Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 5: Phải làm thế nào

"Tôi tự nhủ mình phải kiên cường và chiến đấu tới cùng, để người thân của mình vẫn có thêm được những ngày vui vẻ dài hơn. Nhưng tôi thật sự không biết mình phải làm thế nào bây giờ. Mọi thứ đã vượt quá xa sự hiểu biết và sức chịu đựng của tôi..."

HOANG MANG

(Ghi lại theo lời kể của WanBi Tuấn Anh)

Khi bác sĩ ở bệnh viện Mắt yêu cầu phải chụp hình MRI phần đầu, cả tôi và anh Chuột đều thấy hoang mang. Hỏi han người này người kia, tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, anh Chuột biết bác sĩ Nho- Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh của bệnh viện Chợ Rẫy hiện là bác sĩ giỏi nhất chuyên ngành này. Anh liền đưa tôi đi chụp hình MRI rồi đến khám ở phòng khám tại nhà của bác sĩ Nho.

Sau khi khám qua triệu chứng và xem phim MRI, bác sĩ Nho thông báo tôi có một khối u ở tuyến yên. Nghe đến hai từ "khối u", tai tôi như ù lại. Mọi chuyện không còn đơn giản nữa rồi. Từ một triệu chứng bệnh đơn thuần về mắt, giờ bỗng nhiên nghiêm trọng đến mức có một khối u trong đầu, sao lại có thể như thế được? Tôi thật sự vẫn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình. Anh Chuột vẫn cố bình tĩnh hỏi cặn kẽ những khả năng có thể xảy đến với tôi, về độ nguy hiểm của khối u, biện pháp chữa trị..., còn tôi ngồi bên cạnh, im lặng lắng nghe. Chẳng hiểu khả năng hiểu kiến thức chuyên môn y học của tôi có vấn đề, hay bác sĩ Việt Nam không có thói quen thẳng thắn rõ ràng với bệnh nhân, mà tôi vẫn cảm thấy khá lờ mờ về những điều bác sĩ Nho nói. Nhưng nghe ông động viên: "Bệnh này không quá nghiêm trọng đâu, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u. Khả năng bình phục hoàn toàn là 90%", tôi cũng cảm thấy yên tâm phần nào.

Trên đường về, anh Chuột lặng im, còn tôi cũng chẳng biết nói gì. Anh chở tôi đi lòng vòng một hồi, hai anh em vẫn không nói gì với nhau. Có lẽ anh cũng đang hoang mang và hụt hẫng chẳng kém gì tôi. Rồi anh quyết định phá tan sự im lặng: "Mọi việc nghiêm trọng hơn anh em mình nghĩ rồi... Nhưng bác sĩ đã nói không sao thì chắc là không sao đâu em". Tôi đăm chiêu suy nghĩ, rồi quay sang hỏi anh: "Bệnh này có chết không anh?". Tôi biết, có hỏi anh cũng chẳng biết phải trả lời làm sao...

Vài ngày sau, anh Chuột cho tôi nhập viện ở bệnh viện Chợ Rẫy để chuẩn bị cho ca phẫu thuật nội soi. Từ bữa biết mình có một khối u trong đầu, tâm trạng của tôi khá thất thường. Những lúc có mọi người thì không sao, nhưng những khi chỉ còn lại một mình, tôi vẫn cứ hay suy nghĩ lung tung. Tôi cố gắng đánh đuổi những suy nghĩ bi quan, tiêu cực ra khỏi đầu mình, nhưng rồi chúng lại quay về. Tôi tự động viên mình: sức khỏe của tôi vẫn đang rất tốt, chắc chắn mọi chuyện sẽ không sao, như lời bác sĩ đã khẳng định chắc nịch. Anh Chuột cũng liên tục động viên tôi. Anh nói phương pháp mổ nội soi cũng sẽ ít nguy hiểm hơn mổ hở, và nhanh chóng phục hồi hơn. Dần dà, tôi cảm thấy yên tâm chút chút, và sẵn sàng đối mặt với ca phẫu thuật.

Từ hôm tôi thường xuyên ra vào bệnh viện Chợ Rẫy để khám, nhiều y tá, hộ lý cũng bắt đầu xôn xao vì nhận ra tôi là ai. Anh Chuột và tôi lo lắng chuyện bệnh tình của tôi sẽ không thể giữ kín được. Tôi không muốn khán giả lo lắng khi biết tôi bị bệnh, cũng không muốn bị bình phẩm là mang sức khỏe ra để gây chú ý. Nhiều bầu show gọi điện mời diễn, anh Chuột đều từ chối vì lý do tôi kẹt lịch diễn khác. Nhưng có nhiều show đã lỡ ký hợp đồng từ trước không thể hồi lại, để tránh đôi co phiền phức, tôi vẫn cố gắng đi diễn.

Buổi tối trước ngày lên bàn mổ, tôi lại phải diễn cho đêm chung kết cuộc thi Miss Teen ở Nhà thi đấu Quân khu 7. Lịch diễn anh Chuột đã ký hợp đồng từ một tháng trước ngày bác sĩ thông báo lịch mổ, lại có truyền hình trực tiếp nên ban tổ chức không đồng ý cho tôi vắng mặt. Anh Chuột bàn với tôi cứ tự bỏ sô, có chuyện gì anh sẽ giải quyết sau, nhưng tôi cản lại: "Làm vậy mình mất uy tín lắm, em diễn được!". Lúc này, tôi vẫn nghĩ đây chỉ là ca phẫu thuật đơn giản như lời bác sĩ nói, và chủ quan là sức khỏe của mình vẫn rất tốt. Nhiều khán giả cũng trông đợi sự xuất hiện của tôi, tôi không thể để họ thất vọng. Tối đó, sau khi y tá chích thuốc và làm những công đoạn chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật vào sáng mai, tôi liền thay đồ diễn (do anh Chuột mang đến) và tìm cách trốn khỏi bệnh viện. Lần đầu tiên, tôi đi diễn với tâm trạng hồi hộp và phải tranh thủ thời gian như thế, vì bằng mọi giá tôi phải quay lại bệnh viện trước 10 giờ khi bác sĩ đi thăm bệnh theo lịch vào buổi đêm. Anh Chuột cũng muốn tôi phải dưỡng sức cho ca phẫu thuật vào sáng sớm. Tôi biết đi diễn vào lúc này là điều không tốt, nhưng cũng nhờ được hát, được gặp khán giả vào tối hôm đó, tôi như được tiếp thêm một sức mạnh và niềm tin rất kỳ lạ. Đêm đó, tôi đã có một giấc ngủ thật ngon...

HY VỌNG

(Lời kể của tác giả Lý Minh Tùng)

Sáng sớm ngày 5 tháng 10, tôi và mẹ Tâm có mặt ở bệnh viện Chợ Rẫy từ tờ mờ sáng. Bi cũng đã dậy từ sớm, chuẩn bị sẵn sàng. Lúc được y tá cho ngồi lên xe lăn để đưa đi thực hiện một số xét nghiệm trước khi phẫu thuật, gương mặt em vẫn rất thanh thản, thi thoảng còn nở nụ cười với mọi người. Trước khi vào phòng gây mê, Bi vẫn nắm tay tôi: "Em không sao đâu, nhất định em sẽ tỉnh lại. Anh nói mẹ Tâm đừng lo gì cả!"

Thời gian trôi qua chậm chạp. Tôi sợ nhất cảm giác chờ đợi ở bệnh viện nên cùng mẹ Tâm về nhà, kiếm việc gì đó làm cho thời gian qua nhanh. Bác sĩ nói, ca mổ nội soi qua đường mũi không phức tạp lắm, nhưng Bi phải nằm lại phòng hồi sức vài tiếng, đến khoảng 2 giờ chiều mới có thể về phòng.

Buổi chiều, tôi đón Bi ở phòng hồi sức. Khi bác sĩ đẩy chiếc băng ca ra khỏi phòng, em vẫn còn nằm mê man, trên người chỉ đắp hờ miếng vải trắng của bệnh viện. Đến tối, Bi mở mắt tỉnh táo, dù cơ thể vẫn chưa thể cử động linh hoạt. Cả nhà vui mừng kinh khủng! Bi kể, sau khi bác sĩ chụp thuốc mê và hỏi han mình gì đó, em chỉ trả lời đến câu thứ hai đã lịm vào giấc ngủ. Từ đó, em chỉ rong ruỗi trong giấc mơ nhưng không nhớ được mình đã bay đến tận đâu, đã làm gì trong giấc mơ ấy. Chỉ biết khi mở được mắt, nhìn thấy đầy đủ mọi người xung quanh, em cảm thấy cực kỳ mừng rỡ. Vì biết mình đã vượt qua được ca phẫu thuật này.

Bác sĩ nói phẫu thuật nội soi không phức tạp, nhưng đụng chạm đến phần đầu thì cũng là điều hoàn toàn không đơn giản chút nào. Vừa tỉnh lại, tối hôm đó Bi đã đòi uống trà sữa. Cậu em tôi có một tình yêu mãnh liệt với món thức uống này. Hễ nghe ở đâu vừa mở quán trà sữa mới, em sẽ đòi uống thử cho bằng được. Nhưng lần đầu tiên Bi chỉ hút được vài ngụm rồi bỏ dở, vì miệng vẫn còn cứng đờ do thuốc tê chưa tan hết. Những lúc tỉnh táo, Bi lại hỏi thăm chuyện này chuyện kia, rồi thỉnh thoảng lại thiếp đi vì cơn đau của vết mổ bùng phát.

Nhưng cũng may là sức khỏe Bi rất tốt, hôm sau em đã có thể xuống giường được, tuy vẫn phải nằm viện thêm gần một tuần nữa mới có thể bình phục hoàn toàn. Nghĩ đến ngày Bi xuất viện, khỏe mạnh đi hát trở lại, tôi nghe lòng mình nhẹ nhõm...

HỤT HẪNG

(Lời kể của tác giả Lý Minh Tùng)

Sau ca phẫu thuật nội soi ở bệnh viện Chợ Rẫy, Bi, tôi và gia đình đều yên tâm căn bệnh của Bi đã được chữa khỏi. Cuộc sống lại tiếp diễn nhẹ nhàng. Cho đến khi bác sĩ Nho- người đã thực hiện ca mổ cho Bi ở bệnh viện Chợ Rẫy- thông báo với tôi trong lần đưa Bi đến tái khám:

Ca mổ vừa rồi chỉ lấy ra được một phần rất nhỏ của khối u, vì khối u này thuộc dạng cứng. Sau khi sinh thiết, tôi mới xác định được Tuấn Anh không phải bị U tuyến yên mà là U nguyên sống. Có thể nguy hiểm đến tính mạng... Ở thế giới, bệnh nhân mắc khối u này tối đa chỉ sống được 5 năm...

Tai tôi như ù đi, và không còn nhớ rõ được cảm xúc của mình lúc đó. Hụt hẫng. Đau đớn. Trống rỗng. Bước ra khỏi phòng khám, tôi gần như chết lặng, cảm giác như có một phần ruột thịt của mình sắp bị cắt lìa mà mình không làm gì được. Khi bác sĩ đề nghị chỉ gặp riêng người nhà bệnh nhân, tôi đã linh cảm có sự bất lành. Nhưng tôi không ngờ được thử thách mà số phận đặt ra lần này cho Bi lại kinh hoàng như vậy. Giọng bác sĩ vẫn cực kỳ bình thản, có lẽ do nghề nghiệp, họ đã quá quen giải thích những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân bằng sự bình tĩnh đến lạnh lùng. Giải pháp ông đưa ra là phải mổ hở (mở hộp sọ) để cắt bớt khối u. Nhưng nguy cơ của một ca đại phẫu ở đầu như vậy là Bi có có khả năng không tỉnh lại, hoặc nếu có tỉnh lại cũng sẽ phải chịu rủi ro nhiều biến chứng như méo mặt, liệt người, hay thậm chí không còn nhìn thấy gì...

Nhưng tôi biết, hơn ai hết, mình cần phải mạnh mẽ và tỉnh táo. Chặng đường phía trước sẽ rất gập ghềnh, tôi không thể bỏ em một mình được. Điều tôi đau đớn nhất là không biết phải nói với Bi như thế nào về sự thật kinh khủng này. Tôi biết đứa em của tôi có sự mạnh mẽ và lạc quan hơn nhiều người, nhưng tôi cảm thấy mình quá nhẫn tâm nếu cắt đứt đi niềm hân hoan vui sống của một chàng trai mới 23 tuổi, đang ở giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời với bao nhiêu hoài bão cho công việc... bằng việc thông báo em chỉ còn tối đa 5 năm để sống. Hôm còn nằm trên giường bệnh, vừa phục hồi chút ít sau ca phẫu thuật nội soi, Bi còn hồn nhiên nói với tôi về những kế hoạch cho album vol.2, em sẽ sáng tác thêm bài hát này, mình quay MV như thế kia được không anh... Làm sao để em chấp nhận được sự thật này một cách nhẹ nhàng nhất?

Trở ra xe, tôi cố gắng trấn tĩnh để kể lại câu chuyện với mọi người một cách bình thường nhưng giữ lại những chi tiết quan trọng nhất. Tôi cố tránh ánh mắt của Bi, vì tôi sợ mình không còn kiểm soát được cảm xúc... Nhưng Bi vẫn nhận ra sự bất thường trên gương mặt thất thần của tôi. Đêm hôm đó, khi không còn ai, Bi mở đầu câu chuyện bằng một giọng bình thản:

- Anh nói thật đi, bệnh em nguy hiểm lắm phải không?

Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình bất lực với câu chữ. Tôi không biết phải mở thế nào. Sau một hồi quanh co, tôi quyết định nói thật, vì tôi tin đứa em của tôi đủ mạnh mẽ và có quyền được biết về tình trạng sức khỏe của mình.

- Bệnh nguy hiểm hơn mình nghĩ. Nhưng anh và mọi người vẫn sẽ chiến đấu với em tới cùng...

Rồi tôi kể lại với Bi những điều bác sĩ đã nói, từng chút một, vừa kể vừa thăm chừng cảm xúc của em. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được sự hụt hẫng tột cùng trên gương mặt vẫn còn cố nở nụ cười bình thản ban nãy.

- Vậy giờ mình phải làm thế nào anh?

Một câu hỏi nửa cố tỏ vẻ nhẹ nhàng, nửa hoang mang cầu cứu mà tôi chẳng thể nào định nghĩa chính xác được. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là Bi không hề khóc khi biết cuộc đời mình giờ chỉ còn được tính bằng vài năm ngắn ngủi. Nhiều người thường dùng nước mắt để đối diện với những nỗi đau, để cân bằng sự tổn thương trong lòng mình. Nhưng có lẽ trước những nỗi đau quá lớn, nước mắt cũng chẳng còn giá trị. Tôi cảm nhận nỗi hụt hẫng của Bi đang lan tỏa trong từng mạch máu, nhưng đôi mắt em vẫn ráo hoảnh. Em cũng chẳng than trách, chẳng hỏi tại sao số phận lại gắn vào đầu mình một khối u như thế. Chỉ hoang mang là sẽ bước tiếp đoạn đường phía trước thế nào, và gửi gắm niềm lo lắng ấy cho tôi. Như một thói quen, cũng như bao lần tôi lên kế hoạch cho công việc ca hát của Bi. Phải làm thế nào? Câu hỏi mà bản thân tôi cũng chẳng thể có câu trả lời rõ ràng lúc ấy.

- Anh cũng không biết. Nhưng mình sẽ chiến đấu tới cùng- Tôi nói với Bi, mà cũng như tự nói với bản thân mình.

- Mình khoan nói với mẹ Tâm. Ba Quỳnh mới mất. Em sợ mẹ chịu đựng không nổi. Anh cứ quyết định hết đi, anh sắp xếp sao em sẽ nghe theo như vậy... Giờ em cũng chẳng biết phải làm sao...

Trước đây tôi từng suy nghĩ, cậu em tôi, dù ở tuổi 19, 25 hay thậm chí 35 tuổi vẫn sẽ giữ được vẻ ngoài và tính cách hồn nhiên hay cười như thế. Tôi biết Bi đang rất sợ, nỗi sợ đó chắc hẳn còn lớn hơn tôi gấp nhiều lần. Nhưng em vẫn rất bình tĩnh. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự trưởng thành của Bi trong khoảnh khắc em đặt nỗi đau của người thân lên trên cảm giác lo sợ của bản thân mình. Và một lòng tin tuyệt đối mà em dành cho tôi. Lần đầu tiên tôi cảm thấy áp lực trên vai mình nặng trĩu, khi từ giờ mình sẽ không chỉ là người quản lý công việc, mà còn là người quyết định sống chết cho đứa em của mình. Một lần nữa Bi lại trao cho tôi một "nhiệm vụ" mà tôi chưa làm bao giờ, và cũng chẳng biết mình có làm tốt hay không. Hai anh em đã siết tay thật chặt, như một sự quyết tâm. Và mỗi người đều cố giấu cảm xúc trong lòng mình, để người còn lại thấy yên tâm hơn...

Sau cái đêm lần đầu tiên biết trên đời có một căn bệnh quái ác như vậy, trong lòng tôi luôn có một nỗi ám ảnh mơ hồ... Nỗi ám ảnh mà tôi chẳng thể đặt tên...

HOẢNG LOẠN

(Ghi lại theo lời kể của WanBi Tuấn Anh)

Nhìn thái độ của anh Chuột sau khi gặp bác sĩ Nho, tôi đã linh cảm được chuyện không lành. Nhưng tôi không muốn vặn hỏi anh giữa mọi người, vì sợ mẹ Tâm biết chuyện. Khi chỉ còn hai anh em với nhau, tôi cố gắng biểu lộ cho anh thấy mình rất bình tĩnh, và sẵn sàng đón nhận bất cứ tin xấu nào về tình trạng sức khỏe của mình. Nhưng khi nghe anh Chuột thông báo khối u tôi mắc phải là Chordoma chứ không phải U tuyến yên thông thường, tâm trạng tôi vừa hụt hẫng vừa mơ hồ. Tôi chẳng có chút khái niệm gì về khối u đang tồn tại trong đầu mình, chỉ biết nó rất hiếm, rất nguy hiểm. Thật ra, tôi chẳng quan tâm chính xác người ta gọi khối u đó với tên gọi nào, tôi chỉ cần biết căn bệnh đó có thể chữa trị được không, và phải chữa trị như thế nào.

Anh Chuột sợ tôi bị sốc nên chỉ nói chậm rãi từng thông tin mà bác sĩ nói với anh. Thật sự lúc đó tôi không còn nghe rõ được điều gì, trong đầu chỉ là mớ rối rắm với nhiều suy nghĩ mông lung. Tôi nghĩ đến mẹ Tâm sẽ bị sốc thế nào khi biết tin, nghĩ đến chuyện mình không còn được đứng trên sâu khấu, thậm chí cả ngày mình chết. Mỗi suy nghĩ dù hiện hữu rõ ràng hay mờ ảo đều như có ai đó đang bóp chặt tim tôi. Tôi cảm thấy rất sợ hãi. Tuyệt vọng. Tôi không hiểu sao ông Trời cứ liên tục quăng vào cuộc đời tôi những "chướng ngại vật", mà mỗi lần độ thử thách lại cao hơn lần trước. Cảm giác của tôi từ sợ hãi chuyển sang chán chường, khi mình vừa chấp nhận rủi ro trải qua một ca phẫu thuật nguy hiểm, để rồi nhận ra căn bệnh của mình chẳng những không hết mà còn nghiêm trọng hơn chẩn đoán ban đầu. Tôi chỉ cầu mong bác sĩ lại có gì đó sai sót trong kết quả xét nghiệm, như họ đã từng chẩn đoán lầm khối u của tôi là u tuyến yên. Đêm đó, tôi nằm mơ thấy bác sĩ Nho gặp tôi và nở nụ cười hiền hậu: "Chúc mừng con, bác đã giúp con cắt bỏ hoàn toàn khối u đó rồi!". Giật mình tỉnh lại, tôi cảm thấy đầu mình nhức bưng bưng. Tôi nhắm mắt lại, cố dỗ mình vào giấc ngủ để được tiếp tục giấc mơ tuyệt đẹp ấy...

Tôi biết anh Chuột nhận ra được nỗi sợ hãi ẩn giấu sau vẻ bình thản của tôi nên siết chặt tay tôi như một lời hứa sẽ cùng tôi chiến đấu đến cùng. Tôi không muốn làm anh thêm nặng lòng vì những lời than trách số phận hay những giọt nước mắt yếu đuối. Nhưng khi còn một mình, nỗi sợ hãi mới bắt đầu bao trùm lấy tôi. Tôi sợ chết lắm, thật sự rất sợ. Ai mà chẳng sợ ngày mình đột ngột ra đi khi còn bao điều dang dở? Nhưng hình dung đến cảnh mẹ Tâm, người thân, bạn bè sẽ đau đớn thế nào khi tôi không còn nữa, tôi lại thấy tim mình đau nhói hơn cả khi tôi biết mình không còn nhiều thời gian để sống. Tôi đã từng trải qua cảm giác đó khi ba Quỳnh mất, nên tôi hiểu nếu mình có chuyện gì sẽ để lại một sự trống trải đau đớn trong lòng người thân như thế nào. Tôi tự nhủ mình phải kiên cường và chiến đấu tới cùng, để người thân của mình vẫn có thêm được những ngày vui vẻ dài hơn. Nhưng tôi thật sự không biết mình phải làm thế nào bây giờ. Mọi thứ đã vượt quá xa sự hiểu biết và sức chịu đựng của tôi. Mẹ Tâm thì chỉ là một bà nội trợ bình thường. Việc phải thay ba gánh vác gia đình, tiếp tục chăm sóc cho anh em tôi đã là một gánh nặng quá lớn với mẹ. Tôi cũng hiểu mẹ Tâm không thể là người đưa ra bất kỳ quyết dịnh trọng đại gì. Một ngày của mẹ chỉ luẩn quẩn với bếp núc để anh em tôi có được những bữa ăn ngon nhất. Giờ tôi chỉ biết trông cậy vào anh Chuột, dù biết mình đang đặt thêm một gánh nặng khủng khiếp lên vai anh. Trước đây, anh từng nói với tôi: "Chúng ta không chỉ là quản lý- ca sĩ, mình còn là anh em. Mà anh em thì không bao giờ bỏ rơi nhau lúc khó khăn". Không hiểu sao, chỉ vì câu nói đó mà tôi lại có lòng tin tuyệt đối vào anh, tôi tin anh sẽ có đủ tỉnh táo để giúp tôi đưa ra những quyết định tốt nhất cho sự sống chết của mình. Cảm giác của tôi bớt nặng nề hơn. Tôi cảm thấy có chút an ủi và yên tâm vì biết mình sẽ không đơn độc trong cuộc chiến này.

Anh Chuột bắt đầu lên mạng tìm hiểu về căn bệnh Chordoma để tôi hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình. Nhưng càng tìm hiểu, chúng tôi càng thấy rối rắm và hoang mang với những thông tin chẳng mấy lạc quan. Anh còn đăng ký làm thành viên của Chordoma Foundation ở Mỹ, lân la làm quen với người thân của những bệnh nhân trên khắp thế giới với chút hi vọng nhỏ nhoi là tìm ra được phương pháp điều trị khả dĩ. Anh đọc cho tôi nghe các bài báo về cựu vận động viên Craig Heyward, người bắt đầu điều trị Chordoma năm 1998, nhưng sau đó lại bị tái phát vào năm 2005, và qua đời vào năm 2006. Và chia sẻ với tôi những kinh nghiệm chống chọi với Chordoma của chàng sinh viên người Mỹ Josh Sommer, người đã cùng mẹ mình thành lập Chordoma Foundation để vận động quỹ nghiên cứu những phương pháp điều trị mới cho căn bệnh quái ác này. Càng đọc nhiều, cả tôi và anh Chuột càng rơi vào trạng thái hoảng loạn. Tôi không nhớ hai anh em tôi đã bao nhiêu lần cùng nói chuyện với nhau mới bắt đầu chấp nhận được sự thật: căn bệnh của tôi thật sự không có cách chữa trị triệt để. Mọi phương pháp hiện có trên thế giới cũng chỉ khống chế được tạm thời khối u. Một ngày nào đó nó cũng sẽ quay lại, và mang tôi đi mãi mãi.

Cảm xúc của bạn sẽ thế nào khi biết mình chỉ còn 5 năm để sống? Bạn sẽ sống cuồng sống vội và làm những điều điên cuồng nhất bất chấp hậu quả? Bạn sẽ khóc một trận kinh thiên động địa, rồi buông xuôi cuộc đời mình cho mọi chuyện tới đâu thì tới? Tôi thật sự rất nhiều lần muốn khóc, nhưng chẳng hiểu sao nước mắt chẳng thể chảy được. Tôi nghĩ, mình có khóc, có buồn đau vật vã cũng chẳng giải quyết được gì. Tôi cần phải thật mạnh mẽ để mọi người yên tâm. Tôi cũng tập chấp nhận, kể từ giờ cuộc đời mình sẽ có thêm một người- bạn-nhỏ "ở trọ" ngay trong chính bộ phận quan trọng nhất của cơ thể mình, nhưng lại là một người bạn không thể chung sống hòa bình mà cũng chẳng thể triệt tiêu. Càng nghĩ, tôi thật sự thấy mơ hồ về chặng đường sắp tới của mình.

LẠI HY VỌNG

(Lời kể của tác giả Lý Minh Tùng)

Sau khi ổn định tâm lý cho Bi, tôi quay lại tìm bác sĩ Nho, trông mong ở ông một thông tin về một phương pháp điều trị khác ít rủi ro hơn mổ hở. Dù có những điều tôi đã tự tìm hiểu được rõ ràng. Hiện giờ khối u chỉ mới ảnh hưởng đến thị lực của Bi chứ chưa tác động đến sức khỏe, nên tôi không dám đánh đổi việc thu nhỏ kích thước khối u với rủi ro là em sẽ tỉnh lại trên bàn mổ cùng những chức năng không còn lành lặn, hay tàn nhẫn hơn là em sẽ chẳng bao giờ tỉnh lại nữa. Tôi thật lòng xin lỗi, nhưng sau lần bác sĩ chẩn đoán sai căn bệnh của Bi là U tuyến yên, lòng tin của tôi và Bi dành cho vị bác sĩ này đã sụt giảm rất nhiều. Tôi bàn với Bi, và hai anh em quyết định sẽ không mổ hở. Tôi muốn mỗi ngày còn được sống, em phải sống như một người bình thường, được làm việc, được tận hưởng những giây phút vui vẻ nhất bên người thân.

Bác sĩ Nho giới thiệu tôi sang bác sĩ Bình- trưởng khoa điều trị Gamma Knife của bệnh viện Chợ Rẫy để thử phương pháp xạ trị. Tôi cũng có tìm hiểu, rằng với các khối u, hiện y học hiện đại cũng chỉ có 3 phương pháp: mổ hở, xạ trị (dùng tia phóng xạ để khống chế kích thước khối u) và hóa trị (dùng hóa chất để tiêu diệt khối u). Xạ trị là cách tiên tiến nhất, nhanh nhất, ít đau đớn nhất, nhưng ở Việt Nam chỉ mới có một loại tia là Gramma Knife. Nếu là U tuyến yên, phương pháp điều trị này sẽ giúp khống chế được khối u hoàn toàn trong thời gian dài, và 90% khả năng Bi sẽ hết bệnh. Nhưng đau đớn là khối u của Bi không "ngoan ngoãn" và dễ dàng bị triệt tiêu như thế.

Tôi gặp bác sĩ Bình, vẫn với một niềm tin bấu víu là những gì tôi tìm hiểu còn thiếu sót, rằng y học đã có được phương pháp mới để tiêu diệt tận gốc rễ của khối u Chordoma. Nhưng vị bác sĩ trẻ này cũng đưa ra những thông tin chẳng mấy lạc quan so với vị bác sĩ lớn tuổi kia. Nhưng dù sao, tôi cũng tự an ủi rằng tia Gramma cũng sẽ khống chế khối u được một thời gian. Và quan trọng là không nguy hiểm tính mạng khi điều trị. Thật sự chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác nên chỉ biết nghe theo lời tư vấn của bác sĩ. Nhưng tôi cũng biết Gramma Knife không phải là vị-cứu-tinh-vô-hại. Và nó đã để lại cho Bi nhiều đau đớn hơn so với nỗi đau thể xác, mà lúc ấy chúng tôi không hề hay biết. Một trong những điều mà cả Bi và tôi cảm thấy hối hận nhất sau này...

Buổi sáng tôi đưa Bi quay lại bệnh viện Chợ Rẫy, trời đầy nắng. Từ cổng bước vào khoa Gamma Knife, phải đi bộ trên con đường dài rợp bóng cây xanh. Bi đi chậm rãi, thỉnh thoảng ngước nhìn bầu trời rồi quay sang tôi nói vu vơ: "Thì ra nắng sớm đẹp ghê anh ha!". Hôm nay có thêm mẹ Tâm và vài người bạn của Bi đi cùng. Ai cũng hiểu, Bi không bao giờ muốn mình là người đơn độc trong bất kỳ cuộc hành trình nào. Lâu rồi chúng tôi mới dậy sớm như vậy. Và mỗi người cứ miên man với dòng suy nghĩ của riêng mình. Nhưng ai cũng có chung một niềm tin là Bi sẽ khỏe lại. Nhất định như vậy!

CUỘC CHIẾN GAMMA KNIFE

(Ghi lại theo lời kể của WanBi Tuấn Anh)

Tôi phải gần như muốn la lên khi bác sĩ tiêm những mũi thuốc tê thẳng vào đầu. Chưa bao giờ tôi có cảm giác đau đớn thể xác khủng khiếp như thế. Nhưng tôi không thể để mẹ Tâm, anh Chuột nhìn thấy tôi đau, vì họ sẽ còn đau lòng hơn tôi. Tôi vẫn nhìn thấy vài người bạn quay mặt đi vì không chịu đựng được cảnh bác sĩ đặt chiếc khung sắt nặng nề lên đầu tôi, rồi siết từng con ốc vít to lún sâu vào da đầu. Tôi cắn răng chịu đau, nhưng cơ mặt tôi bắt đầu tê và không thể điều khiển được. Tôi cố gắng dùng tay để ra hiệu cho mọi người biết là tôi không sao. Mọi người hay xuýt xoa là tôi chịu đau giỏi (có gì đáng tự hào đâu nhỉ?). Chẳng qua vì tôi đã quá thân quen với cảm giác đau đớn và đâu còn lạ gì với những đợt điều trị dai dẳng, với kim tiêm, với những cơn đau đầu kinh khủng nữa. Dù phải đau đớn thế nào, dù phải thử bất kỳ phương pháp chữa trị gì, miễn sao khống chế được khối u là tôi không bao giờ từ bỏ hi vọng. Tôi tự nhủ mình không được đánh mất niềm tin. Vì bản thân tôi còn không có niềm tin thì làm sao những người đồng hành đủ sức mạnh và kiên nhẫn để đi tiếp cùng tôi trên con đường này?

Cơn đau dịu đi một chút. Có lẽ thuốc tê đã bắt đầu thấm. Anh Chuột và bác sĩ dìu tôi vào phòng điều trị Gamma Knife. Cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác nằm trong "cỗ máy khổng lồ" ấy (mà sau này tôi vẫn hay nói đùa là giống tàu du hành không gian trong các phim khoa học viễn tưởng). Nhưng là một cuộc du hành đơn độc với đầy sợ hãi mơ hồ. Tôi nằm im với phần đầu bất động, cảm thấy từng khắc thời gian trôi qua. Một sự tĩnh lặng tận cùng, tai tôi chỉ còn nghe tiếng của vòng xoay Gamma Knife chuyển động trên đầu mình. Loáng thoáng trong đầu tôi là những hồi ức về ngày thơ ấu xen lẫn niềm háo hức là mình sẽ lại được đứng trên sân khấu.

Tối nay tôi sẽ có hai show diễn mà anh Chuột đã nhận từ trước rất lâu. Vài ngày trước, anh bàn với tôi về ý định hồi show lại để nghỉ ngơi. Nhưng tôi đã trả lời dứt khoát: "Không cần anh. Bác sĩ nói bắn tia Gamma xong nằm nghỉ vài tiếng là có thể về nhà. Buổi tối em có thể đi diễn được! Mình đang cần tiền". Nhưng thật sự tiền với tôi chẳng còn nhiều ý nghĩa trong lúc này. Kể từ khi nhận ra quỹ thời gian của mình không còn nhiều, tôi luôn sợ hãi khi nghĩ đến một ngày nào đó mình không còn được hát, nên tôi luôn trân quý mỗi cơ hội còn được đứng trên sân khấu. Trước đây, khi nghe câu chuyện về những cô chú đồng nghiệp chia sẻ ước mơ được chết ngay trên sân khấu, tôi chẳng thể nào hiểu được họ suy nghĩ gì. Nhưng giờ tôi thật sự đồng cảm. Đã trót mang nghiệp nghệ sĩ vào người, ai cũng muốn được cống hiến đến tận giây phút cuối cùng. Và sự ra đi trên chính nơi mình thuộc về là điều bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mong muốn...

Tôi khẽ giật mình tỉnh lại, bên tai là tiếng nhạc một bài hát của chị Mỹ Tâm. Loáng thoáng trong giấc ngủ chập chờn của tôi ban nãy là giai điệu của Đôi Mắt, của Cho Em... Tôi chẳng biết mình đã thiếp đi bao lâu, nhưng tôi tự lay mình dậy. Tôi không thể ngủ. Tôi sợ mình sẽ không tỉnh lại nữa. Loáng thoáng trong dòng suy nghĩ của mình lúc đó, tôi cũng từng tự hỏi: Nếu mình không bước ra được khỏi cỗ-máy-không-gian này thì những ngày sắp tới của cả gia đình phải làm sao? Khán giả của sẽ phản ứng thế nào nếu tôi đột ngột biến mất khỏi cuộc đời?

Tôi tự nhẩm lời một bài hát mới trong đầu. Mỗi khi nghĩ khi đến âm nhạc, tôi như được tiếp thêm một sức mạnh, một niềm tin to lớn . Nhưng rồi tôi lại thiếp đi từ lúc nào chẳng biết...

***

Cuối cùng tôi cũng được đưa ra khỏi phòng điều trị. Vẫn nằm trên băng ca, hơi mệt mỏi vì cơn đau bắt đầu thấm khi thuốc tê dần tan hết, nhưng tôi vẫn cố mỉm cười để mọi người yên tâm, trước khi chợp mắt dưỡng sức. Vậy là tôi đã vượt qua được thêm một cửa ải nữa trong hành trình chiến đấu với khối u Chordoma quái ác...

Tối nay cũng là đêm đầu tiên tôi trình diễn bài Vụt Mất...

***

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro