Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Truyen ngan "Chuyen nang"

Phan Hồn Nhiên

Chuyện nắng

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Cánh cửa sổ khép hờ để lọt vào căn phòng tối chùm tia sáng vàng nhạt. Thi thoảng gió luồn qua lá vườn làm những vết bóng trên vách đông đưa. Đâu đây, lẫn vào nhau mùi đất ẩm và hương lá kho gần rụng. Châu trở mình kéo lại chăn, ủ nóng cái cặp nhiệt độ để chốc nữa ông vào xem sẽ nghĩ rằng nó vẫn còn sốt. Đã vài lần nó vờ ốm - vi tính ma mãnh hơn là do ý lừa dối. Đơn giản chỉ để nằm co mơ ước vẩn vơ và được chén nhiều hơn những món ăn vô bổ bây giờ dễ được làm thỏa mãn. Nuốt chửng vài viên kẹo khi nó khám lưỡi. Châu nhăn nhó lên: "Cháu đau tận trong óc đấy ông ạ!". Ông cụ đặt lên trán nó, chẳng mấy tin tưởng: "Người ta sẽ đau như thế khi trong đau có một đàn quỷ sứ tinh quái luôn nhảy nhót không ngừng". Niềm vui trốn học thêm một buổi chiều tan biến nhường chỗ cho hình ảnh thằng bạn đáng ghét mới bị xếp ngồi chung bàn bắt đầu chập chờn. Trùm kín trong chăn, nó nghĩ mình cứ như chú Cuội đã đến thời gian đầy ải, mà bị đày trên một vầng trăng khuyết.

Ngày trước thằng Phan ngồi ở cuối phòng, cô độc trong góc lớp nên khi nào có ai khen bài nó được điểm cao thì Phan sẽ rụt cổ lại, mắt nhớn nhác nhìn quanh như một tội đồ. Vài đứa đã thử thó cái mũi đỏ ca rô độc đáo của Phan nhằm mục đích trưng diện, nhưng sau đó đã tốt bụng hoàn trả ngay vì không muốn người nhà tưởng lầm đã đến lúc phô trương mốt đội trên đầu quả cà chua dập. Tất nhiên cây chổi rơm vẫn yên vị nơi góc nên nó không một lần đứng lén đọc bài trên bảng một cách nhăng nhít trong giờ cô chủ nhiệm. Cô giáo gần như kinh hãi: "Phan, em làm sao thế?". Nó cúi mặt: "Thưa, em cận thị". Cô ngạc nhiên hỏi: "Sao không đeo kính?". Túng quẫn, nó buột miệng: "Thưa, em sợ xấu!". Lớp nổ tung lên cười vài phút rồi nín lặng. Cô vẫn điềm nhiên: "Cậu lên bàn đầu. Chỗ ấy chỉ có một người và cậu ngồi luôn ở đó!". Phan lủi thủi ôm sách vở đi lên theo tiếng trống bàn vỗ bập bùng. Châu quay sang nhìn vị khách rụt rè mặt lấm tấm tàn nhang. Bỗng dưng, nó òa khóc.

Lớp học trên tầng ba ngang tầm vòm me xanh biếc. Với đám học trò luôn tìm cớ để thoái thác việc chú tâm, sự kiện một con chim lạc lối vào lớp lượn lờ hẳn sẽ làm hơn bốn mươi đôi mắt treo lên trần nhà hàng giây và khi chú chim tìm được con đường thoát thân thì khắp nơi lao xao tiếng thở dài khổ não. Phan học giỏi, nó hiếm khi ngước đầu nghiêng ngó tứ tung, phần do bận làm bài, phần vì chẳng muốn mình thành bia tập ngắm cho các bác thợ lò đạn giấy. Phan lên chỗ mới đã hơn một tuần, người cùng bàn vẫn giữ nguyên thái độ không đi đến đàm phán. Mấy hôm đầu, Châu cẩn thận vạch phấn chia đôi bàn ghế, thế nhưng thấy đối thủ không xâm lấn cái biên giới cụ thể này, nó cũng quên luôn. Thỉnh thoảng, Phan lén nhìn nó thăm dò và mỉm cười e ngại. Nghĩ đến con cún ở nhà không đến nỗi xấu tệ khi tức tối. Châu cũng nhe hàm răng sứt ra dọa nạt, lòng thầm mong vì hoảng sợ mà tên xâm lược sẽ rút quân. Cuối tháng Phan mua kính, giáo viên chủ nhiệm vẫn để nó ngồi bàn trên và bộ mặt lớp học sáng láng hẳn lên khi có đôi kính trí tuệ phía trước. Hết mùa mưa bão, nhành me lớn tự bao giờ bất ngờ nghiêng nghiêng tay vào cửa sổ gần chỗ Châu ngồi. Nó hái mấy mảnh lá non xanh nhâm nháp, vị chua dịu gợi nhớ tuổi nào chân lang thang. Phan đóng nắp bút, nói một mình: "Ở quê mùa này mới đẹp", nó ngân nga nho nhỏ, chẳng để ai nghe.

Ba má Châu nhân việc xa, gửi nó về ông bà nội từ thời nó diện cái áo thun vàng chóe chạy khắp nhà. Nếu vui thì không sao, phải lúc đang viết sách nghe đàn voi dậm đùng đùng, ông nó thò đầu ra khỏi phòng, quát lớn: "Châu, mang sợi dây xích con chó Cún vào đây!", nó hoảng hốt: "Chi vậy ông?". Trước vẻ hoang mang của đứa cháu, ông cũng dịu giọng: "Đừng làm ồn nữa, không thì ông buộc vào cột đấy". Dẫu luôn che giấu tội lỗi của nó với ông, nhưng bà nội đã từng dọa mua củ nâu về nhuộm lại các bộ cánh lòe loẹt kia. Nhưng lúc đó, nó nằm chèo queo trên mấy chiếc ghế gỗ, tự cho mình là bất hạnh trên đời. Nhưng sự thích thú gặm nhấm nỗi đau đớn chẳng bao lâu, ông nội nhanh chóng tìm ra chỗ nó trốn và bắt nó ngồi vào bàn học, kèm lời đe dọa sẽ đánh quắn đít nếu cuối học kỳ có môn nào dưới tám phẩy không. Nó gò lưng học, cuối tháng mang về bảng điểm khá cao. Tuy nhiên, ông bà không ngờ được động cơ là học xong trở thành kẻ tìm vàng tài ba. Khi ấy sẽ chẳng có chổi lông gà nào làm hoảng sợ một người cưỡi ngựa bắn súng.

Sau mấy bận cầu thân bất thành với con nhỏ ngồi bên. Phan đem vào lớp cái Walkman bé tí. Đến giờ chơi nó gắn head-phones vào tai, điềm nhiên giải toán và không đếm xỉa tới chung quanh nữa. Châu nhìn ngón tay kia gõ nhịp dồn dập trên bàn, tò mò đến đó sẵn lòng đổi vài điểm mười để được nhét vào tai hai cái nút đen huyền diệu. Giả bộ loay hoay, Châu vứt tọt cục tẩy dưới chân chủ nhân máy hát. Qua mấy phút quan sát, nó rón rén khều tay Phan. Như một tên điếc, người nghe nhạc nói rất to "Gì thế?" và giật bắn mình nhận ra đứa khơi chuyện. Châu lí nhí: "Bên ấy nhặt dùm Châu cục gôm". Phan đeo kích chui xuống gầm bàn mò mẫm, tìm trả viên tẩy. Con nhỏ đánh liều hỏi tiếp: "Bên ấy nghe gì vậy?". Thằng kia mắt ngỡ ngàng, cười " Dân ca đấy, bên ấy thích nghe không?" Châu gật đầu. Suốt giờ chơi còn lại, con nhỏ ri rỉ hát theo "Bắc Kim Thang", không nhận biết mình đã "xuống thang" trước đối thủ. Cuối buổi, Phan hỏi e dè: "Dân ca hay chứ?" Châu đồng ý rồi bảo thêm: " Châu thích cả rock nữa". "Thứ ấy mình nhiều lắm - Phan cười tươi - mai mình cầm theo". Theo thời khóa biểu ấn định, ngày chẵn thưởng thức nhạc trẻ, còn ngày lẻ - máy Walkman phát chương trình dân ca và nhạc cổ truyền. Ở nhà, sau lúc hoàn tất bài vở, con nhỏ ca hát với nhiệt tâm chẳng kém việc hăng say chạy khắp nhà như ngày xưa. Ông sáng suốt hơn nên mua về cái cassette, yêu cầu nó luyện ngoại ngữ thay cho việc trộn lẫn nhạc kim cổ một cách kỳ khôi.

Nhà Phan cách sông một bờ cỏ dại. Ngồi từ hàng rào đổ nhìn ra sông nắng, những con thuyền loáng thoáng sau hoa cỏ trôi lặng lờ như trong cơn mơ. Châu đi xe sang nhà Phan ôn tập. Thoảng khi gió chạy qua phà đem theo mùi hương xứ thượng nguồn mà sông chở xuống. Con nhỏ đóng nắp bút, lắng tai nghe tiếng đàn dây tấu lên bản nhạc đồng quê yên ả. Không dám thở mạnh, Phan cuối đầu xuống nhìn những ngón tay, bỗng dưng nhớ mùa này ở quê cam đã chín và các cột mai già lá thẫm xanh. Bất giác Châu hỏi: "Bên ấy có bao giờ qua sông chưa?" và nó nhăn mặt khi thằng kia lắc đầu: "Thế học bài xong bên ấy làm gì?". Phan bối rối: "Mình có bộ sưu tập ảnh ca sĩ nước ngoài. Mình cũng chơi tem nữa". Đôi khi Phan thoáng xấu hổ vì bỗng kể chuyện về mình. Với Châu, các sưu tập của Châu thật kỳ diệu, nó lạ lẫm soi kính lúp nhìn những bức ảnh John Lennon bé hơn móng tay, và có giấc mơ, nó thấy mình cùng Phan cầm con tem lênh đênh trên đại dương xanh biếc. Gần đến kỳ thi giữa năm, hai đứa học nhóm chiều cho tới khi vãn nắng. Mỗi lúc dắt xe ra cổng hộ con nhỏ, Phan chẳng nói gì chỉ cười lặng lẽ. Và Châu nhận ra đôi mắt thằng kia óng ánh, rất dịu dàng.

Cuối năm ba má Châu biên thư hẹn qua Tết mới về thành phố. Nó cầm phong thư xuống bếp với bà thủ thỉ: "Bà ạ, Tết con không mặc áo dài đâu". "Ối trời!". Giọng bà hốt hoảng. Nó vội vã tiến công: "Bà mua cho con cái áo thun đỏ viền xanh hén, con được học sinh gỉỏi mà". "Để con trông như quả dưa hấu ấy hả - rồi bà chuyển cương quyết - Không được, bà sắm vải lụa hồng rồi". Chiều, nó đèo chiếc lồng nhốt con gà trống tồ sang cho Phan, ngạc nhiên thấy gương mặt tàn nhàn của cây chổi rụng rơm hóa đờ đẫn, ngẩn ngơ. Châu giải thích: "Bên ấy nuôi đi. Mai mốt nó lấy vợ đẻ con đầy bờ sông vui lắm". Thằng kia cười, tai ửng đỏ: "Bây giờ bên ấy không còn con gà đẻ nuôi sao?". Châu lắc mạnh đuôi tóc hoe, rầu rĩ: "Chẳng cần, mình chả thiết gì đâu!". Phan lo lắng: "Bên ấy sao thế. Mình biết được không?". Con nhỏ mím môi: "Mình sợ Tết mặc áo dài, thế là khỏi đi đâu nữa". Nó bỏ về nhà, tự hỏi khi nào sự khác nhau về thẩm mỹ giữa ông bà và nó mới thay đổi, dù chỉ là một tẹo.

Thảm lá mai trải dày còn ấm nắng dưới chân Châu. Những chiếc lá năm cũ lúc rơi cánh, con nhẩm đếm các búp xanh, nhớ rằng ba má hứa sẽ gửi thêm cành đào phương bắc. Mấy hôm trước bắt đầu kỳ nghỉ, hai đứa nó đạp xe dọc bờ sông, trông theo ngoài xa những con thuyền chở hoa rực rỡ. Gió cuối đông còn se lạnh mà người ta đã thôi mặc áo ấm rồi. Châu rầm rì hát lại bài nhạc cũ, nghiêng đầu nhìn nắng trong gió lạnh vàng ươm. Ngoài cồng Phan đến từ lúc nào, nó gọi khẽ "Châu ơi". Con nhỏ dắt bạn vào sân thoáng lo khi thấy Phan đến đột ngột "Có chuyện gì sao?". Phan đặt vào tay con nhỏ gói giấy tròn, nói vội "của bên ấy nè", rồi chụp cái mũ đỏ lên đầu quay xe chạy biến. Châu vào phòng riêng, bàng hoàng rút ra cái áo thun in hoa đỏ. Nó nhớ bộ sưu tập ảnh các ngôi sao nhạc Rock ở nhà Phan mấy hôm nay không còn ở trên tủ, nhớ gương mặt bạn đã từng rạng rỡ biết chừng nào mỗi khi lần giở các trang ảnh cùng đi một quãng tuổi thơ. Ngồi yên lúc đầu, nó hé cửa nhìn xuống phố. Dưới kia chú bán kem vẫn rộn rã rung chuông như mọi buổi chiều. Chỉ có nhà ai đưa chậu cảnh về sớm, mùi hoa ngơ ngác trong tiết cuối năm.

Phan hẹn mùng hai tụi nó theo thuyền người đi lễ qua phía bên sông. Bên ấy làng hoa nụ còn đơm, chờ đến tháng giêng những mùa lễ hỏi. Châu xòe đôi bàn tay nãy giờ khum kín, bên trong nhỏ nhắn hai nụ hoa đào phơn phớt màu. Phan nói nhỏ: "Bên ấy biết mình bắt đầu sưu tập hoa đấy ư?". Châu không đáp. Nó quấn vào ngón tay lọn tóc hoe. Vì nắng óng lên ánh cầu vồng. Và ngoài xa, nắng từ trời đang đi trẩy hội trên sông.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Phan Hồn Nhiên

Người quanh bàn

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Nhà có hàng cây mọc lổn nhổn vây bốn bên, lá rụng và cành mục chìm trong máng nước nghẹt, đong đầy thứ nước mưa lưu cữu sánh màu hổ phách. Bức tường rào thấp ngoài cùng cũng quét chung màu vôi của nhà, vàng ệch và rạn ẩm.

Chủ nhà đón bà mẹ già về ở chung, hỏi thêm lũ cháu ồn ào lúc nhúc: "Đứa nào ưng theo tao về nhà mới?" - Cả bọn im lặng. Ông quát to: "Hiên đâu?". Đứa con gái - bất ngờ vì được chọn - nhô lên sau bức vách ngăn. Hiên biết cậu không muốn thuê người chăm sóc bà ngoại lẫn cẫn nên đưa nó đi cùng. Nó líu ríu theo người nhà ra xe, đội trên đầu hộp carton dài đựng tranh ảnh, rồi thấy có vẻ quê mùa, nó chuyển xuống ôm trong tay. Nghe nói ngôi nhà màu vàng cậu mua có cây piano què chân chủ cũ bỏ lại, sàn nhà thì rất bóng, mọi thứ in xuống như gương. Hiên ngồi lút cái ghế nệm mềm nhẽo vứt sau thùng xe tải, ngửa mặt cười. Và bụi đường thốc lên, hút khô lưỡi nó. Mặt trời chẳng mấy khi chiếu vào nhà. Những cái lá cây bụi bẩn, xen nhau, lọc qua các ô kính vỡ ánh sáng nhuộm xanh đùng đục. Nhiều phòng bỏ không, từng mảng vôi quét trần rơi rụng, bay lờ đờ. Cậu không mua đồ đạc mới, chỉ thỉnh thoảng tha về món đồ gỗ công dụng tầm thường nhưng hình dạng cổ quái. Những bữa cơm tối Hiên nấu mừng thứ tiện nghi mới được cậu tán thưởng bằng cách thì thào về lai lịch món hàng. Bà ăn xong chén cơm dựa đầu vào ghế ngủ nhập chờn, khi choàng tỉnh thế nào cũng nhầm lẫn các hạt cúc áo. Hiên nhịn ăn dành tiền mua sách cũ. Nó cóp nhặt những quyển bìa vẽ, các dòng chữ sin sít nhau trên giấy nhàu nhĩ màu vàng. Mỗi khi ngồi trên cài ghế nhiều chân, nó buông rơi quyển sách lên ô cửa, hít nhè nhẹ mùi cỏ cây ảo não. Ở nhà cũ, đám chị em họ thấy Hiên về đều dò hỏi: "Mày chơi dương cầm được không?". Nó nói bừa: "Tao gò mãi". Bọn kia tái mặt. Nhưng một đứa bảo thêm: "Mai kia cậu lấy vợ thì mày cút ra đường". Hiên lếch thếch về nhà, uể oải vì những lời nhạo báng. Đoạn rẽ đầu phố có tốp người đi sát nhau trên hè, mặt hò dài và trắng. Cảnh giống bìa quyển sách nó mua được hồi lâu. Nó mở cổng vào, đạp dép lên lá cây rụng ướt đẫm. Người nhà sắp ngủ. Chốc nữa, dưới gốc vỏ và trong các lỗ gách vỡ, lũ côn trùng sẽ cất giọng gọi nhau suốt đêm, làm mấy bức tường mỏng và từng hồi rung lên khe khẽ. Cậu đi vắng từ chiều, bỏ trên bàn lời dặn dò vắn tắt. Hiên ghé mắt vô buồng trong, thấy bà ngủ trên cái giường đơn chạm trổ cầu kỳ đầy lỗ mọt như một công chúa già nua. Hiên vào bàn học lật sách dịch bài chuẩn bị ngày mai. Lúc nó bỏ lướt câu chữ, lúc lại tẩn mẩn dịch kỹ từng dòng, rồi để tâm trí rong đuổi qua những con đường và thảo nguyên nước Nga. Nhưng thường khi vào khoảnh khắc không lường được, hiện ra tiếng vỡ rạn mơ hồ và mơ mộng tiêu tan. Lâu dần, các ước vọng hão huyền - cũng như mùi nhà cửa meo mốc - thấm vào những ngày thường của Hiên. Nó đồng ý với cậu sống nơi đây thật dễ chịu, và chăm sóc cho bà ngoại một cách thản nhiên.

Đang giữa mùa mưa, các bức tường cũ bong lớp vữa trát ngoài, lộ ra hàng gạch nâu cũng bắt đầu chuệch choạc. Buổi sáng, Hiên cầm củi khô đi đào vài cái rãnh con dẫn nước ra đường. Có ai đấy đứng bất động dưới mái che cửa sổ. Nó khẽ gọi: "Này, ai vô nhà tôi vậy?". Người lạ quay lại, giọng nói không tỏ lộ chút gì: "Là tôi. Tôi đến đây hôm khuya, lúc cháu đang ngủ". Tia chớp sáng suốt chạy ngang đầu Hiên: "Vợ cậu!". Nó vòng đến cuối mảnh sân hẹp, vạch trên đất những đường kẻ sâu hoắm, cong queo. Lúc cúi lưng, nó lén nhìn chân người mới, những móng chân thẳng mịn, không giống của ai ở nhà. Hiên đâm chết con giun đất hồng bò loe ngoe. Người lạ bỏ vô trong, dấu chân nước kéo đầy. Trưa học về đầu phố, nó nghe tiếng đàn vang động một khúc đường, thi thoảng những nốt cao rít lên tựa hơi thở người bệnh suyễn. Nó quay phắt bước mải miết, không thể nào dừng chân. Và khi sự hoảng loạn được thay thế bởi cảm giác rầu rĩ hàng ngày, nó lê gót về nhà. Cậu chưa dặn, nhưng nó dành bữa chiều nấu bữa tối thịnh soạn bằng nhiều trứng giấu ở gậm giường. Bàn bốn người chật chội. Cậu nói: "Con Hiên vẫn ở đây cậu nuôi. Mợ là họa sĩ nên không làm việc vặt". Nó hít một hơi dài, thoáng sung sướng. Mười giờ, cậu lấy đinh búa đóng tranh người lạ lên tường mặc ngôi nhà cũ kỹ run lên bần bật. "Được rồi" - Cô ta lạnh nhạt. Hôm sau thức sớm, nó rùng mình trước những con sâu to tướng màu mạ non trong tranh treo hai bên tường phòng lớn. Mợ nói thong thả rằng đêm qua ai đó đi trong nhà, xô đồ đạc. Vắng người, cậu đưa nó lọ thuốc, nhắc "Mỗi tối cho bà viên thuốc ngủ". Hiên đếm thuốc, nao nao nghĩ đến cái dáng mọ mẫm trong tối như đứa trẻ sơ sinh của bà.

Đôi lúc Hiên nghĩ ngôi nhà nó sống ở ngoài bìa thế giới, nơi hầu như khách không thể vãng lai. Khi mùa mưa dông tàn dần, bầu trời trở nên khô, sáng trắng, gợi nhớ mấy mùa hè cũ đơn điệu và mỏi mệt. Mợ sai nó bóc những tờ giấy xi măng dán đầy tấm kính lớn ngăn gió. Nó chùi sạch bóng, kín đáo dõi theo mợ dùng cọ và vẽ lên tấm kính ấy các hình mảng chói chang. Mợ thấy nó khi tấm kính đã phủ kín màu trong buổi hôm sau: "Mày thấy đẹp chứ?". Cậu sẽ không bằng lòng đâu. Cái gì loè loẹt cũng làm cậu bực" - Nó lưỡng lự, nhớ mấy cái áo của nó nhạt màu may vụng, hơi ghen tị trước vẻ sinh động của cô ta. Mợ cười khùng khục, xuống giọng: "Mày là mày! Hay là cậu mày? Cút về phòng đi!". Hiên lẩn vào góc tối. Nó đun nước tắm cho bà, chăm chú cọ hàng móng chân bà bở ra trong hơi nóng, nhớ đến những cái móng sáng bóng đến từ thế giới xa lạ của mợ ấy. Nó nói chuyện với bà cụ mất trí nhớ, hòa tan cảm giác bất an vào các lời nói vô nghĩa của mình.

Phòng ngoài, mợ ngồi co, dang khô cứng như đã trút hết những gì mềm mại vào bức tranh. Lâu sau bữa ăn, cậu vẫn nói về vẻ đẹp của tấm tranh kính. Mợ không góp lời, chỉ thỉnh thoảng thở dài và chùi tay lên cái mũi dài có vân xanh nhợt. Suốt tối nó cạo đốm sơn mợ rũ tranh rơi trên sàn. Nó nghĩ khi nào bà chết nó sẽ bỏ đi, đơn giản như nhổ một cây đinh trên cửa. Bất giác một giọt nước mắt rơi xuống sàn. Mợ đứng dưới cái chụp đèn tự bao giờ, cất tiếng: "Cháu đừng trẻ con. Tôi sống đây nửa năm đã bắt đầu quen. Rồi ngày nào cháu sẽ lại quen tôi".

Hiên im lặng. Thực ra quanh nó chẳng thay đổi nhiều, chỉ có từ khi cọ xát với những phán đoán khắc nghiệt của mợ, nó biết nó chỉ là cái bóng của bà hay của cậu, nhưng cái bóng ngày càng giống những chủ nhân của nó.

Mùa lạnh năm đó tới trong dáng vẻ mà Hiên mong đợi. Cây quanh nhà trút xuống những lá khô, phủ kín đất ẩm. Mợ bảo Hiên đừng quét vườn để từ cửa sổ trông ra còn chỗ dừng mắt. Con đường trước nhà lâu ngày không ai sửa hiện ra vài hố nhỏ, buổi sáng xe hàng ngày chạy qua rung lên canh cách, gợi nên không khí bình yên. Người vợ tính khí thất thường của cậu cũng dịu lại, dần dà ăn nhập với thần thái ngôi nhà. Mợi thôi gõ mải mốt lên cây đàn cậu dành riêng cho như món quà tặng, thôi giễu cợt Hiên chính xác bất ngờ. Trên thành cửa sổ, cái máy hát tỏa ra các bài hát về màu lá rụng, về cuộc chia tay. Và những điều dị dàng ấy cất lên từ giọng nam trầm thư thái, nghe thêm u buồn. Bận bịu làm các hàm răng giả, cậu dần bỏ mặc mợ, khác hẳn với những tán dương năm ngoái. Học năm thứ hai, Hiên gầy gọc đi. Có bữa mợ nói: "Dạo này mệt lắm sao, tóc mọc tua tủa kìa Hiên". Nó lắc đầu: "Chả sao cả. Bốn người ngồi sát nhau, mùi người át cả mùi lọ cồn gần đấy". Mợ bảo thêm: "Chốc nữa tôi cắt tóc cho". Nó ngồi yên cho mợ xén đi từng lọn tóc, rùng mình vì ngón tay mợ lạnh khô luồn vào đầu nó như sục vào rơm rạ. Thi thoảng mợ cầm sách của Hiên về đọc nhẩn nha, khi trả thường nói với nó dăm nhận xét tinh tế. Tưởng chừng mợ và nó lúc ấy đến gần nhau hơn. Có lần mợ nói: "Tôi khổ là tại tôi", xen lời than vãn cho nếp nhăn hiện ra quanh mép. Hiên hỏi: "Mợ không thích cậu mà sao chịu về ở chỗ này?". Mợ cười khan: "Mày thông minh nhỉ!". Nó nghĩ, thật là tồi tệ. Rất lâu sau mợ thì thầm: "Ngoài cậu cháu tôi chẳng lấy được ai. Với lại tôi cần chỗ nương náu cho mình". Hiên ngửa cổ nhìn bầu trời tối sớm, buốt chân tóc vì sự hé lộ của một cuộc sống khác.

Mợ đi vẽ phong cảnh xa cùng mấy người bạn cũ. Nhà vắng vẻ, Hiên ra vào ngôi nhà, vạch phấn lên cửa tủ các từ mới dài ngoằng, không nghe cậu phàn nàn. Bà ngoại uống nhiều thuốc thành quen, đánh mất hẳn tiếng nói, chỉ còn ngủ hoài trong giường hẹp. Nó chùi nhà, lôi ra trong cái ghế rỗng kê trước đàn của mợ tập thư viết trên giấy xanh. Nó cặm cụi đọc hết những dòng chữ nửa nhật ký nửa thư tình chưa bao giờ được gửi rồi bỏ vào chỗ cũ, không ngỡ ngàng hệt như đã từng đợi một điều giống vậy. Đem về những bức tranh và ký họa, mợ cất chúng trong kho, chẳng khi nào ngó đến nữa. Hiên nhìn mợ chải lại đường ngôi tóc, nghe hỏi: "Có bao giờ cháu chán bản thân mình chưa?". Rồi mợ nằm vật ra giường, cái mũi dài ủ dột. Mợ nằm vậy nhiều ngày, có lúc gọi Hiên: "Không ai đến rủ tôi đi vẽ sao?". Nó tưởng tượng người đàn bà hơn nó vài tuổi ấy là một con chim đen trụi lông, chỉ còn có thể đi trên cánh đồng gặt xong bằng đôi chân nhỏ khẳng khiu. Và vì bộ dạng kỳ quặc đó, chẳng ai muốn cùng cô ta đi vẽ.

Bà ngoại mất sau đợt ấy ít lâu, quãng thời Hiên chìm ngập vào bài vỡ chuyển giai đoạn. Nhà có người chết, những tiếng thì thầm trong đêm nổi rõ hơn, của cỏ cây, côn trùng và người. Hiên học bài rồi đi lang thang qua các phòng trong nhà, không còn ai để chăm sóc. Nó khám phá ra rằng sự phẳng lặng đã thực sự phủ lên căn nhà này, sự trống rỗng thì có thể chạm tay vào được. Cái rương bằng da có đai sắt hồi nào mợ mang đến được lôi ra ngoài kho, khi chất đầy đồ đạc, khi trống không như mợ đang soạn sửa một chuyến đi trong vọng tưởng. Mợ bắt đầu những buổi chiều vắng nhà, trở về rất muộn so với giờ hẹn. Nó nghe cậu lầm rầm trong bữa ăn: "Dạo này mình hay đi chơi tối?". "Tôi không chịu được không khí trong nhà. Hình như tôi sợ điều gì đó!". Mợ đáp lời cậu, nhưng nhìn sâu vào mắt Hiên. Nó gấp những ngón tay, bỏ ra vườn đứng lặng lẽ. Chốc sau cậu cũng đi ra, hỏi nó: "Thi cửa thế nào?". "Qua rồi cậu!" - Nó chớp mắt trước sự quan tâm bất thường. Ông cậu sớm già của nó móc trong túi áo sâu hoắm một cái khuyên tròn, bảo: "Cho mày!". Hiên đeo vào cổ tay chiếc vòng cậu nó tỉ mỉ làm từ những nước răng giả, cô thản nhiên: "Đáng lẽ nó là của mợ!". Cậu làm thinh. Mợ vẫn chưa về. Nó vào phòng có cây đàn què chân, tìm đưa cậu những lá thư màu xanh nằm im trong ghế.

Mợ bỏ đi. Các đồ vật có dáng hình kỳ quặc trong phòng mợ trở nên vô chủ, trông ảm đạm. Hiên nhớ đôi mắt trong suốt của mợ nhìn tất cả lần cuối lúc nó so vai co rúm bên cửa lớn. Các bức tranh bị bóc đi, để lại vài ô chữ nhợt nhạt hơn màu tường. Duy chỉ có tấm tranh kính vẫn còn chỗ cũ, nắng chiều chiếu vào rực rỡ, hắt đầy màu sắc xuống sàn như một dấu tích tốt đẹp nhỏ nhoi của mợ. Có lúc nó sợ thót tim, oán ghét mình đã xua mợ khỏi chỗ ẩn náu cuối cùng. Nhưng lâu ngày, cái ý nghĩ cắn rứt khó chịu ấy hẳn sẽ nhạt mờ.

Hiên ra vườn quét lá mục, những giọt nước tù đọng trên óng máng nhỏ xuống đỉnh đầu nó, buốt lạnh. Hiên đứng dưới những giọt nước không ngừng, tự nghĩ mình giống người quản gia nhỏ choát già sọm. Nó mua vôi quét trắng ngôi nhà, rụt rè hỏi cậu xem có ai về nữa không? Một chiều, nó bắc ghế tháo nước trong ống máng. Dòng nước màu hổ phách trút xuống đất ẩm, ngắn ngủi, nhưng bỏ lại trên đất một lõm sâu.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Phan Hồn Nhiên

Làng nổi

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Nó sinh cùng ngày với tôi. Nó vừa lọt lòng thì mẹ nó chết. Thương con đỏ hỏn khát sữa, bà tôi bồng nó về cho má tôi nuôi. Đến ngày nó lẫm chẫm biết đi, cha nó ở làng cá ra xin đưa nó xuống nhà bè. Hồi đó tôi còn nhỏ chẳng biết gì. Chỉ đến khi nghe chuyện thì đã thấy người trong vùng gọi tôi và nó là hai trẻ sinh đôi. Tôi tên Hương. Cha nó chẳng hiểu sao trong lúc quẫn trí lại gọi nó là con Bần. Bà tôi cúng quẩy đổi Bần thành Bân - một cái tên lành hiền, dìu dịu. Bấy nhiêu năm, nó gắn bó với tôi bởi mối tình thân kỳ lạ - không là bạn bè cũng chẳng phải là chị em.

Cha con nhà Bân sống ở cái làng trên nước. Mùa khô, những căn nhà bằng gỗ, cá ở với người trôi dạt ra giữa lòng hồ, đợi mùa nước về lại thả neo gần bến. Thỉnh thoảng cha nó lọc cọc đèo nó trên cái xe đạp cổ lỗ vào thị xã thăm bà tôi, không quên cài vào tay lái một cái bị cói nước nhỏ tong tỏng, bên trong lèn chặt vài con cá béo ụ bị ướp đá. Mặc dù ăn không biết chán món canh cá nấu chua thế nhưng lần nào Bân vô, tôi cũng ôm cứng cây cột nhà, khăng khăng không ra chơi với nó. Chỉ đến lúc cha nó dắt xe về, tôi mới từ sau lưng má mình lấm lét ngó theo vệt áo vải nhuộm nâu bé bỏng ngất ngưởng trên xe, biết rằng lát nữa bà với má sẽ giận tôi, rất lâu.

Học hết lớp một tôi bắt đầu biết đọc sách. Suốt ngày, tôi như con chó luẩn quẩn theo chân người nhà, bắt tất cả phải lắng nghe những câu chuyện ngớ ngẩn in bằng chữ to tướng. Ngán ngẩm và nắm thóp cái tính cấc láo của tôi, má đưa tôi ra làng trên nước. Ở đấy tôi đã bầy chữ cho con em sinh đôi của mình.

Sống trong nhà bè bằng gỗ cô quạnh ở cuối làng nổi, Bân là một đứa hiếm lời, cả buổi lầm lụi trong bếp lo thức ăn cho lũ cá dưới bè. Những ngày mưa gió dầm dề, học bài xong, nó lại co ro nơi góc nhà. Gầy còm và đen thủi, nó trông giống của tam thất mà bà tôi quý báu cất kỹ trong rương. Đến bữa nó đâm một chén muối ớt đỏ bầm, đặt trước mặt cha nó. Cha nó chiêu từng chung rược nhỏ, bập vài hơi thuốc, đôi mắt trầm ngâm nhìn vào ngọn lửa. Nó đẩy về phía tôi chén canh cá. Gió từ đâu về đong đưa căn nhà gỗ, làm sóng sánh chén canh đang bóc khói mờ. Sau mưa, trời nước thẫm đen. Nó thắp một ngọn đèn dầu ở ngoài bè, đợi cho tôi đọc những mẩu chuyện về gà và cáo, cây tre và sọ dừa... Trong ánh sáng yếu ớt run lên bần bật, mắt nó đôi khi loé lên rồi lại âm ỉ như hai cục than trong hốc mắt. Phía làng trên, dăm ba căn nhà đốt đèn măng sông, ánh sáng vàng nhợt hắt xuống mặt hồ. Nhiều năm sau, dù nó đã học thông được sách, nhưng những ngày tôi được về nhà nó, hai đứa lại thắp đèn. Bằng giọng lào thào khàn đục vì lạnh, tôi kéo nó vật vờ lang bạt trên khắp thế gian. Trời đầy sao để nước cũng đầy sao. Hai đứa sinh đôi nằm ở ngoài hè, nghe dưới kia cá đang quẫy nước. Trong nhà, cha nó ngồi với điếu thuốc vấn bẹp một đầu, thỉnh thoảng lại chấm vào khuya những chấm đỏ lập lòe. Sáng dậy múc nước rửa mặt tôi bỗng quay quắt nhớ câu ca dao hồi nào tôi học với Bân: "Mẹ ơi chum nước nhà ta. Đêm qua có bóng Hằng Nga soi mình". Gần mé nước, Bân vừa băm xong mớ tép tôm làm thức ăn cho cá. Nó chỉ tay về phía xa tắp hừng đông, có lẽ hôm nay trời sẽ xanh đến chóng mặt đây.

Tôi đi học trên thành phố, nhớ nhà thì ít, nhớ những con thuyền gấp bằng giấy gói bánh rán loáng mỡ trôi lềnh bềnh trên nước thì nhiều. Hè về làng nổi, sau đợt bán cá, Bân dắt tôi đi chợ. Hai đứa khuân về vài bó chăn màn, ít dầu ít gạo, không quên cái chai đựng rượu cho ba nó. Tôi trách Bân vì mấy bộ áo nâu xẩm già trước tuổi, nó cười rồi cho tôi xem những ngón tay nhăn nheo, bợt bạt vì ngâm nước làm cá. Cha nó mua cái thuyền gỗ nhỏ. Chiều chiều, hai đứa trèo thuyền lên mạn hồ trên câu cá. Nhiều hôm vui tay để thuyền trôi xa, tôi bần thần cả buổi chiều chỉ vì mấy bụi hoa vàng chung chiêng giữa các khe đá mốc rêu. Biết ý tôi, nó cũng buông tay chèo, đăm đắm nhìn lòng hồ sâu. Có hôm đi xa bất thần sóng lớn, hai đứa cập vào bờ đá ngồi đợi mấy tiếng đồng hồ. Vốn mê tín, tôi thả hết chỗ các câu được. Thấy vậy Bân chỉ cười. Càng lớn, nó càng khô khan ít nói. Tối khuya hai đứa bắc nồi cháo xì xụp cùng nhau.

Cha Bân mỗi dạo tôi về thấy thêm gầy yếu. Ông nhìn tôi thương yêu, nụ cười heo héo: "Con lại về hả Hương?". Lần ấy nó bảo riêng tôi: "Cha tao yếu lắm rồi. Bao nhiêu việc dở dang chưa làm được. Giờ cha tao cũng như con rùa lật ngửa mà thôi". Tôi không dám nhìn vào đôi mắt nửa còn cháy bỏng nửa như tắt ngấm của nó. Sự thật để yên thì vẫn vậy, nói lên thành lời sao tôi thấy có gì bất nhẫn. Nước vào mùa cạn, nhà được kéo ra gần giữa hồ, vốn đã xa làng nay lại xa thêm.

Tôi nghỉ hè về nhà được mấy ngày. Bà tôi lầm rầm kể lại cho tôi nghe về cái đám ma buồn thảm của cha Bân cách đây mấy tháng. Biết tôi về, nó đạp xe vào thị xã đón tôi ra nhà bè như những năm tháng cũ. Nghe tiếng xe lóc cóc trên đường, tôi thót tim ngỡ như mình đang rất bé. Nó nhảy xuống dắt xe vào ngõ. Đi qua tuổi thiếu nữ mà dáng nó vẫn nhỏ thó, gầy còm.

Mấy ngày liền tôi với nó dọn nhà. Tần ngần mãi rồi hai đứa cũng phải gỡ những mẩu thuốc lá ngày nào cha nó hút xong dán đầy trên vách. Bân nhẩm tính ngày gọi người vào bán cá. Giữa trời nước mênh mông, viễn ảnh nó mồ côi một mình trong căn nhà gỗ ám đen thật ghê rợn. Tôi bảo nó về với bà tôi trong thị xã cho đỡ quạnh hiu. Nó nhìn tôi mà như không nghe thấy. Khuya, nó thắp ngọn nhang nơi đầu bè. Nằm ngủ, tôi nghe nó khóc, khóc rất thầm.

Hết hè, tôi về trường. Bân chở tôi ra bến xe. Nó hẹn :

- Khi nào mày về tao lại đón mày ra nhà tao chơi, nghen!

- Mày không ở với bà tao sao? - Tôi cuống quít.

- Không. Nhà tao trên nước lâu rồi. Sống một mình cực nhưng cũng phải quen. Với lại cha tao nếu có về thăm chắc cũng chỉ ra đó... - Nó quay đi, buông lơi câu nói dở dang.

Tôi lên chuyến xe đò cuối cùng của ngày trở về thành phố.

Trân châu và mắt cá giống nhau - giống nhau như hai chị em sinh đôi vậy. Thế nhưng trân châu khiến người đời nâng niu bởi cái ánh sáng trong bền bỉ của riêng mình. Hình như ai cũng biết điều đó.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Phan Hồn Nhiên

Mưa

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Vào hạ trời hay mưa. Những cơn mưa dai dẳng lạnh buốt thấm dần vào phòng tôi qua mấy kẽ nứt, để lại những vệt nước ố vàng mà lắm khi ngồi vẩn vơ, tôi lại hình dung thành muôn hình vạn trạng. Bao nhiêu năm đã đi qua, thế nhưng mùa mưa nào đến tôi cũng lại nhớ Mấm, nhớ làng, nhớ cái bãi bồi đỏ rực phù sa.

Chẳng hiểu sao thằng bạn tuổi thơ của tôi lại tên là Mấm - một cái tên vô nghĩa và gợi chút buồn cười. Mấm gầy gò, xương xẩu và nhanh nhẹn một cách bất ngờ. Đôi mắt nó to và nâu, cái màu nâu bền bỉ của những cánh buồm lênh đênh trên sông. Ngày ấy tôi đâu có ngờ rằng khi xa quê, tôi sẽ nhớ biết nhường nào những cánh buồm mịt mù xa xa tắp chẳng bao giờ ghé bến làng mình.

Làng tôi ở gần sông. Đến bây giờ tôi vẫn có thể lặp lại câu dặn dò của bà Mấm trước lúc hai đứa đi học: "Chúng mày cứ liệu cái thần xác, làng này khối người chết đuối rồi đấy!". Bà dặn thì tôi và nó vâng dạ cho qua chuyện chứ hôm nào đi học về, tôi cũng dừng lại trên bến đò cúi mặt nhìn những con sóng ì oạp, những xoáy nước cuốn bèo đi quanh mấy cái cọc gỗ, mặc kệ tiếng Mấm dọa dẫm sau lưng: "Mày hôm nào cũng soi mặt xuống, Hà Bá lại tưởng mày là con, có ngày ông ấy bắt mày đấy!".

Những chiều mùa đông xám xịt, hai đứa chạy loăng quăng trên bờ, thỉnh thoảng lướt qua mấy thân cây vươn cành gầy guộc lên trời, nghe trên sông xa thẳm tiếng người vọng đến. Tôi và nó nhủ với rằng tối nay ở nhà, bà nó có luộc nồi ngô.

Sát đằng sau đền thờ thành hoàng làng tôi có con ngựa đá chẳng rõ ai kê vào. Hôm nào đi đâu gặp mưa, tôi và Mấm cũng cố chạy cho kịp tới đền để trú. Tôi thích bụm tay hứng những giọt nước nhỏ long tong từ mái đền rêu phong rồi đưa lên miệng nhấm nháp. Mưa ở làng ngọt và thơm. Sau này, tôi không gặp ở đâu cái vị mát lành như thế. Ngồi vắt vẻo rất oai trên con ngựa đá, chốc chốc Mấm lại nhe răng cười khi thấy tôi co rúm lại vì sấm chớp. Tôi nói vớ vẩn :

- Sấm to đến vậy mà phải đi sau chớp.

Mấm lau nước mưa trên khuôn mặt đen nhẻm. Nó quay lại bảo tôi :

- Tao cũng vậy, lớn tướng mà tao cứ phải đi học với đồ oắt con như mày. Rõ chán!

Năm ấy Mấm 13 tuổi còn tôi 12. Sau cơn mưa rào, sông làng tôi đầy nước. Chỉ hơn một tuần mưa mà những chỗ gần sông nước lên lênh láng, hứa hẹn một bãi bồi mề mở lại khi con nước đi. Trên bãi đất non mỡ màng như lộc trời cho, người làng tôi bao giờ cũng gieo những hạt ngô giống sượm vàng.

Giống như người lặn lội trong mưa bão tiếc hoài ngày nắng, tôi hay lần mò quay về tuổi nhỏ ở cái làng ven sông của mình. Nắng của tháng năm vô tư lự ấy lạt dần kể từ ngày mẹ của Mấm chết. Tôi không nhớ nhiều mấy về ngày mưa phùn lũ học trò trong làng đến chào cô giáo - mẹ của Mấm - trong phút lìa đời. Đọng lại trong tôi chỉ là vệt hàng hoa vạn thọ kéo dài tưởng chừng như bất tận ra đến ngoài đồng. Hoa trong mưa lạnh ướt đầm, mùi hương ngan ngát lẩn quẩn, chẳng chịu tan đi. Chiều về, đứng dưới hiên đền thờ thành hoàng làng, Mấm và tôi cùng khóc, khóc nức nở, khóc dài như mưa.

Tôi rời làng khi học xong cấp hai. Cái buổi chiều mẹ tôi sửa soạn đưa tôi về thành thị, tôi với Mấm ra sông. Đứng cạnh tôi nó cao ngổng cao ngồng, mái tóc cháy xém sau vụ hè theo những bè gỗ hết về miền xuôi lại lên mạn ngược. Tôi thầm thì chào từ biệt làng quê, chào bãi đất năm nào cũng gặp mà cứ ngỡ ngàng. Tôi chia tay con ngựa đá, đàn vịt lội ở cầu ao lấm tấm hoa khế rụng rơi... Mấm khẽ khàng nói :

- Hương đi rồi có về làng không?

Bao nhiêu người trẻ tuổi đã bỏ quê đi chẳng có ngày trở lại. Họ ao ước đắp xây một cuộc sống mới mẻ ở bất kỳ nơi đâu, chỉ trừ ở chính đất làng mình. Tôi không thể trả lời câu hỏi của nó. Khoảnh khắc ấy, sao tôi hoang mang và trống vắng lạ lùng.

Tôi theo gia đình chuyển vào Nam. Trên chuyến tàu hỏa xầm xầm dài dằng dặc, tôi co ro trong một góc toa, không tin rằng trong khoảng thời gian ngắn ngủi, cuộc sống của mình biết mấy đổi thay. Tôi không khóc. Có lẽ chính vì thế mà ở các giấc mơ của tôi sau này, đoàn tàu là một trong những thứ thường hiện lên nhiều nhất.

Phải hơn nửa năm tôi mới quen với thành phố hai mùa mưa nắng. Tôi gần như không có bạn thân. Hồi ở quê, tôi vốn sẵn tính rụt rè. Nhà tôi không xa cổng xe lửa. nhiều đêm chóng mắt lên đỉnh màn chờ tiếng còi tàu âm u, chờ tiếng lá khô xào xạc trên mái tôn, tôi thấy mình đơn độc đến thắt lòng. Năm nào cũng vậy, mùa mưa trùng với mùa thi, mãi học bài, tôi cũng bớt phần vẩn vơ nghĩ ngợi.

Tôi trả thi xong các môn vào hôm qua. Mẹ tôi hỏi có về thăm làng không. Nghe đâu sau đợt bão năm kia, Mấm đã đưa bà nó phiêu dạt lên một vùng đất xa xôi nào đấy. Cây gạo đầu làng cũng bị gió nhổ bật rễ lên rồi. Về quê sẽ chẳng gặp ai, tôi sợ nhặt phải nỗi thất vọng trên miền đất thần thoại riêng mình: "Con không đi mẹ ạ!" - Tôi trả lời mẹ ngắn gọn rồi lỉnh vào buồng. Căn phòng bé tí của tôi có cái cửa sổ, tôi ngồi bên những chấn song rồi lang thang trong miền quê cũ.

Hình như theo thời gian, trong tôi có cái gì cứ co bé dần, nhạt nhòa dần. Nhưng tựa hương vạn thọ trong mưa lạnh. - nó không tan.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Phan Hồn Nhiên

Góc riêng

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Nó mắc chứng bệnh mê sách cũ. Buổi sáng nó dậy thật trễ và không kịp ăn sáng. Bà nó sẽ nhét tiền vào túi. Nó dành dụm chỗ tiền ấy đem cho ông bán sách. Ông ta lại cho nó những quyển sách cũ mèm nhưng hấp dẫn vô song. Chỉ tội nghiệp bà nó thường hay thở thanh: "Nhìn con Thiếu Anh kìa! Nó học nhiều quá nên quắt queo hệt như trái chuối khô". Lỡ có một ngày nó hứng chí lên đòi đi mua ve chai sách báo tập vở cũ, bà nó sẽ nói sao đây?

Sau một tuần bụng rỗng đi học, chiều thứ bảy chờ mong lại đến. Nó cầm bảy bữa ăn sáng ra đổi lấy "Mối tình đầu" của Tuôcghêniev. Cơm nước xong xuôi, nó lau sạch đôi tay ướt sũng nước rửa chén vào vạt áo và săm soi cuốn sách mới mua. Một tờ giấy chậm xanh lơ của người chủ cũ để quên, bay ra từ những trang sách ố vàng. Dòng chữ "nhớ gọi cho em nhé - 26503" nhòe to có lẽ được viết đã lâu. Tất nhiên "em" là cô gái vô danh nào đó. Thế nhưng sự tự do cuối tuần đã xúi nó hóa thân thành "em" ngay lập tức. Nó đứng dậy và bắt đầu lượn lờ qua lại tấm gương gắn tủ thấp ngang tầm mình. Lượn lần đầu: Mình giống búp bê đấy chứ! Lượn lần thứ hai: Mình hơi bị nhỏ con! Và lượn lần thứ ba: Trời ơi, mình đeo kính nên xấu điên! Nó ôm "mối tình đầu" ngã đùng vào giường của mình.

Đọc xong truyện ngắn đầu tiên, nó muốn uống nước. Khi hết khát, ánh mắt nó dừng lại ở nơi cái điện thoại trắng của ông nội. Nó nhấc máy và bắt đầu quay số mà "Em" được nhắn. Chuông reo bốn hồi dài thì có người nhấc máy :

- A lô! Xin lỗi ai đấy? - Một giọng đàn ông còn trẻ điềm tĩnh cất lên.

- Em! - Tự dưng miệng nó khô đắng.

- Em là ai vậy? - Giọng nói đầy vẻ ngạc nhiên.

- Em là Anh! - Nó xưng tên.

- Ái dà, thật quá sức tưởng tượng! Tại sao em lại là tôi? - Tiếng nói vang lên lớn hơn.

Vốn nhát cáy, nó rất sợ ai to tiếng với mình. Môi nó rung lẩy bẩy :

- Em là Anh... Em có số điện thoại... Anh đừng hét to... Em xin lỗi...

- Nhà em mới lắp máy nên em nghịch à? Thôi nhá, khuya lắm rồi. Nếu muốn, ngày kia em có thể gọi lại.

Nó gác máy và phát hiện rằng mình bị chứng nhũn xương chân với loại tim. Nó kẹp tờ giấy xanh lơ vào "Lời nói đầu". Tuy mắc nhiều bệnh nhưng nó ngủ rất ngon.

Nếu buổi tối có một niềm vui đang chờ bạn, bạn sẽ thấy câu thơ "Trăm năm thì ngắn, một ngày thì dài ghê" của Tản Đà rất đúng. Đợi lúc ông bà Nội sang chơi nhà các cụ tổ hưu như thường lệ, nó chạy ngay lại điện thoại. Giọng nói hôm nọ vọng đến từ đầu dây bên kia.

- A lô! "Em là tôi" đang cầm máy phải không?

- Không đâu, em là Thiều Anh - Nó lắng tai nghe ngóng rồi cười - Hì!

Anh cười lại :

- Hì!

Nó và anh đã quen nhau như vậy. Nó không thích nói dối, nhất là lại nói dối với bà. Tuy nó đã lớn tướng nhưng bà vẫn xem nó lả đứa con nít ranh. Thỉnh thoảng bà nó lấy cây lược sừng và bắt đầu chải tóc cho nó đến khi mái tóc cũn cỡn kiểu Nhật Bản được phẳng phiu và bóng nhẫy. Vừa chải bà vừa thủ thỉ rất buồn cười :

- Thiều Anh thương ai nhất?

- Ông bà nhất - Nó nhăn nhó vì bà giật chùm tóc rối.

- Ai nhì?

- Tủ sách cũ nhì. - Nó phồng má bởi đau quá.

Nhưng bây giờ mà bà đắt mấy câu hỏi như vậy, dám nó sẽ khai là nó thương cái điện thoại trắng lắm. Và lúc đó mọi sự hỏng bét. Nó tự chải đầu lấy.

Những tối không phải đi học sinh ngữ, nó thường đợi ông bà đi vắng rồi bám trụ cùng máy điện thoại ở góc nhà.

Anh tên gì nó không hỏi, anh ở đâu nó cũng chẳng hay dẫu biết rằng có thể dò tìm trong danh bạ. Từ ngày quen tiếng anh, nó khám phá rằng mình rất lắm điều. Chẳng hiểu anh tìm ở đâu nhiều kiên nhẫn đến thế để nghe nó hết kêu ca chuyện học hành đến phàn nàn về bạn bè. Dần dà qua đống chuyện nọ xọ chuyện kia hàng đêm, anh biết tính cách của từng bạn nó trong lớp rất rõ. Người ta hay viết nhật ký. Vời nó, anh là quyển nhật ký cò lời khuyên mà nó tin tưởng và quý báu hơn mọi thứ trên đời. Mấy cô bạn cũng bàn lấy làm ngạc nhiên khi thấy con bé buồn thảm như nó giờ hay ngồi cười một mình. Và họ cũng khen rằng mắt nó rất sáng.

Sau những ngày dốc hết sức cho đợt thi chuyển giai đoạn, nó ốm liệt một tuần. Bà nội hàng buổi ngồi bên giường chăm sóc trông nom. Nó chỉ biết nhìn cái điện thoại bằng đôi mắt nóng bừng cơn sốt. Tối hôm nó đỡ bện, ông bà khóa cửa đi họp nó run rẩy quay những vòng số rất quen.

- Em đấy ư? Em đi đâu vắng suốt một tuần vậy? Anh thì chẳng có số phone của em - Tiếng anh đượm mừng vui.

- Em bịnh nặng - Bất giác nó tủi thân mếu máo.

- Thôi đừng khóc nữa nào! Thế em thích thứ gì nhất trên đời này? - Anh hỏi giống hệt bà nó.

Chẳng thể bảo mình thương cái máy điện thoại, nó thút thít :

- Sách cũ với kẹo.

Anh bật cười hẹn nó ngày mai lên thư viện trường. Ở đấy nó sẽ nhận quà của anh qua một bác thủ thư. Như vậy nó và anh vẫn không biết mặt nhau như cả hai đã từng giao ước. Đúng hẹn nó tới trường. Anh gửi cho nó bộ "Quo Vadis" mà nó vẫn hằng ao ước cùng gói kẹo bi rõ to.

Một tuần ba đêm nó lại gọi đến cho anh. Nó ít nói hơn. Đôi lần, hai đầu dây im tiếng. Lòng nó biết dịu êm khi bâng quơ nhìn lá ngoài song và ngỡ đâu có người đang cùng mình im lặng. Cứ như vậy mà đã một mùa thu.

Đến lần kia nó muốn khoe anh quyển sách mới. Nó nhấc ống lên nghe. Anh nói trước :

- Thiều Anh này, em có thích ra phi trường tiễn anh không?

- Quo Vadis? - Nó hụt hẫng.

- Anh đi xa lắm bạn nhỏ à. Bên ấy ba má anh đang chờ. - Anh nói chậm như một tiếng thở dài.

Nó cụp mắt xuống vì sợ mười con số gắn trên điện thoại sẽ nhìn xoáy lòng mình. Nó nhẹ nhàng gác máy. Trong một năm dài có những ngày vui. Rất vui.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Phan Hồn Nhiên

Đất mới

1 2 3 4 5 6 7 8 9

"Đất mới tất nhiên phải màu đỏ, còn đất cũ rồi thì sẽ màu đen"

Khi đoàn xe đưa những người lập nghiệp lên miền cao nguyên này dừng bánh, tôi đã giải thích rất chi là ngô nghê cho hai thằng bạn mới quen trên xe nghe như vậy. Đã quá mệt mà chúng nó cũng phải phì cười. Bốn năm trôi qua, mái tóc cũn cỡn chĩa tứ tung của đứa con gái tôm tôm tép tép ấy giờ đã tròn lưng. Hai đôi vai gầy còm xương xóc của hai thằng láu cá nay cũng đủ sức gánh vác việc nhà. Thế nhưng cao nguyên trên môi ba đứa vẫn là "Đất mới". Cao nguyên lạ lùng. Mưa dài nắng chói cứ như là phải vậy mới xứng đáng với cái rộng ngút ngàn của đất. Những ngày ngồi học với nhau trong căn phòng loáng thoáng học trò, mắt ba đứa luân phiên chúi vào chiếc đồng hồ không mặt kính của thằng Chí để ngóng tới giờ về. Vườn cà phê xanh mướt nông trường rủ rê ba đứa chạy ào đến phí sức. Đất đỏ ngày nào từng ghì chặt chân người khiến thằng Hùng cũng phải thốt lên: "Trời ơi, đất này muốn mình ở luôn hay sao ấy bọn bây ơi!", đã nuôi lũ chúng tôi lớn nhanh vùn vụt như những cây cà phê và những dây tiêu bao bọc quanh nhà. Ba đứa hoàn toàn không ngờ rằng nếu về thành phố cũ, cả bọn sẽ trông giống như những kẻ hoang dã. Học xong lớp 12 Hùng khăng khăng không đi học nữa. Ba nó sau những trận sốt rét già đi nhanh như chiếc lá bàng đổi sắc. Cái chân trái bị tật của nó đã cùng chân phải trụ vững trên đất nước mới này. Tôi và Chí để Hùng ở lại cao nguyên, hai đứa mang theo giấy triệu tập, sách vở và hai cái cổ họng nhức nhói vì gào thét bài "Ngọn lửa cao nguyên" trong đêm chia tay để nhập vào gia đình sinh viên xa nhà của một ký túc xá ngoại ô.

Vào trường. Hy vọng có bạn gái khi trở thành sinh viên của tôi hao mòn đi như cục xà bông. Hóa ra cái gọi là "nữ tính" ở tôi hoàn toàn đi vắng. Mà các cô gái cùng phòng thì quá ư e ngại trước cái mộc mạc đến ngờ nghệch của người xứ núi. Tôi thích chạy tới chạy lui qua khu có thằng Chí ở. Trong lớp, hai đứa được gọi là "Vợ chồng A Phủ". Tôi sợ bị lẻ loi, sợ bị cô lập ở đất lắm người này nên tôi níu lấy Chí như một con ma ám, mặc dù nó đã bắt đầu có vẻ có người yêu. Khi thấy Chí hát bằng chất giọng nghe đến bỏng tai, để tặng một cô miền biển nào đó, tôi biết mình rất hoang mang giữa những sách vở chất chồng. Nhiều đêm trùm mền bật đèn pin gạo bài, các sợi chỉ thô của cái mền cứ như những con đường dẫn lòng tôi về đất đỏ. Câu ví von hóm hỉnh của thằng Hùng sánh bộ ba bọn tôi như cặp bánh dầy mà tôi là miếng chả lụa giờ nghe đã rất xa xôi. Có những nỗi buồn và những nỗi đơn côi không thể làm người ta khóc được, chúng chỉ khiến người ta chẳng biết làm gì. Những ngày ấy tôi rất gầy.

Cơn mưa cuối cùng của năm vừa ngớt thì tôi và Chí nhận hai giò phong lan thằng Hùng gửi xuống. Cô gái miền biển của thằng Chí đã đi theo một chàng thành phố, giò phong lan Hùng gửi nó biết tặng ai? Nó đành nhờ tôi treo hộ ngoài cửa sổ. Tôi tưới nước đều mà những cành lan cứ nhuôm nhuốm úa vàng, có lẽ tại chúng phải xa xứ. Khu bên kia, thằng Chí lại hát vang chắc để tặng một cô gái đồng bằng. Tiếng hát ngọt ngào nhưng không thắm chạy khắp hành lang lốm đốm nước ai đã làm sánh ra ngoài. Sắp đến ngày thi, tôi không dám mê tín rằng khi người xứ cao nguyên đỏ sẽ có số đỏ khi làm bài. Tôi thay pin cho cây đèn. Những con đường về núi gần hơn.

Một chiều tàn đông, Chí chạy sang phòng tôi, tay nó hốt hoảng hưo hưo tờ giấy, miệng thét :

- Hương, phải về nhà thôi. Ba thằng Hùng chết rồi.

Tôi về cao nguyên với cái cớ không bao giờ mong đợi. Chí cũng đánh rơi đâu mất thói quen rên rỉ trong họng những bài buồn buồn khi đi tàu đi xe. Hình như ba thằng Hùng là người đầu tiên nhắm mắt trên miền đất mới. Tôi lờ mờ nhớ lời bà tôi từng bảo: "Những người chết chôn trên đất cư ngụ xương sẽ đen lại". Tôi nhớ vậy mà vừa sợ vừa buồn. Dòng sông đã qua mùa thác lũ cho xe sang cầu dễ dàng.

Hơn nửa năm rồi bộ ba mới ngồi lại với nhau. Thế nhưng suốt một tuần về đây, tôi hết sức bàng hoàng khi nhận ra đất cao nguyên không thần thoại như tôi vẫn hình dung trong hoài niệm. Tạm biệt cao nguyên, tôi vĩnh biệt luôn đôi mắt tuổi thơ của mình? Đất vẫn mới mà lòng tôi hẳn đã cũ. Chắc nó đen thủi đen thui. Theo chiếc xe nông trường về thành phố, lên xe tôi quay lại trên áo ngả màu nâu hồng là lạ. Bạn tôi siết chặt tay tôi khi xe sắp nổ máy :

- Hương này, nhớ về nhé! Đất đỏ sẽ mới hoài cho Hương coi.

Tôi không dám hứa. Tôi không tin vào tôi của ngày mai.

Xe xa dần. Dáng Hùng đứng trên cao nguyên rất vững.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Phan Hồn Nhiên

Cõng hoa

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Thằng Còm theo cha nó chuyển về ngõ khi bọn trẻ nhóc chúng tôi sắp vào lớp ba, lớp bốn. Lũ trẻ con rủ nhau leo lên mấy nhánh cấy sú rồi nghiêng ngó dòm vào căn nhà nhỏ có người đàn ông luống tuổi cao gầy và một thằng con trai bé loắt choắt đầu to. Chúng kháo nhau: "Đầu thằng ấy giống hệt đầu phỗng đá, mắt nó cứ như là mắt cá vàng!". Cuối cùng một đứa sợ hãi thầm thì: "Tụi mình đừng chơi với thằng Còm đó. Nó không có gì giống tụi mình cả". Khi tan nhóm về nhà cả lũ đi ngang căn nhà ấy có phần rón rén ngập ngừng. Đang mùa hè chẳng có ai đi học, buổi sớm cha thằng Còm dắt xe đi đâu đó, tôi chạy qua lé mắt trông vào thấy nó ngồi trên bậu cửa sổ đọc sách, có khi ôm cây đàn cũ kỹ cao hơn cả thân mình rải vào những bài ca xa lạ. Mỗi lần tôi phóng qua nó đều ngẩng đầu lên nhìn. Tôi không nghĩ mình chạy qua ngôi nhà nhỏ, mà thực ra tôi vừa vụt ngang đôi mắt to nâu, ngẩn ngơ và vời vợi đến vô chừng.

Gần mùa hè, người ta thôi tách nhụy hoa phượng vĩ để đá gà hay nhặt hoa cho lên mồm nhâm nhấm vị chua. Tôi tha thẩn sau vườn trường, nhìn lên mấy trái điệp đang dần sẫm lại, hẹn những tháng sau một vị ngọt găn gắt, nhớ nhớ quên quên. Tôi tìm hoa dại lẫn quất đâu đây đem về bầy chơi đồ hàng. Bà tôi bảo con gái, chẳng có đứa nào theo lũ con trai nhong nhóng đánh nhau. Chơi chán, tôi đi lang thang, cuối cùng đứng ngoài căn nhà nhỏ nghe thằng Còm miệt mài chơi nhạc. Nó ra, tôi lại bỏ đi. Cha nó vô tình lần kia bắt gặp tôi đứng rình mò. Ông dắt tôi vào nhà. Thằng Còm ngạc nhiên tôi vặn vẹo tay chân bối rối. Đôi mắt nó có nắng ban trưa ấm nóng, rạng rỡ và mừng vui. Bắt đầu những ngày ấy, tôi theo thằng Còm đi qua tuổi thơ êm ả, bình yên như lá trong vườn. Nó tên thật là gì, tôi không nhớ. Mỗi khi ngẩng đầu lên nhìn bầu trời xa tít, nó hay gọi khẽ. "Hương này!" để chỉ cho tôi những đám mây hàng trăm nghìn vẻ hay những con chim đập cánh theo bầy. Nó vào học cùng tôi một lớp, hai đứa men theo mấy rào cây xanh các buổi trưa oi bức đi về. Bóng tôi và bóng nó gầy guộc đổ dài. Nó bảo tôi: "Bóng tao với bóng mày giống hai chữ "i". Nhưng chữa "i" của tao có cái chấm lớn hơn". Gió ở đâu thổi qua xao xác. Tôi mách thằng Còm: "Mai mốt lớn lên đầu mày sẽ không to nữa đâu. Bà tao bảo vậy". Nó nghiêng đầu lắng nghe, xách hộ tôi cái cặp nhét đầy hoa và cỏ dại hai đứa hái buổi ra chơi, bây giờ có khi đang héo rũ. Sau đoạn dài im lặng, gần đến nhà, nó hẹn tôi: "Chiều tao qua nhà mày, học bài xong, tụi mình đi chơi hén!". Tôi gật đầu. Nắng lên cao hơn khi chuông đồng hồ nhà ai gõ một hồi dài uể oải, trầm trầm.

Thằng Còm chưa bao giờ từ chối những trò chơi của tôi đề nghị. Nó tò mò xem tôi nấu các món ăn trong mấy cái nồi đất cỏn con, nín thở nuốt những thứ tôi nổi lửa thổi đun bán hàng cho nó. Chơi xong còn đen nhẻm như than, nó với tôi cầm que nhựa mít đi tìm chuồn chuồn ớt, những con chuồn chuồn đuôi đỏ thắm tinh mắt bay nhanh mà mỗi khi bắt hụt, nó và tôi cứ theo mãi, ngẩn ngơ. Nó leo lên rào gai hay mô đất bắt cho tôi chiếc phi cơ màu đỏ. Có lần bị gạch xếp rơi đỗ vào chân, nó đứng yên mắm môi nắm chặt hai tay, không nhìn sang tôi đang há mồm hoảng hốt. Bầm tím chân nhưng nó với tôi vẫn hay đi bắt chuồn chuồn. Hiếm hoi được con nào, nó nhường tôi rón rén cầm đôi cánh mỏng tờ. Chẳng nhớ ai xui dại xui khôn, một lần tôi bẻ những cái chân chuồn chuồn ớt nghều ngoào. Thằng Còm thảng thốt :

- Mày ngắt chân chuồn chuồn làm chi vậy?

- Để nó bay hoài không đậu nữa.

Tôi lí nhí phân bua.

Khi tôi thả con chuồn chuồn ớt bay đi, đôi cánh trong suốt còn mờ dấu tay tôi rung nhẹ ngơ ngác rồi bay vụt vào bóng lá trên cao. Thằng Còm khum tay trông theo vết đỏ lẫn vào màu xanh lá, thầm thì nói chuyện một mình :

- Không đậu được đâu, thế nào nó cũng chết.

Ngày sau ra vườn, tôi với nó bắt gặp xác con chuồn chuồn ớt cụt chân bị kiến tha đi. Thằng Còm đào lỗ chôn để tôi đặt lên ngôi mộ nhỏ. Tôi hỏi nó: "Chắc là tao sẽ bị Trời phạt phải không?". Lần đầu tiên, đôi mắt nâu ấy nhìn đi chỗ khác, lãng tránh nỗi thắc mắc riêng tôi. Tôi không khóc, nhưng đọng lại trong ký ức tôi buổi ấy một cái gì không tên lặng lẽ, rưng rưng.

Sau lần đó, tôi với nó bỏ trò đi bắt chuồn chuồn. Lấp đầy khoảng trống sau những giờ học chung, tôi rủ nó leo lên chạc ổi trước nhà. Nó, tôi và những quả ổi da rám nắng vàng. Ôi mỗi vườn có một hương riêng, chẳng ở đâu giống ở đâu. Lẫn trong xanh lá và xanh trời, nó với tôi đong đưa trên cây nói hoài những chuyện cả hai đều đã biết. Nói không phải để nghe điều lạ mà hình như chuyện trò để có tiếng người đối đáp giữa không gian. Lần kia bất giác sẩy tay, tôi ngã từ cành cao xuống đất như con cò đậu phải cành con, chỉ kịp nghe tiếng thằng Còm trên cao hét vang. Chân tôi bó bột ngồi nhà, có hôm nó qua cõng tôi đi đây đi đó cho đỡ buồn chán. Tôi sau lưng nó thắc thỏm :

- Tao có nặng không?

- Mày thì như cái lá ổi, nhẹ tênh - Nó thở mạnh.

Dừng chân ở đầu phố trải dài hoàng điệp, tôi phủi những hoa vàng run rẩy trên áo và tóc, cười bảo nó :

- Mày cõng tao, tao lại cõng cả hoa rơi. Thế là mày thêm mệt.

Nó xốc tôi trên lưng đi tiếp, nhắc chừng :

- Tao sợ té nữa là chân mày lâu lành. Chỉ còn mấy tháng nữa thôi, tụi mình thi hết tiểu học.

- Lên lớp sau tụi mình lại học chung Còm hén.

Bám vào đôi vai xương xóc của nó, tôi nghĩ những ngày sắp tới.

Tôi với nó học cùng nhau đến trung học. Nó cao hơn nhưng vẫn gầy, cái đầu to hay chống trên tay nghe giảng, thảng hoặc quay sang bàn tôi mỉm cười. Sáng mùa đông có nó đi học cùng, tôi ủ đôi tay lạnh buốt trong áo khoác, lắng nghe lá khô trong gió sớm sột soạt trở mình. Nhìn sang nó nhíu mày nhẩm lại bài học, tôi bâng quơ :

- Sao Còm lúc nào cũng lặng lẽ như người già vậy?

Nó cắm cúi trên hè phố chẳng đáp lời. Lớn lên, thêm bạn bè, tôi có những ngày rong ruổi khắp nơi, có các câu chuyện dễ cười, nhưng không bao giờ nhớ. Đi ngang căn nhà có nó ngồi học bài bên cửa, tôi rảo nhanh lo mắt nó nhìn ra, bỏ lại sau lưng tiếng đàn buổi chiều một mình lủi thủi. Sang năm nó thi vào trường Đại học Sư phạm gần nhà. Có lẽ tôi lên Sài Gòn học trường Đại học Ngoại Ngữ. Dọc đường về, nó nghe tôi kể mơ ước viển vông, tiếp lời :

- Ừ, Hương ráng học nhiều, đi đây đi đó mở mang đầu óc. Cha mình có tuổi, mình học ở đây để được gần nhà. Thế là tụi mình chẳng con học chung nữa, phải không?

Khúc phố hoa vàng xưa cây đã cao hơn, hoa rực vàng hơn và hình như cũng rụng nhiều hơn trên phố. Nó hỏi tôi như những ngày cũ hồi nào :

- Hương xách cặp mỏi tay chưa? Đưa đây mình xách đỡ cho.

* * * * *

Sắp xuân, tôi để lại những buồn vui sinh viên trong ngăn tủ để về nhà đón Tết. Bà tôi nhắc chuyện nhà chuyện phố, không quên thằng Còm. Bà thở dài :

- Thỉnh thoảng buổi chiều, tao thấy nó ra chợ vác hàng phụ người ta. Nhà neo người, cha nó lại ốm đau luôn...

Tôi ngồi yên giữa vắng lặng, thẫn thờ.

Nấn ná mãi, xế nắng hôm sau tôi mở ra phố lang thang. Ở một khúc quanh có xe hàng mới về đỗ lại. Từ xa, tôi trông thấy bạn tôi cong lưng cõng những ôm hoa. Tháng chạp hoa bỗng nhiều và rực rỡ, che khuất một dáng người cặm cụi, gầy gò.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Phan Hồn Nhiên

Vũ công chân vòng kiềng

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Cơn mưa tầm tã tuốt dần đám lá mềm nhũn kiên trì níu các cành già từ cuối mùa hạ. Bọn trẻ ngỗ nghịch thử trèo tường gạch vô nhà, vịn cành khô đứa thì rơi xuống đất, đứa thì què tay. Người ta kháo nhau rằng ngôi nhà từng bỏ hoang không phải là chỗ ở cho người. Chủ nhà có cái xe du lịch cũ mèm để vạ vật trong sân chẳng ngó ngàng đến. Giữa hai cơn mưa, trời hưng hửng, kính cửa sổ và kính xe bắt nắng ngời lên, ngôi nhà cổ như cô gái già lén thử tấm lụa óng, xong vội vã cất đi.

Phai úp mặt vào cổng sắt cũ nhìn các bông hoa uốn tinh vi chảy xuống dòng nước vàng han gỉ. Đợi chán, nó tẩn mẩn tự mở khóa cài trong. Kính xe phản chiếu bóng đứa con gái môi dày, mắt dài nhỏ. Nó co chân nện vào phía đuôi co rúm. Cái xe giống thằng người quen bị hành hạ, chẳng buồn kêu to. Phòng khách không có điện. Một người co chân trên chiếc ghế vải như ngủ quên, mái tóc chải sát đầu sáng mờ mờ trong tối. "Cô nghe cháu về, nhưng không mở cửa được. Chân lại đau" - Tiếng lầm bầm phào ra từ bóng người bất động. Phai gặm móng tay: "Cháu đã đánh thêm chìa khoá". Bật hộ đèn lên. Trông này!". Nó nhìn lơ láo cẳng chân xanh xanh thọc vào vùng sáng gần cửa. Mùi tàn thuốc lá và cặn trà lưu cữu váng vất đột nhiên gây cảm giác buồn nôn. "Đèn hỏng cô ạ. Cháu biến đây". Trong góc, cỏ lau cắm trong cái bình to tướng rung nhẹ. Sự chuyển động của những vệt trắng trên mặt buổi chiều. Người đàn bà hạ giọng, gần như van nài: "Ở đây một lát nữa thôi. Hôm nay trời đất là lạ thế nào ấy". Phải không quay lại, hình dung nét sinh động lướt qua người cô nó than vãn những lời cũ kỹ nhàm tai. Nó chạy lên thang dốc, rên ư ử trong giọng bài ca mà chú nó thường hát váng lên lúc tắm. Khi ấy các thùng nước quanh bếp hay rịn nước ra ngoài vì chất diễm tình đẫm trong những lời ca thô lỗ.

Phai ở một mình trên gác. Nó thay áo, mở ô cửa gỗ nhìn ra đường tàu xam xám, trông tựa người bộ hành đội mũ phớt sau chặng đường dài đang nghỉ chân. Trong căn chòi ấy, anh chàng gác barie chán đời mỗi lần thấy nó đi qua hay tìm cớ ngăn lại, nói bâng quơ mấy chuyện tầm phào: "Đi học về muộn thế?" "Ừ muộn". "Nhà cậu ban nãy có tiếng gì rất ghê?" Hắn gọi Phai là "cậu". Phai gất đầu: "Cô tôi kéo viôlông". "Cô à? - Hắn thờ ơ hỏi - "Đẹp không?" "Chả biết. Là nghệ sĩ". Nó hơi buồn cười vì âm vang của từ cuối nghe vừa oách, vừa tầm thường lan trong căn chòi. Người gác lặng im, có cái gì gần giống sự mơ mộng trôi qua mặt hắn...

Phai ngồi trên cửa sổ đọc nốt quyển sách còn để dở từ tuần trước. Mây không xám nữa. Gió luồn qua đám cành khô răng rắc. Bầu trời vàng ệch từ lúc nào. Phai không nghe tiếng cô gọi khẩn thiết từ nhà dưới. Trong ánh sáng vô tri vô giác cuối ngày, bụi cây dại như bị rút kiệt nhựa, đám lá tím tái thở vào không khí mùi thơm ngập ngừng. Tiếng gọi dài hơn vẫn không chạm đến chỗ Phai. Một luồng tối chậm rãi dâng lên từ mặt đất, chẳng mấy chốc, mọi vật chìm vào trong bóng đêm căng phồng. Phai buông tay, đánh rơi quyển sách xuống sàn gỗ. Tiếng người vọng lên nghèn nghẹn làm nó thốt giật mình. Nó đi trên mũi chân. Tấm gương dựa tường hình như đi vòng quanh nhẫn nại của người vũ công chân vòng kiềng.

Trên cái nền rầm rì cơn mưa đêm, tiếng nghến cửa cổng sắt gỉ nghe rờn rợn. Ông chú nhai đầu mẩu thuốc, lầu bầu không rõ điều gì. Phai khóa cửa, đi phía sau lếch thếch. Nó sắp đá đuôi xe thì bị ông chú bất thần quay lại bợp vào đầu: "Để nó yên! Con rồ". Phòng khách đèn tự sáng, mấy thứ đồ xô lệch xếp về chỗ cũ nhưng chưa hết vẻ bất an. Cô vẫn ngồi trong cái ghế thủng lỗ chỗ, mái tóc sạch tươi tỉnh thả xuống vai. Không có dấu vết mệt mỏi ban chiều. "Chuyện gì thế?" Người đàn ông nhìn quanh. Chẳng ai trả lời. Nước chảy thốc tháo vào hàng thùng xếp thẳng trong bếp. Người đàn bà với nụ cười ngưng đọng ngẩng lên nhắc: "Mình tắm đi!". Cái dáng kênh khênh của ông ta bỗng mệt rũ: "Ừ!", tự dưng Phai nhìn ra sân chờ nghe hát. Nhưng lẫn vào nước tung tóe, chỉ có tiếng khóc ùng ục như của một kẻ sắp chết chìm. Người đàn bà lặng thinh quan sát, Phai mân mê chuỗi hạt đeo cổ. Mỗi hạt gỗ hong khói kia đủ sức làm thức dậy một giấc mơ hoang dại nhất, nhưng sao xâu kết với nhau thì chúng chỉ là mớ dây xấu ghê người. Cô lướt mắt nhìn trên đầu Phai, bức sơn dầu cũ kỹ bị bỏ quên thường khiến cô thầm biết ơn chủ nhà cũ. Người thiếu phụ và con chó to, cơn mưa và rơm rạ... Chẳng đẹp đẽ gì. Nhưng ở đây nó là cuộc sống đồng quê có thực nhìn ra từ buồng tối. Ông chú lừ đừ bước vào, cái đầu ướt đầm che mờ ánh điện. "Tôi bị mất việc. Hôm nay" - ông buông thõng. Nước trên tóc ông rơi thành tiếng xuống nhà. "Chả sao đâu. Cái xe nhà còn tốt đem ra chở khách" - người đàn bà nói nhẹ nhõm, như thể cô nghe ai than phiền về chiếc răng sâu. "Ừ" - người đàn ông nhai thuốc bần thần rồi ngủ thiếp đi trong ghế. Phai lên gác. Lúc quay lại nhìn, cô nó đã khoanh tay quanh ngực, miệng cười. Nụ cười dễ dàng khuỵu xuống thành cơn lặng câm dài bất tận.

Phai trèo hẳn vào trong chòi gác. Người gác barie luống cuống pha trà bằng bình sứt sẹo.Hắn ta không nói giọng kẻ cả khi người khác xâm nhập căn chòi tạm bợ cố bày biện độc đáo chỉn chu. Hắn mời: "Cậu uống trà đi, thơm đấy!" "Ừ, ướp sen". Nóng bỏng cả tay, Phai đánh đổ xuống bàn non nửa. Mặt bàn cạo lưỡi lam hàng trăm lần mỏng quẹt, hút nước nhanh. Người gác đờ đẩn. "Ngon quá! Ở đâu anh có thứ này!" - Nó uống nốt trà, hỏi lơ đãng. hắn thở ra nhè nhẹ. "Bố tôi gửi cho". "Cô của tôi thường uống trà nóng đặc. Vâng như đàn ông. Tầng dưới nhà tôi đầy bã trà. Thoạt đầu cái mùi ẩm ướt ấy thật dễ chịu, nhưng dần dà nó khiến người ta muốn ngất đi". Trời mưa lại. Môi người gác barie mấp máy, hắn muốn nói gì đấy nhưng thôi. Phai nhìn qua cửa. Mấy bộ quần áo bạc màu phơi gần barie có bộ dạng con người sắp bay lên mà bỏ cuộc. Xa hơn, sau màn nước trắng bạc, đường tàu run rẩy giữa những ụ đất vàng thở phập phồng. Hắn ta lấy xuống tấm áo xanh bộ đội: "Lạnh rồi. Cậu mặc thử!". Nó lắc đầu, nhìn tiếp con bướm nhỏ tha thẩn dưới mái tôn, đôi cánh nó như cắt ra từ giấy thủ công vàng loại tốt. Người gác nói: "Khi ông béo nhà cậu đánh xe đi khỏi thì người đàn bà cũng đi tay xách va ly nhỏ". "Cô tôi đi dạy đàn cho nhà chị em sinh đôi trên phố". - Nó tiếp lời, thấy thật khôi hài. "Cô ấy đẹp thật!" Hắn gật đầu đoán chắc. Có một thời kỳ Phai đối xử với cô nó bằng thái độ hơi coi thường. Nhưng khi những bực bõ trẻ con qua đi, nó bắt đầu chùn lại, sờ sợ tính khí bất thường ở cô nó. Nó nói: "Nhà tôi chẳng ai nghĩ thế. Chỉ tại ở quanh đây anh nhìn quen các mặt người trôi qua quá nhanh". "Bố tôi chọn mẫu vẽ giống như cô ấy. Toàn những con người bồn chồn". "Bố anh là họa sĩ? Còn anh chọn sống ở đây?". Hắn cười, để lộ hàm răng xấu. Hắn trở lại câu chuyện về người đàn bà đẹp. "Sáng nào tôi cũng đợi nhìn cô ấy đi qua..". "Điên quá!" - Nó thầm nghĩ. Người gác đang nói gì nhỉ? Về một chi tiết lãng mạn phù hợp với mình... Tình trạng sống không cảm giác... Ước mơ khiêm tốn... Miệng hắn cười rộng thênh. Trời tạnh mưa sáng trắng. Phai để trôi qua các tâm sự ư ê khôn có gì mới mẻ. Nó đột ngột đứng dậy: "Hết mưa rồi. Cảm ơn anh cho vào trú. Tôi sợ ốm trong đợt thi". Người gác cổng xe lửa ngước lên, đôi mắt mỏi mệt còn sót lại chút dễ chịu được bày tỏ. "À quên - hắn vội vàng - Cậu cầm thứ này về nhà". Trà khô đổ rào rào trên giấy bản. "Vâng. Cô tôi thích lắm đây". Phai đi thẳng, ngôi nhà nó trước mặt ống máng đã vỡ, nước âm ỉ chảy như những sông nhỏ trên tường.

Cây dừa cảnh phòng khách thiếu nắng quắt khô. Người chú đi tình đem về rọ hoa chi chít đỏ, sai nó thay vào chậu sành vẽ đám cưới chuột. Phai cẩn thận bóp chết vô số con cuốn chiếu lẩn trong đất xốp, thảm len, khăn bàn. Cô nó gập quyển tạp chí, giọng chợt run: "Gì thế mày?" "Xác chết!". Nó không ngoảnh lại, đáp. Tiếng thét bất ngờ của cô tựa mũi tên sắc nhọn bay trong ngôi nhà lặng im. Người đàn ông bê bết dầu xe bước vô phòng thấp giọng giận dữ: "Con rồ!" Ông bợp mạnh lên đầu nó, bỏ đi. Phai soi vào cửa kính. Dưới cái mũi trắng bệch, rỉ máu đỏ. Nó nghĩ trông giống mà bụi hoa mới trồng. Vừa hất xác con cuốn chiếu vô đất, nó vừa khàn khàn nói với cô: "Có gì mà cô phải sợ. Cháu thấy như chảy máu cam" Người đàn bà ngồi yên, tiếng rên rỉ run trong lồng ngực. Phai ngủ lịm đi trên gác. Trong mơ, nó thấy mình đu trên cánh cổng ngoài vườn, của sắt nghiến âm u. Ở nhà dưới, cô nó kéo đi kéo lại vài hợp âm. Đôi khi tiếng búa gõ vào thùng xe.

Gần đến đường tàu, Phai đi chầm chậm chờ tiếng gọi. Căn chòi kín cửa, người gác đi đâu. Nó ngồi trên trụ vuông gắn barie nhìn quanh quẩn. Đường vắng, thi thoảng một chiếc xe gắn máy phóng qua, người lái cúi rạp như trên mình ngựa lướt ngang đồng cỏ. Về bây giờ không có ai, các phòng váng vất mùi của nhà bỏ trống. Cô nó hay về muộn, nói chuyện huyên thuyên rồi thiếp đi trong ghế. Một lần Phai pha trà, chiêu vào cái cốc men xanh cô nó rất ưa. Người đàn bà nhấm từng ngụm nhỏ, hài lòng: "Nhà mình đâu có thứ này?" Nó hỏi" "Cô biết người gác cổng xe lửa đằng kia chứ?" "Chắc là có". Cô nó đáp mà không tin chắc. "Anh ấy cho trà. Và còn khen cô đẹp nữa" - Nó cười khẽ. Bông cỏ lau chờn vờn gò má trái cô nó, làm cho gương mặt thoáng vẻ thỏa mãn, nhưng khinh thị. Nó tiếp: "Anh ấy sống khổ. Hôm nào cho đến nhà được không?" - Nó hỏi lại. "Thôi...". Cái cốc trà tuột tay cô rơi vỡ tan. Cả hai giật mình. Những mảnh sứ trên sàn xanh biêng biếc. Cô thở hắt: "Chẳng tiếc gì". Sau câu chuyện vu vơ lần ấy, cô nó hay đi vắng hơn. Một người đàn bà đang ý thức lại vẻ đẹp của mình. Có đêm nó nằm sấp trên sàn, áp tai nghe dưới nhà nói chuyện. Những giọng nói trầm, những mùi ám ảnh của tàn thuốc và bã trà luồn qua khe ván. Đôi lúc cái giọng đàn ông đều đều chán nản lặng dần, khuất vào tiếng cô nó ân hận thổn thức. Trách móc và phân bua, lối rẽ muôn thuở của cuộc sống tẻ nhạt, câu chuyện trong các tuồng hát video. Phai trở mình, cố nghĩ sang chuyện mới. Ích gì khi lo lắng cho những việc mà sẽ không thể khác đi. Sáng dậy sớm, chú Phai đánh xe ra cổng, vẫy cho nó ít tiền và trách: "Tao thấy độ này mày lêu lỏng suốt. Ở nhà với cô hộ tao". Nó cười. Trong nhà vô gọi, sai tìm dầu nóng. Góc bếp sực mùi mở cháy. Ngón tay trỏ bẹp của cô nó thấm dầu xoa lên các vết tím xanh vì tay người trên cổ... Boqng người gác barie xe lửa vắt ngang đường ray. Phai gọi: "U, u...". Hắn rảo nhanh, từ xa hồ hởi: "Cả tuần nay mới thấy cậu". Nó đứng hẳn dậy chợt thấy như vừa thoát nỗi lo âu: "Tôi chờ anh mãi". Họ uống trà, nói chuyện vẩn vơ về xe cộ. "Trà sen nhà cậu còn không?" - Hắn nhìn Phai: "Ừ, còn kha khá". Một con sẻ sà trên đường ray, chăm chú nhặt cơm vãi. "Tớ củng ít thấy cô của cậu đi về đường cũ. Cô ấy thế nào?" - Hắn khẽ khàng sau hồi lâu ngần ngại. "Có lẽ là chuyện một tình yêu khác". Cảm giác như người nói chuyện với Phai rùng mình. "Có sao không?" - Hắn hỏi lại. "Chú tôi bóp cổ, muốn cô tôi chếp quách đi" - Phai thì thầm. "Cậu phải làm gì chứ?". Nó nhún vai, lảng tránh: "Chùm hạt đeo cổ tôi đủ to để che những vết bầm. Nhưng cô tôi bảo rằng nó trông rất tởm". Con sẽ phởn chí rỉa lông. "Muộn rồi, cậu về đi" - Hắn nhắc. "Ừ". Phai hít nhè nhẹ cái không không ẩm ướt dễ chịu của đường phố. Chiều từ lâu, những mặt người cũng có bóng tối.

Xe chạy nhanh trên tỉnh lộ loang loáng nước mưa. Phai chỉ cho ông chú xem cái chỗ nó từng đứng một mình cả đêm vì xe hỏng. "Làm thế nào một đứa dở hơi như mày không sợ ngất đi nhỉ?". "Cháu hát đến khản tiếng. Đếm sao. Rồi chuyển sang nhẩm thơ". Chú nó cười trong họng khùng khục, ngoái lại phía sau: "Nó bịa chuyện thật tài!". Có nó không đáp lới, khép kín vạt áo khoác. Ánh đèn vàng vọt trong xe chỉ đủ sáng phía dưới mặt cô nó, đôi môi nhạt bũi gần hợp với màu da. Đường xóc. Trên các ghế trống, những bao cá khô sứt chỉ tỏa mùi ngai ngái. Phai nói to: "Giá được đi tỉnh thế này thường. Lần sau có hợp đồng chở hàng cho cháu đi cùng chứ?". Đôi mắt mệt mỏi nhìn vào gương chiếu hậu: "Để xem". Cô nó nhắc: "Nói ít thôi, Phai". Nó tựa má lên thành cửa. Trời tối nhưng chưa khuya. Mấy cái xe ngược chiều chiếu đ2n lên cánh đồng vừa gặt. Những cây rơm đánh cao đứng lưa thưa, vầng trăng non trôi giữa mây lành lạnh. "Bức tranh ở phòng khách, nhưng là buổi tối". - Nó nghĩ thầm. Người đàn bà bẻ cổ áo, to son bồn chồn. Một thứ âm thanh mơ hồ dần sắc nét. "Sắp về thành phố" - Nó nhắm mắt. Chú nó hỏi vợ: "Giao hàng xong là khoảng chín giờ. Mình ở nhà luôn, đừng đi đâu có được không?" Phai không nghe cô đáp, nhưng nó nghe có gì đang nứt toác ra bên trong người lái xe vạm vỡ. Gần tới nhà, khi tiếng xe lửa trên đường ray rất rõ. Phai nhỗm dậy ngạc nhiên: "Sao không hạ barie?" Chú nó tỉnh táo: "Tao lao qua nhé!". Ánh sáng chói rực. Sự va chạm mạnh. Bấc giác, Phai thấy nó cũng vở toang ra.

Căn phòng yên tĩnh quét vôi trắng. Người đàn ông nằm ngửa trên giường hẹp. Phai đăm đăm qua sát bàn tay có nhiều nốt chai sần vàng ệch vì công việc và khói thuốc, bàn tay thường bộp đầu nó khi chán nản. Phai kéo chăn che kín bàn tay. Ông chú mở mắt, cựa mình: "Mấy giờ rồi nhỉ? Cô đâu?". Nó lùi ghế ra xa: "Cô không ngủ đã mấy ngày, cháu thay cô vào bệnh viện". "Về đi. Tao muốn cô ấy ở đây". Mắt người nói bềnh bệch nhìn như ra lệnh. Nó đến bên cửa sổ, mặc tiếng dằng dai độc thoại sau lưng, ngoài kia trời xanh sáng, màu xanh mà tất cả mọi mẫu vẽ chỉ là sự thất bại bắt chước vụng về. Cỏ bệnh viện cũng xanh óng thơm tho. Phai thấy mình bé lại, một ngày chủ nhật chạy trên bãi cỏ hoang. Cô của nó lúc ấy là cô gái nhỏ, cười đuổi đằng sau. Họ nằm trên cỏ ướt, hơi đất cỏ tươi mát đã thấm qua lưng, đầy tràn hai lá phổi. Gối đầu lên hộp đàn, cô hỏi nó nghê ra tiếng chim đâu đây. Nó chú tâm nhưng không hề nhận thấy... "Này, Phai!". Nó giất thót mình khi người chú gọi. Ông dặn: "Nhắn cô vào đây nhé. Giúp tao!" "Nếu cô vắng nhà?" "Hãy đợi. Và bảo cô ấy là làm gì cũng được. Nhưng đừng bỏ đi". Người đàn ông thở dốc, mắt dõi lên ván phủ trần nhà.

Chòi gác có người. Phai đứng nơi bậu cửa, ngó vào. Người gác đang cạo bàn gỗ bằng dao lam. "Xin chào!". Hắn quay ra bối rối: "Vào đay. Tôi đi đun ít nước". "Đừng. Tôi chỉ đến hỏi anh một việc". Nó khẽ khàng. Những ngón chân anh ta ngọ nguậy trong dép: "Sao kia?" Nó nhìn thẳng vào mắt anh ta: "Vì sao anh không hạ barie?". Sự im lặng khô khốc bám vào từng phân tử không khí. Cái xe đầu dúm đó bây giờ nằm lại trong sân. Ông chú với cánh tay dập nát. Bỗng nhiên Phai mệt ghê gớm. Nó tự kéo ghế ngồi, thấp giọng hơn: "Vì sao?". Tiếng người kia khản đục: "Tôi chẳng cố ý. Tin tôi đi!". Nó úp mặt vào lòng bàn tay hồi lâu. Lúc ngẩng lên, trên bàn có cốc trà khói nghi ngút.

Buổi chiều người đàn ông có một cánh tay sẽ ra viện về nhà. Cô của Phai đứng bên phòng khách, mái tóc thẳng thật điềm tĩnh. "Cô không đi sao?" - Nó hỏi "Hôm nay cần phải ở nhà" "Vâng" - Nó gật đầu thông hiểu. Cộ cụp mắt, chôn chân bên cái bình cỏ, tưởng cô sẽ không kìm được cơn khóc nếu ngồi im trong ghế cũ. Phai xốc lại cái túi len vai, cố bình thản; "Cháu về với bà đây. Sang hè cháu vào, tìm chỗ trọ học nốt năm cuối". Tiếng nấc vang lên rất nhỏ. Nó dợm bước đi, nhưng ngoảnh lại: "Cháu buồn quá!".

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Phan Hồn Nhiên

Ngẫu nhiên

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Cánh cổng gỗ dầy bị mọt, lung lay như một cái răng cửa sắp rụng. Khi người ta đẩy mạnh, nó thường rít lên một cách rầu rĩ vờ vịt và kiên quyết không nhích thêm một chút nào nữa. Nếu ai để ý, hẳn sẽ thấy phía trong cửa có một con bé hay bám chặt mấy song gỗ vươn cổ ra nhìn, mắt nó sau đôi kính trắng óng ánh như mẩu than quặng. Ðôi khi, con bé bị nhốt ấy se sẽ thở dài. Và trong lúc tận hưởng nỗi u sầu đầy vẻ người lớn ấy, nó vẫn vểnh tai lo lắng đón tiếng gọi của ông nội có thể vang lên bất cứ lúc nào. Lúc đó, nó sẽ rơi bịch xuống sân, miệng hét váng: "Ông ơi, con sẽ thuộc bài ngay ấy mà!".

Vào hạ, trời rực vàng và phượng vĩ bắt đầu lóe đỏ. Người ngoài phố rảo nhanh, để tuột lại sau lưng con bé học về đi bộ, thi thoảng ngửa mặt quanh quẩn tìm ve. Nó bước chậm hơn khi đến gần nhà, sựng lại vì suýt va vào người đang cặm cụi vẽ trước cái cổng mọt. Hắng giọng, nó oai vệ hỏi một câu vô nghĩa :

- Anh làm chi đó?

Dưới chiếc mũ tai bèo héo hon vì nắng, tiếng người van vỉ cất lên tựa như nghe câu hỏi ấy lần thứ một trăm :

- Tôi vẽ, cô nhỏ ơi. Bài tôi còn nhiều chỗ phải làm lắm.

Nó khom lưng tò mò ngó vào dưới chiếc mũ. Gương mặt trong đó ngẩng lên, buồn cười và hơi bực bội. Con bé tròn mắt đe dọa :

- Anh là ăn trộm chứ gì? Ăn trộm thì hay giấu mặt và vẽ sơ đồ nhà khác. Tôi biết ngay mà.

Ðẩy mạnh cửa, nó chui tọt vào trong sân, còn kịp nghe tiếng anh ta vọng lại :

- Thật quái gở, để rồi xem!

Buổi chiều làm xong bài vở, nó đứng giữa phòng phấn chấn hát to, cuối mỗi câu hát lại đệm nhịp nhàng "Ðể rồi xem! Ðể rồi xem!" Ông nó mở cửa nhìn sang, nhắc nhở: "Cơm Nguội, con thừa biết là ông đang dịch sách, phải không nào?" Nó ra sân, dụ dỗ con mèo nằm trên mái ngói bằng những tiếng kêu líu ríu, lào thào.

Bắt đầu mùa hè và những buổi rong chơi. Nó thức dậy sớm, nằm dài nheo mắt nặn ra các trò kỳ thú. Ông nó xem sổ báo điểm và nói :

- Ba tháng nghỉ là quá dài. Buổi chiều ông xin cho con đi học thêm. Sáng ở nhà đọc sách. Ðừng nghĩ đến chuyện lêu lổng đấy nhé!

Nó giẫm lên đốm sáng lọt giữa nhà, cụp mắt thất vọng.

- Ông ạ, chẳng có đứa nào 14 tuổi bị nhốt trong nhà đâu.

- Và cũng chẳng có đứa nào 14 tuổi tai quái như con đâu, Cơm Nguội à!

Ông nó dứt chuyện bằng tiếng thở dài. Nó thò tay cho đốm sáng nhảy lên ấm nóng.

Quanh quẩn trong nhà chán, nó ra sân buồn rầu gác cằm lên ổ khóa lạnh lùng, ghé mắt vào khe hở ngóng phố. Người có cái mũ cụp vành vẫn ngồi chỗ hôm qua vẽ tiếp bức tranh dang dở. Ðắn đo một lúc, nó lấy can đảm gọi khẽ :

- Anh vẽ ơi! Anh mở chốt ngoài cho em đi!

Anh ta thoáng giật mình nhìn con bé thò mũi qua khe cửa cầu cứu. Nhớ những lời chế nhạo của nó, anh ta cười châm chọc :

- Tên trộm đang vẽ sơ đồ, chưa đến lúc bẻ khóa đâu.

Nó sịt mũi, rơm rớm nước mắt :

- Ông bà đi họp, nhốt em ở trong nhà. Hè em cũng không được đi ra phố.

Mủi lòng trước những giọt nước đọng trong kính trắng, anh ta giao hẹn :

- Tôi mở chốt cho em chút xíu, rồi vô liền nghe.

Nó toét miệng cười khi khung cửa rít lên bực bội. Ðôi chân gầy nhỏ của nó như chân chim thoăn thoắt nhẩy ra.

Ngày hè đầu tiên của nó có anh họa sĩ. Với thói mê tín kiểu trẻ con, nó thường gọi vài sự kiện trong ngày đầu giai đoạn mới là "điềm" và ngồi suy đoán vẩn vơ những ngày sắp đến. Mùa hè của nó buồn hay vui, bây giờ nó vẫn không rõ. Nó chỉ dám nhớ đến bầu trời trong vắt muộn mưa ngày ấy, và nó vội quay đi.

Ngồi trên vỉa hè nóng ran, nó im thin thít như đã giao ước để xem anh ta vẽ. Xô nước nó mang cho anh rửa bút dần lẫn lộn đủ màu. Ðoạn phố quen nó đi mòn guốc vào tranh anh bỗng thành lạ lẫm. Phố dài là dải khăn xám mỏng manh buộc lại với nhau các bó hoàng diệp sắp bay lên trời thắp lửa. Chỉ những ngôi nhà mái thấp là lặng yên. Chúng vàng hơn, chẳng hiểu vì ánh hoa hay ánh nắng. Vẽ rất lâu, anh ta nghỉ tay rót nước từ bi đông vào nắp để con bé uống rồi tiện tay gấp luôn cho nó cái mũ giấy. Anh hỏi :

- Em tên là gì, cô nhỏ?

- Cơm Nguội - Nó nhăn mặt.

- Hi hi. - Anh ta không nhịn được cười.

- Hi - Nó cười theo, giải thích - Trước nhà cũ của em ngày xưa có cây cơm nguội. Không phải cơm nguội trong nồi đâu.

- Ngộ hén! - Anh cuộn lại bức tranh vừa khô - Em vào đi, trưa người nhà sắp về rồi đó.

Nó dè dặt: "Mai anh ra nữa không?" Anh gật đầu và cười khi nghe nó dụ khị: "Anh mở chốt cho em nữa nghe!"

ở trường chuyên có mở một lớp bồi dưỡng cho học sinh giỏi toán. Ông nội dắt nó đi thi tuyển, để rồi chiều chiều chở nó đến trường, thắc thỏm nhìn đồng hồ e nó dỗi nếu đón muộn. Những đồng tiền bà cho nó nhét vào ống dành dụm. Người trong nhà hỏi, nó tiết lộ: "Sau hè con mua máy tính..." Con bé thích môn toán hay các buổi sáng lẻn ra ngoài đi dọc phố với anh sinh viên hơn. Không ai biết. Chỉ thấy rằng tháng sáu đi học thêm về, nó cố làm xong bài tập để sáng mai được nghe những câu chuyện lạ lùng của kẻ ra phố vẽ tranh.

Người sinh viên mỹ thuật đến thành phố nhỏ này nhằm hoàn tất bộ bài tập cuối năm. Từng tận mắt nhìn và vẽ nhiều miền đất, thế nhưng cái thành phố đi chưa trọn ngày đã hết đã buộc chân anh hơn một tháng. Không gian trước những ngày sắp sạm đi vì mưa gần như hào phóng sắc màu. Mấy dãy phố hẹp đều đặn các ngôi nhà mái thấp, phượng vĩ và hoàng điệp đan nhanh với nhau, chẳng biết hoa nào của cây nào. Anh lang thang bao ngày, rồi cả buổi tối. Thảng khi khuya dừng lại trong thành phố vắng người, anh bỗng nôn nao, cảm nhận cái cảm giác không tên, cảm giác của những ngày xưa cũ bình yên, êm ả đến vô chừng. Mùi lá cây nhan nhát, những nốt nhạc uể oải gần tắt trên một cây đàn, ánh sáng nhợt nhạt hắt ra từ vòm cửa nhỏ... tất cả thấm đẫm vào không khí quanh anh, nhẹ bỗng, mông lung.

Những buổi đi phố làm bài với anh bao giờ cũng thú vị. Và có lẽ, buổi vẽ ấy thú vị hơn khi có Cơm Nguội quấn quít bên anh, lúc lặng yên, lúc ríu rít như con chim học nói. Bó gối nghe anh kể về các chuyến đi, mắt nó sau kính bỗng xa vắng, ngẩn ngơ. Trong giấc mơ ban ngày, nó thấy mình đang lang bạt kỳ hồ, cũng chôn chân trên cao nguyên, cũng gấp thuyền làm quà cho biển. Chân nó nhỏ bé, chưa từng đi xa.

Gió thổi tung mũ của con nhỏ ném ra phố. Nó chạy theo, mảnh mai tựa tia nắng xiên. Bất giác, anh chợt nhớ đến cái đêm lớp anh cắm lều trên núi gần bờ biển. Ðêm sâu dần, bọn côn trùng cũng lặng yên, ngẩng lên ngóng trời. Anh thót tim lúc nhận ra trên kia là cánh đồng sao. Cánh đồng ấy rắc xuống biển những hạt giống bé xíu, lung linh. Có phải Cơm Nguội là một trong những ngôi sao thông minh, trong vắt ấy không?

Nó nhặt lại được chiếc mũ đỏ đội lên đầu và bắt đầu những câu hỏi theo cách của mình :

- Anh này, anh là người tốt chứ?

- Tại sao em lại hỏi như vậy? - Anh sinh viên thoáng ngạc nhiên.

Nó xoè mấy ngón tay giải thích :

- Em không biết. Em đọc sách thấy có người rất tồi, thực ra, cuối cùng đó là người tốt. Ðôi khi như vậy.

Anh chậm rãi :

- Không thể hỏi thẳng một ai rằng bạn có tốt hay không? Ở lâu rồi biết, cô nhỏ ạ. Nếu ai hỏi em là cơm nóng hay cơm nguội, em có buồn cười không? Mai mốt lớn đi xa rồi em thấy.

- Nhà em sắp chuyển tới thành phố lớn rồi. - Nó hấp háy mắt, quên ngay câu chuyện dở dang.

Anh đặt vào tay con bé chân dung nó anh vừa mới vẽ xong :

- Mai tôi vẽ phố khác. Em ở nhà làm nhiều bài tập toán nghen. Nếu còn ở đây, thỉnh thoảng tôi ghé lại xem em có thò mũi ra cửa nữa không. Ðược chứ?

Nó gật đầu, ôm bức chân dung trước ngực chạy cho gió kêu bên tai như một chú ong.

Thành phố chuyển mùa, chuyển cả màu sắc. Lá bàng xanh là thế, nay ngấn vàng, những mái nhà rêu nâu phủ màu đồng xạm của lá khô rơi. Bài tập toán thầy giao về nhà nhiều lên, nó làm đến tối khuya, rồi cả buổi sáng. Chỉ nơi giấc ngủ muộn nó mới xỏ chân vào đôi dép quen rồi chu du theo ước vọng. Con đường nó đi trong mơ vẫn chỉ là lối ngập tràn bụi đỏ, biển mênh mông và trời lúc nào cũng trong veo. Sáng dậy làm bài, lắm khi vẩn vơ cộng những hoa quỳ hái được đêm qua.

Sắp chuyển nhà. Con bé rối rít lên giữa muôn lời nhắc nhở dọn dẹp của ông bà. Lúc ngơi tay, nó bám lên cánh cửa gỗ hom hem để mỏi mắt nhìn. Nhưng hình như nó thường ra muộn. Ngày đi, nó tần ngần viết lên cửa dòng phấn trắng: "Cơm Nguội chuyển nhà đến..." Xe đi nhanh trong nắng ra ga.

Con bé 15, rồi gần 16. Ở thành phố lớn, nó bận bịu giữa những lớp học chuyên. Chỉ có bức chân dung treo trên tường nhìn xuống bộn bề sách vở cảm thông với nó. Một tối lễ, nó leo lên tầng trên cùng của cao ốc giữa thành phố. Dưới kia mỗi ô cửa sổ đều sáng lên ngôi sao nhỏ. Bất chợt, nó bỗng nhớ một cánh đồng đầy những hạt giống biết tỏa sáng lung linh. Nó khóc, nước mắt đọng trong kính tựa hai vì sao mới.

Cuối năm anh sinh viên sẽ ra trường. Thỉnh thoảng, anh mở tập tranh cũ, nhìn những miền đất đã đi qua, nghi ngờ tự hỏi con bé có cái tên lạ lùng của mùa hè năm ấy là thật, hay chỉ là trò chơi của trí tưởng tượng.

Anh và nó đều không biết rằng cơn mưa đầu mùa hôm nó ra ga đã xóa đi dòng phấn trắng trên cửa.

Trong những câu chuyện ngày nào anh kể cho nó nghe, chưa bao giờ anh nhắc đến sự ngẫu nhiên.

HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro