Chương IX: Cuộc Sống Ngoài Bóng Đá
Thế giới bóng đá có lẽ thường nhìn nhận tôi như một kẻ ám ảnh vì Manchester United và ít tìm những thú vui bên ngoài. Nhưng khi công việc đòi hỏi ngày càng cao, tôi đã tìm nơi nương náu cho tâm hồn, trong những sở thích, thói quen riêng, những kệ sách đầy và hầm ủ rượu tuyệt hảo.
Ngoại trừ tình yêu dành cho đua ngựa, tất cả những gì thuộc về thế giới thứ hai này của tôi không được nhiều người biết đến. Đó là nơi tôi trở về sau một ngày tập luyện tại Carrington, hay sau khi trận đấu đã diễn ra, được phân tích, lưu trữ đầy đủ. Khoảng mười năm cuối sự nghiệp tại Manchester United, tôi cho phép mình tham gia các thú vui khác để có thể quản lý đội bóng hiệu quả hơn nữa. Làm việc chăm chỉ và sử dụng sức mạnh tinh thần một cách đa dạng. Dưới mái nhà, tôi thỏa thích chìm vào những thứ đầy mê hoặc, quyến rũ, từ tiểu sử các nhà độc tài đến tư liệu về vụ ám sát John F. Kennedy rồi thông tin về bộ sưu tập rượu của tôi.
Niềm tin chính trị của tôi gần như không hề thay đổi kể từ khi còn là quản lý cửa hàng tại xưởng đóng tàu ở Govan. Con người thay đổi quan điểm khi thành công hơn, giàu có hơn nhưng tôi tiếp xúc không nhiều luồng tư tưởng có thể coi như là cách nhìn nhận cuộc sống, tập hợp của các giá trị.
Tôi không bao giờ cố gắng trở thành một thành viên tích cực của Đảng Lao động, xuất hiện tại mọi bữa tối, tham gia mọi chiến dịch tranh cử. Nhưng tôi luôn ủng hộ cho những nghị sĩ Đảng Lao động ở địa phương. Cathy từng nói một khi dấn thân vào chính trị, nó sẽ đòi hỏi, kỳ vọng bạn có mặt mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, tin tưởng vào Đảng Lao động và những nguyên tắc xã hội là một chuyện, làm thành viên tích cực lại là chuyện khác. Đơn giản, là huấn luyện viên của Man Utd, tôi không có đủ thời gian để đáp ứng chúng. Tôi sẽ bầu cho Đảng Lao động mỗi khi bầu cử và ủng hộ họ công khai. Nhưng bạn sẽ không bao giờ chứng kiến cảnh tượng tôi ngồi cạnh David Cameron, bạn sẽ được thấy tôi đứng bên các nghị sĩ Đảng Lao động. Đó là phạm vi ảnh hưởng mà tôi mong muốn.
Tôi thuộc bên cánh tả bởi vậy luôn đánh giá cao những thành tựu của Gordon Brown, và cả John Smith. John Smith đáng lẽ có thể trở thành một thủ tướng tốt. Tôi cũng cảm thấy tiếc cho Neil Kinnock: giỏi nhưng không đủ may mắn. Giá mà được thấy ông ấy ở phố Downing (dinh thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing – ND). Tôi ủng hộ những nguyên tắc của Brown hơn nhưng phải thừa nhận chính sách hợp lòng dân của Blair là cách để thắng cử. Blair biết vị thế của mình. Thêm vào đó, ông ấy có sức thu hút và đã nổi tiếng rất lâu trước khi bị cuộc xâm lược Iraq phá hoại hình ảnh trước công chúng.
Tình bạn của tôi với Alastair Campbell (nhà văn, nhà báo, phụ tá chính trị của cựu thủ tướng Tony Blair – ND) khởi nguồn từ Jim Rodger, cựu phóng viên thể thao Scotland và bạn tâm giao của vài đời thủ tướng từ Đảng Lao động. Một ngày, ông ấy gọi và đề nghị tôi thực hiện một bài phỏng vấn với Alastair, khi đó đang làm cho tờ Mirror. Alastair và tôi khá hợp nhau, ông ấy còn thường gửi những bức thư nhỏ cho tôi sau đó. Rồi ông ấy trở thành thư ký truyền thông của Tony, tình bạn chúng tôi thân thiết hơn nữa. Tôi từng ăn tối với Alastair, Tony và Cherie (phu nhân thủ tướng Tony Blair – ND) tại khách sạn Midland ở Manchester một tuần trước cuộc bầu cử năm 1997. Tôi đã khuyên Tony: “Ông cần giữ chính phủ của mình trong một phòng đóng kín. Vấn đề với nội các là họ có những đồng minh riêng, có các liên hệ báo chí riêng. Kiểm soát nội các luôn là phần việc khó nhất.” Tony đã tiếp thu thông điệp đó.
Dù ở bất cứ vị trí quyền lực nào, sẽ có lúc bạn cảm thấy yếu đuối. Nếu bạn đang dẫn dắt cả một đất nước, trách nhiệm rất lớn lao và nỗi cô đơn cũng luôn thường trực. Điều này có liên hệ với công việc của tôi. Chiều xuống, tôi ngồi trong văn phòng, công việc đã hoàn tất và bất chợt thèm cảm giác có bầu có bạn. Dường như một khoảng chân không đang bao bọc công việc của tôi, khiến không ai có thể xen vào.
Trong cuốn hồi ký của mình, Tony kể rằng đã lấy ý kiến tôi khi cách chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của Gordon Brown. Những gì còn trong ký ức của tôi là Tony không hoàn toàn dứt khoát trong chuyện này. Ông ấy thắc mắc cách đối phó với những cầu thủ ngôi sao và tôi trả lời: “Điều quan trọng nhất là quyền kiểm soát. Ngay giây phút họ đe dọa quyền lực của ta, ta cần loại bỏ họ ngay lập tức.” Ông ấy có thông báo về những vấn đề với Gordon nhưng lại không hỏi trực tiếp là ông ấy nên hành động như thế nào. Bởi vậy, lời khuyên của tôi cũng chung chung để tránh khỏi các rắc rối.
Tôi sẽ ngay lập tức lựa chọn quyết định khó khăn, vất vả, nếu như nó có thể làm tình hình tốt lên. Bạn lo lắng với một trợ lý của mình, đó chắc chắn là một rắc rối. Và tôi sẽ chẳng bao giờ phí thời gian nằm lo nghĩ hàng đêm nếu như có thể làm gì đó để loại bỏ mối nguy.
Quyền lực là thứ rất hữu dụng nhưng tôi không nghĩ nó phù hợp áp dụng trên các cầu thủ. Tuy nhiên, kiểm soát lại luôn là điều mà tôi hướng đến. Tôi có thể dễ dàng sử dụng quyền lực nếu tôi muốn, và tôi đã làm, nhưng khi bạn đạt đến vị trí như tôi tại United, quyền lực sẽ đến một cách tự nhiên. Người ngoài thường nhìn vào các quyết định lớn của tôi và cho rằng tôi đang thị uy quyền lực, trong khi kiểm soát mới chính xác là điều được dùng ở đây.
Gạt Đảng Lao động và những vườn nho sang bên, một mối quan tâm chính khác của tôi là nước Mỹ. JFK, Nội chiến, Vince Lombardi và các trận bóng bầu dục tuyệt vời – lối thoát cho tôi khỏi những áp lực của bóng đá. New York là điểm nhấn của riêng tôi khi nói đến văn hóa Mỹ. Tôi đã mua một căn hộ tại đây, được cả gia đình sử dụng, Manhattan cũng là nơi nghỉ ngơi lý tưởng trong ngắn hạn lúc các học trò trở về tập trung cho đội tuyển quốc gia.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ luôn kích thích và tạo cảm hứng khám phá trong tôi. Lần đầu tôi đến đây du lịch là vào năm 1983, khi Aberdeen vừa giành Cúp C2 châu Âu. Tôi đưa cả nhà đến Florida như một kỳ nghỉ thông thường. Nhưng, khi đó, nước Mỹ và lịch sử của nó đã ăn sâu vào máu tôi. Vụ ám sát John Kennedy tại Dallas năm 1963 để lại ấn tượng cho tôi từ giây phút biết được thông tin này. Thời gian trôi đi, tôi xây dựng một sở thích mới: điều tra vụ án này – cách thức, kẻ sát nhân và động cơ gây án…
Tôi vẫn nhớ cái ngày gây sốc cho toàn thế giới đó. Tối thứ Sáu và tôi đang cạo râu trong buồng tắm, chuẩn bị đi nhảy với mấy người bạn thân. Bố tôi, bị điếc nhẹ, hỏi lớn: “Có phải John Kennedy vừa bị bắn không nhỉ?”
“Bố, bố lãng tai rồi, bố tưởng tượng ra đấy,” tôi trả lời và chẳng thèm chú ý nữa. Nửa tiếng sau, thông tin bắt đầu lan rộng. Kennedy đã được đưa vào bệnh viện Parklands.
Tôi nhớ mãi cái quang cảnh tại sàn nhảy ở Flamingo, gần Govan hôm đó. Họ đang phát bài hit “Would you like to swing on a star” nhưng không khí vẫn tĩnh lặng. Thay vì nhảy nhót, chúng tôi ngồi lại và bàn về vụ ám sát.
Đối với một chàng trai trẻ như tôi, Kennedy gợi lên những sự tưởng tượng. Ông ấy đẹp trai, sắc sảo. Người nhiệt huyết và tươi mới như vậy xứng đáng làm tổng thống. Dù Kennedy vẫn luôn là biểu tượng trong tâm trí tôi, sở thích nghiên cứu về vụ ám sát chỉ đến bất ngờ vào ngày mà tôi được mời phát biểu tại một bữa ăn tối ở Stoke.
Stanley Matthews và Stan Mortensen đều có mặt tại đây , cùng với Jimmy Armfield, và tôi bắt đầu nghĩ rằng: “Mình làm gì ở đây với những cầu thủ xuất chúng này? Chắc chắn ai cũng muốn nghe Stanley phát biểu hơn là mình.”
Nhưng trong bữa tối, Brian đã hỏi tôi: “Sở thích của ông là gì?”
“Tôi không có nhiều thời gian cho những sở thích bên ngoài,” tôi đáp lại. “Tôi có một bàn bi-a trong nhà, tôi thích đi đánh golf và tôi cũng thích ngồi nhà xem phim.”
Brian lấy ra một tấm danh thiếp: “Con trai tôi có một xưởng phim tại London, nó luôn được nhận công chiếu sớm. Nếu muốn tìm bộ phim nào, ông cứ gọi cháu nó.”
Ngay tối hôm trước, tôi đã đến rạp chiếu phim tại Wilmslow để xem JFK. “Ông thích tìm hiểu vụ việc này sao?” Brian hỏi. Thời điểm đó, tôi còn sưu tập được vài cuốn sách về vụ ám sát. “Tôi đã ở trên chiếc xe thứ mười lăm của đoàn hộ tống.” Trời, tôi đang ngồi ở The Potteries và gã trước mặt nói rằng hắn từng hộ tống JFK.
“Chuyện như thế nào vậy?”
“À, tôi là phóng viên của Daily Express, nhưng rồi chuyển đến San Francisco và làm việc cho tạp chí Time,” ông ấy trả lời. “Năm 1958, tôi xin vào làm công tác bầu cử cho Kennedy.” Cuối cùng tôi còn biết được Brian từng ở trên chuyến bay mà Lyndon Johnson tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Mối liên kết này làm tôi hứng thú tìm hiểu hơn nữa. Tôi bắt đầu tham gia những cuộc đấu giá các sản phẩm liên quan đến vụ ám sát. Một người đàn ông từ Mỹ sau khi đọc được chia sẻ của tôi về thú vui này đã gửi cho tôi biên bản khám nghiệm tử thi. Tôi lưu giữ vài tấm ảnh ở Carrington, một tấm đấu giá được, những tấm còn lại đều được tặng. Ngoài ra còn có cả bản báo cáo Warren Commission (bản báo cáo điều tra 889 trang về vụ ám sát JFK – ND) được ký bởi Gerald Ford trị giá 3000 đô la Mỹ.
Kỷ niệm ngày cưới năm 1991, Cathy và tôi lại đến Mỹ, đi xuyên qua Chicago, San Francisco, Hawaii, Las Vegas, Texas và cuối cùng là New York. Về sau, gần như năm nào chúng tôi cũng quay trở lại. Nhờ thế, bộ sưu tập sách của tôi dày dần lên. Cuốn tiểu sử hay nhất về John Kennedy có lẽ là “Unfinished Life, John F. Kennedy 1917-1963” của Robert Dallek. Dallek đã tìm kiếm được những hồ sơ bệnh án của Kennedy và chứng minh sức sống của ông ấy thật kỳ diệu khi luôn phải sống chung với chứng bệnh Addison và các vấn đề về gan.
Có nhiều sự kiện đáng chú ý xảy ra trong nhiệm kỳ ba năm của Kennedy, thất bại tại Vịnh Con Lợn mà ông ấy nhận trách nhiệm, Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh Việt Nam và Khủng hoảng Tên lửa Cuba. Chăm sóc y tế cũng là một vấn đề cấp thiết, như những gì đang xảy ra hiện nay.
Nghiên cứu những tài liệu về Kennedy giúp tôi tiếp xúc với các tác phẩm xuất sắc, như “The Best, The Brightest” của David Halberstam. Nó tập trung vào các lý do cho cuộc chiến tranh Việt Nam, những lời nói dối đối với anh em nhà Kennedy. Ngay cả Robert McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ khi đó và người bạn của gia đình Kennedy, cũng đã lừa dối họ. Sau khi nghỉ hưu, ông ta đã phải đưa ra lời xin lỗi công khai.
Trong tour du đấu 2010 đến Mỹ của Man United, tôi có tham quan Gettysburg và ăn trưa tại Đại học Princeton với James McPherson, một nhà nghiên cứu lịch sử về thời kỳ Nội chiến, tác giả cuốn sách “Battle Cry of Freedom”. Tôi còn được dẫn đi thăm Nhà Trắng. Niềm yêu thích tìm hiểu về Nội chiến Hoa Kỳ khởi nguồn khi có người biếu tôi cuốn sách về các vị tướng thời đó. Hai bên có hàng tá các vị tướng. Một ngày khác, Gordon Brown biết được tôi đang đọc sách về Nội chiến nên đã gửi tặng vài đoạn băng liên quan. Tổng cộng, tôi có 35 đoạn băng ghi âm các bài giảng của Gary Gallagher, người sau này cũng hợp tác nghiên cứu với James McPherson về vai trò của Hải quân trong cuộc chiến, câu chuyện vẫn phần lớn nằm trong vòng bí ẩn.
Một niềm đam mê và phương tiện giải tỏa lớn nữa là đua ngựa. Cựu chủ tịch Martin Edwards từng đề nghị tôi: “Ông nên nghỉ ngơi một ngày đi.”
Đáp lại: “Tôi ổn mà.”
Nhưng quả thật, khi đó tôi đang ở tình trạng mà Cathy phải thốt lên: “Ông đang giết bản thân mình đấy.” Sau khi trận đấu kết thúc, tôi về nhà và ở bên cạnh cái điện thoại đến 9 giờ tối và không ngừng nghĩ về bóng đá.
Tôi mua chú ngựa đầu tiên vào năm 1996. Kỷ niệm 30 năm ngày cưới, tôi và Cathy thăm Cheltenham, nơi tôi gặp John Mulhern, người huấn luyện ngựa tuyệt vời đến từ Ireland. Tối hôm đó, tôi còn nhập hội với những người huấn luyện và ăn tối tại London. Sau cùng, tôi không thể không hỏi Cathy: “Bà có thích nuôi ngựa không? Tôi nghĩ nó sẽ là nơi giải tỏa cho tôi.”
“Ông sẽ chọn con nào đây?” Cathy nói. “Alex, vấn đề của ông là ông muốn mua tất cả ngựa trên đời.”
Nhưng thực sự chúng đã mở “van” giải tỏa cho tôi. Thay vì ngồi mụ mẫm trong văn phòng hay đốt thời gian cho những cuộc điện thoại kéo dài vô tận, tôi có thể để tâm trí mình tập trung vào đua ngựa, giải thoát khỏi những ám ảnh về công việc. Giành chiến thắng hai cuộc đua Nhóm 1, Lexus Chase và Aintree Bowl, cùng chú ngựa What A Friend là một kỷ niệm đáng nhớ. Một ngày trước cuộc đua Aintree, United bị Bayern Munich đánh bại tại Champions League, đầu óc tôi vẫn còn quay mòng mòng. Nhưng một ngày sau, tôi đã giành chiến thắng khác tại Liverpool.
Chú ngựa đầu tiên của tôi, Queenland Star, được đặt tên theo con tàu mà bố tôi làm việc và góp phần dựng lên. Đến nay, tôi đã giành 60, 70 chiến thắng và sở hữu cổ phần ở hơn 30 chú ngựa. Tôi rất thích mô hình của Nghiệp đoàn Highclere: Harry Herbert, người đứng đầu ở đó có tính cách tốt và kinh doanh thành đạt. Tại Highclere, bạn luôn biết chính xác thông tin hàng ngày về những chú ngựa của mình.
Bên cạnh đó, Rock of Gilbratar cũng là một chú ngựa phi thường, chiến thắng bảy cuộc đua Nhóm 1 liên tiếp, đánh bại kỷ lục của Mill Reef lần đầu tiên ở Bắc bán cầu. Tôi đã đạt thỏa thuận sở hữu nó ở Ireland. Tôi cứ nghĩ là mình được năm một nửa quyền sở hữu nhưng những người chủ lại cho rằng tôi muốn được chia đôi tiền thưởng mỗi khi Rock of Gilbratar giành chiến thắng. Tuy nhiên, cuối cùng mọi thứ được dàn xếp ổn thỏa khi chúng tôi thống nhất hai bên đều có sự hiểu nhầm.
Đam mê đua ngựa của tôi đã gây nhiều tranh cãi trong giới chủ câu lạc bộ. Chuyện trở nên khó xử khi một thành viên yêu cầu tôi từ bỏ sở thích này ở đại hội thường niên. Tôi phải khẳng định với họ rằng chưa bao giờ tôi bỏ quên nhiệm vụ huấn luyện viên Manchester United. Sau đó, luật sư và người bạn thân của tôi, Les Dalgarno, đã thu xếp tốt tình hình. Tình yêu với đua ngựa của tôi không hề bị ảnh hưởng.
Đua ngựa, đọc sách, mua rượu, tôi thực sự dành thời gian nhiều hơn cho chúng từ năm 1997, khi nhận ra mình cần làm điều gì đó để không dồn hết tâm trí, sức lực vào bóng đá. Tìm hiểu, học hỏi về các loại rượu cũng có thể giúp ích. Tôi bắt đầu mua rượu cùng Frank Cohen, một nhà sưu tập nghệ thuật đương đại lớn và là hàng xóm của tôi. Khi Frank ra nước ngoài, tôi tự mua cho bản thân.
Tôi sẽ không bao giờ gọi mình là chuyên gia, nhưng tôi cũng không tồi trong lĩnh vực này. Tôi biết các năm tốt và những loại rượu ngon. Tôi có thể thử rượu và nhận biết một vài thành phần trong đó.
Việc học tập từng đưa tôi đến xứ sở rượu vang Bordeaux nhưng tựu chung lại, tôi thu thập kiến thức qua đọc sách và các buổi trò chuyện với các nhà buôn và chuyên gia. Chúng thật thú vị. Tôi từng ăn tối với nhà bình luận rượu và dẫn chương trình truyền hình Oz Clarke, nhà buôn rượu John Armit. Họ luôn bàn về nho rồi các năm rượu khiến tôi bị mê hoặc dù tôi không hy vọng đi theo con đường này. Có lẽ tôi cần học hỏi thêm về nho, bản chất của mọi thứ. Nhưng dẫu sao, dần dần, vốn hiểu biết của tôi đã được mở rộng.
Mùa thu 2010, khi được hỏi về việc giải nghệ, tôi trả lời theo bản năng: “Giải nghệ chỉ dành cho người trẻ thôi, vì họ còn có thứ khác để mà làm.” Ăn không ngồi rồi ở tuổi 70 sẽ khiến ta suy sụp rất nhanh. Bạn cần có sẵn một thứ để thay thế khi giải nghệ. Ngay lập tức, ngay ngày hôm sau, chứ không phải sau ba tháng nghỉ mát.
Khi còn trẻ, làm việc 14 giờ/ngày là điều cần thiết vì bạn phải khẳng định mình, và cách duy nhất để làm điều đó là lao động chăm chỉ. Để rồi, dần dần bạn tạo lập nên đạo đức nghề nghiệp cho bản thân và truyền lại cho gia đình. Bố mẹ tôi đã truyền lại thành quả cho tôi và tôi cũng làm vậy với con cháu. Trai trẻ, bạn có khả năng để củng cố vững chắc cuộc sống sau này. Về già, bạn cần quản lý sức khỏe. Luôn sung sức. Ăn những thức ăn có lợi. Dù không phải người có giấc ngủ sâu nhưng tôi vẫn đảm bảo từ năm đến sáu tiếng, khoảng thời gian phù hợp với tuổi tác. Có nhiều người thức giấc và nằm lì trên giường. Tôi không bao giờ như vậy. Tôi mở mắt và nhảy ra khỏi chăn ngay, sẵn sàng chạy đi bất kỳ đâu. Tôi không nằm đấy và làm mấy trò đợi thời gian trôi đi.
Tôi thường tỉnh giấc lúc sáu giờ, sáu giờ mười lăm. Chỉ mất khoảng 15 phút từ nhà đến sân tập nên bảy giờ là tôi có mặt tại Carrington. Đó là thói quen không thay đổi của tôi.
Tôi lớn lên khi chiến tranh đã đi qua. Tôi sống sót. Tôi có thư viện, bể bơi, bóng đá. Bố mẹ tôi làm việc cả ngày nên hoặc bà sẽ trông tôi hoặc tôi đến độ tuổi tự chăm sóc lấy bản thân. Mẹ tôi thường dặn: “Đây là khoai xào, đây là thịt băm, con chỉ cần đặt nó lên bếp lúc bốn rưỡi.” Thức ăn đã được làm sẵn cả rồi. Bố tôi về lúc sáu giờ kém mười lăm khi bàn ăn đã được dọn ra – đó là công việc của tôi – và tôi dọn dẹp đống tro đổ vào hố phân bón. Vậy là hết những công việc nhà, rồi tôi và em trai làm bài tập khi đồng hồ điểm bảy tiếng. Chưa có tiện nghi hiện đại, một ngày trôi đơn giản như vậy. Giờ đây, cuộc sống phát triển nhưng con người lại yếu đuối hơn. Họ chưa bao giờ vào xưởng đóng tàu, hầm mỏ. Rất ít người chứng kiến lao động chân tay.
Chúng ta có cả một thế hệ những ông bố, trong đó có các con trai tôi, đối xử với con cái tốt hơn những gì mà tôi làm cho chúng. Họ tham dự nhiều sự kiện gia đình hơn tôi. Như Picnic. Tôi chưa từng lên kế hoạch cho một buổi picnic trong đời. Tôi thường sẽ nói: “Các con đi chơi đi!” Có một khoảng sân trường ngay cạnh ngôi nhà của chúng tôi tại Aberdeen và những đứa trẻ ra đấy chơi với bạn bè hàng ngày. Gia đình tôi cũng không quay băng video nào từ năm 1980. Chất lượng của nó bây giờ cũng rất tệ hại.
Tôi đã không làm đủ những gì cần làm với con cái. Cathy làm thay phần tôi, bởi vì bà ấy là một người mẹ tuyệt vời. Bà ấy nói: “Khi chúng mười sáu tuổi, chúng sẽ là con trai của bố nó ngay ấy mà.” Và đúng như vậy, càng lớn lên, ba đứa càng gần gũi nhau và gần gũi với tôi hơn. Tôi rất hạnh phúc. Và Cathy tủm tỉm: “Tôi đã nói mà.”
“Nhưng bà mới là người chăm sóc chúng,” tôi tiếp tục. “Nếu tôi chỉ nói xấu một ít về bà thôi, ba đứa nó sẽ ‘xử’ tôi ngay. Bà vẫn là người chủ ở đây!”
Chẳng có bí quyết bí mật nào cho thành công trên thế giới này cả. Tất cả gói gọn trong hai chữ “lao động”. Cuốn sách của Malcolm Gladwell “Outliers: The Story of Success” có thể gọi là Lao Động. Lao Động Chăm Chỉ. Carnegie và Rockelfeller (hai tỉ phú Mỹ – ND) là những ví dụ điển hình. Tôi rất thích câu truyện sau đây về Rockelfeller. Gia đình ông ấy thường đi lễ nhà thờ. Một ngày, con trai của ông hỏi, khi những con chiên đang quyên góp mỗi người một đôla vào thùng quyên góp: “Bố ơi, sao bố không đóng góp 50 đôla cho cả năm luôn?”
“Có thể đó con trai,” ông trả lời. “Nhưng chúng ta sẽ lỗ ba đôla đấy.”
Rockelfeller còn dạy cho quản gia cách duy trì ngọn lửa trên bếp cháy thêm hàng giờ đồng hồ nữa. Và ông ấy là tỉ phú.
Bản tính tiết kiệm của Rockefeller được thấm nhuần từ những ngày lao động chăm chỉ. Ông ấy không bao giờ lãng phí. Tôi đã học hỏi điều này. Ngay cả bây giờ, nếu đám cháu để sót lại thức ăn trên đĩa, tôi sẽ ăn hộ chúng luôn. Ba con trai tôi cũng giống như vậy. “Đừng để lại thứ gì trên đĩa” là câu thần chú của nhà Ferguson. Bây giờ, tôi mà lại gần thức ăn của Mark, Jason hay Darren, chúng sẽ chặt tay tôi ngay!
Không gì có thể đánh bại tinh thần lao động chăm chỉ!
Tất nhiên, lao động và stress sẽ tạo nên sự căng thẳng cho cơ thể bạn. Tuổi tác cũng vậy. Cũng bởi đó mà tôi phát hiện ra mình gặp vấn đề về tim mạch. Một sáng, trong phòng tập thể hình, đeo thắt lưng vào, tôi nhận thấy nhịp tim bỗng vọt từ 90 lên 160. Tôi gọi người rèn luyện cân nặng, Mike Clegg, và phàn nàn: “Cái thắt lưng này chắc bị hỏng rồi.”
Và tôi thử cái khác. Nhịp tim vẫn vậy. Mike nói: “Ông cần gặp bác sĩ thôi.”
Bác sĩ lại chỉ dẫn tôi gặp Derek Rowlands, người đã từng chăm sóc Graeme Souness. Ông ấy khuyên tôi dùng phương pháp sốc điện để kiểm soát nhịp tim. Bảy ngày sau, nó trở lại bình thường. Nhưng trận đấu kế tiếp, United thua và nhịp tim của tôi lại tăng lên. Đây là lỗi của các cầu thủ. Họ mà chiến thắng có phải tôi đã ổn rồi không. Phương pháp trị bệnh này đã thành công được 50-60 phần trăm nhưng tôi hiểu mình cần phải làm hơn thế. Tôi quyết định cấy một thiết bị kiểm soát tốc độ tim và uống một viên aspirin mỗi ngày.
Cuộc phẫu thuật diễn ra trong nửa tiếng vào tháng Tư năm 2002. Tôi còn có thể xem trực tiếp trên màn hình. Tôi sẽ nhớ mãi cái khoảnh khắc máu phun ra. Thiết bị này được sử dụng trong tám năm trước khi thay thế mùa thu 2010. Lần này, tôi đã thiếp đi ngay trước lúc họ gỡ bỏ thiết bị cũ. Nhưng trên tất cả, tôi vẫn có thể làm những điều mình thích: tập thể dục, lao động, uống rượu.
Thú thực là giai đoạn đầu với cái thiết bị trên, tôi hơi khó chịu. Một năm trước đó, tôi có làm cuộc kiểm tra sức khỏe và nhịp tim vẫn ở mức 48. Albert Morgan, người quản lý trang phục đội bóng, đùa: “Tôi cứ nghĩ ông không có tim cơ đấy!” Thể lực của tôi vẫn hoàn hảo. Rồi đùng một cái, mười hai tháng sau, tôi cần đến thiết bị cấy ghép. Điều tôi muốn nói ở đây là tuổi già đi kèm với những rủi ro. Bất kỳ ai trong chúng ta đều rất nhạy cảm. Bạn vẫn nghĩ mình khỏe vô địch ư? Tôi từng như vậy. Nhưng cánh cửa cuộc đời sẽ đóng sầm trước mặt vào ngày nào đó mà chúng ta đang nghĩ mọi chuyện đều ổn.
Nói chung, về sức khỏe, tôi có lời khuyên: nếu nhận được cảnh báo, hãy thực lòng lưu tâm. Lắng nghe bác sĩ, đi kiểm tra tình hình, chú ý đến cân nặng và những thứ cho vào dạ dày hàng ngày.
Đọc sách là phương thức giải thoát tuyệt vời khỏi những rắc rối của công việc và cuộc sống. Nếu tôi đưa một vị khách vào thư viện của tôi, họ sẽ thấy những cuốn sách về các tổng thống, thủ tướng, Nelson Mandela, Rockefeller, nghệ thuật hùng biện, Nixon và Kissinger, Brown, Blair, Mountbatten, Churchill, Clinton, Nam Phi và lịch sử Scotland. Tác phẩm của Gordon Brown về chính trị gia xã hội người Scotland James Maxton cũng sẽ được tìm thấy ở đây. Và đương nhiên là đủ thể loại về Kennedy.
Rồi chuyển sang khu vực của các nhà lãnh đạo chuyên quyền. Tôi luôn hứng thú tìm hiểu giới hạn tột cùng của con người. “Young Stalin” của Simon Sebag Montefiore, “World War II: Behind Closed Doors” của Laurence Rees, “Stalingrad” và “Berlin: The Downfall 1945” của Anthony Beevor.
Nói về chủ đề khác ít “nghiêm trọng” hơn, tôi có Edmund Hillary và David Niven. Rồi ta lại có thể trở lại với tội ác và bóng tối: Anh em nhà Kray và Mafia nước Mỹ.
Cuộc đời tôi đã đi quá sâu vào thể thao nên tôi thường ít đọc sách về thể thao. Nhưng vẫn có vài cuốn đặc biệt trên kệ. Khi đọc “When Pride Still Mattered” của David Maraniss, viết về tiểu sử của Vince Lombardi, huấn luyện viên huyền thoại của Green Bay Packers, tôi thầm nghĩ: “Cứ như là đang viết về mình vậy, mình giống hệt Lombardi.” Trước tiên, tôi đồng cảm với câu nói bất hủ nhất của Lombardi: “Chúng ta không thua, đó chỉ là vì hết giờ thôi!”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro