Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Từ ĐỘC TÀI đến DÂN CHỦ

Lời Mở Ðầu

Một trong những quan tâm chính của tôi trong nhiều năm trời là làm sao người ta có thể ngăn ngừa hay phá đổ các chế độ độc tài. Tôi nuôi dưỡng ước mơ này một phần vì tin rằng không thể để con người bị lấn áp hay hủy hoại bởi những chế độ như vậy. Niềm tin đó ngày càng thêm mãnh liệt sau khi tôi tìm đọc những bài viết về mức hệ trọng của tự do, về bản chất của các chế độ độc tài (từ những tư tưởng của Aristotle đến các phân tích về chủ nghĩa toàn trị), và về diễn trình lịch sử của các chế độ độc tài (cách riêng là những hệ thống cai trị kiểu Ðức Quốc Xã và Stalin).

Trong những năm qua, tôi có nhiều cơ hội quen biết với những người từng khổ sở dưới sự cai trị của Ðức Quốc Xã, kể cả những người còn sống sót sau những năm tháng trong trại tập trung. Tại Na Uy tôi gặp những người còn sống sau những ngày tháng đứng lên chống lại phát-xít và được kể về những đồng đội của họ đã hy sinh. Tôi đã trò chuyện với những người Do Thái vượt thoát bàn tay Quốc Xã và những ân nhân đã giúp họ trốn chạy.

Sự hiểu biết của tôi về nỗi kinh hoàng tại nhiều nước dưới chế độ Cộng Sản đến từ sách vở nhiều hơn là qua các tiếp cận với con người. Ðối với tôi, nỗi kinh hoàng từ những hệ thống cai trị này còn cay đắng hơn nhiều vì nó được thi hành nhân danh giải phóng con người khỏi áp bức và bóc lột.

Trong những thập niên gần đây, qua giao tiếp với những người sống tại các nước bị cai trị độc tài như Panama, Ba Lan, Chi Lê, Tây Tạng, Miến Ðiện, đặc tính của những chế độ độc tài ngày nay hiện ra càng lúc càng rõ hơn. Từ kinh nghiệm của những người Tây Tạng đã từng chống lại sự hung hãn của Cộng Sản Trung Quốc, những người Nga từng chặn đứng ý định đảo chánh của cánh ngoan cố vào tháng 8 năm 1991, và những người Thái từng dùng cách bất bạo động để chặn đứng cánh quân đội trở lại nắm quyền, tôi dần dần thu thập được nhiều góc nhìn rất đáng lo về bản chất tai hại ngấm ngầm của các chế độ độc tài.

Niềm phẫn uất trong tôi trước những hành vi thô bạo cùng với lòng ngưỡng phục những con người quá điềm tĩnh, anh hùng và can đảm càng thêm mạnh mẽ sau những chuyến tìm hiểu của tôi tại một số vùng nguy hiểm mà nỗ lực chống cự của những con người can đảm vẫn tiếp diễn. Ðó là đất nước Panama dưới tay ông Noriega; vùng Vilnius thuộc Lithuania dưới sự áp bức triền miên của Liên Xô; quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh trong những ngày tưng bừng tung hô tự do và trong đêm oan nghiệp mà chiếc thiết vận xa đầu tiên tiến vào; và sau hết, đó là tổng hành dinh giữa rừng già của lực lượng dân chủ phản kháng tại Manerplaw trong vùng "Miến Ðiện giải phóng".

Thỉnh thoảng tôi có dịp thăm viếng những nơi có các nhà đấu tranh đã ngã gục, như trạm phát hình và nghĩa địa tại Vilnius, công viên Riga nơi dân chúng bị bắn hàng loạt, trung tâm Ferrara tại Bắc Ý Ðại Lợi nơi phát-xít giàn các nhà kháng cự ra xử tử, và một nghĩa trang đơn sơ tại Manerplaw đầy xác những thanh niên còn quá trẻ. Một nhận thức buồn thảm là mọi chế độ độc tài đều để lại đằng sau đầy chết chóc và tàn phá như vậy.

Từ những quan tâm và kinh nghiệm này, nảy sinh trong tôi niềm hy vọng mạnh mẽ rằng ngăn chặn độc tài là việc có thể làm được, rằng những cuộc đấu tranh chống độc tài có thể đạt tới thành công mà không phải chịu cảnh chém giết tràn lan từ mọi phía, rằng các chế độ độc tài có thể bị phá hủy và ngăn chận không trỗi dậy được nữa.

Tôi đã cố gắng suy nghĩ cẩn thận về những cách mang hiệu quả cao nhất để làm tan rã chế độ độc tài với tối thiểu tổn thất về sinh mạng và khổ đau. Trong nỗ lực này tôi đã tham khảo kết quả nghiên cứu nhiều năm của tôi về các chế độ độc tài, những phong trào kháng cự, các cuộc cách mạng, những giòng tư tưởng chính trị, các hệ thống chính phủ, và đặc biệt về đấu tranh bất bạo động trong thực tiễn.

Tài liệu này là kết quả của nỗ lực nêu trên. Tôi chắc chắn là nó chưa hoàn hảo, nhưng có lẽ nó đề ra được một số khung sườn để giúp suy nghĩ và hoạch định ra những phong trào giải phóng mãnh liệt hơn và hiệu quả hơn.

Vì nhu cầu và cũng do chủ ý của tôi, tài liệu này chỉ tập trung vào các nguyên tắc chung làm sao phá bỏ một chế độ độc tài và ngăn chận một chế độ độc tài khác nổi lên. Tôi không thể soạn ra một bản phân tích chi tiết hay một toa thuốc cho từng quốc gia. Tuy nhiên, tôi hy vọng những phân tích chung này sẽ hữu ích cho những dân tộc đang sống dưới ách độc tài tại nhiều quốc gia. Họ sẽ là người xét xem các phân tích này có đúng với trường hợp của họ không và các đề nghị có thể áp dụng vào cuộc đấu tranh giải phóng của họ không.

Tôi mang ơn nhiều người trong quá trình hình thành tài liệu này. Bruce Jenkins, người phụ tá đặc biệt của tôi, đã đóng góp vô kể qua việc nhận dạng các khiếm khuyết trong nội dung và cách trình bày, và qua những góp ý của ông để các ý tưởng khó được trình bày rõ hơn và mạnh hơn, cũng như các góp ý về bố cục và sửa chữa. Tôi cũng rất biết ơn sự giúp đỡ biên soạn của Stephen Coady. Tiến sĩ Christopher Kruegler and Robert Helvey đã cung cấp nhiều phê bình và góp ý quan trọng. Tiến sĩ Hazel McFerson và tiến sĩ Patricia Parkman đã cung cấp cho tôi dữ kiện về các cuộc đấu tranh tại Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Mặc dù được nhận những hỗ trợ tử tế và rộng lượng đó, tôi xin chịu mọi trách nhiệm về những phân tích và kết luận trong tài liệu này.

Không một chỗ nào trong bài phân tích này mà tôi tự cho là việc phản kháng lại các kẻ độc tài là chuyện dễ hay không tốn gì cả. Mọi cuộc đấu tranh đều có rắc rối và tổn thất. Chống lại các kẻ độc tài dĩ nhiên cũng không tránh khỏi có thương vong. Tuy nhiên tôi hy vọng rằng bài phân tích này sẽ thúc đẩy các vị lãnh đạo phản kháng quan tâm đến những chiến lược vừa gia tăng sức mạnh đấu tranh lại vừa giảm thiểu mức độ thương vong.

Bài phân tích này cũng không hàm ý rằng khi một chế độ độc tài chấm dứt thì mọi vấn đề khác cũng sẽ biến mất. Sự sụp đổ của một chế độ cai trị không biến một nước thành địa đàng. Ðúng hơn, nó chỉ mở ra con đường cho những nỗ lực kiên trì và trường kỳ để xây dựng những mối quan hệ chính trị, kinh tế, và xã hội công bằng hơn, và xóa đi những hình thức bất công và áp bức. Tôi hy vọng bài khảo sát ngắn gọn này về phương cách làm tan rã một chế độ độc tài sẽ ích lợi cho bất cứ dân tộc nào đang sống dưới sự khống chế và đang khao khát tự do.

Gene Sharp

Ngày 6 tháng 10 năm 1993

Học Viện Albert Einstein

PO BOX 455East Boston, MA 02128

http://www.aeinstein.org/

Chương 1

Đối Diện Chế Độ Độc TàiMột Cách Thực Tế

Trong những năm gần đây đủ loại chế độ độc tài - dù có gốc xuất phát từ trong hay ngoài nước - đã sụp đổ hay nghiêng ngửa khi phải đối diện với một khối dân chúng bất phục được huy động. Tuy nhìn có vẻ bám rất chặt và kiên cố, nhưng nhiều chế độ độc tài trong số này không chịu đựng nổi sức phản kháng có điều hợp trên cả 3 mặt chính trị, kinh tế và xã hội của quần chúng.

Từ năm 1980 chế độ độc tài đã sụp đổ trước sự phản kháng, mà đa phần là bất bạo lực, của dân chúng Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc, Slovenia, Madagascar, Mali, Bolivia, và Phi Líp Pin. Khả năng kháng cự bất bạo động đã đẩy mạnh các phong trào dân chủ tại Nepal, Zambia, Nam Hàn, Chi lê, Argentina, Haiti, Brazil, Uruguay, Malawi, Thái Lan, Bun ga ri, Hung ga ri, Zaire, Nigeria và nhiều phần lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ (đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại vụ đảo chánh tháng 8 năm 1991 của nhóm giáo điều).

Ngoài ra, hiện tượng phản kháng chính trị (1) từ quần chúng cũng xảy ra tại Trung Hoa, Burma (Miến Ðiện), và Tibet (Tây Tạng) những năm gần đây. Mặc dù những cuộc tranh đấu này chưa chấm dứt được chế độ cai trị độc tài hay ách ngoại xâm, nhưng đã vạch trần bản chất tàn bạo của những chế độ áp bức đó trước cộng đồng thế giới và cung cấp cho quần chúng nhiều kinh nghiệm quý báu về phương thức đấu tranh này.

Hiển nhiên sự sụp đổ của chế độ độc tài tại những quốc gia nói trên chưa xóa hết những vấn nạn xã hội khác. Ðói nghèo, phạm pháp, quan liêu thư lại, và những hủy hoại môi sinh thường là di sản của bạo quyền. Tuy nhiên, sự sụp đổ của các chế độ độc tài ít nhất cũng đã giảm thiểu đáng kể nỗi khổ đau của những nạn nhân bị đàn áp, và mở đường cho việc xây dựng lại xã hội với các quyền dân chủ chính trị, tự do cá nhân, và công bằng xã hội sâu rộng hơn.

Vấn Nạn Còn Tiếp Diễn

Quả thực, trong mấy thập niên vừa qua, trên khắp thế giới đã phát sinh xu hướng dân chủ hóa và phát triển các quyền tự do rộng lớn hơn. Theo thống kê thế giới hàng năm của viện Freedom House về tình trạng quyền chính trị và quyền dân sự, những quốc gia được liệt kê vào loại "có tự do" đã đang gia tăng đáng kể trong vòng 10 năm qua (2).

Có Tự Do Tự Do Bán Phần Không Có Tự Do

1974 41 (27%) 48 (32%) 63 (41%)

1984 53 (32%) 59 (35%) 55 (33%)

1994 76 (40%) 61 (32%) 54 (28%)

2004 89 (46%) 54 (28%) 49 (26%)

Tuy nhiên, xu hướng đáng vui mừng này phần nào bị sứt mẻ vì con số người đang sống dưới các chế độ toàn trị vẫn còn quá lớn. Tính đến tháng 1 năm 1993, 31% của tổng số 5.45 tỉ người trên thế giới đang sống tại những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thuộc loại "không có tự do" , tức những nơi mà các quyền chính trị và dân sự bị giới hạn cùng cực. Cả thảy 38 quốc gia và 12 vùng lãnh thổ thuộc loại "không có tự do" bị thống trị bởi đủ loại độc tài quân phiệt (như Burma và Sudan), phong kiến áp bức từ xa xưa truyền lại (như Ả Rập Saudi và Bhutan), những đảng chính trị khuynh loát (như Trung Hoa, Iraq, Bắc Hàn), quân ngoại xâm (như Tibet, East Timor), hoặc đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

Nhiều quốc gia ngày nay đang trong tình trạng thay đổi nhanh chóng về kinh tế, chính trị, và xã hội. Tuy con số những quốc gia thuộc loại "có tự do"3 gia tăng trong 10 năm qua, nhưng mối nguy cơ lớn là nhiều quốc gia, vì thay đổi quá cơ bản và quá nhanh như vậy, sẽ đi vào hướng ngược lại và rơi vào những loại độc tài mới. Những tập đoàn quân đội, những cá nhân đầy tham vọng, những viên chức dân cử, và những đảng chính trị giáo điều sẽ tìm đủ cách áp đặt tham vọng của họ lên người khác. Ðảo chánh sẽ tiếp tục là hiện tượng phổ thông. Một phần lớn nhân loại tiếp tục bị từ khước các quyền căn bản của con người và các quyền chính trị.

Đáng tiếc là quá khứ vẫn còn tồn tại. Tệ nạn độc tài còn hằn sâu. Dân chúng nhiều nước đã chịu đựng cảnh áp bức, dù có gốc phát xuất từ bên ngoài hay trong nước, hàng thập niên, hay ngay cả hàng thế kỷ. Thường thì sự quy phục vô điều kiện đối với các quan chức hay kẻ cầm quyền đã được nhồi nhét vào đầu dân chúng từ lâu đời. Trong những trường hợp cực kỳ tệ hại, nhà nước hoặc đảng cầm quyền còn cố tình làm suy yếu, áp đặt quyền chỉ huy hoặc ngay cả thay thế những định chế kinh tế, chính trị, xã hội, thậm chí cả tôn giáo - còn nằm ngoài sự kiểm soát của chế độ - bằng những định chế mới rời rã, và dùng những định chế này để kiểm soát xã hội. Người dân thường bị nguyên tử hóa (bị biến thành một khối những cá nhân đơn độc), khiến họ không thể hợp lực đòi tự do, tin tưởng ở nhau, hay ngay cả dám làm điều gì tự phát.

Hệ quả của chính sách này khá đương nhiên: dân chúng trở nên yếu đuối, thiếu tự tin, và mất khả năng kháng cự. Người dân thường quá sợ không dám chia sẻ ngay cả với gia đình và bè bạn lòng căm tức chế độ độc tài và nỗi khát khao tự do của họ. Dân chúng thường quá kinh hãi chẳng bao giờ dám thực sự nghĩ đến việc kháng cự công khai. Họ luôn tự nhủ có chống cũng chẳng ích gì, và thế là tiếp tục chấp nhận khổ đau không mục đích và nhìn vào tương lai không mảy may hy vọng.

Tình trạng dưới các chế độ độc tài hiện nay có lẽ tồi tệ hơn trước nhiều. Lý do là vì một số người đã thử kháng cự lại. Một số cuộc biểu tình hay phản đối ngắn ngủi của dân chúng đã diễn ra. Có thể tinh thần có phấn chấn nhất thời. Cũng có lúc, nhiều cá nhân hay nhóm nhỏ đã giương lên một số cử chỉ dũng cảm, tuy vô vọng, để nhấn mạnh một số qui luật luân lý hay để đơn thuần biểu thị thái độ phản kháng của họ. Mặc dù với những động lực cao cả như vậy, loại hành động kháng cự này của quá khứ thường không đủ để giúp dân chúng vượt qua sợ hãi và thói quen tuân phục đã có từ lâu. Ðây là hai chướng ngại phải vượt qua trước hết để phá sập một chế độ độc tài. Thật đáng buồn khi những hành động đó, thay vì đem lại chiến thắng và hy vọng, thì chỉ làm tăng thêm khổ đau và chết chóc.

Giành Tự Do Bằng Bạo Lực?

Thế thì phải làm gì trong những trường hợp như vậy? Những giải pháp xem chừng hiển nhiên thì lại đều vô dụng. Những ràng buộc về luật pháp và hiến pháp, những phán quyết của tòa án, và sự phán xét của dư luận thường bị những kẻ độc tài làm ngơ. Ðiều dễ thông cảm là khi bị đối xử bằng những trò thô bạo, tra tấn, thủ tiêu, và giết chóc người ta thường kết luận rằng chỉ có bạo lực mới có thể kết thúc một thể chế độc tài. Ðã có những nạn nhân quá căm phẫn, kết hợp đánh lại những tên độc tài thô bạo bằng tất cả những phương tiện quân sự hay bạo lực có thể kiếm được, bất kể sự chênh lệch lực lượng giữa hai bên. Ðây là những người chiến đấu dũng cảm, đã trả giá rất đắt bằng những cực hình và sinh mạng của chính họ. Cũng có khi họ đạt được một số thành quả đáng phục, nhưng rất hiếm khi giành lại được tự do. Những cuộc bạo loạn dễ châm ngòi cho những trận đàn áp tàn bạo, để lại hậu quả một khối quần chúng càng thấy mình bất lực hơn nữa.

Cho dù phương thức dùng bạo lực có lợi ích gì đi nữa nhưng có một điều đã rất rõ là: Khi đặt tin tưởng vào phương cách bạo lực, các nhà tranh đấu đã chọn ngay cách đấu tranh mà những kẻ đàn áp hầu như luôn luôn chiếm ưu thế. Những kẻ độc tài có đầy đủ trang bị để đánh phủ đầu bằng bạo lực. Cho dù các nhà dân chủ có cầm cự được lâu hay chóng, thực tế thảm thương sau cùng của việc đối chọi bằng súng ống thường không tránh được. Phía độc tài hầu như luôn luôn nắm ưu thế về súng ống, đạn dược, phương tiện vận chuyển, và quân số. Cho dù dũng cảm tới đâu, những nhà dân chủ hầu như luôn luôn không đáng là đối thủ.

Khi nhận ra việc nổi loạn theo kiểu chiến tranh qui ước là không thực tế, một số nhà đối kháng chuyển sang chiến tranh du kích. Tuy nhiên chiến tranh du kích, hiếm khi đem lại lợi ích cho khối quần chúng bị áp bức hay đem lại được dân chủ. Chiến tranh du kích không phải là một giải pháp dễ chấp nhận, cách riêng là vì con số thương vong thường rất cao của đồng đội. Cách thức này cũng không đảm bảo là sẽ không thất bại, cho dù đã có đủ loại lý thuyết và phân tích chiến lược đi kèm, kể cả đôi lúc có viện trợ quốc tế. Các cuộc đấu tranh du kích thường kéo rất dài. Dân chúng thường bị giới cầm quyền buộc phải bỏ nhà bỏ cửa, tạo thêm vô số nhọc nhằn và mất thăng bằng trong xã hội.

Ngay cả trong trường hợp thành công, chiến tranh du kích thường để lại những hệ quả tai hại lâu dài và có tính nền móng cho đất nước. Một hệ quả ngay trước mắt là khi chế độ cai trị bị tấn công, họ càng trở nên độc tài hơn nữa để chống trả lại. Còn nếu các nhà du kích sau cùng thắng cuộc, chế độ mới hình thành lại thường độc tài hơn cả chế độ trước, do hiện tượng tập trung quyền kiểm soát quân đội trong lúc gia tăng thêm quân số, cũng như do tình trạng các đoàn thể và định chế độc lập đã bị làm suy yếu hay tiêu diệt trong thời gian đấu tranh. Các tổ chức này vô cùng cần thiết để thiết lập và duy trì một xã hội dân chủ. Những người tranh đấu để chấm dứt độc tài nên tìm một giải pháp khác.

Ðảo Chánh, Bầu Cử, hay trông chờ Cứu Tinh Ngoại Quốc?

Phương cách đảo chánh quân sự để lật đổ độc tài thoạt nhìn có vẻ như là cách dễ và nhanh nhất để loại trừ một chế độ đáng ghét. Tuy nhiên, phương cách này có nhiều nhược điểm rất nghiêm trọng. Nhược điểm lớn nhất là nó duy trì quyền kiểm soát chính phủ và quân đội trong tay một nhóm nhỏ chứ không chuyển quyền lực đó cho toàn dân. Việc loại trừ một số người hay tập đoàn ra khỏi các vị trí chính quyền đơn thuần chỉ để có chỗ cho những nhóm khác tương tự bước vào. Trên lý thuyết thì nhóm mới sẽ cư xử ôn hòa hơn và cởi mở hơn trong một giới hạn nào đó về các cải sửa theo hướng dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế người ta thường chỉ thấy những kết quả ngược lại.

Sau khi củng cố địa vị, tập đoàn mới có khi còn tàn nhẫn và nhiều tham vọng hơn cả nhóm cũ. Kết cuộc, tập đoàn mới - mà nhiều người đặt kỳ vọng - chỉ làm những gì họ muốn mà chẳng đếm xỉa gì đến dân chủ hay nhân quyền. Ðảo chánh, vì vậy, không phải là giải pháp có thể chấp nhận để giải quyết vấn đề cai trị độc tài.

Bầu cử dưới chế độ độc tài không phải là cách thức để tiến tới những thay đổi chính trị đáng kể. Một số chế độ độc tài, như khối Đông Âu mà Liên Xô khuynh loát, cũng thường tổ chức bầu cử một cách máy móc cho có vẻ dân chủ. Những cuộc bầu cử đó được kiểm soát chặt chẽ để công chúng chỉ bầu những ứng viên mà những kẻ độc tài đã chọn. Có đôi lúc, khi áp suất quá lớn, một vài chế độ độc tài chấp thuận cho tổ chức bầu cử nhưng rồi cũng gian lận để đưa tay sai của họ vào những vị trí trong chính quyền. Nếu các ứng viên đối lập ra tranh và thắng cử, như đã xảy ra ở Burma năm 1990, và Nigeria năm 1993, thì kết quả bầu cử bị xem như không có và "các người thắng" bị đủ loại hù dọa, bắt bớ, hay ngay cả xử tử. Không có chuyện kẻ độc tài lại để cho các cuộc bầu cử truất phế họ khỏi ghế quyền lực.

Những người đang khổ sở dưới ách độc tài thô bạo, hay vừa chạy thoát khỏi bàn tay bạo quyền thường không tin là những người đang bị đàn áp có thể giải phóng chính mình. Họ trông chờ vào người khác sẽ cứu vớt dân tộc họ, tức một lực từ ngoại quốc vì chỉ có sự giúp đỡ của quốc tế mới đủ mạnh để truất phế độc tài.

Quan điểm cho rằng những người đang bị đàn áp không thể hành động hiệu quả được thỉnh thoảng cũng có lúc đúng. Như đã thấy, những người bị trị thường không muốn và có lúc không dám đấu tranh bởi vì họ không tin vào khả năng trực diện bạo quyền của họ, và không tin có cách nào có thể giải phóng họ. Vì vậy có thể hiểu được tại sao họ đặt sự chờ mong giải phóng từ người ngoài. Thế lực bên ngoài đó có thể là công luận quốc tế, Liên Hiệp Quốc, một quốc gia nào đó, hay những biện pháp cấm vận về chính trị và kinh tế của thế giới.

Một viễn cảnh như vậy nghe có phần êm tai, nhưng cũng có nhiều vấn đề nghiêm trọng trong hướng mong ước dựa vào cứu tinh ngoại quốc này. Trước hết niềm tin có thể bị đặt sai chỗ, vì thường thì chẳng có cứu tinh nào đến cả, và nếu có nước nào đó nhảy vào can thiệp thì có lẽ lại càng không nên tin vào thiện ý của nước này.

Một vài thực tế phũ phàng về sự trông cậy vào những can thiệp của ngoại quốc cần được nhấn mạnh ở đây:

• Ngoại quốc thường chấp nhận cho qua, và ngay cả tích cực hỗ trợ một thể chế độc tài để đẩy mạnh các quyền lợi kinh tế hay chính trị của họ.

• Ngoại quốc có thể bán đứng một dân tộc bị đàn áp, thay vì giữ lời giúp giải phóng họ, khi cần trả giá cho một mục tiêu khác.

• Một số chính phủ ngoại quốc có hành động chống lại chế độ độc tài nhưng chỉ để gia tăng mức khuynh loát về kinh tế, chính trị hay quân sự của họ trên đất nước này.

• Ngoại quốc có thể tích cực tham gia vì các mục tiêu tốt khi và chỉ khi phong trào đối kháng trong nước đã bắt đầu làm rung chuyển chế độ độc tài, và nhờ đó tập trung được sự chú tâm của thế giới vào bản chất thô bạo của chế độ.

Độc tài chuyên chế thường tồn tại được chính yếu là nhờ nắm hầu hết quyền lực trong nước. Dân chúng và xã hội thì quá yếu không làm gì nổi chế độ, do đó của cải và quyền lực tập trung vào một số rất ít nhân sự. Mặc dù chế độ độc tài có thêm chút lợi nhuận hay bị yếu đi một chút vì sự tiếp tay hay tẩy chay của thế giới, nhưng sự sống còn của họ tùy thuộc chính vào những yếu tố trong nước.

Tuy vậy, áp lực quốc tế vẫn có thể rất hữu dụng khi đã có một phong trào kháng cự mạnh mẽ trong nước. Khi đó, những biện pháp như thế giới tẩy chay kinh tế, cấm vận, cắt đứt quan hệ ngoại giao, trục xuất khỏi các tổ chức quốc tế, lên án tại các cơ quan Liên Hiệp Quốc, v.v. sẽ góp phần trợ giúp rất lớn. Tuy nhiên, nếu không có một phong trào kháng cự mạnh mẽ trong nước thì khó lòng vận động được thế giới làm những hành động trên.

Đối diện với một sự thật đầy khó khăn

Kết luận rút từ các điểm trên đây quả là những điều khó thực hiện, nhưng những ai muốn lật đổ chế độ độc tài một cách hữu hiệu nhất và ít tổn thất nhất đều phải làm ngay bốn việc:

• Phải tăng cường sức mạnh của khối quần chúng bị áp bức bằng chính sự quyết tâm, lòng tự tin, và những cách thức kháng cự;

• Phải tăng cường sức mạnh của các đoàn thể xã hội độc lập và những định chế của khối quần chúng bị áp bức;

• Phải tạo cho được một lực lượng kháng cự mạnh trong nước; và

• Phải khai triển một kế hoạch chiến lược tổng quan sáng suốt cho nỗ lực giải phóng dân tộc và áp dụng kế hoạch này một cách khéo léo.

Ðấu tranh giải phóng là giai đoạn rất cần tinh thần tự lực cánh sinh và sức mạnh nội tại của đoàn thể đang tiến hành công cuộc đấu tranh. Như Charles Stewart Parnell từng kêu gọi trong suốt chiến dịch đình công tại Ái Nhĩ Lan (Ireland) vào những năm 1879 và 1880:

Dựa vào chính phủ chẳng ích gì.... Bạn phải dựa vào chính sự quyết tâm của mình mà thôi. ... Hãy tự giúp mình bằng cách đứng chung lại với nhau ... vun bồi sức lực cho những người đuối sức trong hành ngũ. ... kết hợp lại với nhau, đoàn ngũ hóa. ... và chắc chắn bạn phải thắng ...

Khi bạn đã làm cho vấn đề này chín mùi phải giải quyết, khi đó và chỉ khi đó, nó mới được giải quyết (4).

Trước một đội ngũ hùng hậu, tự lực, có chiến lược khôn ngoan, hành động dũng cảm, kỷ luật, và thực sự có sức mạnh nội tại, chế độ độc tài cuối cùng sẽ phải sụp đổ. Tuy nhiên, bốn công việc kể trên vẫn là những điều kiện tối thiểu phải hoàn tất để thành công.

Như phần trình bày bên trên cho thấy, nỗ lực thoát ách độc tài cuối cùng vẫn tùy thuộc vào khả năng tự giải phóng của chính dân tộc đó.

Những trường hợp phản kháng chính trị thành công - hay đấu tranh bất bạo động cho các mục tiêu chính trị - liệt kê bên trên cho thấy thực sự có giải pháp cho mọi dân tộc giải thoát chính mình. Vấn đề là chưa khai triển giải pháp ra mà thôi. Trong những chương sau chúng ta sẽ nghiên cứu cặn kẽ giải pháp này. Tuy nhiên, trước khi làm việc đó chúng ta hãy thử xét đến vấn đề có nên dùng cách thương lượng để tháo gỡ những chế độ độc tài hay không.

Chương 2

Những Nguy Hiểm Của Thương Lượng

Khi phải trực diện với những khó khăn trầm trọng trong việc đối đầu với một chế độ độc tài (như kết quả thống kê ở chương 1), có người lùi trở về tư thế qui phục thụ động. Một số khác vì cảm thấy chẳng còn chút hy vọng gì giành được dân chủ, nên cho rằng phải đành chấp nhận thực tế là sự hiện diện vững bền của chế độ độc tài, với hy vọng rằng qua "nhượng bộ", "hòa giải" và "thương lượng" họ có thể vớt vát được một vài yếu tố thuận lợi và xin ngưng những trấn áp tàn bạo. Nhìn bề ngoài, khi không còn con đường nào khác khả thi, lối suy nghĩ này quả là có sức thu hút đối với nhiều người.

Nhiều câu hỏi bật lên. Cương quyết đương đầu với bạo quyền độc tài không phải là chuyện sung sướng gì, thế thì tại sao lại phải chọn con đường đó? Sao không chọn thái độ biết điều và tìm cách thảo luận, thương lượng phương cách dần dần chấm dứt nền độc tài? Tại sao những nhà dân chủ không đánh thức các kẻ độc tài về lòng nhân đạo và thuyết phục họ giảm dần ách thống trị mỗi ngày một ít và cuối cùng chấp nhận trọn vẹn việc thiết lập một nền dân chủ?

Cũng có lập luận cho rằng không có phe phái nào hoàn toàn đúng cả. Không chừng những nhà dân chủ đã hiểu lầm những kẻ độc tài chỉ vì họ buộc phải lấy quyết định trong những hoàn cảnh khó khăn nhưng với động lực tốt trong lòng? Lại cũng có người nghĩ rằng những kẻ độc tài sẽ hoan hỷ rút lui để khỏi phải đối phó với những vấn nạn đang đè nặng trên cả nước nếu có ai thúc giục, khuyến khích họ. Một số khác cho rằng nên đề nghị với những kẻ độc tài loại giải pháp "cùng thắng", nghĩa là mọi phía đều đạt được một số điều. Và cũng có khuynh hướng tranh luận rằng, nếu lực lượng dân chủ đối lập chịu giàn xếp cuộc chiến bằng giải pháp hòa bình qua thương lượng (có thể với sự trợ giúp của những chuyên gia hoặc một chính quyền khác đứng giữa) thì sẽ tránh được những nguy hiểm và tổn thất không cần thiết từ cuộc đấu tranh dai dẳng. Như vậy không hay hơn là một đấu tranh đầy gian khổ hay sao, dù là bằng phương pháp tranh đấu bất bạo động thay vì bằng chiến tranh quân sự.

Những ưu điểm và hạn chế của thương lượng

Thương lượng là một công cụ rất hữu dụng để giải quyết một số vấn đề trong các cuộc xung đột và không nên bị lãng quên hoặc bác bỏ khi thích hợp. Trong những trường hợp không đụng đến các vấn đề cốt lõi và do đó một số tương nhượng có thể chấp nhận được, thì giải pháp thương lượng có thể là một phương tiện quan trọng để giải quyết xung đột. Loại đình công đòi tăng lương là một thí dụ thích hợp cho việc dùng thương lượng để giải quyết: mức lương sau cùng sẽ nằm đâu đó giữa hai con số mà mỗi bên đưa ra. Tuy nhiên loại xung đột về quyền lợi lao động với các công đoàn hợp pháp khác xa chuyện xung đột để quyết định sự tồn tại của một bạo quyền độc tài hoặc để thiết lập nền tảng chính trị tự do.

Khi những mục tiêu tranh đấu là những vấn đề có tính rất cơ bản, có thể ảnh hưởng đến các nguyên lý tôn giáo, các nguyên tắc về nhân quyền, hoặc ảnh hưởng lên toàn bộ tương lai phát triển của xã hội, thì thương lượng không phải là phương cách để đạt tới một giải pháp thoả mãn cả đôi bên. Có những vấn đề cơ bản không cho phép một chút nhượng bộ nào. Ðây là những vấn đề mà chỉ khi nào cán cân quyền lực nghiêng về phía các nhà dân chủ thì mới đủ bảo đảm chúng không bị đe dọa. Và quyền lực chỉ nghiêng về phía dân chủ qua đấu tranh chứ không nhờ thương lượng. Nói như vậy không có nghĩa là không bao giờ nên dùng thương lượng. Điểm chính yếu cần nói ở đây là thương lượng không phải là giải pháp thực tế để gỡ bỏ một chế độ độc tài vững mạnh mà không cần đến một lực lượng dân chủ đối lập hùng hậu.

Thương lượng hoàn toàn không thể được chọn làm giải pháp. Vì những kẻ độc tài một khi đã cắm rễ sâu rộng và đang ngồi vững chắc trên ghế cai trị sẽ chẳng bao giờ chịu thương lượng với các nhà đối lập dân chủ. Có chăng là các trường hợp gài bẫy, sau khi các buổi thương lượng bắt đầu, thì các nhà thương thuyết dân chủ đột nhiên biến mất và từ đó chẳng còn ai nghe biết gì về họ nữa.

Ðầu hàng qua thương lượng?

Những cá nhân hoặc nhóm muốn chống đối độc tài qua đường thương lượng thường vì động lực tốt trong lòng. Nhất là khi cuộc đấu tranh vũ trang chống bạo quyền đã kéo dài nhiều năm mà không đạt được thắng lợi cuối cùng, ai nấy dù thuộc chính kiến nào cũng mong muốn hoà bình. Ðó là điều dễ hiểu và cảm thông. Việc nghiêng về giải pháp thương lượng lại càng dễ đối với các nhà dân chủ khi mức chênh lệch về quân sự của phía độc tài quá lớn và khi mức tàn phá, tổn thất nhân mạng trong hàng ngũ dân chủ đã vượt quá sức chịu đựng. Tại điểm đó người ta dễ bị thúc đẩy đi tìm bất kỳ con đường nào khác để may ra còn vớt vát một vài mục tiêu dân chủ còn lại và cùng lúc chấm dứt cái vòng lẩn quẩn giữa bạo lực và trả thù bạo lực.

Lời đề nghị "hòa bình" qua thương lượng của chế độ độc tài với nhóm đòi dân chủ, hiển nhiên, là không thành thật. Lý do là vì những người cai trị độc tài có thể ra lệnh ngưng ngay những màn trấn áp thô bạo nếu họ thực sự muốn thôi chiến tranh chống lại nhân dân họ. Chính các kẻ độc tài có thể khởi động ngay, chứ chẳng cần đợi thương lượng, việc phục hồi sự tôn trọng nhân quyền và nhân vị, thả các tù nhân chính trị, chấm dứt tra tấn, ngưng các cuộc hành quân, rút lui khỏi chính quyền và xin lỗi nhân dân.

Khi một nền độc tài còn vững chắc nhưng cứ bị quấy rầy bởi một lực kháng cự dai dẳng, những kẻ cai trị rất có thể muốn thương thuyết với nhóm đối kháng để họ chịu đầu hàng dưới dạng làm "hòa". Sự mời gọi thương thuyết nghe qua có vẻ hấp dẫn nhưng những hiểm nguy đang nằm chờ ngay trong các phòng họp.

Mặt khác, trong những trường hợp lực lượng đối lập rất mạnh và chế độ độc tài đang bị đe dọa thật sự, những kẻ cai trị cũng rất có thể muốn thương lượng để cố vớt vát quyền lực và tài sản được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Trong trường hợp này, phía dân chủ không nên giúp nhóm độc tài thực hiện những ý định này.

Các nhà dân chủ phải cảnh giác về những cạm bẫy mà phía độc tài cố tình dấu vào tiến trình thương thuyết. Khi chính những người cai trị kêu gọi thương lượng về những vấn đề căn bản để thiết lập tự do chính trị, nhiều phần là họ đang phủ dụ những nhà dân chủ đầu hàng thôi chống cự trong khi những đàn áp thô bạo của chế độ vẫn tiếp tục. Trong loại đấu tranh này, việc mở cuộc thương lượng chỉ chính đáng khi đã đến giai đoạn chót - khi mà hầu như toàn bộ quyền lực của những kẻ độc tài đã bị phá hủy và họ chỉ còn muốn thương lượng để được an toàn tới phi trường bay đi lưu vong.

Thế lực và công lý trong thương lượng

Nếu những nhận xét trên nghe quá gay gắt đối với phương cách giải quyết bằng thương lượng, có lẽ chỉ vì người ta còn gắn liền quá nhiều điều lãng mạn với phương cách này. Thái độ đó cần được trung hòa lại vì tỉnh táo là điều kiện cần thiết để tiến hành việc thương lượng.

"Thương lượng" không có nghĩa là hai bên ngồi lại với nhau một cách bình đẳng và thảo luận nội vụ rồi giải quyết những khác biệt đã dẫn đến xung đột giữa đôi bên. Có hai điều phải nhớ ở đây. Một, kết quả thương lượng không phụ thuộc vào quan điểm về công lý của đôi bên. Hai, kết quả thương lượng phần lớn được định đoạt bởi khối thế lực của mỗi bên.

Một vài câu hỏi khó khăn cần được lưu tâm là mỗi bên còn có thể làm gì để đạt mục tiêu sau khi đối phương không chịu đi đến một thoả thuận nào tại bàn hội nghị? Hoặc mỗi bên có thể làm gì nếu đạt được thỏa thuận rồi nhưng đối phương bội ước và lại dùng sức mạnh nắm bắt các mục tiêu bất kể những điều đã ký kết?

Trong quá trình thương lượng, việc đạt đến một thỏa thuận không nhờ vào kết quả đánh giá các mặt đúng sai của vấn đề, mặc dù có thể thảo luận rất nhiều. Kết quả thật sự của cuộc thương lượng đến từ sự lượng định thế lực của từng nhóm hoặc cán cân quyền lực giữa các nhóm đang đối đầu. Các nhà dân chủ phải làm gì để bảo đảm những đòi hỏi tối thiểu của mình không thể bị từ chối? Những kẻ độc tài phải làm gì để tiếp tục nắm quyền và hóa giải các nhóm dân chủ? Nói cách khác, nếu có thỏa thuận được điều gì thì nhiều phần nó là kết quả của mỗi bên thẩm định cán cân quyền lực đôi bên, và những tính toán xem nếu tiếp tục đấu tranh thì kết quả sẽ ra sao.

Một điều cần chú ý kỹ là xem mỗi bên phải hy sinh những gì để đi đến một thỏa thuận. Cuộc thương lượng thành công nào cũng đòi hỏi có sự nhượng bộ của cả hai bên. Mỗi bên sẽ đạt một phần của các điều mình đòi hỏi và phải chịu bớt một phần các mục tiêu ban đầu.

Trong những trường hợp chế độ độc tài vô cùng khắc nghiệt, các lực lượng ủng hộ dân chủ phải nhượng bộ những gì cho phía độc tài? Phía dân chủ phải chấp nhận những đòi hỏi gì từ phía độc tài? Liệu phía dân chủ có phải tặng cho phía độc tài (dù đó là một đảng chính trị hay một nhóm quân nhân) một vị trí vĩnh viễn trong chính quyền, ghi rõ vào hiến pháp chăng? Nếu thế thì thể chế dân chủ nằm đâu trong cách sắp xếp này?

Ngay cả trong trường hợp mọi chuyện diễn tiến tốt trong các cuộc thương lượng, câu hỏi vẫn cần phải đặt ra: Kết quả đạt được là thứ hòa bình gì? Và như vậy cuộc sống sẽ tốt hơn hay tệ hơn so với chọn lựa nếu nhóm dân chủ bắt đầu hay tiếp tục đấu tranh?

Những nhà độc tài "dễ tính"

Các nhà độc tài có thể có nhiều động cơ và mục tiêu đằng sau sự áp chế của họ: quyền lực, chức vụ, tiền của, cải tạo xã hội, v.v... Ðiều cần nhớ là các mục tiêu này chỉ được đáp ứng ngày nào họ còn ngồi ở vị trí nắm quyền. Trong trường hợp mở cuộc thương lượng những kẻ độc tài đương nhiên cố gắng duy trì những mục tiêu của họ.

Cho dù phía độc tài có hứa hẹn gì đi nữa tại bàn hội nghị, không ai được phép để mình quên rằng những kẻ độc tài sẵn sàng hứa bất cứ điều gì để kéo cho bằng được phe dân chủ đối lập vào vòng qui phục và rồi sau đó trắng trợn vi phạm những cam kết này.

Nếu các nhà dân chủ đồng ý ngưng kháng cự để trì hoãn tình trạng áp bức, họ sẽ rất thất vọng. Ngưng đấu tranh hiếm khi nào làm giảm áp bức. Một khi các lực cản quốc nội và quốc tế bị gỡ bỏ, phía độc tài có thể còn thẳng tay áp bức tàn bạo hơn trước. Sự tàn lụi của làn sóng kháng cự quần chúng xóa đi chính sức mạnh đã giới hạn tầm kiểm soát và mức độ thô bạo của chế độ. Và thế là các bạo chúa tha hồ truy diệt bất cứ ai tùy ý. Như Krishanal Shridharani đã viết: "Vì bạo chúa chỉ có lực áp đặt những cái ách mà chúng ta không có sức để cưỡng lại." (5)

Kháng cự mới là yếu tố chính yếu tạo thay đổi trong một cuộc đối đầu về những vấn đề cơ bản, chứ không phải thương lượng. Gần như trong mọi trường hợp, nỗ lực kháng cự phải liên tục để đẩy lùi độc tài khỏi ghế quyền lực. Các trường hợp thành công đa số không được định đoạt bởi thương lượng mà là kết quả của việc sử dụng khôn khéo những phương tiện kháng cự thích hợp và mãnh liệt nhất đang có trong tay. Ðiều mà chúng tôi muốn chứng minh, sẽ được khảo sát chi tiết trong các chương sắp tới, là phản kháng chính trị, hay đấu tranh bất bạo động, mới là phương pháp mãnh liệt nhất để tranh đấu cho tự do.

Loại hòa bình nào?

Nếu phía độc tài và dân chủ chịu ngồi xuống thảo luận về hòa bình, thì lại càng cần khả năng suy nghĩ vô cùng sáng suốt vì những mối nguy hiểm đang chực chờ. Không phải ai nói đến chữ "hòa bình" cũng muốn loại hoà bình đi kèm với tự do và công lý. Chịu khuất phục trước những đàn áp tàn ác và thụ động chấp nhận những kẻ độc tài không nương tay trên sự tang thương của hàng trăm ngàn nạn nhân không phải là thứ hòa bình thực sự. Hitler thường kêu gọi hòa bình, loại hòa bình mang nghĩa khuất phục theo ý muốn của ông ta. Hòa bình của kẻ độc tài không khác gì sự yên tĩnh của nhà tù hoặc của nấm mồ.

Ngoài ra còn có những nguy hiểm khác. Những nhà thương thuyết với thiện ý thường lẫn lộn giữa mục tiêu thương lượng và diễn trình thương lượng. Hơn thế nữa, những nhà thương thuyết dân chủ hoặc những chuyên gia ngoại quốc nhận lời giúp tiến trình thương lượng có thể đã vô tình để chính hành động này cung cấp sự chính danh cho chế độ độc tài trước dân chúng trong nước và thế giới. Trước thời điểm này chế độ độc tài không được ai công nhận vì hành động cướp chính quyền, vi phạm nhân quyền và tàn bạo của họ. Những kẻ độc tài rất khao khát sự chính danh này để có thể tiếp tục cai trị vô hạn định. Những người ủng hộ hòa bình không nên cung cấp cho chế độ sự chính danh này.

Những lý do để hy vọng

Như đề cập ở trên, những lãnh tụ đối kháng có thể thấy mình bị đẩy vào thế phải thương lượng vì cảm giác vô vọng trong cuộc đấu tranh dân chủ. Tuy nhiên cảm giác bất lực đó sẽ thay đổi vì độc tài không thể kéo dài mãi mãi. Người dân sống dưới ách độc tài không nhất thiết là sẽ yếu mãi và những kẻ độc tài không phải lúc nào cũng được để cho ngồi ở thế mạnh. Triết gia Aristotle hàng ngàn năm trước đã từng nói: "Các chế độ độc tài hoặc do một nhóm nhỏ thống trị đều chết yểu so với bất kỳ kiểu tập hợp nào khác ... Tựu chung, các chế độ độc tài đều không kéo được lâu dài."6 Những thể chế độc tài hiện đại cũng trong tình cảnh bấp bênh tương tự. Những nhược điểm của chế độ chúng ta có thể tấn công được và do đó sức mạnh của họ chúng ta có thể làm tan rã được. (Chương Bốn sẽ khảo sát những nhược điểm này chi tiết hơn).

Lịch sử cận đại cho thấy sự mỏng manh của các nền độc tài và các chế độ này có thể sụp đổ trong một giai đoạn tương đối ngắn. Nếu phải mất mười năm - 1980-1990 - mới giật sập chế độ độc tài Cộng Sản tại Ba Lan, thì chỉ mất vài tuần là xong tại Đông Đức và Tiệp Khắc vào năm 1989. Tại El Salvador và Guatamela năm 1944 các cuộc đấu tranh chống lại chế độ quân phiệt tàn bạo chỉ mất khoảng hai tuần tại mỗi nơi. Chế độ có quân đội hùng mạnh của Shah Hoàng tại Iran bị suy sụp trong vòng vài tháng. Chế độ độc tài Marcos tại Phi Luật Tân (Phi-Líp-Pin) sụp đổ trước thế lực của quần chúng trong vòng vài tuần năm 1986: chính phủ Hoa Kỳ liền bỏ rơi Tổng Thống Marcos khi sức mạnh của nhóm đối lập bắt đầu lộ rõ. Cuộc đảo chánh của nhóm giáo điều tại Liên Xô vào tháng 8 năm 1991 bị chận đứng trong vòng vài ngày bởi lực lượng đối kháng chính trị. Sau đó, nhiều nước nhỏ bị khuynh loát từ lâu [trong Liên Bang Xô Viết] đã giành lại độc lập trong vòng vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.

Thành kiến cho rằng các phương cách bạo động luôn luôn mang lại kết quả nhanh chóng và bất bạo động luôn luôn mất nhiều thời gian rõ ràng là không đúng. Mặc dù phải mất nhiều thời gian để tạo những thay đổi cần thiết bên dưới và chuẩn bị xã hội, nhưng cuộc chiến thật sự của đấu tranh bất bạo động để đánh sập một nền độc tài thường xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn.

Phương cách thương lượng không phải là chọn lựa duy nhất để tránh hai thái cực, một bên là kéo dài cuộc chiến tranh tương tàn, một bên là đầu hàng chế độ. Những thí dụ được liệt kê ở trên, cũng như trong Chương Một, cho thấy còn một giải pháp khác cho những ai muốn cả hoà bình và tự do. Ðó là phương cách đối kháng chính trị.

Chương 3

Thế Lực Ðến Từ Ðâu?

Lẽ dĩ nhiên đạt tới được một xã hội có cả tự do và hoà bình không phải là việc đơn giản. Nó đòi hỏi tài năng cao về định hướng chiến lược, tổ chức, và kế hoạch. Nhưng cao hơn hết, nó đòi hỏi phải có thế lực. Các nhà dân chủ không có hy vọng gì lật đổ được độc tài và thiết lập tự do chính trị nếu không có khả năng ứng dụng một cách hữu hiệu các thế lực của họ.

Nhưng có thật như vậy không? Lực lượng dân chủ đối lập có thể huy động được loại thế lực nào khả dĩ phá tan được chế độ độc tài với mạng lưới quân đội và công an cùng khắp? Câu trả lời nằm ẩn trong một vùng kiến thức về thế lực chính trị thường bị quên lãng. Học hỏi về nhận thức này thực sự không khó. Một vài chân lý căn bản của sự việc rất đơn giản.

Chuyện ngụ ngôn "Hầu Công"

Câu chuyện ngụ ngôn Trung Hoa vào thế kỷ 14 của Liu-Ji phác họa vùng kiến thức về thế lực chính trị bị quên lãng này khá rõ (7):

Tại nước Châu có một ông lão sinh sống bằng cách nuôi một bầy khỉ để chúng làm việc cho ông. Người nước Châu gọi ông là "hầu công", tức ông chủ khỉ.

Mỗi buổi sáng, ông tụ họp bầy khỉ trong vườn và ra lệnh cho con già nhất chỉ huy cả bầy lên núi hái hoa quả. Ông có luật là mỗi con khỉ phải nộp cho ông một phần mười số hoa quả nó háiđược. Con nào phạm luật sẽ bị đánh đòn không thương tiếc. Tất cả lũ khỉ cay đắng chịu đựng mà không dám kêu than.

Một ngày nọ, một con khỉ nhỏ hỏi chúng bạn:

- "Có phải ông già trồng tất cả các cây ăn trái trên núi không vậy?"

Ðám khỉ trả lời:

- "Không, cây mọc tự nhiên thôi."

Chú khỉ nhỏ hỏi tiếp:

- "Không có phép của ông già thì mình không được hái quả sao?"

Ðám khỉ trả lời:

- "Mình vẫn hái được chứ."

Chú khỉ nhỏ lại tiếp tục:

- "Thế thì tại sao mình lại phải phụ thuộc vào ông già; tại sao mình phải cung phụng ông ấy?"

Trước khi khỉ nhỏ dứt câu, cả bầy khỉ đột nhiên ngộ ra và bừng tỉnh. Ngay tối hôm ấy, chờ khi ông lão ngủ say, bầy khỉ phá cũi sổ lồng. Chúng lấy tất cả hoa quả mà ông lão dự trữ đem theo vào rừng và không bao giờ trở lại. Cuối cùng ông lão chết vì đói.

Yu-li zi kết luận: "Trên đời có những kẻ cai trị người bằng mánh khoé chứ không bằng những nguyên tắc chân chính. Họ chẳng khác nào hầu công, không biết sự đần độn của mình. Vì một khi người ta bừng tỉnh thì những mánh khóe đó không còn hiệu lực nữa."

Những nguồn thế lực chính trị cần thiết

Nguyên lý của vấn đề rất đơn giản. Bất cứ nhà độc tài nào cũng cần sự trợ giúp của kẻ bị trị. Không có những hợp tác này họ không thể nắm chặt và duy trì những nguồn thế lực chính trị trong tay. Các nguồn thế lực chính trị này bao gồm:

• Thẩm quyền: tức niềm tin nơi quần chúng rằng đây là một chế độ chính danh mà mọi người đều có bổn phận phải tuân phục.

• Nhân lực: tức số lượng và uy tín của những người hay nhóm đang vâng phục, cộng tác, hay trợ giúp kẻ cai trị.

• Tài năng và kiến thức: cung cấp bởi những cá nhân hay nhóm đang hợp tác với chế độ. Ðây là yếu tố mà họ rất cần để tiến hành một số loại việc đặc biệt.

• Những yếu tố không hữu hình: tức những yếu tố tâm lý và ý thức hệ có khả năng thúc đẩy người ta vâng phục và trợ giúp kẻ cai trị.

• Những nguồn vật chất: tức mức độ kiểm soát hay phạm vi truy cập của những người cai trị đối với tài sản quốc gia, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn tài chánh, hệ thống kinh tế, các phương tiện thông tin liên lạc và giao thông vận tải.

• Phong tỏa, trừng phạt: dù chỉ đe doạ hay thi hành đối với những ai bất phục tùng và bất hợp tác để duy trì tình trạng tuân phục và hợp tác mà chế độ rất cần để tồn tại và thực thi các chính sách.

Tuy nhiên, tất cả các nguồn lực này đều tùy thuộc vào sự chấp nhận chế độ, vào sự qui phục và tuân thủ của quần chúng, và vào sự hợp tác của vô số dân chúng và nhiều định chế trong xã hội. Không có gì bảo đảm là những điều này không thay đổi.

Sự hợp tác, tuân phục, và hỗ trợ hoàn toàn của dân chúng sẽ gia tăng nguồn thế lực và do đó mở rộng quyền năng của chính phủ.

Ngược lại, việc rút lại sự hợp tác từ quảng đại quần chúng cũng như những định chế xã hội đối với những kẻ hung hãn, độc tài sẽ làm co rút hay đứt lìa các nguồn thế lực mà chế độ lệ thuộc vào. Không có các nguồn ấy, sức lực của chế độ yếu dần và cuối cùng sẽ tan rã.

Hiển nhiên, các kẻ độc tài đều rất nhậy cảm đối với những hành động hay ý kiến có khả năng đe doạ mức độ tự tung tự tác của họ. Vì vậy họ rất nhanh tay đe doạ hay trừng phạt những người bất phục tùng, đình công phản đối, hay không chịu hợp tác. Tuy nhiên, sự việc không phải đến đó là hết. Việc trấn áp, ngay cả bằng bạo lực, không phải luôn luôn làm người ta trở lại tình trạng vâng phục và hợp tác tới mức có thể giúp chế độ tiếp tục vận hành.

Nếu quần chúng có thể chịu đựng các biện pháp trấn áp và tiếp tục giới hạn hay cắt đứt các nguồn thế lực của chế độ đủ lâu, thoạt đầu các chỉ dấu về kết quả không rõ ràng và chắc chắn nhưng sau đó sự xuống dốc quyền lực của chế độ sẽ hiện rõ. Theo thời gian, việc rút lại các nguồn thế lực có thể làm chế độ tê liệt, bất lực; và trong một số trường hợp ngặt nghèo, dẫn đến tan rã. Thế lực của các kẻ độc tài sẽ chết, dù nhanh hay chậm, vì bị bỏ đói chính trị.

Ðiều trên dẫn đến hệ luận: Mức độ cho tự do hay chuyên chế của bất kỳ nhà cầm quyền nào phần lớn phản ảnh mức quyết tâm tương đối của quần chúng bị trị (so với sự quyết tâm của phía cầm quyền) muốn sống tự do, cũng như sự sẵn sàng và khả năng kháng cự lại những áp lực buộc họ vào vòng nô lệ.

Có một điều mà thực tế trái ngược với suy nghĩ bình thường của đa số, đó là ngay cả những chế độ độc tài toàn trị đều phải cậy dựa vào khối dân chúng và xã hội mà họ cai trị. Nhà khoa học chính trị, Karl W. Deutsch, đã viết như sau vào năm 1953:

Quyền lực của chế độ toàn trị chỉ mạnh khi nó không cần phải đem ra dùng quá thường xuyên. Nếu lúc nào cũng phải lấy quyền lực đó ra đàn áp toàn thể dân chúng, thì sức mạnh của nó sẽ không kéo dài được. Vì những chế độ toàn trị đòi hỏi phải có nhiều quyền lực hơn mọi loại chính trị khác để đối phó với dân, nên những chế độ này lại càng cần tập tục vâng phục vững bền và rộng khắp của quần chúng; Hơn thế nữa, các chế độ này còn phải dựa vào sự hỗ trợ tích cực của ít là một khối lớn quần chúng trong những khi hữu sự.8

Một lý thuyết gia người Anh về luật pháp, ông John Austin, vào thế kỷ 19, đã viết về tình trạng một chế độ độc tài đối đầu với khối quần chúng bất mãn. Ông lý luận rằng nếu đại đa số quần chúng quyết tâm lật đổ nhà cầm quyền và sẵn sàng chịu đựng những màn đàn áp, thì sức mạnh của chính quyền, kể cả những người hỗ trợ nó, không thể duy trì nổi cái chế độ bị chán ghét này, ngay cả khi nó được sự trợ giúp của ngoại bang. Ông Austin kết luận: không ai đẩy nổi một dân tộc phản kháng lùi trở lại tình trạng vâng lời và qui phục vĩnh viễn (9).

Niccolo Machiavelli từ lâu cũng đã lý luận rằng một ông hoàng "... khi bị toàn thể dân chúng coi là kẻ thù thì sẽ chẳng bao giờ có thể giữ chắc ngôi vị của mình; và càng ác độc thì chế độ của ông ta lại càng suy yếu." (10)

Những ứng dụng chính trị thực tế rút từ nhận thức trên đã được minh chứng bởi những người dân Na-Uy anh hùng kháng cự sự đô hộ của Nazi. Và như đã nhắc đến trong chương một, những con người cam đảm tại Ba Lan, Ðức, Tiệp, Slovaks, và nhiều nơi khác cũng đã đem ra ứng dụng trong việc kháng cự lại sự hung hãn của ách cai trị độc tài Cộng Sản, và sau cùng góp phần làm sụp đổ toàn bộ ách cai trị Cộng Sản trên toàn Âu Châu. Dĩ nhiên, đây không phải là một hiện tượng mới: những trường hợp kháng cự bất bạo động đã xẩy ra từ xa xưa, ít là từ năm 494 trước công nguyên khi dân thường rút lại không hợp tác với các chủ nhân quý tộc La Mã.11 Đấu tranh bất bạo động đã được ứng dụng tại nhiều thời điểm khác nhau bởi các dân tộc thuộc Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc, các quần đảo Thái Bình Dương, và cũng có ở Châu Âu.

Như vậy, ba yếu tố quan trọng nhất để xác định mức độ một chính quyền kiểm soát hay mất kiểm soát thế lực của họ:

• Sự mong muốn tương đối của đại chúng (so với sự mong muốn ngược lại của chế độ) trong việc đặt giới hạn về quyền lực của chính quyền;

• Sức mạnh tương đối của những tổ chức độc lập và các định chế của giới bị trị (so với sức mạnh ngược lại của chế độ) trong việc cùng nhau rút lại các nguồn thế lực; và

• Khả năng tương đối của quần chúng (so với khả năng ngược lại của chế độ) trong việc rút lại sự chấp thuận và trợ giúp cho chế độ.

Những trung tâm thế lực dân chủ

Một đặc tính của xã hội dân chủ là có sự hiện diện của một số đông các tổ chức và cơ chế phi chính phủ, hoạt động độc lập ngoài vòng kiểm soát của nhà nước, như gia đình, tổ chức tôn giáo, hội văn hóa, câu lạc bộ thể thao, định chế kinh tế, công đoàn, hội sinh viên học sinh, đảng phái chính trị, làng xã, hội khu phố, hội trồng trọt, tổ chức nhân quyền, nhóm văn nghệ, thư hội, v.v... Những đoàn thể này rất quan trọng chẳng những trong việc phục vụ những mục tiêu của riêng họ, mà cũng còn góp phần thoả mãn những nhu cầu của xã hội.

Hơn thế nữa, các đoàn thể này có ảnh hưởng chính trị rất lớn. Chúng tạo ra những nền tảng nhóm và định chế mà qua đó quần chúng có thể ảnh hưởng lên hướng đi của xã hội và kháng cự lại các nhóm khác hay chính quyền nếu có sự xen lấn không chính đáng vào những quyền lợi, sinh hoạt, hay mục đích của họ. Những cá nhân riêng lẻ, không là hội viên của tổ chức nào, thường không tạo được ảnh hưởng gì đáng kể lên xã hội; lại càng không đáng kể lên chính quyền; và chắc chắn là con số không lên chế độ độc tài.

Chính vì vậy mà nếu quyền tự trị và tự do sinh hoạt của các đoàn thể trên bị những kẻ độc tài tước đoạt đi, quần chúng sẽ bị hầu như bó tay. Tương tự như vậy, nếu những định chế trên bị kiểm soát một cách độc đoán bởi chế độ trung ương hay bị hoàn toàn thay thế bởi những định chế do chế độ lập ra, thì những bộ phận này trở thành công cụ khuynh loát cả các thành viên lẫn những lãnh vực xã hội liên hệ.

Tuy nhiên, nếu có thể duy trì hay lấy lại được quyền tự trị và tự do sinh hoạt của các định chế dân sự độc lập này (ngoài vòng kiểm soát của chính phủ) thì chúng sẽ trở thành rất quan trọng cho nỗ lực sử dụng phản kháng chính trị. Ðặc tính chung của những trường hợp mà chế độ độc tài bị tan rã hay yếu đi là sự can đảm áp dụng đối kháng chính trị đồng loạt của quần chúng và các định chế của họ.

Như đã nêu, những trung tâm thế lực này cung cấp các nền tảng định chế mà từ đó quần chúng có thể tạo áp lực và kháng cự lại sự kiểm soát của chế độ. Trong tương lai, các đoàn thể này trở thành một phần của nền tảng hạ tầng không thể thiếu được của một xã hội tự do. Sự độc lập và tiếp tục lớn mạnh của các đoàn thể độc lập, do đó, thường là điều kiện tiên quyết để thành công trong nỗ lực đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nếu chế độ độc tài đã dẹp hay nắm quyền kiểm soát các đoàn thể xã hội độc lập, thì lại càng quan trọng cho những nhà đấu tranh phải lập cho bằng được những nhóm hay định chế độc lập mới, hay tìm cách đưa trở lại cách điều hành dân chủ vào những đoàn thể còn sống sót hoặc chỉ bị chế độ kiểm soát một phần. Trong thời gian xảy ra cuộc Cách Mạng Hungary năm 1956-1957, rất đông các hội đồng dân chủ trực tiếp nổi dậy, và ngay cả liên đới với nhau được vài tuần (trước khi bị tiêu diệt) để thiết lập cả một hệ thống liên bang cho các định chế và nền cai quản. Tại Ba Lan vào cuối năm 1980, công nhân duy trì được công đoàn Ðoàn Kết dù bị chế độ xem là bất hợp pháp. Trong một số trường hợp, họ còn đoạt được quyền kiểm soát trong các công đoàn chính thức do nhà nước Cộng Sản khuynh loát. Những phát triển định chế như vậy có thể đem lại những kết quả chính trị rất quan trọng.

Lẽ dĩ nhiên, tất cả những lý lẽ kể trên không mang ngụ ý rằng việc làm yếu dần và lật đổ chế độ độc tài là chuyện dễ dàng, và cũng không có nghĩa là tất cả mọi nỗ lực đều thành công. Các lý lẽ này cũng không cam đoan là cuộc đấu tranh này sẽ tránh được đổ máu, vì những kẻ đang phục vụ chế độ nhiều phần sẽ phản công để ép quần chúng trở lại tình trạng tuân phục và hợp tác như xưa.

Tuy nhiên, nhận thức bên trên về cốt lõi của quyền lực cho thấy rằng việc chủ ý làm tan rã một chế độ độc tài là điều khả thi. Nền độc tài có một số đặc tính khiến nó dễ bị chọc thủng nếu biết áp dụng phản kháng chính trị một cách khéo léo. Trong các chương sắp tới, chúng ta sẽ khảo sát chi tiết các đặc tính này.

Chương 4

Nhược Điểm Của Chế Độ Độc Tài

Các chế độ độc tài thường có vẻ vô cùng kiên cố. Tất cả các cơ quan mật vụ, cảnh sát, quân đội, nhà tù, trại tập trung, đội hành quyết đều được tập trung vào tay một vài người quyền hành. Nhóm người này thường xuyên và tùy tiện cào vét ngân quỹ quốc gia, tài nguyên thiên nhiên và sức sản xuất nội địa nhằm phục vụ cho tham vọng của riêng họ.

So với hình ảnh đó, phe dân chủ đối lập thường có vẻ vô cùng yếu đuối, không hữu hiệu và không quyền lực. Chính thành kiến về một bên quá kiên cố và một bên không chút quyền lực đã khiến cho việc hình thành một lực lượng đối lập hữu hiệu rất khó khăn.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ có thế.

Nhận dạng gót chân Achilles

Truyện thần thoại Hy Lạp có một điển tích nói về nhược điểm của người được xem là không thể bị đả thương về thể chất. Ðó là danh tướng Achilles. Đao kiếm không đâm thủng da ông được vì khi ông còn bé, mẹ ông nhúng ông xuống dòng sông Styx mầu nhiệm để thân thể ông được bảo vệ khỏi mọi nguy hiểm. Nhưng khổ một điều, mẹ ông phải nắm gót chân để ông không bị sông cuốn đi nên còn một phần thân thể không chạm vào nước. Khi Achilles trưởng thành, xông pha trận mạc, gươm đao không làm gì được ông. Tuy nhiên, trong trận công hãm thành Troy, được người biết về nhược điểm của ông mách bảo, đối phương nhắm mũi tên vào gót chân Archilles mà bắn, nơi duy nhất có thể làm ông bị thương. Mũi tên này kết liễu cuộc đời nhân vật Achilles. Cho đến nay, thành ngữ "gót chân Achilles" vẫn được dùng để nói đến nhược điểm của một người, một kế hoạch, hay một định chế mà nếu đánh đúng vào đó thì không có cách nào bảo vệ.

Nguyên lý này cũng áp dụng cho những chế độ độc tài tàn bạo. Ðánh đổ các thể chế này là việc có thể làm được, nhưng cách nhanh nhất và ít hao tốn nhất là xác định cho được các nhược điểm của chế độ rồi tập trung vào đó mà đánh.

Nhược Điểm Của Nền Độc Tài

Một số những nhược điểm của các chế độ độc tài được liệt kê như sau:

1. Sự hợp tác từ các cá nhân, đoàn thể, và định chế, vốn cần thiết để vận hành hệ thống cai trị, có thể bị giảm bớt hay rút hẳn lại được.

2. Những điều kiện và hậu quả của các chính sách trong quá khứ giới hạn khả năng thích ứng và thực hiện những chính sách hiện tại của chế độ.

3. Lề thói vận hành hệ thống quản trị đã trở thành quán tính, khó điều chỉnh nhanh chóng để đáp ứng tình hình mới.

4. Nhân tài và vật lực đã được phân bố cho các công việc hiện hữu không dễ dàng chuyển sang đáp ứng các nhu cầu mới.

5. Cấp dưới sợ làm mất lòng cấp trên nên báo cáo sai hay thiếu dữ kiện, vốn rất cần để các kẻ cai trị quyết định chính sách.

6. Ý thức hệ bị xoi mòn. Những huyền thoại và biểu tượng của chế độ lung lay.

7. Nếu hiện có một ý thức hệ đủ mạnh để ảnh hưởng lên nhận thức của một số người về thực tế, thì nó cũng làm những ai theo đuổi nó bỏ quên luôn những điều kiện và nhu cầu thực của tình hình.

8. Sự thoái hóa hiệu năng và khả năng của tầng lớp thư lại, hay sự kiểm soát và quy định quá nặng nề khiến cho những chính sách và vận hành của cả hệ thống trở nên vô hiệu quả.

9. Mâu thuẫn nội bộ, tranh giành cá nhân, và hiềm khích hành động thù địch tạo tác hại, và ngay cả đình trệ hệ thống vận hành của chế độ.

10. Giới trí thức và học sinh trở nên thao thức trước hiện tình đất nước, những luật lệ gò bò, chính sách nhồi sọ, và những đàn áp.

11. Với thời gian quảng đại quần chúng dần dần có thái độ mặc kệ, hồ nghi, và ngay cả gay gắt với chế độ.

12. Những khác biệt địa phương, giai cấp, văn hóa và chủng tộc trở nên nhức nhối.

13. Hệ thống quyền lực hàng dọc của chế độ luôn bấp bênh, khi ít khi nhiều. Mọi cá nhân chạy đua tranh giành đẳng cấp liên tục, kẻ lên người xuống, hoặc bị người mới hất văng hẳn ra khỏi hệ thống.

14. Những đơn vị cảnh sát hay quân đội địa phương theo đuổi mục tiêu riêng của họ, trái với nhà nước độc tài tại trung ương; có khi bao gồm cả mưu đồ đảo chánh.

15. Nếu đây là một nền độc tài mới, nó còn phải mất nhiều thời gian mới củng cố được.

16. Hiện tượng quá ít người quyết định quá nhiều việc dưới chế độ độc tài dễ dẫn tới những sai lầm trong phán quyết, trong chính sách và trong hành động.

17. Nếu chế độ tìm cách tránh những hiểm họa này bằng cách tản quyền kiểm soát và quyết định cho cấp dưới, thì họ lại tự làm soi mòn quyền lực ở thượng tầng.

Tấn Công Vào Nhược Điểm Của Chế Ðộ Độc Tài

Biết được những nhược điểm nội tại đó, phe dân chủ đối lập cần cố tình làm trầm trọng thêm những "gót chân Achilles" này để tạo những thay đổi lớn hoặc làm tan rã cả chế độ.

Câu kết luận tại điểm này đã rất rõ: mặc dù mang dáng vẻ mạnh mẽ, mọi nền độc tài đều có nhược điểm, như hiệu năng cá nhân kém, ganh tỵ, hiệu năng cơ chế kém, mâu thuẫn giữa các ban ngành. Với thời gian, những nhược điểm này khiến cho chế độ mất hiệu năng, và dễ chao đảo trước những thay đổi của tình hình hoặc gặp phải những nỗ lực chủ tâm kháng cự. Không phải điều gì chế độ muốn đều sẽ đạt được. Thí dụ, có những lúc ngay cả lệnh trực tiếp của Hitler cũng không được thi hành, vì cấp dưới từ chối không làm. Như chúng ta đã thấy, trong nhiều trường hợp, chế độ độc tài tan vỡ rất nhanh.

Nói như vậy không có nghĩa là có thể lật đổ chế độ độc tài mà không có rủi ro và thương vong. Mọi con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc đều chứa đựng những rủi ro, đau khổ, và phải mất thời gian mới tới đích. Và dĩ nhiên, không có phương án nào có thể bảo đảm thành công nhanh chóng trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, cách đấu tranh nhắm vào các nhược điểm đã được nhận dạng của chế độ vẫn có triển vọng thành công cao hơn so với các phương cách đi tìm đánh vào những chỗ mạnh nhất của địch. Câu hỏi còn lại là ta phải đánh bằng cách nào?

Chương 5

Sử Dụng Thế Lực

Trong chương 1 chúng ta đã thấy rằng sự đối kháng bằng quân sự không đánh đúng vào điểm yếu nhất của chế độ độc tài mà chính là đánh vào điểm mạnh nhất của họ. Khi chọn tranh đấu trong lãnh vực quân sự, cung cấp vũ khí, kỹ thuật võ trang, hay những lãnh vực tương tự, những phong trào đối kháng có khuynh hướng tự đặt mình vào một thế bất lợi thấy rõ. Chế độ độc tài gần như luôn luôn có khả năng quy tụ lực lượng hơn hẳn trong những lãnh vực này. Những nguy cơ của việc trông cậy vào các thế lực ngoại bang để giải quyết vấn đề cũng đã được trình bày. Trong chương 2 chúng ta đã xét đến những vấn nạn trong việc dựa vào thương lượng như là một phương cách để dẹp bỏ độc tài.

Vậy thì còn phương cách nào có thể cho lực lượng dân chủ đối kháng lợi thế đáng kể và có khuynh hướng làm trầm trọng thêm những nhược điểm đã được nhận dạng của chế độ độc tài? Có những kỹ thuật hành động nào có thể ứng dụng tối đa phần lý thuyết về thế lực chính trị đã được thảo luận ở chương 3?

Phương cách đó chính là Phản Kháng Chính Trị.

Phản kháng chính trị có những đặc tính sau:

• Phương cách này không chạy theo trận thế do những lãnh đạo độc tài chọn lựa, để rồi phải chấp nhận cái kết quả đương nhiên của trận thế đó.

• Phương cách này rất khó cho chế độ đánh lại.

• Phương cách này có khả năng đặc thù trong việc xoáy thêm vào các nhược điểm của chế độ và ngay cả có thể cắt đứt các nguồn thế lực của họ.

• Phương cách này, khi hành động, có khả năng trải rộng nhưng cũng có thể tập trung vào một mục tiêu nhất định.

• Phương cách này khiến các lãnh tụ độc tài phạm nhiều sai lầm trong phán đoán và hành động.

• Phương cách này có thể vận dụng hữu hiệu toàn khối quần chúng, và các đoàn thể cũng như định chế xã hội vào cuộc đấu tranh để chấm dứt sự thống trị tàn bạo của một thiểu số.

• Phương cách này giúp phân phối rộng rãi thực quyền trong xã hội, khiến việc thiết lập và duy trì một xã hội dân chủ khả thi hơn.

Ðấu tranh bất bạo động vận hành ra sao?

Tương tự như khả năng quân sự, phản kháng chính trị có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, từ nỗ lực ảnh hưởng lên đối phương khiến họ phải hành động khác đi, đến việc tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp trong hoà bình, và ngay cả làm tan rã chế độ của đối phương. Tuy nhiên, phản kháng chính trị vận hành rất khác biệt so với những phương cách sử dụng bạo lực. Mặc dầu cả hai kỹ thuật đều là phương cách để đấu tranh, nhưng chúng sử dụng các phương tiện khác nhau và dẫn đến những hậu quả khác nhau. Cách tiến hành và hậu quả của những tranh chấp bạo động thì ai cũng biết. Súng ống dao búa được đem ra dọa nạt, đả thương, giết chóc, và hủy hoại.

Đấu tranh bất bạo động, so với đấu tranh bằng bạo lực, thì phức tạp và đa dạng hơn nhiều. Thay vì súng ống dao búa, quần chúng và các định chế xã hội đấu tranh bất bạo động bằng các võ khí tâm lý, xã hội, kinh tế, và chính trị. Những cách đánh này đã được biết đến qua những tên gọi khác nhau như biểu tình phản đối, đình công, bất hợp tác, tẩy chay, bất mãn, và thế lực quần chúng. Như đã nói tới ở trên, mọi chính quyền chỉ có thể cai trị ngày nào họ còn nhận được tiếp tế vào những nguồn thế lực của chế độ qua sự hợp tác, quy phục và tuân thủ của quần chúng và các định chế xã hội. Phản kháng chính trị, không giống như phương pháp bạo lực, đặc biệt thích hợp cho mục tiêu cắt lìa những nguồn thế lực đó.

Đấu tranh bất bạo động: vũ khí và kỷ luật

Một sai lầm thường thấy trong những trận phản kháng chính trị thuần tính ứng biến trong quá khứ là chỉ trông cậy vào hai phương pháp, đình công và biểu tình số đông. Thực ra, có rất nhiều phương pháp cho phép các chiến lược gia đối kháng phân tán hay tập trung lực kháng cự tùy theo nhu cầu tình hình.

Cho đến nay, đã có khoảng 200 phương pháp chỉ để đấu tranh bất bạo động, và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai. Những phương pháp này được xếp thành 3 loại chính:

o Phản đối và thuyết phục,

o Bất hợp tác, và

o Can thiệp.

Những phương pháp bất bạo động thuộc loại phản đối và thuyết phục là những cuộc biểu dương phần lớn mang tính biểu kiến, bao gồm diễn hành, xuống đường và những đêm canh thức (54 phương pháp).

Loại bất hợp tác được chia ra làm 3 nhóm nhỏ: (a) bất hợp tác xã hội (16 phương pháp), (b) bất hợp tác kinh tế, bao gồm tẩy chay (26 phương pháp) và đình công (23 phương pháp), và (c) bất hợp tác chính trị (38 phương pháp).

Loại can thiệp bất bạo động bằng những hình thức tâm lý, thể chất, xã hội, kinh tế, và chính trị, như tuyệt thực, chiếm ngụ bất bạo động, và hình thành chính quyền song song (41 phương pháp).

Một danh sách gồm 198 những phương pháp kể trên được liệt kê trong phần Phụ Lục của tài liệu này.

Nếu được chọn lựa cẩn thận, và áp dụng kiên trì trên bình diện rộng lớn, trong sự định hướng của một chiến lược khôn ngoan kèm với những chiến thuật thích hợp, bởi những người được huấn luyện cẩn thận, nhiều phương pháp trong danh sách nói trên có khả năng tạo khó khăn trầm trọng cho mọi chế độ bất hợp pháp. Ðiều này đúng cho tất cả các chế độ độc tài.

Ngược với những phương tiện quân sự, các phương thức đấu tranh bất bạo động có thể tập trung trực tiếp vào những vấn đề đang tranh chấp.Thí dụ, vì căn bản của vấn đề độc tài là chính trị, nên những hình thức đấu tranh bất bạo động ở dạng chính trị phải là chủ yếu, bao gồm những việc nhằm phủ nhận tính chính danh của các kẻ độc tài và bất hợp tác với chế độ. Phương thức bất hợp tác cũng có thể được áp dụng để chống riêng một số chính sách. Có lúc việc cố tình đình công hay lãng công cần được tiến hành trong im lặng và kín đáo, nhưng cũng có lúc cần để các hành động bất phục tùng, biểu tình quần chúng, đình công bãi thị xảy ra công khai cho mọi người thấy.

Trong trường hợp khác, nếu chế độ độc tài yếu nhược trước các áp lực kinh tế, hoặc nếu dân chúng có nhiều than trách về chế độ trong lãnh vực kinh tế, thì các hình thức đấu tranh tác động lên kinh tế, như tẩy chay hay đình công, là những phương pháp kháng cự thích hợp. Những nỗ lực của chế độ nhằm khai thác hệ thống kinh tế có thể đối lại được bằng loại đình công toàn diện ngắn hạn, lãng công, hay vận động các chuyên gia ở những vị trí then chốt từ chối tiếp tay với chế độ (hay trốn đi mất dạng). Nhiều hình thức đình công có thể được chọn lựa để sử dụng tại những khâu then chốt trong tiến trình sản xuất, chuyên chở, cung cấp nguyên vật liệu, và phân phối sản phẩm.

Một số phương pháp đấu tranh bất bạo động đòi hỏi người ta phải làm những hành động không dính dáng gì đến đời sống thường ngày, chẳng hạn như phát truyền đơn, in ấn bí mật, tham gia tuyệt thực, tọa kháng trên đường phố. Những phương pháp này có thể là khó làm đối với một số người trừ khi họ đang trong những hoàn cảnh vô cùng khốn quẫn.

Tuy nhiên, cũng có những phương pháp đấu tranh bất bạo động khác chỉ cần người ta làm khác với đời sống thường ngày một chút thôi. Thí dụ, công nhân vẫn đến trình diện tại hãng sở, nhưng thay vì đình công, họ chỉ cần cố ý làm việc chậm hơn hay kém hiệu quả hơn thường lệ. Họ có thể cố ý làm "sai sót" một cách thường xuyên. Có người lấy cớ "đau ốm" hay "bị kẹt" không đi làm được vào cùng một thời điểm nhất định nào đó. Hoặc cũng có thể đơn giản từ chối không làm nữa. Cũng có người cố đi dự các nghi lễ tôn giáo khi nghi lễ này bày tỏ không chỉ góc nhìn của tôn giáo mà cả xác quyết chính trị. Người ta có thể bảo vệ trẻ em khỏi bị nhiễm những tuyên truyền của chế độ bằng cách giáo dục con em tại gia hoặc tại những lớp học bất hợp pháp. Người ta cũng có thể từ chối gia nhập những đoàn thể mà chế độ "đề nghị" hay bắt buộc - những đoàn thể mà chẳng ai tự ý muốn vào. Vì những loại hành động này rất gần với những sinh hoạt thường ngày nên việc tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trở nên dễ dàng hơn rất nhiều cho số đông dân chúng.

Vì đấu tranh bất bạo động và đấu tranh bạo động khác nhau từ căn bản trong cách vận hành. Trong tiến trình phản kháng chính trị dù chỉ bạo động trong một giới hạn nào đó cũng sẽ phản tác dụng, vì nó sẽ chuyển cuộc đấu tranh qua một trận thế mà kẻ độc tài có lợi thế đến độ choáng ngộp (về phương tiện chiến tranh quân sự). Kỷ luật trong đấu tranh bất bạo động là chìa khoá của thành công và phải được duy trì bất chấp mọi sự khiêu khích và đàn áp của những kẻ độc tài và thừa hành.

Việc duy trì kỷ luật bất bạo động khi đối đầu với các đối thủ dùng bạo lực sẽ tạo điều kiện để tiến hành 4 phương cách tạo thay đổi trong đấu tranh bất bạo động (sẽ bàn tới trong phần dưới). Kỷ luật bất bạo động cũng cực kỳ quan trọng khi dùng thế quật Nhu Ðạo trong chính trị. Trong tiến trình này sự đàn áp thô bạo của chế độ đối với những người rõ ràng là bất bạo động sẽ tạo phản ứng chính trị ngược vào phía độc tài, tạo ra những bất đồng chính kiến trong hàng ngũ của họ, cũng như gieo rắc lòng ủng hộ các nhà đối kháng trong quần chúng -- những người mà từ trước đến nay vẫn thường ủng hộ chế độ, và trong lòng nhiều thành phần thứ ba.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc xẩy ra bạo động ở mức độ giới hạn nào đó khi chống lại chế độ độc tài là điều không thể tránh được. Sự bực dọc và thù ghét chế độ có thể bùng lên thành bạo lực. Hoặc một số nhóm vẫn không muốn từ bỏ cách đấu tranh bạo động mặc dầu họ công nhận vai trò quan trọng của đấu tranh bất bạo động. Trong những trường hợp này, đừng vì vậy mà bỏ luôn phản kháng chính trị. Tuy nhiên, cần phải tách biệt càng xa càng tốt giữa hành vi bạo động và bất bạo động trên tính theo địa lý, nhóm quần chúng, thời điểm và vấn đề. Nếu không, bạo động sẽ ảnh hưởng tai hại lên kế hoạch phản kháng chính trị vốn có tiềm năng mạnh mẽ và thành công hơn nhiều.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy vẫn có thiệt hại nhân mạng hay bị thương tích trong khi tiến hành phản kháng chính trị, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với phương thức đấu tranh quân sự. Hơn thế nữa, phản kháng chính trị sẽ không rơi vào cái vòng vô tận của thô bạo, giết chóc và báo thù.

Đấu tranh bất bạo động vừa đòi hỏi nơi quần chúng vừa giúp họ bỏ đi (hoặc tự kiềm chế được) sự sợ hãi đối với chế độ và những hành vi đàn áp tàn bạo. Ðánh mất hay kiềm chế được lòng sợ hãi là yếu tố then chốt trong việc phá hủy quyền lực của nhóm độc tài bao trùm trên đại khối quần chúng.

Công khai, bí mật và tiêu chuẩn gắt gao

Bí mật, ngụy trang, và lập mưu trong bóng tối tạo thêm vấn đề rất khó khăn cho những phong trào đấu tranh bất bạo động. Thường thì phía dân chủ khó giữ nổi các ý định hay kế hoạch khỏi những cặp mắt tình báo hay cảnh sát chính trị của chế độ. Nhìn từ góc cạnh của phong trào thì bí mật không chỉ bắt nguồn từ sự sợ hãi mà còn góp phần làm gia tăng sự sợ hãi. Và chính sợ hãi sẽ làm suy giảm tinh thần kháng cự và làm giảm số người có thể tham gia vào hành động. Bí mật, một khi bị lộ, sẽ góp phần tạo nên những ngờ vực và cáo buộc trong nội bộ phong trào (mà thường là oan uổng) về việc ai là nội gián cho đối phương. Bí mật cũng có thể ảnh hưởng trên khả năng duy trì chủ trương bất bạo động của phong trào. Ngược lại, sự công khai về chủ trương và kế hoạch không những tạo được ảnh hưởng ngược với các hậu quả nên trên mà còn góp phần tạo hình ảnh là phong trào đối kháng thực sự rất mạnh. Vấn đề dĩ nhiên phức tạp hơn nhiều so với vài giòng vắn tắt này, và có những lãnh vực hệ trọng trong hoạt động đối kháng cần phải giữ bí mật. Quyết định có nên giữ một việc mật hay không cần phải được lượng giá với đầy đủ dữ kiện bởi những người hiểu rõ cả về sự vận hành của đấu tranh bất bạo động và những phương tiện dọ thám của bạo quyền trong từng trường hợp cá biệt.

Những việc như soạn thảo, in ấn và phổ biến các tài liệu chui, sử dụng đài phát thanh bất hợp pháp trong nội địa quốc gia, cũng như việc thu thập dữ kiện tình báo về các hoạt động của bạo quyền là loại việc đòi hỏi độ bảo mật cao.

Trong suốt tiến trình đấu tranh bất bạo động, việc duy trì tiêu chuẩn gắt gao trong hành động ở mọi giai đoạn là điều cần thiết. Trong số những tiêu chuẩn này, yếu tố không sợ hãi và duy trì kỷ luật bất bạo động là những điều kiện luôn luôn phải có. Ðiều quan trọng cần nhớ là phải có số đông dân chúng thì mới đủ áp lực để tạo thay đổi, nhưng số đông đó chỉ trở thành những người tham gia đáng trông cậy khi những tiêu chuẩn gắt gao được duy trì trong phong trào.

Thay đổi tương quan lực lượng

Các chiến lược gia cần nhớ rằng cuộc tranh chấp, mà trong đó phản kháng chính trị được áp dụng, là một bãi chiến trường liên tục thay đổi với những đòn công và phản công. Không có gì đứng yên. Tương quan lực lượng, cả tương đối và tuyệt đối, đều có thể thay đổi nhanh chóng và liên tục, nhờ ở sự kiên trì đối kháng bất bạo động cho dù bị đàn áp.

Sự thay đổi về lực lượng ở mỗi phía trong hình thức tranh chấp này thường dữ dội hơn, nhanh chóng hơn, và mang nhiều hệ quả chính trị đa dạng hơn so với loại đối đầu bằng bạo động. Chính vì những biến đổi này mà một số hành động của những người đối kháng kéo theo những tác động xa và lâu hơn nơi chốn và thời điểm sự việc xảy ra. Những tác động này dội ngược lại và làm mạnh lên hay yếu đi mỗi phía.

Thêm vào đó, phong trào bất bạo động có thể nhờ ở hành động của họ mà ảnh hưởng đáng kể lên sự gia tăng hay suy giảm sức mạnh tương đối của chế độ. Thí dụ, sự can đảm và kỷ luật của những nhà đối kháng trước sự đàn áp tàn bạo của chế độ độc tài có thể tạo ra sự bức xúc, bất mãn, mất tin cậy, và trong những trường hợp quá độ, có thể dẫn đến nổi loạn ngay trong hàng ngũ quân đội hay trong số quần chúng đảng viên của chế độ. Sự phản kháng này cũng có thể đưa đến việc quốc tế gia tăng việc kết án chế độ độc tài. Hơn nữa, áp dụng phản kháng chính trị khéo léo, kỷ luật và kiên trì có khả năng gia tăng sự tham gia đối kháng của những người trước đó thầm lặng ủng hộ chế độ hay chọn vị trí trung lập trong cuộc tranh chấp.

Bốn phương cách tạo thay đổi

Đấu tranh bất bạo động tạo ra thay đổi bằng 4 cách. Cách đầu tiên có xác suất thấp nhất mặc dầu đã từng xẩy ra. Khi một số thành viên của phía đối phương xúc động vì thấy sự chịu đựng khổ đau của các nhà đối kháng can đảm bất bạo động dưới sự đàn áp của bạo quyền, hoặc khi họ được thuyết phục bằng lý trí rằng các nhà đối kháng quả là có chính nghĩa, họ tiến đến thái độ chấp nhận những mục tiêu mà các nhà đối kháng theo đuổi. Phương cách tạo thay đổi này gọi là cảm hoá. Mặc dầu việc cảm hoá đã có xẩy trong đấu tranh bất bạo động nhưng rất hiếm. Trong hầu hết các cuộc tranh chấp loại chuyển động này không thấy xẩy ra hoặc chỉ ở mức độ không đáng kể.

Ngược lại, điều thường thấy xẩy ra hơn là cuộc đấu tranh bất bạo động đẩy dần đến những thay đổi tình hình và xã hội đên độ đối phương không chuyện đang tranh chấp không phải là những vấn đề cơ bản, những đòi hỏi của phe đối lập trong một cuộc tranh đấu giới hạn không bị coi là một đe dọa đối với chế độ, và cuộc đọ sức chỉ khiến cán cân lực lượng nghiêng về phía dân chủ một chút, thì có thể chấp nhận chấm dứt loại tranh chấp này bằng một bản ký kết thoả thuận mà trong đó mỗi bên chấp nhận một nửa sự khác biệt giữa đôi bên. Phương cách tạo thay đổi này gọi là tương nhượng. Nhiều cuộc đình công đã được giải quyết bằng cách này, với mỗi bên đạt được một số mục tiêu nhưng không bên nào đạt tất cả những gì họ muốn. Phía chính quyền có thể thấy cách giải quyết này có lợi phần nào cho họ, vì giúp giải toả tình trạng căng thẳng, tạo ấn tượng "công bằng", hoặc đánh bóng hình ảnh chế độ trước thế giới. Vì vậy, cần phải rất thận trọng trong việc lựa chọn vấn đề nào có thể chấp nhận giải quyết bằng tương nhượng. Hiển nhiên mục tiêu đấu tranh để lật đổ một chế độ độc tài không nằm trong loại giải quyết này.

Dĩ nhiên đấu tranh bất bạo động còn mãnh liệt hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở cảm hóa và tương nhượng. Sự bất hợp tác và phản kháng của quần chúng có thể thay đổi hoàn cảnh xã hội và chính trị, cách riêng là tương quan quyền lực giữa đôi bên, tới độ tước đoạt khỏi tay những kẻ độc tài khả năng kiểm soát diễn trình kinh tế, xã hội, và chính trị trong nội bộ chính phủ và trong xã hội. Quân đội của chế độ trở nên lung lay đến độ họ không còn ngoan ngoãn nghe lệnh để đàn áp các nhà đối kháng. Khi đã đến tình trạng này thì mặc dầu các lãnh tụ độc tài vẫn còn yên trên ghế cai trị và vẫn không từ bỏ các ý định ban đầu, tuy nhiên khả năng hành động hiệu quả của họ đã bị tước mất. Phương cách tạo thay đổi này được gọi là ép buộc bằng bất bạo động.

Trong một vài trường hợp quyết liệt hơn, những điều kiện tạo ra sức ép bằng bất bạo động được đẩy tới xa hơn nữa. Kết quả là các lãnh tụ độc tài trên thực tế mất hết khả năng hành động và hệ thống quyền lực của họ sụp đổ. Sự tự điều hướng, bất hợp tác và bất phục của các nhà đối kháng hoàn hảo tới độ đối phương không còn dáng vẻ gì là còn kiểm soát được quần chúng. Guồng máy hành chánh của chế độ từ chối không tuân lệnh lãnh đạo nữa. Quân đội và cảnh sát nổi loạn. Những cá nhân hay thành phần quần chúng lúc trước ủng hộ chế độ nay khước từ các người lãnh đạo cũ và không công nhận quyền cai trị của họ nữa. Từ đó, sự hỗ trợ và phục tòng trước đây của thành phần này biến mất. Phương cách tạo thay đổi thứ tư này được gọi là làm tan rã hệ thống quyền lực của chế độ. Nó rốt ráo tới độ đối phương không còn ngay cả sức để mà đầu hàng. Chế độ chỉ còn đổ bể ra từng mảnh.

Bốn phương cách tạo thay đổi này cần được ghi nhớ trong khi lập chiến lược giải phóng. Đôi khi, các biến chuyển xảy ra một cách tình cờ. Tuy nhiên, nếu một hay nhiều phương cách này được chủ ý chọn lựa để tiến hành cuộc đấu tranh, các nhà dân chủ sẽ có thể hoạch định những chiến lược rõ ràng và hỗ tương cho nhau. Quyết định chọn lựa phương cách nào tuỳ thuộc rất nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố thế lực tuyệt đối và tương đối của mỗi bên, cũng như thái độ và mục tiêu của phong trào đối kháng bất bạo động.

Tác động dân chủ hóa của phản kháng chính trị

Trái ngược với những ảnh hưởng tập quyền của các cuộc đối kháng bạo động, việc sử dụng những phương pháp đấu tranh bất bạo động góp phần dân chủ hóa xã hội về mặt chính trị qua nhiều dạng thức.

Trước hết, phải nói một phần tác động dân chủ hóa này mang tính tiêu cực. Trong lúc các biện pháp quân sự cung cấp cho thành phần lãnh đạo phương tiện trấn áp đối với đám đông đi theo để thiết lập hay duy trì quyền chỉ huy tuyệt đối, thì những người cầm đầu các phong trào phản kháng chính trị chỉ có thể dùng ảnh hưởng và tạo áp lực tinh thần lên số đông đi theo, chứ không thể bỏ tù hay thủ tiêu ai khi họ tỏ vẻ bất đồng ý kiến với lãnh đạo hay ngay cả chọn lựa những người lãnh đạo khác.

Nhưng tác động dân chủ hóa của đấu tranh bất bạo động cũng mang nhiều tính tích cực. Bởi vì, phương cách này cho người dân những phương tiện kháng cự để giành lại và bảo vệ quyền tự do khỏi tay những kẻ độc tài hiện tại và cả những kẻ độc tài có thể nổi lên trong tương lai. Dưới đây là một số những ảnh hưởng tích cực của tác động dân chủ hóa qua đấu tranh bất bạo động:

Kinh nhiệm áp dụng đấu tranh bất bạo động giúp quần chúng trở nên tự tin hơn khi đối đầu với những đe dọa và khả năng đàn áp bằng bạo lực của chế độ.

Đấu tranh bất bạo động cung cấp những cách thức bất hợp tác và phản kháng mà quần chúng có thể dùng để cưỡng lại sự kềm kẹp phi dân chủ của bất kỳ nhóm độc tài nào.

Đấu tranh bất bạo động có thể được dùng để đẩy mạnh việc hành xử đúng theo các quyền tự do dân chủ của người dân, như tự do ngôn luân, tự do báo chí, do lập hội, tự do hội họp bất kể những biện pháp kềm kẹp áp bức hiện hữu.

Đấu tranh bất bạo động đóng góp tích cực vào việc duy trì, phục hồi, và tăng lực cho các nhóm độc lập và các định chế xã hội, như đã thảo luận ở phần trước. Những đoàn thể này rất quan trọng đối với một nền dân chủ vì khả năng vận động sức mạnh quần chúng và khả năng giới hạn quyền lực của bất cứ ai đang muốn trở thành độc tài.

Đấu tranh bất bạo động cung cấp phương cách cho quần chúng biểu dương sức mạnh chống lại các hành động đàn áp của công an và quân đội theo lệnh chính phủ độc tài.

Đấu tranh bất bạo động cung cấp những phương pháp mà quần chúng và những định chế độc lập, vì mục tiêu xây dựng dân chủ, có thể dùng để giới hạn hay cắt đứt những nguồn thế lực của thiểu số cai trị, từ đó đe dọa khả năng tiếp tục thống trị của họ.

Tính phức tạp của đấu tranh bất bạo động

Như chúng ta đã thấy trong phần thảo luận trên, đấu tranh bất bạo động là một kỹ thuật hành động xã hội phức tạp, bao gồm nhiều phương pháp, nhiều phương cách tạo thay đổi, và đòi hỏi một số cách hành xử riêng biệt. Để có hiệu quả, nhất là để chống lại một chế độ độc tài, nỗ lực phản kháng chính trị cần phải được sửa soạn và lên kế hoạch cẩn thận. Những người sắp tham gia cần hiểu rõ những điều đòi hỏi nơi họ. Các nguồn nhân vật lực cần được sẵn sàng. Các chiến lược gia cần phân tích để tìm ra cách tiến hành đấu tranh bất bạo động hiệu quả nhất. Bây giờ chúng ta sẽ xét đến yếu tố then chốt kế tiếp, đó là nhu cầu hoạch định chiến lược.

Chương 6

Tại Sao Cần Hoạch Ðịnh Chiến Lược

Các phong trào phản kháng chính trị chống độc tài bắt đầu bằng nhiều cách khác nhau. Trong quá khứ, những cuộc đấu tranh này thường không được định trước và chủ yếu chỉ do tình thế đưa đẩy mà ra. Những nỗi bất bình châm ngòi cho các hành động chống đối cũng đến từ nhiều lý do, nhưng thường là một hành động tàn bạo nào đó mới xảy ra; một vụ bắt bớ, giết hại một nhân vật được nhiều người kính trọng; một chính sách hoặc lệnh đàn áp mới; tình trạng khan hiếm lương thực; thái độ khinh thường tôn giáo; hay một ngày lễ kỷ niệm một sự kiện quan trọng. Có khi, chỉ một hành động nào đó của chế độ độc tài đã đủ làm quần chúng phẫn nộ tới mức tung ra hành động mà không cần biết kết cuộc sẽ ra sao. Trong những trường hợp khác, một người can đảm hay một nhóm nhỏ đứng lên hành động và tạo được sự ủng hộ của quần chúng. Khi đám đông nhận ra một vụ bất công nào đó của một người cũng chính là sự oan trái mà họ đã từng phải chịu trong quá khứ, đám đông này bước vào nhập giòng đấu tranh. Đôi khi, lời kêu gọi phản kháng của một nhóm nhỏ hay một cá nhân lại được sự hưởng ứng không ngờ của rất nhiều người.

Mặc dầu sự tự phát có được một vài tính chất tích cực, nhưng thường là tai hại. Trong nhiều trường hợp, những người đấu tranh cho dân chủ, vì không lường trước được sự tàn bạo của chế độ độc tài, đã phải gánh chịu những tổn thất rất lớn và cuộc kháng cự sụp đổ. Cũng có khi những nhà dân chủ vì thiếu hoạch định kế sách đã phó mặc một số quyết định then chốt cho may rủi, và kết quả sau đó vô vùng thảm hại. Ngay cả trong trường hợp chế độ độc tài bị giật sập, chính tình trạng thiếu kế hoạch ứng phó với giai đoạn chuyển tiếp qua một thể chế dân chủ đã góp phần để cho một thể chế độc tài mới thành hình.

Hoạch định một cách thực tiễn

Trong tương lai, chắc chắn sẽ còn nhiều vụ nổi lên không tính toán của dân chúng chống lại các chế độ độc tài. Tuy nhiên, ngày nay người ta có thể tính toán được đâu là những phương thức hiệu quả nhất để giật sập chế độ độc tài, lượng định được khi nào thì tình hình chính trị và tâm lý quần chúng đã chín mùi, và chọn được cách thích hợp để khởi động chiến dịch. Điều cần thiết là phải suy nghĩ thật cẩn thận, dựa trên những lượng định thực tế về tình hình và khả năng của quần chúng, để lựa chọn con đường hữu hiệu dẫn tới tự do trong tình cảnh này.

Muốn hoàn thành bất cứ việc gì, việc lập trước một kế hoạch hành động là điều khôn ngoan. Mục tiêu càng lớn, hay hậu quả của thất bại càng nặng nề thì khâu kế hoạch lại càng quan trọng hơn. Việc hoạch định chiến lược gia tăng xác suất tất cả mọi nguồn sức lực đều được vận dụng và dùng ở mức hiệu quả nhất. Điều này lại càng đúng đối với những phong trào dân chủ - vốn chỉ có nguồn phương tiện vật chất hạn chế và những người ủng hộ luôn trong tình trạng nguy hiểm - nhưng lại cố gắng giật sập một chế độ độc tài hùng mạnh. Thật vậy, chế độ độc tài thường với tới nhiều nguồn vật chất rộng lớn, có sức mạnh từ cơ cấu tổ chức, và có khả năng hành xử thô bạo.

"Hoạch định một chiến lược" ở đây có nghĩa là tính toán một con đường hành động có nhiều khả năng dẫn từ hiện tại tới tình trạng mong muốn trong tương lai; Trong phạm vi thảo luận ở đây, nghĩa là dẫn từ thể chế độc tài tới một hệ thống dân chủ trong tương lai. Một kế hoạch để đạt mục tiêu đó thường bao gồm một chuỗi chiến dịch nhiều giai đoạn và những hành động có phối hợp nhằm củng cố sức mạnh của xã hội và tập thể quần chúng bị áp bức, đồng thời làm suy yếu chế độ độc tài. Nên lưu ý rằng mục tiêu ở đây không chỉ là lật đổ độc tài mà còn là đặt nền tảng cho thể chế dân chủ. Một chiến lược tổng thể mà chỉ giới hạn vào mục tiêu lật đổ chế độ độc tài đang nắm quyền, thường có nguy cơ chính nó phát sinh ra một thể chế độc tài khác.

Những Trở Ngại Trong Việc Lên Kế Hoạch

Nhiều người ủng hộ tự do trên thế giới nhưng lại không đặt hết khả năng của mình vào việc hoạch định phương cách để đạt đến tự do. Rất hiếm người trong số này nhận thức đầy đủ tầm quan trọng tột cùng của việc hoạch định chiến lược cẩn thận trước khi hành động. Những kế hoạch chiến lược, do đó, hầu như không bao giờ được thực hiện.

Tại sao những người đã có viễn kiến muốn mang tự do chính trị cho dân tộc mình nhưng lại ít khi chịu chuẩn bị một kế hoạch chiến lược toàn diện để đạt mục tiêu? Điều không may là hầu hết những người trong nhóm dân chủ đối lập không hiểu tại sao lại cần hoạch định chiến lược. Họ cũng không quen và không được huấn luyện để suy nghĩ ở tầm chiến lược. Đây là một việc khó thực hiện. Vì luôn bị chế độ độc tài sách nhiễu và ngập đầu với những trách nhiệm phải giải quyết ngay trước mắt, các nhà lãnh đạo đối kháng không có an ninh cũng như thời giờ để phát triển tài năng suy nghĩ chiến lược.

Thay vào đó, họ rơi vào thói quen chỉ phản ứng lại những đòn phép do chế độ độc tài đánh ra. Phe đối lập vì vậy luôn ở trong tư thế chống đỡ, cố gắng duy trì những lãnh vực tự do hạn chế hoặc một vài thành trì của tự do; Cùng lắm thì cũng chỉ làm chậm bớt mức gia tăng lấn lướt của chế độ hoặc gây chút khó dễ cho những chính sách mới của nhà nước.

Dĩ nhiên cũng có người hoặc nhóm không thấy nhu cầu phải có một kế hoạch rộng và dài hạn cho phong trào giải phóng. Thay vào đó, họ suy nghĩ một cách ngây thơ rằng chỉ cần kiên trì bám chắc mục tiêu thì mọi khó khăn rồi sẽ qua. Lại có những người khác nghĩ rằng nếu họ sống và làm chứng nhân cho các nguyên tắc, và lý tưởng bất kể các nghịch cảnh, là họ đã làm tất cả những gì có thể làm được để thực thi các điều ấy. Sống trung thành với lý tưởng và các mục tiêu nhân đạo thật đáng ngưỡng mộ, nhưng nếu chỉ như vậy thì thật quá thiếu để chấm dứt một chế độ độc tài và giành lại tự do.

Cũng có những người đối kháng khác tin tưởng một cách ngây thơ rằng chỉ cần sử dụng đủ bạo lực là sẽ có được tự do. Nhưng, như đã nêu ở trên, bạo động không bảo đảm là có tự do. Thay vì được giải phóng, bạo động có thể dẫn tới bại trận, thảm kịch tràn lan, hoặc cả hai. Trong hầu hết mọi trường hợp, chế độ độc tài được trang bị kỹ nhất để tiến hành chiến tranh bạo động và trong thực tế, quân đội ít khi đứng về phe những nhà dân chủ.

Lại cũng có những nhà đấu tranh chỉ hành động theo "cảm quan" của họ. Cách làm việc này không những mang tính tự cao tự đại mà còn không giúp gì trong việc phát triển một chiến lược tổng thể cho nỗ lực giải phóng dân tộc.

Hành động dựa trên "sáng kiến" của một người nào đó cũng có nhiều giới hạn. Ðúng ra thì hành động cần phải dựa trên những tính toán cẩn thận về "những bước kế tiếp" cần thiết để lật đổ chế độ độc tài. Khi không có phân tích chiến lược, những nhà lãnh đạo đối kháng thường không biết "bước kế tiếp" nên là gì vì họ chưa từng suy nghĩ cẩn thận về những bước rõ ràng cụ thể để dẫn tới thắng lợi. Tính sáng tạo và sáng kiến rất quan trọng, nhưng chúng phải được đưa vào để đẩy mạnh những phương hướng chiến lược của lực lượng dân chủ.

Khi ý thức được rằng có nhiều loại hành động có thể dùng để chống độc tài nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, nhiều người cố vấn là: "cứ làm tất cả mọi việc cùng một lúc". Lời khuyên này có thể hữu ích, nhưng tất nhiên không thực hiện được, nhất là với những phong trào còn yếu. Hơn nữa, phương pháp này vẫn không hướng dẫn phải bắt đầu từ đâu, tập trung nỗ lực vào chỗ nào, và sử dụng những phương tiện vốn rất giới hạn ra sao.

Một số người hoặc đoàn thể có thể nhận ra nhu cầu phải lên kế hoạch, nhưng lại chỉ có thể suy nghĩ trên căn bản ngắn hạn hay có tính chiến thuật mà thôi. Họ không thấy kế hoạch dài hạn cần thiết hay khả thi. Nhiều lúc, vì không thể suy nghĩ hay phân tích theo hướng chiến lược, họ để mình bị lôi kéo bởi những chuyện tương đối nhỏ, và thường chỉ phản ứng lại những hành động của đối phương chứ không nắm được thế chủ động cho phe dân chủ đối kháng. Hao tốn quá nhiều công sức vào những hành động có tính ngắn hạn, những nhà lãnh đạo không còn sức tìm kiếm thêm những hướng đấu tranh khác nữa để nỗ lực chung liên tục tiến về phía mục tiêu.

Một số phong trào dân chủ có lý do tại sao họ không muốn hoạch định một chiến lược toàn diện để giật sập chế độ độc tài mà chỉ muốn tập trung vào những vấn đề trước mắt. Trong thâm tâm, họ không tin có thể chấm dứt nổi chế độ độc tài bằng nỗ lực của chính họ. Vì vậy lên một kế hoạch để làm chuyện đó chỉ là chuyện lãng mạn, phí thì giờ và vô ích. Những người đấu tranh cho tự do chống lại một chế độ độc tài tàn bạo đương quyền thường phải đương đầu với bộ máy quân đội và công an quá lớn tới độ tưởng chừng như các kẻ độc tài muốn gì là được nấy. Tuy nghĩ rằng không mảy may hy vọng, những người này vẫn phản kháng chế độ chỉ vì lòng ngay hay có thể vì muốn ghi vào sử sách. Mặc dầu chẳng bao giờ thừa nhận hay ngay cả chủ ý suy nghĩ như vậy trong đầu, nhưng những hành động của họ lộ rõ nét vô vọng. Vì vậy, đối với họ, việc hoạch định chiến lược toàn diện dài hạn chẳng có giá trị gì.

Hậu quả của việc thiếu kế hoạch chiến lược thường rất thảm hại: sức lực bị phân tán, hành động không hữu hiệu, năng lực bị lãng phí trong những vấn đề nhỏ, các lợi thế không được khai thác, và những hy sinh cũng bị uổng phí. Nếu những nhà dân chủ không hoạch định chiến lược, nhiều phần họ thất bại không đạt đến mục tiêu. Một mớ những hành động lộn xộn, hoạch định bê bối sẽ không đẩy nổi một phong trào phản kháng lớn tiến lên. Ngược lại, nhiều phần nó còn mở cơ hội cho chế độ độc tài củng cố sức mạnh và tầm kiểm soát.

Thật không may, rất ít khi các phong trào phản kháng chịu khai triển những kế hoạch chiến lược toàn diện để tiến hành nỗ lực giải phóng dân tộc. Chính vì thế mà các chế độ độc tài có vẻ bền vững hơn thực chất của chúng, và kéo nhiều năm hay nhiều thập niên dài hơn tuổi thọ đúng đáng của chúng.

Bốn từ ngữ quan trọng trong hoạch định chiến lược

Để có thể suy nghĩ theo hướng chiến lược, chúng ta cần phân biệt thật rõ ý nghĩa của bốn từ ngữ căn bản sau đây:

1. Chiến lược tổng thể là ý hướng được dùng để phối hợp và điều động việc sử dụng tất cả các nguồn lực (kinh tế, nhân sự, luân lý, chính trị, tổ chức, v.v...) chính đáng và sẵn có của một nhóm đang tìm cách đạt tới mục tiêu trong cuộc tranh chấp.

2. Chiến lược tổng thể, nhờ chủ yếu tập trung vào mục tiêu của nhóm và các nguồn lực trong cuộc tranh chấp, sẽ xác định một kỹ thuật hành động thích hợp nhất (chẳng hạn như chiến tranh quân sự quy ước hay đấu tranh bất bạo động) để sử dụng trong cuộc đấu tranh. Khi hoạch định chiến lược tổng thể, các nhà lãnh đạo đối kháng phải lượng định và sắp xếp xem loại áp lực và ảnh hưởng nào có thể áp đặt được lên đối phương. Ngoài ra, chiến lược tổng thể còn bao gồm những quyết định về điều kiện hoàn cảnh và thời điểm thuận tiện để khởi động chiến dịch chống đối đầu tiên và những chiến dịch kế tiếp.

3. Chiến lược tổng thể đặt khung sườn cơ bản cho việc lựa chọn những chiến lược ở mức thấp hơn để tiến hành đấu tranh. Chiến lược tổng thể cũng xác định trách vụ tổng quát cho từng phần hành cũng như phân phối các nguồn phương tiện cho các bộ phận.

4. Chiến lược là chủ ý làm sao hoàn thành một cách tốt nhất những mục tiêu nhất định trong cuộc đấu tranh, vận hành trong khuôn khổ chiến lược tổng thể đã chọn. Chiến lược liên quan đến những quyết định nên hay không nên đánh, khi nào đánh, đánh bằng cách nào, cũng như làm sao đạt hiệu quả tối đa trong đấu tranh cho một số mục tiêu nhất định. Nếu chiến lược được so sánh với ý niệm (concept) trong đầu người họa sĩ, thì kế hoạch chiến lược được xem như bản thiết kế (blueprint) của người kiến trúc sư. (12)

Chiến lược còn có thể bao gồm cả nỗ lực xây dựng một bối cảnh chiến lược với ưu thế nghiêng về phía dân chủ đến độ đối phương có thể nhìn thấy trước là chắc chắn sẽ thất bại nếu giao chiến công khai và do đó quyết định đầu hàng. Hoặc nếu không được tới mức đó thì ít nhất một bối cảnh chiến lược thuận lợi hơn cũng thêm bảo đảm thắng lợi cho phe đối kháng trong cuộc đối đầu. Chiến lược cũng bao gồm những tính toán để tận dụng các kết quả của thành công mỗi khi đạt được.

Áp dụng vào diễn trình của cuộc đấu tranh, bản kế hoạch chiến lược là ý định cơ bản về hướng triển khai một chiến dịch và hướng phối hợp những bộ phận riêng rẽ để đóng góp một cách hữu ích nhất vào việc đạt tới mục tiêu. Nó cũng bao gồm việc bố trí khéo léo nhiều toán hành động vào những công tác nhỏ hơn. Ðể hoạch định một chiến lược khôn ngoan, cần phải cứu xét đến những điều kiện phải có để thành công của kỹ thuật đấu tranh đã chọn. Những kỹ thuật khác nhau có những điều kiện khác nhau. Dĩ nhiên, nếu chỉ thỏa mãn những điều kiện cần đó thôi thì vẫn chưa đủ để bảo đảm thành công. Cần phải có thêm những yếu tố khác nũa.

Khi hoạch định chiến lược, những nhà dân chủ phải định nghĩa rõ ràng những mục tiêu và qui định cách đo lường hiệu quả của những nỗ lực đang nhắm tới mục tiêu. Việc định nghĩa và phân tích này cho phép chiến lược gia nhận dạng chính xác những điều kiện phải có để đạt cho được từng mục tiêu đã định. yêu cầu chính xác để bảo đảm cho những mục tiêu đã được chọn. Nhu cầu phải định nghĩa và phân tích rõ ràng cũng cần được áp dụng cho việc hoạch định chiến thuật.

Chiến thuật và phương pháp hành động được sử dụng để thực hiện chiến lược.

Chiến thuật liên quan đến việc sử dụng lực lượng khéo léo sao cho có lợi nhất trong một hoàn cảnh giới hạn. Chiến thuật là một hành động giới hạn để đạt một mục tiêu giới hạn. Việc chọn lựa chiến thuật được hướng dẫn bởi chủ ý làm sao, trong một giai đoạn của cuộc chiến, sử dụng tốt nhất những phương tiện sẵn có để thực hiện chiến lược. Để đạt hiệu quả tối đa, việc chọn lựa và áp dụng cả chiến thuật lẫn phương pháp phải luôn luôn hướng về ý thức làm sao đạt được các mục tiêu chiến lược. Những thành quả chiến thuật nhưng không giúp gì cho việc đạt tới mục tiêu chiến lược thì sau cùng cũng chỉ là những phí phạm năng lực.

Như vậy, một chiến thuật chỉ là một tiến trình hành động có giới hạn nằm trong khuôn khổ của một chiến lược rộng hơn, cũng như mỗi chiến lược phải nằm trong khuôn khổ của chiến lược tổng thể. Chiến thuật luôn luôn liên quan đến việc đánh đấm tại chỗ trong khi chiến lược bao gồm cả những tính toán rộng hơn. Một chiến thuật chỉ có thể được xem như một phần của chiến lược toàn bộ cho một trận đánh, hay một chiến dịch. Chiến thuật được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn hơn là chiến lược, họặc trong một môi trường nhỏ hơn (trong một vùng địa dư, một định chế, ...), hoặc cần ít người thực hiện hơn, hoặc cho mục tiêu giới hạn hơn. Trong đấu tranh bất bạo động, mục tiêu chiến thuật và mục tiêu chiến lược có thể được phân biệt phần nào qua việc xác định mục tiêu đang nhắm tới nhỏ hay lớn.

Một số cuộc tấn công chiến thuật được tổ chức để hỗ trợ cho việc đạt tới các mục tiêu chiến lược. Những cuộc đụng độ chiến thuật là dụng cụ của chiến lược gia để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tung ra những đòn tấn công quyết định lên đối phương. Vì vậy, điều tối quan trọng là những người được giao nhiệm vụ thiết lập và thực hiện những kế hoạch chiến thuật phải là những người có tài nhận định tình hình và biết chọn lựa phương pháp thích hợp với tình hình đó. Những ai sắp làm công tác này phải được huấn luyện cách sử dụng kỹ thuật đã được chọn và từng phương pháp cụ thể.

Phương pháp nói đến những vũ khí và phương tiện hành động cụ thể. Trong kỹ thuật đấu tranh bất bạo động, những vũ khí và phương tiện này bao gồm hàng tá những hình thức hành động (như những dạng đình công, tẩy chay, bất hợp tác chính trị, v.v...) được nêu ra trong chương 5. (và xin xem phần Phụ lục)

Chỉ khi cẩn thận đề ra được và chọn lựa xong chiến lược tổng thể, những chiến lược, chiến thuật và phương pháp thì phía dân chủ mới có thể triển khai thành kế hoạch chiến lược hữu hiệu với đầy đủ tinh thần trách nhiệm cho một cuộc đấu tranh bất bạo động.

Bài học chính của phần thảo luận này là sự cần thiết phải sử dụng trí tuệ một cách có tính toán để thận trọng hoạch định chiến lược cho công cuộc giải phóng khỏi ách độc tài. Thiếu sáng suốt trong việc lên kế hoạch sẽ dẫn tới thảm bại. Ngược lại, sử dụng khả năng trí tuệ hữu hiệu sẽ vạch ra một đường lối chiến lược, theo đó các phương tiện sẽ được sử dụng một cách đúng đắn để đưa xã hội tiến đến mục tiêu tự do và dân chủ.

Chương 7

Hoạch Ðịnh Chiến Lược

Để gia tăng xác suất thành công, các nhà lãnh đạo phản kháng cần phải đề ra được một chương trình hành động tổng thể có khả năng củng cố sức mạnh của khối dân chúng đang khổ đau, làm suy yếu để rồi giật sập chế độ độc tài, và xây dựng một nền dân chủ bền vững. Để soạn thảo được một chương trình hành động như vậy, cần phải lượng giá kỹ lưỡng về tình thế và những loại hành động hiệu quả. Dựa trên phân tích kỹ lưỡng đó, một chiến lược tổng thể và những chiến lược riêng cho từng chiến dịch được khai triển. Tuy có liên hệ với nhau, nhưng việc hoạch định một chiến lược tổng quát và những chiến lược cho mỗi phong trào là hai quy trình khác biệt. Chỉ sau khi chiến lược tổng quát đã được đề ra thì chiến lược cho từng chiến dịch mới được khai triển đầy đủ. Loại chiến lược cho các chiến dịch cần được thiết kế để đạt tới và củng cố những mục tiêu của chiến lược tổng quát.

Việc khai triển một chiến lược chống đối đòi hỏi phải quan tâm tới nhiều câu hỏi và công tác. Ở đây, chúng ta sẽ nhận dạng một số yếu tố quan trọng, cần được quan tâm ở cấp chiến lược tổng quát và cấp chiến lược cho chiến dịch. Tuy nhiên, cho bất kỳ việc soạn kế hoạch nào, các kế hoạch gia phe phản kháng đều cần có sự hiểu biết sâu rộng về toàn bộ tình hình của cuộc đấu tranh, bao gồm mọi yếu tố vật chất, lịch sử, chính quyền, quân đội, văn hoá, xã hội, chính trị, tâm lý, kinh tế và quốc tế. Các chiến lược chỉ có thể được khai triển theo tính chất đặc thù của từng cuộc đấu tranh và bối cảnh của nó.

Điểm rất quan trọng là các nhà lãnh đạo dân chủ và các kế hoạch gia chiến lược cần lượng định mục tiêu và tầm quan trọng của công cuộc muốn đeo đuổi. Liệu những mục tiêu đặt ra có đáng để gây ra một cuộc đấu tranh lớn hay không và tại sao ? Định rõ được mục tiêu thật sự của cuộc đấu tranh là điều hết sức then chốt. Như chúng tôi đã trình bày, mục tiêu lật đổ thể chế độc tài và những kẻ độc tài đương quyền không đủ. Mục tiêu của những cuộc đấu tranh này phải là để thiết lập một xã hội tự do với một hệ thống chính phủ dân chủ. Hiểu rõ điều này sẽ ảnh hưởng nhiều lên việc hoạch định chiến lược tổng thể và các chiến lược phụ thuộc.

Cách riêng, các chiến lược gia cần phải trả lời nhiều câu hỏi căn bản, chẳng hạn như:

• Những trở ngại chính cho việc đạt tới tự do là gì?

• Những yếu tố nào sẽ giúp vào việc đạt tới tự do?

• Những sức mạnh chính yếu của chế độ độc tài là gì?

• Những nhược điểm các loại của chế độ độc tài là gì?

• Những nguồn thế lực của chế độ độc tài có chỗ yếu để tấn công không và tới mức nào?

• Sức mạnh của các lực lượng dân chủ và đại khối quần chúng là những gì?

• Những nhược điểm của các lực lượng dân chủ là gì và làm sao sửa đổi được?

• Những thành phần thứ ba đang đứng ở đâu? Ðây là những thành phần không trực tiếp liên hệ tới cuộc tranh chấp. Nếu họ đang hoặc sẽ hỗ trợ một trong hai phía - chế độ độc tài hay phong trào dân chủ, thì sẽ hỗ trợ bằng cách nào?

Lựa chọn phương tiện

Ở cấp chiến lược tổng thể, các kế hoạch gia cần phải lựa chọn những phương tiện đấu tranh chính để dùng cho cuộc đối đầu sắp tới. Những ưu điểm và giới hạn của từng kỹ thuật đấu tranh khác cần được đánh giá, như chiến tranh qui ước quân sự, chiến tranh du kích, đối kháng chính trị, và những kỹ thuật khác.

Để lựa chọn, các chiến lược gia cần cứu xét những câu hỏi chẳng hạn như: Liệu kiểu đấu tranh được chọn có nằm trong tầm khả năng của nhóm dân chủ không? Kỹ thuật được chọn có tận dụng được sức của một quần chúng đang bị khống chế không? Kỹ thuật này có nhắm vào những nhược điểm của chế độ độc tài không hay lại đánh vào những chỗ mạnh của chế độ? Những phương tiện này có giúp phía dân chủ trở nên tự lực hơn không hay đòi hỏi phụ thuộc vào những thành phần thứ ba hoặc nguồn trợ cấp ngoại quốc? Phương tiện được chọn đã từng có thành tích giật sập chế độ độc tài tại những đâu? Những phương tiện đó liệu sẽ làm tăng hay giảm số thương vong và tàn phá trong cuộc đối đầu sắp tới? Nếu thành công trong việc chấm dứt chế độ độc tài, liệu phương tiện được chọn sẽ ảnh hưởng thế nào lên loại chính quyền sẽ nổi lên từ cuộc đấu tranh? Một khi đã xác định những hành động nào thuộc loại phản tác dụng, chúng cần phải bị loại trừ ra khỏi chiến lược tổng thể đã hoạch định.

Trong những chương trước, chúng tôi đã lý luận rằng phản kháng chính trị cho nhiều ưu thế tương đối đáng kể so với những kỹ thuật đấu tranh khác. Các chiến lược gia cần nghiên cứu tình hình đấu tranh đặc thù của mình để xác định xem phản kháng chính trị có cung cấp câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi bên trên hay không.

Lên kế hoạch cho một thể chế dân chủ

Nên nhớ rằng mục tiêu của chiến lược tổng thể không phải chỉ là kéo bọn độc tài xuống mà còn để thiết lập một hệ thống dân chủ và làm sao để một chế độ độc tài khác không thể nổi lên được. Để đạt những mục tiêu này, phương pháp tranh đấu được chọn cần phải góp phần thay đổi sự phân phối quyền hành thực tiễn trong xã hội. Dưới chế độ độc tài, quần chúng và các định chế dân sự trong xã hội quá yếu trong khi chính phủ quá mạnh. Nếu không thay đổi sự bất cân bằng này, những người cầm quyền mới cũng có thể độc tài, nếu họ muốn, không kém gì những người cũ. Chính vì vậy mà một cuộc "cách mạng cung đình" hay một cuộc đảo chánh không phải là điều đáng được hân hoan đón nhận.

Giải pháp phản kháng chính trị góp phần phân phối đồng đều hơn những quyền hành thực tiễn qua quá trình động viên cả xã hội chống lại chế độ độc tài, như đã được trình bày trong chương 5. Tiến trình này diễn ra bằng nhiều cách. Sự phát triển của khả năng đấu tranh bất bạo động đồng nghiã với việc khả năng đàn áp bằng bạo lực của chế độ không còn dễ dàng làm cho dân chúng khiếp sợ hay phục tùng. Quần chúng nay có phương tiện hùng mạnh trong tay để địch lại và có lúc chặn đứng được việc sử dụng quyền uy của bọn độc tài. Hơn nữa, việc vận dụng sức mạnh quần chúng qua phản kháng chính trị còn củng cố các định chế độc lập trong xã hội. Sau một lần thực sự nắm được quyền trong tay và hành xử với quyền hành đó, người ta sẽ không dễ quên. Với kiến thức và kỹ năng học được trong đấu tranh, quần chúng không còn dễ bị áp đảo bởi những kẻ độc tài tương lai. Sự chuyển đổi trong cán cân quyền lực này cuối cùng sẽ đóng góp rất nhiều vào việc thiết lập một xã hội dân chủ bền vững.

Hỗ trợ từ bên ngoài

Trong tiến trình hoạch định chiến lược tổng thể, cần phải đánh gíá vai trò của lực kháng cự bên trong và sức ép từ bên ngoài đối với nỗ lực làm tan rã chế độ độc tài. Trong tài liệu này, chúng tôi đã lý luận rằng sức mạnh chính của cuộc đấu tranh phải phát sinh từ quốc nội. Hỗ trợ từ bên ngoài, nếu có, cũng chỉ vì sự kích động của cuộc đấu tranh bên trong.

Một bổ túc nhỏ cho luận điểm này là có thể dành một số nỗ lực huy động dư luận quốc tế chống lại chế độ độc tài trên căn bản nhân đạo, luân lý hoặc tín ngưỡng. Cũng có thể vận động các chính phủ và tổ chức quốc tế áp dụng những biện pháp trừng phạt ngoại giao, chính trị và kinh tế đối với chế độ độc tài. Hình thức trừng phạt có thể là cấm vận kinh tế, cấm vận vũ khí quân sự, hạ cấp bậc hay cắt đứt quan hệ ngoại giao, cấm trợ giúp kinh tế và đầu tư vào nước độc tài, trục xuất chính quyền độc tài ra khỏi những tổ chức quốc tế và những phân bộ của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, các hỗ trợ quốc tế, như cung cấp tiền bạc và các phương tiện liên lạc, cũng có thể được chuyển thẳng cho lực lượng dân chủ.

Ðề xướng một chiến lược tổng thể

Tiếp theo việc lượng giá tình hình, lựa chọn phương thức và xác định vai trò của sự hỗ trợ từ bên ngoài, những người hoạch định chiến lược tổng thể cần phác họa những nét lớn về cách hay nhất để tiến hành cuộc đấu tranh. Kế hoạch phác họa này kéo dài từ hiện tại tới thời điểm giải phóng trong tương lai và tới việc định chế hóa một hệ thống dân chủ. Trong lúc soạn thảo chiến lược tổng thể, các kế hoạch gia phải tự đặt cho mình một số câu hỏi. Những câu hỏi sau đây (cụ thể hơn các câu hỏi trong những phần trước) là thí dụ cho những loại cứu xét cần có để đề ra một chiến lược tổng thể cho cuộc đối tranh phản kháng chính trị:

Cuộc tranh đấu dài hạn nên khởi sự như thế nào thì tốt nhất? Làm sao để quần chúng đang bị đàn áp có thể gom góp đủ tự tin và sức mạnh để thách thức chế độ độc tài bằng hành động, dù chỉ rất giới hạn vào lúc đầu? Làm sao để khả năng bất hợp tác và kháng cự của quần chúng tăng trưởng với thời gian và kinh nghiệm? Nên chọn một số mục tiêu cụ thể nào cho một chuỗi chiến dịch giới hạn nhằm lấy lại quyền kiểm soát xã hội cho dân chúng và hạn chế quyền kiểm soát của chế độ độc tài?

Liệu có định chế độc lập nào còn sống sót dưới ách độc tài để có thể dùng vào công cuộc đấu tranh giành tự do không? Những định chế xã hội nào có thể giật lại được khỏi tay bọn độc tài? hoặc phía dân chủ phải khởi dựng lên những định chế nào để đáp ứng nhu cầu đấu tranh và thiết lập những vùng dân chủ ngay trong lúc chế độ độc tài đang hiện hữu?

Làm thế nào để phát triển loại sức mạnh từ guồng máy tổ chức của phe kháng cự? Những người tham gia phải được huấn luyện ra sao? Sẽ cần những nguồn lực nào (tiền bạc, dụng cụ, v.v...) trong suốt thời gian tranh đấu? Những loại biểu tượng nào sẽ có hiệu quả nhất trong việc vận động quần chúng?

Phải dùng đến loại hành động nào và trong giai đoạn nào để làm cho những nguồn lực của nhóm độc tài càng lúc càng yếu đi và bị cắt lìa? Làm thế nào để quần chúng vừa kiên quyết phản kháng vừa duy trì được tính kỷ luật bất bạo động cần thiết? Làm sao để xã hội vẫn tiếp tục tự cung cấp được những nhu cầu căn bản trong suốt thời kỳ đấu tranh? Làm sao để trật tự xã hội được duy trì ngay giữa vòng tranh chấp? Khi chiến thắng tới gần, làm sao để phía phản kháng dân chủ tiếp tục xây dựng nền tảng định chế của xã hội hậu độc tài để bước chuyển tiếp sang thể chế dân chủ được thuận lợi tối đa?

Một điều cần nhớ là không có một bản thiết kế nào hiện hữu hay có thể viết ra để hoạch định chiến lược cho tất cả mọi phong trào giải phóng chống độc tài. Mỗi cuộc tranh đấu để đánh đổ độc tài, xây dựng dân chủ đều có phần khác nhau. Không có hai trường hợp nào hoàn toàn giống nhau, vì mỗi chế độ độc tài có một số đặc tính và vì khả năng của khối quần chúng mưu cầu tự do cũng khác nhau. Các kế hoạch gia soạn chiến lược tổng thể cho một cuộc đấu tranh phản kháng chính trị cần có sự hiểu biết sâu xa không những về tình hình tranh chấp đặc thù của họ mà còn về cả những phương tiện đấu tranh đã được chọn lựa. (13)

Một khi chiến lược tổng thể cho đấu tranh đã được hoạch định kỹ lưỡng, chiến lược này nên được phổ biến rộng rãi vì nhiều lý do. Một số đông dân chúng sẽ sẵn lòng đứng lên hành động hơn nếu họ hiểu được đường hướng tổng thể, ngoài những hướng dẫn công tác chi tiết. Sự hiểu biết này cũng sẽ có ảnh hưởng rất tích cực lên tinh thần, sự hăng hái tham gia, và cách hành xử đúng đắn của thành viên phong trào. Và dù sao thì bọn độc tài cũng sẽ biết đại cương của chiến lược tổng thể; và chính vì biết các điều này mà họ có thể sẽ bớt thô bạo trong việc đàn áp, vì càng thô bạo chỉ càng làm tăng sức phản kháng chính trị chống lại họ. Việc biết được những đặc điểm của chiến lược tổng thể cũng có thể góp phần tạo chia rẽ và đào ngũ trong nội bộ phe độc tài.

Một khi kế hoạch cho chiến lược tổng thể để đánh bại bọn độc tài và thành lập một hệ thống dân chủ đã được chấp thuận, điều rất quan trọng là các nhóm dân chủ phải kiên trì áp dụng nó. Cuộc đấu tranh sẽ chỉ đi ra ngoài chiến lược tổng thể trong những trường hợp rất hạn hữu mà thôi. Nếu có nhiều chứng cớ cho thấy chiến lược tổng thể đã bị tính toán sai, hoặc cho thấy hoàn cảnh đấu tranh đã thay đổi từ căn bản, thì các kế hoạch gia mới cần sửa đổi lại. Và ngay trong trường hợp đó đi nữa, vẫn nên tiếp tục theo chiến lược đã có cho tới khi việc lượng định tình hình cơ bản hoàn tất và một chiến lược tổng thể mới hoàn chỉnh được soạn xong và được các thành viên chấp nhận.

Hoạch định chiến lược cho từng chiến dịch

Dù chiến lược tổng thể vừa đề ra có sáng suốt và đầy hứa hẹn đến đâu trong việc kết thúc độc tài và xây dựng dân chủ, thì một chiến lược tổng thể vẫn không thể tự áp dụng vào thực tế được. Một số chiến lược cụ thể cần được khai triển để hướng dẫn những chiến dịch lớn có mục đích làm suy yếu quyền lực của phía độc tài. Những chiến lược này sau đó lại sẽ kết hợp và hướng dẫn hàng loạt những vụ đối đầu chiến thuật có mục đích tung những đòn quyết định vào chế độ độc tài. Chiến thuật và từng phương pháp hành động phải được lựa chọn kỹ lưỡng để góp phần đạt cho được các mục tiêu của chiến lược. Phần thảo luận này sẽ tập trung vào cấp chiến lược.

Các chiến lược gia làm kế hoạch cho những chiến dịch lớn, cũng như những người đã làm kế hoạch cho chiến lược tổng thể, cần phải có sự hiểu biết đầy đủ về bản chất và các mặt vận hành của kỹ thuật đấu tranh đã lựa chọn. Cũng giống như những sĩ quan quân đội cần hiểu biết cấu tạo lực lượng, chiến thuật, hậu cần, khí giới, ảnh hưởng của địa thế, v.v... để hoạch định chiến lược quân sự, các kế hoạch gia cho phản kháng chính trị phải hiểu bản chất và những qui luật chiến lược của đấu tranh bất bạo động. Tuy vậy, vẫn chưa đủ. Cả những hiểu biết về đấu tranh không bạo động, cộng với những đề nghị trong bản tiểu luận này, và thêm các trả lời cho những câu hỏi đặt ra ở đây vẫn không tự chúng đẻ ra chiến lược. Ðể đề ra được những chiến lược đấu tranh vẫn đòi hỏi tính sáng tạo với đầy đủ dữ kiện.

Trong lúc soạn thảo chiến lược cho từng chiến dịch kháng cự chọn lọc cụ thể và cho sức phát triển lâu dài của cuộc đấu tranh giải phóng, các chiến lược gia phản kháng chính trị cần phải cứu xét đủ loại vấn đề và khó khăn. Sau đây là một vài điểm trong số những vấn đề cần xét:

Xác định những mục tiêu cụ thể của chiến dịch và chúng sẽ đóng góp thế nào vào việc thực hiện chiến lược tổng thể.

Xem xét từng phương pháp hoặc vũ khí chính trị tốt nhất có thể dùng để thực hiện những chiến lược đã chọn. Trong mỗi kế hoạch tổng quát cho một chiến dịch có tính cách chiến lược, cũng cần xác định những kế hoạch chiến thuật nhỏ hơn và những phương pháp hành động nào nên dùng để tạo áp lực và hạn chế các nguồn thế lực của bọn độc tài. Nên nhớ rằng việc đạt tới những mục tiêu lớn chỉ là kết quả của việc cẩn thận chọn lựa và thực hiện những bước nhỏ hơn.

Xác định xem có nên nối những vấn đề kinh tế vào cuộc đấu tranh hầu như thuần túy chính trị này không, và nối vào bằng cách nào. Nếu đưa các vấn đề kinh tế vào vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh, cần phải liệu xem có thể thực sự giải quyết những khắc khoải kinh tế này sau khi kết thúc chế độ độc tài không. Nếu không, thất vọng và bất mãn sẽ xảy ra nếu không thấy những giải pháp nhanh chóng trong thời kỳ chuyển tiếp sang xã hội dân chủ. Sự thất vọng ấy sẽ tạo cơ hội cho những lực lượng độc tài mới nổi lên với lời hứa hẹn sẽ giải tỏa ngay những khó khăn kinh tế.

Xác định trước xem loại hệ thống lãnh đạo và liên lạc nào tốt nhất để khởi đầu cuộc đấu tranh phản kháng. Và phương cách lấy quyết định, liên lạc nào có thể dùng trong suốt thời gian đấu tranh sau đó để cung cấp liên tục đường hướng cho các nhà phản kháng và quảng đại quần chúng.

Quảng bá tin tức phản kháng đến quảng đại quần chúng, đến các thành phần của phía độc tài và đến truyền thông quốc tế. Những công bố thành tích và tường thuật nên luôn luôn đặt căn bản trên dữ kiện thật. Những phóng đại và tuyên nhận thành tích vô căn cứ sẽ chỉ làm suy giảm uy tín của phe đối kháng.

Hoạch định một số hoạt động xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị có tính tự lập và xây dựng để đáp ứng nhu cầu của chính quần chúng thuộc phía phản kháng trong thời gian tranh chấp sắp tới. Những dự án ấy có thể được điều hành bởi những người không trực tiếp liên hệ đến đấu tranh.

Xác định xem loại hỗ trợ nào từ nước ngoài nên có để hỗ trợ cho một chiến dịch hoặc cho toàn bộ cuộc đấu tranh. Làm sao huy động và dùng các hỗ trợ ngoại quốc tối đa mà không biến cuộc đấu tranh tại quốc nội lệ thuộc vào những yếu tố bấp bênh từ bên ngoài? Cần lưu tâm đến những đoàn thể tại nước ngoài có nhiều xác suất và lý do chính đáng để trợ giúp phong trào, như những tổ chức phi chính phủ (những phong trào xã hội, những nhóm tôn giáo hay chính trị, công đoàn, v.v...), những chính phủ nước ngoài, và/hoặc Liên Hiệp Quốc và những phân bộ phụ thuộc.

Thêm vào đó, các kế hoạch gia phản kháng còn phải nghĩ tới những biện pháp để duy trì trật tự và thoả mãn các nhu cầu xã hội của chính lực lượng của mình trong thời gian kháng cự rộng khắp để chống lại vòng kềm kẹp độc tài. Các biện pháp này không những sẽ tạo ra được một số cơ cấu dân chủ độc lập với chế độ để đáp ứng những nhu cầu thực của dân chúng, mà còn biến những khẳng định rằng phải đàn áp thẳng tay để chặn rối loạn và vô luật lệ trở nên vô nghĩa và khó tin.

Truyền bá ý niệm bất hợp tác

Để cuộc phản kháng chính trị chống chế độ độc tài thành công, quần chúng phải nắm chắc được ý niệm bất hợp tác. Như đã được minh họa trong mẩu chuyện "Hầu Công" (xem chương Ba), cốt lõi vấn đề rất giản dị: khi có đủ số người bị trị từ chối không tiếp tục hợp tác trong một thời gian đủ dài bất kể các đàn áp, thì hệ thống cai trị sẽ yếu dần và cuối cùng sụp đổ.

Những người sống dưới chế độ độc tài có thể đã nghe nói nhiều về ý niệm này. Tuy vậy, lực lượng dân chủ vẫn cần chủ động quảng bá và quần chúng hóa ý niệm bất hợp tác. "Hầu Công" hay một chuyện tương tự nên được tung ra toàn xã hội vì rất dễ hiểu. Một khi ý niệm tổng quát về bất hợp tác đã được nắm vững, quần chúng sẽ hiểu tại sao có những lời kêu gọi không hợp tác trong tương lai đối với chế độ độc tài. Họ cũng sẽ có thể tự nghĩ ra vô số hình thức bất hợp tác trong mọi tình huống.

Mặc dù dưới chế độ độc tài, việc truyền bá ý tưởng, tin tức, và những chỉ thị phản kháng gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, nhưng các nhà dân chủ đã nhiều lần chứng minh đây là điều có thể làm được. Ngay cả dưới ách cai trị của Ðức Quốc Xã và Cộng Sản, những nhà kháng cự vẫn có thể liên lạc không những với từng cá nhân mà còn với cả khối lớn quần chúng bằng cách in lén báo chí, truyền đơn, sách vở, và gần đây bằng băng âm thanh và hình ảnh.

Nhờ lợi thế của việc soạn trước kế hoạch chiến lược, những chỉ đạo tổng quát cho lực lượng chống đối có thể được chuẩn bị và phổ biến trước khi có đối đầu thực sự. Những hướng dẫn này chỉ ra những vấn đề và điều kiện hoàn cảnh mà quần chúng nên phản đối và ngừng hợp tác, cũng như cách thực hiện những hành động đó. Khi đã làm xong việc này, thì dù đường giây liên lạc với cấp lãnh đạo lực lượng dân chủ có bị cắt đứt và các chỉ thị chi tiết không gởi cho nhau được, quần chúng vẫn biết cần làm gì đối với một số vấn đề quan trọng. Các chỉ đạo gởi sớm đó cũng cung cấp một số tiêu chuẩn để nhận dạng những chỉ thị chống đối giả do công an gởi ra để khích động những hành động làm giảm uy tín phong trào phản kháng.

Đàn áp và cách đối phó

Các kế hoạch gia chiến lược cần lượng định xem hành động của phe dân chủ phản kháng sẽ tạo những phản ứng và trấn áp gì từ phía chế độ, đặc biệt cần chú ý đến lằn mức mà Nhà Nước bắt đầu dùng tới bạo lực. Từ đó cần định rõ cách chịu đựng, phản công, hoặc cố tránh tình trạng gia tăng đàn áp nhưng không bằng cách vâng phục trở lại. Ðể chuẩn bị về mặt chiến thuật, trong một vài trường hợp cá biệt, cần thông báo vừa đủ cho quần chúng và các nhà phản kháng về ước lượng sẽ có đàn áp, để họ biết trước những rủi ro khi tham gia. Nếu mức đàn áp có thể nghiêm trọng, cần chuẩn bị y tế để băng bó cho những người bị thương.

Nhờ tiên liệu những phản ứng đàn áp, có xác suất cao các chiến lược gia sẽ chọn trước được những chiến thuật và phương pháp đủ để đạt các mục tiêu của một chiến dịch, hoặc của cả nỗ lực giải phóng, mà vẫn làm cho việc đàn áp thô bạo khó xẩy ra hoặc ít xẩy ra hơn. Thí dụ, những cuộc biểu tình hoặc diễn hành ngoài đường phố để chống chế độ độc tài cực đoan có thể tạo ấn tượng rất mạnh, nhưng nó cũng có thể đưa tới cái chết của hàng ngàn người biểu tình. Cái giá quá đắt này, tuy vậy, chưa chắc đã tạo nhiều áp lực lên chế độ độc tài bằng phương pháp mọi người ngồi nhà, đình công, hoặc những hành động bất hợp tác rộng khắp của giới công chức.

Nếu có ai đề nghị cần một hành động phản kháng khiêu khích, dù có thể tạo nhiều thương vong, để đạt một mục tiêu chiến lược, thì phải rất thận trọng đo lường cái giá phải trả và ích lợi của đề nghị đó. Liệu quần chúng và những nhà phản kháng có hành xử với tinh thần kỷ luật và bất bạo động trong suốt thời gian đấu tranh không? Liệu họ có cưỡng lại được những khiêu khích đưa tới bạo động không? Các Kế hoạch gia cần nghĩ tới những biện pháp phải có để duy trì kỷ luật bất bạo động và kiên trì chống đối bất kể những đàn áp thô bạo. Liệu những biện pháp như thề cam kết, phân phát các bản qui định của ban tổ chức, các truyền đơn về kỷ luật, lập đội trật tự cho cuộc biểu tình, tẩy chay những người hoặc nhóm kêu gọi bạo động, v.v... có khả thi và hiệu quả không? Các nhà lãnh đạo phải luôn luôn cảnh giác những phần tử khiêu khích len lỏi vào đám đông với nhiệm vụ kích thích người biểu tình bạo động.

Bám sát kế hoạch chiến lược

Khi đã có một kế hoạch chiến lược tốt rồi, lực lượng dân chủ không nên để bị phân tâm bởi những biến thế không đáng kể của nhóm độc tài. Sự phân tâm này dễ kéo phía dân chủ đi lệch khỏi hướng chiến lược tổng thể hay chiến lược cho chiến dịch, để rồi tập trung các nỗ lực chính vào những vấn đề không quan trọng. Cũng không được để những xúc động nhất thời - có thể bùng lên trước những hành động tàn bạo của chế độ độc tài mới xảy ra - lái lực lượng chống đối dân chủ lệch khỏi chiến lược tổng thể hay chiến lược của chiến dịch. Một số những hành động tàn bạo được cố tình tung ra để kích động lực lượng dân chủ rời bỏ kế hoạch hoàn chỉnh của mình và bắt tay vào những hành vi bạo động; và nhờ đó nhóm độc tài có thể đánh bại phía dân chủ dễ dàng hơn.

Lúc nào những phân tích căn bản vẫn được công nhận là hợp lý, thì các lực lượng dân chủ có trách nhiệm đẩy cuộc đấu tranh tiến tới, từng giai đoạn một. Dĩ nhiên, những thay đổi về chiến thuật và những mục tiêu có tính chuyển tiếp sẽ xuất hiện. Các nhà lãnh đạo giỏi phải luôn luôn sẵn sàng để khai thác những cơ hội này. Nhưng không nên nhầm lẫn những điều chỉnh này với những mục tiêu của chiến lược tổng thể hoặc những mục tiêu của một chiến dịch nhất định. Thực hiện một cách thận trọng chiến lược tổng thể đã được chọn lựa và chiến lược cho các chiến dịch sẽ góp phần rất lớn đưa tới thành công.

Chương 8

Áp Dụng Phản Kháng Chính TrịVào Thực Tiễn

Tại những nơi người dân đang cảm thấy bất lực và sợ hãi, điều quan trọng cần nhớ là các công tác khởi đầu cho quần chúng phải có độ rủi ro thấp và mang tính gầy dựng lòng tự tin. Loại hành động này - như cùng mặc quần áo theo một kiểu khác thường ngày - đủ để công khai biểu lộ sự bất đồng chính kiến và tạo cơ hội cho đông đảo quần chúng tham gia. Trong nhiều trường hợp, có thể bắt đầu bằng một việc tương đối nhỏ (trên bề mặt) và không liên hệ đến chính trị (thí dụ như bảo đảm cung cấp nước sạch) làm trọng tâm phát động những hành động chung. Các chiến lược gia nên chọn một vấn đề mà lợi ích của nó ai cũng thấy và khó cho chế độ từ chối giải quyết. Sự thành công của các chiến dịch nhỏ này không những giải quyết được một số vấn nạn mà còn thuyết phục được quần chúng rằng họ thực sự có tiềm năng về sức mạnh.

Đa số chiến lược ở cấp chiến dịch, trong khuôn khổ một cuộc đấu tranh dài, không nên nhắm thẳng đến mục tiêu làm tan rã lập tức và toàn bộ chế độ độc tài, nhưng nhắm vào các mục tiêu trung hạn nhỏ hơn. Và không phải chiến dịch nào cũng đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi thành phần quần chúng.

Trong khi suy tính một loạt những chiến dịch cá biệt để thực thi chiến lược tổng thể, các chiến lược gia đối kháng cần quan tâm đến sự khác biệt giữa các chiến dịch ở giai đoạn khởi đầu, giai đoạn giữa, và giai đoạn gần kết thúc cuộc đấu tranh.

Đối kháng chọn lọc

Vào giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh, các chiến dịch riêng rẽ với những mục tiêu khác nhau có thể rất hữu dụng. Những chiến dịch chọn lọc như thế có thể được khởi động nối tiếp nhau, hoặc, thỉnh thoảng có thể gối đầu lên nhau.

Khi lên kế hoạch một chiến lược cho "đối kháng chọn lọc", rất cần nhận dạng những vấn đề hay những oán hận tuy nhỏ nhưng cụ thể và có tính biểu tượng cho sự thống trị toàn diện của chế độ độc tài. Những vấn đề đó là những mục tiêu rất thích hợp để mở chiến dịch hầu đạt những mục tiêu chiến lược trung cấp trong toàn bộ chiến lược tổng thể.

Những mục tiêu chiến lược trung cấp này cần phải vừa tầm với khả năng sức mạnh hiện có hay dự phóng sắp có của lực lượng dân chủ. Điều này giúp bảo đảm có được một loạt chiến thắng, vừa nâng cao tinh thần đấu tranh vừa góp phần chuyển dần cán cân thế lực cho công cuộc đấu tranh lâu dài.

Các chiến lược kháng cự chọn lọc nên tập trung chính yếu vào các vấn đề xã hội, kinh tế hoặc chính trị cụ thể. Các vấn đề này được chọn để giữ một phần hệ thống xã hội, chính trị không lọt vào vòng kiểm soát của chế độ; để lấy lại quyền kiểm soát một số phần đang bị chế độ kiểm soát; hoặc để chận không cho chế độ đạt một mục tiêu nào đó. Nếu có thể, chiến dịch kháng cự chọn lọc cũng nên tấn công vào một hay nhiều điểm yếu của chế độ độc tài, như đã bàn trong phần trước. Bằng cách đó, những nhà dân chủ có thể tạo tối đa tác động với số vốn liếng thế lực hiện có.

Các chiến lược gia cần hoạch định thật sớm ít nhất là chiến lược cho chiến dịch đầu tiên. Những mục tiêu giới hạn của nó là gì? Nó đóng góp gì cho chiến lược tổng thể đã chọn? Nếu có thể được, thì việc đề ra ít nhất là những nét chiến lược đại cương cho chiến dịch thứ hai hoặc thứ ba cũng là điều khôn ngoan. Tất cả các chiến lược này cần góp phần vào việc thực thi chiến lược tổng thể đã chọn và vận hành trong khuôn khổ tổng quát của nó.

Những hình thức thách đố tượng trưng

Vào giai đoạn đầu của chiến dịch làm suy yếu chế độ độc tài, những hành động đặc thù chính trị đầu tiên cần phải được giới hạn về tầm vóc. Những hành động này nên được hoạch định một phần để thử nghiệm và ảnh hưởng lên tâm trạng của quần chúng, và sửa soạn họ cho cuộc đấu tranh kéo dài bằng phương cách bất hợp tác và phản kháng chính trị.

Hành động khởi đầu thường chỉ mang hình thức phản đối tượng trưng hoặc có thể là một hành động biểu kiến bất hợp tác ngắn hạn trong một giới hạn nào đó. Nếu số người sẵn sàng tham gia còn ít thì hành động ban đầu có thể nhẹ nhàng như đặt vòng hoa tại một nơi mang ý nghĩa quan trọng. Ngược lại, nếu có số đông những người sẵn sàng hành động, thì những hình thức như 5 phút ngưng mọi hoạt động hoặc vài phút im lặng có thể áp dụng. Trong một số hoàn cảnh khác, một vài cá nhân có thể tuyệt thực, thực hiện đêm canh thức tại một nơi mang ý nghĩa quan trọng, học sinh tẩy chay lớp học ngắn hạn, hoặc toạ kháng ngắn hạn tại một văn phòng quan trọng. Dưới một chế độ độc tài, khởi động bằng các hành động quyết liệt hơn hầu như chắc chắn sẽ bị đàn áp nặng nề.

Một số hành động biểu kiến khác, như đứng đầy người phía trước biệt thự của những kẻ độc tài, hoặc trước trụ sở chính của công an, v.v. có thể tạo mức rủi ro cao và do đó không nên dùng để khởi xướng một chiến dịch.

Những hành động phản đối tượng trưng ban đầu có khi thu hút ngay được sự chú ý của dư luận toàn quốc và thế giới, thí dụ như những cuộc xuống đường đông đảo tại Miến Điện vào năm 1988, hoặc việc chiếm ngự và tuyệt thực của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989. Tuy nhiên, con số thương vong quá cao trong hai trường hợp này là điều mà các chiến lược gia phải đặc biệt quan tâm khi hoạch định các chiến dịch. Mặc dầu tạo được chấn động rất lớn về đạo đức và tâm lý, các hành động này tự chúng khó có thể đánh sập được chế độ độc tài, bởi vì đây là những hành động biểu kiến chứ không thay đổi thế lực của chế độ độc tài.

Thường thì khó mà cắt đứt được các nguồn thế lực hiện có của chế độ độc tài một cách toàn diện và nhanh chóng vào thời gian đầu của cuộc đấu tranh. Vì điều này đòi hỏi phải có hầu như toàn bộ dân chúng và mọi cơ chế của xã hội - mà trước đây phần lớn đều ngoan ngoãn phục tùng - cự tuyệt chế độ và bất ngờ cùng kháng cự lại bằng hình thức bất hợp tác quyết liệt và rộng khắp. Mức độ tham gia này chưa xảy ra, và là điều khó đạt tới nhất. Do đó trong hầu hết mọi trường hợp, ý định tung ngay ra một chiến dịch bất hợp tác và đối kháng toàn diện là một chiến lược không thực tế cho giai đoạn đầu chống lại độc tài.

Trải rộng trách nhiệm

Trong một chiến dịch kháng cự chọn lọc, gánh nặng chủ yếu của cuộc đấu tranh thường do một hay vài thành phần quần chúng phải gánh chịu. Trong các chiến dịch sau, với những mục tiêu mới, gánh nặng đấu tranh có thể được chuyển sang các thành phần khác. Thí dụ, sinh viên có thể tổ chức bãi khoá trước một vấn đề giáo dục, các nhà lãnh đạo tôn giáo và tín đồ có thể tập trung vào vấn đề tự do tôn giáo, công nhân đường sắt có thể nhân danh các quy định an toàn để làm chậm sự vận hành của hệ thống giao thông tàu hoả, các phóng viên có thể thách thức chính sách kiểm duyệt bằng cách in báo với những khoảng trống mà đáng lẽ là chỗ đăng các bài bị cấm, hoặc công an có thể phản kháng bằng cách liên tục không kiếm được hay không bắt được các thành viên của phe đối lập dân chủ đang bị truy lùng. Chia các chiến dịch kháng cự ra theo nhiều loại vấn đề và theo nhiều thành phần quần chúng sẽ cho phép một số nhóm dân chúng được tĩnh dưỡng trong lúc cuộc kháng cự vẫn tiếp diễn.

Phương cách kháng cự chọn lọc đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ sự tồn tại và tính tự trị của các nhóm xã hội, chính trị, kinh tế và các định chế hiện đang hoạt động độc lập ngoài vòng kiểm soát của chế độ độc tài, như đã trình bày vắn tắt trong các phần trước. Các trung tâm quyền lực này cung cấp những nền tảng định chế mà từ đó dân chúng có thể tạo áp lực hoặc kháng cự lại vòng kềm kẹp của chế độ. Trong cuộc đấu tranh, các nhóm và định chế này có nguy cơ bị chế độ độc tài chiếu cố trước nhất.

Nhắm vào thế lực của các kẻ độc tài

Khi cuộc đấu tranh đã vượt qua thời gian khởi động và tiến vào những giai đoạn mang nhiều kỳ vọng và cao cấp hơn, các chiến lược gia cần tính toán phương cách để hạn chế các nguồn thế lực của nhóm độc tài hơn nữa. Mục tiêu là dùng phương pháp bất hợp tác của đại khối quần chúng để tạo ra bối cảnh chiến lược mới có lợi hơn cho lực lượng dân chủ.

Một khi lực lượng kháng cự dân chủ có đủ sức mạnh, các chiến lược gia nên vạch ra các hình thức kháng cự và bất hợp tác mang chỉ tiêu cao hơn để cắt lìa các nguồn lực của chế độ, với mục đích gia tăng tình trạng tê liệt chính trị, và cuối cùng dẫn đến sự tan rã của chính chế độ độc tài.

Lực lượng dân chủ cần lên kế hoạch kỹ càng về cách làm yếu đi sự hỗ trợ mà một số quần chúng và đoàn thể đã dành cho chế độ độc tài trước đây, có thể bằng cách phơi bày những hành vi tàn bạo của chế độ, hoặc vạch ra những hậu quả kinh tế thảm khốc bởi chính sách của Nhà Nước, hoặc quảng bá ý niệm chấm dứt độc tài là việc có thể đạt tới được, v.v. Tối thiểu phải thúc đẩy được những người từng ủng hộ chế độ trở thành "trung lập" trong hành động ("đứng giữa đường ranh") hoặc tốt hơn nữa là trở thành những người hỗ trợ tích cực cho phong trào dân chủ.

Trong thời kỳ lên kế hoạch và tiến hành các hình thức đấu tranh phản kháng chính trị và bất hợp tác, điều rất quan trọng là theo dõi sát tất cả những người ủng hộ hay phụ tá chính yếu của các kẻ độc tài, bao gồm nhóm phe cánh, đảng chính trị, công an, công chức, và nhất là quân đội của họ.

Mức độ trung thành của quân đội, cả lính và sĩ quan, đối với chế độ độc tài cần phải được đánh giá đúng mức, và cần xác định lực lượng dân chủ còn hy vọng gì ảnh hưởng lên quân đội không. Có phải đa số binh lính chỉ là những người bị bắt đi làm nghĩa vụ quân sự, đang trong tình trạng buồn chán và sợ hãi không? Có phải nhiều binh lính và sĩ quan đang bị chế độ bạc đãi vì lý do cá nhân, gia đình hay chính trị không? Còn những yếu tố nào có thể làm các binh lính và sĩ quan dễ cho phía dân chủ thuyết phục hơn không?

Ngay từ thời gian đầu của cuộc đấu tranh giải phóng, một chiến lược đặc biệt nên được soạn thảo để liên lạc với quân đội và các quan chức của phía độc tài. Lực lượng dân chủ có thể thông báo bằng lời nói, biểu tượng và hành động cho quân đội biết rằng cuộc đấu tranh giải phóng sẽ ráo riết, quyết liệt, và bền bỉ. Cần cho quân lính biết rằng cuộc đấu tranh này mang tính chất đặc biệt, được phát động để làm suy yếu chế độ độc tài chứ không để đe dọa tính mạng của họ. Những nỗ lực như thế nhắm chủ yếu vào làm suy nhược dần tinh thần quân lính của phía độc tài và cuối cùng lật ngược sự trung thành và vâng phục của họ về phía phong trào dân chủ. Những chiến lược tương tự có thể nhắm vào thành phần công an và công chức.

Tuy nhiên, nỗ lực thu phục cảm tình dần dần và sau cùng thuyết phục lực lượng của các phía độc tài trở nên bất phục tùng không nên bị hiểu lầm là muốn khuyến khích quân đội chấm dứt ngay chế độ độc tài hiện tại bằng giải pháp quân sự. Trong trường hợp như thế khó mà xây dựng được một nền dân chủ hữu hiệu, vì (như chúng ta đã thảo luận) một cuộc đảo chánh không giúp gì nhiều trong việc cân bằng lại tương quan quyền lực giữa dân chúng và kẻ cai trị. Vì thế cần có kế hoạch giải thích để các sĩ quan quân đội cảm thông với lực lượng dân chủ hiểu rằng một cuộc đảo chánh hay một cuộc nội chiến chống lại chế độ độc tài đều không cần thiết và không nên có.

Những sĩ quan cảm thông có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh vì dân chủ, như làm lan tràn lòng bất mãn và bất hợp tác trong quân đội, khuyến khích tình trạng cố tình thiếu hiệu năng và ngấm ngầm làm ngơ các lệnh lạc, và hỗ trợ những đơn vị từ chối đàn áp dân chúng. Các viên chức quân đội cũng có thể giúp phong trào dân chủ bằng các hình thức hỗ trợ bất bạo động tích cực, như cung cấp đường đi qua an toàn, tin tức, ẩm thực, vật dụng y tế, v.v..

Quân đội là một trong những nguồn thế lực quan trọng nhất của các nhà độc tài vì họ có thể dùng trực tiếp những đơn vị quân sự có kỷ luật và vũ khí để tấn công và trừng phạt khối dân chúng bất phục tùng. Các chiến lược gia đối kháng nên nhớ rằng sẽ vô cùng khó, nếu không nói là vô vọng, trong việc tháo gỡ chế độ độc tài khi mà cảnh sát, cơ quan hành chánh, và lực lượng quân đội vẫn tiếp tục dành sự ủng hộ trọn vẹn cho chế độ độc tài và tuân theo chỉ thị của họ. Các chiến lược nhắm đến việc chuyển hoá sự trung thành của các lực lượng thuộc phía độc tài do đó cần phải được các chiến lược gia dân chủ cho ưu tiên cao.

Lực lượng dân chủ nên nhớ rằng thái độ bất mãn và bất phục tùng trong các lực lượng quân đội và công an có thể rất nguy hiểm cho những người dám biểu lộ công khai. Quân đội và công an đều có hình phạt nặng nề đối với những hành động bất tuân lệnh và có thể hành quyết đối với hành động nổi loạn. Lực lượng dân chủ không nên yêu cầu các binh lính và sĩ quan nổi có thể áp dụng lúc khởi đầu. Thí dụ công an và quân đội thi hành lệnh đàn áp một cách không hiệu quả, tìm không ra những người đang bị truy nã, báo trước cho phía đối kháng những dự định đàn áp, bắt bớ, trục xuất sắp xảy ra, và không báo cáo những tin tức quan trọng lên sĩ quan cấp trên. Những sĩ quan bất mãn cũng có thể làm ngơ không chuyển tiếp các lệnh đàn áp xuống cấp dưới trong hệ thống điều hành. Binh lính có thể cố tình bắn hụt qua đầu những người biểu tình. Tương tự như vậy, các công chức có thể làm mất hồ sơ và hướng dẫn, làm việc không hiệu quả, và đột nhiên ngã "bệnh" phải nghỉ ở nhà cho đến khi "bình phục".

Ðiều chỉnh chiến lược

Các chiến lược gia phản kháng chính trị cần liên tục lượng giá mức độ thực hiện chiến lược tổng thể và chiến lược cho từng chiến dịch. Có thể cuộc đấu tranh không tiến triển như dự tính. Trong trường hợp đó, điều cần tính toán xem phải điều chỉnh chiến lược như thế nào. Đâu là những điều có thể làm để gia tăng sức mạnh của phong trào và lấy lại thế chủ động? Trong trường hợp như thế, cần nhận dạng vấn đề, tái thẩm định chiến lược, có thể chuyển trách nhiệm đấu tranh sang một nhóm quần chúng khác, huy động thêm các nguồn lực, và khai triển các hướng hành động khác. Một khi các việc này hoàn tất, kế hoạch mới nên được thi hành ngay.

Ngược lại, nếu cuộc đấu tranh tiến triển tốt đẹp hơn dự tính và chế độ độc tài đang suy sụp sớm hơn các tính toán, làm sao các lực lượng dân chủ có thể khai thác những thành quả bất ngờ và tiến tới làm tê liệt chế độ độc tài? Chúng ta sẽ đào sâu vào câu hỏi này trong chương tới.

Chương 9

Làm Tan Rã Chế Độ Độc Tài

Những thành quả tích lũy từ các chiến dịch phản kháng chính trị khéo léo và thành công sẽ làm vững mạnh thêm lực đối kháng, và mở ra hoặc mở rộng những lãnh vực xã hội mà sự kiểm soát của chế độ độc tài ngày càng bị hạn chế. Các chiến dịch này cũng cung cấp những kinh nghiệm quan trọng về cách thức từ chối hợp tác và đối lại bằng phản kháng chính trị. Những kinh nghiệm này sẽ rất hữu ích khi đến thời điểm phát động bất hợp tác và phản kháng trên bình diện thật rộng lớn.

Như đã được trình bày trong chương Ba, sự tuân thủ, hợp tác, và quy phục là những yếu tố then chốt góp phần cung cấp thế lực cho chế độ. Nếu không với tới được những nguồn lực chính trị đó, sức của những kẻ độc tài sẽ suy yếu dần và cuối cùng bị hòa tan. Vì vậy, việc thu hồi sự hỗ trợ của quần chúng là một điều kiện chính yếu để làm tan rã chế độ độc tài. Hãy thử duyệt lại xem bằng cách nào các cuộc phản kháng chính trị có thể ảnh hưởng lên nguồn thế lực của chế độ.

Hành động không thừa nhận và phản đối các biểu tượng cũng nằm trong số các phương cách có thể dùng để làm suy giảm thẩm quyền về đức độ và chính trị, tức sự chính danh, của chế độ. Thẩm quyền của chế độ càng lớn thì sự phục tùng và hợp tác mà nó nhận được càng rộng và vững chắc. Vì vậy, việc phủ nhận tính đức độ của các kẻ độc tài phải được thể hiện qua hành động thì mới đủ để đe dọa sự tồn tại của họ. Phải ngưng hợp tác và tuân phục thì mới có thể cắt lìa được các nguồn thế lực của chế độ.

Nguồn thế lực quan trọng hạng nhì là nhân sự - tức số lượng và uy tín của những người hay nhóm đang vâng phục, cộng tác, hay trợ giúp kẻ cai trị. Nếu biện pháp bất hợp tác được những khối lớn trong dân chúng áp dụng, thì chế độ sẽ lâm vào rắc rối lớn. Chẳng hạn như, nếu cả khối công chức không làm việc với mức độ hữu hiệu thường ngày, hay cùng nhau nghỉ ở nhà, thì guồng máy hành chánh sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Tương tự như vậy, nếu trong thành phần bất hợp tác có những người hay nhóm trước đây vẫn đang đóng góp kỹ năng và kiến thức chuyên biệt cho chế độ, thì nhóm độc tài sẽ thấy khả năng thực thi các ý đồ của họ bị suy giảm trầm trọng. Ngay cả khả năng để lấy những quyết định sáng suốt, để khai triển những chính sách hữu hiệu cũng bị co rút đáng kể.

Nếu các ảnh hưởng tâm lý và tư tưởng - còn được gọi là các yếu tố không hữu hình - thường thúc đẩy người ta vâng phục và trợ giúp kẻ cai trị bị làm suy giảm đi hoặc đảo ngược, quần chúng sẽ có khuynh hướng nghiêng về phía bất phục tùng và bất hợp tác.

Khả năng với tay vào những nguồn vật chất cũng trực tiếp ảnh hưởng tới thế lực của các nhà độc tài. Nếu quyền kiểm soát các nguồn tài chánh, hệ thống kinh tế, bất động sản, tài nguyên thiên nhiên, giao thông, và các phương tiện liên lạc viễn thông lọt vào tay những người đang hay sẽ chống lại chế độ, thì khi đó lại thêm một nguồn thế lực của chế độ bị lung lay hoặc bị tách rời. Đình công, tẩy chay và mức gia tăng tự trị trong các lãnh vực kinh tế, liên lạc viễn thông, và giao thông vận tải sẽ làm suy yếu chế độ.

Như đã trình bày, nguồn quyền lực căn bản của các nhà độc tài nằm ở chỗ họ có khả năng hăm dọa hay thực sự trừng phạt -- tức trừng trị các thành phần quần chúng trăn trở, bất phục tùng và bất hợp tác. Nguồn thế lực này có thể bị làm suy yếu bằng hai cách. Thứ nhất, nếu quần chúng đã được chuẩn bị, tương tự như trong chiến tranh, để chấp nhận các hậu quả như cái giá đương nhiên phải trả cho thái độ phản kháng, thì hiệu quả của các biện pháp trừng phạt sẽ suy giảm rất lớn (nghĩa là biện pháp đàn áp của phía kẻ độc tài không kéo lại được sự tuân phục của dân chúng như họ muốn). Thứ hai, nếu chính công an và quân đội bất mãn chế độ, họ có thể, với tư cách cá nhân hoặc tập hợp, lẩn tránh hoặc thẳng thừng chống lại lệnh bắt bớ, đánh đập, hay bắn giết những người kháng cự. Nếu nhà độc tài không còn có thể dựa vào công an và quân đội để thực hiện các cuộc trấn áp, thì chế độ độc tài đó đang bị đe dọa trầm trọng.

Tóm lại, các hành động bất hợp tác và phản kháng phải làm suy yếu và gỡ bỏ được các nguồn thế lực của những kẻ độc tài thì mới mong phá vỡ được thành trì của chế độ đó. Khi các nguồn thế lực cần thiết không được liên tục bổ xung thì chế độ độc tài sẽ yếu dần và cuối cùng tan rã. Vì thế một bộ phận hoạch định chiến lược có khả năng của phe phản kháng chính trị phải biết nhắm vào các nguồn thế lực trọng yếu nhất của nhóm độc tài.

Leo thang các quyền tự do

Kết hợp với phản kháng chính trị trong giai đoạn kháng cự chọn lọc, sự phát triển của các định chế xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị độc lập dần dần mở rộng vùng "không gian dân chủ" trong xã hội và thu nhỏ vùng kiểm soát của chế độ độc tài. Khi các định chế dân sự trong xã hội ngày càng lớn mạnh so với chế độ độc tài, thì bất kể chế độ muốn gì, quần chúng sẽ tự xây dựng dần dần một xã hội độc lập ngoài luồng kiểm soát của họ. Nếu và khi chế độ can thiệp để ngăn chặn sự "leo thang tự do" này, các cuộc tranh đấu bất bạo động sẽ khởi sự để bảo vệ vùng không gian tự do vừa giành được, và thế là chế độ độc tài phải đối phó thêm với một "mặt trận" mới trong cuộc đấu tranh.

Với thời gian, sự kết hợp giữa chiến dịch kháng cự và nỗ lực xây dựng định chế sẽ dẫn đến tình trạng mặc nhiên có tự do, từ đó sự sụp đổ của chế độ độc tài và việc thiết lập chính thức các cơ chế dân chủ sẽ phải đến vì tương quan quyền lực trong xã hội đã thay đổi từ căn bản.

Ba Lan trong thập niên 1970 và 1980 là một thí dụ điển hình về cách từng bước giành lại các chức năng và định chế của xã hội bởi lực lượng đối kháng. Giáo Hội Công Giáo bị truy bức nhưng chưa bao giờ lọt hoàn toàn vào vòng điểu khiển của Cộng Sản. Vào năm 1976 một số nhà trí thức và công nhân thành lập các nhóm nhỏ như K.O.R. (Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân) để đẩy các ý tưởng chính trị của họ. Tổ chức công đoàn Đoàn Kết ra đời với khả năng huy động đình công hữu hiệu tới độ áp lực được chế độ phải hợp thức hóa tổ chức này vào năm 1980. Nông dân, sinh viên và nhiều nhóm khác cũng hình thành những tổ chức độc lập của họ. Khi Cộng Sản nhận ra rằng các tổ chức này đã thực sự thay đổi cán cân quyền lực, họ lại ra lệnh cấm Công Đoàn Đoàn Kết hoạt động và ban hành tình trạng thiết quân luật.

Nhưng ngay cả dưới tình trạng thiết quân luật, với nhiều cảnh tù tội và đàn áp gắt gao, các định chế độc lập vừa được thành lập vẫn tiếp tục hoạt động. Chẳng hạn như, hàng chục tờ báo và tạp chí chui vẫn tiếp tục phát hành. Các nhà xuất bản chui mỗi năm phát hành hàng trăm cuốn sách trong lúc các nhà văn nổi tiếng tẩy chay các báo chí Cộng Sản và các nhà xuất bản quốc doanh. Và các sinh hoạt tương tự cũng tiếp tục diễn ra trong các lãnh vực khác của xã hội.

Dưới thời quân quản của tướng Jaruselski, có lúc nhà nước Cộng Sản quân sự của ông được mô tả là đang nhảy tứ tung ở thượng tầng xã hội. Cán bộ vẫn chiếm ngự mọi văn phòng và trụ sở nhà nước; chế độ vẫn có thể giáng xuống xã hội những đòn trừng phạt, bắt bớ, cầm tù, tịch thu máy móc in ấn, v.v...; nhưng chế độ không còn kiểm soát xã hội được nữa. Từ điểm đó trở đi, việc xã hội có thể dẹp bỏ toàn bộ chế độ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Có khi mặc dù chế độ độc tài còn đang mọi vị trí trong chính quyền, phía phản kháng vẫn lập ra được một "chính phủ song song" với những đặc tính dân chủ. Cơ cấu này ngày càng vận hành như một chính phủ đối trọng, được sự trung thành, tuân hành và hợp tác của quần chúng và các định chế xã hội. Kết quả là phía độc tài càng ngày càng bị lấy mất dần những đặc tính của một chính phủ. Sau cùng, chính phủ dân chủ song song này thay xã hội bằng các định chế đang diễn ra, phong trào đối kháng và bất hợp tác có thể leo thang. Chiến lược gia của lực lượng dân chủ nên dự kiến sớm sẽ đến lúc phía phản kháng có thể tiến xa hơn giai đoạn đối kháng chọn lọc và bắt đầu tung ra những chiến dịch đối kháng tràn ngập. Trong hầu hết mọi trường hợp phải mất khá nhiều thời gian mới hình thành, xây dựng và mở rộng đủ khả năng đối kháng. Vì thế loại phản kháng tràn ngập chỉ có thể xảy sau 5, 7 năm gầy dựng. Trong thời gian chờ đợi này, những chiến dịch đối kháng chọn lọc nên được tung ra với những mục tiêu chính trị ngày một quan trọng hơn. Phải làm sao để những khối lớn quần chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội tham gia vào những hoạt động đấu tranh. Với nỗ lực phản kháng chính trị đầy quyết tâm và kỷ luật trong thời gian leo thang đấu tranh này, những suy yếu nội bộ của chế độ có nhiều xác suất trở nên ngày một hiển nhiên.

Sự kết hợp giữa phản kháng chính trị mạnh mẽ và xây dựng những định chế độc lập, với thời gian, sẽ tạo sự chú ý thuận lợi của dư luận thế giới đối với lực lượng dân chủ, và có thể dẫn đến những hành động như lên án qua các diễn đàn ngoại giao, tẩy chay, và cấm vận để ủng hộ lực lượng dân chủ (như đã xảy ra tại Ba Lan).

Các chiến lược gia nên ý thức rằng trong một vài trường hợp sự sụp đổ của chế độ độc tài có thể xảy ra vô cùng mau chóng như tại Đông Đức vào năm 1989. Hiện tượng này xảy ra vì những nguồn thế lực bị cắt đứt ở khắp mọi nơi khi toàn bộ dân chúng vùng dậy chống lại chế độ độc tài. Tuy nhiên, đây không phải là một thông lệ, và vì thế tốt hơn hết là nên chuẩn bị cho cuộc tranh đấu trường kỳ (nhưng cũng nên có một số chuẩn bị nếu đoạn kết xảy ra bất ngờ).

Trong suốt cuộc tranh đấu cho tự do, những chiến thắng tuy nhỏ nhưng phải nên đón mừng. Những người đã góp phần tạo ra chiến thắng cần được ghi nhận. Tổ chức ăn mừng đi kèm với sự cảnh giác sẽ giúp duy trì tinh thần đấu tranh cao, rất cần cho các giai đoạn đấu tranh kế tiếp.

Đón nhận thành công trong tinh thần trách nhiệm

Những người hoạch định chiến lược tổng thể nên tính toán trước những cách thức khả thi và ưu tiên để kết thúc cuộc đấu tranh sao cho có lợi nhất, với mục tiêu ngăn chặn sự nổi lên của một chế độ độc tài mới và để bảo đảm việc thiết lập dần một hệ thống dân chủ bền vững.

Các nhà đấu tranh dân chủ nên tính trước phương cách chuyển tiếp từ chế độ độc tài sang chính phủ lâm thời vào đoạn cuối cuộc tranh đấu. Vào thời điểm đó nên thành lập nhanh chóng một chính phủ mới có đủ khả năng vận hành. Tuy nhiên, đó không thể đơn giản là một chính phủ cũ với những nhân sự mới. Cần xét xem những bộ phận nào của hệ thống chính phủ cũ (như công an bảo vệ chính trị) phải bị dẹp bỏ hoàn toàn bởi vì cốt lõi của nó là chống lại đường lối dân chủ, và những bộ phận nào sẽ được giữ lại để được hoán cải theo đường lối dân chủ sau này. Phải tránh sự thiếu vắng chính phủ hoàn toàn vì nó dẫn đến hỗn loạn và có thể phát sinh một chế độ độc tài mới.

Cần suy nghĩ trước để quyết định chính sách đối với những viên chức cao cấp của chế độ độc tài khi thế lực của họ tan rã. Chẳng hạn như những nhà độc tài có phải bị đưa ra tòa án xét xử hay không? Họ có được phép rời khỏi đất nước vĩnh viễn hay không? Có những lựa chọn nào khác phù hợp với đường hướng phản kháng chính trị, với nhu cầu xây dựng lại đất nước, và với nỗ lực xây dựng một nền dân chủ theo sau chiến thắng? Phải tránh để xẩy ra một cuộc tắm máu trả thù vì nó có thể mang lại những hậu quả trầm trọng cho việc thiết lập hệ thống dân chủ trong tương lai.

Những kế hoạch cụ thể để chuyển tiếp qua chế độ dân chủ phải có sẵn để áp dụng khi chế độ độc tài bị suy yếu hoặc sụp đổ. Những kế hoạch như vậy sẽ giúp ngăn chặn một nhóm khác đảo chánh cướp chính quyền. Cũng cần có sẵn kế hoạch để thiết lập định chế chính phủ dân chủ trên nền tảng hiến pháp với đầy đủ các quyền tự do chính trị và tự do cá nhân. Những thay đổi đã đạt được với giá rất đắt không thể để mất đi chỉ vì thiếu kế hoạch.

Khi đối đầu với một quần chúng ngày một mạnh mẽ cũng như sự phát triển của các nhóm và định chế dân chủ độc lập - mà chế độ đều không kiểm soát được - các nhà độc tài sẽ thấy rõ rằng toàn bộ cuộc hành trình của họ đã đến hồi kết thúc. Hiện tượng ngừng hoạt động tràn lan xã hội, tổng đình công, mọi người bỏ việc nằm nhà, xuống đường phản đối, v.v. sẽ làm các tổ chức và định chế của phía độc tài ngày một thêm suy nhược. Kết quả là với nỗ lực đối kháng và bất hợp tác, được tiến hành một cách khôn ngoan và với thời gian lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia, các kẻ độc tài sẽ trở nên bất lực và những nhà dân chủ sẽ chiến thắng mà không cần phải bạo động. Chế độ độc tài tan rã trước sức phản kháng của quần chúng.

Không phải mọi nỗ lực giải phóng đều thành công. Và nếu thành công thì cũng không dễ dàng hay nhanh chóng. Cũng giống như chiến tranh quân sự, cần nhớ rằng số lần chiến thắng cũng ngang ngửa với số lần thất bại. Tuy nhiên, phản kháng chính trị thật sự đem lại nhiều khả năng chiến thắng. Như đã trình bày ở trên, khả năng chiến thắng đó có thể được gia tăng rất nhiều qua việc khai triển một chiến lược tổng thể sáng suốt, hoạch định chiến lược cho từng chiến dịch cẩn thận, làm việc với tất cả tâm huyết, và đấu tranh trong kiên cường và kỷ luật.

Chương 10

Tạo Dựng Nền TảngCho Một Thể Chế Dân Chủ Vững Bền

Sự tan rã của chế độ độc tài đương nhiên là điều đáng được chào mừng. Những người đã phải chịu khổ quá lâu và trả giá quá đắt trong cuộc đấu tranh này xứng đáng được hưởng những ngày vui mừng, tĩnh dưỡng, và đáng được ghi nhận công lao. Họ xứng đáng với niềm tự hào về chính mình và về những người đã cùng đấu tranh để đem lại tự do chính trị. Không phải ai cũng sống sót để thấy ngày này. Cả những người còn sống và những người đã khuất sẽ được ghi nhớ như những vị anh hùng đã góp phần viết lên trang sử tự do cho đất nước họ.

Tiếc thay, đây không phải là lúc để nguôi ngoai cảnh giác. Dù đã thành công trong việc gỡ bỏ độc tài bằng đối kháng chính trị, phải rất quan tâm đến việc ngăn chặn một chế độ áp bức khác nổi lên nhân lúc xã hội còn đang rối loạn sau ngày sụp đổ chế độ cũ. Lãnh đạo của lực lượng dân chủ cần phải chuẩn bị trước cho một cuộc chuyển tiếp trong trật tự qua thể chế dân chủ. Cơ chế độc tài phải bị đập bỏ. Những nền tảng hiến pháp, luật pháp và những tiêu chuẩn hành xử của một thể chế dân chủ bền vững cần được xây dựng.

Ðừng ai nghĩ rằng sau khi chế độ độc tài sụp đổ một xã hội lý tưởng sẽ hiện ra ngay. Sự tan rã của chế độ độc tài thực ra chỉ cung cấp điểm khởi đầu cho những nỗ lực lâu dài để cải thiện xã hội và đáp ứng nhu cầu con người tốt hơn, trong khung cảnh tự do mới. Những vấn nạn chính trị, kinh tế và xã hội sẽ còn kéo dài hàng nhiều năm, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều cá nhân và đoàn thể để giải quyết. Thể chế chính trị mới cần tạo cơ hội cho dân chúng thuộc mọi khuynh hướng và giải pháp có thể tiếp tục công việc xây dựng và khai triển chính sách để đối phó với những vấn nạn trong tương lai.

Nguy cơ phát sinh một chế độ độc tài mới

Aristotle đã từng cảnh báo trước kia "... độc tài cũng có thể biến đổi thành độc tài ..." (14) Có rất nhiều bằng chứng lịch sử, từ Pháp (Jacobins và Napoleon), Nga (Bolsheviks), Iran (Ayatollah), Miến Điện (SLORC) và nhiều nơi khác, cho thấy khi một chế độ áp bức sụp đổ, một số cá nhân và tổ chức chỉ xem đó như cơ hội để họ bước lên vai trò những ông chủ mới. Ðộng cơ của họ có thể khác nhau nhưng hệ quả thì hầu như giống nhau hoàn toàn. Chế độ độc tài mới có khi còn tàn bạo và toàn trị hơn cả chế độ cũ.

Thậm chí có trường hợp, trước khi một chế độ độc tài sụp đổ, một số phần tử của chế độ này tìm cách cắt ngang cuộc đấu tranh cho dân chủ bằng cách giàn dựng một cuộc đảo chánh để chặn trước chiến thắng sắp tới của quần chúng đối kháng. Nhóm này tuyên bố là đã tống xuất chế độ độc tài, nhưng thực ra chỉ áp đặt lại mô hình chế độ cũ đã được chỉnh trang đôi chút.

Ngăn chận đảo chánh

Có một số phương cách để đánh bại đảo chánh trong những xã hội mới được giải phóng. Ðôi khi thông báo cho mọi người biết sớm về khả năng phòng ngừa này của lực lượng dân chủ có thể đủ để làm nhụt chí những dự tính đảo chánh. Do đó, chuẩn bị cũng là một phần của ngăn ngừa. (15)

Nếu có xảy ra thì ngay sau khi cuộc đảo chánh bắt đầu, thành phần chủ mưu rất cần sự chính danh, tức được quần chúng chấp nhận là có thẩm quyền, theo qui luật chính trị và lẽ phải, để cai trị. Vì thế nguyên tắc cơ bản đầu tiên để chống đảo chánh là khước từ cung cấp chính danh cho nhóm đảo chánh.

Nhóm đảo chánh cũng cần dân chúng và những người lãnh đạo họ hoặc ủng hộ phía đảo chánh, hoặc rơi vào tình trạng hoang mang, hoặc chỉ cần thụ động đứng yên. Những kẻ đảo chánh cũng cần sự hợp tác của các chuyên viên và cố vấn, nhân viên các ban ngành và công chức, các viên chức hành chánh và quan toà, để củng cố vòng kiểm soát của họ lên xã hội. Nhóm đảo chánh cũng cần đủ loại người đang vận hành các hệ thống chính trị, các định chế của xã hội, nền kinh tế, công an và quân đội vâng phục một cách thụ động và tiếp tục vai trò thường ngày của mình, với ít nhiều thay đổi theo những chỉ thị và chính sách của nhóm đảo chánh đưa xuống.

Nguyên tắc căn bản thứ hai để ngăn chận đảo chánh là kháng cự lại nhóm đảo chánh cũng bằng hành động bất hợp tác và phản kháng. Sự hợp tác và trợ giúp cho phía đảo chánh phải bị khước từ. Tựu chung những phương thức dùng để phản kháng chế độ độc tài cũng có thể dùng để đối phó với mối đe doạ mới này nhưng phải được áp dụng liền. Nếu cả chính danh và hợp tác đều bị khước từ, cuộc đảo chánh sẽ chết yểu vì bị bỏ đói chính trị và cơ hội gầy dựng một xã hội dân chủ được phục hồi.

Soạn thảo hiến pháp

Thể chế dân chủ mới cần có một bản hiến pháp để thiếp lập cái khung sườn mong muốn cho một chính phủ dân chủ. Bản hiến pháp cần định rõ những mục đích của chính phủ, những hạn chế về quyền hành của chính phủ, cách thức và thời hạn bầu cử để chọn các viên chức chính phủ và các nhà lập pháp, những quyền đương nhiên sở hữu của người dân, và mối quan hệ giữa chính phủ trung ương và các cấp chính phủ thấp hơn.

Để cấp chính quyền trung ương thật sự dân chủ, phải có ranh giới thẩm quyền rõ ràng giữa ba bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cần có những giới hạn chặt chẽ đối với hoạt động của cảnh sát, cơ quan tình báo và quân đội để ngăn cấm những can thiệp vào chính trị.

Vì lợi ích duy trì thể chế dân chủ lâu dài và ngăn cản những xu hướng và biện pháp độc tài, hiến pháp nên thiết lập một hệ thống liên bang với nhiều đặc quyền quan trọng được dành cho chính phủ cấp vùng, tiểu bang, hay địa phương. Trong một số trường hợp, hệ thống liên bang Thụy Sĩ có thể là một đề nghị đáng được cứu xét. Trong hệ thống này những vùng tương đối nhỏ được giữ những đặc quyền quan trọng nhưng vẫn là những phần tử của quốc gia.

Nếu trong lịch sử đất nước đã từng có một bản hiến pháp với nhiều đặc điểm nêu trên thì có lẽ chỉ cần phục hồi lại bản này và tu chính nếu có nhu cầu. Ngược lại, nếu chưa có bản hiến pháp nào thích hợp trước đây, có thể sẽ phải lập ra một hiến pháp tạm thời để vận hành quốc gia trong lúc soạn thảo một hiến pháp mới. Việc soạn thảo này tốn khá nhiều thời gian và suy nghĩ. Sự tham gia của quần chúng vào tiến trình soạn thảo rất tốt và cần thiết cho giai đoạn phê chuẩn thông qua bản hiến pháp này hoặc những điều tu chính sau đó. Cần phải rất cẩn thận để không đưa vào hiến pháp những hứa hẹn mà sau này không thể thực thi, hoặc những dự kiến mà phải có một chính phủ với quyền hành tập trung vào một số nhân sự rất nhỏ mới thực hiện được. Cả hai điều này đều tạo cơ hội cho sự hình thành một chế độ độc tài mới.

Cách hành văn của bản hiếp pháp cần giản dị để đại đa số người dân có thể hiểu được. Hiến pháp không nên quá phức tạp hoặc mơ hồ đến độ chỉ có luật sư hoặc những thành phần cao siêu mới dám nhận là mình hiểu.

Chính sách quốc phòng dân chủ

Quốc gia vừa được giải phóng khỏi ách độc tài có thể cũng đang phải đối phó với các đe doạ từ nước ngoài và vì thế cần phải có khả năng chống đỡ. Quốc gia này cũng có thể bị đe dọa bởi ý định khuynh loát về kinh tế, chính trị và quân sự của ngoại bang.

Vì lợi ích duy trì nền dân chủ trong nước, cần cân nhắc thật kỹ về việc áp dụng những nguyên tắc căn bản của phản kháng chính trị vào nhu cầu quốc phòng.(16) Khi đặt khả năng kháng cự trực tiếp vào tay người dân, những nước vừa giải phóng có thể tránh được nhu cầu phải thiết lập một khả năng quân sự hùng hậu. Vì một quân đội hùng mạnh tự nó có thể là mối đe doạ lên nền dân chủ non trẻ này và vì nó đòi hỏi những nguồn kinh tế khổng lồ mà lẽ ra phải được dùng vào những mục đích khác.

Cần nhớ là sẽ có những nhóm cố tình bất chấp mọi khoản ngăn ngừa của hiến pháp để đưa họ lên làm những nhà độc tài mới. Vì vậy, quần chúng có vai trò cố định sẵn sàng sử dụng phản kháng chính trị và bất hợp tác để chống lại những kẻ đang ôm ấp tham vọng độc tài cũng như để duy trì các cơ chế, quyền hạn, và thể thức sinh hoạt dân chủ.

Trách nhiệm đáng khen

Công dụng của đấu tranh bất bạo động không chỉ để làm suy yếu và loại trừ những kẻ độc tài mà còn để giao sức mạnh cho những người bị đàn áp. Kỹ thuật này biến những người, mà trước kia cảm thấy mình chỉ là những con cờ hoặc nạn nhân, nay có khả năng đấu tranh trực tiếp để giành lại tự do và công lý bằng chính sức của mình. Kinh nghiệm đấu tranh này có những hệ quả tâm lý quan trọng, góp phần gia tăng lòng tự trọng và tự tin nơi những con người từng bị xem là thành phần thấp cổ bé miệng.

Một lợi ích lâu dài của việc dùng đấu tranh bất bạo động để thiết lập chế độ dân chủ là xã hội đó sẽ có thêm khả năng đối phó với những vấn đề đang tiếp diễn hoặc sẽ xảy ra trong tương lai. Những vấn đề đó có thể là một vụ chính phủ lạm quyền và tham nhũng, một thành phần dân chúng bị xã hội bạc đãi, những bất công kinh tế, những giới hạn làm giảm phẩm chất dân chủ của hệ thống chính trị. Một dân tộc đã có kinh nghiệm sử dụng phản kháng chính trị sẽ khó rơi vào vòng độc tài trong tương lai.

Sau khi được giải phóng, sự quen thuộc với đấu tranh bất bạo động sẽ cung cấp nhiều phương cách để bảo vệ nền dân chủ, các quyền tự do dân sự, các quyền của dân thiểu số, các định chế phi chính phủ, và đặc quyền của các chính phủ cấp vùng, tiểu bang, và tỉnh thành. Phương cách này cũng cho phép dân chúng và các đoàn thể có thể bầy tỏ một cách ôn hoà sự bất đồng gay gắt của mình về những vấn đề hệ trọng mà nhiều nhóm đối lập trước đây đã phải dùng tới khủng bố hoặc chiến tranh du kích để giải quyết.

Những ý tưởng trong bài khảo sát về phản kháng chính trị và đấu tranh bất bạo động này nhằm giúp tất cả những người hay đoàn thể đang muốn gỡ bỏ ách độc tài áp bức khỏi dân tộc mình và xây dựng một thể chế dân chủ lâu bền, biết tôn trọng quyền tự do của con người và những hành động chung nhằm cải thiện xã hội.

Có ba kết luận chính rút từ những ý đã được phác thảo ở đây:

1. Giải phóng dân tộc khỏi ách độc tài là điều có thể làm được;

2. Nỗ lực này đòi hỏi phải suy nghĩ và hoạch định chiến lược cẩn thận; và

3. Cần tinh thần cảnh giác, làm việc với tâm huyết, và đấu tranh trong kỷ luật, mà đôi khi sẽ có nhiều mất mát.

Một câu nói thường được trích dẫn: "tự do không tự nhiên mà có", rất đúng. Không có một thế lực bên ngoài nào sẽ vào cho những người bị áp bức sự tự do mà họ mong mỏi. Người ta phải học cách giành lấy tự do cho chính mình. Dĩ nhiên là không dễ.

Nếu người ta nắm được những điều kiện phải có để đạt đến ngày giải phóng, họ có thể tự đề ra con đường hành động cho mình, mà sau một số khó nhọc sẽ đem tự do đến cho họ. Và rồi, với sự chuyên cần họ có thể xây dựng một chế độ dân chủ và sẵn sàng bảo vệ nó. Tự do đạt được qua cách đấu tranh này sẽ bền vững vì nó được duy trì bởi một dân tộc kiên cường, quyết tâm bảo vệ và bồi đắp cho giá trị này.

Ghi Chú:

1. Từ ngữ dùng trong ý nghĩa này được Robert Helvey khởi xướng. "Phản Kháng Chính Trị" là phương thức đấu tranh bất bạo động (bao gồm biểu tình, bất hợp tác, và can thiệp) được áp dụng theo hướng vừa bất phục tùng vừa chủ động với những mục đích chính trị. Từ này ra đời để giải tỏa sự lẫn lộn và bóp méo ý nghĩa khi có người đồng hóa phương thức đấu tranh bất bạo động với chủ nghĩa cầu hòa hay những chủ trương "bất bạo động" theo giáo lý hay luân lý. Từ "Phản Kháng" mang ý nghĩa cố tình thách thức giới cầm quyền bằng hành động bất tuân lệnh, nhất định không để hiện tượng chịu khuất phục xảy ra. Từ "Phản Kháng Chính Trị" mô tả môi trường mà trong đó hành động bất tuân chính trị được áp dụng để đạt những mục tiêu trong lãnh vực quyền lực chính trị. Từ này được dùng chính yếu để diễn tả việc dân chúng ra tay giành lại quyền làm chủ các định chế chính phủ khỏi tay chế độ độc tài bằng cách tấn công không ngừng nghỉ vào các nguồn thế lực của chế độ; và chủ tâm sử dụng các kế hoạch, các cách vận hành chiến lược để thực hiện điều đó. Trong bài viết này, các từ ngữ phản kháng chính trị, kháng cự bất bạo động, đấu tranh bất bạo động được dùng như nhau; mặc dù hai từ sau thường nói về những cuộc đấu tranh để đạt nhiều mục tiêu rộng hơn, chẳng hạn như xã hội, kinh tế, tâm lý, v.v...

2. Báo cáo của viện Freedom House, tựa đề Freedom in the World: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties, 1992-1993 (New Yơrk: Freedom House, 1993), trang 66 (các con số dùng cho năm 1993 được tính vào tháng Giêng, 1993). Coi trang 79-80 để được giải thích về các phân loại "Có Tự Do", "Tự Do Bán Phần" và "Không Có Tự Do".

3. Freedom House, Freedom in the World. trang 4

4. Sách A History of Ireland Under the Union (Lịch Sử Ái Nhĩ Lan Dưới Thời Cai Trị của Anh Quốc) của tác giả Patrick Sarsfield O'Hegarty, 1880-1922 (London: Methuen, xuất bản 1952), trang 490-491.

5. Tác giả Krishnalal Shridharani, sách War Without Violence: A Study of Gandhi's Method and Its Accomplishments (Chiến Tranh Không Bạo Ðộng: Học Luận về Phương Pháp Gandhi và các Thành Quả) -- xuất bản tại New York bởi Harcourt, Brace, 1939, và tái bản tại New York và London bởi Garland Publishing, 1972, trang 260

6. Tác giả Aristotle, sách The Politics, dịch sang Anh ngữ bởi T. A. Sinclair (Harmondsworth, Middlesex, England và Baltimore, Maryland: Penguin Bơks 1976 [1962]), tập V, chương 12, trang 231 và 232.

7. Câu chuyện này, nguyên thủy có tên là "Cai Trị bằng Mưu Mẹo" từ tác phẩm Yu-li-zi của tác giả Liu Ji (1311-1375), được dịch ra Anh ngữ bởi Sidney Tai, dịch giả giữ bản quyền. Yu-li-zi cũng là tên hiệu của Liu Ji. Bản dịch được in trong sách Nonviolent Santions: News from the Albert Einstein Institution (Cambridge, Mass.), Tập IV, Số 3 (Winter 1992-1993), trang 3.

8. Tác giả Karl W. Deutsch, chương "Cracks in the Monolith" trong sách Totalitarianism do Carl J. Friedrich chủ bút. Xuất bản bởi Cambridge, Mass: Harvard University Press, 1954, trang 313-314.

9. Tác giả John Austin, sách Lectures on Jurisprudence of the Philosophy of Positive Law (Fifth edition, revised and edited by Robert Campbell, 2 vol., London: John Murray, 1911 [1861]), tập I, trang 296.

10. Tác giả Niccolo Machiavelli, chương "The Discourses on the First Ten Books of Livy" trong sách The Discourses of Niccolo Machiavelli, (London: Routledge and Kegan Paul, 1950), tập I, trang 254.

11. Tác giả Gene Sharp, sách The Politics of Noviolent Action (Boston: Porter Sargent, 1973), trang 75 và nhiều chỗ có dẫn chứng lịch sử khác.

12. Tác giả Robert Helvey, thảo luận cá nhân, ngày 15/8/1993.

13. Tài liệu đầy đủ nên xem của Gene Sharp, The Politics of Nonviolent Action (Boston, MA: Porter Sargent, 1973) và của Peter Ackerman và Christopher Kruegler, Strategic Nonviolent Conflict (Westport, Connecticut : Praeger, 1994). Cũng xem Gene Sharp, Waging Nonviolent Struggle: Twentieth Century Practice and Twenty-First Century Potential , Sắp xuất bản.

14. Aristotle, sách The Politics, quyển V, chương 12, trang 233.

15. Ðể biết thêm dữ kiện về cách chống đảo chánh, xin đọc Gene Sharp, The Anti-Coup (Boston, MA: The Albert Einstein Institution, 2003).

16. Xin đọc Gene Sharp, Civilian-Based Defense: A Post-Military Weapons System (Princeton, New Jersey: Princeton University Press, 1990).

Phụ Bản

Những Phương CáchĐấu Tranh Bất Bạo Động

PHƯƠNG THỨC PHẢN ĐỐI VÀ THUYẾT PHỤCBẤT BẠO ĐỘNG

Tuyên bố chính thức

1. Diễn văn công khai

2. Thư phản đối hay ủng hộ

3. Tuyên ngôn bởi tổ chức hay định chế

4. Tuyên bố công khai có chữ ký

5. Tuyên ngôn buộc tội hay bày tỏ dự định

6. Thỉnh nguyện thư tập thể hay quần chúng

Diễn đạt với đối tượng rộng lớn

7. Khẩu hiệu, hí hoạ, và biểu tượng.

8. Biểu ngữ, bảng vẽ, và những phương cách diễn đạt phô bày

9. Truyền đơn, tài liệu ngắn [pamphlets], và sách vở

10. Báo và tạp chí

11. Băng thu, radio, và truyền hình

12. Biểu ngữ kéo bay trên trời, và viết dưới đất

Đại diện nhóm

13. Ủy nhiệm đại diện

14. Trao giải thưởng [tập dợt] giả [mock award]

15. Vận động nhóm

16. Đóng trụ phản đối [ (Một người, một nhóm trụ ở một địa điểm đối tượng để bày tỏ sự bất mãn, phản đối hay khuyến dụ người khác không vào, không can dự , tiếp tay vào một điều gì.)

17. Bầu cử [tập dợt] giả

Hành động biểu tượng công khai

18. Phô bày cờ và màu biểu tượng

19. Măc đeo biểu tượng

20. Cầu nguyện và suy bái

21. Chuyên chở vật biểu tượng

22. Cởi bỏ quần áo phản đối

23. Tự hủy tài sản của mình (Tài sản có thể là nhà cửa, tài liệu, giấy chứng nhận, chứng minh,...)

24. Ánh sáng biểu tượng

25. Phô bày chân dung

26. Sơn vẽ như hình thức phản đối

27. Đặt tên và biểu hiệu mới

28. Âm thanh biểu tượng

29. Những phục hoạt (Phục hồi sinh hoạt, hình ảnh của những giá trị chính đáng bị mất, bị tước, bị hủy v.v..) biểu tượng

30. Những điệu bộ thô sơ

Áp xuất lên cá nhân [đối thủ]

31. "Ám ảnh" đảng viên nhà nước (Thí dụ như thường trực đi theo đuôi, hoặc nhắc đòi, hoặc im lặng)

32. Khiêu khích đảng viên nhà nước (Thí dụ diễu cợt, châm chọc,..)

33. Kết thân với nhân sự đối địch [fraternization: để vô hiệu hóa kỷ luật/mệnh lệnh] (Và xa hơn thuyết phục là chế độ họ phục vụ là bất công vô chính nghĩa)

34. Đêm không ngủ

Kịch nghệ và âm nhạc

35. Kịch ngắn hài diễu hay phục sức chế nhạo

36. Trình diễn âm nhạc kịch nghệ

37. Hát hò

Diễn hành

38. Tuần hành

39. Diễu hành (Khác với tuần hành [chỉ đi bộ với biểu ngữ], diễu hành có thể có xe hoa, biểu tượng, và không khí thiên về vui nhộn, bày tỏ sự ủng hộ tán đồng cho một điều gì , cá nhân nào đó.)

40. Rước hành tôn giáo

41. Hành hương

42. Đoàn xe gắn máy

Vinh danh người quá cố

43. Để tang chính trị

44. Tống táng giả

45. Lễ an táng biểu tình

46. Thăm viếng nơi chôn cất

Tụ hội công khai

47. Tụ tập phản đối hay ủng hộ

48. Hội họp phản đối

49. Hội họp phản đối ngụy trang

50. Kéo dài buổi dạy những chủ đề "nổi cộm" [Teach-in]

Rút lui và phủ nhận

51. Bỏ đi ra

52. Im lặng

53. Từ chối các vinh danh

54. Quay lưng

PHƯƠNG THỨC BẤT HỢP TÁC VỀ XÃ HỘI

Tẩy chay cá nhân

55. Tẩy chay giao tiếp

56. Tẩy chay giao tiếp chọn lọc

57. Không đáp ứng tương quan trai gái

58. Trục xuất khỏi giáo phái

59. Chấm dứt dịch vụ tôn giáo

Bất hợp tác với các sinh hoạt xã hội, phong tục, định chế

60. Ngưng các sinh hoạt thể thao, xã hội

61. Tẩy chay các dịp sinh hoạt giao tế xã hội

62. Sinh viên biểu tình

63. Bất tuân xã hội 24

64. Rút lui khỏi các định chế xã hội

Rút lui khỏi hệ thống xã hội

65. Ở nhà

66. Hoàn toàn bất hợp tác cá nhân

67. Rút người làm việc (Bỏ đi vùng khác, để tạo tình trạng thiếu nhân công)

68. Tạo an toàn khu (Rút về nơi mà nếu đụng chạm sẽ vi phạm luôn các cấm đoán tôn giáo, luân lý, xã hội, pháp lý)

69. Tiêu thổ tập thể

70. Phản đối di dân

PHƯƠNG THỨC BẤT HỢP TÁC KINH TẾ (1): TẨY CHAY KINH TẾ

Hành động bởi giới tiêu thụ

71. Tẩy chay bởi giới tiêu thụ

72. Không tiêu dùng đồ bị tẩy chay (Cho những ai đã lỡ có đồ này)

73. Thắt lưng buộc bụng (Giảm sự tiêu thụ xuống mức cực tối thiểu)

74. Giữ lại tiền nhà

75. Không cho thuê

76. Tẩy chay tiêu thụ cấp quốc gia (Tẩy chay hàng và dịch vụ của một quốc gia)

77. Tẩy chay tiêu thụ cấp quốc tế (Phát động trên nhiều quốc gia tẩy chay hàng dich vụ một quốc gia)

Hành động bởi nhân công và nhà sản xuất

78. Tẩy chay bởi nhân công (Từ chối làm việc với sản phẩm hay dụng cụ cung cấp/sản xuất bởi đối thủ)

79. Tẩy chay bởi nhà sản xuất (Từ chối bán, giao hàng các sản phẩm dịch vụ bởi đối thủ)

Hành động bởi mối giới trung gian

80. Tầỷ chay bởi người trung gian môi giới (Từ chối bởi nhân viên và chính người môi giới để cung cấp, chuyển giao, sản phẩm dịch vụ)

Hành động bởi chủ nhân và quản lý

81. Bởi giới buôn bán (Từ chối mua hay bán những sản phâm nào đó)

82. Từ chối cho sang hay bán tài sản

83. Tự bãi công (Chủ nhân tự xướng xuất đình chỉ công việc bằng tạm thời đóng cửa, ngưng làm việc)

84. Từ chối trợ giúp về kỹ nghệ

85. Bãi thị đồng loạt

Hành động bởi giới có phương tiện tài chánh

86. Rút tiền khỏi các ngân hàng

87. Từ chối trả các lệ phí, các ấn định chi phí

88. Từ chối trả nợ, trả lãi

89. Cắt đứt các khoản cho vay hay tín dụng

90. Từ chối cung cấp lợi tức (Từ chối tự nguyện cung cấp nhà nước lợi tức (dữ kiện về lợi tức, đóng thuế, v.v...))

91. Từ chối nhận tiền của nhà nước (Đòi hỏi các cách chi trả khác hơn là tem phiếu, tiền tệ từ nhà nước)

Hành động bởi cấp chính quyền

92. Cấm vận nội địa

93. Vào sổ đen các thương nhân đối tượng

94. Cấm vận người bán cấp quốc tế

95. Cấm vận người mua cấp quốc tế

96. Cấm vận cấp quốc tế

PHƯƠNG THỨC BẤT HỢP TÁC KINH TẾ (2): ĐÌNH CÔNG

Đình công biểu tượng

97. Đình công phản đối (Có báo trước, cho một thời gian nhất định)

98. Bỏ ngang (Đột xuất, ngắn)

Đình công nông nghiệp

99. Nông dân đình công

100. Nhân công nông trại đình công

Đình công bởi các nhóm chung quyền lợi

101. Từ chối nhân công ưu đãi (từ đối thủ)

102. Tù nhân đình công

103. Thợ thủ công đình công

104. Giới chuyên gia đình công

Đình công kỹ nghệ thông thường

105. Đình công một công ty

106. Đình công một ngành kỹ nghệ

107. Đình công liên đới hỗ trợ

Đình công giới hạn

108. Đình công phân lẻ (Đình công luân phiên bởi từng nhân công, từng khu vực, hay từng phần nhỏ)

109. Đình công luân phiên (Đình công luân phiên từng hãng một trong cùng loại kỹ nghệ)

110. Đình công trì việc [slowdown]

111. Đình công theo sách vở (Chỉ làm theo đúng sự qui định để trì việc)

112. Cáo bệnh ở nhà

113. Đình công đồng xin nghỉ (Đông đảo nhân công xin nghỉ từng cá nhân)

114. Đình công hạn chế (Từ chối làm một số việc vặt, phụ, hay một số ngày nào đó)

115. Đình công chọn lọc (Từ chối làm một số loại việc nào đó)

Đình công liên kỹ nghệ

116. Đình công nhiều ngành kỹ nghệ

117. Tổng đình công (Toàn bộ các ngành kỹ nghệ đình công cùng lúc)

Phối hợp đình công và ngưng hoạt động kinh tế

118. Ngừng sinh hoạt kinh tế (Tự nguyện ngưng 1 giai đoạn những sinh hoạt kinh tế)

119. Chấm dứt hoạt động kinh tế (Nhân công đình công và chủ nhân đồng loạt ngưng mọi sinh hoạt kinh tế)

PHƯƠNG THỨC BẤT HỢP TÁC CHÍNH TRỊ

Phủ nhận chính quyền

120. Rút lại sự trung thành với nhà nước

121. Từ chối ủng hộ công khai nhà nước

122. Viết và phát biểu kêu gọi nổi dậy

Bất hợp tác nhà nước từ công dân

123. Tẩy chay ngành lập pháp

124. Tẩy chay các cuộc bầu cử

125. Tẩy chay các công việc và chức vụ nhà nước

126. Tẩy chay các bộ, cơ quan, tổ chức chính quyền và ngoại vi

127. Bãi khóa, rút khỏi các cơ quan định chế giáo dục nhà nước

128. Tẩy chay các cơ quan do nhà nước hỗ trợ

129. Từ chối trợ giúp nhân viên công lực nhà nước

130. Tháo gỡ bảng hiệu, bích chương của mình

131. Từ chối chấp nhận nhân viên chỉ định nhà nước

132. Từ chối tháo gỡ những định chế đang hiện hữu

Giải pháp khác hơn tuân phục của công dân

133. Tuân hành miễn cưỡng và chậm chạp

134. Bất tuân khi vắng sự kiểm soát theo dõi

135. Bất tuân đồng loạt (Có thể công khai hay không phổ biến)

136. Bất tuân ngụy trang

137. Từ chối tụ tập hay hội họp để phân tán

138. Ngồi ăn vạ

139. Bất hợp tác với lệnh bắt lính hay trục xuất

140. Trốn, né, giấy tờ giả

141. Bất tuân các luật lệ "bất chính"

Hành động bởi công nhân viên nhà nước

142. Chọn lọc từ chối tiếp tay nhà nước (Như từ chối tiến hành một số, một phần chỉ thị; thông báo cấp trên về sự từ chối này)

143. Cản trở hệ cấp thông tin và chỉ huy

144. Trì hoãn và cản trở

145. Bất hợp tác hành chánh hàng loạt

146. Bất hợp tác về tư pháp

147. Cố ý vô dụng và bất hợp tác chọn lọc từ nhân viên công lực

148. Nổi loạn

Hành động chính quyền nội tại

149. Trì hoãn và tránh né bán pháp lý

150. Bất hợp tác từ các đơn vị cử tri nhà nước

Chấm dứt quan hệ ngoại giao

155. Rút khỏi cơ quan quốc tế

156. Từ chối sự tham gia vào các cơ chế quốc tế

157. Loại trừ khỏi các cơ chế quốc tế

PHƯƠNG THỨC CAN DỰ BẤT BẠO ĐỘNG

Can Dự về Tâm Lý

158. Tự hứng khổ nạn

159. Tuyệt thực

(a) Tuyệt thực áp lực luân lý

(b) Biểu tình tuyệt thực

(c) Tuyệt thực tuẫn tiết

160. Xử Ngược Lại (Bị cáo sê trở thành công tố bất chính thức)

161. Quấy nhiễu bất bạo động

Can dự về thể chất

162. Ngồi ăn vạ

163. Đứng ăn vạ

164. Lái xe tuần hành biểu thị phản đối

165. Lội nước biểu thị phản đối

166. Đi vòng vòng phản đối (Tụ tập tại những nơi có ý nghĩa biểu tượng và đi lòng vòng quanh đó)

167. Tập trung cầu nguyện phản đối

168. Chiếm đoạt bất bạo động (Tuần hànhđến địa điểm then chốt và đòi hỏi chiếm giữ)

169. Không chiếm bất bạo động (Có thể qua thả truyền đơn, đem theo thực phẩm...)

170. Xâm lấn bất bạo động

171. Ngăn trở bất bạo động (Lấy thân mình làm lá chắn giữa 1 người và đối tượng hành sự của người ấy)

172. Cản trở bất bạo động (Một cách tạm thời tổng quát)

173. Chiếm cứ bất bạo động

Can dự về xã hội

174. Đặt ra khuôn khổ xã hội mới

175. Gây quá tải cho phương tiện cơ sở xã hội

176. Cản trở

177. Chiếm diễn đàn

178. Địa bàn du kích

179. Tạo lập cơ chế xã hội khác thay thế

180. Tạo lập hệ thống thông tin liên lạc khác thay thế thứ củanhà nước

Can dự về kinh tế

181. Đình công ngược (Làm tăng công tối đa)

182. Đình công xâm chiếm (Chiếm cứ chỗ làm việc)

183. Chiếm giữ đất đai bất bạo động

184. Vượt qua các rào cản

185. Tiền giả với động cơ chính trị

186. Mua hàng hóa tiên thủ truy cản

187. Nắm chiếm tài sản

188. Tháo đổ hàng hóa

189. Chiếu cố chọn lọc

190. Tạo lập thị trường khác thay thế

191. Tạo lập hệ thống vận chuyển thay thế

192. Xây dựng định chế kinh tế thay thế

Can dự về chính trị

193. Gây quá tải hệ thống hành chánh

194. Tiết lộ danh tánh của công an, nhân viên chìm

195. Tạo gây đi tù

196. Bất tuân luật lệ "chung chung"

197. Làm việc nhưng không cộng tác

198. Tạo chủ quyền đối trọng và chính quyền song song

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #abcdef