Chương VII: Khoảng lặng
Cực thịnh tất suy, chu kỳ thành công nào cũng phải có điểm dừng. Từ mùa hè năm 2003 đến tháng Năm 2006 chứng kiến sự đi xuống của Manchester United. Chúng tôi giành FA Cup năm 2004 và League Cup hai năm sau đó, nhưng Arsenal và Chelsea mới là những đội thống trị nước Anh trong thời kỳ này.
Trước khi Cristiano Ronaldo và Wayne Rooney trở thành nhân tố chính trong chức vô địch Champions League năm 2008, chúng tôi đã phải đi qua một con đường gập ghềnh, nhiều chông gai. Đây cũng chính là giai đoạn chuyển giao thế hệ của United. David Beckham đã tới Real Madrid, trong khi Veron thuộc biên chế của Chelsea. Ở khung gỗ, Tim Howard thế chỗ Barthez. Ngoài ra, chúng tôi còn có ba tân binh Kleberson, Eric Djemba-Djemba và David Bellion. Đáng tiếc nhất chính là Ronaldinho, chúng tôi đã gần như có được cậu ấy.
Bạn sẽ không thể lẩn tránh sự thật trong những năm đó. Chúng tôi đã có những bản hợp đồng thất bại dù họ khá có tiếng tăm. Ví dụ như Kleberson, 24 tuổi, nhà vô địch World Cup với Brazil. Danh tiếng của Veron đã lan rộng khắp trên thế giới. Djemba-Djemba cũng ít nhiều thi đấu tốt cùng đội tuyển Pháp. Tôi đã không mấy khó khăn để có được chữ ký của họ, và thực tế điều này khiến tôi lo sợ. Tôi thích phải cạnh tranh cho một cầu thủ, bởi như vậy nghĩa là họ rất có giá trị. Sẽ chẳng đội bóng nào muốn bán đi một trụ cột trong đội hình mình. Nhưng như đã nói ở trên, chỉ sau một vài lần thương thảo, họ đã là tân binh của chúng tôi mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Tôi cảm giác, chúng tôi đã thử mọi lời giải cho bài toán ở vị trí thủ môn. Mark Bosnich là một ví dụ điển hình. Khi mà Peter Schmeichel tuyên bố anh sẽ chỉ ở lại United đến hết mùa giải 1998-99, chúng tôi đã phải ngay lập tức tìm giải pháp thay thế. Bosnich chính là mục tiêu của chúng tôi.
Chúng tôi gặp Bosnich vào tháng Một năm 1999, bất chấp những tin đồn không mấy tích cực về cậu ấy bên ngoài sân. Tôi đã cử người đến theo dõi cậu ấy khi luyện tập. Và quả thực, trong những buổi tập luyện, cậu ấy không tạo ra bất cứ ấn tượng gì cho tôi. Vì lẽ đó, tôi thay đổi, chuyển hướng sang Edwin van der Sar. Tôi và người đại diện của cậu ấy đã nói chuyện với nhau. Nhưng khúc mắc lại nằm ở Martin Edwards, ông ấy nói: “Alex, tôi xin lỗi, tôi đã bắt tay cùng Bosnich.”
Đó là một sai lầm. Martin cùng Mark đã đi đến thỏa thuận và sẽ không rút lại. Tôi tôn trọng quyết định đó. Nhưng thực sự đây là một thương vụ thất bại. Vấn đề nằm ở Bosnich. Cậu ấy không đáp ứng được yêu cầu về cả khả năng cũng như thể lực. Chúng tôi đã đẩy cường độ tập luyện của cậu ấy lên cao hơn, và tình hình được cải thiện theo hướng tích cực. Bosnich đã chơi cực hay trong chiến thắng trước Palmeiras ở Cup Liên lục địa. Thậm chí, cậu ấy còn xứng đáng nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận, chứ không phải Giggs.
Nhưng rồi không lâu sau đó, chúng tôi phải bất ngờ với cậu ấy. Đáng buồn thay, không phải vấn đề chuyên môn. Trong chuyến làm khách ở Wimbledon hồi tháng Hai năm 2000, ở bữa ăn, Bosnich gần như nhét tất cả mọi thứ vào dạ dày của cậu ấy: sandwich, súp, thịt nướng,...
Tôi nói với cậu ấy: “Vì Chúa, chúng tôi đang giúp cậu giảm cân, tại sao cậu lại ăn tất cả mọi món vậy?”
“Tôi đói, thưa sếp,” Bosnich nói.
Sau đó, chúng tôi trở lại Manchester, và Mark gọi điện đặt hàng ở một nhà hàng Trung Hoa. “Bụng cậu là chiếc thùng không đáy ư?” Tôi hỏi cậu ta. “Kệ tôi, ông hãy tiếp tục công việc của mình đi,” Tôi gần như không thể tác động lên cậu ấy.
Khoảng trống Peter Schmeichel để lại thật khó để khỏa lấp. Cậu ấy là thủ môn xuất sắc nhất trên thế giới. Chúng tôi lẽ ra nên lựa chọn Van der Sar ngay từ đầu. Đại diện của cậu ấy nói với tôi: “Ông sẽ gặp nhiều khó khăn đấy, vì Juventus cũng đang liên hệ với cậu ấy,” nhưng rồi cơ hội tuột khỏi tay chúng tôi. Chúng tôi đành gọi lại cho đại diện của Edwin và nói rằng chúng tôi đã tìm được người thích hợp.
Và lẽ ra, tôi cũng nên quay lại theo đuổi Edwin sau khi thương vụ Bosnich thất bại. Cậu ấy nên là người kế nhiệm Schmeichel, chứ không phải đến tận những năm cuối cùng của tôi ở United. Tôi không nên chi tiền cho các bản hợp đồng với Massimo Taibi hay Barthez. Họ đều có tài năng, nhưng lại tồn tại những vấn đề riêng.
Sau đó, chúng tôi mới nhận ra Van der Sar có cùng đẳng cấp với Schmeichel. Nếu phải tìm sự khác biệt giữa họ, thì có chăng chỉ là phong cách thi đấu. Schmeichel có những pha cứu thua xuất thần. Đôi lúc, bạn phải trầm trồ khen ngợi cậu ấy: “Lạy Chúa, cậu ấy đã làm như nào vậy?”. Cậu ấy có sức bật như một vận động viên điền kinh vậy. Còn ở Van der Sar, tôi đáng giá cao sự bình tĩnh, khả năng dùng chân và tổ chức hàng phòng ngự. Họ khác nhau về phong cách, nhưng luôn là chốt chặn tin cậy, là chỗ dựa vững chắc cho đồng đội.
Schmeichel có mối quan hệ yêu-ghét rõ ràng với Steve Bruce và Gary Pallister. Cậu ta sẵn sàng quát mắng bộ đôi này, rồi sau đó Brucey sẽ nói, “Trở về khung thành đi, gã người Đức khó ưa.” Schmeichel ghét điều này. “Tao không phải người Đức,” cậu ấy ngay lập tức đáp trả. Dù vậy, thật khó tin khi họ vẫn là bạn thân của nhau bên ngoài sân bóng.
Van der Sar phải đổi mặt với hàng loạt các sự thay đổi ở hàng phòng ngự. Với Schmeichel, cậu ấy tạo được sự ăn ý với bộ tứ vệ hàng tuần. Parker, Bruce, Pallister, Irwin. Họ cùng nhau ra sân, cùng nhau tạo thành bức tường vững chắc. Còn Van der Sar không có được sự ổn định đó. Bộ tứ vệ trước mặt cậu ấy luôn thay đổi liên tục. Nhưng ở điểm này, tôi phải dành lời khen ngợi cho Edwin. Dù hàng phòng ngự có xáo trộn, cậu ấy vẫn biết cách tổ chức và chỉ đạo nó hoạt động tốt.
Trong phòng thay đồ, với giọng nói đanh thép, Van der Sar luôn có sức nặng trong những nhận xét của mình. “Đá cho cẩn thận đi chứ!” Van der Sar quát. Schmeichel cũng vậy. Tôi thật may mắn khi sở hữu hai thủ môn xuất sắc nhất thế giới trong gần ba thập kỷ tại vị ở United. Với tôi, không ai xuất sắc hơn họ trong giai đoạn 1990 - 2010.
Tại thời điểm này, Peter Kenyon vẫn còn làm GĐĐH, giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng. Patrick Vieira là một trong những cầu thủ tôi muốn sở hữu nhất. Tôi đề nghị Peter gọi và hỏi Arsenal về trường hợp của Vieira. Peter nói ông ấy đã gọi. Một vài ngày sau, tôi đề cập vấn đề này với David Dein (chủ tịch Arsenal thời bấy giờ) và ông ta nhìn tôi như một người ngoài hành tinh vậy. David không hiểu tôi đang nói tới cái gì. Đến lượt tôi ngớ người. Chắc chắn, ai đó trong số họ đang thực hiện những bước đi bí mật, điều mà đến giờ tôi vẫn không biết được.
Với tôi, việc nhận điện thoại từ những người đại diện của các cầu thủ là chuyện quá bình thường: “Người của tôi muốn chơi cho Manchester United.” Tôi không bao giờ nghi ngờ những khẳng định đó. Nhưng tôi hiểu rằng, họ cũng muốn chơi cho Arsenal, Real Madrid, Bayern Munich,... hay tất cả những đội bóng hàng đầu khác. Trên tất cả, chúng tôi tập trung vào Verón.
Verón là một cầu thủ đẳng cấp. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận tôi gặp nhiều khó khăn khi làm việc cùng các cầu thủ Argentina, mà bất đồng ngôn ngữ chính là nguyên nhân chính. Nhưng đẳng cấp vẫn là đẳng cấp. Cậu ấy sở hữu sự thông minh trong lối chơi, cùng nguồn năng lượng tưởng chừng như bất tận. Vậy bạn sẽ tự hỏi, tại sao đây lại có thể là một bản hợp đồng thất bại được? Vấn đề tưởng chừng rất đơn giản: chúng tôi không thể tìm một vị trí thích hợp cho cậu ấy. Nếu chúng tôi để cậu ấy đá tiền vệ trung tâm, thì cậu ấy thường xuyên dâng cao, hoặc dạt trái, dạt phải. Cậu ấy chỉ muốn đuổi theo trái bóng mà thôi. Chúng tôi không làm cách nào để tìm ra công thức hữu hiệu nhất cho cậu ấy, Scholes và Keane.
Một bộ khung ổn định là điều chúng tôi đang tìm kiếm. Beckham đã rời đội, tuổi tác không đợi Ryan, cũng như Roy và Paul. Vì lẽ đó, chúng tôi cần một thế hệ vàng mới. Dù có những đóng góp nhất định, nhưng Verón không thể tìm được chỗ đứng trong đội hình chúng tôi. Bởi, cậu ấy quá cá nhân. Hãy tưởng tượng như này, trong một buổi tập được chia thành hai đội đỏ và vàng, thì cậu ấy sẽ chơi cho cả hai. Cậu ấy chơi ở bất cứ vị trí nào, bất cứ nơi nào cậu ấy muốn. Kể cả cho tôi dẫn dắt cậu ấy thêm một trăm năm nữa, tôi cũng không biết xếp cậu ấy chơi ở đâu. Có người từng mách nước cho tôi: “Ông đã từng nghĩ đến trường hợp để cậu ấy chơi ngay trước hai trung vệ chưa?” Tôi trả lời, “Ông đang mơ à? Tôi không thể bắt cậu ấy chơi cố định ở bất cứ vị trí nào khác, chả lẽ có trường hợp ngoại lệ ư?”
Tuy vậy, có những khoảnh khắc mà Verón khiến bạn phải trầm trồ thán phục. Trong một trận đấu chuẩn bị cho mùa giải mới, cậu ấy vượt qua một vài hậu vệ đối phương ở sát đường biên ngang, trước khi chuyền ngược trở lại cho Van Nistelrooy ghi bàn. Ở một trận đấu khác, cậu ấy vẩy má ngoài cho Beckham, vượt qua tầm kiểm soát của hàng phòng ngự. Công việc còn lại của Beckham khá đơn giản, cậu ấy lốp bóng qua đầu thủ môn. Đó là những khoảnh khắc của một thiên tài. Cậu ấy hội tụ tất cả những kỹ năng đáng mơ ước: chơi tốt hai chân, có thể chạy, điều khiển bóng, khả năng quan sát tốt. Nhưng, lại không thể là một phần của đội bóng.
Từng có những tin đồn cho rằng cậu ấy gây gổ với những cầu thủ khác. Tôi không tin, vì cậu ấy không bao giờ nói chuyện với ai. Một mình trong phòng thay đồ, luôn là như vậy. Cậu ấy không phải là người khó gần gũi, cậu ấy chỉ quá ít nói mà thôi.
“Chào buổi sáng, Seba.”
“Chào buổi sáng, thưa ông.”
Vậy đấy, cuộc đối thoại của chúng tôi chỉ diễn ra ngắn ngủi như vậy. Bạn không thể bắt chuyện cùng cậu ấy.
Chúng tôi từng thử thay đổi cách chơi ở đấu trường châu Âu. Hai năm sau chức vô địch Champions League năm 1999, chúng tôi đến làm khách trên sân của Anderlecht và PSV với tôn chỉ ‘phòng thủ phản công’. Chúng tôi sử dụng sơ đồ 4-4-2 truyền thống của United, nhưng rồi liên tục thất bại. Tôi nói với các cầu thủ và BHL rằng nếu chúng tôi không thể giữ bóng tốt hơn, hay đảm bảo sự vững chắc ở hàng tiền vệ thì tất cả những nỗ lực sẽ là vô nghĩa. Vì lẽ đó, chúng tôi chuyển sang sử dụng sơ đồ có ba tiền vệ ở giữa sân. Verón là một phần của chiến lược đó.
Trong những năm ở United, tôi đã không ít lần mừng hụt với các thương vụ chuyển nhượng. Tôi luôn nỗ lực theo đuổi các mục tiêu, nhưng lại thất bại theo cách ít ngờ đến nhất. Ví dụ như Paolo Di Canio. Thỏa thuận bằng miệng đã được hoàn tất. Chúng tôi đưa ra đề nghị và cậu ấy chấp nhận. Nhưng rồi sau đó, cậu ấy muốn nhiều hơn thế. Chúng tôi không thể đồng ý với yêu cầu mới. Dù vậy, tôi phải thừa nhận Manchester United cần cậu ấy: một người có thể kéo khán giả đến sân và luôn khiến họ dán mắt theo dõi. Tôi cũng từng có những cầu thủ như vậy trong khoảng thời gian tại vị.
Sau đó là Ronaldinho, một kịch bản tương tự diễn ra. Tôi đồng ý ‘phá két’ để đưa cậu ấy về Old Trafford. Nỗ lực mua Ronaldinho phản ánh sự thật rằng United luôn theo đuổi những cầu thủ có đôi chân ma thuật. Tôi luôn muốn có họ trong đội hình. Lý do khi đó rất đơn giản: “Chúng tôi có 25 triệu bảng Anh từ tiền bán Beckham, trong khi Ronaldinho chỉ có giá 19 triệu bảng. Trời đất ơi, tỉnh dậy đi nào. Đó là một món hời.”
Biến động của mùa hè năm 2003 không chỉ dừng lại ở đó. Tôi đã bán Verón. Cậu ấy cũng từng tiết lộ với Quinton Fortune rằng mình muốn tới Chelsea. Chelsea đề nghị mức giá 9 triệu bảng, nhưng tôi muốn nhiều hơn 15 triệu bảng. “Không đời nào, cậu ấy sẽ không ra đi với chỉ 9 triệu bảng.”
Rồi, ở Bồ Đào Nha, Kenyon thông báo cho tôi tin vui: “Tôi đã đạt được thỏa thuận - 15 triệu bảng cho Ronaldo.” Sau đó, trong trận giao hữu với Sporting Lisbon, Ronaldo (vẫn chưa chính thức chuyển tới United) đã làm khổ O’Shea.
“Hãy theo sát cậu ấy, Sheasy.”
“Tôi không thể,” O’Shea buồn bã trả lời.
Một tháng sau, David Gill gọi và nói: “Nghe này, Kenyon sẽ chuyển tới Chelsea.” David Gill là người kế nhiệm. Lúc đó, tôi ngờ vực không biết cậu ấy có hiểu mình cần làm những gì hay không. Tôi đưa ra lời khuyên cho cậu ấy: “Rút kinh nghiệm từ Peter Kenyon, cậu đừng ôm đồm quá nhiều. Hãy biết cách ủy quyền cho ai đó.” Và rồi từ đây, tôi phải thừa nhận cậu ấy là một trong những CEO tuyệt vời nhất mà tôi từng cộng tác. Thẳng thắn, và cũng rất thân thiện. Cậu ấy luôn biết cách giữ đôi chân mình ở trên mặt đất. David sẵn sàng nói những điều bạn không thích, không bao giờ lẩn tránh nó.
Dù cho Martin luôn giúp đỡ tôi trong những thời khắc khó khăn, nhưng những gì tôi nhận được chưa thực sự tương xứng, cho đến khi David nhậm chức. Sẽ không có gì tuyệt vời hơn nếu những việc bạn làm được đánh giá chính xác. Những lời khen, đúng, nó rất lọt tai, nhưng ‘miếng ăn’ của bạn mới là quan trọng nhất.
Các giám đốc sẽ gặp vô vàn khó khăn khi CLB đổi chủ sở hữu. Đổi chủ, đồng nghĩa tất cả mọi thứ sẽ thay đổi. Các câu hỏi liên tiếp được đặt ra. Họ có thích mình không? Họ có muốn một HLV mới, một CEO mới không. Khoảng thời gian nhà Glazer mua lại United chính là thời kỳ khó khăn nhất của David. Nó thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới truyền thông. Thông tin về khoản nợ luôn được chú ý hàng đầu. Nhưng những kinh nghiệm về kế toán đã giúp David vượt qua những khó khăn đó.
Với tôi, CLB sẽ là nơi giúp các cầu thủ trẻ phát triển. Để duy trì được mục đích đó, chúng tôi cần phải có được bộ khung vững chắc như Giggs, Scholes, Neville. Và cả Roy Keane nữa. Dựa trên nền tảng là những cầu thủ giàu kinh nghiệm, chúng tôi có thể tạo cơ hội cho lớp trẻ. Van der Sar cũng là một trong những ‘con át chủ bài’, một trong những bản hợp đồng đáng đồng tiền bát gạo nhất của tôi.
Nhằm thay thế Bryan Robson, chúng tôi đã phát hiện ra Roy Keane. Trong khi đó, những màn trình diễn của Eric Djemba-Djemba khiến chúng tôi nghĩ tới một tiền vệ đẳng cấp trong tương lai. Tôi từng đến Pháp xem cậu ấy thi đấu, và quả thực cậu ấy rất xuất sắc. Cậu ấy có khả năng đọc trận đấu, phòng ngự từ xa dù giá chỉ khoảng 4 triệu bảng. Cũng ở trận đấu đó, tôi để ý tới thủ môn của Rennes: Petr Cech. Nhưng cậu ấy mới chỉ 18, 19 tuổi và tôi tự nhủ cậu ấy còn quá trẻ.
Đôi lúc, bạn thất bại trong một mục tiêu, nhưng lại được đền bù xứng đáng. Ví dụ chúng tôi từng bỏ lỡ cơ hội sở hữu Paul Gascoigne, nhưng rồi sau đó có Paul Ince. Alan Shearer không gia nhập United, và mở ra một chương huy hoàng cho Eric Cantona. Bạn luôn phải có phương án dự phòng cho những mục tiêu hàng đầu.
Mục tiêu của chúng tôi luôn là những cầu thủ trẻ, những cầu thủ sẽ gắn bó lâu dài với CLB. Cantona là trường hợp ngoại lệ, cậu ấy đến với chúng tôi khi đã ngoài 25. Rooney và Ronaldo là ví dụ điển hình, họ cập bến United lúc mới chỉ đôi mươi. Và sau năm 2006, chúng tôi càng nỗ lực trẻ hóa đội hình. Các cựu binh đã không còn duy trì phong độ cao, đồng nghĩa đội ngủ tuyển trạch viên càng phải hoạt động tích cực hơn.
Bản hợp đồng với Kleberson đến sau khi cậu ấy tỏa sáng cùng Brazil ở World Cup 2002. Nhưng, đây là một ví dụ điển hình nhất cho sự rủi ro tiềm tàng trong những quyết định nhanh chóng. Chúng tôi lên kế hoạch tìm kiếm người thay thế Keane. Vieira nằm trong danh sách đó, một mục tiêu hàng đầu. Cậu ấy đã quá quen thuộc với những trận đấu ở Anh và rất có tài lãnh đạo. Là một cầu thủ giỏi, bạn sẽ thường xuyên phải nghe những câu hát chế nhạo từ CĐV đối phương. Vieira liên tục đối diện với nó, đồng nghĩa các CĐV sợ cậu ấy.
Không thể phủ nhận Kleberson là một tài năng đặc biệt. Nhưng chúng tôi đã bỏ qua công đoạn xem xét thông tin cá nhân và tích cách của cậu ấy. Chúng tôi đã đưa ra quyết định quá dễ dàng. Điều đó khiến tôi không thoải mái. Và chỉ khi đặt chân tới Manchester, chúng tôi mới biết cậu ấy đã có vợ - một cô gái 16 tuổi. Nên nhớ, cậu ấy mới chỉ 23. Thậm chí, cô ta còn mang theo cả gia đình sang nữa. Bất đồng ngôn ngữ cũng là một vấn đề, cậu ấy gặp rất nhiều khó khăn để học tiếng Anh.
Trong trận đấu, cậu ấy thể hiện nền tảng thể lực, kỹ thuật tuyệt vời, nhưng lại không thể áp đặt được phong cách riêng. Có lẽ, cách mà Brazil sử dụng cậu ấy khác những gì chúng tôi muốn. Khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia, cậu ấy chơi ngay trước bộ tứ vệ, nhằm tạo cơ hội cho Carlos và Cafu lên tham gia tấn công.
Khi một quyết định đến quá nhanh chóng, sai lầm luôn xuất hiện. Chúng tôi chỉ thực sự thành công khi lên kế hoạch, theo dõi cầu thủ trong một thời gian dài. Chúng tôi biết tất cả về Cristiano Ronaldo trước khi ký hợp đồng với cậu ấy. Chúng tôi từng cố gắng hỏi mua Rooney lúc 14 tuổi, và thử lại hai năm sau đó. Cuối cùng, chúng tôi thành công khi cậu ấy 19 tuổi. Đó là những trường hợp mà đội ngủ tuyển trạch viên đã làm rất tốt, trái ngược hoàn toàn với Veron và Kleberson. Họ không phải là giáp pháp chữa cháy, nhưng lại quyết định quá vội vàng.
Djemba-Djemba, một cầu thủ xuất sắc khác, là nạn nhân của cánh báo chí lắm chuyện. Họ chỉ tập trung vào những cái tên nổi tiếng, có thể giúp họ bán được báo. Đầu tiên, họ yêu thích Veron, nhưng thờ ơ với Kleberson và Djemba-Djemba. David Bellion lúc đó cũng khá trẻ, và chúng tôi cảm thấy cậu ấy có tương lai. Sở hữu tốc độ tốt, khéo léo, một tín đồ của đạo Cơ Đốc, nhưng cậu ấy lại khá nhút nhát. Cậu ấy từng vào sân từ ghế dự bị của Sunderland trong một trận đấu với chúng tôi, và khiến chúng tôi phải để tâm từ đó. Khi bản hợp đồng của cậu ấy với Sunderland kết thúc, chúng tôi ngay lập tức nhảy vào. Nhưng cậu ấy không đáp ứng được kỳ vọng. Chúng tôi bán cậu ấy cho Nice với giá 1 triệu Euro, và tiếp tục được nhận thêm một khoản khi cậu ấy chuyển tới Bordeaux.
Bước ngoặt của giai đoạn này chính là hai bản hợp đồng với Ronaldo và Rooney. Chúng tôi đã có được mẫu cầu thủ mình cần: tài năng, có thể quyết định trận đấu, phù hợp với truyền thống CLB. Patrice Evra và Nemanja Vidc hồi tháng Một năm 2006 cũng là những sự bổ sung chất lượng. Điều đầu tiên khiến chúng tôi chú ý tới Vidic là sự nỗ lực, quyết tâm trong mỗi bước chạy. Cậu ấy có thể xoạc bóng, tranh chấp trên không. Chúng tôi đang tìm kiếm một hậu vệ kiểu Anh điển hình. Tuy nhiên, trong trận đấu đầu tiên gặp Blackburn, cậu ấy tỏ ra hụt hơi. Dễ hiểu thôi, cậu ấy đã không chơi trận đấu nào kể từ tháng Mười Một, thời điểm giải đấu ở Nga kết thúc. Cậu ấy cần một vài trận để lấy lại phong độ cao nhất.
Tại vị trí hậu vệ trái, nơi Denis Irwin từng trấn giữ, Heinze tỏa sáng rực rỡ, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Vì lẽ đó, chúng tôi quyết định mang về Evra. Cậu ấy từng đá cánh trong trận chung kết Champions League giữa Monaco và Porto. Một hậu vệ cánh cần nguồn thể lực sung mãn, để lên công về thủ. Trong lần đầu tiên xem Evra thi đấu, cậu ấy đá tiền vệ cánh. Nhưng với tốc độ và sức trẻ, chúng tôi tin cậu ấy phù hợp với vị trí hậu vệ cánh trong sơ đồ của chúng tôi. Khả năng tấn công của Evra cũng tương đối tốt. Cậu ấy nhanh nhẹn, kỹ thuật ổn và phong cách thi đấu mạnh mẽ.
Tôi nghĩ tất cả các CĐV United đều nhớ, Evra có màn ra mắt trong trận derby thành Manchester ở Eastlands. Đó là một thảm họa. Bạn hoàn toàn có thể đọc được suy nghĩ của ấy: “Mình ở đây làm gì vậy?”. Nhưng rồi cuối cùng, cậu ấy cũng thích nghi và bắt đầu phát triển. Heinze thì khác, tôi nghĩ cậu ấy muốn một bản hợp đồng mới. Một năm sau, cậu ấy đề nghị được ra đi. Trong chuyến làm khác ở Villareal, người đại diện của Heinze đã đến và đề cập nguyện vọng của cậu ấy.
Sau hôm đấy, mọi thứ diễn ra theo một chiều hướng khác. Cậu ấy dính chấn thương nặng. Chúng tôi đã làm tất cả để giúp đỡ cậu ấy. Chúng tôi gửi cậu ấy sang Tây Ban Nha để phục hồi chấn thương trong sáu tháng. Một năm sau, cậu ấy trở lại. Nhưng rồi cuối tháng Mười Hai, cậu ấy tiếp tục đòi hỏi một bản hợp đồng mới. Khi chấn thương hoàn toàn lành lặn, cậu ấy dùng người đại diện đến gặp David Gill. Chúng tôi đã thống nhất, cậu ấy sẽ rời CLB với giá 9 triệu bảng. Liverpool là đội bóng đầu tiên nhảy vào cuộc đua này.
Với mối thù địch giữa hai đội, không đời nào Manchester United lại bán cầu thủ cho Liverpool, và ngược lại. Heinze hiểu điều này. Người đại diện của Henize sau đó cố gắng đưa vấn đề này ra tòa. Trong lúc đó, chủ tịch của Crystal Palace đã thông báo cho David Gill biết rằng, có người đại diện cho Heinze đề nghị họ mua cậu ấy, và bán lại cho Liverpool. Chúng tôi sử dụng thông tin này như là một bằng chứng. Tòa án đã đứng về phía chúng tôi. Và cuối cùng, chúng tôi để cậu ấy tới Real Madrid.
Chúng tôi mang về Alan Smith với giá 7 triệu bảng, hồi tháng Năm năm 2004. Leeds gặp khó khăn về tài chính và đó là lý do họ để cậu ấy ra đi. Tôi rất thích Alan. Cậu ấy chơi được ở khá nhiều vị trí: tiền vệ phải, tiền vệ trung tâm, và cả tiền đạo nữa. Phong cách của cậu ấy khá giống Mark Hughes: không phải là một cỗ máy ghi bàn, nhưng rất hữu dụng với toàn đội. Alan đã có những trận đấu xuất sắc cho chúng tôi. Nhưng tôi nhớ nhất về cậu ấy, chính là chấn thương trong trận đấu gặp Liverpool. Nó thực sự khủng khiếp.
Gần như không thể nhận ra chân của cậu ấy nữa. Bobby Charlton nhăn mặt lo lắng. Trái ngược hoàn toàn, Alan tỏ ra khá bình thản. Cậu ấy ngồi trên sân mà không bộc lộ cảm xúc gì. Phản ứng của Alan giúp tôi hiểu rằng ngưỡng chịu đau của cậu ấy cao hơn mọi người rất nhiều. Thật khó tin, cậu ấy gặp một trong những chấn thương kinh khủng nhất của bóng đá, nhưng không tỏ ra đau đớn. Đó là những gì tôi nhớ về Alan: một tay cực kỳ dũng cảm.
Cậu ấy cũng luôn thể hiện sự chuyên nghiệp hàng ngày. Nhưng khi phong độ đi xuống, thật khó để cậu ấy trụ lại trong đội hình. Newcastle đề nghị 6 triệu bảng, và chúng tôi để cậu ấy ra đi.
Tiền vệ phòng ngư là vị trí cuối cùng mà chúng tôi sử dụng cậu ấy. Dù xoạc bóng tốt, tranh chấp bóng mọi nơi, nhưng cậu ấy lại không thể đọc trận đấu như những người giữ nhịp thực thụ. Quá trình thay thế Roy Keane buộc chúng tôi cần những cầu thủ có thể chơi bao sân, giống như Owen Hargeaves đã thực hiện. Alan không thi đấu như vậy. Nhưng dù thế nào đi nữa, cậu ấy vẫn là một cầu thủ tốt, thật thà và có khát khao thi đấu cho chúng tôi. Tôi cần một thời gian dài để thuyết phục rằng tôi không thể đảm bảo vị trí cho cậu ấy.
Louis Saha, cậu ấy đến với chúng tôi từ Fulham vào tháng Một năm 2004. Nhưng những chấn thương dai dẳng đã làm khổ cậu ấy, và cả chúng tôi nữa. Chúng tôi từng theo dõi cậu ấy khi còn ở Metz, nhưng những báo cáo lúc đó không đủ để thuyết phục chúng tôi. Tuy nhiên, khi khoác áo Fulham đụng độ United, cậu ấy luôn khiến chúng tôi vất vả. Tôi còn nhớ, trong trận đấu thuộc khuôn khổ FA Cup ở Craven Cottage, cậu ấy vượt qua Wes Brown ở sát đường biên ngang, tăng tốc về phía khung thành trước khi chuyền lại, và Fulham ghi bàn. Kể từ khoảnh khắc đó, chúng tôi liên tục để mắt tới cậu ấy. Tháng Một năm 2004, chúng tôi đã đưa ra lời đề nghị.
Thương thảo với Mohammed Fayed, chủ sở hữu của Fulham, là một quá trình phức tạp. Sau vài lần mặc cả, đôi bên đã thống nhất mức giá: 12 triệu bảng.
Nếu xét tất cả những tiền đạo chúng tôi từng sở hữu, khi nói về khả năng (thuận hai chân, không chiến tốt, sức bật, tốc độ, sức mạnh), Saha luôn được đánh giá khá cao. Cậu ấy là mối nguy hiểm thường trực. Nhưng rồi chấn thương đã thay đổi tất cả, một tổn thất lớn với chúng tôi. Thậm chí, những chấn thương của cậu ấy không được tính bằng tuần, mà nó phải tính bằng tháng. Lý do tôi bán cậu ấy không phải vấn đề về trình độ, mà là tôi không thể xây dựng lối chơi xung quanh cậu ấy. Thật đáng tiếc, bởi cậu ấy vẫn khá trẻ, nhưng chính những chấn thương khiến tôi không thể nghĩ khác.
Đôi lúc, cậu ấy quá chán nản mà từng nghĩ tới chuyện giải nghệ. “Cậu còn trẻ, đừng bỏ cuộc chỉ vì những chấn thương. Cậu hãy kiên nhẫn. Nó sẽ không kéo dài mãi mãi đâu,” tôi khuyên nhủ Saha.
Saha nghĩ rằng cậu ấy đã khiến chúng tôi thất vọng. Cậu ấy đã nhắn tin cho tôi. Tôi phải cố gắng giải thích rằng đó chỉ là sự đen đủi, và trong suốt lịch sử bóng đá thì không hiếm trường hợp như vậy. Viv Anderson là một ví dụ. Trong bốn năm ở Arsenal, cậu ấy chỉ bỏ lỡ bốn trận. Mùa giải đầu tiên ở United, cậu ấy cũng ra sân thường xuyên. Nhưng rồi sau đó, cậu ấy phải ngồi ngoài liên tục. Chúng tôi đành để Viv tới Sheffield Wendesday dưới dạng chuyển nhượng tự do, nơi hầu như cậu ấy không vắng mặt trận đấu nào trong ba năm. Tôi vẫn thường đùa cậu ấy: “Tôi nghĩ cậu không muốn chơi cho tôi.” Thực ra, Viv là một fan trung thành của United.
Louis hiểu rằng những chấn thương ảnh hưởng nghiêm trọng tới phong độ của cậu ấy. Carlos đã đề ra giáo án kéo dài hai tuần, nhằm giúp cậu ấy hoàn toàn sẵn sàng. Chúng tôi giải thích kế hoạch này cho Saha và cậu ấy rất quyết tâm thực hiện trọn vẹn. Thứ Sáu, một ngày trước khi trận đấu diễn ra, Saha bước tới và nói cậu ấy cảm thấy không ổn ở gân kheo. Chúng tôi hiểu rằng đó là những gì tốt nhất có thể làm. Và năm 2008, chúng tôi đồng ý để cậu ấy tới Everton.
Everton học tập phương pháp của chúng tôi, và cố gắng đưa Louis lên tầm có thể khiến cậu ấy tự tin. Áp lực phải chơi bóng cho Manchester United cũng được loại bỏ. Cậu ấy thực sự là một tiền đạo cắm nguy hiểm. Đặc biệt với màn trình diễn ở mùa giải 2009/10, tôi nghĩ cậu ấy xứng đáng có một xuất dự World Cup cùng Pháp.
Mùa giải 2003/04, chúng tôi kết thúc ở vị trí thứ ba, sau một Arsenal không-thể-đánh-bại. Nhưng, đó không phải là một năm trắng tay. Chúng tôi có chức vô địch FA Cup sau chiến thắng 3-0 trước Millwall. Ronaldo đã tỏa sáng ở trận đấu đó, với cú đánh đầu mở tỷ số, trước khi Van Nistelrooy lập cú đúp, trong đó có một bàn từ chấm phạt đền.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro