Mười bảy.
Trường Yên là chốn linh thiêng từ ngàn xưa, là nơi anh hùng chăn trâu cầm bông lau làm nên nghiệp lớn, mở ra thời kỳ vua Nam xưng đế ngẩng cao đầu với cường quốc phương Bắc đầy dã tâm.
Năm người Nguyễn gia đến gần khu vực cố đô vào lúc nắng cuối thu bảng lảng rưới đều đồng lúa chín. Bãi xanh nối với bãi vàng, thân thiết nép sát vào núi cao hai bên, yêu thương ôm trọn dòng sông vào giữa. Non nước thần linh đẹp đến nao lòng, thuyền đi giữa dòng mà tưởng lạc vào thiên thai. Sơn nắm tay Khanh ngồi ở mạn thuyền, cảm nhận rõ linh khí dạt dào xuyên vào da thịt, tràn đầy hơi thở.
Mạch Rồng quả thực ở đây!
Khanh nhẹ nâng vành nón ba tầm, mỉm cười nhìn cánh cò chập chờn phía xa.
– Trường Yên quả thực là danh lam thắng cảnh hiếm có. Chả trách nhà Trần giữ đô ở Long Vượng nhưng vẫn dựng hành cung nơi đây.
Nghịch dây quai thao trên nón vợ, Sơn lười nhác nằm xuống đùi Khanh để lòng nón rộng che nắng cho mình.
– Đẹp nhưng địa hình hiểm trở, thảo nào nhà Lý phải dời đô.
– Động Rồng ở đâu thầy em nhở? Lúc anh Vũ dò hỏi, người dân ở đây chả ai biết về động Rồng.
– Tôi đã dự liệu từ trước rồi. Tên gọi này có lẽ chỉ là do tiền nhân đặt cho nơi giấu long mạch thôi. Giả như ai cũng biết động Rồng nằm ở đâu, long mạch còn gì là bí mật nữa.
– Thế sao thầy em không cản anh Vũ lúc anh ấy hỏi han xung quanh?
– Cậu Hai thích nói nên tôi để nó nói cho thỏa đi.
Bên trong thuyền, Vũ chuẩn bị cơm nắm vừa xong, khi ló đầu ra thì nghe mình bị chồng nói xấu.
– Này anh Sơn, tình nghĩa vợ chồng anh vứt đi đâu?
– Tình nghĩa còn nhiều nên tôi mới đốn ít củi hơn cậu Hai chứ.
– Đàn ông mà thù dai như thế là không được đâu. Đây, cơm này, ăn cho ngập mồm đi này để không nói xấu tôi nữa.
Nhận nắm cơm từ tay cậu Hai, Sơn sảng khoái cười to. Vũ liếc Sơn, đoạn quay ra phía sau nói với Nhạc đang chèo thuyền.
– Cậu Ba dừng chèo một lúc để ăn cơm đi.
– Vâng.
– Còn mợ Cả đâu?
– Em không rõ. Ban nãy chị ấy hóa rắn lao xuống nước rồi.
– Tôi đây.
Giọng Lý vang lên từ sau lưng Nhạc, ngay giây sau thì cô gái mang đuôi rắn đã trườn lên thuyền. Giữ đuôi ở dưới nước để điều khiển dòng chảy, Lý nhận lấy nắm cơm từ Vũ rồi hướng về phía chồng.
– Thầy em tìm ra vị trí động Rồng chưa ạ?
Nghe Lý hỏi, Sơn nhai xong nắm cơm rồi ngồi dậy thẳng lưng.
– Chưa. Tôi nghĩ chúng ta nên thử tìm theo Trường Yên Tứ Trấn. Theo dòng chảy sông Khê, chúng ta sẽ gặp Trấn Nam đầu tiên.
Nghe đến đây, Nhạc liếm hạt cơm dính trên môi rồi nói.
– Tức là Phong?
– Phải.
– Nhưng em chưa nhìn thấy động nào có lối vào.
– Cũng chưa chắc đấy là tín hiệu. Có lẽ...
– Gượm đã!
Nhổm dậy, Nhạc chỉ tay về phía xa.
Trước mặt họ, đồng lúa đôi bờ ngả nghiêng. Gió nhẹ ban mai bắt đầu thổi mạnh. Trên trời, một đôi chim trắng rất to đang vỗ cánh khiến gió lay nhẹ thuyền cách xa trăm thước. Gió mạnh nhưng không thành bão; cây lúa múa theo từng đợt cánh vỗ nhưng không bay mất gốc.
Chim có thân cò nhưng to hơn, mỏ dài cổ dài, sải cánh độ mười thước, đuôi trắng tua ra như chùm chỉ trên nón quai thao.
Nhìn đôi chim lạ quấn quýt bên nhau, Sơn nheo mắt rồi ôm Khanh vào ngực. Lý chạm tay xuống nước, còn Vũ định rút Hỏa Phiến, nhưng Nhạc ngăn hai anh chị lại. Nhìn chim bay giữa trời lộng gió, Nhạc mỉm cười.
– Chim Lạc!
Nếu Trần gia thuộc dòng rắn truyền miệng nhau về giai thoại Kim Quy ở biển Đông, thì Phan gia thuộc dòng chim rất tôn sùng chim Lạc thi thoảng xuất hiện trên đồng. Chim Lạc là chim thần ít ai nhìn thấy được, đẹp đẽ nhưng bình dị, gần gũi chứ không kiêu sa như phượng hoàng. Phượng hoàng là dành cho hoàng hậu tôn quý, còn chim Lạc là loài chim của lúa nước đã nuôi lớn bao người con nước Nam.
Đôi chim trắng thanh khiết nhìn truyền nhân họ Trần nhưng chả cất tiếng kêu. Nhạc ra hiệu cho Lý dừng thuyền cách chim chục thước, đoạn rút sáo ra thổi một khúc.
Khúc nhạc này đơn giản, vui tươi, tuồng như đứa trẻ chăn trâu thổi khi nhàn rỗi. Nghe tiếng sáo dìu dặt, Sơn thư thả buông bỏ đề phòng, cùng ba người vợ còn lại nhìn đôi chim Lạc bay theo vòng tròn, đuôi dài vẫy lượn tha thướt như bông lau. Sóng lúa hai bên rì rào góp hội, hòa theo âm thanh bay bổng đến tận trời.
Khúc nhạc này dài chừng một khắc, ai trên thuyền nghe xong cũng cảm thấy thư thái lạ thường.
Tiếng sáo dứt, đôi chim kêu lên một hồi rồi bay về phía trước.
Sự tĩnh lặng quay về với non nước hùng vĩ, song dư âm tiếng sáo như còn vương vấn bên tai.
– Khúc nhạc này quả thực rất hay.
Nghe Sơn khen, Nhạc ngượng ngùng giắt sáo sau lưng, đoạn chỉ tay về sơn động phía trước, nơi đôi chim Lạc vừa đậu. Giữa dòng sông, một hòn núi nhỏ để lộ ra lối vào hang động. Hang không sâu, nhìn từ xa đã thấy đền thờ với đôi chim phủ phục hai bên cổng đền.
– Hình như là đền của Trấn Nam kia rồi.
Lý cho thuyền đỗ cạnh đền, đoạn đưa cho Nhạc nén hương. Cậu Ba bước lên đất liền, thắp hương rồi nhắm mắt khấn vái.
Lúc Nhạc trở lại thuyền, đôi chim Lạc cũng cất cánh bay đi mất dạng. Sương từ đâu lan tỏa; thuyền họ đi tiếp một lúc, khi Nhạc quay đầu lại đã không thấy đền Trấn Nam nữa.
– Có lẽ lời mợ Tư nói rất đúng.
Nhạc ngồi xuống, nhìn mọi người rồi tiếp lời.
– Từ trước tới nay, ngay cả dân ở vùng này cũng chưa nghe nói đến Tứ Trấn và động Rồng, có lẽ vì những động này không phải ai cũng nhìn thấy được.
Vũ ăn nốt nắm cơm còn dở rồi nhìn cậu em kết nghĩa.
– Tức là...phải đúng người có thuật như chúng ta sao?
– Em nghĩ vậy. Chim Lạc hiếm đến mức trở thành thần thoại, chỉ có người họ Phan mới đôi khi nhìn thấy. Chim xuất hiện trước mặt người giữ Phong thuật, nghe được khúc nhạc theo ý mình mới dẫn đường vào đền của Trấn Nam.
– Sao chú biết chim thần sẽ hài lòng với khúc nhạc vừa rồi?
– Linh cảm. – Nhạc nhìn dòng sông rồi nói tiếp. – Đó là khúc nhạc của đám trẻ chăn trâu, cũng là khúc đầu tiên thầy dạy cho em. Đơn giản nhưng dễ nghe, ngay cả khi dùng thuật cũng chỉ tạo gió êm chứ không phải phong ba bão tố. Chim Lạc đến với thiện chí, không phải mời gọi gươm giáo mà chỉ để nghe khúc sáo ngày mùa.
Nghe Nhạc giải thích, bốn người còn lại cũng gật gù. Thử thách của Tứ Trấn không đơn thuần chỉ là chiến đấu, bởi linh thuật còn hướng về cội rễ nguyên sơ, bình dị của đời sống con người.
– Nếu đúng như lời cậu Ba nói... – Sơn cất tiếng rồi nắm tay Khanh. – Mang theo mợ Tư là điều đúng đắn. Không có Mộc thuật, e rằng Trấn Đông sẽ không hiện ra.
Được dịp thích chí, Khanh vênh mặt nói to.
– Đấy, em bảo thì đố có mà sai.
Nghe cô em cười, Vũ liền quay sang.
– Thế cô có biết đánh đàn thổi sáo gì không? Nghe cô đàn, khéo thần giữ Trấn Đông trốn mất.
– Này, anh cẩn thận cho bản thân mình mới đúng.
– Tạ ơn mợ Tư. Ngày xưa tôi học bác Phan, ngoài Nhạc ra thì không ai đàn giỏi hơn tôi đâu.
– Tay anh to như thế, chỉ có cầm dao phay.
– Này này hai cô cậu.
Lý vỗ vai Vũ, đoạn bảo Khanh.
– Nhưng mợ Tư có đoán trước được thần giữ Trấn Đông sẽ xuất hiện thế nào không? Các cụ ở Phạm gia có kể cho mợ chuyện gì chăng – như giai thoại về Đông Hải Kim Quy hay chim Lạc chẳng hạn?
Thấy bốn người còn lại nhìn mình chăm chăm, Khanh phẩy tay.
– Ối giời, mọi người khéo lo. Dù là thử thách gì em cũng vượt qua tất.
Sơn đương nắm tay vợ, nghe cô nói xong thì nhíu mày nghi hoặc.
– Khanh...em không nghe các cụ truyền lại gì à?
Bị chồng nghi vấn, Phạm Ngọc Khanh bối rối cúi đầu.
– Ngày xưa, thầy u mở mồm ra thì cứ giục lấy chồng mãi thôi, có nói gì đâu chứ...
– Thế lúc em còn nhỏ thì sao?
– Các cụ cứ quát em bảo con gái đoảng thế, sau này khó lấy chồng.
– Từ bé đã nhắc chuyện lấy chồng sao? Thực sự không có gì khác à?
– Lúc bà em còn sống, bà nhìn mặt em bảo lớn lên đẹp nhưng sẽ khó lấy chồng.
– Nhà họ Phạm chỉ nói chuyện lấy chồng cho em sao?
– À, bà còn nói...
Khanh nghiêng đầu, chiếc nón quai thao vì thế cũng nghiêng theo.
– Bà bảo số em mà lấy được chồng thì lấy muộn đấy, mà đúng thật là hai mươi em mới về với mình còn gì.
Lý hóa rắn lao xuống nước. Vũ nhai miếng cơm không nuốt. Nhạc đứng dậy tiếp tục chèo thuyền.
Sơn cúi đầu, bóp trán thở dài tự nhủ.
Ôi giai nhân Hà Đông của tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro