tt qt hoi nhap
Cấp ủy Đảng đang can thiệp khá sâu hoạt động chính quyền
Hội nhập kinh tế quốc tế là thách thức với mọi nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam. Thách thức này càng khắc nghiệt hơn khi chúng ta là một nước đang phát triển đồng thời là nền kinh tế chuyển đổi.
Trong bản tham luận của mình tại ĐH sáng nay (20/4), Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thay mặt Ban cán sự Đảng bộ Thương mại nhận định, Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra thị trường rộng lớn để xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; tạo điều kiện cho ta tiếp nhận vốn, công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý; các khoản vay ưu đãi từ các nước... Đây là những nguồn lực to lớn góp phần đưa nền kinh tế nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua.
Những lợi ích của hội nhập kinh tế đã rõ ràng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi ấy, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra 6 thách thức to lớn.
Một là, cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn. Cạnh tranh không chỉ giữa doanh nghiệp nước ta với doanh nghiệp các nước trên thị trường nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mà cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Điều đó gây sức ép không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã quen với sự trợ giúp của Nhà nước, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và công nghệ yếu kém mà tình trạng này lại khá phổ biến ở doanh nghiệp nước ta.
Hai là, hội nhập kinh tế quốc tế với sự chuyển dịch tự do qua biên giới các yếu tố của quá trình tái sản xuất hàng hóa và dịch vụtiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có cả những rủi ro về mặt xã hội. Thách thức ở đây là đề ra được những chính sách đúng đắn nhằm tăng cường khả năng kiểm soát vĩ mô, nâng cao tính năng động và khả năng thích ứng nhanh của toàn bộ nền kinh tế, củng cố và tăng cường các giải pháp an sinh xã hội để khắc phục những khó khăn ngắn hạn. Tóm lại, phải tạo dựng được môi trường để quá trình chuyển dịch cơ cấu và bố trí lại nguồn lực diễn ra một cách suôn sẻ, với chi phí thấp.
Ba là, hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra những yêu cầu hết sức cấp bách cho việc bổ sung và hoàn thiện thể chế. Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật có liên quan đến kinh tế và thương mại nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, phải liên tục hoàn thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và phát huy mọi tiềm lực của tất cả các thành phần kinh tế. Đồng thời không ngừng hoàn thiện các quy định về cạnh tranh để bảo đảm một môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng khi hộp nhập.
Bốn là, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã làm bộc lộ nhiều bất cập của nền hành chính quốc gia. Do một trong những nguyên tắc chủ đạo của WTO là minh bạch hóa nên khi gia nhập WTO, nền hành chính quốc gia chắc chắn sẽ phải có sự thay đổi theo hướng công khai hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn. Đó phải là nền hành chính vì quyền lợi chính đáng của mọi người dân, trong đó có doanh nghiệp và doanh nhân, lấy người dân, doanh nghiệp, doanh nhân làm trọng tâm phục vụ, khăc phục mọi biểu hiện trì trệ, thờ ơ và vô trách nhiệm. Nếu không tạo ra được một nền hành chính như vậy thì chẳng những không tận dụng được các cơ hội do hội nhập kinh tế nói chung và việc gia nhập WTO nói riêng đem lại mà cũng không chống được tham nhũng, lãng phí nguồn lực.
Năm là, để bảo đảm tiến trình hội nhập đạt hiệu quả, bên cạnh quyết tâm về chủ trươn, cần phải có một đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và đội ngũ doanh nhân đủ mạnh. Đây cũng là một thách thức to lớn đối với Việt Nam do phần đông cán bộ của ta còn bị hạn chế về kinh nghiệm điều hành nền kinh tế mở, có sự tham gia của yếu tố nước ngoài. Nếu không có sự chuẩn bị phù hợp, thách thức này sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phục.
Sáu là, hội nhập kinh tế quốc tế dẫn đến sự hợp tác về an ninh và văn hóa. Đồng thời, việc mở cửa thị trường, mở rộng giao lưu trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, bên cạnh nhiều mặt tốt, những cái xấu cũng du nhập vào, đòi hỏi các cấp lãnh đạo, quản lý và mọi người dân phải nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhằm nâng cao sức đề kháng, chống lại sự tha hóa, biến chất, chống lại lối sống hưởng thụ, tự do tư sản...
Trong phần tham luận của mình, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển có nói về Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng theo tinh thần của ĐH. Bộ trưởng Tuyển đề nghị, cùng với việc đổi mới về phương thức thì phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện mục tiêu: "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", lấy nhiệm vụ lãnh đạo kinh tế là trung tâm, nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt. Ông Tuyển nhìn nhận: "Chúng ta đang rơi vào tình trạng cấp uỷ Đảng can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền và các tổ chức trong hệ thống xã hội. Điều ấy không chỉ làm mất vai trò chủ động, tính sáng tạo và tinh thần tự chịu trách nhiệm của bản thân các tổ chức mà còn làm cho các cấp uỷ Đảng không có đủ thời gian để suy nghĩ, chỉ đạo các vấn đề cốt tử của đất nước. Điều này cũng dẫn đến một tình trạng rất không hay là nếu như sự việc diễn ra một cách "thuận buồn xuôi gió" thì thành tích thuộc về sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, còn khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm vì tất cả đã được thông qua cấp uỷ
Khi đề cập đến đổi mới phương thức lãnh đạo, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, Chúng ta vẫn thường nói, dân chủ không chỉ là động lực, dân chủ còn là mục tiêu. Phát huy dân chủ sẽ phát huy được sáng kiến của mọi cá nhân, sẽ làm xã hội chúng ta trở nên năng động hơn. Chúng ta đều biết những sáng kiến trước ngày đổi mới đều xuất phát từ từng cá nhân.Theo quan điểm của chúng tôi, cần xây dựng xã hội dân chủ thành lý tưởng của Đảng. Lý tưởng dân chủ có thể trường thành trong xã hội chúng ta. Đảng phải tích lũy kinh nghiệm điều hành một xã hội dân chủ, Đảng sẽ gần dân, được nhân dân tin yêu.
Về xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng chí Trương Đình Tuyển khẳng định: Không có xã hội pháp quyền, thì không có nhà nước pháp quyền và không thể có xã hội công bằng, văn minh. Ngay từ năm 1919, Bác Hồ đã từng nói: "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền", Bác coi pháp quyền là "thần linh" để quản lý xã hội.
+
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro