Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

NHỮNG THƯ VIỆN CŨ

 Một hôm, tôi với Kính ngồi học nhóm. Tới khi phát ớn với những mốc tháng ngày và số liệu của môn LỊch sử, tôi gấp sách, quăng véo xuống bàn. 

 _Sao lại cứ phải học những thứ cũ mòn từ đời nảo đời nào thế này? Đánh được bao nhiêu xe tăng với tiêu diệt được bao nhiêu quân địch thì liên quan gì đến bây giờ đâu? - Tôi than.

 _LỊch sử hay mà. - Kính đáp. - Chẳng qua là cách bạn tiếp cận với nó có thể không hay cho lắm. 

_Thế như nào thì hay?

 KÍnh gãi gãi mũi, rồi đứng lên.

 _Đi theo tớ.

 Khi chúng tôi ngồi trên xe buýt và Kính và hé lộ về điểm đến, tôi đã trợn mắt, há hốc mồm và nằng nặc đòi xuống. 

 _Không, tớ không đi. Bạn bị sao đấy? Tớ è cổ ra đọc sách giáo khoa còn chưa đủ à mà còn đi bảo tàng?

 _BẠn cứ thử một lần đi, rồi không thích thì lần sau sẽ không bao giờ đi nữa, được chưa?

 Kính nói y hệt bố, mỗi lần xúi tôi ăn thử một món mới. "Cứ ăn đi mà lị. Không thích thì thôi lần sau không ăn nữa!". Nhưng hầu như sau mỗi lần ăn thử thì tôi đều thun thút...ăn thật! Nghĩ đến đây, tôi ngừng gào thét và ngoan ngoãn theo KÍnh đến bảo tàng. 

           BẢO TÀNG

 Bảo tàng LỊch sử rộng thênh thang và rất yên tĩnh. Khách tham quan cũng thưa thớt, mà phần lớn là người nước ngoài (nếu không muốn nói là suốt chuyến thăm, tôi để ý thấy chỉ có Kính và tôi là người "địa phương" mà thôi).

 _Bọn mình đi xem từ thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam cho đến hết năm 1975 thôi nhé! Đang học về phần đó đúng không. - Kính nói, và tôi đã cảm thấy buồn ngủ rũ. - Ê, mở mắt ra. Tớ sẽ không giảng giải về tháng ngày sự kiện, mình sẽ chỉ xem những thứ hay ho thôi, được chưa?

 Đấy, mọi thứ bắt đầu hay ho rồi đấy!

 Chúng tôi xem "Chiếu Cần Vương" của vua Hàm Nghi. Tuy không đọc được những kí tự ấy nhưng chỉ cần nhìn những hàng chữ đều tăm tắp, ngay ngắn mà thanh thoát, đã thấy rất phách. Rồi đến thư của cụ Phan Chu Trinh, kêu gọi cải cách hòa bình. Sách giáo khoa chỉ nói chung chung nhưng ở đây chúng tôi được đọc xem thực sự cụ Phan đã viết những gì, như thế nào. Thư đầy tâm huyết lại rất nhân văn, mực thước.

 _Sách giáo khoa "phê bình" cụ Phan rằng yêu cầu cải cách trong hòa bình như vậy là mềm yếu quá, nhưng qua lá thư này thì tớ thấy rất quý cụ! - Kính nhận định và tôi gật gù.

 Xem tiếp, chúng tôi đọc được thơ của các chí sỹ viết trên tường nhà ngục hay trước giờ ra pháp trường. Thơ nào cũng khảng khái và chí khí, bày tỏ tinh thần quật cường, kêu gọi nhân dân tỉnh thức.

 Sang thời kì những năm 1930 - 1940 của thế kỉ XX,  chúng tôi bắt gặp những tấm ảnh chụp Hà Nội cũ: Cầu Long Biên, gánh hát rong, người ăn xin trên phố, tòa nhà Gô-đa, phố Sinh Từ (*)...rồi ảnh phố Hà Nội chất chồng đồ đạc cản đường quân Pháp, năm 1946. Cùng thời kì này còn có bom ba càng. 

 Kính chỉ cho tôi xem và giải thích : 

 _Bom này nhìn thô sơ thế thôi nhưng đắt giá lắm. Người đánh bom sẽ phải cầm bom, lao theo nó, và rồi nổ theo... Thế nên, ôm bom ba càng nghĩa là chọn lấy cái chết. Một quả bom châm ngòi bằng một mạng người bạn ạ.

 Kính vỗ vai tôi trấn an rồi đưa tôi đi xem tiếp. Một mảnh hầm tướng Đờ-cát ở Điện Biên Phủ. Ảnh chụp cầu Hiền Lương - nơi vĩ tuyến 17 chia đô đất nước. Một cây đàn tự chế trong thời chiến - tròn như đàn nguyệt, mà bầu đàn như thể lấy hai cái chảo úp vào nhau... Ấn tượng cuối cùng đối với tôi là dấu vết của trận bom dội xuống Hà Nội năm 1972: Mảnh bát hương vỡ, mảnh chuông vỡ, tượng Phật gãy rời đầu... Tôi đâm ra cảm hứng, phát ngôn "già nua" y như...Kính: 

 _"Các vị ngồi đây trong lặng yên. Mà nghe giông bão nổi trăm miền..." (**). Nói vậy chứ, đến lúc như thế này thì Phật cũng chẳng được yên nữa, bạn nhỉ?

 KÍnh gật gật đầu, lại vỗ vỗ vai tôi trấn an.

 (*): Tòa nhà Gô-đa ngày nay là Tràng Tiền Plaza, phố Sinh Từ ngày nay là phố Nguyễn Khuyến, (Hà Nội).

  (**): Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận.

HỎA LÒ 

 Đi hết bảo tàng, cứ thấy tiếc tiếc và muốn xem thêm. Tô tần ngần hỏi KÍnh:

_Còn nơi nào để bọn mình đi nữa không?

 _Nhiều chứ. Hà Nội còn bao nhiêu bảo tàng! Nhưng mà, một ngày mà đi nhiều sợ bạn "bội thực" Lịch sử, lại chán nữa. - KÍnh lè lưỡi trêu tôi.

 _Không, tớ không bội thực mà tớ cũng không chán đâu, tớ thích cực! Thề, hứa, đảm bảo luôn! - Tôi một mực khăng khăng.

 _Thế thì...nhà tù Hỏa Lò nhé?

 _À... Chỗ đó thì... - Tôi thở dài. - Tớ đã đi rồi, mà tớ sợ lắm. Có mấy khu xà lim cũ, tường sơn đen, đèn sáng leo lét và hình nộm người tù trong đó. Ôi...

 Nghĩ lại, tôi vẫn rùng cả mình!

 _Nhưng lần này bạn đi với tớ cơ mà! Mà nếu bạn không thích thì thôi! - KÍnh vừa động viên vừa khiêu khích.

 Thế là chúng tôi đi...nhà tù.

 Lần này, tôi xem kỹ hơn để hiểu vì sao khu nhà tù tên là Hỏa Lò. Thì ra ngày xưa ở đây đã có một làng nghề chuyên làm đồ đất nung nên được gọi tên là làng Hỏa Lò. Rồi làng bị dời đi để nhà tù mọc lên. Khi ấy, khuôn viên nhà tù rộng cả bốn mặt phố, nhưng đến nay thì chỉ còn một phần giữ lại làm bảo tàng, còn lại thì đã có một tòa nhà mới và hiện đại xây trên nền đất cũ.

 Kính dắt tôi đi qua những khu xà lim, "cachot" (ngục tối) nhưng cho dù như thế, tôi vẫn không khỏi sợ run. Đầu tôi nóng bừng mà tay tôi lạnh toát. Đến khi ra ngoài khoảng sân nắng sáng, một lúc, mới thấy bình thường trở lại. Thật chẳng hiểu tại sao ở ngoài vẫn sáng sủa ấm áp mà trong kia tăm tối u ám lạnh lẽo không thể tả!

 Cuối cùng, chúng tôi lên tầng hai, nơi lưu trữ thông tin, hiện vật về những chiến sỹ cách mạng từng bị bắt tù đày ở đây. Tôi để ý mấy mẩu "truyền đơn" viết tay dài dòng ngắn ngủi, để tù nhân rải trên đường lưu đày, như một lời thông báo tới đồng bào. Kính kéo tay, chỉ cho tôi những bảng vàng ghi danh sách tù nhân. Chậm rãi, cậu trỏ vào một cái tên.

 _Đây là ông nội tớ này.

 _Trời. - Tôi không biết nói gì mất một lúc. - Sao chẳng nghe bạn nói bao giờ?

 _Thì...bây giờ nói. - Cậu ta gãi đầu.

 Hừ, sau khi hết ngạc nhiên và bất ngờ thì tôi thực sự muốn thụi cho cậu ta một cú.

 _Đi, giờ đi về nhà ông bạn! - Tôi kéo Kính đi phăm phăm. - Đồ tồi, ông hay ho như thế mà giấu mãi!

NHÀ ÔNG 

 Nhà ông bà nội của Kính ở cách nhà chúng tôi vài cây số, có thể đi buýt về được, nên thường KÍnh cũng hay về chơi với ông bà và thi thoảng tôi có đi cùng. Ông bà ở cùng với cô chú của Kính (các bạn còn nhớ ông chú có một chuỗi nhà hàng và muốn Kính "kế thừa" nhà hàng của chú chứ?). Nhà rộng, sân rộng, vườn rộng, bao nhiêu là cây. Và ông bà nội Kính, giống như mọi ông bà hiền lành vui tính chứ không có vẻ chiến trận gì cả. Thế nên suốt chặng buýt từ Hỏa Lò về nhà ông, Kính phải dỗ dành cho tôi qua cơn giận dỗi bằng cách kể chuyện ông đã từng bị bắt tù đày như thế nào, rồi kể cả những địa phương nơi ông từng đóng quân, công tác mà đến giờ thi thoảng Kính vẫn cùng ông về chơi hoặc những người quen biết từ hồi đó vẫn qua lại.

 _Có cả nơi sơ tán mà bố với chú tớ từng ở. Hồi bé tớ về ấy, đường làng vẫn lát gạch đỏ lô nhô. Bà cụ nhà sơ tán có quán nước ven đường lợp mái rạ, kê chõng tre, nằm dưới rặng tre rì rào mát rượi. Có cả con sông bên cạnh nước xanh leo lẻo nữa. Buổi trưa mùa Hè tớ ngồi đấy mà mát quá, ngủ khì luôn!

 _Ôi thích thế!

 _Mà giờ cũng không còn rồi...

***

 Khi chúng tôi về, ông nội Kính đang cắt tỉa cây cảnh ngoài sân. Trong hiên nhà, bà nội tóc trắng phơ phơ ngồi sưởi nắng, lúi húi giã trầu.

 _Hai đứa ăn gì chưa?

 _Cháu ăn rồi ạ. - Tôi đáp.

 Kính xua xua tay:

 _Cháu chưa ăn gì cả bà ạ! - Kính thầm thì với tôi: "Bà lúc nào cũng lo tớ đói! Và bà chỉ vui khi tớ ăn thật là nhiều!"

 _Đấy cháu vào bếp xem có gì ăn đi. Thật khổ!

 _Vâng ạ!

 Kính lè lưỡi với tôi và biến vào bếp, lôi ra một đống hoa quả rồi ăn hết sức nhiệt tình. 

 _Bạn cũng ăn đi, kèo bà "không bằng lòng" đâu!

 _Thôi, tớ ra làm giúp ông.

 _Đợi tớ ra cùng. - Kính quay vào bà. - Bà ơi, cháu ra làm giúp ông rồi tí nữa cháu vào ăn tiếp nhé!

 Ông nội đưa kéo cho Kính, chỉ đạo cho cậu cắt theo đúng ý ông. Tôi giúp thu gom lá cành rụng lả tả.

 _May quá có mấy đứa cháu quý hóa nó giúp mình, không thì mình làm đến bao giờ! - Ông nội vừa nói vừa cười. - Còn nốt một cây nữa. Chú mày đã giao nhiệm vụ cho ông rồi.

 Tôi với Kính phá lên cười. Ai mà dám "giao nhiệm vụ" cho ông cơ chứ!

 Mấy ông cháu vừa làm vừa nói chuyện. Chúng tôi phải nói khá to vì ông nội Kính cũng bị lãng tai giống như bà ngoại tôi.

 _Bố mày mấy hôm không về thăm ông bà gì cả!

 _Bố cháu đi công tác ông ạ!

 _Đi đâu? Lâu chưa?

 _Vào miền Nam, hai tuần ông ạ!

_Mẹ cha nhà nó, đi không bảo gì với mình!

 Ông "chửi" rất ngọt, tôi chỉ thấy buồn cười chứ không thấy sợ. Kính tủm tỉm:

 _Bảo ông để ông cho mấy trăm ăn quà à?

 Nói vậy, vì mỗi lần cậu ta đi thăm quan thì ông đều cho tiền "ăn quà" như thế. Ông lảng sang hỏi về mấy anh chị họ của Kính, cũng "cả tuần nay chẳng về thăm ông bà gì cả!".

 _Chúng nó có người yêu chưa mày?

 _Hình như chưa đâu ông ạ!

 _Mẹ cha chúng nó, mãi không cho ông lên chức! Nhà người ta thì cưới xin con đàn cháu đống hết cả rồi!

 Chán than vãn bọn con cháu, ông kể chuyện nhà. Nào là chuyện bà. "Hôm trước bà dỗi mày ạ, dỗi không ăn cơm chứ!". Rồi chuyện cái đau tay làm ông tê nhức không ngủ được. "Quả là, chỉ có ngồi gắp đồ ăn thì không sao, chứ còn làm gì thì cũng đau lắm!".

 Cứ thế, chúng tôi cắt tỉa hết mấy cái cây. Ông lại xuýt xoa, như thể hai đứa tôi là bọn trẻ con mẫu giáo (cỡ Tèo nhà tôi!): "Đấy, cháu nhất hạng, nó thương ông bà, nó làm giúp ông bà...!".

 Xong xuôi, ông bà cháu ngồi ở hiên nhà và ăn (nhiệt tình) hoa quả bày ra. Chuối vườn nhà - Kính ăn mấy quả liền, ông lại khen như khen Tèo: "Đấy, chỉ có nó giống tính ông!".

 _Câu này ông nói với tớ suốt từ hồi ba tuổi rồi bạn ạ! - Kính thì thầm.

 Ông quay sang hỏi thăm bà ngoại tôi, và bỗng dưng hỏi cả chuyện tôi thi thoảng tôi có về thắp hương cho ông ngoại không. Ông nội vui vẻ khi nãy chuyển sang đăm chiêu. 

 _Hồi ông ở Hỏa Lò, có lần bị đánh chảy máu đầu. Ông ngoại cháu khi ấy, có mỗi mảnh áo trên người thôi mà xé phăng ra để cầm máu cho ông. Không có ông ngoại cháu thì ông chẳng còn ở đây...Ông ngoại chưa được ghi tên trong danh sách ở tù. Ông đã làm thủ tục rồi, mà người ta chưa xác minh xong xuôi...

 Tôi ngơ ngác và thấy run run muốn khóc. Từ hồi ông ngoại còn sống, ông ngoại, bà ngoại lẫn bố mẹ tôi chưa bao giờ nói chuyện này cả. Mà cũng có thể câu chuyện đã rơi rớt đâu đâu đó, khi mỗi lần mọi người nhắc chuyện ngày xưa là tôi lại "Ôi dào, chuyện ngày xưa...". Chỉ có thi thoảng, tôi vẫn cầu viện bà ngoại về những ca dao, thành ngữ, tục ngữ, điển tích cổ mà tôi không hiểu nghĩa. Những khi mà Kính - bách khoa toàn thư - cũng không tra cứu được ở đâu.

 ĐƯỜNG VỀ

 Nắng tắt, ông bà giục hai đứa về sớm còn nấu cơm cho bố mẹ chứ. 

 Chúng tôi vòng tay, chào ông bà thật to. Qua khỏi cổng nhà, Kính tặc lưỡi, không rõ nói với tôi hay tự nói với cậu ta.

 _Chà. Ông bà cứ như những thư viện cũ ấy. Chẳng biết mình có bao giờ đọc hết được không? Chẳng hiểu mình có bỏ sót gì không?

 Trên ghế cuối xe buýt lắc lư, tôi cứ nghĩ đến lời Kính nói, và lòng bâng khuâng mơ hồ. Những bảo tàng chứng tích kia thì sẽ vẫn còn, nhưng những thư viện cũ của chúng tôi, nhưng "pho" lịch sử - địa lý - thi ca sống động của chúng tôi, có thể biến mất, bất cứ lúc nào...

 Kính cũng im lặng.

 Một lát, cậu quay sang khều tay tôi.

 _Lần sau lại về ông với tớ nhỉ?

 Tôi đáp lại cậu, bằng một câu hỏi:

 _Không, tuần nào bọn mình cũng về, chứ?

                                                                                                                                                                                                                               RIDDIKULUX

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: