Hành trình kiêu hãnh
Năm tôi học lớp 12, mẹ tôi tái hôn. Dượng là đồng nghiệp của mẹ, rất giản dị và dễ gần nhưng tôi lại không mấy thiện cảm. Ngày mẹ và dượng quyết định về chung nhà, tôi có thêm một người chị. Phương là con riêng của dượng. Phương bằng tuổi tôi nhưng mẹ và dượng vẫn muốn tôi gọi Phương là chị. Ngày đầu tiên đến nhà tôi, Phương gầy đến đáng thương, mẹ tôi cứ liên tục gắp thức ăn vào bát của Phương. Phương đã nghỉ học từ năm trước vì bệnh triền miên. Dượng nói Phương không khỏe trong người, tim rất yếu, lại hay bị sốt. Tôi ái ngại nhìn mẹ, vậy là từ nay chúng tôi phải chăm sóc một người bệnh sao? Mẹ không để ý đến cái nhìn đầy lo ngại của tôi, tôi cũng biết mẹ rất hiền và chịu thương chịu khó, hẳn không ngại gì chăm sóc thêm một người bệnh. Sau bữa cơm, Phương và tôi dọn bàn, nó cười hì hì nhìn tôi:
-Mày không thích chăm mấy đứa bệnh phải không? Mày thật ích kỉ và nhỏ mọn.
-Phương! – Dượng quát.
-Nhưng tao hiểu mà.Làm người, ai không ích kỉ và nhỏ mọn chứ.
Dượng mắng Phương xối xả, mẹ phải vào can ngăn. Nhưng nó chẳng có vẻ gì là hối hận cả. Kể từ giây phút đó, tôi biết từ miệng Phương không thể nào tuôn ra câu gì đẹp đẽ. Mái tóc đen của nó lúc nào cũng chảy tràn trên đôi vai gầy và mỏng manh, vì trông nó yếu ớt như vậy nên tôi thường nhịn, không nổi điên lên và gây chuyện. Mẹ con tôi dọn qua ở chung với dượng và Phương, căn nhà nhỏ của chúng tôi để cho thuê lấy tiền hằng tháng. Phương không đi học nên mẹ dặn tôi đi học về có gì vui nhớ kể cho nó nghe. Tôi không bao giờ gọi nó là chị, vì nó không đáng có được sự tôn trọng đó của tôi.
Phương cũng chẳng màng đến tôi, nhà có bốn phòng, mẹ và dượng một phòng, còn lại chúng tôi chia nhau hai căn phòng trống. Phòng tôi có cửa sổ, phòng Phương thì không. Mẹ sợ nó nhiễm lạnh sẽ bệnh nên không cho nó ở phòng có cửa sổ. Nhưng Phương rất thích cửa sổ, nó hay lén qua phòng tôi để nhìn xuống đường. Có lần tôi vào phòng mình và bắt gặp nó đang ngồi hẳn lên bệ cửa sổ, tay ôm ngực, thất thần nhìn ra bên ngoài. Tôi định khuyên nó vào trong cho đỡ mệt thì nghe nó nói:
-Tao không lấy gì của mày đâu.
Tôi chưa kịp nói gì thêm thì nó cười khẩy:
-Tao không thèm.
Rất nhiều lần mẹ khuyên tôi đừng cãi nhau với Phương. Tôi nghe lời mẹ, nhưng Phương đáng ghét đến mức khó tin. Hễ tôi lo lắng cho nó, nó sẽ nói ra câu gì đó thật xúc phạm đến nỗi tôi tự hứa sẽ không bao giờ nói chuyện với nó nữa. Nhưng nó cứ lẻn vào phòng tôi để nhìn ra cửa sổ mãi. Một lần nọ, tôi cáu và bảo nó ra khỏi phòng tôi, đừng có mà tự tiện lẻn vào nữa. Phương trượt khỏi cửa sổ và hằm hằm nhìn tôi. Lần đầu tiên nó bị tôi làm cho tức giận. Rồi nó ra khỏi phòng. Tôi hả hê tới bên khung cửa sổ, nhìn xuống. Chẳng có gì ngoài những bụi cây và những nóc nhà nấp nhô, thậm chí còn có phần ầm ĩ và xô bồ. Hôm sau khi tôi chuẩn bị đi học, Phương chặn tôi ngay cửa và nói:
-Cho phép mày vào phòng tao đấy. Đổi lại, tao muốn vào phòng mày.
-Tao không thèm vào phòng mày.
-Nhưng mày được quyền vào phòng tao. Coi như tao đổi quyền cho mày để lấy quyền của tao.
Phương là con dở hơi, tôi chẳng thèm chấp nó. Sáng, tôi đi học. Chiều về, tôi kiểm tra cửa sổ xem có bị mở ra không. Phương tuy bẳn tính nhưng không tùy tiện vào phòng tôi. Tuy nhiên, tôi ghé qua phòng nó xem thử. Phòng nó rộng hơn cả phòng tôi: Có một cái giường to, một giá sách lớn và không có bàn. Nhưng đối diện giường của nó là một bức tranh lớn. Phương dùng màu vẽ thẳng lên tường. Tôi không biết nó có năng khiếu hội họa đến thế. Bức tranh tường vẽ một mảng trời xanh ngắt và đòng cỏ rập rờn, thậm chí tôi còn có cảm giác có một cơn gió nhẹ đang thổi qua. Chợt tôi hiểu ra vì sao nó thích cái cửa sở phòng tôi, vì đó là mối liên kết duy nhất giữa nó và thế giới bên ngoài. Phương quá yếu để có thể ra ngoài. Trong khi tôi xem xét bức tranh thì nó đứng lù lù sau lưng tôi, xém nữa thì hù tôi rớt cả tim ra ngoài.
-Mày thấy tao vẻ đẹp không?
-Đẹp – Tôi thừa nhận.
-Tao vẽ đẹp lắm đó, nhưng giờ hễ ngửi mùi sơn là tao bị nhức đầu nên tao không vẽ nữa. Vẽ bức này thôi mà tao nhức đầu một tuần liền đó.
Tôi im lặng ngắm bức tranh, trong đầu mường tượng ra cảnh Phương vẽ vài nhát cọ lại phải dừng lại vì đau đầu. Sau cùng tôi nói:
-Cho mày vào phòng tao đó, mưa thì nhớ đóng cửa sổ.
Phương "hừ" một tiếng, làm như thể tôi không nói thì nó cũng vào. Quả thật tôi có chút hối hận, vì sau đó nó gầm như ở lì trong phòng tôi khi tôi đi học. Nó mở cửa sổ quá nhiều nên bị cảm, chứng đau đầu lại trở nặng, nó cáu gắt hơn mọi khi. Mẹ và dượng lại bận đi làm, chỉ có mình tôi phải chịu đựng nó. Buổi trưa khi tôi đi học về, nó lại mỉa mai chuyện tôi mang đôi giày xấu tệ, bản mặt cũng xấu tệ, rất hợp với đôi giày. Nó còn theo làm phiền tôi mãi, hết kêu tôi bưng nước đến làm đồ ăn. Tôi chịu hết nổi nên vung tay tát cho nó một cái. Phương ngã xuống sàn nhà và nằm im luôn. Thấy nó không cử động, tôi hoảng hồn ngồi xuống, chỉ nghe nó nói nho nhỏ:
-Sàn nhà mát quá.
-Mày đúng là điên mà.
Nhưng khi đặt tay lên trán nó, tôi thấy trán nó nóng hầm hập. Tôi hấp tấp lấy nhiệt kế đo thì thấy nó sốt 39 độ. Tôi định gọi điện cho mẹ thì Phương níu tay tôi lại, nghiến răng nói rành mạch từng chữ:
-Đừng làm phiền dì. Tao sốt quen rồi.
Đó là lần đầu tiên tôi phải chăm người bệnh, hết nấu cháo rồi đi mua thuốc. Lạ cái là tôi không thấy phiền, tôi chỉ nghĩ vì sao sốt 39 độ mà nó vẫn có thể nói cười, đi lại trong nhà như không có chuyện gì xảy ra như thế. Cơ thể đó quá yếu ớt để có thể chống cự căn bệnh này, nên có lẽ tinh thần là thứ duy nhất giữ cho nó tỉnh táo tới giờ này. Hẳn Phương phải có ý chí rất mạnh mẽ để có thể đi khắp nhà ăn nói chua ngoa với mọi người để che giấu sự thật rằng nó đang bệnh nặng. Tôi đem tập sách vào phòng nó đọc, tiện chăm nó. Phương ngủ li bì tới trưa, mở mắt ra thấy tôi, nó hừ hừ rồi nói:
-Về phòng mày đi. Tao tự lo được.
-Tự lo cái đầu mày. Mày còn không đứng dậy nổi.
-Mẹ tao mất, ba tao đi làm, tao vẫn tự lo đấy thôi.
Tối về, tôi nói với dượng rằng Phương sốt cao lắm nhưng không chịu đi viện. Dượng thở dài, và nói nó lúc nào cũng bướng như thế. Khi chỉ có hai cha con ở với nhau, tuy nó sốt cao nhưng lúc nào dượng gọi về nó cũng gắt gỏng bảo "Gọi gì gọi hoài, con tự lo được". Nó ở nhà tự uống thuốc, tự đắp khăn chườm, khi đau thì nằm ngủ cho qua cơn đau. Dượng cảm ơn tôi đã chịu đựng tính khí thất thường của nó.
-Phương nó ác miệng thôi chứ không ác tâm đâu con à.
Dượng nói vậy rồi bảo tôi về phòng nghỉ để dượng chăm nó. Tôi biết nó không ác tâm, không người nào thật sự ác mà lại tự chịu đựng tất cả để khỏi làm phiền người khác cả. Tôi tập quen dần với miệng lưỡi sắc sảo của nó. Nhiều khi Phương cũng dễ thương, những lúc khỏe, nó ngồi học với tôi, giành giải bài tập của tôi. Phương nói khi khỏe lại rồi, nó sẽ đi học thạc sĩ, tiến sĩ, nó sẽ sang Dubai ở, sẽ bay qua những đụn cát nóng, những đại dương xanh ngát và không bao giờ để ai coi thường mình nữa. Nó còn tỉ mẩn vẽ những hình vẽ dễ thương vào bìa tập của tôi. Phương không thích vẽ ra giấy, nó cứ thích vẽ lên bìa tập của tôi, vì nó bảo như thế sẽ có nhiều người trông thấy tác phẩm của nó hơn. Tôi thấy nó vẽ đẹp nên cũng không xóa, cứ để vậy. Cứ cách chừng một tháng tôi lại thay bìa tập một lần để nó vẽ hình mới lên. Khi tôi bảo tôi sẽ thay bìa tập trắng cho nó vẽ thỏa thích, nó ngẩn ngơ nhìn tôi rồi nói:
-Mày tốt với tao quá.
Mấy tháng sống chung, đó là câu nói tử tế nhất của nó.
*
Cứ cách một tháng, Phương lại đi bệnh viện khám lại một lần. Mỗi lần về là nó đem theo một vốc thuốc, tiếp tục uống cho đến hết tháng. Một hôm khi đi viện về, nó kéo tay tôi nói:
-Tao nghĩ tao sắp chết mày ạ.
-Đừng nói xui.
-Thật. Tao cảm thấy chắc tao không qua nổi năm nay.
Nó vừa nói vừa cười hì hì. Mặc dù nghĩ đó chỉ là tư tưởng u ám của một đứa con gái bệnh triền miên, nhưng trong lời nói của nó có gì đó khiến tôi thấy lo.
Phương gầy đi trông thấy, lúc trước nó đã mảnh khảnh, giờ thì trông như chỉ còn da bọc xương. Gương mặt Phương càng ngày càng nhợt nhạt nhưng lúc nào nó cũng cười tinh quái. Dượng và mẹ lo lắm, lúc nào cũng nghĩ vì tinh thần sa sút nên bệnh mới trở nặng, nhưng tôi rất rõ tinh thần nó vốn rất mạnh mẽ, có lẽ bệnh của Phương đã nặng hơn thật. Các cơn đau tim đến nhiều hơn. Mỗi lần đau, Phương đều nằm úp mặt xuống giường, co người lại như phòng thủ và giữ nguyên tư thế đó trong ba, bốn tiếng. Phương ít khi qua phòng tôi hơn, bây giờ đổi lại, tôi qua phòng nó nhiều hơn. Có lần khi tôi đang kể chuyện trên trường cho nó nghe, nó đột nhiên nói:
-Tao nghĩ là, nếu nói chuyện dễ ghét thì người ta sẽ không thương hại mình . Tao thà bị ghét còn hơn trở thành gánh nặng cho người khác.
-Tao không ghét mày đâu.
-Mày thì có ghét ai bao giờ.
Bọn tôi cùng im lặng nhìn lên bức tranh trên tường. Tôi nói nó phải khỏe lại để vẽ cho tôi một bức tranh đẹp hơn, trên tường phòng tôi nhưng Phương không đáp lại. Qua rất nhiều đợt sốt, một hôm, Phương nói với tôi:
-Tao muốn đi du lịch.
-Đừng có điên, sức khỏe mày thế này làm sao mà đi?
-Trước khi chết, tao muốn đi du lịch.
-Mày không chết được đâu.
-Làm sao mày biết được?
Khi nghe câu nói đó, tôi cảm thấy tức giận, và đau lòng. Thế là tôi bật khóc. Tôi cũng không biết tôi giận gì, tôi chỉ biết người ngồi kế bên tôi lúc này, có thể sẽ đi mất bất cứ lúc nào. Dượng và mẹ dĩ nhiên không đồng ý cho nó đi, Phương cũng không nài nỉ. Hằng ngày, nó đều nói lặp đi lặp lại với tôi rằng, nó muốn đi du lịch, nó sẽ khỏe hơn để đi du lịch.
Và rồi một ngày nọ, nó biến mất khỏi nhà. Dượng và mẹ sợ tái mặt. Chúng tôi chạy ùa ra khỏi nhà, hỏi khắp nơi xem có ai thấy nó đâu không. Ai cũng ngơ ngác không hề biết Phương bỏ nhà đi lúc nào. Tôi xin nghỉ học, mẹ và dượng xin nghỉ làm, cả ba dáo dác đi tìm Phương. Chúng tôi đến cả đồn công an để trình báo, nhưng vẫn không nghe tin gì của nó. Một tối nọ, tôi nhận được điện thoại từ số lạ, giọng Phương nhẹ như gió, nó nói với tôi rằng:
-Tao đang ở biển. Mày có nghe tiếng sóng vỗ không?
Giọng nó nhẹ đến mức tôi không dám cất tiếng lớn, vì sợ sẽ làm đứt mất sự sống đang thoi thóp của nó. Phương đã ra đến biển, nhưng tôi e rằng đó chỉ là chút sức tàn của nó trước khi ra đi. Tôi chỉ có thể cùng nó lặng im nghe tiếng sóng vỗ. Phương nói với tôi rất nhiều chuyện, từ chuyện nó ghét cơ thể này, nó muốn được như tôi, nó muốn ra ngoài kia bay nhảy biết bao. Giọng Phương ấm và đều, nó nói rằng, chuyến đi này chính là niềm tự hào lớn nhất của nó, nó đã có thể một mình ra tới biển, nó tưởng tượng nó đang chờ một chuyến tàu lớn, và chuyến tàu này sẽ đưa nó ra khơi, đi xa thật xa. Nó cứ nói và tôi cứ nghe, ống nghe của tôi ướt đẫm nước mắt, nhưng tôi không khóc thành tiếng, vì tôi biết Phương đang vui lắm. Cuối cùng, khi trời đã sáng, Phương nói nhỏ thật nhỏ, khó khăn lắm tôi mới nghe được:
-Tao sắp đi đây. Nhiều khi mày ngốc lắm Thảo à, nhưng mày rất tử tế. Mày là gia đình của tao.
Rồi nó cười khúc khích. Tôi lặng lẽ cầm ống nghe, lặng lẽ khóc khi người bạn, người chị, người thân của tôi ở bên kia đầu dây rời khỏi cuộc sống này.
Năm tôi 18 tuổi, tôi đã có một người chị mạnh mẽ nhất trên đời này. Khi tôi nhớ về Phương, tô không nhớ về căn bệnh quái ác đó, mà chỉ nhớ cách sống kiêu hãnh cùng nụ cười thản nhiên của Phương. Chính điều ấy khiến tôi không bao giờ gục ngã, vì Phương đã không hề gục ngã, cho đến tận giây phút cuối cùng.
-BẢO CHÂU-
Chia sẻ từ tác giả: Một lần lang thang trên mạng, mình tình cờ đọc được một câu chuyện rất cảm động kể về một người bạn đã qua đời của T. Không một ai trong lớp T. thích người bạn này cho đến khi bạn ấy qua đời và họ đọc được nhật kí của bạn ấy. Bạn ấy bị bệnh tim bẩm sinh, nhưng cả lớp chưa một lần thấy bạn ấy bi quan hay than thở. Bạn ấy là một cô gái mạnh mẽ. Bạn ấy luôn nghĩ rằng thà làm mọi người ghét mình còn hơn là nhận được sự thương hại. Mình viết câu chuyện này chỉ để muốn nói rằng: Đừng nên vội vàng đánh giá một ai đó chỉ vì vẻ ngoài "đáng ghét" của họ. Nếu có thể, hãy cố tìm hiểu, vì biết đâu đó, bạn sẽ tìm thấy một thông điệp bí mật bên trong. Cố gắng hiểu một ai đó, để không bao giờ phải cảm thấy hối tiếc vì bất cứ điều gì.
-END-
+]m
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro