Chương 15: Học viện Ma pháp Hoàng Gia
Đã ba tháng trôi qua kể từ lúc chúng tôi đến học viện.
Chúng tôi mất năm ngày để di chuyển đến học viện, và vì đoàn của chúng tôi gặp sự cố trên đường nên đến chậm hơn và bỏ lỡ lần thi sơ tuyển, nhưng giáo sư Giont - trưởng đoàn, đã nói tất cả chúng tôi, những đứa trẻ đi trong chuyến đi này đều xứng đáng vào học viện vì biểu hiện xuất sắc trong chuyến hành trình. Nhưng dù vậy, viện trưởng vẫn yêu cầu chúng tôi làm một bài kiểm tra trước khi vào, vì dù trường hợp tuyển thẳng cũng có, nhưng một lúc tuyển thẳng một đoàn học viên thì chưa có, mặc dù có lý do cho việc lỡ kì thi. Vì vậy chúng tôi được sắp xếp làm bài kiểm tra năng lực ma pháp đơn giản trước khi nhập học. Và cũng vì lý do đó, chúng tôi đều được xếp chung một lớp.
Sau khi nghe tin đó, tôi có cảm giác sau này lớp sẽ nhận thêm bạn chuyển trường đến.
Nhưng bỏ chuyện thi cử sang một bên, chúng tôi đều rất tò mò về học viện.
Khi chúng tôi còn nhỏ, đều được kể về học viện ma pháp Hoàng Gia là nơi tuyệt vời nhất mà mọi pháp sư đều hướng tới, là nơi tạo ra các anh hùng, các ma pháp sư lừng danh, hơn nữa, trong lịch sử học viện còn từng xuất hiện Pháp Thần, nhưng điều này không được chứng thực, mà chỉ qua lời truyền của mọi người. Khi đến đô thành, chúng tôi choáng ngợp với kiến trúc to lớn nơi này bao nhiêu, thì cũng kinh ngạc trước sự kì vĩ của tháp ma pháp học viện bấy nhiêu, một kiến trúc đồ sộ, vĩ đại, biểu trưng cho sức mạnh của ma pháp, cũng như năng lực của học viện.
Học viện ma pháp được xây theo lối lâu đài gothic cổ, có ba tòa tháp, lớn nhất là tháp thư viện, biểu tượng của học viện, chúng tôi đã nhìn thấy từ ngoài thành, và hai tòa tháp khác nằm đối xứng với tòa tháp chính, tạo thành hình tam giác. Học khu là tòa lâu đài lớn nằm giữa khu tam giác tạo thành bởi ba tòa tháp. Ngoài khu tam giác tạo bởi ba tòa tháp là khuôn viên trường, với khu nhà ăn cho học viên và giáo sư, khu ký túc xá cho học viên và giáo sư nữ ở phía nam, và khu ký túc xá dành cho học viên và giáo sư nam ở phía bắc. Ngoài ra còn khu luyện tập, đấu trường và một số khu vực khác mà chúng tôi chưa tìm hiểu được.
Tôi ở chung ký túc xá với Ann, Tyfi và Ferm, vậy nên sau khi đi một vòng học viện, chúng tôi quyết định ra khu chợ trung tâm để mua một ít nhu yếu phẩm hàng ngày, ít nhất tối hôm đó chúng tôi không phải nằm đất. Và nhờ thế chúng tôi cũng hiểu nhau hơn. Chẳng hạn như với Ferm, dù không nói ra, nhưng phần nào chúng tôi cũng sợ cô ấy, vì thú nhân khá nóng tính và bạo lực, nhưng khi gần kề tôi cảm nhận họ rất thành thật, thậm chí hơi ngốc, tính tình đúng là rất dễ bốc lửa, nhưng thực ra họ không phải bạo lực, mà họ quen việc dùng sức mạnh để chứng minh bản thân nên nhiều khi họ chọn đánh nhau để giải quyết vấn đề. Khi đi mua đồ, Ferm đã rất ngượng ngùng khi chúng tôi hiểu lầm cô ấy định đánh chủ tiệm mà sau đó cô ấy giải thích chỉ muốn mua đồ thôi, và vì chủ tiệm không nghe cô ấy nên cô ấy mới hét to lên. Còn tôi và Ann thì muốn gọi Tyfi trở về thị trấn Wull cùng chúng tôi nếu có dịp, tôi muốn cô ấy chứng kiến nơi mẹ cô ấy lớn lên.
Và như thế trôi qua ba tháng, hôm nay chúng tôi chính thức là học viên Học viện Ma pháp Hoàng Gia.
Thực ra hôm nay không phải ngày khai giảng học viện, chỉ là nhóm chúng tôi nhập học thôi.
Dù chúng tôi ngay lập tức được xếp ký túc xá, làm kiểm tra đầu vào ngay sau đó, nhưng cũng không lập tức được nhập học, nguyên nhân tôi cũng nói rồi, chúng tôi đến chậm, và quá nhiều người cho một ngoại lệ.
Vậy nên, dù viện trưởng và giáo sư Giont đã cố hết sức, chúng tôi vẫn nhập học muộn hơn các học viên khác hai tháng, và dĩ nhiên học một lớp riêng biệt. Giáo sư Giont sẽ là chủ nhiệm lớp chúng tôi, cô Funesta là phó chủ nhiệm, ngoài ra hầu hết giáo viên lớp chúng tôi là đoàn giáo sư phụ trách hộ tống chúng tôi đến đây.
Bỏ qua vấn đề nhập học, tất cả chúng tôi đều háo hức trong ngày hôm nay. Tôi có thể nhìn thấy sự mong đợi của mọi người, bản thân tôi hồi hộp đến không ngủ được, thậm chí hiện giờ tôi còn cảm thấy trái tim tôi đập càng lúc càng nhanh, tôi hồi hộp đến phát run.
Dù đã ở đây ba tháng, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy xa lạ với học viện, chúng tôi hồi hộp bước đến dãy phòng học. Bước qua khu hoa viên, hướng về phía bắc, không bao lâu chúng tôi có thể nhìn thấy dãy nhà học xây theo lối gothic. Bước theo lối đi vừa lạ (chúng chưa được đi lên con đường này khi chưa là học viên) vừa quen (các lối đi trong học viện thiết kế đều giống nhau), tôi cảm thấy tim tôi đập mạnh hơn bao giờ hết.
Bước đi trong sự hồi hộp, bỗng một cánh tay đập lên vai tôi, và ngay lập tức tôi nhảy dựng lên vì bất ngờ, và quay lại, tôi nhìn thấy cô Funesta nở nụ cười tươi sáng:
- Chào buổi sáng! Các em đang đến dãy nhà học đúng không?
- Em chào cô.
Cô Funesta cười nói và cùng chúng tôi tiến về khu nhà học, và thật kì diệu, sau khi nói chuyện với cô, chúng tôi cảm thấy sự căng thẳng, lo lắng, hồi hộp trước khi nhập học đã biến mất.
- Được rồi! Trước mặt các em là tòa tháp phía nam, là tháp nghiên cứu, đồng thời cũng là cửa vào khu nhà học từ phía nam, đây cũng là tháp duy nhất đồng thời là cửa vào khu nhà học, hai tháp còn lại một hướng tây bắc là tháp thư viện, tháp hướng đồng bắc là gồm phòng viện trưởng, và hội trường thi đấu, cũng như nơi trao đổi mua bán trong học viện, các em biết đấy, học viện chúng ta xây theo hướng bán khép kín, học viện là một thế giới thu nhỏ, các em có thể tìm mọi thứ mình cần ngay tại trong học viện, chỉ cần các em dành thời gian cho nó.
Trong lúc cô Funesta nói, chúng tôi cũng đến chân tháp nghiên cứu. Nhìn từ xa, ngọn tháp có hình chóp, thân tháp uốn thon vào trong, chân tháp xòe rộng, có những đường vân ngang chia khoảng đều trên thân tháp. Phần đỉnh tháp không thẳng nhọn, mà hơi phồng hai lần, một phần ở chân đỉnh lớn hơn hình cầu, một phần ở giữa thân đỉnh hình thoi, sau đó vuốt nhọn hướng lên trên. Ngay từ rất xa, tôi đã thấy ngọn tháp cao lớn, nhưng khi đến gần, tôi mới nhận ra sự rộng lớn của ngọn tháp. Riêng phần chân tháp, tôi cảm giác như không thể nào nhìn thấy phần biên của nó khi đứng trước mặt ngọn tháp, dù cố hết sức cũng chỉ thể lờ mờ thấy đường còn khép vào ở khoảng xa xa. Còn về chiều cao, dù ngửa đầu hết cỡ, tôi cũng chỉ thấy một đường thẳng hướng lên cao, hoàn toàn không nhận ra được đây là tòa tháp chóp nhọn, tôi thậm chí có cảm giác đó là tòa tháp thẳng, và đâu đó tại nơi tôi không nhìn được kia, là phần mái tròn che ở trên chứ không phải đỉnh tháp nhọn hướng thẳng lên bầu trời. Và tất nhiên, vì tòa tháp là cửa vào, và nó quá rộng lớn để đi xuyên qua vào học viện, nên thực tế là chúng tôi vào thân tháp, và từ đó vào thẳng các tòa nhà học được xây nối liền giữa các tòa tháp, và tòa lâu đài xây giữa vùng bao bởi các tòa tháp được nối bằng các cây cầu hành lang. Các cửa vào khác cũng vậy, không phải là đi xuyên qua mà là tiến vào một đại sảnh sau đó trực tiếp tiến đến khu nhà học của mình.
Quay trở lại với chúng tôi, ngay khi bước qua cánh cửa chạm trổ tỉ mỉ cao đến hai mươi mét và rộng mười mét, chúng tôi bị choáng ngợp bởi khung cảnh của đại sảnh tòa tháp. Đại sảnh vô cùng rộng (dù có thể là nhỏ so với diện tích mặt bằng của tháp), và với rất nhiều lối đi thiết kế đối xứng nhau, cánh cửa thiết kế hình vòm cân đối hoàn hảo, đối diện là cánh cửa vào chúng tôi là cánh cửa lớn dẫn thẳng ra khu Thánh điện được xây dựng ở trung tâm học viện, có tất cả tám lối vào dẫn thẳng đến Thánh điện, và chỉ có thể vào Thánh điện bằng những cánh cửa đó, nhưng không phải mọi người đi vào bằng đường nào cũng được, cánh cửa Thánh điện chỉ mở cho người đi đúng con đường của mình, và hiện giờ cánh cửa trước mặt chúng tôi vẫn khép chặt. Lúc ban đầu, tôi tưởng Thánh điện là một tòa đại giáo đường, nhưng cô Funesta đã tủm tỉm cười và nói, đó không chỉ là giáo đường, nó đại diện cho niềm tin và tâm hồn của mỗi người, chỉ cần tìm được cánh cửa của mình, em mới có thể hiểu hết ý nghĩa của Thánh điện và tại sao lại nằm ở trung tâm học viện. Sau lời giải thích mù mịt của cô Funesta, chúng tôi càng tò mò hơn về nơi sau cánh cửa to lớn trước mặt, nhưng tiếc thay, chúng tôi không ai thấy cánh cửa đó mở cả, và cuối cùng đành tiếc nuối nén sự tò mò lại và quay đầu nhìn ngắm khắp đại sảnh đường.
Tất cả thiết kế trong sảnh đường đều là đối xứng. Sàn nhà là họa tiết đối xứng tròn lan tỏa với hình hoa ly ly nở rộ ở trung tâm, với đường viền là họa tiết trang trí tỉ mỉ, nhìn qua giống cách vẽ henna. Trần và tường nhà được bao phủ bởi bức bích họa lớn miêu tả thế giới. Học viện tổng cộng có ba bức đại bích họa ở ba đại sảnh đường của ba tòa tháp. Tháp nghiên cứu phía nam là bức Thiên giới trong Tam giới, tháp thư viện phía tây bắc là Địa giới trong Tam giới, tháp phía đông bắc là Trung giới trong Tam giới. Và cũng vì tương xứng với các bức họa, các cây cột cũng được dùng vật liệu có màu tương xứng, nghe đồn là chúng lấy từ loại đá hiếm hoi nhất của mỗi giới để biểu trưng cho một giới. Thiên giới là loại đá trắng ánh kim ngoài mát lạnh nhưng nếu ôm lâu sẽ càng lúc càng ấm đến cuối cùng lại nóng đến bỏng rát. Địa giới là loại đá đen không phản quang lại bất kì loại ánh sáng nào, nhìn gai góc, thô ráp, nhưng khi sờ nắn lại có cảm giác như xốp mịn, nhưng khi nắm chặt lại có cảm giác như châm đâm vào da. Còn lại Trung giới, là loại đá không màu sắc cố định, có người nói nó đổi màu theo thời tiết, có người nói nó phản chiếu lại màu sắc được chiếu lên, có người nói nó trong suốt, có người nói nó là không tồn tại. Ngoài ba đại bích họa ở ba tòa tháp, trên tất cả sảnh đường lớn nhỏ còn lại trong học viện đều có một bức bích họa kể về một câu chuyện.
Trong lúc giới thiệu về nét đặc sắc của sảnh đường, chúng tôi vừa di chuyển về phía hành lang hướng về lớp học của chúng tôi, và sau đó khi giới thiệu về sảnh đường khác, đường đến lớp học của chúng tôi qua thêm tổng cộng hai sảnh đường nữa, và ngay trước mặt chúng tôi là bích họa kể về anh hùng, người đầu tiên mở đường cho ma pháp băng hệ, một elf nữ có mái tóc băng lam, đôi mắt màu xám trong suốt. Tương truyền ma pháp người này mạnh đến mức nước mắt của cô khi rơi xuống cũng là băng. Nhưng cuối cùng vị ma pháp sư này đã mất kiểm soát sức mạnh và cuối cùng bị đóng băng bởi chính ma pháp của mình, đến nay bức tượng băng do cô hóa thành vẫn chưa được tìm thấy, dù có rất nhiều đi đến Cánh đồng Băng nguyên nơi lạnh nhất, cũng cho là nơi cuối cùng cô đến, nhưng đến nay sau 1200 năm, vẫn không ai tìm thấy.
Cô Funesta, vừa nói vừa nhìn vào hình ảnh cô gái cầm ma pháp trượng, vung lên ma pháp mạnh mẽ, ánh nhìn kiên nghị hướng về phía trước, cuối cùng cô thở dài:
- Đó cũng là trường hợp đầu tiên ma pháp sư chết dưới chính ma pháp của bản thân, và cũng gần như là tồn tại duy nhất cho đến ngày nay về trường hợp này. Nhưng dù vậy, đó là bài học đắt giá cho tất cả ma pháp sư, và sau sự kiện đó, rất nhiều ma pháp đã liệt vào cấm thuật, rất nhiều ma pháp bị cấm sử dụng, trong đó ma pháp đầu tiên bị cấm là ma pháp vùng [Băng nguyên] - ma pháp được cho là gây nên thảm kịch này, cũng như tăng cường kiểm soát việc tăng năng lực ma pháp của từng ma pháp sư. Dù sau này có trường hợp ma pháp sư bị thương bởi ma pháp của bản thân, nhưng vẫn chưa có tai nạn nào thiệt hại tính mạng cả. Các em cũng phải lấy đây là bài học, ma pháp rất kì diệu, rất tuyệt vời, nhưng không một ma pháp nào là an toàn tuyệt đối với người thi triển, cũng không có bất kì kì tích ma pháp nào có thể cứu các em khỏi cái chết cả.
Không hiểu sao tôi có cảm giác khi nói câu nói cuối cùng đó, cô Funesta như nói với chính tôi vậy. Nhưng ngay khi tôi nhìn về phía cô, tôi thấy cô vẫn nhìn chăm chú vào bức bích họa.
- Đó là bài học đầu tiên với bất kì ma pháp sư nào, đó là lí do mà sảnh này là địa điểm nối liền trực tiếp đến tất cả phòng học của năm nhất. Cô mong các em ghi nhớ thật kỹ những lời cô vừa nói. Hiện giờ, chúng ta đi tiếp thôi, nếu không sẽ muộn mất.
Nói xong cô Funesta dẫn đầu đi trước, chúng tôi theo sau, trước khi đi tôi ngoái lại nhìn thiếu nữ bé nhỏ mà mạnh mẽ trong bích họa, tim tôi đập mạnh một tiếng khi nhìn vào đôi mắt ấy, thật quen thuộc. Liệu tôi có quen ai có đôi mắt xám không? Nhưng ngay sau đó, tôi lại không cảm thấy gì cả, chắc tôi chỉ xúc động với câu chuyện của cô ấy thôi.
Bước chân vào lớp học, có thật nhiều bạn đã đến. Cô Funesta dẫn chúng tôi đến cửa rồi vẫy vẫy tay:
- Lát gặp lại các em sau. Cô đi trước.
- Gặp lại cô sau.
Lớp học không khác gì phòng học ở hiện đại của tôi, bàn đơn mỗi người một bàn, bảng phấn, bàn giáo viên nằm bên trái. Khác biệt duy nhất tất cả đều đậm nét trung cổ, trên mỗi bàn thay vì vở và bút bi thì là các cuộn giấy da và bút lông ngỗng cùng bình mực. Và đương nhiên là cửa sổ cao uốn vòm ở trên cùng, chiếm gần hết chiều cao của bức tường cùng trần nhà cao hình vòm đặc trưng của kiến trúc gothic.
Bốn chúng tôi bước vào lớp, thật may không phải đến quá muộn, nhanh chóng tìm được bốn bàn trống liền kề nhau, chúng tôi bước đến ngồi xuống, nói chuyện linh tinh trong khi chờ đợi đến tiết học đầu tiên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro