Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tóc chị Hoài

Chị Hoài không phải là người chị ruột tôi. Đấy chỉ là một người chị tôi mượn của cuộc đời bừa bộn những oan trái. Tôi đi xin được người chị hiền ấy ở đâu và từ thưở nào, thực cũng khó mà chỉ cho rõ được. Tôi chỉ biết rằng từ ngày bắt được chị giữa một cái ngã tư lộng gió của cuộc sống bạo ngược này, lòng tôi có thấy ấm và đỡ vắng hơn trước nhiều .Và ngẫm đến những thôi đường lăng nhăng dở dang một cách rất đẹp đẽ từ trước đến giờ, tôi phát một lời ước : " Giá mà ta có được một người chị ruột như vậy ? ". Giá mà như thế, thì làm sao ? Thì, thì cuộc đời hiện tại của tôi đã chẳng là cuộc đời tôi bây giờ nữa. Thì một đống va ly lữ hành kia-hình vuông, hình chữ nhật, nhớn nhỏ nhỡ, bằng ruột mây, bằng da, bằng gỗ, bằng bìa hoá học - tôi đã đem đánh đổi cả ra thành một cái gì vững hơn, yên nghỉ hơn, không đổi dời luôn. Có lẽ cái lô va ly của những tuần những kỳ xê dịch tôi sẽ đổi lấy một cái tủ áo rất to rất vững của một cảnh sống ngăn nắp căn cơ.Rồi chị ruột sẽ không bao giờ đi lấy chồng, rồi tôi sẽ tìm sinh thú ở cần lao chứ không ở nhàn tản nữa; ở một nhà, mỗi lúc có phải ra ngoài hỏi một ngôi chùa cổ, thăm một người bạn mệt, viếng một con sông lấp, khám một cái bia tàn, một khoảnh chợ cũ, đi mua hoa, mua quả, mua lá, mua cỏ là đều có nhau. Người chị ruột sẽ đính hộ tôi những cúc áo tuột chỉ, mạng những lỗ áo bị tàn thuốc dùi thủng, chăm non chĩnh tương vại cà liễn dưa và cắt cho những mẩu nhật trình có nhắc đến văn nghiệp của tôi - ví tôi có được một sự nghiệp trứ thuật đáng kể - rồi sưu tầm lại, dán lại và làm nhiều việc hiền lành khác nữa. Nếu như thế mà cũng còn chưa đủ vui cho tay chân và lòng, thì người chị tôi sẽ may thuê. Tôi đi viết mướn, chị tôi may thuê. Hai chị em dành dụm mua một cái máy khâu và một cái máy đánh chữ. Ở cái đời cơ khí này, nhiều khi cũng phải làm bạn với máy móc. Đêm đêm tiếng lách tách con chữ chiếc máy của tôi mổ xuống đệp giấy bóng sẽ làm bạn với những tiếng sè sè máy khâu dùi nhanh mũi kim xuống những vuông vải hồ cứng nơi bàn may của chị tôi. Ấy thế rồi trăng cứ việc chếch, đêm cứ việc vợi, người chung quanh cứ việc sống bằng mưu thuật, lòng hai chị em không oán Trời, không trách Người, chúng tôi cứ vui sống vàvui làm, mệt mỏi mà chưa xong công việc nhận thì lại pha một ấm trà ngay vào cái ấm chuyên đất của ông nội còn giữ được và,vào khoảng hai chén trà, hai chị em đọc chung một trang sách xưa luận về cái đức làm người.


Sự đời tính dễ thế mà trúng được kể cũng đã khó vậy thay ! Nghĩ đến cái chương trình sống được một cách bình dị như thế, lòng tôi thèm thuồng vui nhẹ và đợi chờ. Bất giác tôi lại nghĩ đến cái quãng thiếu thời của thầy tôi.Hồi thầy tôi còn để chỏm, ngày ngày tập bài chữ Hán trên trường quan Đốc tỉnh, cô tôi ngồi kèm thầy tôi học bên cạnh cái thúng khâu thuê các thứ áo; thầy tôi không thuộc bài thì dọa, dỗi và tháo tung những đường chỉ khâu dở. Cáichỗ thành được một thầy tú tài ký lục của thầy tôi về sau này, một phần lớn là nhờ ở người cô hy sinh đáng quý hoá ấy. Nói đến người cô tội nghiệp, tôi muốn rỏ mấy giọt nước mắt xuống ngay đây để khóc cho một cảnh đời gái già chỉ sống với trơ trọi. Con cái không có, chỉ biết vuốt ve có một con mãn mướp. À, trong cuộc sống muôn nghìn màu vẻ này, nó có nhiều mẩu đời lủi thủi lạ lùng lắm kia, những kẻ sung sướng ạ.


Thầy tôi, mỗi lúc có kiếm được chút bổng nào trong cái đời một người công chức, mỗi lúc thầy tôi có đưa riêng cho để tiêu vặt thì cô tôi lại để dành mua cá khô kho cho miu ăn dần và dúi riêng cho các cháu chơi quay đánh đáo và ăn quà vặt. Tôi là đứa cháu phá tán nhiều nhất và tàn nhẫn nhất về chỗ tiền đó. Cái tuổi ấy nào còn biết nghĩ đến ai. Hỡi cô ơi.


Nói đến chuyện con mãn mướp của cô tôi, bao giờ tôi quên được những dáng điệu lấm lét lúi húi của người cô sợ sệt mỗi lần mẹ tôi bắt được cô tôi dầm nhiều cá kho cho bát cơm mãn. Thấy lũ chúng tôi có cảm tình với con vật kia, mẹ chúng tôi có ý không bằng lòng và nói những câu mát mẻ : " Thôi tôi xin các ông mãnh đừng động vào đứa con riêng của bà ấy. Hòn ngọc đấy ".


Trời. Mẹ tôi gọi cô tôi là bà ấy và gọi con mãn mướp là một đứa con riêng !


Người chị tội nghiệp của thầy tôi qua đời ở một cái trại hoang, lúc nằm xuống, khó nhọc quá, mất đến mấy ngày mới " về " nổi. Ngày cuối cùng, cái miệng mếu máo còn cố nhai một chiếc bánh giò nguội tanh. Một thằng em tôi nhận ăn thừa tự. Cũng như cái sống thiếu thốn của cô tôi, cái chết lúi sùi của cô tôi đã chẳng cho thầy tôi lấy mảy may yên khuây. Nhưng thầy tôi còn có được chỗ an ủi là đã được có một người chị ruột khả kính thế để mà tưởng nhớ đến vong linh. Còn tôi? Giá tôi cũng có một người chị ruột thì, thì...


Chị Hoài chẳng hẳn là một người chị ruột, nên cuộc đời tôi vẫn chưa chịu lập lại hẳn. Cuộc cách mệnh hoàn toàn về tâm tính tôi chỉ có thể trông cậy vào một người chị ruột lý tưởng mà thôi. Còn như chị Hoài, dẫu chị có tốt mấy đi nữa, chị cũng chỉ là một người chị gượng, chị cũng vẫn là người của thiên hạ. Tôi mượn chị của cuộc đời rộng rãi, một ngày kia cuộc sống lớn lao lại có thể đòi mất. Cái của báu mà mượn được cũng là quý rồi. Mượn của cuộc sống thì lại gửi trả cho cuộc sống. Tôi giữ riệt lấy thế nào được.


Nghĩ đến chuyện có vay phải có trả này, lòng tôi thấy buồn một cách rất nên thơ. Rồi tôi vẫn sống nguyên cái đời xưa cũ của tôi, chẳng chịu sửa đổi thêm bớt tí nào, tự mình quấy ngầu ngày tháng mình lên cho thành bọt thành sóng cả, rồi lại tự mình đem mình ra làm một chiếc thuyền gỗ chạy trên những cái sóng nước thí nghiệm ấy. Và đang ngồi yên lành ở một nơi này thì lại nhớ tưởng đến một nơi nọ nào, đùng đùng ra đi để rồi lúc đến được cái chốn nọ thèm khát ấy thì lại đâm ra tiếc thương nơi mình vừa rời bỏ. Mỗi lần đổi chỗ là tôi lại gây thêm ra được dăm cái ơn tình và rất nhiều oán thù. Rồi tôi vẫn vênh váo đi giữa cuộc đời như một viễn khách không có quê hương nhất định, cái gì cũng ngờ hết, duy chỉcó tin chắc ở cái kho cái vốn tình cảm và cảm giác của mình. Sau mỗi ngày tập riết như thế để tự mình tìm lấy mình, lắm buổi đứng trước tấm gương bụi bặm soi mặt vào gương, tôi chỉ nhận thấy mặt tôi là một tảng gỗ đẽo vụng còn phải sửa chữa nhiều cho gọn hết những đường lởm chởm ấy đi. Buồn nhất là những lúc soi gương, hỏi kỹ cái bóng mình thần ra trong lòng gương lem nhem nước thuỷ cũ mỏi, tôi lại càng có cái cảm tưởng quái gở rằng mình chỉ là một người lẻ loi, một vị quan phu - tuy lúc bấy giờ tôi vẫn nhớ đến cái tiểu gia đình tôi quàn tạm ở một cái tỉnh nhỏ miền trong nọ.


Những lúc mỏi mệt như thế là tôi lại tìm lên nhà Chị Hoài, ngồi gần Chị Hoài. Có khi cả ngày tôi chỉ ngồi nhìn Chị Hoài. Người nhìn không cho thế là sỗ sàng và Chị Hoài cũng không tỏ vẻ ngượng. Hình như Chị Hoài cũng hiểu rằng chị đẹp thật và người đàn bà đã có một khuôn mặt đẹp mà lại không giấu cất được kín đi thì phải cho người chung quanh nhìn cho đến no thì mới phải đạo. Những cái nhìn vô tội ấy cũng chỉ như những cái nghe một câu hát sầu lạnh đượm một vẻ đẹp xa vắng thôi. Thể đến cái lòng yêu đẹp, muốn gần gũi cái đẹp, hiểu đến cái tình lành của tôi và luôn thể muốn cho tôi được thỏa thê ở cặp mắt đang cầu khẩn - Chị Hoài vốn là người tinh ý lắm, - chị giả vờ kêu mỏi, ngả lưng xuống chiếc giường rủ buông nửa lá màn the màu trứng sáo. Chị Hoài nằm xuống để cho tôi được thấy rõ mớ tóc. Chị vốn tự biết rằng tất cả cái đẹp ở người chị đều kết tụ vào một mớ tóc mây.


Chị Hoài có một lối nằm nghiêng mặc cả áo dài mà tôi tin rằng không thiếu phụ nào ở cái thời này bắt chước được. Nằm rất nũng nịu mà không hớ hênh, cũng như đã nhiều lần, chị làm dáng, làm đỏm mà vẫn không ra ngoài nét đoan trang, buồn mà không tẻ, vui mà không ồn, và lúc phải thô thì không tục. Có cái tài nhất là Chị Hoài mỗi lúc vừa nằm xuống rất nhẹ nhàng thì cả một mớ tóc trần quấn rất chắc ấy đổ tung xuôi xuống như một trận mưa rào đen nhánh. Rồi mớ tóc mây dài như một sải rưỡi ôm lấy gáy, ấp lấy bả vai. Cái người nào trong suốt một đời người mà không được ngắm một mớ tóc cho tử tế, thì cái thẩm mỹ quan của người ấy còn lung lay lắm, chưa lấy gì làm định.


Trong phòng, không một tiếng động. Tôi giở sách ra đọc. Cứ hết mỗi trang, ngước lên, tầm mắt tôi lại hạ đúng vào cái mớ tóc soai soải. Hai ngón tay tháp bút Chị Hoài đang vuốt xuôi những sợi tóc và giả vờ tuốt trứng chấy, lúc thưa, lúc mau. Tôi không nói gì. Người chị đẹp đang xoay mặt vào phía trong ấy cũng không nói gì. Chỉ có tôi đang nói chuyện với một mớ tóc mây. Chỉ có hai ngón tay Chị Hoài đang nói chuyện với những sợi chỉ tơ thâm một mớ tóc xoã. Gian nhà có hai người, lặng mà không vắng. Thế rồi trong giữa cái hiu quạnh tay đôi ấy khe khẽ nổi lên giọng kể truyện Nhị Độ Mai, khẽ nhẹ một cách rất mơ hồ thủ thỉ. Cái giọng trong trẻo cố thu bé lại hình như chỉ đủ riêng cho một người nghe vừa thôi, chứ đông người thì lại không thấy gì nữa. Chừng như Chị Hoài đã tính kỹ luồng âm thanh khi cất giọng cho vừa đủ kể truyện theo một lối thân mật âm trầm vừa vặn cho chỉ có hai người. Chị kể rằng:


" ... Mai Kha ới hỡi Mai Kha,


Rời nhau một bước nên xa mấy trùng ... "

Lòng tôi vụt trở nên thương nhớ thăm thẳm gấp mấy giọng hát u hoài ...Trong giây phút, đặt sách vào lòng, tôi thấy nhộn nhạo trong lồng ngực và ước muốn được làm ngay cái chàng Mai Sinh kia để còn được bồi hồi thêm nữa khi thẩm âm giọng kể truyện cũ. Ngả theo cái chiều tưởng tượng gây gây mùi hoài cựu, tôi nghĩ xa, tôi nghĩ gần, rồi tôi càng nhận thấy cả một đời Chị Hoài cũng chỉ là một đời nàng Hạnh Nguyên bước đi một bước là thêm một bước cống Hồ. Rặt cống Hồ. Cống hồ. Toàn là nhịp cống hồ. Toàn là cung nam. Nó chìm hẳn xuống, những tiếng tơ rầu. Bất giác, môi tôi cũng mấp máy, tôi cũng khe khẽ kể Nhị Độ Mai theo, theo một điệu than tuồng Bình Định cổ. Những câu tôi đột ngột nhớ đến để than Nam Xuân chỉ là một câu của Xuân Sinh :


" ... Một mình bước xuống làm thinh,


Mượn ai trên âââ ấy tự...hừ... ừ... tình dzơới ai.i ... "

Sau bốn câu rút ở tích cũ Hoa Mai Nở Hai Lần, Chị Hoài và tôi lại im lặng trong cái hiu quạnh tay đôi. Mãi một lúc lâu, Chị Hoài mới quay mặt ra phía ngoài, đôi mắt đỏ ngầu, cố làm ra giọng tự nhiên :


- Anh cũng thích cái đoạn tiễn biệt nơi Trùng Đài ấy lắm sao ? Đi xem tuồng cổ, lúc họ bày cảnh Trùng Đài, có phải lúc cầm tay nhau khóc trên sân khấu. Hạnh Nguyên và Mai Sinh,mỗi người đều đứng trên một cái ghế đẩu không ? Hôm nào anh thấy rạp tuồng ngoại ô quảng cáo diễn tuồng cổ về đoạn Nhị Độ Mai này, anh nhớ lên rủ tôi cùng đi với.


Tôi lảng sang chuyện khác:


- Chị có biết rằng chị có một lối quấn tóc thần tình lắm không ? Các bà ấy cùng đi chùa Nhang -(Chị Hoài, mỗi khi nói đến chữ hương, thường đọc chạnh ra là nhang, không hiểu vì lẽ gì. Thí dụ chùa Nhang, quê nhang. Từ ngày gần chị, tôi cũng thành ra nhiễm phải cái tật ấy) - về với chị đều kháo chuyện nhau rằng từ hôm khởi hành khỏi Hà Nội, xuống Hà Nam, nằm đò dọc suốt từ đấy vào Bến Đục, ngủ một đêm ở Chùa Ngoài, lượt về cũng lại nằm đò thêm một đêm nữa ở Phủ Lý mà tịnh không thấy chị phải quấn lại khăn sửa lại cái lưỡi trai đàng sau gáy, sửa lại mái tóc, sửa lại vành khăn. Mà các bà ấy mỗi khi nằm xuống rồi ngồi nhỏm dậy thì là cứ phải quấn lại, chít lại, dắt lại giọt khăn cứ luôn tay. Chị có một lối gối đầu riêng giữ cho khăn khỏi tuột sổ ? Cái lối chị quấn tóc trần lại càng lạ nữa. Chặt chẽ, chắc chắn không khác gì đánh đai lấy đầu ; như thế mà, như vừa rồi, chị khẽ nằm nhoài xuống một cái là tóc lại sổ tung đổ bung ra hết, mở gỡ hết rất chóng vánh dễ dàng, thế là thế nào hở chị?


Chị Hoài khẽ hé mộtnụ cười thong thả đầy kiêu hãnh:


- Anh hỏi để làm gì? Định làm sách sao? Đàn ông các anh hỏi chuyện đến là tỉ mẩn.


Một mâm cơm chiều soàng sĩnh đã bưng ra. Tôi lại tự mời tôi dự vào cái mâm cơm đạm bạc rau dưa ấy. Ý chừng người u già sạch sẽ ngoan ngoãn kia cũng đã tính trước đến cái tính suồng sã và cái tình đi lại thân thiết của tôi đối với Chị Hoài, nên mở lồng bàn ra, là đã sẵn có hai đôi đũa hai cái bát rồi. Tôi cầm đôi đũa mun bít bạc hai đầu và đoạn giữa có khảm xà cừ một giòng thơ đời Tống. Tôi cầm đến cái bát cổ chính hiệu, trôn bát in chữ Nội Phủ, thành bát vẽ Bảy Người Hiền Trong Rừng Trúc, buột miệng gợi đến cái cảnh thanh bần nhà Chị Hoài :" Ăn cơm trên chị, thực là ăn đũa ăn bát ".


Chị Hoài ra hiệu cho người u già mở vung niêu cơm đất xới trước cái lượt cơm hớt vào bát chị đã rồi mới đưa u già xới cho tôi độ lưng chừng bát.


- Ở nhà này bao giờ cũng có một đôi đũa đẹp dành riêng cho anh. Những lúc nào anh thấy trối ngấy lên về những món ăn nặng béo của các bữa cơm nhà trọ và cơm hiệu rồi, thì anh cứ lên đây nếu anh không chê những tạp vị này.


Người u già đứng phía sau Chị Hoài, tay bưng miệng tủm tỉm cười, cúi mặt nhìn xuống đất như dán mắt vào hai đầu ngón chân cái giao chỉ của u, cốt để giấu một cái vẻ vui mà già ta cho là sấc, không dám chia sẻ với Chị Hoài nuôi u. Không, hãy ngửng đầu lên mà cười cho thẳng thắn, hỡi bà u già cũ kỹ và ngoan ngoãn kia. U cứ ngửng mặt lên mà cười. Nếu Chị Hoài có lừ mắt mắng thầm u, tôi sẽ bênh cho. Một người đã từng nuôi nấng, ẵm bế, cho bú sữa và mớm cơm cho chủ từ những hai mươi mấy năm về trước như u đây, một người nhũ mẫu như u, có thể tự mình cho mình cái quyền vui cười chính đáng trước mặt chủ. Đừng sợ, già ạ.


- Thưa bà, nhân còn ít dưa muối hỏng, tôi mua cá trê nấu hết. Dạ, còn cá trê om mẻ nữa, sắp xong.


Dưa khú nấu với cá trê, nhiều người vẫn khen là ngon lắm. Nhưng tôi rất ghét cá trê vì đối với cái giống cá béo da không có vẩy và đen bóng này, tôi sẵn có một thành kiến sợ và tởm. Từ cái lần đi xem một đám bốc mả, lúc người ta cậy nắp ván thiên một cỗ ván thôi đầy ứ những nước có nhiều sao mỡ béo lềnh bềnh ở trong chất nước mả xương chưa tiêu đang nhung nhúc một đàn cá trê, từ cái lần được thấy lũ cá trê béo vàng ệnh ấy mà tôi cứ sợ mãi. Thấy ai dọn cho ăn cá trê là tôi giãy nảy lên, đưa đầu đũa đi chỗ khác hoặc kiếu đau bụng, nhức đầu, bỏ cơm, nếu mâm cơm không còn món ăn nào khác.


Nhưng đây là mâm cơm nhà Chị Hoài. Một người thanh thú như chị mà còn ăn được cá trê thì sao tôi lại không dám động đũa tới, ít ra là một lần này. Thôi tôi cũng đành liều. Tôi nhìn cái đĩa lá lật lớn đựng rau riếp thái chỉ rất nhỏ. Tôi nhìn cái bát sứ to vẽ Đàn Cá Hoá Long vượt những đợt sóng Vũ Môn, đựng cái chất nâu nâu, đen đen, nửa lõng bõng nửa sền sệt. Tôi gắp rất nhiều rau và dưa, gắp cả một cái xác ớt đỏ ngòm, tôi chỉ gỡ có một chút cá trê vào lòng bát cơm, gọn gàng thận trọng quá cái lúc tập ăn miếng mắm tôm đầu tiên vì quá nể lời mời của một người đàn bà có tài củi lửa. Tôi nhắm mắt, và ùa một miếng vào tận cái chỗ sâu nhất trong miệng, rùng mình một cái, rồi vừa nhai vừa ngửng đầu trông lên những dui kèo nhà như lúc bị nghẹn cơm.


- Anh làm cái bộ tịch gì mà kỳ quặc như vậy ? Nếu có thực là nghẹn thì nín thở và bắt đầu đếm đi. Đàn bà thì đếm chín và đàn ông thì đếm đến bảy là khỏi rồi.


Tôi cố nín, vừa nhai kỹ để ngẫm nghĩ về cái vị cá trê ăn lần đầu. Chờ đợi mãi không thấy có việc gì xảy ra, tôi lại gắp miếng thứ hai. Và đến miếng thứ ba thì thấy cá trê là một vị ngon. Từ ngày đó, không những tôi hết sợ cá trê mà lại còn đòi hỏi nữa.


Nếu đời tôi không gặp Chị Hoài thì có lẽ sự ăn uống của tôi không bao giờ lại có cái vị cá trê thêm thắt vào. Đấy là một cái kỷ niệm đáng kể. Đến nhà Chị Hoài mà ăn dưa khú nấu với cá trê thì thú thực. Thú, có cái nghĩa là được một dịp tốt để tủi hổ cho một cảnh đời. Quãng đời Chị Hoài cũng không khác một vại dưa muối hỏng mấy. Chỉ có một chút mắm muối non đi hoặc gia thêm cho đúng mà cái vô duyên đâm ra không thể chữa được đến như thế này đây. Ngẫm đến cái công ơn của Chị Hoài gây cho tôiđược thân gần loài cá trê mà muốn tán rộng thêm ra, tôi lại càng muốn nhắn những người ưa làm việc đời một câu rằng : "Muốn cho người chung quanh biểu đồng tình với mình về một cái sở thích của mình để đi tới một cái kết quả gì, trước hết phải gây được thiện cảm đã. Cái điều kiện Tình lúc này mạnh hơn điều kiện Lý. Người ta đã có cảm tình với mình, đã yêu mình rồi thì nói gì mà người ta không nghe ; lúc ấy chẳng cần phải giảng giải thế nào là phải hay không là phải."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: