Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Đêm phủ lên Trường Yên, tiếng dế từ xa rả rích vọng về. Thuyền đỗ bến vắng, năm người Nguyễn gia ghé vào nhà dân nhờ ngủ tạm. Nằm trong vòng tay to ấm của chồng, Khanh bất giác mở mắt rồi trở người.
Nhận thấy cô vợ động đậy, Sơn giữ mắt nhắm rồi cất giọng đều đều.
– Khó ngủ sao?
– Gần đây hay ngủ trưa nhiều, đến tối lại lúc được lúc không.
– Có nhức chân không?
– Một chút ạ.
Nghe vợ than, Sơn mở mắt, tìm đôi chân cô trong đêm rồi bắt đầu xoa bóp. Sảng khoái, Khanh mỉm cười.
– Nhẹ lại một chút.
Anh chồng tay thô thịt chắc cũng biết điều, giảm lực rồi lại hỏi.
– Được chưa?
– Đấy đấy, thoải mái rồi đấy. Thầy em cứ tiếp tục thế.
Cúi người hôn lên bàn chân vợ, Sơn trầm giọng.
– Ngủ tiếp đi.
Thấy Khanh thư giãn, Sơn vẫn tiếp tục xoa bóp đến khi cô ngủ lại mới thôi.
Bà của Khanh bảo số cô lấy chồng muộn, nhưng quên bảo rằng số cháu lấy chồng rất sướng. Chẳng cần đến lúc Khanh bầu bì, cô về nhà chồng ba năm nay ít khi nào phải động chân tay. Từ lúc bắt đầu quen biết Khanh, Sơn đã biết cô vợ xinh đẹp này là để chiều chuộng.
Vũ từng bảo số Khanh sinh cửa quan, ăn sung mặc sướng từ tấm bé cũng chả sai. Trong bốn người vợ của Sơn, gia cảnh của Lý và Nhạc có phần thấp hơn; Vũ thì sinh ra trong nhung lụa nhưng cha anh vẫn chỉ là con buôn. Chỉ riêng Khanh mới đúng là lá ngọc cành vàng của trâm anh thế phiệt.
Nhà họ Phạm nhiều đời làm quan, vinh hiển khó ai sánh bằng, không chỉ có của mà còn có quyền. Hà Đông là nơi nhiều quý tộc ở, nhà to phủ rộng không thiếu, song phủ của Tri phủ Phạm Văn Cường thì nổi trội hơn cả. Lẽ thường, phủ của quan lục phẩm cấp địa phương thì không thể sánh độ uy nghi tráng lệ với những phủ trạch trong Nam Thành. Tuy nhiên, phủ này đặc biệt ở chỗ phần lớn đất đai được dành cho khu vườn bọc lấy căn nhà ở giữa. Khách vào thăm đi xuyên qua khu vườn mới vào căn nhà bên trong, mà ở giữa các gian nhà lại có một mảnh vườn bé khác nữa. Lối kiến trúc vườn to bọc vườn nhỏ độc đáo này là do họ Phạm rất yêu quý cây cối, xây phủ không cần nhà to nhưng nhất định phải có vườn rộng.
Do nắm giữ Mộc thuật, Phạm gia chăm sóc vườn cây rất tốt, ai lạc vào cũng ngỡ như bồng lai tiên cảnh. Mùa xuân, hàng đào bích đua nhau khoe sắc bên cạnh dãy hải đường. Mùa hè, hoa sấu rợp lối đi dẫn ra hồ sen đương bừng nở. Mùa thu, hoa sữa nồng nàn sánh vai bụi cúc e ấp dưới chân. Mùa đông, hoa cải trải thảm vàng lên góc vườn phía Tây. Không chỉ có hoa tươi bốn mùa, khu vườn bên ngoài còn có cây bàng cây đa cổ thụ to sừng sững, tỏa bóng mát cho những ngày oi. Hoa quả rau củ cũng chả cần đi mua, bởi cây hồng cây mận cây vải luôn sai quả, dãy rau cải rau húng rau lang cũng tươi tốt cả bốn mùa.
Trong khu vườn nhỏ bên trong ba gian nhà, ông Tri phủ cho xây một căn gác gọi là gác Vọng Đài, bước lên có thể nhìn thấy bốn phía khu vườn và thậm chí là xa xa bên ngoài phủ. Ngày Khanh còn bé, ông thường mang con gái lên gác, chỉ cho con xem từng loại cây, dạy cho con cách nuôi dưỡng từng bông hoa, ngọn cỏ. Mộc thuật của Khanh mạnh hơn những người khác trong họ, từ lúc cô ra đời thì khu vườn càng sinh trưởng mạnh mẽ hơn. Độ Khanh mười sáu, thuật của cô mạnh đến nỗi có thể từ lầu cao lan tỏa thuật lượng cho cả vườn cây. Cô tiểu thư từ bé đến lớn chả phải động tay vào việc gì, đoảng việc nhà nhưng lại khéo làm vườn, giúp cha chăm sóc cây cối ngày một tốt tươi.
Mấy cậu công tử Hà Đông thường hay theo cha mẹ hay đến chơi nhà ông Tri phủ, khi nhìn lên gác cao có giai nhân Ngọc Khanh đã thi nhau làm bao bài thơ khen tặng. Có cậu si tình còn gửi vải vóc lụa là cùng ngọc ngà trang sức đến, nhưng Khanh chỉ lắc đầu trả về tất cả. Từ lúc Khanh mười sáu, bao nhiêu người đến hỏi cưới cô cũng quyết chối từ, trong nhà lo lắng bao nhiêu cũng mặc. Ông Tri phủ biết con mình xinh đẹp nhưng kiêu kỳ có tiếng, thúc giục mãi cũng chả vào đâu.
– Con chưa muốn xa vườn nhà, xa thầy u.
Tôn trọng quyết định của con gái, ông Tri phủ cũng thôi giục. Song, đến năm Khanh hai mươi thì mẹ cô sốt sắng như có nước sôi tưới vào chân, đành đi sang tận Hà Tây tìm bà mối. Lúc này, Vũ bị cả Hà Tây cười nhạo vì chuyện tình ái lệch lạc cùng con trai của Vĩnh Lạc Hầu, cha anh vì thế mà chi tiền cho các bà mối để họ nói tốt lên với người ngoài trấn. Bà mối tung hô nhà họ Lê lên tận mây xanh, mẹ Khanh cho là đúng cả, về nhà bảo chồng khiến ông giục con gái chấp nhận hôn sự với Vũ.
Cha mẹ hai bên thúc ép, ngày dạm ngõ cũng được định rất nhanh.
– Con không lấy ông già họ Lê ấy đâu!
– Già cái gì mà già, người ta chỉ hơn cô có ba tuổi thôi đấy.
– Nhưng con không muốn lấy chồng rồi hầu hạ người ta đâu. Chồng của con sau này phải hầu con mới được.
– Không đến lượt cô hầu hạ. Bà mối bảo cậu Vũ giỏi nấu ăn lắm, mày đoảng mấy cũng chả sao. Mà không chỉ có nấu ăn đâu, cậu Vũ còn giỏi cầm kỳ thi họa, nức tiếng xứ Đoài cơ.
– Giỏi thế thì tự anh ta đi mà lấy chồng.
– Cái cô này sao cứ bướng, này mày đứng lại cho u bảo xem nào.
Lời Khanh nói đùa, hóa ra lại thành thật. Trước dạm ngõ mấy ngày, Vũ đến nhà tìm gặp cô, song chỉ để nói thẳng là mình đã trót yêu anh con giai của Vĩnh Lạc Hầu trên núi Tản rồi. Thời gian này, Vũ phát hiện ra chuyện của Sơn và Nhạc nên tránh mặt cả hai, nhưng anh không muốn vì thế mà làm khổ đời con gái nhà người ta. Nghe anh nói xong, Khanh thở phào rồi tiếp tục tưới hoa.
– Anh nói thế, tôi cũng mừng. Xin thú thực với anh, nhìn anh rồi nói chuyện một lúc, tôi cũng chả muốn theo về mà khổ.
Thương hoa tiếc ngọc nhưng ân tình chỉ được đáp trả bằng một câu nói không mấy tế nhị, Vũ nghiến răng hỏi lại.
– Xin hỏi, ý cô là sao?
– Anh trông cũng cao to tuấn tú đấy, nhưng ăn mặc kiểu gì vạt áo cứ mở ra thế kia. Anh vào nhà tôi uống hết ấm trà, kể chuyện hết hai nén hương, tôi chả chen vào được một câu. Chuyện tình lâm ly bi đát của anh với con giai ông Vĩnh Lạc Hầu, tôi nghĩ anh viết thành sách còn được chứ nói gì vài ba bài thơ.
Với câu nói này, Khanh chính thức mở ra thời kỳ đấu khẩu Đông – Tây ác liệt với Vũ. Thực ra, cô cũng không phải là có ác ý gì, chỉ là quen thói nói thẳng nên muốn tận dụng cơ hội này làm cả hai ghét bỏ nhau thêm, khiến hôn sự của họ càng trở thành không tưởng.
Kế hoạch của Khanh thành công, Vũ càng có thêm một cớ để chối bỏ hôn sự. Cha anh kêu gào thảm thiết, mắng chửi không thôi, bảo Khanh nó không lấy mày thì cả Bắc Kỳ chả ai thèm lấy nữa. Vũ mạnh miệng bảo cô ta chỉ đẹp chứ chả có duyên ăn nói, con thà đi theo anh Sơn.
Đến lúc hiềm khích của Vũ và Nhạc được giải tỏa, Lý biết phủ Vĩnh Lạc sẽ có thêm cậu Hai và cậu Ba, nhưng lại không ngờ rằng phủ sẽ có cả mợ Tư.
Chả là trong lúc chuyện của Vũ và Nhạc vào hồi căng thẳng, Sơn có nghe lời cha mà sang Hà Đông. Vĩnh Lạc Hầu biết anh con giai đã nắm Thủy trong tay, thu phục Hỏa và Phong chỉ là sớm muộn, thế nên gửi anh sang Trấn Đông dò la về Mộc.
Ngày xuân én liệng, Sơn đến thôn Đông thì lạc vào một vườn đào cõi tiên.
Anh cuộn Lý vào trong chăn nhìn màn mưa ngày đông, anh uống rượu với Vũ vào tiết trời oi ả của mùa hè, anh nghe Nhạc đánh đàn thổi sáo khi gió thu sang, và anh nhìn thấy Khanh tươi đẹp hơn mọi đóa hoa trên đời này khi xuân về.
Các cậu công tử Hà Đông ca ngợi Phạm Ngọc Khanh quả không ngoa. Bất kể gã đàn ông nào gặp cô ắt cũng cảm thấy tim mình đập nhanh hơn, bởi nàng tiên vận áo tứ thân đi giữa vạn bông tuyết hồng là nhã cảnh làm tan chảy đi mọi phiền não.
Nếu nói Vũ là đại diện cho vẻ đẹp nam tính của thôn Đoài, thì Khanh là vẻ yêu kiều nữ tính của thôn Đông. Hai tà áo trước buộc lại tôn lên chiếc eo thon, nhìn lên trên thì lại thấy yếm đào che đi đôi gò bồng đào căng tròn. Gương mặt nàng tiên thì hoàn mỹ hơn cả một bức họa, vừa rạng rỡ như hoa lại vừa tươi nguyên như lá, từng đường từng nét như có nghệ nhân nào bỏ ra trăm năm để tạc nên.
cỏ cây xanh ngát làm nền
đào tươi tô điểm trên miền tuyết da
ngọc ngà ai khắc mà ra
dáng xuân ai vẽ như hoa gọi mời
Từ khi nhận ra tình cảm với Vũ và Nhạc, Sơn cũng từng nghi ngờ sự rung động của mình với nữ giới. Nhưng anh vẫn thấy xốn xang với những đào liễu mình hạc xương mai đường cong đường khuyết, vẫn tận hưởng vẹn tròn những phút giây ân ái cùng Lý, và vẫn mơ tưởng được ôm Khanh vào lòng từ lần đầu gặp mặt.
Mỹ nhân bắt gặp ánh nhìn ngưỡng mộ của đàn ông đã nhiều, nhưng khi thấy gã đàn ông cao to hơn cả tên chồng hụt thì lại dừng bước. Ánh nhìn nóng ran của Sơn làm má cô ửng hồng, trong thoáng chốc làm rơi gàu nước trên tay. Đôi mắt của Sơn là điều mà cô thích nhất, cả sau này khi thành vợ chồng vẫn cứ nhìn mãi không thôi.
Trầm, nhưng nóng. Nóng, nhưng tĩnh. Tĩnh, nhưng động.
Qua đôi câu trò chuyện, Khanh biết được người này chính là tình nhân của anh chồng hụt, khiến sự hiếu kỳ ngày một tăng lên. Người đàn ông tuấn tú này sao có thể yêu gã nói nhiều kia được; có khi là hắn ta mải đi theo trêu ghẹo nên anh Sơn tử tế đáp lại vài câu mà thôi.
Đã thế, cô phải giúp anh thoát khỏi tên Vũ kia.
Nếu hôn sự của Lý và Sơn là do cha mẹ định trước, còn việc cưới Vũ và Nhạc là cả một quá trình gian khổ đấu tranh, thì việc rước Khanh về phủ Vĩnh Lạc chỉ xảy ra trong chớp mắt. Bị thầy u thúc giục, mà hôn sự với Vũ vừa mới tan tành, Khanh nói thẳng với cha rằng mình muốn được gả vào phủ Vĩnh Lạc Hầu chỉ sau hai lần gặp mặt Sơn.
Lần gặp thứ ba, Sơn mang đến cho cô một nhành đào phai.
– Khanh bảo các cụ muốn được gả vào phủ Vĩnh Lạc sao?
– Đúng, em thương anh.
– Chúng ta chỉ mới gặp nhau hai lần.
– Nhưng anh thương em từ lần đầu gặp mặt rồi phỏng?
Điều khiến Khanh thực sự thu hút là do cá tính mạnh mẽ của cô. Khanh không phải là cô tiểu thư ngượng ngùng tránh ánh mắt đàn ông, đối với những người ngưỡng mộ luôn thẳng thắn giao du không e ngại. Nhưng chỉ cần họ làm gì quá phận, cô con gái chưa muốn lấy chồng nhà ông Tri phủ sẽ đuổi đi ngay. Chỉ cần Khanh không muốn, cha cũng không thể ép cô; nhưng một khi Khanh đã muốn, cô phải có được anh con giai của Vĩnh Lạc Hầu.
– Vườn nhà em trồng nhiều đào lắm rồi, anh không cần tặng đào đâu.
– Đào bích thì nhiều, đào phai mới ít.
– Thế em chỉ được một nhành đào phai thôi à?
– Phủ Vĩnh Lạc to lắm, em thích cái gì sẽ có cái đó.
– Em không nấu ăn, hầu hạ cho anh đâu đấy.
– Nấu ăn đã cậu Hai.
– Là ông Vũ nhà họ Lê ở thôn Đoài phỏng?
– Đúng. Sau này em phải kính trọng các anh chị đấy.
– Tên nói nhiều đấy có gì tốt chứ?
– Vũ nấu ăn cho cả nhà, sẽ nấu cho cả em.
– Duyệt!
Một tháng sau khi cưới Vũ và Nhạc về, Sơn lại đánh xe sang Hà Đông rước dâu. Mấy cậu công tử thôn Đông bùi ngùi nhìn giai nhân lên xe hoa, có người còn lấy khăn lau nước mắt.
Lúc động phòng, Sơn vuốt tóc Khanh rồi nhìn vào mắt cô.
– Cưới nhanh như đi đánh giặc thế này...có thật là mình thương tôi không?
Nhìn vào mắt chồng rồi hôn lên mũi anh, Khanh cảm nhận ấm nóng vùi sâu vào da thịt bên dưới.
– Khờ quá, cưới rồi còn hỏi làm gì. Nhưng sau này, mình phải hứa với em một chuyện.
Hôn lên môi vợ, Sơn mân mê đôi đồi tuyết trắng.
– Chuyện gì anh cũng hứa.
Khanh chạm tay lên bờ ngực nóng của chồng, cảm nhận tim anh đập thật nhanh trong khi chính cô cũng thở dốc.
– Đừng có mợ Năm mợ Sáu nhé. Nghe chả thuận tai.
– Duyệt!
Thực ra chả cần Khanh đề nghị, Sơn vốn cũng không muốn cưới thêm vợ; bốn người đối với anh đã là quá đủ. Không chỉ vì tham vọng giành được Tứ Trấn của cha, mà còn vì lúc nhìn Khanh và Vũ cãi nhau trong khi Lý và Nhạc cười thầm, anh cảm thấy tim mình đã được lấp đầy không còn chỗ kín. Cảm giác sung sướng khi đi quanh từng gian phòng đều thấy có người mình thương, đối với Sơn không có gì thỏa mãn bằng.
Nhưng anh không ngờ rằng, tim mình lại có chỗ cho người thứ năm.
Một tay xoa bụng Khanh, Sơn thúc ngựa kéo xe bằng tay còn lại.
– Có chịu được không? Đường sang Trấn Đông của Trường Yên không đi thuyền được nên khá gập ghềnh.
– Không sao đâu. Nó cứng cỏi lắm, thầy em đừng lo.
Rướn người hôn lên má Sơn, cô bật cười.
– Mỗi khi thầy em lo trông lại buồn cười thế nào ấy.
– Ngồi sát vào ngã bây giờ.
– Đây đây, sát lắm rồi này.
Nghiêng người vùi mặt vào ngực anh, Khanh lại bâng quơ cất tiếng hát. Giọng cô không quá hay nhưng trong trẻo, hòa với tiếng chim chóc thì dịu dàng vui tai, khiến Sơn bất giác cong khóe môi.
Vũ ở trong xe định thò đầu ra bảo cô ngưng hát, ai ngờ Sơn cho xe ngựa dừng lại, còn Khanh cũng thôi cất giọng nữa.
Trước mặt họ, một con Cóc tía khổng lồ xuất hiện chắn ngang đường mòn.
Khanh liếc nhìn Sơn, rồi sau đấy cất tiếng.
– Xin hỏi có phải là thần giữ Trấn Đông không ạ?
– Chính là ta. Ta cảm nhận được linh khí của Mộc thuật nên đến đây.
– Chúng tôi đang muốn đi tìm đền của Trấn Đông, xin thần chỉ đường cho.
– Muốn ta chỉ đường thì phải giải được ba câu đố. Chỉ có cô là truyền nhân Mộc thuật được trả lời, những kẻ khác không được chen vào.
– Thế nhỡ tôi không giả nhời được một câu thì sao? Hai trên ba ắt là tính nhở?
– Không tính.
Liếc nhìn Sơn và Vũ, Khanh tự nhủ thử thách này quả không dành cho mình. Cô không đọc nhiều sách như hai người họ, bảo phải giải đố thì có phần khó khăn. Thế nhưng, đã đến đây thì không có đường lùi, Khanh nhờ Sơn đỡ mình xuống xe rồi đến đứng trước mặt Cóc tía.
Khanh đẹp bao nhiêu, Cóc lại xấu bấy nhiêu, mặt đối mặt trông quả buồn cười.
Cóc dẫn họ vào một khoảng đất cây cối um tùm, xong nhảy lên một cành cây.
– Câu đố thứ nhất, ai là người tưới cây cho khu rừng này?
Sơn nhìn mợ Tư im lặng một lúc, đoạn quay đầu ra sau thì thấy Lý và Vũ nắm tay nhau trong lo lắng.
Mãi một lúc sau, Khanh mới cất tiếng.
– Chính là ông Cóc. Cóc là cậu ông giời, ông bảo thì giời mưa xuống nuôi cây.
Thấy Cóc gật đầu, Khanh nhìn ra phía sau vênh mặt với chồng. Lý và Vũ thở phào, còn Nhạc thì vẫn nhíu mày chờ hai câu đố tiếp theo.
Cóc nhảy lên một cành cây khác, xong lại hỏi.
– Câu đố thứ hai, khu rừng này không có con vật gì?
Khanh chống tay ngang hông, đoạn nhìn dáo dác xung quanh.
Sơn nhìn vợ mà sự lo lắng bắt đầu trở lại, trong khi Lý quay đầu hỏi Vũ và Nhạc.
– Địa hình vùng này chắc là không có những con vật trong Nam?
– Nhưng thế thì có nhiều loài, mà câu này thần hỏi chỉ có một mà thôi.
– Hay là con vật quý hiếm? Em nghĩ là sao la hay báo gấm.
– Các chú có tin mợ Tư không?
– Em tin Khanh.
– Em không tin, nó cứ cãi em nhem nhẻm thì làm sao mà sáng dạ được.
Bỏ ngoài tai lời xì xầm sau lưng, Khanh nhìn trời nhìn đất một lúc thì bỗng thốt lên.
– Con hổ!
Vũ phẩy quạt che miệng nói với Lý.
– Thôi chết rồi, hổ thì rừng nào chả có. Đấy chị xem, sao nó cứ dở hơi như thế...
– Chú bình tĩnh nghe mợ ấy giải thích xem nào.
Người nhà càng lo, Khanh càng tự tin với đáp án, giơ tay chỉ thẳng vào Cóc thần.
– Gan như cóc tía, dùng mưu thắng hổ nên hổ nhìn thấy ông phải trốn biệt đi.
Nhảy lên một cành cây cao hơn, Cóc nói vọng xuống.
– Giỏi lắm. Bây giờ là câu đố thứ ba.
Nghe Cóc phán, Vũ hốt hoảng quay sang nhìn Lý và Nhạc.
– Ối giời, thế mà lại đúng chị em ạ.
– Đấy, chú cứ xem thường mợ Tư.
– Em tin Khanh.
– Anh biết rồi, Nhạc.
Bên kia huyên náo, bên này Sơn lại chả nói gì, chỉ mỉm cười nhìn cô vợ nhỏ tuổi nhất đang ngẩng đầu ngó Cóc tía trên cây.
– Câu đố cuối cùng, núi ta ngồi được tạo nên từ đâu?
Trái với hai câu đố lần trước, trong khi người nhà mình còn chưa kịp suy nghĩ, Khanh đã reo vang.
– Cây!
Dứt lời, Khanh chắp tay rồi mở Mộc Nhãn. Ánh xanh từ đôi mắt giai nhân lan tỏa khắp tứ bề, ba thân cây mà Cóc thần nhảy lên từ lúc nãy bỗng uốn mình chụm lại. Cây cối xung quanh chuyển động theo, chẳng mấy chốc đã tạo thành một tòa núi sừng sững.
Từ trên đỉnh núi, giọng nói ồm ồm của Cóc thần vang lên.
– Mắt đã mở, tự ngươi nhìn thấy Mộc.
Khanh tiến gần lại hòn núi mà cây cối vừa tạo thành, bỗng thấy một lối vào rất nhỏ chỉ đủ một người đi.
Cô tiến vào bên trong thì thấy một gian thờ, hai bên là hai cóc đứng chầu. Khanh thắp hương rồi quay ra; lúc năm người Nguyễn gia đến chỗ xe ngựa thì cây cối đã trở lại bình thường, che đi lối vào đền Trấn Đông ban nãy.
Ngồi trên xe, Vũ đưa thức ăn cho cả nhà, đến lượt Khanh thì trầm trồ.
– Không ngờ cô trông thế này mà biết nhiều phết, anh nể đấy.
– Chuyện. Cậu Hai nể thì sau này em nói gì anh cũng phải nghe, biết chưa?
Quay sang phía Sơn, Khanh nghiêng đầu.
– Mà ban nãy, thầy em im lặng quá. Mình có tin em không đấy?
Xoa đầu vợ, Sơn lại đưa tay xuống sờ nhẹ vành tai cô.
– Lúc nào tôi cũng tin tưởng em.
Được chồng khen, Khanh lại cười thích chí.
Người đẹp luôn đẹp nhất khi cười, dẫu có hở cả răng thì vẫn như bông hoa ngày Tết.
Mà cũng chả cần Tết, bởi bông hoa trong lòng Sơn vốn tươi thắm cả bốn mùa.
Hoa nở ngày đêm, hương thơm tươi mát, thanh khiết nhẹ nhàng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro