Venise Và những Cuộc Tình Gondola
Venise Và những Cuộc Tình Gondola
Những ghi chép ngoài truyện
Càng trẻ, người ta càng có nhu cầu được học hỏi, được đi xa, được tiếp cận với những nền văn hóa phong phú và nhất là được giao du với bạn bè không cùng ngôn ngữ lẫn màu da. Sau mỗi chuyến đi, có người đem về những bức hình tuyệt đẹp, những món quà lưu niệm và những mối quan hệ lý thú. Riêng tôi, được viết truyện lấy bối cảnh ở nước ngoài với những nhân vật ngộ nghĩnh và những mối tình nhẹ nhàng, là một "cơn nghiện". Các cuốn sách
Bồ câu chung mái vòm, Hành trình của những người trẻ, Oxford thương yêu, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình
là những gì tôi "thu hoạch" được. Tuy nhiên có những điều tôi không thể chia sẻ với mọi người chỉ thông qua nhũng nhân vật tưởng tượng và những cuộc tình "tiểu thuyết". Những con người tuyệt vời tôi đã gặp, những danh lam thắng cảnh tôi đã qua, giây phút xúc động "xa quên hương ngộ cố tri"..., tất cả sẽ được tôi đưa vào tập sách này. Đó là những chi tiết thật, là cuộc đời thật, là những gì độc giả không thể lắc đầu chê tôi khéo tưởng tượng.
Thông qua cuốn sách, tôi mong được truyền cho các bạn trẻ niềm đam mê học hỏi, tính xốc vác, thú chu du. Đây không phải là "cẩm nang du lịch", càng không phải là sách du khảo-du ký. Bạn chỉ có thể gọi đó là "những ghi chép ngoài truyện" của tôi. Bạn cũng có thể hiểu vì sao tôi viết
Đổ thừa Venise, Tú cầu vùng Bretagne, Con gà nói tiếng Đức, Diên vĩ đồng Provence,
và nhất là
Oxford thương yêu
. Và nếu sau khi đọc tâp sách này, bạn được thôi thúc để tìm đến "Paris với những vườn văn thơ", "Brest sấm sét", "Bruxelles hóm hỉnh", "Lisbon hiền hòa", "Sững sờ Florence", "Eau de Cologne"...., hãy cho tôi cùng chia sẻ những giờ phút tuyệt vời nhất: được dấn thân.
Ba lần thi để được xuất ngoại
Cuốn sách cũng là để kỉ niệm 10 năm tôi được xuất ngoại. Tôi xin được chia sẻ những nỗ lực để có được chuyến đi đầu tiên này. Học tiếng Pháp từ nhỏ, ước mơ được một lần đặt chân đến kinh thành ánh sáng luôn thôi thúc tôi. Cuộc thi "Concours IDECAF" tìm hiểu về nước Pháp (do Lãnh sự quán Pháp tổ chức kết hợp với Viện trao đổi văn hóa Pháp - IDECAF) với phần thưởng dành cho người đứng nhất là một chuyến du lịch sang Pháp trong vòng một tháng thật hấp dẫn. Đây chính là con đường khá dĩ nhất nếu tôi muốn xuất ngoại.
Tôi đã cố gắng tìm gặp những người khách du lịch để thực tập tiếng. Ở đâu có người nói tiếng Pháp là có tôi lân la. Tôi kết bạn với rất nhiều căp vợ chồng sang Việt Nam xin con nuôi. Tôi xông xáo chở họ đi đây đó, làm "hướng dẫn viên" giúp họ thăm thú thành phố, cùng đến các cô nhi viện tìm trẻ bị bỏ rơi và mời họ về nhà dùng cơm thân mật. Và tôi trở thành mẹ đỡ đầu cho một em bé Việt Nam được một gia đình Pháp nhận nuôi. Do tiếp xúc nhiều, tôi tiến bộ rõ rệt trong cách phát âm, có nhiều từ lóng, tốc độ nói nhanh hơn. Những người bạn nước ngoàikhi đã về nước luôn gởi sách báo giúp tôi trau dồi thêm ngoại ngữ.
Khi đã là sinh viên năm nhất khoa Pháp trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, tôi mạnh dạn đăng kí dự thi "Concours IDECAF" và... thất bại. Có quá nhiều người giỏi nên tôi phải nỗ lực hơn nữa. Tôi tham gia làm việc bán thời gian, phiên dịch cho những thương gia sang Việt Nam tìm thị trường. Rồi tôi trở thành đại diện cho một công ty nhỏ, lãnh lương cố định hẳn hoi. Tôi đã kinh ngạc hỏi ông giám đốc vì sao lại chọn một sinh viên không chút kinh nghiệm thương trường, chỉ biết có mỗi ngoại ngữ làm đại diện văn phòng. Ông trả lời: "Kinh nghiệm rồi sẽ đến theo năm tháng, còn sự nhiệt tình, tính ham học hỏi và lòng trung thực không phải ai cũng có!". Được khích lệ bởi câu nói này, tôi tiếp tục dự thi "Concours IDECAF" và đến lần thứ ba, cuối cùng tôi đã đạt ước nguyện.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên
Vậy là lần đầu xuất ngoại tôi được hai mươi hai tuổi, đang à sinh viên Cao học của CFVG (Trung tâm Pháp - Việt đào tạo MBA). Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là máy bay. Sau mười mấy tiếng đồng hồ vật vã vì bệnh say xe, tôi... lảo đảo bước xuống phi trường Charles De Gaulles. Mùa hè năm đó, nước Pháp đang sục sôi vì vô địch World Cup France 98, khắp nơi cờ phướn rợp trời. Lóng ngóng còn hơn "Tư Ếch đi Sài Gòn", tôi đã "mò mẫm" đi xe bus của hãng Air France vào Paris. Đến văn phòng cấp học bổng thì lại bị bảo phải quay lại phi trường để đi tiếp xuống tỉnh Brest. Bị đẩy ra đường, tôi run lập cập vừa đi vừa hỏi, cuối cùng cũng quay lại được phi trường sau mấy tiếng đồng hồ chu du bằng xe điện ngầm và xe bus. Khi về đến Brest với những cái bao nilon bốc mùi trên tay (vì liên tục bị say xe), tôi... khóc lóc thảm thiết, lòng oán hận bị "đem con bỏ chợ" và thề độc sẽ không bao giờ... đi nước ngoài nữa. Nhưng chỉ sang ngày hôm sau, khi đã hồi phục phần nào sức khỏe, toi hăm hở sục sạo khắp nơi. Tôi làm quen với những ông bà già, trẻ con và những… người thất nghiệp ngoài đường phố. Tôi “sống gấp”, di chuyển lien tục từ tỉnh này sang tỉnh khác theo lơi mời của những gia đình xin con nuôi và những người khách du lịch ngày trước từng quen biết với mình. Đi đến đâu tôi cũng được mọi người nồng nhiệt đón tiếp như muốn “trả ơn” ngày trước tôi nhiệt tình giúp họ ở Việt Nam. Họ chở tôi đi thăm thú khắp nơi, tôi say sưa chiêm ngưỡng kiến trúc, phong cảnh và nền ẩm thực Pháp.
Trong vòng một tháng ngắn ngủi, tôi đi thăm hầu hết những tỉnh đặc trưng của Pháp. Sau đó tôi sang Thụy Sĩ và ở một tháng với đất nước thần tiên này. Sau chuyến xuất ngoại đầu tiên đó, tôi “dằn túi” những trải nghiệm ngọt ngào và cả những kinh nghiệm “xương máu” về cách mua vé tàu xe, cách vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, những ngày làm phục vụ bàn ở Pháp, hái nho ở Thụy Sĩ, cách tiếp xúc với người địa phương… Những truyện ngắn
Tú cầu vùng Bretagne, Đồi nho xanh, Hội người già xa xứ,…
ra đời như nhu cầu được chia sẻ.
Những chuyến đi bụi
Hai năm sau chuyến xuất ngoại đầu tiên đó, tôi được sang Pháp tu nghiệp về nghề báo và cách quản lý một tờ báo tại Ouest France, tờ nhật báo có số phát hành cao nhất nước Pháp. Ba tháng trôi qua với biết bao kiến thức nhận được nhưng cũng lắm khó khăn làm “nản lòng chiến sĩ”. Mỗi sáng tôi vác dù đi bộ dưới làn mưa thu cả nưuax tiếng đồng hồ vì muốn… tiết kiệm tiền xe bus. Có những ngày mưa lớn quá, tôi đành bấm bụng mua vé xe, nhưng xui xẻo lại rơi vào lúc liên doàn xe bus đình công. Đi được vài trạm đã bi đuổi xuống. Những ngày cuối tuần tôi nằm chèo queo trong căn phòng nhỏ xíu như hộp quẹt, không bạn bè, không truyền hình, không sách báo. Phố xá vắng tanh, cửa hàng đóng hết. Truyện
Một mùa thu ở Rennes
là một kỷ niệm cho những ngày “thu cô đơn” này.
Hết thời gian tu nghiệp, tôi vác balô đi bụi khắp các nước châu Âu. Những chuyến đi gần như đơn độc, tôi ngồi xe đò và xe lửa đêm xuyên biên giới. Trên chuyến tàu sang Đức, tôi bị một thằng nhóc mười tám tuổi năn nỉ xin… hôn một cái. Ở Bỉ tôi lạc vào một con phố vắng và bắt gặp một người đàn ông đang… khỏa thân phần dưới, báo hại tôi vắt giò lên cổ chạy trối chết. Ỏ Hà Lan tôi bị chủ nhà trọ vô tình xếp ngủ cùng phòng với hai sinh viên nam (do tên Việt Nam không phân biệt được tôi là nam hay nữ). Ở Tây Ban Nha tôi suýt bị “làm thịt”, may sao vào phút tám chín có quới nhân can thiệp kịp. Ba tháng tôi lang bạt kỳ hồ ở châu Âu với những phòng trọ rẻ tiền ở cùng người lạ.những chuyến xe giảm năm mươi phần trăm vé vì đi vào những thời điểm không thuận lợi, những bữa ăn vô cùng đạm bạc chỉ gồm bánh mì và nước lọc mua trong siêu thị, thỉnh thoảng mới dám “hùng dũng” chui vào Mc Donald. Những truyện ngắn
Con gà nói tiếng Đức, Đổ thừa Venise, Mùa hè ở Barcelone…
được độc giả cho là lãng mạn, chỉ có tôi mới biets tình hình thực tế “thê thảm” thế nào.
Du học và những chuyến công tác
Càng đi, càng tiếp xúc, càng trải nghiệm ở xứ người, tôi càng… say máu xuất ngoại. Tôi lên kế hoạch tìm học bổng du học. Suôt một năm ròng tôi miệt mài viết thư cho các Đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ, các trường Đại học. Chiến dịch kết thúc với vài lời đề nghị nhưng tôi chọn suất học bông toàn phần của chính phủ Bỉ. Tôi xúc động nhận ra một điều: nếu biết làm việc một cách chuyên nghiệp và nhiệt tình. Trời sẽ không phụ lòng!
Tôi “cụ bị” đồ đạc, hăm hở lên đường sang Bỉ học Cao học Quản trị kinh doanh tại Đại học Liège, một trường thuộc loại cổ xưa của châu Âu. Những vui buồn đời du học sinh với những áp lực trong học tập, những ánh mắt kỳ thị của dân bản xứ, tình bạn tha thiết với những cô nàng da đen, những anh chàng mũi lõ, tình thầy trò nồng ấm với giáo sư đỡ đầu… được tôi truyền tải vào các truyện ngắn
Bồ câu chung mái vòm, Đồng môn xứ lạ, Đừng giận tình si…
Đặc biệt, đời du học sinh trong một năm ngắn ngủi nhưng đầy ắp xúc cảm là chất liệu sống để tôi hoàn thành truyện dài
Oxford thương yêu
.
Tôi có thể ăn uống kham khổ, ngủ bờ ngủ bụi, chi tiêu bủn xỉn vì muốn để dành tiền đi đây đó. Càng “lăn lóc” bao nhiêu tôi càng có nhiều trải nghiệm quý giá bấy nhiêu. Và sau những chuyến phiêu lưu ấy, tôi ấm lòng nhận ra thế giới này người tốt luôn nhiều hơn kẻ xấu. Giờ tuy bận rộn công việc và gia đình, những lúc đi công tác ra nước ngoài tôi đều tranh thủ ở lại để thăm thú thêm nơi mình đến. Lisbon thân thiện đã cho tôi quyết định sẽ xây dựng mộ nhân vật nam người Bồ Đào Nha thật lý tưởng. Đó chính là Fernando trong
Oxford thương yêu
. Chuyến tu nghiệp ở Anh một tháng và vài ngày ở Oxford đủ khiến tôi cả gan chọn nơi đây làm bối cảnh chính cho truyện dài đầu tiên của mình.
Giờ tôi đã chẳng còn bệnh say xe do đã đi quá nhiều. Với tôi, những chuyến đi sẽ không bao giờ ngơi. Hãy cùng tôi đi khắp châu Âu trong suốt mười năm vừa qua nhé!
PHÁP
Paris ơi, bonjour!
Lần đầu đến Paris năm 1998, tôi hơi thất vọng vì trước đó hình dung kinh thành ánh sáng phải hoa lệ lắm. Học tiếng Pháp từ nhỏ với những giáo trình luôn ca ngợi Paris, tôi đắm chìm trong niềm mơ ước được một làn đặt chân lên thủ đô xinh đẹp của đất nước mang hình lục giác. Paris với đồi Monmatre, giáo đường Sacré Coeur, tháp Eiffel, công viên Lucxembourg, đại lộ Champs Élysée, Khải Hoàn Môn... tát cả đều được mô tả thật lộng lẫy, lãng mạn và không một tì vết. Thế nhưng khi lần đầu được chiêm ngưỡng dung nhan Paris, tôi biết mình đã quá giàu trí tưởng tượng.
Người vô gia cư trong gió rét
Paris vẫn đẹp với những gì người ta hay nhắc đến, Paris vẫn hoa lệ rực rỡ ánh đèn màu, Paris vẫn sang trọng với những cửa hàng cao cấp, nhưng tôi không thấy được cái hồn của thành phố có số khách du lịch thuộc loại cao nhất thế giới này. Những thành phố ít nổi tiếng hơn của Pháp lại được tôi yêu thích hơn, như Avignon, Aix en Provence, Grenoble... Đặc biệt có nơi hoàn toàn tỉnh lẻ nhưng tôi thấy xúc động khi đứng trước một của sổ gỗ màu xanh nhẹ nhàng hay những con đường lát đá thật duyên dáng. Có lẽ tôi đòi hỏi quá cao khi muốn Paris phải thật hoàn hảo, nên đã thất vọng khi nhìn thấy những người vô gia cư tái mình trong gió rét, những đoạn xe điện ngầm chen chúc, những con đường đầy rác, sông Seine đục ngầu và cả những "bãi mìn" của lũ chó cưng rái rác khắp nơi.
Hai năm sau, may mắn lại đến với tôi khi được quay lai nước Pháp. Lần này do không còn ảo tưởng về những thành phố châu Âu, tôi vui mừng được gặp lại Paris với tháp Eiffel chơi vơi, nhà thờ Đức Bà cổ kính, bảo tàng Louvre đa dạng. Bà Michèle, một người bạn thân thiết dù lớn hơn tôi đến bốn chục tuổi, đã nhiejt tình đón tôi về nahf, đưa tôi đi dạo đây đó, vào những con hẻm nhỏ vô danh, đến những tiệm ăn trong góc khuất. Lạ lùng thay, tôi bắt đầu thấy yêu Paris khi tiếp cận với cuộc sông thật ở đây.
Khi đi du học ở Bỉ, tôi đã buồn vơ vẩn mỗi khi nhớ về Paris, lòng thường hay nuối tiếc mình không được học ở đây. Tuy nhiên, tôi tự biết mình không thể chịu đựng nổi cuộc sống ở Paris nếu phải sống dài hạn. Tôi ngại phải di chuyển rất xa trong thế giới dưới hầm của hệ thống xe điện ngầm, tôi không thích cuộc sống đắt đỏ, tôi không ưa cảnh chen chúc. Thỉnh thoảng trong những kì nghỉ, tôi vẫn từ Bỉ đáp xe lửa hay xe đò về thăm lại Paris, xúc động nhìn người bạn già của mình đứng đón trong làn gió rét te tái rồi cũng chính bà đưa tôi lên xe quay lại Bỉ trong ánh mắt yêu thương và cái vẫy tay không muốn rời. Từ đó, tôi nhận ra Paris còn những người lớ tuổi cô đơn thật đáng yêu, như Michèle mà sau này tôi nhận làm mẹ tinh thần.
Cô đơn giữa Paris
Vào cuối năm 2005, tôi có dịp quay lại châu Âu, ghé vào thủ đô nước Pháp thăm lại bà mẹ Paris của mình. Chúng tôi quấn quýt bên nhau, cùng nhau đi dạo khắp nơi để được cảm nhận Paris thật gần. Khi từ trụ sở tập đoàn Sanofi-Aventis mà tôi đang làm việc trở về, tôi đã ngỡ ngàng nhìn thấy một bà lão gần chín mươi tuổi sống một mình trên một chiếc xà lan có mui. Bà cụ nói mình là Ma-đàm Petit, chồng chết nhiều năm, không con cái, không người thân, không ai quan tâm chăm sóc. Bà âm thầm chống chọi với sự cô đơn, với cái rét mùa đông, với cái nóng mùa hè, với tiếng động bất an trong đêm khuya, với những cơn bệnh không tên của người biết mình đã gần về với Chúa. Vài ngày một lần bà già phải leo từ xà lan ra đường phố để mua thức ăn. Có những ngày mực nước xuống thấp hơn con đường, bà loay hoay mãi không leo ra được, đành buồn rầu ngồi chờ không biết chừng nào mới có thể thoát ra. Tôi không hiểu nổi tại một khu phố với nhiều tòa nhà cao tầng của hàng trăm công ty, tại con sông Seine trứ danh vắt ngang Paris, tại một thủ đô của đất nước đề cao những giá trị con người lại có một Ma-đàm Petit tồn tại như thế. Tôi cố thuyết phục bà già leo lên bờ để đến tạm trú tại một nhà dưỡng lão nào đó, song bà cự tuyệt: “Cả đời tôi sống và làm việc trên chiếc xà lan này, tôi đã chuyên chở ngũ cốc cùng ông nhà tôi. Tôi không đi đâu hết. Rồi tôi sẽ chết ở đây, có thể lâu lắm người ta mới tìm ra, nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác.”
Cứ như một cái duyên không dứt, thỉnh thoảng tôi lại quay về Paris trong những dịp công tác. Tôi đi Paris nhiều đến nỗi những người bạn Pháp ở các tỉnh phải đùa rằng “Mày thành Parisienne rồi!” (dân Paris). Tôi thích Paris chẳng phải vì Paris là kinh thành ánh sáng mà để ru lòng mình nơi đây có cuộc sống vô cùng phong phú, với những kiếp người thật trái ngược nhau, với những cảnh tượng vô cùng đối lập. Song đó mới thật là một cuộc đời đúng nghĩa, với những ai muốn bon chen sẽ có nhiều cơ hội, những ai thích dừng chân vẫn tồn tại giữa cuộc sống đang trôi. Paris là nơi luôn quyến rũ người ta đến, để rồi một lần ghé qua sẽ chẳng thể nào dứt nổi lòng ham muốn được lần sau quay lại. Và tôi biết rằng mình đã trót yêu Paris, như yêu bà mẹ Michèle của mình và những cụ già đơn côi như Ma-đàm Petit. Paris ơi, bonjour!
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng
Lần đầu cần đi xe điện ngầm ở Paris, tôi lóng ngóng phải hỏi người đi đường đâu là trạm. Mua vé rồi mà còn không biết cách đút nó vào máy. Thấy tội tôi quá, một người tốt bụng dừng lại chỉ cách. Lọt vào bên trong đường hầm, tôi lại tiếp tục hỏi thăm đường vì chẳng biết phải đi theo hướng nào trong vô số các hướng rẽ như chân rết. Người ta dẫn tôi đến trước cái bản đồ nhìn rắc rối hơn cả tơ nhện, làm tôi chóng mặt suýt té xỉu. Vậy mà loay hoay, cứ vừa đi vừa hỏi, cuối cùng tôi cũng đến trạm chót sau khi đổi không biết bao nhiêu tuyến. Và rồi mùi mồ hôi người, mùi chen lấn, mùi nghi kỵ làm tôi ác cảm vô cùng với xe điện ngầm Paris. Vậy mà giờ đây tôi lại thích phương tiện này và rành cách đi xe điện ngầm ở Paris đến mức thường đứng lại chỉ cách cho những người Pháp từ các tỉnh lên kinh thành.
“Mestro, boulot, dodo”
Không phải ngẫu nhiên mà dân Paris có câu “Mestro, boulot, dodo” (Xe điện ngầm, công việc, ngủ) để giễu cuộc sống đơn điệu của mình. Ở cái xứ này, có tiền cũng không ngồi xe hơi sang trọng được, phải chui xuống métro nếu không muốn kẹt xe cả giờ đồng hồ. Có lần tôi tháp tùng một bác sĩ trẻ Việt Nam có chút “vai vế” đi dự hội nghị ở Paris. Khi nghe tôi thông báo sẽ di chuyển bằng metro, anh chàng có vẻ rất sốc, một mực đòi đi taxi. Dù tôi giải thích đi taxi kẹt xe cũng không làm anh ta cảm thấy đỡ bị xúc phạm. Đến tối khi cùng các đoàn khách nước khác đi dự tiệc, mọi người di chuyển bằng xe du lịch năm mươi chỗ, lúc này anh mới thấm cái khổ của nạn kẹt xe và ước chi chui phứt xuống hầm metro cho nhanh, chẳng cần ngắm Paris by night gì nữa.
Ngồi metro thì anh nhà giàu cũng bằng vai phải lứa với cô nàng thất nghiệp. Chẳng ai lên mặt được với ai. Trong hầm xe ngột ngạt cũng có lắm phận người, nhiều giai cấp, mọi màu da. Trên métro đạo chích dày đặc mà những đôi tình nhân hôn hít nhau nóng bỏng cũng không ít. Kẻ hiền người dữ, kẻ xấu người tốt. Bạn muốn chộn rộn lo lắng cũng được mà bình tĩnh ngẹo đầu lim dim cũng chẳng sao.
Tình người trong metro
Một lần đã rất khuya, tôi lấy metro chuyến chót trong ngày ra ngoại thành. Lơ ngơ thế nào tôi đi ngược hướng. Đến lúc phát hiện ra thì đã đi quá xa. Tôi nhảy xuống đổi lại hướng trong cái nhìn lo lắng của một người hành khách ăn mặc có vẻ nghèo nàn. Ông sợ tôi đứng chờ một mình trong đêm khuya không an toàn và cũng không chắc giờ này còn metro nên cùng tôi xuống theo. Nhìn tôi lên xe rồi ông mới an tâm quay lại đi hướng của mình. Tôi biết ông phải cuốc bộ về nhà vì chẳng còn chuyến xe khuya nào nữa. Dù tôi có nói ngàn lần câu cảm ơn cũng không thấy đủ cho hành động này của ông, một người xa lạ chỉ tình cờ gặp nhau trên métro. Lần khác tôi làm rơi vé, khi đi ra khỏi hầm tôi không thoát ra được, một anh chàng da đen đứng lại chuyền vào cho tôi thẻ đi metro theo tháng của anh. Tôi chỉ việc gí cái thẻ đó vào cửa tự động thì thoát ra được. Tôi đang hí hửng chợt tái mặt vì một đám cảnh sát đang đứng ngáng đường kiểm tra. Hẳn họ thấy cảnh gian lận này nhưng rồi không hiểu sao lại phất tay bảo tôi đi. Ngoái đầu nhìn lại tôi thấy mặt ai cũng hiền, đa số đều da màu, họ cười với tôi thân thiện làm tôi thấy đời dễ thương quá đỗi.
Taxi Paris
Cũng đôi khi tôi chọn đi xe bus ở Paris nếu tuyến đường không kẹt xe lắm, tranh thủ ngắm phố phường và xem cảnh vật thay đổi theo thời tiết. Các trạm xe bus không dày đặc bằng trạm metro nên thường xuống bến rồi tôi phải đi bộ thêm một đoạn khá xa mới đến được nơi cần đến. Và thỉnh thoảng tôi cũng lấy taxi, đặc biệt là khi… được công ty hoàn tiện lại sau mỗi đợt công tác. Thường thì tôi chỉ đi taxi ra phi trường vì hành lý cồng kềnh. Các bác tài thích trò chuyện, hỏi han, nên đoạn đường được rút ngắn lại. Đi taxi ở Paris được xem là sang vì chi phí rất đắt. Người có thu nhập thấp có khi cả đời chưa biết mùi taxi là gì. Dù là ra phi trường hay có hành lý cồng kềnh đến đâu cũng mặc, phải đi xe bus hoặc métro hết. Bản thân tôi khi còn sinh viên cũng thế, chẳng dại chi tiêu cho cuốc taxi đắt hơn mấy chục lần so với các phương tiện công cộng khác. Tôi có một anh bạn Parisienne chính gốc, khi sang làm việc ở Sài Gòn anh tranh thủ đi taxi cho thỏa và còn bảo tôi chụp hình anh từ taxi bước xuống. Anh gởi tấm hình đó sang Paris để chứng minh “sự sang trọng” của mình làm nhiều người phải…ganh tị.
Riêng tôi, dù có đến nước khác, đi métro sạch sẽ hơn (như Singapore chẳng hạn), tôi vẫn thấy métro ở Paris có một cái hồn riêng, rất thực, nhưng nói không ngoa, cũng rất mộng, như chính cuộc đời này.
Paris của những khu vườn văn thơ
Những ai yêu văn chương lãng mạn Pháp đều biết đến tác phẩm Ngày tựu trường của Anatole France. Ngay từ khi còn là một cô bé, tôi đã ao ước được một lần đặt chân đến khu vườn Luxembourg thơ mộng. Và rồi khi đã là sinh viên văn chương Pháp, tôi tự dịch những câu thơ ấy theo cách riêng của mình: “Tôi sẽ kể bạn nghe, mỗi năm tôi đều nhớ lại, bầu trời xáo động vào thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn, và những chiếc lá dần úa vàng trên những vòm cây đang run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe, khi tôi đi ngang qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, cảnh vật man mác buồn nhưng đẹp hơn bao giờ hết, bởi vì, đó là khi, lá cây rơi từng chiếc từng chiếc, sà trên đôi vai trắng muốt của những bức tượng. Tôi đã thấy gì trong khu vườn đó? Một chú bé vai đeo cặp sách, tay đút trong túi, chú tung tăng đến trường như con sẻ nhỏ. Nhưng bạn ơi, chú bé ấy, thật ra chỉ tồn tại trong tâm trí tôi mà thôi, vì, chú chỉ là một bóng hình, bóng hình của chính tôi hai mươi năm về trước…
Luxembourg của Anatole France
Lần đầu đến Paris, tôi không mong được đưa đi thăm những kỳ quan nổi tiếng mà một mực đòi dẫn đến khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó thật ra là một công viên khá rộng lớn, vào mùa hè nắng nhảy nhót trên những luống hoa sặc sỡ và du khách dập dìu nói cười rộn rã. Chẳng còn đâu cái man mác buồn của một chiều thu, không chiếc lá vàng nào nhẹ nhàng đậu xuống những bức tượng trắng phau cô quạnh. Nhưng rồi tôi tự nhủ, nếu mình cũng đi ngang vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, làm sao mình đủ sức… cạnh tranh lại những vần thơ Anatole France. Vậy thì bạn ơi, tôi sẽ kể bạn nghe về vườn Luxembourg của những ngày hè sôi động vậy. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đang hài lòng ngồi sưởi nắng trên những chiếc ghế dựa sau những giờ phút dạo chơi trong khu Latin và những công trình kiến trúc bao quanh đó, họ ngắm những bức tượng của những vị thần Hy Lạp, của các bà hoàng Pháp xa xưa, của nhạc sĩ Beethoven hay nhà thơ Baudelaire. Những đứa trẻ đang bu quanh cái hồ tròn với những chiếc tàu cánh buồm nhỏ xinh đủ mọi kiểu dáng. Chúng cũng thích đến chỗ múa rối vui nhộn và cười rộn lên vào những đoạn cao trào. Những người lớn tuổi chọn kiosque có dàn nhạc giao hưởng rồi nghiêm túc ngồi lắng nghe cho đến nốt nhạc cuối cùng.
Vườn Tuileries trưa hè
Ngoài Luxembourg, Paris còn vườn Tuileries, xem ra rộng lớn hơn và cổ xưa nhất kinh thành ánh sáng. Vườn Tuileries nằm trải dài giữa quảng trường Concorde sang trọng và điện Louvre duyên dáng, giữa con sông Seine nổi tiếng và đường Rivoli sầm uất. Xem ra tôi yêu Luxembourg vì trót mê Anatole France, nhưng lòng lại thật sự rung động với vườn Tuileries. Khu vườn này có nhiều loại cây từ rất lâu đời, thời Catherine de Medecis, bà đã cho trồng cây để tạo nên vườn Tuileries vào năm 1564. Cũng trong năm đó, điện Tuileries nằm ngay trong vườn cũng được khởi công. Vườn Tuileries cũng có những bức tượng điêu khắc sắc sảo, du khách có thể ngồi nhàn hạ trên những chiếc ghế đặt xung quanh cái hồ rộng ngắm những cánh buồm be bé lững lờ trôi. Sau khi ăn trưa, tôi chọn một góc khuất và… ngả lưng tìm chút giấc ngủ. Nhưng thật ra chẳng ai có thể ngủ ngay giữa lòng Paris, còn biết bao nhiêu nơi cần thăm thú.
Vincenne thơ mộng
Mỗi lần quay lại Paris, tôi đều náo nức tìm đến với những khu vườn tĩnh lặng. Chẳng cần Luxembourg của Anatole France hay Tuileries rộng lớn với bao nhiêu du khách giữa trung tâm kinh thành, tôi thích nhất khu rừng nhỏ Vincenne. Người ta không gọi là vườn vì cây cối ở đây mọc tự nhiên, không có những pho tượng trầm mặc cũng chẳng có vòi phun nước lộng lẫy. Vincenne có một cái hồ thiên nhiên nho nhỏ với nào là thiên nga, vịt xám, le le. Người bạn tôi sống gần đấy có cái thú đem vụn bánh mì ra phân phát cho chúng. Tôi thấy lòng vô cùng bình an được ngắm đàn thủy cầm tung tăng bơi lội và những cụ già cùng trẻ nhỏ hào phóng vung tay ban phát thức ăn. Những con quạ, chim chóc và cả các chú sóc bé bỏng từ trên các nhánh cây cũng sà xuống nũng nịu đòi quà.
Paris còn biết bao khu vườn và công viên xinh đẹp nằm rải rác khắp nơi. Những khoảng xanh tĩnh lặng ấy được người dân Paris hào phóng dành tặng thật nhiều diện tích. Vào những ngày nắng ấm, họ không ở trong những căn hộ bé tí chật chội của mình mà ùa cả vào những nơi có cây xanh, trên tay một cuốn sách, ai cũng chăm chú vừa nghe chim hót vừa trải lòng vào những dòng văn thơ. Tôi đã hiểu vì sao người Pháp là một trong những dân tộc yêu văn chương nhất thế giới. Hẳn Anatole France không thể có được bài thơ Ngày tựu trường tuyệt đến thế nếu ông không đi qua vườn Luxembourg vào một chiều đầu thu. Và hẳn tôi không thể có được cảm xúc trào dâng mỗi khi được quay lại Paris nếu kinh thành ánh sáng thiếu đi những khu vườn. Những khu vườn văn thơ…
Những chiếc cầu thành Ba-lê
Thưở còn mộng mơ, tôi thích bài Le pont Mirabeau của văn hào Guillaume Apolinaire (1880-1918) vì những câu thơ lãng mạn “Sous le pont Mirabeau coule la Seine - Vienne la nuit, sonne l ‘heure - Les jours s ‘en vont je demeure” (tạm dịch: “Dưới cầu Mirabeau trôi dòng Seine - Đêm cứ đến, giờ cứ điểm - Tháng ngày cứ trôi, tôi vẫn còn đây”). Bài thơ này tả chiếc cầu Mirabeau ở Paris và dòng sông Seine êm đềm. Tác giả hẳn đang đứng trên cầu nhìn dòng sông trôi, nghĩ đến mối tình đã qua của mình, thời gian cứ thế cuốn cuộc tình đi, chỉ còn mình ta ở lại.
Cầu Mirabeau
Sông Seine được người Pháp gọi là “La Seine” (giống cái), ý nói dòng sông mềm mại, lãng mạn, gợi cảm như người phụ nữ. Và cô nàng Parisienne này chảy vắt qua thành Ba-lê trứ danh với ba mươi hai chiếc cầu. Khi đến Paris lần đầu, tôi hơi thất vọng thấy “dòng Seine” không được kiều diễm như mong đợi, song vẫn nuôi hy vọng tìm đến cầu Mirabeau xem thế nào. Một ông người Paris khi đó thắc mắc “Sao trong vô vàn những chiếc cầu ở Paris cô lại chọn Mirabeau?”, khi biết lý do, ông nhún vai “Đúng là văn thơ chỉ làm thi vị hóa thêm cuộc đời”. Khi đặt những bước chân đầu tiên lên cầu Mirabeau, tôi thấy ông này quá khắt khe. Vì Mirabeau không hẳn là chiếc cầu đẹp nhất thành Ba-lê nhưng nó cũng xứng đáng được nhà thơ Guillaume Apolinaire chọn. Và tôi chắc rằng chẳng có nhà thơ nào ở Sài Gòn có thể làm nên những câu thơ như “Dưới cầu Bông trôi dòng kênh Nhiêu Lộc” hay “Dưới cầu Chà Và trôi dòng sông Sài Gòn”. Quả thật, chẳng có một chiếc cầu nào ở Việt Nam mình có thể sánh bằng cầu Mirabeau nói riêng và những chiếc cầu khác nói chung ở thành Ba-lê.
Cầu Mirabeau được xây xong vào năm 1896 bằng kim loại có dáng vẻ mềm mại. Cầu được trang trí bằng bốn biểu tượng: Thành phố Paris, Thần Thương Mại, Hàng Hải và Sự Sung Túc.
Cầu Neuf
Tuy vậy, công bằn mà nói, cầu Mirabeau không phải là chiếc cầu đẹp nhất nếu so sánh với cầu Neuf hay cầu Alexandre Đệ Tam. Cầu Neuf có nghĩa là cầu Mới. Thế nhưng đây là chiếc cầu cổ xưa nhất Paris, được xây từ năm 1578 dưới thời vua Henri Đệ Tam, nhưng do nhiều lý do khách quan, mãi đến thời vua Henri Đệ Tứ cầu mới được hoàn thành vào năm 1694. Trên cầu Neuf, tượng vua Henri Đệ Tứ đang cưỡi ngựa bằng đồng là một trong những pho tượng cổ xưa và thu hút du khách nhất Paris. Dưới những bệ cầu, hai bên hành lang và tại các chốt nghỉ chân là vô số những tượng của các vị thần được điêu khắc công phu. Chiếc cầu quả xứng đáng là một trong những cây cầu đẹp nhất kinh thành ánh sáng. Nhất là khi cầu Neuf bắt ngang đảo Cité (Ile de la Cité), hòn đảo tí hon xinh xinh nằm giữa dòng Seine. Nếu là một du khách lần đầu đến Paris, bạn nên đến ngay cầu Neuf vì nơi đây bạn sẽ có những góc chụp hình rất lý tưởng để thu vào ống kính một Paris hoa lệ.
Cầu Alexandre Đệ Tam
Cầu Alexandre Đệ Tam theo đánh giá của cá nhân tôi, là chiếc cầu đẹp nhất thành Ba-lê. Cầu được khởi công từ năm 1896 và hoàn thành năm 1900. Với mục đích sử dụng làm giảm thiểu lưu thông ở nhà ga Invalides nhưng khi xây dựng, cầu Alexandre Đệ Tam lại đặc biệt đề cao tính mỹ thuật. Cầu được đánh giá là di sản văn hóa và là di tích lịch sử từ năm 1975. Với những họa tiết trang trí rất hoàng gia của cuối thế kỷ mười chín, cầu Alexandre Đệ Tam được chăm chút từng chi tiết nhỏ do nhiều nghệ nhân dày công sáng tạo nên. Ở trên các bệ cao mười bảy mét là những bức tượng bằng đồng được dát vàng lấp lánh. Ở phía dưới thân cầu, ngoài dãy cột đèn chính là các cột đèn lớn có những thiên thần bao quanh đẹp rực rỡ. Ngoài ra tại các thành cầu, là những bức phù điêu vô cùng sắc sảo. Cầu Alexandre Đệ Tam được xem là chiếc cầu rộng nhất thành Paris.
Paris còn vô số những chiếc cầu lớn nhỏ khác mà nếu có thời giờ bạn có thể lượn lờ đi từ bờ đông sang bờ tây và ngược lại hết năm này sang năm khác cũng chẳng bao giờ thấy chán. Cầu nhỏ (Petit Pont) và cầu Notre Dame cũng là những chiếc cầu đẹp, dù không hoành tráng bằng Alexandre Đệ Tam nhưng do chúng bắt sang đảo Cité nên vị trí của chúng rất lý tưởng để ngắm Paris.
Paris nếu không có những chiếc cầu, hoặc Paris mà không “trôi dòng Seine” thật chẳng còn là Paris, một Paris của thi ca, của tình yêu, của cái đẹp toàn bích và lãng mạn. Vì thế, dù chẳng còn ở tuổi mộng mơ, tôi vẫn không nguôi giấc mơ quay lại thành Ba-lê, để được ngâm nga “Dưới cầu Mirabeau trôi dòng Seine - Đêm cứ đến, giờ cứ điểm - Tháng ngày cứ trôi, tôi vẫn còn đây”
Paris và giấc mơ shopping
Ai cũng biết Paris không những là kinh thành ánh sáng, là kinh đô thời trang, là trung tâm giải trí, mà Paris còn là thiên đường mua sắm.
Biết vậy, nên lần đầu đến Paris năm 1998, tôi lận túi vài ngàn francs Pháp (chừng vài triệu đồng). Người quen ở Việt Nam giao cho tôi “sứ mệnh” phải tha về nào dầu thơm, mỹ phẩm, áo quần, giày dép. Hỡi ơi! Liếc sơ vào những cửa kính trong veo ở các khu thương mại nổi tiếng (đường Saint Honoré, đại lộ Haussman, đường Montaigne, đường Champs Elysée), tôi gần ngất xỉu vì giá tiền vượt quá sức tưởng tượng của một con bé “nghèo mà chảnh”. Khi nghe tôi rên, những người bạn Pháp cười ngất: “Paris chỉ là thiên đường mua sắm cho giới quý tộc châu Âu, giới nghệ sỹ Hollywood hoặc khách du lịch Nhật Bổn! Họ “chơi” hàng hiệu của Cartier, Louis Vuiton, Channel. Còn dân Paris chính hiệu cũng không sờ nổi vào những món hàng cực kỳ xa xỉ đó đâu!”
TaTi muôn năm
Năm 2000 tôi quay lại Paris. Không dám bén mảng đến mấy khu sang trọng nữa, tôi monn men đến những quận nghèo của người nhập cư, dân da đen, người Pháp có mức sống trung bình. Theo sự hướng dẫn của một người Paris, tôi đặt chân lần đầu đến “đại bản doanh” của “thiên đường mua sắm giới trung bình” ở khu Barbès. Đó chính là TaTi. Một cái tên nghe dễ thương như người ta gọi con nít. Tôi không quan tâm về lịch sử kinh doanh hàng giá rẻ của TaTi cũng như TaTi vì sao lại có thể bán với giá “như cho”. Tôi chỉ biết mờ mắt nhào vô chụp đủ thứ nào quần áo, dầu thơm, mỹ phẩm, hàng trang trí… Sau lần “ra quân” thắng lợi, tôi tay xách nách mang đem hàng đựng trong những cái túi màu hồng nhạt kẻ ca-rô, một màu hồng đặc trưng của TaTi từ mấy chục năm nay về. Tuy nhiên, sự đời, tiền nào của đó, sau một thời gian “bình tĩnh lại”, tôi nhận thấy hàng của TaTi có chất lượng không mấy cao. Vậy nhưng, bạn đừng ngạc nhiên nếu những lần sau quay lại Paris, tôi vẫn tiếp tục bị “hấp lực” của TaTi lôi đến khu Barbés.
Dân Paris có câu “Hàng hiệu dành cho khách du lịch, TaTi dành cho ta!” Nếu trước kia chỉ có giới nhà nghèo mới lui tới TaTi thì những năm sau này, nhất là khi thất nghiệp và lạm phát tăng, đa phần dân Paris đều mua hàng của TaTi và chuỗi cửa hàng TaTi ngày càng bành trướng ra khắp các tỉnh khác. Công bằng mà nói, ở TaTi, nếu đừng choáng váng ham rẻ quơ tùm lum mà chịu khó chọn lựa tùy mặt hàng, bạn có thể mua rất nhiều đồ có chất lượng với các giá quá sức bèo. Tôi có thể ví dụ, một chai dầu thơm 200ml, “made in France” đàng hoàng, giá chỉ từ năm đến bảy Euros. Cũng một chai dầu thơm cùng dung tích đó, hàng hiệu “Chanel N5” hay “Christian Dior” bán trong Galeries Lafayette (đại bản doanh hàng hiệu ở Paris), giá trên một trăm Euros. Sở dĩ dầu thơm trong TaTi rẻ vì sản phẩm làm từ những xí nghiệp ở các tỉnh, chưa có thương hiệu, chưa tốn ngân sách làm marketing. Còn bao bì và mùi hương hoàn toàn có thể cạnh tranh với đồ xịn. Ngoài những sản phẩm có chất lượng nhưng chưa có tên tuổi, TaTi còn bán đồ hiệu hẳn hoi, loại hàng cần giải quyết tồn kho hoặc màu sắc hơi lỗi thời. Quần áo, mỹ phẩm, hàng gia dụng, đồ chơi… tha hồ cho bạn chọn, chỉ từ vài Euros cho đến mười mấy Euros là hết mức. Bà bạn Paris của tôi tự hào cho biết bà là chuyên gia đi lùng hàng xịn ở TaTi. Cũng cái gương hình mặt trời, ở TaTi chỉ bán năm Euros, nhưng tại một cửa hàng trang trí nội thất khác, giá là ba mươi Euros.
Hàng hiệu giá bình dân
Ngoài TaTi, Paris cũng có những hiệu quần áo dành cho giới trẻ như Jennifer, H&M, Pimky… với giá rất phải chăng. Gặp ngay cao điểm mùa “solde” (đại hạ giá), tôi có thể “vớt” một cái áo đầm rất độc đáo chỉ với bốn Euros trong H&M hoặc một cái áo thun giá hai Euros trong Jennifer.
Nếu bạn đừng nghĩ rằng mỹ phẩm nhất thiết phải đắt tiền, đến Paris, hãy vào Yves Rocher. Chuỗi cửa hàng Yves Rocher được rải đều khắp nơi, từ nhà ga, hầm xe điện ngầm đến cả những khu sang trọng. Yves Rocher của Pháp giống “The Body Shop” của Anh ở chỗ giá cả trung bình dành cho đại đa số. Những ai có thu nhập vừa phải mà lại có nhu cầu dùng hàng chất lượng, đều là khách hàng thân tín của Yves Rocher. Dân châu Âu do thời tiết thay đổi quanh năm nên rất cần dùng các loại kem dưỡng da, kem chăm sóc những vùng nhạy cảm và nước hoa. Yves Rocher đảm bảo một game hàng phong phú, bao bì dễ thương và giá cả hợp lý (khác với Nivea chỉ bán trong siêu thị, bao bì cố định và có mỗi một mặt hàng kem dưỡng da). Ngoài ra, Yves Rocher rất năng động trong kinh doanh, thường có những đợt khuyến mãi rất hấp dẫn. Lần nào đến Paris tôi cũng gom về một mớ nào son phấn, dầu gội, kem dưỡng… Và dĩ nhiên, khuyến mãi thứ gì tôi mua thứ ấy nên một cây viết chì kẻ mắt chỉ còn hai Euros, một thỏi son chỉ còn năm Euros, một hộp kem dưỡng da chỉ còn bảy Euros.
Mỗi khung kính mở ra một giấc mơ shopping
Lần đi Paris mới đây của tôi rơi vào dịp cuối năm, gần Giáng Sinh nên bà con shopping rất khiếp. Tôi đến đại lộ Haussemann có cửa hàng Printemps và Galaries Lafayette, một tòa nhà cổ có mái vòm tuyệt đẹp để… chụp hình. Ban đêm, tòa nhà được trang trí đèn cực kỳ sống động. Tôi dán mắt vào những cửa kính bên ngoài, tha hồ ngắm những con búp bê, những con rối được thiết kế nhún nhảy theo tiếng nhạc vui tai. Mỗi một khung cửa kính là một điệu nhạc khác, những con búp bê khác, đang ăn tối, đang dự sinh nhật, đang chơi thể thao… Vô cùng dễ thương! Chỉ có vào dịp Giáng Sinh này các cửa kính mới được trang trí như thế. Chẳng trách trẻ con xúm đen không chịu đi.
Dân Paris ví von mỗi khung kính mở ra một giấc mơ shopping. Vì thế trẻ con nuôi mộng mua sắm từ rất sớm, tạo ra một xã hội tiêu thụ cao. Ba mẹ chúng dân trung bình nên không dắt díu nhau vào bên trong làm gì. Bởi Galaries Lafayette chỉ dành cho ParisHilton, Victoria Beckham, công chúa Caroline xứ Monaco… những nhân vật tiêu tiền không xót cho việc mua sắm. Hãy thử tưởng tượng, thương hiệu đồ lót Aubade ở Sài Gòn được bán trên đường Đồng Khởi với giá cực đắt thì tại Galaries Lafayette, hàng này bị đổ thành một nhúm thảm hại. Ngoài ra, nơi đây còn là “thánh địa” cho khách du lịch Nhật, gần đây là Hàn Quốc rồi Trung Quốc. Và theo đánh giá của cá nhân tôi, sắp tới là khách du lịch Việt Nam, tầng lớp nhà giàu mới do kinh doanh địa ốc và chơi chứng khoán. Vì chính mắt tôi trông thấy những du khách Việt tỉnh bơ bốc từng nắm tiền toàn tờ một trăm Euros để mua hàng tại Galaries Lafayette. Thương thay cho dân Paris vẫn thường ganh tị chặc lưỡi “Dịch da vàng!” khi thấy từng đoàn khách du lịch châu Á hùng hổ vác cả chục cái túi hàng hiệu từ đây đi ra!
Hãy để Paris làm bạn mơ mộng với túi xách Louis Vuiton, với nước hoa Chanel No.5, với áo váy Yves Saint Lauren và mỹ phẩm Lancôme. Riêng tôi, dẫu mai sau có thành triệu phú (tiền Euros), tôi chẳng ngại ngùng chi mà rằng: “TaTi muôn năm!”.
Paris đêm về
Paris được mệnh danh là kinh thành ánh sáng. Ánh sáng của văn minh, của nghệ thuật, của cái đẹp toàn mỹ. Điều này cũng có thể hiểu một cách đơn giản nếu bạn ở Paris khi đêm về. Thành phố được thắp sáng một cách rực rỡ nhưng chừng mực, đủ để làm nên một Paris by night sang trọng và lấp lánh. Những công trình kiến trúc được chiếu sáng theo một hệ thống đèn có tính toán, làm toát lên những góc cạnh huy hoàng trên cái nền đêm đen vô cùng quyến rũ. Này là Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame), này là giáo đường Thánh Tâm (Sacré Couer), này là Khải Hoàn Môn (L ‘arc de Triomphe), và còn tháp Eiffel nữa… bấy nhiêu đó đủ để bạn thấy yêu Paris khi màn đêm buông xuống. Rồi đại lộ Champs-Elysée triệu ánh đèn vàng, lóng lánh trên những hàng cây chạy dọc hai bên đường. Những bồn phun nước trên các quảng trường cũng được chiếu sáng, lung linh nhảy múa theo từng giọt nước tung trào. Ở khu ăn chơi Moulin Rouge, hàng vạn ánh đèn màu mặc sức tung hoành cổ vũ cho thế giới vũ hội.
Làm việc trong đêm
Thế nhưng Paris về đêm không chỉ có đèn, có nhạc, có tiếng cười của những du khách thập phương. Paris ôm trong lòng những góc khuất, những ngõ nhỏ, những con người đang âm thầm sống và lao động dưới ánh đèn đêm. Tôi không muốn bị lụy hóa khi đề cập đến giới ăn sương, đám lang thang hay những thân phận nằm ngoài rìa xã hội mà thành phố lớn nào cũng có. Tôi chỉ muốn nhắc đến những con người phải làm việc về đêm như các cảnh sát đường phố, những phục vụ bàn của các quán cà phê vỉa hè, những công nhân vệ sinh, những người bán hàng rong… Họ sống lương thiện và cần cù, có phần chất phác và dễ thương hơn những đồng nghiệp của họ làm việc ca ban ngày.
Hồi mới sang Paris lần đầu, tôi rất muốn được một mình lấy xe điện ngầm ra trung tâm bách bộ xem Paris by night. Những người Việt kiều thấy thế vội ngăn bằng cả tá vụ án về đêm. Nào là “hiếp dâm trong xe bus”, “bị đâm trong nhà vệ sinh công cộng”, “bị cắt cổ trong khu vắng người”. Quá “rét”, tôi không dám đi đâu ngoài những trung tâm shopping đèn hoa rực rỡ. Nhưng chỉ cần dừng chân trên vỉa hè đại lộ Champs Élysée xinh đẹp, tôi đã tiếp cận với những anh chàng da đen bán hàng rong. Họ trải tấm nhựa ra đường, bày lên đó những hình nhân nhảy múa, những móc khóa hình tháp Eiffel, những chiếc áo thun in dòng chữ “J ‘aime Paris” (Tôi yêu Paris). Tôi đã đòi mua vài móc khóa rồi trả giá kỳ kèo làm cô Việt kiều đi chung nhăn mặt xấu hổ “Ở Paris mà nó mặc cả như đi chợ Cầu Muối!”. Vậy mà thành công. Để rồi sau phút giây hí hửng vì mua được món hời, tôi ân hận khi thoáng nhìn thấy ánh mắt buồn thăm thẳm của người bán hàng da đen. Hẳn anh đã kỳ vọng tôi hào phóng như một du khách Nhật rồi đành bán giá thật bèo, đủ để kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày ở cái nơi đắt đỏ thế này. Không hiểu sao cũng cùng món hàng đó, cùng địa điểm đó, nhưng khi màn đêm buông xuống, hàng tự động rớt giá, người bán có cái chộn rộn khó tả, người mua cũng bần thần làm sao.
Thân thiện đêm về
Những năm sau quay lại Paris, tôi không còn thời giờ dạo phố đêm mà chỉ tranh thủ lúc ăn tối để ngắm Paris dưới ánh đèn và lại gặp những người làm việc theo ca ba. Những nhân viên cảnh sát cười toét miệng hỏi tôi đến từ đâu rồi vui vẻ đứng “tám chuyện” đến mức quên nhiệm vụ. Một người giao hàng chạy xe tay ga đang tranh thủ phóng lên vỉa hè và lạng lách giữa những quán cà phê. Tôi nhanh tay chộp được tấm hình rồi cả cười chọc dân Paris cũng chẳng văn minh gì mấy. Cảnh sát thanh minh về đêm ai cũng làm việc một cách dễ dãi hơn, mà cô nàng chạy xe trên vỉa hè đó cũng phải mưu sinh vất vả, chắc giao hàng gấp nên mới phạm luật giao thông.
Rồi một lần tôi có thời giờ nên dừng chân trước một quán cà phê vỉa hè và ngồi xuống gọi nước. Chàng phục vụ trẻ tuổi cho tôi biết ngồi ngoài vỉa hè giá mắc hơn ngồi trong nhà, nhưng chàng sẽ dối ông chủ, chỉ tính tiền cho tôi bằng giá bên trong. Buồn cười vì ở Việt Nam mình thường ngồi vỉa hè là nghèo hèn, ngồi phòng máy lạnh nhìn phố qua cửa kính mới là sang, tôi cũng cảm ơn anh chàng phục vụ rối rít và giữ chân chàng ở lại để “tán tỉnh” vài câu. “Chàng” còn trẻ quá, mới mười tám mà thôi, đi làm ban đêm để dành tiền vào đại học.
Giấc mơ trong lành
Mới đây nhất tôi sang Paris khi thành phố đang phát động mọi người dùng xe đạp để bảo vệ môi trường và nhất là để “chấp” các loại xe công cộng thường xuyên biểu tình. Dân Paris giờ sắm xe đạp để đi làm, hoặc nếu không có chỗ để xe do phải sống trong những căn hộ chật hẹp, họ đành thuê xe. Và dịch vụ cho thuê xe cũng làm ăn vào ban đêm để phục vụ khách du lịch. Trước cửa khách sạn “Hotel de Lourve” chỗ tôi trọ, một dãy xe đạp dạ quang sáng rực trong đêm đã hút tôi đến gần. Trốn dạ tiệc “Gala diner” của công ty, tôi thuê một chiếc xe đạp, rồi chạy vòng quanh quảng trường gần đó ngắm Paris đêm. Này là “Comedie francaise”, nhà hát kịch Pháp, có một hàng người đang xếp hàng chờ mua vé vào xem. Này là viện bảo tàng Lourve lấp lánh từ những kim tự tháp bằng kính và dãy cột đèn đường cổ xưa. Này là quảng trường Concorde có bồn phun nước lãng mạn được chiếu sáng rất chừng mực. Này là một trạm xe điện ngầm được trang trí bằng những bóng đèn xanh đỏ hình vương miện rất ngộ nghĩnh. Khi tôi quay về chỗ thuê xe, tôi bị lố giờ nhưng cô bé cho thuê thân tình nói không tính thêm. Cô này thật hiền và có vẻ thẹn thùng khi tôi khen có cặp mắt đẹp. Cô đến từ Roumani, tìm được việc làm ban đêm này để mưu sinh và có tiền gởi về nước giúp gia đình.
Những mảnh đời của Paris đêm, những con người mộc mạc dễ thương, những nhân công góp phần làm Paris thêm duyên dáng. Và khi những ánh đèn trên cao dần phụt tắt, nhường những tia nắng yếu ớt của một ngày mới đang e dè chiếu sáng, họ mệt mỏi lên xe điện ngầm của chuyến đầu tiên về nhà. Cầu cho họ có một giấc ngủ bù bình yên, và những giấc mơ trong lành. Paris by night của tôi là thế, tràn ngập ánh sáng, và tràn ngập tình thân hữu với những con người lao động trong đêm.
Brest sấm sét
Nếu ai hỏi trong số các thành phố tôi qua ở gần hai mươi nước Á-Âu, tôi yêu nơi nào nhất. Tôi sẽ không suy nghĩ lâu mà rằng: Brest! Bạn có biết Brest là ở đâu, thuộc nước nào và tại sao lại là Brest? Tôi cũng luôn tự hỏi, sao không là Paris hoa lệ, là La Mã cổ kính, là Luân Đôn ngựa xe tấp nập, là Oxford với những tòa tháp trong mơ, là Liège nơi tôi trải qua một năm ròng du học?
Brest hầu như vô danh, tôi chỉ nghe đến Brest khi ngày nhỏ đọc truyện tranh Tintin (nguyên bản tiếng Pháp), thấy ông thuyền trưởng Haddock hay quạu quọ thốt lên: “Tonnerre de Brest!” (tạm dịch “Brest sấm sét!”) khi gặp xui xẻo. Và một lần tình cờ đọc được đâu đó câu tục ngữ: “On ne passe jamais par Brest, il fault y avoir une raison d ‘y aller” (tạm dịch: “Người ta không bao giờ đến Brest, phải có lý do gì mới đến đó!”)
Bến cảng thân thiện
Vậy mà lần đầu tiên trong đời được xuất ngoại, lúc tôi hồi hộp được đặt chân đến Paris trứ danh thì người ta cho tôi đến cái xứ “sấm sét” đó. Brest nằm tuốt luốt ở miền Tây Bắc nước Pháp, thuộc vùng Bretagne xinh đẹp, đi máy bay từ Paris cũng mất hơn một tiếng đồng hồ. Tôi chắc lưỡi: “Thôi thì hy vọng gặp được vài chàng thủy thủ đẹp trai ở phố cảng này vậy!”. Ấy thế mà hôm đầu đến Brest lại là ngày chủ nhật của tháng bảy, thời điểm dân Tây hè nhau đi nghỉ mát hàng loạt. Phố xá im lìm buồn, gió phe phẩy trên những luống hoa cẩm tú cầu (hortensia), không một bóng người, chẳng một tiếng động. Tôi tự hỏi: “Phải thành phố ma?”
Từ ký túc xá Lanredec, tôi và Quỳnh, cô bạn thân, rụt rè lú mặt ra đường rồi lò dò một chập ra được đến bến cảng trong làn gió hè tê tái (mùa hè nhưng trời vẫn lạnh, chừng 20 độ). Ở bến cảng có những con tàu đang neo nhấp nhô, một tốp những người đàn ông tụ tập câu cá xôm tụ. Chúng tôi mừng rỡ nói với nhau: “Thành phố có người!” rồi nhí nhảnh đứng tạo dáng chụp hình đủ kiểu. Chắc hành động của chúng tôi không giống ai nên thu hút ngay tức khắc sự chú ý của tốp đàn ông đang câu cá. Họ nhào đến thân thiện cười và mở miệng làm quen bằng tiếng Anh lốp bốp. Khi biết chúng tôi nói được tiếng Pháp và đến từ Việt Nam, họ bạo dạn hẳn lên. Một ông xung phong chụp cho hai đưa những kiểu hình với nền phía sau là những cánh buồm trắng căng tròn trong gió, là những con hải âu chao liệng trên trời xanh, là sóng biển đang rì rào tung bọt vào cầu cảng. Một ông khác chạy tìm mấy cái thùng gỗ rồi cởi áo khoác phủ lên cho chúng tôi ngồi xuống. Một ông “sồn sồn” đem tặng những con cá tươi rói vừa câu. Bạn tôi xua tay: “Cám ơn, nhưng chúng tôi ở ký túc xá, lại không biết làm cá!”. Vậy là ông ta nhanh nhẹn ra lệnh cho một thằng bé đem cá xuống cầu cảng moi ruột sạch sẽ để chúng tôi có thể đem về chế biến liền. Ông tự tiếp thị: “Tôi còn độc thân!”. Tôi hỏi lại: “Độc thân lần thứ mấy?”. Cả hội cười ồ còn ông tỉnh bơ: “Cô em ghê thật!”.
Hí hửng đem mấy con cá và lời hẹn hò “Chiều chiều ra cảng chơi!”, chúng tôi quay về ký túc xá rồi lại háo hức thám thính Brest theo hướng khác. Những con phố rực rỡ sắc hoa làm chúng tôi choáng ngợp. Người ta treo hoa hồng lơ lửng trên tường đá và trồng những bụi cẩm tú cầu đủ màu sắc trước cửa nhà. Ngất ngây trước vẻ đẹp này, chúng tôi len lén… mở cửa rào chui vào chụp hình loạn xạ. Một đoạn phố khác lại thơ mộng vô cùng với những dây leo đỏ rực phủ kín những bức tường đá xám. “Đây là thành phố hoa! - chúng tôi gào lên - Không phải thành phố ma!”.
Xa quê hương ngộ cố tri
Hôm sau thứ hai đầu tuần, chúng tôi ra xe bus đi học ở trường CIEL (Centre International d ‘Etudes de Langues). Đây là ngôi trường chuyên dạy ngôn ngữ cho con nhà giàu châu Âu. Toàn con em trong những gia đình “trâm anh thế phiệt” từ các nước Bắc Âu, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Anh, Ý… cắp cặp vào lớp. Họ phải đóng tiền học hè rất đắt nên khi biết hai đứa Việt Nam được “học chùa” một tháng thì lấy làm ganh tị. Chúng tôi nhanh chóng kết bạn với một cô bé xinh xắn Thụy Sĩ mười sáu tuổi, một chàng Tây Ban Nha bảnh tỏn và một cô bạn bốc lửa người Thụy Điển. Từ đó, nhóm chúng tôi liên tục hẹn nhau ở Tòa Thị Chính có vòi phun nước đẻ la cà đây đó. Nhưng rồi “không chơi lại” đám teenagers nhà giàu này vì tụi nó toàn rủ vào các bar và nhà hàng, hai bà chị Việt Nam đành tìm cớ tách ra.
Một lần, hai đứa đang cúp cua lang thang trên đường thì một bà gọi lại hỏi bằng tiếng Pháp: “Các cháu người Việt Nam hả?”. Chúng tôi mừng run gặp được đồng hương. Chưa bao giờ trong đời tôi thấm thía câu “Xa quê hương ngộ cố tri” như vậy. Bà Đậu hẹn cuối tuần mời chúng tôi đến nhà đãi tiệc và giới thiệu với những cô chú Việt kiều khác. Giờ đây, đã đi khá nhiều nơi, đã gặp một số đồng hương, nhưng với tôi, Việt kiều tại Brest là nhiệt tình và đáng kính nhất. Sau khi biết bà Đậu “nhặt” chúng tôi trên đường, các cô chú Việt kiều thay phiên nhau chở chúng tôi đi chơi và đem về nhà đãi ăn tưng bừng khói lửa.
Lễ hội “thứ năm ở cảng”
Brest còn là nơi diễn ra lễ hội “Jeudi du port” (Thứ năm ở cảng) vào mỗi thứ năm hàng tuần trong mấy tháng hè. Hằng năm cứ vào thời điểm này, dân Pháp và cả các nước châu Âu khác đều tụ về cùng dự. Đã gọi là lễ hội nên bến cảng ngập tràn tiếng nhạc, những màn văn nghệ tạp kỹ, các vũ công và khán giả đều ngất ngây trong những giai điệu ngày hè tha thiết. Mùi thơm quyến rũ của bánh crêpe Bretagne, đặc sản ở đây, bốc lên tra tấn hai đứa tôi vốn giàu tâm hồn ăn uống nhưng lại nghèo tiền bạc. Bánh crêpe được chế biến giống bánh xèo, bột đổ ra, rắc ở giữa phô-mai, jăm-bông, trứng, xúc xích… Hoặc nếu muốn ăn ngọt, bạn sẽ được nhét vào bánh crêpe mật ong, chocolate, mứt trái cây…
Thường sau mỗi tối thứ năm “xả láng” với lễ hội, sáng thứ sáu Brest thật yên bình. Chúng tôi lại lang thang dạo quanh thành phố, này là cầu Recouvrance, này là pháo đài bằng đá, này là tháp Tanguy… Người dân Brest sao mà thân thiện quá, ai cũng cười tươi và nhiệt tình hỏi “Các bạn có cần gì không?” khi thấy chúng tôi cầm bản đồ trên tay. Ngay cả cảnh sát mà cũng dễ thương, thân mật chỉ dẫn cách gia hạn visa để có thể ở lại Pháp chơi thêm. Nhớ Brest, tôi viết truyện “Tú cầu vùng Breatagne” (trong tuyển tập Bồ câu chung mái vòm) với hy vọng có dịp được quay về.
Sau lần đầu tiên đến Brest năm 1998 đó, quả thật tôi đã quay lại vài năm sau và… vài năm sau nữa. Brest hầu như không thay đổi. Vẫn những con phố rực hồng sắc hoa, vẫn những đóa cẩm tú cầu rung rinh trong gió, vẫn đây tháp Tanguy, vẫn đó bến cảng hiền hòa cùng những người câu cá và đàn hải âu chao liệng trên không. Chưa bao giờ tôi gặp được một chàng thủy thủ đẹp trai bước ra từ một con tàu với cánh buồm đỏ thắm. Nhưng tôi sẽ không bao giờ hối tiếc, bởi ở Brest, tôi đã luôn tìm được lý do để quay về. Và bởi vì, chừng nào tôi chưa thôi thắc mắc tại sao thuyền trưởng Haddlock lại nói “Brest sấm sét!”, Brest vẫn hoài là nơi tôi yêu quí nhất trên đời.
Mont Saint Michel: Nơi giấc mơ đã biến thành hiện thực
Trong nhà tôi có một tấm poster hình một hòn đảo nhỏ nổi lên ngoài khơi. Trên đảo, nhà cửa mọc vòng quanh và trên đỉnh là ngọn tháp nhà thờ vút cao tuyệt đẹp. Tấm poster treo đã úa trên một cánh tủ, từ thời nào chẳng rõ. Mỗi khi có dịp ngắm gần, tôi lại nôn nao tự hỏi “Biết đến bao giờ mình mới có dịp đến đây?”
Mont Saint Michel là đâu?
Trong lần xuất ngoại đầu tiên, tôi đến Pháp và được đưa đến học ở trung tâm ngoại ngữ CIEL. Và ngay weekend đầu tiên, trường tổ chức cho sinh viên đi chơi ở “Mont Saint Michel”. Tôi không biết địa danh này có gì hấp dẫn, nhưng cứ đăng ký vì tôi được đi miễn phí. Buổi sáng hôm đó trời mưa lất phất, lạnh tê tái dù đang hè.
Tôi ngồi gần một chàng Tây Ban Nha cực kỳ “bảnh”. Sau vài câu chào hỏi làm quen, Maurico vui vẻ cho tôi… dựa vào vai đánh một giấc. Hai đứa hồn nhiên chụm vào nhau ngủ gà gật mãi cho đến khi nghe dân tình xôn xao: “Đến rồi! Đến rồi! Đẹp quá!”. Tôi choàng tỉnh nhìn thẳng ra kính xe trước mắt, hòn đảo nhỏ có ngọn tháp nhà thờ vút cao hiện ra như một giấc mơ. Mont Saint Michel đây sao? Đó chính là tấm poster cũ kỹ treo trong nhà khiến tôi luôn ao ước được một lần đặt chân đến. Quá phấn khích như tình cờ gặp một người thân giữa chốn xa lạ, tôi chỉ còn biết rên lên “Trời ơi!” rồi ngã phịch xuống ghế. Maurico bật cười, nhìn tôi ra vẻ thấu hiểu nhưng tôi chắc không ai có thể chia sẻ với mình niềm hân hoan này.
Thủy triều với tốc độ phi mã
Xe tiến đến Mont Saint Michel bằng một con đường xây trên cát. Thủy triều đang xuống làm lộ rõ hòn đảo nhỏ nằm trơ trụi trên cát xám mênh mông. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết hòn đảo nằm trên vùng cát không chắc chắn, xung quanh có những bãi cát lún khá nguy hiểm. Sơ suất có thể bị nuốt chửng xuống cát như chơi. Và khi thủy triều lên với vận tốc phi mã, nước biển bao phủ hoàn toàn con đường xe đang chạy, làm Mont Saint Michel cô lập với thế giới trong phút chốc. Đã có nhiều trường hợp khách du lịch không quan tâm đến giờ báo động, bị tử nạn vì trực thăng cứu trợ đến không kịp. Chúng tôi hãi hùng “Ghê quá!” nhưng đã được trấn an con số khách phải về với Chúa khi đến đây là cực hiếm. Tuy vậy, Mont Saint Michel được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới với địa hình nguy hiểm này. Hằng năm, vào một thời điểm nào đó thuận lợi, người ta còn tổ chức cho người thi chạy đua với thủy triều. Và chưa bao giờ con người chiến thắng được tốc độ nhanh như ngựa phi nước đại của thủy triều nơi đây.
Xưa và nay
Mont Saint Michel trong tiếng Pháp có nghĩa là núi thánh Michel. Thế nhưng đến đây người ta không thấy núi mà là đảo. Và đã từ 1300 năm nay, hòn đảo này được biết đến với tên gọi Mont Saint Michel. Theo thống kê của bộ Du lịch Pháp, sau tháp Eiffel và cung điện Versaille, Mont Saint Michel là điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài nhất. Nhưng cá nhân tôi lại đánh giá ngược lại, Mont Saint Michel phải chiếm vị trí số một, kế đến là điện Versaille và sau cùng mới là tháp Eiffel.
Tồn tại suốt 13 thế kỷ, hòn đảo độc đáo này vốn chỉ là một nhà thờ hiu quạnh. Năm 708, đức cha Aubert cho xây một nhà thờ nhỏ trên hòn đảo trơ trọi giữa biển. Quá trình xây dựng được kéo dài cả năm trời và liền ngay sau đó, với truyền thuyết thánh Michel hiện về báo mộng, nhà thờ có số lượng khách hành hương ngày càng đông đúc. Để phục vụ lượng khách này, xung quanh nhà thờ được xây thêm những căn nhà nhỏ dùng làm quán trọ, tiệm ăn, quán nước. Dần dần, một thị trấn nhỏ hình thành, nằm bao bọc nhà thờ và hòn đảo, được mọi người gọi là Mont Saint Michel. Ngày xưa có thể khách đến đây với mục đích hành hương, cầu nguyện, tìm những khoảnh khắc yên tĩnh để có một cuộc sống tâm linh phong phú. Nhưng ngày nay, tôi e rằng chẳng còn ai đến đây với cùng một mục đích. Bởi đơn giản, Mont Saint Michel không còn là chốn bình an, tịch mịch để nuôi dưỡng đức tin. Từng dòng người lũ lượt kéo đến rầm rập khắp mười hai tháng trong năm, chẳng khi nào ngơi nghỉ. Và trong thời Cách mạng Pháp, Mont Saint Michel đã biến thành nhà tù khổng lồ. Cảnh chém giết và tiếng than oán đã tồn tại trong căn nhà của Chúa. Hòn đảo nhỏ được xây một bức tường thành bao quanh, có cả hai khẩu thần công án ngự. Dọc đường leo lên nhà thờ trên đỉnh núi là những khách sạn nhỏ, những nhà hàng, tiệm bán quà lưu niệm, cờ phướn, áo T-shirt. Mont Saint Michel không thoát khỏi cảnh bị du lịch xâm chiếm. An ủi một điều, nơi đây được quy hoạch chuyên nghiệp nên không đến mức xô bồ. Trên hòn đảo tí hon có đầy đủ viện bảo tàng, bưu điện, trạm xá… Mọi thứ xem ra rất tiện nghi và thoải mái. Trong cảnh này, hỏi mấy ai còn tâm trí để cầu nguyện, thế mà các tu sĩ dòng ẩn tu Bénédictin vẫn trú ngụ tại đây làm nhiệm vụ phụng sự Chúa suốt hơn mười thế kỷ qua.
Trứng chiên và thịt cừu ướp sẵn muối
Vì không phải tu sĩ, tôi tận hưởng không khí hội hè của Mont Saint Michel một cách vui vẻ. Tháng tám là lúc cao điểm đón khách du lịch, ước lượng có đến 20.000 khách mỗi ngày. Tôi đứng trên sân thượng của nhà thờ nhìn xuống bãi cát mênh mông bên dưới, tưởng tượng một cách khó khăn cảnh thủy triều lên vùn vụt rồi cô lập Mont Saint Michel giữa biển sâu. Hiện tại biển rút ra xa ngút mắt, không thấy được dù chỉ một màu xanh thân thuộc. Maurico và vài người bạn trải khăn ra mời tôi cùng ngồi xuống ăn trưa. Chúng tôi đem theo bánh mì, táo, nước ép, kẹo chocolat. Vừa ăn vừa trò chuyện và hát vài bài dân ca của mỗi nước. Tôi thầm cám ơn Chúa đã gởi tôi đến đây dù tôi chưa một lần cầu nguyện. Hẳn người thấu hiểu giấc mơ được một lần đặt chân đến Mont Saint Michel của tôi trong suốt thời thơ ấu mỗi khi ngắm bức poster cũ kỹ. Và vào lúc bất ngờ nhất, tôi lại được đến đây. Cuộc sống thật kỳ diệu!
Buổi chiều, lúc trở xuống phía chân đảo chuẩn bị ra xe về, chúng tôi đi ngang những nhà hàng đặc sản. Anh hướng dẫn chỉ quán ăn “La mère Poulard” (Mẹ Poulard) nói trong này có món trứng chiên “Omelette à la mère Poulard” ( trứng chiên theo kiểu mẹ Poulard) rất đặc biệt. Quán tồn tại đã hơn một thế kỷ nay và vẫn trung thành với món trứng chiên trong chảo gang độc đáo khiến khách du lịch luôn phải ghé vào. Tôi không thích tốn tiền chỉ để ăn một món trứng chiên nên chắc lưỡi bỏ qua. Anh hướng dẫn lại tiếp tục marketing cho một đặc sản của Mont Saint Michel, đó là thịt cừu ướp sẵn muối (mouton de pré-salé). Những con cừu được nuôi dưới chân đảo, ăn cỏ ngập mặn bởi nước biển, thịt chúng xem như được ướp sẵn muối, săn chắc và đậm đà. Món này chỉ có ở Mont Saint Michel, ai đến đây cũng nên nếm thử cho biết. Tôi lại chắc lưỡi “Không thích thịt cừu” dù cũng muốn nếm lắm. Thôi thì dịp khác, khi được quay về lại Mont Saint Michel, tôi sẽ ăn luôn cả hai món trứng chiên và cừu ướp muối.
Xe dần chạy xe, hòn đảo Mont Saint Michel lùi khuất sau đường chân trời. Tôi sẽ đính vào tấm poster cũ kỹ ở nhà bức ảnh mình chụp nơi đây. Một minh chứng tuyệt vời: Mont Saint Michel, nơi giấc mơ đã biến thành hiện thực.
Thành phố Ý ở Pháp: Nimes
Nimes là thành phố nằm ở miền Nam nước Pháp nhưng nếu bạn bị bịt mắt đưa đến nơi, bạn sẽ nghĩ mình đang ở Ý. Vì thế, nếu một ngày nào đó bạn đến châu Âu mà không kịp thời giờ để đi nhiều nước, hãy nghe lời khuyên của tôi: đến Nimes và sẽ không hối hận!
Vết tích La Mã ở khắp nơi
Nimes là nơi người La Mã để lại nhiều vết tích với khá nhiều công trình xây dựng. Thành phố trông vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa nhỏ nhắn vừa rộng rãi. Đường phố được phủ cây xanh rợp mát, các khu đi bộ rất yên bình, người dân cũng mang phong cách Ý. Có nghĩa là thích hội hè, thích thong dong và khá thân thiện.
Trong số những vết tích sót lại, đặc biệt nhất là đấu trường có hình tròn không khác gì với đấu trường La Mã Colosseum tại Rome. Đấu trường này có diện tích chỉ bằng một phần ba ở Rome nhưng cũng đủ thu hút khách du lịch khắp nơi tìm về. Ngày nay, ngoài việc bán vé cho khách vào xem một di sản văn hóa, đấu trường ở Nimes còn được dùng làm sân khấu ngoài trời. Các ca sĩ tổ chức liveshow thường chọn địa điểm này vì vị trí trung tâm nằm lọt ở giữa. Có điều, chắc các ca sĩ phải lưu ý trang trí mái tóc thật đẹp, vì khán giả sẽ nhìn thấy đỉnh đầu người biểu diễn.
Ngoài đấu trường, “Căn nhà vuông” (La maison carrée) cũng là một vết tích La Mã độc đáo. Đây là một ngôi đền của người La Mã cổ đại, đền hình chữ nhật (không hiểu sao lại gọi là “căn nhà vuông”?) với nhiều cột tròn, mang khuynh hướng Hy Lạp. Ngôi đền này cho đến nay vẫn được xem là ngôi đền cổ đại duy nhất còn nguyên vẹn trên thế giới. Đối diện với “Căn nhà vuông” là “Hình vuông nghệ thuật” (le carrée d’ art). Đây là quần thể thư viện gồm thư viện sách với hàng nghìn loại sách cổ, thư viện âm thanh, thư viện phim ảnh, bảo tàng nghệ thuật đương đại. Và lẽ dĩ nhiên, ở Nimes bạn sẽ gặp rất nhiều giới đam mê nghệ thuật, gồm các giáo sư, các chuyên gia và cả sinh viên. Trông ai cũng rất “art”.
Ngoài ra, ở Nimes tôi đặc biệt thích “công viên bồn nước” (Les jardins de la fontaine). Không hiểu sao chỉ có một công viên mà trong tiếng Pháp lại gọi là “les jardins” (số nhiều). Tôi đoán mò rằng vì công viên rộng quá, có thể trong quá khứ gồm nhiều công viên nhỏ gộp lại chăng. Công viên này rợp một màu xanh yên bình, mang dáng dấp vừa Ý vừa Pháp, vừa cổ kính vừa hiện đại, rất xinh đẹp và lãng mạn.
Cầu sông Gard
Nhắc đến Nimes người ta nhớ ngay đến cầu sông Gard mà ngày nay mọi người gọi tắt là cầu Gard (Le pont du Gard). Dù chiếc cầu này không nằm trong thành phố nhưng ta có thể thấy một hồ nước rộng với đường kính khoảng sáu mét, thuộc hệ thống dẫn nước của cầu Gard. Vậy để biết cầu Gard nằm ở đâu, chúng ta chỉ việc đi ngược ra ngoại ô thành phố. Chiếc cầu trứ danh này nằm ở hướng Đông-Bắc.
Từ xa, cầu Gard hiện lên rất ấn tượng với 49 mét chiều cao và 274 mét chiều dài. Có rất nhiều khách du lịch đến thăm cầu Gard vì đây là một di sản văn hóa còn tồn tại nguyên vẹn. Dù cầu này được xây dựng với mục đích cụ thể là dẫn nước tưới tiêu, vẻ đẹp đơn giản của cầu thật dễ chịu với những mái vòm đều tăm tắp nằm trên ba tầng khác nhau. Tầng thứ nhất là trụ cầu có sáu mái vòm, tầng thứ hai có mười một mái vòm. Tầng thứ ba có tất cả ba mươi lăm mái vòm nhỏ. Những mái vòm này được xây với công dụng che cho các máng nước được sạch sẽ, tránh bụi và tránh bị ánh mặt trời làm bốc hơi. Những khối đá dùng để xây cầu thật vĩ đại và hoàn toàn không giống trét vôi, trông chúng xù xì, thô nhám nhưng thật gần gũi và thân thiện. Cầu được bắc qua sông Gard nhưng mục đích không phải để đi qua sông vì thực chất, chỉ có một đoạn cong của sông là nằm lọt giữa một “mái vòm” của cầu. Để đi từ bờ này sang bờ kia, đôi khi chỉ cần lấy đà từ xa rồi nhảy qua cũng được. Cầu Gard cho đến ngày nay vẫn để lại cho hậu thế những tò mò thú vị. Tò mò để rồi phải khâm phục là người xưa đã có những phép tính toán và quy trình xây dựng quá khoa học. Mãi từ thế kỷ thứ mười chín trước Công nguyên mà cầu Gard đã được xây để phục vụ cho 50.000 người với trung bình 409 lít nước/ngày/người.
Một điều bản thân tôi thấy thú vị là cầu Gard không bắc sang sông theo một góc 90 độ như những chiếc cầu khác mà lại nằm chếch sang một bên. Nước dưới sông chảy theo lối uốn cong, không chảy thẳng. Vào mùa hè, khách du lịch tràn xuống các mé sông hai bên trải khăn ra ngồi hóng mát. Cảnh tượng thanh bình, vô cùng khoan khoái.
Chiếc cầu ngày nay phục vụ cho nền du lịch chứ không còn làm nhiệm vụ dẫn nước nhưng tôi vẫn nhìn thấy những ánh mắt trìu mắt dành cho nó. Cầu quá đẹp, một cách giản dị mà gần gũi. Tôi đi chầm chậm dọc theo suốt chiều dài của cầu hai lượt rồi lên xe quay về. Sau này về Việt Nam và đọc một cuốn sách về 100 di tích thế giới, tôi mới biết cầu Gard nằm trong danh sách này. Chiếc cầu mộc mạc mà ấn tượng sẽ không bao giờ phai trong tim tôi.
Locronan: xứ cổ của công chúa Da Lừa
Tôi đến Locronan vào một sáng mùa hè cùng Sophie, một giáo viên tiểu học người thành phố Brest. Sophie cho biết Locronan là một trong những thị trấn đẹp nhất nước Pháp nói chung và nhất Bretagne nói riêng. Hàng năm, nơi đây đón một lượng khách du lịch nội địa lẫn quốc tế khổng lồ. Sophie đã từng thăm Việt Nam nên cô cho tôi một so sánh “Locronan giống Hội An vậy đó!”.
Công chúa Da Lừa
Sau khi đỗ xe, Sophie cùng tôi đi bộ vào thị trấn. Gió mùa hè của vùng Bretagne vẫn lành lạnh, nắng nhạt màu vàng chanh và những đóa hoa cẩm tú cầu lộng lẫy làm tôi choáng ngợp. Và kìa, Locronan hiện ra dần dần theo mỗi bước chân tôi gõ nhịp lên những viên đá lót đường trơn bóng. Những viên đá này đã tồn tại từ thế kỷ thứ mười sáu, sau mấy trăm năm được biết bao đôi chân bước qua, bao cuộc đời in dấu lên đó, đá trở nên lún ngày càng sâu và bóng loáng thật độc đáo. Những căn nhà theo lối kiến trúc Phục Hưng bằng đá granit xám, mái ngói đen tuyền phủ rêu phong, dây leo xanh rờn bám chặt vào tường và trên bậu cửa sổ mọc đầy hoa. Nhà chỉ cao từ một đến hai tầng, hoàn toàn bằng đá granit, cửa bằng gỗ dày cũ kỹ. Thị trấn trông cổ xưa như ta chưa hề sống vào thời đại văn minh, như ta đang ở nước Pháp cùng với người đẹp Angelique, lãng tử D ‘Artagnan, hoặc thậm chí trong câu chuyện cổ tích Công chúa Da Lừa.
Ở quảng trường nhà thờ, khu trung tâm Locronan với chiếc giếng cổ bằng đá càng làm người ta thấy mình quả đang trở về với quá khứ của nước Pháp thế kỷ thứ mười sáu. Nơi đây xưa kia là nguồn cung cấp nước cho cả thị trấn, ngày ngày những thiếu nữ vùng Bretagne đeo tạp dề viền đan-ten, đội mũ rộng vành, chân mang guốc gỗ lót rơm, đeo đôi thùng nước đến đây tắm giặt. Những chiếc xe ngựa chở du khách dạo một vòng quanh ngôi làng bé nhỏ, tiếng vó ngựa chầm chậm như nhắc mọi người nhớ đến một thời yên tĩnh nhưng cũng không kém phần khó khăn như trong các phim vua chúa và những “người nông dân nổi dậy”. Locronan nhiều phen cũng là một phim trường với đầy đủ tòa thị chính, nhà thờ, tiệm bánh mì, tiệm rượu, tiệm tạp hóa vẫn in dấu rêu phong. Các bảng hiệu vẫn được treo theo lối cổ, đung đưa trong gió, khiêm tốn chẳng một hình ảnh quảng cáo nào. Các bộ phim vào thời xưa như Angelique, Hoàng hậu Margot, Ba người ngự lâm pháo thủ… đều được quay lại đây.
Bánh crêpe và rượu trái cây cidre
Trong cuộc sống văn minh ngày nay, Locronan ý thức được vai trò bảo tồn kiến trúc cổ nên người dân không bao giờ cho phép bản thân được phá hủy nét cổ xưa. Tại Tòa Thị Chính, bảng tên “Mairie” vẫn nhuốm màu thời gian với các chậu hoa màu hồng phấn êm đềm bao quanh ngôi nhà xám. Tiệm bánh mì, nhà hàng, quán cà phê và các shop quà lưu niệm cũng thế, mọi thứ đều in dấu rêu xanh và các vết mốc trắng trên nền đá granit đen. Đến Locronan, chẳng du khách nào muốn từ chối bước vào tiệm “Crêperie”. Đó là tiệm ăn chuyên bán bánh crêpe, đặc sản vùng Bretagne. Cô phục vụ đưa tôi tấm thực đơn chỉ vỏn vẹn vài ba loại crêpe. Muốn ăn mặn thì kẹp với jambon, thịt nguội xông khói, trứng, xúc xích. Muốn ăn ngọt thì dùng với mứt trái cây (confiture) và chocolat. Thế thôi! Vậy mà người Bretagne vô cùng tự hào với đặc sản này của mình. Ngoài ra nơi đây không phục vụ các thức uống hiện đại như nước ngọt có gaz và các loại rượu bia công nghiệp. Bạn chỉ có thể gọi nước trái cây lên men, rượu loại tự nấu đựng trong bình bằng đất nung và… nước lọc. Bởi đơn giản thật “vô duyên” khi thấy một lon Coca trong khung cảnh hoàn toàn cổ xưa này.
Đã đến Locronan ăn bánh crêpe, du khách cũng sẽ gọi rượu trái cây lên men gọi là “cidre”. Cidre làm từ nho, táo, lê… Tuy là rượu trái cây nhưng không cẩn thận vẫn say túy lúy. Bánh crêpe gần giống như bánh xèo của mình, chỉ có bột mì đen tráng ra trên chảo rộng, bỏ thịt nguội, bơ, phó mát hoặc mứt vào, xếp lại, cho ra đĩa và ăn. Khách có thể đứng xem đầu bếp tráng bánh, khói bốc lên nghi ngút thơm lừng và… nuốt nước bọt. Công bằng mà nói, ăn crêpe mau ngán vì chẳng có rau sống kèm theo như bánh xèo, chẳng có nước chấm cũng không có tí ớt cay cay. Nhưng nếu vừa ăn bánh vừa “chiêu” mấy ngụm rượu trái cây thơm nồng nàn, nhìn qua cửa sổ ngắm Locronan cổ kính, không say trong lòng mới là lạ.
Sophie hỏi tôi có ngon không mà chưa kịp trả lời thì chính cô đã đưa ngón tay ra dấu “number one”, vẻ mặt dương dương tự đắc lắm. Không đến mức “number one” nhưng chẳng muốn làm mích lòng người Bretagne, tôi giơ hai ngón tay ra dấu “victory” chiến thắng lên. Sophie cười hí hửng. Cô không biết tôi muốn nói “number two”. Tôi hứa “Lần sau nếu lại qua Việt Nam, tôi sẽ làm bánh xèo, một loại bánh crêpe Việt đãi cô!”. Khi đó nếu Sophie chê bánh xèo Việt Nam cũng chỉ “number two” thì đáng đời tôi.
Tiếng Celtique và đăng-ten (dentelle)
Tại quảng trường lớn ở Locrotan, ngoài vài cửa hàng bán quà lưu niệm, các tiệm “crêperie” bánh bánh crêpe, tiệm “cidrerie” bán rượu trái cây ra, thư viện tiếng Celtique với dòng chữ “Librairie Celtique” tưởng chẳng có gì thu hút lại được nhiều người bước vào. Celtique là thứ tiếng dân tộc, ngôn ngữ cổ của người Bretagne cho đến nay vẫn có một số người già sử dụng. Thậm chí, dù bị cho là “tứ ngữ”, người ta vẫn duy trì Celtique với một vẻ tự hào kỳ lạ.
Tại Locronan nói riêng và vùng Bretagne nói chung, các câu lạc bộ người nói tiếng Celtique vẫn hoạt động và các sự kiện ngôn ngữ của những câu lạc bộ này rất rình rang. Thư viện tiếng Celtique tại Locronan ngày nay tuy mang dáng vẻ du lịch nhiều hơn, nhưng các cuốn sách cổ, các loại sách học vỡ lòng, các tấm bưu thiếp in thứ ngôn ngữ này vẫn được trưng bày rất đẹp mắt như muốn nước Pháp hiện đại hãy luôn trân trọng nó.
Nằm kế bên các cuốn sách cổ với ngôn ngữ Celtique là những sản phẩm thủ công cổ truyền của vùng Bretagne. Những chiếc dù trắng bằng đăng-ten, khăn trải bàn thêu, rèm cửa sổ, gối, áo… tất cả đều được làm bằng tay, công phu, trắng tinh khiết và mềm mại như thứ vải ren của những công nương, tiểu thư sống đời nhung lụa. Ngày nay, với cuộc sống hiện đại và các sản phẩm công nghiệp tiện lợi, thứ đăng-ten Bretagne bày bán tại Locronan quả là một món quà đắt giá cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đóa tú cầu Bretagne
… Tiếng chuông nhà thờ Saint Ronan đổ từng hồi chuông ngân nga. Chúng tôi tiếp tục tham quan thị trấn bé nhỏ. Thấy tôi nhào vô… nghĩa trang chụp tới tấp, Sophie bật cười nắc nẻ. Chưa bao giở trong đời tôi thấy nghĩa trang nào tuyệt đẹp như nơi đây. Các ngôi mộ đều bằng đá xưa cổ, hoa mọc dày đặc, sắc sảo, các ngọn thánh giá được chạm trổ công phu kiểu dáng đa dạng. Được chết tại nơi đây mới sung sướng làm sao. Những bồn hoa cẩm tú cầu đủ màu như những chiếc bánh kem phồng lên đồ sộ trong khung cảnh cổ kính này càng làm Locronan mang một dáng vẻ đặc biệt: cổ nhưng không cũ, yên tĩnh nhưng vẫn sống động, đẹp dịu dàng, đơn giản mà vẫn kiêu sa.
Rời Locronan sau một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, Sophie hài lòng vì đã hướng dẫn cho tôi đến thăm một nơi tuyệt vời. Vẻ mộc mạc nhưng kiêu hãnh của cô thật đặc trưng cho tính cách người Bretagne. Như đóa cẩm tú cầu đang rung rinh trong gió kia, đẹp, đẹp và đẹp.
Rennes: thành phố của những quảng trường
Năm 2000 tôi đến Rennes tu nghiệp trong tòa soạn Ouest France, tờ nhật báo có số phát hành cao nhất nước Pháp (800.000 bản). Tôi trọ trong cư xá dành cho giới trẻ đi làm gần trung tâm thành phố (Foyer des Jeunes Travailleurs). Cư xá cho người trẻ, tức là nơi có những tiện nghi tối thiểu nhất: phòng rộng chưa tới ba mét vuông, đủ để một chiếc giường đơn, một cái bàn và một phòng tắm. Nhà bếp, phòng ăn, phòng xem ti-vi, phòng khách, tất cả đều dùng chung. Khái niệm trẻ ở những nước châu Âu có nghĩa là năng động, tự do, khỏe mạnh và… nghèo. Tôi rõ ràng vẫn còn trẻ nhưng hình như chỉ giống được thanh niên người ta ở khoản nghèo nên đành ở trong cư xá này.
Trong suốt ba tháng trời ở Rennes, tôi rất ghét ở nhà, cảm thấy mình như đang ở tù và căn phòng tí hon đó làm tôi ngộp thở. Trong cái rủi có cái may, tôi rong chơi nát các con đường, tôi window-shopping khắp các cửa hàng lớn nhỏ, tôi bắt xe bus đến những vùng làng mạc và các cánh rừng ngoại ô. Và không biết từ lúc nào, ác cảm ban đầu ở một thành phố xa lạ đã nhường cho những tình cảm thân thương. Những cơn gió thu làm trút bao lá vàng, những hạt mưa làm mờ cả phố xá, những quảng trường nhỏ xinh, những căn nhà cổ bằng gỗ nâu trầm mặc, những ngọn giáo đường, tiếng chuông ngân vang…
Sông La Vilaine
Rennes là thủ phủ của vùng Bretagne, là một trong mười thành phố phát triển và đông dân nhất nước Pháp. Thế nhưng đến Rennes, tôi không có cảm giác chộn rộn, đông đúc, náo nhiệt. Thành phố giữ lại cho mình vẻ tự chủ, năng động nhưng chừng mực, bận rộn mà thong thả, sầm uất mà bình yên. Để tiết kiệm tiền đi xe bus, sáng sáng tôi cầm dù, thong dong rảo bước một đoạn đường dài ba mươi phút trong tiết trời thu Bretagne. Có ngày mưa, có ngày trời xám xịt và có ngày hiếm hoi với những dải nắng vàng. Tôi băng qua một chiếc cầu, những con đường huyết mạch, để tiến vào trung tâm. Thành phố vào các giờ cao điểm cũng kẹt xe ít nhiều nhưng vẻ bình lặng của Rennes vẫn là điều đáng mơ ước so với những thành phố lớn khác ở Pháp.
Tòa soạn báo Ouest France là một ngôi nhà cổ, nằm trên đường Pré Botté, ngay giữa trung tâm Rennes. Tòa soạn cũng là một trong những địa điểm tham quan du lịch vì báo Ouest France là niềm tự hào của thành phố vốn rất mê báo chí. Con sông La Vilaine chảy vắt qua thành phố thật êm đềm, những dãy nhà hai bên bờ kè đều tăm tắp, những bồn hoa được chăm chút cẩn thận trang hoàng cho con sông thêm duyên dáng. Sông chia thành phố ra hai bên bờ nam với những hoạt động nghệ thuật. Song song với bờ kè của sông Vilaine là những dãy phố được cắt ngang bởi những quảng trường và những tòa nhà cổ. Từ ngay những ngày đầu ở Rennes, tôi đã không kh nào đi lạc dù thành phố khá rộng. Các con phố cứ đan xen nhau như hình bàn cờ, đi đâu rồi cũng qui về những quảng trường, và sau đó là bờ sông La Vilaine.
Những quảng trường độc đáo.
Các quảng trường ở Rennes rộng vừa phải, khá nhiều cho một thành phố, cứ vài dãy nhà là lại gặp một quảng trường chào đón nồng nhiệt. Tuyệt vời nhất là quảng trường Tòa Thị Chính, và dĩ nhiên Tòa Thị Chính nầm ngay đấy là tâm điểm của phong cách kiến trúc cổ. Tòa nhà hành chính này được xây từ năm 1720 bằng đá granit với tháp đồng hồ nằm ngạo nghễ bên trên. Đối diện với tòa thị chính là Nhà hát thành phố, cũng có lối kiến trúc cổ Gothic. Xung quanh quảng trường là vài quầy hàng rong duyên dáng trong các xe đẩy nhỏ xinh bán trái maron nướng, hạt dẻ luộc, kem đủ màu, bong bóng bay lơ lửng… Những chiếc ghế đá đặt trật tự ven đó là nơi cho mọi người hẹn hò. Tôi cũng hẹn vài người bạn mới quen tại đây vào những sáng chủ nhật để cùng nhau đi bát phố. Ngước lên nhìn đồng hồ xem giờ rồi thong thả mua vài hạt dẻ thơm thơm cùng ăn.
Quảng trường Cộng Hòa với tòa nhà thương mại được xây từ thế kỷ mười chín cũng ấn tượng không kém, trải rộng, hoành tráng và sang trọng. Quảng trường Hoche cách đấy không xa là nơi dành cho giới sinh viên bởi trường Đại học Rennes, trung tâm hội nghị, văn phòng du lịch và nhà ăn sinh viên nằm kề sát. Cùng với một cô bé sinh viên báo chí thực tập trong tòa soạn, mỗi trưa chúng tôi đi bộ đến đây, ăn suất cơm sinh viên được nhà nước trợ giá, quá rẻ mà lại no nê, đủ chất và sạch sẽ. Chẳng ai hỏi thẻ sinh viên hay bất kỳ giấy tờ gì, nhất là trông mặt tôi còn non hơn cả sinh viên năm nhất. Rennes cũng được xem là thành phố đại học với các trường công uy tín và tổng cộng khoảng sáu chục ngàn sinh viên.
Mỗi chiều sau giờ làm việc, tôi thích lang thang đến quảng trường Des Lices, nơi có khu chợ thức ăn tươi, hoa quả, cá sống… Chợ có mái che này cũng là một khu vực cổ, được xây từ năm 1871, rộng rãi, quy củ và vệ sinh. Cũng tại quảng trường này, mỗi sáng thứ bảy người ta còn họp chợ ngoài trời, bán đủ thứ hàng đa dạng, từ quần áo, thức ăn, rau củ, đến các thức ăn nóng trong những xe kéo. Chợ có quy mô lớn nhất thành phố Rennes và các tỉnh lân cận nên mỗi sáng thứ bảy cảnh mua bán diễn ra rất tấp nập và nhộn nhịp.
Gần đấy, quảng trường Champ du Jacquet tuy nhỏ nhưng lại là một trong những nơi độc đáo của thành phố với những ngôi nhà cổ bằng gỗ nâu, mặt tiền nhà được trang trí bằng những thanh gỗ kẻ sọc dọc ngang lạ mắt, cao tối đa ba tầng, có mái bằng đá ardoise đen. Những căn nhà gỗ là vết tích còn sót lại của một thành phố vốn được rừng bao quanh. Kiến trúc cổ của những căn nhà từ thế kỷ thứ mười bảy này đã bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi và phá hủy hơn chín trăm căn nhà vào ngày 23-12-1720. Vì thế, những ngôi nhà cổ còn sót lại này đều là di tích lịch sử và văn hóa, ngày nay được dùng làm nhà hàng sang trọng. Sát bên, quảng trường Raillier du Baty cũng còn vài căn nhà gỗ sọc, các quán nước nằm tràn ra ngoài trời, nhạc trẻ rộn ràng trong quán vang ra náo nức.
Những con phố nhỏ xinh và các viện bảo tàng
Cùng với những quảng trường, các con phố nhỏ xinh lót đá dành cho người đi bộ là nơi tôi ngày ngày dạo bước trong tiết trời thu lành lạnh. Tôi thích nhất phố SaintMichel còn được người dân ở Rennes gọi là “Phố khát” (Rue de la soif). Phố dành để giải quyết nhu cầu được uống của người đang khát với dày đặc các quán nước trái cây, quán bia, quán cà phê, quán kem… Những ngày trời ấm với chút nắng vàng, các dãy ghế được bày tràn ra vỉa hè và con phố trở thành địa điểm hẹn hò. Mọi người nói cười xôm tụ, uống tràn bọt những ly bia và tươi tắn cùng ngắm khách bộ hành qua lại. Những cô cậu sinh viên sau giờ học cùng tấp vào, tạo cho con phố vẻ trẻ trung thật đáng yêu.
Phố Nationale lại là nơi tôi có thể shopping với những cửa tiệm bán đĩa nhạc, sách vở và quần áo thời trang. Tiệm nào cũng được tôi đến viếng nhiều lần và vì thế, hàng hạ giá bị tôi lùng sục không thoát nổi. Tất cả những hiệu nổi tiếng của Pháp và châu Âu đều có mặt tại Rennes nên tôi tha hồ chọn lựa. Chọn chán rồi không mua cũng chẳng sao hoặc mua rồi đem trả cũng vẫn được. Phố Saint Georges và Gambetta thì cho tôi khung cảnh thiên nhiên tươi vui với hồ bơi Saint Georges, dinh Saint Georges trải rộng vương giả và vườn hoa lộng lẫy bên ngoài.
Ở bờ nam con sông Vilaine là các bảo tàng nghệ thuật thuộc hàng quốc gia mở cửa chào đón khách quanh năm. Nào là bảo tàng nghệ thuật tranh tượng, bảo tàng vùng Bretagne, bảo tàng truyền hình, bảo tàng trình diễn… Các bảo tàng đón khách miễn phí và là nơi tổ chức những sự kiện văn hóa cho thành phố như lễ hội âm nhạc, lễ hội “Thành phố đêm”, lễ hội du lịch… Trong mấy tháng lưu lại Rennes, tôi may mắn dự các lễ hội này, mọi người từ già đến trẻ đều cùng tham gia hào hứng và vui chơi trong trật tự. Các quán giải khát mở cửa thâu đêm, các ban nhạc cống hiến trọn vẹn cho khán giả tại khắp các quảng trường trong thành phố.
Công viên Thabor và rừng ven thành phố
Nhắc đến Rennes, người ta không thể bỏ quên một địa điểm thân thương và trong lành. Đó là công viên Thabor rộng lớn với các loại cây cổ thụ, cây cảnh và hoa phong phú nhiều chủng loại. Những ngày nắng ấm công viên tràn ngập các em bé tung tăng nô đùa, những gia đình trải đồ cùng ăn picnic, các ông bà già chống gậy dạo vòng quanh. Muốn đi xa hơn thì rừng Rennes bao quanh thành phố là nơi người ta có thể dạo chơi vào những ngày cuối tuần. Rừng tuy nhỏ và nằm gần thành phố đông dân cư nhưng do ý thức bảo tồn thiên nhiên cao, rừng vẫn có các con thú trú ngụ. Thảng hoặc những chiếc xe bus chạy ngang qua những con đường mòn cắt ngang rừng, người ta vui mừng thấy những chú sóc chuyền mình trên cao, những con nai ngơ ngác ngước mắt nhìn ra và cả một gia đình nhím nối đuôi nhau đi.
Thành phố Rennes hiện đại mà cổ kính, công nghiệp mà hòa mình với thiên nhiên, phát triển mà vẫn tôn trọng những giá trị truyền thống. Truyện ngắn Một mùa thu ở Rennes (trong tập Bồ câu chung mái vòm) được tôi viết trong một đêm nhớ Rennes cùng những cơn mưa mờ phố. Sau đợt tu nghiệp đó, khi đi du học ở Bỉ, tôi đã kiên trì ngồi xe lửa cả ngày trời để quay lại Rennes nhiều lần thăm bạn bè. Thành phố luôn giữ lại những gì tốt đẹp nhất và vẫn không ngừng tiến lên phía trước.
Saint Rémy de Provence dưới ánh mặt trời
Tôi đến ngôi làng Saint Rémy vào một buổi sáng mùa hè đẹp trời. Nắng chiếu vàng óng ả xuyên qua những kẽ lá. Xe chạy ngang qua một cánh đồng hoa hướng dương đẹp rực rỡ, những con ve sầu râm ran ca, gió dịu mát làm tung bay những sợi tóc.
Trong khung cảnh thần tiên hạ giới đó, cảm hứng cho truyện ngắn Diên vĩ Provence (trong tập Bồ câu chung mái vòm) đã hình thành. Saint Rémy được bầu chọn là một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp, nằm ở vùng Provence ấm áp đầy ánh mặt trời. Ngôi làng đặc trưng của Provence nói riêng và của miền Nam nước Pháp nói chung, được khách du lịch tìm đến bởi nhiều lý do.
Van Gogh và hoa diên vĩ
Với riêng tôi, lý do đầu tiên do tôi muốn tận mắt xem cảnh vật trong tranh của Van Gogh ngoài đời thật. Này là bức hoa hướng dương, này là các bức tranh với toàn màu vàng làm chủ đạo vẽ các nông dân đang vụ mùa, này là các bức phong cảnh với những cánh đồng lúa mì trĩu hật, này là những ngõ nhỏ, những chiếc cửa sổ xanh, những viên đá lát đường xám của ngôi làng Saint Rémy. Và quả thật, tôi đã không thất vọng nếu không muốn nói là cảnh thật còn đẹp hơn gấp mấy lần.
Nắng mặt trời là một “đặc sản” làm nên màu vàng óng ả của ngôi làng nhỏ, nắng chiếu vào những cánh cửa màu xanh da trời, vào dàn dây leo xanh rợp bám dày những bức tường đá cổ, vào những chậu hoa rực rỡ luôn có lũ bướm lượn lờ bên trên. Vì ngôi làng luôn có nắng mặt trời dù vào mùa đông, vẻ cổ kính không hiện lên qua những nét rêu phong. Chính những ngôi nhà nhỏ bằng đá vôi vàng, những cửa sổ xanh xanh, những ngõ nhỏ uốn lượn, những bồn phun nước gắn vào tường là linh hồn của ngôi làng Saint Rémy. Vẻ thanh bình, ấm áp, đẹp rộn ràng của làng đã giữ chân người họa sĩ tài hoa Van Gogh ở lại. Ông đắm mình trong ánh nắng vùng Provence, chìm vào những cánh đồng hoa hướng dương, những bông lúa mì thơm lựng, trong tiếng ca hát của ve sầu. Và trên hết, ông được dân làng, những người nông dân mộc mạc, nhiệt tình, hào phóng và tốt bụng chở che.
Trong suốt thời gian lưu lại Saint Rémy (từ 8-5-1889 đến 16-5-1890), Van Gogh đã vẽ hơn 150 bức tranh nhiều thể loại. Những người nông dân là đối tượng được họa sĩ quan tâm nhiều nhất. Những con người hồn hậu của miền Nam nước Pháp trong tranh ông hiện ra thật gần gũi, họ hăng say lao động trên cánh đồng, họ rạp mình gặt lúa mì, họ cày bừa cùng những chú ngựa, họ nghỉ ngơi bên đống rơm vàng… Phong cảnh làng Saint Rémy với những bức tường phủ đầy dây leo, những ngõ nhỏ thanh vắng, những bậu cửa sổ xanh, những bông hoa hướng dương, những chú ve sầu… tất cả đều toát lên vẻ thanh bình, giản dị mà vô cùng quyến rũ. Đây là thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của họa sĩ dù rằng ông đang chịu đựng căn bệnh trầm cảm và phải trú trong bệnh viện để sáng tác. Sau khi rời Saint Rémy, chỉ hai tháng sau là Van Gogh qua đời. Hiện nay làng vẫn còn giữ vài bức nổi tiếng trong loạt tranh này của ông và luôn xem ông là đứa con của Saint Rémy de Provence.
Những khu chợ rực rỡ
Lý do thứ hai Saint Rémy hút khách là những khu chợ thật đặc trưng vùng Provence. Chợ được họp đông nhất vào thứ tư hàng tuần, chiếm một diện tích khá rộng trong quảng trường của làng, trong các ngõ hẹp, trong những góc khuất. Nhắc đến chợ, người Việt Nam thường có cảm giác bẩn và sặc mùi. Nhưng chợ ở Saint Rémy không những sạch sẽ, đầy màu sắc mà còn thơm tho nữa.
Hàng hóa phần lớn là các sản vật của vùng. Tôi thích nhất là chợ bán vải. Thứ vải vùng Provence với những họa tiết xinh xắn như trái ô-liu, hoa hướng dương, ve sầu, mướp đỏ… Màu vải thật đa dạng nhưng luôn là sắc nóng như vàng tươi (màu hoa hướng dương), xanh nõn (màu ô-liu), đỏ hồng (màu mướp đỏ), tím hoa cà (màu hoa oải hương)… Vải được dệt giống như cotton nhưng cứng hơn và bền hơn rất nhiều. Người ta mua thứ vải này về làm khăn trải bàn, khăn ăn, màn cửa và đặc biệt là để may váy xòe. Váy thường có ba tầng, mỗi tầng là một mô-tip khác nhau nhưng đều rất hài hòa. Chiếc váy xòe sặc sỡ màu nắng của Provence cũng đặc biệt như chiếc váy kẻ sọc xếp pli của Scotland. Tôi mua cho mình hai chiếc và về sau này dù ở Việt Nam hay đi nước ngoài, mỗi lần tôi diện vào đều có người nhận ra: “À, Provence!”.
Ngoài chợ vải, tôi còn mê chợ hương liệu với các loại nước hoa và xà bông thiên nhiên. Loại hương được khách du lịch chọn lựa nhiều nhất là oải hương (lavande). Gốc của từ “lavande” là động từ “laver”, tức là giặt rửa. Hoa oải hương được dân Provence dùng làm nước xả vải cho quần áo, chăn mền, màn cửa sau khi giặt. Vì thế, trong nhà thường có được mùi hương thiên nhiên. Xuất thân “bình dân”, giúp việc cho các bà nội trợ là thế, nhưng ngày nay hoa oải hương được dùng làm hương liệu sản xuất nước hoa, các loại dầu ướp trong tủ, các loại hương trong các sản phẩm gia dụng. Cũng cần nói thêm hoa oải hương tuy được yêu thích, nhưng đây không phải là một mùi hương sang trọng, kiểu giống như lại của Việt Nam mà thôi. Hoa oải hương cũng không có kiểu dáng đặc biệt, chỉ như những nhánh lúa trĩu hạt màu tím hoa cà, mọc dày cả cánh đồng vùng Provence. Trong khu chợ ở Saint Rémy, hoa oải hương được tuốt ra bán thành từng vốc. Hoặc hoa được bỏ vào trong túi bằng loại vải Provence, cột nơ lại, dành cho khách du lịch mua về ướp trong tủ quần áo. Các túi vải nho nhỏ bằng bàn tay chứa hoa oải hương là một món quà không thể thiếu khi mọi người tìm đến chợ. Mùi hương có thể lưu lại khá lâu, chừng vài ba tháng và có khả năng thu hút côn trùng, nên dân Provence khuyên khách du lịch chỉ nên bỏ túi hoa vào trong tủ đóng kín và đừng nên bày ra ở những chỗ trước gió như bậu cửa sổ, lan can, hành lang.
Chợ rau củ cũng là một nơi thu hút khách du lịch đến chụp hình vì nơi đây rất rực rỡ. Ngoài ra, dân địa phương cũng đến rất đông do rau củ khá tươi và trông vô cùng đẹp mắt. Rau củ chợ Saint Rémy không chỉ dùng để ăn mà còn để trang trí. Này là những trái ớt chuông màu vàng rực, đỏ thắm, xanh mượt. Này là những quả cà chua đỏ hồng, căng tròn, bóng bẩy. Này là những quả cà tím dài duyên dáng, mập mạp, láng mướt. Này là những trái dưa leo xanh sẫm, chắc nịch, cuống cong lên khiêu khích… Đặc biệt, gian hàng các loại trái mướp Provence luôn là tâm điểm của khu chợ. Mướp Provence có kiểu dáng rất ngộ nghĩnh dùng làm trang trí rất ấn tượng. Có trái mập mạp và cổ uốn cong lên trông chẳng khác gì một con thiên nga màu vàng rực, đỏ thắm hoặc trắng hồng. Có trái tròn dẹp và phồng cao như trái bí rợ nhưng “phốp pháp” hơn. Có trái hình bầu dục, có trái hình ống, có trái hình trái tim. Mướp Provence khi ăn có mùi vị thơm ngon, giông giống bí rợ lẫn với mướp hoặc với cà tím. Người ta thường hay nấu súp, xay nát ra, chẳng cần phải nêm gì ngoài tí muối. Dù súp được nấu chay, không thịt, cũng chẳng có bột ngọt, nhưng vị ngọt thiên nhiên của mướp thật tinh khiết, thơm tho và hấp dẫn. Tuy nhiên không phải loại mướp nào cũng để ăn vì nhiều khi người Provence chỉ mua về để trang trí. Họ chất các loại mướp hình dạng và màu sắc khác nhau vào một rổ mây, đặt lên bàn khách hoặc trong phòng bếp. Bức tranh phồn thịnh và thanh bình đã hiện ra vô cùng thyết phục.
Cuối cùng là chợ hoa và các món hàng lưu niệm. Nếu như hoa oải hương chỉ được bày bán trong khu chợ hương liệu, hoa hướng dương là tâm điểm cho sự hãnh diện của người Provence. Hoa hướng dương được trồng cả cánh đồng để lấy hạt, ép dầu và cả xuất khẩu hoa sang các nước Bắc Âu giá lạnh. Hướng dương ở đây vàng rực rỡ, to tròn và tươi thắm. Trong truyền thuyết Hy Lạp - La Mã cổ đại, nữ thần Clytie say mê thần mặt trời Apollon nhưng không được ông để mắt tới. Vì nữ thần cứ mãi đứng ngước nhìn mặt trời (tức Apollon) quá lâu, chân bà biến thành rễ quấn chặt vào lòng đất và khuôn mặt kiều diễm của bà trở thành một bông hoa. Tích hoa hướng dương vì thế được các thiếu nữ si tình rất thích và thương mua đem về trang trí. Một bình hoa hướng dương vàng rực rỡ luôn làm cho nhà cửa trở nên sinh động ấm áp và đầy ánh sáng.
Một “đặc sản” khác của Saint Rémy de Provence là ve sầu. Mùa hè ve ca hát nỉ non thâu đêm suốt sáng không bao giờ dừng. Các đoàn làm phim đến đây quay phải thu âm trong phòng vì thu tiếng trực tiếp luôn vướng giọng ca của ve. Chợ Saint Rémy bán những con ve sầu bằng sứ màu vàng, to gấp… mấy ngàn lần con ve thật, dùng để treo trên tường, trang trí trong vườn hoặc làm chậu hoa dây leo. Ve còn được thể hiện qua các loại trang sức, mặt dây chuyền, nút cài áo… tha hồ cho khách chọn.
Vùng Provence nói chung và làng Saint Rémy nói riêng còn là một trong những lãnh thổ lưu dấu La Mã khá nhiều. Trước ngõ vào làng còn có Khải Hoàn Môn và Cột Chiến Thắng sừng sững qua mấy ngàn năm lịch sử. Kiến trúc của những ngôi giáo đường, các ngôi nhà nhỏ, các bồn phun nước vẫn mang đậm phong cách thời Trung Cổ và Phục Hưng. Bảo tàng lịch sử vùng Provence cũng là nơi đến nếu du khách muốn khám phá hết vẻ kỳ thú của xứ sở tràn ngập ánh mặt trời. Ngoài ra, các galerie nghệ thuật với các loại tranh phong cảnh, tượng các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, đồ gốm nung… rất đáng cho mọi người thưởng thức. Tôi muốn mua một bức tranh chép từ Hoa diên vĩ của Van Gogh nhưng ngại cồng kềnh nên cuối cùng chỉ mua… một bưu thiếp in tác phẩm này. Đóa hướng dương vàng màu nắng luôn làm tôi háo hức mong được dịp quay lại Saint Rémy de Provence, với những cửa sổ xanh, với mùi hoa oải hương, với tiếng hát của ve sầu “Thương - quá - thương! Thương - quá - thương! Thương - quá - thương…”
Đến Provence nhớ Alphonse Daudet
Hồi còn là sinh viên văn chương Pháp, tôi thích Alphonse Daudet và Saint Exupéry. Hai tác giả này có lối hành văn dễ đọc (dành cho người nước ngoài học tiếng Pháp), kết cấu truyện giản dị và có những triết lý sống nhẹ nhàng. Đặc biệt đọc Alphonse Daudet, tôi như thấy cuộc sống hiền hòa của nông thôn Pháp trước mắt mình, những chàng mục đồng, cối xay gió, bầy cừu mũm mĩm, chú dê con ham chơi… (tập truyện ngắn Lettres de mon moulin). Và một nhân vật khác là thợ săn sư tử Tartarin xứ Tarascon (truyện dài Tartarin de Tarascon).
Alphonse Daudet và người Provence
Khi đến Pháp lần đầu, được đặt chân ở vùng Provence, tôi nhất quyết phải tìm đến những địa danh trong truyện của Alphonse Daudet. Nhà văn sinh ở thành phố Nimes vào năm 1840, sau khi lên Paris làm việc rồi có dịp về Provence, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm lấy bối cảnh vùng miền Nam nước Pháp tươi đẹp này. Có thể nói Provence nhờ Alphonse Daudet mà nổi danh, nhưng cũng nên nói ngược lại, chính nhờ vùng Provence tràn ánh mặt trời và con người hồn hậu của miền đất này đã làm tài năng Alphonse Daudet thăng hoa.
Trong suốt mùa hè năm 1866, các truyện ngắn của ông được đăng nhiều kỳ liên tiếp trên báo L ‘Evènement, tính cách ngộ nghĩnh của người Provence thế là được độc giả khám phá dưới ngòi bút hài hước của Daudet. Họ thật đáng yêu dù bị châm biếm là “ngây thơ cụ”, khôn vặt, thích huênh hoang, khoái “nổ” và có chất giọng “quái dị như ngậm mặt trời trong họng”. Dạo đọc các tác phẩm của Daudet, tôi luôn tò mò muốn gặp một người Provence xem có khôi hài đến thế không. Sau này tôi quen khá nhiều người Provence và thăm thú cũng khá nhiều nơi vùng Provence. Quả Daudet tả không sai, họ rất hồn hậu dù hay khoe khoang, đặc biệt chất giọng “ngậm mặt trời” rất khó nghe nhưng cực kỳ vui tai. Ai mới học tiếng Pháp chắc nghe “điếc con ráy”.
Người Provence có tính hào sảng giống người Nam bộ của ta, họ hiếu khách và rộng rãi, sống vui vẻ để tận hưởng những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời. Ít khi tôi nghe họ càm ràm chuyện cơm áo gạo tiền hay ca cẩm về những vấn đề chính trị-xã hội. Họ không thích người Paris vốn lúc nào mặt cũng cau có, đụng một chút là đình công và biểu tình. Chơi với người Provence, bạn sẽ luôn thoải mái; và sống trong nhà người Provence bạn cứ tưởng là trong nhà mình. Không có bất kỳ sự khách sáo hay kiểu cách nào.
Thư từ cối xay gió
Nơi đầu tiên tôi muốn thăm khi đến Provence là chiếc cối xay gió Fontvielle. Sáng hôm đó trời rất đẹp, ve sầu kêu vang tai, chị France lái xe đưa tôi đến thăm cối xay gió, nay đã là bảo tàng của nhà văn Daudet. Nghe thì “xôm tụ” nhưng đến nơi mới thấy cối xay gió bé tẹo, đúng là chỉ dùng xay bột trong thế kỷ thứ 19. Cối xay tuy vậy được trùng tu cẩn thận, khách có thể leo lên chót vót trên cao, chạm vào hệ thống cối xay, cánh quạt, máng nước, bánh xe…
Khách du lịch khắp nơi vì yêu Daudet và tập truyện Thư từ cối xay gió nên tìm đến với cối xay gió Fontvielle khá nhiều. Họ còn muốn thấy tận mắt con dê của ông Seguin (một nhân vật trong tác phẩm của Daudet) và có khi phòng Du Lịch Provence cho cột một con dê xinh xinh quanh quẩn bên cối xay gió cho khách tha hồ trầm trồ. Họ như cảm nhận được các nhân vật dễ thương của Daudet vẫn còn đây, xuyên bao thế kỷ, vượt mọi cách trở giữa hiện thực và trí tưởng tượng. Tôi thấm thía, văn học từ đời sống mà thành, nhưng cũng chính văn học đã trở lại với cuộc đời thông qua ngòi bút hồn nhiên của một nhà văn tài năng.
Rời cối xay gió, chị France tiếp tục lái xe đưa tôi đến Tarascon, nơi có tòa lâu đài trứ danh của chàng thợ săn Tartarin luôn hăm hở tìm được sư tử oai hùng.
Chàng thợ săn Tartarin xứ Tartascon
Tôi đọc Chàng thợ săn Tartarin xứ Tarascon bằng tiếng Việt do ba tôi mua tặng năm tám tuổi. Khi đó tôi chưa thấy hết cái khôi hài và châm biếm mà Daudet gởi gắm. Nhưng sau này, khi đã là sinh viên và đọc tác phẩm bằng nguyên tác tiếng Pháp, nhân vật Tartarin hiện ra quá buồn cười và cái vùng Tarascon cũng sở hữu nhiều nhân vật ngộ nghĩnh quá.
Thành phố Tarascon ngày nay vẫn còn lưu giữ những giá trị văn học, truyền thuyết và cổ tích của mình. Trong những thế kỷ đầu, nơi đây là cái nôi của văn học và kịch nghệ. Thành phố Tarascon có một nhân vật truyền thuyết, gọi là con Tarasque, một quái vật dữ dằn sống dưới sông Rhône. Nhưng nữ thánh Marthe đã dùng tài trí và sự dũng cảm của mình để cảm hóa một cách tài tình con Tarasque này. Ngày nay, khách đến Tarascon vẫn còn thấy đền thờ nữ thánh Marthe nằm gần lâu đài của lãnh chúa René, và cả tượng của con quái vật Tarasque trong như một “con rùa biến thái”, rất ngộ nghĩnh.
Thành phố Tarascon nhờ nhà văn Alphonse Daudet, còn có thêm một nhân vật tưởng tượng khác, đó là chàng Tartarin. Lâu đài Tarascon nằm bên dòng sông Rhône là một dạng lâu đài - pháo đài (château fort). Lâu đài to “vật vã”, trông “khủng bố” và không được nên thơ tí nào. Dạng lâu đài - pháo đài này khi xưa được xây với mục đích chống lại quân thù nên rất kiên cố, có hào nước bao quanh, có cầu gỗ rút lên khi cần cô lập với quân địch và có nhiều bệ đặt súng ống. Mặc dù sặc mùi chiến trận, lâu đài Tarascon là một trong những nơi được bảo trì tốt nhất và được xem là khá đẹp do nằm ở ngay bên dòng Rhône xanh ngát. Lâu đài ngày nay được dùng làm bảo tàng trưng bày về nhân vật Tartarin với bức tượng sáp của ông, bộ lông con sư tử và những vũ khí săn bắn cổ xưa, mô phỏng theo truyện của Alphonse Daudet. Khách du lịch đến thăm quan lâu đài Tartascon khá đông, coi như vừa được khám phá thế nào là một lâu đài - pháo đài, thế nào là Tartarin khoái “nổ văng miếng”. Tôi leo lên tầng cao nhất của lâu đài, đứng ngay chỗ ngày xưa các chiến binh đặt vũ khí chĩa ra ngoài thành. Mặc dù vậy, tôi không có cảm giác chiến trận bởi trước mắt tôi là dòng sông Rhône xanh ngát đầy bình yên.
Đến Provence nhớ Alphonse Daudet, tôi còn nhớ thêm nhà văn Marcel Pagnol với các tác phẩm lâu đài của mẹ tôi và vinh quang của cha tôi, cũng lấy bối cảnh vùng miền nam nước Pháp ngập ánh mặt trời này. Người Pháp yêu văn chương và trân trọng các tác giả. Và vì thế, kho tàng văn học thế giới có một phần đóng góp thật đồ sộ của văn học Pháp.
Gordes: ngôi làng ấm áp
Tôi đến Gordes, một trong những ngôi làng độc đáo nhất nước Pháp vào một ngày hè nắng vàng rực rỡ. Marie-Christine và cô con gái nuôi gốc Việt Nam khi đó mới bốn tuổi đã dành cho tôi nhiều ưu ái khi chở tôi đến đây. Gordes quá tuyệt, từ xa ngôi làng nép mình thu lại thật gọn trên một ngọn đồi. Những ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng đá, nằm theo một trật tự xoắn ốc, phía trên đỉnh đồi là lâu đài cổ, nay trở thành tòa thị chính.
Mềm mại những ngôi nhà đá
Đến gần hơn, Gordes hiện ra như một giấc mơ. Những ngôi nhà đá với các huyền thoại ngàn năm tuổi, những con hẻm nhỏ hẹp, những vách đá cheo leo, những giàn hoa rực màu nắng bám chặt những bức tường… Những ngôi nhà ở Gordes không chỉ xây bằng đá, mà chúng còn được sinh ra từ đá do bàn tay công phu của con người đẽo gọt nên.
Vào làng, không một chiếc xe hơi nào được tiếp nhận. Mọi người di chuyển bằng những bậc thang, những dốc đá, những hẻm hẹp. Tất cả những cánh cửa đều làm bằng gỗ, hoặc có màu tự nhiên thâm trầm, hoặc được dân làng sơn màu xanh, màu đặc trưng của miền Nam nước Pháp. Xen giữa những ngôi nhà cao bằng đá là cây cối xanh um và những bông hoa rực rỡ sắc màu vì luôn được mặt trời yêu thương sưởi ấm quanh năm.
Tôi đi bộ thong thả để ngắm nhìn thật gần từng viên đá của những dãy nhà, bước chậm từng bậc thang bón loáng màu thời gian, nghe trong gió tiếng những chú ong vo ve và hít căng lồng ngực hương mùa hè thơm lành. Cuộc sống ở Gordes theo tôi hình dung chỉ toàn những phút giây bình lặng. Hoặc người ta có thể toan tính ở ngoài nhưng một khi bước chân về làng, chỉ cần vài phút đi bộ về tổ ấm, cuộc sống thật tươi đẹp biết bao. Thật khó tưởng tưởng ai đó sở hữu ngôi nhà tạc từ vách đá cheo leo này lại có một cuộc đời giông bão. Hãy đứng nhìn xuống thung lũng xanh rì phía dưới, bắc ghế ngồi giữa những dây leo đầy hoa, nghe tiếng ong bướm trò chuyện râm ran và để làn da trần được mơn trớn dưới ánh nắng ấm áp. Thiên nhiên và con người như hòa quyện vào nhau, đá và hoa, nắng và gió. Thật lạ, tại ngôi làng bằng đá, tôi thấy lòng mềm mại. Cảm giác lâng lâng khó tả nên lời.
Những căn chòi đá xếp
Dù hơi mệt vì leo cao, tôi cũng chẳng hề phàn nàn khi lên đến đỉnh làng Gordes, nơi tòa thị chính là một lâu đài đá nằm chênh vênh cùng thời gian. Lên đến vị trí này, đã thấy khá nhiều shop bán hàng lưu niệm và quán giải khát. Nhưng thật tuyệt, mọi thứ đều được quy hoạch sao cho cuộc sống hiện đại và công nghiệp du lịch không làm ảnh hưởng đến hồn đá nơi đây. Khách thập phương cũng thật biết điều, chẳng ai ăn to nói lớn, vứt rác lung tung hay có những hành động phi văn hóa.
Marie Christine đề nghị mua kem cho tôi ăn, nhìn vào bảng giá, tôi chỉ món nào rẻ nhất làm cô bật cười. Cô bé Titi bốn tuổi cũng thật ngoan, nó nhí nhảnh ngồi trên đùi tôi mút kem dâu. Chúng tôi thong thả ăn kem lạnh, nhìn xuống thung lũng xanh ngắt bên dưới ước gì có đôi cánh chao liệng như chim. Nhưng không nên quá lười biếng, ăn kem xong chúng tôi lại tiếp tục đi xuống đồi bằng con đường khác. Cũng xuyên qua làng, cũng len lỏi vào những con hẻm nhỏ, cũng có bướm và hoa. Nhưng cảnh vật có sự đổi khác, không hề rập khuôn và nhàm chán.
Dưới chân đồi, vẫn thuộc địa phận làng Gordes, là một ngôi làng nhỏ khác có tên Bories. Nơi đây có những căn chòi hoàn toàn bằng đá. Trông ngộ nghĩnh như những ngôi nhà mái tròn, thấp bé của người Esquimo. Nhưng thay vì được xếp lại bằng những tảng băng, những căn chòi này được xếp bằng đá, thuần túy không có chút vật liệu công nghiệp nào. Những viên đá được chọn lựa theo những kích thước thích hợp tùy vào độ cao của căn chòi, hoặc được mài giũa sao cho chúng nằm khít bên nhau, gắn kết và tồn tại qua mấy chục thế kỷ. Những căn chòi đá này ngày nay không ai ngụ vì thật không thoải mái trong một nơi nhỏ bé, nhưng số lượng du khách ghé đến chiêm ngưỡng hàng ngày rất đông đúc.
Yêu thương và trân trọng
Tổ tiên đã dày công tọa nên một ngôi làng xinh đẹp hàng ngàn năm tuổi tuyệt vời, người dân Gordes càng biết trân trọng và tận hưởng gia tài vô giá để lại cho mình. Họ đặc biệt yêu nơi chốn của mình và ra sức giữ gìn ngôi làng tổ tiên theo một cách riêng, sao cho hàng năm lượng khách du lịch tăng lên mà vẫn giữ được nét thiên nhiên của làng. Họ làm được điều đó nhờ biết hướng dẫn cho khách cùng trân trọng di sản: các tấm bảng chỉ đường ghi rõ ràng, những dòng chữ dặn dò hãy giữ yên tĩnh, các nhà vệ sinh công cộng luôn sạch sẽ, các thùng rác đặt tế nhị dọc lối đi… Ngoài ra, dân làng còn đi rảo khắp nơi nhằm giúp đỡ khách và tiện thể dò xem có ai gây tác hại gì đến Gordes.
Nhờ cách làm du lịch bài bản và lịch sự, khách đến với ngôi làng đặc trưng vùng Provence của miền Nam nước Pháp hầu hết đều có thái độ tôn trọng. Họ là những nhóm gia đình, đoàn thể, học sinh từ các nước châu Âu lân cận hay nước Mỹ xa xôi. Hoặc cũng có khi là một đôi vợ chồng mới cưới trên chiếc xe rong ruổi hưởng tuần trăng mật. Và họ cũng có thể chỉ là một cô gái Việt Nam như tôi, một sáng mùa hè đi thưởng ngoạn.
Trên cầu Avignon
Hồi nhỏ học tiếng Pháp, tôi được dạy bài dân ca Trên cầu Avignon (Sur le pont d ‘Avignon) với tiết tấu rất vui nhộn. Bài hát tả cảnh người dân cùng khiêu vũ trên cầu rất thân thiện và chan hòa. Sau này có dịp đi Pháp, tôi quyết chí đến Avignon để tự mình nhảy nhót trên chiếc cầu này. Đến nơi, tôi bất ngờ nhận ra, chiếc cầu chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể thành phố Avignon thật xinh đẹp.
Tường thành bao quanh
Thành phố Avignon nằm ở miền nam nước Pháp, nắng quanh năm dù vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp và có cả tuyết rơi. Nơi đây đặc biệt nổi tiếng với cơn gió mistral nhưng dù đã đến Avignon ba lần, chưa lần nào tôi chứng kiến sự “lộng hành” của gió như nhiều người trải qua. Bao quanh thành phố là một bức tường thành tuyệt đẹp, cao chừng hai mươi mét, được chạm trổ bên trên thật công phu. Bức tường thành như muốn chứng tỏ chút uy quyền Avignon là nơi các giáo hoàng trú ngụ. Gia đình Alain - Pascale người quen của tôi ở ngay tại trung tâm thành phố. Alain vốn sinh ra và lớn lên tại Avignon. Alain rất tự hào dắt tôi đi tham quan thành phố nhiều công trình hoành tráng và xinh đẹp của mình. Ngôi nhà của ông nằm sát bên một góc tường thành đã được xây từ ngàn năm nay. Lối đi trên tường thành được lót đá cổ xưa, đi dạo thong dong trên đó thật thú vị. Vào ngày hè đẹp trời, khách du lịch mua tour để leo lên chiếc xe lửa mui trần thiết kế nhỏ xinh rong ruổi khắp tường thành.
Cung điện các giáo hoàng (Palais des Papes)
Cung điện các giáo hoàng là linh hồn của Avignon. Tòa lâu đài lộng lẫy kéo dài thành một quần thể rộng lớn, là nơi các giáo hoàn nói riêng và giới tăng lữ nói chung trú ngụ và phụng sự Chúa. Đặc biệt, vào đầu thế kỷ thứ 14, khi có xung đột tôn giáo giữa Ý và Pháp, vua Philippe Le Bel của Pháp đã làm áp lực, “bắt cóc” nguyên cả giáo hội từ Ý phải về Avignon và mãi đến 70 năm sau mới được dời về lại Ý. Do đó, ngoài Vatican, Avignon là nơi duy nhất trên thế giới chứng kiến bảy đời giáo hoàng sống, làm việc và “về với Chúa”. Vốn dĩ giới tăng lữ rất được xem trọng nên các giáo hoàng đã cho xây cung điện tại Avignon thật hoành tráng. Nhờ vậy, dân Avignon càng tự hào hơn về thành phố của mình, bởi nơi đây có đến hai di sản văn hóa thế giới, gồm cung điện các giáo hoàng và cầu Avignon.
Cầu Avignon
“Trên cầu Avignon, chúng ta khiêu vũ. Trên cầu Avignon, chúng ta cùng nhảy theo vòng tròn. Những quí ông nhảy như thế này, Những quí bà nhảy như thế này…”. Đó là lời bài dân ca vui nhộn những ai học tiếng Pháp đều phải biết. Và nhờ bài dân ca này, cây cầu Avignon trở thành một đại sứ quảng bá cho quê hương mình.
Hổi nhỏ, tôi cứ thắc mắc “nhảy như thế này” là nhảy như thế nào? Không một cô giáo nào giải thích được, cuối cùng, có ai đó nói bừa: “Ở Avignon người ta nhảy theo một kiểu riêng, khi nào lớn có dịp đến Avignon con sẽ thấy!”. Thế rồi giờ đây, đứng trên cây cầu Avignon, tôi cứ ngỡ mình đang là một cô bé mười tuổi. Nhưng nhảy nhót trên cầu đã là chuyện của những thế kỷ trước. Alain bật cười khi thấy tôi ngơ ngẩn đứng trên cầu nhìn xuống sông sâu.
Chiếc cầu trứ danh được xây dựng từ thế kỷ thứ 15 với 22 nhịp nay đã không còn. Trải qua những trận lũ lụt, sông Rhône đã cuốn phăng một đoạn cầu dài để rồi giờ đây, cầu Avignon chỉ còn vỏn vẹn bốn nhịp ít ỏi. Tuy vậy, bề ngang của cầu vẫn còn rất dày và một đoạn cầu ngắn ngủi đó cũng khiến UNESCO chọn làm di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, tuy cầu không còn làm nhiệm vụ bắc ngang sông nhưng một đoạn cầu vẫn còn rất bề thế, khách du lịch tha hồ đứng trên đó chụp hình thoải mái. Cầu Avignon xuất hiện rất nhiều trên những tấm bưu thiếp và cũng nhờ mua bưu thiếp, tôi phát hiện rằng cầu có tên thật là Saint Benezet.
Thành phố nghệ thuật
Những ai làm trong lĩnh vực kịch nghệ hẳn luôn mong được đến Avignon vào dịp festival sân khấu quốc tế hằng năm tổ chức vào cuối hè. Khắp nơi không khí kịch nghệ tưng bừng với các tấm bích chương, cớ phướn, những buổi kịch diễn ngoài trời và trong các sân khấu. Các loại hình kịch trên thế giới đều được quy tụ và năm nào Việt Nam mình cũng được mời tham dự. Alain khoe với tôi ông từng xem “tuồng”, “chèo”, “múa rối nước”, “múa cung đình” tại Avignon. Ông tự hào nói rằng có thể tại Việt Nam tôi không còn dịp xem những loại hình sân khấu này, nhưng ông lại được mục sở thị tại Avignon. “Đây là thành phố nghệ thuậ mà!”, Alain gật gù khoái chí, “cả thế giới đều đến Avignon và đắm mình vào nghệ thuật kỳ ảo”.
Dù đã đến Avignon những ba lần, tôi biết rằng mình sẽ không ngần ngại lại ghé qua nếu có dịp. Thành phố quá xinh đẹp, cổ kính nhưng luôn có hơi thở đương đại. Và nhất là, ở đó tôi có gia đình thân thiện của Alain-Pascale luôn mở rộng cửa đón chào.
THỤY SĨ
Bà đầm hái nho ở Vevey
Lúc nhỏ, mỗi khi mặc áo đầm trông ngộ nghĩnh một chút tôi đều được người lớn khen “Giống bà đầm hái nho quá!”. Từ đó hình thành trong tôi, hễ làm người hái nho tức là phải mặc những chiếc váy đầm rộng xòe, trông đài các và sang trọng chẳng khác gì các cô công chúa xinh đẹp. Thế rồi “số phận run rủi”, tôi được thỏa ước nguyện làm “bà đầm hái nho” khi sang Thụy Sĩ, đến vùng Vevey với những ruộng nho bất tận nằm bên bờ hồ Lesman thanh bình.
Hái nho một triệu đồng một ngày
Dù được cảnh báo hái nho là một công việc rất vất vả, chẳng hợp tí nào với vóc người mảnh mai nhỏ nhắn, tôi vẫn hăm hở chấp nhận, chẳng phải vì muốn hiện thực ước mơ thời thơ ấu làm “bà đầm hái nho”, mà vì thu nhập cho một ngày hái nho lên đến… một triệu đồng Việt Nam. Số tiền đó nếu sống tại Thụy Sĩ sẽ chẳng đáng là bao, nhưng về Việt Nam, một triệu đồng đã là lương cả tháng trời của biết bao nhiêu phận người.
Chưa kịp thăm thú Vevey, tôi bắt tay vào việc vì mùa thu hoạch nho kịp đến. Một buổi sáng mùa thu trời hãy còn tối mịt, tôi đến nhà máy rượu làm trên đồi cao, chuẩn bị vào nghề hái nho hấp dẫn. Cùng những bạn trẻ không có việc lâu dài, dân nhập cư Đông Âu và vài thành phần làm việc thời vụ, chúng tôi được đưa lên xe tải nhỏ chở ra ruộng nho xanh rì. Mặt trời bắt đầu nhô trên những rặng núi xa xa bên kia hồ Léman mù sương. Lũ chúng tôi im lặng nhận dụng cụ gồm xô nhựa và kềm bấm. “A lê hấp! Tấn công những luống nho thôi!”. Tôi phải quì gối xuống vì nho mọc sát đất, kềm bấm xoành xoạch vài nhát đã phồng tay, những chùm nho chín mọng vừa đầy xô đã có người đến thay xô mới. Tôi “lết” bằng hai gối dài dài từ đỉnh đồi theo luống nho xuống chân đồi và cứ thế mà hưởng thụ “thú đau thương” rằng lao động là vinh quang. Đố có cô nhân công nào dám diện váy đầm phùng xòe mà lượn lờ hái những chùm nho căng tròn ngon mắt. Trời mùa thu rét ngọt làm teo đều các “cơ quan đoàn thể”, ruộng nho bốc mùi phân hóa chất váng vất cả người, chưa chi mà tôi đã mệt tưởng đứt hơi chết giấc đến nơi. Xung quanh dân tình vẫn đều tay bấm, đều chân bò, đều miệng thở phì phò, làm sao tôi dám ngưng?
Đáng đồng tiền bát gạo
Giờ giải lao tôi ngồi bẹp uống ly trà đường. Từ ngọn đồi mướt rượt phủ đầy những cây nho nhìn ra mặt hồ Léman xanh rờn tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng tráng được những áng mây lững lờ ôm ấp, tôi thấy cuộc đời thật mâu thuẫn biết bao. Cảnh vật nên thơ mà lòng người… đang nản. Chẳng lẽ mới đi làm có một ngày mà đã chuồn thì còn gì danh dự người Việt Nam! Ngày hôm sau, dù cơ thể đau nhức đến từng tế bào nhỏ nhất, tôi vẫn lết đến ruộng nho, lại “bán mặt cho nho bán lưng cho mưa phùn” đến tận bảy giờ tối.
Bốn ngày hái nho dài đằng đẵng cuối cùng cũng chấm dứt với một phong bì tiền công nghe loạt xoạt. Tôi cầm những đồng tiền lao động nơi xứ người, khóc thì… hơi sến mà cười cũng chẳng thể tươi. Những ai từng làm việc tay chân hẳn lắc đầu cho tôi là tiểu thư đài các, mới làm có tí xíu, sánh gì với những nông dân chân lấm tay bùn của Việt Nam. Đã đành, nhưng ăn tiền của dân Thụy Sĩ chẳng dễ dàng gì, chả trách có thành ngữ người châu Âu trêu: “Không tiền đừng hòng thấy mặt trời Thụy Sĩ”. Bản thân họ lao động cật lực để thấy đồng tiền là quí giá, làm sao họ chịu trả công cho kẻ làm thuê nước ngoài nếu không xứng đáng?
Nơi yên nghỉ của vợ chồng vua hề Charlot
Cuối cùng rồi thì tôi cũng diện vào người chiếc váy đầm rộng xòe có hoa văn miền núi cao của Thụy Sĩ để đi thăm Vevey sau những ngày làm “bà mặc quần hái nho”. Vevey ngoài những ruộng nho xanh ngút mắt, hồ Léman lãng mạn, những rặng núi hùng vĩ, những bông hoa đủ màu…, còn có một điều làm dân địa phương rất hãnh diện. Đó là công viên nhỏ xinh cũng là nhà tưởng niệm vua hề Charlot. Hai vợ chồng Charlie Chaplin đã chọn sống những ngày cuối cùng tại vùng đất nên thơ này. Hiện mộ của hai người vẫn nằm ở đây, thu hút khá nhiều khách du lịch. Bức tượng người đàn ông lang thang được dựng nhìn thẳng ra mặt hồ Léman. Cái vóc dáng nhỏ bé, đơn độc của Charlot từng làm bao con tim khóc cười giờ cũng đang làm tôi bồi hồi khó tả. Lòng bàn tay với những vết phồng rộp vẫn chưa lành, những cử động dù nhẹ nhàng nhất vẫn làm tôi đau đớn sau những ngày hái nho vừa qua. Đi ngang qua tổng hành dinh của tập đoàn thực phẩm Nestlé ở Vevey tôi càng thêm thấm thía, những nhân viên của tập đoàn nổi tiếng thế giới này đang tan sở. Những chiếc xe hơi bóng lộn, áo khoác đen sang trọng, cặp da cá sấu vung vẩy. Khoảng cách giữa những nhân công hái nho và những người làm trong tập đoàn này thật xa. Điều mà một người cũng chuyên làm việc trí óc như tôi trong những văn phòng sạch sẽ sẽ chẳng bao giờ thấu hiếu và cảm thông, nếu không có những ngày ngắn ngủi bò lê trong ruộng nho trên đồi cao. Với tôi, Vevey của những ngày mùa thu mù sương dù đẹp vô ngần cũng sẽ mờ dần, nhưng những khoảnh khắc làm người hái nho nơi mảnh đất này thật khó có thể nhạt phai.
Berne: Thủ đô cổ tích
Nói đến Thụy Sĩ, rất nhiều người lầm tưởng thủ đô là Genève. Bản thân tôi cũng từng “quê độ” khi biết một thành phố khác ít được nhắc đến mới chính là thủ đô của đất nước xinh đẹp. Ngạn ngữ châu Âu có câu “Berne là Berne, như Chúa chính là người.” Bạn sẽ không thể nào hiểu được nếu chưa từng đặt chân đến đây. Đó chính là sự độc đáo của riêng thành phố này, không sao chép bất kỳ đâu và cũng không nơi nào có thể bắt chước được. Nghe nói chàng lãng tử đa tình Casanova đã lượn lờ trên những con phố nhỏ, công chúa Anna Feodorovna của Sa Hoàng tự mình thiết kế một vườn hoa, và cả Lenin cũng đắm chìm trong khung cảnh bình yêu của Berne để viết nên những trang sách triết học.
Xứ cổ tích
Đến với Berne, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào xứ cổ tích. Dường như thời gian không đụng chạm đến nơi đây, hay người dân không cho phép nó được quyền phá hỏng nét thi vị. Tôi đi trên con đường Marktgasse với hai hành lang có mái vòm tuyệt đẹp chạy song song hai bên được dùng làm khu thương mại. Đó là thiên đường shopping độc đáo thu hút biết bao khách thập phương. Tháp đồng hồ được xây dựng từ thế kỷ thứ mười sáu với chiếc đồng hồ thiên văn kỳ thú nổi bật ngay giữa con đường Marktgasse được chạm khắc bằng đá vô cùng tinh xảo. Bồn phun nước Zahringer bằng gỗ nằm cách đó không xa, điểm tô thêm cho con đường vẻ thơ mộng của những câu chuyện huyền thoại. Trước mỗi cửa hàng có những chiếc hầm trữ rượu có nắp bằng gỗ và những chiếc vòng sắt dùng để kéo nắp hầm lên. Những căn hầm độc đáo vì quá cổ xưa này cũng được dùng làm các shop bán những món hàng vô cùng sang trọng và đắt giá, chắc chỉ có dân Nhật mới dám đụng vào. Nhìn những viên đá lót đường gồ ghề, những cánh cửa gỗ nặng trĩu, tôi hình dung ra Berne của thời quá khứ.
Nhà tắm lộ thiên trên sông Aare
Thành phố nhỏ được xây dựng trên mỏm đá cao nằm ở thượng nguồn sông Aare vào năm 1191. Nơi đây được các thương gia nước ngoài chọn làm điểm giao dịch và họ phải chịu nộp thuế thu nhập cho chính quyền thành phố. Người dân Berne lạ lùng thay lại không mặn mà với chuyện mua bán, họ thích những công việc hành chính hoặc liên quan đến chính trị hơn. Nhưng trên hết, họ là người được trời phú cho óc tổ chức thành phố. Vì thế, Berne mới trở nên độc nhất vô nhị. Năm 1405, Berne bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi hầu như toàn thành phố, người dân lại phải xây dựng lại và thiết kế đó tồn tại cho đến ngày nay. Những dãy cột khổng lồ bằng đá sa thạch được dựng lên và những mái vòm phủ lên đó làm thành một hành lang dài gần bốn dặm.
Nhưng linh hồn của Berne thuộc về dòng sông Aare thơ mộng nằm vất qua. Giới trẻ hay cho rằng thành phố này thuộc về quá khứ bởi tất cả đều trông thật cổ xưa. Tuy nhiên họ mê Berne ở chỗ được tha hồ bơi lội tung tăng trong dòng Arae xinh đẹp. Dòng sông là nhà tắm công cộng thiên nhiên đầu tiên của châu Âu. Sông Aare được ví như một viên ngọc lóng lánh bởi những tia nước luôn ánh lên vẻ rạng rỡ trong vắt như pha lê. Nếu bạn đắm mình trong dòng Aare rồi ngước mặt nhìn ngược lên thành phố, lăng kính đó mới tuyệt làm sao. Tôi nghe một người Thụy Sĩ nói thế, rất muốn thử nhưng đang là mùa thu với những cơn gió rợn người, vả lại cũng chẳng thấy… một anh Chử Đồng Tử nào.
Chú gấu biểu tượng thành phố
Biểu tượng của Berne là chú gấu oai hùng nên ngay trung tâm thành phố, có một cái hố sâu những chú gấu mũm mĩm luôn níu chân các du khách tí hon. Mấy đứa bé đu chặt lan can nhìn xuống í ới gọi “Gấu! Gấu!”, còn ba mẹ chúng chỉ muốn tranh thủ thời gian đi shopping. Trong một shop quà lưu niệm, tôi ú ớ nói tiếng Pháp với người bán hàng chỉ chịu nghe tiếng Đức. Ở Berne, người ta nói tiếng Đức với một âm sắc du dương, khác hẳn thứ tiếng Đức nổi tiếng nghe như ... đang tranh luận dữ dội. Tôi bấm bụng mua một cái ví có hình chú gấu để kỷ niệm cho một lần đến Berne, thủ đô cổ tích của một đất nước đẹp xinh.
Giấc mơ đẹp Montreux
Thụy Sĩ là một nước nhỏ bé nhưng có nhiều nơi để thăm viếng như bất cứ một nước nào rộng lớn ở châu Âu. Đơn giản vì hình như ở đâu cũng có một vẻ duyên dáng riêng: một hồn phố lạ, một góc hồ tĩnh lặng, một ngôi làng trên núi… Thụy Sĩ có một nền công nghiệp du lịch rất chuyên nghiệp và phát triển, thu hút đến mười phần trăm tổng số lao động của đất nước. Mỗi năm Thụy Sĩ đóng mười triệu khách du lịch. Khách đa phần đến Thụy Sĩ để trượt tuyết, họ tiêu tiền vào môn thể thao hấp dẫn, khiến hàng chục khu nghỉ mát trên dãy núi Alps luôn tấp nập. Và lẽ dĩ nhiên, Thụy Sĩ là thủ đô của môn trượt tuyết trên thế giới. Có những khu nghỉ mát trên núi sang trọng và đắt tiền đến mức chỉ dành cho giới hoàng gia và tỷ phú. Ngoài dãy núi Alps với các điểm trượt tuyết, những thành phố ven hồ Léman như Genève, Lausanne, Lucerne, Vevey, Montreux… cũng là một trong những điểm du lịch rất hấp dẫn
Thành phố âm nhạc
Montreux là một thành phố nhỏ, nằm bên hồ Léman lãng mạn và rặng núi Dents-du-Midi xinh đẹp. Nơi đây có thể nói là địa điểm tuyệt vời với đầy đủ hồ, núi, hoa và bầu trời xanh trong vắt. Một nơi có nhiều thắng cảnh độc đáo mà đã một lần ghé qua, không ai có thể dễ dàng quên.
Tôi đến Montreux dự tuần lễ triển lãm nghệ thuật nằm trong tòa nhà Trung tâm Hội nghị và Triển Lãm. Một người Thụy Sĩ có vài tác phẩm trưng bày đã mời tôi. Tòa nhà quả xứng với tên gọi, nơi có thể tổ chức các buổi hội nghị và triển lãm quốc tế một cách chuyên nghiệp nhất và là một trong những địa chỉ đáng tự hào của Montreux. Tòa nhà bằng kính trong suốt, được xây từ năm 1974, nằm hướng thẳng ra hồ Léman. Từ khi xây dựng đến nay, tòa nhà liên tục được mở rộng và cuối cùng giữ nguyên diện tích vào năm 1993 sau khi khánh thành phòng hòa âm Igor Atravinski. Kể từ khi có phòng hòa âm này, thành phố được cả thế giới biết đến nhờ festival quốc tế nhạc Jazz Montreux tổ chức vào tháng bảy hàng năm.
Ngoài festival Jazz, Montreux còn được mệnh danh là thành phố âm nhạc với các lễ hội như festival âm nhạc quốc tế (mang tính cổ điển), festival hoa hồng vang (mang tính dân gian)… Montreux còn là nơi các tín đồ nhạc rock tìm đến để viếng tượng của ca sĩ nhạc rock người Anh Freddie Mercury, chết vì bệnh AIDS. Người dân dành hẳn một ngày cuối tuần trong tuần đầu tiên của tháng chín để tưởng nhớ Freddie Mercury, chàng ca sĩ tài hoa vắn mệnh.
Sau khi xem triển lãm ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm, tôi bách bộ đi tham quan các ngôi trường quốc tế danh tiếng đào tạo các chuyên viên khách sạn. Trong số đó có trường Glion, H.I.M, S.H.M.S… Ba ngôi trường này tự hào được bình chọn là nơi đào tạo ngành khách sạn tốt nhất Thụy Sĩ. Vì thế, thật dễ hiểu khi ở Montreux, tôi gặp rất nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới, vóc dáng trẻ đẹp, lịch thiệp, thân thiện. Họ là một trong hai ngàn du học sinh quốc tế đến Montreux học về du lịch và khách sạn.
Kè hoa và thủy tiên vàng
Và đã đến Montreux, không thể không nhắc đến bờ kè hoa bao quanh hồ Léman rực hoa. Bờ kè này được đặt tên là “kè hoa”, và y như tên gọi, bờ kéo dài từ trung tâm thành phố đến khu Terriet tràn ngập các loài hoa được trồng tỉa công phu, lúc nào cũng tỏa một mùi hương thơm dịu, quyến rũ, mộng mơ. Đặc biệt hoa Thủy tiên (Narcisuss) được xem là biểu tượng của Montreux. Chắc trên thế giới này không ó nơi nào đi dạo lãng mạn như dọc theo kè hoa này. Những bông hoa khoe sắc bên mặt hồ lung linh, xa xa là dãy núi Dents-du-Midi trải dài, xanh rờn ngút mắt, thỉnh thoảng vài chiếc tàu mang cờ Thụy Sĩ lướt ngang, những con chim chao lượn vờn quanh… Tôi chỉ mong thời gian đừng trôi nữa. Đặc biệt, trong ráng chiều đỏ sậm buổi hoàng hôn, khi dãy núi Dents-du-Midi trở nên sẫm lại và mặt nước hồ Léman không còn trong vắt, bức tượng của Freddie Mercury với một tay vung lên trông thật kiêu hãnh nhưng đơn độc và buồn bã. Như cuộc đời nhiều vinh quang nhưng cũng lắm bi kịch của chàng.
Lâu đài Chillon
Montreux còn một điểm đến tuyệt vời nữa: lâu đài Chillon nằm bên hồ Léman tuyệt đẹp. Lâu đài nằm giữa một bên là hồ, một bên là núi, cảnh trí vô cùng độc đáo. Lâu đài Chillon của Thụy Sĩ nổi tiếng không thua gì lâu đài Chenonceau ở thung lũng sông Loire của Pháp và hàng năm thu hút hơn ba trăm ngàn du khách từ khắp các nơi. Lâu đài có hình vòm, cao 110 mét và rộng 50 mét, được xây dựng trên một tảng đá khổng lồ hình bầu dục nằm bên hồ Léman. Từ cuối thế kỷ 18, lâu đài đã là một điểm đến của những văn sĩ trường phái lãng mạn. Từ Jean-Jacques Rousseau cho đến Victor Hugo, Alexandre Dumas, GustaveFlaubert hay Lord Byron, lâu đài Chillon luôn có cách hấp dẫn văn nghệ sĩ thế giới do địa thế độc đáo của mình.
Tôi được một người quen dắt đi thăm lâu đài Chillon và cắt nghĩa rất tường tận từng viên gạch nhỏ. Ông này vốn được chọn lựa giữa những nhà khảo cổ học châu Âu để trùng tu lâu đài, nên có thể nói Chillon như nhà của ông vậy. Tôi thích nhất được đứng trong một phòng ngủ, cửa sổ bằng đá, nhìn ra hồ Léman và dãy núi Dents-du-Midi, nghe nước vỗ nhè nhẹ vào chân lâu đài. Tôi tưởng tượng thời của những ông hoàng bà chúa, các cô tiểu thư hay chống cằm ngồi tựa cửa sổ thế này. Với cảnh trí lãng mạn, hẳn trong lòng các cô có nhiều “tâm sự” lắm thay. Một ngày nào đó, một chiếc thuyền đến neo xa xa, một chàng trai tuấn tú chèo xuống nhỏ một mình tiến sát vào cửa sổ, và sẽ là một lời tỏ tình tha thiết…
Tôi thì không còn mơ được gặp những chàng trai đẹp mã, chàng hoàng tử cũng không thèm hiệp sĩ. Tôi chỉ hy vọng một ngày, tôi sẽ có dịp quay lại Montreux, sẽ đi dạo ở kè hoa, ngắm núi xanh xanh phản chiếu xuống hồ. Đó là giấc mơ đẹp nhất!
Lausanne: Phố trong rừng
Nhắc đến Thụy Sĩ, người ta thường nhớ đến Genève, một thành phố nổi tiếng trong lịch sử với những hiệp ước được ký kết tại đây. Nhưng Thụy Sĩ không chỉ có Genève, còn nhiều thành phố xinh đẹp khác rất xứng đáng được chúng ta biết đến. Trong số đó có Lausanne, một trong những nơi có khung cảnh rất ngoạn mục và còn được mệnh danh là thành phố Olympic. Tôi đã ở tại thành phố đặc biệt này trong suốt tháng chín, thời điểm đầu thu, lãng mạn với trời se lạnh, lá vàng bay và những cơn mưa bất chợt.
Thành phố của học thuật và thương mại
Trong suốt một tháng tại Lausanne, tôi nhận ra đây là một thành phố trẻ, có nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đa dạng. Ngoài ra Lausanne còn được xem là thành phố của nghiên cứu và học thuật, với các trường Đại học và nhiều trung tâm khoa học quốc tế. Ngoài trường Đại học danh tiếng Lausanne, thành phố có tới hàng trăm các trường ngôn ngữ và học viện tư thục lâu đời. Con cái của những gia đình quí tộc quyền quí ở khắp nơi trên châu Âu được gởi vào học tập nơi đây với một phương pháp và kỷ luật độc đáo. Những trường này có mức học phí rất cao và tuy lâu đời, họ luôn biết năng động tiếp thị để luôn chiêu sinh được những sinh viên hiện đại. Trường Quản lý Khách sạn Lausanne là một nơi danh tiếng chuyên đào tạo các nhân viên khách sạn, đầu bếp, chuyên gia du lịch hàng đầu thế giới. Đây là một trong những ngôi trường mà bất cứ ai làm du lịch cũng mong ước được một lần đến học. Và từ rất lâu, Lausanne là nơi được các tập đoàn đa quốc gia chọn làm nơi đặt trụ sở chính, như Philip Morris, Marboro, Toblerone… Những khu mua sắm sầm uất với đầy đủ các tên tuổi hàng hiệu quốc tế và những tiệm đồng hồ Thụy Sĩ cũng góp mặt tại đây.
Rừng trong phố
Mặc dù vậy, thành phố trông không hiện đại và không mang phong cách “techno”. Ngược lại, Lausanne là một thành phố nằm trong rừng, hoặc nói cách khác, có những khu rừng nằm trong Lausanne. Thành phố ôm trong lòng hồ Léman (hồ trung tâm châu Âu), trải dài cùng những khu trồng nho, khu rừng thông thiên nhiên, rừng nhân tạo và vùng đồng cỏ thôn quê. Thế mà người Lausanne vẫn còn “khát” màu xanh đến nỗi họ có thêm khá nhiều công viên rộng lớn rất xinh đẹp như Monrepos, Montbenon, Milan, thảo cầm viên và nhiều khu vườn khác nữa.
Trong thời gian ở Lausanne, tôi ngụ trong căn hộ của ông bà nội, số 26 phố Cánh đồng Mặt trời (Chemin de Champs Soleil), nằm trong một khu rừng nhỏ. Đường phố ở Lausanne đa phần được gọi là “chemin” (tiếng Pháp có nghĩa là đường mòn nằm ở vùng thôn quê), rất ít đường được gọi là “rue” (đường phố thành thị) như ở các nước láng giềng Pháp và Bỉ. Lý do duy nhất vì người Lausanne luôn nghĩ mình sống trong rừng và hòa hợp cùng thiên nhiên tươi đẹp. Nếu chia theo tỷ lệ thì mỗi người dân Lausanne được “hưởng thụ” đến 26 mét vuông khoảng xanh.
Mỗi sáng tôi cùng ông nội vượt một cây số “đường rừng”, cẩn thận đặt từng bước chân lên thảm lá vàng ẩm ướt, ung dung tự tại… xách giỏ đi siêu thị mua thức ăn. Chúng tôi chỉ cần bước qua khỏi ranh giới của rừng là rơi ngay vào khu vực của “phố”, với đầy đủ những cửa hàng mua bán bận rộn và những siêu thị đầy đủ chủng loại. Buổi chiều tôi cùng bà nội rải thức ăn ra bậu cửa sổ rồi chống cằm chuyện gẫu chờ bọn thú rừng như sóc, thỏ, chim muông sà đến kiếm thức ăn. Buổi tối tôi mở hé cửa sổ cho gió lạnh tràn vào cùng những giấc mơ thần tiên, nghe văng vẳng bên tai tiếng suối chảy róc rách, nửa tỉnh nửa mê ngỡ mình là “công chúa ngủ trong rừng”, hoang đường chờ hoàng tử đến hôn cho một cái!
Bạn sẽ không tưởng tượng nổi, phố trong rừng, rừng trong phố. Vậy Lausanne là phố hay rừng? Nôm na thế này: thành phố được xây dựng trên ba ngọn đồi, nhà cửa mọc nhấp nhô, ẩn hiện trong những khu rừng. Ven hồ Léman, những dãy sườn đồi dốc đứng có những tòa lâu đài và biệt thự sang trọng nằm chênh vênh. Xuyên qua những kẽ hở của nhà cửa, núi Savoy Alps tuyết phủ trắng xóa quanh năm đang lấp ló. Cảnh trí vô cùng xinh đẹp với màu xanh của cây, màu trắng của tuyết, màu xám của nhà, màu hồng của hoa… Gợi cảm và quyến rũ!
Hồ Léman và cảng Ouchy
Buổi chiều khoảng ba giờ là thời điểm đẹp nhất trong ngày để đi dạo ở Lausanne. Tôi thường cùng ông bà nội đi bộ một đoạn đường rừng, rồi tiếp tục lấy xe điện ra bến cảng Ouchy nằm bên hồ Léman. Đây là khu vực trung tâm thành phố, có nhiều tòa nhà hành chính cùng các loại cờ của gần một trăm quốc gia. Dù Thụy Sĩ nổi tiếng không thích người nhập cư, nhưng có đến 38% cư dân ở Lausanne là người nước ngoài và học được chăm sóc rất tốt.
Hồ Léman là niềm kiêu hãnh của người Thụy Sĩ dù hồ này còn phải chia đôi diện tích sử dụng với người Pháp. Từ Lausanne, tại bến cảng Ouchy, người ta có thể đáp thuyền đến Genève, đến các thành phố khác nằm ven hồ Léman, và thậm chí, “vượt biên” sang Pháp. Bến cảng là nơi có mật độ giao thông khá tấp nập. Thế mà vẫn còn chỗ bình yên cho một đàn thủy cầm vươn những cái cổ dài kiêu hãnh ra “Bonjour” mọi người. Cảng Ouchy được xây dựng quy củ, có cầu tàu xinh đẹp đầy những bồn hoa sặc sỡ, có những công trình kiến trúc hiện đại mà vẫn cổ kính, những quán nhỏ mang phong cách “núi rừng”, những vòi phun nước, những cửa hàng xinh xinh… Từ Ouchy, người ta cũng có thể mua vé vào những “hộp thủy tinh” có cáp treo, lên đỉnh đồi nhìn cảnh trí hồ Léman hoặc đi xa hơn, đến một khu du lịch trượt tuyết nào đó trên các dãy núi cao. Thường tôi hay mua một cây kem ba màu, ngồi trên bờ kè ven hồ, vừa nhấm nháp vừa nhìn đàn thiên nga trắng lượn lờ, những chiếc tàu mang cờ Thụy Sĩ đến rồi đi…
Bảo tảng Olympic
Ở Lausanne ngày nào tôi cũng được ông bà nội chăm sóc, dắt đi dạo các công viên, đi mua bánh kẹo và chocolat, tham dự những festival về âm nhạc, phim ảnh, kịch nghệ… Những festival về văn hóa không lúc nào ngơi vì chính quyền thành phố tài trợ cho các hoạt động này. Người dân được định hướng, được giảng dạy, được tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật, giải trí… Nói không ngoa, họ có một bề dày văn hóa do được giáo dục và cập nhật liên tục trong suốt cuộc đời mình. Những hoạt động văn hóa đối với họ cũng quan trọng và cần thiết như những nhu cầu bình thường về ăn mặc, đi lại, học hành.
Ngoài những hoạt động này, thể dục thể thao cũng được đánh giá cao và hầu như người Lausanne nào cũng tham gia ít nhất một môn thể thao. Họ chơi thể thao có phường hội, có tổ chức, có bác sĩ theo dõi, động viên… Người lười thể thao nhất mà sống ở Lausanne thì chí ít cũng phải năng đi bộ. Và như một tất yếu, Lausanne là thủ đô Olympic với bảo tàng Olympic rất độc đáo. Năm 1915, bá tước Pierre de Coubertin thiết lập văn phòng tổ chức Olympic ở Lausanne và triển khai một bảo tàng. Từ đó đến nay, bảo tàng này là nơi cất giữ những di sản Olympic và thu thập nhiều hiện vật liên quan đến quá trình phát triển phong trào Olympic.
Tôi đến thăm bảo tàng Olympic vào một ngày nắng đẹp. Ngay ở vườn ngoài của bảo tàng đã thu hút tôi với nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo đề cao cái đẹp của thể thao. Này là một khẩu súng có nòng bị thắt nút lại với dòng chữ “Không bạo lực”, này là một nhóm tượng các vận động viên đi xe đạp đang gò mình nhấn pê-đan, này là một cơ bụng săn chắc của đàn ông với nhiều múi cơ bắp gọn ghẽ và “ngon mắt” như những ô vuông chocolat Lindt. Cứ vài giây những múi cơ bắp này sẽ tách ra và nhập lại một lần, công sức của một vận động viên thể hình để có được những cơ bụng “đâu ra đó” được đề cao xiết bao.
Vào bên trong bảo tàng, tham gia nhiều hoạt động, tôi nhận ra đây là một bảo tàng có sự tương tác với người tham quan. Không hề nhàm chán và khô khan như những bảo tàng khác với các tủ kính trưng bày, các pho tượng, các thuyết minh cũ rich. Ở bảo tàng Olympic, tôi có thể trực tiếp nghe các bảng thuyết minh hấp dẫn, những máy vi tính và công nghệ số giúp khách tham quan cảm nhận được những giây phút chiến thắng tuyệt vời của cá vận động viên, được cùng chia sẻ nỗi xúc động với các khán giả có mặt trực tiếp vào thời điểm đó. Đây quả là nơi bạn có thể thu thập mọi thông tin và cảm xúc liên quan đến lịch sử thế vận hội Olympic.
Ngày tôi rời Lausanne, thành phố đang có những cơn mưa thu bao phủ. Lá vàng rơi như trút ở khu rừng bao quanh thành phố Cánh đồng Mặt trời. Tôi không mấy buồn khi “để lại” ông bà mình. Tôi quá yên tâm khi biết rằng không nơi nào trên thế giới này có thể chăm sóc họ tận tình như ở Lausanne, thành phố của những giấc mơ cổ tích ngọt ngào.
Genève: Thành phố may mắn
Vào một ngày thu đẹp trời, từ Lausanne, tôi lấy xe lửa lên Genève chơi. Ngồi xe lửa có cái thú ngắm cảnh đẹp đã đành, hên còn gặp được những hành khách dễ thương.
Trên chuyến xe Lausanne- Genève, tôi ngồi gần một anh chàng Thụy Sĩ đẹp trai vô cùng. Dù chàng đã có vợ con, nhưng chẳng hề chi, chuyến đi như ngắn lại nhờ chàng luôn miệng cười và giới thiệu về đất nước Thụy Sĩ xinh tươi. Đó là một anh lính về thăm nhà. Ở Thụy Sĩ đàn ông nào cũng phải trải qua một giai đoạn trong quân ngũ, hết hạn vài tháng thì xuất ngũ về với gia đình và công việc trước đó của mình. Nếu có chiến tranh, xem như công dân nào cũng đã được rèn luyện trong quân đội, sẽ nhập ngũ ra chiến trận.
Khi nói điều này, anh lính đẹp trai lại vui vẻ cười: “Thụy Sĩ luôn là nước trung lập, khó có thể nghĩ một lúc nào đó đất nước lâm vào cảnh binh đao!”. Tàu gần tới Genève thì anh lính xuống, không quên tặng tôi một gói bánh ngọt làm quà. Đoạn đường còn lại chỉ chừng mười lăm phút nhưng tôi thấy sao xa quá. May mà khi vào ga, Genève hiện ra quá thân thiện.
Vị trí địa lý độc đáo
Cảm giác thân thiện của Genève đến từ vẻ mộc mạc của một thành phố mang tầm vóc quốc tế mà diện tích lại nhỏ xinh. Các góc phố, những con đường lót đá, những hàng cây xanh, những bồn hoa rực rỡ sắc màu. Genève không rộng lớn như London, không hào nhoáng như Paris, không có những khu đô thị và các tòa nhà chọc trời như New York. Thế mà Genève vẫn mang trọng trách của một thành phố lịch sử, vẫn có những tòa nhà quốc tế nghiêm trang, và ở đây có đến bốn mươi phần trăm là người nước ngoài. Genève có một vị trí địa lý thật lý tưởng: tọa lạc bên hồ Léman, nơi dòng sông Rhône chảy ra khỏi hồ, một bên thành phố được dãy núi Jura che chở, bên còn lại được những đỉnh núi cao của dãy Savoy Alps bao quanh. Một thành phố quốc tế nằm giữa núi, sông, hồ và… hoa. Hỏi còn nơi nào lôi cuốn hơn Genève.
Ngân hàng và đồng hồ Thụy Sĩ
Thế nhưng Genève không chỉ là một thành phố du lịch, một nơi cổ kính hoặc nơi để người ta đến để vui chơi cuối tuần. Thành phố thật sầm uất và luôn bận rộn với những hoạt động kinh doanh của mình. Có hàng chục tòa nhà cao tầng của các ngân hàng uy tín tọa lạc tại RiveGauche (bờ trái) của Genève. Ai cũng biết Thụy Sĩ là trung tâm tài chính quốc tế và Genève là một trong những thành phố ngân hàng của Thụy Sĩ. Phía sau khu ngân hàng là con đường mang tên dòng sông Rhône. Trên con đường này là những shop bán nữ trang, đồng hồ Thụy Sĩ, những cửa hàng thời trang và các quầy dịch vụ đa dạng. Tôi cũng “bon chen” vào một shop đồng hồ và chỉ dám chui vào hiệu Swatch, là một hiệu đồng hồ thời trang dành cho giới trẻ, giá rẻ hơn rất nhiều so với các hiệu “sừng sỏ” khác. Cuối cùng tôi cũng mua một cái Swatch có dây bằng nhựa màu xanh. Về Việt Nam đeo ai cũng nói giống đồ của con nít. Mặc kệ, dù sao trong đời tôi cũng được đeo… đồng hồ Thụy Sĩ.
Khách sạn càng nhỏ càng đắt
Tại Genève, khách du lịch còn bị rơi vào mê hồn trận với vô số các khách sạn xinh đẹp. Khách sạn ở Thụy Sĩ nổi tiếng có dịch vụ rất tốt, nhân viên luôn tận tình và phòng ốc luôn được trang trí ấm cúng. Các khách sạn thanh thế mà đa phần đều trông cổ kính, nhỏ nhắn và có một cái duyên riêng, khiến cho ai bước vào cũng ngỡ mình đang trở về nhà, thoải mái và tự tin.
Một điển hình là khách sạn OldTown nằm trên đỉnh đồi trông thật độc đáo. Khách sạn được xây bằng sỏi, nhìn đơn sơ, mộc mạc như một căn nhà vùng miền núi. Khách sạn cổ kính này nghe nói rất đắt tiền nhưng một khi đã bước vào, chẳng ai còn muốn bước ra. Hãy cẩn thận: Khách sạn Thụy Sĩ trông càng nhỏ, càng cổ kính, càng “bình thường” thì giá phòng càng đắt. Những khách sạn to lớn, “ô dề”, xây theo lối kiến trúc hiện đại để có nhiều phòng thì giá lại bình dân.
Bảo tàng và các trụ sở quốc tế
Đến Genève không thể không đến những bảo tàng cao cấp nằm vây quanh nhà thờ chính tòa Saint Pierre ngay trung tâm thành phố. Các bảo tàng này chứa đựng những tác phẩm nghệ thuật đa dạng và phong phú không thua kém gì các bảo tàng lớn ở Paris. Ngoài bảo tàng, Genève đặc biệt được biết đến như một nơi trú ngụ của các trụ sở quốc tế. Trụ sở châu Âu của Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Quốc tế của hội Chữ Thập Đỏ là hai trong số rất nhiều những trụ sở quốc tế đóng ở Genève. Điều này minh chứng cho tính an toàn, độ tin cậy về mặt ngoại giao và tính chính xác về mặt hành chính của Genève. Thành phố xứng đáng là thủ đô của các trụ sở quốc tế với hàng trăm lá cờ đủ màu của các nước trên thế giới. Nói không ngoa, tại Genève, mọi thứ đều được đảm bảo, nhất là về an ninh.
Công viên, hồ và núi
Vì Genève nằm giữa sông nước, hồ và núi non, thành phố sẽ chẳng cần thêm bất cứ một công viên nào để có khoảng xanh thiên nhiên. Thế nhưng thật sai lầm khi nghĩ như thế, người Genève rất yêu thiên nhiên và những công viên ở đây được chăm chút rất cẩn thận. Các bồn hoa luôn được trồng luân phiên các loại hoa theo mùa để vào mùa đông giá lạnh Genève cũng không trông tẻ nhạt. Trong các công viên nằm rải rác khắp thành phố như vườn Anglas, Parc La Grange, bàn tay con người hiện diện ở khắp nơi. Các lối đi luôn được xén cỏ công phu, những công trình điêu khắc bằng cây xanh, những bức tượng hoa sắc sảo, những chiếc đồng hồ bằng cỏ đang vận hành và chỉ giờ rất chính xác. Các bụi hoa hồng trồng dày đặc luôn tỏa hương. Trên mặt hồ Léman mà người dân ở đây gọi là hồ Genève, vòi nước Jeux d’eau coa một trăm bốn mươi mết luôn phun trào thu hút sự chú ý của mọi người. Cũng có khi gió thổi quá mạnh, người ta tắt vòi nước vì nếu không, gió thổi tạt nước vào khách bộ hành đang đi trên phố. Tôi cũng đã bị gió tạt nước vào ướt chút đỉnh, nhưng tôi xem đó là “lộc may mắn” của mình khi đến Genève.
Ở Genève tôi không có cảm giác mình là người nước ngoài vì sự thật có quá nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở đây. Tứ hải giai huynh đệ, Genève xứng đáng được người nước ngoài yêu mến. Và thật ngộ nghĩnh, thành phố này cũng cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch Thụy Sĩ dễ dàng hơn những vùng khác trong cùng một lãnh thổ. Và một khi đã là dân Genève, bạn đang có may mắn sinh sống tại một trong những thành phố tốt nhất trên thế giới (theo đánh giá của UNESCO). Với riêng cá nhân tôi, có dịp đến thành phố độc đáo này trong vài ngày đã là một may mắn. Và tôi tin sự may mắn này sẽ theo tôi mãi. Sau chuyến đi đó, quả thật tôi có dịp đến nhiều nơi khác nữa. Cảm ơn Genève, thành phố may mắn của tôi.
HÀ LAN
Mọi thứ đều có thể ở Amsterdam
Amsterdam là một thành phố đặc biệt có ý nghĩa với tôi. Đó là nơi tôi “đi bụi” đầu tiên, dù là đi với một cô bạn. Amsterdam còn là nơi giúp tôi có một cái nhìn “người lớn” hơn, về những vấn đề luôn “hot” trong thời đại: sex. Đến Amsterdam, một người nguyên tắc cỡ nào cũng phải nhủ lòng “Đó là cuộc đời!”, khi chứng kiến những điều vượt khỏi trí tưởng tượng. Amsterdam đã dạy tôi: “Đừng bao giờ nói không thể”.
Thế nào là open-tour
Từ Paris, tôi mua open-tour, ngủ đêm trên xe lúc mười một giờ khuya và đến Amsterdam lúc chín giờ sáng. Anh chàng hướng dẫn thao thao kể về thành phố này với một vẻ say mê đặc biệt. Dân tình trong xe đa phần là giới trẻ và sinh viên, đều dưới hai mươi sáu tuổi. Đây là độ tuổi để đi du lịch giá rẻ vì khắp châu Âu đều có hệ thống nhà trọ dành cho thanh niên, giá rất mềm, và dĩ nhiên dịch vụ cũng mềm như… bún. Chúng tôi đến “Auberge de jeunesse” (nhà nghỉ dành cho giới trẻ), bỏ hành lý ở quầy tiếp tân, ghi tên mình vào danh sách check in, cùng ăn sáng rồi… chia tay nhau từ đây. Chàng hướng dẫn thế là xong nhiệm vụ, “Open-tour mà, bạn tự khám phá Amsterdam, công ty du lịch chúng tôi chỉ giúp bạn đặt nhà trọ, lo xe thôi!”. Tôi tá hỏa, nhưng cũng đành chấp nhận. Chàng động viên “Can đảm lên, tự khám phá bao giờ cũng thú vị hơn bị người ta dắt đi một cách thụ động!”. Lúc đó tôi hơi cáu, nhưng sau chuyến đi đó tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Xung quanh tôi các bạn trẻ cũng đã năng động vác ba-lô, cầm bản đồ, háo hức chuẩn bị hành trình chinh phục thành phố hoa Tulip này.
Amsterdam dậy trễ
Tôi và cô bạn Việt cùng dắt tay nhau ra khỏi nhà trọ. Chúng tôi đi chưa được bao xa thì tôi không thể nào bước tiếp nữa. Chiếc giày Adidas tôi mua ở Sài Gòn bị rớt lìa cái đế ra. Tôi không nhớ rõ cảm giác tức giận vì mua hàng hiệu mà bị “đo ván” khó chịu như thế nào, nhưng tôi nhớ như in mình đã cười nắc nẻ khi cô bạn có sáng kiến lượm một cọng thun ngoài phố để cột chiếc giày lại cho tôi. Dù sau đó chúng tôi cố nhai thật nhiều kẹo cao su để lấy bã kẹo làm keo dán giày, tôi phải chấp nhận thực tế mình phải tậu một đôi giày mới. Amsterdam gần mười giờ sáng, thế nhưng thành phố chưa khởi động. Các cửa hiệu đều chưa thèm mở cửa. Lê gót bằng một chiếc giày cột thun kỳ quặc, tôi cũng “lết” ra được trung tâm thành phố.
Amsterdam đặc biệt có hệ thống xe điện kêu lanh canh, chỉ cần men theo đường sắt của xe điện, không ai sợ lạc ở thành phố này cả. Chúng tôi chụp vài tấm hình nhà thờ lớn, những dãy nhà gạch hồng hẹp mà cao lêu nghêu, những tấm biển quảng cáo với hình người mẫu mát mẻ… thì tới giờ các cửa hàng mở cửa. Tôi lao ngay vào một tiệm bán giày, “made in U.S.A” đàng hoàng và quyết định rất nhanh mua một đôi. Đó là đôi giày thể thao rất kiên cố, xét về mặt thẩm mỹ khá khiêm tốn và giá cũng khá cao do Hà Lan có mức sống cao hơn các nước láng giềng. Nhưng tôi không có sự chọn lựa nào khác. Về sau, khi tôi mang đôi giày này lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở châu Âu, rong ruổi cả năm dài du học ở Bỉ và đem về Việt Nam chạy bộ, tôi mới khoái chí nhận ra rằng đó là một đôi giày rất đáng đồng tiền bát gạo. Và giày là một dụng cụ cần thiết để “đi bụi”, đừng bao giờ tiếc tiền cho nó.
Tất cả những con kênh đều nhỏ
Hí hửng với đôi giày mới tậu, tôi cùng cô bạn bắt đầu hành trình chinh phục Amsterdam. Chúng tôi cầm bản đồ dành cho người đi bộ và vui vẻ nhận ra mỗi bước chân đưa mình gặp những điều mới mẻ thú vị. Amsterdam nằm bên sông Amstel và có một hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc. Cứ đi vài mét là đến một chiếc cầu be bé. Người Pháp gọi Hà Lan bằng cái tên rất tượng hình “Pays-Bas” (đất nước thấp). Giờ tôi mới hiểu vì sao. Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển nên phải có hệ thống đê bao quanh cực tốt. Và dĩ nhiên, hệ thống thoát nước, cầu đường, sơ đồ xây dựng các thành phố của Hà Lan phải thật đảm bảo. Amsterdam có nhiều con kênh, và mỗi con kênh có hàng tá cầu bắc ngang. Tôi không biết chính xác có tổng cộng bao nhiêu chiếc cầu ở thành phố này nhưng ước tính cũng phải hàng trăm chiếc. Những dãy nhà dọc theo những con kênh có cùng một kiến trúc đồng bộ. Tất cả đều hẹp chừng bốn mét và cao ba đến bốn tầng. Nóc nhà cao vút có dạng bậc thang ngộ nghĩnh. Nếu tìm nhà ở Amsterdam, chắc chắn bạn phải biết số nhà, vì mọi nhà trông giống hệt nhau, không thể phân biệt được.
Xe đạp và hơn thế nữa
Nhắc đến Amsterdam ai cũng biết xe đạp là một biểu tượng. Tôi không nghĩ người dân thích bảo vệ môi trường đến mức chê xe hơi. Đơn giản vì thành phố này không lý tưởng chút nào với các loại xe bốn bánh. Đường đa phần là một chiều, nhỏ hẹp, chốc chốc phải qua cầu mà cầu nhỏ xíu qua không lọt. Vậy không đi xe đạp còn đòi đi bằng gì? Xe đạp dựng khắp nơi, khóa lung tung ở cột đèn, trên các thanh cầu, bên các gốc cây. Khóa là khóa vậy, nhưng nếu để qua đêm mất chẳng ai đền. Thật ngạc nhiên khi tôi biết rằng hàng năm có đến 100.000 xe đạp bị “thó” mất ở Amsterdam
Tuy nhìn có vẻ xinh xắn, bé nhỏ nhưng thực chất Amsterdam là một trong những thành phố rộng lớn nhất Hà Lan, nên người dân ngoài xe đạp còn sử dụng xe điện để đi lại và đương nhiên còn có một loại hình giao thông khác: ghe xuồng! Cảnh sát Amsterdam thì có một phương tiện khác khá hữu hiệu: ngựa. Nhìn họ cao lớn, mặc đồng phục oai phong, cưỡi những con ngựa lộp cộp bảnh chọe trông thật hoành tráng. Cứ thế, cảnh sát phi ngựa chen giữa đường phố cùng xe đạp, xe điện, người đi bộ và thỉnh thoảng là những chiếc xe không giống ai (xe ba bánh, xe lôi, xe xích-lô). Ngoài Amsterdam ra, chưa ở đâu tôi thấy người dân dùng các phương tiện tự chế ngộ nghĩnh đến vậy.
Sex and the city
Khoảng mười hai giờ trưa trở đi, nắng vàng, trời đẹp, thiên hạ lũ lượt đổ ra phố thành từng dòng đông kinh khủng. Các quán giải khát tràn ra cả vỉa hè, các cô bồi bàn mặc bikini, đeo tạp dề bưng bê thật hấp dẫn. Trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm, tất cả các vật dụng đều nhuốm màu sex dưới hình thức hài hước. Tôi nhảy dựng lên la chói lói khi bất ngờ thấy một chiếc áo T-shirt in hình “cái đó” của ông Adam. Chưa bao giờ trong đời tôi mục kích nó trần trụi đến thế, ít ra cũng có cái lá nho chứ! Nghe tiếng tôi thét lên, một số khách quay đầu lại nhìn. Không dám gây chú ý cho thiên hạ, tôi đành tự bịt mắt mình khi thấy bất kỳ món hàng nào “kinh dị”.
Ra khỏi các cửa hàng lưu niệm, tôi lọt vào “Sex museum” mà về sau tôi viết truyện tả là “Bảo tàng của sợ hãi”. Hãi thật chứ chẳng chơi vì từ một người “trong sáng như pha lê”, tôi thình lình thấy những cảnh “đồi bại” của loài người. Tuy thế, cuối buổi tham quan, một câu thuyết minh trong bảo tàng làm tôi “giác ngộ”: đừng lên án sex, vì sex giúp bạn… ra đời!
Mọi thứ đều có thể
Ở Amsterdam nhiều người thích đến phố Đèn đỏ xem hoạt động kinh doanh sex công khai. Chuyến đi ấy tôi không đến chỗ này dù cũng tò mò tìm kiếm nhưng không gặp. Bù lại, tôi tình cờ gặp Lydia, một người bạn Pháp quen. Cô mới từ trong một “Porno shop” bước ra. Tôi nói muốn vào trong xem cho biết nhưng Lydia ngăn lại: “Đừng! Với tao thì được chứ cỡ mày - cô lắc đầu cương quyết - nặng đô lắm!”.
Lydia cỡ tuổi tôi nhưng đã từng qua Việt Nam nên hiểu văn hóa Á Đông. Cô giải thích ở Amsterdam có rất nhiều những “nhà hát” với các diễn viên chuyên nghiệp đóng cảnh “porno” (con heo). Cảnh tượng rất “hãi hùng” và “ghê tởm” nếu khán giả còn trong sáng hoặc người già nhưng “nhà quê”. Lydia còn cho biết những chốn “ghê rợn” khác như “sex với thú”, “sex với nhục hình”, “sex cùng lúc nhiều người”. Tóm lại, những gì liên quan tới sex, chỗ khác không có thì Amsterdam “thầu” hết. Ngoài ra, Amsterdam còn là thành phố đầu tiên trên thế giớ công nhận hôn nhân đồng tính, công khai hoạt động chích ma túy tại một công viên, công khai các băng nhóm tội phạm… “Những gì mày từng nghĩ ‘không thể’ đều ‘có thể’ ở Hà Lan này” - Lydia khoái chí nhìn tôi đang há hốc - “Thậm chí cả việc đàn ông bị hiếp dâm bởi phụ nữ, ha ha…”
Chia tay Amsterdam sau hai ngày du hí, dù chưa khám phá hết thành phố “đặc biệt” này, tôi cũng tự bằng lòng nhìn Amsterdam đang dần dần lùi xa. Những chiếc cầu bé xinh, xe đạp lãng mạn, dòng kênh yên bình, hoa tulip rực rỡ… Tạm biệt Amsterdam, nơi Thiên thần và Ác quỷ có thể sống hòa bình.
Liège: Thành phố nhẹ nhất thế giới
Lần đầu tiên khi bước chân xuống ga Guillemins ở Liège, tôi buồn rầu nhận ra thành phố… xấu quá. Từng đi Bruges và Bruxelles, những thành phố nổi tiếng đẹp xinh của Bỉ, nên tôi thấy Liège trông như một con vịt nhỏ xấu xí. Thế rồi trong suốt một năm du học ở đây, ngày ngày lấy bus số 48 lên đồi Sart-Tilman nơi có ngôi trường Đại học Liège nằm ẩn trong rừng xanh, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình đã yêu thành phố này từ khi nào chẳng rõ.
Hợp chủng quốc sinh viên
Liège không có những công trình thế kỷ, không có kiến trúc cổ xưa độc đáo, không có cả cái không khí thanh bình thường gặp ở một thành phố châu Âu. Nhưng Liège là nơi tụ họp những bạn trẻ từ khắp nơi cùng đến tìm kiến thức. Trường Đại học Liège là một trong những ngôi trường châu Âu danh tiếng với các khoa, các ban, các nhánh học thật phong phú. Vì thế, ở Liège tôi có thể gặp những sinh viên đủ mọi màu da và kết bạn với đủ mọi quốc tịch: Masako đến từ Nhật để học ngành khảo cổ, Zineb người Maroc học văn chương, Nadine từ Canada sang hoàn thành khóa kỹ sư hàng không, Zita gốc châu Phi chọn học nuôi trồng thủy hải sản, Philippe từ nước láng giềng Pháp sang học ngành thú y, rồi những cô cậu trẻ măng mãi tận bên Mỹ cũng hăm hở đến Liège học về hàng hải, xây dựng và nông nghiệp. Có thể nói Liège là thành phố “hợp chủng quốc” dành cho những người trẻ.
Đường phố nhún nhảy
Những ngày cuối tuần, sinh viên lao vào khu phố cổ Carré đông nghịt để nhảy nhót, đàn hát, ăn uống, tổ chức những trò chơi phong phú như hóa trang, vũ hội, đố vui… Họ đùa giỡn ầm ĩ, kéo nhau rồng rắn diễu hành khắp thành phố kể cả vào mùa đông lạnh giá. Khi người ta trẻ, dù nhiệt độ có xuống đến mức âm cũng chẳng bận lòng. Rồi những tháng ngày xuân-hè, nam thanh nữ tú lại hiện diện khắp nơi theo những lễ hội âm nhạc, ngày Francophonie (ngày nói tiếng Pháp), ngày quốc khánh Bỉ, ngày nhà vua và còn biết bao ngày lễ mà tôi không tài nào nhớ nổi. Chỉ biết rằng vào những ngày đó, các sân khấu đặt ở ngoài trời, ca sĩ từ chuyên nghiệp đến bán chuyên nghiệp và cả nghiệp dư cùng cống hiến nhiệt tình những bản nhạc sôi động làm nức lòng giới trẻ. Chúng tôi cùng nhún nhảy bên nhau dù chẳng hề quen biết. Cùng nắm tay ngước nhìn bầu trời đầy sao và chiêm ngưỡng những đợt pháo hoa đẹp như những giấc mơ thời thơ ấu.
Chợ trời La Batte bên sông La Meuse
Vào mỗi sáng chủ nhật, tiếng chuông các giáo đường đồng loạt từng hồi vang lên đánh thức những cô cậu ham chơi đã trắng đêm hôm trước. Chúng tôi mắt nhắm mắt mở động viên nhau cố gắng “lết” đến chợ trời La Batte trải dài theo con sông La Meuse. Với túi tiền eo hẹp của giới sinh viên, chợ trời chỉ họp một lần duy nhất trong tuần là vị cứu tinh cung cấp rau xanh, trái cây, cá tươi và đủ thứ thực phẩm phong phú. Thường chúng tôi cùng mua cả bao tải khoai tây, khệ nệ vác những túi táo chín mọng, đội lên đầu vài ba ký củ hành. Phải mua sỉ giá mới rẻ, và cứ thế mà về chia với nhau để tiết kiệm từng đồng sau khi vung tay quá trán vào những câu lạc bộ đêm tối thứ bảy vừa qua.
Ẩm thực giá rẻ
Những ngày không lên giảng đường hay đã quá rã rời sau những giờ học căng thẳng trong thư viện, tôi thường một mình bách bộ lang thang “window-shopping”. Liège có đầy đủ sản phẩm hàng hiệu của thế giới, từ tột đỉnh xa xỉ đến giá “mềm ơi là mềm” dành cho giới trẻ. Về mặt ẩm thực, Liège cũng không thua kém thủ đô Bruxelles với đầy đủ những nhà hàng từ cao cấp đến bình dân giá bèo. Nào là “cuisine” Pháp, Ý, Hy Lạp, Trung Hoa, Braxin, Maroc…, kể cả Việt Nam cũng có đến trên dưới mười nhà hàng lớn nhỏ. Tôi vẫn thường làm khách hàng ruột của một nhà hàng Ý có ghi bảng giảm giá mười phần trăm cho sinh viên. Với một pizza “to vật vã” như cái mâm và một ly coca lạnh chỉ có năm euros, tôi tì tì ngồi nhấm nháp vị thơm béo của phô-mai, vị mặn gắt của những lát thịt jambon muối, và vị chát dịu của ô-liu. Đã thế, lần nào vào ra quán cũng được những anh chàng người Ý dẻo miệng ồn ào ca tụng: “Cô đẹp quá! Chào người đẹp của tôi! Đêm nay tôi sẽ mơ thấy người đẹp!”. Nghe riết cũng tưởng mình đẹp thiệt, nhưng ăn pizza hoài sẽ phát phì. Khi đó chắc họ cũng không dám nói “Cô mập quá!” kẻo mất khách như chơi. Thỉnh thoảng có người thân từ Pháp sang thăm, tôi hào phóng dẫn họ đi vào những nhà hàng Bỉ đãi món đặc sản “moule et frite” tức là một loại sò (ở Việt Nam không có) ăn với khoa tây chiên. Người Bỉ rất ghét món khoai tây chiên bị gọi là “French fries”, họ nói người Bỉ có công sáng chế kiểu ăn khoai tây xắt cọng dài chiên dòn. Đáng lý phải gọi là “Belgian fries” mới đúng.
Dù Liège trẻ trung, sôi nổi và hoạt động không ngừng, thành phố này cũng có những “khoảng lặng” đáng trân trọng. Tôi đã từng lang thang buồn rầu vì bị… thi lại. Trên những bước chân vô định của mình, tình cờ tôi nhận ra những con hẻm bình yên, những nấc thang xám khiêm nhường, những vách tường đỏ phủ rêu phong. Và, tiếng chuông ngân lên đâu đó của một nhà dòng ẩn mình trong phố cổ làm tôi bồi hồi. Liège, Liège giờ chia tay đã điểm. Sẽ không bao giờ tôi thôi yêu thành phố nhẹ nhất thế giới này. (Chú thích của tác giả: Liège trong tiếng Pháp có nghĩa là loại vật liệu để làm nút chai đóng rượu, rất nhẹ, nên người dân thích chơi chữ, nói thành phố của mình nhẹ nhất thế giới.)
Bruxelles: Thủ đô hóm hỉnh
Lần đầu tôi đến Bruxelles năm 2000. Từ Paris tôi ngồi xe đò đêm thoáng gà gật vài giấc thì đến. Dân Pháp hay trêu chọc người Bỉ, họ nói trên thế giới này chỉ có Bỉ ban đêm trên xa lộ mới thắp đèn, vì nước Bỉ bé nhỏ quá nên mới dám xài sang. Họ còn cười cợt bản tính ngây thơ, ngờ nghệch đến mức khờ khạo của người Bỉ và có cả kho tàng truyện cười về dân tộc chất phác này. Mặc kệ người láng giềng “xách mé”, thủ đô Bruxelles được thế giới tin tưởng đặt hơn cả trăm trụ sở quốc tế quan trọng, một trăm năm mươi chín sứ quán với hai ngàn rưỡi nhà ngoại giao và một ngàn bốn trăm các tổ chức phi chính phủ (NGO). Sau này tôi đến Bỉ du học một năm, dù không ở Bruxelles nhưng tôi cứ đi đi về về với nơi chốn thân tình này. Chưa ở đâu người ta cởi mở với nhau đến thế. Chẳng có ai là người xa lạ hay người nước ngoài, tát cả đều cười với nhau thân thiện vì “tôi là anh mà anh cũng là tôi”.
Quảng Trường Lớn (mà hổng lớn)
Còn nhớ lúc tôi tìm đường đến Quảng Trường Lớn, là địa điểm thu hút du khách nhất ở Bruxelles, một người tận tình chỉ dẫn rồi hóm hỉnh: “Nhưng báo trước nhé, quảng trường đó không lớn một tí nào đâu, có khi cô đứng ngay đó rồi mà còn mãi tìm đó chứ!”. Quả thật quảng trường bé nhỏ vô cùng so với thủ đô các nước khác, nhưng sự duyên dáng của nơi đây rất xứng đáng được Victor Hugo cho là một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu và UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thật khó để chụp hình Quảng Trường Lớn cho trọn vẹn vì đây là một cái sân hình chữ nhật với lối kiến trúc độc đáo nên tôi cứ mãi loay hoay. Mỗi lần ghé lại thăm Quảng Trường Lớn là mỗi lần nơi đây được trang trí khác nhau, mùa đông là cây thông cao vút đèn đóm rực rỡ, mùa xuân là thảm hoa trải rộng đẹp đến bất thần, mùa hè là những lễ hội ca hát linh đình, mùa thu là các triển lãm nghệ thuật trầm tư cùng gió.
“Cái đó” của Manneken Pis
Từ Quảng Trường Lớn, thường người ta hay tìm thăm Manneken Pis, bức tượng thằng bé cầm chim đái. Ở Bruxelles dường như ai cũng hóm hỉnh, khi nghe tôi nói đang tìm đến chỗ thằng bé đái, một người chỉ đường nháy mắt: “Cô sẽ thất vọng, “cái đó” của nó chút xíu hà!”. Đã đến tận nơi mà tôi còn ngó trước ngó sau, chịu không tìm ra Manneken Pis, một người khác thấy vậy hỏi: “Tìm thằng nhỏ hả? Nó nhỏ đã đành, mà “vòi” của nó còn khó thấy hơn!”. Thì ra bức tượng nổi tiếng đó chỉ cao có chừng năm mươi centimet, được đặt khiêm tốn trên một cái gờ tường, từ chim nó chảy ra một dòng nước.
Lần đầu diện kiến thằng bé tôi thấy nó đang trần truồng, nhưng những lần sau, lúc thì nó được mặc đồ ông già Noel chuẩn bị chào đón Giáng Sinh, lúc hóa trang thành một chiến sĩ nhân dịp lễ quốc gia nào đó, lúc mặc đồ cầu thủ cổ động World Cup, có khi còn làm… Dracula vào ngày Hallowen nữa. Manneken Pis là một trong ba nơi được du khách đến Bruxelles mê nhất. Chuyện rằng ngày xưa kia thằng bé cầm chim đái vào một ngòi nổ của quân địch khi bao vây thành phố. Vì thế, mọi người dân nhớ ơn làm tượng tưởng nhớ. Dân Bruxelles nói riêng và dân Bỉ nói chung mê Manneken Pis đến nỗi cứ lễ hội nào cũng thấy các máy nước giải khát hình dạng giống thằng bé, chim nó phun ra bia bọt, nước trái cây, rượu vang rào rào làm mọi người bu đầy chờ đến lượt hứng uống.
Thủ đô của truyện tranh, Mini-Euro và Atomium
Mỗi lần đến Bruxelles tôi đều thích ngắm các bức tường vẽ truyện tranh và những bức tượng các nhân vật nổi tiếng như Tintin, Gaston, Lucky Luck, Xì-trum… được đặt lung tung khắp nơi. Ở Bruxelles thậm chí còn có một bảo tàng về truyện tranh và nhiều cửa hàng bán truyện tranh dủ mọi chủng loại: truyện cho con nít, cho phụ nữ, cho người sồn sồn, cho người đồng tính, truyện trinh thám, hài hước, sex… Một lần tôi còn giật mình khi cầm trên tay một quyển truyện tranh với tựa đề Sự trả thù của Nguyễn, đây là truyện thuộc loại “sex nhẹ đô” do một họa sĩ gốc Việt vẽ.
Bruxelles không quá lớn để thăm thú, nhưng những nơi du khách đến đều để lại ấn tượng tốt đẹp. Vì là thủ đô của châu Âu, ở Bruxelles có công viên “Mini-Euro” với tất cả các công trình, địa điểm nổi tiếng của các nước châu Âu được thu nhỏ lại một cách vô cùng tinh xảo. Nói chẳng ngoa, bạn có thể chẳng cần du lịch đâu cho xa, chỉ vô công viên này một ngày là đã thu vào tầm mắt cả châu Âu rồi. Sát bên “Mini-Euro” là Atomium, một bảo tàng khoa học kỹ thuật. Atomium có hình dáng độc đáo của một nguyên tử thủy tinh bằng sắt làm dân Bruxelles rất tự hào.
Hóm hỉnh Bruxelles
Tôi đặc biệt thích Bruxelles còn vì nơi đây luôn làm tôi thư giãn. Có những trò nghịch ngợm của dân Bruxelles làm du khách lắc đầu cười như tượng một con chó đang đái vào cột điện với câu hỏi: “Bạn cũng dang chân chứ?”, một bức tường được dán thông báo “Chú ý, tường có cài điện, đừng tiểu bậy kẻo teo chim!”, một trái táo chín mọng bằng nhựa với dòng chữ “Của Bạch Tuyết đấy, hãy ăn phẩm tẩm độc để cứu nàng!”. Ngoài ra, các cửa hàng bán chocolat còn nghĩ ra nhiều trò tếu như làm các bánh chocolat hình bộ ngực, hình cái mông, hình đồ lót… Bruxelles không chỉ là thủ đô của nước Bỉ, của châu Âu, của truyện tranh, của sự thân thiện mà với riêng tôi, đây còn là thủ đô của sự hóm hỉnh.
Hào sảng Antwerp
Bỉ là một quốc gia bé nhỏ bên cạnh những nước láng giềng to lớn. Thế nhưng tại đất nước có diện tích khiêm tốn 30.513km vuông này, có đến hai ngôn ngữ chính thức được thừa nhận trên tất cả các giấy tờ hành chính. Đó là tiếng Flamish (tiếng Hà Lan) và tiếng Pháp. Khi du học ở Liège, vùng nói tiếng Pháp, thỉnh thoảng tôi gặp vài sinh viên vùng Flanders. Họ nói tiếng Flamish với nhau và cũng bị “phân biệt” y như một người nước ngoài xa lạ nào đó. Có lần khi tôi thắc mắc, họ nhún vai hiền lành “Giống như người Canada hay người Thụy Sĩ, người Bỉ cũng thích co cụm cộng đồng của mình dựa trên ngôn ngữ. Nhưng hãy đến một thành phố của vùng Flanders, bạn sẽ thấy chúng tôi cởi mở hơn dân vùng Wallonia này”. Và thế là tôi cố tìm một dịp để đến Antwerp, thủ phủ vùng Flanders phồn thịnh.
Thành phố song ngữ
Antwerp là thành phố rộng lớn nhất thuộc vùng Flanders, nằm ở miền Bắc nước Bỉ. Có đến 60% dân số nước này là người Flamish và vùng này giàu có hơn hẳn vùng Wallonia miền Nam. Có một điều hẳn làm mích lòng người nói tiếng Pháp, vì dù ở Canada, Thụy Sĩ hay Bỉ, cộng đồng nói tiếng Pháp đều nghèo hơn cộng đồng nói tiếng Đức hay tiếng Hà Lan. Chắc chắn một điều ngôn ngữ xuất phát từ văn hóa, và dĩ nhiên văn hóa quyết định sự phồn thịnh của cả cộng đồng. Ở Bỉ, tôi có thể thấy rõ ràng, người dân vùng Flanders siêng năng và chịu khó hơn người ở vùng Wallonia. Điều dễ phát hiện nhất là khi đến Antwerp, người dân ngoài tiếng Hà Lan còn biết thêm tiếng Pháp. Trong khi người nói tiếng Pháp không bao giờ thèm học tiếng Hà Lan. Vì lẽ đó, đương nhiên người Antwerp cũng cởi mở hơn, thân thiện hơn và rộng rãi hơn. Năm 2011 khi tôi đang ở Antwerp, tôi được xem trực tiếp trên truyền hình cuộc thi hoa hậu Bỉ. Các thí sinh phải nói trôi chảy ba thứ tiếng: Pháp, Hà Lan và Anh. Ban giám khảo chia đều ra hai vùng Flanders và Wallonia, ngoài ra còn mời thêm giám khảo quốc tế, đến từ Mỹ. Cuối cùng, thí sinh vùng Flanders, đến từ thành phố Antwerp đã chiến thắng, đoạt vương miện một cách ngoạn mục. Cô nói xuất sắc 3 ngoại ngữ, thông minh thể hiện vai nàng Eva và đẹp một cách quyến rũ. Dân Antwerp tự hào lắm. Tôi cũng vui lây niềm vui “sở hữu hoa hậu” của họ. Một điều hơi khôi hài, đến Antwerp tôi lại ngụ trong nhà một gia đình gốc Wallonia di cư đến.
Những gia đình đa ngôn ngữ
Gia đình anh Hồng nói đủ thứ tiếng. Anh là Việt kiều, cưới vợ là Isabelle người Wallonia, nói tiếng Pháp. Gia đình họ có ba đứa con. Hai vợ chồng nói tiếng Pháp với nhau, ba đứa con nói tiếng Hà Lan. Cha mẹ trao đổi với con cái khi thì tiếng Pháp, lúc tiếng Hà Lan, có khi chêm tiếng Việt loạn xạ. Thỉnh thoảng họ lại dùng tiếng anh, như một cái mốt trong các gia đình châu Âu thời thế giới phẳng. Tuy vậy, tất cả mọi người đều biết tiếng Hà Lan. Và tuy xuất thân từ vùng Wallonia, Isabelle cho biết chị hoàn toàn yêu quí người Flanders. Bởi đơn giản, có muốn ghét họ cũng không tìm ra lý do. Hiện có rất nhiều gia đình giống anh Hồng-Isabelle. Họ dùng nhiều thứ tiếng để giao tiếp trong nhà và xem như “đặc sản” riêng của gia đình mình. Thành phố Antwerp giàu có, vui vẻ, siêng năng và… chịu chơi tới bến. Vì sao tôi lại xếp yếu tố “giàu có” lên đầu tiên khi nói về người Antwerp?
Trung tâm kim cương của thế giới
Vốn không bao giờ đeo nữ trang kim cương (do không thích đeo và do… không có tiền), tôi không biết rằng Antwerp là trung tâm kim cương thế giới. Anh Linh, một Việt kiều sống ở Liège, ngày ngày chạy xe hơn một tiếng đồng hồ đến Antwerp làm nghề cắt kim cương. Anh cho biết “Antwerp World Diamond Centre” là một slogan được nhiều người biết đến. Kim cương được mài giũa ở Antwerp sẽ có được “Antwerp quality”, một dấu hiệu chất lượng uy tín toàn cầu. Tôi thích gọi kim cương là “hột xoàn” và đòi được dẫn đi xem một công ty chuyên về chế tác món hàng cực kỳ xa xỉ này. Tiếc là hôm tôi đến Antwerp, thành phố đang trong một đợt nghỉ lễ, không có công ty nào đang làm việc. Mà nếu công ty có làm việc, trong số 1500 công ty kim cương ở Antwerp cũng chẳng ai dám cho tôi vào xem. Anh Linh cho biết qui trình để một công nhân vào nhận kim cương mài giũa rất chi li, “không phải chuyện đùa” mà ai đòi vào xem cũng được. 1500 công ty kim cương nằm ngay trung tâm thành phố, và sát bên nhà ga là chuỗi cửa hàng bán các sản phẩm chế tác từ kim cương, các gian hàng triển lãm về kim cương trưng bày lịch lãm, sang trọng, thu hút nhiều khách đến tham quan. Nghề mài giũa và kinh doanh kim cương đã có từ lâu đời tại Antwerp từ thế kỷ thứ mười lăm, đến nay ngành này ngày càng phát triển, giúp thành phố cảng Antwerp trở thành một trong những nơi giàu có nhất thế giới.
Thành phố yêu nghệ thuật
Gia đình anh Hồng-Isabelle xem ra không mấy quan tâm đến “hột xoàn”, họ tự hào giới thiệu Antwerp với một khía cạnh khác. Đây là thành phố cảng không những giàu có về mặt tiền bạc mà còn sở hữu nhiều nghệ sĩ tên tuổi tài năng: Rubens, Van Dyck, Jordaens và Brueghel. Các bảo tàng nghệ thuật, các phòng triển lãm, các cửa hàng tranh tượng có mặt dày đặt. Nếu đi dạo thong thả ngoài phố, tôi sẽ mất vài tuần để dừng lại ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật rải rác khắp nơi. Thành phố khá trân trọng bằng cách đặt những bức tranh tượng lên bệ, khắc bảng hiệu, rào lại kỹ càng. Tòa Thị Chính của Antwerp nằm trong quảng trường hình chữ nhật, xung quanh là các dãy nhà hình chóp nhọn, phía trước trồng hoa đẹp rực rỡ. Bức tượng Bravo cầm một bàn tay bị cắt lìa đứng chót vót là một biểu tượng của Antwerp. Tương truyền có một gã khổng lồ chuyên cắt bàn tay của thủy thủ nào cập bến Antwerp mà quỵt tiền “phí cầu đường”. Thế rổi một chiến binh tên Silvius Bravo xuất hiện, đánh bại gã khổng lồ và cắt bàn tay hắn, trả thù cho mọi người. Isabelle giải thích trong tiếng Hà Lan tên thành phố là Antwerp, có nghĩa là “ném bàn tay”. Bức tượng nằm giữa quảng trường, trông hiên ngang mà “ngồ ngộ”, đúng chất thành phố cảng.
Hào sảng Antwerp
Antwerp phồn thịnh nhờ vào sông Scheldt nuôi dưỡng, trải qua hàng thế kỷ, thành phố cảng phát triển chính là nhờ vào ngành hàng hải của mình. Kiến trúc của Antwerp là loại kiến trúc dành cho thành phố nằm trên sông. Khi hoàng hôn buông, ánh chiều ta soi bóng xuống dòng Scheldt làm nước đổi màu, cộng thêm ánh đèn từ các tàu bè chiếu ra và các loại đèn hiệu trên sông chớp tắt liên tục. Tất cả làm nên một bản hợp âm về ánh sáng rất ngoạn mục. Antwerp là cảng lớn thứ hai ở châu Âu, là một trong mười cảng quan trọng nhất của thế giới và cũng là cảng hoạt động hiệu quả nhất. Với mật độ sông ngòi, kênh rạch cực kỳ chằng chịt, Antwerp sở hữu những con đường huyết mạch nối liền các vùng trù phú nhất châu Âu. Không ỷ lại vào thế mạnh sông ngòi của mình, dân Antwerp làm việc rất cật lực. Cô bạn chung ký túc xá với tôi có chồng người Bénin (châu Phi), cô cho biết cộng đồng dân nhập cư châu Phi thường thích bám những vùng nói tiếng Pháp để sống (vì họ là thuộc địa cũ của Pháp). Tuy nhiên sau một thời gian, mọi người đều cố gắng học tiếng Hà Lan để đến Antwerp tìm việc làm. Nếu chịu khó, thành phố cảng sẽ cho họ nhiều cơ hội hơn, giúp họ tiết kiệm được nhiều tiền gởi về quê hương cho người thân. Việt kiểu ở Antwerp cũng cho tôi biết họ thích sống ở đây, tuy làm việc vất vả nhưng “có dư”, người dân Antwerp cũng hào sảng và không kỳ thị chủng tộc.
Ở Antwerp chỉ hai ngày ít ỏi, chưa kịp khám phá thành phố ở khía cạnh thời trang tôi đã phải quay lại Liège. Anh Hồng hứa khi học xong, trước khi về Việt Nam sẽ đón tôi quay lại Antwerp chơi nhiều hơn. Nhưng tiếc là khi tôi trình luận văn xong, chưa kịp “relax” thì tổ chức cấp học bổng hối tôi phải về nước liền. Vợ chồng anh Hồng-Isabelle lái xe từ Antwerp đến Liège để đưa tôi ra phi trường ở Bruxelles. Thật là một hành trình ngoằn nghèo. Dù tôi từ chối, nói mình có thể tự đi xe lửa, vợ chồng anh nhất quyết dành thời giờ quý báu của mình cho tôi, một đứa em “ngang hông” chẳng chút quan hệ họ hàng. Sau này tôi có dịp quay lại Bỉ, vợ chồng anh cũng lái xe từ Antwerp đến Liège chỉ để kịp dắt tôi đi ăn tối. Tấm lòng của anh chị, những người nhập cư chọn Antwerp làm quê hương luôn khiến tôi cảm kích. Họ hay cười, những tràng cười thoải mái, ghét nghe cảm ơn và sẽ hài lòng gật đầu nếu bạn nói “Antwerp tuyệt làm sao!”.
Bruges thanh thản
Nhắc đến Vương quốc Bỉ, ngoài thủ đô lừng danh Bruxelles ra, hầu như ai cũng nhớ ngay đến Bruges. Năm 2000, tôi từ Pháp lặn lội sang Bỉ bằng xe đò cũng với ước vọng được nhìn thấy Bruges, thành phố nên thơ tôi bắt gặp trong cuốn tạp chí về du lịch. Những bức hình về Bruges cho thấy đây là nơi dù ai có “máu lạnh” đến mấy cũng phải chùng lòng tự nhủ rằng “thiên đường là đây”. Bruges được mọi người đặt biệt danh “Venise phương Bắc”. Nhắc đến Venise người ta liên tưởng ngay đến hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đến những chiếc cầu và sóng nước rì rào. Nhưng đến Bruges rồi tôi “mạnh miệng” tuyên bố: Venise không sánh bằng!
Hành trình đến Bruges
Từ thủ đô Bruxelles, tôi lấy xe lửa đi Bruges. Ở nhà ga có khá nhiều khách nước ngoài đứng chờ giống tôi. Ai cũng háo hức “Bruges vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đó!”. Tàu đi được nửa đường thì gặp sự cố kỹ thuật, khách leo xuống đón chuyến khác. Loa ở các nhà ga nói bằng thứ tiếng khó hiểu, vừa như tiếng Pháp, lại xa lạ như tiếng Hà Lan, lóng tai nghe một hồi thấy giống tiếng Anh. Tôi bối rối hỏi một người Mỹ có thái độ rất tự tin giữa đám khách bát nháo “Anh hiểu gì không? Chừng nào đón chuyến xe lửa khác?”. Anh chàng tỉnh rụi “Cứ đi theo tôi là yên tâm! Dù tôi cũng chẳng hiểu nổi thứ ngôn ngữ quái dị trên loa”. Tôi nhảy dựng lên “Vậy sao tôi yên tâm được, lạc rồi sao?”. Anh chàng nhai kẹo cao su nhóp nhép “Thì chúng ta cùng lạc, không thấy thú vị sao?”. Tôi lườm anh ta rồi bỏ ra một góc ngồi. Có một chuyến tàu đến, mọi người lục tục nhảy lên, chàng người Mỹ quay lại nhìn tôi “Quyết định nhé! Theo tôi hay là chết!”, giọng điệu cao bồi của chàng y như trong phim Hollywood. Tôi nhảy lên theo, mặt bí xị. Tôi tự trách mình quá lơ ngơ khi du lịch, trong khi giới trẻ thế giới tôi gặp dọc đường “gió bụi” lúc nào cũng tự tin. Sau này khi có nhiều kinh nghiệm “lang thang” tôi nhận ra rằng dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng luôn có những nguyên tắc chung. Một khi đã hiểu những nguyên tắc đó, không có gì là khó khăn cả. Ngoài ra, sự bình tĩnh cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp ta xoay sở trong mọi tình huống dù xấu nhất.
Hãy cô đơn cùng Bruges
Bruges cuối cùng cũng hiện ra, tôi nhảy xuống ga và đeo ba lô dấn bước. Chàng người Mỹ khều vai “Đi theo tôi hay là chết?”. Tôi bật cười “Chết”. Mặt chàng tỉnh rụi “Tốt” rồi xoay người bỏ đi. Thật ra hồi đó tiếng Anh của tôi còn tệ quá, nếu không tôi dám theo chàng để cùng khám phá Bruges rồi. Nhưng thôi, Bruges là nơi người ta nên lang thang một mình, nơi bất kỳ người bạn đường nào dù hợp đến đâu cũng sẽ làm cản trở. Đôi khi cô đơn là một cái thú, một cái thú vô cùng… sang trọng. Sở dĩ tôi tuyên bố như vậy vì hai năm sau tôi có dịp quay lại Bruges. Lúc đó tôi du học ở Liège và đến Bruges cùng một nhóm người Việt Nam. Sự bát nháo của một nhóm người làm thành phố trở nên vô duyên. Chẳng ai kịp lắng lòng để cảm nhận Bruges thật gần. Mọi người nhí nhố lo chụp hình, cười nói oang oang và lao vào những cửa hàng bán đồ lưu niệm chọn hàng inh ỏi. Dân châu Âu thường đi du lịch một mình. Một ba-lô, cuốn sách hướng dẫn trên tay, họ chậm rãi tham quan và gật gù tâm đắc. Đó là lúc Bruges bắt đầu thấm vào đầu, vào máu và vào tim.
Bức tranh thiên nhiên vượt mọi ngôn từ
Bruges có những cánh rừng xanh mượt, hoa dại mọc hoang sơ, rêu phong bám lên cây bao quanh thành phố, lang thang một chút trong rừng, nghe tiếng chim hót, mục kích những chú sóc chuyền cành và cúi xuống ngắt một cành hoa. Tôi ngỡ mình là một nhân vật cổ tích, hoặc nhí nhảnh hơn, giống cô bé Quàng Khăn Đỏ. Cảnh vật xinh đẹp này sẽ dễ dàng làm người ta quên hết những mục đích phải làm, cô bé ham rong chơi không màng đến bà ngoại là vì thế. Và tôi cũng gần như quên bẵng mình phải vào bên trong thành phố để ngắm Bruges gần hơn. Bruges đây rồi, thành phố bé nhỏ với những con kênh xinh xắn và những ngôi nhà phủ rêu cổ kính có từ thế kỷ 15. Chẳng khác chi cổ tích với những đàn thiên nga thong thả dạo chơi, những chiếc cầu bằng đá cong cong duyên dáng và những bông hoa e dè ven bờ. Bruges hầu như chỉ phục vụ cho du lịch và người dân hoàn toàn tận tâm cho sứ mệnh của mình. Ven thành phố vẫn còn những nhà máy bia tươi dùng để “đãi” khách và cả xuất đi nhiều nơi trên thế giới. Băng qua một chiếc cầu bé xinh trong một con hẻm vắng lặng, tôi “chết trân” chợt nhận ra một dòng kênh phủ rợp những lá bèo xanh rì. Con kênh nhỏ cho tôi một bức tranh khó dùng từ để tả: Những cánh cửa sổ gỗ nâu, trên bệ là những chậu hoa đỏ, dàn dây leo bám vào tường rung rinh trong gió, một chú vịt con từ đâu chui ra “cạp cạp” thân tình. Tôi chụp hình nhưng nhận ra ngay mình thất bại, không một ống kính chuyên nghiệp nào có thể thu vào bức tranh thiên nhiên nơi đây. Làm sao nghe hơi gió thoảng, làm sao cảm nhận được mùi hương trong lành, làm sao có được tiếng vịt con dễ thương?
Chuyến đi đến Bruges năm đó mãi khắc sâu trong tôi dù lần thứ hai quay lại Bruges không thay đổi gì. Nhưng lòng tôi đã đổi, tôi không còn nghe được ngôn ngữ của thiên nhiên vì mãi bận tâm lo sách vở bộn bề. Tôi chỉ nằm lăn ra cỏ, ước được tan ra cùng đám sương trong lành. Tôi tự nhủ, sẽ chỉ đến đây nếu đang thanh thản. Quẳng gánh lo đi và Bruges sẽ chào đón bạn.
Đến Ostend tắm biển
Ở châu Âu, nhất là những nước phía Bắc, hầu như mọi người chẳng ai tắm biển dù là mùa hè. Đơn giản vì… lạnh quá! Muốn tắm biển họ phải đi xuống các nước miền Nam. Tuy vậy, những ai “xâm mình” vẫn có thể tắm và nằm phơi nắng hẳn hoi. Ở Bỉ du học gần một năm, sinh viên trong ký túc xá của tôi chẳng ai nghĩ đến chuyện tắm biển. “Đùng một cái”, quản lý ký túc xá ra thông báo “Đến Ostend tắm biển, hãy tận dụng những tháng nóng nhất trong năm!”.
Bikini hứa hẹn
Vậy là mọi người ai cũng nôn nao, đi tắm biển Bắc Hải (North Sea), thật không phải chuyện đùa! Marie, cô gái phụ trách tổ chức “event” của ký túc xá họp chúng tôi lại. Cô đề nghị vào ngày chủ nhật gần nhất, theo dự báo thời tiết trời rất đẹp, mọi người sẽ lên đường đến Ostend, thành phố sở hữu bờ biển dài nhất nước Bỉ. Chúng tôi sẽ đi bằng xe lửa, mua theo nhóm nên giá khá rẻ, mọi người góp thức ăn vào theo dạng pic-nic và Marie sẽ tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn trên biển. Mọi người ai cũng háo hức, các chàng trai bộc lộ không thèm che giấu “Cả năm nay sống gần mấy nàng mà không được thấy tí da thịt nào. Kỳ này đi biển nhớ cho tụi tôi… mãn nhãn nhé!”. Tưởng các anh bị la ó, ai ngờ phái nữ ủng hộ nhiệt tình và kéo nhau đi mua… bikini!
Tắm biển mà run
Sáng chủ nhật hôm đó trời trong, mây trắng, nắng vàng. Thật lý tưởng để đi tắm biển. Tôi mặc một áo đầm hai dây ngắn trên gối, mang “dép lào” thoải mái. Cả nhóm lên xe lửa bắt đầu cuộc hành trình từ Liège ngược lên phương Bắc xa xôi. Càng đi trời càng xám dần, gió càng thổi mạnh, nắng càng héo úa. Đến Ostend sau gần hai tiếng đồng hồ, thành phố biển đón chúng tôi nồng nhiệt đến mức, ai cũng run lên cảm động. Cả nhóm đi sát vào nhau, thậm chí ôm ấp nhau, thỉnh thoảng phải nhảy chân sáo. Một cách thành thật nhất, tôi rên lên: Lạnh quá! Thế là cả đám nhao lên đồng tình. Ostend thật khác xa với trí tưởng tượng, trước hết là thời tiết. Dù đang hè, dù nắng có vàng ở đâu thì Ostend trời vẫn lạnh khoảng hai mươi độ. Nhất là chúng tôi ai cũng diện thời trang biển với nào quần đùi, áo thun ba lỗ, áo hở rốn. Mọi người đành lôi khăn tắm ra choàng lên vai và vận động liên tục bằng cách chụp hình loạn xạ.
Chúng tôi đi dọc theo bến cảng, ngắm nhìn những chiếc thuyền tuyệt đẹp và những con chim biển bay ngay sát trên đầu. Bãi biển gần nhất nhà ga đã xuất hiện, và ngạc nhiên thay, có một số người đang chạy nhảy trên cát và mặc đồ tắm lao xuống biển lạnh. “Tụi khùng!”, nhóm chúng tôi bật cười nhưng rồi ai cũng nhào xuống cát, đùa nghịch cho quên những làn gió biển rợn cả người. Chụp hình! Chụp hình! Phải chụp hình khoe được tắm biển Bắc Hải, biển lạnh của Ostend! Cát ở đây khá đẹp, thuộc loại mịn nhất châu Âu. Ostend thu hút khá đông khách du lịch từ các nước phương Bắc như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hà Lan… Đối với họ, biển Ostend … quá ấm! Vì thế, họ càng lúc càng kéo xuống bãi đông hơn. Ostend không có dịch vụ cho thuê dù và ghế bố, ai muốn ngồi thì cứ trải khăn ra. Một anh chàng trong nhóm chúng tôi lao xuống biển vùng vẫy được ít phút đành phải vọt lên bờ “Cũng thỏa một lần trong đời ngâm mình trong Bắc Băng Dương!”. Cả đám cười ồ, rủ nhau xuống biển… ngâm chân rồi vội vã ngược lên run lập cập.
Ăn sea-food bịp
Chúng tôi ai cũng đem theo đồ ăn nhưng do ngồi ở bãi biển gió thốc lạnh quá, chẳng ai còn sức trụ lâu nên mọi người quyết định lên bờ kè dọc theo biển mua sea-food ăn. Ostend có dãy nhà mọc sát biển khá đẹp mắt, đa phần đều dùng vào mục đích thương mại. Đó là những cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo thời trang, nhà hàng, quán bar…. Không có tiền vào nhà hàng hải sản, sinh viên chọn các quầy ẩm thực bán trong các xe di động đậu dọc theo bãi biển. Dãy xe ẩm thực này kinh doanh khá thành công vì khách du lịch phải rồng rắn xếp hàng. Giá bình dân, được ghi rõ ràng trên bảng “súp cá: 2 euros/chén”, “hải sản thập cẩm: 4 euros/tô,” “khoai tây chiên: 2 euros/gói,”. Trong quầy, các hải sản thập cẩm có con tôm đỏ hồng xinh đẹp, thèm quá! (Ở Bỉ tôi không dám ăn hải sản tươi vì rất đắt, chỉ toàn ăn đồ hộp, đồ đông lạnh). Chúng tôi quyết định nhóm nhỏ bốn người Việt Nam cùng hùn tiền mua một chén súp, một tô hải sản thập cẩm và một gói khoai tây chiên. Mỗi người xếp hàng tại ba quầy khác nhau, tôi đứng ở quầy bán khoai tây chiên. Anh bán hàng chỉ tay bảo khách chú ý nhìn kỹ tấm bảng. Trên đó anh ghi ba thứ tiếng Pháp, Hà Lan và Anh. Các loại sốt được vẽ kèm theo một ngón tay, hoặc hai, ba ngón tay. Ví dụ ăn khoai tây chiên với sốt mayonais khách sẽ giơ một ngón tay lên, muốn ăn với sốt cà chua thì giơ hai ngón tay, sốt mù tạt là ba ngón tay. Cứ thế, khách và người bán chỉ việc ra dấu, khỏi phải vướng rào cản ngôn ngữ vì Ostend là vùng nói tiếng Hà Lan còn khách du lịch thì tứ xứ. Thật là một “phát minh” ngồ ngộ, chỉ thấy ở Ostend.
Sau khi mua xong sea-food. Bốn sinh viên Việt Nam chúng tôi tìm một băng ghế rồi chia nhau “bốc hốt”. Tô hải sản được “ăn đồng chia đủ”. Con tôm đỏ hồng to lớn duy nhất được ngắt ra làm bốn. “Vị tôm ở đây sao kỳ kỳ!”. Chúng tôi thốt lên. Không phải tôm không tươi, cũng không phải tôm còn sống, mà là… tôm nhưng không phải là tôm. Đơn giản thế này, con tôm ấy làm bằng… bột, được ướp hương liệu tôm và được vẽ màu đỏ hồng lên trông y như tôm thật. Ở ngay thành phố biển mà còn bị ăn tôm giả, chuyện như đùa! Thế mới biết giá hải sản ở châu Âu thật đắt. “Hèn gì!”, một anh bạn vỗ đùi, “nguyên tô hải sản to đùng thế này mà chỉ có bốn euros! Bọn Ostend này đểu thật!”. Nói vậy hơi oan cho dân Ostend, vì tôi đã có kinh nghiệm ăn tôm bột ở Amsterdam. Ở đó con tôm trông cũng rất “hoành tráng” nhưng cho vào mồm rồi mới biết là bằng bột và hương vị tôm. Hậm hực vì món tôm giả, chúng tôi tìm đến chỗ cho thuê xe đạp đôi bắt đầu dạo thành phố cảng.
Sầm uất phố cảng
Ostend vốn chỉ là một làng chài bé nhỏ, thế mà ngày nay đây là một trong những thành phố phát triển nhất của Bỉ nhờ vào ngành hàng hải, thương mại, du lịch và dịch vụ. Phố xá thật sầm uất, hàng hóa tràn lan và trương bảng hiệu hạ giá thật hấp dẫn. Khách du lịch đi theo dòng đông nghịt, chen chúc khá chật chội. Đạp xe vài vòng ở đường bờ biển, chúng tôi quyết định trả xe để chen vào các phố nhỏ bên trong. Việc đầu tiên chúng tôi làm là lao vào một cửa hàng bán áo gió đại hạ giá để mua mỗi đứa một cái áo chỉ với mười euros. Chiếc áo chưa đủ làm ấm nhưng có còn hơn không, đủ để chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục Ostend. Mọi người chia tay nhau, tự đi theo ý thích của mình và hẹn nhau cuối ngày ở ga cùng quay về Liège. Tôi đi window-shopping, lang thang ở các phố, ngắm dân Ostend năng động và phát hiện những bức tượng đặt rải rác trong thành phố khá thú vị. Nghe đâu thành phố này từng làm một cuộc cách mạng về nghệ thuật. Khi hoàng hôn xuống, tôi quay ra bãi biển ngắm những con tàu đang neo đậu và đàn chim biển xao xác tìm đường về tổ. Thấm mệt, tôi rag a và chỉ thấy mấy người bạn Việt Nam cùng hẹn quay về Liège, những bạn khác ở lại đi bar, đi vũ trường và khám phá Ostend dưới những “góc độ” khác. Mãi đến gần nửa đêm, khi tôi đang học bài mới nghe nhóm này về, họ đi chuyến tàu cuối cùng, khen Ostend sôi động và còn chia sẻ với tôi. “Ai biểu mày trong sáng quá làm chi!”, anh bạn người Algéries cười tinh quái. Ostend trong mỗi chúng tôi là những cảm nhận rất riêng, nhưng chuyến đi tắm biển lạnh mùa hè năm đó là kỷ nhiệm chung, thật chẳng dễ xóa nhòa.
LUXEMBOURG
Yên bình Luxembourg
Tôi đến Đại Công quốc Luxembourg vào một ngày mùa thu đẹp trời. Từ Liège (Vương quốc Bỉ) chúng tôi lấy xe lửa chuyến sớm nhất lúc mới sáu giờ sáng rồi ung dung mỗi đứa một băng nằm dài ra ngủ tiếp. Trong toa, ngoài nhóm chúng tôi, chẳng còn hành khách nào khác nên mọi người tha hồ thoải mái. Trời chưa sáng tỏ, sương mù vẫn đang phủ giăng, khí lạnh lãng đãng trôi, nhẹ nhàng luồn vào những chiếc lá vàng ươm nép mình trên những nhánh cây gầy guộc mỏng. Xe lửa xình xịch thủng thẳng lăn bánh, băng qua những xóm làng còn mờ mịt trong sương sớm, vượt qua những cánh đồng mượt cỏ non xanh rì.
Đất nước bé nhỏ nhưng thịnh vượng
Đại Công quốc Luxembourg là một trong sau thành viên đầu tiên lập nên khối Liên minh châu Âu EU, nằm lọt giữa Bỉ, Pháp và Đức. Với diện tích nhỏ xinh, chỉ vỏn vẹn 2.586km2, đất nước trải dài từ Bắc chí Nam tổng cộng 82 kmvà từ Đông sang Tây gói gọn trong 57km. Thế mà ngạc nhiên thay, km2 Luxembourg không bị những nước láng giềng to lớn “ăn mất”. Ngược lại, công dân của những nước láng giềng ấy hằng ngày phải đáp xe lửa hoặc lái xe hơi đến Luxembourg làm việc. Có đến 130.000 người nước ngoài ngụ ở sát biên giới sang làm việc mỗi ngày. Dân Pháp chiếm đông nhất, đến 52%, kế đến là Bỉ với 27% và Đức với 21% (theo thống kê vào cuối năm 2006).
Sau một chặng đường không mấy dài trên xe lửa, giữa khung cảnh thiên nhiên thơm lành, chúng tôi đến Đại Công quốc Luxembourg lúc tám giờ sáng cùng với nhiều người nước ngoài tay xách cặp, đóng bộ tươm tất, tác phong đĩnh đạc chảy vào các văn phòng làm việc trong những tòa nhà lớn. Trên lãnh thổ nhỏ bé này có đến 155 ngân hàng và các quĩ đầu tư. Từ hơn mười lăm năm nay, ngoài các ngân hàng tư nhân, Luxembourg còn là nơi phát triển nhất châu Âu trên thị trường đầu tư tài chính. Có khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội phụ thuộc vào ngành tài chính. Và thật bất ngờ khi biết GDP bình quân đầu người của đất nước nhỏ bé này lại vào hàng cao nhất thế giới: 65.900 USD/người. Ngoài lĩnh vực tài chính-ngân hàng, Luxembourg còn là nơi được Liên minh châu Âu đặt nhiều trụ sở hành chính quan trọng như Tòa án châu Âu, Văn phòng Kiểm toán châu Âu, Ngân hàng đầu tư châu Âu…
Đất nước đa quốc tịch, nhiều ngôn ngữ
Người dân ở đây có tiếng nói nước mình, gọi là tiếng Luxembourg. Nhưng họ cũng nói tiếng Pháp và Đức rất trôi chảy, gần như tiếng mẹ đẻ và đây cũng chính là hai thứ tiếng dùng trong văn bản hành chính. Ngoài ra, có đến 15% dân ở đây nói tiếng Bồ Đào Nha do lượng nhập cư từ Bồ Đào Nha sang khá đông. Tuy có nhiều thứ tiếng nhưng trên các bảng chỉ tên đường, các bảng biểu quảng cáo, bảng hiệu…, đa phần đều dùng tiếng Pháp.
Chúng tôi vào một quán cà phê để ăn sáng, nạp năng lượng cho một ngày du hí ở Luxembourg. Bà chủ quán trông thân thiện, tự xưng là Lily, hỏi chúng tôi đến từ đâu rồi vui vẻ đứng lại cho tôi phỏng vấn đủ thứ chuyện. Bà cho biết mình có khả năng nói lưu loát nhiều thứ tiếng, ngoài tiếng Luxembourg, Pháp, Đức, bà còn nói được tiếng Bồ Đào Nha, Hà Lan và dĩ nhiên là tiếng Anh. Vì Luxembourg là đất nước tài chính, mà dân tài chính phải nói được tiếng Anh, nên hầu như tiếng Anh cũng được sử dụng rất thoải mái. Luxembourg có đặc điểm về đa dạng hóa ngôn ngữ vì có đến 40% dân số là người nước ngoài trong tổng số 459.000 dân. Những người nước ngoài này lập gia đình với dân địa phương, con cái ra đời biết nói đủ các thứ tiếng. Bà Lily hài hước nói chắc phải học thêm tiếng Việt, vì hy vọng thu nạp được thêm một thành viên Việt Nam vào đại gia đình hợp chủng quốc của mình. Các em dâu, em rể của bà đúng là đến từ khắp năm châu bốn bể mà đại diện châu Á là một cô Hàn Quốc. Gia đình bà không phải là một trường hợp hiếm hoi mà hiện ở Luxembourg có rất nhiều gia đình “hợp chủng quốc”. Trong cùng một gia đình người ta có thể dùng nhiều ngôn ngữ để giao tiếp. Khi ra khỏi gia đình để đến sở làm, người Luxembourg lại gặp các đồng nghiệp cũng nói nhiều thứ tiếng, vì người nước ngoài đến đây làm việc khá đông.
Do trong gia đình và trong công sở, mọi người phải cân bằng giữa các nền văn hóa và các tiếng nói khác nhau, người Luxembourg nói chung rất thân thiện, biết nhường nhịn, sống ôn hòa và tôn trọng nhau. “Trên đời này có ba vấn đề không bao giờ người Luxembourg thèm bàn cãi”, bà Lily hóm hỉnh nói, “Đó là văn hóa, tôn giáo và tình yêu! Đụng vào những vấn đề này chỉ thêm rách việc”. Lũ chúng tôi gật gù khen phải, vậy mà lắm phen chúng tôi cứ hay tranh luận về văn hóa nước này hay nước kia, tôn giáo này tích cực hơn tôn giáo khác, tình yêu này lãng mạn hơn tình yêu nọ. Đó là những vấn đề không bao giờ có kết luận chung.
Bà chủ Lily tiễn chúng tôi ra khỏi quán với lời chúc hãy tham quan Luxembourg thật vui vẻ. “Tuy nhiên hãy cẩn thận vì vật giá hơi cao nhé”, Lily nói thêm, “Vì đây là thành phố giàu nhất thế giới mà!”.
Sống với thiên nhiên trong lành
Tuy nhiên trong suốt một ngày lang thang khắp thành phố Luxembourg bé nhỏ, chúng tôi không ý thức được sự giàu sang hực hỡ, không thấy được cảnh người dân ăn diện hàng hiệu hay bất cứ một hoạt động gì “khoe khoang” thái quá. Ngược lại, ấn tượng về một đất nước có ngành tài chính phát triển lại là không gian thoáng đãng được thiên nhiên bao bọc quá an lành. Một màu xanh thơm dịu trải dài trong tầm mắt, cuộn tròn và êm đềm ôm thành phố Luxembourg vào lòng. Thành phố được kết hợp rất hài hòa giữa hai phong cách hiện đại và truyền thống đan xen nhau. Những tòa nhà tài chính hiện đại nằm ở giữa trung tâm. Nơi có tòa nhà hành chính Clairefontaine và tượng Quận chúa Charlote được vinh danh ở lối vào. Phong cách truyền thống và thiên nhiên được thể hiện ở khu kiến trúc cở Kirchberg, khu Grund và khu rừng trải dài ở ngay đó.
Chúng tôi bách bộ trong khu kiến trúc cổ Kirchberg, nhìn những phế tích của một thời vương giả còn sót lại. Chẳng có những tòa lâu đài cao ngạo nghễ, chẳng có những ngọn tháp vươn lên kiêu hùng, cũng không có mọt di tích kiến trúc nào có thể sánh với vẻ đẹp huy hoàng của những thành phố châu Âu lân cận. Nhưng ở Luxembourg, dù chỉ là những bức tường thành phủ rêu phong, những trụ đá vô tri, những bậc thang nhẵn thin…, tất cả đều được trân trọng và bảo tồn. Các lối đi được giữ vệ sinh tối đa, những bảng tên ghi lại dấu ấn lịch sử, những ống nhòm hỗ trợ khách du lịch có một tầm nhìn khả dĩ hơn. Bấy nhiêu đó đủ cho chúng tôi thấy Luxembourg rất biết tôn trọng những gì họ có và vì thế, họ có quyền được mọi người khách ghé qua tôn trọng lại. Chiếc cầu Grand Duke Adolphe được xây năm 1903, cao 84,65 mét bắc ngang thành phố, được xem là một niềm hãnh diện của Luxembourg. Vào thời điểm mới xây, đây là chiếc cầu đá có dây văng bằng sắt dài nhất thế giới. Chúng tôi đi dạo ở công viên phía dưới thân cầu, ngắm những thảm cỏ xanh trải ngút tầm mắt, nhìn những chiếc lá vàng rơi theo từng cơn gió thoảng. Trên một đồi cỏ, người ta dựng những trái cầu màu đỏ, cao chừng hai mét, nằm rải rác từ đỉnh đồi xuống chân đồi như thể ai đó tung những trái cầu khổng lồ cho lăn tự do. Chúng tôi leo lên những trái cầu, chụp hình lưu niệm, khen cho ai có sáng kiến tuy giản dị nhưng rất độc đáo. Những quả cầu đỏ bóng trên đồi cỏ xanh rì như một điểm nhấn duyên dáng, tạo vẻ ấm cúng và cho ta một cảm giác yên bình: con người và thiên nhiên phải hòa hợp với nhau.
Rời Luxembourg cho một ngày ngắn ngủi thăm viếng, chúng tôi đem lên tàu về lại Bỉ những kỷ niệm thật trong lành. Một đất nước nhỏ bé thân thiện, một chiếc đá bắc ngang thành phố, những công viên tràn màu xanh yên bình, những dãy nhà xinh xắn bên bờ kênh lãng mạn, những con người cởi mở nói được nhiều ngôn ngữ, những chiếc lá vàng chao nghiêng cùng những cơn gió thu… Quá nhiều cho một ngày, quá đầy cho một nước, thân thương-dễ chịu-tuyệt vời. Tàu xình xịch đưa chúng tôi đi, tạm biệt Đại Công quốc Luxembourg, tạm biệt đất nước nhỏ xinh, tạm biệt những quả cầu đỏ trên ngọn đồi xanh. Yên bình-yên bình-yên bình…
ĐỨC
Berlin mùa Giáng sinh
Trong tập truyện Bồ câu chung mái vòm của tôi, truyện ngắn Con gà nói tiếng Đức có nhiều bạn đọc đồng cảm nhất. Với riêng tôi thì truyện ngắn này “khai trương” cho loạt truyện viết về bối cảnh nước ngoài, giúp tôi được độc giả công nhận và khiến tôi nhận ra thế mạnh của mình về đề tài nằm ngoài biên giới Việt Nam. Nhắc đến Con gà nói tiếng Đức, tôi cũng nhớ ngay đến chuyến lãng du đến Berlin vào mùa đông năm 2000.
Thành phố trật tự
Ấn tượng của tôi khi bước chân xuống nhà ga Berlin là thành phố quá trật tự. Dù đang mùa Giáng sinh, người dân vẫn đi mua sắm hoặc dạo phố một cách ung dung, thong dong. Có vẻ gì đó rất ổn định, không thấy sự háo hức hay chộn rộn như ở những thành phố châu Âu khác. Tôi cùng vợ chồng một người bạn trọ trong một khách sạn ngay khu trung tâm, sát bên nhờ thờ “Cụt đầu”. Khách sạn không hiểu sao có một mức giá siêu khuyên mãi, có thể vì đang mùa đông, nhưng cũng có thể vì sát bên đang có một công trình xây dựng gây tiếng ồn và bụi bay sang. Bạn tôi sống ở Đức cho biết người Đức nói chung và người Berlin nói riêng rất qui củ. Họ sống theo một trật tự được hoạch định, tôn trọng tự do cá nhân dựa trên những quyền lợi chung của cộng đồng. Nếu vì lý do nào đó bạn gây cho người khác sự phiền toái, khả năng đền bù thiệt hại và sự áy náy của bạn luôn được đánh giá cao. Hẳn công trình xây dựng sát bên khách sạn đã “bù lỗ” nên chúng tôi mới may mắn có giá phòng rẻ như vậy. Chỉ với mười lăm euros (khoảng 300.000 đồng), một căn phòng rộng dành cho ba người đón chúng tôi vào.
Berlin by night
Như mọi thành phố châu Âu trong tháng mười hai, Berlin được trang hoàng bằng những ánh đèn, những cây thông, những quả chuông giáng sinh… Tuy nhiên Berlin rất “chừng mực”, không cố tạo vẻ khoa trương, cũng không “màu mè” ra vẻ quý phái hay theo một trường phái trẻ trung nào cả. Những ai thích hội hè sẽ dễ dàng thất vọng, chê Berlin khô khan, buồn tẻ hoặc chẳng có gì để chơi. Riêng tôi, chỉ cần bước chân ra khỏi khách sạn, nhìn nhà thờ “Cụt đầu” đủ khiến tôi “ngây ngất”. Nhà thờ này chẳng có gì “ghê gớm”, nhỏ xíu và thấp lè tè so với vô vàn những nhà thờ ấn tượng khác ở châu Âu. Nhưng cái độc đáo ở đây là chóp của nhà thờ bị xén ngang do bị bom đạn trong thế chiến thứ hai gây ra. Nhà thờ không bị sụp mà vẫn hiên ngang tồn tại. Thế là người dân Berlin biểu quyết không sửa gì cả, cứ để nhà thờ bị cụt đầu, xem như một vết tích của chiến tranh. Cho đến nay, nhà thờ cụt đầu được xem như biểu tượng của Berlin. Và danh từ “Nhà thờ cụt đầu” hoàn toàn làm người ta quên đi tên thật của nhà thờ. Sát bên nhà thờ trứ danh này là một cái tháp xây dựng đơn giản đến mức… khá xấu, dùng làm nơi lễ lộc, cầu nguyện. Mùa giáng sinh, cái tháp nhỏ này cũng được thắp đèn, nhưng tù mù, không lộng lẫy gì. Tuy vậy, tôi thấy rất ấn tượng vì điều này hợp lý cho một chiến tích.
Đi xa hơn tí nữa, chúng tôi đến quảng trường lớn được huy động làm hội chợ Noel. Những quầy kiosque nhỏ bằng gỗ mọc trật tự vòng quanh, người ta bán các vật dụng trang trí, bánh ngọt, rượu đỏ, bia tươi, xúc xích, thịt nguội, thức ăn nhanh… Chúng tôi cũng gọi một ly rượu Đức được hâm nóng hổi, một ly bia và vài thanh xúc xích. Bắt chước thiên hạ cho vui chứ chẳng ai trong bọn mê bia rượu cả. Dân Berlin ngồi “nhậu” cũng rất yên bình, cụng ly nhè nhẹ và nói chuyện rỉ rả. Trời càng khuya nhiệt độ càng thấp, khách “nhậu” càng bớt sung rồi đứng dậy chầm chậm ra về. Tôi rất thắc mắc, đáng lý trời lạnh uống rượu phải nhiều cho ấm lên chứ. Chắc họ sợ “trúng gió” chăng? Nhắc đến “trúng gió”, bạn tôi cười nghiêng ngả, dân Đức làm gì có khái niệm này.
Berlin dưới ánh mặt trời
Dù mùa đông, may sao Berlin cũng có chút nắng vàng. Cô bạn Christine người Berlin đến khách sạn đón chúng tôi đi chơi. Christine nói tiếng Pháp hoàn hảo, làm việc ho hãng hàng không Air France. Cô có thân hình nhỏ bé, thật trái ngược với dân Đức đa phần to cao rất “khủng bố”. Christine cười khi nghe tôi nhận xét, cô đùa: “Adolf Hitler cũng nhỏ con chứ bộ!”. Chúng tôi lên xe bus, đi vòng quanh Berlin theo sự hướng dẫn rất nhiệt tình của Christine. Cô chỉ chỗ này Hitler từng cho đốt sách, chỗ kia ông đọc diễn văn, chỗ nọ người ta biểu tình. Thú thật tôi vốn không rành lịch sử thế giới, lịch sử nước Đức càng “ù ù cạc cạc”, nhưng cũng ráng đi theo Christine nghe cô thuyết trình. May thay, cuối cùng chúng tôi vào… sở thú. Thoát khỏi những bài học lịch sử, tôi vui vẻ xem thú, ngắm các loại cây cỏ phong phú và thành thật phát biểu: “May mà có sở thú, Berlin còn dễ thương!”.
Christine cũng dẫn tôi đến Khải Hoàn Môn của Berlin, chỉ nơi đâu là phân cách Đông-Tây trong thời đất nước bị chia cắt. Ngày nay, “bức tường nhục nhã” chẳng còn lại vết tích gì nên tôi tìm mua bưu thiếp, hy vọng còn vài hình ảnh quá khứ. Trong tiệm quà lưu niệm, bất ngờ tôi gặp các cô bán hàng là người Việt nói tiếng Bắc, tôi xin giảm giá vì “tình đồng hương”. Các cô mặt lạnh như tiền “Không trả giá!”, làm tôi quê… hai cục (hơn cả “quê một cục”). Christine không hiểu cuộc đối thoại của chúng tôi song chắc cô đoán “có vấn đề”, tự dưng cô cho biết đến tận ngày nay, dân hai bên Đông và Tây của Berlin vẫn còn kỳ thị nhau, rồi nhìn tôi thật lạ: “Chẳng bao giờ thế giới phẳng đâu! Mỗi dân tộc có những niềm tự hào và nỗi nhục riêng! Hiểu không?”. Câu nói của Christine có quá nhiều ẩn ý, hẳn cô cũng chắc tôi chẳng hiểu gì. Nhưng ít ra, tôi cũng mơ hồ thấy, Christine đại diện cho lớp trẻ, hãnh diện về nguồn cội của mình, và cũng mang những mặc cảm một thời “phát xít”.
Chia tay Berlin trong một weekend ngắn ngủi, tôi nghĩ chắc mình không có hứng quay lại đây lần nữa. Thành phố không có gì đặc biệt để “níu lòng lữ khách”. Nhưng khi tôi leo lên xe đò, tạm biệt vợ chồng người bạn và Christine, tự dưng tôi thấy xốn xang. Và khi xe chạy mải miết, suốt đêm ròng rã, đến tận mười giờ sáng hôm sau mới về đến Paris, tôi biết rồi mình sẽ quay lại. Ít ra, vẫn còn đó cô bạn Berlin quá dễ thương.
Eau de Cologne
Ý
Venise và những cuộc tình gondola
Tôi đến với thành phố trên mặt nước Venise vào một ngày mùa đông lạnh tê tái, sau khi trải qua 15 tiếng đồng hồ ngồi xe đò từ Pháp sang. Như để đền bù cho chuyến đi dài mệt nhọc, Venise hiện ra lãng mạn, ngộ nghĩnh và thân thiện. Từ bến xe tôi đi bộ chừng mười phút thì đến khách sạn nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ. Mang tiếng là khách sạn hai sao nhưng phòng tôi bé tẹo, với chiếc giường con và chiếc ti-vi xinh xắn. Người đàn ông trung niên làm công việc tiếp tân vui vẻ chỉ đường cho tôi ra quảng trường Saint Marco, khu trung tâm Venise. Ông kết luận đơn giản: “Không lạc được đâu, vì khắp nơi là các mũi tên chỉ đường ghi rõ ‘Saint Marco’. Từ đó trở về lại khách sạn mới là vấn đề, nhưng cô chỉ cần hỏi, dân Venise chúng tôi hiếu khách lắm”.
Thủy tinh và mặt nạ Venise
Háo hức, tôi bước vội ra đường, ngay trước mặt tôi là cửa hàng bán đồ lưu niệm bằng thủy tinh Venise. Có thể thủy tinh của Áo là số một thế giới về chất lượng, nhưng thủy tinh ở Venise hút hồn tôi ở tính sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân Ý. Những món nữ trang lấp lánh, những tấm tranh sắc sảo, những đồ trang trí độc đáo. Tôi quyết định mua cho mẹ một đôi bông tai thủy tinh cực đẹp có kiểu dáng khá trẻ trung với ý đồ “đen tối”, nếu mẹ chê không hợp tuổi, tôi sẽ thừa hưởng nó. Sát bên tiệm thủy tinh là vô số các shop bán những món quà đặc biệt chỉ có ở Venise như mặt nạ Carnival, các bộ quần áo hóa trang dành cho lễ hội, các loại trang phục lụa tơ tằm, các mô hình thu nhỏ của ghe gondola… Mặt nạ Carnival được làm bằng thạch cao hoặc sứ, trang trí độc đáo bằng các họa tiết cầu kỳ, bên phần trán của mặt nạ thường dát vàng rực rỡ. Mỗi một mặt nạ là một kiểu trang trí khác nhau vô cùng đa dạng nhưng có cùng một đặc điểm là lộng lẫy, choáng ngợp và vương giả. Tôi mua vài mặt nạ bé bỏng, cao chỉ 10cm. Những chiếc mặt nạ này chỉ để làm quà, dùng trang trí trong những căn phòng nhỏ. Giá trung bình là 10 euros. Mặt nạ kích thước càng lớn, giá càng cao nhưng cũng đẹp hơn và mang hồn Venise hơn.
Kênh lớn
Không muốn sa đà vào chuyện shopping, tôi quyết tâm thẳng tiến ra quảng trường Saint Marco. Băng qua các con hẻm lớn nhỏ và những chiếc cầu xinh xinh, tôi đến Kênh Lớn (Grand Canal) lúc mặt trời đỏ ối đang trườn dần xuống biển. Đứng trên chiếc cầu lớn bắc ngan kênh, nhìn sang hai bên bờ, những mái nhà ngói hồng, tường bằng gạch nung đỏ dường như cũng đang chìm dần xuống sóng nước dập dìu.
Venise được xây trên hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, được chống đỡ bởi hàng triệu cây cọc đóng sâu xuống lòng đất. Đã xem phóng sự về Venise trên ti-vi, nhưng có tận mắt nhìn thành phố hoàn toàn được nước bao phủ khắp nơi, cảm thấy chân mình dường như cũng bồng bềnh, tôi mới thấm thía cho phong cách kiến trúc độc nhất vô nhị của thành phố này. Hai bên kênh đào là vô số các cung điện cổ từ thế kỷ thứ 13 với các mái vòm vương giả, lộng lẫy, huy hoàng. Con Kênh Lớn là đường huyết mạch, hình chữ S uốn cong, chảy vắt ngang Venise thơ mộng. Vào buổi hoàng hôn, mặt nước phản chiếu ánh đỏ của ráng chiều, hắt lên những dinh thự bằng đá cẩm thạch theo kiến trúc Gothic, sóng vỗ nhẹ vào bờ làm chao liệng những chiếc ghe gondola đang neo cột trên bến.
Những cuộc tình gondola
Và rồi sau một hồi đi loanh quanh theo những mũi tên chỉ đường, tôi cũng đến được quảng trường Saint Marco khi trời vừa tắt hẳn những sợi nắng cuối cùng. Mặc dù vậy, quảng trường vẫn hiện ra trong ánh đèn đêm lung linh và huyền ảo. Saint Marco được xây dựng trải dài qua nhiểu thế kỷ nên các phong cách kiến trúc không đồng bộ dù vẫn có nét hài hòa chung. Từng chi tiết nhỏ, từng họa tiết, từng viên gạch, từng phiến đá…, tất cả đều được các nghệ sĩ thực hiện chăm chút, công phu, tỉ mỉ và đầy chất sáng tạo. Mùi cà phê cappuccino, mùi phô-mai nóng chảy trên các bánh pizza, mùi kem vani… từ các nhà hàng bay ra thơm lừng. Tôi chợt nhớ mình còn chưa ăn buổi trưa nên chọn đại một nhà hàng be bé chui vào. Còn sớm nên khách chỉ có tôi và một bàn khác. Người phục vụ lịch sự hỏi tôi có muốn ngồi ở ngoài trời, sát bên mé sông cho lãng mạn không. Đang là mùa Đông nên cái giá cho sự lãng mạn không bị tính thêm tiền. Nếu mùa Hè thì khác. Khách du lịch nào cũng muốn ngồi ngoài trời ngắm những chiếc ghe gondola bồng bềnh lướt qua, giá đắt hơn là phải. Tôi quyết định chọn ngồi ngoài trời. Dù sao đến Venise vào mùa Đông đã là dại dột, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Người khách ngồi bàn bên kia cũng đơn độc nên nói với sang sẽ mời tôi một món tráng miệng. Ông ta dân địa phương, người Venise đích thị. Tôi ôm túi sang bàn ông ngồi cùng cho vui. Dù biết cũng nên cẩn thận với người mới gặp tình cơ, nhưng e dè quá sẽ làm mình mất dịp trò chuyện thú vị. Ông hỏi tôi đã thuê ghe gondola dạo quanh Venise chưa. Giá của một lần thuê ghe bao nhiêu tôi chưa rõ, chắc chắn rất xa xỉ với một người đi du lịch bụi, đến Venise bằng xe đò đêm và xài tiền theo kiểu Việt Nam như tôi. Quê ngoại toi vùng sông Mê-kông, tôi ngồi xuồng ba lá lướt qua những tán dừa nước cũng lãng mạn chán chê rồi. Gondola không cần thiết nữa, vả lại tôi chỉ đi có một mình, Venise dù lãng mạn lắm cũng “chỉ thế mà thôi!”. Cười phá lên trước tường trình dài dòng của tôi, ông ta cho biết hàng năm có cả ngàn phụ nữ cô đơn trên khắp thế giới đến Venise mộng mơ với ước nguyện tìm được một mối tình. Họ thuê ghe gondola có những anh chèo ghe vạm vỡ, đẹp trai và duyên dáng. Thế là một mối tình gondola giữa những nữ du khách tỉ phú cô đơn và các chàng chèo ghe người Venise nghèo nàn ra đời. Vấn đề là mối tình bồng bềnh ấy kéo dài bao lâu? Tôi hỏi, thắc mắc thật sự. Ông bạn mới quen lại cười phá lên, bảo không thấy có tài liệu nào thống kê, thôi thì cứ mong một kết thúc có hậu. Trò chuyện vui vẻ với ông nhưng tôi vẫn cảnh giác chẳng dám nhận những món tráng miệng ông mời, sợ… có thuốc mê! Và rồi chúng tôi chia tay, chẳng ai biết tên ai. Tôi lại lang thang tìm đường quay lại khách sạn trong đêm đông giá lạnh. Đúng là quá dại dột khi đến Venise một mình, lại vào mùa Đông. Suốt dọc đường tôi toàn gặp các cặp tình nhân ôm nhau thắm thiết, trông họ ấm cúng và hạnh phúc quá đỗi. Chẳng biết trong số họ có cặp nào xuất xứ từ mối tình gondola?
Bình minh ở Saint Marco
Sáng hôm sau tôi lại đến quảng trường Saint Marco lúc trời còn tờ mờ, trên sông dày đặc sương bay bảng lảng, những chiếc ghe gondola neo đậu bập bềnh, cảnh trí thật huyền ảo, thực thực hư hư. Quảng trường có đại sảnh vương giả với hàng cột dài chạy dọc theo hành lang. Bên trong hành lang ấy là các shop thời trang, quà lưu niệm, nhà hàng, tiệm cà phê… Quảng trường còn có tháp đồng hồ cao ngạo nghễ, hai bên là tượng người Moaris luôn gõ chuông báo hiệu mỗi giờ. Saint Marco được các dãy nhà vây quanh thành hình chữ nhật với kiến trúc sinh động và đẹp mắt. Ngoài ra, đàn bồ câu mấy ngàn con đang đậu đen nghịt chờ du khách cho ăn là điểm nhấn tuyệt vời cho quảng trường của thành phố Venise. Tôi mua một ít hạt đậu, rải ra và tức thì những chú chim hòa bình sà đến ríu rít tìm mồi.
Tôi biết chỉ với hai đêm ngắn ngủi lưu lại Venise sẽ chẳng đủ cho tôi chiêm ngưỡng thành phố độc đáo này. Vì phải mất trọn 365 ngày mới mong tham quan đủ mọi ngóc ngách, mới đến được các đảo nhỏ là xưởng thổi thủy tinh xem các nghệ nhân trổ tài, mới vào được các dinh thự có vườn hoa rực rỡ… Các thiên phóng sự truyền hình về Venise năm nào cũng được làm, vậy mà năm nào cũng có những điều mới lạ. Rất nhiều khách du lịch thú nhận dù đã đến đây trên dưới mười lần nhưng lần nào cũng phát hiện ra những điều thú vị mới. Thôi thì tôi chỉ biết tận dụng tối đa thời gian ít ỏi để tận hưởng Venise theo cách riêng của mình. Này là cung điện Catola có kiến trúc Gothic tuyệt mỹ từ thế kỷ thứ 16, nay cung điện được dùng làm nhà trưng bày mỹ thuật. Cung điện dường như được dát vàng nguyên chất và nạm các loại đá quý vào các cây cột bằng cẩm thạch vững bền. Cung Catola được xem là một công trình mẫu mực thời kỳ đầu của phong trào Phục Hưng. Này là các công trình kiến trúc đa dạng nằm dọc theo con Kênh Lớn: cung điện, nhà thờ, biệt thự… Này là cầu Than Thở, này là những hẻm nhỏ rêu phong, này là những chiếc cầu hình vòng cung oằn lên điệu đàng, này là nước, này là ghe, này là những đôi tình nhân, này là những nụ hôn đắm đuối…
Có đến Venise tôi mới tin rằng cảnh trí làm nên tình yêu. Vẻ lãng mạn, huyền ảo, mơ màng của Venise làm tê liệt những tính toán thiệt hơn và đẩy người ta chỉ sống với cảm xúc, vốn luôn bất biến và chẳng bền vững. Sau chuyến đi tôi đã viết truyện ngắn Đổ thừa Venise (tập Bồ câu chung mái vòm) với triết lý này. Vậy bạn hãy đến Venise với hy vọng tìm cho mình một tình yêu lãng mạn, nhưng dù kết thúc có hậu hay không cũng đừng đổ-thừa-Venise nhé!
Lần đó nhân chuyến đi từ Liège (Bỉ) sang Vienne (Áo), tôi đã quá cảnh tại thành phố Köln của Đức hai tiếng đồng hồ để đổi xe lửa. Sau khi lang thang trong nhà ga chán chê vẫn chưa đến giờ lên tàu, chúng tôi quyết định ra khỏi ga xem thành phố có cái tên Đức rất khó đọc là “Köln” có gì lạ.
Vừa lú mặt ra ngoài trời đêm mưa tầm tã, trước mặt chúng tôi là một ngôi giáo đường sừng sững đến choáng ngợp. Tôi giơ máy ảnh lên định chụp nhưng biết là khó thành công trong thời tiết và tầm nhìn quá khiêm tốn này. Một người Đức khuyên tôi bằng tiếng Anh: “Cô nên chụp giáo đường ở Cologne vào ban ngày!”. Lúc này chúng tôi mới biết mình đang ở Cologne, là cách đọc theo tiếng Anh và Pháp của từ Köln, một thành phố rất nổi tiếng của Đức. Tôi reo lên “Đây là Cologne sao? Là “Eau de Cologne” đó phải không?”. Người Đức bật cười và thành thật khuyên chúng tôi nên đổi vé tàu để ở lại viếng thăm thành phố này thêm một ngày nữa. Sau khi cân nhắc và gọi điện sang Vienne báo tin với người bạn Áo sẽ đến trễ một ngày, chúng tôi háo hức tìm khách sạn gần đó để chờ trời sáng.
Thành phố cổ kính 760 năm tuổi này rất thân thiện và nhà ga được cố tình xây sát bên giáo đường xinh đẹp với dụng ý hút khách quá cảnh như chúng tôi. Ngôi giáo đường quả rất độc đáo, được UNESCO chọn là một trong những di sản văn hóa thế giới. Người Đức thì rất tự hào vì nơi đây được khách nước ngoài đến viếng đông nhất, và theo thống kể của bộ Du lịch, có đến sáu ngàn du khách mỗi năm.
Giáo đường Cologne được xây theo lối kiến trúc Gothic, có hai tháp cao khoảng 157 mét và vô số các cửa kính màu được khắc hình minh họa những câu chuyện trong Kinh Thánh. Dù người phương Tây đa số vô thần, giáo đường Cologne không chấp nhận cho du khách ăn mặc hở hang bước vào bên trong. Một số người bán hàng rong chào mời các khăn choàng rộng cho những ai lỡ mặc áo không tay hoặc quần cao trên gối. Cách người Đức tôn trọng chốn tôn nghiêm làm chúng tôi hơi ngạc nhiên nhưng lại rất thích thú.
Bên trong giáo đường có một cầu thang cao đến 509 bậc dẫn lên ngọn tháp phía nam, ai đủ sức leo sẽ có được một tầm nhìn bao quát thành phố Cologne. Từ ngọn tháp này chúng tôi còn được thấy dòng sông Rhine êm đềm chảy vắt ngang. Thành phố nhờ sông Rhine mà đã trở thành trung tâm thương mại rất sầm uất ở châu Âu trong suốt bao nhiêu thế kỷ. Tuy nhiên trong thế chiến thứ II, rất nhiều công trình kiến trúc từ thời Trung Cổ đã bị phá hủy hoàn toàn. Vậy mà giáo đường lại trường tồn với thời gian, vượt qua bao trận ném bom, “như thế là ý Chúa”, theo người dân lý giải. Ngoài giáo đường Cologne, thành phố còn lại trường đại học Cologne, một số nhà thờ, tòa thị chính, và một số những công trình lịch sử khác cũng có lối kiến trúc Gothic cổ xưa.
Chúng tôi xuống phố, đến những con đường trung tâm với các cửa hiệu hợp chủng quốc đang mời gọi. Nào là Mc Donal của Mỹ, Burger King của Anh, Yves Rocher của Pháp. Hurt Pizza của Ý. Tuy nhiên, những quán ăn đặc trưng Đức với các loại bia địa phương mới là nơi hút khách nước ngoài đông đúc. Thật chẳng trách Cologne được mệnh danh là thành phố ẩm thực châu Âu. Từng dòng người lũ lượt chẳng biết từ đâu đổ ra nườm nượp shopping vui vẻ. Họ nói tiếng Đức của dân địa phương, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Hoa và chúng tôi đang nói tiếng Việt. Một quán bia có lối trang trí rặt một màu vàng như màu lúa mạch của bia được chúng tôi chọn bước vào. Giá cả không quá mắc, một ly bia Kolsch giá 1.3 euros. Người bán cho biết bia này lâu đời lắm, từ 1487 đã cho ra mẻ đầu tiên. Bia được bán chung với đậu phộng, sườn heo muối và khoai tây chiên. Vậy là chúng tôi ngồi nhậu kiểu Đức, lắng nghe các thực khách nước ngoài nói chuyện. Một vài du khách Pháp bàn nhau đến những địa điểm nghệ thuật vì Cologne được mệnh danh là thành phố văn hóa.
Với 36 bảo tàng, hơn cả trăm phòng tranh tượng và mấy chục nhà hát, phòng hòa nhạc, Cologne cũng hút khách du lịch yêu thích các loại hình nghệ thuật. Trên phố, một poster với dòng chữ “We will rock you” đang được giới trẻ bu quanh bàn tán. Chúng tôi không có nhiều thời giờ, và cũng không mấy hứng thú với các bảo tàng nên chọn đi thăm nhanh Thảo Cầm Viên và đi dạo dọc hai bên bờ sông Rhine. Thảo Cầm Viên được xây từ 1914 có vô số các loại hoa xinh đẹp nhưng chúng tôi chỉ kịp “cưỡi ngựa xem hoa”. Thời gian còn lại chúng tôi để mặc những bước chân vô định dẫn mình lạc lối vào những con đường nhỏ trong khu phố cổ, thú vị thấy mình đang ở trong một sân vườn nhỏ xinh và ngồi xuống một quán cà-phê vỉa hè.
Khi tàn một ngày trời, chúng tôi quay lại nhà ga chờ tàu đến sẽ sang Áo. Chợt tôi nhận ra mình quên không mua chút nước hoa “Eau de Colgone”. Thứ chất lỏng thơm phức ngày nhỏ mẹ tôi hay thoa vào đầu khi dắt tôi đi chơi ngày chủ nhật. Một cửa hiệu trong nhà ga may thay đáp ứng được ước muốn này của tôi với cái giá khá đắt. Chẳng hề chi, chính “Eau de Cologne” đã là một đại sứ du lịch giúp tôi vô tình mà biết thêm một thành phố thú vị. Và nói như ngạn ngữ châu Âu “Nếu bạn chưa biết Cologne, bạn chưa biết nước Đức”, tôi hài lòng được biết nước Đức trong hai mươi bốn giờ.
Milan và cuộc sống tươi đẹp?
Lần đầu đến Ý, đất nước mang hình đôi ủng hứa hẹn nhiều thú vị, tôi chọn ngay Venise thơ mộng. Rời Venise với sóng nước dập dìu, tôi rơi ngay vào một thái cực khác của nước Ý để thấy rằng nơi đây là một cuộc sống vô cùng đối lập giữa giàu sang tột độ và nghèo khổ tột cùng. Thành phố nào lại gây cho tôi cảm giác hụt hẫng nhưng cần thiết đó? Milan! Milan!
Thực dụng Milan
Nhà ga Milan rộng lớn và hoạt động rầm rộ với những chuyến tàu ngược xuôi châu Âu. Đây là thành phố lớn thứ hai của Ý và là nơi giàu có nhất đất nước này. Rời khỏi nhà ga tôi đi bộ vài bước là rơi vào một khu phố khách sạn dày đặc.Tôi ngụ tại một khách sạn ba sao trong khu này. Vì không chuẩn bị đặt chỗ trước, giá phòng đắt gấp đôi bên Pháp. Nhân viên lễ tân đòi khách đưa passport nhưng vứt hờ hững trên quầy rồi quay lưng làm chuyện khác. Khi tôi lên tiếng có ý lo ngại sẽ bị mất passport, anh chàng cả cười nói một câu đụng chạm tự ái dân tộc dễ sợ: “Passport Việt Nam ai thèm lấy!”. Và để minh chứng cho điều này, những người khách Nhật vừa bước vào đã được mọi người trong khách sạn rạp mình đón tiếp! Thấy vẻ khó chịu trên mặt tôi, một cô khách Thụy Sĩ cười an ủi: “Dân Ý thực dụng lắm, ở Milan này họ còn cà chớn hơn mấy nơi khác, thành phố công nghiệp mà!”. “Biết thân biết phận”, tôi chỉ có thể lầm bầm vài câu rồi cầm bản đồ chuẩn bị ra phố.
Giáo đường con nhím
Giáo đường Duomo bằng cẩm thạch nổi lên sừng sững giữa trời Milan. Đây là ngôi giáo đường lớn thứ ba ở châu Âu. Vì thế, nơi đây thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế. Giáo đường được mệnh danh là “con nhím” vì lối kiến trúc như những vách đá được điêu khác dày đặc các tượng thánh lớn nhỏ, những hoa văn lớm chởm và họa tiết theo kiến trúc Gothic chỉa ra rối rắm. Thế nhưng, cái vẻ vô tổ chức như những sợi lông nhím tua tủa đó lại có một cách kết hợp hài hòa kỳ lạ, không uổng công hàng chục thế hệ nghệ nhân vắt mình trên không để hoàn thiện ngôi giáo đường này trong suốt gần 500 năm (khởi công năm 1386 và hoàn thành năm 1813). Những người bán hàng rong lam lũ cầm trên tay những chiếc khăn choàng, mời gọi hãy mua để khoác vào vai, tỏ lòng tôn kính trước khi bước chân vào ngôi nhà của Chúa. Trẻ em cũng tham gia vào đội ngũ bán hàng, gương mặt các em đen nhẻm, giọng nói nặng của người miền Nam. Ở các vùng này, cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, người dân sống chủ yếu nhờ nông nghiệp nhưng là một nền nông nghiệp lạc hậu, không đủ sức cạnh tranh với những nước phát triển phương bắc. Hằng năm những người dân Ý ở các vùng nông thôn hẻo lánh này vẫn tìm cách đổ bộ vào các nước Pháp, Đức, Thụy Sĩ… để tìm một cuộc sống khả dĩ hơn, dù họ cũng chỉ có thể được thuê mướn để làm hầu phòng, lao công, làm vườn…
Tôi bước chân vào giáo đường Duomo với một tâm trạng buồn bã, càng buồn hơn khi thấy bên trong thánh đường thật bao la, sang trọng, vương giả với những dãy cột đá khổng lồ, những tấm kính màu lộng lẫy, những viên gạch cẩm thạch trơn bóng. Sức chứa của ngôi giáo đường thật đáng kinh ngạc, lên đến 40 ngàn người. Nếu may mắn vào đây lúc nhạc thánh ca vang lên, sự cộng hưởng âm thanh được tính toán chi li sẽ làm ngôi giáo đường biến thành một nhà hát Opera chuyên nghiệp nhất. Một bà người Pháp vốn không tin Chúa lại cho toi một niềm tin rằng khi đến bất kỳ một thành phố xa lạ nào, hãy bước chân vào một nhà thờ, những ước nguyện thành tâm nhất sẽ thành hiện thực. Tôi làm thử vài lần, ước những gì thực tế nhất và khả thi nhất. Quả tôi đã toại nguyện. Lần này, đứng nhỏ nhoi trong ngôi giáo đường Duomo vĩ đại, tôi “cả gan” ước một điều cũng vĩ đại không kém: Hòa bình cho muôn nhà, công bằng cho mọi trẻ em, bình đẳng cho mọi giới tính!
Tổng hành dinh của hàng hiệu
Thế nhưng vừa bước chân ra khỏi thánh địa uy nghi Duomo, tôi lại rơi ngay vào thực tế ở một thành phố thời trang cực kỳ xa xỉ Milan. Sát bên ngôi thánh đường này là Galleria Vittorio Emanuele II, “tổng hành dinh” của mọi hàng hiệu cao cấp nhất trên đời này. Tòa nhà shopping center cao ngút mắt và rộng mỏi chân. Những mái vòm trên đầu thật ngạo nghễ, những phiến gạch dưới chân sáng chói lòa. Này là Versace, Prada, Armani, Breil, Gucci, Dolce e Gabbana, Ferragamo, Furla… của những nhà tạo mẫu người Ý, này là Louis Vuitton, Chrstian Dior, Chanel, Yves Saint Laurent.. của Pháp, và còn hằng hà sa số những nhãn hiệu khác đủ mọi quốc tịch.
Những bộ trang phục hàng hiệu này có một đặc điểm chung: đường cắt cup rất khéo, đường kim mũi chỉ rất sắc sảo, màu sắc hài hòa và kiểu dáng cực kỳ đơn giản. Những đôi giày da giá trên một ngàn euros có chất liệu mềm mại nhưng kiểu dáng vô cùng giản dị. Đến kinh thành thời trang này tôi mới thấm thía cho câu cửa miệng của người Pháp “La simplicité fait la beauté” (Sự đơn giản làm nên vẻ đẹp). Những quí bà thời trang nhất là người biết cách phục sức giản dị, ít họa tiết, chẳng thèm hoa hòe hoa sói gì. Bởi chính sự tự tin đủ khiến họ toát ra một vẻ đẹp từ bên trong.
Hàng năm vào tháng mười, hàng trăm nhà báo, dân kinh doanh về thời trang và giới nghệ sĩ đổ về Milan xem các bộ sưu tập được giới thiệu và bày bán tại Galleria này. Công bằng mà nói, khiếu thẩm mỹ và có sáng tạo của người Ý thật tuyệt vời. Hình như mỗi người Ý sinh ra đã có gien nghệ sĩ trong mình, họ có một sự nhạy cảm đặc biệt đối với màu sắc, kiểu dáng và vải vóc.
Cuộc sống tươi đẹp
Ở gian hàng Versace, một chiếc quần đùi thật bình thường giá tám trăm euros. Một cậu thiếu niên người Mỹ há hốc miệng nhìn rồi lẩm bẩm rõ to: “Mặc quần này vào chắc… cháy cu!”. Tôi tự bịt miệng mình khỏi bật cười phá lên. Xung quanh tôi khách du lịch phần nhiều cũng đều window-shopping (chỉ đi để nhìn ngắm). Thế nhưng ở quầy trang sức, một thiếu phụ bán hàng nói tiếng Pháp đã trò chuyện với tôi nhiều điều. Bà người Pháp lấy chồng Ý, làm việc ở đây được hai năm. Bà cho biết phần lớn khách mua hàng là người Nhật, người Bắc Âu; người Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu bỏ tiền ra chi xài rất đậm tay. Đặc biệt, người Ý, vốn có thu nhập bình quân đầu người còn thua các nước láng giềng như Pháp, Đức, Bỉ… lại dám vào đây mua sắm rất “bạo liệt”. Bà cho biết có đến 40% người Ý tự nhận mình tài giỏi và giàu có, họ yêu bản thân và cuộc sống hiện tại nên chẳng đắn đo mấy khi chi hơn 50% thu nhập cho những thứ không mấy bức thiết như quần áo, giày dép thời trang, du lịch nước ngoài, nhà cửa (nhà thứ hai ở ngoại ô chỉ để nghỉ hè). Phụ nữ ở Milan ăn diện hơn hẳn các bà chị láng giềng xứ phồn hoa Paris. Trong khi các Parisienne chỉ dám tiêu xài tính toán vào các khoản thời trang, quí cô Milan “chịu chơi” hết biết với khẩu hiệu muôn đời của dân Ý “La dolce vita” (cuộc sống tươi đẹp). Tại sao phải tằn tiện cho tương lai khi hiện tại cuộc sống quá đẹp cần được ta hưởng thụ một cách trọn vẹn nhất?
Thế nhưng cuộc sống không hề tươi đẹp với rất nhiều người Ý còn sống trong mức nghèo khổ. Ở những vùng miền Nam nước Ý hoặc chính tại thành phố xa hoa Milan, vẫn còn đó rất nhiều người làm việc quần quật 10-12 tiếng một ngày. Những cậu bé đánh giày ngoài phố, những người mẹ lao công kiếm tiền gởi về quê nuôi con ăn học, những người anh lái taxi phụ giúp gia đình mưu sinh vất vả. Giá trị gia đình vẫn còn rất cao trong những gia đình Ý, tính đùm bọc, tính thương yêu rất đong đầy.
Chia tay Milan phồn hoa đô hội cũng những mảnh đời trái ngược hoàn toàn, tôi vẫn tiếc cho nước Ý tài hoa mà không phát triển bằng các nước phương Bắc. Có thể vì họ quá nghệ sĩ, họ không thèm hơn thua với đời, họ quá tự kiêu, họ còn tư tưởng ăn xổi ở thì, hoặc có thể vì… Mafia thao túng? Dù sao, ấn tượng về một nước Ý thời trang với những nghệ sĩ tài hoa luôn luôn sâu đậm. Milan! Milan!
Rome với quá khứ kiêu hùng
Tôi đến Rome cùng một nhóm bạn vào một đêm xuân. Khách sạn chúng tôi đặt trước qua mạng Internet trở mặt nói chưa từng nhận email xác nhận sẽ đặt phòng. Một cách rất ma mãnh, họ đẩy bọn tôi ra đường lúc đã một giờ khuya. Đang mùa cao điểm lễ Phục Sinh, chúng tôi đành chấp nhận vào một khách sạn khác với giá rất “quá đáng”. Thế mà cũng chưa yên, cửa kính bị vỡ làm gió lùa lạnh lẽo, nước không nóng nên tắm xong đứa nào cũng “đánh bò cạp”. Sáng ra thì bữa ăn điểm tâm bị tính thêm tiền thay vì miễn phí như đã thỏa thuận đêm qua. Bấy nhiêu đó đủ cho tôi thấm thía vì sao dân châu Âu hay thành kiến người Ý khá lưu manh. Những chi tiết này tôi có đưa vào truyện ngắn Bất chợt ở La Mã (tuyển tập Bồ câu chung mái vòm) nhưng truyện có vẻ hài hước hơn so với thực tế chúng tôi phải tranh luận rất phiền muộn ở Rome. Với một lượng du khách khổng lồ hàng năm lên đến 50 triệu người, Ý không mấy quan tâm đến vấn đề uy tín như ở các nước đàng hoàng Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan…
Thủ đô nghệ thuật
Bỏ qua những chuyện không vui, thành La Mã xứng đáng là thủ đô của đất nước nghệ thuật. Ý là nơi có số lượng các kiệt tác tính trên cây số vuông nhiều nhất thế giới. Ở Rome, những báu vật nghệ thuật được trưng ra khắp nơi ngoài phố, ở những quảng trường, tại những bồn nước và kể cả từng viên gạch lót đường. Nhiều tác phẩm được đánh giá là rất mẫu mực của điêu khắc và kiến trúc cổ đại hòa với phong cách thời Phục Hưng nằm rải rác khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Rome. Cứ vài bước chân là bạn lại chạm trán với một bồn phun nước được điêu khắc tinh xảo, các thành quách, các bức tượng cẩm thạch đẹp vô hồn. Những kiệt tác ấy trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn trường tồn với thời tiết bốn mùa. Người dân đôi khi họ quên mất kho tàng đang ở bên mình. Trẻ con cứ tha hồ mà chạy nhảy trên những bồn phun nước có các cụm tượng đẹp tuyệt vời bằng cẩm thạch theo phong cách Baroque hoa mỹ. Những giáo dân địa phương đi lễ trong các nhà thờ có đầy các bức tranh vẽ trên tường và tượng những vị thánh xứng đáng được trưng bày trang trọng tại các bảo tàng danh giá nhất. Quảng trường Navona với quần thể tượng bằng cẩm thạch “Đài phun nước bốn con sông” của điêu khắc gia Bernini cũng được dân Rome vô tư chiếm dụng làm chỗ nghỉ chân thoải mái.
Đấu trường La Mã Colosseum
Ngoài các tác phẩm nghệ thuật với vô số tượng, tranh, thành quách nằm lộ thiên khắp nơi, đến Rome bạn không thể quên Đấu trường La Mã Colosseum, nơi thu hút khách du lịch đông nhất thành phố.
Đấu trường xây dựng vào khoảng năm 69 sau Công nguyên, được vua La Mã yêu cầu phải tìm các loại vật liệu kiên cố có khả năng “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Chu vi của đấu trường dài nửa cây số, cao hơn 55 mét, xây hoàn toàn bằng đá. Với sức chứa 50 ngàn khán giả, hệ thống thang lầu phải thoáng giúp khán giả đi lại dễ dàng. Trải qua gần 2000 năm lịch sử, đấu trường Colosseum đã “sứt mẻ” ít nhiều tuy vẫn đứng sừng sững giữa trung tâm Rome một cách ngạo nghễ nhất. Chúng tôi đi loanh quanh tự chụp hình, từ chối không chụp chung với những anh chàng mặc đồ võ sĩ giác đấu vì… thấy ghét! Họ tùy tiện ra giá theo quốc tịch của khách du lịch. Nhật, Mỹ, Bắc Âu… giá cao, Pháp vốn keo nên giá trung bình, nghèo nghèo như mấy nước Bắc Phi giá sát ván. Giỏi mặc cả như dân Việt Nam cũng được discount tí chút, nhưng bản mặt võ sĩ giác đấu sẽ “chằm vằm”, nhìn khó coi vô cùng.
Đài phun nước Trevis và đồng xu ngây thơ Sát bên đấu trường Colosseum là đồi Palatino với những phế tích còn sót lại của các thành quách và lâu đài. Trên đồi vào mùa xuân có rất nhiều loại cây toàn hoa màu hồng đẹp rực rỡ níu chân du khách đứng lại chụp những tấm hình lưu niệm. Chụp với hoa không bị tốn một đồng xu nào, lại đẹp vì màu hồng của hoa chiếu sang làm sáng bừng khuôn mặt. Tuy nhiên bạn sẽ không thể khoe đang ở Rome vì tấm hình này bạn có thể chụp bất cứ đâu tại châu Âu. Vì thế, hãy đến đài phun nước Trevis, nơi đặc biệt nổi tiếng ở Rome.
Đài phun nước đẹp tuyệt vời với quần thể tượng các vị thần Hy Lạp bằng cẩm thạch, bầy ngựa trắng kiêu hùng và những phiến đá chảy nước róc rách xuống một cái hồ con. Đài Trevis được xây vào năm 1735 và luôn lưu giữ một huyền thoại tuy khó tin nhưng ai cũng muốn thử. Hãy ném một đồng xu xuống đáy hồ, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội quay lại Rome lần nữa. Nhìn xung quanh du khách nào cũng hí hửng ném đồng xu. Người cả tin ném đồng 5 euros, kẻ nghi ngờ chọn đồng 1 euros, ai keo kiệt nhưng cũng muốn thử thời vận thì thẹn thùng vứt xuống đồng vài centime. Người bạn đi chung nhóm với tôi cho biết anh vừa xem truyền hình làm một phóng sự về những người chuyên đi vớt đồng xu tại các đài phun nước ở Rome. Vào mùa du lịch, có ngày họ thu được mấy ngàn euros như chơi. Mặc, tôi vẫn thích ném đồng xu và chọn đồng 1 euro. Cho đến nay đã sáu năm kể từ ngày hè “ngây thơ” đó, tôi vẫn chưa có dịp quay lại Rome. Lẽ ra tôi nên ném xuống đài phun nước Trevis đồng 5 euros chăng?
Ngôi đền “thủng một lỗ”
Ngoài đài phun nước Trevis, Rome còn sở hữu nhiều đài phun nước khác cũng rất lộng lẫy và lãng mạn, tại hầu hết các quảng trường. Đài phun nước trước đền Pathenon là một trong những nơi nên đến, nhất là khi tôi có thể tiện chân ghé vào ngôi đền độc đáo này. Nơi đây được xem là công trình cổ nhất thành phố, hoàn thành vào năm 125 sau công nguyên. Một anh chàng hướng dẫn du lịch đẹp trai “dã man” đang oang oang khoe ngôi đền có mái vòm “thủng một lỗ” này được thiết kế siêu ở chỗ mưa gió không bao giờ có thể tạt vào được dù lớn đến mức nào. Nhìn lên mái vòm có một lỗ tròn đường kính khoảng một mét, mặt trời đang rọi vào như một cái giếng con, tôi hoài thắc mắc sao mưa lại không thể lọt vào. Và dù vốn bản tính đa nghi, tôi đành tin lời chàng hướng dẫn vì bên trong đền là vô số các bức tranh cổ của họa sĩ Paolo Giovanni Pannini vẽ từ thế kỷ thứ mười tám. Chàng hướng dẫn đẹp trai đã dẫn đoàn khách đi mất, đám chúng tôi còn mãi đứng lại xuýt xoa.
Má ơi, đẹp quá!
Nhắc đến vẻ đẹp của dân Ý, phải công bằng nhìn nhận rằng tỷ lệ người đẹp của họ quá cao so với các dân tộc khác. Làn da rám nắng, mắt đen, mũi thanh, miệng rộng vừa phải, vóc dáng thanh mảnh, cao tầm thước. Tôi đặc biệt thích nhìn cảnh sát Ý mặc đồng phục, trông họ khỏe khoắn, đầy nam tính mà vẫn có gì đó thẹn thùng, lãng mạn. Nhất là khi tôi thích chọc ghẹo họ bằng câu: “Che bel pezzo d’uomo” học được từ một thằng bạn Ý. Dù mặt “hình sự” đến đâu, khi nghe khen “Chàng mới đẹp trai làm sao!”, bất cứ anh cảnh sát súng ống đầy mình nào cũng bật cười thân thiện và vui lòng cho chúng tôi cùng chụp hình lưu niệm. Có người nhiệt tình đến mức cho tôi mượn nón cảnh sát đội lấy uy nữa. Còn phụ nữ Ý thì nổi tiếng đẹp “rùng rợn” rồi. Hai chàng trai Việt đi chung nhóm với tôi cứ chắt lưỡi hít hà “Má ơi, đẹp quá! Má ơi, đẹp quá!” mỗi khi thấy một nàng xinh xắn lướt ngang.
Ấn tượng ban đầu về thủ đô Roma làm du lịch “ăn xổi ở thì” từ từ nhường chỗ cho những ánh mắt thân thiện, những nụ cười rạng ngời, những vẻ đẹp như tạc. Mặc dù vậy, Rome vẫn là nơi sống nghiêng về quá khứ với những di sản để lại từ cha ông. Người La Mã, Hy Lạp và Ai Cập cách nay mấy ngàn năm được xem là những dân tộc hùng mahj và phát triển vượt bậc về khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, triết học… Thế nhưng giờ đây những quốc gia đó chẳng còn là những cường quốc nếu như không muốn nói là mức sống của họ thấp hơn các nước láng giềng. Đến Rome để thấm thía một triết lý tưởng rất bình thường nhưng không phải ai cũng quan tâm: dù đạt được những thành tựu to lớn, nếu không cố gắng tiến bộ, chính chúng ta sẽ bị thụt lùi so với chung quanh.
Sững sờ Florence
Tôi đến Ý ba lần, thăm tổng cộng bốn thành phố, Rome lịch sử, Venise thơ mộng, Milan thời trang và Florence nghệ thuật. Mỗi nơi mỗi vẻ, đều có một đặc điểm chung rất Ý nhưng cũng tạo nên tính cách riêng của mình. Và, tôi “say” Florence hơn, nơi được mệnh danh là một trong những thành phố tráng lệ nhất thế giới.
Tác phẩm nghệ thuật chất cao như núi
Florence ôm trọn trong lòng mình những kiệt tác kiến trúc mà kẻ ngoại đạo như tôi cũng phải cúi đầu ngưỡng mộ. Thành phố tuy thế, không chỉ chứa đựng những công trình hàng ngàn năm tuổi mà nơi đây còn toát lên vẻ trẻ trung rất nức lòng. Theo UNESCO, có đến 60% những công trình kiến trúc quan trọng nhất của loài người nằm ở đất nước mang hình đôi ủng, mà phân nửa số đó lại nằm ở Florence.
Trước khi đến Ý, tôi đã đi gần như hết các thành phố lớn của châu Âu. Và trước khi đến Florence, tôi đã đi qua những nơi trứ danh khác của Ý. Vậy mà, tôi còn biết dùng từ gì chính xác hơn để tả cảm giác ban đầu khi bước chân ra khỏi nhà ga ngoài hai chữ “sững sờ”? Tại Florence, cứ cách vài bước chân là một công trình vươn cao ngạo nghễ mà duyên dáng, là một bức tượng sừng sững mà mềm mại, là một bồn phun nước hoành tráng mà gần gũi. Rồi hằng hà sa số những tòa lâu đài cổ, những ngôi giáo đường, những viện bảo tàng mà bên trong chứa đựng cũng hằng hà sa số những kiệt tác nghệ thuật. Đó là điểm khác biệt lớn so với các công trình rỗng ruột ở các thành phố nghệ thuật ở châu Âu. Bên trong tất cả các công trình ở Florence, bạn sẽ choáng ngợp với nào là những bức tranh, những pho tượng, những bức tường chạm trổ công phu. Tất cả đều là những kiệt tác được làm từ bàn tay những nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng như Leonardo de Vinci, Dante, Boccaccia, Michelangelo…
Cái nôi của phong trào Phục Hưng
Florence là nơi phong trào Phục Hưng còn để lại nhiều dấu ấn nguyên vẹn nhất. Từ thế kỷ 15 - 16, phong trào này được các thương gia giàu có yêu nghệ thuật thổi bùng lên ngọn lửa đam mê. Họ trân trọng thuê các nghệ sĩ tài năng về tạc tượng, vẽ tranh, xây dinh thự cho gia đình mình. Điểm nổi bật của tư tưởng Phục Hưng là yếu tố con người làm chủ cuộc đời mình, con người chủ động chọn cho mình một số phận riêng. Với triết lý định mệnh không thể khuất phục con người, những gì ưu tú nhất, đẹp đẽ nhất, thánh thiện nhất của loài người đều được các nghệ sĩ thể hiện thật tài tình thông qua các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, kiến trúc, triết học… Đến Florence, tôi có cảm tưởng những con người thời Phục Hưng thật hoàn thiện, họ không chỉ là những nghệ sĩ sống với cảm xúc mà họ còn có tri thức về nhiều phương diện khoa học. Điều này giúp óc sáng tạo của họ tuy được bay bổng nhưng các tác phẩm được tính toán chính xác để có thể hoàn thiện một cách toàn diện trường tồn với thời gian, gây sững sờ cho các thế hệ đời sau. Leonardo de Vince là một ví dụ của lớp nghệ sĩ thời kỳ này, ông là kết hợp hoàn hảo một nhà khoa học chính xác, một kỹ sư cẩn thận, một nghệ sĩ tài hoa, vào trong tất cả các tác phẩm của mình. Nhìn những bức tượng, bức tranh của ông, tôi thấy rõ sự đề cao cái đẹp hình thể, nghệ thuật hòa hợp với hoàn cảnh sống, ý chí định hướng cuộc đời theo ý mình.
David cường tráng mà dịu dàng
Dẫu biết Florence là cái nôi của phong trào Phục Hưng, tôi vẫn hoài thắc mắc trong khâm phục, vì đầu những nghệ sĩ này có thể để lại cho đời hàng núi kiệt tác được tạo ra với bao công phu và phải tiêu tốn hàng tháng trời lao động miệt mài? Có đến Florence và tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc dày đặc, những kiệt tác nghệ thuật “chất cao như núi”, tôi mới thấm thía rằng chỉ bằng con đường lao động nghiêm túc chứ không phải do cảm hứng sáng tạo nhất thời, người nghệ sĩ mới làm nên các tác phẩm để đời. Bức tượng David trứ danh 500 năm tuổi của Michelangelo cũng được trân trọng đặt ở thành phố Florence này. Ngước nhìn pho tượng bằng cẩm thạch, một loại đá siêu cứng, tôi chỉ còn biết suýt xoa khi thấy vẻ mềm mại trên từng sớ thịt, thậm chí từng đường gân nổi lên trên cơ thể chàng David cường tráng mà dịu dàng. Một người bạn gái lớn tuổi nhưng chưa chồng của tôi mua ngay một poster in tượng David có chiều cao như người thật. Cô hy vọng treo poster này trong phòng ngủ để… lấy hên.
Nhà thờ Duomo và cầu Vecchio
Một trong những công trình kiến trúc thu hút khách du lịch chụp hình mà thất bại (vì quá sừng sững) nhất là nhà thờ Duomo of Florence bằng cẩm thạch với kiến trúc Gothic và nghệ thuật nạm sứ Moorish. Chiếc cầu xinh đẹp có mái che Vecchio lại là nơi được các nữ du khách chọn đến thăm nhiều nhất. Bởi đơn giản bên trong cầu là một hành lang shopping bán hàng lưu niệm độc đáo. Với riêng tôi, nơi đây ghi dấu một kỷ niệm đẹp: tôi bất chợt gặp một người đàn ông mặc áo thụng đen, đẹp như một bức tượng của Michelangelo và trông giống y như đức cha Ralph de Bricasa của phim Những con chim ẩn mình chờ chết.
Ở Florence, ngoài những kiệt tác, những bức tượng mà phần lớn là… không mặc quần áo, bạn còn có thể được gặp những chàng trai, cô gái đẹp như tạc. Hẳn họ là những người mẫu cho các nghệ sĩ lớn làm nên tên tuổi. Nếu muốn tí phiêu lưu, hãy thuê xe vespa chạy vòng vòng ngắm các công trình kiến trúc và các bức tượng đặt ngoài trời. Nếu thấy chưa đủ, bạn có thể mua vé vào bảo tàng Uffizi, nơi trưng bày các tác phẩm vô giá của những tên tuổi lừng danh như Botticelli, Leonardo da Vinci, Michelangelo, Titian, Rubens…
Ở Florence, tất cả đều tuyệt từ các công trình kiến trúc, các kiệt tác nghệ thuật cho đến các khách sạn, nhà hàng với giá cả phải chăng hơn những thành phố du lịch khác của Ý. Trừ việc, phải, trừ việc có quá nhiều khách du lịch luôn chen chúc nhau trên đường phố, luôn che tầm ngắm của máy chụp hình, luôn bắt bạn phải xếp hàng dài khi muốn mua bất kỳ một dịch vụ nào. Thế nhưng với tôi, chút bất tiện đó chẳng sá gì so với cảm giác sững sờ suốt mấy ngày lưu lại Florence, thành phố huyền thoại.
TÂY BAN NHA
Hai lần đến Barcelone
Năm 2000, nhân đang ở Marseille (Pháp) thăm cô bạn thân, tôi mua open-tour của sinh viên đi Barcelone (Tây Ban Nha) chơi. Vì là tour dành cho giới trẻ nên giá rất phải chăng, dù phải ngồi trên xe suốt đêm và ngủ gà ngủ gật đến mười giờ sáng mới đến. Anh chàng hướng dẫn cũng trẻ măng, tự xưng mình kiêm luôn chức giám đốc công ty du lịch và chiếc xe bus là tài sản để khởi nghiệp. Barcelone là tour duy nhất của công ty và cuối tuần nào anh cũng đến đây. Thế nhưng, sức hút của thành phố sôi động là không bao giờ cạn.
Nghe anh nói, mọi người thấy phấn chấn sau mười mấy tiếng đồng hồ ngồi xe “tăng kể” (tê cẳng”. Tuy nhiên anh cảnh báo: “Tuần nào tôi cũng dặn đi dặn lại phải cẩn thận bị móc túi ở Barcelone. Vậy mà tuần nào cũng có nạn nhân!”. Anh khuyên đừng dùng ví, dùng bóp mà nhét tiền vào túi quần thật sâu, chia nhỏ tiền ra nhiều túi theo nguyên tắc “đừng bỏ trứng vào cùng một rổ”. Tôi lật đật nghe theo, passport thì đeo khư khư trước ngực, bỏ sâu vào hai ba lớp áo.
“Cái sân vuông” Reial
Xe dừng tại đại lộ La Ramblas trứ danh, chúng tôi đeo ba lô rồng rắn đi theo hướng dẫn. “Khi các bạn đi theo đoàn và đeo ba lô như thế này, đã có rất nhiều cặp mắt đạo chích phục kích rồi đó! Nhớ nguyên tắc của tôi: không dùng ví, không đeo ba lô!”. Chúng tôi quẹo vào quảng trường Reial yên tĩnh và khách sạn Roma Reil hiện ra khiêm tốn mà duyên dáng. Ở Barcelone có rất nhiều những quảng trường be bé thế này, đó là những cái sân vuông được bao bọc bốn phía là những dãy nhà có mái vòm vùng Địa Trung Hải, những cửa sổ gỗ xám cổ kính, ban công xinh xinh.
Khách sạn tôi trọ là một căn nhà nằm trong “cái sân vuông” đó. Xung quanh là các shop bán hàng lưu niệm, quán ăn, tiệm cà phê. Chính giữa sân là một bồn nước có bức tượng chú bé đứng, nước phun lên nhè nhẹ yên bình. Đặc biệt, những cây cọ xanh miền duyên hải mọc lộn xộn chen chân cùng những chiếc cột điện cong cong trông thật… Tây Ban Nha. Dù chưa một lần đặt chân đến đây, thốt nhiên tôi thấy thân thương quá đỗi. Phải rồi, chính không khí bình lặng của những nhóm người ngồi chơi cờ, đọc báo và nhâm nhi cà-phê đã làm tôi liên tưởng đến Sài Gòn của những năm tám mươi. Tôi ở chúng phòng với hai cô sinh viên người Mexico và cô giáo của họ người Pháp, dạy tiếng anh tên Jacqueline. Chúng tôi vui vẻ trò chuyện rồi rủ nhau cùng đi dạo Barcelone chung.
Phố xá thân thiện
Đại lộ La Ramblas là ưu tiên số một của chúng tôi, vì thật ra chỉ cần bước chân ra khỏi “cái sân vuông” Reial là đã đến con đường nhộn nhịp này. Dân Tây Ban Nha đẹp quá! Nam nữ gì cũng mặn mà, chân mày rậm đen, lông mi cong vút, mắt sậm màu, môi đỏ rực, mặt ửng hồng, da bánh mật. Nhìn họ như một bức tranh chân dung được tô vẽ cẩn thận, không mấy “trớt quớt” như dân phương Bắc. Họ không quá cao, trông cũng “xứng” với tôi nên tôi thấy an ủi phần nào cho chiều cao cần phải bổ sung thêm can-xi của mình.
Trên con đường La Ramblas, nam thanh nữ tú đứng bán hàng lưu niệm, diễn trò tạp kỹ (xiếc, khiêu vũ theo điệu Flamenco, giả làm tượng, hát, đàn… ) hoặc dạo chơi xôm tụ. Đi ngang một nhóm người đang diễn trò, tôi còn bị anh hề chạy đến ôm, giật mình vì bất ngờ, mặt tôi trông “quái” lắm hay sao mà đám đông cười nắc nẻ. Dù “quê”, tôi cũng mau “huề” vì những ánh mắt thân thiện xung quanh. Đâu phải họ giễu cợt, đó là một hình thức làm quen và lôi kéo khán giả gần gũi hơn với nghệ sĩ đường phố. Theo dòng người đưa đẩy, tôi lọt vào một con hẻm vắng lặng có ngôi giáo đường trầm mặc đứng lẻ loi. Một người đàn ông tóc hoa râm đang trải lòng trên những phím guitar réo rắt. Tôi nhớ ba tôi quá. Ông cũng hay ôm đàn những lúc rảnh rỗi và rất mê đàn guitarists.
“Rậm rực” về đêm
Càng về chiều Barcelone càng sôi động, chúng tôi đi thăm vài bảo tàng và đến quảng trường nhạc nước. Thành phố đẹp lạ với lối kiến trúc… không giống ai. Mọi thứ đều “cong cong - quẹo quẹo”, hình dáng uốn lượn điệu đà, màu sắc sặc sỡ. Đó là bàn tay của kiến trúc sư tài hoa AntonyGaudi, ông thích dùng gốm màu, ghép các mảnh vỡ lại theo kiểu “mosaique”, rất sống động và công phu.
Đến tối, tôi cùng cô giáo Jacqueline xếp hàng ở một nhà hàng nằm sát khách sạn, chung trong “ cái sân vuông”. Theo lời cô, người đã đến Barcelone nhiều lần, nhà hàng này giá hợp lý mà ngon vô cùng. Thế thì xếp hàng hơi lâu một tí cũng được. Đúng như lời Jacqueline, tôi gọi món cơm Paella đặc trưng Tây Ban Nha và hoàn toàn hài lòng. Tôi đã ăn món này ở Pháp nhưng không ngon bằng. Cơm trộn với gia vị gì đó có màu vàng như nghệ (gần giống ngũ vị hương), các loại hải sản như sò, tôm, mực rải lên tươi ngon.
Ăn tối xong, hai cô sinh viên Mexico liền đi discotheque, ngoài phố “rậm rực” lắm, thiên hạ náo nức lạ kỳ, từ choai choai cho đến sồn sồn, ai cũng có vẻ đam mê và sẵn sàng cho một đêm cuối tuần “xả láng”. Tôi theo chân các cô gái Mexico ra bến cảng, vào một câu lạc bộ nhỏ nhảy nhót chút đỉnh rồi chuồn sớm vì sức người có hạn. Thật đúng là muốn làm dân chơi cũng không phải dễ. Nếu có sức khỏe hơn, tôi sẽ thức trọn đêm cùng Barcelone, không phải trong những discotheque hay quán bar náo nhiệt, chỉ cần đi tản bộ dọc bến cảng hoặc bờ biển. chờ mặt trời lên cùng những cánh hải âu trong ban mai tươi đẹp.
Một chuyện đau lòng
Ngày hôm sau, tôi tranh thủ đi vào nơi nữa của Barcelone như giáo đường Barcelone như giáo đường La Sagrado Familia, khi hoa viên và một nhà nguyện vô danh. Ở nhà nguyện này, “một chuyện đau lòng” đã xảy ra cho cô giáo Jacqueline, người bạn mới quen của tôi. Sau khi cầu nguyện với biết bao ước vọng, chúng tôi nhí nhảnh đứng chụp hình trong sân sau. Jacqueline đặt chiếc túi giấy của mình xuống một góc cột rồi chạy đến chụp hình chung với tôi. Trong tích tắc đó, một bóng đen lướt qua, chiếc ví căng phồng trong túi giấy của Jacqueline biến mất. Chúng tôi ngỡ ngàng, ngơ ngác, nghi ngờ. Lẽ nào chiếc ví đã về tay đạo chích Barcelone? Sự thật lúc nào cũng là sự thật, dù ta có muốn chối từ. Jacqueline đau khổ, thất thần, tê tái. Lúc đó, tôi cugx buồn giận dùm cho cô, cũng đi ra đồn cảnh sát trình báo lung tung. Tôi không ngờ rằng chỉ một tuần sau, chính tôi cũng gặp phải “chuyện đau lòng”. Tôi ước mình cũng bị đạo chích Barcelone thó ví, như thế cũng còn ít khổ tâm hơn khi phát hiện mình bị mất cắp hơn hai ngàn đô bởi một một người bà con khá thân thiết vì quá cả tin. Cảm giác bàng hoàng, tức giận, ngơ ngẩn khó tả nên lời. Sau sự cố đó, tôi rút ra kết luận thương đau: những nơi an toàn nhất là những nơi nguy hiểm nhất. Và với tôi, Barcelone vô cùng an toàn.
Trở lại Barcelone
Năm 2005, tôi trở lại Barcelone một tuần nhân hội nghị chuẩn bị tung sản phẩm mới của Tập đoàn Sanofi Aventis. Cùng hai cô đồng nghiệp Hàn Quốc, tranh thủ chút thời giờ rảnh hiếm hoi chúng tôi bắt taxi đến La Sagrado Familia thăm viếng. Lần trước ngôi giáo đường này đang sửa, tôi hy vọng lần này đã hoàn tất. Thế nhưng sau năm năm, tôi ngạc nhiên khi thấy tiến độ thi công không nhích lên tí nào. Và càng kinh ngạc hơn, tôi được biết ngôi giáo đường nổi tiếng này đã được khởi công từ 1884, qua hơn một thế kỷ, công trình vẫn chưa hoàn tất! Chính tính chất “chỉ đẹp khi còn dang dở” của La Sargado Familia đã làm nơi đây trở thành điểm du lịch “hot” nhất Barcelone. Ngôi giáo đường sẽ tiếp tục ở trong tình trạng chẳng bao giờ hoàn tất, mãi mãi và mãi mãi. Xem ra “ăn tết Congo” còn chờ được chứ “ăn tân gia La Sargado Familia” sẽ là chuyện không tưởng.
Lần thứ hai quay lại Barcelone, thành phố vẫn trẻ trung mà tôi chẳng còn là cô bé vô tư nữa rồi. Tôi không có dịp quay lại thăm “cái sân vuông” Reial nhưng thấy nhớ cô giáo Jacqueline quá. Khách sạn Rome Reil ngày nào với tôi sao ấm cúng và những người bạn cùng phòng thật thân thương. Giờ ở một mình trong căn phòng sang trọng của khách sạn năm sao Rey Juan Carlos I, tôi không có cảm giác mình đang ở Tây Ban Nha chút nào. Tôi tự nhủ, sẽ có lần thứ ba, Barcelone sẽ lại đón tôi về, với những hàng cọ miền Duyên Hải, với vũ điệu Flamenco sôi động, với không khí hội hè, những ánh mắt nhung đen…
BỒ ĐÀO NHA
Trên đời này còn có một Lisbon
Dù Bồ Đào Nha nằm sát nước láng giềng nổi tiếng Tây Ban Nha, ít người nào chịu khó tìm đến với đất nước cũng lừng lẫy một thời với những chuyến thám hiểm tìm vùng đất mới này.
Từ Paris, tôi lấy máy bay đến thủ đô Lisbon với nhiều hồi hộp và phấn khích. Người sếp gốc Paris đã tử tế giới thiệu tôi đến trú ở nhà một gia đình sống ngay trung tâm. Chủ nhà ra phi trường rước tôi khá thân thiện và phân bua về tình hình kẹt xe tại Lisbon. Hình như với bà Maria, nạn kẹt xe thật đáng xấu hổ. Xe hơi tràn lan khắp nơi, ai cũng lấy báo ra vừa đọc vừa nhích trong trật tự. Thỉnh thoảng một vài tiếng còi vang lên nhắc nhở người trước đang chăm chú với một tin giật gân nào đó. Nếu Maria từng đến Việt Nam, hẳn bà không việc gì phải đỏ mặt lên và cứ phân trần dông dài về cái nạn kẹt xe giờ cao điểm này.
Thành phố trên bảy ngọn đồi
Càng khám phá Lisbon tôi càng thấy bất ngờ bởi nét duyên lạ của một thành phố châu Âu ít được nhắc đến. Lisbon nằm trên bảy ngọn đồi liền kề nhau nên nhà cửa nhấp nhô rất ngộ nghĩnh. Từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia, người ta dùng thang máy. Và để di chuyển từ thấp lên cao, dân Lisbon sử dụng những chiếc xe điện chỉ dài bốn mét. Đây là nét đặc biệt nhất của Lisbon so với những thành phố khác ở châu Âu. Những ngôi nhà nhỏ xinh xắn được ốp gạch men có những họa tiết màu xanh của sứ. Việc dùng gạch men azulejos làm vật liệu trang trí là một trong những nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của Bồ Đào Nha. Hàng cọ dài thẳng tắp và những con đường lót đá kỳ công theo những họa tiết tinh xảo với hai màu đen trắng cũng là nét lạ của đất nước này.
Đại lộ Liberdade, có nghĩa là “Tự do”, là một trong những con đường đẹp nhất châu Âu, sang trọng và rực rỡ không thua gì Champ Elysée của Paris. Cây cột cao có tượng Marquez de Pombal nằm ở đầu đường là một trong những di tích tưởng nhớ công trạng của hầu tước Pombal, người đã dùng ý chí sắt đá xây dựng lại Lisbon từ đống tro tàn vì trận động đất năm 1755.
Saint Georges: vương miện thành phố
Quảng trường Figueira với pháo đài Saint Georges có mười tòa tháp trải dài theo lối kiến trúc của người Moor. Pháo đài nằm trên ngọn đồi cao nhất nên dù đứng ở bất kỳ đâu ở Lisbon ta cũng nhìn thấy Saint Georges ngạo nghễ và xinh đẹp như một vương miện của thành phố. Bà Maria e dè nhìn thân hình không năng thể thao của tôi, hỏi có đủ can đảm leo mấy trăm bậc thang lên pháo đài trứ danh này ngắm thành phố không. Bật cười sau cái lắc đầu ngại ngùng của tôi, Maria dắt tôi đến thang máy Santa Justa. Tôi ngỡ ngàn nhìn thang máy bằng sắt nằm ngoài trời như một cái tháp duyên dáng được trang trí bằng những đường viền đăng ten bao phủ bảy tầng lầu. Thang máy cao bốn mwoi lăm mét nên đứng trên đỉnh ta tha hồ thấy Lisbon trải dài bên dưới. “Thang máy này xây từ năm 1902 lận đó - Maria tự hào cho biết - do kiến trúc sư người Bồ Đào Nha Mesnier du Ponsard, một đồ đệ của Gustave Eiffel”.
Chúng tôi bách bộ tiếp đến Praca do Comercio, tức là quảng trường Thương Mại. Đây là quảng trường chính của Lisbon, rộng ngút mắt với các tòa dinh thự của chính phủ bao quanh. Từ đây có thể nhìn ra dòng sông Tagus ôm lấy thành phố. Buổi tối khi chồng đi làm về, bà Maria bảo ông đưa tôi ra bến cảng, chỉ cho tôi thấy chiếc cầu treo xa xa trong ánh đèn vàng là làn mưa phùn lất phất. Cây cầu do nhà độc tài Salazar cho xây và khánh thành năm 1966. Vào thời điểm đó, cây cầu treo dài hai cây số rưỡi, rộng sáu mươi mét này được xem là kỷ lục của châu Âu.
Tháp Bélem và bánh caramen
Ngày hôm sau, hai con trai song sinh của bà Maria xung phong đưa tôi tiếp tục thăm thành phố. Được hai hướng dẫn viên đẹp trai như những vị thần La Mã mới mười tám tuổi đưa đi, tôi thấy Lisbon… hấp dẫn hẳn lên. Chúng tôi lấy xe điện ra Tháp Belém. Tháp xây bằng đá sáng màu, nằm ở lưng chừng mặt nước sông Tagus. Bên trong tháp Belém, người ta trang hoàng như một chiến hạm tượng trưng cho tinh thần đam mê thám hiểm bằng những chuyến vượt biển của người Bồ Đào Nha.
Họ dẫn tôi đến tiệm bánh kem caramen ở gần tháp Belém. Quán đã có mặt từ năm 1837 với kiểu dáng cổ kính của những bức tranh gạch men màu trắng xanh. Chỉ đạt đến mức đón tiếp ngày càng đông khách, phải mở rộng thêm. Bánh này làm bằng bột gạo có mật ong, bơ và quế. “Đơn giản vậy nhưng chẳng ai bắt chước được”, Marc và Mathieu giải thích. Hương quế thơm dịu hòa với vị mằn mặn của bơ, vị ngọt thanh của mật và độ nướng vừa tới làm caramen tan ra của chiếc bánh khiến tôi muốn… ngừng thở.
Những ngày tiếp theo chẳng còn ai rảnh rang đưa đi thăm thú nhưng tôi lại hoàn toàn thoải mái được tự do chiêm ngưỡng Lisbon theo kiểu của mình. Tôi không ghé vào các bảo tàng nghệ thuật rất phong phú của thành phố theo đề nghị của bà Maria vì kiến thức quá eo hẹp của mình trong lĩnh vực này. Tôi thích đi bách bộ, ngắm những tòa nhà có lối kiến trúc lạ mắt nhấp nhô trên bảy ngọn đồi, những hàng cây ô-liu xanh mướt thanh bình, những con hẻm nhỏ lót đá kỳ công. Bất chợt trên những bước chân vô định của mình, tôi rơi vào một góc sân có ngôi giáo đường bé nhỏ, và tiếng chuông thánh thiện vang lên. Những bà mẹ trẻ đẩy xe nôi hẳn đang cầu an cho con mình.
Thư thái và thanh bình
Dù chỉ lưu lại Lisbon một tuần lễ ngắn ngủi, tôi thấy thật yêu thành phố này. Lisbon quá hiền hòa, dù hiện đại nhưng con người vẫ giữ lại cho mình tác phong thư thái. Chẳng thấy ai rảo bước thật nhanh, chen lấn tranh thủ hay tỏ thái độ nôn nóng. Ai cũng bình tĩnh, thong thả và thân thiện với nụ cười túc trực trên môi. Khác xa với dân Paris hay London làm ra vẻ bận rộn, hay kiêu kỳ và thích nhăn nhó. Lại càng không thể so sánh dân Bồ Đào Nha chân thật với dân Ý hay Tây Ban Nha vốn nhiều “thủ thuật” để móc túi (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) du khách. Đất nước này nằm giáp hai mặt với Đại Tây Dương và Địa Trung Hải nên con người cũng được ảnh hưởng sự mạnh mẽ và phóng khoáng của người dân biển.
Tôi còn một ấn tượng khó phai khác ở Lisbon. Không như dân Ý và Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, đặc biệt là giới trẻ, rất chịu khó học ngoại ngữ. Tôi nói tiếng gì là được đáp lại bằng tiếng đó (dĩ nhiên tôi chưa thử thách họ bằng tiếng Việt). “Quê” nhất là tôi bày đặt nói tiếng Bồ Đào Nha mua thẻ điện thoại. Ông già bán hàng kiên nhẫn lắng nghe rồi cười đề nghị “Cô cứ nói ngôn ngữ nào mà mình muốn, đừng vất vả làm gì!”. Yêu mến người dân nơi đây, tôi tự nhủ sẽ xây dựng một nhân vật nam thật “manly” người Bồ Đào Nha. Khi tôi nói ý định này với vợ chồng người chủ nhà Fernando - Maria đêm chia tay, thật bất ngờ ông chủ đề nghị “Lấy tên tôi làm tên nhân vật chính nhé!”. Fernando trong Oxford thương yêu không có tí gì “dính dáng” đến ngoại hình tròn trịa của ông, ngoại trừ tính bộc trực, nhiệt tình và thân ái.
Bởi Lisbon, tôi tiếc cho một thành phố quá xinh đẹp và duyên dáng lại không chịu khó làm marketing để thu hút khách thập phương. So với những thành phố châu Âu khác, Lisbon nào kém cạnh gì. Tuy hàng năm thủ đô Bồ Đào Nha cũng đón hơn hai mươi triệu du khách, nhưng Lisbon phải xứng đáng hơn con số này. Nhưng ngẫm lại, người Bồ Đào Nha đâu thèm khoe khoang, họ cứ bình thản sống, ung dung thụ hưởng cảnh thanh bình và tự biết, trên đời này còn có một Lisbon…
ÁO
Những nhạc sĩ thành Vienne
Ngày bé, được ông nội cắt nghĩa chuyện đời xưa “Những nhạc sĩ thành Vienne” rồi kết luận đó là nơi chỉ dành cho âm nhạc, tôi đinh ninh trong lòng người dân nào sống ở đây cũng yêu những giai điệu trữ tình và có một tâm hồn thanh thoát như tiếng vĩ cầm sang trọng. Và rồi, tôi đã đến Vienne, thủ đô nước Áo, quê hương của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart tình cờ vào đúng đầu năm 2006, khi khắp thế giới đang tổ chức lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông.
Nghe nhạc Mozart
Thú thật tôi không có kiến thức về âm nhạc cổ điển nên chỉ mong đến Vienne tìm ngắm những công trình kiến trúc, cung điện hoàng gia từng in dấu nữ hoàng Sissi lộng lẫy và dòng sông Danuble xanh. Thế nhưng khi chỉ vừa bước chân ra khỏi hầm xe điện ngầm dẫn đến vùng trung tâm thành phố, một nhóm những nhân viên tiếp thị trong trang phục áo choàng lịch lãm của thế kỷ mười tám đã vây lấy mời chào du khách mua vé xem hòa nhạc vào buổi tối. Họ nói nếu không mua từ sáng, đến tối không còn một chỗ trống nào. Đến Vienne mà không nghe hòa nhạc, nhất là trong thời điểm sinh nhật Mozart là một điều đáng tiếc. Những người khách du lịch xung quanh tôi ai cũng móc ví ra dù họ đến từ Đông Âu, nơi có mức sống còn khá thấp.
Người bạn Việt Nam đi cùng tôi xuýt xoa khen những tòa nhà cổ, những bức tượng, những hàng cây của Vienne thật ấn tượng, nhưng công bằng mà nói tôi lại thấy nơi đây không có bản sắc gì đặc biệt so với những thành phố châu Âu khác. Chúng tôi lang thang khắp thành Vienne rồi vào thăm những cửa hàng bán đồ lưu niệm. Những chiếc áo thun có in dòng chữ “This is Austria, not Australia” và “No kangaroo in Austria” cho thấy hẳn nhiều người không phân biệt được hai nước này do cách đọc gần giống nhau. Đến chiều khi gặp Stephan, dân Vienne chính hiệu (được một người bạn giới thiệu), anh cho biết người dân Áo rất khó chịu nếu thế giới lầm lẫn mình với nước Úc.
Trời mùa đông mau tối, thành Vienne lên đèn trang trí rực rỡ nhưng chừng mực. Chúng tôi vào một viện bảo tàng nghệ thuật nhỏ nghe hòa nhạc. Có thể vì được nghe nhạc Mozart ngay tại Vienne nên tôi thấy mười hai nhạc công trẻ tối hôm đó chơi thật xuất sắc, chưa bao giờ trong đời tôi nghe nhạc giao hưởng mà thấy xúc động kỳ lạ đến vậy. Nhắm mắt lại tôi như thấy cảnh núi non đẹp hùng vĩ, rừng cây xanh ngút mắt và tiếng suối chảy trong lành. Những cảnh vật xinh tươi trong bộ phim ca nhạc nổi tiếng Giai điệu hạnh phúc (La mélodie du bonheur) được quay tạ Áo trong những năm 1960 lại hiện ra trong tôi, thiết tha, lãng mạn mà hùng tráng.
Ngăn nắp - lạnh lùng
Stephan và bạn gái, những thanh niên Áo thành đạt trong xã hội, đón tiếp chúng tôi trong căn hộ vô cùng ngăn nắp. Stephan là kỹ sư hàng không, bạn gái làm người dẫn chương trình truyền hình. Họ ngụ tại một khu phố ngay trung tâm thành phố, yên tĩnh và sang trọng. Căn hộ của đôi bạn Áo sạch sẽ còn hơn cả.. bệnh viện đến mức làm tôi thấy thật “lạnh” và ngại ngùng. Không phải họ không biết cách bài trí nhà cửa, ngược lại học cố tình sắp xếp mọi thứ phải hoàn hảo trong một trật tự nhất định với nhiều khoảng trống, trong suốt về tầm nhìn và hạn chế tối thiểu những vật dụng trang trí rườm rà. Tôi từng trú ở nhiều nhà người châu Âu khác, họ cũng ưu tiên tối đa cho sự ngăn nắp và sạch sẽ nhưng phong cách bài trí ấm cúng và thân thiện hơn. Stephan thú nhận dân Áo và Đức chuộng sự ngăn nắp, sạch sẽ, rộng thoáng. Họ hiếm khi sống theo kiểu ngẫu hứng mà khá kỷ luật. Đôi tình nhân rủ chúng tôi cùng đi ăn ở một nhà hàng trung bình và sau bữa ăn họ sòng phẳng rút tiền ra trả phần mình một cách dứt khoát. Họ không chấp nhận được mời mà cũng chẳng thích mời ai.
Giao thiệp với người phương Tây khá nhiều, song hành động “không dây dưa” của đôi bạn Áo làm tôi thấy vô cùng ái ngại. Thật lạ, thế mà đất nước này lại sinh ra những thiên tài âm nhạc như Mozart, Schubert, Schomberg. Và đây cũng là quê hương của những phụ nữ xinh đẹp mà nổi loạn như nữ hoàng Sissi và hoàng hậu Marie Antoinette (cho đến nay người Pháp khi nói “L’Autrichienne” - Người đàn bà Áo, đều ám chỉ đó là Antoinette). Về sau nữ minh tinh Romy Schneider của Áo cũng làm nức lòng thế giới vì sắc đẹp sang trọng mà lãng mạn của mình khi hóa thân vào vai Sissi. Cuộc đời của Romy cũng nhiều sóng gió và kết thúc bằng một cái chết trẻ rất bi kịch.
Danuble xanh?
Sáng hôm sau chúng tôi tìm đường ra sông Danuble. Dòng sông xanh của một thời nay vẫn còn vẻ quyến rũ. Trong cái rét mùa đông, Danuble không có được màu xanh đặc trưng của mình nhưng dòng sông trải dài, rộng thoáng, sạch sẽ tạo cảm giác tuy “lạnh” nhưng bình yên. Không muốn làm phiền Stephan dù anh có lịch sự mời quay lại nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục tự lang thang chờ đến giờ tàu chạy. Bất chợt trên đường ra ga, chúng tôi phát hiện một nhà hàng sang trọng có bảng hiệu “Sài Gòn”, ngó nghiêng vào bên trong thấy những chai bia Sài Gòn được trang trí sang trọng trên các quầy, những người phục vụ châu Á lịch sự đang cúi chào thực khách. Dù đang đói và thèm một món ăn Việt nhưng chúng tôi không muốn bước vào vì cách bài trí của nhà hàng cũng “lạnh” không kém gì căn hộ của Stephan.
Tạm biệt kinh thành âm nhạc, trong tôi còn lưu mãi những giai điệu của Mozart và các nhạc công trẻ nhiệt tình, dẫu biết rằng, không phải người dân Vienne nào cũng có một tâm hồn thanh thoát như tiếng vĩ cầm thiết tha.
ANH
Guildford: xứ thần tiên của Alice
Tôi đến Guildford vào một sáng mùa xuân với nắng pha lê màu vàng óng như mật, khi những bông hoa dại e ấp đang dần lộ nhú trong tiết trời ấm áp và bầu trời dịu dàng trong vắt trên cao. Người tài xế taxi đón tôi từ phi trường Heathrow thân thiện trò chuyện và giới thiệu đôi nét về nơi tôi sắp đến tu nghiệp. Guildford là thị trấn (town), không phải thành phố (city), nằm cách Luân Đôn chỉ hai mươi phút xe lửa và nếu đi bằng xe hơi giờ cao điểm, bạn sẽ mất tối đa một tiếng đồng hồ. Dù đã đến nhiều thị trấn bình yên ở các nước châu Âu khác, Guildford của Anh hiện ra quá trong lành và giản dị. Chỉ với hai ngày cuối tuần ngắn ngủi tôi đã khám phá hết Guildford, nhưng bình tĩnh sống cùng Guildford cả tháng trời tôi mới nhận ra thị trấn này thân quen và níu lòng lữ khách thật mãnh liệt không nơi nào bằng.
Từ khách sạn Travelodge tôi thường thích đi bộ thong thả mỗi sáng đến sở làm dù công ty có đề nghị cho taxi rước. Tôi muốn nhìn phố xá nhỏ xinh trong tiết trời lành lạnh dễ chịu, ngang những cây cầu be bé bắc ngang những con kênh xanh liễu rủ buông mành và chầm chậm dấn bước dưới ánh vàng lung linh của nắng xuân. Công ty tôi làm nằm trên đường One Onslow, ngay trung tâm, nhìn từ bên ngoài đó là một tòa nhà cổ với gạch nung màu hồng đặc trưng Anh nhưng bên trong là một cao ốc văn phòng vô cùng hiện đại. Từ trên những tầng cao của công ty, tôi vẫn thường ngồi nhìn xuống những góc đường Guildford. Trên tay là ly trà sữa bốc khói, tôi thấy lòng thật bình yên khi dân tình ngoài kia cũng đang ung dung tự tại. Những ngày đầu làm việc, tôi ngỡ ngàng nhận ra đúng giờ là mọi người về hết, không có chuyện dây dưa thêm giờ như công ty ở Việt Nam. Bù lại, các đồng nghiệp Anh làm việc với năng suất rất cao, hiệu quả đáng kể và tác phong chuyên nghiệp tuyệt đối.
Ở Anh, các trung tâm mua sắm cũng đóng cửa rất sớm, khi tôi tan sở lúc năm giờ rưỡi, các cửa hàng cũng nhất loạt dừng hoạt động. Vì thế, muốn shopping, cô bạn đồng nghiệp Emma thường rủ tôi đi trong giờ ăn trưa. Công ty nằm sát khu mua sắm, vài bước chân đã lọt vào mê hồn trận những cửa hàng lớn nhỏ với đầy đủ mọi chủng loại. Con phố chính High Street với những ngôi nhà hẹp theo kiến trúc đặc trưng Anh luôn tấp nập vì các cửa hàng nằm san sát hai bên. Trẻ con thích dừng lại ngoài đường đùa giỡn thay vì cùng phụ huynh vào các cửa hàng. Bọn chúng vô tư cởi hết áo khoác vì tiết tiết ấm sực, rồi đột ngột rùng mình hắt hơi khi một làn gió xuân lướt qua. Trên phố High Street, điểm nhấn duyên dáng là chiếc đồng hồ vuông của tòa thị chính vươn tay ra vẫy chào mọi người. The AngelHotel có lối kiến trúc là lạ, bảng tên chính thì khiêm tốn đến mức không nhìn thấy nhưng hàng chữ “Posting house” và “Livery stables” lại bắt mắt mọi người. Đó là quán trọ cuối cùng còn sót lại của thời xưa, khi chuyến xe ngựa từ Luân Đôn đi ngang qua tìm chỗ dừng chân, để lại thư từ giao dịch rồi lại lên đường cho kịp cuộc hành trình.
Những ngày cuối tuần tôi thích lang thang vào trung tâm bằng ngã khác: đi dọc theo sông Wey. Chẳng có ai đi cùng tôi trên con đường ven sông này. Tôi nghe chim hót bên tai, những chú vịt con quẫy đạp trong nước, những đóa hoa dại rung rung trong làn gió xuân và hàng liễu rủ xanh rờn ngút mắt. Thảng hoặc một chiếc tàu nhỏ lững lờ trôi êm đềm. Tôi tự hỏi còn cảnh tượng nào thanh bình hơn và ngỡ ngàng nhận ra mình đang đứng trong công viên, nơi có tượng cô bé Alice và con thỏ trắng hay hốt hoảng: “Tôi trễ rồi!”. Quả tôi đang lạc vào xứ thần tiên giống nhà văn Lewis Carroll năm nào. Nhà văn thực chất là giáo sư dạy toán của Đại học Oxford, tại ChristChurchCollege, năm 1868 khi đến Guildford, ông đã chọn nơi đây làm quê hương, đã cho ra đời “Alice lạc vào xứ thần tiên” và sống suốt quãng đời ba mươi năm còn lại của mình. Tôi ước gì cũng được ở lại Guildford trong một căn nhà cổ be bé, sống cuộc đời không bon chen và… viết văn trong khung cảnh thần tiên, được tha hồ tưởng tượng về một con thỏ trắng ngộ nghĩnh, về những lọ thuốc kỳ lạ làm người ta khổng lồ hoặc trở nên tí hon.
Những lúc phải đi Luân Đôn, dù thủ đô tráng lệ, nhiều công trình kiến trúc và vô số những hoạt động giải trí, tôi vẫn nóng lòng lấy xe lửa vào cuối ngày để được về với Guildford, về với khách sạn Travelodge đơn sơ mà tưởng rằng mình đang về nhà. Về với những góc đường thân quen, với dòng sông phẳng lặng, với những dãy nhà cổ đỏ hồng sắc gạch và với những bông hoa dại rung rinh trong gió.
Thăm nhà Sherlock Holmes
Những ai từng đọc truyện trinh thám Sherlock Holmes đều biết rõ địa chỉ 221b phố Baker, Luân Đôn. Đây là ngôi nhà của vị thám tử cực kỳ thông minh và người bạn cùng chia nhà, bác sĩ Watson. Trong hầu hết các truyện, Sherlock Holmes đã tiếp các thân chủ tại nhà và đây là địa điểm để cảnh sát Scotland Yard tìm đến cầu cứu khi bó tay trước một vụ án kỳ quặc nào đó. Tuy truyện ngắn đầu tiên được Sir Arthur Conan Doyle trình làng vào năm 1887, đến nay nghe đồn vẫn còn rất nhiều khách du lịch nước ngoài mỗi khi đến Luân Đôn đều “ngây thơ” tìm đến địa chỉ này hòng gặp mặt vị thám tử danh tiếng. Và, tôi là một trong những du khách ngây thơ đó.
Mới bảy giờ rưỡi sáng (theo giờ giấc sinh hoạt ở Luân Đôn là sớm lắm), tôi đã hăm hở tìm đến phố Baker và có mặt trước con số 221b. Buồn cười làm sao, trước tôi đã có một hàng người, toàn dân da trắng mắt xanh cũng đang bồn chồn chực chờ đến giờ được vào diện kiến Sherlock Holmes. Hẳn họ cũng mang nhiều tâm trạng vì vướng víu vào một vụ án mạng kỳ bí nào đó? Trước cửa nhà, trên bức tường gạch có treo tấm bảng tròn màu xanh “221b, Sherlock Holmes, thám tử, 1881-1908”. Vậy là thôi rồi, năm nay đã 2007, làm sao còn gặp được nhà thám tử mà xin tham vấn?
Thật ra dù ngây thơ đến đâu, khi đứng trước ngôi nhà 221b phố Barker, ai cũng thấy đây là một địa chỉ giả, số nhà thật của nó phải là 239. Điều thú vị hơn là vào thời sáng tác ra loạt truyện về Sherlock Holmes, tác giả Conan Doyle đã hoàn toàn bịa ra địa chỉ này vì vào thời đó, con phố Baker chỉ có đến… một trăm nóc nhà. Phố Baker trong các phim truyền hình làm về Sherlock Holmes trông âm u và kỳ bí rất trinh thám. Trong thực tế, tôi đang đứng trên phố Baker rộng rãi, sáng sủa và rất tấp nập. Vào những năm 1930, phố Baker được mở rộng và nối dài ra, dãy nhà từ số 219 đến 229 được sở hữu bởi công ty Abbey National. Và nói không ngoa, quả trên đời này có rất nhiều người ngây thơ thứ thiệt, hàng đống thư hâm mộ và cả thư xin “gỡ rối tơ lòng” từ nhiều nơi trên thế giới hàng năm cứ gởi tấp nập đến cho Sherlock Holmes làm công ty Abbey National nhận mệt xỉu. Điều đáng nói tiếp theo là Abbey National cũng “chịu chơi” cho treo tấm hình của Sherlock Holmes và Watson lên làm bộ như hai người này đã dọn nhà đến số 221b thật. Năm 1999, công ty này tài trợ cho dựng bức tượng bằng đồng của Sherlock Holmes theo sự mô tả của Conan Doyle. Bức tượng hiện đứng ở phố Baker, ngay trước chỗ xuống hầm xe điện ngầm phố Baker.
Ngôi nhà 221b ngày nay được chia làm hai bên, một bên được xem như là nhà thật của Sherlock Holmes, bên kia là bảo tàng về Sherlock Holmes. Căn nhà này được trang trí trông giống như kiến trúc nhà ở Luân Đôn vào những năm 1815, theo sự mô tả trong loạt truyện trinh thám. Bảo tàng được mở cửa đón du khách từ năm 1990 và hàng ngày đều có rất nhiều “thân chủ” tìm đến với nguyên vẹn cảm giác tò mò và hồi hộp. Bên trong bảo tàng là bức tượng bằng sáp của Sherlock Holmes, những vật dụng và các bức tranh mô tả lại những sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời vị thám tử. Tất cả những điều này, dĩ nhiên, đều được bịa ra dựa vào 56 truyện ngắn và bốn tiểu thuyết nổi tiếng của Conan Doyle về Sherlock Holmes. Ngoài ra còn có các bộ sưu tập về sách Sherlock Holmes được xuất bản từ nhiều thời kỳ.
Dù biết Sherlock Holmes chỉ là một nhân vật hoàn toàn trong trí tưởng tượng của Conan Doyle và căn nhà số 221b phố Baker cũng là sản phẩm một trăm phần trăm giả tạo, du khách khắp nơi trên thế giới nói chung và bản thân tôi nói riêng đều có lý do để tìm đến với căn nhà này. Chúng tôi không ngây thơ, cũng không ảo tưởng được diện kiến vị thám thử đại tài, thậm chí ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học trong việc truy tìm thủ phạm, các phương pháp thủ công và cách suy luận theo lô-gic của Sherlock Holmes đã thật sự lỗi thời. Riêng tôi khi đến 221b phố Baker, tôi muốn tận mắt chứng kiến một nhân vật trong truyện đã được yêu mến ra sao, đã sống qua bao năm tháng cùng thời gian bất tận, đã làm hết thế hệ này đến thế hệ kia say mê như thế nào. Bức tượng bằng đồng sừng sững của Sherlock Holmes trên phố Baker càng làm người ta tin rằng vị thám tử này vốn đã thật sự hiện hữu trên trần gian. Cảm ơn Sir Conan Doyle đã cho chúng ta một con người tài đức vẹn toàn bước ra từ những trang sách vô cùng sống động.
Liverpool của người không mê The Beatles
Nhắc đến Liverpool, những ai mê The Beatles đều háo hức được đặt chân đến thăm thành phố này. Nhưng tôi không nằm trong số đó. Tôi cũng thích những chàng trai vàng, nhưng giờ người thì “đi về nơi xa lắm”, người thì “quá đát” rồi. Vì thế, tôi không thật sự mê Paul McCartney, John Lennon, Ringo Starr và George Harrison. Khi tôi sang Anh, những thành phố ưu tiên đến thăm không có Liverpool. Thế nhưng vào phút chót, tôi quyết định cứ đến, vì dù sao đây cũng là một trong những thành phố quan trọng nhất nước Anh. Một người bạn đang học Master ở University of Liverpool viết email khẳng định: “Đến đi, sẽ không hối hận đâu!”.
Thế nhưng vừa xuống bến xe khách và ngồi taxi đến khách sạn, tôi đã thấy không ổn. Khách sạn này tôi đặt qua mạng internet, thông tin cho biết ở rất gần trung tâm, chỉ mười phút đi xe bus hoặc hai mươi phút đi bộ là đến. Vậy mà taxi chạy miệt mài, vào một con đường sát bến cảng, cảnh vật hoang phế, những kho bãi xám bụi, những cỗ máy sản xuất thẫm màu dầu nhớt. Không một chiếc xe, chẳng một bóng người. Sau khoảng gần nửa tiếng, taxi dừng trước một nhà trọ nhỏ đóng cửa im ỉm. Tôi tha hồ gào thét cũng chẳng thấy ai ra “welcome”. Đứng chỏng chơ ở cái sân vắng lặng đến rợn người đó, tôi hối hận vì đã đọc hết tác phẩm trinh thám của nữ văn sĩ Agatha Christie. Hẳn bà cũng đã xây dựng những vụ án dựa trên cái nền tội phạm ở những nơi hoang phế này. Giờ muốn đón taxi quay trở ngược lại trung tâm thành phố là không tưởng. Lẽ nào số phận tôi lại “an bài” ở một thành phố xa lạ?
Cuối cùng, một bà nào đó chạy xe hơi đến và cũng dộng cửa dữ dội rất muốn vào. Bà nói mình không phải là khách mà là chủ(?!). Kêu gào mãi chẳng ai ra, bà nảy ra sáng kiến mở cửa sổ trèo vào rồi đi ra mở cửa lớn cho tôi. Nhân viên lễ tân của họ đang… đánh một giấc ngủ trưa bí tỉ. Hẳn cô nàng dân phố cảng đã làm vài chục vại bia? Tôi nhanh chóng bỏ đồ vào phòng rồi ra trung tâm thành phố. Cô receptionist sau phút bị bà chủ “băm vằm”, mặt bí xị chỉ đường cho tôi. Chắc cô không nhiệt tình hoặc tôi nghe ù cạc thế nào, càng đi tôi càng lạc. May mà tôi không đi ngược lại con đường sát bến cảng hoang vắng, tôi chọn đường phía trong, có lác đác vài người đi bộ và những chiếc xe hơi phả khói mù mịt. Mới vào khoảng hai giờ trưa, lại là một ngày trong tuần, thế nhưng phố xá không đông đúc, cảnh vật vô cùng yên tĩnh. Chắc là tôi rơi vào một ngày nghỉ lễ nào đó của Anh chăng?
Tôi bắt xe bus, nói muốn vào trung tâm. Cuối cùng tôi cũng toại nguyện. Trung tâm Liverpool đón tôi với những tòa nhà hoành tráng như mọi thành phố lớn khác ở châu Âu. Cũng tòa thị chính, tòa án, nhà hát… Có điều ở Liverpool, các công trình kiến trúc trông xám xịt, hẳn vì ảnh hưởng khói ô nhiễm của thành phố công nghiệp. Tuy mang một màu sắc không tươi thắm, nhưng tôi không cảm thấy Liverpool buồn bã, bởi các dòng người đang dần dần đông đúc lên trong các khu mua sắm sầm uất.
Tôi cầm bản đồ lò dò đến Albert Dock, đây là cầu cảng nổi tiếng với những con tàu đang neo đậu và những cánh chim trắng. Các sách hướng dẫn du lịch đều cho Albert Dock là nơi thu hút khách nhiều nhất vì nơi đây là khu phức hợp văn hóa, ẩm thực và mua sắm. Bảo tàng hàng hải và bảo tàng lớn nhất châu Âu về thể loại này. Tôi chỉ đi ngang qua mà không ghé vào. Còn một “bảo tàng” nữa, được viếng thăm rất đông, đó chính là The Beatles Story. Nơi đây sẽ cung cấp cho bạn tất cả thông tin liên quan đến ban nhạc. Fab Four (Fabulous Four - Bộ tứ siêu tuyệt vời) này giúp quê hương Liverpool làm du lịch nhờ vào Fab Tour. Đây là tour du lịch dành cho các khách muốn tìm về quá khứ của The Beatles. Tôi không mê họ nhưng cũng cầm bản đồ lang thang đến quán bar Cavern Club, nơi bốn chàng trai lần đầu chơi nhạc vào đầu những năm 60. Penny Lane và Strawberry Field cũng được người ta dạo qua, vì hai con phố này là tựa của những ca khúc bất hủ.
Chồn chân mỏi gối, tôi vào quán Mc Donal nghỉ mệt. Một bà già rất đẹp lão lò dò đến ngồi kế bên, nhờ tôi… đọc dùm toa thuốc trước khi bà kịp uống nhầm. Nghe giọng nước ngoài, bà thân thiện hỏi tôi đến từ đâu rồi tự nhiên vuốt mặt khen: “You are so lovely!” (Cháu dễ thương quá!). Tôi chỉ còn biết toét ra cười hết cỡ và biết rằng mình đến Liverpool mà không hối hận. Quả thật dân phố cảng rất cởi mở và sẵn sàng chỉ đường nếu thấy ai đó cầm bản đồ lọng cọng trên tay. Suy cho cùng thành phố của họ có gì đâu ngoài ban nhạc The Beatles, đội bóng Liverpool, Albert Dock và lòng hiếu khách. Bà già khoe thành phố năm 2007 kỷ niệm 800 năm thành lập và năm 2008 được trở thành thủ đô văn hóa châu Âu. Bà còn tâm sự một tràng dài về nữ hoàng Anh, rằng bà rất yêu nữ hoàng và thích vẻ đẹp quyến rũ của hoàng tử William. Và khi tôi đứng lên nói tạm biệt, bà cầm tay tôi trìu mến: “Nếu còn trẻ hơn một chút, bà sẽ tìm đường sang Việt Nam thăm cháu”.
Ngày rời phố cảng Liverpool, người phục vụ trong quán trọ thức sớm làm đồ ăn sáng, nhiệt ình gọi taxi cho tôi ra bến xe và luôn miệng mong tôi có dịp quay lại. Ấn tượng rùng rợn về một vùng hoang vắng trong các tiểu thuyết trinh thám hôm mới đến vụt tan biến. Tôi gởi lời chào bà chủ, chào luôn cô tiếp tân có giấc ngủ trưa say kỷ lục. Ông phục vụ vẫn còn đeo tạp dề xách va-li dùm tôi lên xe và đứng vẫy tay ngút mắt. Tôi lại đi qua con đường sát bên cảng, cảnh vật hoang phế, những kho bãi xám bụi, những cỗ máy sản xuất thẫm màu dầu nhớt. Mọi thứ dưới ánh ban mai chợt trở nên ấm áp vô cùng
Oxford của những tòa tháp trong mơ
Tôi đến Oxford vào một ngày đầu xuân, khi thành phố của những tòa tháp trong mơ đang rộ nở những sắc hoa rực rỡ và các ngôi trường cổ kính phủ cỏ xanh mượt mà. Từ nhà ga tôi khập khiễng kéo cái va-li đã… bay mất một bánh xe tìm đường về Guest House trên đường Iffley. Nhìn trên bản đồ con đường này không xa nhà ga, dường như chỉ đi vài ba bước là đến. Thế nhưng lò dò cả tiếng đồng hồ tôi mới lết nổi đến nhà. Chỉ kịp quăng hành lý vào góc phòng bé tí như dành cho búp bê, tôi hào hứng trở ngược ra trung tâm vì dọc đường đi bao nhiêu cảnh thần tiên đã hút mất hồn tôi rồi.
Tôi dừng bước bên cầu Magdelen bắc ngang dòng sông Cherwell thơ mộng. Hàng liễu rủ xanh xanh xinh đẹp hai bên sông bình yên. Những con vịt xám gọi bầy, đôi thiên nga rũ đôi cánh trắng và vươn chiếc cổ kiêu kỳ soi mình xuống dòng sông phẳng lặng. Một gia đình trẻ dắt con đi dạo trong khung cảnh nên thơ. Thế nhưng cũng trên sông Cherwell, vào một buổi trưa ấm áp trong vườn hoa của Magdelen’s College, tôi lại thấy không khí hoàn toàn sôi động. Đám sinh viên hồn nhiên thuê xuồng chèo mê mệt. Nhìn họ cật lực chèo chèo chống chống mà xuồng chẳng tiến được bao nhiêu, thậm chí còn xoay vòng vòng đến chóng mặt, tôi không nhịn được cười. Cách đó không xa, trên thảm cỏ xanh êm ái, những anh chàng sinh viên cơ bắp đang hào hứng chơi bóng đá, những ngọn tháp xung quanh dường như cũng hồi hộp mỗi khi bóng chui lọt lưới làm các cầu thủ nhà ta buột miệng “shit”. Thì ra sinh viên Oxford cũng biết… văng tục.
Đã đến Oxford bạn không thể bỏ quên trường Đại học vì đây là linh hồn của thành phố. Trường Oxford bao gồm đến ba mươi chín ngôi trường độc lập khác nhau gọi là “college”. Mỗi college trông cổ kính và đẹp cầu kỳ như những tòa lâu đài với những cánh cổng bằng gỗ được chạm khắc công phu và những ngọn tháp vươn cao quyền quý. Sinh viên và cả giáo sư chạy xe đạp luồn lách vào những con đường hẹp hay những con hẻm nhỏ lót đá di chuyển từ college này sang college kia. Kìa là một cô nàng có hàng tá sách dày cộp trên rổ xe, phía sau lưng lại đang đèo… một bé gái chừng ba tuổi. Hẳn cô đang làm luận án tiến sĩ, thời gian nghiên cứu sinh dài quá nên phải tranh thủ có con luôn?
Ở Oxford, bạn có thể đụng mặt các tiến sĩ tương lai khắp mọi nơi, ai cũng đang bận rộn với những ý tưởng của riêng mình. Có người đang gặm bánh mì, có người đang vác chiếc xe đạp xẹp bánh trên vai, có người lại đang lẩm nhẩm rì rầm gì đó trong miệng. Tôi đã lẻn vào một college trong giờ thì, thấy đám sinh viên ngồi trên hai cái bàn gỗ dài trong gian phòng đá cổ kính. Ngồi sát nhưng chẳng ai thèm liếc ngang liếc dọc “cọp dê” bài nhau. Nhìn không khí thi cử của người ta, tôi ước chi mình cũng… được làm sinh viên Oxford. Một anh bạn đồng nghiệp người Anh của tôi cho biết anh sinh trưởng ngay ở Oxford, bản thân học hành cũng “ghê gớm” lắm nhưng chịu thua không lọt được vào trường Đại học xếp hàng top ten uy tín nhất thế giới này. Giờ đã là tiến sĩ của trường khác nhưng anh vẫn chưa nguôi “hận”. Thế mới biết được làm sinh viên Oxford mới kiêu hãnh làm sao. Kiêu hãnh như những ngọn tháp vút lên của những college tồn tại từ thế kỷ thứ mười hai. Oxford là trường Đại học dạy bằng tiếng Anh cổ nhất thế giới, thế nhưng ẩn trong lớp bề ngoài phủ rêu phong thời gian ấy là một bộ máy giáo dục vận hành một cách cực kỳ hiện đại. Thật chưa ở đâu tôi thấy rõ sự giao thoa và hỗ trợ nhau tuyệt vời giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại một cách mạnh mẽ và hiệu quả đến vậy.
Vì Oxford tuy cổ kính nhưng dân tình đa phần là sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới nên thành phố nhất định không thể già nua. Ngược lại, Oxford trẻ trung vô cùng với đầy đủ các câu lạc bộ giải trí sôi động, các trung tâm thể thao hiện đại, các cửa hàng thời trang phong phú, các quán ăn đủ mọi thể loại thật ngon miệng. Ở khu shopping trên phố Cornmarket, tôi tìm thấy đủ các cửa hàng nổi tiếng chẳng khác nào ở thủ đô phồn hoa Luân Đôn. Trong cửa hàng “Debenhams” trên phố George, tôi còn may mắn tậu được một bộ áo váy công sở đại hạ giá đến mức “gần như cho không” vì… kích cỡ nhỏ quá chẳng ai mặc vừa. Nhưng cũng tại “Debenhams” ở các thành phố khác, bộ váy áo đó không được bán với giá bèo như vậy dù cũng đang trong đợt giảm giá. Vì thế, khi đã chia tay Oxford, ngoài những college đẹp kiêu hãnh, những tháp chuông giáo đường bình yên, những cô cậu sinh viên đạp xe loanh quanh trong khu phố cổ ra, tôi nhớ nhất là… cửa hàng “Debenhams” của mình. Cuốn “Oxford thương yêu” ra đời như một nhu cầu được “níu giữ” chút thời gian ngắn ngủi tôi ở với thành phố đặc biệt này, và quả Oxford luôn mãi trong tim tôi.
Không học nổi ở Cambridge
Khi đến Anh, ngoài thủ đô Luân Đôn, hai thành phố Cambridge và Oxford là nơi được du khách tìm đến nhiều nhất. Được biết đến như các thành phố Đại học nói tiếng Anh cổ xưa nhất châu Âu. Và lẽ dĩ nhiên, đây cũng là một trong những nơi cổ kính nhất nước Anh. Nhiều người hỏi tôi Cambridge và Oxford nơi nào thú vị hơn. Dù đã viết cuốn truyện “Oxford thương yêu”, nhưng câu trả lời thật không quá đắn đo: Cambridge!
Giống như Oxford, Cambridge cũng có những ngôi trường colleges cổ kính trực thuộc Đại học Cambridge, cũng có những tòa tháp vươn cao quyền quí, cũng có những giáo đường mái vòm và những cánh cửa gỗ được chạm khắc uy nghi. Vậy điều gì làm Cambridge trở nên khác biệt và thú vị hơn?
Cambridge cách Luân Đôn về phía bắc khoảng 80km và được các thị trấn yên bình bao quanh. Vì thế, bản thân Cambridge cũng rất yên tĩnh, bình an và có lượng cây xanh phủ rợp rất trong lành. Cambridge còn có nhiều khoảng không dành cho công viên, các kênh đào thả những loại thủy cầm, các thảm cỏ xanh rì được cắt xén chăm chút. Ngoài ra, dòng sông Cam thanh mảnh uốn mình chảy lượn quanh các colleges chính là linh hồn giúp thành phố toát lên vẻ êm đềm. So với Oxford, Cambridge mềm mại, gần gũi và lãng mạn hơn rất nhiều.
Chúng tôi đi ngang bến thuyền, nơi các sinh viên đăng ký làm người chèo thuyền đưa du khách lững lờ dạo qua các colleges xinh đẹp như King’s College, Trinity’ College, Saint John’sCollege. Được biết những người chèo thuyền toàn là các nghiên cứu sinh, những tiến sĩ tương lai, các du học sinh xuất sắc, chúng tôi thấy ái ngại không dám xuống thuyền. Phần vì… cũng muốn tiết kiệm do giá cả bên Anh cực đắt, chúng tôi tự hài lòng khi đi bộ thong dong dọc theo dòng sông Cam. Ở Cambridge, sinh viên quốc tế chiếm đến 30% dân số nên bạn tha hồ bắt gặp những cô cậu trẻ măng tay ôm sách, tay cầm ổ bánh mì gặm vô tư. Các sinh viên châu Á khá đông, và thỉnh thoảng gặp vài người da màu. Điều này ở Oxford khá hiếm, có thể vì người gốc Á thích vẻ lãng mạn của Cambridge hơn chăng? Riêng tôi, nếu được chọn, tôi thích đến Oxford học tập hơn. Đơn giản vì Cambridge quá thơ mộng, thật quá mà tập trung dùi mài kinh sử được.
Người chủ Guest House nơi chúng tôi trọ rất biết cách làm vui lòng khách, ông nói cười cởi mở, chẳng có vẻ gì là “phớt tỉnh Ănglê”. Khi tình cờ xuống bếp, tôi thấy ông có một laptop xịn đang chạy chương trình gì đó rất “trí tuệ”. Ông cho hay mình là kỹ sư vi tính, làm việc tại nhà nên có thể giúp vợ trông coi Guest House. Căn bếp rất sạch, sáng bóng và có một trật tự sắp xếp cao. Chả trách căn nhà ông ở chỉ có một lầu, chiều dài 20 mét, chiều ngang 4 mét những được “quy hoạch” để có đến 6 phòng ngủ cho thuê, một phòng khách kiêm phòng ăn, bếp và chỗ sinh hoạt riêng tư cho gia đình. Chúng tôi rất thích ở Guest House vì so với khách sạn, giá không rẻ hơn nhưng không khí lại thân mật hơn, sạch sẽ và ở gần trung tâm thành phố. Các Guest House khi được post lên Internet đều được du lịch địa phương cấp phép nên tuy quy mô hộ gia đình, họ làm ăn rất chuyên nghiệp và uy tín. Những thành phố cổ nhờ vào lượng Guest House mà không phải xây thêm khách sạn to lớn làm mất cảnh quan mà vẫn có thể đón được một lượng du khách không nhỏ.
Ngày hôm sau, nghe theo lời khuyên của ông chủ nhà, chúng tôi quyết định… ngồi thuyền dạo dọc sông Cam. Những ngôi trường cổ xưa vươn mình vừa uy nghi vừa gần gũi. Những con ngỗng trắng và vịt xám được thả bơi trong một vùng lau sậy trong lành. Ngang qua chiếc Cầu Than Thở (Bridge of Sigh) chúng tôi nêu thắc mắc với người chèo thuyền: Vì sao các thành phố cổ ở châu Âu hay có dạng cầu này? Venise, Bercelone, Oxford, Cambridge… mỗi nơi có một Bride of Sigh khác nhau nhưng cũng chung một đặc điểm: chúng ta đừng đi bên trên mà nên đi phía dưới cầu để ngước mắt nhìn ngước lên mà than thở rằng: “Ôi chao là đẹp!”. Bridge of Sigh ở Oxford bắc ngang… một con phố nhỏ. Nhưng ở Cambridge, cầu được bắc ngang sông Cam đàng hoàng. Khi thuyền lững lờ nhẹ nhàng trôi qua, chúng tôi được khuyên hãy ước một điều. Đã ước thì một điều hay mười điều thì cũng thế, chẳng nên hà tiện. Vì thế tôi tha hồ ước, những điều ước lãng mạn như dòng sông Cam nhỏ xinh nhưng cũng rất vững chắc, như những ngôi trường sừng sững của Cambridge.
Nếu như thuyền chỉ dành để đãi khách du lịch (đãi nhưng phải trả tiền), thì xe đạp là phương tiện thông dụng cho dân Cambridge. Có đến 25% người dân của thành phố này đạp xe đến sở làm hoặc đi học hàng ngày. Đường phố ở đây nhỏ xinh, được đạp xe loanh quanh giữa những ngôi trường cổ kính, những vườn hoa, những thảm cỏ nhung mượt mà là một cái thú. Ngoài ra, thành phố còn ưu tiên quy hoạch đường dành riêng cho xe đạp để khuyến khích mọi người bảo vệ môi trường.
Tôi hiện đang ở Cambridge vào tháng tư, khi mùa xuân yêu kiều đang trải chiếc áo hoa xinh đẹp và nắng vàng đang lung linh gợi cảm. Vào mùa này ai không đạp xe thật là phí phạm nên có rất nhiều những nam thanh nữ tú và cả các ông giáo sư hói đầu đáng kính đang nhấn kèn xe “reng, reng” thong dong lướt xe đạp trên phố nhỏ. Xe đạp ở Cambridge có những chiếc thật buồn cười, bé tẹo và lùn tè như dành cho trẻ con nhưng lại đang được mấy anh chàng sinh viên cao ngồng đạp hăng hái. Xe đạp được dựng trong sân trường, khóa bên các hàng rào, cột vào các cột đèn như những tài sản không mấy giá trị. Nhưng đừng lầm, theo thống kê của sở cảnh sát, hàng năm vào thời điểm này, tức là vào lúc Cambridge đang đầu xuân, có cả trăm chiếc xe bị “thó” hoặc bị gỡ phụ tùng trơ trụi chỉ còn cái bánh xe bị xích lại. Ngoài ra dân sinh viên còn biết rõ nhiều xe đã bị “làm thịt” mà chủ nhân cũng chẳng buồn báo cảnh sát. Bất quá rình chiếc nào dễ “chôm” thì trả thù lại cho đỡ tức vậy. Trong những con hẻm giữa các colleges, chúng tôi thấy nhiều bảng hiệu sửa xe đạp, tân trang hoặc tháo ráp lại những chiếc xe mới. Và cũng như nhiều ngành nghề thời vụ khác ở Cambridge, các “thợ sửa xe đạp” này hoàn toàn là các thạc sĩ và tiến sĩ tương lai.
Đâu đó trong một cuốn sách người ta nói rằng Cambridge có nghĩa là thành phố của những chiếc cầu bắc ngang sông Cam. Và tôi cũng biết rằng Cambridge còn là thành phố của tri thức, của lãng mạn, của sự trong lành…
Birmingham không bảo thủ
Tôi nghe danh Birmingham đã lâu từ một người “đặc biệt” du học ở đây. Birmingham là một trong những thành phố lớn nhất nước Anh và đây là cái nôi của cuộc Cách mạng công nghiệp với “nick name” như “Phân xưởng của thế giới” hay “Thành phố ngàn nghề”. Từ Birming-ham, các tuyến đường sắt, đường bộ túa ra các khu vực lân cận và là cầu nối cho nhiều thành phố xung quanh. Vì lẽ đó, Birmingham còn nổi tiếng với “Spaghetti junction”. Đây là nơi các cầu vượt được xây dựng thành từng tầng chồng chất lên nhau. Nhìn từ trên cao, những chiếc cầu vượt - xa lộ này đan xen một cách rối rắm, chẳng khác nào một dĩa mì Ý spaghetti.
Thành phố đa văn hóa
Và tôi đã cùng người “đặc biệt” của mình vượt qua “dĩa mì spaghetti” ấy để tiến vào thành phố Birmingham vào một ngày đầu xuân tuyệt đẹp. Với tôi đây là lần đầu, ấn tượng chưa có gì “kinh khủng” khi xe đò chạy “xăm xăm” vào thành phố. Nhưng với “đối tác” đang ngồi kế bên, đây là thời điểm khá xúc động, sau năm năm chia tay, anh đang quay về với những kỷ niệm thời du học với thành phố yêu dấu đã cưu mang trong lúc xa quê hương. Từng dãy phố, từng con đường, từng công trình kiến trúc được anh thì thầm gọi tên. Thật khó tin, sao anh lại có thể nhớ rõ sau bao năm cách biệt.
Công bằng mà nói, Birmingham… xấu quá! Đơn giản bởi đây là thành phố công nghiệp, chẳng thể so sánh với Oxford kiêu kỳ, Cambridge lãng mạn hay London phồn hoa. Nhưng cũng công bằng mà nói, Birmingham có một sức hút mãnh liệt từ sự sống động, năng nổ và tốc độ thay đổi rất nhanh. Thành phố mang dáng dấp của một môi trường đa quốc gia, đa chủng tộc và dĩ nhiên là đa văn hóa. Ngoài phố, tôi gặp rất nhiều người không-da-trắng, họ là người da đen (châu Phi), da tái tái (Bắc Phi), da có màu cà phê sữa (người gốc thổ dân trên các đảo Nam Thái Bình Dương, thuộc địa cũ của Anh), da ngăm ngăm (Ấn Độ, Indonesia) và đặc biệt là khá nhiều người da vàng. Những người gốc Á này cũng đến từ khắp nơi, không hoàn toàn là người Trung Quốc. Họ mỉm cười thân thiện với tôi như một lời chào từ những người cùng chủng tộc. Có vài người đứng bán quà rong và bong bóng đủ màu ở khu trung tâm. Họ chỉ đường cho tôi bằng tiếng Hoa, “xí xố xí xố” vô cùng nhiệt tình.
Dấu ấn “da vàng”
Tôi không có một thống kê nào về tỷ lệ người gốc nước ngoài sống ở Birmingham. Có thể người gốc Á chưa phải chiếm số đông, nhưng một điều chắc chắn là sức ảnh hưởng của cộng đồng này thật đáng kể. Quả vậy, những công trình mang dáng dấp Á châu khá dày đặc trong thành phố. Cổng chào của Birmingham có mái che theo lối kiến trúc Trung Hoa. Thật buồn cười cho một thành phố lớn của Anh. Những giao lộ lớn cũng có những công trình sơn màu đỏ, yểu điệu với những đường cong rặt chất Á Đông. Các chùa chiền cũng khá nhiều và đương nhiên là có dáng vẻ của một vùng đất xa xăm. Ngoài ra, các siêu thị bán đồ châu Á cũng được xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa với những mái ngói vút cong, vòm cổng hình bán nguyệt và mọi thứ đều có màu đỏ tượng trưng cho may mắn. Ở một nhà ga trong thành phố, kiến trúc châu Á cũng hiện diện rõ rệt qua những chiếc cổng được trang trí như mái chùa. Xem ra, cộng đồng da vàng rất chịu khó hòa nhập vào cuộc sống ở Birmingham và muốn để lại dấu ấn của mình thông qua các công trình công cộng. Hẳn họ phải góp tiền hoặc tài trợ cho những công trình xã hội. Và dĩ nhiên, Birmingham cũng “welcome” điều này, thành phố dang tay rộng lòng đón nhận những tinh hoa từ các nền văn hóa khác đem lại, thật thân thiện và gần gũi.
Tất cả những dòng kênh đều chảy
Thật ra, Birmingham không xấu như tôi vội nhận xét. Khi rat rung tâm thành phố dạo chơi sáng chủ nhật, tôi ngỡ ngàng nhận ra Birmingham quá duyên dáng và độc đáo với hệ thống kênh đào vô cùng phong phú. Lẽ ra người ta nên đặt cho thành phố này biệt danh “Venise phương Bắc”. Tuy nhiên, “nick name” này đã được gán cho Amsterdam (Hà Lan) và Brugge (Bỉ) mất rồi. Lịch sử thành phố ghi nhận, từ những năm 1760, một hệ thống kênh rạch phức tạp đã được xây dựng trên một diện rộng, xuyên qua Birmingham và vùng “Black Country” kế đó. Hệ thống kênh rạch này đã giúp người dân vận chuyển hàng hóa. Họ mua nguyên phụ liệu thô về sản xuất và chở ra khắp nơi các sản phẩm hoàn thành. Vào những năm 1820, thành phố cho trùng tu và mở rộng thêm nhiều con kênh nữa. Và kinh ngạc làm sao, tôi được biết Birmingham có tổng chiều dài của các con kênh là 60km, hơn hẳn Venise của Ý (chỉ có 41km).
Ngày nay, hệ thống kênh rạch này khá đẹp mắt, tuy không lãng mạn như Venise hay điệu đàng như Amsterdam, các con kênh của Birming-ham cũng được chăm chút khá cẩn thận với những chiếc cầu duyên dáng bắc ngang, đàn thủy cầm thả rong dịu dàng và những chiếc thuyền con rong ruổi lại qua. Thành phố tận dụng hệ thống kênh rạch dày đặc cho việc đi lại của người dân thêm dễ dàng, họ có thể dùng thuyền như xe bus trên bộ để đi lại trong nội thành và như xe đò để đi ra các vùng phụ cận. Tất cả các con kênh đều được sử dụng và trân trọng như nhau. Tất cả những dòng kênh đều chảy…
Yêu văn nghệ và yêu Nữ hoàng
Chúng tôi may mắn đến Birmingham nhân dịp người dân cả nước đang có nhiều hoạt động mừng sinh nhật Nữ hoàng. Tại quảng trường trung tâm, từng nhóm các nghệ sĩ nghiệp dư quây quần múa hát vui nhộn. Tôi cũng hòa vào ngồi chung với hàng trăm khán giả, kế bên là một chiếc xe nôi có chú bé mập mạp nhún người theo tiếng nhạc. Thật lòng mà nói, trình độ biểu diễn của họ không có gì đặc sắc, nhưng lòng nhiệt tình và sự đam mê của những nghệ sĩ nghiệp dư này thể hiện thật rõ rệt. Họ mặc trang phục truyền thống, tập dượt công phu nhiều tháng trời, thậm chí còn phải kiêng ăn để có được vóc dáng thon thả. Đa phần họ đều ở độ tuổi về hưu, tóc điểm bạc nhưng dáng dấp vẫn cố hết sức giữ cho gọn gàng. Các ông cao dong dỏng, nhảy múa những điệu dân gian rất thong thả, khoan thai, ra chiều “gentleman” lắm. Các bà điệu đàng hơn, hay cười với khán giả và xúng xính trong những chiếc đầm phùng xòe. Nhóm các em thiếu nhi càng náo nhiệt, tuy trong lúc diễn các em hay lúng túng vì quên bài, nhưng sự hồn nhiên đã làm các nghệ sĩ nhí trở nên thật đáng yêu.
Thành phố không bảo thủ
Người ta nói dân Anh bảo thủ không phải là không có lý do. Nhưng tại Birmingham, tính bảo thủ dường như rất nhạt nhòa. Nếu như những thành phố khác giữ nguyên các kiến trúc công cộng trong nhiều thập kỷ, Birmingham sẵn sàng xóa bỏ những cái không còn hiệu quả và nhanh chóng cho xây những tòa nhà hiện đại thế vào. “Đối tác” của tôi luôn miệng ngạc nhiên: “Cái này mới! Cái này hồi đó chưa có! Cái này lạ quá!”. Này là khu chợ Tàu được mở rộng diện tích kinh doanh. Kia là shopping center BullRing mới xây nằm thật hoành tráng, sát bên một công trình cổ xưa giữa trung tâm thành phố. Và ấn tượng nhất là “The new Selfridges building”, một trung tâm mua sắm có thiết kế lạ lùng, mới mọc lên. Tòa nhà có phân nửa diện tích trông khác hoàn toàn với nửa kia: dát những “hột nút áo” khổng lồ, kín bưng không một cửa sổ và hình thù “cong cong ẹo ẹo” ngộ nghĩnh.
Thành phố Đại học
Birmingham còn nổi tiếng là thành phố Đại học. Và cũng vì lẽ đó, “đối tác” của tôi mới đến du học và năm năm sau có dịp nhảy chân sáo dắt tôi quay về “thăm trường xưa lối cũ”. Anh rất tự hào về ngôi trường của mình: Đại học Birmingham.
Đây là một trong ba trường lớn của thành phố, cùng với Đại học Aston và Đại học Central England. Đại học Birmingham không hề giống những ngôi trường cổ kính ở Oxford hay Cambridge, trường này có kiến trúc hiện đại, to “khủng bố” với một tháp đồng hồ cao chót vót và mừng rằng không đến nỗi xấu xí. Trường có khuôn viên rộng rãi phủ xanh bằng các loại cây cỏ. Mùa xuân hoa nở rợp trường thật ấn tượng. Này là hoa đào hồng, này là hoa đào trắng, này là hoa huệ vàng… Tuy có kiến trúc hiện đại, Đại học Birmingham lại có lịch sử đến trên 100 năm. Ký túc xá nằm sát bên thì rõ ràng là mỗi năm được nới rộng thêm đáng kể. Vậy mà cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên từ khắp nơi đến học. Xung quanh trường là những khu phố được người dân dành cho sinh viên thuê. “Đối tác” dắt tôi tìm thăm lại “nhà cũ”, một căn nhà be bé, có ba phòng ngủ và một căn bếp. Nhà hiện chưa có ai thuê nên đang treo bảng “To let” trước cửa. Những kỷ niệm của một thời đèn sách ùa về, vất vả mà tràn ngập hân hoan…
Straford-upon-Avon bị thời gian bỏ quên
Người Anh thật biết cách làm du lịch và có đầu óc Marketing khá tốt. Quê hương của Shakespeare nằm ở thị trấn Straford-upon-Avon là một ví dụ. Thị trấn nhỏ xinh nằm bên dòng sông cũng nhỏ xinh không kém, ấy vậy mà hàng ngày hút đến hàng trăm khách du lịch. Mọi người đến đây để thăm “bất động sản” của dòng họ Shakespeare để lại. Nói vui như thế, vì trong tour du lịch, khách chỉ đi theo sơ đồ đến những địa điểm thuộc về Shakespeare. Nhưng tôi không hề hối hận đặt chân đến quê hương “cụ Shakespeare”, vì sao nhỉ?
Thị trấn bình yên
Xét về mặt “peaceful”, Straford nằm bên dòng sông Avon hiền hòa là một trong những thị trấn bình yên nhất mà tôi đã ghé qua. Ven rìa thị trấn vẫn còn là những cánh đồng trải dài một màu xanh rợp mắt, ẩn hiện trong những khóm cây là những ngôi nhà cổ xinh xinh. Và dòng sông phẳng lặng với đàn thủy cầm lững lờ soi bóng chảy vắt ngang đã vẽ nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Tôi cứ ngỡ mình lạc vào nước Anh của mấy thế kỷ trước, khi người ta sống chan hòa cùng thiên nhiên và chẳng mảy may quan tâm đến… tình hình tài chính bất ổn ở phố Wall, giá vàng dựng đứng chóng mặt hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Quả thật, chiếc cầu đá xưa lơ xưa lắc bắc ngang sông càng làm không khí “trung cổ” thêm sống động.
Những con người sống ở thị trấn bị thời gian bỏ quên này hình như cũng thuộc về quá khứ, họ chậm rãi đọc báo trên những băng ghế gỗ, ngồi trong bóng râm của hàng cổ thụ và ung dung tự tại ngắm khách du lịch đang há mồm ra thán phục cảnh “thiên đường là đây”. Phố xá ở Straford cũng thuộc về thời xưa cũ, không một bóng xe hơi và lát toàn đá xanh bóng loáng. Thị trấn chia nhỏ các khu rạch ròi như một bàn cờ, đã tồn tại suốt 800 năm nay kể từ những ngày đầu xóm nhỏ thôn quê được quy hoạch thành một thị trấn.
Bất động sản của dòng họ Shakespeare
Theo tài liệu du lịch ghi lại, cụ thân sinh ra chàng trai yêu văn thơ là một nhà buôn “có máu mặt”, chuyên về các loại hàng bức thiết của cuộc sống như ngũ cốc, vải vóc, len dạ… Phi thương bất phú, nhờ giàu có, cụ ông trở thành thị trưởng Straford vào nằm 1568. Chàng lãng tử đa tình Shakespeare thế là xuất thân từ giai cấp “con nhà giàu”, chàng kết hôn với Anne Hathaway, một cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” và cho ra đời ba người con. Bỏ lại sau lưng Straford buồn thiu để dấn thân vào những đoàn kịch danh tiếng ở Luân Đôn, Shakespeare ra đi vào năm 1588. Để rồi khi chồn chân mỏi gối sau bao nhiêu thị phi trốn kịch trường, “lão kịch tác gia” quay đầu về cố hương năm 1612 và mất vào năm 1616 khi tròn 52 tuổi. Tôi dùng từ tròn vì ông mất đúng vào ngày sinh nhật của mình, ngày 23-4. Thi hài ông được chôn tại nhà thờ Holy Trinity, nằm sát bên bờ sông Avon hiền hòa. Hiện tại Straford còn lưu dấu khá nhiều “bất động sản” của dòng họ Shakespeare và đều được đưa vào tour du lịch. Trước tiên là “Shakespeare Birth place”, ngôi nhà đại văn hào đã oe oe cất tiếng khóc chào đời. Nhà này được trung tu cực tốt và đã biến thành một bảo tàng về Shakespeare, nằm trên phố Henley ngay trung tâm thị trấn.
Tiếp đến là “Nash’s house”, ngôi nhà của Nash. Nash là cháu rể, kết hôn với cháu ngoại của Shakespeare. Ngôi nhà cũng đã biến thành bảo tàng với các vật dụng cổ xưa còn lưu dấu thời hoàng kim, mức sống vương giả và đẳng cấp “đại gia” của dòng họ này. Trong vườn còn ghi rõ đây thực chất là nhà của Shakespeare, khi ông rời Luân Đôn về quê nghỉ hưu, ông đã sống những ngày cuối đời và đã mất tại đây. Vì thế, Nash’s house còn được gọi là “New Place”. Kế đến là “Hall’s Croft”, trang trại của Croft. Chủ nhân là con gái của Shakespeare và trang trại cũng biến thành bảo tàng với khối lượng vật dụng tuyệt đẹp bên trong. Ngoài ra còn “Anne Hathaway’s Cottage (trang trại của Anne Hathaway) và “Mary Arden’s house” (nhà của Mary Arden). Hai nơi này nằm ngoài rìa thị trấn, trông dân dã hơn với các mái vòm bằng rơm trộn đất. Tất cả đều thuộc gia đình Shakespeare. Và toàn bộ nhóm bất động sản này đều nói lên dòng họ Shakespeare thật giàu có, hàng “đại gia” chứ không phải chuyện vừa. Đặc biệt, người dân nơi đây xem ra vô cùng trân trọng và tôn kính Shakespeare.
Những ngôi nhà gỗ viền đen
Ở Straford, tôi còn chiêm ngưỡng thêm những ngôi nhà xinh xắn độc đáo khác. Đó là dạng nhà bằng gỗ, có những sọc đen trang trí trông như một anh chàng mặc bộ “pyjama” kẻ sọc đỏm dáng. Dạng nhà này thường gặp ở các thành phố nằm sát rừng, có nguồn gỗ phong phú để hỗ trợ các công trình xây dựng. Tôi đã thấy loại nhà này ở Rennes (Pháp). Người Pháp gọi kiến trúc này là “maison à colombages”, còn người Anh gọi là “half-timbered house”, tức là nhà gỗ viền. Trong dãy nhà gỗ viền đen trên phố High Street, khách sạn Shakespeare trông nổi bật nhất. Và sát đó, ngôi nhà có bảng tên “Harvard’s house” cũng là nơi được khách du lịch tìm đến. Hiện nay nhà thuộc tài sản của trường Đại học Harvard. Đây là nơi mục sư John Harvard, vốn tốt nghiệp Đại học Cambridge, đã từng cư ngụ trước khi sang Mỹ sinh sống và thành lập trường Đại học danh tiếng mang tên mình. Trường này nằm trong thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
Cách “Harvard’s house” không xa là… ngân hàng HSBC. Sở dĩ tôi nhắc đến ngân hàng này vì nó được tọa lạc tại một ngôi nhà màu đỏ hồng, cổ xưa mà hiện đại. Và vì rất nhiều người lầm rằng HSBC (The Hong-kong and Shanghai Banking Corporation) là ngân hàng của Hong-kong hoặc Trung Quốc. Thực chất, HSBC là của Anh, có trụ sở chính đặt tại Luân Đôn và ngân hàng này có mặt ở khắp các thành phố lớn nhỏ của Anh, chỗ nào có vị trí đắc địa nhất thì HSBC đều xí phần. Sát bên HSBC là những tên tuổi fast-food, nằm “tế nhị” trong những ngôi nhà gỗ viền đen như Pizza Hut, Mc Donal… Khu shopping center cũng được “ẩn mình” trong dãy nhà gỗ. Điều này khiến Straford không bị “phô” vì cuộc sống hiện đại đã tràn tới. Ngồi ăn chiếc pizza nóng, uống coca lạnh và ngắm phố nhỏ Straford một chiều xuân, tôi thầm cám ơn Shakespeare. Sự nổi tiếng của đại văn hào đã kéo tôi đến với thị trấn hiền lành bên dòng Avon xinh đẹp.
Đến Warwick xem lâu đài ma
Tôi chưa từng thấy ma trong đời, nhưng nếu hỏi tôi có tin ma hiện hữu hay không thì tôi nghĩ là có. Người Việt mình tin có ma đã đành, đến Anh mới biết dân sứ sương mù còn tin sái cổ hơn. Ở Anh hiện tại có rất nhiều tour du lịch đi xem ma trong các lâu đài cổ của những vùng hoang vắng nằm ở phương Bắc. Người ta biết cách kích thích trí tưởng tượng khách du lịch, đến mức treo bảng ai dám ngủ một đêm trong căn phòng ma thì được thưởng tiền. Trong thời gian ở Anh, tôi không có thời giờ để đi lên phương Bắc xem ma, những cũng kịp tranh thủ đến Warwick, một thị trấn nhỏ vùng Trung du, đến lâu đài Warwick thăm hồn ma của Sir Greville.
Lâu đài Warwick
Từ Birmingham sôi động, chúng tôi lấy xe lửa chừng một tiếng thì tới Warwick. Thị trấn này hiện ra âm u, thâm trầm và yên ắng. Một bà già ở nhà ga nhìn chúng tôi bí hiểm, hỏi gọn lỏn “Đến lâu đài xem ma phải không?” rồi nắm tay tôi lôi theo để chỉ đường. Tay bà lạnh, gương mặt nhăn nhúm rất ma quái, khi bà cười để lộ cái miệng chẳng còn một cái răng. Nhưng đang ba giờ trưa, không lý gì ma hiện ra giữa ban ngày, nên chúng tôi cười hì hì lại với bà. Bà lão sao khi chỉ đường cũng chuồn lẹ. Không quên chúc chúng tôi gặp được hồn ma của Sir Greville.
Lâu đài Warwick to lớn, cao ngạo nghễ, từ xa đã nhìn thấy những ngọn tháp thâm trầm. Thật ra phải gọi đó là pháo đài bởi kiến trúc không có tí lãng mạn nào, ngược lại, nơi đây được xây dựng để phòng thủ với những bức tường đá dầy, kín đáo để mai phục kẻ thù. Bỏ ra mười tám bảng Anh để chui vô lâu đài Warwick, chúng tôi không hy vọng chỉ được xem ma mà còn muốn nhìn thấy nhiều điều độc đáo khác. Lâu đài Warwick có lịch sử kéo dài hơn 1000 năm. Lâu đài được xây từ thời nội chiến Anh, qua hàng bao thế kỷ, trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh. Lâu đài đến nay vẫn đứng sừng sững, bên trong những bức tường thành cao chót vót là hàng ngàn thánh tích, di vật, các bộ giáp sát để ra chiến trường và các loại vũ khí đa dạng. Lâu đài cũng có thể được gọi là bảo tàng, những loại vũ khí, áo giáp được trưng bày khắp nơi. Ngoài ra, các tượng sáp diễn lại cảnh các công nương, bá tước đang sinh hoạt trong các phòng cũng khiến khách hình dung được một thời lịch sử. Đặc biệt, cảnh tra tấn bằng những dụng cụ dã man, cảnh hành hình trong ngục tối, trong hầm sâu với những thân người nhễ nhại máu chưa gì đã khiến tôi rùng mình.
Câu chuyện của Sir Fulke Greville
Từ thời người Norman xâm lược cho đến thời chiến tranh kéo dài hàng trăm năm với người Pháp, lâu đài Warwick đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và là ngôi nhà của các bá tước hùng mạnh xứ Warwick. Từ năm 1604, lâu đài được vua James Đệ Nhất cấp cho Sir Fulke Greville. Lâu đài khi đó đang ở trong tình trạng siêu vẹo, đổ nát và Sir Greville phải bỏ ra hàng núi tiền để sửa chữa, trùng tu lại. Ông cũng biến lâu đài từ chỗ sặc mùi binh đao thành nơi trú ngụ bình yên. Việc sửa chữa kéo dài đến năm 1617, vừa kịp để đón vua James Đệ Nhất đến thăm. Sir Greville cho xây thêm một tòa tháp ở phía Nam của lâu đài để làm cổng bảo vệ khi có kẻ thù đến bằng hướng bờ sông. Sir Greville cũng dọn về tòa tháp này để ở hẳn.
Mặc dù Sir Greville được xem là một hiệp sĩ rất rộng lượng, ông lại có một kết cục bi thảm. Vào năm 1628, trong một cuộc họp ở Luân Đôn, Sir Greville đã tranh cãi rất căng thẳng với Ralph Haywood. Haywood từng là một người hầu của Sir Greville và hắn đã thuyết phục mọi người rằng Sir Greville không xứng đáng để nhận nhiều quyền lợi đến thế. Trong lúc tranh cãi, hắn rút dao đâm Sir Greville và sau đó khi ý thức được việc làm điên rồ, hắn tự đâm mình để tự tử. Sir Greville chưa chết ngay mà bị thương và được đưa về lâu đài Warwick. Ông hấp hối tại lâu đài của mình. Với vết thương quá nặng, ông chết một tháng sau đó.
Hồn ma hiện trên bức chân dung
Hồn ma của Sir Fulke Greville được xem là không siêu thoát vì ông ra đi không bình yên. Tương truyền ông nghĩ mình lẽ ra nên chết dưới tay kẻ thù hơn là bị chính người hầu của mình sát hại. Thế là cho đến tận ngày nay, hồn ma của ông vẫn còn lẩn quẩn trong tòa tháp ông ngụ trước khi chết ở lâu đài Warwick. Theo lời của những nhân viên trông coi lâu đài, hồn ma của ông hiện ra trên bức chân dung treo ở lò sưởi trong thư viện và đi lòng vòng quanh các căn phòng. Những người quản lý lâu đài ngày nay rất có óc sáng tạo, họ tổ chức các tour tìm gặp ma vào mùa Tảo mộ (Halloween Ghost Tour), các tour đi săn trong khuôn viên lâu đài, các lễ hội hóa trang theo dòng lịch sử, các buổi dã ngoại dành cho trẻ em với các hoạt cảnh theo cổ tích… Lâu đài còn khuyến mãi giá vé vào cổng dành cho cả năm là hai mươi bốn bảng Anh. Với nhiều hoạt động như thế, hồn ma nào còn trú nổi trong lâu đài Warwick đây? Tuy vậy, nếu bảo tôi “qua đêm” trên giường Sir Greville thì tôi cũng không có gan vì dù sao, tòa lâu đài cũng rộng khủng khiếp và luôn có vẻ gì đó rất “ám khí”. Thôi thì chẳng mong ở lại tòa tháp để diện kiến Sir Greville nên trời vừa sụp tối là chúng tôi đã vội lên đường rảo bước ra ga, về với Birmingham sầm uất.
Người Anh xem ra giàu trí tưởng tượng và biết cách marketing các tour du lịch hơn hẳn dân láng giềng Pháp, Đức, Bỉ… xung quanh. Dù rằng lâu đài hoang hay pháo đài với những truyền thuyết xác người chất cao như núi nước nào cũng có. Chuyến đến thăm lâu đài ma Warwick là một kỷ niệm vui, dù rằng thực lòng tôi không mong gặp hồn ma của Sir Greville. Bạn biết không, bức chân dung treo ở lò sưởi trong thư viện cho thấy ông không hề đẹp trai. Giá hồn ma ấy đẹp lồng lộng như hoàng tử William thì cũng đáng. Tôi sẽ trốn lại trong tòa tháp một đêm.
PHỤ LỤC
Lung linh hoa mùa xuân
Nếu ai hỏi tôi châu Âu tuyệt nhất mùa nào thì tôi cho đó là một câu hỏi khó trả lời vì mùa nào cũng có cái hay của nó. Tuy nhiên nếu cho tôi được quyền chọn thì mùa Xuân là thời điểm lý tưởng nhất trong năm. Này là trời trong xanh, này là nắng ươm mật, này là hoa lung linh.
Với tôi, hoa châu Âu vào mùa xuân không rực rỡ như đang hè, không đằm thắm như đang thu và không thẹ thò như đang đông. Vào xuân, hoa mới bắt đầu rộ nhú sau một mùa đông lạnh giá, trời càng ấm hoa càng bung cánh, xòe nhụy, tỏa hương. Hoa đẹp một cách dịu dàng mà lại tỏa một sự hồi sinh mãnh liệt. Trong làn gió xuân nhè nhẹ, dưới ánh nắng vàng mong manh, hoa lung linh khoe sắc. Không còn cảnh tượng nào nên thơ và náo nức bằng.
Vào xuân, dân châu Âu với tâm hồn yêu thiên nhiên sâu sắc đã tốn nhiều công sức và tiền của để trùng tu lại những công viên, vườn hoa, những nơi công cộng bị mùa đông phủ một lớp áo xám buồn tẻ. Hoa cỏ với khí trời ấm áp và sự chăm sóc của con người vì thế được nâng niu, trân trọng và nhẹ nhàng tỏa hương. Một lần đến Paris vào đầu mùa xuân, tôi như choáng ngợp trước những hoa là hoa đang trải đều khắp kinh thành ánh sáng. Hoa Hồng thắm rực, hoa Cúc vàng tươi, hoa Pensé tím sẫm, hoa Tulip muôn màu…
Hoa không chỉ hiện diện ở công viên, trong sân vườn, trước các cửa hàng, trên bậu cửa sổ mà hoa còn mọc tưng bừng ở các lối đi, len lỏi vào các ngóc ngách vỉa hè và bám lững lờ trên những bức tường vách đá rêu phong. Thoạt trông tôi ngỡ hoa tự mọc với một sức sống mãnh liệt nhưng một lần tình cờ thấy những người trồng hoa tay nâng niu những hạt giống gieo xuống đất và trồng từng nhánh hoa mềm mong manh vào những lối đi, tôi mới nhận ra hoa được yêu thương đến mức nào. Và dù hoa hiện diện khắp nơi và đẹp hực hỡ luôn thu hút người ta nhìn ngắm và ngưỡng mộ, chẳng ai có ý định “chôm hoa” đem về. Muốn trồng hoa trước hiên hoặc có nhu cầu tặng hoa cho ai thì phải mua ở cửa hàng với giá rất “đắn đo”.
Đến Amsterdam, thủ đô của hoa Tulip, tôi lại càng thấy mùa xuân gieo mầm sống tưng bừng. Những cánh hoa Tulip dài nõn nà, mọc chân phương, không kiêu sa như hoa Hồng mà có một sức quyến rũ riêng. Vườn hoa Keukenhof của Hà Lan cũng là nơi thu hút du khách nhất thế giới mỗi độ xuân về. Người ta đến đây chỉ để ngắm hoa, và hoa quả thật là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời nhất.
Sang Anh cũng vào một ngày xuân, tôi nức lòng thấy hoa được trồng theo kiểu tự nhiên. Dù hoa vẫn theo luống với một trật tự nhất định, nhưng cũng được phép mọc “thoải mái”, rất thiên nhiên. Những bông hoa khoe sắc trong Saint Jame’s Park, công viên trước điện Buckingham, có “số phận” thật đặc biệt. Từng bông hoa, từng con thiên nga và kể cả từng ngọn cỏ trong công viên này đều trực thuộc quyền sở hữu của Nữ Hoàng. Chẳng du khách nào dám nghĩ đến việc ngắt trộm một cành hoa. Những cây hoa Anh Đào rực rỡ sắc hồng tha hồ làm mọi người ngẩn ngơ.
Hoa cỏ thật trong lành và được con người nâng niu nên trong Saint Jame’s Park, các con thú nhỏ như sóc, chim, quạ… chạy nhảy vô tư giữa những du khách thập phương dập dìu. Các thành phố đại học cổ kính như Oxford, Cambridge, Birmingham cũng đầy những hoa là hoa. Hoa níu lòng lữ khách ghé ngang, hoa làm bọn sinh viên trở nên lãng mạn bỏ rơi sách vở, hoa khiến người ta tức cảnh sinh tình.
Này những cánh Tulip vàng quyến rũ, này những đóa Hồng đỏ kiêu sa, này những chùm Anh Đào lộng lẫy… Lung linh xuân lại về!
Cùng đón chúa xuân giữa lòng châu Âu
Năm 2001 tôi du học tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Không phải là lần đầu xa nhà vào ngày tết nên tôi chờ đón dịp đặc biệt này một cách phấn khích trong khi những tu nghiệp sinh khác đang phát sốt vì nhớ quê. Khi nghe giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, trưởng khoa của khoa “Cơ học Phá hủy”, Đại học Liège (và là chủ nhiệm chương trình đào tạo Cao học Bỉ - Việt MCMC) gợi ý nhóm tu nghiệp sinh ở Liège chúng tôi nên tham gia văn nghệ cũng đón xuân do Sứ Quán Việt Nam tổ chức ở thủ đô Bruxelles, tôi tán thành nhiệt liệt.
Tập văn nghệ cùng đón xuân
Thầy Hưng có một tâm hồn văn nghệ vô cùng dạt dào nên đã có một “tham vọng” thành lập ban văn nghệ “Những cánh chim Liège” với số tiết mục đăng ký lên đến hơn mười bài. Thầy “tổng động viên” toàn bộ lực lượng tu nghiệp sinh là học trò của thầy và tôi, một du học sinh “cô đơn” vì không nằm trong tổ chức nào cả. Chúng tôi đến nhà thầy tập hát đồng ca, những bản nhạc xuân do thầy sưu tầm, photo cẩn thận đưa từng người. Cậu bạn Huy Gia có ngón đàn guitar rất điêu luyện nhưng do phải một mình chiến đấu với cả chục tiết mục, bàn tay cậu muốn sưng vù. Bản thân thầy Hưng thì “máu” tới mức một mình đăng ký hai tiết mục đơn ca, một bài tiếng Anh và một bài tiếng Pháp. Tôi là nữ duy nhất trong dàn “văn nghệ củ gừng” của nhóm Liège nên được đặc cách làm MC bằng tiếng Pháp, dẫn chương trình song song cùng một MC nam dịch tiếng Việt. Thấy đám chúng tôi tập tành có vẻ tài tử quá, thầy Hưng phải nhấn mạnh “Nghiêm túc lên! Có dân Tây, khách Bỉ, khách Pháp và khách ngoại giao quốc tế đến từ khắp nơi đó!”. Để tăng năng suất những buổi tập, thầy Hưng và cô Mai, vợ thầy, đã cất công nấu nướng bồi dưỡng những ca sĩ nghiệp dư vốn chỉ là những con mọt sách. Càng về sau thầy cô có vẻ “đuối” vì phải nấu món ăn Việt cầu kỳ cho cả nhóm mười mấy người ăn nên chúng tôi chuyển sang ăn spaghetti cho nhanh. Thầy có recette (cách nấu) làm spaghetti rất “Việt Nam hóa”, thay vì nêm muối và ăn kèm phô-mai, thầy lại cho nước mắm vào thoải mái. Dân Ý ăn chắc la làng nhưng đám chúng tôi ăn tới tấp khen ngon. Đúng là dân mình không sao sống thiếu nước mắm mà tụi Tây gọi là “vũ khí” vì khi nấu nghe mùi rất dễ sợ.
Biểu dương lực lượng
Vào ngày biểu diễn hôm hai mươi tám tết, đám chúng tôi bắt xe lửa Liège lên Bruxelles. Ngày đông tháng giá nên ai cũng run lập cập. Nhưng chúng tôi run vì thời tiết thì ít mà vì hồi hộp thì nhiều. Cả đám đều rên sao thầy Hưng “sung” quá. Sứ quán Việt Nam tổ chức đón xuân nên thành phần tham gia cũng khá ngoại giao với đầy đủ các khách mời quốc tế cần thiết. Cô Tôn Nữ Thị Ninh khi đó đang là bà lãnh sự. Cô phải đọc bài phát biểu khai mạc bằng ba thứ tiếng: Việt, Pháp và Anh. Khán phòng khá ồn ào vì được dùng làm hội chợ xuân với các gian hàng bán đồ trang trí, các hoạt động từ thiện và cả gần chục quầy ẩm thực đang bốc khói thơm lừng. Sau bài phát biểu của bà lãnh sự, chương trình văn nghệ bắt đầu. Chỉ là “cây nhà lá vườn” nhưng những tiết mục đầu tiên đã diễn ra khá bài bản. Đến phiên nhóm Liège trình diễn, chúng tôi lục tục kéo lên đứng chật sân khấu. Chưa biết hát hò thế nào, nhưng phần “biểu dương lực lượng” đã gây ấn tượng mạnh. Chúng tôi nhận được khá nhiều tiếng vỗ tay và nhiều cặp mắt đang dồn lên háo hức.
Ly rượu chúc mừng
Tiết mục đầu, vỗ tay! Tiết mục thứ hai, lộp bộp! Tiết mục thứ ba, im lặng đáng sợ! Tiết mục thứ tư, khán giả bỏ đi gần hết để bu đèn trước các quầy ẩm thực! Tiết mục thứ năm, dàn đồng ca chảy mồ hôi ròng ròng dù trời đang dưới không độ! Tiết mục thứ sáu, chúng tôi hát hay chúng tôi rên?! Tiết mục thứ bảy, giá cái sân khấu nứt ra để bọn tôi chui xuống! Tiết mục thứ tám, thứ chín, thứ mười… Cuối cùng, ác mộng cho khán giả cũng phải ngưng, cả đám gầm mặt lục tục đi như trốn khỏi sân khấu. Vậy mà thật kinh ngạc, có một bà người Bỉ là khán giả trung thành và nhiệt tình đã can đảm ngồi lại cho đến tiết mục chót. Khi chúng tôi hát bài “Ly rượu chúc mừng” và giơ tay ra dấu như đang cụng ly thì ở dưới bà cũng giơ ly champagne của mình ra như tán thành. Sau khi hoàn hồn, chúng tôi chạy lại cảm tạ người khán giả đặc biệt lịch sự. Tôi đã hứa với lòng từ nay về sau, tôi sẽ chịu khó vỗ tay khi đi đám cưới hay đám tiệc, mặc cho xung quanh đang cụng ly hay làu bàu “Hát như tra tấn!”. Tôi đã có một niềm thông cảm sâu xa dành cho các ca sĩ nhà hàng.
Có bà vợ già
Sau buổi hội chợ xuân ở Bruxelles, nhóm chúng tôi lại leo xe lửa về Liège. Một anh trong nhóm đã đem theo máy thu âm trong túi áo và bí mật thu lúc hát. Giờ anh mở ra cho chúng tôi nghe lại. Cả đám cười không ra tiếng vì chúng tôi chỉ hát vài bài đầu còn những bài sau thật không khác chi tụng kinh. “Quái” nhất là đoạn “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con…” đã bị cả đám hát thành “Kìa nơi xa xa có bà vợ già” mà không ai ý thức được mình đang hát bậy. Thì ra trong lúc tập, một anh đang “chán cơm thèm phở” đã bày trò hát thành “vợ già” nên chúng tôi hát theo cho vui, nào ngờ lên trình diễn cũng hát bậy luôn. Đêm đó nhiều người ngủ lại trong phòng anh trưởng nhóm để “lai rai” Tất niên, nửa đêm có người đang nằm chèo queo trong gầm bàn bật dậy hát vống lên “Xuân đã về! Xuân đã về!” rồi lăn quay ra ngủ tiếp. Lại có người ngủ mà hát mớ “Cùng đón chúa xuân, vui khắp đất trời!”. Sáng ra họ kể cho tôi nghe với kết luận: sẽ “cạch” nhạc xuân đến già!
Những cánh chim Liège
Tối Giao Thừa, tôi làm ít món Việt Nam mời bạn bè quốc tế ăn chung trong bếp rồi xuống lầu tham gia nhảy nhót với nhóm Trung Quốc. Nhờ sinh viên Trung Quốc rất đông nên không khí khá sôi nổi. Tụi Tây cũng nhân cơ hội đó xáp vô nhảy nhót tưng bừng. Sáng mồng một, nhóm đồng ca “Những cánh chim Liège” đi chúc tết vọ chồng thầy Hưng và được cô đãi món cháo lòng (là món rất sang bên châu Âu). Ngày mồng hai, một anh được vợ gởi qua cái bánh chưng hân hoan mời chúng tôi đến chung vui. Thế là xong, thế là hết tết!
Tôi không biết ấn tượng tết năm đó có còn lưu lại chút gì trong lòng những tu nghiệp sinh Việt Nam ở Liège mà tôi may mắn được quen không. Riêng tôi, tôi vẫn giữ lời hứa luôn vỗ tay khi nghe hát dù người ca sĩ đó có “tra tấn dã man” đến mức nào. Và trình độ MC của tôi hẳn tăng đáng kể sau cái lần dẫn chương trình ở hội chợ xuân Bruxelles, cái lần tôi cứ nói còn khán giả cứ ăn. Ôi, mùi chả giò đang vàng trong chảo thơm lừng, mùi tết, mùi đồng hương, mùi Việt Nam giữa lòng châu Âu.
Công tác ngày Tết
Tết là những ngày thiêng liêng dành cho gia đình, nên người Việt mình bất đắc dĩ mới phải trải qua một cái tết không sum họp. Thế nên năm 2006, khi nghe tin công ty cử đi công tác ngay trong những ngày tết, tôi chợt chột dạ. Dù đã trải qua vài cái tết ở xứ người nhưng lần này tôi vẫn thấy nôn nào.
Paris đang ở vào cao điểm mùa Đông, trời rét đậm cùng những cơn gió cắt da đón tôi trở lại cùng đón tết với mình. Nói “cho sang” thế thôi, chẳng mấy ai quan tâm chỉ còn vài ngày nữa là dân “Chinois” đón tết. Một vài tấm áp-phích dán trong hầm xe điện ngầm thỏ thẻ thông báo sẽ có những hoạt động đón năm mới trong quận Mười ba, nơi người Trung Quốc và Việt Nam ở đông nhất. Thật “bất công” vì dân Tây luôn gọi tết Nguyên Đán là “Nouvel An Chinois” (Chinese New Year) và tôi đã phải nhiều lần làm mặt phật ý để sửa lại là “Năm mới theo âm lịch”. Tập đoàn dược phẩm nơi tôi làm việc dù rất tôn trọng những nền văn hóa đa phương, cũng có vẻ giễu cợt khi cho rằng dân Trung Quốc và Việt Nam mừng năm mới đến hai lần.
Chắc trên thế giới chỉ còn hai nước này đón tết vì dân Nhật, Thái hay bất kỳ nước châu Á nào đã không còn quan tâm đến tết âm lịch nữa.
Sáng hôm Giao Thừa, tôi ghé vào nhà một ông bác họ xa, ông sống độc thân trong một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Paris. Năm nay bác về hưu, rảnh rỗi nên nấu nướng vài món, làm mâm cơm cúng ông bà. Bác đã mời mấy người hàng xóm trong khu nghèo gồm một cặp vợ chồng Ấn, anh chàng ThổNhĩ Kỳ và một bà góa người Tuinisie. Bác mong tôi ở lại cùng đón Giao Thừa nhưng tôi đành từ chối vì tối đó phải đáp xe lửa rời Paris rồi. Thật ra tôi cũng không muốn chứng kiến một Giao Thừa quá đạm bạc trong căn hộ nhỏ bé cũng những người khách tha phương và ông bác cô đơn có cuộc đời buồn tủi.
Tôi trốn vào quận Mười ba, cũng một bà bạn già người Pháp tìm chút không khí lễ hội. ChinaTown cũng không khá bao nhiêu dù đã trang trí những chiế đèn lồng đỏ, lân-sư-rồng, câu đối thư pháp… Xem ra mang màu sắc Hoa hơn Việt. Mọi người co ro trong làn gió đông, tay run, môi lập cập, chân nhún nhảy cho đỡ rét. Nghe nói chiều ở đây sẽ có diễu hành với những thiếu nữ và trẻ em Hoa mặc áo dân tộc. Trong các cửa hiệu chạp phô nhỏ, người ta xếp hàng để mua thẻ điện thoại quốc tế giá rẻ gọi về cho “bên nhà”.
Ở siêu thị “Tang Frères” chuyên trị hàng hóa châu Á, dân chúng sắm sửa tết có vẻ xôm tụ. Có người mua cả chục ký bánh cuốn, hàng tá bánh chưng và cả thùng bánh mứt để đem về tính làm quà cho bà con. Dân tỉnh không có “Tang Frères” nên hàng hóa không đa dạng. Có Việt kiều còn đánh xe từ bên Bỉ, Hà Lan, Đức sang Paris để mua những “món độc” như vịt quay, xá xíu, nem nướng… đem về. Tôi ngó nghiêng thấy một chiếc bánh chưng trung bình ở Việt Nam bán khoảng năm chục ngàn thì bên đây ghi giá ba chục euros. Tôi đùa với bà bạn: “Biết vậy tôi đem qua Paris hai va-li bánh chưng bán kiếm lời!”. Chúng tôi đói ngấu nghiến và giật mình: “Đã một giờ trưa!”. Đến nhà hàng “mối ruột” mỗi lần sang Paris, chúng tôi đành xếp hàng chờ đến lượt được cho vào. Nhà hàng Tre xanh quả rất đắt khách, ở đây khẩu vị rất Việt và giá cả phải chăng. Những nhà hàng khác xung quanh nấu hơi bị “lai” nên thà phải xếp hàng trong làn gió đông khó chịu tôi vẫn cam lòng.
Chờ chừng hai mươi phút, chúng tôi cũng được vào. Khá đông những gia đình tụ tập lại ăn Tất Niên và coi như xong một cái tết xa quê. Tôi hỏi bà chủ không nghỉ bán vài ngày tết, bà cười: “Mở nhà hàng với hàng trăm thứ thuế! Nghỉ bán ngày nào mất sở hụi ngày đó! Coi đông khách vậy chứ cũng chật vật, cạnh tranh dữ quá! Dân Việt mình tính xấu lắm!”. Tôi không dám hỏi nữa vì phải thông dịch lại cho bà bạn Pháp, không lẽ vạch áo cho người xem lưng nói người Việt chuyên bán phá giá, cùng kéo nhau chết chùm. Đúng là bản tính người mình thật khó đổi dù sống cùng khu với người Hoa vốn đoàn kết một lòng “buôn có bạn, bán có phường”. Nhờ tính đoàn kết mà hai anh em nhà Tang khi di cư đến Paris chỉ với hai bàn tay trắng mà sau hơn chục năm đã có siêu thị sầm uất “Tang Frères” với mấy trăm nhân công.
Tôi và bà bạn Pháp gọi hai tô bún riêu, một dĩa gỏi ngó sen, một cái bánh xèo, một phần bánh ít trần, một chai bia Tàu và một bình trà nóng. Phiếu tính tiền ghi năm mươi mốt euros. Rẻ chán so với đồ ăn Tây! Ăn vừa xong phải vọt liền, lấy bàn trống cho thực khách khác đang tê tái xếp hàng ngoài trời đông. Chúng tôi lang thang vài vòng quanh quận Mười ba rồi tìm xe điện ngầm quay về.
Buổi chiều, hai chúng tôi đón xe lửa đến Blois, vùng sông Lois với những tòa lâu đài cổ tráng lệ trứ danh. Tôi đi thăm ông sếp người Pháp cũ. Ông định đánh xe hơi lên Paris rước nhưng thời tiết xấu quá, tuyết rơi dày, băng trơn rất nguy hiểm. Chúng tôi về nhà ông và thấy ông bày bàn ăn lộng lẫy chờ sẵn. “Ông biết hôm nay là Giao Thừa của Việt Nam?”, tôi ngạc nhiên thú vị hỏi. Ông già hịch hạc thú nhận không để ý tết nhứt gì cả. Chẳng qua đón khách quý thì bày tiệc thôi. Ba cúng tôi ăn cá xông khói, uống champagne coi như đón Giao Thừa. Tôi check email, bên Việt Nam viết dặn tôi phải mặc áo màu trắng đi xuất hành đầu năm. Ông già nghe thế bèn lục tìm chiếc áo khoác to sụ màu cháo lòng từ thời vua Louis mười sáu cho tôi trùm vào. Ông mở cửa xua tôi” “Đi một vòng xuất hành đi! Tao chịu thua, trời lạnh quá!”. Tôi lò cò dẫm chân lên tuyết đi chừng vài chục bước, ngoảnh vào thấy không khí ấm sực trong nhà mới thấy mình dại. Xuất hành đi đầu năm hên đâu không thấy, chỉ thấy cảm lạnh đến nơi thì tiêu đời. Tôi từng bị mùa đông hành viêm họng một trận trối chết nên sợ. Tôi quay vào nhà, lục túi tìm thẻ gọi điện thoại giá rẻ mua ở quận Mười ba. Đường dây kẹt cứng rất lâu, sau một hồi thử tới thử lui, tôi kết nối được với Việt Nam nhưng bên nhà không nghe được giọng tôi. Ba tôi quạu quọ “Tết nhất đứa nào du côn phá hoài vậy!”. Tôi đành nói chỉ cho tôi nghe: “Chúc mừng năm mới!”. Bên kia ba tôi trả lời: “Alô! Ai thì lên tiếng đi sao gọi hoài mà mắc cỡ gì không chịu dạ dùm!”.
Ngày mùng hai tết tôi đã quay lại Paris cùng những cơn gió đông rét mướt. Tôi vào cuộc họp của công ty với những người đồng nghiệp quốc tế. Có người Thái, người Philippines, người Nhật, nhưng chẳng ai nhớ có một cái tết Nguyên Đán đang diễn ra. Thế mới hiểu nhiều Việt kiều ở các nước phải ăn tết Ta vào đúng dịp Noel và tết Tây, để cùng tận hưởng cái không khí lễ hội, những ngày nghỉ kéo dài mới sum họp được bạn bè ở châu Âu. Họ chúc tụng, lì xì và cùng ông bà, để rồi đúng ngày tết Việt thì chỉ quạnh hiu đốt một nén nhang trên bàn thờ. “Con cháu tha phương thì ông bà cũng thông cảm! Lại một cái tết xa quê…”
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin dành tặng cuốn sách này cho Ba và Mẹ tôi, những người luôn dõi theo con mình với một lòng tin yêu tuyệt đối dù không tránh khỏi những lo lắng như tất cả những bậc phụ huynh trên thế gian này. Tôi cũng cám ơn anh Võ Sáng Xuân Vinh, là “bồ” đồng hành rong ruổi ở các thành phố của Vương Quốc Anh. Cảm ơn anh đã luôn ủng hộ những chuyến đi của tôi và những tấm hình tranh thủ chụp vào những lúc công tác bận rộn.
Tôi cũng nhân cơ hội này để cảm ơn các tổ chức đã cấp học bổng để từ đó tôi có cơ hội được đến những vùng đất xa xôi mà gần gũi. Cảm ơn Sứ Quán Pháp (và IDECAF), Sứ Quán Bỉ (Belgian Technical Cooperation), hội “Ouest Fraternité” của báo “Ouest France”…
Tôi cũng không quên những người bạn lớn người ngoại quốc (bà Michelle Jouannaud, ông Claude Roy, gia đình Jouve, Peyron, Rieu, Roux, Figueiredo…), các cô chú Việt kiều (cô dượng Tuyết Ba-Claude Rioux, cô Tố Nga, cô chú Hội-Liên, bà Đậu, anh chị Hà Hùng…), các anh chị và các bạn du học sinh Việt Nam ở Liège, các bạn gái thân từ hồi Đại học…
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi xin được cám ơn các anh chị phòng Xuất Bản của báo Tuổi Trẻ đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện cuốn sách nhiều ý nghĩa này.
Dương Thụy
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro