Những Người Im Lặng
Chị em họ nhưng ở chung nhà. Chị hơn em ba hay bốn tuổi, không ai nói chắc. Mùa gió, cánh cửa ngoài gỗ mọt đong đưa hé ra từ sáng sớm. Cái bóng mặc áo len xanh thẫm lao vút ra đường, xao xác với lũ con gái rủ nhau đi học rồi khuất ở đầu phố. Vài người đàn bà đi chợ, bước như trôi trên vỉa hè lát gạch không màu. Thằng em thì hay nằm im trong chăn. Nó thức giấc lúc trời còn tối, đoán chừng ai đi dưới kia qua những tiếng chân. Đôi khi ở nhà quên bẵng thằng bé trên gác xép. Nó dậy tẩn mẩn lật các trang sách sột soạt, đầu gối nhô cao che khuất đôi tai ủ dột, hồng hồng. Sau lưng nó, qua ô cửa hẹp, ngọn tháp nhà thờ hiện rõ dần lên khi nắng làm tan đi làn hơi xanh đục bay là là buổi sớm.
Mẹ thằng Chin đem nó về trả lại ông bà vào quãng thời gian ngắn ngủi giữa mùa mưa và những ngày trở lạnh. Phòng của bọn trẻ con bắt đầu đóng kín ô thông gió. Mấy hôm đầu thằng bé đến, con chị thức rất khuya. Nó lắng nghe tiếng khóc của đứa con trai nhỏ nghèn nghẹt trong tấm chăn, rỉ rả dường như bất tận. Thảng khi tiếng khóc ngưng bặt, con chị nhìn qua góc phòng, thấy đôi mắt ướt mở lớn, lấp loáng như đốm sáng trên mặt đồng hồ dạ quang. Nó nói khẽ: "Chin, ngủ đi!". Trong đêm, giọng nó âm vang, không giống lời an ủi. Nhiều tháng, thằng nhỏ vẫn khóc như thế mỗi đầu giấc ngủ, nhưng lặng lẽ hơn. Góc phòng của thằng bé tỏa ra mùi ngai ngái khô mốc, tưởng như sự buồn thảm vô tận của nó tan cả vào bầu không khí chung quanh. Thằng Chin yếu ớt không giống trong cổ tích – những nhân vật mồ côi thường đẹp đẽ và dịu dàng. Lũ trẻ con lớn nhanh. Bà cho thằng Chin chuyển lên căn gác xép. Nó tha từng món đồ vặt vãnh của mình lên chỗ ở mới, cẩn thận nâng cái hộp gỗ dài có vẽ các ô vuông xanh nhạt cài ống khóa đồng. Con chị tò mò: "Cái gì trong đó vậy?". Thư của em – Nó nói nhỏ rồi khép cánh cửa sau lưng. Phòng còn một người, rộng hơn, nhưng sự im ắng thì vẫn mênh mang như ngày trước.
Nhiều năm, hai chị em đi học khác buổi. Năm bọn chúng học chung cấp 2, con chị chuyển sang trường khác. Nó không thích gắn tên mình với hình ảnh thằng em họ nhếch nhác, ngẩn ngơ. Người trong nhà chăm sóc đứa nhỏ đầy đủ nhưng xa cách. Họ vẫn mơ hồ hy vọng một ngày kia mẹ nó sẽ về, đem nó đi khỏi ngôi nhà mà hình như luôn làm nó sợ hãi. Thi thoảng sau bữa ăn, Quân nói với thằng em họ dăm câu đùa vui. Thằng bé rụt cổ vào giữa đôi vai, chả phân biệt được giữa lời nói khôi hài và sự nhạo báng. Lâu dần con chị đâm chán. Nó nghĩ đôi mắt to kia giống hệt mắt những con sâu rụt rè, ngày nào đấy sẽ mọc đôi cánh cứng rồi chập choạng bay đi. Bà bảo: "Quân, con chơi với em, xem nó có đau ốm gì không?". Đứa chị định bịa ra nguyên cớ gì thoái thác, rồi lại thôi. Thực ra thằng bé biết cách tránh làm phiền ai qua yên lặng bền bỉ của mình. Nhưng không vì thế mà người ta dễ chịu hơn khi trong phòng tiếng rón rén của Chin vẫn còn quanh quất. Không cần mở cửa sổ cũng nhận ra những ngày mùa Đông đã vãng lai ở một góc trời. Ngôi nhà cửa gỗ dường như thấp xuống. Lũ thiêu thân bay vào nhà, chết vì hơi ấm của ngọn đèn vàng, rơi lả tả. Trời lạnh, ý nghĩ chậm chạp lại, không vội cất lên thành lời. Trong tĩnh mịch, người ta nghe rất rõ tiếng chân thằng bé cọ vào ván sàn, đều đặn và tẻ ngắt. Quân lên gác đưa cho thằng em lá thư nước ngoài người bưu tá vừa ném vào nhà. Những ngón tay cáu bẩn của thằng bé run rẩy. Nó thì thào: "Thư mẹ gửi cho em...", con chị hơi buồn cười trước vẻ xúc động thái quá của thằng bé con vì mấy lá thư vẫn thường gửi đến. Quân nhắc: "Mày đun nước mà tắm. Ừ, nhờ bà nấu cho...". Những lời nói như thể trôi tuột đi. Thằng bé níu tờ giấy ngồi co ro bên cửa sổ hình quả trám. Vài bức ảnh họa báo dán chuệch choạc vì gió bong ra, bay lật phật. Con chị nói thêm: "Mày mở cửa cho thoáng. Ngồi yên mà đọc sách. Tiếng chân mày trên gỗ như của bọn mèo hoang ấy". "Vâng." - thằng bé mấp máy môi. Khoảng trời lặng gió ngoài kia bất chợt xào xạc, mảng lá khô tách cây rơi xuống đất, như tuân theo một mệnh lệnh kỳ bí, khẽ khàng. Quân dừng lâu trước bậc thang gỗ, lắng nghe.
Dạo này trời tối sớm. Gần mùa thi giữa năm, các lớp học đêm kéo dài, nhẫn nại và mệt mỏi. Đứa chị về nhà, vội vã trong dãy phố đứng im. Người nhà ngủ hết, cửa khóa. Còn lưỡng lự nghĩ cách vào nhà thì nó thấy đôi chân thằng em bước qua vũng sáng giữa sân. Quân thở hắt: "May quá, Chin còn thức. Tao đang thử vào nhà mà không làm đổ cửa". "Em nghe chị chạy trên đường" - tiếng thằng nhỏ đục khan. "Hình như mày hay thức khuya?". Hai chị em đi trong hành lang hẹp, một ngọn đèn hắt bóng đôi chân khẳng khiu có đầu gối vặn vẹo của thằng bé xuống sàn, thành hình thù kỳ lạ. Quân bảo: "Thỉnh thoảng xuống phòng tao, vẫn còn vài quyển phiêu lưu dưới ngăn sách cũ". Tường nhà lạnh và ướt. Trong tưởng tượng, con chị cho rằng hơi ẩm tỏa ra từ mái tóc khô ngai ngái của thằng em chứ chẳng phải từ nền đất. "Tao soạn sách cho mày nhé?"- Con chị vớt vát nói theo. Thằng nhỏ lên mấy bậc cầu thang, gật đầu. Có cảm giác như nó cảm nhận được vài ý nghĩ thoáng qua của con chị. Chin chờ cửa chị họ hàng đêm, nhưng không bao giờ đến phòng người khác, dù chỉ để cầm vài quyển truyện.
Đôi khi ngươi nhà để tâm đến thằng bé một thời gian, rồi thất vọng lại trước vẻ khờ khạo của nó. Sau sự chăm sóc của mọi người, nó có vẻ dạn hơn, hay đứng dưới tàng lá trước nhà quan sát một con ong với cái nhìn của người điếc. Nhưng cái tâm trạng vui vui bất chợt ấy không bền lâu. Hôm nó mười hai tuổi, con chị cho nó hộp màu nước và cây cọ mềm. Nó cầm hờ hững, không cảm ơn, vẫn đứng dưới vòm lá dõi nhìn ra cửa trông đợi điều gì. Qua tuần, thằng bé rơi vào sự đơn độc xưa cũ. Nhưng khi chơi nhạc trên cây guitare, con chị biết thằng bé đứng đâu đó rất gần, mùi meo mốc lẩn quất không tan. Con mèo già bỏ đi đâu mất. Đi tìm nó trong các xó tối, con chị bỗng nghĩ về nỗi vắng vẻ của ngôi nhà, sự xa cách của những người hàng ngày vẫn chạm vào nhau mà như chẳng hề để lại dấu vết. Đợt lạnh cuối năm làm con chị ho rũ, sốt nóng trong một góc giường. Bà sai thằng em xuống trông nom người ốm lúc bà bận bịu. Vai trò hộ lý của nó chỉ gồm việc ngồi lơ đãng dưới chân giường, thảng khi dấp lại mảnh khăn đặt lệch xẹo lên đầu con chị. Nó đọc sách hầu xóa đi không khí chùng đọng, nhưng giọng đọc khò khè cùng cái ngữ điệu buông lơi giữa chừng của thằng bé khiến con chị muốn ốm thêm. Quân hỏi: "Trong lớp có ai chơi với mày không?". Nó cụp mắt khẽ khàng: "Các bạn ghét em lắm". Con chị thở mạnh: "Tại mày cứ rũ ra như con gà chết ấy. Mày thử chơi cái đàn kia xem sao!". Cây guitare rít lên the thé dưới các ngón tay Chin. Mấy cái ly nhỏ rung lên bần bật trong khay như nhảy múa, và dăm vụn giấy mỏng bay thốc lên không trung, xoay tròn. Phấn khích bất ngờ, thằng em bỗng lộn đầu trồng cây chuối. Hai chân gầy gò của nó huơ huơ hệt nhánh cỏ. Nó giữ được khá lâu rồi để khuỵu xuống chân Quân. Hai chị em cười khe khẽ, ngỡ ngàng trước niềm vui mới mẻ. Hồi lâu, bỗng chân con chị ấm nóng, nước mắt thằng bé chầm chậm thấm qua lớp vải mềm. Quân gượng ngồi dậy vỗ nhè nhẹ lên đôi vai nhỏ của thằng em. Lần đầu tiên trong đời, đứa chị an ủi nỗi buồn mà mình không biết rõ, không thể gọi thành lời. Nó chẳng nói: "Nín đi, nín đi..." với thằng nhỏ. Đầu Chin trĩu nặng trên cẳng chân Quân. Đôi mắt ướt nhoèn của Chin vẫn là mắt ngày nó đến – như đốm dạ quang, sáng, mà chẳng thể thắp bừng gương mặt. Quân lẩm bẩm: "Này Chin. Này Chin...", chợt thấy giọt nước mắt từ mắt mình rơi xuống, lăn dài trên đám tóc lạnh của thằng em.
Hàng cây bên đường trụi lá từ tuần trước. Khó mà hình dung chỉ cách đây vài tháng, các cơn mưa đã phải xuyên qua vòm lá dày, mang theo xuống đất những chiếc lá nhỏ tí nằm trong mỗi giọt mưa. May mà cuối năm ánh sáng đục mờ, bầu trời sau các nhánh cây lan trông như tấm thảm cũ, bồng bềnh. Thằng bé em các buổi chiều giờ hay xuống phòng đứa chị. Quân ngờ ngợ có gì đó mạnh hơn thói quen cô độc, đẩy thằng bé đến tha thẩn ở đây. Thảng hoặc con chị buông bút, hỏi chuyện bâng quơ: "Mẹ Chin ít viết thư về nhỉ. Nhưng chắc nhớ mày lắm". Đứa em nhỏ lúc ấy thường mím môi quay đi, không nói. Duy có một lần nó đáp lại tò mò của Quân, giọng khó nghe sau hơi thở gấp: "Mẹ viết cho em dài lắm. Mẹ bảo nhớ em nhiều". Quân gật đầu, mở cánh cửa sổ. Tia nắng chiều gấp khúc trên các thành gỗ, xuyên qua tay áo mỏng của thằng em. Con chị thốt lên: "Mày ăn ít quá Chin ạ. Nhìn kìa, tay mày giơ xương". Rồi nó phát hiện thằng bé bao nhiêu là răng sâu. Nó nhăn nhó: "Ngày mai tao xin tiền cậu mợ đưa mày đi bác sĩ". Thằng bé lẩm bẩm: "Mẹ biết chỗ chữa răng không đau...". Con chị quay trở về bài dịch, không để tâm lời thủ thỉ của thằng em. Hộp màu và bút Quân cho, thằng bé lấy vẽ trên những tờ giấy cứng. Nó vẽ chị nó trong chiếc áo thẫm xanh, nét thanh thoát, chỉ không giống người thực ở chỗ lông mày - đôi lông mày kéo dài vô lý, làm mặt người lạ lẫm, cô đơn.
Con chị học nữ công ở trường, tập làm mấy con thú nhồi bông vải. Nó lục tung đống quần áo bỏ đi, cặm cụi khâu con búp bê to bằng nửa người thật. Người nhà ghé mắt xem, khịt mũi: "Trông mà khiếp" hoặc kêu to "Mua vải mới mà khâu. Ai đời mặt người lại xanh xỉn thế!". Thằng Chin chẳng nói gì. Nó quỳ dưới chân con chị, tỉ mẩn cắt vụn manh áo cũ. Lúc may gần xong, nó thở nhè nhẹ sau gáy Quân, nói khẽ: "Đẹp quá". Quân cắt sợi chỉ gắn món tóc lòa xòa, chán nản ném thằng hình nhân vào lòng đứa bé: "Cho mày đấy". Rồi nó ngẫm nghĩ, bảo thêm: "Làm gối ôm cũng được, Chin ạ!". Thằng em lên gác, bước chân khệ nệ vội vàng của đứa trẻ mừng vui. Mùa Đông, giữa tiếng gió lào thào luồn qua hành lang hẹp, tiếng cửa gỗ va lạch cạch vào khung, con chị nghe cả tiếng người thì thầm, nói điều bí mật gì đấy vào tai cái vật vải độn.
Quân lên gác. Thằng em dạo này đi học tiếng Anh, trở về lúc chiều muộn. Gần Tết, những ngôi nhà đối diện đã sửa sang, thắp sáng ngọn đèn trắng trên tầng thượng. Con chị ngồi ghé bên chiếc ghế trẻ con khuất trong vùng tối. Lâu rồi, chẳng ai nghĩ thằng bé cần cái ghế mới lớn hơn. Con búp bê vải ngồi gần cửa sổ, ngật cổ ra đằng sau. Hộp gỗ dài có vẽ các ô xanh dưới chân con búp bê, mở hé. Quân mang máng nghĩ mấy buổi chiều mong ngóng của Chin gắn với cái hộp này. Mà nhiều tuần nay người đưa thư không đến. Nó tần ngần ngồi đọc trộm tập thư thoang thoảng mùi giấy cũ - những dòng chữ ngắn ngủi, như viết ra từ đôi tay buồn rầu và mệt mỏi của người đàn bà bị công việc vây quanh. Quân nhớ lần nào thằng bé kể về những lời âu yếm mẹ nó gửi trong thư, hóa ra nó nói dối. Con chị gợn khó chịu trong đầu, định bụng sẽ có lúc giễu cợt thằng bé. Cảm giác ai đó theo dõi mình, Quân ngẩng lên. Chỉ là con búp bê ngồi bên cửa. Mái tóc bằng chỉ óng ánh của nó bắt ánh đèn trắng ngoài kia, trông như tóc bạc. Ngày thằng Chin về ngủ cùng phòng trẻ con, nó chỉ nhỉnh hơn cái hình nhân này tí chút - con chị nhớ lại. Trong bữa ăn, Quân để tai nghe người nhà bàn chuyện. Có lẽ mẹ thằng Chin sắp về đón nó đi. Giấy tờ cậu mợ từ lâu đã làm đủ. Bà thở dài: "Thế mới phải. Dẫu sang bên ấy nó sẽ là gánh nặng cho mẹ nó". Quân nhìn lên trần nhà, lơ đãng: "Vâng, bà ạ" và thầm hỏi vì đâu thằng bé tự huyễn hoặc mình vì những điều không thực trong thư.
Chin theo mẹ ra đi trước Tết một tuần. Mẹ nó giải thích nguyên nhân sự vội vã ấy khá giản dị: bên đó Tết chỉ là ngày thường, mẹ nó lo lỡ việc trong xưởng may. Những ngày cuối cùng ở nhà bà nội, thằng bé thu mình lại nhiều hơn. Hẳn nó chưa quen với người phụ nữ mảnh mai, con người mà bao nhiêu lần nó trò chuyện trong kỳ vọng. Nó chỉ xuống phòng Quân một lần hôm sắp về Sài Gòn cho kịp chuyến bay. Hai chị em ngồi cạnh nhau, con chị vòng tay qua cổ nó, cùng im lặng. Tết sắp về, vòm lá trên bờ tường trổ nụ hoa hồng phớt. Định bảo em: "Ở lại với chị Chin nhé. Chị đọc những lá thư của mẹ Chin rồi...", nhưng Quân lại thôi. Bây giờ có nói gì cũng muộn. Còi xe inh ỏi dưới đường. Con chị tháo vội bức chân dung thằng em vẽ mình nhét vào cái túi nó xách theo, cười nhẹ: "Mai mốt chị sẽ giống bức tranh này". Ở nhà có cậu mợ đi tiễn Chin. Con chị đứng bên cánh cổng, nhìn theo đôi mắt trong xanh lên xe đi mất.
Quân vẫn theo học các lớp đêm. Nó đánh thêm chìa khóa, về muộn tự mở cổng. Có hôm, nó tưởng thằng bé em vẫn đợi mình trên ô cửa quả trám - nhưng chỉ là con búp bê vải ngồi hoài ở chỗ cũ mà thôi. Một lần, nó dừng giữa hai trang sách, nghĩ: "Khi mình biết đó là những ngày vui sướng biết bao thì nó đã qua rồi".
-Phan Hồn Nhiên-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro