Một: Tuổi Trẻ
"Bài tập về nhà hôm nay là Trình bày cảm nghĩ của em về tuổi trẻ. Các em làm bài rồi tuần sau nộp cho cô nhé!"
Như chỉ đợi câu này của giáo viên cất lên, lớp học ngay lập tức trở nên rộn ràng. Học sinh với tay cất sách vở vào cặp, rồi quay sang nhau trò chuyện khe khẽ.
Bạn cùng bàn quay sang hỏi tôi:
"Sao tự nhiên cô lại cho đề ngoài sách nhỉ?"
Tôi lắc đầu, ậm ừ đáp một câu mà tôi cho là tiêu chuẩn nhất để kết thúc cuộc hội thoại.
"Mình không biết..."
Nhận được câu trả lời của tôi, cô bạn chỉ so vai rồi quay sang nói chuyện với bạn bàn dưới, có vẻ chẳng mấy bất ngờ. Học cùng nhau gần một năm, hẳn cô không còn lạ gì cái tính này của tôi nữa.
Tôi gặp vấn đề trong giao tiếp với người khác - phải thừa nhận một điều như vậy. Đó là lý do trong lớp không có ai thân thiết với tôi. Bạn xã giao thì có, nhưng bạn thân thì tuyệt nhiên không - từ hồi tiểu học đến giờ vẫn vậy. Nghe thì có vẻ cô đơn, nhưng với người không có hứng thú tiếp xúc với người khác như tôi, thật ra không phải chuyện gì to tát. Chỉ là đôi khi nhìn bạn bè tụm năm tụm ba vui vẻ trò chuyện trong khi bản thân chỉ biết ngồi một chỗ giả vờ làm bài, tôi thấy bản thân hèn mọn và đáng thương biết mấy.
Nhìn dòng chữ ghi đề bài nghiêng nghiêng trên bảng, tay vô thức lia bút. Tuổi trẻ của em đang bị mài mòn bởi những ngày tháng như thế này, tôi viết, rồi nhanh chóng gạch đi. Ý nghĩ như thế chỉ được phép tồn tại trên trang giấy không quá hai mươi giây.
Tôi nhìn đồng hồ, còn năm phút nữa mới hết giờ. Tiếng nói chuyện không dứt xung quanh vẫn lọt vào tai. Hướng mắt về phía cửa sổ, một chú chim sẻ đang đậu ở đấy. Nó rỉa lông, chốc chốc lại ngước lên nhìn quanh lớp. Mắt nó tròn xoe, tôi chẳng thể nhìn ra cảm xúc gì trong đôi mắt ấy. Bỗng nhiên, một cơn gió vụt qua, chú chim cũng nương theo đó mà vỗ cánh bay đi, chẳng mấy chốc chỉ còn là một chấm đen trên nền trời xanh ngắt. Tôi nhìn theo, theo mãi, đến tận khi tiếng trống trường vang lên vẫn còn ngơ ngác với cánh chim nhỏ bé vừa rồi.
Chú chim ấy đang nghĩ gì nhỉ? Tôi vừa băn khoăn vừa chậm chạp thu dọn sách vở. Như mọi khi, tôi là người rời khỏi lớp cuối cùng. Tôi không muốn chạm mặt với các bạn cùng lớp. Tôi sợ những tiếng chào cất lên từ những người bạn ấy, ái ngại với câu "Hẹn mai gặp lại" mà họ thốt ra. Mỗi khi đối diện với sự tươi tắn trên những gương mặt hồn nhiên nở nụ cười, tôi đều có cảm giác bơ vơ và lạc lõng, bởi cho dù cố đến mức nào, tôi vẫn chẳng thể hiểu nổi vì sao mọi người có thể hào hứng với những điều sẽ diễn ra vào ngày mai đến thế.
*
Đẩy chiếc cửa gỗ quen thuộc, tôi bưng khay thức ăn bước vào phòng. Mùi thuốc lập tức xông vào mũi khiến tôi nhăn mày. Tôi bước về phía giường nơi bà tôi đang nằm nghỉ.
"Bà ơi, đến giờ ăn tối rồi."
Nghe tiếng tôi gọi, bà nhúc nhích. Tôi vội đặt khay lên chiếc bàn cạnh giường rồi đến đỡ bà dậy. Bà lại sụt cân rồi, suy nghĩ nhẹ hẫng ấy lướt qua đầu tôi.
Theo từng cử động của bà, xương khớp lại vang lên tiếng răng rắc. Trong một thoáng, tôi nhớ đến con búp bê hồi nhỏ được mẹ mua cho, khi bàn tay tôi dùng sức vặn những khớp tay chân của búp bê, nó cũng có tiếng như vậy, như thể chỉ cần một tác động mạnh thôi, cơ thể gầy yếu của bà cũng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.
"Đã tối rồi à..."
Giọng bà khàn đặc, tôi có cảm giác bà phải cố gắng lắm mới thốt lên được mấy từ ấy. Bàn tay chai sạn của bà chạm vào tay tôi, có cảm giác ran rát. Tôi còn nhớ hồi bé tôi rất thích xúc cảm này, lúc nào cũng dùng bàn tay non nớt xoa xoa khắp làn da của bà, nhưng khi dần lớn lên, nhìn những gân xanh tím hằn rõ trên bàn tay gầy guộc ấy, lòng tôi chỉ trào dâng một cảm xúc chua xót khó tả.
Gia đình tôi không nghèo nhưng cũng chẳng dư dả, từ ngày ông nội mất, bố đón bà về đây thì cả nhà liền rơi vào cảnh thiếu thốn. Thêm một miệng ăn lại là người già vốn không thành vấn đề, nhưng điều đáng nói là thi thoảng mỗi tháng bệnh tình của bà lại tái phát khiến bố mẹ tôi phải lao đao với tiền thuốc men. Dĩ nhiên bố mẹ không nói cho tôi biết chuyện này, nhưng những nếp nhăn hằn trên trán và những tiếng tranh cãi to nhỏ trong phòng hai người lúc nửa đêm vẫn không thể giấu nổi tôi, và có lẽ là cả bà.
Tôi không oán trách bà, hay nói đúng hơn, tôi không được phép oán trách bà, vì bà là người đã chăm sóc tôi trong suốt khoảng thời gian ấu thơ. Nhưng sự thật là từ khi bà đến ở, những món ăn trong bữa tối vốn đã không nhiều lại càng ít đi, tôi thậm chí còn nhiều lần bị giáo viên nhắc nhở về vấn đề tiền học. Nếu cứ như vậy, tôi không biết liệu bản thân có thể giữ được thứ tình thương này đến bao giờ nữa. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết vùi đầu vào gối mà than "Mình là đứa xấu xa..."
"Hôm nay đi học thế nào hả cháu?"
Bà hỏi tôi một câu giống mọi ngày.
"Bình thường ạ."
"Vẫn là bình thường à?"
Sau câu trả lời của tôi, bà lại hỏi lại bằng câu hỏi ấy. Nếu đây là một bộ phim với tôi và bà là nhân vật chính, vậy thì chắc chắn đây sẽ là bộ phim vô cùng tẻ nhạt, và nếu tôi là khán giả, chắc chắn tôi sẽ bỏ xem ngay từ tập đầu tiên; nhưng vì tôi không phải người xem, nên tôi phải theo nó đến cùng.
Bà thở dài, nói:
"Bà thật lòng khuyên cháu hãy tận hưởng khoảng thời gian bình thường ấy đi. Bởi vì tuổi trẻ ấy à, trôi qua nhanh lắm..."
Tôi chớp mắt, chẳng tài nào hiểu nổi. Những câu kiểu như thế này, tôi nghe trên lớp, rồi sách vở, báo đài, đến phát chán rồi.
"Cháu không thích đi học, cháu chỉ muốn làm trẻ con thôi. Như ngày xưa ấy."
"Ngày xưa à... Cháu thích sống cùng ông bà già này lắm hả? Chắc là chán lắm đúng không?"
"Không đâu ạ... Cháu nhớ vườn tử đinh hương cạnh nhà lắm. Hồi đó cháu toàn lén ông bà chạy ra đó chơi."
"Hồi đó cháu nghịch hơn bây giờ nhiều, chuyên đi ngắt hoa trong vườn nhà người ta."
"Vâng, sau đó thì bị bà mắng cho một trận ạ."
"Chưa gì cháu đã lên cấp hai rồi, còn bà thì chẳng còn sức mà mắng cháu nữa."
Tôi ngồi bên giường, nghiêng đầu nhìn qua ô cửa sổ. Trời nhạt, nhưng tôi cảm giác trong đôi mắt ngập tràn ánh nắng. Những ngày hè của ký ức bất chợt hiện về. Ngày ấy, tôi thường ngồi cạnh bà thưởng thức vạt nắng bình yên và lắng nghe những câu chuyện bà kể. Về cô Tấm, về Tích Chu, cô bé bán diêm hay rùa và thỏ... Chúng nuôi dưỡng tâm hồn tôi, chúng bao bọc tôi trong bầu nước ấm. Trong trẻo, êm dịu, chữa lành. Và rồi, khi trái tim hãy chưa nguôi thổn thức, tiếng gọi của ông từ trong bếp vọng ra đánh thức hai bà cháu: đã đến giờ ăn trưa.
Ngày qua ngày. Rõ ràng đều là "lặp lại", vậy mà sao những năm tháng ấy lại vui vẻ và yên bình đến thế?
"Cháu có muốn nghe chuyện cổ tích không?"
Giọng bà khẽ khàng lọt vào tai tôi. Tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao đột nhiên bà hỏi như vậy. Dù vậy, tôi vẫn đáp:
"Có ạ."
Và bà bắt đầu kể: Trong câu chuyện của bà nhẹ tiếng gió và ngát hương hoa. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy hoa tử đinh hương đẹp đến thế.
"Sao truyện cổ tích mà kết lại không có hậu vậy bà? Đáng lẽ họ phải vượt qua mọi khó khăn rồi sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi chứ?"
"Ha ha, vì cuộc sống là thế mà. Bởi cháu lớn rồi nên bà không kể những truyện như ngày xưa nữa."
"Cháu vẫn còn bé mà!"
Bà cười, đôi mắt màu trà híp lại. Năm nay bà đã ngoài sáu mươi, cơ thể ốm yếu đầy bệnh tật nhưng đôi mắt thì vẫn sáng trong như thời thiếu nữ. Tôi biết điều đó vì tôi cũng được thừa hưởng đôi mắt ấy từ bà. Đôi mắt trầm lắng, có hồn như đọc được tâm tư người khác. Bà từng kể hồi trẻ bà được nhiều người theo đuổi cũng là vì đôi mắt này, dù vậy cuối cùng, bà đã chọn ông nội tôi. Khi tôi hỏi lý do, bà cười mà rằng: "Vì ông yêu bà chứ không phải chỉ say mê đôi mắt!"
"Vậy đó thực sự là kết thúc cuối cùng của câu chuyện sao?"
Tôi hỏi bà, vẫn cố níu một tia hi vọng cuối cùng cho một cái kết tốt đẹp hơn.
Bà không trả lời. Lát sau, bà hỏi.
"Có một cửa hàng chỉ bán ba thứ: Tuổi Trẻ, Tình Yêu và Cái Chết. Nếu mua Tuổi Trẻ, cháu có thể quay ngược thời gian, sống lại trong những khoảnh khắc đẹp nhất đời người. Mua Tình Yêu, cháu sẽ tìm được hạnh phúc trọn vẹn. Còn mua Cái Chết, sẽ không còn đớn đau hay tiếc nuối khi cháu chết đi. Nếu chỉ được chọn một lần duy nhất, cháu sẽ chọn thứ gì?"
Gần như tức thì, tôi đáp.
"Cháu sẽ chọn Cái Chết."
"Vì sao?"
"Đối với học sinh lớp 6 như cháu thì tình yêu lứa đôi quá xa vời. Sống lại trong tuổi trẻ rồi cuối cùng vẫn phải đối mặt với cái chết, Thần Chết không bỏ qua một ai cả. Vậy ngay từ đầu chọn Cái Chết chẳng phải đỡ mất thời gian hơn sao?"
Vả lại, đôi khi, cái chết là một sự giải thoát.
Tôi khép mi, không dám nhìn thẳng vào đôi mắt màu trà của bà.
"Chà chà. Cháu giải thích cứ như bà cụ non ấy. Nhưng Tình Yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa đâu. Và nghe này: Con người ai cũng sợ cái chết."
"Vì sao ạ?"
Lần này đến lượt tôi thắc mắc. Bà chỉ cười, không nói.
Nhiều năm sau đó, đứng bên giường bà, nhìn Thần Chết từ từ giương lưỡi hái xuống, tôi hỏi lại bà câu hỏi năm ấy. Vì sao con người sợ cái chết? Lần này, tôi đã nhận được câu trả lời.
"Con người ai cũng sợ cái chết."
Bởi vì...
Cuối cùng tôi đã hiểu những lời bà nói. Tuổi trẻ ngắn ngủi, nhưng người ta thường chỉ đúc kết ra điều ấy khi khoảng thời gian đẹp đẽ ấy đã qua đi. Tôi bỗng nhớ đến bài kiểm tra về tuổi trẻ năm lớp 6. Khi đó hình như tôi đã lấy câu chuyện bà kể làm chủ đề để viết và đạt điểm cao, giáo viên khen tôi rất nhiều và bạn bè cũng tỏ vẻ ngưỡng mộ tôi.
Thực ra, những gì tôi viết là những gì tôi thực sự muốn làm.
Tôi đặt bó hoa tử đinh hương trắng lên mộ bà. Nhìn khuôn mặt hiền từ và đôi mắt màu trà ấm áp của bà trong ảnh, tôi bần thần hồi lâu. Tôi nghe giọng nói thoát khỏi môi, quyện vào gió và tan vào bầu trời.
"Nếu có thể, cháu muốn được quay về những ngày hè tẻ nhạt ấy."
Khi tôi đặt bút viết những dòng này, bên cạnh tôi là một cành tử đinh hương.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro