Hai mươi chín.
Ít có vùng đất nào đi vào thơ, vào nhạc nhiều như Hà Bắc. Từ phong cảnh, con người đến tà áo dài truyền thống, tất cả đều toát lên vẻ đẹp đẽ, cao sang, thanh thoát mà bao người tứ xứ mơ tưởng về. Nhiều người đổ về kinh đô Nam Thành sầm uất để làm ăn nhưng vẫn truyền miệng với nhau rằng vùng đất thi ca mãi thuộc về xứ Bắc. Hồn ai đã lạc vào một vườn đào ngày xuân, ngắm nhìn ngàn vạn bông hoa như những đốm tuyết hồng, lại thấy thấp thoáng bóng các cô các cậu đất Bắc du xuân trong áo dài guốc mộc, thì sẽ mãi mãi mộng tưởng về chốn tiên cảnh ấy trong những giấc mơ dài cuối năm.
Bà hoàng Dương Quỳnh buông lời nhớ thương vườn đào có nửa là cố tình, nửa là vô thức. Sinh ra và lớn lên trong Nam Thành, khó ai cưỡng được cảnh đẹp được vẽ ra chỉ từ lời kể, đặc biệt khi người kể lại là ông chồng hoàng đế bị ám ảnh bởi vùng đất này. Ông hoàng Nguyễn Trung Chính dày công sưu tầm thi ca và những bức họa về Hà Bắc, đấy là chưa kể bức tranh tự tay ngài vẽ người con trai áo nâu ở ao sen ngày hè treo trong cung Hoàng Long. Đất Bắc nồng nàn quyến rũ ngày hè bao nhiêu thì cũng lãng mạn phiêu diêu ngày xuân bấy nhiêu, thế là níu lòng khách phương xa cả hết bốn mùa.
Mà ông hoàng thực đã ở đây vào cả bốn mùa. Bà cựu hoàng, người vợ đầu tiên của ngài, có gốc Bắc, được gả về lúc Trung Chính còn là cậu hoàng nam có nhiều thời gian ra miền ngoài thăm thú. Có năm, hoàng nam Chính ở mãi vùng này, trải nghiệm không chỉ những điều hay đẹp mà còn cả tháng bảy oi nồng chảy nước tường nhà và rét tháng giêng cắt vào da thịt. Lúc lên ngôi vua, Trung Chính không còn nhiều thời gian ở lại vùng đất này nữa, đành ngậm ngùi gửi ra nhớ thương từ miền trong chỉ hai mùa mưa nắng. Vậy mà, trời không chiều lòng người, lại ban cho vị vua đa tình thêm một lý do để ngóng vọng về Hà Bắc xa xôi – Phan Nguyên.
Trung Chính rất yêu người vợ đầu tiên của mình; xinh đẹp, thùy mị, nết na, lại thông minh thấu hiểu, những người đàn bà cao quý nhất là để dành cho hoàng tộc mà thôi. Vợ mất, ông vua này cũng đau buồn một quãng thời gian không ngắn, trải qua vài mối tình chóng vánh với một số phi tần khác, rồi lâu dài mấy năm về sau là Bùi Việt, thì cũng khó mà so sánh được với cuộc tình đầu tiên. Vậy nhưng, tất cả những yêu thương lúc trước đều phải nhạt nhòa trước người con trai đất Bắc kia, như làn gió mát khuấy động tâm tư tưởng đã tĩnh lặng rồi.
Tươi ngon như quả ngọt đầu tiên trong đời, ứa mật khao khát chảy xuống lòng sâu.
Thụy Kha có thể là nam phi đẹp nhất trong hậu cung hiện tại, nhưng nét tươi khỏe của cậu phi này vẫn còn kém người chú năm xưa, nhất là khi ở cùng độ tuổi mười chín. Cậu trai Phan Nguyên là dân lao động, đảm đương hết việc nhà từ ngoài vào trong, tay chân thon gọn nhưng vẫn căng đầy, vai ngực đều nở nang, trông khỏe mạnh mà vẫn thu hút từ thiếu nữ trong làng đến ông giáo nhà bên. Con trai mười chín, vào lúc căng mọng tươi nguyên, trở thành quả ngon thơm lừng bao thôn xóm, khiến ong bướm lũ lượt đến nhà mời gọi, mà trái tim người trai đẹp thì vẫn để không.
Trung Chính yêu Phan Nguyên ngay lần đầu gặp mặt, yêu nhanh mà lại sâu, đến nỗi về sau, ông hoàng đôi khi lại thuận miệng nói rằng hai năm yêu người nọ ngoài Hà Bắc là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời mình. Nói vậy tức là không tính hai năm cuối đời ở trong cung của người nam phi xấu số, bởi phía sau hạnh phúc luôn là nỗi buồn, và những mâu thuẫn, hoài nghi, dày vò trong thời gian này làm ông hoàng day dứt mãi.
Day dứt nên mới về thăm Hà Bắc. Để tưởng nhớ, để tiếc nuối, để mong chờ một điều chính mình còn không rõ, dẫu biết rằng gió hôm nay đã khác gió ngày xưa thì vẫn mở sẵn cửa lòng để đón nhận niềm đau.
Trung Chính đứng trước ao sen ngày nọ rất lâu, dù giữa hè nắng cháy hay đầu năm rét cóng như bây giờ, nỗi buồn trong lòng lúc nào cũng mênh mang như mây trôi đi vô định. Buồn trải khắp mặt nước đã không còn một bông sen nào, gió lạnh lùa về cũng không xua đi được hoài cảm nhớ thương, để trong tâm trí chỉ còn ánh nắng từ nụ cười năm xưa làm bản thân mỉm cười theo lúc nào không biết.
Lê Hiên nắm lấy bàn tay to mà lạnh ngắt bằng cả hai tay mình, xoa lên lòng và mu bàn tay người kia để mong truyền được chút hơi ấm, miệng lại thủ thỉ mấy lời.
– Ao sen còn trong tâm trí, lúc nào cũng thoang thoảng hương thơm, nhớ thương quả không cần đợi mùa mới đến.
Ừ một tiếng rồi gật đầu, Trung Chính quay đầu sang nhìn cậu nhỏ, thấy người bên cạnh chỉ mặc một chiếc áo mỏng bên ngoài áo dài thì cởi áo choàng của mình ra mà khoác thêm cho.
– Tạ ơn ông hoàng.
Nói rồi, cậu nhỏ dựa đầu vào vai người đàn ông lớn tuổi hơn, cùng nhìn ra ao sen trước mặt.
– Em không cản ta sao? Ta thiếu áo cũng lạnh chứ.
– Lạnh trong lòng thì có ở giữa mùa hè cũng thế thôi. – Lê Hiên mỉm cười. – Đàn ông cởi áo khoác cho người thương là để sưởi ấm lòng mình, ngăn cản tức là không xứng đáng với lòng thành ấy.
Bật cười thành tiếng, Trung Chính kéo Lê Hiên ra đứng trước mặt mình rồi ôm lấy từ đằng sau, khom người đặt cằm lên vai cậu nhỏ.
– Hiên ăn nói ngày càng dẻo miệng, nhưng được cái đúng.
Ngả đầu dựa vào lồng ngực rắn chắc phía sau, cậu thanh nam cảm nhận rõ hơi thở người đàn ông ấm nóng bên tai mình, khoé miệng nhếch lên trong một giây rồi chuyển thành cười mỉm.
– Em có cao lên phỏng? Khom người một tí là ôm được rồi.
– Em chỉ vừa sang mười bảy, dĩ nhiên là còn có thể cao lên. Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính.
– Vậy chứ là gì?
– Ngày trước ủ dột nhìn về phía sau, bây giờ bình thản nhìn về phía trước.
Siết chặt vòng tay ôm cậu trai, Trung Chính thì thầm.
– Vậy nhìn thấy điều gì?
– Ao sen trước mặt. Những cành cây khô phía xa. Chim bay trên trời. Vòng tay ôm mình.
– Chỉ thế thôi sao?
Nghe thấy người phía sau hạ giọng như thất vọng điều gì, Lê Hiên ôm lấy cánh tay vòng quanh cổ mình rồi nói.
– Mắt người lúc nào chẳng nhìn về phía trước, nhưng phía trước không phải là tương lai xa xôi khó đoán, cũng chẳng phải quá khứ với những ký ức đau buồn. Phía trước là hiện tại, là khoảnh khắc chân thực bây giờ, nếu không nắm bắt cả những điều này thì rốt cuộc cũng chỉ có tay trơn ôm nhiều nuối tiếc.
Khịt mũi rồi thở ra hơi khói vào không khí, Trung Chính cất tiếng.
– Nhưng ông trời không muốn mọi chuyện đơn giản vậy, còn khiến con người có thể quay đầu về phía sau. Cuộc đời lại đầy rẫy chông gai, lạnh lẽo từ sau lưng gợi lên cảm giác không an toàn, người ta càng dễ quay đầu nhìn lại.
Bắt chước người phía sau thở ra một làn khói, Lê Hiên lên tiếng trả lời, không chỉ nói với người đằng sau ôm mình mà còn với cậu nhỏ hôm qua đang giương đôi mắt xám lạnh nhìn mình nghi hoặc. Quá khứ không dễ buông tay, thế nên đôi khi lại nhìn ra ảo ảnh.
– Hồi tưởng là chuyện tự nhiên, cũng không phải điều xấu xa gì. Chỉ là, bám lấy quá khứ sẽ khó mà hạnh phúc. Cứ sống, cứ bình thản đón nhận, quá khứ ùa về thì nhìn ngắm, nhưng đừng mãi với tay ra trông ngóng, vì cuối cùng cũng có nắm bắt được gì đâu.
Nhắm mắt lại, ông hoàng Nguyễn Trung Chính lắng nghe tiếng nói trầm khàn, dịu nhẹ bên tai mà mỉm cười.
– Mắt ta đang nhìn về phía trước, tay ta đang ôm lấy em đấy thôi.
Thấy người đàn ông cao to, dũng mãnh trên ngai vàng thường ngày nay an bình nhắm mắt lại, Lê Hiên cong nhẹ vành môi, hơi nghiêng đầu ra sau để gò má mình chạm vào mặt người kia. Đôi gương mặt lạnh vì hứng gió, khi gần nhau ấm áp hơn rất nhiều, Trung Chính liền tìm lấy khuôn miệng đẹp đẽ kia mà hôn lấy.
Nụ hôn đầu tiên, giây thứ nhất có lạnh vì gió xuân, giây thứ hai lại ấm như lò sưởi, giây thứ ba đã nóng lửa đốt trong lòng.
Hôn thật sâu, thật lâu, đến khi dứt ra thì gò má người em trai đã phớt hồng, đáng yêu muôn phần khiến ông chồng còn quyến luyến, cọ mũi vào nhau thì nghe được tiếng cười khàn rất hút tai. Hai người quay lại đối mặt nhau, Trung Chính quay lưng về hướng gió, ôm Lê Hiên bọc kín vào lòng.
– Bây giờ ta mới nhận ra, Việt chu đáo tỉ mỉ, Khang hiền lành nghe lời, Kha đẹp người đẹp nết, nhưng chỉ có Hiên là nhìn được vào lòng ta.
Câu nói này từ miệng một ông vua thốt ra không phải dễ. Vốn ngai vàng là rào cản tách biệt với mọi người xung quanh, quan dân nhìn lên chỉ ngóng trông một cái đầu thật lạnh và biết suy nghĩ cho đất nước, phi tần nhìn vào thì lại có phần kính sợ nhún nhường mà không dám thật tâm, vài kẻ bạo gan thì giương mắt thách thức như muốn bắt đầu trò mèo vờn chuột mà Trung Chính vốn chẳng tha thiết. Chỉ có một số ít người chịu nhìn thẳng vào đôi mắt nóng rẫy, như Bùi Việt, Trịnh Khang, rồi cả Thụy Kha đã trao ít nhiều tim mình cho bậc quân vương, lại khó lòng không nghĩ tới ngôi thứ mà nghiêng dần về cách yêu thương kiểu hầu cận, qua ngày tháng thì xóa mờ sự tự nhiên của tình cảm đôi lứa bình thường.
Lê Hiên muốn trở thành nam phi ngồi ván cao, nhưng càng muốn hơn là trở thành một người yêu có được sự tin tưởng và thân thiết lâu dài, khiến ông vua kia phải nhớ về mình nhiều như nhớ về Phan Nguyên, nhưng vẫn tách biệt được hai hình ảnh, hai con người, hai cách yêu thương không hề trùng khớp. Vị nam phi họ Phan kia không thể cùng Trung Chính bàn luận thơ ca, nhạc họa nhiều được, cũng không thể cùng chồng viết thiệp mừng xuân cho sứ giả các nước hay theo đón của một ông tướng người Tây.
Lê Hiên ngày xưa rút mình vào vỏ tròn, cứ lăn lông lốc trên đường đời chẳng biết đi về đâu. Lê Hiên hôm nay đã có thêm rất nhiều sự tự tin, lại nhờ trí tuệ, bản lĩnh, và tài ăn nói mà trở thành phi tần duy nhất trong thời điềm hiện tại có thể san sẻ công vụ cùng Trung Chính. Ông hoàng ra Bắc thăm cảnh nhớ người là một phần, phần khác cũng vì có công việc phải bàn với các quan và sứ giả trụ ở ngoài này. Ban ngày, ngài dắt theo hai người vợ du xuân dạo mát, gặp gỡ nhiều người, ban đêm lại gọi riêng cậu trai vào phòng mình đọc sách, viết văn thơ, bàn luận chuyện đời, giống như hình vừa tìm được bóng nên muốn quấn quýt không thôi.
Tâm sự là cách gắn kết hai tâm hồn nhanh nhất, bởi chỉ cần mấy đêm như thế thôi, hai ánh mắt đã không hẹn mà quay sang nhìn nhau cùng một lúc. Trung Chính kể về Hà Bắc, về Phan Nguyên, về những cuộc tình trong đời mình, nhưng quan trọng hơn là công vụ bộn bề đang ngày càng chất núi, từ chiến sự biên giới phía Tây Bắc đến đê điều phía Nam. Cậu trai có thể hiểu được mà đối đáp chân tình, còn khéo mở ra những hướng giải quyết rất ổn thỏa khiến người đối diện vô cùng ngạc nhiên. Trung Chính là một ông vua có đầu óc, nhưng việc nhiều thì khó mà chu toàn, quan lại thì đa số chỉ muốn đấu đá nhau giành lợi bản thân, nhiều khi rất cần một người ngoài nhìn vào để đề xuất một cách giải quyết mới. Người trong hậu cung không thể can vào việc nước, nhưng Trung Chính đã căn dặn cậu nhỏ khi chỉ có hai người với nhau thì không cần ngại đưa ra ý kiến, bà hoàng Dương Quỳnh dĩ nhiên là không biết để bắt bẻ hay chen ngang.
Công vụ là một mối liên kết đã đành, nhưng sợi dây nối bền chặt hơn chính là những lời chia sẻ đầy cảm thông, thấu hiểu của Lê Hiên với những ngổn ngang trong trái tim Trung Chính. Bùi Việt và Dương Quỳnh còn nhiều lấn cấn trong lòng với Phan Nguyên, dĩ nhiên chỉ có thể giả cười ngó lơ khi nghe chồng mình nhắc đến người cũ; còn lớp phi tần về sau như Trịnh Khang, Trịnh Đức thì có phần e sợ, kính nể người nam phi quá cố, vâng dạ gật đầu ngoan ngoãn rồi thôi. Riêng Thụy Kha là cháu Phan Nguyên, tuy yêu kính chú mình nhưng nhiều khi vẫn nghi ngại bản thân chỉ hưởng phúc do người đã khuất để lại, khó tránh khi nghe đến chuyện này sẽ mủi lòng tủi thân.
Lê Hiên rất bình tĩnh chấp nhận tình cảm sâu sắc mà ông hoàng dành cho Nguyên phi kia, bởi nó thấy đây thực chất là điểm tốt mà mình có thể lợi dụng được, nhất là khi vị trí của mình trong lòng người chồng đã tăng lên rất nhiều. Biết Trung Chính ngày càng đánh giá mình cao, Lê Hiên cũng không ngại nói thử lòng mình về người nam phi đã mất.
– Ông hoàng nhắc thiếu Nguyên phi rồi. Ngài ấy chắc phải hiểu lòng ông hoàng lắm chứ.
Vừa nói, bàn tay cậu trai vừa đặt lên ngực trái người đàn ông, cảm nhận rõ nhịp đập trái tim nhanh hơn bình thường một chút. Thở ra một tiếng nặng nhọc, Trung Chính giữ chặt bàn tay Lê Hiên trên ngực mình rồi nói.
– Tình cảm ta dành cho Nguyên rất sâu nặng, nhưng nó không có nghĩa là ta không mở lòng mình đón nhận những điều mới.
– Không phải.
– Là sao?
Thấy Trung Chính nhìn mình đầy ngạc nhiên, Lê Hiên dựa đầu vào phía ngực trái người đàn ông cao hơn mà nói.
– Em không phải là ghen với Nguyên phi. Em chỉ đơn giản tin rằng Nguyên phi được ông hoàng yêu thương như vậy thì chắc chắn phải nhìn được lòng ông hoàng. Ngài ấy nhìn từ một góc độ khác, em nhìn từ một góc độ khác, cả hai đều không thấy hết trái tim ông hoàng ra sao, nhưng chỉ cần từ vị trí của mình mà thấy được hình ảnh bản thân thì đã vui sướng lắm rồi.
Ngước mặt lên nhìn người đối diện, cặp mắt xanh ngọc ánh lên nắng xuân, chính là mặt nước dát bạc tạo nên luồng sáng kỳ diệu hơn cả bình minh vừa ló.
– Nguyên phi là Nguyên phi, Lê Hiên là Lê Hiên. Em biết tim ông hoàng không chỉ dành cho riêng mình, nhưng chẳng phải chỉ có được một chỗ đã đủ rồi sao?
Cười hắt ra một tiếng, Trung Chính vuốt tóc mái cậu trai ra đằng sau, để lộ ra toàn bộ gương mặt hài hòa, an nhiên, hiền dịu, dưới ánh nắng lại trở thành khối hình tuyệt mỹ in sâu vào tâm trí người đàn ông.
– Sao biết trong tim ta có chỗ cho em chứ?
Bật cười trước câu hỏi bông đùa của chồng, cậu trai nhón chân lên hôn lên đôi môi mỏng kia. Hai cánh môi chạm nhau, ấm áp hơn cả bao lớp áo dày giữa gió lạnh Hà Bắc.
– Nhìn thấy.
Vừa nói, Lê Hiên vừa chỉ lên mắt mình, giây sau đã thấy Trung Chính đặt lên đấy một nụ hôn.
Mắt của người con trai khi yêu thì đẹp lắm, tuy không sóng sánh nỗi niềm và mơ màng thổn thức như thiếu nữ tròn trăng thì vẫn ngập tràn ánh sáng, ấm áp ngày đông mà dịu mát ngày hè, khiến người đối diện nhìn vào là mê đắm không thôi, cả mắt mình cũng quên không chớp, sợ bỏ lỡ một giây là sẽ đánh mất cảnh đẹp nhất đời mình.
Lê Hiên không yêu Trung Chính, nhưng đấy mới là cái tài nhất của cậu trai này khi tạm quên cả bản thân mình đi để trở thành một người khác. Lê Hiên bây giờ là những mảnh vỡ kết lại tạm thời với nhau, diễn đạt biểu cảm linh hoạt và chân tình hơn cả những diễn viên thường thay đổi mặt nạ trong hậu cung.
Mà cậu thanh nam lại còn biết nhìn vào khoảnh khắc yếu mềm nhất của một người đàn ông để vươn tay ra ôm lấy, chính là lúc họ trầm tư trôi về quá khứ, nhớ lại khoảng thời gian hạnh phúc và đau khổ nhất đời mình, khi một điều ám ảnh được giấu kín vào những giấc mơ nay phơi trần trong ánh mắt và tiếng thở dài. Trung Chính ở hoàng cung nhìn thấy Thụy Kha giống với Phan Nguyên chỉ là cơn xúc động tạm thời, có mạnh mẽ lúc ban đầu thì cũng yếu dần về sau. Chỉ khi ở Hà Bắc này rồi, tận mắt nhìn thấy ao sen, hoài cảm ngày xưa với những thăng trầm vui buồn lẫn lộn, người đàn ông mới cần lắm một bàn tay kéo mình về thực tại, không phải để an ủi thương hại, mà là để yêu thương gần gũi và giải tỏa tâm tư.
Lê Hiên muốn chồng hiểu rõ mình không phải là cái bóng của bất kỳ ai, cũng chẳng muốn giống như những người khác phải e dè hình ảnh một người đã khuất. Nó giãi bày tình cảm, dùng mọi hành động biểu cảm để Trung Chính tưởng rằng cậu trai kia đã yêu chồng mình từ rất lâu, và tình cảm đó cũng đậm sâu như chính tình cảm của ông ta dành cho vị nam phi quá cố. Nó không tranh giành, cũng không lộ liễu ca tụng với Phan Nguyên, người chết thì rốt cuộc cũng chỉ là người chết, hồi tưởng ít nhiều thì cũng thôi, duy có người sống ở hiện tại này mới có thể cùng ôm hôn gần gũi, cùng trò chuyện tâm tình, cùng nắm tay mà truyền hơi ấm cho nhau.
Lê Hiên là người sống ngay tại đây, rõ ràng từng nhịp thở ở chốn này, rất đậm, rất sắc, rất sâu, rất cao, rất thỏa lòng mong ước. Không phải sống bám trên nỗi sợ tương lai hay màu xám của quá khứ, cũng không nhạt nhòa như sợi nắng mỏng buổi chiều hôm qua.
Lê Hiên sống.
Lê Hiên sống!
Khi nhìn thấy mẹ bị chặt đứt đầu, nó đã tự hỏi sự sống là gì. Có phải là một sợi chỉ mỏng manh bị nhuốc nhơ lòng người cắt đứt? Có phải là ăn uống hít thở đọc sách mà vẫn không thể giải nghĩa bản thân? Có phải là tình yêu giữa hai con người? Có phải là tiếng trẻ con khóc? Có phải là ban ngày khi ta đi lại trên đôi chân? Có tiếp tục cả trong giấc ngủ?
Có phải là một giấc mơ?
Nhưng than ôi, những giấc mơ luôn nhạt nhòa...
Màu của giấc mơ luôn xám nâu, hoặc vàng cam, hoặc là một hỗn hợp không rõ hình hài ẩn sau màu đen khi ta nhắm mắt. Cứ nhắm mắt là nó lại thấy rất nhiều điều. Đồng cỏ xanh. Giọt sương trên lá. Cây bàng cây đa. Tre tươi cao vút. Con đường đất đỏ. Bún thang bún mọc. Áo dài lụa trắng. Mẹ. Máu. Nụ cười và nước mắt của bản thân.
Cười và khóc cái thằng Lê Hiên quá ngu ngốc, bởi cuộc sống là cuộc sống thôi. Ừ, như một thức quà ngon phải giành giật mới có, mà ngoài kia có biết bao đôi tay đang vươn ra với lấy, mình đâu thể nào chỉ đứng nhìn từ xa.
Phải bay lên, nhưng làm thế nào mà bay được bây giờ? Bắc thang lên hỏi ông trời, hay là nhìn lại xung quanh, thấy đuôi rồng vàng bấy lâu nay mình quên không nhìn tới?
Ồ, có khi nào từ trên cao nhìn xuống, ta sẽ nhìn rõ cuộc đời hơn?
Giống như là ta đã trải qua hết rồi, thăng trầm, vui buồn, cười khóc, bây giờ chỉ hạ ánh mắt xuống mà nhìn thôi, phiêu diêu tự tại như đức Phật đức Chúa và những đấng tối cao đã hiểu cuộc sống là gì, như những bức tượng biết chảy nước mắt cho nỗi đau của con người do chính con người tạo ra.
Sự sống là nỗi đau.
Lê Hiên đã biết gì về nỗi đau?
Như khi ấm nóng cuộn sâu vào cơ thể mình, cảm nhận rõ sự nối kết bền chặt, có khi nào là một định nghĩa khác của sự sống không?
Khi bám lấy cổ người đàn ông kia, mỉm cười gục mặt vào hõm vai vững chắc và khuôn ngực rộng, cảm thấy cả thân thể mình nóng đến ngứa ngáy khắp người, khát khao được trèo từ lưng rồng lên ngực rồng, liếm lấy lớp vảy vàng bóng, quấn chặt hai chân để nghe rõ máu chảy thật nhanh trong người mà từng ngón chân cong lên vì vui sướng, đôi mắt nhắm hờ lại thấy được mây xanh.
Mây xanh, trôi như phù du, che khuất tầm nhìn xuống cuộc đời bên dưới.
Vậy rốt cuộc sự sống là gì?
Lê Hiên thở dốc khi người mình bị xoay lại, từ sau lưng bỗng rải đều những nụ hôn, bàn tay nắm lấy vải giường khi sự xâm nhập phía sau được đẩy nhanh tiến độ.
Có khi nào, mình làm tất cả những chuyện này, chỉ để mong tìm ra sự sống là gì thôi sao?
Có khi nào, mình sống chỉ để hỏi sự sống là gì thôi sao?
Lê Hiên với tay sờ lên gương mặt sau lưng mình, rất muốn quay lại để bốn mắt gặp nhau mà không thể, rốt cuộc đành tiếp tục chống hai tay lên giường.
Trong đáy mắt người đàn ông kia, có khi nào là sự sống?
Bởi sự sống có thể tồn tại trong nỗi nhớ. Như Phan Nguyên kia, đã mất rồi mà vẫn sống trong tấm lòng thương nhớ của người chồng đang cùng mình mây mưa, vẫn sống trong bức tranh treo ở cung Hoàng Long, vẫn sống trong hương thơm chè sen Hà Bắc.
Cấu tay lên vải giường, Lê Hiên vùi mặt vào gối rồi mở mắt ra, cúi đầu nhìn xuống nơi hai thân thể đang gắn kết, thấy tim mình rộn ràng hân hoan một nỗi sợ.
Sợ cô đơn. Sợ không ai nhớ đến. Tàn nhẫn nhất trên đời chính là sự lãng quên.
Chết cũng được, chỉ cần được nhớ tới.
Thôi đúng rồi, một cuộc đời chỉ thật sự kết thúc khi người ta không được nhớ tới nữa, hoặc những kẻ đang sống mà rơi vào lãng quên thì cũng như chết rồi. Lê Hiên sống trong tâm trí của cha mẹ, nhưng họ đã rời xa rồi, để lại cậu trai bẽ bàng nhận ra mình nhạt tới mức cần phải bám víu lấy nỗi nhớ của một người khác mà sống.
Có thể nó thương Thụy Kha là vì vậy, bởi anh ta là người đầu tiên ôm lấy nó, khiến nó vọng tưởng rằng mình chẳng nhạt nhòa lắm đâu. Và nó hận Thụy Kha cũng vì lẽ đó, bởi người kia như thanh sắc nó không bao giờ chạm tới nổi, còn Lê Hiên cuối cùng vẫn chỉ là cái bóng mờ bị vất đi không ai thương tiếc.
Có thể nó đồng ý theo chân Trần Kháng cũng là vì vậy, bởi người đàn ông kia đã bắt lấy cái bóng xám mờ sắp rơi vào đêm tối rồi kéo nó lên với ánh sáng. Ông ta tin vào tình yêu, và tình yêu là nỗi nhớ chứa đựng sự sống của Lê Hiên.
Và có thể, nó chống tay nằm trên giường rồng lúc này cũng là vì vậy, để hy vọng người đang thúc mạnh sau lưng có thể nhớ tới mình.
Phải rồi, Lê Hiên đã nhận ra từ lâu rồi, chỉ là có nhiều lúc hay quên, chính là những lúc tàn nhẫn với bản thân mình nhất. Phải nhớ, phải nhìn thấy mình thật rõ trong gương, không được mờ đi như thế, không được quên bản thân mình như thế, phải nhìn thật rõ mà nhớ thật rõ, không một phút một giây nào quên, mãi mãi không quên.
Lê Hiên rốt cuộc cũng được quay người lại, nó ghét phải quay lưng đi khi giao hoan. Làm thế nào mà hai người không nhìn thấy nhau, hoặc chỉ một người nhìn thấy lưng người khác? Gắn kết thì phải nhìn thấy, bởi nhìn thì thu vào tâm trí mà giữ trong nỗi nhớ.
Vòng hai tay ôm cổ chồng, Lê Hiên chủ động trao một nụ hôn sâu, mắt mở to nhìn đôi mắt kia nhắm lại.
Và nó cầu mong đôi mắt ấy mở ra nhường nào.
Chết, rồi sẽ chết thôi, chỉ cần đừng quên.
– Đừng quên.
Đấy là hai chữ thốt ra trong vô thức trước khi cậu trai nhắm mắt lại, Trung Chính nghe thấy thì một thoáng ngẩn người. Ông hoàng chống tay lên giường để ngắm nhìn gương mặt cạnh bên cả một khắc, thấy tim mình ấm áp một cách khác thường, rất khác cách Thụy Kha, Trịnh Khang, Bùi Việt, hay thậm chí là cả Phan Nguyên từng mang đến, giống như một góc khác của trái tim rung động mà khối óc không thể làm chủ được gì.
Hôn lên mắt cậu trai, Trung Chính ôm lấy Lê Hiên chìm vào giấc ngủ.
Lê Hiên mở mắt, mỉm cười.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro