TTHCM văn hóa, đạo đức
Theo Hồ Chí Minh, văn hoá có vị trí và vai trò to lớn, quan trọng trong đời sống xã hội: Văn hoá là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng; văn hóa ngang hàng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; văn hoá không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị; văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Người xác định rõ, trong đời sống xã hội có bốn vấn đề chủ yếu, quan trọng ngang nhau có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau là kinh tế – chính trị – văn hoá – xã hội.
Một là, văn hoá là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng.
Trong quan hệ với chính trị, xã hội: Hồ Chí Minh cho rằng, chính trị, xã hội có được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng. Chính trị giải phóng mở đường cho văn hoá phát triển. Người nói: “Xã bội thế nào, văn nghệ thế ấy… Dưới chế độ thực dân phong kiến, nhân dân ta bị nô lệ, thì văn hoá cũng bị nô lệ, bị tối tăm, không thể phát triển được”. Để văn hoá phát triển tự do, phải làm cách mạng chính trị trước.
Trong quan hệ với kinh tế Hồ Chí Minh chỉ rõ kinh tế là thuộc về cơ sở hạ tầng, là nền tảng của việc xây dựng văn hoá. Xây dựng kinh tế để tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá, kinh tế phải đi trước một bước. Người viết; “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hoá. Vì sao không nói phát triển văn hoá và kinh tế. Tục ngữ ta có câu: có thực mới vực được đạo, vì thế kinh tế phải đi trước”.
Hai là, văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế.
Đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh không nhấn mạnh một chiều về sự phụ thuộc “thụ động” của văn hoá vào kinh tế, chờ cho kinh tế phát triển xong mới phát triển văn hoá. Người cho rằng, văn hoá có tính tích cực, chủ động, đóng vai trò to lớn như một động lực, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và chính trị. Người nói: “Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp cho chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Văn hóa ở trong kinh tế và chính trị có nghĩa là văn hoá phải tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy chính trị và phát triển kinh tế. Văn hoá không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Quan điểm này không chỉ định hướng cho việc xây dựng một nền văn hoá mới ở Việt Nam mà còn định hướng cho mọi hoạt động văn hoá.
Văn hoá phải ở trong kinh tế và chính trị, điều đó cũng có nghĩa là kinh tế và chính trị cũng phải có tính văn hoá, điều mà chủ nghĩa xã hội và thời đại đang đòi hỏi. Văn hoá có tính tích cực, chủ động, đóng vai trò to lớn thúc đẩy kinh tế và chính trị phát triển như một động lực. Văn hoá ở trong kinh tế và chính trị, có nghĩa là chính trị và kinh tế phải có tính văn hoá.
Như vậy: Kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội tác động qua lại lẫn nhau, trong đó văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro