
CHƯƠNG 11: Trận chiến sinh tử
"Tối nay, khi chia tay cả nhà, tôi đã tự nói thầm với mình là "Cười lên Bi! Không được khóc!". Trong những khoảnh khắc dễ yếu lòng nhất ấy, tôi lại càng phải cứng rắn để mọi người không quá đau lòng..."
NHẬT KÝ BẠN ĐỒNG HÀNH
(Trích từ nhật ký của Mèo- một người bạn thân trong nhóm - luôn là người đồng hành cùng Bi trong mọi chuyến chữa trị)
Bệnh viện SGH Singapore, ngày nhập viện đầu tiên, 17.9.2012
Tôi ngồi trò chuyện cùng bác sĩ Eddie- trợ lý của bác sĩ Ivan, em ngồi bên cạnh, vẫn tập trung chú ý dù sự khác biệt ngôn ngữ phần nào gây khó khăn cho em trong việc theo dõi câu chuyện về tình hình chữa bệnh của mình.
Tôi quay sang em:
- Chiều nay nhập viện nha em, dự kiến là sáng thứ 6 sẽ mổ.
- Trời! Sao mà phải nhập viện liền vậy?
- Thì tại còn làm một cái tiểu phẫu và các xét nghiệm khác trước khi mổ nữa nên nhập viện luôn cho thuận tiện.
- Nhưng mà vô luôn chiều nay có nghĩa là không ra ngoài nữa đó hả?
- Ờ, chắc vậy...
Tôi cố tỏ ra bình thản dù trong lòng hiểu được em đang nghĩ gì. Hai đứa tôi mới vừa quay lại Singapore được một đêm, mặc dù em cũng đã chuẩn bị trước tâm lý cho lần mổ này, nhưng tôi biết em vẫn chưa sẵn sàng nhập viện gấp gáp như vậy, khi anh Chuột và mẹ Tâm vẫn chưa qua...
Trong hình dung của em, trước khi em nhập viện, em sẽ còn có thời gian đi đến những chỗ quen thuộc mà lần nào sang Singapore em cũng ghé, được ăn những món ăn ưa thích, được mua sắm một vài món đồ. Và phải gặp mặt tất cả những người thân trước khi bước vào cuộc đấu tranh sinh tử. Có lẽ em đang rất hụt hẫng và chẳng thể giấu đi sự lo lắng khi mọi chuyện không như suy nghĩ ban dầu của em. Tôi vỗ về em:
- Không sao đâu. Em ngồi đây chờ anh một chút nhe! Anh chạy về lấy hồ sơ rồi quay lại làm thủ tục nhập viện cho em.
- Thôi! Cho em đi về với! Hay là ngày mai hãy nhập viện được không?
Tôi cười gượng gạo:
- Sáng mai bác sĩ phẫu thuật sẽ đến khám cho em sớm, ngày mai nhập viện thì không kịp.
- Vậy tối nay hãy vô được không?
Tôi hiểu Bi vẫn chưa chuẩn bị tâm lý khi phải nhập viện gấp gáp, chưa sẵn sàng để bị cách ly với cuộc sống bên ngoài. Tôi quay sang hỏi bác sĩ Eddie về nguyện vọng của em, ông đồng ý. Vậy là chúng tôi về nhà. Tôi tưởng em sẽ muốn dùng thời gian còn lại ấy để đi đâu đó cho khuây khỏa, nhưng cả buổi chiều em chỉ nằm trên giường. Em có ngủ hay không tôi cũng không biết, vì hai đứa cũng chẳng nói gì với nhau. Tôi muốn làm gì đó để động viên em nhưng tôi có thể làm gì được khi mà chính bản thân tôi cũng thấy lo sợ về những ngày phía trước?
***
Bệnh viện SGH Singapore, ngày trước khi mổ, 23.09.2012
Chớp mắt một cái em đã ở trong này mấy bữa rồi. Mỗi ngày cứ vài tiếng y tá lại vào lấy máu của em đi xét nghiệm, có lần lấy xong máu bị đông, vậy là phải lấy tiếp. Tôi xót lắm nhưng em lại chẳng phàn nàn gì.
- Đau không Bi?
- Không, quen rồi nhưng mà lấy nhiều máu quá em hơi mệt. Sao ngày nào cũng phải lấy nhiều quá vậy?
- Ờ, tại bác sĩ nói cần kiểm tra sự ổn định gì đó trong máu, chuyên môn quá anh cũng không hiểu rõ lắm.
- Mai mấy giờ mổ vậy?
- 8 giờ sáng. Tối nay anh đã xin bác sĩ cho em ra ngoài đi ăn với mọi người rồi đó!
- Vậy mấy giờ mới được ra?
- 7 giờ. Sau khi làm xong mấy cái kiểm tra thường lệ xong rồi mình đi, 9-10 giờ gì đó mình về.
Bữa ăn tối ấm cúng ấy đã trôi qua rất nhanh. 10 giờ mọi người đưa em và tôi quay trở về bệnh viện. Vì sáng mai mọi người không thể gặp em trước khi em vào mổ nên từng người một đã ôm em và nói lời tạm biệt...
Đêm ấy, chỉ còn lại em và tôi trong phòng. Em không đòi tôi mở nhạc cho em nghe như mọi lần mà nằm im trên giường không nói gì. Một người bạn lúc đó gửi cho tôi một playlist nhạc hòa tấu của nhóm Secret Garden, tôi bật lên như một thói quen mà không ngờ rằng những giai điệu không lời buồn não lòng đó đã làm tôi bật khóc.
Tôi không muốn kìm nén lại nữa, tôi nắm tay em và tôi đã khóc rất nhiều. Cứ tưởng tôi sẽ làm em buồn và vỡ òa ra theo tôi nhưng em lại mỉm cười rồi động viên ngược lại tôi:
- Anh nói với mọi người đừng lo lắng nữa nhe, em sẽ không sao đâu. Bao nhiêu lần em đã vượt qua rồi, lần này cũng sẽ như vậy thôi.
- ...
- À, cái bao gối ôm Đôrêmon của em dơ quá rồi nè. Khi nào em mổ thì anh đem về giặt cho em nha, em tỉnh dậy thì nó phải sạch đẹp lại đó!
- ...
- Thôi, đừng khóc nữa! Còn phải lấy máu, súc ruột, truyền dịch tùm lum hết kìa. Anh gọi y tá vô làm luôn cho xong đi rồi đi ngủ.
- Ờ...
Tôi đứng dậy đi ra gọi y tá, cảm giác như mình vừa được em truyền cho một ít sự mạnh mẽ, điều đúng ra là tôi phải làm cho em mới phải?
***
Phòng trọ Singapore, ngày Bi phẫu thuật, 24.9.2012
Tôi về nhà thông báo là em đã vào phòng mổ, không quên truyền đạt lại lời nhắn của em cho mọi người. Mỗi người tản ra mỗi nơi bởi chúng tôi không muốn ở gần nhau, sẽ làm cho sự lo lắng tăng lên gấp bội.
Mẹ Tâm đi chợ, anh Chuột đi lang thang đâu đó, chỉ còn một mình tôi ở nhà. Tôi đành giết thời gian bằng cách dọn dẹp phòng, rồi đem cái bao gối của em đi giặt. Nhưng 8 giờ sáng hôm đó, khu nhà nơi chúng tôi ở trọ lại bị cúp nước, chuyện chưa bao giờ xảy ra ở đây. Không biết làm gì khác, tôi cứ đi qua đi lại trong phòng, rồi quay lại bệnh viện, đi qua đi lại trước phòng mổ. Cuối cùng, tôi lại quay về nhà và ngủ thiếp đi.
Tiếng nước chảy trong nhà vệ sinh làm tôi giật mình dậy, đã có nước lại. Tôi với tay lấy cái điện thoại để xem giờ ngay lúc chuông reo, trên màn hình là số điện thoại của bệnh viện. Tôi mừng muốn khóc khi bác sĩ thông báo ca mổ đã hoàn tất.
Tôi chạy như bay sang bệnh viện, vừa chạy vừa khóc. Khóc vì quá đỗi vui mừng. Khóc vì một sự chờ đợi quá dài đã có kết quả. Khóc vì tôi sắp được gặp lại em.
Em được đưa sang phòng săn sóc đặc biệt nhưng vẫn chưa tỉnh lại. Tôi ra ngoài nói chuyện riêng với bác sĩ Ivan. Ca mổ đã không thành công như dự kiến. Ông bác sĩ bảo với tôi rằng dù đã hi sinh cắt bỏ tất cả các dây thần kinh bên mắt phải để tìm đường giải quyết khối u nhưng do khối u quá cứng nên ông không thể lấy được nhiều. Vừa nói ông vừa gõ tay vào tường, biểu lộ rõ sự áy náy của mình khi không thể mang lại kết quả tốt hơn. Lòng tôi chùng xuống. Nhưng tôi cảm thấy an ủi khi bác sĩ Ivan thông báo ông đã dịch chuyển vị trí khối u đi một chút và giảm được áp lực lên thần kinh mắt trái. Nhờ vậy mà một phần thị lực mắt trái của Bi vẫn còn có thể giữ lại được.
Tôi lắng nghe và không trao đổi gì nhiều hơn với bác sĩ ngoài chuyện con người nằm trong phòng săn sóc đặc biệt kia có mau chóng hồi phục lại hay không. Bởi trong đầu tôi lúc đó, chuyện quan trọng nhất chỉ có thế...
***
ĐÊM TRẮNG Ở SINGAPORE
(Lời kể của tác giả Lý Minh Tùng)
Bi và Mèo sang Singapore buổi sáng, buổi chiều hai đứa gọi điện thông báo chuyện nhập viện gấp gáp của Bi. Tôi biết Bi đang hoang mang lắm, nhưng bản thân tôi cũng bất ngờ, và lo lắng. Nhưng tôi vẫn cố tìm lời nhẹ nhàng để động viên: "Em yên tâm đi, anh xin nghỉ phép rồi, anh sẽ cố gắng mượn đủ tiền rồi cùng mọi người bay sang trước ngày em mổ". Bi có vẻ nguôi ngoai một chút...
Cuối cùng tôi và Mèo cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi mượn đủ được số tiền cho ca phẫu thuật của Bi. Tôi, mẹ Tâm, bé Mi và Katt liền bay sang Sing. Vừa đáp máy bay, mọi người đã đến ngay bệnh viện thăm Bi. Nhìn thấy tôi, như một quán tính Bi nở nụ cười đầy yên tâm. Em tíu tít kể lại tôi nghe cuộc sống mấy ngày qua trong bệnh viện nhàm chán thế nào, kể chuyện ca tiểu phẫu ở đùi để thăm dò mạch máu ra sao, kể cả những chuyện linh tinh như đồ ăn trong bệnh viện này phong phú như ở khách sạn vậy. Hào hứng như một đứa trẻ con chứ chẳng phải một bệnh nhân sắp bị mổ não.
Tối hôm sau, Sky và Leo cũng có mặt ở Singapore. Khi hai đứa đến bệnh viện, đã hết giờ thăm bệnh nên tôi phải đẩy Bi ngồi trên xe lăn xuống căn tin. Vừa nhìn thấy Sky, Bi gần như quên mất mình là bệnh nhân. Em tếu táo chọc "cô vợ" của mình, rồi rủ Sky đi lựa đồ ăn, y chang như lúc ở Việt Nam. Nhìn hai "đứa con" của mình hồn nhiên bên nhau, trong khoảnh khắc ấy, tôi cũng quên mất cả gia đình đang sắp phải đối mặt với thử thách tinh thần nặng nề nhất.
Mèo thông báo rằng bệnh viện dời ca mổ của Bi sang sáng thứ 2. Vậy là mọi người có thêm 48 giờ nữa cùng nhau... Lúc còn ở Việt Nam, cả nhà đều sốt ruột muốn Bi được phẫu thuật càng sớm càng tốt, nhưng khi nhận tin dời lịch mổ, ai cũng khấp khởi trong bụng. Bi là người vui nhất. Vì ít ra, em vẫn còn được thêm thời gian bên cạnh những người mình thương yêu nhất trước giờ phút nguy hiểm nhất của cuộc đời...
Tôi không bao giờ quên buổi tối cả gia đình cùng đi dạo, đi ăn uống với nhau đêm trước ngày Bi được đưa vào phòng phẫu thuật. Được thay bộ đồ bệnh nhân bằng trang phục thân thuộc của mình để đi ra ngoài, dù chỉ 2-3 tiếng ngắn ngủi, tinh thần em phấn chấn hơn nhiều. Nghe Mèo kể, khi biết bác sĩ cho phép mình được ra ngoài buổi tối cùng gia đình, Bi háo hức cả ngày. Mấy ngày nằm trong bệnh viện, chắc em them lắm cảm giác được tung tăng đi chơi cùng mọi người như ở nhà.
Mèo dẫn cả nhà đến cầu nguyện ở một ngôi chùa Tàu nổi tiếng linh thiêng ở khu Bugis. Tôi biết chắc mọi người đều cầu xin cho ca phẫu thuật của Bi thành công. Tôi quay sang hỏi Bi:
- Em cầu nguyện gì?
- Em cầu nguyện dù có chuyện gì xảy ra, mọi người không ai bị suy sụp tinh thần.
Tôi chợt nghĩ thầm, không biết chùa Tàu ở Singapore mà chúng tôi lại cầu nguyện bằng tiếng Việt thì có được chứng giám không. Nhưng niềm tin vào các đấng linh thiêng giúp mọi người cảm thấy an lòng hơn trong giờ phút căng thẳng này.
Suốt đường đi, Bi vẫn vịn vai tôi, hệt như hai năm trước khi em đến Singapore điều trị lần đầu tiên, và nhắc lại câu mình từng nói: "Em không thấy rõ đường, nên lúc nào anh cũng phải đi trước để dẫn đường cho em nhe!". Tôi không nói gì, vì lòng tôi cũng đang rối bời. Lần đầu tiên hai anh em không nói gì với nhau suốt một đoạn đường dài. Cả hai đều e ngại mọi câu chuyện rồi cũng sẽ quay về ca phẫu thuật, và chạm đến nỗi lo sợ mà ai cũng đang cố tình quên đi. Được một lúc, Bi lại kiếm chuyện pha trò:
- Nếu em chết, anh sẽ thế nào?
Mọi lần, khi Bi nhắc đến cái chết, tôi thường hay càm ràm. Nhưng lần này, không hiểu sao tôi lại trả lời đầy nghiêm túc:
- Em đừng sợ gi hết. Mình đã trải qua nhiều sóng gió rồi, lần này em cũng sẽ vượt qua được.
- Em linh cảm lần này nguy hiểm hơn nhiều so với những lần trước. Mà em không sợ cho em, em chỉ sợ nếu em có chuyện gì, mọi người không chịu đựng nổi!
Tôi xoa đầu Bi:
- Không sao đâu, mọi người vẫn sẽ luôn ở bên cạnh em!
- Nếu lỡ em có chuyện gì, anh không được buồn. Nhưng anh hứa là phải thay em chăm sóc cho mẹ Tâm và bé Mi được không?
- Không, mẹ em thì em phải tự chăm sóc chứ? Anh không biết, bằng mọi giá em phải tỉnh lại, và khỏe mạnh. Đây là lệnh!
Bi phì cười trước câu nói đùa của tôi:
- Ừ, thì trước giờ em vẫn luôn nghe lời anh mà!
Rồi hai anh em lại tíu tít bàn chuyện showbiz để thay đổi không khí. Đi chùa xong, không còn nhiều thời gian, cả nhà chỉ kịp cùng nhau ghé ăn tạm trong khu food-court ở Bugis. Vậy mà vẫn thấy vui. Bao nhiêu năm nay, cả nhà vẫn luôn đi chơi với nhau mỗi đêm, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy thời gian trôi nhanh đến như vậy. Khi dừng lại ở ngã ba đường, quẹo phải là về bệnh viện, quẹo trái là về phòng trọ, tâm trạng ai cũng chùng xuống. Trong khoảnh khắc bịn rịn ấy, Bi như muốn nhìn rõ được gương mặt của từng người, dù tôi cảm nhận trước mắt em giờ chỉ là những hình ảnh không tỏ tường đường nét. Bi cố nở nụ cười bình thản khi ôm từng người tạm biệt. Sky bắt đầu thút thít. Khi Bi ôm đến mẹ Tâm, hai mẹ con suýt nữa đã không kềm được cảm xúc. Nhìn Bi vội quay đi để che giấu khoảnh khắc yếu lòng của mình, tôi hiểu, em muốn mọi người yên tâm rằng, dù có chuyện gì xảy ra, em vẫn sẽ mạnh mẽ đến phút cuối cùng...
***
(Ghi lại theo nhật ký của WanBi Tuấn Anh)
Tối nay, khi chia tay cả nhà, tôi đã tự nói thầm với mình là "Cười lên Bi! Không được khóc!". Trong những khoảnh khắc dễ yếu lòng nhất ấy, tôi lại càng phải cứng rắn để mọi người không quá đau lòng.
Bây giờ, nằm một mình trên giường, tôi mới nhớ lại tất cả những điều bác sĩ Eddie- trợ lý của bác sĩ Ivan giải thích về mức độ nguy hiểm và những rủi ro có thể xảy ra cho tôi trong quá trình phẫu thuật. Chỉ còn lại một mình, nỗi sợ lúc này mới xâm chiếm tôi hoàn toàn. Tôi sợ mình không còn gặp lại được mọi người. Giờ này chắc cả nhà tôi ở phòng trọ cũng không ai ngủ được. Nhiều lúc tôi cũng hay nghĩ thầm sao ông trời lại bất công với mình và những người thân như vậy? Tôi may mắn có một gia đình và những người bạn thật tuyệt vời. Tôi cảm thấy mình nợ họ quá nhiều, vì họ đã làm tất cả những điều có thể vì tôi, hi sinh cả những điều mà họ xứng đáng được hưởng để đổi lại cho tôi những ngày khỏe mạnh. Những ngày bị bệnh, tôi đã thông suốt một điều: "Mình bi quan và suy nghĩ tiêu cực cũng chẳng giải quyết được gì, lại còn khiến người thân của lo lắng thêm". Vậy nên, tôi phải lạc quan, mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh đến cùng.
Đêm cứ chầm chậm trôi qua. Tôi cầu nguyện rồi thiếp đi trong niềm tin là mọi chuyện sẽ lại tốt đẹp. Chỉ sáng mai thôi, tôi chính thức bước vào trận chiến mới. Một mình!
***
NGHỊ LỰC SỐNG THẦN KỲ
(Lời kể của tác giả Lý Minh Tùng)
Tôi không nhớ rõ mình đã đi những đâu, làm những gì suốt thời gian Bi nằm mê man trên giường mổ. Buổi sáng, tôi dặn dò mọi người tự kiếm việc làm để giết thời gian. Còn mình thì đi lang thang... Tâm trạng trống rỗng...
Chiều tối, tôi về đến nhà thì được tin Bi đã hoàn tất ca phẫu thuật và được đưa ra phòng săn sóc đặc biệt. Tôi thở phào. Tôi biết em sẽ chiến thắng, và chắc chắn sẽ tỉnh lại. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với việc khối u được lấy ra bao nhiêu. Tôi hiểu, đã đến giai đoạn mình không thể đòi hỏi những kết quả hoàn mỹ nhất. Chỉ cần em tỉnh lại, chỉ cần em còn nhìn thấy xung quanh, chỉ cần em còn tự đi lại khỏe mạnh... Còn chuyện kéo dài cuộc sống thêm được bao lâu, tôi không còn dám nghĩ đến nữa.
Bi có dấu hiệu hồi phục rất nhanh, vượt quá dự đoán của bác sĩ. Tối hôm đó, khi mọi người vào thăm, em đã nhận biết được xung quanh, dù vẫn nằm nhắm mắt trên giường hồi sức. Gương mặt Bi sưng húp, mái tóc mà em cưng yêu nhất đã bị cạo sạch phần trước, cơ thể chưa thể cử động nhiều được, nhưng vẫn phản ứng được bằng cách chớp mắt khi tôi kể chuyện này nọ. Tôi biết, ý chí sinh tồn và tinh thần lạc quan của cậu em mình chưa bao giờ thôi mạnh mẽ.
Bác sĩ dự đoán phải một tuần sau em mới rời khỏi phòng săn sóc đặc biệt được, nhưng chỉ sau 3 ngày, Bi đã tỉnh táo nhiều và có thể nói chuyện tương đối rõ ràng. Em nói với Mèo: "Cho em ra phòng thường nằm đi. Em đỡ rồi, nằm hoài trong phòng săn sóc đặc biệt tốn tiền lắm!". Mọi người ai cũng ngạc nhiên về nghị lực sống thần kỳ của Bi.
Bác sĩ còn nói, một ca phẫu thuật não như vầy, bệnh nhân thường phải mất ba tuần để hồi phục hoàn toàn. Nhưng chỉ mười ngày sau, Bi đã có thể đi lại bình thường. Thêm vài ngày nữa, em xin được xuất viện để trở về Việt Nam, trong sự ngỡ ngàng của bác sĩ Singapore về ý chí hồi phục của em.
Tôi hiểu, lúc này Bi chỉ muốn được về nhà. Em đếm từng ngày. Mọi người ở Việt Nam cũng đếm từng ngày. Khi đón em ở sân bay, ai cũng rưng rưng, vì ngày đưa Bi lên máy bay, ai cũng lo lắng không biết ngày về em còn có thể tự mình bước ra khỏi cổng sân bay hay không...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro