Chương 1: Người Chữa Lành -Healer
Chương 1: Người Chữa Lành
"Đối với người nghệ sĩ, tranh là sự kết nối vĩnh cửu giữa của bản thân họ và bức hoạ. Mọi vui, buồn, yêu, hận nhỏ nhoi loài người tụ lại dưới ngòi bút, để rồi loan ra thành những mảng sống muôn màu."
Điện thoại phòng tranh reo lên một hồi dài thôi thúc làm Hy Luân dời mắt khỏi bức tranh sơn dầu còn dang dở. Cậu hơi nhổm người sửa lại tư thế ngồi cứng còng đã giữ vài giờ đồng hồ chưa đổi. Tấm lưng cao gầy của cậu trai hai mươi tư tuổi thu lại cong vẹo, cứ như thể cố lánh mình khỏi cái hối thúc vồn vã sau tấm vải dầu cũ kĩ bạc màu.
Tôn Hy Luân không thích bị ai làm phiền khi đang làm việc, nhất là khi bức hoạ sắp hoàn thành. Sinh ra trong gia đình nhiều đời theo nghiệp phục cổ, Hy Luân từ nhỏ đã học được những nguyên tắc bất thành văn và một trong số đó chính là "không thể quấy nhiễu quãng thời gian chữa lành."
Đối với người nghệ sĩ, tranh là sự kết nối vĩnh cửu giữa của bản thân họ và bức hoạ.
Mọi vui, buồn, yêu, hận nhỏ nhoi loài người tụ lại dưới ngòi bút, để rồi loan ra thành những mảng sống muôn màu. Đời người có được mấy mươi năm nhưng những bức tranh nơi này chính là nhân chứng sống duy nhất ghi nhận lại sự tồn tại của họ. Đa phần chúng bị thời gian quên lãng, phủ bụi, phai mờ, và bong tróc trong trí nhớ những người ở lại. Hy Luân không ngại phục dựng những bức tranh như thế này, một khi mối quan hệ được hình thành và hoàn thiện thì khó lòng rũ bỏ cho dù có bị bào mòn bởi thời gian. Một chút phủi lau, hút bụi, đổi đinh, căng vải, thay đinh, chấm màu, sơn phủ là lại trở về nguyên vẹn, tươi mới như thuở mặn nồng.
Cái làm cậu đau đầu chính là tình trạng như bức tranh trước mặt đây: một bức chân dung bị rạch nát. Chủ nhân của nó đã trải qua một cuộc ly hôn đầy phức tạp khi người chồng cũ của bà quyết tâm tranh chấp cho đến cùng và trong một cơn điên cuồng giận dữ, ông ta đã xé toang bức tranh khỏi tổ ấm êm đềm. Hy Luân vốn chẳng mẩy mây quan tâm về bà hoạ sĩ, lão chồng của bà hay cuộc hôn nhân độc hại giữa họ. Nhưng cậu chẳng thể chịu nổi khi nhìn thấy bức hoạ vô tội phải hứng chịu nỗi đau nát tan khi sự kết nối này bị cắt đứt. Một vết rạch xé tan mối quan hệ vốn đã mỏng manh giữa người với người. Bất cứ sự tổn thương nào gây ra cho những bức tranh cũng là sự hành hung đầy bạo lực trực tiếp nhắm vào người hoạ sĩ, cậu đã nghĩ vậy.
Thật ra thì bây giờ nhìn nó đã không tệ như lúc cậu trai mới khui lớp bảo vệ. Cậu đã phải đổi một tấm lót và khung căng hoàn toàn mới, ép nóng và phủ lớp bảo vệ tận ba lần. Công việc hôm nay là bước cuối cùng, chỉ cần dặm màu lần nữa thì không ai có thể nhận ra nó từng bị rách, trừ phi họ có một cái máy soi.
Tôn Hy Luân thích nghĩ mình là người chữa lành hơn là người phục chế cho những bức tranh. Mối liên kết giữa cậu trai và chúng còn bền chặt hơn các mối quan hệ máu mủ ruột rà, chí ít ở Tôn gia không có ai phàn nàn về điều đó cả. Hy Luân luôn cố gắng hết mình để không phụ sự kỳ vọng của họ, phòng tranh này tuy chỉ là chi nhánh mới mở ở vùng Vịnh nhưng đang dần trở thành nơi đáng tin cậy để hàn gắn sự kết nối vĩnh cửu này dưới sự quản lý của cậu.
Hy Luân cuối cùng cũng đầu hàng trước sự cứng đầu của người bên kia đầu dây. Cậu nhẹ nhàng buông bút vẽ xuống, bẻ lại cái cổ nghe răng rắc rồi mới từ từ bấm nút nghe.
"Hy Luân, cậu để chị đợi tới già luôn phải không?" Giọng Dương Tuệ sang sảng đâm vào tai làm cậu trai phải né xa cái điện thoại ra theo bản năng.
"Chị Dương vào việc chính đi, sao chị gọi em trong giờ làm?"
"Em trúng số rồi có biết không hả? Chị đây phải báo liền chứ chờ tên nghiện việc như em đến biết chừng nào?"
"Vào việc chính chị à." Hy Luân đã quá quen với cái sự hào hứng thái quá không hợp tuổi tác lẫn chức phận của bà chị quản lý ngoài bốn mươi của mình.
"Có một nhà đầu tư muốn gửi tặng phòng tranh chúng ta những bức tranh sơn dầu từ thập niên năm mươi, sáu mươi. Là "gửi tặng" đó, chúng ta sau khi phục chế có toàn quyền trưng bày hoặc đấu giá. Nghe nói là đều trực tiếp từ xưởng vẽ ngoại ô của một hoạ sĩ gốc Hoa có tiếng họ Cung."
"Cung? Em cũng từng nghiên cứu lịch sử hội hoạ hiện đại của Mỹ nhưng sao chưa từng biết đến có một hoạ sĩ nào như vậy."
"Không biết là đúng rồi. Ông ấy nổi tiếng vì từng là người đứng đầu của Cung Hàn, coi như là công ty khai thác mỏ quặng lớn nhất ở California lúc bấy giờ đi. Nhưng kì thực cuộc sống ông vốn rất đơn giản, lúc sinh thời chỉ hơi hơi có tiếng trong giới nhiếp ảnh phong cảnh thôi. Cung Tuấn. Mấy bức sơn dầu này chỉ mới được phát hiện gần đây sau khi ông mất."
"Vậy chẳng phải đây là lần đầu tiên công chúng sẽ được biết đến ông ấy với tư cách là một người hoạ sĩ sao? Mà chờ đã, điều kiện là gì chứ, làm sao có thể tự nhiên như vậy được?"
Trên trang web tìm kiếm cũng không cho ra nhiều kết quả là cho hai chữ "Cung Tuấn" này.
"Không hề có điều kiện gì cả, chính xác là trúng số chứ còn gì nữa. Em chỉ cần đến dinh thự Cung gia ở ngoại thành San Francisco trực tiếp ký nhận. Vừa có tiếng vừa có miếng, kì này phòng tranh của chúng ta giàu to rồi." Giọng Dương Tuệ líu lo.
"Còn chưa biết mức độ phục chế thế nào, chị đừng có mừng vội. Nhưng tại sao lại chọn phòng tranh của Tôn gia chứ? So với mấy phòng đấu giá lâu đời ở California, chúng ta dù sao cũng không phải là nơi danh tiếng nhất. "
"Không phải họ chọn phòng tranh của Tôn gia, mà là chọn em. Phía đại diện bên kia muốn đích thân em là người nhận mười hai bức tranh này."
"Em?" Trái tim cậu bang bang đập ngang tai nghe rạo rực, bụng xoắn lại cả lên vì kinh ngạc. Tôn Hy Luân không giấu nổi sự ngỡ ngàng, cái này thì đúng là chuyện trúng số từ trên trời rơi xuống mà. muốn hỏi vạn câu nhưng miệng lưỡi khô khốc, trách nhiệm này lớn quá liệu cậu có thể đảm đương.
"Ừ đúng rồi, trong di thư của Cung Tuấn muốn em thừa kế mấy bức tranh quý giá này. Mà của em thì cũng như sở hữu của Tôn gia thôi." Dương Tuệ cười hì hì.
"Nhưng em không hề có tí quan hệ nào với Cung gia, tại sao ông ấy lại muốn em thừa kế chúng chứ?"
"Chị nghĩ chắc là do em có tiếng trong giới phục cổ thôi, chẳng phải năm ngoái còn được công nhận bởi Hiệp hội Bảo tồn quốc gia sao? Cung lão sư tin tưởng em nên giao lại cho em giữ gìn thôi. Dù sao chúng ta kì này quá lời, em không thể từ chối được, lão gia sẽ rất thất vọng đó."
"Em không muốn sinh lời gì cả, chỉ là lo cho chúng rơi vào tay những người muốn trục lợi." Hy Luân vẫn chưa hết bàng hoàng trả lời.
Nói một lúc lâu về chuyện thủ tục thì trời cũng nhá nhem tối, cậu đã phải hỏi đi hỏi lại một ngàn tám trăm lần chị quản lý lẫn liên hệ với người đại diện Cung gia để đảm bảo không có sai lầm nào. Trái tim cậu vẫn chưa hết kinh hoảng kể từ khi nghe cuộc điện thoại kia, cậu bần thần ngồi thừ người nhìn lại bức tranh một lúc lâu.
Những bức tranh này vốn là sở hữu của một nhà tài phiệt đồng hương kín tiếng, nay lại muốn trao cho cậu, là tặng không như quà thừa kế. Nghĩ đến đây Hy Luân lại nhíu chặt mày, chuyện này quá mức kì lạ nhưng làm lớn thế này chắc không thể nào là lừa đảo đâu nhỉ?
Nhức cả đầu, Tôn Hy Luân biết tối nay mình chẳng có đủ tâm trí đâu để làm việc được nữa nên bèn thu dọn lại màu vẽ và cọ sơn ngổn ngang trên bàn. Bức sơn dầu vẫn thiếu vài chấm cuối cùng để trở về với sự huy hoàng vốn có. Nhưng Hy Luân không vội, việc chữa lành và hàn gắn đâu thể vội vàng.
Hy Luân đưa tay tắt đèn, kéo cửa. Mùi dầu cọ và nhựa nồng xông vào khoang mũi hừng hực cả một ngày dài tại phòng trang thoáng chốc bị hoà tan trong cái lạnh buổi tối. Tôn Hy Luân hít một hơi sâu để hơi đêm lấp đầy buồng phổi, trấn an lại tâm trạng bồn chồn. Lại nhìn qua khe kính mờ bên ngoài kiểm tra một lần nữa kĩ càng, khi đảm bảo ánh điện neon từ quán cà phê đối diện nhuộm bóng tối bên trong thoạt xanh thoạt hồng chỉ đơn giản hắt hiu những mảng màu bình thường như bao ngày khác, Tôn Hy Luân mới chịu về nhà. Nhưng không như bao ngày khác, cậu thấy lòng vui lạ, hai chân lâng lâng nhảy nhót theo nhịp điệu nhập nhành xanh đỏ. San Francisco về đêm cuối năm cũng không lạnh đến vậy.
Gia Lợi Phúc Ni Á (*): tên Hán Việt của California
Hết chương 1.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro