TT HCM
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá mà Bác Hồ đã để lại cho Đảng và dân tộc ta.
Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết, phải nói đến đường lối "giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Đó là con đường gắn chặt độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Bác Hồ đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế.
Tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Bác chứa đựng nội dung rất phong phú, một chân lý vĩ đại, là sản phẩm của quá trình tư duy khoa học lâu dài. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" không chỉ là mục tiêu, phương châm chỉ đạo cuộc đấu tranh giành độc lập, mà còn là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, động viên nhân dân ta quyết hy sinh để giành và bảo vệ cuộc sống của chính mình. Ý nghĩa và tầm vóc của khẩu hiệu đó đã vượt ra khỏi không gian nước ta, được nhiều dân tộc trên thế giới coi như chân lý.
Luận điểm của Bác về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là "Làm cho dân giàu, nước mạnh" (Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Hà Nội - 1995 - T.8- trang 226). Bác Hồ đã nói và viết về chủ nghĩa xã hội một cách sâu sắc và khoa học, nhưng lại giản dị như những lẽ phải thông thường, do đó, có sức cảm hóa mạnh mẽ mọi người lao động đang nung nấu khát vọng giải phóng. Muốn "làm cho dân giàu, nước mạnh", Đảng phải là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân, Đảng phải vững mạnh và trong sạch. Nhà nước phải là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bác Hồ viết: "Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi" (Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Hà Nội - 1995 - T.7 - trang 572).
Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải là sự nghiệp của nhân dân.
Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nói đến phương pháp cách mạng của Người. Đó là phương pháp cách mạng tổng hợp. Đó là sức mạnh của bạo lực chính trị của quần chúng kết hợp với bạo lực vũ trang, sức mạnh của truyền thống kết hợp với sức mạnh hiện đại, sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Phương pháp cách mạng tổng hợp không chỉ có giá trị chỉ đạo trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp và trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mà còn có giá trị chỉ đạo trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và hiện nay, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, chủ trương mở rộng hợp tác, liên doanh... thì đó chính là chúng ta đã sử dụng phương pháp cách mạng tổng hợp của Bác Hồ trong điều kiện mới.
Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nói đến sự chỉ đạo chiến lược, sách lược tài tình của Bác. Bác Hồ là người thầy về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược và sách lược. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (1941) do Bác chủ trì đi tới những quyết định lớn về điều chỉnh chiến lược, trong đó có việc tạm thời gác lại khẩu hiệu đòi ruộng đất, chủ trương tạo thời cơ và nắm vững thời cơ để Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi và việc ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 là những chứng minh cụ thể về thiên tài chỉ đạo chiến lược, sách lược của Bác Hồ. Bác Hồ đúng là con người của những quyết định lịch sử ở những bước ngoặt lịch sử.
Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nói đến tài tổ chức lỗi lạc của Bác với hệ thống quan điểm về tổ chức sáng tạo. Bác Hồ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất, sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân, sáng lập chính quyền nhân dân.
Trong việc thành lập và xây dựng Đảng, Bác Hồ đã đề ra luận điểm có tính chất bao trùm: Đảng ta là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Bác xây dựng lực lượng vũ trang với quan điểm nổi tiếng "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu".
Bác đã xây dựng nhà nước ta với quan điểm "nhân dân là người chủ đất nước", "chính quyền từ cơ sở đến trung ương đều do dân bầu ra, vì nhân dân mà phục vụ".
Bác Hồ còn phát hiện: "Đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân là nguồn sức mạnh vô địch, là động lực mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội. Đoàn kết là chiến lược phát triển của cách mạng Việt Nam. Với sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, sức lực và trí tuệ của nhân dân được nhân lên gấp bội và không có khó khăn nào mà không vượt qua được".
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Tổng kết ấy từ thực tiễn đời sống của nhân dân có liên hệ mật thiết với quan niệm của Bác Hồ: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".
Tư tưởng lớn đó của Bác Hồ đã cổ vũ, tập hợp lực lượng toàn dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước.
Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh còn phải nói đến đạo đức, phong cách hoạt động của Bác. Hơn ai hết, Bác Hồ rất coi trọng việc rèn luyện đạo đức cách mạng. Bác cho rằng đạo đức cách mạng là nền tảng, là cái gốc, là sức mạnh của người cán bộ cách mạng. Với Bác, đạo đức cách mạng là những giá trị đạo đức truyền thống được nâng cao bởi các quan điểm đạo đức Mác-xít lê-ni-nít. Bác Hồ là hiện thân của người cách mạng suốt đời vì dân, vì nước, con người "cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư", con người lời nói đi đôi với việc làm, con người vĩ đại, nhưng vô cùng giản dị. Và suốt cuộc đời của Bác, trong mọi hành động, Bác luôn luôn là tấm gương cao đẹp về phẩm chất của người cộng sản.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định: "Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động".
"Người ngồi đó với cây chì đỏ
Vạch đường đi từng bước, từng giờ"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro