Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TRUYỆN SỐ 4: TẤM VÉ SỐ

Màn đêm dần bắt đầu buông xuống, ánh nắng chói chang của ngày nắng nóng cũng đã rời đi, nhường chỗ cho vài cơn gió man mát của buổi chiều tối, ánh đèn đường le lói bắt đầu trải dài khắp con phố nhỏ, âm thanh náo nhiệt của những bài nhạc xập xình của từng hàng quán theo đó cũng vang lên. Trên con đường nhỏ thẳng tăm tắp những hàng cây cao, các ngôi nhà to nhỏ nằm sát nhau cũng bừng sáng, tiếng xe máy, cười đùa của từng đôi trai gái yêu nhau bay vang dưới ánh đèn màu. Không khí phố thị vui vẻ, rôm rả tưng bừng, thế nhưng đâu đó ở cái Sài Gòn hoa lệ kia, vẫn có những khu yên tĩnh đến buồn tẻ mà mọi người còn gọi là những khu ổ chuột, trên con đường vắng vẻ của khu ổ chuột đó, một bóng đen còm cõi lặng lẽ bước đi với gánh hàng trên vai.

Đó là bà Đào, một bà lão với mái tóc bạc phơ nhạt, gương mặt trầm tư và khắc khổ nhưng ở bà luôn toát lên sự kiên nhẫn, chịu thương chịu khó của người phụ nữ. Trái tim của bà tràn đầy tình yêu thương nhưng cuộc sống này lại không dễ dàng đối với bà và ba đứa con trai từ khi chồng bà mất đi. Trong ánh mắt trũng sâu vì sự hà khắc của xã hội, bà vẫn luôn hi vọng rằng một ngày nào đó cuộc sống khốn cùng này của bà sẽ có chút khởi sắc.

Thế nhưng ít có ai biết rằng trước kia cuộc sống của gia đình bà Đào vô cùng giàu có và thịnh vượng. Bà là một phụ nữ quyền lực và thông minh, điều hành chuỗi sạp thức ăn có tiếng trên khắp Sài Gòn, những món ăn mang mùi hương thơm lừng cùng hương vị độc đáo của bà đã thu hút đông đảo các thực khách, từ những người dân Sài Gòn cho đến những người khách du lịch từ nước ngoài cũng phải biết đến danh tiếng các món ăn của bà.

Chồng bà là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực buôn bán gỗ, ông là người rất thông minh và có tài kinh doanh, với hai bàn tay trắng ông đã đưa gia đình mình lên đỉnh cao của thành công và giàu có. Gia đình bà Đào sống trong một căn biệt thự rộng lớn, khắp nhà trang trí bằng nhung lụa quý giá và những món đồ xa xỉ. Ba người con của bà như những thiếu gia ngậm thìa vàng từ nhỏ, được đi du lịch khắp nơi, tận hưởng cuộc sống xa hoa và thịnh vượng.

Nhưng số phận vô cùng mỉa mai người đời, một năm trở lại đây, gia đình bà xảy ra một cơn gia biến không ai ngờ tới, chồng của bà Đào qua đời đột ngột do tai nạn giao thông khi đang thị sát công cuộc vận chuyển gỗ. Cuộc sống gia đình cũng từ đó đi xuống thấy rõ, bà Đào vô cùng suy sụp, trong thâm tâm bà, bà chỉ mong đây là một cơn ác mộng.

Các tài sản xưa kia phần lớn đều phải bán đi để giải quyết nợ nần và trang trải cuộc sống hàng ngày, gia đình từ giàu sụ bỗng chốc trở nên nghèo khó, bà cùng ba người con phải dọn về sống trong một căn nhà cũ kỹ nằm trong một con hẻm tối tăm của khu ổ chuột. Từ đó bà Đào phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng bà không chịu thua với số phận, với tài nấu ăn của mình, bà vẫn tiếp tục buôn bán cho dù bây giờ chỉ là một cái gánh hàng nhỏ.

Hàng ngày bà Đào cứ quẩy gánh ra chợ buôn bán đến gần tối mới về, và hôm nay cũng vậy, nhưng chắc có lẽ hôm nay trời không thương nên việc buôn bán không thuận lợi khiến bà Đào phải nán lại rất lâu, đến khi quẩy gánh đi về thì trời cũng đã tối muộn. Chỉ còn vài trăm mét nữa là đến nhà, bà Đào bỗng cảm thấy đau lưng mỏi gối nên bà ngừng lại, hạ gánh rồi ngồi nghỉ mệt tại một góc đường, lưng tựa vào tường, bà duỗi thẳng hai chân ra rồi lấy tay đấm bình bịch vào hai bắp chân cho đỡ mỏi, lâu lâu bà vớ lấy chiếc nón lá sờn rách quạt liên hồi để xua đi cái nóng oi ả còn tồn đọng lại sau ngày nắng gắt.

Đang ngồi nghỉ mệt và nghĩ lại những ngày tháng giàu có, bà nhoẻn miệng cười nhẹ rồi nuốt khan ngụm nước bọt, thở dài chán chê cho cái cảnh đen đủi đời mình, bà toang đứng dậy tiếp tục quẩy gánh về nhà thì bỗng có giọng nói leo lẻo vang lên:

- "Chào bà, bà mua dùm cho vài tờ vé số";

Bà Đào giật mình quay lại thì mới phát hiện đó là một cậu thanh niên tay cầm một xấp vé số, điều kỳ lạ là cậu ta tới gần từ lúc nào mà bà cũng không hay biết, chắc do bà đang mệt quá. Bà Đào nhìn lướt qua thì thấy cậu thanh niên này ăn mặc thật kỳ lạ, đầu đội một chiếc nón rộng vành che đi gần hoàn toàn gương mặt, đã vậy còn mặc trên người một bộ vest trắng sạch sẽ, chân đi giày tây kiểu mới, trông cứ như Michael Jackson tái thế. Bà Đào thấy thế liền cười:

- "Trông cậu như con nhà giàu, sao lại đi bán vé số!";

- "Tôi bán vì đam mê thôi bà ạ!" - cậu thanh niên cười bảo;

- "Đam mê bán vé số, lần đầu tôi mới nghe đó, ăn mặc vậy sao mà bán được" - bà Đào cười nói;

- "Thế mà vẫn có nườm nượp người mua thưa bà!. Đây, tôi còn 10 tờ, bà mua dùm tôi nhé" - cậu thanh niên cười nửa miệng;

Bà Đào ngỡ ngàng với câu trả lời như nửa đùa nửa thật của gã thanh niên, rồi bất chợt bà cúi nhìn vào mấy tờ vé số, bà cảm nhận hình như có ma lực nào đó thôi thúc bà phải mua hết số vé này, thế nhưng với chút lý trí cuối cùng bà cười buồn nói:

- "Tôi nghèo lắm, không thể mua hết giúp cậu được"

- "Tôi biết, tôi còn biết hôm nay bà buôn bán không được suôn sẻ, nên tôi mới xuất hiện ở đây để trao cơ hội cho bà, tôi cam đoan bà không phải hối hận khi mua hết số vé này đâu" - gã thanh niên với chất giọng nửa nam nửa nữ nói.

- "Cậu cứ đùa, làm như cậu biết chắc những tờ vé này sẽ trúng vậy" - bà Đào cười nắc nẻ;

- "Không những trúng mà còn là trúng độc đắc nữa đấy, bà có tin tôi không?" - gã thanh niên cười nhạt;

Nghe người thanh niên nói vậy, bà Đào vô cùng ngỡ ngàng, da mặt bà nhăng lại lộ vẻ nửa tin nửa ngờ, rồi không biết do ma lực nào xui khiến, bà Đào vội móc trong túi ra tờ 100.000đ mới cóng đưa cho gã thanh niên kia, gã nhận tiền rồi nhanh chóng đưa 10 tờ vé số kia cho bà, vừa đưa vé số gã vừa nói: "Xin chúc mừng bà trở lại với những năm tháng giàu có ngày xưa". Chưa kịp đợi bà Đào có phản ứng, gã thanh niên đưa kia đã đưa tay giữ lấy chiếc nón đang đội rồi thực hiện một điệu Moonwalk, hắn từ từ đi lùi dần vào trong bóng tối, để lại một mình bà Đào đứng chết trân với 10 tờ vé số trên tay, dưới ánh đèn đường lúc tỏ lúc mờ, bà Đào thấy hình như gã thanh niên này đeo một chiếc mặt nạ trắng.

Một cơn gió nhẹ thổi qua, đánh rơi những chiếc lá rụng từ cây cổ thụ bên đường làm bà Đào rùng mình trở lại với thực tại. Nhìn lại 10 tấm vé số trong tay, bà Đào vừa sợ vừa run, bà không biết tại sao bà lại dễ dàng tin tưởng gã thanh niên lạ mặt kia, bà đành bỏ 10 tờ vé số vào túi áo rồi tiếp tục quảy gánh hàng trên vai tiến bước trên con đường nhỏ, trong đầu nặng trĩu những suy nghĩ và cũng như những ước mơ. Cơn gió thoảng qua tạo ra âm thanh nhẹ nhàng như những lời thầm thì, nhắc nhở bà rằng cuộc sống sắp tới sẽ đầy những điều bất ngờ và kỳ lạ.

Bà Đào vừa về đến nhà thì kim đồng hồ cũng gõ đúng 10h tối, căn nhà hiện tại của ba mẹ con bà Đào nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, giữa những dãy nhà phố cũ kỹ. Từ xa, căn nhà trông nhỏ bé và còn khá mới không đến nỗi tệ, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, có thể thấy những vết nứt trên tường và mái nhà.

Nhà có cửa chính và hai khung cửa sổ trước và bên hông, cửa chính của căn nhà được làm bằng gỗ nâu nhạt và được sơn phết lại nhiều lần nên nhìn nó khá nhem nhuốc. Bên trong căn nhà tuy không xa hoa, nhưng đầy đủ những vật dụng thiết yếu để đảm bảo cuộc sống của gia đình. Nhà chia thành ba gian và một gác lửng, gian phía trước là nơi gia đình tụ tập cùng nhau để ăn cơm, trò chuyện mỗi tối trước khi đi ngủ, cũng là nơi Tài - đứa con trưởng của bà Đào, đặt chiếc ghế bố để nằm ngủ, trên tường trang trí những bức hình ngày xưa, hồi ức của những khoảnh khắc hạnh phúc của cả gia đình trong quá khứ, có thể nói, những bức hình này là những báu vật còn lại của bà Đào.

Gian giữa là phòng ngủ nhỏ cho Thành và Giang - hai đứa con giữa và út của bà Đào. Trong phòng đều có những đồ dùng cơ bản như giường ngủ, tủ quần áo và bàn làm việc, phòng ngủ tuy trang trí đơn giản nhưng cũng phân chia rõ ràng khu vực làm việc và sinh hoạt, qua đó cũng phản ánh lên tính cách và sở thích riêng biệt của Thành và Giang.

Gian cuối chính là nhà bếp và nhà vệ sinh, những đồ nội thất trong bếp cũng khá ít và bày trí đơn giản, đây là nơi mà Bà Đào thường làm ra những món ăn ngon và hấp dẫn cho ba đứa con trai yêu quý của bà thưởng thức. Cuối cùng là trên căn gác lửng, đây là phòng ngủ của bà Đào, nơi bà nghỉ ngơi cũng là nơi bà khóc khi bất chợt có đêm nào bà sực nhớ đến người chồng tốt bụng nhưng đoản mệnh của mình. Tuy không rộng rãi và xa hoa như ngôi nhà trước đây, nhưng đó là nơi dừng chân cũng là nơi chứa đựng những kỷ niệm và giấc mơ của cả gia đình ở hiện tại.

Quay trở lại với câu chuyện, khi bà Đào về tới nhà, thì trời cũng đã khuya, ba anh em Tài, Thành và Giang đã ngồi đợi bà từ ngoài cửa, thấy bóng dáng mẹ, Tài vội đứng dậy chạy lại đỡ lấy quai gánh rồi khệ nệ vác vào bên trong nhà, còn Thành và Giang thì chạy lại nắm tay của bà mà đỡ vào nhà. Có lẽ đây là niềm an ủi, là niềm hạnh phúc to lớn nhất còn lại của bà Đào vì ba đứa con của bà đều yêu thương nhau.

- "Sao mẹ về trễ vậy, mẹ lại cố bán cho hết phải không" - Tài vừa đi vừa cầm tô cơm nóng đặt lên bàn cho bà Đào. Từ khi cha mất, Tài đã sớm ý thức được bổn phận làm anh cả trong nhà, nên anh luôn đỡ đần cho bà Đào, từ việc làm thêm kiếm thêm thu nhập đến việc trông nom nhà cửa mỗi khi bà Đào đi bán về trễ.

- "Thì còn có 1 chút, mẹ ráng bán cho hết, may phước trời thương nên cũng xong" - bà Đào vừa ăn cơm vừa cười khổ nói;

- "Con đã nói mẹ rồi, không hết thì mẹ cứ đem về, mai con cầm đi làm mà ăn, mẹ về trễ vậy con lo lắm" - Tài ngồi xuống nói với giọng an ủi;

- "Tổ cha anh, mình anh ăn sao mà hết được, anh làm như tôi không biết ấy, anh đem cho mấy ông bạn xe ôm của anh ăn chung phải không" - bà Đào cười khẽ gõ nhẹ đầu con trai cả của bà;

- "Anh cả ảnh nói đúng đó mẹ, không hết thì mẹ cứ đem về, ba đứa con của mẹ ăn, mẹ đừng về trễ nữa" - Giang nói, Thành đứng kế bên cũng gật đầu như đồng lòng tán thành;

- "Rồi rồi, tôi chịu thua cả ba anh em các anh, mẹ hứa là ngày mai mẹ sẽ không về trễ nữa, chịu chưa!" - bà Đào cười nói vui vẻ, rồi múc nhanh muỗng cơm nóng cho vào miệng, niềm an ủi và hy vọng sống tiếp của bà chính là sự trưởng thành và yêu thương nhau của ba cậu con trai này.

Sau khi cơm nước xong, cả nhà lại quay quần bên nhau, Tài móc ra một số tiền nhỏ để lên bàn rồi nói: "Con gửi mẹ, tất cả là 600.000đ, hôm nay con chạy xe cũng được kha khá khách", bà Đào thấy thế liền đưa lại cho Tài rồi bảo: "Anh cứ giữ lấy mà phòng thân, cuối tháng tổng kết lại rồi hãy đưa cho mẹ, giống như thằng Thành với thằng Giang".

- "Mẹ cứ cầm lấy, đây là tiền con kiếm thêm phụ cho mẹ mà" - Tài cười;

- "Mẹ bảo anh cầm thì anh cứ cầm, nay mẹ buôn bán được mà" - bà Đào cười bảo rồi đưa tay xuống túi áo định rút tiền ra thì chợt cảm thấy cồm cộm trong túi, bà nhìn xuống thì mới sực nhớ ra 10 tờ vé số lúc nãy vừa mua của gã thanh niên kỳ lạ. Bà vội lấy ra đặt lên bàn khiến cho cả người con sửng sốt

- "Trời đất, nay mẹ mua cả vé số sao" - Tài thét lên;

- "Ơ hay cái ông này, vé số chứ bộ hàng cấm sao mà ông la to vậy" - Thành gắt gỏng;

- "Trước giờ mẹ có bao giờ mua vé số đâu, nay lại tốn tiền vào mấy cái trò may rủi này" - Tài nói;

- "Ủa trước mẹ không mua đâu có nghĩa cả đời này mẹ sẽ không mua, làm gì căng vậy cha nội" - Thành nói;

Tài và Thành vốn đã khắc khẩu từ hồi nhỏ cho đến tận bây giờ, vậy nên mỗi lần có tranh luận hay họp gia đình là hai anh em lại xung đột với nhau. Không việc lớn thì việc nhỏ, hễ có việc cần bàn luận với nhau là Tài và Thành đều có lý để cãi, mà khởi đầu câu chuyện toàn là do Thành cà khịa mà ra. Còn Giang thì lại là một người ít nói, có vẻ hướng nội hơn, nhưng người ta hay nói những kẻ ít nói thường là những kẻ nguy hiểm, bạn sẽ không biết hắn ta đang nghĩ gì và sẽ làm gì. Giang chính là một con người như vậy, cứ mỗi lần Thành và Tài cãi nhau, Giang đều ngồi để ý, nếu như ai có xu hướng thắng thì Giang sẽ nghiêng về người đó và tất nhiên nếu có sự tham gia của bà Đào, Giang luôn là người bảo lưu ý kiến của mẹ.

Quay trở lại câu chuyện tranh luận về tờ vé số, lúc này Tài vẫn gắt gỏng, anh hỏi mẹ: "Rốt cuộc là tại sao mẹ lại mua vé số, lại đâm đầu vào những trò may rủi này, mà không phải 1 tờ, mua tận 10 tờ";

- "Cái ông này hay nhỉ, đã bảo mẹ muốn mua thì mẹ mua, mắc mớ gì tới ông mà ông chất vấn mẹ" - Thành vẫn tiếp tục cà khịa anh mình;

- "Mày im, tao không nói chuyện với mày, lượn ra kia cho người lớn nói chuyện" - Tài cáu gắt;

- "Gì, người lớn, ông lớn hơn ai, thích đấm nhau không" - Thành cười nhếch miệng;

Thấy tình hình càng lúc càng căng thẳng, bà Đào lúc này mới đập mạnh lên bàn giận dữ nói: "Hai thằng mày ngồi xuống hết nghe mẹ nói"; lúc này Giang mới lên tiếng: "Thôi, anh cả với anh hai bớt nóng, ngồi nghe mẹ nói đã". Thấy hai đứa con của mình đã chịu im lặng và ngồi xuống, lúc này bà Đào mới kể lại câu chuyện về gã thanh niên lạ mặt kia và lý do tại sao bà mua 10 tờ vé số. Sau khi nghe xong câu chuyện, Tài cười khì rồi nói: "Chuyện như vậy mà mẹ cũng tin cho được, tốn hết 100.000đ để mua 10 tờ vé số tào lao cùng một lời hứa cuội".

Lúc này Thành cũng nói: "Cái này thì con đồng ý với anh cả, chuyện này đúng là hơi khó tin nha mẹ!"; Giang cũng hùa theo: "Phải đó mẹ, coi chừng mẹ bị người ta lừa rồi. Dạo gần đây, con nghe người ta hay đồn rằng có nhiều kẻ sử dụng thuốc mê gì đó để dụ người khác mua vé số, không chừng tên này là một tên lừa đảo kiểu vậy rồi". Nghe ba đứa con cùng một ý kiến khiến bà Đào cũng bắt đầu hoang mang, bàn tay già nua nhăn nheo của bà run run cầm 10 tờ vé số chợt như muốn khóc vì nghĩ rằng mình thực sự đã bị lừa, nhưng không hiểu sao càng nhìn bà càng cảm thấy rằng 10 tờ vé số này chắc chắn sẽ trúng, nếu không là độc đắc thì cũng là giải nhất hoặc giải nhì.

Thấy mẹ cứ trầm ngâm nhìn 10 tờ vé số, Tài bất chợt cảm thấy hối hận vì lúc nãy đã lỡ nặng lời, anh vội đứng dậy đặt hai bàn tay mình lên vai bà Đào rồi bảo: "Thôi mẹ đừng buồn, dù sao thì cũng chỉ là 10 tờ vé số, không bao nhiêu cả, sau này mẹ nên cẩn thận hơn. Khuya lắm rồi, mẹ đi nghỉ cho khỏe".

Thành và Giang cũng an ủi bà Đào rồi đưa bà lên lầu nghỉ, thấy ba đứa con trai có hiếu, lòng bà cũng cảm thấy đỡ buồn hơn nhiều. Tuy nhiên, đêm đó bà Đào nằm mơ một giấc mơ kỳ lạ, trong cơn mơ bà nghe rõ tiếng đập cửa inh ỏi, bà vội chạy xuống mở khóa cửa xem là ai thì giật mình hốt hoảng, trước mặt bà là một người đàn ông cao to, thân người ước chừng cao phải tận hai thước, mặc áo khoác đen loại dài che xuống dưới tận chân, mà nói cho chính xác thì ông ta đang lơ lửng trên không, gương mặt băng bó kín mít chỉ còn chừa lại một con mắt màu đỏ của máu. Gã to lớn đó nhìn bà Đào một cách hung tợn rồi cất cái giọng ồm ồm khó nghe: "NHẬN LỘC CỦA MA QUỶ THÌ PHẢI ĐỀN TRẢ, NẾU KHÔNG TAI HỌA ẬP ĐẾN!!!";

Nói rồi gã to lớn kia xoay người quay đi, rồi từ từ tan biến như một làn khói sương trong không khí, bà Đào định hỏi thêm thì tiếng gà gáy đã vang lên báo hiệu đã đến giờ phải dậy để nấu nướng chuẩn bị ra chợ bán, trong đầu bà Đào vẫn ám ảnh mãi giấc mơ về gã đàn ông lạ mặt kia, bà suy nghĩ rằng không lẽ đây là giấc mơ báo trước việc bà sắp có lộc lớn, đúng lúc này thì ba đứa con của bà cũng vừa dậy, bà Đào múc cho mỗi đứa một chén cháo thơm lừng và nóng hổi. Tài, Thành và Giang ăn ngon lành, thấy ba đứa con đang vui, bà Đào cũng buộc miệng kể lại giấc mơ hôm qua, Tài nghe xong thì nói:

- "Trời đất, mẹ vẫn còn ám ảnh 10 tờ vé số kia sao, mơ thôi mà mẹ, mà mơ thì sao có thật được, tốt nhất là mẹ nên quên mấy cái tờ vé số ấy đi";

- "Kệ ổng đi mẹ, người gì mà chả biết hy vọng, bộ hy vọng với ông tốn kém lắm hay gì" - Thành nghe Tài nói thì lên tiếng;

- "Tao chỉ thực tế thôi, mua vé số mà dễ trúng vậy thì đất nước này toàn tỷ phú rồi" - Tài quay sang Thành nói;

- "Thôi đi hai anh, mới sáng sớm mà cãi cãi, mẹ mơ thấy lạ thì kể thôi, hai anh căng quá" - Giang cũng nói;

Sau khi bà Đào kể lại giấc mơ với ba đứa con, mỗi đứa có phản ứng khác nhau. Tài vẫn là con người luôn cẩn trọng và thực tế, anh luôn cảm thấy không nên tin vào mấy trò may rủi mà phải tự sức mình mà làm ra, cho nên từ hôm qua đến bây giờ anh vẫn giữ quan điểm rằng mọi chuyện chỉ là một vụ lừa đảo và khuyên mẹ mình nên quên vụ 10 tờ vé số đi. Thành thì lại là người luôn mơ mộng nên lúc nào anh ta cũng đầy hy vọng một ngày nào đó ông trời sẽ cho gia đình mình giàu lại, mặc dù miệng nói khó tin nhưng trong thâm tâm Thành lại không ngừng khích lệ bà Đào tiếp tục tin vào cơ hội và chờ đợi kết quả. Trong khi đó, Giang vẫn im lặng và không phản ứng gì, là do anh ta không biết đứng về phía nào hay trong thâm tâm của Giang thực sự đã có một dự tính gì đó

Thấy cuộc tranh luận không đi đến hồi kết, bà Đào đành khuyên các con thôi thì tạm gác chuyện đó qua một bên rồi, bà lặng lẽ quẩy gánh hàng ra chợ bán, Tài, Thành và Giang cũng mỗi người một công việc. Đang trên đường ra chợ, bà Đào chợt giật mình dừng lại vì phát hiện chỗ bà ngồi nghỉ tối hôm qua chính là một cái miếu hoang, cái miếu có dáng vẻ xưa cũ, tường sơn xung quanh đã nứt nẻ theo thời gian, bát hương trong đó thì bụi bám đầy, xơ xác các chân nhang. Bà dừng chân lại và nhìn chăm chú vào cái miếu, tự dưng bà nhớ đến giấc mơ tối hôm qua làm bà trở nên lạnh sống lưng, bà Đào vội che cái nón lá rồi nhanh chân đi ra chợ, không dám nhìn vào cái miếu đó nữa. Chính bản thân bà cũng không thể ngờ rằng sự xuất hiện của kẻ bán vé số lạ mặt kia và người đàn ông cao to trong giấc mơ tối qua đang dần dần dẫn dắt bà đến những sự việc đáng sợ mà bà không thể nào tưởng tượng được.

Hôm nay thời tiết có vẻ như mát mẻ hơn mọi ngày rất nhiều, trời cứ âm u nhưng lại không mưa, lâu lâu ánh mặt trời lại le lói tạo nên cái cảm giác nắng ấm khiến cho tâm trạng của khách hàng cũng như người bán trong chợ hôm nay có thoáng và thoải mái hơn, nên việc buôn bán của bà Đào cũng được khởi sắc nhiều hơn hôm qua. Chỉ trong vòng một buổi sáng là bà đã bán gần sạch gánh hàng thức ăn của mình, khiến bà cũng vui vẻ hơn mà quên đi hẳn cái cảm giác nặng nề hôm qua, đang phe phẩy cái nón lá, bỗng bà Đào thấy từ bên kia đường có một thằng bé ăn xin, mặt mày lấm lem bùn đất, tay chân đen xì nhìn khá bẩn, đầu đội cái nón lưỡi trai đã sờn rách vài chỗ che đi gương mặt, nó cứ nhìn chằm chằm vào bà Đào mà không nói gì. Vốn tính thương người, bà Đào biết chắc nó đang đói lắm, không nghĩ ngợi gì nhiều, bà liền đưa tay ra hiệu bảo nó tới gần.

- "Con đói lắm hả, đây, cầm lấy chén cháo ăn đi nè" - bà Đào cười hiền bảo với nó;

- "Nhưng con không có tiền trả bà đâu" - thằng bé ngượng nghịu nói;

- "Không sao, con ăn đi, cái này bà cho con, không có tốn tiền";

Nghe bà Đào nói vậy, thằng nhóc liền nhanh tay cầm chén cháo ăn vội vã như thể sợ bị ai giật mất. Bà Đào nhìn nó mà thấy tội nhưng điều kỳ lạ là thằng nhóc này ăn càng lúc càng mạnh, chỉ một hơi nó đã đánh chén xong năm chén cháo to khiến bà cũng ngỡ ngàng.

- "Con nhịn đói bao lâu rồi" - bà Đào xót xa hỏi;

- "Khoảng cũng hơn chục năm rồi" - thằng bé vừa ăn vừa nói vội;

Câu trả lời làm bà Đào cực kỳ ngạc nhiên, nhìn tuổi thằng bé cũng chỉ khoảng sáu bảy tuổi, vậy mà nó lại bảo rằng bị bỏ đói hơn cả chục năm rồi.

- "Con còn nhỏ, đừng học cách nói dối người lớn, như thế là không nên" - bà Đào cười rồi múc thêm cho nó chén cháo thứ sáu;

- "Tôi nói dóc bà làm gì, nói chính xác là đã hơn 70 năm trời chưa có ai cho tôi ăn cả" - Thằng bé vừa nói vừa đưa tay lấy chén cháo của bà Đào;

- "Hmm... trông con mới có 6, 7 tuổi, sao lại hơn 70 năm trời không được ăn" - bà Đào càng lúc càng tỏ ra lo ngại;

- "Bà không tin à, sáng nay có phải bà có đi qua cái miếu hoang cũ, cái miếu đó là của tôi đấy, hơn 70 năm không ai cúng gì thì sao tôi có gì mà ăn" - thằng bé nói với cái giọng ồm ồm làm bà Đào hoảng sợ, suýt tý té ngửa ra sau, cả người bà lạnh toát, mồ hôi mẹ mồ hôi con bắt đầu thi nhau tuôn ra, hai tay bà run cầm cập, bà lắp bắp nói: "Cậu... cậu là người chủ của cái miếu đó, cậu không phải là người bình thường, cậu...là...là ma sao"; Thằng bé nghe vậy liền cười ha hả, tiếng cười như âm vang từ cõi xa xăm nào đó, gió từ đâu không biết nổi lên như một trận cuồng phong dữ dội, thằng bé lúc này mới thủng thẳng đứng lên mà nói: "Phải, tao là chủ cái miếu đó đây, bà già, cám ơn bà đã cho ta ăn, tài lộc sẽ sớm đến với bà, nhưng nên nhớ "NHẬN LỘC CỦA MA QUỶ THÌ PHẢI ĐỀN TRẢ, NẾU KHÔNG TAI HỌA ẬP ĐẾN!!!"

Nói rồi, thằng bé biến mất như cách mà nó xuất hiện, không ai biết không ai hay. "Bà làm sao vậy bà Đào" - một tiếng nói cất lên phía sau cùng một bàn tay lạnh đánh vào vai làm bà Đào giật mình quay lại nhìn, thì ra đó là ông bảo vệ chợ, thấy vậy bà Đào vội đứng lên hỏi:

- "Ông bảo vệ, nãy giờ ông có thấy thằng bé nào ở đây không"

- "Thằng bé nào, nãy giờ xung quanh có thằng bé nào đâu, mà sao tự nhiên bà múc bốn năm chén cháo rồi để xuống đường vậy, bà đang cúng kiếng cái gì à" - ông bảo vệ ngại ngùng nói;

Bà Đào nghe ông bảo vệ nói vậy thì giật mình nhìn lại, quả nhiên trên đường ngay chỗ bà bán có bốn năm chén cháo đang nằm la liệt, nhưng điều làm bà hoảng sợ hơn đó là tất cả những chén cháo đó đều đã ôi thiu, bốc lên một mùi tởm lợm mà ai đi ngang qua ngửi phải đều buồn nôn, phát ói, chính bà cũng phải bịt mũi lại vì cái mùi đó.

- "Bà có sao không đó bà Đào" - ông bảo vệ cùng vài bà bán hàng xung quanh cũng chạy lại hỏi thăm vì thấy mặt bà xanh xao quá. Có người còn định gọi cho Tài để Tài đến đón bà về nghỉ nhưng bà vội ngăn lại, bà viện cớ rằng, lúc nãy bà có hơi váng đầu tý nhưng giờ đã khỏe rồi, bà không muốn làm con cái lo lắng.

Vội cám ơn ông bảo vệ tốt bụng cùng mọi người xung quanh, bà Đào liền quay xuống dọn sạch sẽ đống cháo hôi thiu kia, vừa dọn dẹp mà vừa sợ vì nhớ lại chuyện khi nãy, về hình dáng kỳ lạ của thằng bé ăn xin cùng lời nói của nó, lời dặn dò y như gã đàn ông to lớn mà bà gặp trong giấc mơ đêm qua.

Chiều hôm đó bà Đào không có thêm một vị khách nào nữa cả, bà cứ thế ngồi đó bó gối, mong có thêm một hai vị khách nữa nhưng vẫn chẳng có ai. Chợt bà Đào nghe vài tiếng bàn luận xôn xao của vài bà bán hàng xung quanh, thì ra họ đang tiếc rẻ vài con lô đề mua sáng nay, ngày nào các bà hàng đó cũng tụ tập bàn đề, bà Đào lại vốn không thích cờ bạc, đỏ đen, lô đề nên mọi ngày bà không quan tâm cho lắm nhưng hôm nay thì lại khác, nghe đến dò kết quả bà Đào sực nhớ đến 10 tờ vé số đang để ở nhà. Bà mon men đến gần xin lại tờ dò kết quả vé số, thấy vậy các bà sạp hàng tươi cười hỏi:

- "Ô chà, nay bác Đào cũng chơi xổ số à";

- "À không thưa chị, số là thằng hai nhà tôi, nó bày đặt mua vé số nên tôi xin tờ dò kết quả về cho nó ấy mà" - bà Đào chống chế để không ai phát hiện ra mình mua vé số.

Nghe vậy các bà bán hàng cũng vui vẻ đưa cho bà Đào tờ giấy dò kết quả, bà nhanh chóng xếp gọn cho vào túi rồi lại ra gánh hàng của mình ngồi, lại thêm 1 giờ chờ đợi cũng không có thêm bóng khách nào. Chán nản bà Đào đành thu dọn hàng rồi cũng quẩy gánh đi về, khi đi qua hàng bán trái cây và hoa, bà Đào ngừng lại suy nghĩ gì đó rồi quyết định vào mua vài thứ.

Thì ra bà muốn mua một vài thứ hoa quả để cúng tại cái miếu hoang hôm qua. Sau khi quét dọn và bày trí lại bát nhang, bà đào bắt đầu sắp trái cây và để một vài cảnh hoa và chiếc bình nhỏ bà mới mua, rồi bà thắp nhang, chắp tay van vái:

- "Xin các vị trong miếu bỏ quá cho bà già này, đêm qua cũng vì mệt quá nên tôi mới ngồi nghỉ tại đây, không biết đã đụng chạm vào nhà cửa của các vị, xin các vị nhận chút lòng thành này xem như là lời xin lỗi bà già này"

Lời van xin vừa xong thì bỗng nhiên một cơn gió to nổi lên, làm lá bay xào xạc, khiến bà Đào hoảng hốt vì nghĩ rằng lời cầu khẩn của bà đã chạm vào ma quỷ, bà vội xách quai gánh rồi chạy thẳng về nhà mà không dám quay đầu nhìn lại dù chỉ là một lần.

Khi về đến trước cửa nhà, bà Đào mới vứt hết quan gánh, lăn đùng ra sân mà nằm thở hổn hển, trời lúc này còn sớm lắm nên ba đứa con của bà đi làm chưa về. Nằm thở một lúc rồi bà lồm cồm ngồi dậy, thu dọn gánh hàng của mình đang đổ bừa bãi ra sân, sau đó dùng chìa khóa mở cửa đi vào nhà, lúc này bà Đào mới thực sự hoàng hồn vì những chuyện vừa xảy ra.

Ngồi thẫn thờ thêm một chút bà Đào sực nhớ ra việc phải dò 10 tờ vé số hôm qua, mặc dù ba đứa con của bà cho rằng đây chỉ là trò lừa đảo nhưng mà cũng cứ thử vận may xem. Thế là bà Đào lần mò đi lên lầu, rồi moi dưới áo gối ra 10 tờ vé số hôm qua bà đã cất kỹ, sau đó lần dò kết quả, khi dò đến giải đặc biệt, bà không thể tin vào mắt mình nữa, bà đã thực sự trúng số. Mọi cực khổ, mệt mỏi, lo lắng, run sợ trong lòng bà gần như trôi dạt, giờ đây cái cảm giác hoang mang và vui sướng liên tục đan xen trong lòng ngực mình, bà không biết đây có phải thực sự là giấc mơ hay không, bà liên tục tự đánh vào mặt mình, cấu nhéo các kiểu để xác định rõ ràng đây là hiện thực và mình đã thực sự trúng số.

Bà Đào vui đến độ muốn hét to lên trong không gian nhỏ xíu của căn nhà, nước mắt bà rưng rưng vì vui sướng và buồn bã. Vui vì từ giờ bà và các con của mình đã có thể đổi đời, đã có thể quay trở lại với cuộc sống giàu có ngày xưa, buồn là vì niềm vui của bà bây giờ không thể chia sẻ cho người chồng quá cố nữa. Nhưng bà tin rằng, ở đâu đó trên trời, linh hồn chồng bà cũng đã có thể mỉm cười vì cuộc sống của bốn mẹ con từ giờ đã có thể đổi sắc.

Nhưng bà không thể biết rằng những ngày tháng của tai họa và nỗi kinh hoàng về ma quỷ chỉ vừa mới bắt đầu hình thành trong mái ấm nhỏ gia đình của bà mà thôi, và cũng chính những hành động ngu xuẩn của Thành và Giang sắp tới sẽ trực tiếp đẩy cả gia đình đứng trước bờ vực làm mồi cho quỷ dữ.

Chiều tối hôm đó, Tài, Thành và Giang đi làm về, cả ba đều ngỡ ngàng khi thấy bà Đào đã về từ bao giờ, Tài vội lại hỏi thăm;

- "Sao mẹ về sớm thế, hôm nay mẹ không khỏe ạ"

- "Cái ông này, bộ muốn mẹ bệnh hay gì" - Thành nói;

- "Ba đứa ơi, mẹ có điều quan trọng muốn nói với các con đây" - bà Đào nói với giọng run run, chứa đựng vui mừng rạo rực.

- "Chuyện gì vậy, mẹ?" - Tài hỏi với vẻ mặt lo lắng.

- "Mẹ đã trúng số! 10 tờ vé số hôm qua mẹ mua trúng rồi!" - bà Đào vui mừng nói, cả Tài, Thành và Giang đều bất ngờ khi mẹ nói đều này, cả ba đứa đều tim đập loạn nhịp vì chưa dám tin điều mà mẹ mình vừa nói.

Tài nhìn vội 10 tờ vé số mà bà Đào đang cầm một lượt rồi nói: "Thật sao, mẹ đã kiểm tra kỹ chưa, có phải tờ vé số thật không. Mẹ cẩn thận đừng để bị lừa".

- "Không con trai của mẹ, mẹ đã kiểm tra kỹ rồi, đây hoàn toàn là vé thật!" - Bà Đào nói với vẻ hân hoan.

- "Trời ơi, trúng thật nè mẹ ơi. Ông trời đã mỉm cười với chúng ta rồi! Cả gia đình chúng ta sẽ được sống lại những ngày giàu có như xưa!" - Thành vừa cầm vé số vừa dò, rồi hét lên với tâm trạng vui sướng.

Trong khi đó, Giang vẫn không nói gì, chỉ mỉm cười chung vui cùng mẹ mình. Giang luôn là kẻ có tính toán riêng trong lòng, và trong tâm trí anh ta lúc này, số tiền cực lớn kia sẽ phải được chia như thế nào mới là điều đáng để anh quan tâm.

Trong ánh đèn vàng le lói của căn nhà, cả gia đình bà Đào vui vẻ ngồi quay quần để bàn bạc về việc sử dụng số tiền trúng số. Tài, Thành và Giang đều đang mong chờ ý của bà Đào để đưa ra quyết định chung. Bỗng bà Đào sực nhớ ra sự việc thằng bé ăn xin hồi sáng, bà nói:

- "Các con, mẹ có chuyện này, cần nói với các con"

- "Chuyện gì nữa vậy mẹ, lại mấy chuyện mơ mộng hả" - Thành bức bối nói;

- "Không phải, chuyện là thế này..." - Bà đào bắt đầu kể lại những sự việc kỳ lạ và ma quái mà bà gặp hồi sáng với thằng bé ăn xin, kể cả câu nói rùng rợn của nó trước khi nó biến mất. Sau khi kể xong bà mới nói:

- "Mẹ nghĩ nên trích một số tiền nhỏ để tu sửa, và quét dọn cái miếu hoang ngoài kia, sau đó gia đình mình làm một cái lễ cúng tạ, các con thấy thế nào";

- "Mẹ ơi, mẹ mê tín quá rồi đó, con khẳng định chẳng có ma quỷ gì cả. Xưa giờ cái miếu hoang đó có ai cúng kiếng hay quét dọn gì đâu, nó vẫn ở yên đó. Việc mà chúng ta trúng số là trời cho, trời thương mẹ con mình" - Thành cằn nhằn.

Nghe Thành nói vậy bà Đào tỏ ra lo lắng rồi nói: "Con không tin chuyện đó sao. Lời của thằng bé đó với gã đàn ông to lớn trong mơ đều nói y chang nhau, mẹ không muốn thấy chúng ta gặp tai họa".

- "Con cũng đồng ý với anh hai, con không tin mấy chuyện ma quỷ này, điều con quan tâm là gia đình mình sẽ sử dụng số tiền này như thế nào, con cũng tán thành chuyện không cần phải cúng tạ lễ gì đâu mẹ." - Giang cũng nói;

Nghe Giang nói thế, lòng bà Đào buồn lắm, bà biết việc trúng số này cho dù là lộc trời hay là lộc của ma quỷ thì cũng phải biết tạ lễ với bậc bề trên, trời không thể đắc tội, ma quỷ lại càng không. Bà quay sang Tài rồi hỏi: "Còn thằng cả, ý của con thế nào?".

- "Con đồng ý với mẹ, việc chúng ta được lộc này ắt phải có sự giúp đỡ từ các vị gia tiên hoặc trời phật, con không dám nói có sự góp mặt của ma quỷ hay không nhưng chúng ta cần phải biết tạ lễ với họ" - Tài nói;

Câu trả lời của Tài làm cả bà Đào, Thành và Giang ngạc nhiên. Bà Đào rất vui vì đứa con trai cả của mình là một người hiểu chuyện, biết trên biết dưới, biết có ơn phải trả, có lễ phải đền. Chỉ riêng Thành và Giang thì tức tối lắm, cả hai người đều không nghĩ rằng, gã anh cả của mình ngày thường thì cục mịch, thẳng thắn nhưng lại là một kẻ mê tín.

- "Hóa ra ông anh cả của tôi là một thằng mê tín" - Thành nuốt cục tức rồi cà khịa anh mình;

- "Đây không phải mê tín mà là biết điều, mày biết nhiều thứ nhưng không biết điều thì cũng chỉ là thằng vứt đi thôi em trai à" - Tài nói;

- "Biết điều hay đang xu nịnh mẹ, để mẹ chia phần cho anh nhiều hơn" - Giang chen vào;

Đến lúc này bản chất thực sự của Giang đã được bộc lộ, bản chất của con người tự tư, tự lợi chỉ biết nghĩ tới quyền lợi riêng bản thân mình, Tài cũng khá bất ngờ vì câu nói của Giang, anh không nghĩ thằng em út ít nói của mình, giờ đây lại có thể nói ra một câu chát chúa đến vậy.

- "Chú út, cho dù mẹ cho anh chỉ 1 tờ, anh cũng ủng hộ quyết định này của mẹ, chú đừng có nói vậy mà mang tội với mẹ" - Tài ôn tồn nói;

- "Con trai của mẹ, mẹ cám ơn con đã hiểu lòng mẹ. Chúng ta sẽ cùng nhau tổ chức buổi lễ cúng tạ tại cái miếu hoang đó, để gia đình chúng ta được yên ổn và may mắn hơn." - bà Đào nói trong xúc động;

- "Mẹ à, con khẳng định rằng cái miếu hoang đó không hề liên quan gì tới việc mẹ trúng số. Đây là lộc trời ban cho chúng ta để cải thiện cuộc sống. Tại sao phải cúng tạ lễ? Phí tiền, phí công sức lắm mẹ?" - Thành vẫn cố thuyết phục;

- "Thôi đi, mẹ đã quyết rồi, nếu hai đứa không muốn cúng thì không cần tham dự ngày hôm đó" - bà Đào gằn giọng;

Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm cả Tài, Thành và Giang mới thấy được sự tức giận của bà Đào, bà vốn là người phụ nữ chịu thương chịu khó, dĩ hòa vi quý, chưa từng gây gổ hay tức giận với người trong nhà. Trong quá khứ bà nhiều lần chứng kiến chồng mình đi sớm về khuya, say xỉn bí tỉ nhưng chưa một lần bà nhăn nhó hay cãi cọ với chồng mình; hay nhiều lần Tài, Thành và Giang quậy phá, bà cũng chỉ ôn tồn giảng dạy. Thế mà bây giờ sự tức giận hiện rõ trong đôi mắt và lời nói của bà, khiến cả ba người con cũng cảm thấy hoảng sợ.

- "Thôi đi anh hai, mẹ đã quyết định như vậy rồi đừng trái ý mẹ nữa" - Giang lên tiếng nhắc nhở Thành.

- "Thôi mẹ, hai đứa nó chưa suy nghĩ thấu đáo, mẹ đừng giận hại sức khỏe, mẹ cứ lên lầu nghỉ. Còn hai thằng mày về phòng đi" - Tài an ủi bà Đào rồi quay sang nói với 2 đứa em. Thành và Giang đành phải nghe theo lời của anh trai, lặng lẽ vào phòng nằm.

Tối hôm đó Thành quả thật không ngủ được, anh cứ băn khoăn về số tiền khổng lồ kia và cái việc phải làm lễ cúng tạ ơn chết tiệt, Thành cứ xoay người trăn trở mấy lần. Cuối cùng Giang cũng lên tiếng: "Nếu anh không ngủ thì ra ngoài cho người ta ngủ, cứ lăn qua lăn lại thì ai mà ngủ cho được".

- "Mày vẫn còn tâm trạng để ngủ à" - Thành lên tiếng;

- "Thì cứ ngủ thôi, gì đâu mà phải tâm trạng ghê thế, tôi cảm thấy bình thường" - Giang vừa nhắm mắt vừa nói;

- "Tao không hiểu sao mày cứ dửng dưng như không. Lúc đầu mày phản đối cái lễ cúng đó lắm mà" - Thành bực bội ngồi dậy nói;

- "Khuya rồi, anh bớt bớt cái miệng lại, anh muốn cả xóm này biết mẹ trúng số à" - Giang vẫn ung dung nằm mà nói, Thành nghe thì nghẹn họng vội che miệng lại; thấy vậy Giang mới từ từ ngồi dậy rồi nói: "Bộ lúc nãy anh không thấy mẹ thế nào à, từ nhỏ tới giờ em mới thấy mẹ giận như thế, nếu mà không làm theo ý của mẹ, thì anh nghĩ mẹ có chia tiền cho mình không."

Thành nghe vậy thì gật gù, Giang lại nói: "Anh nhìn ông Tài mà học hỏi đi, ngoài mặt thì lúc nào cũng phản đối việc mẹ mua vé số, nhưng khi biết chắc là mẹ trúng số thì anh thấy thái độ của ổng không, quay xe 180 độ ngay và luôn".

Thành làu bàu chửi: "Đúng là cái thứ khốn nạn, ngoài miệng thì tỏ vẻ anh hùng nhưng bên trong là tiểu nhân đích thực"; Giang nghe vậy thì nói tiếp: "Cho nên hai anh em mình cũng phải hùa theo mẹ, cứ tham gia cái lễ cúng đó đi, rồi sau khi đến lúc mẹ chia phần mình sẽ tính tiếp"

Thành nghe Giang nói xong thì như được giác ngộ chân lý, hắn mỉm cười rồi gật đầu đồng ý, trong thâm tâm của Thành giờ đây cũng phải cho rằng Giang quả là một đứa có mưu sâu kế hiểm và cần phải cẩn thận với nó.

Sáng hôm sau bà Đào ra chợ sớm bà đi khắp chợ để mua nhiều thứ, nào là bông, trái cây cùng vài món đồ ăn mặn. Khi về bà còn chu đáo, ghé qua tiệm nhang đèn mua thêm một bó nhang cùng vài món để quét dọn bàn thờ. Thành và Giang sáng này cũng tỏ ra thái độ khác hẳn, không còn phản đối việc bà Đào làm lễ cúng tạ ơn giống như hôm qua, mà cả hai đều xắn tay áo vào để phụ giúp mẹ, cả hai tên đều có tính toán riêng cho mình, duy chỉ có Tài là vẫn như bình thường, anh vẫn dậy sớm rồi đi làm công việc chạy xe ôm như mọi khi, thấy vậy Thành liền mách lẻo với bà Đào: "Mẹ thấy không, ông anh cả nhà mình 'biết điều' thấy sợ, rõ ràng biết hôm nay nhà có việc thì liền xách xe bỏ đi, thật chán cái ông anh";

- "Người ta bận lo chính sự ở ngoài đường, chứ đâu có như anh em mình 'rảnh rỗi' quá nên phải ở nhà giúp mẹ" - Giang nói thêm vào;

Bà Đào nghe nhưng không để trong lòng, vì bà hiểu rõ các con của mình; từng đứa có tính cách như thế nào, nên bà không những không trách Tài mà còn thầm cảm ơn trời đất đã làm cho đứa con trai cả của mình trưởng thành rất nhiều.

Đến tận chiều tối, Tài mới chạy xe về nhà, thấy bóng dáng của Tài vừa về đến ngõ, Thành đã vội đi ra rồi nói: "Ông làm gì đi cả ngày hôm nay vậy, để cả nhà phải chờ mình ông, sao ông sống lỗi vậy"

- "Tao phải đi làm, đủ khách, đủ chỉ tiêu mới về chứ mậy, mà mày làm gì sao nay không đi làm, cái siêu thị của mày mới hỏi tao đó. Còn thằng Giang nữa, tiệm trà sữa mày làm cũng mới gọi than phiền với tao là mày bỏ việc" - Tài đá chống xe, treo lại cái mũ bảo hiểm mà nói.

- "Ông nói với tụi nó là sau hôm nay thằng Giang này sẽ mở thêm 10 cái quán trà sữa bên cạnh tụi nó, cho tụi nó bán ế luôn, chứ ở đó mà than với phiền" - Giang chống nạnh đi ra mà nói;

- "Ông cũng làm ơn truyền hồn báo tin dùm tui cho cái thằng chủ siêu thị đó là sắp tới tôi sẽ mở một cái siêu thị đối diện siêu thị của nó, chơi khô máu với nó luôn" - Thành chắp tay sau lưng nói;

Bà Đào bực tức nói: "Ba thằng mày có thôi đi không, mau vào phụ mẹ đem đồ ra cúng, cãi nhau hoài, khuya rồi".

Sở dĩ bà Đào quyết định cúng buổi tối vì bà không muốn hàng xóm xung quanh dòm ngó và cũng là vì buổi tối thì âm khí nó mới mạnh hơn. Bà Đào cùng ba đứa con của mình khệ nệ ôm xấp đồ cúng cùng những vật dụng ra ngoài cái miếu hoàng trước ngõ, tới nơi bà liền cặm cụi quét dọn xung quanh miếu, Tài thì giúp bà lau dọn chân nhang cùng bát hương, sau đó anh dùng khăn sạch lau lại cái liễn thờ bên trong miếu. Chỉ có Thành và Giang thì cứ đứng chơi ôm hai mâm đồ lễ, nhìn bà Đào và anh cả của mình với vẻ mặt coi thường, ngoài mặt thì Thành và Giang ủng hộ việc cúng tế lễ tuy nhiên trong thâm tâm hai đứa thật sự chỉ muốn cúng cho xong rồi đi về.

Sau khi đã quét dọn xong, cái miếu tạm thời cũng được trở nên chỉnh chu và sạch sẽ hơn, lúc này bà Đào mới kêu Thành và Giang đưa hai mâm lễ cúng lại, bà cùng 3 đứa con sắp mâm lễ tươm tất, sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong bà kêu Tài đốt cho bà ba nén hương trầm rồi đứng nghiêm trang mà chắp tay vái: "Xin lạy các vị khuất mày khuất mặt ở trong miếu, tôi cùng ba đứa con trai may mắn nhận được ơn lộc của các vị cho, nay xin có chút đồ cúng và lễ vật để tạ ơn các vị, mong các vị vui lòng chấp thuận, từ nay mỗi buổi tối tôi xin ra đây để dâng hương cho các vị".

Thành nghe vậy thì lầm bầm: "Mẹ kiếp, đã cúng tạ lễ rồi còn bày đặt mỗi ngày ra quét dọn và dâng hương, rảnh đến thế là cùng"

Nhưng Thành đâu biết được rằng những lời lầm bầm vô ý của hắn đã bị những linh hồn trong miếu nghe rõ, nhưng vì họ đang thụ lộc và nể mặt bà Đào nên mới tạm thời không tính toán với Thành

Sau khi lễ cúng tạ hoàn tất hoàn tất, cả ba mẹ con đều trở về nhà, trong lòng mỗi người lúc này đều có những cảm xúc riêng biệt, ai cũng vui mừng hớn hở; nhưng với bà Đào là việc bà đã trút được gánh nặng từ lời cảnh báo ma quỷ kia; với Tài thì là đã giúp mẹ bớt đi một phần nào âu lo; còn với Thành và Giang thì không cần phải nói tới, đó là sự vui vẻ, hào hứng khi sắp được chia số tiền kia.

Dưới ánh đèn vàng le lói của căn nhà cũ, bà Đào lúc này rút ra 10 tờ vé số đã trúng, bà lặng lẽ giữ lấy một tờ rồi đưa cho ba anh em Tài, Thành và Giang mỗi người ba tờ, bà nói: "Mẹ chỉ giữ lại một tờ thôi, còn lại chín tờ, ba anh em còn mỗi đứa ba tờ, mong rằng các con hãy sử dụng tốt số tiền này".

Cầm trên tay ba tờ vé số trúng giải, Thành và Giang cười tít mắt rồi vội cảm ơn bà Đào, sau đó hai đứa hí hửng chạy vào trong phòng. Ngoài cái bàn cũ lúc này chỉ còn lại Tài và bà Đào, thấy hai đứa em của mình đã vào trong phòng, lúc này Tài mới rút lại hai tờ vé số, đưa lại cho bà đào và nói: "Mẹ cứ giữ ba tờ, con chỉ xin mẹ một tờ thôi, mẹ giữ lấy mà dưỡng già";

- "Không, con trai cả của mẹ, mẹ có thể cho con cả cuộc đời, thì xá gì mấy tờ vé số, con cứ giữ lấy mà lo cho tương lai của mình, mẹ chỉ cần một tờ là quá đủ rồi" - bà Đào cười hiền mà nói.

- "Thì với con một tờ cũng đủ rồi mẹ, thôi thì mẹ giữ dùm con hai tờ nhé, khi nào cần con sẽ nói mẹ" - Tài nắm tay bà Đào mà nói;

- "Tổ cha anh, suốt ngày gửi tôi không à, được rồi, coi như là mẹ giữ dùm anh, khi nào khó khăn phải nói mẹ nghe chưa!!" - bà Đào cười trong nước mắt;

Cuộc trò chuyện của bà Đào và Tài không ngờ đã bị Thành và Giang phát hiện, Thành tức tối lắm, trong cái suy nghĩ thiển cận, tự tư tự lợi của Thành lúc đó đang nghĩ rằng, tại sao nếu ông anh cả không xài thì cứ cho hai đứa em của mình, hà cớ gì lại trả lại cho mẹ, bản tính tham lam của con người lúc nào cũng vậy, khi thấy tiền tài, vật chất thì sẽ không bao giờ thấy đủ, khi cần có thể quên luôn tình thân trong gia đình. Tuy nhiên Giang lại khôn hơn Thành, mặc dù trong lòng hẳn đang tức tối, nhưng ngoài mặt Giang vẫn bình thản tự nhiên, vì hắn biết đơn giản một điều xin xỏ bà Đào, dễ hơn xin ông anh cả của mình.

Sau khi có tiền từ tấm vé số trúng giải, cuộc sống của Thành và Giang thay đổi hoàn toàn. Hai anh em hắn giữ đúng lời nói, mỗi người đều quyết định lập một công ty riêng cho bản thân, Thành thị lập một siêu thị ở mức trung đối diện với cái siêu thị cũ của mình; còn Giang thì xây quán trà sữa lớn hơn nằm sát với quán trà sữa ngày xưa anh làm, tuy nhiên cả hai đứa không hề để ý gì đến cửa hàng của mình, tất cả quăng cho Tài và bà Đào lo liệu, còn hai thằng chỉ dùng tiền để tụ tập, đi chơi và ăn uống với những kẻ xu nịnh. Thành và Giang mải mê đi bar, tham gia các bữa tiệc và sử dụng tiền như nước rót, vung tiền như ném rác qua cửa sổ. Cả hai thậm chí còn tổ chức những bữa tiệc hoành tráng, mời rất nhiều người đến tham gia, chỉ để thể hiện rằng sự giàu có của cả hai.

Những cuộc vui chơi đêm đầy màu sắc, những ly rượu say mèm và những món ăn sang trọng đã trở thành đam mê không dứt của Thành và Giang. Cả hai thằng không chỉ tiêu tiền cho chính mình mà còn mua quà cho bạn bè. Họ sống một cuộc sống xa hoa, tiêu tiền không cần biết hôm sau, không hề để ý đến việc tiền bạc đang vơi dần theo từng ngày.

Và tất nhiên những bữa tiệc sôi động, những ánh đèn rực rỡ của các quán bar đã dần biến cuộc sống của Thành và Giang trở nên tệ hại. Cả hai không còn quan tâm đến bà Đào và gia đình nữa. Tâm tính của cả hai cũng dần thay đổi, nóng tính hơn, lúc nào cũng kiếm chuyện với hàng xóm, đụng chuyện gì cũng đòi xử lý theo cách thức côn đồ, nhiều lần bà Đào phải khóc hết nước mắt trên đồn công an để bảo lãnh cho Thành và Giang. Tài nhiều lần xót thương mẹ mà đứng ra dạy dỗ hai thằng em ngỗ ngược thì cũng bị cả hai lao vào công kích, có lần cả ba anh em đánh nhau to khiến bà Đào đau buồn mà ngã bệnh cả tuần.

Dần dần Tài cũng chán nản, không muốn nói với hai thằng em ngỗ nghịch đó nữa, anh chỉ muốn toàn tâm, toàn lực lo cho bà Đào. Nhiều lần bà Đào có hỏi tới, Tài cũng chỉ nói bâng quơ: "Mẹ cứ kệ hai thằng đó, tụi nó lớn rồi, tụi nó tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của tụi nó". bà Đào nghe Tài nói vậy thì buồn lòng mà nói: "Mẹ chỉ sợ tụi nó quen tính nóng nảy, hung hăng, rồi ra đường lại sanh chuyện chẳng lành". Và lời nói của bà Đào đã trở thành hiện thực khi cả Thành và Giang suýt phải trả giá bằng chính mạng sống của mình khi đã vô tình mạo phạm đến ma quỷ.

Chuyện phải kể vào một đêm tối nọ, sau cuộc vui chơi tại các quán bar, hai thằng Thành và Giang đang vừa đi về vừa lắc lư trong cơn say bí tỉ thì bỗng Thành vấp trúng một cái gì đó té nhào xuống đất, hắn đau đớn vừa cố ngồi dậy vừa cất miệng chửi đổng lên, Giang thấy vậy cũng vội lại đỡ anh mình, dù đang trong cơn say, Thành cố mở to mắt nhìn xem cái gì vừa ngán chân mình, thì hắn nhận ra đó là một trái đu đủ đang nằm lăn lóc gần một cái miếu. Thì ra cả hai anh em đã đi ngang cái miếu thờ ngày trước, thấy cái miếu thờ nhang khói, trưng bày đầy đủ, Thành nhếch môi bảo Giang:

- "Mẹ kiếp, mày thấy không, cái bà già đó, anh em mình hỏi đến tiền thì lúc nào cũng bảo không có, nhưng bả lại có tiền cúng cho cái miếu vô chủ này"

- "Anh hai à, anh còn không biết tính mẹ sao, thà để tiền cho thiên hạ còn hơn cho tiền con cái" - Giang làu bàu;

- "Má nó, tao đếch hiểu tại sao bả cứ chăm chăm cúng rồi quét dọn cái miếu hoang vô chủ này làm cái quái gì" - Thành lớn tiếng chửi;

- "Ơ kìa, anh hai, anh phải giữ miệng, anh không nhớ mẹ nói sao, coi chừng mấy con ma trong miếu này quật anh đó" - Giang lại tiếp tục lầu bầu trong cơn say;

Vừa nghe Giang nói xong, Thành liền sôi máu: "Con mẹ nó, này thì quật tao này..."; hắn vung chân đá bay dĩa trái cây đang cúng, rồi lại tiếp tục vung chân đạp thẳng vào bát nhang đang cháy dở làm bát nhang đổ vỡ, vừa đạp hắn lại chửi: "Đâu, ra đây mà quật tao này, con ma nào đâu"

Trước hành động bất kính này của Thành, Giang không những không ngăn cản mà hắn còn liên tục vỗ tay hoan hô, rồi đưa hai ngón tay cái về phía Thành biểu hiện sự tán dương cho hành động ngu xuẩn này, "Hay quá anh hai, thằng em like luôn cho anh mấy phát..."; được thằng em tán thưởng, Thành càng thêm phấn khích, hắn cười ha hả nhưng một kẻ điên loạn rồi cùng Giang đi về nhà, bỏ lại cái miếu hoang tàn với cái bát nhang lộn xộn sau lưng, cả hai thằng không ngờ có một đôi mắt màu đỏ như máu đang nhìn chúng ngập tràn hận thù và tức giận.

Tối hôm đó, bà Đào nằm mơ một giấc mơ đáng sợ, bà mơ thấy chồng bà về thăm, nhưng chồng bà lại đang trói chặt bằng một cọng dây xích, đi cùng ông là một kẻ quái dị, người gã cao lêu nghêu, thân hình gầy gò ốm đói, đôi mắt đen ngầu trũng sâu, cái miệng với hai chiếc răng nanh mọc ngược lên đầy hung tợn, đang nghiến ken két, mười ngón tay ngón chân thì mọc đầy móng vuốt sắt nhọn, bà Đào nhìn thì biết đó là một con quỷ. Không đợi bà Đào lên tiếng, con quỷ liền chỉ thẳng mặt bà mà nói: "Con của mày dám phá nhà tao, lại còn xúc phạm đến tao. Chồng mày vì có chút ơn với tao nên tao mới ban lộc cho gia đình mày, thế mà mày không biết dạy hai thằng con mày, bây giờ tao sẽ hành hạ chồng mày trước, rồi mới xử lý con của mày"; bà Đào nghe vậy thì chân tay rụng rời, bà vội quỳ thụp xuống, lạy con quỷ như tế sao, bà khóc lóc nói: "Xin ông tha cho tụi nó, tụi nó đã làm gì sai, xin hãy để tôi chịu tội thay"; Con quỷ nghe vậy thì gào lên tức tối: "Đừng van xin vô ích, hãy chuẩn bị làm tang sự con mày đi"; nói rồi con quỷ biến mất cũng là lúc bà Đào tỉnh giấc mộng, người bà ướt đẫm, mặt bà xanh như tàu lá, biết có chuyện không lành, bà vội tung cửa nhà chạy ra ngoài trước sự ngỡ ngàng của Tài.

Ra đến miếu hoang, bà Đào há hốc kinh sợ vì trước mắt bà là cảnh hoang tàn, đổ nát của cái miếu, trái cây vương vãi trên đất, bát nhang bị đổ sập, tàn tro bay đầy miếu. Bà khụy xuống kinh hãi đến nỗi không thể nào khóc thêm được nữa, bà gào lên trong tuyệt vọng, lòng bà đau xót vô cùng trước hành động ngu xuẩn của hai thằng con ngỗ nghịch.

Đến cả Tài cũng lạnh người khi vừa chạy đến, nhưng anh vẫn cố giữ bình tĩnh, chạy đến đỡ bà Đào ngồi dậy, anh đặt mẹ tựa lưng vào tường rồi cặm cụi quét dọn lại bát nhang, nhặt lại những thứ rơi vỡ, xong anh chắp tay khấn: "Xin các vị khuất mày khuất mặt bớt giận vì những hành động vô lễ này, ngày mai tôi xin đi mua lại đồ cúng tạ lỗi cho các vị"; Tài vừa khấn xong thì một cơn gió to nổi lên, nó to đến nỗi quật ngã hết tất cả những thứ gì có thể ngã, Tài và bà Đào nghe rõ trong cơn gió là lời gào thét tức giận của một thế lực ma quỷ không thuộc về thế giới này.

Lúc này bà Đào mới kéo Tài lại và nói: "Con đừng khấn nữa, họ không tha cho gia đình chúng ta đâu; thằng Thành và thằng Giang đã gây ra họa lớn rồi"; bà Đào vừa nói vừa khóc trong tuyệt vọng. Nghe bà Đào nói vậy Tài liền hiểu ra, tất cả mọi chuyện là do hai thằng em ngỗ nghịch của mình làm ra ra. Tài an ủi mẹ: "Xin mẹ cứ yên tâm, con sẽ không để chuyện gì bất trắc xảy ra với hai em của mình đâu".

Bà Đào nghe vậy thì nắm chặt tay Tài mà nói: "Con trai của mẹ, con định làm gì, chúng là quỷ dữ còn chúng ta là người bình thường, thì làm sao chống lại chúng".

"Xin mẹ cứ an tâm người bình thường không để nhưng Thần, Phật thì có thể, có bệnh thì vái tứ phương, con sẽ đi tìm người giúp đỡ gia đình mình". Tài nói vậy là vì ba hôm trước anh có gặp và nói chuyện với một vị sư kỳ lạ, vị sư này không đi bất kỳ xe ôm nào mà chỉ muốn đi xe của Tài, mặc dù ở đó có đến tận 3 đồng nghiệp của anh đang chờ khách. Quy tắc trong cái ngành xe ôm này là chia theo nhóm và thứ tự từng người, không được tranh giành khách; Tài biết rõ quy tắc đó nên anh đã liên tục từ chối khéo, giải thích và mời vị sư qua các xe đồng nghiệp khác, tuy nhiên vị sư này lại nói: "Bần tăng có thể đi bộ về chùa, tuy nhiên khi bần tăng đi ngang qua thì thấy thí chủ có toát lên một luồng hắc khí rất nồng, nên bần tăng muốn giúp thí chủ. Không biết thí chủ có đụng hay mang thứ gì không sạch sẽ trong người không...?".

- "Chắc thầy nhầm rồi, tôi làm nghề chạy xe ôm, thì chắc chắn phải chạy qua nhiều chỗ, đi qua những chỗ không sạch sẽ là đương nhiên, chứ tôi không đụng hay mang thứ gì cả."; Tài cười nói;

- "Thí chủ không tin, bần tăng cũng không thể nói thêm. Thôi thì thế này, thí chủ nếu không chở bần tăng về chùa, bần tăng cũng không ép, ở đây bần tăng có miếng ngọc đã trì chú, thí chủ hãy giữ bên mình để bảo mệnh. Khi nào thí chủ cần, xin hãy đến chùa Từ Quang theo địa chỉ này, bần tăng sẽ luôn đợi thí chủ"; vị sư thầy ôn tồn nói rồi quay bỏ đi.

Cho đến nay, khi được chứng kiến và nghe lời kể của mẹ, rồi xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc từ trước đến giờ, thì Tài mới tin lời của vị sư thầy kia, lúc này anh đã mơ hồ đoán ra được nguyên nhân trúng số của mẹ mình, tất cả những tiền tài mà mẹ anh có được đều là lộc của ma quỷ, và tất nhiên lộc của ma quỷ thì mãi mãi là của ma quỷ. Tài dặn dò mẹ: "Con biết có người giúp được gia đình mình, mẹ hãy cầm và giữ thật kỹ mảnh ngọc này, nó sẽ bảo vệ mẹ, còn thằng Thành và Giang, mẹ hãy cố giữ chân tụi nó trong nhà, đừng để tụi nó đi đâu!". Nói rồi, Tài đưa cho mẹ miếng ngọc mà vị sư kia tặng, rồi anh ba chân bốn cẳng chạy tới địa chỉ của chùa Từ Quang trong đêm khuya tối, mặc cho bà Đào gọi với theo; Tài biết bây giờ ngoài vị sư kia, anh không còn biết cầu cứu ai nữa, Tài như người đang chạy đua với thời gian với hy vọng kịp cứu lấy gia đình mình.

Quay trở lại với Thành và Giang, lúc này hai thằng vẫn chưa biết hiểm họa đang ập đến, chúng vẫn ung dung sống vô phép vô tắc, tiêu xài tiền, tận hưởng cuộc sống hưởng lạc. Sáng thì đem gương mặt phờ phạc đến công ty, chúng không quát tháo nhân viên thì chửi hết người này đến người khác; chiều tối thì đầu tóc vuốt keo, diện đồ đẹp để lên sàn nhảy. Bà Đào hết lời khuyên ngăn nhưng cả Thành và Giang đều phớt lờ, Thành còn vênh mặt nói: "Thôi đi bà già, bà đừng có đem mấy cái chuyện ma quỷ vớ vẩn đó ra hù tôi. Thằng Thành này không có sợ đâu"; Nói rồi, hai thằng khoác áo, đi thẳng ra chiếc xe taxi đang đợi sẵn ngoài cổng.

Chiếc xe taxi đưa 2 thằng đến cái quán bar quen thuộc, - điểm đáp của Thành và Giang vào mỗi đêm; khi thanh toán tiền xe Thành mạnh tay đưa luôn cho tay tài xế 500 ngàn mới cóng mà không cần nhận lại tiền thừa. Sau đó hắn cùng Giang khệnh khạng bước vào bên trong quán bar đang ồn ào và chật cứng người. Vì là khách quen của quán nên Thành và Giang nhanh chóng được tay tiếp tân nhận ra và đưa đến bàn dành riêng cho khách vip; rồi sau đó 2 đến 3 cô tiếp viên đến ngồi cạnh hai thằng, cả hai bắt đầu chìm đắm trong không gian vui vẻ của những ánh đèn sặc sỡ, nhịp nhạc đầy sôi động và những chai rượu tây đầy khoái khẩu.

Nhưng niềm vui đó chẳng được lâu, chỉ vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ sau Thành và Giang bắt đầu gặp những sự việc lạ; bắt đầu từ lúc hai thằng đang vui vẻ uống rượu, nhảy nhót trong tiếng nhạc vang vọng dưới ánh đèn mờ ảo và những điệu nhảy uốn éo của các nữ tiếp viên. Cả bọn nâng ly rượu rồi sau đó là tiếng cười và những nụ hôn lả lơi của các nữ tiếp viên, tất cả đã khiến cho cả hai thằng chìm đắm trong cơn say và niềm vui quên đi đất trời.

Nhưng đột nhiên, bầu không khí bắt đầu trở nên kỳ lạ, mọi thứ xung quanh Thành và Giang dường như bắt đầu biến dị. Thành và Giang đang cùng nâng cốc rượu lên để uống thì một mùi tanh nồng nặc chạy xộc lên mũi của hai thằng làm cả hai bay hẳn hơi men, cả Thành và Giang đều bất giác che mũi lại rồi nhìn nhau, bất giác Giang bảo: "Anh hai, sao ly rượu trong tay anh đỏ lè vậy". Thành nghe nói thế thì hắn đưa ly rượu lên ngửi, một mùi máu tanh tởm lợm xộc lên mũi làm Thành nôn ọe ngay tại chỗ, rồi hắn bực tức quay sang ả nhân viên ngồi kế bên đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì mà chửi: "Má, tụi mày dám đem máu ra cho anh em tao uống hả". Bị chửi oan ức, ả ta phân trần: "Anh ơi, anh là khách vip của quán tụi em, với lại quán tụi em làm ăn đàng hoàng, sao lại đem máu ra mà bán cho khách được".

Thành nổi nóng, đưa ly rượu cho ả nhân viên mà chửi tục: "Con mẹ mày, thế cái này là cái gì, chối hả".

- "Vẫn là rượu bình thường mà anh, nếu anh không tin em uống cho anh xem"; - ả tiếp viên giải thích rồi cầm ly của Thành nốc hết một hơi.

Thấy ả ta uống sạch, Thành mới lấy làm ngạc nhiên, hắn cầm cái ly đưa lên ngửi thì quả nhiên vẫn là mùi rượu cay nồng. Thành liền quay sang hỏi Giang: "Này, rõ ràng lúc nãy, chính mày và anh cùng thấy đây là ly máu, sao giờ lại là rượu chứ?"

Giang cũng không hiểu nổi, hắn gãi đầu rồi nói: "Chắc do rượu mạnh quá nên anh em mình nhìn nhầm. Thôi bỏ qua đi, mắc công mất mặt". Thành nghe Giang nói có lý thì cũng gật đầu ưng thuận, gã quay sang vuốt ả tiếp viên kia, rồi nhét vào tay ả ta một tờ 500 ngàn mới coi như lời xin lỗi, ả tiếp viên đó thấy tiền thì cũng õng ẹo với Thành, tay nâng ly rượu rồi lấy một miếng trái cây trên dĩa đút cho Thành ăn.

Nhưng dĩa trái cây trên bàn cũng trở nên kỳ lạ, miếng ổi vừa được đưa vào miệng Thành thì hắn ta đã nghe một mùi tanh hôi đến tởm cả miệng, hắn vội phun ra xem thì hắn hét toáng lên vì thứ vừa được nhả ra là một con mắt người còn dính đầy máu. Thành nôn thốc nôn tháo vì cái mùi tanh hôi của máu và mùi ôi thối tràn ngập. Định thần nhìn lại thì Thành thấy trên dĩa trái cây lúc này chỉ toàn là nội tạng sống, dòi bọ bò lúc nhúc, hắn kinh hoàng ném cả dĩa trái cây xuống đất, mọi người trong quán bar đều quay sang nhìn hắn mới ánh mắt kỳ lạ, dường như tất cả mọi người ở đây ngoại trừ Thành thì không ai thấy điều kinh dị vừa rồi.

- "Anh bị điên hả, sao đổ hết dĩa trái cây vậy cha"; - Giang vỗ vai Thành và nói.

- "Giang, mày nói anh biết, trên dĩa trái cây đó có gì"; - Thành đôi mắt đỏ sọc túm lấy Giang mà nói.

- "Gì vậy cha nội, thì toàn là trái cây chứ có cái gì, xỉn rồi hả"; - Giang bực tức nói.

Thành nhìn lại thì đúng như những gì Giang nói, trên đất chỉ toàn là trái cây tươi mới, Thành lúc này không còn giữ được bình tĩnh nữa, hắn nắm lấy Giang mà nói: "Mày phải tin tao Giang, lúc nãy tao thấy toàn là nội tạng người, dòi bọ bò lúc nhúc, tởm lắm".

- "Anh bớt khùng dùm tôi, nội tạng nội tại gì ở đây, ở nhà nghe mẹ nói chuyện tâm linh nhiều quá nên ra đây ám ảnh luôn hả"; - Giang bực tức nói.

- "Mày tin anh đi, tao nói thật đó"; - Thành nói trong hoảng loạn.

- "Thôi đi, anh xỉn quá rồi, tôi đưa anh vào nhà vệ sinh rửa mặt"; - Giang nói giọng an ủi.

Nói rồi, Giang kêu nhân viên lại dọn dẹp, rồi đưa Thành vào nhà vệ sinh để rửa mặt. Vào tới nhà vệ sinh sau khi rửa mặt và bình tĩnh lại sau chuỗi sự kiện kinh hoàng kia, Thành đứng thở dốc, mặt hắn lúc này còn đỏ bừng bừng vì rượu. Quay sang thấy Giang đang châm điếu thuốc, Thành hỏi:

- "Mày vẫn không tin anh à, anh nói thiệt đó Giang, lúc nãy anh thấy rõ ràng là nội tạng mà".

- "Thôi đi anh hai, anh xỉn quá rồi, hay là anh ám ảnh lời của mẹ kể quá, anh làm tôi mất cả hứng, mọi hôm không sao, tự nhiên nay giở chứng"; - Giang bực tức nói.

Thành điên tiết vì không cách nào chứng minh được cho thằng em của mình tin được những gì mình đã thấy, đang lúc không biết phải nói gì thì cánh cửa nhà vệ sinh bên trong cùng bất ngờ bật mở, tạo ra tiếng động lớn làm cả hai giật mình nhìn lại. Bước ra từ bên trong là một kỳ quặc, hắn cao lêu nghêu như cái sào, thân hình thì gầy trơ xương, cái đầu thì trọc lóc, hai cánh tay gã dài ngoằng gần như chạm xuống tới đất. Gã ta từ từ đi đến gần Thành và Giang, trên tay gã nắm chặt một cái dĩa.

- "Món quà nhỏ từ thế giới của ta". - gã ta thì thầm, giọng điệu lạnh lùng và trầm lắng. Hắn ta đưa cái dĩa đến trước mặt Thành và Giang, và tất nhiên đó là một dĩa đầy nội tạng, dòi bọ bò lúc nhúc, trông vô cùng tởm lợm và bốc mùi tanh tưởi, làm cho cả hai bất giác hoảng sợ phải bịt miệng và mũi lại.

Gã đàn ông quỷ dị kia bật lên một tràng cười đầy khả ố và đáng sợ, hắn liên tục dí sát chiếc dĩa đầy dòi bọ kia vào mặt Thành và Giang, cả hai lúc này muốn chạy ra ngoài nhưng đôi chân của chúng không còn nghe theo lời chúng nữa. Nhưng trước khi cả hai kịp chạy ra ngoài, gã đàn ông quái dị đó đột ngột bước gần hơn, hắn bóp cổ rồi đè cả hai xuống sàn. Đôi tay khẳng khiu gầy trơ xương nhưng lại mạnh đến đáng sợ, cả Thành và Giang cố sức vùng vẫy để thoát ra nhưng hoàn toàn vô vọng. Đang trong lúc Thành và Giang muốn buông xuôi tất cả thì bỗng cửa chính nhà vệ sinh mở ra, một vị khách bước vào, thấy Thành và Giang đang nằm dài dưới đất, hai tay đang tự bóp cổ mình. Ông ta vội chạy lại gọi lớn rồi lay mạnh cả hai, làm cho cả hai thằng hoàn hồn trở lại, như sực tỉnh cơn ác mộng, cả hai mồ hôi đầm đìa, mặt không còn một giọt máu, vội đứng dậy chạy thẳng ra ngoài, thanh toán tiền rồi rời khỏi quán bar ngay sau đó.

Khi bước ra khỏi quán bar, trời cũng đã gần khuya, không khí cũng dần lạnh lẽo hơn. Không gian xung quanh cũng lờ mờ sương trắng, Sài Gòn những ngày tháng 8 mà có sương thì cũng thật là lạ, nhìn quang cảnh xung quanh Thành và Giang bất giác cảm thấy lạnh sống lưng. Cả hai thằng lòng như lửa đốt nhìn quanh cố tìm một chiếc taxi thì bỗng có một chiếc taxi chạy từ từ tới rồi dừng trước mặt cả hai. Thành và Giang như bắt được vàng, vội vàng leo lên chiếc xe đó rồi thúc giục tài xế mau cho xe chạy.

Chiếc xe bắt đầu lăn bánh đưa Thành và Giang rời khỏi quán bar, cả hai dựa lưng vào ghế, thở phào nhẹ nhõm; trải qua nhiều chuyện kỳ quái làm cả hai thằng cảm thấy vô cùng mệt mỏi; Thành và Giang cùng nhắm mắt thiếp đi lúc nào không hay biết.

Không biết xe đã chạy bao lâu, Thành bỗng giật mình thức giấc, vì hắn cảm thấy hình như không khí trong xe đang bắt đầu lạnh dần lên. Vừa ngáy ngủ, Thành buộc miệng hỏi: "Xe đang đi tới đâu rồi bác tài?"; Nhưng người tài xế im lặng không trả lời, Thành thấy lạ liền hỏi lại hai ba lần, gã tài xế vẫn im lìm như không nghe thấy Thành hỏi. Thành cảm thấy có điều không đúng, liền ngồi thẳng dậy, nhìn qua cửa kính là một khung cảnh vô cùng xa lạ, không phải là con đường quen thuộc về nhà. Thành hét lớn: "Này, ông đưa tụi tôi đi đâu vậy hả?"; Tiếng hét của Thành làm Giang giật mình thức dậy: "Gì vậy anh hai, tới nhà rồi hả".

- "Tới nhà cái đầu mày, chúng ta bị bắt cóc rồi"; - Thành hoảng loạn nói.

- "Cái gì, bắt cóc gì, lại chuyện gì nữa?"; - Giang nghe vậy thì choàng tỉnh rồi ngồi dậy nói;

- "Bình tĩnh, tao đang đưa chúng mày về nhà đây, nhưng là một căn nhà khác cơ...!"; - gã tài xế lúc này mới cất giọng.

Cả Thành và Giang đều giật mình hoảng sợ, vì cái giọng này chính là giọng của gã đàn ông kỳ quái, mà cả hai thằng đã gặp trong nhà vệ sinh ở quán bar. Cả hai thằng đều ấp úng cứng họng không nói được gì, gã tài xế lúc này cười lên khằng khặc, đầu hắn quay 180 độ về phía sau nhìn Thành và Giang mà nói: "Nhận ra tao rồi hả, chúng mày to gan lắm, dám phá miếu của tao, bây giờ tao bắt hai thằng mày về làm nô lệ cho tao, chúng mày phải trả giá cho hành động ngông cuồng ngu dại kia!". Lúc này thành và Giang rụng rời hết tay chân, cả hai thằng lúc này chỉ biết ôm nhau khóc, chúng vô cùng hối hận vì đã không nghe lời bà Đào, ngu ngốc mạo phạm đến cái miếu hoang đáng sợ kia.

Đang trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, thì một ánh sáng hoàng kim phát ra chặn đầu chiếc xe taxi lại. Cả ba người trên xe đều giật mình, gã đàn ông kia hình như rất sợ luồng pháp quang đó, gã lập tức dừng xe, lúc này một giọng nói ôn tồn thánh thiện vang lên: "A di đà Phật, phóng hạ đầu đao, quay đầu là bờ, quỷ dữ mau thả hai người kia ra".

Từ trong luồng ánh sáng màu vàng kia, một vị cao tăng râu bạc phơ, hình tướng trang nghiêm, hai tay hợp thập, từ tốn bước tới, đi phía sau lưng ông chính là Tài và bà Đào. Thì ra Tài đã tìm được vị cao tăng kia, khi Tài đến chùa, vị sư đó đã đứng chờ Tài từ ngoài cổng; vị sư yêu cầu Tài kể lại toàn bộ sự việc cho ngài nghe.

Sau khi nghe xong, vị cao tăng đó nói rằng tình hình đã rất nguy hiểm, mau về nhà để cứu Thành và Giang, nhưng khi về tới thì được bà Đào cho biết Thành và Giang đã bỏ đi ra ngoài chơi. Tài và bà Đào liền quỳ xuống xin vị sư kia cứu lấy gia đình mình, trước tình cảm gia đình thiêng liêng đó, vị sư kia đã động lòng từ bi, rồi ngài nhanh chóng hướng dẫn Tài và bà Đào lập một pháp trận tại cái miếu hoang kia. Ngài biết rõ, con quỷ đang muốn bắt Thành và Giang đem về cái miếu này, cho nên chỉ cần lập một pháp trận trước miếu, chắc chắn sẽ đón đầu được nó.

- "Lão sư già, đừng xen vào chuyện của ta, hai thằng nhóc này dám mạo phạm ta, ta phải bắt chúng đền tội!"; - Con quỷ gầm lên tức tối.

- "Tội của chúng đúng là nặng, tất cả cũng từ "tham, sân, si" mà ra, hù dọa, dạy dỗ chúng là được rồi, cớ sao lại phải bắt chúng"; - vị sư già vẫn bình tĩnh nói;

- "Im đi lão sư già, chuyện của ta không đến lượt lão quản đâu.".

Vừa dứt lời, con quỷ đã nhảy thẳng vào vị sư già kia, nó đưa cánh tay với các móng vuốt sắt nhọn nhắm ngay ngực của vị sư mà đâm tới. Vị sư vẫn bình tĩnh, hai tay ngài đưa lên bắt ấn, miệng lẩm bẩm: "Nhất Tâm ấn; - Phật Quang Sơ Hiện", một chữ vạn từ thủ ấn của vị sư bắn ra, con quỷ trúng đòn không kịp né tránh ngã lăn ra đất.

"Lão già, lão biết 'Như Lai Thiên thủ ấn'...?"; - Con quỷ đau đớn nhưng vẫn cố ngồi dậy la lớn;

"A di đà phật, bần tăng nói lần cuối, buông bỏ oán hận, quay đầu là bờ, quỷ dữ, bây giờ vẫn còn chưa muộn"; - vị sư già vẫn ôn tồn nói.

"Im mồm, có bấy nhiêu công phu cứ đem ra đây, hôm nay không ai cản được ta đem 2 thằng ranh con đó đi đâu...!"; - Con quỷ hét lớn rồi tiếp tục nhảy thẳng tới.

"Ngươi quá cố chấp, bần tăng đành ra tay vậy"; - vị sư nhẹ nhàng nói.

Hai tay vị sư lại một lần nữa bắt ấn, động tác nhanh gọn: "Quang tụ Phật đỉnh ấn; - Kim Đỉnh Phật Đăng", thủ ấn của vị sư lần này phát ra là một lưỡi đao màu vàng kim sáng lóa, lưỡi đao bay thẳng tới, chỉ trong chớp mắt đã chém con quỷ ra làm đôi, con quỷ kêu la đau đớn. Chỉ chờ có thế, vị sự liền rút ra một cái bát to, miệng ngài đọc chú, một cơn gió nhẹ thổi lên, chiếc bát đã thu lấy con quỷ vào bên trong, rồi ngài nhanh tay bắt 1 lá bùa vàng, che lên miệng bát, rồi nói: "A di đà phật, bần tăng sẽ đưa ngươi về chùa, sớm tối nghe kinh, mong ngươi sớm trút bỏ oán khí".

Rồi ngài quay sang nói với 2 mẹ con bà Đào và Tài: "Mọi chuyện đã xong, bần tăng cũng xin phép tạm biệt!", rồi ngài quay lưng đi thẳng, không để cho Tài và bà Đào kịp nói gì, hai mẹ con chỉ biết chắp tay vái chào, trong lòng hẹn một hôm nào đó sẽ tới chùa làm lễ tạ ơn.

Sau những bi kịch ma quỷ đầy kinh hoàng, cuộc sống của Thành và Giang đã thay đổi hoàn toàn. Sự tàn phá của những thế lực siêu nhiên đã khiến họ trở nên nhạy cảm hơn, nhìn thấy thế giới xung quanh với một cái nhìn khác biệt. Họ không thể quên những sự kiện đen tối đó, và mỗi đêm cả hai đều mơ thấy những cảnh ác mộng từ quá khứ.

Sau sự việc kinh hoàng vừa qua, gia đình bà Đào trở lại với những ngày, tháng nghèo như trước, tuy vẫn còn nhiều tiền từ tấm vé số may mắn nhưng sự giàu có giờ đây đã không còn là ưu tiên hàng đầu của cả gia đình nữa. Sau tất cả, cả gia đình bà Đào hiểu được giá trị thực sự trong cuộc sống của họ bây giờ tình thân, sự quan tâm, yêu thương nhau.

Thành và Giang giờ đây cũng đã thay đổi nhiều hơn, mỗi người đã có bài học cho chính mình từ những sự việc ma quỷ; cả hai đứa giờ đã học được cách trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn và hành động cẩn thận hơn, nhất là với các sự việc về tâm linh.

Giữ đúng tâm nguyện, cả gia đình bà Đào chọn ngày tốt để đi lễ chùa, cầu an và cầu phúc. Họ gặp lại và xin được tạ ơn vị sư già đã cứu lấy gia đình mình, nhưng vị sư từ chối. Ngài nói rằng, muốn cám ơn ngài thì cả gia đình bà Đào nên thường xuyên lễ chùa, cúng dường Tam bảo, và dùng số tiền trúng thưởng kia làm phước, từ thiện, vì làm vậy không những tăng phúc báu cho cả gia đình mà cũng có thể hồi hướng công đức cho người chồng đã mất của bà Đào. Dưới ánh nắng mặt trời của buổi ban trưa, cả gia đình bốn người bước ra về với tâm trạng nhẹ nhàng và thoải mái, và câu chuyện về tấm vé số của quỷ mãi là một bí ẩn không thể phai nhòa trong suốt cả cuộc đời của bốn người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro