TRUYỆN SỐ 10: THẰNG BÁN RAU
Tháng 12 – tháng của nàng tiên mùa đông, tháng khép lại một năm cũ với những nốt trầm lặng lẽ nhưng cũng đầy kỳ vọng cho năm mới. Tháng này, khắp nơi rộn ràng trong những ánh đèn lung linh và sắc màu đỏ trắng của Giáng sinh. Người người, nhà nhà háo hức đón chờ những đợt không khí se lạnh, đón chờ một mùa Noel an lành để cùng nhau sum vầy, đếm ngược từng khoảnh khắc đón chào năm mới.
Và mùa Noel năm nay, tôi và vợ quyết định xin nghỉ phép vài ngày để đưa đứa con trai nhỏ về thăm quê ngoại ở huyện Đơn Dương. Cái ý tưởng trở về nơi yên bình, tránh xa nhịp sống xô bồ của thành phố dường như quá tuyệt vời với vợ chồng tôi. Không khí vùng cao nguyên Lâm Đồng vào tháng 12 cũng mang theo một vẻ đẹp lạ lùng khó tả, cái lạnh se sắt như những ngón tay vô hình chạm vào da thịt, len lỏi qua từng lớp áo dày. Trong làn sương sớm mờ ảo, mùi hương thông non, cỏ dại và hơi đất từ rừng núi thoảng vào không khí, như một bản giao hưởng nhẹ nhàng mà sâu lắng.
Căn nhà của gia đình vợ tôi nằm yên bình trên một con dốc thoai thoải, nép mình sau cây cầu Sắt bắc qua con sông Đa-Nhim. Dòng nước lạnh lẽo rì rào chảy qua những rặng đá, mang theo âm thanh trầm buồn, như bản hòa tấu không dứt của núi rừng cao nguyên trong cái lạnh se sắt của mùa đông. Những ngày ở đây, tôi như được sống chậm lại, bỏ qua mọi bộn bề, lo toan thường nhật. Từng nhịp sống nhẹ nhàng trôi qua, nhưng cũng chính sự tĩnh lặng ấy lại dễ khiến con người ta chìm sâu vào những suy tư không hồi kết.
Mỗi buổi sáng thức dậy, đứng trên sân nhà, nhìn sương trắng lững lờ tràn qua từng tán cây, tôi luôn có một cảm giác khó gọi thành tên. Nó vừa dịu dàng, vừa âm u, như thể vùng đất này không chỉ là chốn mộng mơ với sắc hoa và ánh nắng, mà còn là một miền đất ôm giữ những bí mật xưa cũ, những điều mà thời gian chẳng thể nào xóa nhòa.
Một buổi sáng se lạnh sát ngày Noel, mẹ vợ kéo hai vợ chồng tôi ra chợ huyện để mua vài thứ đồ chuẩn bị cho bữa tối Giáng sinh sắp tới. Chợ huyện vào buổi sáng gần cuối năm khá đông đúc và náo nhiệt, những tiếng rao hàng xen lẫn bước chân vội vã, những quầy hàng bày đầy rau củ, hoa quả, thịt cá – tất cả như được phủ lên hơi thở lạnh lẽo đặc trưng của vùng đất cao nguyên này, từng làn sương mỏng len lỏi qua từng gian hàng, khiến mọi thứ vừa nhộn nhịp, vừa mang một vẻ u tịch khó tả.
Trong lúc tôi đang lơ đãng nhìn những bó rau xanh mướt trên một sạp gỗ cũ kỹ, bỗng có tiếng cười đùa cợt của mẹ vợ:
- "Mẹ nghe nói thằng Vinh thích viết truyện ma hả? Sợ ma mà còn bày đặt viết truyện ma sao?!".
Tôi bật cười, gãi đầu ngượng nghịu:
- "Dạ vâng! Không hiểu sao con lại bị lôi cuốn bởi mấy câu chuyện ma quỷ mẹ ạ. Mặc dù coi phim ma là con sợ muốn xỉu!"
Cả mẹ vợ và vợ tôi bật cười lớn. Mẹ vợ vừa cười vừa lắc đầu, ánh mắt ánh lên vẻ trêu chọc nhưng lại thoáng chút gì đó như đang nghĩ ngợi. Một lát sau, bà quay sang tôi, nửa đùa, nửa thật:
- "Nếu con thích viết truyện như vậy, thì mẹ có một câu chuyện đây. Con có muốn nghe thử không? Biết đâu lại viết được truyện hay cuối năm đấy!".
Nghe đến truyện ma, lòng tôi bỗng chộn rộn. Không giấu được sự tò mò, tôi lập tức hỏi:
- "Dạ có! Mẹ kể đi, chuyện gì vậy ạ?!".
Thấy tôi hăm hở như thế, vợ tôi nhăn mặt, vờ trách:
"Ơ hay cái ông già này! Nghe đến truyện ma là hăm hở thế à?! Mau xách đồ phụ tui với mẹ kìa!"
Cười xòa, tôi vội vàng xách hai bịch đồ ăn tươi rõ nặng. Cả ba chúng tôi vừa bước đi, vừa nói chuyện, mẹ vợ tôi vừa đi, vừa đưa ánh mắt hướng nhìn những quầy hàng phía trước, trầm ngâm như đang lục lại ký ức xa xôi. Rồi bà chậm rãi nói, giọng trầm hơn hẳn:
- "Chuyện này mẹ nghe lại từ những người hàng xóm xung quanh nhà mình, là câu chuyện về một thằng bán rau dưới chân đèo Prenn. Người ta bảo, mỗi khi nhắc đến nó là ai cũng rùng mình...!"
Giọng mẹ vợ tôi dần hòa vào làn sương lạnh lẽo, quấn quanh bầu không khí âm u của buổi sáng. Tôi không biết liệu câu chuyện này là thực hay chỉ là lời kể được thêm thắt qua năm tháng, nhưng chỉ vừa nghe đến đây, một luồng khí lạnh đã chạy dọc sống lưng, khiến tôi không khỏi rùng mình.
Giờ đây, khi ngồi trước màn hình laptop để viết lại câu chuyện này, tôi hy vọng có thể truyền tải đầy đủ những gì mẹ vợ tôi đã kể trong buổi sáng hôm ấy. Một câu chuyện vừa rùng rợn, vừa ám ảnh, phảng phất đâu đó những nét bi thương của cuộc đời. Và bây giờ, xin mời bạn đọc cùng theo tôi, quay ngược thời gian trở về Đà Lạt của những năm tháng xưa cũ, để lắng nghe câu chuyện đầy u uất mang tên "Thằng Bán Rau".
Những năm tháng xưa cũ, khi Đà Lạt chưa rực rỡ ánh đèn, đèo Prenn còn phủ đầy sương mù và tiếng thông reo xen lẫn những tiếng rì rầm của những con suối chảy qua từng rặng đá. Có một ngôi làng nhỏ dưới chân đèo, ngôi làng sống trong nhịp điệu lặng lẽ nhưng bình yên, nơi mỗi sáng sớm đều là hình ảnh quen thuộc: đó là một thanh niên gánh một thúng rau trên vai, bước đi thoăn thoắt trên con đường dốc dựng đứng, bóng dáng hắn lúc mờ, lúc tỏ trong màn sương dày đặc sáng sớm.
Tên thật của hắn, chẳng mấy ai nhớ rõ, mà có lẽ nói cho đúng là chẳng ai buồn hỏi, người ta thường gọi hắn bằng cái tên khắc khổ: "Thằng bán rau."
Hắn sống một mình trong căn chòi nhỏ chênh vênh bên sườn núi, xung quanh chỉ có những luống rau xanh tươi và con đường mòn đỏ quạch dẫn xuống làng. Mỗi ngày của hắn bắt đầu từ tờ mờ sáng, khi màn sương còn dày đặc và lạnh lẽo, hắn đã lặng lẽ gánh những bó rau tươi nhất xuống chợ. Gương mặt hắn lúc nào cũng cúi thấp, lầm lũi, như sợ phải giao tiếp với bất kỳ ai.
Người làng cũng thường nhìn hắn với ánh mắt vừa thương hại, vừa tò mò, thằng bán rau ấy chẳng bao giờ chủ động nói chuyện với ai, dù người ta hỏi gì, hắn cũng chỉ đáp lại bằng một cái gật đầu hoặc lắc đầu. Có lần, một bà bán cá cạnh chợ thử tới làm thân, hỏi hắn vài câu về gia đình hay quê quán, nhưng hắn chỉ im lặng, ánh mắt né tránh rồi lẳng lặng rời đi. Dần dần, chẳng ai muốn hỏi han thêm về hắn nữa, từ đó những lời đồn đại cũng bắt đầu lan truyền.
Có người bảo hắn chạy trốn từ nơi khác đến vì phạm tội, có người lại cho rằng hắn là con của một gia đình nghèo khổ bị bỏ rơi từ nhỏ. Đôi dép mòn gót, chiếc áo vá chằng, vá đụp của hắn càng khiến những câu chuyện thêu dệt thêm phần sinh động. Điều kỳ lạ hơn là, dù hắn lấm lem, dơ bẩn nhưng rau của hắn lúc nào cũng xanh tươi và bán rất nhanh, người tốt bụng thì bảo khách đến mua vì thương hại, kể xấu miệng thì cho rằng hắn chơi bùa, chơi ngải mới có thể bán nhanh như thế.
Dù phần đông dân làng dè bỉu hắn, thì cũng có những người thầm cảm phục sự chăm chỉ, cần cù và sự tốt bụng của thằng bán rau. Điển hình là lão Tư trồng cà phê ở đầu làng, lão thường nói rằng: "Thằng nhỏ đó coi vậy mà siêng, đất xung quanh nhà nó cằn cỗi vậy, mà rau lúc nào cũng tươi tốt. Tôi chưa từng nghe nó than phiền tiếng nào về hoàn cảnh của nó! Thấy mà tội!". Hay như có năm mùa mưa to, nhà ông Ba nổi tiếng về trồng bơ, bị sạt đất; Con đường dẫn lên vườn bơ bị chắn mất một phần, dân làng hùa nhau vào cuốc đất mở đường, thì thằng bán rau đó cũng lặng lẽ ghé tới, mang theo xẻng, cuốc, cùng mọi người làm suốt buổi chiều. Lúc ông Ba trả tiền công, hắn lắc đầu không nhận, chỉ xin vài quả bơ chín rồi lẳng lặng bỏ đi, để lại ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn biết ơn của tất cả mọi người.
Thế nhưng, những điều tốt đẹp ấy dường như không đủ để xóa nhòa đi vẻ ngoài lầm lì, ít nói của hắn trong mắt dân làng, họ vẫn gọi hắn là "thằng bán rau" – cái tên như chứa đầy sự khắc khổ, tách biệt, hắn là một phần của ngôi làng, nhưng chưa bao giờ thực sự thuộc về nơi đây. Có những đêm muộn, người ta nhìn thấy bóng hắn lầm lũi trên con đường mòn, đôi gánh rau đã sạch trơn rau, nhưng bước chân hắn vẫn chậm và nặng nề, hắn sống như một bóng ma, âm thầm và lặng lẽ.
Và cứ thế, thằng bán rau vẫn lầm lũi sống từng ngày. Sáng sớm, bóng hắn thoắt ẩn thoắt hiện giữa màn sương, gánh rau xuống chợ. Chiều về, hắn lại lặng lẽ trở lại căn chòi nhỏ bên sườn núi, nơi mà chỉ có ánh đèn dầu le lói giữa bóng đêm và sương mù dày đặc. Nhưng rồi, vào buổi chiều trước đêm giao thừa cuối năm, bóng dáng quen thuộc ấy bỗng biến mất. Không ai thấy hắn trên con đường mòn dẫn về làng. Luống rau xanh rì phía trước căn chòi bị bỏ mặc, cổng nhà đóng kín im lìm, như thể hắn đã rời đi, hoặc chẳng còn ở đó nữa.
Đêm ấy, trời đột nhiên trở lạnh hơn mọi hôm. Sương dày đặc trùm lên ngôi làng, nặng nề đến mức ánh trăng cũng chỉ là một vệt sáng mờ nhạt. Trong căn nhà nhỏ gần đó, bà Tư – người sống cách căn chòi của thằng bán rau chỉ một quãng ngắn – đang ngồi khâu vá bên ngọn đèn dầu. Bỗng nhiên, bà nghe thấy tiếng lạch cạch vọng lại từ phía căn chòi. Âm thanh đó, lúc thì nhỏ, lúc thì lớn, như thể ai đó đang kéo lê một vật nặng trên nền đất.
Bà nhíu mày, tay khựng lại. Bà cố lắng nghe, những âm thanh vang lên từng đợt: lúc trầm thấp, lúc đứt quãng, khi thì giống tiếng ai đó cãi nhau, lúc lại nghe như tiếng gió rít qua khe cửa. Dù trong lòng cảm thấy rờn rợn, bà vẫn không dám bước ra ngoài. Rồi đột nhiên, một tiếng động lớn vang lên – tiếng gỗ bị xô ngã hoặc vật nặng rơi xuống đất, dội vào đêm tối như một lời cảnh báo rùng rợn.
Ánh đèn dầu trong căn chòi chập chờn, le lói một lúc rồi vụt tắt. Góc trời nơi căn chòi chìm vào bóng tối sâu thẳm, tĩnh lặng đến kỳ quái. Bà Tư lạnh sống lưng, rùng mình kéo rèm, đóng sầm cửa và không dám hé mắt nhìn ra thêm lần nào nữa.
Sáng hôm sau, cảm giác bất an khiến bà Tư phải gọi vài người trong làng cùng đến kiểm tra. Nhưng khi họ bước tới căn chòi, cảnh tượng trước mắt khiến tất cả phải bàng hoàng. Thằng bán rau nằm gục ngay trước cửa, đôi mắt mở trừng trừng, ánh nhìn dường như còn khắc lại nỗi kinh hoàng không thể diễn tả. Khuôn mặt hắn tái nhợt, đôi môi khô nứt, thân thể cứng lạnh, như bị đóng băng trong khoảnh khắc cuối cùng.
Những bó rau rải rác khắp sân, nhưng tất cả đều đã úa vàng, lá héo rũ, như thể vừa bị rút sạch dinh dưỡng và sức sống. Không ai dám bước vào để kiểm tra thêm. Họ chỉ đứng từ xa, người thì hoảng hốt giục báo công an, người thì gọi nhau ra trạm y tế. Cả nhóm người xôn xao trước cửa căn chòi, nhưng không ai có can đảm tiến thêm một bước.
Tin thằng bán rau chết lan khắp ngôi làng chỉ trong buổi sáng. Người ta kéo đến căn chòi mỗi lúc một đông, nhưng chẳng ai dám bước vào, chỉ dám đứng tụm lại trước cổng, thì thầm bàn tán, ánh mắt vừa thương cảm vừa sợ hãi nhìn chằm chằm vào cái xác bất động nằm trước cửa.
Chừng 15-20 phút sau, công an và y tế địa phương có mặt, lập tức phong tỏa hiện trường, bà Tư - người chứng kiến mọi thứ, run rẩy kể lại mọi âm thanh kỳ lạ mà bà đã nghe. Những người khác thì nín thở theo dõi khi các cán bộ công an tiến hành kiểm tra thi thể, cơ thể thằng bán rau không hề có dấu hiệu xô xát hay bất kỳ vết thương nào. Trong căn chòi, mọi thứ vẫn nguyên vẹn, không có dấu hiệu của một vụ đột nhập, nhưng không khí bên trong lại lạnh lẽo đến mức khác thường.
Cán bộ pháp y đưa ra kết luận sơ bộ: thằng bán rau có thể qua đời vì bị nhồi máu cơ tim. Nhưng kết luận này có vẻ không làm dân làng yên lòng, ai cũng tỏ ra lo âu và lắc đầu e sợ. Ông Ba, người lớn tuổi nhất trong nhóm, chỉ biết thở dài, giọng khàn khàn: "Thật đáng thương! ai mà ác quá, nỡ lòng nào sát hại thằng bé...!"
Sau khi thi thể được đưa về trung tâm pháp y để khám nghiệm thêm, dân làng vội vã hùa nhau, khóa chặt cửa căn chòi, như thể muốn phong tỏa mọi điều u ám bên trong. Từ đó, không một ai còn dám đi ngang qua con đường dẫn đến căn chòi vào ban đêm nữa...
Rồi cứ tưởng mọi chuyện sẽ theo dòng chảy vô tình của thời gian, dần phai mờ trong trí nhớ của mọi người về một thằng bán rau cô độc và bí ẩn, thì chỉ vài ngày sau cái chết của nó, những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Một số người khẳng định rằng, có những đêm khuya, khi họ đang bắt đầu say ngủ, thì bỗng giật mình tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng lạch cạch giống hệt như có ai đó đang cạy cửa nhà, ban đầu họ tưởng là trộm, nên vội lấy gậy gộc, rồi xông ra ngoài, nhưng khi mở cửa ra, thì không có ai cả, tất cả chỉ là một màn đêm đen kịt.
Có lão Cò nát rượu đầu làng, thường lớn tiếng chế nhạo những câu chuyện ma quỷ của mọi người trong làng, thì lão lại chính là người chịu đựng nỗi kinh hoàng đầu tiên. Trong một đêm say mèm, khi đang lảo đảo trở về nhà, thì ánh mắt mờ đục của lão bất giác nhìn thấy một bóng trắng, cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện trong màn sương dày đặc. Lão làu bàu chửi, rồi nheo mắt nhìn kỹ, thì há hốc mồm khi nhận ra bóng dáng quen thuộc, bóng dáng đó không ai khác, chính là thằng bán rau. Trên vai nó, chiếc gánh hàng trống không lắc lư theo từng bước chân chậm rãi, lão chết cứng người, không hét nỗi một lời nào cho đến khi bóng dáng ấy bỗng tan biến vào sương mù, thì lão mới hoàn hồn hoảng sợ, ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về nhà, vừa chạy vừa nấc nghẹn. Về đến nơi, lão nôn thốc nôn tháo, người lên cơn sốt cao suốt một tuần liền, miệng lẩm bẩm không ngớt về cái bóng trắng trong đêm.
Căn chòi cũ nát, từng là một góc nhỏ lặng lẽ của làng, giờ đây bị bỏ hoang, chìm trong bóng tối u ám. Đêm xuống, mỗi khi nhìn về hướng ấy, người ta chỉ thấy một khoảng đen đặc, như đang chờ đợi kẻ liều lĩnh nào đó dám bước vào. Những lời thì thầm về những bóng trắng và những âm thanh lạ ngày một nhiều hơn, nhưng chẳng ai dám đến kiểm chứng.
Kể từ đó, không khí trong làng trở nên rùng rợn...
Ban ngày, mọi thứ vẫn diễn ra như thường lệ, nhưng khi màn đêm buông xuống, bóng tối bao trùm lên ngôi làng cùng với một sự im lặng đến nghẹt thở, thì cả làng dường như đóng chặt cửa, không ai dám bén mảng ra ngoài. Những gia đình sống gần con đường dẫn tới căn chòi quả quyết rằng, họ nghe thấy từng bước chân nặng nề trên con đường đất, âm thanh như một người đang gánh trên người vật gì đó rất nặng, nhưng khi họ nhìn ra ngoài thì chẳng thấy ai cả.
Nhà bà Năm – sống cách căn chòi không xa, kể lại rằng; Một đêm nọ, khi cả nhà đang say ngủ, thì trước sân bỗng vang lên tiếng động lớn, cả nhà đánh thức nhau dậy, vì không ai dám ra ngoài sân một mình để kiểm tra. Cả nhà bà Năm phát hiện chiếc chum nước trước cửa nhà đã bị đẩy ngã, nước văng tung tóe, dưới nền đất còn in rõ các dấu chân đen lòm, cùng hai vệt chất lỏng màu đỏ kéo loanh quanh trước sân. Bà Năm thề rằng, bà còn nghe thấy tiếng cười khanh khách, đứt quãng vang lên giữa làn sương dày đặc, tiếng cười lạnh lẽo và xa xăm, khiến cả nhà bà sởn gai ốc.
Những câu chuyện về "hồn ma thằng bán rau" ngày càng lan rộng, thật giả lẫn lộn, vượt xa khỏi phạm vi của ngôi làng nhỏ. Người từ các vùng khác, đặc biệt là những kẻ tò mò hoặc không tin vào chuyện ma quỷ, ùn ùn kéo đến để xem thực hư. Trong số đó, có một nhóm ba thanh niên từ Sài Gòn lên, quyết làm sáng tỏ mọi chuyện. Cả ba dựng một chiếc lều nhỏ ngay trước cửa căn chòi, lớn tiếng tuyên bố rằng sẽ ngủ lại một đêm để chứng minh lời đồn chỉ là hư cấu.
Dân làng ai nấy đều sợ hãi, khuyên can nhóm thanh niên bạo gan mau rời đi. Nhưng mặc cho những ánh mắt lo âu và những lời cảnh báo, cả ba chỉ cười xòa, tự tin rằng chẳng có gì đáng sợ ngoài những câu chuyện bị thổi phồng.
Đêm ấy, bầu trời tối đen như mực, sương dày đặc trùm lên căn chòi, che khuất mọi thứ xung quanh. Vào khoảng giữa đêm, khi cả ba đang nằm trong lều, cười nói rôm rả, thì bất chợt, họ nghe thấy tiếng bước chân rất rõ, nặng nề và chậm rãi, như có ai đó đang tiến lại gần. Tiếng động khiến cả ba lập tức im bặt, ánh mắt đầy hoang mang.
Khi họ ló đầu ra nhìn, cảnh tượng trước mắt khiến cả ba kinh hồn bạt vía. Từ trong màn sương đen đặc, một thân hình gầy gò, khẳng khiu từ từ bước ra. Bộ quần áo rách nát, bám đầy bùn đất lủng lẳng trên cơ thể gầy trơ xương, như thể vừa bò lên từ đáy mộ. Khuôn mặt trắng bệch không còn da thịt, chỉ còn trơ lại đôi hốc mắt sâu hoắm, tối đen như hai vực thẳm, nuốt chửng mọi ánh nhìn. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là hồn ma thằng bán rau.
Hắn dừng lại một thoáng, rồi từ từ quay đầu nhìn về phía ba thanh niên. Đôi mắt sâu hun hút nhìn chằm chằm vào họ, khiến cả ba chết trân, không ai nói được lời nào. Rồi bất ngờ, hắn nở một nụ cười méo mó trên khuôn mặt nứt nẻ, miệng há ngoác lộ ra hàm răng vàng khè, lởm chởm. Chiếc gánh trên vai hắn lắc lư, những bó rau úa vàng nhỏ xuống từng giọt nước đỏ sậm, thấm vào nền đất. Mùi tanh hôi nồng nặc bốc lên, khiến cả ba cảm thấy buồn nôn.
Trong một khoảnh khắc, hắn phóng nhanh về phía họ, miệng há lớn, những chiếc răng sắc nhọn như chực cắn vào cổ. Tiếng hét kinh hoàng vang lên xé toang màn đêm. Cả ba lao ra khỏi lều, bỏ chạy thục mạng, không dám quay đầu lại. Bóng của hắn vẫn đứng lặng trong làn sương, ánh mắt oán hận dõi theo như một lời cảnh báo.
Từ đó, không ai còn bén mảng tới căn chòi nhỏ đó nữa, căn chòi vẫn cứ lặng lẽ nằm im, u ám giữa màn sương mờ. Còn ngôi làng dưới chân đèo Prenn cũng chìm vào không khí sợ hãi. Những câu chuyện về hồn ma thằng bán rau, đêm đêm vẫn quẩy gánh rau hư, đã trở thành cơn ác mộng dai dẳng, khiến nhiều gia đình bỏ làng đi nơi khác. Những người còn lại thì sống trong nỗi lo sợ, không dám ra khỏi nhà khi trời sụp tối.
Sáu tháng sau cái chết kỳ bí của thằng bán rau, một buổi sáng nọ, khi màn sương còn dày đặc bao trùm con đường đất đỏ dẫn vào làng, thì có một chiếc xe Toyota màu xám bạc bất ngờ xuất hiện. Động cơ xe rì rầm bắt đầu rẽ vào đầu con dốc, rồi dừng hẳn trước cổng làng, phá tan sự tĩnh lặng vốn đã bao trùm nơi đây suốt nhiều tháng qua.
Cửa xe bật mở, bước xuống là hai người, một nam, một nữ. Người nam thì đứng tuổi, tầm đã ngoài 50, dáng người cao lớn nhưng gầy, khoác trên mình một chiếc áo măng-tô đen bạc màu, tay xách một chiếc vali bằng sắt cũ kỹ. Gương mặt ông ta khắc khổ, lạnh lùng, với những nếp nhăn sâu hằn quanh khóe mắt và đôi môi mím chặt, ánh mắt sắc bén nhìn lướt qua khung cảnh xung quanh, khiến những ai tò mò ra nhìn đều cảm thấy lành lạnh sống lưng, như thể ông ta đang soi xét thâm tâm của từng người đang có mặt tại đây.
Người nữ là một cô gái trẻ, tuổi chừng 21 đến 22, dáng người thanh mảnh và khỏe khoắn. Cô mặc áo sơ mi trắng, khoác chiếc áo cardigan len màu be nhẹ nhàng, mái tóc đen dài buông qua vai. Đôi mắt tuy có đeo mắt kính nhưng vẫn ánh lên vẻ thông minh và quyết đoán. Cô gái khẽ nở một nụ cười dịu dàng khi nhìn quanh ngôi làng, nụ cười tỏa nắng đó như mang lại một cảm giác ấm áp, đối lập hoàn toàn với vẻ u ám của người đàn ông đi cùng.
Đứng chờ sẵn ở cổng làng là vị trưởng làng, một ông lão dáng người nhỏ bé nhưng toát lên vẻ hiền từ. Ông mặc một chiếc áo dài cũ, tay chống gậy tre, gương mặt già nua lộ rõ vẻ mỏi mệt vì những tháng ngày sống trong lo sợ. Khi thấy hai người tiến lại, ông lão khẽ cúi đầu chào, cô gái trẻ vội lên tiếng trước, giọng nói rõ ràng nhưng ấm áp:
- "Dạ! chào bác, cháu là Lan, bác sĩ mới được cử xuống làng mình. Không biết bác đã nghe thông báo chưa ạ?".
Ông lão gật đầu, cười bảo:
- "Vâng chào cô! Tôi đã nghe ông chủ tịch xã thông báo từ hôm qua, cô Lan còn trẻ vậy mà đã là bác sĩ rồi, thật giỏi quá...! Còn ông đây là...?".
Lan vội thưa:
- "Dạ, đây là bác Cường, phụ tá của cháu ạ!".
Ông lão khẽ cúi đầu chào, nhưng đáp lại chỉ là cái gật đầu chào hỏi sơ sài của người đàn ông tên Cường. Ông trưởng làng ngập ngừng, rồi không nói thêm, lịch sự dẫn Lan và ông Cường đi dạo một vòng quanh làng để làm quen.
Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn sâu vào trong, hai bên là những ngôi nhà đơn sơ, tường vách gỗ cũ kỹ, mái ngói xô lệch. Lan cũng lấy làm lạ khi nhận ra không khí trong làng có gì đó hơi hiu quạnh, đường làng thì vắng vẻ, dù lúc ấy trời vẫn còn sáng, chỉ có lác đác vài người dân đang lúi húi làm việc ngoài sân. Họ ngẩng lên nhìn khi ba người đi qua, với ánh mắt đầy vẻ nghi hoặc và ngại ngần.
Lan khẽ nhìn quanh, cô thấy một vài căn nhà dọc đường trông như đã bị bỏ hoang từ lâu, cửa chính đóng kín, tường bám đầy rêu xanh, khung cảnh tiêu điều khiến cô bất giác nhíu mày. Lan lên tiếng hỏi với giọng nhẹ nhàng:
- "Làng mình có vẻ vắng bác nhỉ? Cháu thấy có nhiều nhà bỏ hoang...!"
Trưởng làng khựng lại, thoáng buồn, rồi cười trấn an:
- "À vâng, đời sống kinh tế ở đây hơi khó khăn, cô Lan ạ. Cô biết đấy, nền kinh tế đất nước đang dần thay đổi, vài người không chịu nổi cái nghèo, nên đã bỏ làng, chuyển đến nơi khác để làm ăn...!"
Lan gật đầu, nhưng ánh mắt vẫn liếc nhìn những ngôi nhà bỏ hoang kia, cảm giác như chúng đang che đậy một điều gì đó rất âm u của ngôi làng này.
Đi hết con đường chính, cả nhóm dừng lại ở một khoảng đất trống nhỏ, nơi có vài đứa trẻ đang chơi đùa dưới bóng cây lớn. Tiếng cười trong trẻo của chúng phần nào làm dịu đi cảm giác nặng nề nãy giờ của cô bác sĩ trẻ.
Sau khi dạo quanh làng, trưởng làng dẫn Lan và ông Cường đến trạm y tế. Đó là một căn nhà nhỏ, nằm sâu trong một con ngõ vắng vẻ. Vừa đến nơi, Lan đã cảm nhận được sự hoang vu của nơi này, bụi bặm phủ đầy trên các cánh kính cửa sổ, cỏ dại mọc che bớt lối vào. Ở bên trong, một vài chiếc giường bệnh để lung tung, bàn ghế bốc mùi ẩm mốc, nồng nặc như một lời khẳng định rằng nơi này đã bị bỏ quên suốt nhiều tháng qua.
Lan khẽ thở dài, quay sang ông Cường:
- "Lộn xộn quá, chắc hai bác cháu mình dọn tới mai cũng chưa xong?!"
Đáp lại lời Lan là một nụ cười nhè nhẹ của lão Cường:
- "Không đâu, với tôi thì chỉ cần một buổi sáng là xong. Tiểu thư cứ ngồi nghỉ, để đó cho tôi!"
Lan lập tức xắn tay áo, cười bảo:
- "Bác cứ đùa, cháu đâu phải dạng con gái yếu tay yếu chân, để cháu phụ bác!"
Ông Cường không nói gì, chỉ gật đầu nhẹ. Thế là cả hai bắt tay vào dọn dẹp. Dáng vẻ gầy gò, tay chân khẳng khiu của ông Cường ban đầu khiến Lan nghĩ lão sẽ chậm chạp, nhưng chỉ trong vài phút, cô phải thay đổi suy nghĩ.
Lão làm việc nhanh đến mức khó tin. Những chiếc giường bệnh cũ kỹ, phủ đầy bụi bặm, được ông lau chùi sạch sẽ, xếp gọn gàng ngay ngắn vào đúng chỗ. Trần nhà bám đầy mạng nhện được lão quét sạch bóng, đến mức không còn sót lại dù chỉ một sợi tơ. Những chiếc bàn ghế mục nát, xỉn màu, qua bàn tay của ông, chẳng mấy chốc đã được đánh bóng, sơn lại sáng như mới.
Lan không giấu được vẻ ngạc nhiên khi nhìn quanh căn phòng, chỉ trong vòng một buổi sáng, gần như toàn bộ trạm y tế hoang phế này đã được ông Cường biến đổi hoàn toàn, trở nên ngăn nắp và sạch sẽ như vừa được xây mới.
- "Bộ bác có phép hả? Cháu nhìn cứ tưởng có ai vừa xây cho cháu phòng khám riêng chứ?!" - Lan sửng sốt.
- "Do tôi đã quen với việc dọn dẹp từ lúc còn ở nhà rồi thưa cô!" - Lão Cường khoanh tay cười nhẹ bảo.
Lan cười hì hì trước câu nói của ông Cường, nhưng chưa kịp nói thêm thì có tiếng của trưởng làng vang lên:
- "Cô Lan và ông Cường đã dọn xong hết rồi sao? Tôi cứ tưởng hai người phải làm cả ngày chứ?!"
Ông Cường lập tức quay lại, giọng ồm ồm nghiêm trọng:
- "Về chuyện này tôi phải hỏi ông! Ông tính cho tiểu thư nhà chúng tôi khám bệnh cho dân làng ông ở một nơi bụi bặm vậy sao?! Tại sao ông không cho người dọn dẹp trước?!"
Trưởng làng giật mình, gương mặt lộ rõ vẻ lúng túng. Ông khẽ khựng lại, ánh mắt lén lút liếc về phía Lan như cầu cứu. Lan vội chen vào:
- "Thôi mà bác Cường, người dân ở đây cũng có việc của họ mà! Bác đừng làm khó ông trưởng làng nữa. Dọn dẹp một chút cũng xem như vận động mà!"
Câu nói nhẹ nhàng của Lan khiến trưởng làng thở phào nhẹ nhõm. Ông gật đầu cảm kích:
- "Cô Lan thật là rộng lượng. À, buổi chiều hôm nay tôi đã chuẩn bị xong chỗ ở tạm cho hai người. Ngôi nhà này khá khang trang, chủ cũ đã rời đi lâu nên có phần hơi bụi bặm một chút. Mời hai vị theo tôi!".
Lan và ông Cường theo trưởng làng rời khỏi trạm y tế, bước qua con đường mòn nhỏ dẫn vào một khu vắng vẻ hơn. Trưởng làng vừa đi, vừa cố gắng giữ vẻ nhiệt tình, nhưng ánh mắt, vẫn thi thoảng liếc nhanh về phía ông Cường, như để xem lão có còn khó chịu không.
Buổi chiều hôm đó, theo sự sắp xếp của trưởng làng, Lan và ông Cường ở trong một ngôi nhà khá khang trang – vốn là nhà của một gia đình đã bỏ làng đi từ lâu. Đà Lạt những thập niên 90, dân cư thưa thớt, nhà cửa không san sát nhau như bây giờ, mà thường cách nhau cả một khoảng lớn; căn nhà mà Lan và ông Cường được bố trí để ở tạm, nằm heo hút trong một đoạn đường vắng, nép mình phía trên cao của sườn đồi. Con đường dẫn vào nhà cũng nhỏ hẹp và quanh co, hai bên cỏ dại mọc cao hơn cả đầu...
Bên trong nhà, mọi thứ đều bám đầy bụi bặm, mạng nhện giăng kín các góc tường, hoang vắng đến khó tả. Không để lãng phí thời gian, Lan và ông Cường lại phải xắn tay áo bắt đầu dọn dẹp, với tốc độ và sức khỏe đáng kinh ngạc của ông Cường. Chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, gần như toàn bộ căn nhà đã được dọn dẹp gọn gàng.
Trong lúc đang dọn khoảng sân trước nhà, Lan giật mình nhận ra có vài người dân đang lén lút đứng nhìn từ xa. Họ xầm xì bàn tán to nhỏ, thỉnh thoảng lại chỉ trỏ gì đó về phía ngôi nhà. Lan vừa ngạc nhiên vừa bực bội. Cô đứng thẳng lên, hai tay chống nạnh, đưa mắt hậm hực nhìn thẳng về phía họ. Như bị ánh mắt của Lan làm cho sợ hãi, vài người dân liền tản ra xa, rồi biến mất khỏi tầm mắt. Lan nhíu mày, giọng bực tức:
- "Mấy người này thật bất lịch sự quá, bác Cường! Nãy giờ, cháu thấy họ cứ lén nhìn trộm chúng ta!"
Ông Cường, lúc này đang bận quét bụi trong góc nhà, khựng lại khi nghe tiếng của Lan. Lão bước chậm rãi ra cửa, ánh mắt sắc lạnh quét qua những khoảng trống nơi dân làng vừa đứng. Thấy lão xuất hiện, những người dân còn lén lút nấp sau bụi cây, liền lập tức bỏ đi hết, không ai dám ngoảnh đầu lại.
Ông Cường nhìn một hồi, rồi quay vào, giọng trầm đục đáp:
"Thưa tiểu thư, họ không nhìn mình đâu. Họ đang nhìn căn nhà này đấy."
Lan thoáng ngạc nhiên trước lời nói của ông Cường, cô hỏi:
- "Hả?! Căn nhà này thì có gì mà nhìn?!"
Ông Cường không đáp, chỉ im lặng bước vào trong, Lan không hiểu gì cũng vội theo vào. Vào bên trong, Lan thấy ông Cường đang mở chiếc vali sắt cũ kỹ mà ông luôn mang theo bên mình, chiếc vali có vẻ ngoài xước xát, khóa cài chắc chắn, Lan chưa từng nhìn thấy những thứ bên trong cái vali đó nhưng cô ngẫm chắc nó chứa đủ loại đồ vật tâm linh kỳ dị. Từ trong vali, ông Cường cẩn thận lấy ra một cặp đèn cầy trắng, bật hộp quẹt và châm vào cả hai ngọn đèn. Lập tức, một ngọn lửa xanh lè bùng lên, ánh sáng yếu ớt nhảy nhót trong không gian mờ tối.
Lan nhìn cảnh tượng đó, cố nén cười vì thấy ông Cường nghiêm túc cầm cặp đèn cầy đi vòng quanh nhà, dáng điệu chậm rãi, đầy nghiêm trọng như một ông thầy pháp trong những bộ phim kinh dị Hồng Kông, không nhịn được nữa Lan bật cười to.
- "Bác lại muốn soi coi có ma không ạ?! Cháu nói rồi, làm gì có ma trên đời này!"
Ông Cường vẫn đi lòng vòng khắp nhà, ánh mắt vẫn chăm chú nhìn ngọn lửa xanh lập lòe, giọng trầm đục đáp:
"Cẩn tắc vô áy náy thưa tiểu thư! Ông chủ đã dặn tôi rất kỹ khi cùng cô đến đây!"
Nghe nhắc đến bố mình, Lan khẽ thở dài, đôi mắt ánh lên một chút trầm ngâm. Thật ra, Lan là tiểu thư của một gia đình giàu có tại Sài Gòn, bố của cô là một thương gia có tiếng trên thương trườg, sở hữu một chuỗi nhà máy cơ khí và công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản, trải dài từ Nam ra Bắc. Lan là chị lớn trong nhà, nên từ nhỏ, Lan đã được bố mình định hướng, trở thành một doanh nhân thành đạt để kế thừa gia sản đồ sộ. Nhưng Lan lại không thấy hứng thú với những con số, hay những thương vụ bạc tỷ, cô yêu thích việc giúp đỡ người khác và từ lâu đã mơ ước trở thành một bác sĩ, người có thể chữa lành cả thân thể lẫn tâm hồn cho những người cần đến.
Quyết định của Lan theo học Ngành Y khiến bố mình rất tức giận, bố Lan luôn cho rằng ngành y không phù hợp với một đại tiểu thư giàu có, lại càng không phải là con đường sáng lạn để nối nghiệp gia đình. Nhưng Lan vẫn kiên trì với lựa chọn của mình, vượt qua những lời chỉ trích và sự thất vọng của bố, để cuối cùng trở thành một bác sĩ trẻ tài năng. Lần này, quyết định đến ngôi làng xa xôi này cũng không ngoại lệ, bố cô đã không giấu được sự bực tức khi biết cô chọn làm việc ở một nơi hẻo lánh thay vì ở lại thành phố với những cơ hội tốt hơn, nhưng biết tính cách ngang bướng của con gái, ông đành nhờ ông Cường - quản gia của gia đình đi theo cô.
Ông Cường đã theo gia đình Lan được 8 năm. Trong một chuyến làm ăn ngoài Bắc, ba của Lan từng được ông Cường cứu khỏi một đám giang hồ được thuê bởi những đối thủ thương trường xấu bụng. Để trả ơn, ba của Lan mời ông về làm quản gia trong nhà. Tuy chỉ là quản gia, nhưng ông Cường rất được lòng mọi người trong gia đình, luôn trầm lặng và làm việc vô cùng trách nhiệm, ông không chỉ quán xuyến công việc trong nhà, mà còn luôn âm thầm bảo vệ những người thân của gia đình Lan trước những chuyện tâm linh ma quỷ mà nhiều người không giải thích được.
Quay lại với câu chuyện, lúc này ông Cường vẫn cầm cặp đèn cầy cháy bập bùng với ánh lửa xanh kỳ lạ, chậm rãi đi khắp nhà. Đôi mắt sắc lạnh của ông lướt qua từng góc tường, từng khung cửa, như đang tìm kiếm một điều gì đó mà Lan không thể hiểu nổi. Thấy ông đi ra sân sau, Lan cũng tò mò bước theo, tay giữ chặt mép áo khoác khi cơn gió chiều se lạnh ùa tới.
Ra tới sân sau, đó là một khoảng sân rộng, cỏ dại mọc thành từng đám, lay động mờ ảo dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn lửa xanh. Bất chợt, ngọn lửa trong tay ông Cường bùng lên mạnh mẽ, chiếu sáng cả một khoảng không gian khiến Lan giật mình lùi lại một bước.
- "Ôi trời, bác làm gì mà ngọn lửa bùng lên dữ vậy! Làm cháu hết cả hồn!".
Ông Cường không trả lời ngay, ánh mắt ông ta quét khắp sân, rồi dừng lại ở một điểm xa tít phía trước – nơi mờ mờ ảo ảo, hiện lên hình dáng của một căn chòi nhỏ. Lan thấy ông Cường cứ nhìn xa xăm, thì hỏi với giọng tò mò:
- "Bác sao thế, ở phía bên đó có gì ạ?!".
Ông Cường nghe Lan hỏi thì chậm rãi quay lại, giọng nói trầm thấp có vẻ nghiêm trọng:
- "Tiểu thư! Đêm nay, dù có nghe tiếng động gì, thì tiểu thư cũng phải nằm yên trên giường. Tuyệt đối không được rời khỏi giường, nhớ chưa!?"
Lan khẽ nhíu mày, không hiểu gì, chỉ ậm ừ cho qua:
- "Dạ vâng! Cháu nhớ rồi, bác làm gì nghiêm trọng thế, có chuyện gì đâu!".
Ông Cường nghe thế thì không nói thêm, lặng lẽ thổi tắt đèn cầy, rồi quay vào trong nhà.
Bữa tối hôm đó, Lan và ông Cường được mời tham gia bữa cơm đón tiếp tại trước sân nhà trưởng làng. Một căn nhà sàn nhỏ, giản dị nhưng ấm cúng, được thắp sáng bằng vài ngọn đèn điện vàng heo hắt. Trưởng làng đứng lên giữa buổi, cất giọng run run:
- "Hôm nay, tôi xin thay mặt dân làng; chào mừng bác sĩ Lan đến với bản làng của chúng ta. Từ ngày vị bác sĩ già rời làng, dân làng thực sự rất khổ sở khi có ai phát bệnh, từ giờ có cô Lan rồi, dân làng chúng tôi đều mong được cô giúp đỡ nhiều hơn...!".
Tiếng vỗ tay vang lên rời rạc từ những người ngồi quanh mâm cơm, Lan nhận ra ánh mắt của họ vô cùng mệt mỏi, đầy nỗi lo âu, hoàn toàn trái ngược với lời hoan nghênh, hò reo trên môi. Trong bữa ăn, Lan cố gắng trò chuyện để làm không khí bớt gượng gạo, nhưng đáp lại chỉ là những câu trả lời ngắn ngủi, đầy vẻ giữ kẽ. Bữa cơm tối đầu tiên với dân làng của Lan cứ thế nhạt nhẽo trôi, cho đến khi 9 tiếng chiêng gõ liên hồi, báo hiệu đã 9 giờ tối, thì mọi người bắt đầu vội vã thu dọn mâm cơm, rồi ai về nhà nấy, không hề có một câu chào hỏi. Cảnh tượng này khiến Lan thấy vô cùng kỳ lạ, cô tự ngẫm:
- "Lạ nhỉ, mình đọc trong sách, được biết những người dân tộc ở vùng cao nguyên rất mến khách mà, sao lại...?"
Định quay sang hỏi vị trưởng làng, thì Trưởng làng cũng vội vã chào từ biệt, trước khi đi, ông ta không quên quay lại nhắc Lan và ông Cường về nhà cẩn thận. Lan không biết phải nói gì, đành cùng ông Cường quay về căn nhà mới.
Sau hơn 15 phút đi bộ trên con đường vắng vẻ, Lan và ông Cường cũng đã về đến nhà, Lan mở khóa cửa, rồi đi thằng vào trong, nhưng ông Cường thì không, lão đứng yên ngoài sân, nhìn quanh một hồi, đôi mắt sắc bén quét qua cửa sổ và góc sân. Lan bất giác quay lại, thấy thế liền hỏi:
- "Bác Cường?! Sao vậy bác, bác lại định dọa ma cháu nữa hả, cháu nói rồi, cháu không sợ đâu!".
Lão Cường nghe vậy, thì quay sang dặn Lan:
- "Tiểu thư! Hãy nhớ, đêm nay, dù có nghe tiếng động gì, thì tuyệt đối nằm im trên giường!"
Lan bật cười:
- "Cháu nhớ rồi mà, bác cứ yên tâm. Cháu không phải là đứa trẻ thích tò mò đâu ạ!".
Nói rồi Lan đi vào phòng, bỏ lại ông Cường vẫn đứng ngoài sân, ánh mắt vẫn hướng ra phía xa xăm, nơi căn chòi nhỏ chìm trong bóng tối lạnh lẽo của màn đêm.
Thời gian lặng lẽ trôi, lúc này kim đồng hồ đã chỉ 10h30, Lan lúc này cũng đã làm vệ sinh cá nhân xong, uể oải,vươn vai, rồi thả mình nằm xuống giường. Một ngày dài mệt mỏi cuối cùng cũng sắp khép lại. Mùi gỗ cũ từ các tấm vách mỏng trong phòng phảng phất, hòa với chút gió lạnh len qua khe cửa sổ, khiến Lan rùng mình kéo chăn lên. Nhưng ngay khi vừa chuẩn bị khép đôi mắt đẹp nhưng đang đỏ lừ vì cay xè, thì từ phía dưới nhà bếp, bỗng vang lên những tiếng lục đục. Ngẫm chắc đó chỉ là chuột hoặc gió thổi, nên Lan không để tâm, tiếp tục nhắm mắt dỗ giấc ngủ, thì tiếng động lại vang lên lần nữa, rõ ràng hơn, đều đặn hơn, như thể có ai đó đang lục lọi trong bóng tối.
Căn nhà nơi Lan và ông Cường ở khá rộng và dài, mang đậm phong cách nhà sàn cũ kỹ thường thấy ở vùng cao nguyên. Phía trước là phòng khách với vài món đồ nội thất giản dị, tiếp đó là hai phòng ngủ nằm kề nhau, và cuối cùng là gian bếp nhỏ nằm tách biệt phía cuối nhà. Từ hành lang dẫn xuống bếp là một khoảng tối dài hun hút trông thật đáng sợ.
Lan ngồi dậy, khẽ nhíu mày, nghĩ bụng chắc là ông Cường đang tìm gì dưới bếp, nên cô xuống giường, mở cửa phòng, và định gọi vọng xuống. Nhưng cô chợt khựng lại vì bất giác cảm thấy, hình như vừa một cơn lạnh lướt qua sống lưng. Dưới bếp tối đen như mực, ánh sáng yếu ớt từ bên ngoài rọi vào chỉ làm lộ rõ hơn sự mịt mù trong bóng tối. Lan nhíu mày, nhớ rõ ràng rằng ông Cường cũng đã về phòng từ lúc nào rồi.
Ngẫm chắc mình nghe nhầm, định quay trở về phòng, thì tiếng lục đục lại vang lên, lần này còn gần hơn trước. Một cảm giác rờn rợn len lỏi trong lòng, nhưng với bản tính gan dạ, Lan vội cầm lấy chiếc đèn pin cũ trong balo rồi dò dẫm tìm đường xuống bếp.
Ánh sáng vàng nhạt của đèn pin hắt ra một quầng sáng nhỏ, chập chờn, không đủ soi rõ cả hành lang, lại thêm, mỗi bước chân của cô đều phát ra tiếng cót két từ sàn gỗ cũ, hòa vào tiếng động lạ bên dưới, tạo thành một bản nhạc rờn rợn trong bóng tối.
Mất gần 10 phút, Lan mới mò được tới gian bếp, ánh đèn pin quét chậm rãi qua từ góc tối, để tìm công tắc điện. Nhưng khi tay cô vừa chạm vào công tắc, thì một bàn tay lạnh ngắt bất ngờ đặt lên vai. Lan giật bắn người, quay phắt lại định hét lên, nhưng kịp nhận ra đó là ông Cường. Lan vừa thở dốc vừa trách:
- "Bác làm cháu hết hồn! Sao bác xuống đây mà không nói gì hết vậy?!".
Ông Cường nhíu mày, giọng trầm đục:
- "Thưa tiểu thư, tôi đã dặn rất rõ! Dù có nghe tiếng động gì, cô cũng không được ra khỏi giường! Sao cô không nghe lời tôi?!".
Lan chống chế:
- "Cháu tưởng có trộm nên mới xuống xem thử. Ai ngờ lại là bác! Làm cháu hú vía!".
Ông Cường lắc đầu, nói:
- "Không phải trộm đâu, tiểu thư! Mà là ma. Ma đang ở ngoài sân sau đấy!".
Nghe đến chữ "ma", Lan bật cười, giọng trêu đùa:
- "Bác lại đùa cháu!? Làm gì có ma trên đời này!".
Ông Cường chỉ tay về phía cửa sổ nhỏ gần cánh cửa chính nói:
- "Nếu cô không tin, hãy nhìn sân sau, qua cái cửa sổ nhỏ đó!".
Lan bước tới, lòng đầy vui vẻ, vì cô biết, ông Cường trước giờ luôn nặng đầu óc tâm linh, hay lấy ma, ông kẹ, hoặc những thứ huyễn hoặc ra hù con em út của cô ở nhà, mỗi khi nó không chịu đi ngủ sớm.
Nhưng khi Lan ghé mắt nhìn qua khe cửa, cả người cô lập tức đông cứng lại, cô không dám tin vào mắt mình nữa; Trong ánh sáng lờ mờ từ ánh trăng, một bóng người gầy gò hiện ra giữa sân sau, thân hình hắn như một khúc cây khẳng khiu, xiêu vẹo, quần áo rách nát bám đầy bùn đất. Đầu hắn nghiêng hẳn sang một bên, như bị treo trên một sợi dây vô hình treo lên, gương mặt tái nhợt của không còn hình dạng, đôi hốc mắt sâu hoắm tối đen như hai vực thẳm.
Hắn cầm trên vai một chiếc gánh nặng trĩu, hai đầu gánh lủng lẳng những bó rau úa vàng, nhỏ từng giọt nước đỏ như máu xuống đất. Từng bước chân hắn lê trên mặt đất, tạo ra tiếng kẽo kẹt ghê rợn.
Rồi bất chợt, hắn quay phắt đầu lại; cái đầu như không có xương cổ, lặt lìa. Đôi mắt tối đen như nhìn thẳng vào cánh cửa như biết rõ Lan đang nhìn lén hắn, hắn nở một nụ cười méo mó, đầy nứt nẻ hiện lên trên gương mặt kinh dị, khiến Lan nuốt khan ngụm nước bọt, cô muốn hét toáng lên nhưng không thể thốt ra âm thanh nào.
Lan ngã phịch xuống sàn, cả cơ thể run lên từng hồi, hơi thở dồn dập như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng. Cảnh tượng vừa chứng kiến trước mắt vẫn hiện rõ mồn một, như một thước phim ghê rợn không ngừng tua đi tua lại trong đầu cô. Lan đầy hoảng loạn nói:
- ""Bác... Bác Cường! Cái đó... cái đó là gì...?!"
Ông Cường vẫn giữ vẻ mặt điềm tĩnh, ánh mắt vẫn nghiêm trọng, ông nhìn Lan, giọng trầm thấp:
- "Thưa tiểu thư, lúc khi vừa đến đây, tôi đã nhận ra thái độ của dân làng có gì đó rất lạ, sau đó là ngọn lửa xanh của đèn cầy cháy bùng lên mãnh liệt khi đến căn nhà này, tôi đã nghi ngờ có thứ không sạch sẽ ở ngôi làng này. Có vẻ... nó liên quan đến cái chòi cũ phía ngọn đồi phía sân sau!".
Lan mở to mắt, mặt xanh đến không còn giọt máu, ông Cường thấy vậy bèn an ủi:
- "Tiểu thư không cần quá sợ, lão đã trấn yểm cánh cửa, hồn ma không thể vào được. Tiểu thư đi ngủ đi, để sáng mai còn làm việc!".
Dù không hoàn toàn hiểu lời ông Cường, Lan cảm thấy đỡ sợ hơn, cô gật đầu, miễn cưỡng trở về phòng. Tuy nhiên, suốt đêm đó, giấc ngủ của cô bị xáo trộn bởi những hình ảnh ghê rợn, và mỗi lần nhắm mắt, gương mặt méo mó của hồn ma cứ hiện lên, khiến cô giật mình nhiều lần.
Sáng hôm sau, Lan thức dậy với tâm trạng nặng nề, cơn thiếu ngủ khiến đầu cô như bị búa bổ, nhưng cô cố gắng gạt bỏ mọi mệt mỏi để bắt đầu công việc đầu tiên tại trạm y tế, ngày đầu làm việc, người dân trong làng kéo đến trạm y tế khá rải rác, họ vẫn giữ ánh mắt lén lút và thái độ dè dặt, khiến Lan có chút khó chịu trong lòng. Điều kỳ lạ hơn, hầu như ai đến khám cũng nhìn Lan với vẻ ngạc nhiên pha lẫn lo lắng. Có một người phụ nữ lớn tuổi rụt rè hỏi nhỏ:
- "Dạ...! Đêm qua... bác sĩ ngủ được không?!".
Lan nhíu mày, đáp:
- "Dạ, có hơi lạ chỗ, nhưng cháu vẫn ngủ được. Có chuyện gì sao ạ?!".
Bà ta nghe vậy thì cười, lắc đầu lảng tránh:
- "À không...! Tôi chỉ hỏi thế thôi ạ!"
Sau đó, bà ta nhanh chóng cúi đầu chào rồi rời đi, thái độ lảng tránh và vẻ mặt đầy ẩn ý của bà ta khiến Lan càng thấy lời của ông Cường đêm qua rất đúng, trong đầu Lan bắt đầu nghi ngờ về căn chòi cũ mà ông Cường nhắc tới.
Đang mải chìm trong dòng suy nghĩ, Lan giật mình khi trưởng làng bước vào. Ông ta điềm nhiên ngồi xuống ghế, giọng mệt mỏi nói:
- "Thưa bác sĩ, phiền cô cho tôi một liều thuốc ngủ nhẹ. Mấy nay tôi không ngủ được, thật là mệt mỏi quá!".
Lan cười bảo:
- "Vâng bác ngồi chờ một lát, cháu bảo ông Cường soạn thuốc cho bác!"
Trong lúc chờ đợi, ông trưởng làng hỏi thăm Lan vài câu xã giao, cô cũng cười đáp lễ, nhưng trong lòng vẫn nặng nề sự nghi hoặc từ những điều kỳ lạ xung quanh. Dường như vừa nhớ ra chuyện gì, Lan quay sang hỏi:
- "À, bác trưởng làng này! Sáng nay cháu ra sân sau, cháu thấy phía cao trên ngọn đồi gần đó, có một căn chòi nhỏ. Không biết căn chòi đó...?!"
Vừa nghe nhắc đến căn chòi, lão trưởng làng liền lập tức tái mặt. Ông há hốc, ánh mắt hoảng hốt nhìn Lan, lắp bắp:
- "Bác sĩ... bác sĩ nói gì! ...Bác sĩ thấy căn chòi đó rồi sao...?!"
Rồi không đợi Lan hỏi thêm gì, lão ta bất ngờ đứng bật dậy, rồi chạy ra bắn ngoài, bỏ mặc Lan đứng đó ngẩn ngơ.
Lan vẫn đứng bất động giữa phòng khám, ánh mắt nhìn ra cánh cửa nơi trưởng làng vừa bỏ chạy. Cảm giác ngờ vực trong cô giờ đây như được thổi bùng lên: "Rốt cuộc, căn chòi đó có gì mà khiến ai nhắc tới cũng hoảng hốt như vậy?".
Vừa lúc đó, ông Cường bước tới, đặt lọ thuốc lên bàn, ánh mắt nhìn theo hướng Lan đang đứng, rồi chậm rãi nói:
"Xem ra căn chòi đó, đúng là có vấn đề rồi..."
Lan quay lại nhìn ông Cường, ngập ngừng hỏi:
- "Bác Cường, ý bác là sao? Không lẽ hồn ma hôm qua cháu thấy đến từ căn chòi đó sao?!".
Ông Cường không trả lời, chỉ khẽ gật đầu, Lan lúng túng hỏi gấp:
- "Vậy giờ chúng ta phải làm sao đây bác Cường?!"
Ông Cường điềm nhiên ngồi xuống ghế và nói với giọng rất bình thản:
- "Thưa tiểu thư, chúng ta có hai cách, cách 1 đó là làm lơ nó đi, và lão có đủ khả năng để hồn ma kia không dám phá chúng ta. Cách 2, đó là đi tới căn chòi đó, tìm hiểu thử, hồn ma đó là gì?!".
Lan nghe tới việc đi tới căn chồi đó thì có chút sợ sệt vì nhớ lại, giọng hơi run, cô nói:
- "Tới căn chòi đó sao?! Cháu nghĩ hay là thôi đi...!"
Lão Cường nghe vậy, thì đứng lên khỏi ghế, nói:
- "Vâng, lão tôn trọng quyết định của tiểu thư, vậy phiền tiểu thư đeo cái vòng tay này, đây là vòng tránh tà, nó sẽ bảo vệ cô khỏi những thứ không sạch sẽ. Nhưng nhớ, tuyệt đối không được tháo ra, dù chỉ một lần."!".
Lão Cường từ từ rút từ túi áo ra một chiếc vòng tay bằng gỗ mun. Chiếc vòng không lớn, gồm những hạt gỗ tròn nhẵn màu đen bóng, tỏa ra một mùi hương nhè nhẹ, vừa thoảng qua đã khiến Lan cảm thấy dễ chịu kỳ lạ. Điều đặc biệt là giữa mỗi hạt gỗ, có một đoạn dây chỉ đỏ mảnh đan xen.
Lan đưa tay nhận chiếc vòng, mắt cô không khỏi bị thu hút bởi một ký tự nhỏ khắc trên mỗi hạt gỗ, trông như những ký hiệu cổ xưa. Lan đọc không hiểu, nhưng cảm giác như, những ký tự này mang một ý nghĩa nào đó vượt xa sự hiểu biết của một người bình thường như cô.
Lan lặng lẽ đeo chiếc vòng vào cổ tay, ngay khi chiếc vòng chạm vào da, thì liền lập tức Lan cảm nhận được một sự ấm áp lan tỏa, không phải từ nhiệt độ, mà đó là một thứ cảm giác khó diễn tả, như thể có một lớp màng bảo vệ vô hình bao quanh toàn thân mình, hơi thở của cô cũng trở nên điều hòa hơn, trái tim vốn đang loạn nhịp vì sợ hãi cũng dần ổn định lại. Lan nói:
- "Cái này hay quá bác Cường! Cháu cảm thấy, giống như mình vừa được tiếp thêm năng lượng!".
Ông Cường không nói gì thêm, chỉ mỉm cười nhạt, rồi quay người bước đi.
Tối hôm đó, căn nhà vốn mang không khí lạnh lẽo và đầy u ám, bỗng trở nên yên bình lạ thường. Không còn những tiếng đập cửa bất ngờ, không còn những âm thanh lạ lùng vang lên trong bóng tối, gió từ khe cửa sổ chỉ thổi nhè nhẹ, như thể cả không gian đang được bao phủ bởi một lớp bình yên kỳ lạ.
Lan nằm trên giường, ánh mắt nhìn lên trần nhà bằng gỗ, nơi mà đêm qua vẫn còn những âm thanh cọt kẹt làm cô thao thức. Thế mà giờ đây, mọi thứ chỉ còn là sự tĩnh lặng, cảm giác an toàn từ chiếc vòng tay gỗ trên cổ tay khiến cô thấy lòng nhẹ nhõm. Khẽ trở mình, cảm nhận từng nhịp thở đều hòa, từng nhịp tim dịu lại như tiếng ru của đêm tối, rồi đôi mắt đẹp của cô bác sĩ trẻ cũng khép lại lúc nào không hay, kéo theo một giấc ngủ sâu và trọn vẹn.
Đêm đó, Lan không mộng mị gì cả. Không còn gương mặt méo mó hiện lên trong tâm trí, không còn những tiếng lách cách, khiến cô giật mình tỉnh giấc. Chỉ có sự tĩnh lặng, như thể mọi nỗi sợ đã bị chặn lại ngoài cánh cửa nhờ thứ bảo vật mà ông Cường trao cho cô.
Khi ánh bình minh đầu tiên len qua khung cửa sổ, đánh thức Lan dậy, cô thấy cơ thể mình như được tiếp thêm sức sống. Không còn mệt mỏi, không còn nặng nề, mọi giác quan đều rõ ràng và minh mẫn. Cô ngồi dậy, ngắm nhìn chiếc vòng gỗ trên tay, đôi môi khẽ nở một nụ cười:
"Tuyệt thật! Chiếc vòng này đúng là không tầm thường!".
Rồi như vừa nảy ra một sáng kiến nào đó, Lan tức tốc làm vệ sinh cá nhân, thay đồ rồi chạy ra khỏi phòng. Ông Cường đang chăm chú dọn đồ ăn sáng cho cả hai, và lão cũng không quên một ly cà phê sữa nóng cho bản thân mình. Lan cười như reo, nói:
- "Bác Cường, cháu thấy cái vòng tay này đúng là kỳ diệu. Hay là bác làm thêm vài cái nữa, phân phát cho mọi người trong làng! Như vậy, họ cũng sẽ được bình an giống cháu!".
Ông Cường bật cười, giọng lão pha chút mỉa mai:
- "Thưa tiểu thư, lão đâu phải nhà buôn bán vòng tay! Cái vòng này, lão chỉ có duy nhất một cái cho cô thôi. Còn dân làng ở đây, họ đâu có thân thích gì với lão, hà cớ gì lão phải cho họ?!".
Câu nói của ông làm Lan sững lại. Cô cảm thấy tức giận vì sự vô cảm trong lời nói của ông, liền lên tiếng cãi lại:
- "Sao bác nói vô cảm vậy, chúng ta đến đây là vì mục đích cứu giúp mọi người, bây giờ bác là người có đủ năng lực để giúp họ, tại sao lại từ chối chứ!"
Ông Cường lại cười to, ông bảo:
- "Thưa tiểu thư, cô là người có tấm lòng nhân hậu, điều đó lão biết. Nhưng chẳng phải, cô cũng đang lo trốn tránh, không dám đối mặt với nỗi sợ hãi của mình hay sao? Nếu cô không dám đối mặt, thì sao có thể trách lão vô cảm được?! Hơn nữa lão cũng nói rõ, vì cô là người ngoài nên mới có thể đeo vòng đó được, còn dân làng ở đây, chiếc vòng đó vô dụng với họ!".
Lời nói của ông Cường như một gáo nước lạnh dội thẳng vào Lan. Cô giật mình nhận ra sự thật. Đúng, cô trở thành bác sĩ để cứu người, nhưng giờ đây, khi đối diện với nỗi sợ của dân làng, cô lại chỉ nghĩ đến việc trốn tránh, tìm cách lánh nặng tìm nhẹ.
Không nói thêm lời nào, Lan cúi mặt, lặng lẽ xách túi và đi ra trạm xá...
Cả ngày hôm đó, số bệnh nhân không đông, nhưng những người đến khám đều mang một vẻ mệt mỏi chung. Họ không mắc bệnh gì rõ ràng, nhưng nét mặt tiều tụy và ánh mắt lo âu của họ khiến Lan hiểu rằng, đây không phải bệnh thể xác, mà là "tâm bệnh".
"Tâm bệnh thì phải dùng tâm dược!"; Nếu muốn giúp dân làng vượt qua nỗi sợ, cô phải đối mặt với nguồn gốc của nó, đó là phải đến căn chòi ma quái kia để xem thử, hồn ma kia rốt cuộc là gì?
...
Tối hôm đó, Tối hôm đó, khi ông Cường đang chuẩn bị bữa tối trong gian bếp nhỏ, Lan đứng tựa vào khung cửa, ánh mắt hướng về ngọn lửa le lói từ chiếc đèn dầu. Suy nghĩ trong đầu cô như một mớ bòng bong, những câu chuyện mơ hồ từ dân làng, lời dặn dò đầy ẩn ý của ông Cường, và hình ảnh hãi hùng cô từng chứng kiến đêm trước cứ xoay vòng không ngừng.
Lan hít một hơi thật sâu, siết chặt bàn tay để lấy lại bình tĩnh, Lan lên tiếng, giọng nói chậm rãi nhưng rõ ràng:
- "Bác Cường, đêm nay cháu muốn đến căn chòi đó, bác nói đúng, cháu không thể tiếp tục trốn tránh. Là một bác sĩ, không chỉ giúp dân làng chữa thể xác mà còn phải giúp họ chữa lành tâm hồn nữa!"
Lão Cường, lặng lẽ nhìn Lan, cười bảo:
- "Tiểu thư không sợ sao!"
Lan trả lời với sự tự tin không biết từ đâu mà có:
- "Sợ thì vẫn sợ, nhưng cháu tin rằng bác có cách giúp cháu đối mặt và giải quyết chuyện này!"
Ông Cường nghe nói thế thì không trả lời vội, trong đôi mắt già nua của lão, ánh lên một tia bất ngờ xen lẫn tán thưởng, lão điềm nhiên hỏi:
- "Tiểu thư chắc chắn muốn đối mặt với nó chứ? Lão nói trước, những thứ cô sắp thấy, có thể còn đáng sợ hơn cả tưởng tượng của cô đấy!"
Lan hơi ngập ngừng trước câu hỏi của ông Cường, nhưng rồi cô cũng hạ quyết tâm, gật đầu chấp nhận, ông Cường khẽ cười, rồi chậm rãi bảo:
- "Tốt. lão chỉ chờ có thế. Hãy nhớ, làm đúng lời lão dặn, chỉ cần một bước sai lầm, mọi chuyện có thể vượt ngoài tầm kiểm soát!".
Rồi cả hai không nói gì thêm, ông Cường quay lại với công việc chuẩn bị cho bữa tối và dọn dẹp bếp, còn Lan vẫn đứng đó, ánh mắt hướng ra ngoài ô cửa sổ tối đen, nơi căn chòi nhỏ khuất dạng trong màn đêm. Điều gì đang chờ cô ở căn chòi đó?
Đêm hôm đó, khi kim đồng hồ treo tường trong phòng khách vừa chạm đúng 10 giờ, cả không gian xung quanh như chìm vào một màn tĩnh lặng kỳ lạ. Ngoài kia, con đường dẫn vào làng đã tối om, không một ánh đèn le lói. Từng cánh cửa trong làng đã đóng kín im ỉm từ lâu, không một ai dám bén mảng ra ngoài, như thể cả ngôi làng đã rơi vào trạng thái ngủ đông đầy sợ hãi.
Lan ngồi trên ghế, lặng lẽ kiểm tra lại những thứ cần mang theo. Trên bàn là chiếc đèn pin vàng đục, vài nhánh tỏi thơm cay nồng, một tượng Phật nhỏ bằng đồng sáng bóng, và chiếc vòng tay gỗ mun kỳ diệu mà cô vẫn đeo trên tay từ hôm qua. Chiếc vòng này không chỉ giúp cô bình an trong suốt đêm qua, mà còn mang lại cho cô một cảm giác tự tin kỳ lạ. Cô khẽ siết nhẹ chiếc vòng, như muốn tìm thêm sự vững vàng cho quyết định táo bạo đêm nay.
Nhìn về phía giá treo đồ, Lan lấy thêm một chiếc áo khoác ấm dày, khoác lên người. Gió đêm ở vùng cao nguyên lạnh buốt, như muốn xuyên thấu qua từng lớp vải, và cô biết rằng chuyến đi này không chỉ là một thử thách về tâm lý mà còn là cuộc đối đầu với sự lạnh lẽo từ mọi phía.
Phía bên kia phòng, ông Cường đã sẵn sàng từ lâu. Lão khoác một chiếc áo khoác đen dài, thân hình gầy gò càng thêm u ám dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu. Trong tay lão là chiếc vali sắt cũ kỹ – vật mà Lan chưa bao giờ thấy ông rời khỏi kể từ ngày đến làng. Lão đứng trầm ngâm bên cửa sổ, đôi mắt già nua nhưng sắc lạnh nhìn ra ngoài bóng đêm dày đặc, như thể đang quan sát một điều gì đó mà chỉ mình lão có thể thấy. Lan bước tới gần, giọng cố gắng giữ bình tĩnh:
- "Cháu đã chuẩn bị xong rồi. Bác chắc là... chúng ta sẽ ổn chứ ạ?!".
Ông Cường quay lại, ánh mắt nghiêm nghị nhìn Lan:
- "Thưa tiểu thư, chỉ cần cô nhớ lời dặn của lão. Đừng hành động theo cảm xúc, và tuyệt đối không được rời xa lão dù bất kỳ lý do gì!".
Lan nuốt khan, gật đầu, rồi lặng lẽ bước theo ông Cường ra khỏi ngôi nhà, những ngọn gió lạnh buốt quét qua từng hàng cây, mang theo tiếng xào xạc như những tiếng thì thầm vô hình. Ông Cường đi trước, chiếc vali trong tay khẽ phát ra tiếng lạch cạch đều đều theo từng bước chân, trong khi Lan lặng lẽ bước theo sau, tay cầm chặt đèn pin, Con đường dẫn đến căn chòi ma dần hiện lên mờ mờ trước mắt, càng đi thì con đường mòn càng uốn lượn quanh co, chìm trong bóng tối cùng màn sương dày đặc. Những hàng cây ven đường vươn cành như những bàn tay khẳng khiu, đan thành tấm màn che khuất ánh trăng. Gió lạnh rít qua từng tán lá, mang theo âm thanh như tiếng thì thầm ma quái.
Lan bước đi liên tục sau lưng ông Cường không dám dừng lại, dù lúc này hơi thở cô đã lạnh buốt, ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn pin trong tay cô chỉ soi rõ từng bước chân phía trước chứ không xuyên nổi màn sương bạc dày đặc kia. Đôi giày thỉnh thoảng lại lún xuống nền đất mềm ẩm ướt, mùi cỏ dại và đất hoang xộc thẳng vào mũi khiến cô mấy lần muốn ho sặc sụa nhưng phải ráng nén xuống. Tim Lan đập nhanh hơn, bàn tay siết chặt cán đèn pin, như thể chỉ cần buông lỏng là bóng tối sẽ nuốt chửng cô bất cứ lúc nào.
Bỗng ông Cường lên tiếng, tiếng nói nhỏ nhưng vừa đủ nghe:
- "Thưa tiểu thư, chúng ta sắp tới rồi, hãy cẩn thận xung quanh và không được tách khỏi lão..!"
Nhìn theo hướng tay của ông Cường chỉ, Lan nhìn thấy bóng dáng một cấu trúc gỗ lờ mờ hiện ra phía xa, Lan im lặng, gật đầu rồi lại cắm mặt đi phía sau lưng ông Cường.
Càng đến gần, căn chòi cũ dần hiện rõ trong tầm mắt. Nó nằm lọt thỏm giữa một khoảng đất trống, bao quanh bởi những bụi cây um tùm, bức tường gỗ đã mục nát, mái nhà thì thủng vài lỗ, khung cửa sổ trống hoác tạo nên một khung cảnh hoang phế đầy ám ảnh, tất cả tạo nên một bầu không khí lạnh lẽo khiến Lan bất giác rùng mình.
Cánh cửa gỗ phía trước bị chốt chặt bởi một sợi dây thép gỉ cuốn quanh, nhưng vẫn khẽ rung lên vài tiếng "kẽo kẹt" kéo dài, khi một cơn gió thoảng qua, nghe như tiếng rên rỉ đau đớn của căn nhà. Ông Cường dừng bước, ánh mắt lạnh lùng nhìn căn chòi như đang suy nghĩ chuyện gì, rồi lão bước chậm rãi quanh căn chòi, ánh đèn pin trong tay lão lia từng góc tối. Gió thổi mạnh hơn, mang theo tiếng rít như tiếng gầm gừ của một thứ gì đó đang bị kìm hãm, khiến Lan bất giác rùng mình, cô hỏi:
- "Chúng ta làm gì bây giờ, bác Cường?!"
Ông Cường khẽ nhíu mày, dừng lại trước một ô cửa sổ nhỏ phía bên hông căn chòi, lão xem xét rồi quay lại nhìn Lan, nói giọng trầm đục:
- "Cửa chính có vẻ như đã bị những người dân ở đây khóa từ rất lâu rồi chúng ta đành vào từ đây vậy!".
Lan do dự một lúc, ánh mắt lưỡng lự nhìn khung cửa sổ nhỏ hẹp, nhưng rồi cô hít một hơi thật sâu, gật đầu đồng ý. Với sự giúp đỡ của ông Cường, cô nhẹ nhàng trèo qua cửa sổ, cẩn thận đặt từng bước vào bên trong căn chòi tối tăm.
Ngay khi cả hai vừa đặt chân vào, một cơn gió mạnh bất ngờ nổi lên từ phía sau, mang theo âm thanh rít dài chói tai, tựa như tiếng hét giận dữ của một sinh vật vô hình nào đó. Lan rùng mình, cảm giác sợ hãi lan tỏa khắp cơ thể, nhưng trước khi cô kịp phản ứng, ông Cường đã quay lại, ra hiệu im lặng bằng một ánh mắt nghiêm nghị. Lan cố nén tiếng thở gấp, bám sát ông Cường, cả hai di chuyển chậm rãi, từng bước nhẹ nhàng lướt qua sàn gỗ mục nát, im lặng đến mức không khác gì những tên trộm đang rón rén sợ bị chủ nhà phát hiện.
Bên trong căn chòi tối tăm đến mức ánh đèn pin của Lan chỉ soi rõ được một khoảng nhỏ trước mặt, trần nhà bị mục, những mảng gỗ thỉnh thoảng kêu cọt kẹt như sắp sập. Mùi hôi thối càng lúc càng nồng nặc, khiến Lan có cảm giác như đang bước vào một nơi không thuộc về thế giới này, cô thì thầm, giọng lộ rõ sự sợ hãi:
- "Bác Cường, sao cháu cảm thấy... hình như, có ai đó đang nhìn mình!".
Ông Cường không đáp, ánh mắt sắc lạnh lia khắp căn chòi, lão lấy từ vali một cây nến nhỏ, châm lửa. Ngọn lửa lập tức cháy bùng lên màu xanh, ánh sáng ma quái của nó chiếu rõ những vết bẩn kỳ lạ trên sàn gỗ – giống như dấu chân ướt, nhưng kéo dài ra phía cửa sau. Lan hoảng hốt hỏi:
- "Bác Cường... những vết này... là gì vậy?!"
Ông Cường ánh mắt sắc lạnh nhìn những vết kéo chân đen xì đó, thì khẽ lắc đầu:
- "Xem ra "chủ nhà" đã phát hiện ra chúng ta rồi!" – giọng ông Cường lạnh lẽo vang lên.
Lan run rẩy lùi lại một bước, chưa kịp nói gì thì một tiếng động lớn vang lên phía sau, cánh cửa sổ mà cả hai vừa bước vào đột ngột đóng sầm lại, kèm theo tiếng gió gào thét. Lan giật mình, ánh đèn pin trong tay run rẩy soi về phía cửa sổ, nhưng không có gì ngoài bóng tối.
Rồi ngay sau đó, là một tràng cười khanh khách vọng lại từ phía cuối căn chòi, khiến Lan giật mình, ánh đèn pin run rẩy trong tay cô lia khắp căn phòng. Rồi từ trong bóng tối ở góc nhà, một bóng dáng mờ ảo dần hiện lên, một thân hình gầy gò, xiêu vẹo, bộ quần áo rách nát bám đầy bùn đất, đôi mắt sâu hoắm trống rỗng, miệng nó méo mó nở ra một nụ cười ghê rợn, để lộ hàm răng lởm chởm vàng khè. Chiếc gánh trên vai nó lắc lư, những bó rau úa vàng nhỏ xuống từng giọt chất lỏng đỏ sậm, thấm vào nền đất bẩn thỉu, tỏa ra mùi tanh nồng nặc. Lan thở gấp, đôi chân cô như dính chặt vào sàn nhà:
- "Ma... có ma...!"
Hồn ma đột ngột ngẩng đầu, đôi hốc mắt sâu thẳm xoáy chặt vào Lan. Một tiếng rít lớn vang lên, và trong chớp mắt, nó lao thẳng về phía cô với tốc độ kinh hoàng, gánh rau trên vai lắc mạnh, văng ra những thứ như cánh tay quỷ vươn tới. Lan hét lên, lùi lại, nhưng trước khi bóng ma có thể chạm vào cô, ông Cường đã chắn trước mặt, ngọn lửa xanh trên cây nến trong tay ông Cường bùng lên mãnh liệt, sáng rực cả căn phòng, khiến bóng tối như bị đẩy lùi hoàn toàn.
Lan kinh ngạc khi nhận ra, lúc này ông Cường đang đeo một chiếc mặt nạ màu trắng, hình thù của một con quỷ dữ tợn. Chiếc mặt nạ có hai cái sừng dài nhô lên cao, uốn cong như cặp sừng của ác quỷ, và một nụ cười đáng sợ với những chiếc răng sắc nhọn lộ ra dưới lớp mặt nạ. Tay ông ta cầm chặt cây đèn cầy màu trắng, ngọn lửa xanh lập lòe trên đỉnh nến tỏa ra ánh sáng ma quái, cùng một thứ áp lực vô hình trấn áp khắp căn chòi.
Hồn ma khựng lại giữa không trung, đôi mắt sâu hoắm lóe lên sự kinh hoàng, nó gào thét điên cuồng, giãy giụa dữ dội. Những cánh tay quỷ từ bó rau vươn ra, cố lao tới ông Cường, nhưng ngay khi chạm vào lớp khí bảo vệ phát ra từ ngọn lửa xanh, chúng lập tức cháy rụi, hóa thành những làn khói đen tan biến trong không khí.
Hồn ma giãy giụa, nó vặn vẹo, thân hình trở nên quái dị với những mảng thịt rách lộ cả xương, rồi nó lao tới ông Cường với sự giận dữ điên loạn nhưng mọi cố gắng của nó đều vô dụng, ông Cường lại lẩm bầm đọc thần chú, ngọn lửa trên cây đèn cầy trắng, phóng vụt lên trên cao, rồi chụp xuống hồn ma, hóa thành hình thù một cái lồng bằng lửa, phong tỏa, khiến hồn ma đau đớn vô cùng. Lan đứng nép phía sau, nhìn mọi thứ với ánh mắt kinh ngạc xen lẫn khâm phục, cô không thể ngờ rằng người quản gia già của mình, lại có thể đối đầu trực diện với một hồn ma đáng sợ như vậy, như thể ông ta lúc này là đại diện của quỷ sứ, không hồn ma nào có thể làm ông ta sợ hãi.
Ngọn lửa xanh trên cây đèn cầy trong tay ông Cường bùng lên mạnh mẽ, tạo thành một chiếc lồng lửa rực rỡ bao trọn lấy hồn ma thằng bán rau. Hồn ma gào lên thảm thiết, tiếng thét của nó vang vọng khắp căn chòi, làm Lan không khỏi rùng mình. Nhưng giữa những tiếng gào rú đau đớn, Lan nghe rõ một câu nói đứt quãng, đầy uất hận:
- "Ta không phải người xấu... Là bọn chúng... hại ta...!"
Lan giật mình hỏi:
- "Bác Cường, hình như... hình như cháu nghe nó nói là nó bị oan, có người đã hại nó thì phải?!".
Ông Cường nghe thế thì quay sang hồn ma, quát lớn:
- "Nói! Ngươi có gì oan ức!".
Hồn ma thều thào:
- "Dưới...góc giường... phía trong nhà...!".
Lan đôi mắt mở to nhìn hồn ma đang vùng vẫy, trái tim cô thắt lại, như thể những lời nói kia là một lời van xin, một tiếng kêu cứu từ nơi tận cùng tuyệt vọng. Lan vội nói:
- "Bác Cường, bác giữ nó nhé, để cháu thử tìm xem, hồn ma này đang giấu thứ gì!".
Ông Cường khẽ gật đầu, tiếp tục siết chặt cây đèn cầy trắng trong tay, giữ chặt hồn ma trong lồng lửa xanh. Còn Lan thì theo lời chỉ dẫn mơ hồ từ hồn ma, đi tới góc tối phía cuối căn chòi, quả nhiên có một cái giường tre đã cũ.
Lục lọi một hồi, Lan tìm thấy một chiếc hộp gỗ nhỏ bị phủ đầy bụi bặm, cũ kỹ đến mức, chỉ cần chạm nhẹ là lớp gỗ nứt toác. Bên trong chiếc hộp, Lan phát hiện một quyển sổ nhật ký cũ, từng trang giấy đã ố vàng nhưng vẫn còn rõ nội dung.
Lan lật những trang đầu tiên, đôi mắt cô dán chặt vào những dòng chữ nguệch ngoạc, chứa đựng cả một câu chuyện đầy bi kịch.
Thằng bán rau từng là một đứa trẻ nghèo khổ, lớn lên trong cảnh cơ cực. Vì thiếu thốn tình thương và sự giáo dục từ cha mẹ, nên nó sớm sa ngã, tụ tập với đám bạn xấu, tham gia vào những trò quậy phá. Có lần, nó bị công an bắt giam vì tội cướp tài sản. Sau khi mãn hạn tù, nỗi xấu hổ đè nặng khiến nó không dám trở về quê.
Nó bỏ xứ lên ngôi làng nhỏ này này, quyết tâm sống một cuộc đời mới, âm thầm trồng rau để kiếm sống qua ngày, sống cách biệt hoàn toàn với mọi người. Biết dân làng không thích mình, nhưng nó vẫn cố gắng làm nhiều việc tốt, giúp đỡ những ai cần giúp, như một cách chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ.
Nhưng số phận nghiệt ngã không buông tha, ngày cuối cùng năm đó, nhà trưởng làng bị trộm đột nhập. Cả làng náo loạn, vây bắt kẻ trộm, cuối cùng người bị bắt lại chính là con trai của trưởng làng. Theo luật lệ của làng, kẻ trộm phải bị đưa ra công an xử lý, nhưng vì muốn giữ danh dự, tay trưởng làng đã âm mưu ép thằng bán rau nhận tội thay.
Thằng bán rau cương quyết từ chối, nó chịu đủ mọi thủ đoạn đe dọa, từ lời nói đến những cú đánh hiểm ác, nhưng vẫn không chịu nhận tội. Đêm giao thừa, trong cơn tức giận điên cuồng, gia đình trưởng làng đã đánh chết nó, rồi bỏ xác trước căn chòi như một cách che giấu tội ác.
Lan đóng quyển sổ lại, đôi tay run rẩy, mọi thứ quá sức tưởng tượng của cô. Những người dân hiền lành mà cô gặp lại đang che giấu một tội ác kinh hoàng. Cô quay lại nhìn ông Cường, đôi mắt đượm buồn, pha chút thất vọng, cô hỏi:
- "Bây giờ chúng ta phải làm sao đây bác Cường!"
Ông Cường giọng điềm tĩnh nói:
- "Ân đền, oán trả, việc tìm hiểu của chúng ta đến đây là chấm dứt, còn lại hãy giao cho chính quyền xử lý!"
Lan khẽ gật đầu, cảm giác nặng nề đè lên lồng ngực cô. Cô bước tới gần hồn ma, cố gắng giữ bình tĩnh, hồn ma thằng bán rau vẫn giãy giụa trong đau đớn, ánh mắt đầy oán hận nhìn cô. Lan cúi đầu, giọng cô khẽ run:
- "Tôi sẽ làm tất cả để sự thật được sáng tỏ. Những gì họ làm với anh sẽ phải trả giá. Anh hãy yên tâm mà siêu thoát!".
Hồn ma dừng giãy giụa, đôi mắt nó không còn vẻ căm hận, thay vào đó là sự mệt mỏi và đau đớn. Ngọn lửa xanh từ chiếc đèn cầy trong tay ông Cường rực sáng một lần nữa, rồi từ từ tàn lụi, hồn ma thằng bán rau tan biến thành những làn khói mỏng, hòa vào không trung.
Sáng hôm sau, Lan mang quyển nhật ký - vật chứng từ căn chòi, giao lại cho chính quyền địa phương. Trước mặt dân làng, trưởng làng bị buộc phải thú nhận toàn bộ sự thật, những lời khai của ông ta, khiến mọi người không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ. Lan đứng lặng giữa những ánh mắt rối bời của dân làng, cô thấy rõ được sự xấu hổ và day dứt từ những người từng im lặng trước cái chết oan ức của thằng bán rau. Lan nói thầm:
- "Anh yên nghỉ nhé... Mọi chuyện đã được xử lý rồi, xin vĩnh biệt anh!".
Nhưng một điều kỳ lạ là, từ phút giây đó, Lan không còn gặp ông Cường nữa, cô chạy khắp làng, hỏi tất cả mọi người, nhưng không ai thấy lão từ lúc sáng sớm. Thậm chí, cô gọi về nhà cũng nhận được tin là ông Cường không có về đây, lão như tan biến vào hư không, không để lại một dấu vết nào...
Thưa bạn đọc, câu chuyện Thằng Bán Rau có lẽ nên dừng bút tại đây, dù mẹ vợ tôi khẳng định rằng tính chân thật của câu chuyện này không nhiều, nhưng tôi nghĩ câu chuyện về "Thằng bán rau" không chỉ đơn thuần là một câu chuyện ma. Nó là lời nhắc nhở rằng, đôi khi, những điều kinh khủng nhất không phải là những bóng ma lởn vởn trong màn đêm, mà chính là bóng tối trong lòng người. Hồn ma thằng bán rau có thể đã siêu thoát, nhưng cái ác, lòng ích kỷ và sự thờ ơ vẫn luôn hiện hữu đâu đó xung quanh mỗi chúng ta...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro