Sáu.
Lê Hiên nắn nót xong chữ cuối cùng thì thổi nhẹ lên giấy cho mực mau khô, xong gấp lại làm bốn cho khuôn giấy nhỏ như lòng bàn tay rồi nhét vào một túi giấy nâu thẫm. Bước ra khỏi nhà, nó thấy ngay tên Gụ đang quét nước nơi cổng vào. Đêm qua mưa, sớm ra liền thấy mấy vũng nước đọng nắng chiếu vào sáng lóa, cũng đã nghe tiếng chổi sàn sạt của mấy người hầu ngoài sân.
Nghe tiếng guốc mộc, biết có người, tên Gụ dừng chổi.
– Gì vậy cậu?
– Chắc ông cũng biết bốn bữa nữa sẽ có cuộc thi đàn trong cung. Tôi khi vào đây quên đem theo nhạc cụ, giờ viết thư nhờ ông gửi cha tôi là ông Lê Minh bên bộ Lễ để ông ấy khi vào cung lại sẽ mang theo cây nhị líu tôi để ở nhà. Ông cũng biết tôi không được tự tiện rời khỏi hậu cung.
Kẹp dưới bao thư là một tờ tiền, Lê Hiên vào cung non một tuần cũng dần quen với mấy chuyện đưa tiền nhờ vả người hầu.
– Có tí quà cho ông bồi dưỡng. Ông cố gắng giúp cho.
– Cậu cứ an tâm. Thư này sẽ đến tay cha cậu trong ngày mai.
Cười nhẹ cảm ơn tên Gụ, Lê Hiên quay trở lại trong nhà, mang mấy bộ áo dài mặc mấy bữa nay ra giặt. Sân giặt ở gần nhà tắm, buổi sáng sớm nên vắng tanh.
Thanh nam lúc nào cũng phải mặc áo dài, vậy nên làm việc nhà có chút khó khăn. Lê Hiên buộc hai vạt áo ra sau lưng, xắn hai ống quần cùng hai tay áo lên cao, ngồi xổm giặt đồ. Được một chốc thì Thụy Kha cùng bốn người nữa cũng ôm mấy chậu gỗ bước ra giặt chung. Sáu cậu trai giặt đồ với nhau cùng rôm rả bàn chuyện.
– Bốn hôm nữa có thi đàn rồi. Tôi mong quá – một người lên tiếng.
– Thế anh định dùng đàn gì?
– Đàn tranh. Nghe nói bà hoàng thích nghe đàn tranh.
– Sao không chọn loại nào mà ông hoàng thích? Bộ anh muốn lấy lòng bà hoàng hơn cả ông hoàng sao?
– Ông hoàng khó tính có tiếng thì biết đường nào mà lấy lòng. Làm bà hoàng vui lòng ít ra còn dễ sống trong cung.
– Nói cũng phải. Thế anh Kha định dùng đàn gì?
Thụy Kha nãy giờ vẫn im lặng cúi mặt giặt đồ, nghe hỏi mới ngẩng lên nói.
– Tôi ngày xưa chỉ học qua đàn bầu, nhưng vào cung cũng không mang theo.
– Ấy, thế không được đâu. Hay anh thưa với mấy người lớn rồi qua bộ Lễ mượn tạm một cây đi. Không nên làm mích lòng ông hoàng bà hoàng.
– Người ta đẹp thế, lại được bà hoàng tiến cử, cần gì diễn trò như chúng ta. Chẳng mấy mà được leo lên giường ông hoàng nằm.
Lời nói ra là cậu Tâm hôm trước, nãy giờ cũng im lặng, chỉ thừa dịp này mà nói chen vào. Thụy Kha còn đang vướng chuyện buồn bực, nghe xong thì đập bàn tay vào mặt nước, nước bắn ra tung tóe, lại trừng mắt nhìn người kia. Lê Hiên biết tinh thần Thụy Kha mấy ngày nay không được tốt, liền cầm tay người anh này can lại.
– Thôi, một câu nhịn chín câu lành các anh ạ. Ta giặt đồ cho mau còn đem phơi đặng kịp nắng trưa.
Mấy người còn lại cũng không có ý gây, liền lảng sang mấy chuyện trên trời dưới đất khác. Áo dài chủ yếu là vải nhung, gấm, lụa tơ tằm, không cần ngồi vò lại nhàu nát vải, thế nên mấy chốc cũng đã xong. Đợi mấy người kia đi khỏi, liếc mắt thấy Thụy Kha đang vớt một chiếc áo lụa ra khỏi chậu giặt, Lê Hiên cản lại.
– Anh đợi chút. Nhà em có tí giấm trắng. Anh tráng qua nước pha ít giấm rồi xả lần nữa nước lạnh, áo lụa sẽ bền hơn.
Thụy Kha nghe câu này mới cười lần đầu tiên trong ngày.
– Em đảm thế.
– Lại chẳng. Mẹ em ở nhà luôn dạy cách bảo quản áo dài rất kỹ. Anh phải thấy bà vuốt áo mới biết bà quý áo dài đến dường nào.
Thụy Kha nghe xong, nhìn lại áo dài trong chậu giặt, bỗng thấy đắng ngọt ký ức ngày xưa. Cha thấy nó vò áo lụa liền đánh vào tay, bảo sẽ nhàu, lại dạy cách giặt áo, phơi áo, vuốt áo. Cha chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền, luôn phải tự mình giặt phơi đồ, vậy mà lại chăm chút từng chiếc áo dài, ra phố hay tiếp khách lúc nào cũng thấy sạch sẽ, phẳng phiu. Tháng giêng đông rét ăn vào tay, cha cũng ngồi giặt áo vì mai lại phải tiếp khách, miệng bảo "người Hà Bắc trọng nét thanh lịch, rất quý áo dài, có đi xa cũng sẽ thấy cái hồn của tà áo dài Hà Bắc". Mẹ Lê Hiên gốc Hà Bắc, thảo nào cũng nâng niu, trân quý áo dài.
Lê Hiên trở lại cùng một lọ giấm và một cái khăn to, bảo đặt áo vào trong khăn để áo bớt ướt, tránh vắt lại nhàu. Thụy Kha nghe lời làm theo, xong hai người cùng nhau đem đồ đi phơi. Áo lụa không thể phơi nắng to nên cả hai chọn bóng cây điệp râm mát, thoáng gió. Lê Hiên nhiều áo gấm, vốn không quá quan trọng chuyện nắng nhiều ít, nhưng vẫn phơi cạnh bên Thụy Kha để tiện trò chuyện. Thụy Kha biết đứa em này hay bám theo mình cũng không thấy phiền, ngược lại thấy vui vì có người đồng bạn.
– Anh Kha, ban nãy em quên. Chuyện tìm đàn, ở nhà em còn một cây đàn bầu, em viết thư bảo cha mang vào cho anh nhé.
– Thôi, em để tôi qua bên bộ Lễ mà xin. Tôi thưa với bà hoàng là được.
– Em sợ anh lại phải đút tiền cho người bên bộ Lễ.
– Em quên tôi do bà hoàng tiến cử à? Bà hoàng lại chẳng lo cho tôi đến nơi đến chốn mà quyến rũ ông hoàng.
Nghe thấy giọng Thụy Kha có phần đắng, Lê Hiên chợt mủi lòng. Có người bề trên tiến cử tưởng là chuyện tốt, không ngờ lại trở thành chủ đề cho bao người bàn tán ra vào.
– Anh Kha, em không biết chuyện bà hoàng tiến cử lại gây cho anh nhiều áp lực như vậy.
– Thế em ghét bỏ hay thương hại tôi?
Thụy Kha vốn định đùa một câu, chứ nó nhìn ra Lê Hiên lành tính, làm thân với mình là mong có chút bảo bọc, nói gì đến ghét bỏ hay thương hại.
– Em thương, nhưng không phải thương hại.
Thụy Kha mắc xong chiếc áo cuối cùng, nhìn Lê Hiên nét mặt thấp thoáng sau vuông lụa trắng, cảm giác yên bình lại ùa về trong tâm can.
– Em đã nghe, đã biết mấy chuyện trong cung. Người này ghét bỏ người kia, người nọ lấy lòng người này, luẩn quẩn một vòng vẫn là có ít thật tâm. Cha bảo em vào cung nên cố gắng, em cũng hiểu cố gắng nghĩa là thế nào.
Lê Hiên tay rời khỏi thanh tre, bước lại ngồi ghế đá ngay gốc cây điệp. Thụy Kha cũng ngồi xuống theo, chống tay nhìn trời mà nghe.
– Cái miệng em không đến nỗi nào, nhưng so ra vẫn phải cố gắng nhiều mới bằng những người ở đây. Em cần người bầu bạn, bảo bọc, chỉ dạy. Anh cho em những gì em muốn, nên em thương anh.
Thụy Kha không ngờ đứa trẻ này có thể nói thẳng như vậy, nghe qua có chút bất ngờ, nhưng ngẫm lại thấy có lý. Tình thương trong đời chẳng qua là vì có thể cho nhau những gì nhau muốn, này không phải thực dụng vì chưa hẳn nói tới vật chất; có nhiều thứ về mặt tinh thần, con người ta muốn hoài, tìm hoài còn không thấy.
– Chuyện bà hoàng tiến cử anh, quả thật em không nghĩ đến nhiều, cũng chẳng có thêm cảm xúc gì. Em thương anh thì vẫn là thương anh, vì em nghĩ tính anh không cần ai tội nghiệp cho. Em cũng chẳng muốn nịnh anh, vì em tin anh sẽ nhìn ra. Em chỉ đơn thuần... muốn có người bạn cạnh bên – giọng nói càng về sau càng nhỏ lại, hòa lẫn vào gió thu.
– Tôi giờ mới nhìn ra, em cũng là người cô đơn.
Thụy Kha choàng tay qua vai Lê Hiên, ép đầu nó ngả vào vai mình. Đúng, nó cô đơn chứ. Dẫu sinh nơi cửa quan thì buồn tủi cô đơn ai mà không có, chẳng ít thì nhiều.
Nhà quan cách với nhà dân một bậc giai cấp, người ta nhìn lên chỉ thấy quan trên ăn chặn tiền của nhân dân mà ghét, đâu biết nhà quan bậc thấp như nhà họ Lê cũng chỉ đủ ăn đủ mặc, quan trên nhìn xuống cũng khinh. Dưới ghét lên, trên ghét xuống, mắc kẹt ở giữa là thế gọng kiềm. Cha bị người trong cung khinh bạc, uống rượu say về nhà không có người hầu lại giận cá chém thớt khiến mẹ chịu cực. Mẹ sai con đi ra chợ mua vội bó rau cần giải rượu lại bị người bán lấy tiền gấp hai lần bình thường vì thói đời nghĩ nhà quan nhiều của ăn của để. Đứa nhỏ khờ không biết trả giá, mua có mớ rau cần mà hết tiền mẹ cho, chỉ thấy mẹ xoa đầu kêu ngốc mà nước mắt rơi xuống cối giã rau. Cái vỏ quý tộc, cái vỏ nhà quan, giã ra thành nỗi đau âm ỉ thấm dần qua năm tháng.
Là dạ nhân lại trầm tính, ít nói, từ nhỏ đi học đã chẳng có ai làm bạn. Nói xã giao bâng quơ mấy câu ở trường với nhau chỉ là cho có lệ, còn những lúc nghỉ trưa đều phải thui thủi đi loanh quanh một mình. Bãi sân đất cát cũng đủ cho bọn trẻ con tụm năm tụm bảy, chỉ có Lê Hiên tiu nghỉu đứng dưới gốc cây, nhảy lên bẻ một cảnh cây khô vẽ ngoằn ngoẻo dưới đất. Thầy ra gọi lũ trẻ vào lại trong nhà, nhìn thấy hình hai người nắm tay nhau vẽ dưới đất, chỉ biết lắc đầu bỏ đi.
Nỗi lòng ấy không phải ai cũng hiểu. Nó chẳng như việc mất người thân hay chịu cảnh quần rách áo tươm mà người thường nhìn qua còn nhỏ giùm một giọt nước mắt. Bao nỗi buồn nho nhỏ như thế chìm xuống ao sen, ở nguyên dưới đáy thành lớp cặn trong lòng, vừa đủ để mỗi lần nhìn đàn chim bay trên trời lại bổi hổi bồi hồi. Luẩn quẩn từ nhà đến trường, từ trường về nhà, vô định hết mười sáu năm. Vào cung xem như là đổi khác đi, vui hay buồn chưa biết, nhưng đáng gọi là một lần cựa mình thoát khỏi bế tắc vô hình không ai hiểu cho. Bờ vai người anh này cho mình dựa là gánh giùm nhau bế tắc của nhau. Hạnh phúc chính là chia sẻ, yêu thương không chưa đủ.
– Hiên này, cha tôi cũng là dạ nhân, ngày xưa có nói với tôi thế này. "Dạ" nghĩa là tối; người đời xem thiểu số chúng ta là một mảng tối của xã hội vì chúng ta ở giữa hai cực đàn ông và đàn bà, thân con trai lại có thể sinh con. Người đời nhiều lòng vị tha, chỉ ít sự cảm thông với những thứ mắc kẹt ở giữa như chúng ta vậy. Họ thích những thứ tuyệt đối. Người thích đêm đen, người thích ngày trắng, không ai thích xám trời báo bão – Thụy Kha vừa nói vừa vuốt tóc Lê Hiên.
– Em nghĩ cuộc đời là chuỗi màu sắc như cầu vồng. Em thấy cầu vồng có ngàn vạn sắc màu. Ít ai để ý những màu ở các miền ranh giới, nhưng phải có những màu sắc ấy mới ra cầu vồng đẹp như chúng ta thấy được.
– Quan sát giỏi. Nhưng thật ra cầu vồng không hẳn là đẹp. Một dải màu như vậy chỉ là hiếm khi xuất hiện nên được yêu thích vậy thôi.
– Em thấy nó đẹp. Sau mưa là mọi vật được gột rửa, tâm sạch sẽ nhìn thấy nhiều điều hay và đẹp.
Tâm sạch? Thế nào là sạch? Thụy Kha chỉ nghĩ vậy trong đầu, không biết cũng không muốn biết đáp án, ngẩng đầu nhìn lên trời xanh trong buổi trưa. Nắng gắt bị tán cây chặn lại, rót lên da mặt rất vừa phải.
Miệng nói tâm sạch lại không biết thế nào là sạch, Lê Hiên chống cằm lên vai Thụy Kha nhìn ra mấy chiếc áo dài phơi trước mặt. Gió thổi nhẹ, mấy góc áo bay lên rồi lại về vị trí cũ, mắt dõi theo từng chuyển động nhỏ như vậy cũng thấy thích.
Văn Duy đứng sau gốc cây, thấy lòng mình đã lâu không dịu lại như thế, nhưng rồi cũng ngoảnh mặt quay đi. Tâm sạch là sạch thế nào cho được. Sống trên đời không thể như hoa sen, vậy nên gần bùn rốt cuộc cũng phải hôi tanh mùi bùn. Càng quẫy càng lún sâu.
Tên cung Bạch Liên vậy mà không có nổi một hoa sen màu trắng, còn lòng người như tờ giấy trắng cũng chỉ để gió cuốn đi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro