Cổ Tích
Tôi chạy một mạch từ ngoài phố vào trong phòng cậu Vũ. Cậu tôi đang tỉ mẩn mài mấy ngọn bút chì. Mắt tròn mắt dẹt, tôi lắp bắp thông báo cái tin sốt dẻo: Chị Linh Lan đẹp nhất trường tôi là con gái bà chủ quán phở mới chuyển về đầu ngõ. Đáp lại nhiệt tình của người đưa tin, cậu tôi chỉ ậm ừ trong họng vài tiếng rồi lại chúi mũi vào đám viết chì đen kìn kịt.
Tôi ở với bà ngoại và cậu Vũ trong ngôi nhà nhỏ cuối hẻm. Bà ngoại gọi tôi là con ma xó vì chuyện gì trong ngõ tôi cũng biết. Cậu Vũ thì ác miệng hơn, cậu không hề kêu tên thật của tôi bao giờ mà chỉ gào lên: "Con Tí Trụi đâu rồi?" mỗi lần cậu nháo nhào đi tìm sách vở và nhất định đổ riệt cho tôi cái tội bừa bãi. Tôi không xem cậu là thần tượng vì số lần bà ngoại mắng cậu trong một ngày cũng xấp xỉ số lần của tôi. Thế nhưng tôi không thể nào hình dung tuổi nhỏ của mình mà thiếu vắng những chuyện thần thoại, viễn tưởng mê ly lẫn những câu chuyện bịa vô duyên cậu kể khi tôi đồng ý rửa bát hộ cậu. Ngồi bó tròn trên cái bàn ngổn ngang bản vẽ và bút thước, tôi quên đi mình là con Tí Trụi tóc thưa để chu du cùng chú lính chì trên con thuyền giấy, hay kỳ diệu hơn tôi thấy mình hóa thành công chúa mồ côi được bầy thiên nga che chở. Lắm khi câu chuyện của cậu hết đã từ lâu mà tôi tưởng mình đang bay cao trong bầu trời nhỏ hình vuông ngoài ô cửa.
Đã được mấy tháng từ ngày nhà chị Linh Lan chuyển về đầu ngõ, một chiều nọ, cậu Vũ nháy tôi vô bếp. Cậu thì thầm:
- Tí Trụi ủi cho cậu chiếc áo chemise mới may nhé!
Tôi nhảy dựng:
- Chi vậy cậu?
Cậu khuỳnh khuỳnh hai tay:
- Chị Linh Lan mời cậu đến chơi nhà.
- Đến quán phở à? – Tôi nhăn mặt.
- Không đâu Tí Trụi ơi - Cậu hất cằm lên nóc bếp - mời vào phòng khách chứ.
Khi cậu Vũ có người yêu, thần thoại và cổ tích cậu kể cho tôi bắt đầu thay đổi. Nếu trước đây cậu hay mở đầu bằng câu: "Giả bộ công chúa tội nghiệp là Tí Trụi nhé" thì bây giờ cậu sẽ nói: "Hãy tưởng tượng đi! Nàng tiên dịu dàng là chị Linh Lan, còn hoàng tử đẹp trai là... cậu!(?)". Tôi thường bịt mũi mỗi khi nghe câu mào đầu ấy. Chị Linh Lan nhỏ nhắn với cái cằm nhòn nhọn làm tiên thì đúng rồi, chứ cậu Vũ tóc dựng đứng thế kia mà đòi làm hoàng tử thì thật xấu hổ. Thế nhưng ở ngoài đời thì tôi tin cậu xứng với chị Linh Lan lắm bởi bà ngoại tôi vẫn nói: "Trai tài gái sắc". Bà tôi nói đâu trúng đó, còn cậu Vũ lại học cực giỏi, trong xóm chẳng ai bì.
Học hết năm cơ bản, cậu tôi nhận học bổng du học nước ngoài. Áp mặt vào cánh cửa kính ở sân bay, tôi nhìn theo mái tóc bướng bỉnh dựng đứng của cậu nhấp nhô trong đám đông xanh đỏ. Cậu tan vào dòng người mà không ngoảng lại. Tôi hiểu cậu sợ những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt Linh Lan.
Tôi học cấp ba ở trường ngày xưa cậu tôi học. Chị Linh Lan thôi học đã từ lâu nên hàng ngày tôi đến lớp một mình. Cứ hai tuần một lần, trong lá thư huyên thuyên đủ thứ về bà ngoại lẫn chuyện học hành, tôi không quên kể cho cậu nghe về Linh Lan mặc dù tôi biết hai người vẫn đều đặn thư từ.
Cho đến bây giờ tôi vẫn lạ lùng chẳng hiểu sao tôi lại có thể yêu quý chị Linh Lan nhiều đến vậy. Trái tim của tôi từng được cậu dạy dỗ bằng cổ tích giàu thương yêu nên phải chăng vì thế mà nó cứ lo lắng từng giờ cho công chúa khi chàng hiệp sĩ đi xa Tết đầu, cậu Vũ vắng nhà, tôi theo chị Linh Lan về một thị trấn nhỏ thăm họ hàng. Vắt vẻo trên chiếc xe ngựa đậu ở bãi chờ đủ khách, tôi chốc chốc lại ré lên cười.
Tôi cười được ở bên cạnh chị, chạm tay vào tà áo lục mướt mềm. Trong bụi tung mù mịt, chị cũng thoảng cười chớp chớp hàng mi, tiếng trẻ con thị trấn í ới gọi nhau làm con ngựa kéo xe chồn chân giậm móng cồm cộp.
Bà tôi về nhà trong một buổi cuối năm chợ hàng nhộn nhịp. Bây giờ mỗi khi gặp lại màu hoàng hôn đỏ tím như cái chiều chập choạng ấy, tôi lại buồn và sợ đến tái lòng. Cơm nước xong bà ngoại thở dài và ngồi quạt nhè nhẹ trên cái sập gỗ.
Bà tôi chép miệng khẽ khàng:
- Cô Tư bán phở sắp gả con Lan cho thằng Khánh kim hoàn đấy Hương à. Sáng nay cả chợ đồn ầm lên. Họ bảo cô Tư cho cưới trước Tết.
Tôi không nghe bà ngoại nói hết. Tôi cuống cuồng bỏ vào ngồi nơi xó bếp tối đen. Đưa tay lên cổ, ngón tay tôi bất giác đụng vào cái tượng Phật bằng vàng mà ngoại tôi dẫn tôi ra mua ở tiệm chú Khánh chột mắt da đen nhờn... Mắt tôi ráo hoảnh mở căng nhức nhối. Tôi muốn cậu tôi về dẫn tôi ra khỏi khung cảnh của một chuyện thần thoại bi thảm. Tiết lạnh cuối năm lẫn mùi tro bếp lưu cữu khiến thân tôi khô cứng.
Những lá thư tôi viết cho cậu Vũ giờ rất ngắn. Tôi không đả động đến Linh Lan nữa. Sau nhiều biến động, cậu tôi ở lại làm việc ở đất nước mà cậu đã học tập. Cậu không về như tôi đã mỏi lòng mong. Một cái Tết buồn buồn tiếp đến sau đám cưới chị Linh Lan. Ngày mồng Ba, tôi một mình lên xe đò về thị trấn nhỏ rồi đón xe ngựa như buổi Xuân nào. Ngồi yên trên tấm vải nhựa cũ nát trải sàn xe, tôi lau giọt nước mắt to tướng nơi khóe mắt. Tôi không hề khóc lần nào từ ngày cậu tôi đi vắng.
Tôi đã hai mươi. Tôi biết những điều kỳ diệu bỏ đi khỏi thế giới của tôi ngày càng nhiều. Tôi đa nghi hơn vì sợ bị tổn thương như dạo ấy. Tôi dửng dưng đi qua mọi nỗi buồn vui của mọi người. Nhiều đêm, tôi nhìn vào mắt tôi lạnh lẽo trong gương. Có lẽ tôi đã thành người lớn.
-Phan Hồn Nhiên-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro