Nước trong nguồn chảy ra.
Sơn duỗi người trong bồn tắm, thoải mái cọ đầu vào ngực Lý để cô xoa hai bên thái dương.
– Thầy em còn mệt à?
– Giúp tôi xoa thêm chút. Bóp cả vai nữa.
– Lại làm nũng.
– Mấy ngày qua đi với Vũ, tôi cứ phải nuông chiều nó suốt, chả có ai chiều tôi.
Hôn lên bầu ngực của vợ, Sơn híp mắt ngắm nhìn xương quai xanh thoắt ẩn thoắt hiện trong làn nước. Hình như Lý gầy đi thì phải.
Lý bóp vai cho chồng, vừa cười vừa nói.
– Cả ông Mục và u Mọ cũng không chiều thầy em sao?
– Họ hầu cơm nước thôi, có nhiều chuyện khác họ chả hầu được đâu.
Sơn ngẩng đầu, hôn môi mợ Cả, bàn tay trong làn nước chạm vào eo cô.
Lý nhu thuận chiều theo ý chồng, để mặc anh muốn làm gì thì làm.
Nụ hôn quấn quýt kéo dài, lúc Sơn rời bông hoa đào còn liếm môi dưới của cô khiến Lý ngại ngùng quay đi. Đôi má hồng kia chả biết là đỏ vì mình hay vì làn nước ấm, nhưng cả cơ thể anh như muốn tan ra. Sơn mỉm cười, dựa đầu vào vai Lý để dòng nước vuốt ve, xoa dịu cơ thể cứng như đá của anh.
Mà quả thật là cứng như đá.
Bọn Sơn Vũ tìm đến khu rừng theo bản đồ của Nhạc nhưng không giải được vòng đạc bên ngoài cùng, mà Lý Nhạc Khanh ở trong biệt phủ Vũ Lâm chưa bao giờ đi xa quá năm dặm, thế nên ba người truyền tin tức không đến được tai Sơn. Do nôn nóng muốn gặp lại nhóm của Khanh, Sơn liều mạng dùng Thạch Quyền phá đất, định bụng đào đường hầm đến thẳng biệt phủ, nào ngờ tay đá đào được một lúc thì gặp mật đạo mà Ưng Phúc Công đã cho xây từ trước.
Buổi tối đầu tiên được ăn ngon ngủ yên sau chuỗi ngày Nam tiến gian khổ, Sơn hôn lên bụng Khanh khi cô ngủ, nhìn Vũ và Nhạc cùng nhau uống rượu ngoài hiên, rồi cuối cùng bước sang phòng Lý. Lúc cởi quần áo bước vào bồn tắm, anh cảm thấy như mình vừa đánh giặc nhiều ngày nơi biên cương, nay trút áo giáp để con sông quê ôm ấp.
Con sông quê cong lượn như vòng eo, bờ ngực Lý.
Con sông quê mát mẻ ngày hè, hệt như lần đầu họ gặp nhau.
Sơn nhìn người con gái cởi bỏ áo tứ thân ở khúc sông vắng người, chỉ còn chiếc yếm lụa sồi che hờ đôi ngực. Tóc dài miên man thả trên dòng nước trong, ngón sen đan vào con suối đen huyền mà chải. Cảnh thơ khiến lòng trai rạo rực, nhưng người con trai chỉ đứng nhìn sau rặng liễu, không muốn lại gần làm xao động tiên nhân.
Nhưng cô tiên không chỉ gội đầu.
Giữa ánh nắng ngày hè, Sơn thấy được dưới chiếc váy đụp không còn là đôi chân thon nữa. Đuôi rắn khỏa dòng nước, mái chèo đánh sóng vỗ vào tâm trí thiếu niên. Cô gái nằm duỗi người trên cầu gỗ, mắt nhắm nghiền.
đầu cầu tóc lượn trong sông,
cuối cầu đuôi thả vào trong giang đầu
rắn theo sông Cái về đâu
cho tôi theo rửa cơn sầu hoa niên
Sơn mở to mắt, chồm người về phía trước. Chim trên cành e sợ, vỗ cánh bay đi. Cô gái nghe động, thu đuôi trở về hình người, ngồi dậy nhìn Sơn.
Năm ấy Sơn mười sáu, Lý mười tám.
Cha Sơn bảo đấy là con gái nhà họ Trần ở Hà Bắc, sau này sẽ là vợ của con.
Các cụ hai bên đã định trước hôn ước cho Sơn và Lý. Khởi thủy rằng Vĩnh Lạc Hầu Nguyễn Mặc năm xưa lên núi Tản xây phủ, nhưng nhân công giữa đường luôn bị hổ vồ. Tục truyền hổ này sống hơn năm mươi năm, thân dài hơn một trượng, đứng bằng bốn chân vẫn cao hơn đầu người, hay mò vào nhà dân giết lợn giết trâu rồi giết cả gia chủ. Lâu dần người ta sợ không ở nữa, kéo nhau xuống chân núi xây đền rồi gọi là ông chúa Mãnh. Từ khi có hổ quấy nhiễu, lễ hội đền Thượng thờ Thánh Tản cũng thôi, người đi hái thuốc trên núi cũng dừng, tiều phu đốn củi không còn dám đi sâu nữa.
Vĩnh Lạc Hầu vẫn quyết tâm xây phủ trên núi Tản, bèn tự mình đi thu phục ông Mãnh. Ông Mặc đấu với hổ tinh một trận, không ngờ bị hổ vồ một cú, nhưng may mắn được một con rắn ở dòng suối gần đó cuốn lấy bơi đi. Rắn đưa Vĩnh Lạc Hầu về hạ nguồn, vào căn nhà tranh thì hiện nguyên hình người là thầy y họ Trần. Thầy Trần là người duy nhất còn dám vào núi Tản hái thuốc, vốn bởi ông mang Thủy thuật của họ Trần nên có thể biến thành rắn nước trốn đi. Nguyễn Mặc kết bạn với thầy y, biết ông có con gái nhỏ nên hứa sẽ cho con cái hai nhà xe duyên về sau. Ông Mặc cũng hứa với thầy y Trần rằng con gái ông chắc chắn làm chính thê phủ Vĩnh Lạc, không bao giờ phải chịu phận vợ lẽ. Nhà họ Trần vốn không khá giả cũng chẳng quyền thế, song từ khi giúp Vĩnh Lạc Hầu thu phục ông chúa Mãnh thì lại bước sang trang mới.
Năm Sơn mười sáu, cha anh nhắc đến hôn sự này, bảo con mang quà bánh sang biếu thầy y Trần, tiện thể chào hỏi cô Lý.
Sơn cầm tráp trên tay, nhìn cô gái vừa hóa lại hình người.
Gương mặt phiếm hồng, Lý mặc lại áo tứ thân, để mặc tóc xõa dài ướt lưng áo, rồi cắp thúng bỏ đi. Lúc họ gặp lại nhau ở nhà thầy Trần, Lý cúi gầm mặt, khi ra sau bếp pha trà mới lén nhìn chàng trai trẻ đang thưa chuyện với cha mà thở nhẹ một hơi. Chiếc đuôi rắn là chuyện sớm muộn gì đấng phu quân tương lai cũng biết, bởi chính cha đã cứu Vĩnh Lạc Hầu trong hình dạng rắn nước. Lý nghe cha bảo nhà kia mang Thổ thuật, ông Vĩnh Lạc quyết xây phủ ở núi Tản là vì linh khí núi này phù hợp cho Nguyễn gia luyện thuật.
Mà từ ngàn xưa đến nay, sông núi bên nhau là điều hòa hợp.
Tuổi Sơn còn trẻ, Vĩnh Lạc Hầu cưới vợ sớm cho con là vì biết tính Lý có khả năng quản gia, giúp ông quán xuyến việc trong phủ và khuyên anh con giai ăn học nên người. Mặt khác, Thủy là nguyên tố quan trọng nhất, bằng chứng là việc ông được Trần gia cứu giúp trong cơn hoạn nạn đã ứng với lời sấm truyền của tiên tổ. Có Lý tương trợ, sức mạnh của Sơn sẽ gia tăng nhanh chóng.
Thầy y Trần biết bạn mình có tính toán, nhưng phủ Vĩnh Lạc quả thực là hào môn cao quý, còn Vĩnh Lạc Hầu dù sao cũng là người nghĩa khí, đứng đắn. Phủ Vĩnh Lạc là mối tốt nhất cho con gái ông, bảo đảm cho cô không phải khổ cực giúp ông hái thuốc rồi đi buôn gánh bán bưng ở mom sông nữa. Mẹ Lý sinh thời còng lưng sớm vì đôi quanh gánh, vốn bởi chồng bà bốc thuốc nhưng không thành danh, nhà họ Trần lại mấy đời kiên trì ở vùng ít người sinh sống. Đến lúc bà mất vẫn chưa được mặc áo gấm lần nào, duy có chắt chiu được chiếc áo lụa cho con lấy chồng về sau. Ngày Nguyễn gia đón dâu, ông mỉm cười nhìn đứa con gái nền nã trong tà áo lụa Hà Bắc, tự nhủ việc cứu Vĩnh Lạc Hầu là điều đúng đắn nhất ông làm trong cả đời này.
Phủ Vĩnh Lạc xây ở lưng núi, vốn bởi Vĩnh Lạc Hầu không muốn xây cao bằng hoặc hơn đền Thánh Tản. Ngày Lý về, gia nhân cúi đầu gọi tiếng mợ mà khiến cô gái trẻ lúng túng mãi. Bấy lâu nay, Lý chỉ quen cúi đầu với tai to mặt lớn, nào đã được ai hầu hạ bao giờ. Để giúp cô quen với vị thế mới, ông cha chồng giao sổ sách trong phủ và cửa hàng vải vóc ở Long Vượng cho cô. Lý học nhanh, làm tốt hơn cả ông mong đợi, lại còn quán xuyến cả việc cúng kỵ, giỗ lạt, lễ Tết rất đầy đủ.
Nhưng điều khiến ông vui nhất chính là việc cô giúp Sơn học tập và luyện thuật. Con trai ông thông minh nhưng không quá siêng năng, từ ngày được Lý quản nghiêm thì đọc sách nhiều hơn lúc trước. Anh con giai ỷ mình có thuật lượng cao hơn những người khác trong dòng họ, lúc bé luyện một canh giờ đã muốn đi chơi, nay có vợ cạnh bên thì lại không dám nữa.
Lý không uốn nắn Sơn bằng vũ lực như ông Mặc, nhưng chẳng hiểu sao, Sơn không bao giờ muốn làm cô buồn.
– Mình không cố gắng bây giờ, sau này không bảo vệ và săn sóc được cho vợ con thì thẹn với đất giời, với ông bà tổ tiên, với cha và em, và với chính bản thân mình nữa.
Cũng cùng một ý này, ông Mặc mắng Sơn chỉ khiến anh con giai đương tuổi dậy thì thêm phần ngỗ nghịch. Song, dòng nước dịu nhẹ khiến tảng đá nhu hòa đi hẳn.
Kể từ khi có Lý, Sơn có thể dùng Thạch Quyền bằng cả hai tay.
Để rèn con vào khuôn khổ, Vĩnh Lạc Hầu cấm chuyện động phòng cho đến khi Sơn đủ mười tám tuổi. Bản thân ông không thúc giục chuyện có cháu bế mà ưu tiên việc anh con giai nên người, tôi luyện văn võ và đức độ. Hai năm sau khi Sơn lấy vợ, Lý chứng minh được với cha chồng cô là người con dâu mà ông đã chọn đúng, bọn họ được phép qua đêm chung một phòng lần đầu tiên.
Sơn nhìn Lý ngồi trên giường mỉm cười với mình. Tim anh đập nhanh như trống quân, bàn tay chạm lên má cô có phần run rẩy. Lý nắm lấy tay chồng trên má mình, hôn lên ngón cái của anh. Tối hôm đó, Sơn đắm mình trong dòng nước ấm giữa mùa xuân, khi thỏa thích bơi lội như đứa trẻ, khi hùng hục đua thuyền giữa ngã ba sông. Tiên cảnh ngày xưa đã không còn chiếc yếm lụa sồi, mọi đường nét thanh xuân đều phơi bày gần gũi.
Nếu không trực tiếp chạm vào còn tưởng là mơ.
Giấc mơ tươi đẹp ấy kết tinh thành hạnh phúc được làm cha làm mẹ của cặp vợ chồng trẻ. Phủ Vĩnh Lạc vui như mở hội, cả ông Mặc ngày thường nghiêm cẩn cũng cười nheo cả mắt. Riêng Sơn vui đến mức nhiều khi muốn bay lên, bay cao hơn cả đỉnh núi Tản. Có những chiều đông mưa phùn rét đậm, anh ôm vợ vào ủ trong chăn, gục mặt vào hõm cổ ấm áp của người thương, tay vuốt ve chiếc bụng còn phẳng của cô. Sơn không quan trọng việc nối dòng, thẳng thắn bảo mình thích có con gái.
– Bởi con gái chúng mình sẽ đẹp và hiền như em vậy.
Lý ngả đầu vào vai anh, cười tươi đến mức đôi mắt trở thành hai đường chỉ.
Nhưng mộng đẹp không bao giờ kéo dài. Người vợ hoàn mỹ của Sơn có thể giúp anh đạt được rất nhiều thứ, nhưng lại không thể giữ đứa cháu nội đầu tiên của Vĩnh Lạc Hầu. Nghe tin con gái trở cơn đau bụng, thầy y Trần đến khám rồi bủn rủn cả người, mất hết sức lực quỳ xuống trước mặt cha con Nguyễn Mặc.
– Cha con tôi xin tạ tội với cụ.
Cả bầu trời của Lý sụp xuống theo đôi chân gầy yếu của cha.
Lý biết Sơn vẫn thương mình, và cha chồng vẫn xem trọng cô, tiếp tục để cô quản lý tài chính trong phủ và cửa hàng vải vóc. Nhưng cô lại không thể tha thứ cho mình.
Cô vốc nước lên, nước chảy qua kẽ tay. Mẹ vốc nước lên, con không còn nữa.
Nước sông chảy theo dòng, nước mắt đổ theo cơn.
Rồi có một hôm, Lý ôm chồng từ sau lưng.
– Hôm nào ta xuống núi gặp bà mối nhở? Phủ ta ít người...em cũng cần có chị em.
Sơn gỡ tay cô, xoay người bước đi.
Khi anh liếc mắt nhìn lại, nụ cười tê tái của Lý còn cứng trên môi.
Về sau, mỗi lần nhớ lại, Sơn đều tự trách mình. Anh thấy mình dở quá, tệ bạc quá. Có thằng đàn ông nào mà lại như thế!
Giả như lúc ấy anh ôm Lý vào lòng, bảo cô rằng mình không cần mợ Hai mợ Ba gì cả, rằng chỉ có Lý, chỉ duy nhất Lý là đã đủ rồi. Nhưng anh không thể thốt nên lời, bởi sự tội lỗi của trái tim đập sai nhịp dành cho cậu em trai kết nghĩa chắn ngang thanh quản anh. Quãng thời gian đấy, anh không dám nhìn thẳng vào mắt Lý, vô tình lại khiến dòng nước trong trái tim cô lạnh căm.
Rồi dòng nước ấy lại sục sôi khi Lý nhìn thấy chồng ôm cậu Vũ ở vườn sau.
Anh em kết nghĩa không ôm nhau như thế. Cái ôm ấm nồng ấy, Lý biết.
Lý biết rất rõ, vì chính bản thân cô đã từng nằm trong vòng tay kia.
Ban đêm nhìn chồng ngủ, Lý lau nước mắt mãi mà gối vẫn ướt.
Ngày Sơn biết Lý đã phát hiện ra chuyện của mình và Vũ, thậm chí đã biết đến sự tồn tại của Nhạc, anh quỳ xuống ôm ngang bụng cô. Đấy là lần đầu tiên Sơn quỳ trước mặt người khác.
– Tôi không có cách nào tạ tội với em cho đủ, nhưng nếu em còn một chút lòng tin dành cho gã chồng khốn nạn này, xin hãy biết rằng tôi vẫn còn thương em. Tôi có lòng với các cậu ấy là sự thật, nhưng từ đầu đến cuối, tôi chưa bao giờ hết yêu em. Xin em cho tôi một cơ hội chứng minh rằng dù tim tôi bây giờ có nhiều hơn một người, vị trí của em không bao giờ thay đổi.
Lý không bỏ đi.
Dòng nước của cô không phải là dòng sông dâng cao nhấn chìm nhà cửa hai bên bờ, cũng không phải là sóng biển khơi xa nuốt chửng thuyền bè đánh cá.
Đàn ông quý tộc có nam tình nhân không phải là chuyện chưa từng gặp, nhưng nhìn chung vẫn bị người đời soi mói. Để chồng mình và hai cậu trai kia có thể ngẩng cao đầu, Lý đề xuất việc Sơn rước họ về phủ. Vĩnh Lạc Hầu biết chuyện, tức giận đánh đuổi anh con giai, cô lại quỳ xuống xin ông rồi đi băng bó cho chồng. Sơn quỳ ở từ đường, Lý lén cha anh mang thức ăn nước uống đến.
Trước sự bền bỉ của vợ chồng Lý, phần cũng vì Hỏa tộc và Phong tộc chỉ có con trai, cha Sơn cuối cùng cũng buông xuôi, với điều kiện Vũ và Nhạc không cúng bái tổ tiên, và chỉ có mợ Cả được phép quán xuyến từ đường. Lý hiểu lời ông nói không chỉ để răn dạy Sơn, mà còn vì ông thương con dâu, muốn bảo đảm cho cô không bao giờ mất đi vị thế trong phủ, ngay cả khi ông đoàn tụ với các cụ trên giời.
Ngày Vũ và Nhạc chính thức bước vào phủ Vĩnh Lạc, Lý nhìn hai cậu trai trẻ quỳ trước mặt mình mà mỉm cười. Không phải là nụ cười của cô vợ cả kiêu kỳ, cũng không phải là nụ cười chế giễu, càng không phải là nụ cười thương hại cho họ hay chính bản thân cô. Lý cười vì sau bao tháng ngày thăng trầm, cô tìm được bình an.
Cô nhìn thấy tình yêu trong lòng mình.
Nụ cười ấy Sơn lại được nhìn thấy khi Khanh trở thành mợ Tư trong phủ, khi Lý nấu ăn cùng với Vũ, khi cô chỉ dẫn sổ sách cho nhạc, khi bọn họ khăn gói rời núi Tản vào Long Vượng, và sau này khi Khanh mang thai.
Cả nhà biết tin vui của Khanh vào một chiều mưa rét đậm. Gió mùa Đông Bắc lại về, Sơn ủ Lý trong chăn và hôn lên cổ cô. Lý ngả đầu ra sau, vuốt ve gò má của chồng. Lý còn nhớ giọng Sơn trầm ấm bên tai khi anh thủ thỉ với cô biết bao nhiêu điều; mãi đến khi nghe chán chê rồi, cô mới cười bảo.
– Em đã tha thứ cho mình từ ngày mình nhìn trộm em tắm bên sông rồi.
Một thoáng duyên nợ chân quê, cả đời sông núi ôm nhau mãi mãi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro