Chương 116: Oan Hồn Nàng Hầu Trẻ
Do áo cũ, lại gài bằng nút bóp, nên chỉ cần giựt nhẹ là nguyên hàng nút áo xút ra cả, phơi nguyên cả bộ ngực trần, không có áo lót của con bé. CÔ GÁI MỒ CÔI
Cả Tổng Tân Phong Hạ không ai là không biết đến gia đình phú hộ Bành Ngũ. Con người có cái tên hơi lạ này có gốc Hoa kiều, nhưng đã sống nhiều đời ở đất ta, nên mọi người xem ông ta như một người địa phương. Phần nữa, bởi ông ta là một nghiệp chủ giàu nhất hạng ở vùng này, lại có đến ba đứa con trai làm quan cho nhà nước bảo hộ Pháp, trong đó có một người làm chức biện lý tòa án, quyền uy tột đỉnh, nức tiếng hung ác. Do đó hầu như bất cứ ai, khi nhắc tới những con người của dòng họ Bành đều khiếp sợ. Thậm chí có người còn ví Bành gia như một phủ thừa tướng thời phong kiến.
Năm đó xảy ra nạn đói tràn lan khắp nơi. Ngoại trừ những nhà giàu, còn hàng dân lao động bình thường đều khổ sở chạy tìm miếng ăn từng bữa mà cũng không đủ. Bởi vậy ở làng Tân Phong Hạ mới xảy ra chuyện đem con cái đi cho, đi đợ ở những nhà giàu trên tỉnh, trên Sài Gòn. Nhà của vợ chồng Năm Đực lâm cảnh bi đát đó.
Vào đúng chiều ba mươi Tết, trong lúc nhiều nhà còn có của ăn của để đang rộn ràng lo sắm sửa, chuẩn bị đón ông bà, thì vợ Năm Đực ngồi ôm đứa con gái mười bốn tuổi mà khóc ròng. Chỉ vì con nhỏ không dám ra đường bởi chiếc quần vá chùm vá đụp duy nhất của nó hôm qua bị mất khi cỡi bò trên bờ kinh, lội xuống sông vớt củ co. Nó đã lấy lá sen che thân, chạy về nhà rồi nằm khóc suốt. Thương con, vợ Năm Đực lột chiếc quần độc nhất cho nó mặc, nhưng con Xuyến nhất quyết không chịu. Nó làm sao đành lòng mặc kín khi mẹ mình phải quấn bao bố!
Chiều ba mươi tết rồi, nhà không còn gạo, không có gì để cúng ông bà thì còn cam lòng chịu đựng được, chớ còn để cho con gái mười bốn phải ở truồng như vầy, làm sao người mẹ vốn thương con hơn thuơng bản thân mình chịu nổi! Chị ôm con vừa khóc vừa nhìn quanh quất trong nhà, xem coi có thứ gì có thể lấy để may vội cho con chiếc quần mặc Tết? Mà nào còn có gì trong ngôi nhà rách nát và hầu như chẳng còn thứ gì bằng vải mà còn nguyên vẹn cỡ hơn bàn tay. Chị lại khóc.
Cuối cùng Năm Đực từ ngoài bước vô, reo lên như bắt được vàng:
- Có rồi! Có thứ để ăn tết rồi!
Anh cầm chiếc quần vá trước sau mấy lỗ, nhưng trông còn khá tươm tất, đưa ra trước mặt vợ con như khoe một chiến lợi phẩm:
- Bà và con Xuyến thấy gì đây không!
Chị Năm nhìn lên rồi cau mày:
- Ông lại...
Hiểu ý vợ, Năm Đực nghiêm giọng:
- Thằng này hổng có ăn cắp à nghen!
- Vậy chớ ở đâu ông có?
- Trời thương mình bà ơi? Thứ đồ rách này nhà giàu có đem ra đồng cho bù nhìn bận, trong khi mình thì không có mà che thân. Tui mới vừa..
Hiểu ra, chị Năm cười như mếu:
- Té ra có ngày mình cũng phải cầu tới mấy đứa bù nhìn đứng đồng đuổi chim!
Năm Đực hạ thấp giọng như sợ có người nghe:
- Tui đi ngang qua đồng lúa của Biện Chung, thấy hơn chục con bù nhìn đều bận đồ mới, hình như họ cũng cho tụi nó ăn tết hay sao đó. Trong số này tui thấy có một con được cho bận chiếc quần còn nguyên, thấy mà thèm. Trong lúc nhiều người không có được cái quần rách để bận mà lũ bù nhìn lại lành lặn, sạch sẽ như vậy... Tui vừa tức lại vừa nảy ra ý lột chiếc quần về cho mình bận. Tui làm liền, không ai thấy hết! Cái này cũng là ăn cấp, nhưng ăn cắp của con bù nhìn đứng ngoài đồng giữ lúa thì ai mà hỏi tội, phải hông mình?
Vợ năm Đực cầm chiếc quần lên xem, gật gù:
- Còn tốt lắm, mấy miếng vá này là do ai đó cố tình đắp vô để che mắt thiên hạ, chớ quần còn nguyên, chỉ hơi cũ chút thôi. Đây là nhà giàu họ dư của, đem quần áo còn nguyên cho bù nhìn bận sợ người ta quở nên làm vầy...
Năm Đực phấn khởi, nói đùa:
- Nhờ vậy mình mới có mà bận tết!
Vuốt tóc con gái, chị Năm giọng đầy phấn khởi:
- Có đồ rồi con. Mình không xấu hổ gì khi phải lượm đồ thiên hạ bỏ để bận, miễn sao che được thân thôi. Con hãy bận đi.
Con Xuyến đẩy chiếc quần về phía mẹ:
- Má bận đi, đưa chiếc quần cũ của má đây, con bận được rồi.
Thấy hai mẹ con cứ đùn đẩy qua lại hoài, Năm Đực phải phân xử:
- Con là con gái mới lớn, cần phải lành lặn hơn, vậy con cứ bận cái quần này. Mà còn chuyện này nữa...
Năm Đực chợt nhớ ra, anh ngồi xuống nhìn con gái, rồi nhìn vợ, hạ thấp giọng:
- Tui cậy được người nói với nhà phú hộ Bành rồi...
Chị Năm ngạc nhiên:
- Mà chuyện gì?
- Chuyện con Xuyến.
Đến phiên con Xuyến nhìn sững cha:
- Cha làm gì con vậy?
Năm Đực vỗ đầu con, cười hề hề:
- Lo cho tương lai của mày thôi.
Chừng như nhớ ra chuyện hai vợ chồng từng bàn, vợ Năm Đực reo lên:
- Phải chuyện đó hông?
- Chớ còn chuyện gì nữa!
Rồi anh nói thật nhỏ, như sợ bên ngoài nghe:
- Cậy cục hết hơi người ta mới bằng lòng với điều kiện mười giạ lúa lãnh được phải chia cho họ năm giạ.
Vợ Năm Đực bực tức:
- Ăn trên đầu trên cổ người ta như vậy mà cũng ăn được sao!
Năm Đực từ tốn;
- Kệ họ. Mình có được lúa ăn Tết là quý rồi. Nhứt là con mình có được chỗ nương thân mà đâu phải ai cũng muốn mà được!
Con Xuyến nghe cha mẹ nói đã hiểu, nó chen vô:
- Con hổng ham vô ở cái nhà đó đâu ba má ơi! Họ ác lắm, đâu có thương yêu gì tôi tớ.
Vợ Năm Đực phải vỗ về con:
- Mình làm tốt, không lười biếng hay tham lam thì họ đâu có gì hung ác với mình. Con đâu có biết, muốn vô làm tôi tớ cho nhà ấy thì cả làng này ai cũng muốn mà đâu có được.
Năm Đực nói thêm:
- Họ mướn người còn phải coi giò coi cẳng. Chỉ có ai là tá điền tốt, nhà ít người thì họ mới mướn.
Xuyến lấy làm lạ:
- Đi ở mà sao khó vậy?
- Bởi họ sợ nhà nào đông anh em thì trong lúc làm việc dễ sanh lòng tham, nhám nhúa của nhà họ tuồn về nhà mình. Ối, bọn nhà giàu hay đa nghi vậy đó...
Vợ Năm Đực có vẻ mừng thầm:
- Mình nhờ ai nói vô vậy?
- Mụ Sáu Thắm, vốn làm hầu cho bà Bành Ngũ từ lâu đời, rất được lòng tin của chủ. Tui nghe nói ai muốn vô nhà đó ở đợ cũng đều đút lót cho mụ. Mụ ta ăn cắt cổ nhưng được việc. Nói là xong. Mụ hẹn mình chiều nay dẫn con nhỏ qua.
Vợ Năm Đực kêu lên:
- Tết nhứt tới nơi, để cho con nhỏ ở nhà ăn tết đã chớ!
Năm Đực cười như mếu:
- Nói tết nhứt mà chạnh lòng. Nhà không còn hột gạo mà tết nỗi gì. Cho con nhỏ vô đó sớm thì may ra nó còn có cái ăn cái mặc mấy bữa tết với người ta. Mình thấy không, mấy đứa hầu bên nhà đó đứa nào cũng ăn trắng mặc trơn, đâu như con Xuyến...
Thật tình Xuyến không hề muốn xa nhà, nhất là phải đi ở đợ chỗ nhà giàu đó. Tuy nhiên, nhìn cảnh nhà, hiểu nỗi khổ tâm của cha mẹ, nó không còn ý phản đối nữa. Đến khi nghe cha hỏi:
- Con chịu qua bên đó liền không Xuyến?
Xuyến đã gật đầu ngay:
- Dạ, sao cũng được.
Mẹ nó đưa chiếc quần lãnh mỹ a cũ, nhưng còn lành lặn cho con gái:
- Con lấy quần của má mà bận. Má có cái quần ba con mới đem về...
Xuyến xua tay:
- Con không bận đâu. Của má dành để đi ăn giỗ mà!
Má nó cười gượng:
- Nói mà mắc cở. Giỗ quải gì khi nhà không có gạo ăn. Tại má hà tiện nên cái quần bận hơn mười năm rồi chưa rách, chớ người ta đã làm nùi giẻ từ lâu rồi!
Cố bắt ép con mặc chiếc quần lãnh, nhưng Xuyến nhứt quyết không nghe, nó nói:
- Con qua nhà người ta thế nào họ cũng cho đồ cũ để bận, lo gì. Má cứ để cái này ở nhà mà bận. Khi nào con có dư con đem dìa cho má thêm.
Biết tánh con nên Năm Đực bảo:
- Thôi để nó bận chiếc quần tui mới đem về cũng được. Thôi, bà chuẩn bị cho nó đi sớm. Để tui dẫn nó qua.
Vợ Năm Đực không chịu:
- Đưa con gái đi phải để tui chớ. Tội nghiệp con nhỏ...
Năm Đực nghiêm giọng:
- Bởi biết tánh bà hay mau nước mắt nên tui mới không để bà đi. Tết nhứt qua đó ôm nhau khóc không khéo người ta lại đuổi về cho coi!
Nghe chồng nói vậy chị mới ngồi im. Nhưng khi Xuyến bước ra khỏi nhà thì hai mẹ con nhào tới ôm chầm lấy nhau khóc ngất. Khiến cho Năm Đực phải gắt lên:
- Đi làm ăn chớ phải vĩnh biệt đâu mà khóc lóc làm người ta... chịu hổng nổi!
Và rồi anh cũng khóc! Cuối cùng, để chấm dứt cảnh đó, Năm Đực vội kéo tay con gái đi nhanh. Đi khá xa rồi mà con Xuyến còn ngoáy lại nhìn với màn nước mắt tuôn như mưa...
Tới trước cổng lớn rồi mà Năm Đực chưa dám lên tiếng gọi. Phải đứng thật lâu, cho đến khi thoáng thấy bóng bà Sáu Thắm thì Năm Đực mừng rơn:
- Cô Sáu! Cô Sáu!
Mụ Sáu Thắm tuy cũng là người giúp việc, nhưng nhờ làm lâu năm, lại là tay thân tín với bà chủ nhà, nên ăn trắng mặc trơn, quần lãnh, áo lụa, trông chẳng khác gì một phu nhân! Vừa nghe kêu, mụ nhíu mày, chẳng khác gì bà Bành Ngũ, hỏi vọng ra:
- Đứa nào đó?
- Dạ, con là thằng Năm Đực đây cô Sáu! Năm Đực...
Lúc đó mụ mới chịu đi ra, hất hàm hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Chợt nhìn thấy con Xuyến, mụ nhớ ra:
- Con nhỏ đây hả?
- Dạ, nó đó cô Sáu.
Mụ nhìn qua Xuyến một lượt, có vẻ hài lòng:
- Coi cũng được. Nhưng mày nó mấy tuổi?
- Dạ, mười bốn.
Mụ trợn mắt:
- Xác vầy mà mười bốn nỗi gì! Lấy chồng còn được…
Ngay phút đầu Xuyến đã không ưa mụ này rồi, nó nguýt xéo một cái rồi quay đi nơi khác. Bỗng mụ vỗ đùi một cái, reo lên:
- Tao đổi ý rồi!
Tưởng mụ từ chối, Năm Đực quýnh lên:
- Cô Sáu, xin cô...
Mụ Sáu Thắm bất chợt chụp lấy vai con Xuyến, xoay tròn nó một vòng, rồi thật nhanh tay sờ lướt qua ngực con nhỏ, sau đó nói liền:
- Xong rồi!
Con Xuyến bị mụ chạm vào ngực nên bực mình, tính la, nhưng thấy cha lừ mắt, nên nó lặng im, nhưng xem ra ấm ức lắm. Vừa lúc mụ Thắm kéo tay nó lôi ngay vào bên trong cổng và nói với lại với Năm Đực:
- Mày đứng đó chờ, để tao vô trình bà chủ một chút.
Mụ ta kéo Xuyến đi, trong lúc con nhỏ rị lại, như có linh tính điều chẳng lành đang đợi hờ nó bên trong kia. Mụ ta phải mạnh tay, vừa dụ ngọt:
- Ngoan ngoãn để người ta nhận cho làm. Bộ mày tưởng ai muốn vô đây cũng được hay sao...
Nhà lúc này hình như không có ai khác, ngoài một người đàn bà lớn tuổi, dáng phốp pháp, đang ngồi xếp bằng trên bộ trường kỷ. Mụ Sáu lễ phép:
- Thưa bà...
Bà kia không nhìn lên, hỏi mà không hở môi:
- Gì đó?
- Dạ...
Mụ Sáu bước nhanh tới, rỉ tai điều gì đó... lúc ấy bà kia mới ngẩng lên nhìn về phía Xuyến:
- Mày nói con nhỏ này?
Mụ Sáu muốn chứng minh cho lời nói của mình, nên không gì bằng nhanh tay quay sang Xuyến, rồi bất thần giựt phăng áo con bé ra. Do áo cũ, lại gài bằng nút bóp, nên chỉ cần giựt nhẹ là nguyên hàng nút áo xút ra cả, phơi nguyên cả bộ ngực trần, không có áo lót của con bé.
Chưa kịp kêu Iên, Xuyến đã bị đe dọa:
- Đây là bà chủ. Bà chỉ muốn coi mày có bệnh hoạn gì hay không, trước khi được nhận vào làm.
Lúc này con Xuyến mới biết người ngồi trước mắt mình là bà chủ Bành như xưa nay từng nghe nói. Nó hơi sợ nên quên việc ngực mình đang phơi trần ra. Đến lúc chợt nhớ, nó đưa tay kéo vội hai vạt áo lại, thì đã nghe chính bà chủ lên tiếng:
- Mày mười bốn tuổi phải không?
- Dạ...
- Mười bốn mà sao như gái sắp lấy chồng vậy? Hay là có… bậy bạ gì rồi!
Con Xuyến không hiểu nên ngớ người ra, mụ Sáu phải lên tiếng thay:
- Chắc là chưa đâu bà chủ. Hồi nãy tui có thử bóp...
Nhưng bà chủ vẫn hỏi lại:
- Nào giờ mày có biết... con trai chưa?
Không nghĩ là bà ta hỏi mình, nên con Xuyến không đáp. Mụ Sáu phải nhắc:
- Bà chủ hỏi mày đó. Nào giờ có biết con trai chưa?
Xuyến ngơ ngác:
- Biết gì?
- Thì… thì... mày có biết mùi đời chưa?
- Mùi đời gì?
Thấy nó ngớ ngẩn quá, mụ Sáu bực quá:
- Mùi đời mà cũng không biết! Là cái chuyện...
Bà chủ chận mụ ta lại:
- Kiểu này là nó chưa biết gì đâu. Chắc tại nó lớn xác!
Mụ Sáu được dịp tấn công:
- Con biết nhà con nhỏ này. Nghèo, không có ăn, nhưng làm lụng giỏi, có lẽ nhờ vậy nên mau lớn. Bà coi, da nó trắng, tay chân dài, đâu thua gì...
Biết mụ ta sẽ ca tụng tràng giang đại hải nên bà chủ ngắt ngang:
- Được rồi, đưa nó đi tắm rửa sạch sẽ, rồi chút nữa đưa vô phòng trong cho tao dạy việc.
- Dạ thưa bà, quần áo nó quá dơ dáy...
- Lột ra bỏ hết, lấy tạm đồ mới của đứa nào đó cho nó bận. Rồi kêu thằng thợ may Tư Tửng tới may cho nó mấy bộ đồ tết. Cứ làm theo lời tao. .
- Dạ... nhưng còn thằng cha nó đưa tới, còn đứng đợi ngoài kia.
- Lấy năm đồng cho nó trước. Còn lúa thì vài bữa biểu nó tới lấy.
Dẫn con Xuyến ra sau bếp, bảo nó đứng đợi, mụ Sáu chạy ngay ra cổng đưa cho Năm Đực hai đồng:
- Bà chịu con nhỏ rồi. Nó đã được nhận. Bà còn nhân đạo gởi cho vợ chồng bây hai đồng để ăn tết.
Năm Đực không ngờ mọi việc suôn sẻ đến vậy, nhất là được có tiền nữa, anh ta run run đưa tay nhận và ríu rít cám ơn:
- Ơn cô Sáu đời đời vợ chồng con không thể quên. Xin cô Sáu…
Anh ta định ngắt ra một đồng đền ơn, nhưng mụ Sáu đã giở giọng đạo đức:
- Công ơn gì, giúp vợ chồng bay không hết mà!
Mụ ta quay đi với ba đồng bạc trong túi. Và trong vài ngày tới, trong số mười giạ lúa tiền công ở đợ một năm của Xuyến, mụ lại có năm giạ...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro