳng sai! Nhưng tôi còn biết làm gì đây? Thứ nhất, tôi đã quá quen chứng kiến những sự việc như vậy, thứ hai, tôi còn muốn yên thân. Chẳng lẽ tôi phải góp vui trong việc bàn tán xôn xao lên, phẫn nộ và trách cứ cái hành vi đó, khi đã biết thừa kết cục không thể thay đổi này và thế là sẵn sàng cho việc trở thành đối tượng bị bắt nạt tiếp theo?

Tôi rất rất muốn than thở lên mình tội nghiệp, khổ sở thế nào, nhưng tôi biết mình không có quyền tỏ ra như vậy. Vì ở cấp hai này, tôi khá may mắn khi an ổn đến giờ, trong khi một bộ phận không nhỏ ngày ngày bị "nhớ đến", bị bắt nạt thậm tệ. Đấy mới là mấy đứa đáng than thở đây!

Có một buổi chiều, tôi đến trường như thường, và khi vào lớp thì bắt gặp ngay bọn con gái xúm lại chỗ góc lớp, đánh túi bụi một bạn nữ. Bạn nữ ấy là một đứa hiền lành, hiền đến nỗi nhu nhược. Tôi không nhận xét sai đâu! Nếu cậu ấy không tỏ ra yếu ớt, nhu nhược thì có thể đã không bị bọn nó chú ý rồi bị bắt nạt tới giờ.

Rất nhiều đứa vây quanh, nhưng tuyệt nhiên không ai đến giúp can bọn con gái lại. Giúp đỡ cái gì khi bọn nó còn mải a dua, đánh hôi, trèo cả lên bàn để cổ vũ nhiệt tình: "Đánh nữa đi! Đánh nữa đi!". Một số ít thì lặng thinh nhìn, một số bỏ ra ngoài.

– Thôi đánh đi! Bà Liên lên rồi kìa!

Một thằng chạy vào và thông báo toáng lên. Mấy đứa ngừng đánh ngay. Con bé đại ca không quên đe dọa bạn nữ kia một lần.

Cô giáo đi vào, cả lớp liền giãn ra, trơ lại bạn nữ ngồi sõng chỗ góc. Bấy giờ tôi mới trông rõ tình cảnh thảm hại của cô bạn. Tóc dài bị bung ra, bù xù. Mặt lem nhem nước. Quần áo xộc xệch và có vết bẩn kìa.

– Em sao vậy? Sao lại khóc thế này?

Trả lời cô là sự im lặng. Mấy đứa xung quanh ồn ào lên.

– Em cứ nói với cô, có phải em bị đánh không? Ai đánh em?

Vẫn là sự trầm mặc đáng ghét.

– Cô ơi, tự dưng con ấy khóc chứ ai làm gì nó đâu. Đúng không?

– Đúng thế cô ơi!

– Nó buồn nó khóc chứ liên quan gì ai đâu. Cô đừng đổ tội bọn em.

– Buồn thì buồn ở nhà thôi, đến lớp mà khóc!

Tôi muốn cười khẩy vì vở kịch tự biên tự diễn của bọn nó, nhưng lại chẳng làm được.

Cô giáo có vẻ mất kiên nhẫn:

– Em phải nói cho cô biết, không thì cô không thể giải quyết giúp em được!

Rốt cuộc bạn nữ cũng chịu ngẩng lên, cố nặn ra vẻ bình thường, cương quyết nói:

– Không liên quan đến các bạn, là tự em khóc.

Xung quanh vang lên tiếng cười ồ. Lại xôn xao một trận.

– Cô nói rồi, em phải nói thật!

– ... Là tự em khóc. Không liên quan ai cả.

Thế là mọi chuyện kết thúc. Nhanh chóng và dễ dàng đoán trước. Điều duy nhất tôi có thể làm khi đó là ra lán xe, nhặt sách vở bị ném trả cho cô bạn. Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết lý do vì sao bạn nữ bị đánh, vì chẳng ai nhắc đến chuyện đó nữa.

Biết nhận xét sao với hành động của bạn nữ bây giờ? Nếu là tôi thì cũng làm vậy thôi, tôi cũng chẳng biết có phương án nào khác. Đã quá quen với những việc như vậy, học sinh còn ai ngây thơ cho rằng tố cáo với người lớn sẽ giải quyết được vấn đề chứ? Cùng lắm là mắng mấy câu, làm bản kiểm điểm, nói trước toàn trường, không thì bố mẹ đến làm ầm lên một hồi. Càng làm lớn chuyện, bọn nó càng có cớ bắt nạt bạn, không đánh thì cô lập, đe dọa, ném đồ, chặn đường, v... v... Mọi chuyện chỉ càng tồi tệ hơn và người chịu thiệt sau cùng chỉ có bạn thôi.

Không phải chưa từng có đấu tranh, nhưng kết quả vẫn hoàn vậy. Lúc đó cả lớp chia làm hai phe. Trong lòng tôi có ngấp nghé hy vọng mọi chuyện sẽ được cải thiện. Nhưng không, cô giáo phát hiện ra cuộc đối đầu ngầm này. Cô bảo có vấn đề gì phải nói với thầy cô để thầy cô giúp đỡ giải quyết, không thể một lớp mà chia bè kết phái như vậy. Cả hai bên đều sai. Một lớp thì phải đoàn kết một lòng mới phải!

Tôi rất muốn phát biểu: "Lớp em trước giờ vẫn luôn đoàn kết. Đoàn kết bắt nạt, đoàn kết diễn kịch! Nếu thầy cô có thể giải quyết tận gốc thì đã không có chuyện lần này."

Tôi chán nản, tiếp tục cố gắng thu hẹp sự tồn tại của mình.

**

– Tao đố mày bóp vú con Huệ đấy!

Tôi không rõ có phải bọn nó cố tình nói để tôi nghe được không, nhưng tôi biết bọn nó bắt đầu "nhớ ra" tôi, và chuỗi ngày yên bình của tôi có nguy cơ chấm dứt. Tôi biết nếu nhu nhược thì càng bị bắt nạt, mà nếu phản ứng lại sẽ khiến bọn nó thích thú, càng trêu chọc thêm. Tôi không muốn trở lại chuỗi ngày ở tiểu học. Vị trí lưng ấy thỉnh thoảng lại tê đi, mỗi lần bị ai đấm nhẹ thôi cũng thấy đau buốt lên. Tôi sợ những trận đau đầu, những cơn khóc trong bóng tối một mình và mất phương hướng về những ngày tiếp theo.

Tôi chỉ muốn nhẫn nhịn, đếm từng ngày đến khi rời khỏi trường cấp hai này thôi mà, sao không để tôi được như ý nguyện chứ?

Nhưng không, tôi bị chú ý rồi!

Giống y như hồi cấp một, bọn nó không chọn cách đánh chính diện giương oai mà lượn lờ đến khi tôi mất cảnh giác thì chạy ra giở trò vui, rồi nhanh chóng chuồn biến, không quên cười cợt. Tôi không đuổi theo nữa. Hồi tiểu học tôi đã đuổi đủ rồi. Chẳng bao giờ đuổi kịp được, ngược lại bị một cú mạnh vào lưng (bọn nó đâu chỉ có một),  và những ngày phải căng đầu ra do lo sợ bị đánh lén.

Tôi tự an ủi mình rằng ít nhất lực tay con gái khá nhẹ, không như của con trai, lại chừa vị trí đau cũ ra, nên vốn cũng không cảm giác gì. Tôi nhăn nhó, nên đứa con gái cho rằng tôi đau lắm. Nó thích thú cười, tiếp tục trò vui của nó.

Mọi chuyện tồi tệ luôn thích đồng thời xảy ra thì phải. Cô giáo chuyển chỗ ngồi, và vị trí mới của tôi là ngay trên đứa con gái đang bắt nạt tôi kia. Thật thoải mái cho những trò vui tiếp theo của nó mà.

Cảm thấy bất ổn, tôi quay đầu lại rồi bắt gặp một đôi mắt ngây thơ vô tội. Nhưng đến khi về nhà thì phát hiện tên bố mẹ trên lưng áo tôi. Liên tiếp mấy ngày như thế...

Tôi biết sẽ ổn thôi nếu bản thân ngừng suy nghĩ quá nhiều. Nhưng tôi không thể! Điểm đáng sợ của những trò bắt nạt không phải nỗi đau về thể xác mà là sự căng thẳng triền miên, nỗi sợ cứ dâng trào, cảm giác tuyệt vọng và cô độc khi không tìm thấy bất kì đồng cảm hay sự giúp đỡ nào, nhưng vẫn phải giấu nhẹm đi những cảm xúc tiêu cực đó sau bộ mặt tỉnh bơ. Tôi phải làm vậy! Bắt nạt để trông kẻ khác suy sụp, vậy thì tôi càng phải tỏ ra bình thường để bọn nó chán mà thôi quấy rầy tôi.

Chỉ là...

Thôi đi! Tôi chán rồi, không muốn nghĩ gì nữa. Tôi mệt rồi. Tôi muốn bỏ cuộc. Tôi muốn nghỉ học!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro