Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tu truyen "Bong"

"Bóng" - Tự truyện của một người đồng tính

TP - Qua tự truyện của một người đồng tính dưới đây, người đọc có thể thấu hiểu những góc khuất trong cuộc sống và nội tâm của giới đồng tính - hòa trong nhịp sống của Hà thành với những chi tiết sinh hoạt phong phú.

Triết gia Đức Feuerbach nói: "Chân lý không phải là chủ nghĩa duy vật hay duy tâm. Chân lý là nhân bản học".

Những đánh giá dù tích cực hay không, dù ủng hộ hay phản đi đồng tính không quan trọng bằng việc nhìn nhận hiện tượng ấy dưới góc nhìn nhân ái.

Đó là tham vọng của những người chấp bút - nhóm tác giả DOMINO. Tiền phong xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Kỳ 1: Trong ngôi nhà nhỏ ngõ Hàng Bè

- Con ơi, Dũng ơi. Ngồi với mẹ đi con.

Khi sắp mất, mẹ nằm lặng lẽ trên giường. Thỉnh thoảng bà mở mắt nhìn tôi đi ra đi vào, rồi lại phều phào gọi con như thế. Tôi cứ quanh quẩn bên mẹ, tuyệt vọng, không biết làm gì hơn ngoài chờ đợi. Đột nhiên bà thở dài: "Không kịp rồi Dũng ạ".

- Mẹ - Tôi nghẹn giọng - Không kịp gì hả mẹ?

- Không kịp. Mẹ đi mà mày chưa có vợ.

- Thôi, vợ con gì, mẹ. Con chả thiết vợ. Có mẹ là được rồi, con chả cần vợ.

Mẹ tôi im một lúc. Rồi bà bảo: "Ừ, thôi bật đĩa cải lương lên, hai mẹ con cùng nghe".

Đến bây giờ, tôi vẫn không nhớ nổi tên vở cải lương cuối cùng mà hai mẹ con nghe với nhau. Tôi ngồi bên mẹ, nghẹn ngào bóp tay cho bà cụ. Bàn tay mẹ khô gầy, mỏng dính như đã mất nốt chút sinh khí cuối cùng. Những câu hát bên tai văng vẳng, lúc được lúc không.

Mẹ tôi ra đi nhẹ nhàng như người ta chìm vào giấc ngủ. Nhà có mười anh chị em nhưng lúc mẹ nhắm mắt, ngoài tôi ra, không ai về kịp để có mặt bên cụ.

Những ngày cuối cùng, bà thường gọi: "Dũng ơi, con đừng đi đâu cả. Con cứ ở đây, ở gần với mẹ. Mẹ đi lúc nào không biết đấy". Tôi ứa nước mắt, quay đi giấu giọt lệ ầng ậc dưới mi: "Mẹ, mẹ đừng nói gở!". Nhưng mẹ tôi đã linh cảm thấy cái chết của mình rồi: "Mẹ sắp đi đấy con ạ. Mẹ ngửi thấy mẹ có mùi của người sắp chết".

Tôi nắm chặt tay, nhìn đăm đăm vào gương mặt mẹ. Ánh mắt bà như muốn nói điều gì. Không bao giờ tôi quên được ánh mắt ấy: đầy tình cảm, thương con tột cùng nhưng không nói ra được.

Mẹ thương tôi. Đó là lần duy nhất trong đời mẹ giục tôi lấy vợ. Bởi vì mẹ biết: Tôi là người đồng tính.

Chuyện về giới tính của thằng Dũng con bà Tốt, người ta vẫn đồn ầm ngoài chợ, nơi bà cụ bán hàng. Hết thằng này lại thằng kia đến ở cùng phòng với nó. Tiền hai mẹ con kiếm ra bao nhiêu, nó dốc hết vào bao giai, rửa chân, gội đầu nhổ tóc sâu cho giai, còn mẹ nó nằm còng queo góc nhà. Bà ốm nặng, nó đi với giai tít mít, lúc về thấy mẹ ngồi bốc cơm nguội nhai trệu trạo. Lần khác hàng xóm thấy bà cụ ngã nằm ngay cửa nhà, chắc là gượng dậy đi vệ sinh bị trúng gió.

Người ta đồn thế đấy! Nhưng mẹ cố nén chịu nỗi đau khổ ngấm ngầm để không bao giờ trách cứ tôi, cũng chẳng dằn vặt tôi về chuyện gia đình, vợ con.

Hơn bốn chục tuổi đầu, sống độc thân, tôi đã mất nhiều năm để quen với sự cô đơn mà số phận dành cho mình. Nhưng những ngày đầu, tôi vẫn khóc thầm khi nghĩ đến con đường dài trước mặt.

Rồi bước đến trước bàn thờ mẹ, thắp nén hương, định tâm sự với bà cụ vài câu cho nhẹ lòng, như một lời khoe của trẻ con: "Con đã ngộ ra rồi mẹ ạ, từ nay con sẽ sống thanh thản".

Nhưng nhìn ảnh mẹ mờ mờ sau làn khói hương, nước mắt tôi lại tràn ra, giàn giụa. Tôi gục mặt xuống mép bàn thờ, nức nở: "Mẹ ơi! Con biết mẹ thương con lắm, nhưng bây giờ mẹ ở bên kia rồi. Mẹ có biết con khổ lắm không? Con không trách mẹ đâu, con không đổ lỗi cho mẹ đâu, nhưng con cô độc lắm, côi cút lắm mẹ ơi!...".

Là một người đồng tính, lẽ ra tôi phải tự xác định là mình sẽ cô đơn mãi mãi. Lẽ ra tôi phải biết...

Đó là một đêm hè, trời lấm tấm sao. Bạn tôi độn ngực, nhễ nhại mồ hôi. Bình thường bạn chỉ thích thở than với tôi chuyện "thằng chồng" của mình: Đêm qua nó không chịu bế tôi lên giường, nó chê tôi béo.

Sáng nay nó bảo muốn lên đời cái ống nhổ (tiếng lóng chỉ điện thoại di động) dì ạ... Nhưng hôm nay thì khác, bạn chủ động hỏi tôi, vẫn bằng giọng the thé quen thuộc: "Cô vẩu sao buồn thế? Dũng sao thế hả Dũng?".

Tôi không trả lời. Biết bắt đầu từ đâu với những câu chuyện luôn luôn giống nhau: bế tắc và không lối thoát.

Chúng tôi đi bên nhau, như tôi và Nhân đã từng đi. Tôi và bạn chỉ có nhau để rủ rỉ về chuyện "chồng". Không phải "chồng con" vì những đứa trẻ không thể mọc ra từ chúng tôi.

Tỉ tê khuyên nhau cách giữ "chồng". Cười rúc rích những chuyện bậy bạ. Và sụt sịt khóc cho những mối tình trai tuyệt vọng của mình. Giống như vô số câu chuyện thì thầm giữa cánh đàn bà với nhau. Chỉ có cái khác: Chúng tôi không phải đàn bà. Cũng như Nhân không phải đàn bà.

Đêm nay, tôi và bạn đi dưới hàng cây tối ven Hồ Gươm. Vỉa hè này chính là nơi tôi và Nhân từng đè nhau ra mà đánh lộn và gầm gào ầm ĩ trước con mắt chê cười của thiên hạ.

Phố Hàng Khay đây cũng là nơi mà, vào một ngày đầu hạ trong sáng, tôi gặp Nhân lần đầu tiên. Hoa bằng lăng tím ngát. Tôi đã yêu Nhân ngay từ lần đầu tiên ấy. Hôm đó, tôi cứ muốn nhìn Nhân mãi. Cuống quít không biết làm sao để được trò chuyện với Nhân lâu hơn, và đi xa hơn nữa, giữ Nhân luôn ở bên mình. Mãi mãi.

Cũng đã bao nhiêu buổi tối mùa đông, tôi khoác tay Nhân ra Hồ Gươm. Chúng tôi sà vào quán cóc nhỏ, uống chén trà nóng, ăn lát mực khô chấm tương ớt cay, xuýt xoa vì gió lạnh.

Bao nhiêu tối mùa hè, chúng tôi ngồi dưới bóng cây, nghe tiếng ve kêu ran ran trong vòm lá và nhìn đèn màu bập bùng đỏ trên mặt nước phía cầu Thê Húc.

Tất cả giờ đã thuộc về quá khứ. Quá khứ mới gần đây nhưng sẽ thành xa vời.

"Này nhá, tôi bảo dì nhá. Cái mồm vẩu cứ im thin thít thế, tôi ghét lắm. Chuyện dì với thằng Nhân thế nào?". Tôi ngẩng nhìn và ngạc nhiên nhận thấy, trong một khoảnh khắc, nét mặt bạn đầy đau khổ.

Bạn như già đi hàng chục tuổi, chẳng còn chút gì hình ảnh người đàn ông kẻ mắt xanh đánh má hồng, ngồi bặm môi hì hục viết ra giấy những lời tôi dặn dò để mang về nhà đối phó với "chồng", vừa viết vừa rền rĩ: "Ôi, ôi, sao mà nó làm khổ tôi thế này, cái thằng này...".

Lúc ấy, dù biết là bạn đang khổ sở thật, tôi vẫn phì cười thấy bạn ngộ nghĩnh vô cùng. Hình như chỉ đến bây giờ, tôi mới chợt nhận ra nỗi buồn triền miên bên trong con người bạn. Và tôi xót xa nghĩ tới một ngày cả bạn và tôi sẽ thật sự già. Tôi hình dung ra những ngày tháng hai ông già cô đơn, lủi thủi đếm từng ngày trời bắt sống. Không sức khỏe. Không gia đình. Không con cái. Không còn nhu cầu gì cả.

Nhân ư? Đêm đó, chúng tôi đi chơi khuya, tới tận một giờ sáng. Tôi đã rất vui sướng. Bao giờ tôi cũng vui sướng như thế khi được ở bên người mình yêu và run run cảm nhận rằng hình như người đó cũng có cảm tình với mình.

Trở về nhà, tôi lên giường nằm ôm lưng, vuốt tóc Nhân. Nhân im lặng, rồi đột nhiên Nhân nói đến chuyện bố mẹ giục về quê lấy vợ, cũng đã đến lúc phải có thằng cu cho các cụ bế rồi. Vụt một cái, tôi nhận ra mọi tình cảm âu yếm của Nhân dành cho tôi chỉ là ảo ảnh. Giữa chúng tôi, sẽ không có ngày mai!

Sau cuộc cãi vã, tôi chạy vào phòng tắm, gục mặt vào tường và nức nở thành tiếng. Vẫn giữ thói quen soi gương, ngay cả khi đang khóc, tôi quay vào gương để thấy đôi mắt đỏ ngầu nhìn lại mình, đầy nước. Lỗi là tại tôi, không hiểu sao tôi cứ mơ mộng như thế? Sao phải đến lúc ấy tôi mới chịu nhận ra rằng giữa chúng tôi sẽ không bao giờ có ngày mai?

Tôi ngồi bệt xuống vỉa hè, trông ra Bờ Hồ lấp lánh đèn màu. Bạn tôi ngồi xổm bên cạnh, vẫn ngại bẩn quần: "Làm sao? Dì với nó lại múc nhau à?". "Nó lại đòi về quê lấy vợ" - tôi đáp. "Nó bỏ tôi nó đi rồi". "Đi với gái?". "Không biết".

Đêm khuya. Chúng tôi lang thang trên những con phố đông người của khu trung tâm Hà Nội. Các cửa hiệu đã tắt đèn. Dãy Hàng Ngang - Hàng Đào tối như một thị trấn đêm chiến tranh, chỉ còn được soi sáng bằng những luồng đèn xe máy loang loáng.

Tôi lại nhớ đến Nhân. Chúng tôi đã từng đi bên nhau như thế. Bao lần rồi Nhân nhỉ? Nhân từng chỉ vào những nhà ống lụp xụp kia mà nói rằng: "Ở đây thích thế, Dũng nhỉ? Toàn nhà cổ".

"Nó đi rồi nó lại về thôi" - bạn tôi nói. "Mấy lần trước cũng thế mà".

"Nhưng có về với tôi thì rồi nó cũng lại bỏ đi thôi".

"Thôi thì có duyên sẽ gặp. Cái phận bọn mình là thế rồi Dũng ạ".

Bạn tôi chỉ nói vậy thôi. Hiểu được bản thân để chấp nhận "cái phận của mình" có bao giờ là chuyện dễ? Với những gì đã qua, chẳng phải tôi cũng đã mất hơn hai mươi năm để ngộ ra rằng sự cô đơn là "cái phận" của những người đồng tính đó ư?

Nhưng không chỉ có sự cô đơn. Tôi luôn hiểu rất rõ rằng người đồng tính chúng tôi là những số phận bất hạnh.

Bất hạnh, vì chúng tôi sinh ra như những người bình thường, chỉ khác duy nhất ở chỗ chúng tôi có khuynh hướng luyến ái khác mọi người. Và đó là nguồn gốc của mọi khổ đau.

Bất hạnh, vì chúng tôi yêu mà không bao giờ được đáp lại, chúng tôi hy sinh mà không bao giờ được bù đắp, chúng tôi khao khát mà không bao giờ được thỏa mãn, cuối cùng phải chấp nhận một cuộc sống diệt dục.

Bất hạnh, vì chúng tôi không được (và không dám) sống với đúng con người thật của mình. Chúng tôi phải giấu giếm, kiềm chế, thậm chí đè nén bản thân. Và khi không giấu nổi, hoặc không muốn giấu nữa, chúng tôi sẽ vấp phải sự kỳ thị rất vô hình của đồng loại - những cái nhìn tò mò, ghê sợ, thương hại v.v.

Bất hạnh, vì chúng tôi cô đơn suốt đời. Chúng tôi lủi thủi từ khi còn là những đứa trẻ bị trêu chọc, dò xét, uốn nắn, kìm kẹp, sửa đổi. Chúng tôi sống thu mình khi là những thanh niên đầy sức sống, đầy khao khát yêu thương bị nén lại. Chúng tôi cô độc khi đầu đã bạc, nhìn xung quanh thấy bè bạn cùng trang lứa đều đã con đàn cháu đống.

Gã trai quê

Kỳ 1: Trong ngôi nhà nhỏ ngõ Hàng Bè

TP - Ai đó hỏi tôi: "Hình như người đồng tính yêu và ghen dữ dội hơn người thường?". Biết nói sao bây giờ, khi mà tình yêu của chúng tôi cũng có đủ sắc thái như các bạn. Cũng quyến rũ, ghen tuông, giận hờn, buồn bã...

Nhưng, có lẽ chúng tôi ghen dữ dội hơn các bạn thật. Sự ghen tuông đó là hậu quả của những ức chế và tự ti luôn đi kèm.

Tình yêu không tự đến với giới đồng tính; chúng tôi cứ phải đi tìm, thậm chí rủ rê, dụ dỗ bằng vật chất, qụy lụy về tinh thần...

Có tình yêu rồi lại phải giữ, phải canh chừng kẻo nó tuột khỏi tay. Nên lúc nào người đồng tính cũng gây ấn tượng là họ ghen tuông một cách bệnh hoạn.

* * *

Mẹ tôi bị bệnh không lâu. Người ngoài đồn bà cụ ốm chết vì đau khổ quá. Hai đứa con trai thì một đứa chết non (anh trai tôi bị chết đuối từ nhỏ), một đứa là dân bóng. Con gái cụ thì bà chị kế trên tôi cùng con ruột vướng vào vòng lao lý. Gia đình tan nát, theo quan điểm duy tâm, như thế gọi là "suy".

Dịp 30/4-1/5 năm ấy, tôi nằm nhà, trống rỗng, muốn khóc mà không khóc được. Hình như chẳng còn nước mắt nữa. Cả buổi sáng tôi vật vờ, hết bật tivi xem, rồi lại ngáp, lại vớ quyển sách lăn ra giường đọc. Đọc chán lại lờ đờ ngồi dậy, thổi cơm ăn. Đến trưa thì chán không chịu nổi, tôi mò ra phố Hàng Khay, đến thăm một bà chị bán hàng.

Chị đang tiếp hai thanh niên, một thằng là Quang, làm nghề bán quần áo, thằng kia là bạn, chưa có nghề ngỗng gì. Quang hỏi: "Thằng bạn em là Nhân, dân Nam Định. Chị với anh đây xem có việc gì làm thì giới thiệu cho nó". Tôi gật gù, ậm ừ cho qua chuyện.

Ngồi đến ba giờ chiều, không muốn lại phải về nhà, tôi rủ hai đứa đi uống rượu. Cho đến lúc đó, tôi vẫn chưa có ấn tượng gì về họ. Tuy nhiên, khi rượu bắt đầu vào, tôi mới nhận thấy Nhân - cái cậu trai quê Nam Định ấy - có cách nói chuyện rất nhiệt thành của một thanh niên nông thôn. Nhân có một vẻ gì đó rất nồng hậu.

Càng nói chuyện, tôi càng thấy hắn thú vị hơn, mặt mũi sáng sủa hơn, cuối cùng thì tôi thấy hắn, xét về mặt hình thức, quá được! Nhất là lúc uống rượu nóng, hắn cởi trần ra, tôi ngồi nhìn. Dân lao động có khác, ngực nở, bụng nhỏ, chân tay cơ bắp. Tôi bắt đầu có ý định câu giờ. Phải ngồi cho thật muộn, để hai đứa không thể về nhà được, ít nhất cũng khó mở cửa. Vậy là tôi thúc cả bọn uống tràn cung mây, uống thật lâu, rồi mới thả lời: "Về nhà anh chơi đi".

Chúng tôi lếch thếch, liêu xiêu kéo nhau về. Tới nhà, uống nước một lúc, rồi cả ba lên gác xem phim. Chúng tôi nằm lăn ra phản. Tôi đòi nằm giữa hai chàng. Chẳng bao lâu, cơn say rượu, say người bốc lên, tôi bắt đầu quờ quạng. Quang phản ứng: "Anh làm gì thế? Anh không được vớ vẩn nhé!". Tuy nhiên, hắn cũng chẳng làm gì mà quay luôn mặt vào tường, ngủ, xoay lưng lại phía tôi. Còn anh chàng Nhân thì... thật lạ, hắn không chống cự mà lại cầm lấy tay tôi.

Phần là men rượu, phần là men tình, tôi gần như vồ lấy hắn. Nắng hạn gặp mưa rào.Nhân mạnh mẽ hơn tôi tưởng. Thật khó hiểu, bởi vì với những người khác, ngay cả những người đam mê, tôi còn phải dỗ dành chán. Tôi tự hỏi hay Nhân cũng là gay như mình, cũng là một MSM (từ mà chúng tôi dùng để gọi nhau, viết tắt của cụm từ tiếng Anh "man seeking man" hoặc "men who have sex with men", nghĩa là "đàn ông tìm kiếm đàn ông").

Nhân kể tôi nghe, hắn làm việc trên một tàu chở than chạy tuyến từ sông Hồng ra Quảng Ninh, do công việc vất vả mà lại bị chửi mắng nhiều nên chán, vừa bỏ. Trên tàu hắn gặp một người đàn ông, ông này thấy hắn trông hay nhất trong cả đám trai sông nước đen đúa, nên có rủ hắn vào cabin, cho xem phim và gạ. Hắn có người yêu rồi nhưng lúc đó đang sẵn chán nên cũng đồng ý, thấy chẳng mất gì. Chuyện chỉ có thế, tôi nghe rồi cũng chưa hiểu Nhân là người bình thường hay đồng tính.

Trước đó, thằng Quang có kế hoạch hôm sau 1/5 rủ mấy đứa bạn, trong đó có Nhân, đi câu cá. Tôi dỗ Nhân: "Bọn nó đều có đôi rồi, mà đều là dân thành phố, ăn chơi lắm, em không hợp đâu. Ở nhà chơi với anh, thích đi đâu anh chở đi. Này, hay là đi công viên nước Hồ Tây chơi nhé?". Không hiểu ngây thơ hay thế nào mà Nhân đồng ý ngay.

Hắn nằm, ngó quanh nhà tôi, rồi bảo: "Em chưa thấy nhà ai đẹp như nhà anh". Trời đất ạ, đúng là kiểu ăn nói của dân quê, thật thà và có gì đó tội tội. Nhà tôi thì có gì mà đẹp, rất bình thường, cực kỳ bình thường, với đủ thứ đồ cũ kỹ trong một diện tích chật hẹp. Nhưng Nhân nói vậy, bởi vì hắn sinh ra và lớn lên ở quê, một huyện nghèo ở Nam Định.

Vừa thôi học lập tức lao vào trường đời, lênh đênh trên tàu. Nhân chưa từng sống ở Hà Nội ngày nào, cũng không có người quen. Tóm lại, ở hắn có một cái gì đó thật thà dân dã, đấy là điểm khiến tôi thích thú. Ngoài ra là sự hưởng ứng mạnh mẽ... Cộng cả hai lại, tôi bắt đầu mê Nhân.

* * *

- Thằng Quang là bạn mà nó kẹo lắm anh ạ. Lương nó cả triệu bạc, thế mà nó chỉ giúp em có vài chục nghìn về quê. Bao giờ đi làm, có tiền, em trả lại nó cả lãi luôn.

- Ở trên này với anh, anh kiếm việc cho. Ở lại với anh, nhé?

- Vâng. Nhưng độ hai, ba tháng anh cho em về quê một lần nhé.

- Ừ, ừ...

Bài ca muôn thuở vẫn du dương của tôi là bài ca xin việc làm giúp. Nghi lễ mở màn là đi mua sắm quần áo. Hai áo ba lỗ, một áo phông, một quần bò, một quần ngố, hết nửa triệu bạc, đổi lại được sự phấn khởi của "người đẹp". Đúng là nghìn vàng mua lấy nụ cười! Nhân thích lắm, diện đồ mới, đứng trước gương hết soi ngược lại soi xuôi: "Đẹp nhỉ? Trông em khác hẳn đi, đúng không anh Dũng?". Tôi lại đưa hắn đi cắt tóc, gội đầu, thơm tho sạch sẽ hẳn lên.

Thời gian đó, tôi mở cửa hàng băng đĩa làm ăn khấm khá, chắc một phần do chăm chỉ hơn. Kiếm được tiền, tôi lại càng chiều Nhân, mua cả nhẫn vàng cho đeo. Nhân cũng hài lòng lắm, có điều vẫn sợ Quang biết chuyện. Quang chưa biết Nhân ở nhà tôi. Có lần tôi gặp, mon men hỏi dò: "Quang ơi, bao giờ Nhân lên Hà Nội dẫn nó đến nhà anh chơi nhé?". "Quang ơi, nói thật, anh, anh quý thằng Nhân lắm. Nó khổ mà bản chất nó tốt. Quang có đồng ý để nó lên trên này đi làm, ở luôn nhà anh không? Anh không phải người xấu đâu...". Thằng ranh giãy nảy: "Ở với anh để nó hỏng hết cả người à?".

Tôi bực bội, nghĩ bụng ghét Quang vô cùng. Nói vậy nhưng tôi cũng hiểu tình cảnh của Nhân và thái độ của Quang. Hai đứa là bạn học, chơi với nhau từ nhỏ, người cùng làng. Cả hai lại đều là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm ăn, thân cô thế cô. Tôi không muốn vì mình mà Nhân mất bạn. Tốt nhất là phải làm sao cho Nhân thật thoải mái, còn Quang chấp nhận chuyện chúng tôi.

Muốn thế phải cư xử khéo léo, không gì bằng cách mua chuộc cô Yến người yêu của Quang. Trong tôi có 50% là phụ nữ, nên rành tâm lý của con gái lắm. Tôi dò hỏi địa chỉ của cô ta, rồi ra phố đồ chơi Lương Văn Can, mua một con gấu bông hơn trăm nghìn, rước đến tận nhà nàng hối lộ. Tôi chọn đồ thì khéo lắm, đương nhiên là Yến thích mê. Kể từ đó quan hệ giữa hai "cặp" thân thiết hẳn lên.

Ở cùng tôi, Nhân vẫn giữ bản chất của một thanh niên nông thôn hay lam hay làm. Hắn kêu không có việc gì, sống như làm cảnh, thiên hạ nhìn vào lại xì xào. Tôi rất thích cái tính tự trọng ấy. Tôi kéo hắn vào làm ở cửa hàng băng đĩa. Công việc cũng nhàn nhã, ngủ trưa đẫy giấc, chỉ có ăn xong thu tiền, thỉnh thoảng làm vài cú alô, alô, đi nhận hàng các nơi. Mới ở cùng tôi một tháng mà trông hắn cơ bắp hẳn lên, môi đỏ chót, da hồng hào, hơi nâu.

Lúc nào cũng khỏe khoắn, nam tính, tràn trề sinh lực. Một chủ nhật, tôi đưa hắn đi chụp ảnh nghệ thuật ở cửa hàng của thằng bạn, cũng là dân gay. Bạn tôi vừa chụp ảnh vừa tấm tắc: "Con Dũng có quả bồ đẹp quá!". Nghe thì thích và tự hào, nhưng lại cũng sợ, lo mất Nhân. Không được, không để Nhân đi đâu được.

Tôi bèn rủ rỉ thuyết phục, nói sẽ cho hắn tiền hàng tháng, đồng thời kể ra những cái dở của việc đi làm thuê để hắn biết mà tự ngán. Nhân nghe tôi nói cũng xuôi xuôi, nhưng trong thâm tâm, chắc hắn vẫn muốn đi làm vì chán cái cảnh ăn không ngồi rồi.

Tôi hiểu nhà Nhân nghèo quá, bố mẹ già yếu mà hắn thì là con cả, hắn mong muốn làm một cái gì đấy ra tiền đều đặn để giúp đỡ gia đình. Rất có thể vì mong muốn đó mà hắn chấp nhận sống cùng với tôi, nhận tiền của tôi, dù hắn không hoàn toàn là kẻ lợi dụng.

Đến đây chấm dứt chuỗi ngày êm ả. Mới được có ba tháng thôi. Tôi và Nhân bắt đầu cãi nhau. Một buổi trưa, Nga - người yêu cũ của Nhân gọi điện vào máy tôi. "Chú ơi, cháu đứng ở ngay đầu phố. Anh Nhân có nhà không?". Tôi dằn giọng: "Nhân về quê rồi". Nhân nằm im bên cạnh tôi, cười như khóc. Chờ tôi cúp máy rồi hắn mới dám lí nhí: "Khổ thân nó, nó nhớ tôi quá mới lên trên này tìm tôi. Dũng cho nó đến thăm tôi đi". "Không được. Có nó thì không có tao!".

Thế là bắt đầu cãi nhau kịch liệt. Tôi gào: "Nhân ơi, mày là đồ nhà quê ngu dốt. Tao nuôi mày béo trắng ra để mày đi chơi với gái à?". Nhân rút cái nhẫn vàng đeo ở tay, ném bộp vào mặt tôi rồi bỏ đi. Tôi đuổi theo: "Nhân, đi vào, đi vào!". Lại đã có ngay một số khuôn mặt hàng xóm ngó ra.

Sợ hàng xóm nhìn, Nhân chạy vội vào trong nhà. Điện thoại lại réo. Tôi quát vào tai cô gái ở đầu dây bên kia: "Này, mày đừng có bắt chước mấy cái con kia, chửa hoang ở đâu rồi đến đây đổ vạ nhé. Thằng Nhân là cháu tao đấy". Nhân tím mặt: "Tao không ở đây nữa, tao về quê lấy vợ".

Hắn đùng đùng bỏ ra khỏi nhà. Tôi đuổi theo lẵng nhẵng: "Mày đi đâu, tao theo đấy. Mày về quê, tao cũng về quê. Nào". Nhân nhảy bừa lên một xe buýt, ra Bờ Hồ. Tôi cũng nhảy lên theo. Ở trên xe, hai đứa tiếp tục cãi vã, xỉ vả nhau, kệ cho thiên hạ nhìn lom lom.

- Tao về quê lấy vợ. Tao không cần mày nuôi nữa.

- Ừ, mày về đi. Tao coi như mày chết rồi. Tao cũng không cần mày nữa.

- Không cần thì tao đi đây.

- Không. Mày không được đi. Không được đi! - Tôi dậm chân, gào lên như một đứa trẻ.

Nhân dỗ dành tôi, rằng hắn chỉ muốn mời Nga vào nhà uống nước. "Xong rồi hai đứa mình cùng đưa nó ra bến xe, lúc nào có dịp tôi về thăm nó sau". Tôi nghe thế, thấy cũng bớt tức. Hai người xuống ôtô về nhà, rồi lấy xe máy của tôi đi tìm cô gái. Khổ nỗi chúng tôi ra khắp các bến xe mà không thấy bóng cô ta đâu cả. Trên đường về, Nhân chỉ rầu rầu nói với tôi đúng một câu mà tôi không sao trả lời được:

- Chẳng nhẽ tôi phải ở với Dũng mãi thế này à? Sống với pêđê nhục lắm!

Cho đến tận bây giờ, Nhân vẫn giữ tình cảm với tôi dù đã lấy vợ. Tết hắn vẫn lên nhà tôi, biếu thứ này thứ nọ. Quà của người nghèo thì cũng chẳng có gì lớn, nhưng nó thể hiện cả một tình xưa nghĩa cũ trong đó. Khi mọi chuyện đã qua, có những lúc ngồi vui với nhau, tôi bảo: "Nhân ạ, ngày xưa bọn mình có những tháng ngày tôi không bao giờ quên được, nhưng bây giờ nhớ lại cũng thấy sợ, cứ như cơn ác mộng ấy!". Nhân cười...

Những ngày thơ dại

>> Kỳ 2: Gã trai quê

TP - "Khéo mà thành đồng cô đấy con ạ!" - Có lần, cô tôi đã trừng mắt mắng khi thấy tôi thử nhai trầu. Sự tò mò ấy cũng bắt nguồn từ việc tôi ham đi lễ. Chỉ là một đứa trẻ, tôi đâu hiểu đi lễ là gì. Chỉ biết mùi nhang và cảnh tấp nập tại chùa luôn khiến tôi háo hức.

Đi chùa, tôi thỉnh thoảng gặp những người bị gọi là đồng cô. Phố tôi ở có một người như thế. Tên ông là Sáu. Đứng tuổi và thường xuyên hầu đồng, ông Sáu có giọng nói ẽo ợt, nhão nhoét khiến người nghe nổi da gà.

Dáng đi của ông thì ẻo lả như phụ nữ, cộng cùng đôi môi ăn trầu như dày thêm lên và luôn đỏ nước cốt. Ông Sáu rất chua ngoa, lắm điều, sẵn sàng ngoạc miệng để "đào mả tổ" đứa nào dám nhắc đến hai từ đồng cô trước mặt ông.

Đồng cô!

Vài chục năm trước, người ta vẫn gọi chung những kẻ thuộc giới tính thứ ba bằng cụm từ đầy miệt thị ấy. Trong con mắt họ, đồng cô là một thứ quái dị. Người ta không biết tới những cụm từ "đồng tính", "pêđê", "bóng kín", "bóng lộ" như bây giờ.

* * *

Tôi sinh đầu năm 1967, tuổi âm Bính Ngọ. Trước đó, anh trai kế trên tôi chết đuối ở nơi sơ tán. Thời gian mang thai, mẹ tôi khóc rất nhiều. Chẳng biết có phải vì thế mà sau này, tính tôi luôn đa sầu đa cảm. Tôi hay khóc, hay buồn vu vơ, hay hờn dỗi, và hay mơ mộng nữa.

Mất đứa con trai duy nhất, cả nhà đều mong mẹ tôi sẽ sinh hạ một thằng cu. Ngày đó chưa có phương tiện siêu âm nên khi tôi ra đời, gia đình mừng lắm. Chào đời, tôi nặng bốn cân ba, cực hiếm đối với trẻ sơ sinh thời bấy giờ. Bà đỡ chia vui với mẹ:

- Đấy, chị ở hiền gặp lành. Vừa mất con trai, giời Phật lại cho một đứa khác còn đẹp hơn thằng trước. Thằng bé to khỏe thế này mà đẻ ra mấy phút mới khóc. Chắc khi lớn, nó có gì đặc biệt lắm đây.

Sinh con vào thời chiến tranh nên bố mẹ đặt tên tôi là Dũng - cái tên phổ biến của con trai khi đó. Tên không đệm, rất đơn giản: Nguyễn Văn Dũng.

Tôi trải qua một tuổi thơ bình thường. Bố tôi lái xe, sau vào làm ở một hợp tác xã cơ khí. Mẹ tôi bán thịt bò tại chợ Hàng Bè nên gia đình cũng có đồng ra đồng vào, có thể nói là đủ ăn. Khoảng năm 1977, tức là năm tôi lên 10, mẹ tôi phải vào hợp tác xã mì sợi làm công ăn lương, bố nghỉ hưu mất sức, nên kinh tế bắt đầu đi xuống.

Mải lo làm ăn, nhà lại đông con quá nên bố mẹ không còn nhiều thời gian để chăm sóc tôi. Chỉ thỉnh thoảng có lúc rảnh rỗi, bố dẫn tôi đi mua mấy món đồ chơi con trai như súng phun nước, ôtô, máy bay, tàu thủy. Như mọi người cha khác, có lẽ ông thầm hy vọng thằng con lớn lên sẽ trở thành người đàn ông mạnh mẽ, giàu nam tính.

Thế nhưng trái với mong muốn ấy, tôi chỉ thích những trò chơi lành lành của con gái, giống như các chị: nhảy dây, ô ăn quan, đánh chuyền đánh chắt... Tôi bắt các chị đi mua bát, đĩa đồ chơi, vặt lá cây để ngồi bày biện nấu nướng. Tôi thích chơi đồ hàng, búp bê, nhảy dây. Còn những trò mà bọn con trai cùng lứa hay chơi như đá bóng, đánh đáo, leo trèo, tôi lại không hề ưa. Vừa mệt người vừa căng thẳng.

Lắm hôm bị bọn chúng đuổi, tôi chạy tưởng đứt ruột, sợ và ghét lắm. Nói cho đúng thì lũ con trai cũng chẳng thích chơi với tôi, vì tôi hay kêu mệt, đá bóng kém, vào sân thì chỉ chăm chăm đạp vào chân bọn chúng. Mấy thằng tức, chỉ mặt tôi chửi nhao nhao:

"Lần sau không cho thằng Dũng đá nữa, nó chơi bẩn lắm". Không phải tôi cố ý đá bẩn, nhưng quả thật tôi không thích tham gia tí nào, mệt, đau người chết đi được, chỉ là cố cho nó "hòa mình với quần chúng". Một bận chơi trốn tìm, đến phiên mình nấp, tôi bỏ về nhà nằm ngủ, mặc kệ cả hội đi tìm hết hơi. Sau lần ấy, bọn con trai chán chẳng buồn chơi với tôi. Chúng không rủ, tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn, quay ra chơi những trò chơi hiền lành của con gái. Tôi thích chơi với con gái còn vì khoái ăn vặt, đặc biệt ưa của ngọt - bánh quy, kem, kẹo mút...

Ngồi trong lớp, rúc rích chuyền tay nhau que kẹo mạch nha hay viên ô mai, nhất là lúc đang đói đang thèm, thì còn gì thú vị bằng. Tính tôi mơ mộng từ bé. Những năm cấp I, tôi học rất khá môn văn.

Lên lớp 2, tôi thích ngay cô lớp phó hoa khôi, tóc quăn, mắt to, má hồng, xinh nhất lớp. Tôi từng mơ thấy chúng tôi lấy nhau, nhưng hai vợ chồng không lớn lên mà cứ mãi mãi trẻ con như thế, mãi mãi đi học cùng nhau.

Điều quái ác nhất của bọn con trai lớp tôi ngày ấy, là chúng cứ hay gọi tôi là "Dũng đồng cô", vì tôi ăn trầu. Không hiểu sao ngày ấy tôi hay nhai trầu bỏm bẻm, mặc dù chỉ nhai ở nhà và không nghiện (khi lớn lên thì không ăn trầu nữa mà chuyển sang hút thuốc lá, uống rượu, tửu lượng cũng chẳng đến nỗi kém).

Nhiều hôm tôi đến lớp với đôi môi đỏ thẫm, một lần còn bị say lảo đảo, thế là chẳng giấu vào đâu được nữa, cả lớp đều biết "Dũng đồng cô" ăn trầu.

Lắm lúc bọn chúng trêu dữ quá, tôi tức đỏ mặt, vừa khóc vừa chửi lải nhải, bị cả bọn đuổi theo đánh túi bụi. Thuộc dạng to cao nhất lớp, nhưng tính tôi hiền nên hay bị bắt nạt. Lâu dần, tôi chỉ thích chơi với con gái, chẳng thích nhập hội với đám con trai nghịch như quỷ nữa.

Dù vậy, cho tới năm 12-13 tuổi, quan niệm về giới tính trong tôi vẫn chưa rõ ràng. Nói cho đúng, giới tính được xác định từ sự điều tiết hoóc môn trong cơ thể; có lẽ khi người ta còn nhỏ, các tuyến hoóc môn chưa phát triển, nên khuynh hướng giới tính và tình dục chưa thể hiện ra hết.

Những năm tháng ấy, tôi đặc biệt mê cải lương và ca vọng cổ. Tôi hát cải lương suốt ngày. Hàng ngày, khi giúp mẹ thái thịt, lạng mỡ để bán, tôi cũng lẩm nhẩm mấy câu ca vọng cổ. Hàng xóm hay đùa:

- Sao thằng này thích hát thế này mà không đi thi tuyển vào đoàn cải lương nào đi? Lại cứ ngồi nhà thái thịt.

Tôi mê tới mức, khi mẹ cho tôi vào Sài Gòn thăm ông bà ngoại, cứ tối tối là tôi đi xem cải lương. Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá, Lan và Điệp, Bên cầu dệt lụa... toàn những vở tuyệt hay. Mỗi khi bật cải lương, tôi quên hết mọi sự, hoàn toàn hóa thân vào nhân vật để cùng hát, cùng vui, cùng buồn, cùng cười, cùng khóc. Nó là góc riêng của tôi, một thế giới thật tươi đẹp, lộng lẫy sắc màu, là nơi tôi có thể đắm chìm vào mộng mơ và tưởng tượng.

Mười bốn tuổi, tôi bắt đầu dậy thì: người phổng phao hơn, mặt nổi trứng cá, giọng bắt đầu khào khào, cùng những lần mộng tinh đầu tiên... tóm lại, đầy đủ những biểu hiện dậy thì của một thằng con trai. Cùng những biến đổi về mặt thể chất đó, tôi chợt nhận ra một vài điều rất lạ trong tâm lý mình.

Đầu tiên, phải nói rằng tôi vẫn thích chơi với bạn gái, vì con gái hiền lành, dễ chia sẻ, và không chỉ thế, tôi lại có cảm giác họ hiểu tôi hơn con trai. (Bây giờ thì tôi thấy điều đó dễ giải thích thôi, bởi vì tôi cũng giống như họ, giống nhau thì dễ hiểu nhau hơn).

Nhưng tôi chỉ thấy hân hoan khi thủ thỉ cùng bạn trai, nói chuyện về những dấu hiệu mới lớn của tuổi dậy thì. Thằng bạn nào có gương mặt hay hay, tôi đều thấy thích: thằng T. ngồi bàn trên, thằng M. dãy bên kia, phía gần cửa sổ.

Mỗi khi bọn chúng quay mặt lại, tôi đều tự hỏi có điều gì trong lòng khiến tôi thấy xôn xao, rạo rực? Khuôn mặt mỗi đứa đều có những nét rất ưa nhìn, như T. có mái tóc hơi xoăn tự nhiên, lúc nào cũng bồng bềnh lượn sóng, rất nghệ sĩ, còn M. có cặp mắt sáng và cái mũi rất thanh tú.

Con gái xinh thì tôi cũng biết trong lớp có mấy đứa, cũng hiểu rằng chúng nó xinh, nhưng không hiểu sao tôi không để ý lắm, mà chỉ hay nghĩ tới gương mặt T. và M. Với tôi lúc ấy, con trai như là cả một thế giới khác, đẹp và khó hiểu, đầy những thứ cần khám phá.

Bắt đầu tới thời điểm hai giới có sự phân chia rõ nét. Tôi nhanh chóng nhận ra sự thay đổi ở con gái: Đầu tiên là những sợi dây áo con hằn lên sau làn vải áo sơ mi của học sinh. Rồi mỗi khi cả lớp kéo nhau đi tham quan nơi nào có sông hồ, chúng tắm nguyên cả áo. Chúng không thích có mặt tôi làm mì chính cánh trong cả đám.

Con trai bắt đầu phải làm những việc tạm gọi là nặng hơn, như trong giờ lao động, chúng tôi phải đắp đất, vác gạch, chặt cây, leo trèo sửa bóng điện v.v. Không ai biết tôi cảm thấy khó chịu khi nghe thầy giáo phân công: "Mấy anh làm cái này cho tôi, để con gái làm việc nọ việc kia...". Tóm lại, con gái không còn chấp nhận tôi nữa, mà tôi thì chưa hòa nhập được với đám con trai. Một cảm giác "không thuộc về bên nào" bắt đầu xuất hiện.

Nhìn chung, sự bất thường không làm tôi lo lắng quá nhiều. Chút băn khoăn về mấy chuyện kỳ quặc ấy cũng chỉ vừa đủ để tôi có ý thức che giấu bản thân trước mọi người. Đi lao động cùng cả lớp, tôi vẫn hăng hái bê gạch, vác củi, gánh nước, sửa điện... Tôi cũng thích trang trí sổ tay, vẽ hoa vẽ bướm cho mấy cô bạn gái trong lớp, và vểnh tai nghe các cô xuýt xoa: "Dũng khéo tay thế, eo ôi, thích thế...".

Trong tất cả các bạn học của tôi năm xưa, đám con trai không ai có số phận như tôi. Nói cho đúng, cũng có một cậu bạn đồng tính, nhưng cậu ta giữ tuyệt mật chuyện đó và vẫn lấy vợ, sinh con bình thường. Có lẽ chỉ mình tôi biết cậu ta là gay, nhờ những biểu hiện mà riêng dân bóng hiểu với nhau. Tóm lại, chỉ mỗi tôi là "nặng nghiệp" nhất, suốt đời lận đận tình trường, học hành dang dở, chẳng làm nên vương nên tướng gì.

Còn cô bạn lớp phó xinh xắn, mắt to tóc quăn mà tôi từng thích và mơ lấy làm vợ năm nào, mãi tới 41 tuổi mới lấy chồng. Bạn bè ai cũng thương, nghĩ đời cô khổ, vất vả chuyện chồng con. Lại cũng chỉ vài người hiểu tại sao, trong đó có tôi. Khi biết lý do, tôi thấy hơi ngạc nhiên, nghĩ đến hai từ "định mệnh": Sao ngày xưa tôi lại từng thích cô ấy? Nàng cao số bởi vì... nàng là lesbian!

Cũng vào cái năm đầu tiên của tuổi dậy thì ấy, tôi sa vào "giấc mơ tình yêu" đầu tiên của mình.

>> Kỳ 3: Những ngày thơ dại

Kỳ 4 - Chàng Deanov trên tàu điện và người sĩ quan trên Tam Đảo mù sương

TP - Nhà gần Hồ Gươm, từ nhỏ tôi đã hay ra hồ chơi. Năm lớp 8, tôi quen Hùng - một anh xé vé tàu điện, hơn tôi vài tuổi. Hùng đẹp trai, mũi cao, mặt thon, hơi lạnh.

Rung cảm đầu đời

Trong mắt tôi, khuôn mặt của anh khá giống với chàng Deanov hào hoa trong Trên từng cây số - phim truyền hình nhiều tập của Bulgaria, sản xuất năm 1969.

Vai chính Deanov do Stefan Danailov đảm nhận. Đây là một nhân vật rất đẹp trai, tài hoa, thần tượng của nhiều khán giả nữ Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước.

Phải thừa nhận rằng tôi là đứa không chí thú học hành, mặc dù khá chăm đọc sách đọc truyện và giàu tưởng tượng. Hoàn cảnh xã hội thời ấy, người có học với người ít học sinh sống chẳng khác nhau là bao. Trí thức thì cũng vẫn phải xếp hàng mua gạo mua thịt, còn dân chạy chợ đen có khi nhà lại đủ cả phích nước, đầu máy khâu...

Tôi học hành chểnh mảng dần rồi bỏ dở vào cuối năm lớp 8. Tất nhiên, sự học không được khuyến khích chỉ là một phần nguyên nhân, cái chính là tôi lười và thích đi chơi với Deanov.

Tôi cũng chẳng ở nhà giúp đỡ gia đình, thường xuyên ra la cà bến tàu điện (ga trung tâm ở Bờ Hồ). Bố tôi nổi giận, nện mấy trận. Một lần bị đòn đau quá, tôi bỏ nhà chạy đến chỗ Deanov. Anh khuyên:

- Thôi về đi, ai lại bỏ nhà như thế này?

- Chết em cũng không về. Anh đừng bắt em.

Tôi lang thang theo Deanov cả ngày. Buổi tối, anh dẫn tôi về nhà. Deanov thương tôi, không muốn tôi vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Anh đâu biết tôi bỏ nhà ra đi một phần vì giận bố, một phần vì thích gần anh.

Deanov nhà nghèo nhưng sống rất tình cảm. Anh chỉ tôi, nói với mẹ:

- Bố nó đánh đau lắm, cứ như không phải con ông ấy đẻ ra. Nó bảo không có con, nó sẽ bỏ vào miền Nam.

Mẹ Deanov lắc đầu: "Thôi, để bác nhận mày làm con út". Bà thương tôi lắm, hay chuyện trò hỏi han, có chút gì ăn cũng để dành.

Nhà Deanov nghèo đến mức chỉ có một cái giường, nhường cho mẹ anh nằm. Hai anh em phải trải chiếu trên nền đất để ngủ. Đêm lạnh, tôi rất thích ôm anh. Anh bảo tôi:

- Ngủ đừng ôm. Mày làm vậy, anh khó ngủ lắm!

Tôi lâng lâng hạnh phúc khi được theo Deanov lên tàu điện đi khắp phố phường Hà Nội. Cả thành phố chỉ có hai ngã tư "đèn xanh đèn đỏ" ở Bờ Hồ và Cửa Nam, và hình như đèn cũng ít được sử dụng.

Tàu điện leng keng đưa chúng tôi qua những con phố dài, hai bên là nhà cửa xam xám với những cửa sổ xanh xanh, cũ kỹ, những góc tường sứt sẹo dính đầy mạng nhện.

Trí óc tôi nhanh chóng ghi nhớ những hình ảnh quen thuộc: Cây bàng lá đỏ thẫm một góc đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), cây đa cổ thụ rợp bóng, những ô vườn rập rờn hoa bướm hồng, hoa mào gà tía ven Hồ Gươm...

Chưa ra tới ngoại thành nhưng hai bên đường đã bạt ngàn ruộng rau muống, duối gai, chuối... Hà Nội ngày ấy nghèo lắm nhưng vẫn đẹp, vẻ đẹp thanh bình và nên thơ trong mắt một thằng nhóc mơ mộng là tôi.

Những năm đó, cuộc sống vất vả, gia cảnh Deanov cũng như nhiều nhà khác rất khó khăn. Lương lậu của anh chẳng được là bao lại phải nuôi mẹ già. Tôi chấp nhận tất cả để được sống gần anh. Nghĩ lại, thời gian ở cùng Deanov là thời gian tôi bắt đầu có những biểu hiện luyến ái đầu tiên. Anh bảo tôi:

- Tính mày như con gái ấy nhỉ? Hay hát, hay cười nhưng một chốc lại dỗi, lại tủi thân. Thôi, cũng vui!

Một lần, anh kể với tôi về một cô gái hay đi tàu điện. Cô rất thích Deanov. Đến buổi tối, hai anh chị hẹn nhau đi chơi. Bởi vậy, Deanov không đi chơi tối với tôi như thường lệ.

- Hay mày đi cùng anh chị cho vui? - Anh hỏi khi thấy tôi tần ngần, mặt xịu ra.

Tôi lắc đầu. Buổi tối nằm chẳng ngủ được, chỉ mong anh về thật nhanh. Hơn mười giờ, Deanov mới về, hỏi chuyện tôi thì ít mà hào hứng kể chuyện anh chị đi chơi công viên thế nào thì nhiều. Tôi hờn dỗi, mặt sưng lên, miệng ngậm hột thị. Thế mà Deanov không hề nhận ra. Vậy là tôi đã "ra rìa". Lòng tủi thân vô cùng.

Ngay hôm sau, bố phát hiện chỗ ở của tôi. Thì ra mẹ tôi ở nhà nhớ con quá, bắt bố đi tìm. Bố tôi khổ sở mấy tháng trời. Cứ thấy bóng ông là tôi lẩn như chạch. Cuối cùng thì nhờ sự giúp sức của một người quen, bố tôi đã tìm được nhà Deanov. Ông bắt anh hứa không bao giờ chứa chấp tôi nữa. Rồi lẳng lặng kéo tôi về.

May, cả bố và mẹ không ai đánh mắng gì tôi. Hơn thế nữa, lôi được tôi về nhà, bố mẹ còn chiều tôi hơn, như bù lại quãng thời gian tôi sống vất vưởng với Deanov.

Chắc bố cũng sợ đánh đòn đau, ông con lại bỏ nhà đi lần nữa thì hỏng. Mẹ đưa tiền cho bố mua một cái đài JVC - thứ đồ rất có giá trị khi ấy. Rồi bố đưa tôi lên chợ Giời để chọn những băng cải lương yêu thích.

Nhưng chừng ấy cũng không đủ để tôi lấp đi khoảng trống trong lòng. Tôi nhớ Deanov, nhớ tiếng tàu điện leng keng, nhớ mỗi ngày đi cùng anh một vòng quanh Hà Nội. Nghe cải lương, tôi lại càng nhớ thêm. Tôi thấy anh rất giống với kép chính của vở Đêm lạnh chùa hoang. Vở này kể về hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau.

Kép chính có vẻ ngoài lạnh lùng, ngang tàng nhưng rất tình cảm. Cứ mỗi khi nhân vật cất tiếng ca, tôi lại hình dung là Deanov đang hát. Nhiều lần, tôi định chạy ra bến tàu điện tìm anh. Nhưng đều bị ngăn lại.

Mấy tháng sau, tôi biết tin Deanov đang sống cùng một cô gái khác. Họ thương nhau nhưng nghèo quá nên không cưới xin gì. Anh đến nhà tôi, kể chuyện rồi mời qua chơi. Nhưng tôi từ chối.

Deanov dẫn tôi ra Tràng Tiền chơi, xếp hàng chờ ăn kem. Anh tiếp tục hào hứng kể về cô gái nọ, mối tình của họ cùng những dự định cho tương lai: sẽ bán cái nhà ở xóm liều Thanh Nhàn, mua một nhà mới ở Vĩnh Tuy, đưa mẹ già đến ở.

Sẽ làm thêm nghề này, nghề kia kiếm sống- chuốt đũa, đóng chổi, cùng lắm thì xuống Vĩnh Tuy làm mẹt giá đỗ bán ở chợ. Nghe bảo có nơi cần người dán phong bì, thế là có mối rồi. Trong câu chuyện của anh, tôi chẳng xuất hiện lấy một lần.

... Tôi cúi nhặt mảnh vé tàu điện rách ai vứt trên vỉa hè, vò vò nó trong tay rồi vo viên vứt đi. Một làn gió ùa tới, cuốn đi những lá xà cừ vàng thắm cùng bụi đường mờ mịt, làm mắt tôi cay xè. Tôi nghĩ tới cái đám cưới sẽ có trong mơ giữa Deanov và người yêu anh.

Tôi chạy về nhà, leo lên gác, đóng sập cửa lại.

Tối ấy, tôi bật khóc. Những giọt nước mắt sầu muộn đầu tiên vì chuyện tình cảm. Kể từ đó, tôi không đến nhà Deanov nữa. Tôi cũng không bao giờ đi tàu điện nữa. Kể cả cho đến những ngày cuối cùng, khi tàu điện trở thành một biểu tượng của thủ đô Hà Nội xưa.

Những ngày trong quân ngũ

Mười tám tuổi, tôi phải đi bộ đội. Mẹ tôi thương con nên tìm cách chạy chọt để tôi không phải lên vùng biên giới. Cuối cùng, tôi được vào một trung đoàn thông tin, đóng tại Tam Đảo.

Ngay từ hôm đầu vào bộ đội, tôi đã ấn tượng với trung đội trưởng, chỉ huy trực tiếp của mình. Anh tên là Ngọc, mới ba mươi tuổi, đã có vợ và một con trai. Ngọc râu quai nón, nước da ngăm ngăm và vóc dáng khỏe mạnh.

Điều chết dở là càng ngày, tôi càng thấy mình... thích Ngọc hơn. Thích nhưng sợ bị phát hiện nên cứ phải giấu giếm. Tôi tìm đủ cách hục hặc, chọc tức Ngọc, vừa để che giấu nỗi lòng mình, vừa để gây sự chú ý ở anh. Nhưng Ngọc không hề ghét tôi. Anh bảo với mọi người:

- Nó ngang ngược nhưng nó là người Hà Nội, tao hợp nó. Nó thế thôi nhưng tính hay lắm.

Thời gian trong quân ngũ, tôi chẳng thiếu gì người hâm mộ là các bóng hồng. Ai mà tin được tôi lại đem lòng yêu mến thủ trưởng của mình! Mà lần này thì không phải là mơ mộng nữa rồi.

Lúc nào tôi cũng muốn làm cái gì đó thật hay, thật đáng yêu, hoặc thật đặc biệt, nổi bật trong đám đông để được anh chú ý. Đồng thời, tôi cũng tìm đủ cách cư xử xấu với Ngọc. Tôi muốn làm anh ghét tôi để tôi không còn thích anh được nữa.

Tam Đảo hồi ấy còn hoang sơ, rất đẹp. Rừng núi điệp trùng, xanh ngăn ngắt. Mỗi sáng sớm, cỏ cây mờ sương, giọt giọt đọng long lanh trên lá làm tôi muốn ngây ngất ngắm nhìn. Buổi trưa, nắng lên, sương tan dần, từ trên núi nhìn xuống thấy đồng lúa xanh biếc như ngọc, mây trắng lờ lững trôi như những con cừu bông đang gặm cỏ.

Bản tính mơ mộng trong tôi lại được dịp trỗi dậy. Tôi hay thơ thẩn trong rừng, ngắm hoa bắt bướm, hái lá dương xỉ về ép sổ. Có lần mải chơi về muộn làm Ngọc cuống lên.

Anh quý tôi phần vì tôi là người Hà Nội, phần vì tôi có vẻ mộng mơ hiền lành, lại khéo tay và hay lam hay làm - nấu ăn, trồng cây, trồng hoa, trồng rau cải thiện cho đơn vị. Riêng điều này anh không biết: Tôi chăm chỉ thật, nhưng đó còn là vì tôi muốn làm anh vui lòng.

Một hôm, Ngọc dẫn cu con lên đơn vị chơi. Tôi chẳng ưa gì thằng bé từ phút đầu, dù tôi vốn thích trẻ con. Nó nghịch như quỷ sứ, luôn chân luôn tay, bố quát cũng không sợ. Nhưng ghét nhất là sự có mặt của nó làm Ngọc vui lắm, tươi hơn hớn. Anh chỉ chăm chăm khoe con với mọi người. Lại một lần nữa, tôi "ra rìa" thảm hại.

Lát sau Ngọc có việc phải đi đâu đó, nhờ chú Dũng trông thằng bé hộ một lúc. Đúng là một dịp để tôi hành nó. Ở với thằng bé, tôi không chiều chuộng gì, kệ nó muốn làm gì thì làm. Ngồi mãi một chỗ, chán quá, thằng bé đòi đi chơi. Tôi cực chẳng đã phải dẫn nó đi. Đường núi dốc ngược, thằng bé kêu mỏi chân, tôi gắt ầm:

- Không bế ẵm gì cả, mày tự đi bộ đi.

Trời nắng, mụn nhọt rôm sảy nổi khắp người, thằng bé khóc sụt sịt. Tôi gầm lên:

- Mày đi bộ đi. Tao ghét mày. Biết không? Tao ghét mày.

Tôi vừa tức Ngọc, vừa thấy ghét vợ con anh, đàn bà trẻ con lắm chuyện, rách việc. Tôi nhất định không bế thằng bé, cầm cái roi, vụt vào chân nó mấy phát: "Nín ngay! Không đi này. Khóc hả? Khóc hả?".

Thằng nhóc sợ quá im bặt. May cho tôi, Ngọc không hề biết chuyện đó. Nếu biết, anh sẽ chẳng hiểu ra thế nào. Chỉ có mình tôi hiểu: Tôi ghen với vợ con anh.

Hết hai năm rưỡi, tôi giải ngũ. Thời gian đầu, tôi bùi ngùi nhớ Ngọc. Rồi công việc và bạn bè cuốn hút, hình ảnh Ngọc mờ nhạt dần. Đã tưởng phôi pha thì bỗng một lần, anh về Hà Nội thăm tôi. Đang nằm đọc truyện trên gác, tôi nghe tiếng Ngọc cười nói dưới nhà với bố. Chất giọng quen thuộc ấy, không bao giờ tôi quên được.

- Thôi, cứ cho em nó ngủ, con với bố nói chuyện với nhau...

Tôi nằm yên, tâm trạng xốn xang. Một niềm vui lâng lâng trong lòng: Đêm nay, Ngọc sẽ ngủ với mình. Thôi, xa nhau mãi rồi, bây giờ chẳng cần ý tứ nữa.

Quả thật, đêm ấy chúng tôi ngủ chung. Tôi ôm Ngọc rồi bắt đầu sờ soạng. Ban đầu, anh gạt tay tôi ra rồi nằm quay sang bên kia. Nhưng không chịu nổi, tôi lại tiếp tục. Lần này Ngọc để yên, nhưng cũng không hưởng ứng.

Ngày ấy, còn thiếu kinh nghiệm, chuyện cũng chỉ dừng tại đó. Sáng hôm sau, ngồi ăn cơm, Ngọc ngượng không dám nhìn vào mặt tôi. Lòng tôi thấy buồn và tiếc khi anh nói sẽ về luôn. Tôi giữ lại không được.

Nhìn lại chuyện với Ngọc, tôi nhận ra mình thích anh nhưng lại lo sợ khi đối mặt với điều ấy. Dường như cảm giác ấy chỉ có ở những người tự thấy mình thấp kém và chỉ có thể đơn phương. Phát hiện ra điều ấy, tôi thấy hoang mang, lo sợ và xấu hổ.

Dần dần, nỗi hoang mang lo sợ biến thành kinh hãi. Tôi làm sao thế này? Sợ lộ chuyện, lúc nào tôi cũng lo lắng tìm cách đối phó với mọi người. Bạn gái của tôi có vài người, nhưng không bao giờ tôi dám tâm sự. Với con trai lại càng khó. Tôi cũng không có bạn là những người đồng tính để chia sẻ.

Hương

>> Kỳ 4 - Chàng Deanov trên tàu điện và người sĩ quan trên Tam Đảo mù sương

TP - Thời gian trong quân ngũ là quãng thời gian mà cảm xúc về giới tính của tôi đã rõ ràng hơn nhưng vẫn còn hơi mơ hồ. Tôi chỉ thích đàn ông (mà bóng hình cụ thể là thủ trưởng Ngọc) nhưng phần nào vẫn tò mò, muốn thử cặp đôi với một cô gái xem thế nào.

Có một cô tôi không thích lắm nhưng cũng rủ đi xem phim, buông lời tán tỉnh bâng quơ. Nhưng có lẽ hai người vô duyên với nhau, tôi cứ nói đến chuyện nhớ nhung với cô gái đó là bị trêu: "Hâm à, dở hơi à?".

Có lần rủ cô ta đi xem phim, chợt nhớ lời thằng bạn cùng đơn vị nói "yêu là phải có cử chỉ động chạm", tôi bèn cầm tay cô một cái, lập tức bị phát nhẹ vào tay. Tôi tức điên lên, vừa tức vừa ngượng, nghĩ thầm trong đầu: "Thôi, chẳng phim phiếc gì nữa. Làm như xinh lắm không bằng, đầu thì to như quả bóng ấy". Thế là giải tán.

Cách nơi đơn vị tôi đóng quân một quả đồi có vài căn nhà dân, ở đó có một cô gái tên Hoa, to cao, làn da rám nắng. Cô người Tuyên Quang, lên Tam Đảo sống với bà bác. "Chè Thái gái Tuyên", Hoa mặt xinh, dáng người "đâu ra đấy".

Tôi hay đi qua mấy căn nhà bên đó và thỉnh thoảng lại gặp, lại trêu chọc cô rồi nói chuyện. Qua cách ăn nói, cư xử, tôi biết Hoa cũng dễ dãi. Có tiền, tôi thường mua bánh kẹo đem đến cho cô. Tam Đảo cách Vĩnh Yên 24 kiô-mét, ngày đó đường núi khó đi hơn bây giờ nên vài mẩu bánh, cái kẹo cũng rất đáng quý. Lại thêm thiện cảm với tôi- trai Hà Nội - nên Hoa rất cởi mở.

Một buổi tối, thủ trưởng Ngọc đi vắng, tôi mò sang nhà Hoa ở bên kia quả đồi. Đêm đó, bà bác Hoa lại xuống lấy hàng dưới xuôi. Chúng tôi ngồi bên bếp lửa, chẳng mất công tán tỉnh nhiều, tôi hỏi:

- Đêm nay, anh ngủ lại nhà em nhé?

Cũng chẳng mất công suy nghĩ lâu, Hoa gật đầu đồng ý. Đêm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi biết đến cơ thể phụ nữ. Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình lúc đó cảm xúc không trọn vẹn, càng về sau tôi mới càng nhận ra rằng sự tò mò nhiều hơn sự ham muốn.

Lần ấy đối với tôi thực chỉ là một cách để tôi sĩ diện đem "chiến công" về khoe với những thằng con trai khác, cũng là cách để tôi che giấu cảm giác thèm muốn nam giới của mình.

Bởi thế, đó là lần "thử", lần đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi với một phụ nữ. Năm ấy, tôi hai mươi tuổi.

Hết nghĩa vụ, tôi ra quân, lại trở về nhà làm nghề buôn bán với gia đình. Bạn bè tôi - những đứa bạn học cũ và cánh cùng đơn vị bộ đội bắt đầu cặp kè, có đôi có lứa. Riêng tôi hăm mốt tuổi vẫn chưa gì cả.

Một thằng thương tình làm mối cho tôi với bạn của người yêu nó, cô bé tên Hương, mới mười chín. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đã ấn tượng với Hương: Cô quá xinh. Hương có mái tóc dài óng ả, đôi mắt đen láy, gương mặt đẹp.

Buổi đầu trò chuyện diễn ra sôi nổi, tôi ưng Hương và Hương dường như cũng có cảm tình với tôi ngay. Phải công nhận là hồi còn "trai trẻ", tôi khá cao to, tính tình lại mơ mộng vì đọc văn đọc thơ nhiều, nên nói chuyện cũng có duyên, ít nhất là với những người con gái tôi từng gặp và có ý định cưa cẩm.

Chúng tôi bập vào nhau quá nhanh, hai đứa rủ nhau đi chơi xa mấy lần. Tôi thật sự thích ngắm nhìn đôi mắt đen của Hương, thích lùa tay vào mái tóc dài mượt của cô. Nhưng... một điều khủng khiếp dần dần diễn ra trong đầu tôi: Càng ngày tôi càng nhận ra rằng tôi không yêu Hương, tình cảm của tôi đối với cô vô cùng nhợt nhạt.

Điều gì làm nên sự khác biệt giữa tình bạn và tình yêu? Phải là sau này, khi đã nếm đủ mùi yêu thương và đổ vỡ, tôi mới hiểu: Tình yêu là tình bạn cộng với ham muốn sở hữu, mà biểu hiện của ham muốn sở hữu là sự ghen tuông.

Ấy vậy mà hồi đó, tôi chẳng mảy may ghen tuông khi nghe Hương nói về một người con trai nào khác. Tôi thích vuốt tóc cô như vuốt tóc em gái. Tôi cũng nghĩ nhiều đến chuyện gần gũi Hương, nhưng theo kiểu "có thì tốt". Thế nghĩa là không cũng chẳng sao. Dù vậy, có vẫn hơn không, bởi thâm tâm tôi muốn sở hữu Hương để tự khẳng định mình trước lũ bạn. Như một cách tự khẳng định rằng dứt khoát tôi là một thằng đàn ông.

Nếu là tình yêu đích thực thì khi không có nhau người ta sẽ cảm thấy nhớ nhung đến mức không chịu nổi. Nhưng tôi lại thấy rất bình thường nếu không có Hương ở bên.

Có buổi tối thứ bảy, trời chỉ hơi mưa xuân lất phất nhưng tôi cũng ngại, chẳng muốn tới đèo Hương đi chơi, chỉ thích nằm dài ở nhà xem cải lương trên tivi. Hồi đó không có điện thoại, Hương chờ tôi ở nhà mãi không thấy, cô buồn và giận lắm. Tối hôm sau tôi vác mặt đến, hai người cãi vã. Tôi cố làm lành cho phải phép, rủ Hương đi chơi. Cô tần ngần rồi bảo: "Lạnh lắm, hay thôi ở nhà đi anh?". Tôi dỗi:

- Thôi, không đi chơi thì để anh về luôn cho rồi.

Hương có vẻ bất ngờ - cô không tưởng tượng nổi là một người đàn ông cao to, mặt mày vuông vức, trông nam tính đầy mình như tôi mà lại hay hờn dỗi thế. Cô cũng dỗi: "Thế thì anh về đi". Lập tức, tôi bỏ về luôn, không đoái hoài gì nữa.

Những cuộc cãi vã ngày một thường xuyên, và người chủ động làm lành thường là Hương. Có thể cô cũng chạnh lòng nghĩ tôi hãy còn trẻ con, hiếu thắng, mà bỏ qua. Nhiều lúc tính hững hờ của tôi làm Hương buồn, ghen; cô nghi tôi không yêu cô hết mình mà còn san sẻ tình cảm cho một (hoặc những) người con gái khác.

Than ôi, Hương sẽ sốc đến mức nào nếu biết rằng: Đúng, thời gian đó quả thật tôi đang yêu người khác, nhưng là một người đàn ông. Tôi yêu chàng "Lý Tiểu Long" của tôi - Lâm.

Những ngày đầu yêu nhau, tôi cũng đã cuốn hút được Hương bởi vẻ bề ngoài mạnh mẽ và cách nói chuyện hài hước, tôi hay kể những chuyện vui trong bộ đội mà chắc một cô gái Hà Nội như Hương chưa bao giờ được nghe.

Nhưng càng về sau, ngay chính Hương cũng phát hiện ra rằng tôi nhạt nhẽo với cô, rằng tôi không thật sự nam tính, rằng tôi yêu chính bản thân mình hơn là yêu cô. Phụ nữ thường rất nhạy cảm trong việc nắm bắt tình cảm của người yêu cho dù có thể họ không nói hết ra, tôi tin như vậy bởi vì 50% con người tôi là tâm lý phụ nữ.

Ngồi bên Hương, tôi chỉ nhớ đến Lâm: Giờ này Lâm đang làm gì, ở đâu, có đang nghĩ tới tôi không? Tôi nhớ ánh mắt, nụ cười của Lâm, những lời nói, những câu trêu đùa của Lâm với chúng bạn. Đèo Hương đi chơi nhưng ma dẫn lối quỷ đưa đường thế nào, tôi lại đưa cô tới nhà Lâm.

Tôi đến để giới thiệu cho cậu ta biết rằng tôi có cô người yêu "xinh nhất Hà Nội". Và không chỉ có thế, hay nói đúng hơn, không phải vì thế, tôi đến để được ngắm gương mặt rất đỗi thân thương của Lâm. Điên rồ hơn, tôi đến với một ảo tưởng ngu ngốc chỉ có trong một cái đầu mơ mộng: được thấy Lâm... ghen với Hương!

Tình yêu với Hương chỉ kéo dài được quãng bốn, năm tháng gì đó. Ý nghĩ chiếm đoạt Hương để khẳng định bản lĩnh đàn ông tiếp tục lởn vởn trong đầu. Tôi nhiều lần đòi hỏi được gần gũi Hương nhưng cô luôn chống trả quyết liệt. Mấy lần tôi đưa Hương về nhà. Đến nơi, tôi rủ cô lên gác chơi nhưng Hương rất tỉnh táo, nhất quyết không lên. Chúng tôi cãi nhau. Tôi dỗ dành:

- Nếu không lấy được em thì anh không muốn lấy ai nữa. Anh muốn có một đứa con gái thật giống em.

Nhưng cái mẹo quen thuộc ấy không lừa được ai. Kể cũng dễ hiểu, từ trong đáy lòng, tôi không thật sự tin vào điều mình vừa nói. Tôi chỉ muốn chiếm đoạt Hương về mặt thể xác nhiều hơn là có một sự cam kết lâu dài.

Rồi cũng tới ngày tôi và Hương chia tay nhau. Hương nói rất khéo:

- Em với anh không hợp nhau đâu. Tính anh rất hay, nhưng quả thật mình nên chia tay để làm bạn bè anh Dũng ạ.

Không hiểu sao lúc đó bao nhiêu tự kiêu, sĩ diện của tôi đi đâu cả. Tôi tìm mọi cách xuống nước, van nài như một gã si tình thật sự:

- Hương đừng bỏ anh. Anh biết làm thế nào bây giờ? Anh không thể hình dung sẽ như thế nào khi không có em.

Tôi nói mà tôi không nghe tiếng mình, thật ra tôi chẳng hiểu mình đang nhại từ bộ phim hay vở cải lương nào nữa. Tôi không muốn mất Hương, tôi không thể để mất cô ấy. Chỉ có điều chính bản thân tôi cũng chẳng thấy tin tưởng gì vào lời nói của mình.

Lần cuối cùng, tôi tới nhà Hương cùng một người bạn. Tôi ở ngoài, cậu ta vào nói chuyện với Hương. Được một lát, bạn tôi ra ngoài và lắc đầu. Hương không hề suy chuyển. Cô nói rằng tính tôi quá trẻ con, ích kỷ và không có tương lai để một cô gái như cô dựa vào. Rồi Hương xin phép chấm dứt câu chuyện vì phải đi có việc.

Tần ngần hồi lâu, tôi bảo bạn về trước rồi đứng bên kia đường nhìn sang nhà Hương. Tôi ngẫm nghĩ về cái sự "lừng khừng" của mình trong quan hệ với Hương. Hình như bị Hương bỏ, tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn, chỉ chạnh lòng vì như vậy là từ nay, tôi không còn gì để tự hào với chúng bạn nữa.

Đang nghĩ thì thấy một thanh niên đi xe máy tới cổng nhà Hương. Rồi Hương ra mở cửa, hai người ríu ra ríu rít, dĩ nhiên là không ai nhìn thấy tôi đứng xa xa dưới lùm cây hoa giấy đỏ hồng. Ngày đó mới xóa bỏ bao cấp, có một chiếc xe đạp để đi đã là hạnh phúc lắm rồi. Nhìn chiếc Cub 81 "kim vàng giọt lệ" của anh chàng kia, tôi tủi thân vô cùng.

Lầm lũi ra về, tới đoạn đường có gốc cây nơi tôi đã tỏ tình với Hương, tôi dừng lại và ôm mặt khóc nức nở, cảm giác như mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Bây giờ, tôi mới nhận ra rằng cảm giác đó có lẽ là của phái yếu, mấy ai đàn ông bị phụ tình lại khóc nức lên như thế.

Chẳng bao lâu sau, tôi được biết rằng cậu trai đã tới nhà đèo Hương đi hôm đó chính là người yêu cũ của cô. Hai người đã chia tay nhưng rồi quay lại. Tôi chỉ đến trong khoảng thời gian giận dỗi của họ và lấp vào khoảng trống anh ta để lại.

Anh ta kém Hương hai tuổi nhưng là con trai bà chủ của Hương nên rất giàu có, và điều quan trọng là anh ta yêu Hương như cô xứng đáng được yêu. Hương đã nghĩ đến tương lai khi chọn anh ta. Còn tôi có thể mang lại gì cho cô?

"Bóng" - Tự truyện của một người đồng tính (Kỳ cuối)

TP - Người đồng tính nào cũng luôn luôn phải đối mặt với những dằn vặt nội tâm: mình là ai, mình thuộc giới tính nào, mình phải sống thế nào, mình muốn gì?

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,

Hai chàng thi sĩ choáng hơi men...

...Kể chi chuyện trước với ngày sau;

Quên ngó môi son với áo màu;

Thây kệ thiên đường và địa ngục!

Không hề mặc cả, họ yêu nhau".

Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã ám chỉ tình yêu đồng giới của mình với thi phẩm nổi tiếng "Tình trai" một cách tế nhị, thông qua những hình tượng và ngôn ngữ thơ như thế.

Khi không biết mình là ai, người ta hoảng loạn, khi phát hiện ra bản thân mình thì đau đớn, sợ hãi, sau đó hàng ngày đối mặt với cuộc sống không giống mọi người, người đồng tính lại rơi vào bi kịch hổ thẹn, bế tắc, cô đơn; họ ôm mãi "cục" stress mà không giải tỏa được.

Rồi tiếp đó, tất yếu sẽ đến câu hỏi: lộ diện hay không?

Việc gay công khai thân phận của mình, nói không ngoa, là cả một cuộc cách mạng, bởi trước khi ra quyết định, không ai là không lo sợ. Sợ nói ra điều bí mật ghê gớm đó sẽ làm khổ bố mẹ, anh em. Sợ bị người thân hắt hủi, bỏ rơi. Sợ bị chúng bạn chê cười, xa lánh, ghê tởm. Sợ mất đi những mối quan hệ đang tốt đẹp. Sợ sếp và đồng nghiệp ở cơ quan kỳ thị, xua đuổi, mất hết cơ hội thăng tiến...

Nếu người đồng tính là nhân vật nổi tiếng thì sự công khai càng khó khăn gấp bội. Bạn hãy tưởng tượng một ngày nào đó thần tượng âm nhạc của bạn bỗng dưng lại tuyên bố trước toàn thể fan hâm mộ rằng anh ta/cô ta là gay/ lesbian.

Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Thất vọng? Đổ vỡ? Bị lừa dối? Không có gì lạ khi từ trước đến nay, không một người đồng tính nổi tiếng nào ở Việt Nam chính thức thừa nhận xu hướng tình dục đồng giới của mình, mặc dù tin đồn thì đầy ra đấy, hết MC này lại ca sĩ kia, diễn viên nọ dính vào các scandal đồng tính. Hình thức lộ diện cao nhất là họ đến dự các buổi sinh hoạt của người đồng tính, tham gia các hoạt động ủng hộ giới.

Nói cách khác, họ chỉ công khai trong giới mà thôi. Đâm ra tin đồn thì lao xao, mà nghệ sĩ thì cứ ra sức phủ nhận, bằng cách trả lời phỏng vấn về những mối tình với người khác phái, hay bằng cách lập gia đình, sinh con đẻ cái để che mắt dư luận. Nhưng miệng thiên hạ là miệng chum, bịt sao được! Kiểu gì thì những tin đồn về đời sống của nghệ sĩ cũng bị rò rỉ ra ngoài.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy công khai thân phận mang lại lợi ích hơn thiệt hại. Nhưng với những người bạn của tôi thì câu chuyện có thể khác. Dù gì đi nữa, tôi cũng chịu ít ràng buộc hơn họ: vợ thì không lấy, bố mẹ đều đã mất, làm nghề tự do chẳng thuộc về cơ quan tổ chức nào.

Nói chung, chẳng có cách nào dự đoán gia đình, người thân, bè bạn sẽ phản ứng ra sao khi nghe một ai đó tự xưng mình là người đồng tính. Dù ai cũng biết rằng lộ diện tức là sống thật với chính mình, nhưng cái giá của sống thật liệu sẽ thế nào thì ít ai dám chắc.

Vì thế, ở Hà Nội, cho đến giờ phút này, có vẻ như tôi là người duy nhất. Giới nghệ sĩ biểu diễn (showbiz) có một vài người như nhạc sĩ Thái Thịnh, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ - người mẫu Cindy Thái Tài... tóm lại con số đếm được trên đầu ngón tay.

Tôi có một số lần gặp gỡ những người đồng tính nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, làm nhiều nghề khác nhau và không ít trong số họ có địa vị rất cao trong xã hội. Qua tiếp xúc với họ, tôi cũng nghiệm ra được rất nhiều điều. Trước tiên là lối sống và quan điểm của họ về giới đồng tính rất rõ ràng, không che giấu và rất bình đẳng.

Họ hòa nhập vào cộng đồng như những người bình thường khác và công khai chuyện quan hệ đồng giới của mình nếu được hỏi đến. Khi tôi hỏi họ rằng bên nước họ có nhiều người đồng tính không.

Họ trả lời ngay đây không phải là căn bệnh xã hội nên không gọi là "mắc bệnh đồng tính". Theo họ, tỷ lệ người đồng tính chiếm đến 3-5% dân cư tại khu vực sinh sống. Điều đó có nghĩa là sẽ có khoảng ba mươi ngàn người đồng tính ở một thành phố có 1 triệu dân!

Ở Hà Nội, tôi gần như là người duy nhất công khai chuyện mình là gay cả trên phương tiện truyền thông đại chúng. Bài trả lời phỏng vấn ra hôm trước thì hôm sau tôi nhận được hàng chục phản hồi. Ông tổ trưởng dân phố sang nhà tôi nói chuyện, khóc: "Bác thấy bố mẹ cháu mất rồi, cháu sống côi cút, bác cũng thương lắm nhưng mà bác không nghĩ cháu khổ đến mức độ ấy". Tôi cảm động hơn với trường hợp một anh trông xe ở gần nhà tôi. Gặp tôi sáng hôm đó, anh mời tôi điếu thuốc rồi bảo: "Anh bắt tay chú một cái. Anh đọc bài báo đó rồi. Anh xin chia sẻ với chú".

Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người thân, bạn bè đều ủng hộ việc tôi lên báo công khai. Phản đối nhất là một số bạn bè trong giới:

- Tao không hiểu người ta cho mày bao nhiêu tiền mà mày giơ cái mặt lên báo Dũng ạ. Mày đúng là số một đấy.

Tôi cười:

- Phải có người bắn phát súng đầu tiên, chấp nhận hy sinh, mạnh dạn đứng ra chia sẻ để mọi người không kỳ thị dân đồng tính nữa chứ.

Nhưng cũng rất nhiều bạn khác của tôi trong giới tỏ ý ủng hộ, khen tôi dũng cảm. Họ xuýt xoa: "Eo ôi, sung sướng quá, mát ruột quá".

Gần bốn chục tuổi đầu, tôi mới có thể sinh hoạt bình thường như mọi người, không còn mặc cảm, chỉ cần không làm gì thái quá đến mức độ phi đạo đức để dư luận đánh giá xấu về gay, là được thôi. Ngoài ra, đó còn là đóng góp của tôi cho cộng đồng giới tính thứ ba, với tư cách một tuyên truyền viên của Câu lạc bộ H.Đ., nơi mà tôi vẫn coi như mái nhà chung cho người đồng tính, là nguồn vui của tôi bây giờ và cả về sau này, khi tôi đã thành một chàng gay già cô đơn.

Câu lạc bộ H.Đ. được thành lập theo gợi ý của chị N., giám đốc một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, với tôi. Chúng tôi quen nhau tại một hội thảo về sức khỏe tình dục, cụ thể là về việc sử dụng bao cao su và dầu bôi trơn.

Là người trong cuộc, tôi hiểu rằng một câu lạc bộ như thế là rất cần thiết cho tôi và những người như tôi. Chúng tôi ai chẳng mong muốn có một nơi để ngồi lại, chia sẻ, học tập. Ít nhất thì đó cũng là môi trường lành mạnh hơn những bờ bụi, vỉa hè, quán xá, công viên, hồ nước, chợ cóc... nơi chúng tôi vẫn lén lút gặp nhau.

Tại H.Đ., chúng tôi thực hiện tư vấn về giới tính, sức khỏe tình dục, an toàn tình dục, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống v.v. Hai mươi mấy con người, mỗi người mỗi cảnh nhưng đều chung nỗi khổ là số kiếp cô đơn của giới đồng tính.

H.Đ. sớm trở thành mái nhà chung của chúng tôi. Bản thân những người đồng tính - cả bóng kín và bóng lộ - không thương nhau, không bảo nhau sống cho đàng hoàng tử tế, thì làm sao xã hội chấp nhận chúng tôi?

Bạn đừng cười, sự thực là ngay trong cộng đồng giới tính thứ ba này cũng tồn tại sự kỳ thị, phân biệt giữa bóng kín và bóng lộ. Bóng kín không thích bóng lộ "đồng cô, õng ẹo, toàn gây tệ nạn làm xấu mặt cả giới". Bóng lộ chẳng ưa bóng kín không giống mình, không nữ tính, trông vẫn là tướng đàn ông thô kệch mà lại là đối thủ tranh giành bạn tình với mình. Rồi còn mâu thuẫn giữa gay và lesbian nữa...

Với 20% thành viên là bóng lộ, 80% bóng kín, Câu lạc bộ H.Đ. thật sự là một địa chỉ để dân đồng tính gặp gỡ nhau và "đoàn kết" lại.

Một lần chúng tôi tổ chức hội thảo ở phường Trúc Bạch. Tới phần ý kiến của các đại biểu, một phụ nữ bước lên sân khấu, cầm cả tập giấy, đọc một bài dài, lên án kịch liệt tệ nạn đồng tính luyến ái và những nhức nhối do nó gây ra. Hàng chục người đồng tính chúng tôi ngồi phía dưới, vừa tủi thân vừa tức. Đại biểu này nói những câu như chém dao chặt sắt:

- Chúng tôi không chấp nhận. Đây là những người đua đòi, đồi bại, phi đạo đức. Ma túy à, nghiện hút à, mại dâm à, AIDS à. Toàn tệ nạn.

Nhiều ánh mắt dồn về phía tôi mong đợi một ý kiến. Tôi chờ vị nữ đại biểu nọ nói hết mới bước lên sân khấu. Cầm micro, tôi cũng định nói câu gì đấy trang trọng một chút, nhưng chưa kịp nghĩ xem phải nói gì thì từ miệng tôi đã vọt ra:

- Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại hàng ngày, thưa cô.

Gay vốn mau nước mắt. Tôi chỉ nói được một câu như thế, nước mắt đã giàn giụa. Nhưng phía dưới bạn bè bắt đầu vỗ tay tỏ ý ủng hộ, buộc tôi phải lấy lại bình tĩnh để nói thêm:

- Đồng tính không phải lựa chọn của chúng cháu. Gia đình chúng cháu cũng vậy. Nếu được lựa chọn, lúc nào chúng cháu cũng mơ về một mái ấm gia đình, mơ sống cho bằng người, bằng bạn bằng bè chứ chẳng ai muốn thế này.

Cử tọa vỗ tay rầm rầm. Tôi tự tin hơn, nói tiếp:

- Giới đồng tính cũng có những tệ nạn như cô nói - ma túy, mại dâm, dẫn đến AIDS. (Chính vì thế mà chúng cháu mới cần đến những câu lạc bộ như H.Đ để tuyên truyền về sức khỏe tình dục.)

Nhưng nhiều người trong giới chúng cháu không phải là đồ bỏ đi. Là người đồng tính nhưng chúng cháu vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ của công dân với đất nước. Bản thân cháu đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Rồi chúng cháu cũng vẫn phải làm những công việc nặng nhọc mà xã hội chỉ định cho nam giới...

Giọng tôi đến đây đã run lên, khản đi vì xúc động. May quá, từ phía dưới, một bác già có vẻ là cán bộ về hưu đã bước tới đón lấy micro, đỡ lời:

- Thôi các bác ạ, bây giờ không nên quan niệm khắt khe nữa. Các cháu này (chỉ vào tôi) chẳng có tội tình gì, mà chính mình, với lương tâm của người mẹ, mình phải nghĩ nếu không may đẻ ra một đứa con như thế thì mình làm gì? Không lẽ lại giết con đi à, hay hắt hủi gớm ghiếc nó để nó sa ngã? Sinh ra như nó là bất hạnh lắm rồi, phải không các bác?

Dù đau lòng, nhưng tôi không trách người phụ nữ đã đọc bài phát biểu công kích. Tôi tin tình hình sẽ được cải thiện dần dần. Sự thay đổi nhận thức về giới tính thứ ba cũng đã diễn ra một cách từ từ, dần dần.

Tôi đã chứng kiến cả quá trình, từ chỗ không ai hiểu đồng tính luyến ái là gì, cho đến ngày nay khi xã hội có khái niệm "đồng tính luyến ái". Quá trình ấy diễn ra ngót một phần tư cuộc đời tôi còn gì. Bản thân tôi cũng mất nhiều năm để hiểu chính mình.

Tôi từng nghĩ mình bệnh hoạn. Đến bây giờ, tôi mới thực hiểu: Người đồng tính là người bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ có cái khác là khuynh hướng tình dục bẩm sinh, chúng tôi thích người cùng giới. Sẽ là đơn giản và hồn nhiên nếu nói đây là vấn đề sở thích.

Nhưng quả thật, nó giống như một điều hết sức tự nhiên ở con người, như thể có người thuận tay phải thì cũng có người thuận tay trái. Giới tính là một dạng lỏng, không thể đưa nó vào khuôn khổ. Đồng tính luyến ái có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, trong bất kỳ giai tầng nào, xã hội nào.

Đồng tính không lây. Không có virus đồng tính luyến ái!

Đồng tính không phải một căn bệnh.

Xin đừng xem chúng tôi như những con bệnh.

Đồng tính không phải sự đua đòi, cũng không phải hậu quả của bản tính ủy mị, yếu đuối, kém bản lĩnh.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ, vẫn ấn tượng về câu phát biểu của mình trong nước mắt, vào cái buổi họp căng thẳng hôm đó:

- Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại, thưa cô.

"Bóng"- tự truyện của một người đồng tính Việt Nam đầu tiên được in thành sách (Nguyễn Văn Dũng), do hai nhà báo Hoàng Nguyên và Đoan Trang chấp bút, Cty DOMINO và NXB Văn học phối hợp ấn hành, dày hơn 340 trang, giá 62.000đ sẽ phát hành rộng rãi từ đầu tháng 8/2008.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro