Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương IV: Một Khởi Đầu Hoàn Toàn Mới

Khi mùa giải 2002 bắt đầu, tôi cảm thấy cơ thể mình căng tràn một loại nhựa sống bất tận. Cứ như thể tôi mới bắt đầu công việc này ngày hôm nay thôi. Những đồn đoán, nghi ngại hay bất cứ ý tưởng gì của việc giải nghệ đều đã dẹp đi hết; tôi hoàn toàn sẵn sàng bước ra ngoài kia và xây dựng lại đội bóng của mình sau lần đầu trắng tay kể từ 1998. Cảm giác về một cuộc đại cách mạng làm tôi cảm thấy phấn chấn hết xảy. Tôi biết, mình cần một nền tảng vững chắc để kiến thiết một đội quân vô địch mới.

1995-2001 có thể coi là giai đoạn vàng son của Manchester United, khi trong khoảng thời gian này, chúng tôi đăng quang Premier League tới 5 lần và vô địch Champions League 1 lần. Vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên 6 năm này, tôi đã quyết định đôn toàn bộ các cầu thủ “homegrown” (cầu thủ trưởng thành tại lò đào tạo trẻ của CLB) lên đội hình chính. David Beckham, Gary Neville và Paul Scholes bắt đầu trở thành những cái tên quen thuộc với người hâm mộ. Còn nhớ, vào năm đó, khi chúng tôi để thua Aston Villa, Alan Hansen đã mỉa mai trên truyền hình: “Làm sao mà vô địch được với những đứa trẻ kia chứ?”

Sau ba lần liền đăng quang tại Premier League, chúng tôi phạm một sai lầm khủng khiếp khi để Jaap Stam ra đi. Tôi cứ cho rằng 16,5 triệu bảng là một cái giá hấp dẫn, nhất là cho một cầu thủ sắp trượt dài trên sườn dốc sự nghiệp vì chấn thương. Nhưng không ngờ đó lại là một quyết định ngu ngốc của tôi. Giờ, tôi đã có cơ hội để tiết lộ cho các bạn biết bức màn bí ẩn về những lời đồn đại rằng tôi đã tống Jaap đi chỉ vì cuốn tự truyện đầy tranh cãi của cậu ấy. Tôi đã yêu cầu cậu ấy thu hồi quyển sách ngay lập tức. Còn nhớ, trong đó có một thông tin đã cáo buộc chúng tôi tiếp cận Jaap trực tiếp mà không chờ sự đồng ý từ PSV.

“Cậu đã nghĩ cái quái gì vậy?” Tôi những muốn gào lên. Nhưng thật ra điều đó không hề tác động tới quyết định của tôi. Không lâu sau đó, tôi nhận được một lời dạm hỏi từ phía Roma. 12 triệu bảng cho Jaap, thật nực cười. Tiếp đó, Lazio cũng gửi tới một lời đề nghị. Tôi lung lay khi họ đề xuất cái giá 16,5 triệu bảng sau thời gian thương lượng. Lúc đó, Jaap đã 30 tuổi, và thậm chí chúng tôi cũng chẳng biết cậu ấy có lấy lại được phong độ vốn có sau khi bình phục chấn thương hay không. Thế là mọi chuyện tồi tệ bắt đầu. Thật thê thảm khi tôi đề cập đến vấn đề với cậu ta ở một trạm xăng – bạn biết đấy, Jaap là một cầu thủ trung thành, luôn muốn cống hiến cho câu lạc bộ và được cá cổ động viên hết mực yêu quý. Đó là một khoảng khắc mà tôi không bao giờ quên. Hai ngày trước hạn cuối, tôi vẫn trì hoãn sự thật. Sau đó tôi gọi điện cho cậu ấy, lúc này đang trên đường về nhà. Rất nhanh, chóng tôi quyết định gặp nhau ở trạm xăng ven đường. Câu chuyện tiếp theo có lẽ không cần phải kể tiếp.

Tôi biết mình sẽ có được Laurent Blanc mà không mất tới một xu. Bản thân tôi luôn là một fan hâm mộ của Laurent Blanc, và lẽ ra tôi đã phải vồ lấy cậu ta nhiều năm về trước. Cậu ấy có sự điềm đạm và kỹ năng xoạc bóng tuyệt hảo. Kinh nghiệm của Blanc sẽ giúp John O’Shea và Wes Brown trưởng thành rất nhiều. Nhưng dù sao, tôi cũng đã phạm một sai lầm đáng tiếc khi để Jaap ra đi. Mãi tới năm 36 tuổi, Jaap mới giải nghệ. Cậu ấy thậm chí còn đối đầu với Manchester United trong trận bán kết Champions League năm đó.

Trong kế hoạch xây dựng đội bóng của tôi, vị trí trung vệ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Rio Ferdinand là một hợp đồng bom tấn vào hè 2002 – năm mà lẽ ra chúng tôi phải được góp mặt trong trận Chung kết Champions League ngay tại quê nhà Glasgow. Đối với tôi, được chơi trên mảnh đất quê hương, với đối thủ là Real Madrid thật sự là một điều đặc biệt. Chính tại nơi đây, tôi đã chứng kiện trận Chung kết cup châu Âu đầu tiên trong cuộc đời, khi Real đánh bại Eintracht Frankfurt với tỉ số 7–3. Ngày đó, tôi còn là một cậu học sinh nhưng đã được chơi cho Queen’s Park. Vì vậy tôi được quyền lẻn vào xem trận đấu này. Tôi rời sân khi trận đấu còn 3 phút nữa là kết thúc để bắt xe bus vì tôi sẽ phải bắt đầu làm việc vào sáng mai. Đương nhiên, tôi đã bỏ lỡ phần trao giải và lễ đăng quang - những khoảnh khắc vô cùng đặc biệt. Real đã ăn mừng cực kỳ náo nhiệt, họ hát hò và nhảy múa khắp công viên. Sáng hôm sau, khi đọc báo, tôi đã nhìn chòng chọc vào bức ảnh và văng tục: “Bố tổ sư, lỡ mất phần hay ho rồi!”

Hampden Park có sức chứa khoảng 128.000 người. Để tránh những cuộc hành hương đông đảo bởi các trận đấu lớn, chúng tôi phải di chuyển cả ngàn dặm: chạy nước rút từ Hampden về ga cuối, và bắt xe bus ở đây. Cả đoàn người xếp hàng dài vài dặm. Tôi nhắc lại, vài dặm. Những tài xế xe tải sẽ chấp nhận cho bạn đi nhờ; bạn phải trả họ 6 xu, sau đó ngồi thành một đống trên thùng xe. Có những con đường khác. Nhưng có một điều không bao giờ quên được khi có mặt ở Hampden trong trận Chung kết Champions League 2002, trận đấu mà Real Madrid đã giành chiến thắng chung cuộc và biến nơi này thành một nơi vô cùng thiêng liêng.

Một sự kiện đáng nhớ là năm này, Carlos Queiroz trở thành trợ lý của tôi. Arsenal vô địch mùa giải qua, Roy Keane thì gặp vấn đề ở World Cup, rõ ràng là có cả đống thứ ngập tràn trong đầu tôi, thúc giục tôi phải tiếp tục lên đường. Khi Roy bị tống khỏi sân vì pha lộn xộn với Jason McAteer của Sunderland, tôi lập tức để cậu ta tiến hành phẫu thuật hông – và như thế có nghĩa là Roy sẽ vắng mặt trong 4 tháng tới. Gần như tức thì sau đó, chúng tôi đánh mất phong độ khi để thua liên tiếp hai trận trước Bolton và Leeds. Kết thúc 6 vòng đấu đầu tiên, chúng tôi chỉ giành được 2 chiến thắng và đứng thứ 9 trên BXH. Thú thật, lúc đó tôi đã chơi một canh bạc với vận mệnh khi để rất nhiều cầu thủ tiến hành phẫu thuật với hy vọng khi trở lại, họ sẽ kiện toàn câu lạc bộ trong giai đoạn hai của mùa giải.

Tuy nhiên, tháng Chín năm 2002, các mũi dùi đồng loạt hướng về phía tôi. Tất nhiên, một trong những đặc điểm của nghề HLV là khi bạn làm không tốt, dư luận sẽ công kích bạn liên tục. Mà hơn nữa, bản thân tôi chưa bao giờ hòa hợp và chắc chắn là chẳng trông mong gì được sự giúp đỡ của giới truyền thông – bạn biết đấy, tôi luôn từ chối tặng cho họ cơ hội thêu dệt những câu chuyện nghề nghiệp hay thậm chí, chú ý đến card visit của họ. Có một ngoại lệ nhỏ thôi, là Bob Cass. Nhưng mà thôi, dù sao thì cũng dễ hiểu khi chả có lí do gì để giới truyền thông cảm thấy yêu mến tôi, giúp đỡ tôi vượt qua những thời khắc khó khăn. Vài HLV có kỹ năng ứng xử rất tốt với công chúng – ok thôi; có thể họ sẽ nhận được nhiều sự kiên nhẫn hơn. Nhưng không phải mãi mãi, vì kết quả thì luôn phơi bày sự thực về cái máy chém đang lơ lửng trên đầu bạn (ý nói phản ứng tích cực hay tiêu cực từ công chúng - người dịch).

Ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện, truyền thông đã tạo ra sức ép. Mỗi khi tôi làm điều gì đó sai lầm, tôi lại nhìn thấy đâu đó vọt qua những dòng chữ: “Hết thời gian rồi đó Fergie, mau cút đi.” Cũ kỹ và nhàm chán. Cười và ngồi xổm lên chúng, tất nhiền rồi; sự kích động là bản năng của mọi loài, nhưng bạn không được để bản thân nổi giận vì cái đống của nợ này. Qua bao nhiêu tháng ngày, cũng có nhiều những bài viết ca ngợi tôi bởi những thành công đạt được, bởi vì đơn giản là họ không thể không viết chúng. Nhưng hãy nhớ lấy lời tôi, trước khi được thừa nhận là thiên tài, bạn rất có thể đã bị coi là một thằng ngu.

Sir Matt Busby từng nói: “Tại sao lại đọc báo khi mà kết quả mình đạt được không được tốt nhỉ? Tôi chẳng bao giờ làm điều đó cả.” Nhưng ông ấy không sống trong một thời kỳ mà sức ép luôn thường trực từng ngõ ngách như bây giờ. Matt có thể phớt lờ và chả cần ném lấy một cái nhìn tới chúng –dù là lời tán tụng hay sự chê trách cũng vậy.

Dù là khi thành công hay khó khăn, luyện tập chăm chỉ vẫn là một trong những tiêu chí bất biến ở Old Trafford. Làm việc, tập trung và duy trì đẳng cấp là những thứ chúng tôi không bao giờ lơ là. Tất nhiên, lao động hăng say vận may sẽ tới. Bạn nên biết, một cầu thủ United sẽ có suy nghĩ tiêu cực nếu liên tục thi đấu bết bát. Hoàn toàn thông cảm được. Thậm chí, những cầu thủ giỏi nhất cũng đôi khi đánh mất sự tự tin - tin nổi không, ngay cả Cantona cũng từng đôi lúc nghi hoặc vào năng lực bản thân. Nhưng chả sao cả, miễn là những lề lối cơ bản trên sân tập vẫn được bảo toàn, các cầu thủ có thể tìm được sự giúp đỡ ở mọi nơi trong đội bóng này.

David Beckham là học trò duy nhất của tôi chưa bao giờ quan tâm hay thừa nhận những lỗi lầm cá nhân. Có thể cậu ấy đã chơi tồi, phải nói là tồi khủng khiếp, nhưng vẫn khăng khăng là mình đã chơi tốt. Cậu ấy đá văng sự thật, quẳng những lời nói của bạn và sọt rác, và hét lên: “Ông sai rồi!”. Phải thừa nhận rằng Beckham có một sự tự tin, hay đúng hơn là tự vệ, không thể tin nổi. Có thể là do tác động bởi những người xung quanh – tôi chịu. Nhưng trong suy nghĩ cá nhân của mình, cậu ấy chưa từng có một trận đấu nào thi đấu dưới sức và chắc chắn là chẳng mắc sai lầm bao giờ.

Thật ra, đó là một điều đáng ngưỡng mộ - có thể tạo nên hiệu quả tuyệt vời trong một số tình huống. Không quan trọng cậu ấy đã mắc phải bao nhiêu sai lầm (dưới cặp mắt đánh giá của tôi, hiển nhiên rồi), cậu ấy vẫn hăm hở chiến đấu. Beckham chưa bao giờ đánh mất sự tự tin của mình. Nói cách khác, điều này là rất cần thiết với các cầu thủ và huấn luyện viên. Sự quan tâm thái quá, bất kể là từ công chúng, sức ép hay các cổ động viên, đâm xuyên qua những lớp giáp giày bảo bọc bản thân.

Đỉnh điểm của sự tồi tệ là trận derby vào tháng Mười một, khi chúng tôi bị Man City đánh bại 3-1. Trận đấu đó Gary Neville đã mắc phải một sai lầm kinh khủng. Sau trận đấu, tôi đặt dấu hỏi về tinh thần thi đấu của các cầu thủ – điều mà tôi thảng hoặc lắm lắm mới làm. Không khí trong phòng thay đổi luôn luôn tồi tệ khi bạn để thua trong một trận derby. Trước trận đấu, Keith Pinner, một tên bạn thân của tôi, đồng thời là một CĐV nhiệt thành của Man City, đã hỏi tôi: “Này ông bạn, sau trận đấu làm vài xị chứ?”

Cảm thấy thú vị vì sự trơ tráo này, tôi trả lời luôn: “Nếu bên đây thắng.”

Thế rồi Man Utd thua 3-1. Tôi đang ở trên xe bus thì điện thoại rung. Pinner, chính hắn chứ còn đứa nào nữa.

“Này, ông đâu rồi? Ông không đến à?” Hắn giễu cợt.

“Cút!” Tôi nói, hoặc gầm lên. “Đừng bao giờ để tao thấy mặt mày nữa!”

“Hô hô, đồ thua cuộc!” Pinner cười như bố đẻ em bé. Thế rồi sau đó tôi cũng đi uống.

Cuối mùa giải, Gary Neville bình luận: “Đây là bước ngoặt đấy thầy. Tôi nghĩ là các cổ động viên bắt đầu phản đối rồi.”

Thỉnh thoảng các huấn luyện viên phải thành thât với cổ động viên. Họ không phải là lũ ngu dốt. Trước công chứng, miễn là bạn không chỉ tay điểm mặt cá nhân nào đó, bạn có thể phê bình cả đội bóng cũng chẳng sao. Huấn luyện viên, cầu thủ và các nhân viên, chúng tôi cùng phải chịu đựng những lời chỉ trích cùng nhau. Chỉ cần thể hiện đúng cách, sự phê phán sẽ là tránh nhiệm chung.

Dưới áp lực của những kết quả tồi, chúng tôi buộc phải thay đổi phong cách thi đấu. Thay vì tập trung vào kiểm soát bóng, chúng tôi đưa bóng lên phía trên nhiều hơn, nhanh hơn, Với sự hiện diện của Roy Keane, giữ bóng chả bao giờ là vấn đề cả. Ngay từ những phút đầu cậu ta tới câu lạc bộ, tôi đã nhận xét: “Cái thằng này không bao giờ chịu mất bóng đâu.” Giữ bóng luôn là một tôn chỉ ở Man Utd. Nhưng nếu chỉ giữ bóng mà không tìm được khung thành đối phương thì đúng là vứt. Và đó là vấn đề của chúng tôi khi không sao giải quyết được khâu cuối cùng. Với một mẫu tiền đạo như Van Nistelrooy, chúng tôi cần phải hỗ trợ cậu ấy càng nhanh càng tốt. Bóng dài, nếu nói đơn giản là thế. Từ hậu vệ tới hai cánh. Đó chính là sự thay đổi của chúng tôi.

Chúng tôi đã thử để Diego Forlán ở ngoài và xếp Verón, Scholes và Keane ở hàng tiền vệ. Verón được chơi tự do, Scholes thì được phép xâm nhập vào vòng cấm địa. Beckham và Giggs, như thường lệ, chơi rộng ở hai bên cánh. Sao, các bạn thấy thế nào, chúng tôi có một đội hình hoàn hảo phải không? Những “khẩu pháo” của chúng tôi luôn luôn có sức tàn phá kinh khủng. Van Nistelrooy thường xuyên “giết” các thủ môn. Beckham đóng góp không dưới chục bàn một mùa. Scholes cũng vậy, thậm chí còn hơn.

Phil Neville cũng là một lựa chọn rất ổn cho vị trí tiền vệ trung tâm. Phil quá ngầu, thật vậy. Cậu ấy và Nicky Butt là thân tín của tôi. Tất cả những gì họ muốn chỉ là được chơi trong màu áo Manchester United. Họ chẳng bao giờ muốn rời khỏi CLB. Lí do duy nhất bạn để những chàng trai tuyệt vời thế này ra đi là vì bạn biết bạn đang làm hại sự nghiệp của họ thay vì giúp đỡ họ khi phải để họ mài đũng quần trên ghế dự bị.

Phil và Nicky có một lòng trung thành sắt son, nhưng họ cũng bị giằng xé dữ dội khi cơ hội ra sân không nhiều. Thật khó khăn với bất cứ ai. Phil đóng một vai trò quan trọng khi chúng tôi cần sự ổn định. Cậu ấy được trui rèn trong kỷ luật sắt thép và thấm nhuần điều đó. Cậu ấy là mẫu cầu thủ mà khi bạn yêu cầu: “Phil, lên đỉnh núi, sau đó xuống đây và đốn cái cây này xuống cho tôi.” Cậu ấy sẽ trả lời: “Vâng thưa sếp. Cái cưa ở đâu ạ?”

Tôi rất thích những cầu thủ như thế. Phil có thể làm mọi thứ cho đội bóng, và cậu ấy chỉ nghĩ về đội bóng mà tôi. Thậm chí, kể cả cậu ấy chỉ đóng một vai trò rất rất nhỏ thôi trong thành công của câu lạc bộ, cậu ấy cũng sẽ vui như mình là nhân vật chính vậy. Cuối mùa giải, Gary đã gặp trực tiếp tôi và chất vấn tôi về sự hạn chế trong những đóng góp gần đây của Phil.

“Tôi không biết phải làm thế nào cho tốt, cậu ấy là một chàng trai tuyệt vời,” Tôi phân trần với Gary. “Đó là vấn đề đấy sếp,” Gary trả lời. “Cậu ấy không muốn tới đây gặp sếp,” Bạn có thể thấy Phil không bao giờ có được sự trực tiếp kiên quyết như người anh. Vì vậy tôi mời Phil tới nhà nói chuyện. Phil đưa cả Julie đi theo (Juliel là hôn thê của Phil Neville). Lúc đầu, tôi không nhìn thấy cô ấy. Rôi sau đó, tôi nói với Cathy: “Cathy, đưa cô bé ấy vào đây đi.” Nhưng khi Cathy bước tới, Julie đột nhiên bật khóc. “Chúng tôi không muốn rời Man United,” cô ấy nấc lên. “Chúng tôi muốn ở lại nơi này.”

Cathy lấy cho Julie một tách trà, nhưng cô ấy kiên quyết không vào nhà. Tôi nghĩ Julie tin rằng nếu cô ấy có mặt ở đó, Phil sẽ cảm thấy xấu hổ và nhục nhã.

Nhưng không, tôi phải nói rõ với Phil, việc tôi đang làm với cậu ấy đây sẽ mang lại cho cậu ấy nhiều lợi ích hơn là để cậu ấy ở lại CLB. Phil tán đồng. Cậu ấy thừa nhận mình phải ra đi. Vì vậy, tôi để Phil tự mình giải thích với Julie về tình cảnh hiện tại.

Khi bóng dáng họ khuất xa, Cathy mới lặng lẽ hỏi: “Ông sẽ giữ cậu ấy lại chứ? Không thể để mất những người như thế được.”

“Cathy,” tôi buồn bã giải thích. “Điều này hoàn toàn là vì lợi ích của cậu ấy. Bà không hiểu sao? Quyết định này làm tôi đau đớn gấp trăm lần bản thân Phil.”

Tôi để Phil ra đi với giá 3,6 triệu bảng. Quá rẻ. Cậu ấy đáng giá ít nhất là gấp đôi, vì Phil có thể chơi ở năm vị trí khác nhau, gồm hậu vệ cánh và bất cứ chỗ nào trên hàng tiền vệ. Năm vị trí đó! Thậm chí cậu ấy còn thi đấu được cả ở vai trò trung vệ khi Phil Jagielka và Joseph Yobo chấn thương.

Phải để Nicky Butt ra đi cũng là một nỗi buồn tương tự, mặc dù Nicky còn không đòi hỏi được duy trì thời lượng ra sân. Nicky là một gã thú vị nhưng hơi xấc láo. Chàng trai của Gorton. Vô cùng hay ho. Nick sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào, vô cùng thẳng thắn. Cậu ấy sẵn sàng tới và nói: “Tại sao tôi không được ra sân vậy?”

Nicky là như thế. Tôi rất khoái cậu ta. Tôi cũng vui lòng trả lời: “Nicky, cậu sẽ ngồi ngoài, vì Scholes và Keane giỏi hơn cậu.” Thỉnh thoảng, tôi có khuynh hướng sử dụng Nicky thay vì Scholes. Chẳng hạn như trong trận bán kết Champions League với Juventus, tôi đã trao cơ hội cho Nick. Thật ra, lí do là vì Scholes cùng Keane là cặp đôi hoàn hảo nhất của tôi, vì vậy tôi không thể mạo hiểm khiến cả hai cùng vắng mặt trong trận Chung kết được. Nhưng chả hiểu sao cuối cùng thì tính toán của tôi vỡ tan hết. Nick bị chấn thương, và Scholes vào sân. Thẻ vàng. Không biết nói gì hơn. Về sau, tôi bán Nicky cho Newcastle với giá 2 triệu bảng. Cũng được đấy chứ.

Mọi chuyện trở nên tích cực hơn vào cuối tháng Mười một năm 2002 sau khi chúng tôi đánh bại Newcastle với tỉ số 5-3. Diego Forlán, người đã mất tới 27 trận để có được bàn thắng đầu tiên – từ chấm phạt đền trong trận gặp Maccabi Haifa - là hạt nhân chính trong chiến thắng 2-1 trước Liverpool. Cậu ấy đã có bàn thắng từ sai lầm của Jamie Carragher. Sạu đó, chúng tôi tiếp tục đánh bại Arsenal 2-0 và Chelsea 2-1 – một lần nữa, lại nhờ công của with Forlán. Mùa đông năm ấy, chúng tôi luyện tập cật lực để gia cố hàng thủ mỏng manh của mình.

Tháng Hai năm 2003, chúng tôi để thua Arsenal 0-2 ở vòng 5 cúp FA. Trong trận đấu đó, Giggs đã có một pha bỏ lỡ để đời khi đối mặt với gôn trống nhưng lại đưa bóng vọt xà. Sau trận đấu, tôi nói với Giggs: “Cậu từng ghi bàn thắng ngoạn mục nhất trong lịch sử FA Cup, và giờ cậu tiếp tục điền tên mình vào danh sách những pha bỏ lỡ ngu ngốc nhất giải đấu này.” Tình huống đó, Giggs hoàn toàn đủ thời gian để xử lý, thậm chí cậu ấy có thể đi bộ mà đẩy bóng vào lưới.

Trận đấu đó khiến tôi bùng phát một cơn cuồng nộ khủng khiếp, và trực tiếp ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa tôi và “thế hệ vàng 92”. Những vết thương không thể hàn gắn. Tôi thậm chí đã đá văng một chiếc giày vào mặt David Beckham và gây ra một vết sẹo ở chân mày cậu ấy.

Sau khi để thua Liverpool trong trận Chung kết Carling Cup, chúng tôi lại phải đối mặt với một đối thủ sừng sỏ nữa. Vào thời điểm tôi giải nghệ, Leeds United chỉ còn là âm hưởng của quá khứ, nhưng vào năm 2003, họ là một trong những kẻ thách thức đáng sợ - mặc dù sau đó chúng tôi đã giành chiến thắng với tỉ số 2-1. Tôi có lẽ nên đề cập một chút tới Leeds, đối thủ luôn gợi tới những cơn đau đầu mãnh liệt.

Khi tôi mới nắm quyền ở Manchester United, tôi chỉ biết về trận derby với Man City, cùng với đó là hai đối thủ khác tới từ Merseyside, Everton and Liverpool. Còn về mối thâm thù giữa United và Leeds à? Tôi chả biết quái gì. Ở giải hạng Nhất cũ, tôi và Archie Knox có tới cổ vũ Crystal Palace đánh bại Leeds.

Hết hiệp Một, tỉ số là 0-0. Hiệp Hai thì Leeds gần như áp đảo toàn bộ. 20 phút đầu tiên, Leeds bị từ chối một quả penalty và đám đông như phát rồ lên vì điều đó. Một gã CĐV Leeds gào vào mặt tôi: “Cái thằng *** Manc này!”

“Cái quái gì đấy Archie?” Tôi hỏi.

“Chịu thôi,” Archie trả lời.

Tôi đưa mắt tìm kiếm người quản lý. Phòng giám đốc bé xíu và các cổ động viên thì vây quanh bạn khắp mọi nơi. Crystal Palace vùng lên và ghi được bàn thắng. Đó là lúc đám đông thật sự mất kiểm soát. Archie thúc giục tôi ra về nhưng tôi khăng khăng đòi ở lại. Palace lại ghi bàn, và tôi thấy lưng mình đột nhiên đau rát - thằng hooligan đề cập ở bên trên đã táng thẳng một cốc café vào lưng tôi. Thế này thì quá sức là bất ngờ và khốn nạn rồi! “Chuồn, chuồn thôi,” tôi gào lên với Archie.

Ngày hôm sau, tôi nói chuyện với Norman Davies, “giám đốc trang phục” của chúng tôi. Ông ấy cười: “Tôi đã cảnh báo ông về Leeds rồi mà. Có một sự căm ghét khủng khiếp ở đây.”

“Từ bao giờ vậy?” Tôi hỏi.

“Thập kỷ 60,” Norman đáp.

Leeds từng có một người gác cửa tên là Jack, người nhào lên chiếc xe bus của chúng tôi và gào lên như một anh mõ: “Nhân danh giám đốc, cầu thủ và các cổ động viên Leeds United, chào mừng tới Elland Road!”. Tôi lầm bầm: “Ờ, sẽ ổn thôi.”

Nhiều cổ động viên thể hiện sự thù hằn một cách điên rồ. Trong trận bán kết League Cup năm 1991, Leeds đã khiến chúng tôi chật vật vô cùng. Phút 88, tỉ số vẫn là 0-0. Nhưng Lee Sharpe khiến cả cầu trường bùng nổ bằng một bàn thắng việt vị tới 10m. Lúc đó tôi đứng trên đường pitch, Eric Harrison cũng ở gần đó. Rất nhiều người cho rằng Eric nhìn giống tôi kinh khủng. Một cổ động viên Leeds đã lao xuống choảng vỡ mặt Eric, sau đó buông lời thóa mạ xối xả. Hắn tưởng hắn đang "xử lý" tôi. Các cổ động viên khác gào thét. Hỗn loạn như địa ngục. Tôi không có bất cứ một sự thích thú nào với bầu không khí thù địch ở Elland Road cả.

Dưới triều đại của Peter Ridsdale, khi Leeds đang bay giữa những cơn mơ với sự đầu tư của vị chủ tịch, tôi cảm nhận rằng câu lạc bộ này đang xây nhà từ nóc. Khi tôi được biết mức lương mà họ đãi ngộ các cầu thủ, tôi gần như nhảy dựng lên. Và dám chắc khi tôi bán Lee Sharpe cho Leeds, họ đã trả cho cậu ấy gấp đôi những gì cậu ấy từng nhận được ở Manchester United.

Nhưng kể ra thì họ cũng đã xây dựng được một tập thể vững mạnh. Alan Smith, Harry Kewell, David Batty. Trở lại năm 1992, Leeds đã vô địch với một trong những đội hình đồng đều nhất lịch sử. Và họ còn được dẫn dắt bởi Howard Wilkinson! Một thập kỷ sau, chúng tôi có nghe về Seth Johnson, một chàng trai tới từ Derby muốn gia nhập Leeds. Khi thảo luận về mức lương, con số ban đầu là 25.000 bảng; Leeds đề nghị 35.000 bảng, và lên dần tới 40-45.000 bảng.

Các câu lạc bộ không bao giờ rút ra được bài học này. Những cảm xúc trong trận đấu luôn phinh phờ tất cả bọn họ.

Tôi nhớ một doanh nhân ở Manchester từng hỏi ý kiến tôi: “Tôi đang định mua lại Birmingham City, ngài thấy sao?”

Tôi đáp: “Nếu anh có khoảng 100 triệu bảng để liều mạng thì cứ triển đi.”

Ông ta lập tức xua tay: “Không không, chỉ khoảng 11 triệu bảng thôi,”

“Thế anh nhìn thấy cái sân vận động của họ chưa?” Tôi vặn lại. “Anh cần xây một sân vận động mới – không dưới 60 triệu đâu; và 40 triệu nữa để đưa họ trở lại Premier League.”

Có những người tiếp cận bóng đá dưới góc nhìn của một doanh nhân. Nhưng một câu lạc bộ không phải là máy tiện, máy xay hay thứ đồ vật gì đó. Nó là tập hợp của các cá thể sống. Đó chính là sự khác biệt cơ bản.

Chúng tôi có vài trận đấu ngoạn mục nữa trước khi mùa giải kết thúc. Có thể kể đến chiến thắng 4-0 trên sân nhà trước Liverpool - Sami Hyypiä nhận thẻ đỏ ngay từ phút 5 sau pha truy cản với Van Nistelrooy. Chúng tôi gặp Real Madrid ở Champions League sau đó. Lượt đi, Van Nistelrooy ghi bàn duy nhất cho chúng tôi, trong khi bên phía Real, Luis Figo và Raul chơi tuyệt hay và đêm về tới ba bàn thắng. Trận lượt về, biết rằng mình phải vượt qua tỉ số 3-1, tôi đã để Beckham ngồi dự bị. Đây quả là một trận đấu phi thường. Chúng tôi giành chiến thắng 4-3 – nếu bạn không nhớ, thì kẻ nã tới 3 bàn vào lưới Man Utd chính là “người ngoài hành tinh” Ronaldo. Có một sự thật thú vị mà tôi muốn tiết lộ với các bạn: chính vì bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ chiến thắng đầy kiêu hãnh này của chúng tôi, Roman Abramovich đã quyết định mua Chelsea và tạo nên một dấu mốc trong lịch sử túc cầu giáo.

Đã từng có lúc chúng tôi cách biệt đội Arsenal, đội xếp thứ hai, tới 9 điểm. Chúng tôi thậm chí còn duy trì cách biệt 8 điểm trong nhiều vòng đấu – tới tận trận thắng 4-1 trước Charlton, trận đấu mà Van Nistelrooy đã lập một hat-trick, nâng tổng số bàn thắng của cậu ấy lên con số 43. Trong vòng đấu áp chót, Arsenal cần đánh bại Leeds để nuôi hy vọng mong manh bám đuổi chúng tôi. Nhưng Mark Viduka đã dập tắt ảo tưởng của họ bằng một bàn thắng muộn màng. Đồng thời, chúng tôi giành chiến thắng trước Everton. Trong trận đấu cuối cùng của mình trong màu áo Quỷ Đỏ, David Beckham đã có một cú sút phạt hoàn hảo. Chúng tôi đăng quang, lần thứ 8 trong 11 mùa gần nhất. Các cầu thủ nhảy múa và gào lên: “Chúng ta đã lấy lại ngôi vô địch rồi!”

Sau cùng, chúng tôi tiếp tục thống trị Premier League năm đó, nhưng lại phải nói lời tạm biệt với Beckham.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: