Tu duy thinh vuong - Phan05
5. Yếu tố định hình suy nghĩ thứ hai: Làm theo khuôn mẫu
Cách thứ hai để suy nghĩ của chúng ta được định hình là làm theo khuôn mẫu, hay bắt chước. Cha mẹ và những người có ảnh hưởng lên bạn yêu thích hay căm ghét gì trong lĩnh vực liên quan đến tiền bạc trong khoảng thời gian bạn đang lớn? Ai trong cha mẹ bạn hay cả hai đều quản lý tốt tiền bạc hoặc họ không biết quản lý tiền bạc? Họ là những người tiết kiệm hay có thói quen chi tiêu nhiều? Họ là những nhà đầu tư khôn ngoan hay không hề quan tâm đến lĩnh vực này? Họ là những người chấp nhận mạo hiểm hay những người bảo thủ? Tiền bạc luôn có sẵn trong nhà bạn hay thất thường? Tiền bạc có dễ đến trong nhà bạn hay nó đến rất khó khăn? Tiền bạc có là nguồn vui trong nhà bạn hay là nguyên nhân của những tranh cãi cay đắng?
Tại sao những thông tin này lại quan trọng như vậy? Có lẽ bạn đã nghe câu này: "Bắt chước như khỉ". Vâng, con người cũng không khác là bao. Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta đã học hỏi hầu như mọi thứ từ thế giới xung quanh bằng cách bắt chước.
Mặc dù phần lớn chúng ta không thích công nhận điều này, nhưng đó hoàn toàn là sự thật trần trụi trong câu châm ngôn cổ: "Quả táo không rơi quá xa gốc cây táo".
Tôi nhớ câu chuyện về một phụ nữ rán thịt chuẩn bị cho bữa tối luôn bằng cách cắt bớt một chút ở hai đầu miếng thịt. Trông thấy vậy, người chống tỏ ra ngạc nhiên và hỏi nguyên nhân tại sao cô lại làm như thế. Cô đáp: "Đó là cách mẹ em vẫn thường làm". Tình cờ hôm ấy mẹ cô đến ăn tối, và họ hỏi bà tại sao bà cắt đi hai đầu của miếng thịt trước khi cho vào chảo rán. Bà mẹ đáp: "Bà ngoại các con vẫn làm như vậy". Thế là họ quyết định gọi điện cho bà ngoại để hỏi tại sao. Trả lời của bà ngoại? "Bởi vì cái chảo của bà quá nhỏ!"
Điểm đáng lưu ý ở đây là nói chung, chúng ta hay có xu hướng trở nên giống hệt cha hoặc mẹ mình, hoặc là sự kết hợp của cả hai trong lĩnh vực tiền bạc.
Ví dụ, cha tôi là một doanh nhân. Ông làm trong lĩnh vực xây dựng. Ông tham gia thực hiện những công trình xây dựng cỡ khoảng từ một tá đến khoảng một trăm ngôi nhà cho một dự án. Mỗi công trình ngốn một khoản đầu tư khổng lồ. Cha tôi thường phải dồn hết mọi thứ ông có và còn phải vay nặng lãi thêm từ ngân hàng cho đến khi những ngôi nhà được bán hết và tiền mặt chảy về suôn sẻ. Vì vậy, trong khoảng thời gian bắt đầu mỗi công trình, chúng tôi thường không có tiền và thường ngập "đến cổ" trong nợ nần.
Bạn có thể hình dung, trong những thời gian đó cha tôi thường không trong tâm trạng vui vẻ lắm, cũng như không giữ thái độ hào phóng như bình thường ông vốn thế nữa. Nếu tôi hỏi xin tiền ông để mua bất cứ thứ gì dù chỉ vài xu, câu trả lời thông thường của ông là: "Tôi là gì hả, người tôi làm bằng tiền chắc?" hoặc "Con có điên không đấy?". Tất nhiên, tôi không được xu nào, nhưng cái mà tôi cảm nhận được là ánh mắt "Đừng bao giờ nghĩ đến việc xin tiền nữa". Tôi chắc là các bạn cũng biết điều đó.
Kịch bản đó thường kéo dài một hoặc hai năm cho đến khi những căn nhà cuối cùng cũng được bán hết. Khi đó, chúng tôi quay cuồng trong vui sướng. Hoàn toàn nhanh đến bất ngờ, cha tôi trở nên khác hẳn. Ông thật hạnh phúc, dễ thương, và cực kỳ hào phóng. Ông có thể đến và hỏi xem tôi có cần tiền không. Tôi chỉ muốn "trả" ông ánh mắt nọ, nhưng tôi đã không dại dột đến vậy nên chỉ nói, "Vâng, cảm ơn cha", và sáng mắt lên.
Cuộc sống thật tuyệt vời... cho đến khi ngày đó đến, khi cha tôi trở về nhà và thông báo, "Tôi tìm thấy miếng đất tốt. Chúng ta sẽ lại xây nhà." Tôi trả lời theo phản xạ tự nhiên: "Tuyệt, thưa cha, chúc may mắn", nhưng tim tôi chìm xuống, biết rằng những ngày gian khó lại bắt đầu.
Công thức đó kéo dài từ khi tôi có thể nhớ, khi tôi lên khoảng 6 tuổi, cho đến khi tôi hai mươi mốt, thời điểm tôi dời đi hẳn khỏi nhà cha mẹ. Và nó dừng lại như thế, hay ít ra là tôi nghĩ thế.
Ở tuổi hai mốt, tôi nghỉ học và trở thành, bạn đoán đúng đấy, nhà xây dựng. Tôi bước vào vài việc kinh doanh khác nhau theo dạng dự án. Không hiểu do đâu, tôi kiếm được một tài sản nho nhỏ, nhưng rất nhanh sau đó, tôi mất sạch. Tôi lại lao vào công việc khác và tin là mình đã ở trên đỉnh cao của thế giới lần nữa, để rồi lại đụng đáy một năm sau đó.
Cái công thức thu nhập lên-và-xuống lặp đi lặp lại gần mười năm trước khi tôi nhận ra có thể đó không phải do loại hình công việc tôi đã chọn, không phải do đối tác tôi đã làm chung, không phải do tình trạng của nền kinh tế hay do tôi đã quyết định rút ra sớm quá khi mọi thứ đang tiến triển tốt. Cuối cùng tôi cũng nhận thấy có thể, chỉ có thể thôi, tôi đã sống một cách vô thức theo công thức thu nhập lên-và-xuống của cha tôi.
Tất cả những gì tôi có thể nói là, nhờ tôi học được những điều các bạn sẽ học trong sách này tôi đã có thể điều chỉnh lại bản thân, vượt ra khỏi các khuôn mẫu thu nhập "lên-xuống" đó để có nguồn thu nhập bền vững và luôn tăng trưởng.
Hôm nay, mong muốn thay đổi của tôi vẫn còn thôi thúc, mặc dù mọi thứ đang rất tốt đẹp. Nhưng hiện giờ trong đầu tôi là những bộ hồ sơ tâm thức hoàn toàn khác đang theo dõi cảm xúc của tôi và nói: "Cảm ơn đã chia sẻ. Giờ chúng ta hãy tập trung vào công việc."
Một ví dụ khác từ một trong những cuộc hội thảo của tôi tổ chức ở Orlando, Florida. Như thường lệ, mọi người lần lượt đứng lên các bậc thềm để chụp ảnh và nói lời thăm hỏi hay tạm biệt nhau. Tôi sẽ không thể quên một người đàn ông tuổi cao vì ông ta bước lên mà vẫn run bần bật. Ông ta thở một cách nặng nhọc và liên tục lau nước mắt bằng cái khăn mùi-xoa của ông. Tôi hỏi xem liệu có thể giúp gì cho ông không. Ông tâm sự: "Tôi năm nay đã 63 tuổi rồi. Tôi thường xuyên đọc sách và tham dự các buổi hội thảo từ khi chúng được nghĩ ra. Tôi đã gặp nhiều diễn giả và cố gắng áp dụng mọi điều họ đã dạy. Tôi đã thử mua cổ phiếu, đầu tư vào bất động sản, tham gia hàng tá lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Tôi thậm chí còn quay lại trường đại học và lấy được tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Tôi có nhiều kiến thức hơn mười người bình thường cộng lại, vậy mà tôi chưa bao giờ làm được như vậy trong kết quả tài chính. Tôi thường có sự khởi đầu luôn rất thuận lợi nhưng sau đó lại kết thúc với hai bàn tay trắng. Suốt những năm đó tôi không hiểu tại sao vậy. Tôi nghĩ tôi thật vô dụng, tôi là lão già ngu ngốc...cho đến tận hôm nay."
"Cuối cùng, sau khi nghe những phân tích của anh, và làm theo các bước của quá trình, tôi chợt hiểu ra mội điều. Tôi đã không làm gì sai cả. Chỉ vì kế hoạch tài chính trong tâm thức của cha tôi đã ăn sâu vào đầu tôi và trở thành trở ngại của tôi. Cha tôi đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đại suy thoái. Mỗi ngày ông đều phải cố tìm việc làm hoặc bán hàng gì đó, nhưng ông vẫn thường trở về tay không. Tôi ước tôi hiểu về quá trình định hình suy nghĩ qua khuôn mẫu từ 40 năm trước. Thật là phí thời gian biết bao, phí bao nhiêu công sức học hành và bao kiến thức gom nhặt được". Rồi ông bắt đầu khóc thành tiếng.
Tôi nói: "Kiến thức ông học được sẽ không phí, nó chỉ được giữ lại và chờ cơ hội để phát huy hiệu quả. Bây giờ, khi ông đã lập lại một kế hoạch thành công trong tâm thức mới cho mình, mọi thứ mà ông từng học sẽ trở nên hữu ích và ông sẽ tiến rất nhanh đến thành công".
Với phần lớn chúng ta, khi nghe một điều chúng ta hiểu rõ, chúng ta biết nó là lời nói thật. Nhẹ lòng vì được chia sẻ, ông thở sâu hơn. Rồi một nụ cười rạng rỡ xuất hiện trên gương mặt của ông. Ông ôm rất chặt vai tôi và nói: "Cảm ơn, cảm ơn anh rất nhiều".
Lần cuối tôi biết tin từ ông là tất cả đều bùng nổ: ông đã dành dụm được nhiều tài sản trong vòng mười tám tháng gần đây hơn cả mười tám năm trước đó cộng lại. Tôi rất vui mừng!
Như vậy, bạn có thể có mọi kiến thức và kỹ năng của thể giới này, nhưng nếu "kế hoạch trong tâm thức" của bạn không được cài đặt để thành công, thì chắc chắn bạn sẽ gặp phải thất bại thảm hại.
Chúng tôi thường có những học viên tham dự các khóa Seminar mà cha mẹ họ trải qua chiến tranh Thế giới II hoặc sống trong thời ký Đại suy thoái kinh tế. Những người đó thường bị sốc khi họ hiểu ra những kinh nghiệm của cha mẹ đã tác động và tạo nên niềm tin và thói quen của họ về tiền bạc đến thế nào. Một số thì chi tiêu như điên bởi vì "bạn có thể dễ dàng mất hết tiền bạc, vậy hãy tận hưởng nó khi bạn còn có thể". Một số khác thì đi theo hướng ngược lại: họ giữ khư khư những đồng tiền của mình và "tiết kiệm cho những lúc khó khăn".
Một lời tỉnh táo: Tiết kiệm cho những ngày khó khăn có thể là một ý tưởng tốt, nhưng nó có thể gây nên nhiều vấn đề lớn. Một trong những nguyên tắc chúng tôi dạy trong một khóa học khác là Sức mạnh của Ý định. Nếu bạn tiết kiệm tiền bạc cho những ngày khó khăn, bạn sẽ nhận được gì? Những ngày khó khăn! Thay vì tiết kiệm cho những ngày khó khăn, hãy tập trung vào việc tiết kiệm cho những ngày hạnh phúc hoặc cho ngày bạn giành được tự do tài chính. Khi đó, theo tinh thần của Luật Sức mạinh của Ý định, bạn sẽ nhận được chính xác những ngày như thế.
Phần trên chúng ta đã nói rằng phần lớn mọi người đều chịu ảnh hưởng của cha hoặc mẹ hoặc cả hai trong những vấn đề tiền bạc, nhưng vẫn có trường hợp ngược lại. Một số trong chúng ta lại trở nên hoàn toàn đối lập với một người hoặc cả hai cha mẹ mình. Tại sao điều đó xảy ra? Có thể từ "sự giận dữ" và "sự nổi loạn" đã nói lên điều gì đó? Nói tóm lại, tất cả đều phụ thuộc vào việc bạn gần gũi và noi theo hay muốn tách ra khỏi họ đến mức nào.
Rất tiếc, khi là con cái, chúng ta không thể nói với cha mẹ mình: "Cha và Mẹ, con mời ngồi. Con có việc muốn nói với cha mẹ. Con không thích cách cha mẹ quản lý tiền bạc của mình, hoặc cuộc sống của mình, và vì vậy, khi con lớn, con sẽ làm những điều đó khác hẳn. Con hy vọng cha mẹ sẽ hiểu. Bây giờ thì chúc cha mẹ ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp".
Không, không, không thể làm như thế được. Thay vào đó, khi "cái nút" của chúng ta được nhấn, nói chung chúng ta sẽ bùng nổ và những gì phát ra sẽ đại loại như: "Con căm ghét cha mẹ! Con sẽ không bao giờ giống cha mẹ. Khi lớn lên, con sẽ giàu có. Và con sẽ có bất cứ thứ gì con muốn dù cha mẹ có thích điều đó hay không". Và chúng ta chạy về phòng riêng của mình, đóng sầm cửa lại, rồi làm nhàu nát chăn gối hay đập phá bất cứ cái gì, chỉ để giải tỏa sự ức chế, bấn loạn của mình.
Nhiều người xuất thân từ những gia đình nghèo khó đã tỏ ra oán giận và nổi loạn vì điều đó. Thường thì họ bỏ nhà đi để làm mọi cách để trở nên giàu có hay ít nhất là họ có lý do để làm vậy. Nhưng có một gút mắc nhỏ, cái hóa ra lại là vấn đề lớn. Dù những người này đã thật sự giàu có hay họ vẫn đang làm việc hết sức mình để trở nên giàu có thì họ cũng không thực sự hạnh phúc. Tại sao? Nguyên nhân là bởi động lực kiếm tiền của họ xuất phát từ sự oán giận và sự phản ứng. Vì thế, trong tâm trí họ, tiền bạc gắn với sự giận giữ, và khi những người này càng kiếm được nhiều tiền thì sự giận dữ trong họ lại càng lớn.
Cuối cùng, họ tự nói với mình: "Tôi đã quá mệt mỏi vì giận dữ và căng thẳng. Tôi chỉ muốn bình yên và hạnh phúc". Họ hỏi tâm trí của họ - "chủ thể" tạo ra sự liên kết tiền bạc với nỗi giận, "Phải xử lý tình huống này như thế nào?" Tâm trí của họ trả lời: "Nếu muốn rũ bỏ sự tức giận đó, bạn sẽ phải rũ bỏ mớ tiền bạc kia". Và họ làm thế. Từ trong tiềm thức của mình, họ đã quyết định sẽ vứt bỏ tiền bạc.
Họ chi tiêu thật lớn hay đầu tư sai lầm, hay ly dị, hoặc hủy hoại thành công của mình bằng cách khác. Không quan trọng, bởi vì lúc đó những kẻ ngốc này thấy mình hạnh phúc. Có thật thế không? Không phải! Thật ra là giờ đây cuộc sống của họ càng trở nên tồi tệ hơn trước, bởi vì họ không chỉ giận giữ mà còn vừa giận giữ vừa túng quẫn. Họ đã từ bỏ không đúng thứ cần phải từ bỏ!
Họ đã rũ bỏ tiền bạc thay vì sự giận dữ, từ bỏ phần hoa trái thay vì thay đổi phần gốc rễ. Trong khi đó, vấn đề thật sự là, và luôn luôn là, nỗi giận dữ giữa họ với cha mẹ mình. Và khi nào nỗi giận đó còn chưa được giải tỏa thì họ vẫn sẽ không bao giờ thật sự hạnh phúc hay bình yên, bất kể họ giàu hay nghèo.
Lý do hay động cơ bạn kiếm tiền hay tạo ra thành công rất quan trọng. Nếu động cơ kiếm tiền hay thành công của bạn xuất phát từ những nguyên nhân không tích cực như sợ hãi, giận dữ, hay nhu cầu chứng tỏ bản thân thì tiền bạc sẽ không bao giờ mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc.
Tại sao vậy? Bởi vì bạn không thể giải quyết những vấn đề trên bằng tiền bạc. Lấy nỗi sợ hãi làm ví dụ. Trong giờ giảng của mình, tôi thường hỏi cả khán thính phòng, "Bao nhiêu người trong các bạn có thể nêu nỗi sợ hãi là động lực chính cho thành công?" Không nhiều người giơ tay.
Qui tắc Thịnh vượng số 7:
Nếu động cơ kiếm tiền hay thành công của bạn xuất phát từ những nguyên nhân không tích cực như sợ hãi, giận dữ, hay nhu cầu chứng tỏ bản thân thì tiền bạc sẽ không bao giờ mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc.
Tuy nhiên, tôi hỏi tiếp: "Bao nhiêu người trong các bạn coi sự an toàn là động lực chính cho thành công?" Hầu như tất cả mọi người giơ tay. Nhưng bạn đoán xem, sự an toàn và nỗi sợ hãi đều có xuất phát điểm từ cùng một điều. Tìm kiếm sự an toàn là do có sự không an toàn, và nỗi sợ cũng do sự không an toàn.
Vậy thì, liệu có nhiều tiền hơn có thể xua đi nỗi sợ hãi? Bạn mong thế! Nhưng câu trả lời là hoàn toàn không. Tại sao? Bởi vì tiền bạc không phải gốc rễ của vấn đề, mà là nỗi sợ hãi. Tình hình còn tồi tệ hơn khi sự sợ hãi không chỉ là vấn đề mà là một thói quen. Khi đó, việc kiếm được nhiều tiền hơn sẽ chỉ làm thay đổi loại nỗi sợ của chúng ta mà thôi. Khi túng quẫn đa số chúng ta đều lo sợ rằng mình không bao giờ kiếm ra tiền nữa. Tuy nhiên khi đã kiếm ra tiền rồi thì nỗi sợ hãi của chúng ta lại biến thành: "Điều gì sẽ sảy ra nếu tôi đánh mất những thứ tôi đã làm ra?", hoặc "mọi người đều muốn thứ tôi đang có", hoặc "tôi là con bò mộng cho sở thuế họ làm thịt đây". Tóm lại, chừng nào chúng ta chưa động đến gốc rễ của vấn đề và giải quyết nỗi sợ hãi, không có số tiền nào có thể giúp bạn.
Tất nhiên, nếu được lựa chọn, phần lớn chúng ta sẽ chọn thà có tiền và lo lắng mất tiền hơn là hoàn toàn không có tiền, nhưng không có lựa chọn nào là cách sống sáng suốt cả.
Với những người bị nỗi sợ hãi chi phối, nhiều người bị thôi thúc phải thành công về mặt tài chính chỉ để chứng tỏ với xã hội là mình "giỏi giang đến độ". Chúng ta sẽ bàn chi tiết về điều này trong Phần II của cuốn sách, nhưng bây giờ bạn chỉ cần nhận thức rằng không có khoản tiền nào có thể khiến bạn cảm thấy "mình giỏi" cả. Tiền bạc không thể làm bạn trở thành con người bạn vốn đang là được.
Một lần nữa, do xuất phát từ sự sợ hãi, động cơ "luôn phải chứng tỏ mình" đã trở thành một thói quen, cách sống quen thuộc. Thậm chí bạn không hề nhận ra rằng nó đang điều khiển bạn. Bạn tự gọi mình là người có mục đích, có quyết tâm, quyết đoán và tất cả những đặc điểm này đều tốt cả. Chỉ có một câu hỏi: Tại sao? Cái gì là động cơ sâu xa điều khiển tất cả?
Đối với những người bị ám ảnh "phải chứng tỏ mình là người giỏi giang" thì không có khoản tiền nào có thể làm giảm nỗi đau mà vết thương bên trong đã gây ra làm cho tất cả mọi thứ và tất cả mọi người trong đời họ đều không "đến độ". Mọi của cải đều là không đủ đối với những người nghĩ rằng bản thân họ chưa đủ xứng đáng.
Tất cả là trong bản thân bạn. Hãy nhớ, thế giới bên ngoài phản chiếu "thế giới bên trong" của bạn. Nếu bạn tin là mình không đầy đủ, bạn sẽ xác nhận niềm tin đó và tạo ra thực tế rằng bạn sẽ không được đầy đủ. Mặt khác, nếu bạn tin bạn luôn thừa thãi, giàu có thì bạn sẽ xác nhận niềm tin đó và tạo ra sự sung mãn. Tai sao? Bởi vì "sự giàu có" là nguồn gốc của bạn, nó sẽ trở thành cách sống tự nhiên, là bản chất của bạn.
Bằng cách tách rời động cơ tài chính ra khỏi sự giận dữ, sợ hãi, và cả nhu cầu chứng tỏ bản thân, bạn hoàn toàn có thể thiết lập những mối quan hệ mới để trở nên giàu có thông qua mục đích, sự đóng góp và niềm vui. Theo cách ấy, bạn sẽ không bao giờ từ bỏ tiền bạc của mình để mong đổi lấy hạnh phúc.
Làm kẻ nổi loạn hay đối lập với cha mẹ mình không phải bao giờ cũng là vấn đề. Ngược lại, nếu bạn là kẻ nổi loạn (thường là trường hợp của người con thứ trong nhà) và cha mẹ bạn không có thói quen tiền bạc tốt, rất có thể làm ngược với họ lại là điều tốt. Mặt khác, nếu cha mẹ bạn là những người thành công và bạn nổi loạn chống lại họ, bạn sẽ gặp những rắc rối tài chính lớn.
Cách nào cũng vậy, điều quan trọng là phải nhận ra cách sống của bạn là thế nào so với cách sống của cha mẹ bạn trong lĩnh vực tiền bạc.
Các bước tạo ra sự thay đổi thông qua định hình suy nghĩ bằng cách làm theo khuôn mẫu
Nhận thức: Quan sát cách cư xử, thói quen của cha mẹ hay những người thân có ảnh hưởng đến bạn trong quá khứ về vấn đề tiền bạc và sự giàu có. Hãy viết ra mức độ tương đồng hay đối lập giữa bạn và họ.
Hiểu biết: Liệt kê những ảnh hưởng của hành động làm theo những khuôn mẫu đó (bắt chước người khác) đối với đời sống tài chính của bạn.
Tách biệt: Bạn nhận ra rằng cách cư xử đó là do bạn bị ảnh hưởng và học được bị động từ những yếu tố, khuôn mẫu bên ngoài, chứ không thuộc về bản chất của bạn. Ngay từ lúc này đây, bạn có thể lựa chọn để trở nên khác biệt.
Tuyên bố: Hãy nói to
"Về những quan điểm về tài chính, trước giờ tôi chỉ làm theo người khác. Ngay từ bây giờ tôi sẽ làm theo cách của tôi."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro