ttnhnhom1
1/ Thực trạng đô la hóa ở Việt Nam:
Hiện tượng nền kinh tế Việt Nam sử dụng rộng rãi đồng đô la Mỹ trong giao dịch buôn bán... bắt đầu được chú ý đến từ năm 1988 khi các ngân hàng được phép nhận tiền gửi bằng đồng đô la. Đến năm 1992, tình trạng đô la hoá đã tăng lên mạnh với hơn 41% lượng tiền gửi vào các ngân hàng là bằng đô la USD.
Theo thống kê qua các năm, tỷ lệ đô la hóa luôn ở mức trên 20% trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn rất nhiều, như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia...chỉ khoảng 7-10%. Mục tiêu của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tới năm 2010 sẽ giảm tỷ lệ này xuống còn 15%.
Những năm qua, lượng tiền gửi tuyệt đối bằng USD tại các ngân hàng đã không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở hệ thống ngân hàng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với nguồn vốn ngoại tệ đồ sộ đó, các ngân hàng thường có 2 cách lựa chọn: một là đem gửi ở ngân hàng nước ngoài những nước có lãi suất tiết kiệm bằng đồng USD cao hơn trong nước để kiếm lời bằng chênh lệch lãi suất hoặc thực hiện nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ quốc tế; hai là đầu tư và cho các doanh nghiệp trong nước vay. Cách thứ nhất buộc các ngân hàng phải có một lượng USD tương đối lớn, song, hiệu quả kinh tế không cao, lại luôn tiềm tàng nhiều rủi ro do giá USD trên thị trường thế giới luôn biến đổi thất thường. Điển hình là việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng có giai đoạn bị thua lỗ hàng chục triệu USD do kinh doanh ngoại tệ. Chính vì vậy mà các ngân hàng thường thực hiện theo cách thứ 2: đầu tư cho vay trong nước, và chính điều này đã làm gia tăng các giao dịch, thanh toán bằng USD trên nhiều loại thị trường. Điều này không những đẩy nhanh quá trình đô la hóa mà còn mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp vay vốn bằng USD: họ kinh doanh bằng VNĐ nhưng phải trả nợ ngân hàng bằng USD và nghiễm nhiên sẽ phải gánh chịu rủi ro về tỷ giá.
Một lĩnh vực đô la hóa tương đối mạnh đó là bán hàng qua mạng, kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu, nhất là đồ điện tử. Ta có thể thấy bằng trực giác việc niêm yết giá bằng cả VNĐ lẫn USD ở hầu như 100% các trang web bán đồ điện tử như: máy vi tính, các thiết bị gia dụng nhập ngoại v.v... Mặc dù hai loại giá được đặt song song nhưng việc thanh toán thực tế thì luôn được thực hiện bằng USD, nếu khách hàng thanh toán bằng VNĐ thì giá của hàng hóa sẽ dựa trên tỷ giá hối đoái giữa VN và USD ngày hôm thực hiện giao dịch. Những hàng hóa này thường là những hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ hoặc nhập khẩu từng liên kiện, nên giá của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào USD, do vậy, các doanh nghiệp, để tránh rủi ro tỷ giá cho mình, buộc phải niêm yết giá bằng USD. Ngoài ra, doanh nghiệp niêm yết giá bằng USD còn để tăng tính "hiện đại", "thương mại điện tử". Điều này rất đáng lo ngại vì kinh doanh qua mạng sẽ trở thành loại hình kinh doanh chủ yếu trong tương lai.
2/ Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đô la hóa ở Việt Nam:
a/ Những cuộc khủng hoảng tiền tệ trước đó
Trên thực tế ta thấy rằng lãi suất tiền gửi VNĐ cao hơn USD. Với mức chênh lệch lãi suất đáng kể đó thì gửi tiết kiệm bằng VNĐ sẽ cho ta mức lãi tiết kiệm cao hơn bất chấp sự chênh lệch tỷ giá. Nhưng người dân vẫn có thói quen tích trữ USD hơn là VNĐ. Tại sao?
Nguyên nhân mang tính lịch sử, đó là sự mất lòng tin vào đồng nội tệ của người dân do những cuộc khủng hoảng tiền tệ sau năm 1985 và những năm 1997-1998. Thêm vào đó là hiện tượng lạm phát phi mã trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 càng làm làm cho đồng nội tệ mất giá nhanh và tạo cho những người giữ tiền cảm thấy quá rủi ro khi giữ một khối lượng đồng nội tệ lớn. Hơn thế nữa, sau một thời gian ổn định, chỉ số giá đang ngày càng gia tăng khiến mọi người thêm ngần ngại hơn trong việc chuyển từ ngoại tệ sang VNĐ. Người ta thích dùng USĐ không chỉ vì tính ổn định mà còn vì sự gọn nhẹ và tiện dụng của nó.
b/ Nguồn USD tiền mặt ở nước ta không ngừng tăng nhanh
Điều này là dễ hiểu bởi vì nước ta có rất nhiều kênh để huy động ngoại tệ:
• Nguồn kiêu hối ngày càng có xu hường tăng mạnh với mức tăng bình quân 10%/năm và tới năm 2010 dự tính sẽ lên tới 5 tỷ USD
• Lượng ngoại tệ chi tiêu ở Việt Nam của khách du lịch nước ngoài cũng tăng nhanh cùng với lượng du khách đến Việt Nam.
• Tiền lương và thu nhập của người Việt Nam làm việc trong các dự án liên doanh, dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, dự án quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam... được trả bằng ngoại tệ.
• Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống, làm ăn, học tập v.v... ngày càng gia tăng, chi tiêu ngoại tệ tiền mặt rất lớn, nhất là tiền thuê nhà của các hộ gia đình người Việt Nam và chi trả các dịch vụ khác.
• Tiền viện trợ không hoàn lại, tiền của các tổ chức tài chính vi mô, tổ chức từ thiện quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài v.v... Bên cạnh đó là nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, Chính phủ các nước.
• Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm cả đầu tư trực tiêp và đầu tư gián tiếp.
• Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngày một gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
• Ngoại tệ từ các hoạt động buôn lậu và một số nguồn ngoại tệ qua các hoạt động kinh tế ngầm khác mà chính phủ Việt Nam chưa thể quản lý.
Với lượng tiền mặt ngoại tệ lớn như vậy đang ồ ạt đổ về, buộc Việt Nam phải đứng trước tình trạng đô la hóa nền kinh tế ngày càng trầm trọng.
c/ Việc biến động tỷ giá (việc phá giá VND của NHNN):
Mặc dù Chính phủ theo đuổi chính sách quản lý ngoại hối theo định hướng nhất quán "trên thị trường Việt Nam chỉ giao dịch bằng đồng Việt Nam", nhưng thực tế, ngoại tệ và vàng được sử dụng khá phổ biến như các phương tiện thanh toán trong giao dịch mua bán bất động sản, hàng hóa đắt tiền, vay, trả nợ, cất trữ. Mỗi khi có biến động về tỷ giá thì các ngoại tệ, nhất là USD lại gia tăng vai trò
Một số nhà nghiên cứu kinh tế đã nhận định rằng, sự biến động tỷ giá hối đoái trong thời gian vừa qua do cung cầu về ngoại tệ, nhất là USD có lúc trở nên căng thẳng, do chính sách tỷ giá và việc điều hành tỷ giá thiếu linh hoạt.
Tuy vậy, nguyên nhân chính của thực trạng đó là tình trạng lạm phát cao trong mấy năm liền đã làm cho giá trị thực của VND giảm sút, kéo theo độ tín nhiệm của người dân với VND giảm.
Bản chất của vấn đề là tỷ giá không chỉ phụ thuộc vào các dòng ngoại tệ ra - vào nền kinh tế, mà còn phụ thuộc rất lớn vào bản thân sự dịch chuyển và cung cầu ngoại tệ ngay bên trong nền kinh tế. Và trong trường hợp này, nó đã khiến NHNN phải thay đổi tỷ giá để giảm căng thẳng trên thị trường.
Sau đợt phá giá tiền đồng vào tháng 2, thị trường ngoại hối có vẻ như khá yên ả, tỷ giá liên ngân hàng được giữ nguyên, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và các ngân hàng được thu hẹp, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng luôn ở mức thặng dư. Nhưng đằng sau sự bình lặng đó, là cơn sóng âm ỉ manh nha từ đầu quý III, xuất phát từ tăng trưởng dư nợ ngoại tệ đột biến kể từ đầu năm. Các doanh nghiệp chấp nhận rủi ro về tỷ giá vì không thể chịu nổi lãi suất tiền đồng quá cao. Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ lên tới 34,4%, so với 8,4% tăng trưởng dư nợ tiền đồng. Bản thân doanh nghiệp cũng tự đề phòng bằng cách vay với kỳ hạn ngắn (3-6 tháng), theo đó, từ tháng 7, nhu cầu trả nợ vay USD khi đến thời điểm đáo hạn tăng cao, gây sức ép lớn đến cầu ngoại tệ. NHNN bắt đầu lo lắng, và từ giữa tháng 6 đã phải kiểm soát chặt tín dụng ngoại tệ.
Diễn biến USD trên thị trường từ ngày 1/2-18/8/2010
Nhưng NHNN lo lắng một, doanh nghiệp lo lắng mười. Các doanh nghiệp chưa hoặc không có nguồn thu ngoại tệ thì đôn đáo thu gom USD đề phòng khan hiếm ngoại tệ, còn các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ thì không muốn bán ngoại tệ cho ngân hàng do e ngại không thể mua lại nếu có nhu cầu vào cuối năm. Mất cân đối cung - cầu USD, nguyên nhân là từ cách ứng xử của các chủ thể kinh tế đối với ngoại tệ, được dung dưỡng bởi tình trạng đô la hóa cao của nền kinh tế và cách quản lý còn chưa hiệu quả của cơ quan nhà nước.
3/ Tác động của đô la hóa đến nền kinh tế Việt Nam:
a. Những tác động tích cực:
- Tạo một cái van giảm áp lực đối với nền kinh tế trong những thời kỳ lạm phát cao, bị mất cân đối và các điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định. Do có một lượng lớn đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng, sẽ là một công cụ tự bảo vệ chống lại lạm phát và là phương tiện để mua hàng hoá ở thị trường phi chính thức.
Ở các nước đô la hoá chính thức, bằng việc sử dụng đồng ngoại tệ, họ sẽ duy trì được tỷ lệ lạm phát gần với mức lạm phát thấp làm tăng sự an toàn đối với tài sản tư nhân, khuyến khích tiết kiệm và cho vay dài hạn. Hơn nữa, ở những nước này ngân hàng trung ương sẽ không còn khả năng phát hành nhiều tiền và gây ra lạm phát, đồng thời ngân sách nhà nước sẽ không thể trông chờ vào nguồn phát hành này để trang trải thâm hụt ngân sách, kỷ luật về tiền tệ và ngân sách được thắt chặt. Do vậy, các chương trình ngân sách sẽ mang tính tích cực hơn.
- Tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng và khả năng hội nhập quốc tế. Với một lượng lớn ngoại tệ thu được từ tiền gửi tại ngân hàng, các ngân hàng sẽ có điều kiện cho vay nền kinh tế bằng ngoại tệ, qua đó hạn chế việc phải vay nợ nước ngoài, và tăng cường khả năng kiểm soát của ngân hàng trung ương đối với luồng ngoại tệ. Đồng thời, các ngân hàng sẽ có điều kiện mở rộng các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy quá trình hội nhập của thị trường trong nước với thị trường quốc tế.
- Hạ thấp chi phí giao dịch. Ở những nước đô la hoá chính thức, các chi phí như chênh lệch giữa tỷ giá mua và bán khi chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác được xoá bỏ. Các chi phí dự phòng cho rủi ro tỷ giá cũng không cần thiết, các ngân hàng có thể hạ thấp lượng dự trữ, vì thế giảm được chi phí kinh doanh.
- Thúc đẩy thương mại và đầu tư. Các nước thực hiện đô la hoá chính thức có thể loại bỏ rủi ro cán cân thanh toán và những kiểm soát mua ngoại tệ, khuyến khích tự do thương mại và đầu tư quốc tế. Các nền kinh tế đô la hoá có thể được, chênh lệch lãi suất đối với vay nợ nước ngoài thấp hơn, chi ngân sách tiảm xuống và thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư.
- Thu hẹp chênh lệch tỷ giá trên hai thị trường chính thức và phí chính thức. Tỷ giá chính thức càng sát với thị trường phi chính thức, tạo ra động cơ để chuyển các hoạt động từ thị trường phi chính thức (bất hợp pháp) sang thị trường chính thức (thị trường hợp pháp).
b. Những tác động tiêu cực:
"Đô la hóa" không giống như Liên minh Tiền tệ châu Âu (EMU), mà là quan hệ đối tác không bình đẳng, có tính thứ bậc. Khi chính phủ một nước áp dụng "đô la hóa" chính thức thì tự đánh mất quyền hoạch định chính sách tiền tệ, quyền in tiền, mà doanh thu in tiền được coi là "thuế lạm phát", như Keynes đã viết từ năm 1924 rằng, "một chính phủ có thể kiếm sống bằng phương tiện này (in tiền) khi nó không còn có thể dựa vào phương tiện nào khác".
Hơn nữa, vào thời điểm có xung đột lợi ích quốc gia, thì đồng ngoại tệ được sử dụng như vũ khí kinh tế, buộc chính phủ "đô la hóa' phải khuất phục nước sở hữu đồng ngoại tệ đó.
Tiền đồng chính thức mất giá sẽ gây ra những biến động tâm lý cho người dân. Từ đầu năm, khi tỷ giá ổn định, chênh lệch lãi suất tiết kiệm giữa VND và USD lên đến 6-7% khiến người dân có xu hướng gửi tiết kiệm tiền đồng thay vì USD. Trong 7 tháng đầu năm, mức tăng huy động tiền đồng của các ngân hàng lên đến 19,4% trong khi huy động USD giảm 2,4%. Nhưng với đợt mất giá tiền đồng 2% này, chênh lệch lãi suất không còn quá hấp dẫn, người dân có thể thay đổi hành vi, nắm giữ USD nhiều hơn, và theo đó, tăng trưởng huy động tiền đồng sẽ bị ảnh hưởng, lãi suất vì thế cũng khó giảm hơn. Kỳ vọng lạm phát tăng cũng là nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất vốn đã khó giảm, nay lại càng khó hơn.
Lạm phát cũng sẽ bị ảnh hưởng, thông qua kênh nhập khẩu các đầu vào của nền kinh tế, từ đó gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, cũng như gia tăng giá các hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu. Tuy nhiên, động thái tăng tỷ giá lần này cũng chỉ là hợp thức hóa việc tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp từ hơn một tháng nay. Các doanh nghiệp ít khi mua được USD với giá các NHTM niêm yết, mà thường phải trả thêm phí, hoặc phải mua giá cao ở thị trường tự do. Vì thế, yếu tố tăng tỷ giá có thể đã được phản ánh qua giá cả và lạm phát tháng 8, và do đó, ở những tháng kế tiếp, tác động sẽ không còn quá lớn.
Giá trị các khoản vay nợ nước ngoài cũng sẽ gia tăng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2009, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP, trong đó, vay nợ bằng đồng USD chỉ chiếm 16,61%, còn lại là đồng Yên (chiếm 41,96%) và các đồng tiền khác. Vì thế, tỷ giá tăng 2% không có tác động nhiều đến khoản nợ vay nước ngoài. Chính cơ cấu đồng tiền vay khá đa dạng đã khiến nợ quốc gia Việt Nam giảm thiểu được khá nhiều rủi ro về tỷ giá.
"Tình trạng đô la hoá gây thêm khó khăn cho việc ổn định trở lại thị trường ngoại tệ. Bên cạnh đó, đô la hoá làm giảm nhu cầu phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường ngoại hối... doanh nghiệp cũng đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn". Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, về cơ bản và lâu dài, Việt Nam sẽ chỉ tiêu tiền đồng như các nước khác, chứ không có chuyện USD vào, ra, USD chợ đen. Trước mắt chưa thể xoá đi hai tỷ giá nhưng việc cần làm là kéo nó sát lại cho hợp lý.
Trong thực tế, chúng ta thấy rõ một số nền kinh tế thành công không bị đô la hoá, như tại Trung Quốc, các ngân hàng không được phép quyết định lãi suất tiền gửi bằng đô la
Thông thường đô la hoá diễn ra khi đồng tiền của một nước bị đánh giá là yếu kém, và đồng đô la được coi là phương tiện dự trữ có giá trị. Tuy nhiên, không phải bất cứ quốc gia nào có đồng tiền yếu đều bị đô la hoá trực tiếp. Nhiều nước trên thế giới có nền kinh tế tương tự Việt Nam như ở Trung Quốc, Thái Lan, Braxin... không cho phép thanh toán các loại hàng hoá dễ dàng bằng đồng đô la. Chính việc cho phép sử dụng gần như hợp pháp hoá đồng USD tại Việt Nam để mua các loại hàng hoá như bất động sản, mặt hàng điện tử, xe cộ, phí khách sạn... đã làm tăng quá trình đô la hoá. Như trên đã phân tích, nếu tình hình không sớm được kiềm chế và đẩy lùi, có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng tài chính vào một thời điểm nào đấy, thật là vô cùng nguy hiểm.
4/ Một số giải pháp kiềm chế và đẩy lùi tình trạng đô la hoá ở nước ta:
a/ Giảm chi phí giao dịch VND so với USD để nâng cao tính chuyển đổi của nội tệ, nâng cao sự ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ và xã hội để người dân tin tưởng hơn vào đồng nội tệ.
b/ Nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc gửi tiền bằng VND thay vì gửi bằng USD cũng góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu tình trạng đô la hóa.
c/ Mặt khác, vấn đề hội nhập với kinh tế thế giới khiến Việt Nam là tụ điểm thu hút các nguồn vốn FDI. Nếu nền kinh tế VN không đủ sức hấp thụ lượng vốn này thì sẽ làm tăng lượn tiền gửi ngoại tệ và do đó hiện tượng đô la hóa sẽ tăng tương ứng. Để giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng này, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì và tăng cường việc mua ngoại tệ ở mức nhất định để đảm bảo cho sự ổn định của VND, đồng thời, sẽ kiểm soát chặt chẽ lượng cung tiền đồng, có thể bằng công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát.
d/ Tạo môi trường đầu tư trong nước có khả năng hấp thụ được số vốn ngoại tệ hiện có trong dân bằng những biện pháp:
• Thúc đẩy phát triển môi trường kinh tế vĩ mô, tạo môi trường cạnh tranh thực sự giữa các thành phần kinh tế trong cả sản xuất, thương mại, dịch vụ và kể cả lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
• Mở rộng các dự án đầu tư của Chính phủ: dầu khí, cầu đường, điện lực... khuyến khích sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế.
• Phát triển các công cụ tài chính như cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, đa dạng hoá các danh mục đầu tư trong nước.
Thay cho dự kiến phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường quốc tế, bằng việc mở rộng phát hành trái phiếu ngoại tệ ở trong nước, huy động vốn đô la ở trong dân.
e/ Những giải pháp trong lĩnh vực tiền tệ:
• Cần tiếp tục cơ cấu tích cực mệnh giá đồng Việt Nam, phát triển dịch vụ ngân hàng và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng thẻ, kể cả thẻ tín dụng quốc tế.
• Thay cho việc chỉ gắn với đồng đô la Mỹ như trước đây, tỷ giá ngang giá nên gắn với một "rổ" tiền tệ (bao gồm một số ngoại tệ mạnh như USD, EURO, JPY và một số đồng tiền của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc...), các đồng tiền này tham gia vào "rổ" tiền tệ theo tỷ trọng quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Việc xác định tỷ giá như trên nhằm giảm bớt sự lệ thuộc của đồng Việt Nam vào đô la Mỹ, và phản ánh xác thực hơn quan hệ cung cầu trên thị trường trên cơ sở có tính đến xu hướng biến động các đồng tiền của các nước bạn hàng lớn.
• Các ngân hàng chỉ được phép cho vay đồng USD đối với những đối tượng có doanh thu trực tiếp và có khả năng chi trả bằng đồng USD. Còn tất cả các dnb trong nước khác vay các ngân hàng thương mại trong nước đều thực hiện bằng đồng bản tệ, khi cần ngoại tệ để thanh toán với quốc tế thì mua ngoại tệ tại thị trường hối đoái để mở LC thanh toán.
• Không được duy trì quyền sở hữu ngoại tệ không có nguồn gốc hợp pháp. Cần có quy chế rõ ràng rằng sở hữu ngoại tệ của dân cư là sở hữu ngoại tệ hợp pháp chuyển từ nước ngoài vào; không cho phép sở hữu số ngoại tệ có được do sự trao đổi lòng vòng ở chợ đen, rồi biến số đó thành sở hữu riêng.
• Sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ (như lãi suất, dự trữ bắt buộc...) để tác động đến điều kiện thị trường nhằm làm cho đồng Việt Nam hấp dẫn hơn đô la Mỹ. Qua đó hạn chế xu hướng chuyển đổi từ đồng Việt Nam sang đô la Mỹ. Trong điều kiện hiện nay, lãi suất cơ bản không thay đổi, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu nhằm phát tín hiệu để các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động đồng Việt Nam.
f/ Cần nhất quán chủ trương quản lý lưu hành ngoại tệ theo hướng "Trên đất nước Việt Nam chỉ chi trả bằng đồng Việt Nam". Muốn vậy, cần có các quy định về việc sử dụng ngoại tệ của cá nhân như sau:
• Chi trả bằng ngoại tệ ở Việt Nam, bao gồm tiền mặt hay chuyển khoản cũng không được phép, trừ duy nhất trường hợp trả chuyển khoản cho các tổ chức kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước cho phép tiếp tục thu ngoại tệ.
Việc chi trả cho người hưởng trong nước các khoản tiền như kiều hối, tiền lương, thu nhập từ xuất khẩu lao động... bằng ngoại tệ tiền mặt theo yêu cầu cũng nên chấm dứt. Việc này chỉ thực hiện bằng tài khoản tiền gửi ngoại tệ hoặc chi trả bằng tiền Việt Nam.
• Cá nhân có tài khoản ngoại tệ gửi tại ngân hàng thương mại chỉ rút ra bằng tiền mặt ngoại tệ để cất giữ riêng hoặc để đưa đi nước ngoài chi tiêu.
• Ngăn chặn và giảm dần các hoạt động kinh tế ngầm, kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn lậu, tình trạng bán hàng thu ngoại tệ trong nước. Cần có biện pháp hạn chế đến mức tối đa việc lưu thông và sử dụng đô la Mỹ, niêm yết giá bằng đô la Mỹ trên thị trường Việt Nam.
Quá trình kiềm chế và đẩy lùi tình trạng đô la hoá thành công là một tiền để cần thiết để Việt Nam có được một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Với sự mở cửa của khu vực tài chính trong những năm tới. và sự tự do hoá giao dịch tài khoản vốn, việc đạt được mục tiêu kiềm chế và đẩy lùi tình trạng đô la hoá là việc làm rất khó khăn. Muốn làm được cần phải có thời gian và có quyết tâm cao. Điều quan trọng là những mặt tích cực mang lại lợi ích của hiện tượng đô la hoá trên thị trường Việt Nam không bị xoá bỏ, nó tồn tại đan xen trong cơ chế thị trường mở cửa và hội nhập, được sử dụng như một giải pháp bổ sung trong chính sách tiền tệ tích cực của đất nước trong giai đoạn mới, còn những mặt tiêu cực của đô la hoá thì cần phải được kiềm chế, đẩy lùi và xoá bỏ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro