tuan keke02
Bộ nghi lễ nhà Musgrave
Arthur Conan Doyle
Trong tính cách của Sherlock Holmes có một đặc điểm kỳ lạ bao giờ cũng làm cho tôi ngạc nhiên: mặc dù trong công việc đòi hỏi trí não phải làm việc nhiều, anh vẫn là một người cẩn thận, quần áo của anh bao giờ cũng tươm tất, chỉnh tề và tao nhã. Trong những lĩnh vực khá thì anh là người xuề xòa thiếu ngăn nắp; những thói quen của anh có thể làm cho bất cứ người nào sống với một mái nhà, đôi lúc cũng phải bực.
Không phải tôi là người quá nghiêm khắc, công việc bận rộn ở Afghanistan chỉ tổ làm cho lối sống du mục của tôi ngày càng phát triển; càng làm cho tôi trở thành bừa bãi, cẩu thả; mà điều này đối với một bác sĩ thì không thể tha thứ được. Nhưng tính cẩu thả của tôi cũng có một thời gian nhất định: khi thấy một người để những điều xì gà của mình trong chiếc thùng dùng để chứa than đá; những bức thư đang chờ được trả thì bị một con dao nhíp hờ hững đè lên; chiếc bảng gỗ thì treo trên lò sưởi, thì ai mà không điên tiết cho được. Thú thật, tôi có cảm giác, dường như tôi là một mẫu người mực thước về tính cách và đạo đức. Tôi bao giờ cũng quan niệm rằng, bắn súng là trò giải trí, mà người ta chỉ luyện tập ở ngoài trời một cách tự do. Khi Holmes bắt đầu ham thích luyện môn bắn súng, mà lại luyện tập trên ghế bành, tay cầm khẩu súng lục và băng đạn, bắt đầu luyện tập bằng cách lấy đầu đạn vạch lên tường đối diện cặp chữ lồng “K.V”. Tôi thấy công việc đó không làm cho căn phòng tốt hơn, không khí trong phòng ấm hơn, cũng không hề làm cho hình dáng bên ngoài của ngôi nhà đẹp lên chút nào.
Căn phòng của chúng tôi bao giờ cũng đầy ắp những đồ vật kỳ dị, có dính líu tới hóa học hoặc một câu chuyện hình sự nào đó. Các vật kỷ niệm ấy bao giờ cũng nằm rải rác ở những chỗ mà ít ai ngờ tới nhất; chẳng hạn đựng trong bồn chứa dầu, đôi lúc còn nằm ở chỗ không thích hợp nhất. Nhưng, giấy má của Holmes làm cho tôi đau đầu hơn cả. Anh không bao giờ tiêu hủy những tài liệu, đặc biệt những tài liệu có dính líu đến công việc phá án mà anh có tham dự. Những việc sắp xếp những giấy má ấy đối với anh là cả một công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi một nghị lực phi thường; không quá một lần trong năm anh nhiều thì giờ để làm công việc ấy. Hình như trong một chuyện nào đó, tôi đã ghi là tiềm năng to lớn trong người Sherlock Holmes xuất hiện khi nào anh bắt tay vào giải quyết những cuộc khám phá tuyệt vời, điều đó làm cho tên tuổi của anh lừng danh. Nguồn năng lượng của anh thay đổi theo chu kỳ hững hờ,cho đến lúc kiệt sức hoàn toàn. Khi ấy anh nằm dài trên giường đọc những quyển sách ưa thích trong mấy ngày liền, thỉnh thoảng anh đứng lên với lấy chiếc viôlông để kéo vài bản nhạc du dương. Chính thế, nên đống giấy má từ tháng này sang tháng khác ngày một nhiều thêm; tất cả các góc nhà đều chất đầy những cặp ghi chép. Đốt những ghi chép kia thì không bao giờ được phép làm, ngoài chủ nhân nó ra.
Vào một buổi chiều mùa đông, hai chúng tôi ngồi bên cạnh chiếc lò sưởi. Tôi bạo mồm nói khích Sherlock Holmes là từ lâu không thấy anh ghi chép vào sổ của mình những nguồn tin; rồi anh có nên bỏ ra một tiếng đồng hồ để sửa sang lại căn phòngcủa mình cho khang trang hơn không. Anh phải thừa nhận tôi nói đúng. Anh sốt sắng chạy ngay về phòng ngủ, rồi khệ nệ bê một chiếc thùng sắt tây to tướng ra. Sau khi đặt nó xuống giữa phòng, anh ngồi xuống ghế và từ từ mở nắp ra. Tôi thấy chiếc hòm sắt chứa đầy một phần ba những cặp sách đựng giấy tờ, được cẩn thận buộc bằng những dải băng màu đỏ.
- Watson, ở đây không ít những chuyện lý thú, - anh lên tiếng và âu yếm nhìn tôi. - Nếu cậu mà biết những gì đang nằm trong thùng sắt tây này có lẽ cậu sẽ đề nghị tớ hãy lôi ra một tập giấy nào đó chứ không phải đặt thêm vào đây những giấy má mới.
- Có phải là những số liệu về công việc trước kia của cậu không? - Tôi hỏi - Tớ nhiều khi lấy làm tiếc cho việc không có những số liệu ghi chép về những việc đã qua.
- Đúng, anh bạn yêu quý của tớ ạ! Tất cả những thứ này đều xảy ra từ trước, trước khi tớ có một người bạn chuyên viết tiểu sử những vụ án, người có ý định làm rạng rỡ tên tuổi của tớ.
Bằng những động tác mềm mại, khéo léo anh lôi hết tập này, đến tập khác.
- Không phải tất cả mọi chuyện đều được kết thúc êm đẹp đâu, Watson ạ, - Anh nói. - Nhưng trong số đó có một vài chuyện thú vị, làm đau đầu tớ không ít. Ví dụ như: vụ giết chết Tarleton; câu chuyện của ngài Vamberry - một nhà buôn rượu vang; còn đây là một sự kiện của bà già người Nga. Đây là chuyện kỳ lạ của chiếc nhẫn bằng nhôm; rồi bảng chi tiêu tỉ mỉ về anh chàng Ricoletti chân cong với người vợ đáng sợ của ông. Còn đây... đây rõ ràng là một chuyện mê ly, hấp dẫn.
Anh thọc tay xuống sát đáy thùng và lôi ra một chiếc hộp bằng gỗ có nắp đậy, giống như chiếc hộp đựng đồ chơi trẻ em.
Anh mở hộp, lấy ra một tờ giấy đã nhàu nát, một chiếc chìa khóa bằng đồng kiểu cũ, một thanh gỗ có cuốn một cuộn dây nhỏ và ba chiếc vòng bằng kim loại đã bị han rỉ.
- Thế nào anh bạn, cậu có thích những thứ trang sức này không? - Anh hỏi, và mỉm cười với khuôn mặt ngơ ngác của tôi.
- Bộ sưu tập đầy tính hấp dẫn và kích thích sự hiếu kỳ.
- Rất hấp dẫn, còn câu chuyện của nó thì càng kích thích tò mò của cậu hơn.
- Chẳng lẽ, những vật kỷ niệm này đều có lịch sử?
- Hơn thế nữa, tự nó đã nói lên lịch sử rồi.
- Cậu định ám chỉ điều gì?
Sherlock Holmes trải các vật ra bàn, anh ngồi xuống ghế và ngắm nghía bằng cặp mắt sáng ngời, lấp lánh dầy hứng thú.
- Tớ đã giữ những vật này làm kỷ niệm về câu chuyện có liên quan đến “Bộ nghi lễ nhà Musgrave”.
Tôi đã nghe Holmes nói nhiều về câu chuyện này, nhưng chưa hề có dịp hỏi anh cặn kẽ mọi chi tiết.
- Cậu hãy kể cho tớ nghe mọi chuyện về vụ này đi. - Tôi đề nghị.
- Thế cứ để nguyên những đồ bỏ đi ở đây à? Chúng ta phải thu dọn chứ? - Anh thâm thúy hỏi lại - Sự yêu thích ngăn nắp, gọn gàng của cậu vứt ở đâu rồi. Nói thế thôi, tớ cũng rất muốn cậu bổ sung vụ này vào bộ biên niên sử của mình, bởi một lẽ nó có những tình tiết khá nổi tiếng trong làng hình sự, không những chỉ riêng ở nước Anh, mà có thể cả những nước khác nữa.
Bộ sưu tập những chiến công nhỏ của cậu sẽ không được trọn bộ nếu thiếu việc miêu tả, ghi chép câu chuyện lịch sử hoàn toàn có thật này...
Chắc cậu còn nhớ, chuyện xảy ra với “Gloria Scott” và đoạn đối thoại với ông già bất hạnh. Số phận của ông ta đã có lần tớ kể cho cậu.
- Ông là người đầu tiên gợi ý cho tớ về nghề nghiệp, mà sau này nó đã trở thành sự nghiệp của cuộc đời tớ. Hiện nay tên tuổi của tớ đã nổi tiếng, không chỉ trong dân chúng mà cả giới hình sự. Nhưng riêng việc giải quyết những vấn đề tranh cãi thì những người am hiểu đều đánh giá tớ ở bậc thấp. Khi chúng ta mới quen nhau, tớ đã có một vốn sống tương đối phong phú. Cậu có thể tưởng tượng được không? Lần đầu tớ vất vả biết bao, phải trải qua một thời gian dài tớ mới định hướng được.
Bước đầu tới Luân Đôn, tớ đến ở tại hẻm Montague nằm sau góc Viện bảo tàng British, tớ liền lao vào công tác nghiên cứu.
Tớ nghiên cứu tất cả các lĩnh vực kiến thức, vì nó rất có lợi cho nghề nghiệp tớ sau này. Dần dần, những người đến gặp tớ để nhờ giúp đỡ: phần lớn họ đến là do bạn bè, sinh viên ngày trước giới thiệu, vì trong những năm cuối của trường đại học người ta đã bàn tán không ít về phương pháp của bản thân tớ. Việc thứ ba, người ta đã nhờ tớ giải quyết việc của họ hàng nhà Musgrave. Hàng loạt sự kiện xảy ra một cách lý thú, các sự kiện khác tiếp theo làm cho tớ một phen điêu đứng và lúng túng; đó là nấc thang đầu tiên của con đường danh vọng và cũng là viên gạch đầu tiên để xây lên địa vị của tớ hiện nay.
Reginald Musgrave là bạn học cùng trường trung học với tớ, theo một quan tiệm nào đó thì tớ và anh ta có một tình thân bằng hữu. Anh ta quá rụt rè nhút nhát, đôi khi bạn bè cho rằng, anh ta làm cao, nên anh ta ít tiếng trong đám bạn bè. Bề ngoài anh ta đúng là một nhà quý tộc nòi; khuôn mặt thanh tú, mũi to, mắt hơi lồi; phong cách tuy hơi cẩu thả, nhưng vẫn giữ được vẻ tao nhã, thanh lịch. Thực ra, đó là một người còn sót hại của một dòng dõi vua chúa, đời này có lẽ là đời cháu chắt gì đó; vào thế kỷ thứ XVI dòng họ Musgrave ở miền Bắc, tách ra và thành lập ở phía tây Sussex; cơ ngơi Hurlstone - đó là dinh thự của dòng họ Musgrave, là một trong những ngôi nhà cổ kính nhất vùng này. Hình như, dinh thự - nơi anh ta sinh ra cũng mang nét hình hài của anh ta. Mỗi khi nhìn khuôn mặt trắng xanh của anh ấy, với những đường nét hơi thô, cùng phong thái đạo mạo thì bao giờ tớ cũng liên tưởng tới những mái vòm hình chóp, khung cửa hình vuông và tất cả những nét rơi rớt lại của nền kiến trúc phong kiến. Có đôi lúc chúng tôi tâm sự với nhau, lần nào anh ta cũng thích thú những phương pháp quan sát tinh tế và cách đánh giá, nhận xét chính xác của tớ.
Suốt bốn năm, chúng tôi không gặp nhau. Chợt một buổi sáng anh ta tới thăm tớ ở Montague. Anh ấy chẳng thay đổi mấy, ăn mặc rất bảnh bao - anh ta vốn là người thích ăn diện, và bây giờ vẫn giữ phong thái chững chạc đàng hoàng vốn có.
- Cậu vẫn khỏe chứ Musgrave? - Sau khi bắt tay thân mật, tớ hỏi.
- Chắc cậu cũng biết, cha tớ vừa qua đời - Anh ta nói. - Chuyện ấy xảy ra đã gần hai năm rồi, cậu hiểu cho tớ, lúc bấy giờ tớ phải đứng ra đảm đương gánh vác việc cai quản cơ ngơi Hurlstone rất vất vả. Hơn nữa, tớ là đại biểu của một vùng, bận ơi là bận. Còn cậu, nghe đâu đã sử dụng khả năng hiếm có của mình để giúp đỡ mọi người có phải không?
- Đúng đấy, - Tớ trả lời - tớ có ý định dùng trí tuệ của mình để kiếm mẩu bánh mì.
- Rất sung sướng được biết như vậy, bởi vì lời khuyên bảo của cậu bây giờ đối với tớ thật quý giá. Ở chỗ tớ đã xảy ra một chuyện mà cảnh sát đành bó tay. Câu chuyện làm đau đầu mọi người. Cậu có thể hình dung tớ nghe anh ta như thế nào không, Watson. Đây chính là trường hợp mà tớ đã cháy ruột, cháy gan chờ đợi ròng rã trong những tháng ngày thất nghiệp, cuối cùng nó đã đến với tớ. Từ đáy lòng, bao giờ tớ cũng tin rằng, tớ có thể đạt kết quả ở những nơi mà kẻ khác bó tay; và đây chính là dịp để tớ thử nghiệm chính bản thân mình.
- Cậu hãy kể cặn kẽ cho tớ nghe với! - Tôi thốt lên.
Sherlock tiếp tục:
- Tớ mời anh bạn Reginald Musgrave một điếu thuốc, anh ta ngồi đối diện với tớ và châm thuốc.
- Cần nói với cậu, - Anh ta mào đầu - mặc dù tớ chưa vợ, nhưng tớ vẫn phải giữ lại ở dinh thự Hurlstone một biên chế hoàn chỉnh số người phục vụ giúp việc. Dinh thự rất to, được xây cất quá vụng về, không hợp lý và vì thế cần có người trông coi thường xuyên để đề phòng trộm cắp. Hơn nữa, chỗ tớ có một khu rừng cấm, cứ đến mùa săn chim trĩ, thì trong nhà tập trung cả một hội lớn, đòi hỏi không ít người phục vụ. Tất cả có tám người, người hầu, người làm bếp, thêm hai người xà ích và một thằng bé để chạy thư từ, tất nhiên không kể người thợ làm vườn và những người giám mã.
Trong số những người phục vụ ấy, có anh chàng Brunton là người phục vụ lâu nhất. Lúc bố tớ mời anh ta về, anh ta chỉ là một thầy giáo trẻ thất nghiệp; chẳng bao lâu, với nghị lực phi thường, tính cách mạnh mẽ, anh ta nghiễm nhiên trở thành một người không thể thiếu được trong nhà tớ.
Đó là một gã đàn ông cao to, đẹp trai, có vầng trán đẹp đẽ.
Tuy anh ta làm việc ở nhà tớ được hai mươi năm, nhưng anh ta chưa đến bốn mươi tuổi. Một điều rất lạ, tại sao với hình thức hấp dẫn và năng khiếu hiếm có như thế, hơn nữa anh ta lại nói được vài ba thứ tiếng, biết chơi hầu hết các loại nhạc cụ, lại cam chịu một địa vị quá ư thấp hèn? Anh ta sống không đến nỗi tồi, lúc nào cũng vui vẻ và không có ý định thay đổi cách sống.
Người hầu này bao giờ cũng thu hút sự chú ý của khách khứa.
Nhưng trong con người hoàn hảo này vẫn có thiếu sót: anh ta là người có tính lăng nhăng, quan hệ yêu đương bừa bãi. Cậu biết đấy, trong địa hạt chúng tớ, anh ta thực hiện vai sở khanh không có gì là khó.
Khi vợ anh ta còn sống mọi việc đều tốt đẹp. Nhưng khi vợ anh ta mất, thì anh ta gây cho chúng tớ không ít phiền toái.
Thú thật vài tháng trước chúng tớ đã yên tâm, vì anh ta đã đính hôn với cô bé Rachel Howells một con hầu trẻ tuổi. Nhưng sau đó, thậm tệ anh ta đã theo đuổi cô Janet Tregellis - con gái của một người thợ săn già lành nghề. Rachel - một cô gái có lòng tự trọng cao, nhưng rất nóng nảy và tính khí thì thất thường, như người dân vùng Welsh, hơn nữa cô ta bị bệnh viêm màng não nằm liệt giường liệt chiếu. Cô ta mới hồi phục, và đi lại như một cái bóng, người cô ta chỉ còn lại đôi mắt.
Đó là tấn kịch đầu tiên xảy ra ở dinh thự Hurlstone của chúng tớ. Nhưng tiếp theo là một chuyện tày trời hơn đã xóa nhòa chuyện cũ trong ký ức chúng tớ. Đó là việc, người hầu trai Brunton đã bị đuổi ra khỏi nhà một cách nhục nhã.
Vụ đó xảy ra như thế này: Tớ đã kể cho cậu nghe rồi.
Brunton là một người rất thông minh, có lẽ chính sự thông minh đã là nguyên nhân làm hư hỏng anh ta. Anh ta hay tò mò đến những đồ vật không hề dính dáng đến anh ta. Tớ chưa bao giờ nghĩ rằng, anh ta lại có thể đi xa đến như thế, sự việc xảy ra làm tớ sáng mắt ra.
Ngôi nhà chúng tớ xây dựng thật luộm thuộm phía trong nhiều đường đi ngang dọc. Tuần trước chính xác hơn là vào đêm thứ năm tuần trước, vì đã trót uống một ly cà phê quá đậm sau bữa ăn nên tớ nằm trằn trọc mãi đến hai giờ sáng. Tớ không thể nào ngủ được, bèn ngồi dậy, thắp nến để đọc tiếp cuốn tiểu thuyết. Nhưng cuốn sách lại để quên ở phòng đọc, tớ khoác áo choàng đi vào lấy cuốn sách.
Muốn đi đến phòng đọc, tớ phải đi xuống một đoạn cầu thang nối, cắt ngang qua hành lang để đến phòng đọc và phòng để vũ khí. Tớ giật mình, ngạc nhiên khi nhìn thấy ánh sáng leo lắt chiếu qua cách cửa mở toang của thư viện. Trước khi đi ngủ, chính tay tớ đã tắt đèn, đóng cửa cẩn thận. Tớ nghĩ, có lẽ kẻ trộm đã lọt vào nhà; các bức tường của tất cả hành lang của dinh thự Hurlstone được treo đầy các loại vũ khí kỳ dị - đấy là chiến lợi phẩm của tổ tiên chúng tớ. Tớ vớ lấy một cây mã tấu dựng trên tường và đặt cây nến xuống nền nhà, rồi rón rén đi trên mấy đầu ngón chân, liếc nhìn qua cánh cửa bỏ trống của thư viện.
Thằng hầu Brunton, ăn mặc chỉnh tề, đang ung dung ngồi trong chiếc ghế bành. Trên đùi hắn có một tờ giấy trông như một tấm bản đồ địa lý; hắn ngắm nghía với vẻ đăm chiêu và trầm ngâm suy nghĩ rất lung. Sững sờ vì quá kinh ngạc, tớ đứng im quan sát hắn. Trong phòng được thắp một ngọn nến đang cháy dở, chợt Brunton đứng lên, đi tới chỗ chiếc tủ mở ra một ngăn kéo lấy ra một tờ giấy và trở về chỗ cũ, trải tờ giấy xuống bàn bên cạnh mẩu nến, và bắt đầu quan sát.
Kiểu cách nghiên cứu thản nhiên những giấy má trong gia đình tớ của hắn làm tớ vô cùng căm phẫn. Không chịu đựng được nữa, tớ bèn bước vào. Brunton vừa dừng lại ngước lên, thì hắn nhìn thấy tớ đang đứng trước cửa. Hắn vội vàng đứng dậy, mặt mày tái nhợt vì sợ hãi, và vội vội vàng vàng nhét tờ giấy như tấm bản đồ vào túi.
- Hay ho nhỉ! - Tớ lên tiếng - Anh lạm dụng lòng tin của tôi mới khéo làm sao? Từ ngày mai anh buộc phải thôi việc.
Hắn cúi xuống, bò lết lại chỗ tớ không nói một lời nào.
Mẩu nến còn nằm trên bàn, rọi le lắt những ánh sáng, tớ liếc nhìn tờ giấy mà Brunton lôi ra từ ngăn kéo. Tớ vô cùng ngạc nhiên, đấy không phải là giấy tờ quan trọng, mà chỉ là bản sao các câu hỏi và câu trả lời. Chúng tớ quen gọi là “Bộ nghi lễ nhà Musgrave”. Đã vài ba thế kỷ nay, mỗi người đàn ông trong dòng họ chúng tớ, khi đến tuổi trưởng thành, đều phải thực hiện lễ chế ấy. Nó chỉ có ý nghĩa đối với các thành viên trong gia đình này, nhưng ngoài đời nó không có một ý nghĩa thực tế nào hết.
- Với tờ giấy ấy, chúng ta sẽ bàn sau. - Tớ đề nghị với Musgrave.
- Nếu cậu cho là cần thiết - Anh ta nói có phần lưỡng lự - tớ sẽ kể tiếp các sự kiện. Sau khi dùng chìa khóa; khóa tủ lại, tớ định đi ra, chợt Brunton đến trước mặt tớ.
- Thưa ngài “Musgrave”. - Anh ta thốt lên bằng một giọng khàn khàn vì hồi hộp - Tôi không chịu đựng nổi nỗi nhục nhã này! Tôi là một kẻ nhỏ nhen, nhưng tôi có lòng tự trọng, nỗi nhục này sẽ làm tôi chết mất. Cái chết của tôi nằm trong lương tâm ngài, nếu ngài cố tình đẩy tôi vào con đường cùng cực, tuyệt vọng tôi cắn rơm, cắn cỏ lạy ngài nếu ngài thấy rằng sau hành động đê tiện của tôi ngài không thể dùng tôi được thì mong ngài hãy cho tôi thời hạn một tháng để tôi có thể nói với mọi người là tôi tự nguyện ra đi, chứ không phải là do bị đuổi. Dưới con mắt của mọi người quen biết và thân thuộc với tôi, tôi không thể chịu đựng được.
- Anh không xứng đáng để mọi người tôn trọng như vậy, anh Brunton ạ - Tớ trả lời hắn. - Hành động của anh tôi không thể ngờ được. Nhưng tôi chiếu cố cho anh, vì anh phục vụ trong gia đình tôi cũng khá lâu, tôi sẽ không bêu riếu anh trước mặt mọi người. Tuy thế, một tháng thì quá nhiều. Anh có thể ra đi trong vòng một tuần, với lý do nào thì tùy anh.
- Thưa ngài, có một tuần thôi ư? - Anh ta thốt lên đầy thiểu não - Ôi! mong ngài rộng lượng cho thêm hai tuần thôi cũng được!
- Sau một tuần. - Tôi lặp lại - Đối với anh như, vậy là quá nhân nhượng rồi.
Sau khi cúi đầu nhận tội, hắn chậm rãi bước ra như một kẻ đã chết hoàn toàn, còn tớ tắt nến, quay về phòng mình.
Trong vòng hai ngày sau đó, Brunton đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình. Tớ cũng không nhắc anh ta về sự việc đã xảy ra, và nóng lòng mong đợi hắn sẽ nghĩ cách gì để che đậy chuyện nhục nhã của mình nhưng, sang ngày thứ ba, trái với thông thường, không thấy hắn đến nhận việc. Sau bữa ăn sáng, trong khi bước ra khỏi phòng tớ đã tình cờ thấy con hầu Rachel Howells. Tớ đã nói với cậu là cô này vừa mới ốm dậy, trông cô ta có vẻ phờ phạc, đến nỗi tớ cũng phải trách cô vì cô đã làm việc khi chưa bình phục.
- Cô cứ nghỉ cho khỏe đã - Tớ nói. - Chờ khi nào khỏe hẳn bắt tay vào việc cũng không muộn.
- Em đã khỏe hẳn rồi, thưa ông chủ. - Cô ta đáp.
- Chúng tôi phải chờ xem bác sĩ kết luận như thế nào? - Tớ chống chế. - Cô hãy dừng ngay công việc và đi tìm Brunton nói anh ta đến gặp tôi.
- Anh Brunton bỏ trốn rồi ạ. - Cô ta đáp.
- Bỏ trốn!
- Vâng, anh ta biệt tích, không một ai nhìn thấy. Trong phòng cũng không có. Anh ta bỏ trốn; vâng đã trốn!
Cô ta đứng dựa hẳn vào tường và cười hô hố trong một cơn động kinh. Còn tớ, trong lúc lo sợ vì cái động kinh bất ngờ, tớ chạy đến rung chuông kêu người đày tớ. Người ta đã mang cô gái vào phòng, cô ta vẫn tiếp tục cười rất man rợ và khóc sướt mướt. Tớ vẫn tiếp tục tìm Brunton: Nhưng anh ta đã mất tích - điều đó không còn nghi ngờ gì nữa, giường chiếu của anh ta vẫn còn nguyên vẹn, không ai nhìn thấy anh ta kể từ lúc anh ta quay về phòng mình chiều tối hôm qua. Nhưng không thể tưởng tượng nổi, bằng cách nào anh chuồn được khỏi nhà: tất cả cửa sổ, cửa ra vào đều được khóa từ bên trong. Quần áo, đồng hồ ngay cả tiền bạc của Brunton vẫn còn đầy đủ trong phòng anh ta, chỉ có một bộ đồ đen, bộ anh ta hay mặc là không thấy; đôi dép dùng trong nhà cũng không có, chỉ còn một đôi ủng. Trong đêm hôm khuya khoắt Brunton bỏ đi đâu và chuyện gì đã xảy ra với anh ta.
Cậu biết không? Chúng tớ đã lùng sục khắp mọi xó xỉnh, nhưng không hề thấy một dấu vết nào của anh ta. Tớ xin nhắc lại, dinh thự của tớ thật sự rối rắm, đặc biệt những mái vòng cũ kỹ hoang vắng không người ở, nhưng chúng tớ cũng cứ lùng sục từng nơi một; thậm chí cả những gác xép. Mọi cố gắng của chúng tớ điều không mang lại kết quả gì. Thật đơn giản, tớ không thể tin là anh chàng Brunton đã ra đi, mà để lại tất cả tài sản, tớ nghĩ rằng, anh ta mất tích. Tớ cũng đã mới cảnh sát địa phương tới giúp. Nhưng cảnh sát cũng không khám phá được gì mới. Trước khi xảy ra vụ mất tích, có một trận mưa, do vậy mọi quan sát các dấu vết ở bãi cỏ, con đường đều vô nghĩa. Tình thế nan giải như vậy đó.
Cô Retten Howells liên tiếp trong hai ngày cứ tỉnh tỉnh mê mê và lên những cơn động kinh thật khủng khiếp. Cô ta khó ở đến nỗi chúng tớ phải cho một người hộ lý luôn luôn túc trực bên cạnh. Đêm thứ ba sau ngày Brunton bị mất tích, cô hộ lý thấy người bệnh đã ngủ, nên cô ta cũng thiu thiu một giấc. Sáng sớm hôm sau, khi thức dậy cô hộ lý giật mình khi nhìn thấy chiếc giường trống trơn, cửa sổ thì mở toang, bệnh nhân thì biến mất. Người ta lập tức gọi tớ dậy, tớ lấy hai xà ích rồi bổ đi tìm.
Chúng tớ dễ dàng xác định hướng đi của cô hầu gái. Bắt đầu từ cửa sổ, cho đến một cái ao dọc theo bãi cỏ các dấu vết rất rõ, khi đến con đường rải sỏi thì mọi dấu vết biến mất. Cái ao lớn này có chỗ sâu đến 8 foot, cậu thử hình dung xem, khi chúng tớ nhìn thấy đôi tất của cô gái đáng thương đang trôi lững lờ trên mặt nước. Chúng tôi vội vàng lấy câu liêm để vớt xác kẻ chết đuối; nhưng vô vọng, đáy ao không có xác một người nào. Thay vào đó, chúng tớ bị bất ngờ bởi vớt lên được một chiếc bao tải bằngvải gai, trong bao tải được nhét đầy những mảnh vụn kim loại cũ, đã han rỉ, mất hết màu sắc; các mảnh đó đùng đục mờ mờ như các mảnh sành, và cũng hơi giống thủy tinh. Không còn vật gì khác, mặc dù chúng tớ đã cật lực tìm kiếm cả ngày hôm qua.
Chúng tớ đã tiến hành gạn hỏi, chất vấn mọi người nhưng vẫn không biết Brunton và Rachel Howells hiện nay ở đâu. Cảnh sát địa phương bất lực, lắc đầu; và cuối cùng tớ chỉ có hy vọng cuối cùng là nhờ đến cậu, Sherlock Holmes ạ.
Cậu biết không, Watson, tớ đã lắng nghe câu chuyện với sự thú vị. Tớ có tham vọng sẽ kết dính các sự kiện thành chuỗi thống nhất, để lần tìm một sợi chỉ dẫn đường, sợi chỉ xuyên suốt mọi hành động, nhằm tìm giải đáp của một bài toán hóc búa.
Người hầu trai biệt tích, cô hầu gái cũng biến luôn. Có một thời gian cô hầu gái đã yêu say đắm anh chàng hầu trai, nhưng sau đó lại thù ghét anh ta. Cô bé ấy là người vùng Welsh, tính khí rất mãnh liệt nên tình yêu mặn nồng thiết tha. Sau khi anh chàng Brunton bị mất tích, tâm trạng cô ta bị kích động dữ dội.
Cô ta đã ném xuống ao một bao tải đựng toàn đồ kỳ quặc. Mỗi sự kiện đều làm cho chúng ta phải suy nghĩ, nhưng không có sự kiện nào trong đó chỉ ra được thực chất của vấn đề. Tớ phải tìm đầu sợi chỉ trong mớ bòng bong ở đâu? Nhưng tớ thoáng ngờ một mắt xích trong cả chuỗi rối rắm kỳ lạ ấy...
- Musgrave! - Tớ nói - Tôi cần xem tờ giấy mà anh chàng Brunton đã nghiền ngẫm, thậm chí vì nó mà anh ta dám xăm mình đi một nước cờ liều để rồi phải mất việc.
- Thực ra, “bộ nghi lê” của chúng tôi, chỉ toàn là điều nhảm nhí. - Anh ta nói - Cái quý duy nhất của nó là tính chất đồ cổ, lịch sử. Tôi có mang theo bản sao chép để phòng, nếu cần anh cứ xem.
Anh ta đưa cho tớ chính mảnh giấy này, tờ giấy mà tớ đang cầm trên tay đây, Watson. Bộ nghi lễ - Ý nghĩa của nó đại loại như một kỳ thi sát hạch, mà mỗi người đàn ông trong dòng họ Musgrave đều phải trải qua khi đến tuổi vị thành niên. Tớ sẽ đọc cho cậu nghe những câu hỏi và câu trả lời theo thứ tự ghi chép.
“Cái này đang thuộc về ai?”
“Về người đã ra đi”.
“Cái này sẽ thuộc về ai?”
“Về người sẽ đi đến”.
“Cái này đã có từ tháng mấy?”
“Tháng thứ sáu, tính từ tháng thứ nhất trở đi”
“Mặt trời ở đâu”
“Trên ngọn cây sồi”.
“Bóng của nó ở đâu?”.
“Ở dưới gốc cây du”
“Cần bước mấy bước?”
“Về phía bắc - 10 và 10; đi về phía đông - 5 và 5; về phía nam - 2 và 2; về phía tây - 1 và 1, và đi xuống dưới”.
“Chúng ta sẽ hiến dâng cái gì cho việc ấy”
“Tất cả những gì mà chúng ta có”.
“Vì cái gì mà chúng ta hiến dâng?”
“Vì trách nhiệm, nghĩa vụ”
- Trong nguyên bản không thấy ghi ngày tháng - Musgrave nhận xét - Nhưng theo lối viết và ngữ pháp thì tôi đoán khoảng giữa thế kỷ XVII. Tôi e rằng những tài liệu này không giúp được gì cho anh trong việc giải quyết điều bí ẩn ở dinh thự tôi.
- Cũng có thể, nhưng nó đặt ra trước mắt chúng ta một câu đố thứ hai. - Tớ trả lời. - Một câu đố gợi trí tò mò một cách thích thú. Nếu ta giải được câu đố này thì có khả năng khám phá ra đáp số của bài toán thứ nhất. Tớ hy vọng, cậu sẽ không giận tớ Musgrave ạ, người hầu trai của cậu là một người thông minh, khôn ngoan và nhậy bén, thấu hiểu mọi vấn đề hơn hẳn chủ anh ta đến mười lần.
- Thú thật, tôi không hiểu anh định nói cái gì? - Musgrave trả lời. - Tôi nghĩ, tờ giấy này không có một chút ý nghĩa thực tế nào hết.
- Riêng tôi, thì cho rằng nó rất quan trọng, có lẽ Brunton có suy nghĩ giống tôi. Chắc là anh chàng hầu trai kia đã nhìn thấy tờ giấy này trước đêm mà anh bắt quả tang anh ta.
- Hoàn toàn có thể, chúng tôi không giấu kín cái gì.
- Chính xác hơn, lúc ấy anh ta chỉ muốn xem để nhớ nội dung. Theo tôi hiểu, anh ta đã cầm trên tay một tấm bản đồ, đang so sánh với bản chép tay. Khi nhìn thấy anh, thì anh ta vội vàng nhét bản đồ vào túi.
- Đúng, anh ta cần xem tờ tiết lễ có tính chất gia giáo của chúng tôi để làm gì? Sự đam mê khờ dại kia chẳng dẫn đến kết quả nào hết?
- Tôi thiết nghĩ chúng ta có khả năng tìm được đáp số không đến nỗi khó khăn. - Tớ đáp, nếu anh đồng ý, chúng ta sẽ đi chuyến tàu đầu tiên đến Sussex và mổ xẻ thật kỹ vụ này tại hiện trường.
Chúng tớ có mặt tại dinh thự Hurlstone trong ngày hôm ấy. Cậu đã thấy bức tranh họa ngôi nhà này chưa? Cậu đã đọc được những đoạn người ta miêu tả về nó chưa? Tớ nói cho cậu rõ, dinh thự này có hình dáng “L” một mái dài, trông ra dáng hơi hiện đại, còn một mái ngắn cũn cỡn trông rất cổ kính. Có thể vì, đó là chiếc bào thai đã sản sinh ra tất cả. Ngay phía trên cánh cửa hẹp, nặng nề ở ngay trung tâm có khắc năm xây dựng “1607”. Nhưng những nhà am hiểu lịch sử và kiến trúc thì cho rằng, những thanh xà gỗ, đá lát nền còn cổ kính lâu đời hơn nhiều. Ở thế kỷ trước, người ta thấy những bức tượng dày quái dị, cửa sổ thì bé tẹo nằm ngay phần chính ngôi nhà, đã thôi thúc chủ nhân phải xây thêm một mái nhà mới, mái nhà cũ chỉ dùng làm kho và hầm chứa, phần còn lại thì bỏ trống. Xung quanh dinh thự có một công viên bao bọc, ở trong trồng nhiều loại cây cổ thụ che mắt rất tuyệt. Còn cái hồ, hay cái ao như người khách đã nhắc tới, nằm cuối hàng cây, cách nhà chừng 200 yard.
Lúc bấy giờ, tớ cứ đinh ninh rằng không hề có ba bài toán riêng biệt, mà chỉ tồn tại lột câu đố duy nhất. Nếu tớ thành công việc giải mã bộ nghi lễ nhà Musgrave, chắc chắn tớ sẽ tìm ra chiếc chìa khóa để khám phá vụ mất tích của Brunton và Howells. Tớ tập trung toàn bộ năng lực và thời gian lao vào công việc. Tại sao Brunton lại giao đầu miệt mài nghiên cứu. Bộ nghi lễ có nội dung thật kỳ lạ và hơi ngớ ngẩn? Rõ ràng anh ta đã đọc được ý nghĩa của nó, ý nghĩa này đã đánh lạc hướng nhiều thế hệ chủ nhân khu dinh thự. Điều này, không thể là cái gì khác ngoài việc anh ta hy vọng sẽ được món hời riêng cho bản thân mình. Món hời này là gì? Vì sao lại làm thay đổi số phận anh ta?
Khi đã nghiên cứu kỹ tờ giấy, tớ đã sáng tỏ được một điều: các con số có liên quan đến một địa điểm nào đó có khả năng giấu vật gì đó đã được nhắc tới ở phần đầu bộ nghi lễ. Nếu chúng ta phát hiện được điểm đó, thì chúng ta sẽ tìm được con đường đúng đắn để vạch ra điều bí mật - bí mật này đã được tổ tiên anh chàng Musgrave, biến thành mật mã theo kiểu gia phả. Để tiến hành công việc tìm kiếm, trong tay chúng ta đã có hai vật làm chuẩn. Đó là cây sồi và cây du. Về cây sồi thì không còn gì để nghi ngờ. Ngay trước mặt ngôi nhà, bên trái conđường, có một cây sồi cổ thụ, ra dáng già lão nhất. Đó là một cây sồi vĩ đại, đồ sộ nhất mà bây giờ tớ mới có dịp nhìn thấy.
- Khi viết “Bộ nghi lễ” này, cây sồi này đã có chưa? - Tớ hỏi Musgrave.
- Cậu nói gì? Theo tớ nó có từ thời trung cổ kia - Anh ta trả lời.
- Thân nó to dễ đến 23 food.
Một điểm chính được sáng tỏ.
- Ở đây ngày trước có cây du cổ thụ nào không? - Tớ hỏi.
- Cách đây không xa có một cây khá to, nhưng mười năm trước đây một cơn sét đã đánh trúng nó, người ta đã đào gốc nó lên rồi.
- Anh còn nhớ chỗ nó mọc chứ?
- Tất nhiên, tôi nhớ.
- Còn những cây du khác, quanh đây có nhiều không?
- Cây cổ thụ thì không, còn cây con rất nhiều.
- Tôi muốn biết cây du đã mọc ở đâu.
Chúng tớ đi đến bằng xe kéo, anh bạn của tớ không bước vào nhà, mà dẫn tớ tới ngay chỗ cây du trước kia đã sống, bây giờ ở đó là một bãi cỏ xanh rì. Vị trí này bằng nửa đường giữa cây sồi và ngôi nhà. Công việc tìm kiếm của chúng tớ rất trôi chảy tốt đẹp.
- Chà, gay go thật, làm sao chúng ta xác định được độ cao của cây du? - Tớ hơi chán nản hỏi.
- Ngay bây giờ tôi có thể trả lời cho anh: Nó cao 64 food.
- Làm sao cậu biết chính xác thế? - Tớ ngạc nhiên thốt lên.
- Ngày trước, ông giáo đại học của tớ, có ra bài tập về môn lượng giác; ông bắt tớ xác định độ cao, đo chiều dài... vì thế, khi còn nhỏ tớ đã đo các cây và những vật được xây dựng trong dinh cơ này.
Một kết quả đến quá bất ngờ. Một nguồn tin đến với tớ nhanh hơn dự tính.
- Cậu làm ơn cho tớ biết, thằng hầu của cậu có bao giờ hỏi một câu đại loại như tớ hỏi không? - Tớ hỏi.
Musgrave nhìn tôi ngạc nhiên.
- Nghe cậu nhắc chuyện này - Anh ta nói. - Tớ nhớ lại cách đây vài tháng Brunton có hỏi tôi về độ cao cây du đó. Anh ta giải thích rằng, có một trận cãi vã, cá độ về cây du với một người đày tớ khác... Điều này, chứng tỏ tớ đã đi đúng hướng, Watson ạ. Tớ nhìn lên mặt trời, trời đã chuyển về chiều. Tớ nghĩ khoảng một giờ nữa mặt trời sẽ nằm chếch đúng trên ngọn cây sồi cổ thụ.
Điều kiện thứ nhất ghi trên tờ giấy sẽ được thực hiện. Điểm nào dính líu đến bóng cây du? Ở đây họ muốn chỉ bóng xa nhất của nó. Tớ phải xác định điểm cuối của bóng cây du, xem nó sẽ ngả đến đâu khi mặt trời đứng ngay trên ngọn cây sồi.
- Chuyện này không đơn giản phải không Holmes? Vì cây du không còn ở đấy nữa.
- Tất nhiên là khó. Nhưng tớ biết, nếu Brunton làm được thì tớ cũng phải làm được. Hơn nữa đấy không phải là chuyện khó như cậu tưởng đâu. Tớ cùng với Musgrave đi vào trong phòng của anh ta, rồi chặt lấy một cái cọc nhỏ, buộc vào đó một sợi dây; đánh dấu từng đoạn, mỗi đoạn bằng một yard. Sau đó, tớ nối hai chiếc cần câu lại và trong tay tớ có một đoạn dài 6 food. Tớ cũng cùng anh bạn tớ đi đến chỗ cây du mọc. Mặt trời vừa vặn lơ lửng trên ngọn đồi. Tớ cắm đoạn cây của tớ xuống đất xác định bóng của nó ngả theo hướng nào, và đo bóng của nó đúng 9 food. Hướng của chúng thì trùng nhau rồi. Tớ đo khoảng cách ấy, bóng cây du trong tính toán dẫn tớ đến một điểm gần sát bức tường của ngôi nhà, tớ đóng cọc làm dấu.
Watson, cậu có biết tớ sung sướng như thế nào không?
Cách cây cọc của tớ 2 inch, tớ nhìn thấy có một cái lỗ hình côn!
Tớ hiểu đấy là điểm làm dấu của Brunton khi anh ta tiến hành đo tính. Tớ đã lần theo dấu vết của anh ta.
Từ điểm xuất phát ấy tớ bất đầu đếm bước, trước đó tớ đã dùng la bàn để xác định phương hướng. Mười bước và thêm mười bước nữa tớ hiểu mỗi chân bước mười bước. Theo phương bắc, tớ bước hai mươi bước, dọc theo bức tường tớ đóng cọc làmdấu, sau đó trước năm bước, rồi sau năm bước nữa theo hướng đông, rồi hai bước và hai bước theo hướng nam. Đến đây tớ đứng ngay trước một cánh cửa cũ kỹ. Chỉ còn lại một bước và một bước nữa theo hướng tây, nhưng như thế tớ buộc phải đi xuyên qua hành lang lát toàn bằng đá tảng. Chẳng lẽ, đây chính là điểm ghi trong gia phả?
Trong đời chưa bao giờ tới gặp phải một chuyện đau khổ và đáng buồn như vậy, Watson ạ. Trong một giây, tớ có ý nghĩ hãy tính toán của mình bị nhầm lẫn chỗ nào chăng? Mặt trời chiếu rực rỡ, soi rõ nền của hành lang, những tấm đá lát cũ kỹ được trát xi măng kín mít, tất nhiên hàng trăm năm nay chưa hề suy chuyển. Rõ một điều là Brunton chưa đụng đến đấy. Tớ gõ gõ một vài chỗ trên nền đá, nhưng khắp nơi đều nghe thấy tiếng kêu giống nhau; không có một dấu hiệu nào chứng tỏ có vết nứt hoặc khe hở.
Rất may, anh chàng Musgrave đã bắt đầu hiểu ra ý nghĩa việc làm của tớ. Lúc này, anh ta ít hồi hộp, lo lắng hơn tớ. Anh lấy tờ gia phả ra để kiểm nghiệm lại các phép tính của tớ.
- Và chui xuống nữa! - Anh ta chợt reo lên. - Anh đã quên mất câu “... và chui xuống”.
Tớ vỡ lẽ ra tất cả. Có nghĩa là phải đào đất để tìm nhưng lúc ấy tớ bỗng trở nên thông thái lạ thường và biết rằng mình đã nhầm.
- Như vậy có nghĩa, ở đây có một tầng ngầm? - Tớ thốt lên.
- Đúng, nó được xây đồng thời với ngôi nhà. Nào, nhanh chóng đi - xuống, đi qua cánh cửa này! Musgrave nói.
Dọc theo cầu thang xoắn chôn ốc xây bằng đá, chúng tôi đi xuống hầm ngầm. Anh bạn của tớ quẹt diêm châm cây đèn lớn để trên chiếc thùng phi. Trong khoảnh khắc, chúng tớ đều khẳng định là mình đã đi đúng hướng. Chúng tôi cũng nhận thấy, có người nào đó đã đến đây trước chúng tôi chỉ mới hai, ba ngày.
Ở tầng hầm này, người ta chất đầy củi; những thanh củi trước kia trải đầy mặt đất, giờ đã được dồn sát chân tường, giải phóng một khoảng không gian ở giữa. Ở đây có một phiến đá rộng, to và nặng nề đang nằm chình ình. Giữa phiến đá đượcgắn một cái vòng bằng sắt đã hoen rỉ; trong vòng sắt có ai đã buộc một chiếc khăn quàng cổ, vải ca rô trông còn khá tốt.
- Quỷ tha ma bắt, cái khăn của Brunton! Nhưng sao nó lại ở đây? - Musgrave thốt lên ngạc nhiên và giận dữ - Tớ đã trông thấy hắn quàng chiếc khăn này ở cổ. Nhưng thằng đểu cáng, mất dạy làm gì ở đây kia chứ?
Theo đề nghị của tớ, người ta cho mời hai viên cảnh sát địa phương đến. Với sự có mặt của họ, tớ toan nhấc phiến đá lên. Nhưng với sức lực của tớ phiên đá chỉ hơi nhấc khe khẽ.
Nhờ sự giúp đỡ của viên cảnh sát, tớ mới làm nổi công việc dịch chuyển phiến đá sang một bên. Dưới phiến đá là một cái hố đen ngòm, toang hoác miệng; tất cả chúng tớ đều nhòm vào.
Musgrave quỳ xuống, và đưa thấp ngọn đèn xuống miệng hố.
Chúng tôi trông thấy chiếc hầm hình vuông chật hẹp, sâu độ 7 food, rộng mỗi bên độ 4 food. Một chiếc rương nhỏ, làm bằng gỗ được nẹp bốn góc bằng đồng, nằm dưới hầm: Một chiếc khóa cũ kỹ trông ngồ ngộ, đang lắc lư trong ổ khoá. Bụi phủ đầy chiếc rương, hơi ẩm mốc đã làm phần gỗ phía trong mục nát.
Vài đồng xu bằng kim khí - giống như những đồng xu cậu trông thấy ở đây, đó là những đồng bạc thời xưa, lăn lóc nằm dưới đáy rương. Ngoài mấy thứ đó ra, trong rương không còn bất kỳ vật nào. Tuy thế trong mấy phút đầu, chúng tớ không chú ý lắm đến rương, mà tất cả cặp mắt đều đổ dồn vào vật đang nằm bên cạnh rương. Một người đàn ông, mặc đồ đen đang ngồi chồm hổm, đầu gục xuống, hai tay ôm chặt lấy rương. Khuôn mặt của người đó trắng bệch và biến dạng không thể nào nhận ra.
Nhưng, khi chúng tớ dựng anh ta lên, Musgrave phán đoán theo tầm vóc kích thước, quần áo, tóc tai của kẻ bất hạnh và đã nhận ra đấy chính là anh chàng Brunton bị mất tích. Brunton chết trước đó vài ngày, nhưng trên người anh ta không tìm thấy dấu vết thương tích... để có thể làm sáng tỏ số phận bi đát của anh ta. Khi chúng tớ lôi được xác chết lên khỏi hầm, chúng tớ lại đứng trước một bài toán hóc búa, không kém phần đau đầu, so với giải đáp mà chúng tớ vừa khám phá ra...
Thú thật với cậu, Watson ạ! Tớ rất nản lòng và chán chường trước hết quả của công cuộc tìm kiếm. Tớ chỉ nghĩ rằng, tìm được địa điểm bí mật đã ghi trong gia phả lâu đời, thì mọi việc sẽ được sáng tỏ; nhưng khi đứng đúng chỗ cần tìm, thì mọi bí mật của nhà Musgrave vẫn còn quá mù mịt. Thật ra, tớ đã làm rõ việc Brunton mất tích, nhưng tớ phải giải quyết một vấn đề, để làm sáng tỏ một điều; Bằng cách nào số phận của Brunton lại bi đát đến như thế: còn người hầu gái kia có đóng vai trò gì không? Tớ ngồi xuống một chiếc thùng gỗ kê trong góc, suy tính trong óc mọi tình tiết của câu chuyện đã xảy ra...
Watson, cậu biết phương pháp của tớ trong nhưng trường hợp tương tự: Tớ đặt mình vào trường hợp kẻ hành động; trước hết cần nắm được trình độ suy luận và mức độ thông minh của anh ta. Tớ sẽ tưởng tượng mình là kẻ đó thì mình sẽ hành động ra sao? Chuyện này có đơn giản hơn, vì Brunton là kẻ có bộ óc không phải là tầm thường, tớ không phải mất công lắm để tính toán mức độ chênh lệch giữa trình độ suy luận của anh ta so với tớ. Brunton biết có một vật quý giá đang được cất giấu ở đâu đó.
Anh ta đủ trí thông minh đế xác định được chính xác vị trí. Anh ta biết chắc chắn rằng, tấm đá che miệng hầm rất nặng, một người thì không tài nào nhấc nổi. Sau đó, anh ta sẽ làm gì? Anh ta không thể cầu cứu người lạ được. Nếu tìm được một người mà anh ta tin tưởng, thì dẫu sao, khi đóng chặt cánh cổng từ bên ngoài, anh ta cũng thừa hiểu mình đi một bước quá liều lĩnh.
Tốt hơn hết, nên tìm một người ở ngay trong dinh thự nhà Musgrave. Nhưng Brunton cần tìm ai bây giờ? Người hầu gái kia đã có một thời yêu thương anh ta. Người đàn ông, dù có những hành động đáng trách với người phụ nữ, nhưng anh ta vẫn tin rằng, tình yêu dành cho anh ta không phải là đã hết.
Khi gặp cô hầu gái Rachel, Brunton đã làm lành với cô ta, và thuyết phục để cô ta đồng lõa với hắn. Chờ khi đêm đã khuya, họ cùng nhau xuống tầng hầm, và hợp sức để đẩy tảng đá. Đến phút này, hành động của bọn họ rõ ràng như chính tớ đã quan sát bằng cặp mắt mình. Nhưng trong hai kẻ thủ phạm, có một phụ nữ, rõ ràng đấy không phải là một công việc nhẹ nhàng; tớ với anh chàng cảnh sát phải chật vật lắm mới đẩy được tảng đá sang một bên. Họ đã làm gì để giảm nhẹ công việc. Đúng, tớ cũng phải làm như họ đã làm. Tớ chăm chú nhìn vào đống củi lăn lóc, và tớ tìm thấy ngay cái tớ đang mong đợi. Có một khúc củi dài khoảng 3 food đã bị hơi vặn gẫy ở một đầu, một cây khác thì bị bẹp dí: rõ ràng nó bị một vật nặng đè lên. Có thể, trong lúc nâng tấm đá, Brunton và cô hầu đã lèn những thanh củi vào khe hở; khi cái lỗ chưa đủ để chui vào, họ đã lèn thêm một cây củi nữa, cây này được dựng đứng nên vì thế nó mới bị vặn gãy ở đoạn cuối - chính tảng đá đã đè toàn bộ trọng lượng lên thanh củi. Những giả thiết của tớ hoàn toàn có căn cứ hẳn hoi.
Tớ phải suy xét thế nào đây, để có thể dựng lại toàn bộ bức tranh của tấn thảm kịch ban đêm? Nhất định chỉ có một người lọt vào hầm, và kẻ đó chắc phải là Brunton. Còn cô gái, có lẽ đã đứng ở phía trên chờ đợi. Brunton đã mở nắp chiếc rương và lấy hết mọi thứ chuyển lên trên cho cô gái, điều này không thể chối cãi vì chiếc rương còn lại rỗng không... Tiếp theo, cái gì đã xảy ra?
Có thể, sự khao khát trả thù anh chàng bội tình đang bùng cháy trong lòng cô gái nóng tính kia, khi cô nhìn thấy tính mạng của người tình bội bạc đang nằm trong tay mình. Cũng có thể, tình cờ cây gỗ ngã xuống, và tảng đá đã nhốt chặt Brunton trong hầm - trong một chiếc quan tài bằng đá. Nếu như chiều hướng thứ hai, thì Rachel chỉ có lỗi là đã làm thinh, không báo cho mọi người biết chuyện đã xảy ra. Hoặc cô ta đã cố ý rút cây gỗ lèn lên, làm cho tấm đá rơi xuống chỗ cũ?
Hoặc là thế này, hoặc là thế khác. Nhưng tớ mường tượng thấy trước mặt tớ người phụ nữ kia: Sau khi giấu chặt trong ngực vật quý giá mới tìm thấy được; cô ta chạy như bay theo cầu thang xoắn ốc để tránh không phải nghe thấy những tiếng rên vì ngạt thở và những tiếng đập cầu cứu tuyệt vọng của người tình lường gạt.
Đấy chính là nguyên nhân đã làm cho cô ta hoảng hốt, nhợt nhạt, kích động và nổi lên những tràng cười điên loạn vào sáng hôm sau. Vật gì đã nằm trong chiếc rương kia? Cô gái đã làm gì với những vật đó? Không nghi ngờ gì nữa, đó chính là những mảnh kim loại cũ kỹ và những tấm đá vụn, mà cô ta đã kịp ném xuống ao để nhằm che giấu tội lỗi của mình...
Tớ đã ngồi bất động chừng hai mươi phút. Musgrave người nhợt nhạt; vẫn đứng cầm ngọn đèn soi xuống hầm là nhìn ngơ ngẩn - Đấy là những đồng tiền của thời vua Charles đệ nhất 1 - Anh nói và chìa cho tớ xem vài ba đồng xu tròn tròn. - Anh thấy không, tôi đã đoán chính xách thời gian ra đời của “Bộ nghi lễ”.
- Đây chưa phải là hết. Chúng ta sẽ phải tìm một vật còn sót lại của đế chế Charles đệ nhất! - Tớ thốt lên, khi nhớ lại hai câu hỏi đầu ghi trong gia phả. - Anh cho tôi xem vật đã chứa trong bao tải, mà anh tìm thấy dưới đáy ao.
Chúng tôi cùng bước về phòng Musgrave, anh ta đổ ra trước mặt tớ một đống những mảnh vụn. Tớ ngắm kỹ những thứ của nợ đó, và bỗng hiểu ra vì sao Musgrave coi nó không ý nghĩa gì hết; bởi vì kim loại thì bị đen, còn mảnh đá thì bị mất hết màu sắc và đục lờ mờ. Tớ lấy ống tay áo lau chùi một mảnh, nó bỗng sáng lấp lánh như một ngọn lửa trong lòng bàn tay tớ.
- Chắc anh hiểu, - Tớ nói với Musgrave - Tập đoàn của nhà vua vẫn tiếp tục thống trị nước Anh, ngay cả khi nhà vua đã chết. Rất có thể, trước lúc bỏ chạy những thành viên tập đoàn Charles đệ nhất - là vua nước Anh, đã bị lật đổ và xử tử - thống trị đã cất giấu những vật quý giá nhất ở một nơi bí mật, với hy vọng sẽ quay về khi tình hình yên ổn.
- Ông cố nội tôi - ngài Ralph Musgrave, có một vị trí quan trọng trong triều đình và là cánh tay phải đắc lực của vua Charles đệ nhị, trong thời gian nhà vua còn phiêu bạt.
- À? - Tớ thốt lên, - Thật tuyệt vời, mắt xích cuối cùng đã tìm ra. Xin chúc mừng cậu Musgrave! Sau cuộc thăng trầm, gian truân, đày ải, anh đã nghiễm nhiên trở thành chủ nhân của một thánh vật, nó có một giá trị vô cùng to lớn, bởi bản thân nó là một của quý. Nhưng nó còn có một ý nghĩa quan trọng hơn là tính lịch sử vô cùng quý giá của nó.
- Vật gì vậy? - Anh ta hỏi tới và hồi hộp vô cùng.
- Đấy chính là chiếc vương miện của các nhà vua nước Anh.
- Vương miện?!
- Đúng. Vương miện. Anh hãy nhớ câu ghi trong gia phả thế này: “Cái này thuộc về ai?” - “Về người đã ra đi”. Lời này được viết khi Charles đệ nhất bị chết. “Cái này sẽ thuộc về ai?”. “Về người lên thay”. Câu này có ý nói về Charles đệ nhị. Việc lên ngôi đã được tiên đoán từ trước, không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc vương miện đã bị hỏng, mất hết hình thù oai nghiêm của nó, đã từng đội trên đầu các ông vua từ triều đại Stuarts.
- Nhưng làm sao nó lại biến được xuống đáy ao?
- Câu hỏi này không thể trả lời trong một phút.
Thế là tớ phải lần lượt kể lại cho Musgrave nghe toàn bộ quá trình, từ những giả thiết cho đến những dẫn chứng của mình. Khi tớ kết thúc câu chuyện thì trời bắt đầu nhá nhem, và trên bầu trời xuất hiện mặt trăng soi sáng, bàng bạc rạng rỡ.
- Nhưng tại sao, khi quay về với vua Charles đệ nhị đã không lấy lại vương miện của mình? - Musgrave hỏi và nhét tất cả những mảnh thánh vật quý báu vào bao tải.
- Anh nêu lên một vấn đề mà chúng ta không tài nào giải đáp được. Có lẽ, ông Ralph Musgrave, người nắm được bí mật này, trước khi chết đã trao lại cho người kế tiếp, nhưng vì sao đó không ai giải thích được nội dung, ý nghĩa. Từ đó đến nay, “Bộ nghi lễ” gia phả kia được lưu truyền từ đời cha cho đến đời con.
Cuối cùng đã lọt vào tay một kẻ có khả năng khám phá ra điều bí ẩn, nhưng kẻ đó phải trả cho nó một cái giá quá đắt...
Watson, câu chuyện về “Bộ nghi lễ của nhà Musgrave” chỉ có thế. Cho đến bây giờ, chiếc vương miện vẫn nằm ở dinh thự Hurlstone, mặc dù chủ nhân của nó đã phải vất vả, chi phí một món tiền khá lớn; trong lúc người ta chưa được phép chính thức giữ chiếc vương miện ở bên cạnh. Nếu cậu muốn ngắm nhìn chiếc vương miện, cậu chỉ cần hô tên của tớ lên thì người ta ngay lập tức cho cậu xem liền.
Còn người hầu gái đã biệt âm vô tín. Có khả năng cô nàng đã từ giã nước Anh và suốt đời mang theo kỷ niệm về hành động phạm pháp của mình.
Viên đá Mazarin
Bác sĩ Watson sung sướng vô cùng khi một lần nữa được quay trở về căn hộ trên gác ở phố Baker, nơi xuất phát của biết bao cuộc phiêu lưu kỳ thú. Ông nhìn các bản đồ phác họa trên tường, cái bàn loang lổ vì acid, và ngổn ngang những hóa chất để thí nghiệm, cái bao vĩ cầm dựng ở một góc, cái xô than vẫn được dùng để đựng cái ống vố và thuốc lá. Cuối cùng ông nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của Billy, chú hầu nhỏ sâu sắc và tế nhị người đã giúp khỏa lấp cái hố sâu đơn côi và cô quạnh của nhà thám tử đại tài.
- Không có thay đổi gì nhiều lắm hả Billy? Cả cháu cũng không có thay đổi, tôi hy vọng ông ấy cũng thế.
Billy ái ngại nhìn về hướng phòng ngủ đóng kín.
- Có lẽ ông ấy đang ngủ.
Ðã 7 giờ tối và cái ngày hè hôm đó rất đẹp. Bác sĩ Watson khá quen với thời khóa biểu bất thường của người bạn cố tri, nên không hề ngạc nhiên chút nào.
- Nghĩa là ông ấy đang theo dõi một vụ nào đó?
- Ðúng vậy, thưa ông. Một vụ mà ông ấy phải dốc toàn tâm toàn trí. Cháu lo cho sức khỏe của ông ấy lắm. Ông ấy tái mét, gầy đi, bỏ ăn. “Chừng nào ông mới thấy đói, hả ông Holmes?”, bà Hudson thường hỏi thế. “Bảy giờ rưỡi ngày mốt”, ông ấy trả lời như vậy. Bác sĩ thừa biết là ông ấy lo lắng tới mức nào một khi lo vào một vụ.
- Biết!
- Ông ấy đang bám theo ai đó. Hôm qua ông ấy ra đi người ta lầm tưởng là một công nhân đi kiếm việc làm. Hôm nay ông ấy giả làm đàn bà, ông ấy ngụy trang hay lắm.
- Mới đầu tôi còn bị lầm, nhưng bây giờ thì quen rồi.
Billy cười nhoẻn, tay chỉ về cây dù to tướng dựa vào cái ghế dài.
- Ðể ngụy trang làm một bà lão đó.
- Thuộc loại chuyện gì?
Billy hạ giọng như thể sắp sửa tiết lộ một bí mật lớn của quốc gia.
- Cháu xin kể, thưa ông, nhưng phải tuyệt đối giữ miệng. Ðó là vụ Viên kim cương của Hoàng gia.
- Vụ trộm kim cương trị giá khoảng 100.000 bảng Anh?
- Ðúng thế, thưa ông. Phải kiếm cho ra, ông biết không? Ông thủ tướng và ông bộ trưởng nội vụ đều đến ngồi tại ghế dài này. Ông Holmes tiếp họ rất lịch sự, trấn an họ và hứa sẽ cố gắng tối đa. Có cả huân tước Cantlemere…
- Thế à?
- Ðúng thế, thưa ông. Ông có biết ông này không? Một mẫu người sắt đá, nếu cháu được phép nói thực lòng. Cháu khoái ông thủ tướng nhất, ông bộ trưởng cũng thế. Cháu có cảm giác đó là những người cần mẫn, lễ độ. Còn ngài huân tước, cháu không thể chịu đựng được! Ông Holmes cũng cùng một quan điểm với cháu, ông ạ. Hầu tước không tin tài của ông Holmes, chống đối việc sử dụng ông Holmes, và còn cầu mong ông Holmes thất bại.
- Ông Holmes biết không?
- Ông Holmes luôn luôn biết tất cả những gì cần phải biết...
- Vậy thì chúng ta hy vọng ông Holmes sẽ thắng và huân tước Cantlemere sẽ thất bại. Này Billy, cái màn căng ở cửa sổ để làm gì?
- Ông Holmes mới móc nó cách đây ba ngày và có để một cái ngồ ngộ ở đàng sau.
Billy tiến tới, kéo cái màn ngăn cách căn phòng với cửa sổ. Bác sĩ Watson không thể đè nén một tiếng la vì ngạc nhiên. Một mẫu tượng lớn như thật của Sherlock Holmes, mặc áo ngủ, mặt hướng ra cửa sổ, nhìn xuống như thể đang đọc một cuốn sách vô hình.
Billy gỡ cái đầu ra, rồi giơ cao lên.
- Ông Holmes luôn luôn cho đổi góc độ để có vẻ sống động. Chỉ khi nào bức sáo kéo xuống, cháu mới dám sờ tới nó. Khi bức sáo kéo lên, đứng bên kia đường, ông sẽ nhìn thấy rõ ông Holmes!
- Có lần chúng tôi cũng đã sử dụng cái màn này.
- Với cháu thì đây là lần đầu! - Billy nói, tay kéo bức sáo để ngó ra đường - Phía bên kia đường có người rình. Cháu thấy rõ một người tại cửa sổ, ông nhìn thử xem.
Bác sĩ Watson mới vừa bước tới thì cánh cửa phòng mở, cho thấy cái dáng vóc lêu nghêu của Holmes. Khuôn mặt bơ phờ, nhưng bước đi vẫn nhanh nhẹn như thường ngày. Holmes bước tới của sổ, kéo bức sáo xuống.
- Ðủ rồi Billy! Nguy hiểm đấy! Sao hả Watson? Gặp anh tại căn hộ thân ái này là thích thú vô cùng. Anh tới đúng lúc đấy!
- Hình như vậy!
- Cháu có thể lui, Billy... Tôi lo cho thằng bé quá, Watson à. Ðâu có thể để cho nó chịu nguy hiểm
- Nguy hiểm gì?
- Chết bất đắc kỳ tử! Tôi đang đợi đêm nay.
- Ðợi cái gì?
- Bị ám sát!
- Thật sao?
- Tuy nhiên, trong khi chờ chết, ta phải hưởng một chút tiện nghi phải không. Rượu chưa bị cấm. Cái ống quẹt và hộp xì gà vẫn nằm tại vị trí cũ. Anh hãy ngồi trên ghế bành để tôi nhìn anh thêm một lần nữa. Tôi hy vọng anh chưa tập xong cái thói quen ghét cái tẩu và cái mùi thuốc khen khét của tôi. Mấy bữa rày, nhờ nó mà khỏi ăn cơm.
- Tại sao lại không ăn?
- Năng lực sẽ bén nhọn hơn nếu ta ăn chay.
- Nhưng còn cái hiểm họa?
- À. Trong trường hợp mà sự đe dọa trở thành hiện thực, anh hãy nhớ lấy tên và địa chỉ của kẻ sát nhân đem nộp cho Scotland Yard. Tôi xin chúc lành cho anh! Hắn là bá tước Negretto Sylvius. Chép cái tên đi, Watson, chép đi! 136 Moorside Gardens N.W. Xong chưa?
Khuôn mặt của bác sĩ Watson đầy lo âu.
- Cho tôi tham gia với. Tôi rảnh hoàn toàn trong 48 giờ.
- Ðạo đức của anh chưa tiến, Watson ạ. Ngoài các tật xấu khác, nay anh có thêm tật nói dối. Rõ ràng anh có dáng vẻ của một bác sĩ rất bận rộn.
- Không đến nỗi thế đâu. Nhưng anh không thể nhờ cảnh sát bắt hắn sao?
- Ðược chứ!
- Thế thì tại sao không nhờ cho rồi?
- Tại vì hiện tôi chưa biết viên kim cương nằm tại đâu.
- Billy có nói với tôi về viên kim cương trên vương miện.
- Đúng thế! Đó là viên đá Mazarin. Tôi đang thả mồi câu cá. Nhưng tôi lại không có viên đá.
- Và bá tước Sylvius là một trong những con cá đó?
- Ðúng thế! Đó là một con cá mập. Thằng kia là Sam Merton, biết đánh quyền Anh. Thằng Sam không tệ đâu, nhưng nó bị bá tước xỏ mũi. Nó chỉ là một con cá chốt ngu đần đang vẫy vùng trong lưới của tôi.
- Bá tước Sylvius hiện ở đâu?
- Suốt buổi sáng nay tôi đứng sát bên hắn. Anh có thấy tôi ngụy trang thành một bà lão chưa, Watson? Chưa bao giờ có bà lão nào quyến rũ như sáng nay. Hắn còn cầm dù giùm tôi trong một lúc. “Xin phép bà!”. Hắn nói với tôi, giọng pha Ý. Hắn có cái dịu dàng của miền Nam trong cử chỉ lúc hắn vui, nhưng khi buồn, hắn là hiện thân của quỷ sứ.
- Có thể xảy ra thảm kịch?
- Có lẽ! Tôi đã theo hắn tới cửa hiệu của lão Straubenzee. Tay này làm một cây súng hơi, tôi đoán thế. Và tôi có đủ cơ sở để nghĩ rằng cây súng đó hiện giờ đang đặt tại cửa sổ trước nhà. Anh đã thấy hình nộm của tôi rồi đó. Hình nộm có thể ăn đạn bất cứ lúc nào. Ủa! Có gì vậy Billy?
Billy mang vào một tấm danh thiếp đặt trên mâm. Holmes vừa nhìn vừa nhướng mày và cười thích thú.
- Ðích thị là cái gã đó! Bất ngờ quá! Anh ta cầm cây củi ngay phía đang cháy, chì thật. Anh biết rằng hắn nổi tiếng là thợ săn mồi to? Anh ta định sẽ kết thúc đẹp đẽ bảng thành tích của mình, sau khi ghi được thêm tên tôi vào đó.
- Ta báo cho cảnh sát!
- Chưa cần! Anh nhìn kỹ ra ngoài cửa sổ xem có ai thơ thẩn phía đó không?
Watson dạn dĩ vén bức màn.
- Một thằng to con đứng gần cửa lớn.
- Sam Merton đó. Hắn trung thành nhưng ngu dại. Ông ta hiện ở đâu rồi, Billy?
- Tại phòng khách, thưa ông.
- Khi ta bấm chuông thì cháu mời ông ấy lên. Dù không thấy ta cũng cứ đưa vào.
- Vâng!
Watson đợi của lớn đóng rồi mới quay qua phía Holmes.
- Coi chừng, Holmes, có thể nó tới giết anh.
- Chuyện đó không làm tôi ngạc nhiên!
- Tôi xin được ở cạnh anh.
- Anh làm vướng tay, vướng chân tôi.
- Tôi không thể bỏ mặc anh được.
- Anh để tôi một mình mà anh vẫn có vai trò. Thằng cha này tới vì một lý do riêng của nó. Nhưng có thể nó sẽ ở lại vì lý do của tôi.
Holmes lấy sổ tay nguệch ngoạc vài dòng.
- Anh thuê xe ngựa chạy đến Scotland Yard, trao cái này cho Youghal, thuộc Ban truy nã đại hình rồi quay lại đây với cảnh sát. Màn bắt bá tước sẽ xảy ra sau đó!
- Ðược!
- Trước khi anh về tới, có lẽ tôi đã kiếm ra cục đá.
Anh vừa bấm chuông vừa nói:
- Chúng ta hãy đi vào phòng ngủ, phương án thứ hai đôi khi khá hữu ích. Ngoài ra tôi cũng muốn nhìn con cá mập của tôi trong khi nó không thấy tôi.
Vài phút sau Billy đưa bá tước Sylvius vào. Nhà đi săn, nhà thể thao và người hào hoa nổi tiếng to béo có nước da sạm nắng, với một bộ râu xum xuê màu đen bao bọc một cái miệng hung ác, môi mỏng, mũi dài và cong như mỏ chim ó. Khi cửa đóng lại sau lưng, ông ta quan sát căn phòng với một cái nhìn hung tợn, mắt đăm đăm nhìn mỗi món đồ gỗ như sợ một cái bẫy. Ông ta giựt mình khi thấy cái đầu lạnh lùng của một người đang ngồi trên ghế bành trước cửa sổ. Lúc đầu gương mặt chỉ thể hiện sự kinh ngạc, nhưng sau đó, một tia hy vọng đen tối chiếu sáng trên đôi mắt khát máu. Ông ta nhanh chóng nhìn quanh rồi rón rén, cây gậy nặng nề giơ lên nửa chừng. Ông ta tới gần cái vóc dáng bất động, co mình để lấy đà thì một tiếng nói lạnh lùng từ cửa phòng ngủ vọng tới.
- Ðừng đập nó, thưa bá tước!
Vị bá tước kinh ngạc. Hắn lại nâng cây gậy lên nhưng trước cái nhìn sắt thép và nụ cười chế nhạo, hắn thấy cần phải hạ tay xuống.
- Ðó là một công trình nghệ thuật nhỏ đẹp! - Holmes nói, vừa tiến tới hình nộm - Nhà vẽ kiểu áo quần Tavernier của nước Pháp nặn ra nó đó. Ông ấy cũng khéo tay trong việc nặn sáp như ông bạn Straubenzee của ngài khéo tay trong việc sản xuất súng hơi.
- Súng hơi? Ông muốn nói gì?
- Hãy để nón và gậy trên cái bàn tròn này. Cám ơn, xin vui lòng ngồi xuống, cởi súng lục luôn, được không? Cũng chả sao, nếu ngài muốn ngồi đè lên!... Ngài tới đúng lúc quá, tôi khát khao có được 5 phút riêng với ngài.
Gã bá tước làu bàu, chân mày sụ xuống, vẻ dọa nạt.
- Tôi cũng vậy, tôi muốn nói chuyện với ông. Tôi không phủ nhận rằng tôi có dự định hạ ông.
- Tôi cũng lờ mờ thấy rằng trong đầu ngài đang nung nấu một dự án loại đó. Không hiểu tại sao ngài lại dành cho tôi quá nhiều sự lưu tâm?
- Tại vì ông theo chúng tôi, tại vì ông sai người theo dõi tôi.
- Người của tôi, tôi thề là không có chuyện đó.
- Láo toét! Tôi bị theo dõi và tôi sai người theo dõi lại chúng nó. Ðó là một trò chơi có thể chỉ cần hai đối thủ.
- Thưa bá tước, ngài tiếp xúc thẳng với tôi có hay hơn không. Do nghề nghiệp tôi phải thân thiện phần nào với các tên ăn cướp trên thế giới. Còn ngài, thưa bá tước Sylvius, lui tới với bọn nó là coi không được.
- Ðúng vậy.
- Hoan nghênh! Tuy nhiên ngài lầm khi cho ai đó là nhân viên của tôi.
Gã cười lớn một cách miệt thị.
- Ðâu phải chỉ có một mình ông là người có tài quan sát sắc bén. Hôm qua là một người thất nghiệp già. Hôm nay là một bà lão, suốt ngày chúng bám tôi sát gót.
- Thật vậy sao? Ngài nói quá! Tới phiên ngài, ngài lại ca tụng cái trò ngụy trang vặt vãnh của tôi.
- Là ông? Chính là ông?
Holmes nhún vai.
- Trong góc kia là cái dù mà ngài có nhã ý xin cầm giùm...
- Nếu tôi biết, thì không bao giờ...
- Thì không bao giờ tôi trở về nhà được chứ gì. Tôi biết rõ mà! Tất cả chúng ta đều bỏ lỡ cơ hội, rồi sau đó lại hối tiếc. Nhờ ngài không nhận ra tôi mà chúng ta còn gặp nhau hôm nay.
Ðôi chân mày của gã bá tước sụp xuống một cách nặng nề hơn.
- Những lời ông nói chỉ làm cho không khí ngột ngạt thêm. Ông theo dõi tôi để làm gì vậy?
- Tôi cần tìm ra một viên kim cương màu vàng?
Bá tước ngả lưng ra sau cười một cách gượng gạo.
- Tôi thề...
- Thật ra ngài biết tại sao tôi bám theo ngài. Hôm nay ngài đến đây là để dò xem tôi biết sự việc tới mức độ nào và nếu cần, ngài sẽ ra tay thủ tiêu tôi? Phải khách quan mà nói, ngài thủ tiêu tôi là điều tôi cần, bởi vì tôi đã biết hết, trừ một chi tiết nhỏ mà chính ngài sẽ tiết lộ.
- Thật ư?
- Phải.
Ðôi mắt của Holmes chĩa thẳng vào mắt gã bá tước, teo lại như hai mũi dùi bằng thép.
- Ngài quả là một miếng nước đá trong suốt. Tôi thấy rõ cho tới tận đáy lòng ngài.
- Như vậy ông biết viên kim cương đó ở đâu Holmes.
Gã vỗ tay rồi đưa một ngón tay mỉa mai.
- Vậy là ngài biết, như ngài vừa nhìn nhận.
- Tôi có nhìn nhận cái gì đâu?
- Nào, thưa bá tước Sylvius, ngài nên tỏ ra biết điều. Bằng không, ngài sẽ gặp nguy hiểm.
Gã bá tước nhìn lên trần nhà. Holmes nhìn ông ta một cách chăm chú như người đánh cờ đang chiếu bí đối thủ rồi mở ngăn kéo, lấy ra một cuốn sổ tay dày cộm.
- Ngài có biết tôi nắm ai trong cuốn sách này không?
- Không.
- Chính ngài.
- Tôi?
- Ðúng vậy! Trọn vẹn tiểu sử của ông trong này, không sót một điều gì?
- Cầu Chúa tha thứ! – gã bá tước la to - Sự nhẫn nại của tôi có giới hạn, thưa ông Holmes.
- Vâng, đầy đủ ở trong này, thưa bá tước. Các sự kiện có liên quan tới cái chết của bà lão Harold, người để lại cho ông lãnh địa Blymer mà sau đó ngài bán đi để nướng hết trong sòng bạc.
- Ông đang nằm mơ?
- Và nguyên cả cuộc đời của cô Minnie Warrender nữa!
- Ông chả làm được gì với những cái đó.
- Còn đây, câu chuyện hay hơn. Cuộc đánh cướp trên tàu hỏa sang trọng La Riviera vào ngày 13-2-1892. Và đây là cái chi phiếu giả mà ngài dùng rút tiền tại ngân hàng tín dụng Lyonnais cũng hồi năm 1892.
- Không, điểm này ông nói sai?
- Thì tôi đúng trong cái điểm khác. Nào, thưa bá tước, trong khi đánh bài, mà đối thủ nắm hết các lá lớn, thì ngài nên bỏ bài đi.
- Ðâu là cái mối liên quan giữa cuộc nói chuyện tầm phào này với viên kim cương?
- Từ từ, thưa bá tước. Tôi có một mớ tin tức có hại cho ngài đó, nhất là tôi có cả một hồ sơ hoàn chỉnh để tố cáo ngài và vệ sĩ của ngài trong vụ này.
- Thật sao?
- Tôi có lời khai của anh xà-ích chở ngài đi Whitehall, và của anh xà ích chở ngài từ đó về . Tôi có lời khai của người đại diện thương mại thấy ngài đứng gần tủ kiếng, tôi có luôn lời khai của ông Ikey Sanders, người không chịu cho ngài cầm cái đó. Ðủ chưa?
Các mạch máu trên trán của bá tước phồng to lên. Hai bàn tay sạm nắng, lông lá co thắt lại; ông ta muốn nói, nhưng chữ nghĩa đi đâu mất hết.
- Tôi đã đập bài xuống bàn rồi. Tôi còn thiếu một lá. Ðó là lá bài “viên kim cương”. Nó ở đâu?
- Ông sẽ không bao giờ biết!
- Ngài bá tước! Ngài hãy biết điều! Hãy nắm vững tình thế! Ngài sẽ ngồi nhà đá 25 năm. Sam Merton cũng thế! Ngài sẽ được gì trong 25 năm đó! Không được gì cả! Tuy nhiên, nếu ngài chịu hoàn trả thì tôi sẽ thỏa hiệp với tội ác. Chúng tôi không cần ngài lẫn Sam. Chúng tôi cần cục đá. Hãy trả nó lại cho chúng tôi thì ngài sẽ trở về nhà trong tự do và mãi mãi tự do, miễn là sống trong đàng hoàng.
- Nếu tôi từ chối thì sao?
- Thì sẽ rất tiếc!
Billy đã xuất hiện khi nghe chuông reo.
- Ngài bá tước, tôi đề nghị cho bạn thân của ngài tham dự vào cuộc nói chuyện này. Nói cho đúng, anh ta cũng đang bị lâm nguy. Nè Billy, ở trước cửa lớn có một anh chàng to con và xấu trai. Cháu mời anh ta lên đây.
- Nếu ông ta từ chối thì sao, thưa ông.
- Báo cho anh ta hay là bá tước cần gặp. Anh ta sẽ lên ngay.
- Ông sẽ làm gì? - Gã bá tước hỏi khi Billy đi khuất.
- Bạn thân của tôi là bác sĩ Watson mới ra về. Tôi có khoe với ông ấy rằng trong lưới của tôi có một con cá mập và một con cá chốt. Giờ đây, tôi giở lưới. Tôi tóm cả hai con.
Gã bá tước ngồi thẳng lưng lên và đưa tay ra sau lưng. Holmes chĩa về hướng về y một đồ vật nổi cộm trong túi áo ngủ của mình.
- Ông sẽ không chết trên giường, ông Holmes!
- Tôi cũng thường đoán như vậy. Tuy nhiên có cần phải chết trên giường không? Chắc ông sẽ chết đứng, chứ không chết nằm đâu. Nhưng hãy chấm dứt các sự đoán mò bệnh hoạn này, tại sao không dứt khoát chọn lấy sự vui vẻ của hiện tại?
Một tia chớp của mắt thú dữ sáng lóe trong cái nhìn của tên tội phạm. Holmes chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống. Ðối thủ có vẻ kiêng dè.
- Mân mê cây súng lục chả có ích gì! - Holmes nói một cách bình thản. - Ngài thừa hiểu rằng ngài không thể bắn, dù tôi có dành cho ngài đủ thời gian. Súng lục là những dụng cụ dơ và ồn, thưa bá tước. Nên sử dụng súng hơi. Ủa, hình như có bước đi nhẹ của người bạn đáng nể? Chào ông Merton. Ðứng ngoài đường nãy giờ mỏi chân chưa?
Tên võ sĩ quyền Anh là một thanh niên cốt cách nặng nề, vẻ mặt thì vừa ngu vừa lì. Hắn đứng một cách vụng về ngoài cửa, trơ mắt ếch nhìn quanh. Thái độ của Holmes làm hắn ngạc nhiên. Hắn nhận thấy mang máng rằng thái độ đó không thân thiện nhưng không biết phải chống trả như thế nào. Hắn quay qua ông chủ của hắn.
- Việc gì thế, bá tước? Thằng cha này muốn gì?
Giọng nói của hắn nghiêm trọng và khàn khàn. Gã bá tước vươn vai, Holmes trả lời thay.
- Ðể tóm tắt tình hình, ông Merton, tôi có thể nói rằng mọi chuyện đã tới hồi kết cuộc.
Tên võ sĩ tiếp tục hỏi chủ mình.
- Thằng cha này nói đùa hả? Phần tôi, tôi không cười được đâu.
- Tôi ái ngại lắm! - Holmes nói - Tôi có thể đoán chắc rằng càng khuya, ông sẽ càng bớt vui. Bây giờ, nghe tôi đây, thưa bá tước Sylvius. Tôi rất bận, tôi không có thì giờ để hoang phí. Tôi đi vào phòng tôi. Tôi yêu cầu ngài xem đây như nhà ngài trong lúc tôi vắng mặt. Ngài có thể giải thích rõ tình hình cho bạn ngài nghe. Tôi sẽ chơi một bản nhạc bằng vĩ cầm. Năm phút nữa, tôi sẽ quay lại để lấy câu trả lời dứt khoát của ngài. Ngài hãy lựa chọn: hoặc ngài hoặc viên đá?
Holmes ôm cây vĩ cầm, rời khỏi phòng. Một lát sau các nốt nhạc rên rỉ đầu tiên của điệu nhạc u buồn nhất trỗi lên từ phòng bên.
- Chuyện gì vậy? - Merton hỏi với vẻ âu lo - Hắn biết cục đá?
- Hắn biết quá nhiều điều liên quan tới cục đá. Tao sợ rằng hắn biết hết rồi.
- Chúa ơi! - Khuôn mặt của tên võ sĩ quyền Anh tái xanh.
- Ikey Sanders đã mách lẻo.
- Nếu có tố cáo chúng ta, tôi thề sẽ phanh thây nó.
- Ðiều đó chả ích gì cho chúng ta. Ðiều cần bây giờ là quyết định phải làm gì?
- Chờ một chút! - Gã võ sĩ nói, rồi nhìn một cách ngờ vực về phía cửa. - Con chim lạc bầy mà lại ra lệnh này nọ. Hắn có nghe lén không.
- Làm sao vừa nghe vừa chơi vĩ cầm?
- Ðúng vậy. Có thể có người đằng sau bức màn. Phòng này sao có nhiều màn quá!
Nhìn qua nhìn lại, Merton thấy cái hình nộm tại cửa sổ. Hắn điếng người, không nói nên lời.
- Tuyệt! Ðó là bức tượng. – gã bá tước giải thích!
- Giả hả? Giống y như thật! Còn mớ màn này, dùng làm gì, thưa bá tước.
- Ồ, bỏ qua mấy cái màn đó đi, đừng phí thời giờ. Chúng ta không còn nhiều đâu. Hắn có thể tống mình vào tù, vì viên đá đó.
- Nếu Ikey Sanders tố cáo, thì ta có thể bị nguy.
- Tuy nhiên, hắn ta sẽ làm ngơ nếu chúng ta nói cho hắn biết viên đá hiện ở đâu.
- Sao? Trả lại ư? Từ bỏ 100.000 bảng Anh?
- Phải chọn lựa thôi.
Merton gãi đầu.
- Hắn ta chỉ có một mình. Ta chỉ cần vào phòng, thanh toán hắn là xong mọi chuyện. Còn gì mà sợ?
Gã bá tước ra dấu bảo đừng.
- Hắn ta có súng trong người. Vả chăng, giết hắn rồi làm sao trốn thoát. Hơn nữa, có thể hắn đã nộp đầy đủ bằng cớ về chúng ta cho cảnh sát rồi.
Một tiếng động mơ hồ ở phía cửa sổ. Hai người im lặng, ngóng tai, nhưng ở cửa sổ, hình nộm vẫn ngồi ở ghế bành, Merton nói:
- Cái tiếng đó ở ngoài đường. Giờ đây, là phần việc của ông, ông chủ. Ông có đầu óc, chắc sẽ tìm ra kế để chúng ta thoát chân. Nếu viên đá là vô dụng thì ông nói thẳng với hắn đi.
- Tao đã bịp những tay cừ hơn hắn ta nhiều! – gã bá tước nói. - Viên đá đang ở trong túi tao. Tao không chịu cái rủi ro giao nộp nó. Ngay đêm nay, nó có thể ra khỏi nước Anh và bị cắt thành 4 miếng tại Amsterdam trước ngày chủ nhật này. Hắn ta không biết gì về Van Seddar đâu.
- Vậy mà tôi tưởng Van Seddar sẽ ra đi vào tuần tới.
- Ðúng ra là thế! Nhưng theo tình hình mới, nó phải đi trên chuyến tàu tới. Hoặc mày, hoặc tao phải mang viên đá ra tới phố Lime gặp Van Seddar.
- Nhưng viên đá giả chưa làm xong mà?
- Cứ cầm đá thật mà đi vậy. Ta đâu còn thì giờ.
Lại một lần nữa, với cái năng khiếu ngửi thấy sự nguy hiểm, gã bá tước dừng lại, nhìn về hướng cửa sổ. Ðúng rồi, tiếng động hồi nãy phát sinh từ ngoài đường.
- Về phần gã Holmes - ông ta nói tiếp - Tao sẽ gạt hắn một cánh dễ dàng. Hắn sẽ không làm cho chúng ta bị bắt đâu, nếu hắn còn hy vọng lấy lại được viên đá. Chúng ta sẽ hứa với hắn rằng hắn sẽ nhận được cục đá. Chúng ta cho hắn trật đường rầy. Ðến khi hắn hay biết thì cục đá đã qua tới Hà Lan và chúng ta đã cao bay xa chạy.
- Tuyệt vời! - Merton la lớn.
- Mày hãy lên đường về bảo thằng Hà Lan nhanh lên. Phần tao, tao sẽ đi gặp con đỉa đó, sẽ cầm chân nó bằng một màn xưng tội giả. Tao sẽ bịa với nó rằng viên đá hiện đang ở Liverpool. Trời ơi, âm nhạc trời đánh, nhức óc quá! Trong lúc nó lục lạo tại Liverpool, thì viên đá đã qua tới Hà Lan, còn chúng ta thì đang bềnh bồng trên biển cả. Lại đây! Ðây là viên đá.
- Tôi tự hỏi tại sao ông dám để nó trong túi mình?
- Vậy để ở đâu bây giờ? Nếu chúng ta đánh cắp nó tại Whitehall thì thằng khác cũng có thể đánh cắp nó tại nhà tao.
- Cho tôi xem nó một chút.
Gã bá tước nhìn người đồng phạm với vẻ hơi coi thường, và tỏ ý chê cái bàn tay bẩn thỉu, nói:
- Mày cho rằng tao sẽ giữ nó luôn sao? Hãy tới gần cửa sổ để nhìn thấy báu vật cho rõ ràng hơn. Ðưa ra ánh sáng đó, Sam à!
- Xin cám ơn hai bạn! - Chỉ nhảy một cái, Holmes rời khỏi ghế bành của hình nộm và giựt lấy cái báu vật ngàn vàng, một tay cầm nó, một tay chĩa súng lục.
Hai tên trộm đi thụt lùi, mặt cắt không còn chút máu. Trước khi chúng hoàn hồn, Holmes đã nhấn chuông.
- Hỡi các bạn, hãy tuyệt đối tránh bạo lực. Các bạn hãy quý trọng các đồ gỗ của tôi. Các bạn không có lối thoát đâu. Cảnh sát đang ở dưới nhà.
Quá ngạc nhiên, gã bá tước không còn giận dữ mà chỉ sợ hãi:
- Ông Holmes, ông tài giỏi thật!
- Sự ngạc nhiên của ngài là hoàn toàn hợp lý. Ngài đâu thể ngờ rằng trong phòng tôi còn có cái cửa thứ 2 trổ ra sau cái màn này. Khi tôi dời hình nộm đi, tôi sợ bị lộ quá chừng, nhưng vận may đã mỉm cười với tôi, và tôi có cơ hội nghe cuộc đối thoại đặc biệt của hai vị.
- Chúng tôi nhìn nhận là mình đã thua, thưa ông Holmes. Tôi cho rằng ông là quỷ hiện hình. – Gã bá tước nói tỏ dấu bị khuất phục.
- Không! Tôi chỉ là anh em của quỷ! - Holmes đáp với một nụ cười lễ độ.
Trí óc đần độn của Sam Merton bắt đầu hiểu ra. Có những bước đi nặng nề ở cầu thang, phá vỡ sự yên lặng.
- Kỳ tài! Nhưng còn tiếng đàn? Tôi còn nghe tiếng đàn mà? - Merton nói.
- Anh nghe đúng trăm phần trăm! - Holmes đáp - Tiếng vĩ cầm tiếp tục thánh thót. Máy quay đĩa hát là một phát minh kỳ diệu!
Cảnh sát xuất hiện, các tội phạm bị còng, bị đưa xuống xe ngựa chờ dưới đường. Bác sĩ Watson khen Holmes về cành nguyệt quế mới thêm vào cái vương miện của anh ta. Nhưng cuộc nói chuyện giữa hai người bị gián đoạn vì Billy đang mang danh thiếp vào.
- Huân tước Cantlemere, thưa ông.
- Ðưa ông ấy lên, Billy. Ðây là nhà quý tộc sáng giá, đại diện cho những quyền thế lớn. Ðó là một nhân vật tuyệt hảo, rất trung thực, nhưng “hơi xưa” một chút. Ta sẽ nịnh cụ ấy một chút rồi đùa cụ ấy chơi. Ông không biết chuyện gì vừa xảy ra đâu.
Cánh cửa mở, một người gầy gò bước vào, khuôn mặt khắc khổ, được tô điểm bằng bộ râu mép to và đen không tương xứng với đôi vai cong và cái thân hình mảnh khảnh. Holmes tiến tới và bắt lấy một bàn tay mềm nhũn.
- Kính chào huân tước Cantlemere. Thời tiết còn lạnh nhưng trong một căn hộ thì nhiệt độ không đến nỗi nào. Ðề nghị ngài cởi bỏ áo choàng.
- Cám ơn! Tôi thấy không cần thiết.
Holmes đặt một bàn tay trên cánh tay áo choàng.
- Xin ngài cho phép! Bạn tôi, bác sĩ Watson, sẽ trách rằng những thay đổi thời tiết như vầy là quái gở?
- Tôi cảm thấy được, ông Holmes à! Tôi không ở lâu đâu! Tôi đến xem cuộc điều tra của ông đến đâu rồi.
- Thưa ngài, rất là khó khăn.
- Tôi đã biết trước rằng ông sẽ nói là rất khó khăn. - Một nụ cười chế nhạo hé lộ trong lời nói và thái độ của nhà quí tộc già. - Cuối cùng mỗi một chúng ta sẽ phát hiện ra các hạn chế của bản thân mình, thưa ông Holmes. Tuy nhiên, sự mở mắt của ông cũng chữa lành một sự tự mãn.
- Ðúng vậy, thưa ngài! Tôi rất ân hận.
- Tôi đã thấy trước rồi mà!
Holmes mỉm cười - nụ cười tinh nghịch:
- Tuy nhiên có một điểm đặc biệt mà tôi hy vọng được ngài giúp đỡ?
- Mãi tới bây giờ ông mới nói, tôi e là hơi trễ đó. Tôi đã ngỡ rằng phương pháp làm việc của ông sẽ giúp giải quyết tất cả. Nhưng thôi, dù sao tôi cũng sẵn sàng giúp ông.
- Thưa huân tước, chúng ta có thể lập hồ sơ về bọn trộm.
- Khi nào ta bắt được chúng kìa!
- Ðúng vậy, nhưng mà vấn đề là làm sao còng kẻ tàng trữ đồ gian?
- Có quá chủ quan và quá sớm không.
- Phải lập hồ sơ mới được. Theo ngài, phải làm sao để truy tố kẻ tàng trữ?
- Trường hợp họ bị bắt quả tang đang giữ viên đá!
- Ðiều đó, theo ngài, là đủ để bắt nhốt kẻ tàng trữ chứ gì?
- Ðương nhiên!
Holmes vốn ít cười lớn tiếng, nhưng lần này thì cười hô hố.
- Nếu thế thì, kính thưa ngài, tôi cảm thấy đau lòng phải nhờ cảnh sát bắt ngài.
Huân tước nổi trận lôi đình.
- Ông suồng sã quá lố đó, ông Holmes. Trong 50 năm nay, tôi chưa hề gặp một sự bỡn cợt nào tương tự. Tôi đang rối đầu vì quốc gia đại sự; tôi không thích và cũng không có thời giờ để đùa cợt một cách xuẩn ngốc như vậy. Tôi cần nhắc lại cho ông biết rằng không bao giờ tôi tin vào khả năng của ông. Luôn luôn tôi chủ trương phải giao việc này cho cảnh sát công. Trân trọng cáo từ ông!
Holmes nhanh nhẩu nhảy ra, chân lại ở cửa.
- Xin chờ một chút, thưa ngài! Sự ra đi với viên đá Mazarin là một tội ác tầy đình so với tội chỉ tàng trữ trong một thời gian ngắn.
- Ðã quá mức chịu đựng của tôi rồi đó. Hãy để cho tôi đi qua!
- Ngài hãy thọc tay vào túi áo choàng của ngài xem!
- Ông muốn nói gì?
- Ngài cứ làm như vậy đi!
Nhà quý tộc bỗng điếng người, mắt nhấp nháy hên hồi, cà lăm cà cặp. Viên đá to màu vàng đang nằm trong tay run rẩy của ông.
- Chúa ơi! Cái gì đây, ông Holmes?
- Quá đột ngột, quá chấn động, phải không, thưa huân tước. Xin ngài tha lỗi, tôi đã quá lố, khi bỏ cục đá vào túi ngài ngay từ đầu cuộc nói chuyện.
Ông huân tước già nhìn đăm đăm vào khuôn mặt rạng rỡ của Holmes.
- Thưa ông Holmes, tôi rất kinh ngạc. Quả thật là viên đá Mazarin! Chúng tôi mang ơn ông vô cùng. Ông đùa dai và thất kính, nhưng mà ông đã nhìn nhận. Phần tôi, tôi xin rút lại tất cả những gì đã nói về biệt tài siêu việt của ông. Nhưng...
- Sau này tôi sẽ nói các chi tiết, thưa huân tước. Tôi tin chắc rằng cái thú vị mà ngài tìm thấy trong việc tường thuật cái kết quả vui vẻ về viên đá trong hoàng gia sẽ bù đắp cái thất kính vừa rồi của tôi. Billy, hãy đưa ngài huân tước xuống và báo cho bà Hudson hay rằng tôi rất hạnh phúc nếu được bà cho thầy trò ta một bữa ăn tối thịnh soạn.
Vụ giết người bí ẩn trong lâu đài cổ (K.1)
Marple nhìn sang Clotilde và lần này, lại không thể liên tưởng đến nhân vật Clytemnestre trong vở kịch cổ điển. Tuy nhiên, Clotilde không giết chồng, vì cô chưa bao giờ có chồng. Nhưng chả nhẽ cô lại đang tâm giết một cô gái mà cô từng gắn bó…
Marple đang ngồi trong chiếc ghế bành rộng cạnh lò sưởi trong nhà mình ở Saint Marie Meal. Một tuần trước, cô đã đọc cáo phó về cái chết của một con người không bình thường.
Nemesis như có pháp thuật, tên đó tái hiện trước mặt cô một phong cảnh mê hồn ở đảo Saint Honore. Cô đã chạy đi tìm người giúp cứu sống tính mạng một con người. Cô đã khẩn khoản yêu cầu sự giúp đỡ và về một vụ việc mà cô không hay biết tý gì.
Một số đoạn khác trong thư, cô nhớ lại: “Cô có thiên bẩm về công lý. Vì vậy tôi mong cô sẽ điều tra giúp vụ án”.
Thế này, thì khả năng mình gánh vác sao nổi? Cô Marple trầm ngâm suy nghĩ.
Cô Jane Marple có thói quen đọc báo vào mỗi sáng, có hai tờ báo được đưa đến tận nhà. Vốn thuộc lớp người của thế hệ cũ nên mục cáo phó được cô chú ý hơn cả.
Cô đặt tờ báo xuống, vừa lơ đãng nhìn sang mục ô chữ, vừa cố nghĩ xem tại sao cái tên Rafiel có vẻ quen quen?
Phải rồi! Cái tên cô vừa đọc trên báo? Và ông Rafiel! Cô nhớ lại chuyến du lịch đảo Saint Honore. Ông Rafiel với cô thư ký tên là Esther Walters, và anh hầu phòng nữa. Dần dà ký ức trở lại. Thế là ông Rafiel đã mất. Ông cũng đã nói với cô là ông không còn sống được bao lâu nữa – vậy mà ông có vẻ trụ lại lâu hơn dự đoán của bác sĩ. Ông có một ý chí sắt thép và một gia sản kếch sù.
Trước đây, cô đã đến yêu cầu ông giúp đỡ. Ông đã nhận lời và hành động ngay. Ôi dào! Có lẽ nên thôi không nghĩ đến nữa.
Một ngày cô Marple nhận được phong bì của Hãng công chứng Broadribb và Schuster, văn phòng đặt tại khu phố Bloomsbury, London. Họ là luật gia của ngài Rafiel đã quá cố, mà họ tin là cô có quen biết.
Đúng hẹn, cô có mặt tại văn phòng công chứng và ngồi vào chiếc ghế ông Broadribb đưa mời:
- Tôi chắc cô muốn biết ngay lý do của cuộc hội kiến này. Chắc cô đã nghe nói ông Rafiel đã mất?
- Vâng, tôi đọc báo.
- Như cô đã biết, ông ấy chết đi, để lại tài sản rất lớn. Và tôi được ủy thác thông báo để cô biết. Hiện chúng tôi giữ một số tiền, số tiền đó sẽ thuộc về cô một năm sau, với điều kiện cô chấp nhận đề nghị sắp nói sau đây.
Sau khi đọc đi, đọc lại vài lần, cô Marple ngước nhìn Broadribb và hỏi:
- Thư không nói rõ. Liệu có còn phụ lục nào khác nói cụ thể hơn?
- Phần tôi, tôi chỉ có trách nhiệm trao cô phong bì này và nói giá trị số tiền sẽ tặng là 2 vạn livro
- Đây là một số tiền lớn, và tôi thú thực rất lấy làm lạ
- Cô đoán không sai. Tôi đã nói là với văn bản này, cô sẽ khó hiểu được ý đồ của ông. Song, dù sao cô không nhất thiết phải trả lời ngay.
- Thôi, tôi xin mang thư này về để suy nghĩ .
- Xin lỗi, trước đây cô đã tham gia điều tra hình sự bao giờ chưa?
- Đúng ra thì chưa. Chỉ có thể nói rằng, trong thời gian ở Antille ông Rafiel và tôi bỗng dưng dính dáng vào một vụ án mạng. Một vụ án khó tin, đấy bí ẩn.
- Và hai người đã giải quyết được vụ án?
- Không hẳn thể. Ông Rafiel, nhờ tính cách mạnh mẽ, và tôi, nhờ ráp nối một số vụ việc có liên quan, đã ngăn được vụ án mạng thứ hai đúng lúc nó sắp xảy ra.
- Cô Marple, tôi xin được hỏi một câu: “Cái tên Nemesis vói cô ý nghĩa thế nào?”
- Nemesis - cô nhắc lại với một nụ cười thoảng nở trên môi. Phải, tôi đã nói ra tên đó trước mặt ông Rafiel, và ông rất thú vị nhận xét rằng tôi là hiện thân của Nemesis (Nữ thần báo oán).
Cô đã ra đến cửa, bỗng quay trở lại:
- Ông ấy có một bà thư ký, Esther Walters. Nếu không có gì bí mật, xin hỏi bà ấy có được hưởng 5 vạn livro của ông ấy không?
- Các món quà tặng ông Rafiel để lại sẽ được công bố công k hai. Do đó xin trả lời cô là có. Hơn nữa, bà Walters đã tái giá, giờ đây bà ấy là bà Anderson.
Về nhà, Marple rút thư ra đọc lại mà vẫn chưa biết là phải điều tra cái gì, nhưng cô vẫn quyết định nhận nhiệm vụ như trong thư mà ông Rafiel để lại.
Người mà Marple luôn nghĩ tới là Walters Esther, thư ký của ông Rafiel. Sau cuộc tiếp xúc với Esther, cô khẳng định Esther không có liên quan gì. Ba ngày hôm sau, Marple nhận được một thông điệp quan trọng. Một thư đánh máy ký tên J.B. RAFIEL. Nội dung bức thư là một chuyến du lịch mang tên “lâu đài và Vườn cảnh nổi tiếng Anh quốc”, đã được ông Rafiel đặt chỗ cho cô trước khi ông chết.
Hai hôm sau, cô Marple ngồi trên một chiếc xe sang trọng, xem kỹ danh sách 14 hành khách trong cùng chuyến đi.
Trong tất cả số người trên, phải có ít nhất một người có liên quan đến việc của cô. Buổi tối, trong lúc trao đổi, chuyện trò, cô cố tình nói ra tên ông Rafiel, nhưng không thấy ai có phản ứng gì. Chỉ có cô Cooke và cô Barrow. Chắc chắn cô đã gặp một trong hai người. Nhưng ở đâu? Hình như hai người này cố tránh gặp cô.
Vụ giết người bí ẩn trong lâu đài cổ (K.2)
Một cô gái bị ám sát. Song vụ việc cô quan tâm xẩy ra đã 12 năm, liệu cô có thể làm sáng tỏ?
Xem các thám tử phá án vào 6h00 và 13h00 hàng ngày trong mục Truyện trinh thám
Hôm sau, trong lúc ngồi nghỉ trước bữa tối, cô Marple lại đắm mình vào suy nghĩ. Thế là cô Cooke công nhận mình đã ở Saint – Marie – Mead. Nhưng đó có phải sự tình cờ? Nhằm mục đích gì nhỉ? Tuy nhiên, cô Marple có cảm giác rằng cô Cooke lúc đó đã định chối là chưa từng ở Saint – Marie – Mead. Cô ấy đã quay sang nhìn bạn, như muốn hỏi nên trả lời thế nào.
Hôm sau, cô vừa từ trên phòng của khách sạn Lợn Lòi Vàng đi xuống, thì một phụ nữ khoác măng tô đến gặp và tự giới thiệu là Glynne, bạn lâu năm của ông Rafiel. Bà Glynne mời cô Marple về nhà mình theo yêu cầu của ông Rafiel trước khi chết.
Cô Marple do dự một lát. Và không hiểu sao, cô thấy bồn chồn trong lòng. Cô ngước mắt nhìn bà Glynne đang lo lắng chờ đợi.
- Xin cảm ơn bà, tôi vui lòng nhận lời mời.
Cô cảm giác giờ đây sắp hiểu rõ hơn về công việc mà ông giao phó. Có thể ba chị em bà Glynne có liên quan đến cuộc điều tra. Ba chị em là đồng mình của cô, hay thú dịch? Đó là điều đầu tiên cần làm rõ. Trong ngôi nhà cổ này có một không khí đượm màu u hoài, buồn bã đã thấm sâu, khó mà xua duổi. Buổi sáng ngày hôm sau, khi Marple còn chưa ra khỏi giường thì bà vú Janet đã mang một khay đồ điểm tâm vào. Qua bà vú Janet, Marple được biết về cái chết của một cô gái đã từng sống tại tòa lâu đài này. Câu chuyện này bà đã được Elizabett Temple, một người trong đoàn du lịch với bà vừa kể trước khi đến ngôi biệt thự cổ.
- Nhất thiết cần phải có những thông tin khác nữa từ Elizabett Temple. Bà đã kể về một cô gái từng đính hôn với Micheal Rafiel. Thế mà mấy chị em bà Glynne có vẻ như không biết chuyện này. Rõ ràng là ba chị em phải biết một điều gì trong đó?
- Đúng là trên đời không có việc gì lại đơn giản - cô Marple nhận xét.
Một cô gái bị ám sát. Song vụ việc cô quan tâm xẩy ra đã 12 năm, liệu cô có thể làm sáng tỏ?
Sáng hôm sau, bà vú Janet mang trà lên cho Marple lúc 7h30’, để cô có thì giờ sắp xếp, chuẩn bị hành lý. Cô vừa đóng chiếc vali nhỏ thì có tiếng gõ cửa. Clotilde bước vào, vẻ bối rối:
- Cô Marple ơi, dưới nhà có một thanh niên muốn gặp cô. Tên là Emlyn Price. Nghe đâu đã xảy ra tai nạn.
- Trời! Người bị thương là ai?
- Một bà tên là Temple, bị đá lở rơi vào!
Cô quay lại để chào từ biệt Clotile và cả bà Glynne vừa mới đến.
- Rất cảm ơn mọi người. Tôi rất vui được ở hai ngày tại đây. Nghỉ ngơi rất tốt. Thế mà lại xảy ra cái tai nạn này.
- Nếu cô muốn ở lại một đêm nữa, bà Glynne nói – chắc là… Bà đưa mắt nhìn Clotilde. Nhưng cô Marple có cảm tưởng cô này vừa khẽ lắc đầu và trừng mắt với bà Glynne, tỏ vẻ không đồng tình. Bà Glynne liền nói chữa:
- Nhưng, chắc là cô muốn trở về với các bạn đồng hành hơn.
Trở lại khách sạn, cô Marple gặp giáo sư Wanstead, một người trong đoàn và có một cuộc nói chuyện đầy thú vị và bất ngờ với ông.
Giáo sư mở đầu:
- Nếu tôi không lầm, cô là cô Marple?
- Vâng, chính tôi.
- Ông Rafiel đã kể với tôi về cô. Giáo sư hạ giọng.
- Ồ! Ông Rafiel?
- Cô lạ lắm sao?
- Hơi lạ… tôi không ngờ…
Giáo sư im lặng một lúc lâu, rồi mới nói:
- Ông ấy đã thu xếp để cô tham gia chuyến du lịch này.
- Thú thật, tôi rất ngạc nhiên, khi biết ông đã giữ một chỗ trong đoàn cho tôi. Thế mà bây giờ chuyến đi lại gặp trục trặc.
- Ông Rafiel đã nói khá nhiều về cô. Ông ấy gợi ý tôi cũng nên đi chuyến này là không có chuyện gì phiền toái xảy đến với cô.
- Nhưng cái gì có thể xảy ra, ông nói được không?
- Có thể giống như đã xảy ra với cô Temple.
- Chắc ông phải là bạn thân của ông Rafiel?
- Không hẳn. Tôi chỉ gặp ông hai lần, một lần trong hội đồng quản trị của một bệnh viện, lần nữa trong một cuộc họp nào đó.
- Tôi đoán ông theo ngành y?
- Không. Tôi có bằng thầy thuốc, song lại chuyên về bệnh lý tâm thần. Để tôi kể cho cô nghe một câu chuyện. Đôi khi tôi giữ vai trò cố vấn trong một số việc của Bộ Nội vụ, nên có tiếp xúc với nhiều cơ qun, trong đó có những nơi giam giữ một số loại tội phạm. Trong số đó có một tên tội phạm… gọi hắn là gì cũng được, không thiều từ tồi tên, khinh miệt. Là tội phạm, điều ấy thì rõ, hắn đã tham gia một băng đảng, ăn cắp, biển thủ, lừa đảo, làm giấy tờ giả. Tóm lại, ai là cha một đứa như thế thì vô cùng thất vọng.
- Có phải ông định nói con trai ông Rafiel?
- Ông Rafiel cũng mấy lần cứu con khỏi truy tố. Nhưng cuối cùng anh ta đã bị bắt và bị kết án tù vì tội cưỡng hiếp. Sau đó, vụ thứ hai nữa, nghiêm trọng hơn, anh ta lại ra tòa.
- Tôi nghe nói anh ta đã giết một cô gái.
- Anh ta bắt cóc một cô gái và một thời gian sau, người ta mới tìm thấy xác. Bị bóp cổ, rồi bị đập nát mặt để không ai nhận ra. Nhưng trong trường hợp đặc biệt này, ông giám đốc nhà tù – một người có kinh nghiệm – lại đi đến kết luận: hắn không phải là kẻ giết người, đồng thời, ông cho rằng bản án dành cho hắn là rất sai lầm. Ông không tin hắn đã giết cô gái, và đã xem kỹ lại các đối tượng và nói chuyện.
- Và kết luận ra sao?
- Theo tôi, ông giám đốc nhà tù đúng. Tôi nghĩ Micheal Rafiel không giết người.
Vụ giết người bí ẩn trong lâu đài cổ (Kỳ cuối)
Thứ Tư, 01/12/2010, 04:00 AM (GMT+7)
Sự kiện: Vụ giết người bí ẩn trong lâu đài cổ
Marple ngẩng lên, nhận thấy vẻ mặt cô Cooke hết sức nghiêm nghị. Mái tóc bạc màu xõa xuống mặt, che một bên mắt, mắt kia nháy nháy như ra hiệu.
Xem các thám tử phá án vào 6h00 và 13h00 hàng ngày trong mục Truyện trinh thám
Hai người im lặng một lúc lâu, rồi giáo sư Wanstead cất tiếng:
- Tai nạn xảy ra với cô Temple cũng rất đáng ngờ. Trong khi đi đường, cô đã chuyện trò gì chưa?
- Rồi. Và tôi cũng định gặp khi cô ấy khá hơn. Hy vọng cô sẽ cung cấp nhiều chi tiết khác về cô gái bị giết, vì cô này đã từng là học trò của cô Temple.
- Như đã biết, cô Temple bị một tảng đá rơi từ trên đường dốc lao xuống đường mòn phía dưới. Đành rằng việc này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Tuy nhiên, có người đã nói với tôi rằng trong tai nạn này có một điểm lạ lùng.
- Ai nói?
- Joana Crawford và Emlyn Price. Cô gái chắc chắn rằng có một người nào đó trên mỏm đá cao.
- Joanna không thể xác định bóng người đó là đàn ông hay đàn bà?
- Không. Cô ta chỉ khẳng định người đó mặc chiếc áo thun kẻ ô vuông đỏ và đen. Hơn nữa, người này đã quay lại ngay và biến mất trong rừng đá. Cô ta nghĩ có thể là đàn ông.
- Cô đặt giả thuyết gì không
- Không. Nhưng tôi hiểu ý kiến của ông rồi. Theo ông, cô Temple có thể là người biết một bí mật gì nguy hiểm cho người thứ ba… Tảng đá, nếu đúng là cố tình bẩy ra, đã lao xuống rất chính xác, phải là đàn ông mới làm được.
- Chúng ta đã dừng chân nhiều nơi, nhưng ông Rafiel muốn ta gặp nhau ở đây, và để cô qua hai ngày ở lâu đài cổ. Điều ấy có lý do gì cụ thể? Về những án mạng từng xảy ra ở đây những năm qua?
Cô Marple đi theo giáo sư Wanstead tới bệnh viện nơi bà Hiệu trưởng Temple đang nằm hôn mê. Đột nhiên giọng cô Temple thốt lên, khe khẽ và hơi khàn, nhưng rõ.
- Cô Marple?
Elizabeth Temple mở mắt, nhìn người ngồi đầu giường lại nhắm nghiền mắt đến hai, ba phút, rồi lại mở,
- Cần phải biết. Cô hiểu tôi định nói ai?
- Tôi đoán. Một cô gái bị giết. Nora Broad?
Cô Temple khẽ chau mày:
- Không, cô khác kia. Verity Hunt.
- Tảng đá to, cô lẩm bẩm. Tảng đá của thần chết…
- Ai đẩy xuống?
Thân hình người bệnh doãi dần ra:
- Vĩnh biệt, nhờ cô cố gắng…
Giáo sư Wanstead hỏi cô Marple:
- Cô có định tiếp tục cuộc hành trình nữa không?
- Không. Sau chuyến vừa rồi, tôi muốn ở lại đây ít lâu.
- Ở khách sạn hay ở lâu đài cổ?
- Không biết họ có mời tôi quay về không, tôi không thể ép. Vả lại, ở khách sạn có lẽ tốt hơn. À mà tôi đã nói với ông chưa, rằng cô Temple đã kể với tôi là không đi du lịch mà đi hành hương.
- Hay nhỉ. Cô ấy có nói là hành hương vì cái gì không?
- Không. Nếu còn sống thêm chút nữa, chắc cô ấy sẽ nói. Tiếc thay!
- Nhưng tôi có cảm giác ai đó đã muốn ngăn cản cô không đi tới đích?
- Tôi sẽ cố tìm hiểu nhiều hơn về một cô gái tên Nora Broad.
- Đó là cô gái đã mất tích cùng một lúc với Verity Hunt.
***
Cô rút trong túi xách một mảnh giấy có ghi hai địa chỉ. Địa chỉ đầu tiên là một bà tên Blackett, ở một ngôi nhà xinh xắn ngay đầu làng. Bà Blackett cho hay Nora Broad là cháu họ của bà và được dân làng rất yêu quý, nhất là những người trong lâu đài cổ. Hồi đó, bà Glynne chưa về đây ở, nhưng cô Clotide rất tốt với cháu. Bà Blakett tin rằng dù Nora Broad có bỏ đi theo trại nhưng mà như thế còn hơn là bị giết như cô Hunt…
Cuộc viếng thăm thứ hai dành cho một cô gái đang trồng rau trong vườn nhà. Nhưng tại đây Marple cũng chẳng thu thêm được gì. Khi Marple bước vào sảnh của khách sạn thì Phó giám mục Brabazon đã chờ cô ở đây. Thấy cô vào, ông nói luôn:
- Elizabeth Temple với tôi là chỗ bạn lâu năm. Tôi ở Fillminter, nơi đoàn du lịch sẽ tới vào ngày kia
- Tôi xin phép hỏi một câu?
- Cô cứ nói.
- Cô Temple nói với tôi đi chuyến này không phải để thăm thú lâu đài và vườn tược mà là đi hành hương.
- Ông có cho mục đích cuộc hành hương ấy chính là để gặp ông?
- Cũng có thể
- Chúng tôi đã nói chuyện về một cô gái tên là Verity Hunt.
- À, Verity Hunt. Cô gái chết cách đây vài năm, cô biết ư?
- Có, tôi biết. Cô Temple cho biết cô ta định đính hôn với con trai một ông tên là Rafiel.
- Đó cũng là lý do cô Temple đến gặp tôi. Cô ấy muốn biết thêm một số sự việc.
- Muốn biết tại sao Verity Hunt lại bãi hôn với Michael Rafiel?
- Verity Hunt không bãi hôn, phó giám mục đáp. Tôi biết chắc.
- Vậy, tại sao hôn nhân không thành? Ông đừng nghĩ tôi hỏi vì tò mò. Tôi không đi hành hương, mà thi hành những ý muốn cuối cùng của cha Michael Rafiel.
Theo vị giám mục: “Verity Hunt là một cô bé có đạo đức rất tốt. Khổ một nỗi là chưa đến tuổi trưởng thành thì bố mẹ đã mất, nên phải về ở với cô Clotile Bradbury – Scott là bạn của mẹ. Cô hết lòng với cháu, cố gắng để cháu có cuộc sống vui vẻ và cháu rất quý cô. Từ khi cháu thôi học, tôi không gặp, cho đến một hôm cháu đến thăm tôi tại nhà, cùng với cậu Michael Rafiel. Họ đã yêu nhau và muốn bí mật lấy nhau. Tôi chờ, nhưng không thấy họ đến làm lễ. Vấn đề không phải là họ đến hay không, mà là họ không để lại một thông tin gì. Không hiểu Elizabeth Temple trước khi mất, có giải thích gì với cô không. Có thể Verity không nói gì với Clotide, nhưng tâm sự với Temple thì được”.
Sau bữa trưa, Marple lên sân thượng dùng café. Cô nhấm nháp đến tách trà thứ hai thì Anthea Bradbury – Scott xuất hiện và mời bằng được cô Marple về nghỉ ngơi vài ngày tại lâu đài cổ.
Marple đi theo họ về nhà ba chị em.
Như thường lệ, bà Glynne có thái độ trầm tĩnh và vẻ mặt vô cảm. Cô Marple nhìn sang Clotilde, và lần này, lại không thể liên tưởng đến nhân vật Clytemnestre trong vở kịch cổ điển. Tuy nhiên, Clotilde không giết chồng, vì cô chưa bao giờ có chồng. Nhưng chả nhẽ cô lại đang tâm giết một cô gái mà cô từng gắn bó. Gắn bó rõ rệt, cô Marple đã nhận thấy điều đó khi nhìn những giọt nước mắt chân thật của Clotilde khi có ai nhắc đến cái chết của Verity. Còn Anthea? Cô này đã đem gói hàng ra bưu điện gửi. Một phụ nữ thực sự lạ lùng, với đôi mắt lo âu, luôn đảo nhanh như nhìn thấy những gì mà người khác không thấy. “Cô ta sợ, Marple nghĩ bụng. Sợ cái gì? Cô ta bị rối loạn thần kinh chăng? Hay cô ta sợ lại bị gửi trở lại một cơ sở chuyện trị là nơi cô ta có thể đã sống một phần cuộc đời?”. Vừa uống trà, Marple vừa nghĩ xem cô Cooke và Barrow đến lâu đài cổ làm gì? Ở hai người này cũng có gì là lạ. Chuyện cô Cooke trước đây đã đến Saint – Marie – Meal cũng phải làm cô suy nghĩ.
Đột nhiên bà Glynne nói:
- Trong nhà này có một bầu không khí nặng nề. Một cái gì đè nặng từ khi… Verity chết. Nhiều năm đã qua, nhưng cứ như cái bóng của nó vẫn lởn vởn quanh đây. Cô Marple cô có cảm thấy thế không?
- Tôi hiểu, cứ phải sống mãi với những ký ức về quá khứ, đôi khi rất mệt.
Clotilde rót café mời mọi người. Cô Cooke ghé tai Marple, nói:
- Xin lỗi, nếu là cô, tôi sẽ không uống café vào giờ này, sẽ khó ngủ.
- Ồ, thế ư? Tôi lại rất quen uống café vào buổi tối.
- Nhưng café hôm nay rất đặc, tôi thực sự khuyên cô không nên uống.
Marple ngẩng lên, nhận thấy vẻ mặt cô Cooke hết sức nghiêm nghị. Mái tóc bạc màu xõa xuống mặt, che một bên mắt, mắt kia nháy nháy như ra hiệu.
Clotilde nói nếu sợ café làm mất ngủ, cô dùng một chút sữa nóng vậy.
- Cảm ơn cô. Vâng, uống sữa nóng trước khi đi ngủ thì tốt.
Sau ít lâu, cô Cooke và Barrow đứng lên xin cáo từ, nhưng họ lại quay trở lại ngay để lấy chiếc khăn và cái ví tay để quên.
Clotide đứng dậy, đi vào bếp lấy sữa nóng. Sau đó, cô đưa Marple về phòng, đặt cốc sữa lên bàn, cô hỏi:
- Cô còn cần gì nữa không ạ?
- Không, cảm ơn cô. Mọi thứ đủ cả, các cô chu đáo quá, lại cho tôi có dịp qua một đêm nữa ở tòa lâu đài.
Đồng hồ điểm ba giờ, có tiếng chân khẽ, Marple bật đèn sáng
- Ồ cô Clotilde. Có chuyện gì vậy?
Clotilde đứng im như tượng ở chân giường.
Clotilde còn có một tên nữa là Nemesis
- Cô định ám chỉ gì?
- Một cô gái xinh đẹp mà cô đã giết.
- Mà tôi giết! Thế là nghĩa lý gì?
- Tôi nói về Verity.
- Tại sao tôi giết nó?
- Vì cô yêu nó.
- Cô có vẻ hiểu rõ mọi chuyện. Điều cô vừa nói là sự thật, tôi không chối để làm gì
- Cái cô gái mà cô đi “nhận diện” không phải là Verity. Vì Verity nằm ở ngay tại đây, có phải không? Cô ấy nằm trong vườn nhà. Và tôi không nghĩ là cô bóp cổ mà chỉ cho cô ta uống café hoặc sữa có pha liều thuốc mạnh. Verity chết, cô mang xác vào vườn bới đống gạch đổ nát của nhà kính làm thành ngôi mộ. Rồi cô trồng cây Polygonum, cây lớn lên trùm kín tất cả. Verity vẫn ở tại đây, cô không để nó đi… Ít khi người ra dừng lại ở vụ án đầu tiên. Điều này tôi đã có kinh nghiệm. Cô đã giết hai người con gái: một người cô rất yêu, và một người khác nữa.
- Đúng, tôi đã giết Nora Broad. Một con đĩ ranh. Làm sao cô biết?
- Vì cô muốn đổ tội giết Verity cho chàng trai định cướp Verity từ tay cô. Nên cô đã giết cô gái nọ, lấy quần áo và vòng tay cũng của Verity, đập nát mặt, rồi đem giấu xác ở một nơi ít lâu sau thiên hạ mới tìm thấy. Cuối tùng, tuần trước đây cô lại nhúng tay vào một vụ án mạng nữa: giết cô Elizabeth Temple. Cô giết vì sợ cô ấy gặp Phó giám mục Bradazon thì có thể phần nào đoán ra sự thật. Cái tảng đá ấy hơi khó lay đấy nhưng cô có sức khỏe, cô làm được.
Clotilde phá lên cười:
- Nhưng lần này ai cầm được ta thủ tiêu mi ngay lúc này?
- Ta có thần hộ mệnh.
- Ha! Ha! Thần hộ mệnh? Clotilde lại cười to.
- Có khi ta có tới hai thần hộ mệnh. Marple vẫn bình thản. Xưa nay ông Rafiel vẫn thu xếp tốt mọi việc.
Cô Marple luồn tay xuống dưới gối, rút ra một chiếc còi, đưa lên miệng. Tiếng còi lanh lảnh vang lên. Lập tức cửa phòng mở. Clotilde quay phắt người, và đối diện với Barrow. Rồi cửa tủ áo cũng mở mạnh, cô Cooke xuất hiện. Hai người phụ nữ này có dáng vẻ kiên quyết, chuyên nghiệp, khác hẳn với thái độ thường ngày.
- Hai vị thần hộ mệnh của tôi – cô Marple giới thiệu – quả là ông Rafiel đã quá nhọc công vì tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro