truyen ma
Đầm Lầy Trăng
Font Size: Tác Giả: Nguyễn Chiến Dịch
Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:
Tôi không biết giờ đây Dennis Barry đang ở đâu, ở cái nơi xa thẳm khôn cùng và ảm đạm nào? Vào cái đêm khi chàng còn sống với mọi người lần cuối cùng, tôi cách chỗ chàng không xa và nghe thấy tiếng người ta đến bắt chàng đi, cùng những tiếng kêu xé lòng xé ruột của chàng. Nông dân và cảnh sát hạt Meath không tìm thấy cả Barry lẫn những người khác, mặc dầu họ đã kiên nhẫn sục sạo mọi nơi, mọi chốn. Còn tôi, sau tất cả những chuyện đã xảy ra, cứ mỗi khi nghe tiếng động ộp oạp của lũ ếch nhái đầm lầy vang tới hoặc bỗng nhiên tôi lạc tới một vùng đầy ánh trăng ở một chốn đồng không mông quạnh nào là bất giác tôi lại thấy khắp người nổi gai ốc vì sợ hãi.
Quen thân với Dennis Barry từ khi còn ở đất Mỹ, nơi chàng đã phất lên giàu có, nên tôi rất vui khi biết chàng đã chuộc lại tòa lâu đài của dòng tộc mình tại vùng đầm lầy hoang vắng Kilderry. Chính đó là nơi chôn nhau cắt rốn của chàng, và chàng những muốn được tận hưởng những thành quả giàu có của mình giữa những bức tường thân thuộc của cha ông. Thuở xưa, tổ tiên chàng sở hữu xứ Kilderry, tại đây họ đã xây cất một tòa lâu đài và sống hạnh phúc trong tòa lâu đài ấy, nhưng nay tất thảy những điều đó đã trở thành quá khứ xa xăm. Đã bao tháng trôi qua kể từ khi tòa lâu đài trở nên hoang phế hoàn toàn. Sau khi trở về Ireland, Barry thường gửi thư cho tôi và kể chuyện việc quần thể kiến trúc cổ kính đó được tái sinh dần dần, hết ngọn tháp này đến ngọn tháp khác. Và sau bao thế kỷ những bức tường lâu đài lại được trang trí lại đẹp đẽ như xưa, còn nông dân thì không ngớt lời ca ngợi và tỏ lòng biết ơn chàng đã bỏ vốn đầu tư cho sự thịnh vượng của chốn quê hương. Nhưng sau đó mọi việc đã thay đổi, đám nông phu thôi không ca ngợi ông bạn tôi nữa, mà trái lại, họ bắt đầu tìm cách tránh xa chàng như tránh xa kẻ mang bệnh dịch hạch. Chính lúc đó Dennis đã viết thư cho tôi, yêu cầu tôi tới thăm vì chàng rất cô đơn trong tòa lâu đài, thậm chí chẳng có ai để mà nói chuyện nữa, ngoại trừ những người giúp việc và đám gia nhân chàng thuê từ miền bắc xuống.
Khi tôi đến nơi, Barry kể cho tôi hay rằng nguyên do mọi chuyện là ở những đầm lầy bên cạnh. Tôi đến Kilderry lúc hoàng hôn, ánh mặt trời lúc chiều tà vẫn thếp vàng lên các ngọn đồi xanh và những cánh rừng, cũng như lên màu lục của khu đầm lầy. Nó chiếu sáng cả những phế tích cổ kính kỳ lạ trên hòn đảo nhỏ xa xa. Cảnh hoàng hôn thật đẹp, song nông dân ở Ballylow đã kịp phần nào khiến tôi lưu ý đến niềm tin của họ, khi họ quả quyết rằng Kilderry thật đáng nguyền rủa, và tôi dè dặt liếc nhìn những ngọn tháp nhỏ của tòa lâu đài đang ánh lên vàng rực dưới nắng chiều. Tôi rời Ballylow bằng chiếc ô tô do người ta sai đến đón, vì Kilderry nằm cách đường xe lửa khá xa. Những người nông dân cố tránh xa chiếc ô tô và người tài xế quê miền bắc, nhưng khi thấy tôi chuẩn bị đi tới Kilderry, họ vẫn không kìm được vào báo trước cho tôi phải đề phòng nguy hiểm. Buổi tối, tôi đã có mặt trong tòa lâu đài, Barry đã kể tôi nghe mọi chuyện.
Nông dân lũ lượt rời bỏ Kilderry chỉ vì Dennis Barry quyết định cho hút cạn cái đầm lầy lớn. Mặc dù tình yêu quyến luyến với xứ sở Ireland quê hương thật sâu đậm nhưng những lề thói quen thực dụng Mỹ đã ăn sâu bám rễ trong con người Barry, bởi thế chàng không chịu được với ý nghĩ để cho mảnh đất màu mỡ kia bỏ phí dưới làn nước đầm lầy, bời đó chính là đầm than bùn và đất dưới nó còn có thể được sử dụng một cách không ngoan để sinh lợi nữa chứ. Chàng bỏ ngoài tai tất cả những câu chuyện truyền thuyết và những lời đồn đại mê tín gắn với khu đầm lầy. Chàng chỉ thấy tức cười khi lúc đầu, nông dân chối từ tham gia công việc, rồi sau đó khi thấy sự bướng bỉnh của chàng, họ bắt đầu nguyền rủa ông chủ của mình và bỏ đi tới Ballylow, chỉ mang theo những thứ thiết yếu nhất. Thấy vậy Barry bèn tuyển những người thợ từ miền bắc về, và khi cả đầy tớ gia nhân cũng bỏ tòa lâu đài ra đi, thì chàng lại phải thuê những người mới. Giờ đây xung quanh chàng toàn những kẻ xa lạ, bởi thế chàng thấy cô đơn và đã mời tôi về sống với chàng.
Sau khi nghe kể chi tiết chuyệc dân cư ở Kilderry sợ hãi điều gì, tôi cũng cả cười cùng ông bạn mình: hóa ra những mối e sợ của họ liên quan tới điều mê tín về vùng đầm lầy và kẻ canh giữ cau có nơi đây mà linh hồn của nó dường như sống ở chính trong đám phế tích cổ kính nhất mà tôi đã trông thấy lúc hoàng hôn là những mối lo sợ vớ vẫn. Người ta cũng truyền tụng những lời đồn đại về những tia lửa ma trơi nhảy múa trong bóng tối, về những cơn gió lạnh như băng giá lúc vào đêm hè nóng nực, về những bóng ma bận xiêm y trắng lơ lửng trên mặt nước và về những thành phố đá được che dấu dưới lớp bèo xanh của đầm lầy. Đám nông dân tin chắc rằng sự trả thù đang rình rập chờ đợi kẻ nào dám phávỡ sự yên tĩnh của vùng này, hay toan tính hút khô cạn khu đầm lầy mênh mông. Những nông dân nơi đây còn nói chớ nên động đến một số điều huyền bí ở đây. Những điều huyền bí ấy tồn tại từ thời xa xưa khi một đại họa đã ập lên đầu con cháu của vua Partholan. Trong cuốn "Chinh phục tùng thư" có kể rằng những con dân xứ Hy Lạp đã chết ở Thollat, song các cụ già ở Kilderry lại khẳng định rằng dù sao một đô thị cuối cùng cũng đã được cứu thoát bởi vị thần phù trì cho nó, là nữ thần Mặt Trăng. Thần đã che giấu đô thị ấy trong cánh rừng rậm trên các ngọn đồi và bởi thế đã giúp tránh thoát được quân xâm lược Nemed từ xứ sở Skif đến đây trên ba chục chiến thuyền.
Chính những truyền thuyết ấy đã buộc những người nông dân rời bỏ Kilderry! Đến giờ thì tôi chẳng còn ngạc nhiên gì nữa cái ý định của Dennis Barry không đếm xỉa đến những lời đồn nhảm nhí ấy. Vả lại, chính chàng cũng có mối quan tâm sâu sắc tới thời xa xưa và chàng dự định nghiên cứu kỹ lưỡng cẩn thận vùng này sau khi tát khô đầm lầy. Chàng thường lui tới thăm khu phế tích trên đảo: tuổi của nó rõ ràng rất xưa rồi. Di tích hoang phế ấy có lối kiến trúc khác hẳn các công trình cổ xưa khác, nhưng vì cái vẻ ngoài tàn tạ kinh khủng của nó hiện giờ, nên khó có thể hiểu được khu hoang tàn ấy đã từng là như thế nào vào thời hoàng kim của nó. Mọi công việc bơm hút khô phải bắt đầu chuẩn bị rồi, những công nhân quê miền bắc sắp sửa dọn sạch khu đầm lầy bí ẩn khỏi rêu và bèo mầu đỏ nhạt, phá bỏ những con suối nhỏ đầy vỏ ốc, vỏ hến và làm mất đi vĩnh viễn cái mặt nước mầu xanh da trời mọc đầy lau sậy.
Sau tất thảy những biến động trong ngày tôi đã thấy mệt và muốn đi ngủ. Đêm khuya và tôi thấy khó khăn phải nghe Barry kể nốt câu chuyện của mình. Một gia nhân dẫn tôi đến căn phòng dành riêng cho tôi ở một trong những ngọn tháp nhỏ. Qua khung cửa sổ nhìn thấy khu làng, cánh rừng thưa bên đầm lầy và xa hơn chút nữa là đầm lầy. Dưới ánh trăng tôi trông thấy những căn nhà chìm sâu trong giấc ngủ, nơi đang cư ngụ những người công nhân làm thuê từ miền bắc đến thế chỗ cho đám dân địa phương, tôi cũng thấy ngôi nhà thờ nhỏ xíu với cái nóc nhọn cổ kính, và phía xa sau cánh đầm than bùn ngái ngủ thấp thoáng khu phế tích trên hòn đảo nhỏ. Khi đang chìm vào giấc ngủ tôi bỗng nghe thấy, hay là tôi mường tượng thấy chăng? , tiếng tiêu nhè nhẹ yếu ớt vọng từ nơi xa, thanh âm ấy là một giai điệu hoang sơ, nguyên thủy nào đó. Điệu nhạc ấy khiến tôi lo lắng một cách lạ lùng khi nó đi vào những giấc mơ của tôi. Song buổi sáng khi tỉnh giấc, tôi hiểu tiếng nhạc đó là do mộng mị sinh ra, những giấc mộng thật lạ kỳ mà nếu so sánh với chúng thì ngay những âm thanh bí ẩn của tiếng tiêu cũng trở nên mờ nhạt hẳn đi. Có lẽ do ảnh hưởng từ những truyền thuyết do Barry kể mà tôi mơ thấy linh hồn mình lơ lửng trên cái đô thị hùng vĩ chìm trong đủ mọi loại cây xanh, nơi đây là những con đường lát đá cẩm thạch, những tòa biệt thự cùng những ngôi đền, những pho tượng, những họa tiết điêu khắc cùng những bài văn bia, tất cả đều nói lên sự vĩ đại xa xưa của xứ Hy Lạp. Tôi đã cùng Barry cười ngất trước giấc mơ đó, nhưng tiếng cười của tôi nghe to hơn vì lúc đó ông bạn tôi đang lo lắng trước thái độ của đám công nhân miền bắc. Đã sáu ngày liên tiếp họ ngủ dậy rất muộn, họ đi lại uể oải như đang ngái ngủ, và cả hôm nay nữa họ nom như hoàn toàn chưa được nghỉ ngơi, mặc dù đêm trước họ đều đi nằm sớm.
Suốt cả buổi sáng tôi đi dạo trong ngôi làng tràn ngập ánh nắng mặt trời và nói chuyện với những người công nhân. Họ chẳng có công việc gì đặc biệt lắm để làm vì Barry đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cuối cùng trước khi bắt đầu khởi sự, nhưng thâm tâm tất cả mọi người đều thấy hồi hộp, xao xuyến vì những giấc mơ bất an, khó hiểu mà họ đã thấy khi sáng sớm. Tôi cũng kể cho họ nghe về giấc mơ lúc đêm của mình, song họ tỏ ra hờ hững khi nghe tôi kể. Chỉ mãi tới khi tôi nhắc tới tiếng nhạc ma quái kỳ lạ thì họ mới trở nên chăm chú: chính họ cũng nhớ là đã nghe thấy điệu nhạc gì tương tự.
Buổi sáng, sau bữa ăn chiều, Barry tuyên bố rằng mọi công việc sẽ bắt đầu sau hai ngày nữa. Tôi vui mừng khi nghe lời thông báo đó, mặc dù trong thâm tâm thấy tiếc nuối tất cả mọi thứ rêu và thạch thảo, mọi con suối và những cái hồ đầm nơi đây. Nhưng cũng rất muốn được thâm nhập vào những bí mật ấp ủ hàng bao thế kỷ nay có thể được chất chứa trong lòng cái đầm lầy than bùn kia. Đêm đó, tôi lại mơ thấy tiếng tiêu réo rắt và thành phố đá cẩm thạch, nhưng lần này giấc mơ bị ngắt đoạn đột ngột và kinh sợ. Tôi đã nhìn thấy một tai họa ập tới thành phố nơi thung lũng xanh tươi ấy, một trận sụt lỡ đất đá ghê gớm đã ào tới và chôn vùi mọi sinh vật và con người. Chỉ duy nhất ngôi đền nữ thần Arteuris ở trên đồi cao là không bị trận thiên tai khủng khiếp tàn phá. Tại ngôi đền này thần Mặt Trăng, bà Kleis, đức bà tư thế già nua đã nằm sóng sượt lạnh giá và im lặng với chiếc mũ miện bằng ngà voi trên mái đầu bạc.
Như tôi đã kể, giấc mơ của tôi bị đứt quãng. Một cảm giác lo âu khó tả cứ bám riết không rời tôi dù chỉ một khoảnh khắc. Một lúc rất lâu tôi không hiểu tôi đang ngủ hay tôi đang thức nữa. tiếng tiêu cứ tiếp tục văng vẳng trong tai. Song khi nhìn thấy những vệt ánh trăng lạnh giá trên sàn lỗ chỗ hình bóng chấn song của khuôn cửa sổ gôtích, tôi hiểu rằng dẫu sao mình vẫn đang trong tòa lâu đài Kilderry. Khi đâu đó đàng xa có tiếng chuông đồng hồ điểm hết lần này đến lần khác thì rốt cuộc tôi thấy rõ mình không ngủ. Nhưng mọi âm thanh của tiếng tiêu vẫn tiếp tục, ấy là một điệu nhạc lạ lùng, xa xưa, nó gợi trí tưởng tượng tới những vũ điệu của các vị thần Satyr ở xứ Menadus xa xôi. Nhạc điệu ấy không cho tôi ngủ, và thế là sau khi nhỏm dậy khỏi giường, tôi bắt đầu lo lắng đi đi lại lại trong phòng. Hoàn toàn ngẫu nhiên tôi bước tới khuôn cửa sổ phía bắc, nhìn về phía ngôi làng đang ngủ mơ màng và cánh rừng thưa bên mép đầm lầy. Tôi hoàn toàn không định nhìn qua cửa sổ vì đang buồn ngủ chết đi được, nhưng những âm thanh của các cây tiêu đanh thổi đã hành hạ tôi đến nỗi buộc tôi phải tìm cách lãng quên nó đi. Song những gì tôi trông thấy đã khiến óc tưởng tượng của tôi phải sửng sốt.
Trên khoảng rừng thưa tràn ngập ánh trăng đang diễn ra một cảnh tượng mà một khi đã mục kích thì ai cũng phải ghi nhớ đến trọn đời vì quá đỗi kinh ngạc. Dưới tiếng tiêu vang vọng khắp trên vùng đầm lầy là những hình dạng kỳ ảo đang chuyển động nhịp nhàng và câm lặng trên khoảng rừng trống. Lúc đầu họ đu đưa mình theo nhịp, nhưng dần dần chúng đạt tới mức khoái cảm tột độ mà thời xa xưa đã từng choán ngợp các vũ công Sicilia trình diễn vũ điệu dâng hiến thần Demeter vào đêm trăng rằm trước tiết thu phân ở gần thần Kyan. Khoảng rừng thưa phơi rõ dưới ánh trăng suông bàng bạc, những bóng ma khiêu vũ, tiếng tiêu lanh lảnh đơn điệu, tất thảy những cái đó cùng một lúc khiến tôi gần như bị tê liệt, song dẫu sao tôi vẫn nhận ra rằng, một nửa những vũ công không hề mệt mỏi ấy là những người công nhân làm thuê mà theo sự hình dung của tôi thì nhẽ ra họ phải đi ngủ từ lâu rồi, một nửa còn lại là những con ma kỳ lạ bận đồ trắng, với chút ít đầu óc tưởng tượng thì có thể coi chúng là các nữ thần sông suối đang sống ở những chiếc hồ nhỏ vốn nuôi dưỡng cả khu đầm lầy. Tôi không biết đã đứng bên cửa sổ bao lâu để ngắm nhìn cảnh tượng ấy, chỉ nhớ vào một thời khắc nào đó, tôi bỗng chìm vào một giấc ngủ sâu nửa ngất lịm mà chỉ có ánh sánh chói lòa của mặt trời mới đưa tôi ra khỏi trạng thái ngủ mê mệt ấy thôi.
Niềm mong muốn đầu tiên của tôi khi thức dậy là đi tìm Dennis Barry để kể lại cho chàng giấc mơ quá đỗi sửng sốt kia, nhưng dưới ánh mặt trời mọi sự nom khác hẳn, và tôi bèn tự nhủ đó chỉ là một giấc mơ. Có thể tôi đã bị ảo giác, nhưng ảo giác ấy đâu mạnh đến nỗi khiến tôi không còn kiểm soát nổi mình nữa và cho rằng tất cả những gì trông thấy chỉ là giấc mơ. Tôi chỉ giới hạn ở việc gặng hỏi những người công nhân, nhưng quả như tôi đã tiên liệu, họ chẳng hề nhớ điều gì đặc biệt, ngoài tiếng nhạc. Tôi đã suy nghĩ hồi lâu về những âm thanh lạ lùng đó, tôi đoán chừng phải chăng lủ dế đã cất lên bài ca mùa thu của chúng sớm hơn thời điểm tự nhiên đã khiến cho người ta phải bồi hồi xao xuyến. Đến trưa tôi gặp Barry đang xem xét một lần nữa các bản vẽ của mình trước khi khởi sự công việc. Như vậy, sáng mai các công nhân sẽ bắt tay vào việc... Lần đầu tiên tôi thấy tim mình thắt lại vì khiếp sợ, và đã hiểu vì sao nông nhân chạy trốn khỏi nơi đây. Vì một lý do mơ hồ nào đó tôi cũng thấy không chịu nổi với ý nghĩ rằng có ai đó sẽ quấy rầy, phá bĩnh khu đầm lầy cổ xưa này với biết bao điều huyền bí của nó được ẩn giấu khỏi ánh sáng mặt trời. Tôi bỗng hình dung ra những bức tranh kỳ ảo dưới lớp than bùn dày hàng thế kỷ này. Không nên bất cẩn mà phô bày cho bàn dân thiên hạ thấy tất cả những gì đã được giấu kỹ ở nơi đấy suốt bao thế kỷ như thế.Tôi những muốn tìm ra một nguyên cớ tiện lợi để từ giã khu lâu đài và cả chính ngôi làng này. Thậm chí tôi định nói về việc đó với Barry, nhưng tôi nhanh chóng kìm được vì bối rối trước tiếng cười nhạo báng của chàng. Tôi im lặng quan sát vầng mặt trời đang tỏa những sắc màu rực rỡ lên những ngọn đồi xa và tỏa xuống Kilderry thứ ánh sáng chói lọi màu vàng đỏ, một hiện tượng có vẻ như điềm gở.
Tôi không biết những sự kiện diễn ra đêm qua là trong mơ hay thực. bất luận thế nào đi nữa thì một trí tưởng tượng tinh tế nhất cũng không tài nào có thể sản sinh được điều gì hơn thế. Chẳng hạn, tôi không đủ sức nghĩ ra những lời giải thích tỉnh táo và hợp lý cho cái lẽ là sau đêm ấy mọi người trong lâu đài và khu làng đã biến đi đâu mất. Tôi về phòng mình sớm, nhưng trong lòng nặng trĩu những dự cảm nặng nề nên không tài nào ngủ được. Sự im lặng báo điều dữ ngự trị trong ngọn tháp xa này cứ hành hạ tôi. Mặc dầu trời tối nhưng quang đãng: những ngày này là lúc trăng hạ huyền và trăng mọc rất muộn. Tôi nằm và suy nghĩ về Dennis Barry, về những gì sẽ xảy ra với đầm lầy khi trời sáng, và cuối cùng những trăn trở ấy đã đẩy tôi tới trạng thái khiến tôi saÜn sàng vùng dậy, ngồi vào chiếc ô tô của bạn tôi, chủ nhân tòa lâu đài, lao thẳng tới Ballylow và thoát khỏi cái chốn đáng nguyền rủa này. Nhưng, chưa kịp đi đến quyết định cuối cùng thì tôi đã ngủ thiếp đi. Thế là trong cơn mơ tôi lại thấy thành phố nơi thung lũng, ảm đạm và thẩn thờ vì mối đe dọa diệt vong đang lơ lửng trên đầu.
Có thể tôi lại bị đánh thức bởi những âm thanh của tiếng tiêu, song sau khi tỉnh dậy thì không phải tiếng nhạc làm bận trí tôi. Tôi nằm quay lưng về phía cửa sổ hướng đông nơi mặt trăng sắp mọc và bởi vậy tôi chờ đợi được nom thấy ánh hồi quang của trăng trên bức tường đối diện. Nhưng tôi đã nhìn thấy một sự khác hẳn. Trên tường có những vệt sáng, nhưng đó không phải những hồi quang do ánh trăng phản chiếu. Tôi kinh sợ khi hiểu rằng đó là ánh sáng đỏ tươi lọt qua khuôn cửa sổ gôtích. Nó tràn ngập cả căn phòng bằng một ánh hào quang chói chưa từng thấy. Hành vi lúc đó của tôi thực đáng sợ, và điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì chỉ có nhân vật trong sách mới xử sự một cách có tính toán tỉnh táo trong tình huống như thế. Thay vì nhìn xuống vùng đầm lầy để hiểu xem nguồn ánh sáng mới ấy từ đâu đến thì tôi thậm chí không quay lại phía cửa sổ mà liền vội vã mặc quần áo với niềm hy vọng mơ hồ nhanh chóng trốn chạy khỏi nơi đây. Tôi nhớ là đã mang theo khẩu súng lục và cái mũ, nhưng chúng chẳng hề hữu dụng cho tôi. Tôi đã đánh mất cả hai sau khi chẳng bắn được phát nào và cũng chẳng đội đến mũ. Dẫu sao trí tò mò vẫn mạnh hơn sự kinh sợ, cho nên tôi lén bước tới cửa sổ để nhìn vào vầng hào quang đỏ sậm khó hiểu kia, tôi vươn người ra ngoài và đúng phút ấy tiếng tiêu cất lên đến váng tai, khắp tòa lâu đài và ngôi làng tràn ngập những thanh âm ấy.
Dòng ánh sáng rực rỡ màu đỏ sậm báo điều gở ấy xoáy thành tia trên mặt đầm lầy, nó phát ra từ đống phế tích hoàn toàn bí ẩn trên hòn đảo. Song khu hoang phế ấy đã thay đổi một cách lạ lùng. Tôi thật khó lòng mô tả được điều gì xảy ra, có thề tôi hóa điên, song tôi cảm thấy ngôi đền lại đang tọa lạc nơi đó với toàn bộ vẻ đường bệ oai nghiêm của nó mà chưa hề bị một thời gian làm phôi pha với những cây cột bao quanh. Những ánh hồi quang của ngọn lửa đang cháy trên mặt đá cẩm thạch của mũ cột vươn lên cao. Tiếng sáo ngân lên, tiếng trống vang vọng và trong khi tôi như một kẻ bị mê hoặc nhìn ngắm cảnh tượng ấy thì trên những bức tường cẩm thạch được chiếu sáng rõ bắt đầu xuất hiện hình dáng các vũ công. Tất cả những cảnh ấy nom thật phi thường khó tin là thật, ấn tượng tác động thật vô cùng sửng sốt. Tôi đứng lặng người tại chỗ, không thể rời mắt khỏi bức tranh kỳ dị, đồng thời ở bên trái tôi vang lên rất to tiếng tiêu dồn dập. Trong cơn phấn khích khó hiểu và choáng ngợp những dự cảm nặng nề, tôi liền băng ngang phòng đến chỗ cửa sổ phía bắc mà từ đó ngó thấy ngôi làng và cánh rừng thưa. Chính đó là điều mà tôi đã thấy trước đây và lý trí của tôi đã chối từ chấp nhận và hiểu thấu, nhưng bây giờ thì tôi sửng sốt vô chừng: dọc theo cánh rừng thưa đẫm ánh sáng màu đỏ máu đang chầm chậm chuyển động một đoàn diễu hành mà có lẽ chỉ có thể hiện trong cơn ác mộng mà thôi.
Lúc thì trượt trên mặt đất, lúc thì trôi trong không khí, những bóng ma đầm lầy chậm rãi đi theo hướng dẫn tới vùng hồ đầm lầy êm đềm nước lặng và đi tiếp tới khu phế tích, những bóng ma ấy choàng những bộ đồ mầu trắng, chúng cứ đi và tạo ra những hình thù phức tạp, dường như đang biểu diễn một điệu vũ nghi lễ cổ xưa. Những cánh tay không chút thịt da của chúng lắc lư nhẹ theo nhịp giai đệu the thé xé màng tai của những cây sáo vô hình, những cánh tay ấy mời chào, thu hút theo chúng cả những người công nhân làm thuê mà giờ đây đã xếp thành hàng lần lượt đi sau một cánh mù quáng và tuân phục như những chú chó ngoan, dường như họ phải phục tùng một sức mạnh ma quỷ nào đó. Khi các nữ thần sông suối đi đến đầm lầy thì những nạn nhân mới đi ra khỏi lâu đài, họ lảo đảo với bộ điệu yếu đuối, xiêu vẹo, Họ xuất hiện từ chiếc cửa ra vào nằm ngay dưới cửa sổ phòng tôi, họ đi qua khu sân như đang trong cơn mơ ngủ, sau đó theo con đường làng hẹp họ tiếp nối hàng công nhân đang đi lảo đảo ở quãng cánh rừng thưa. Mặc dù có một khoảng cách giữa tôi với họ nhưng tôi hiểu ngay rằng đó là những gia nhân đến đây từ miền bắc, thậm chí ở một trong số những hình người quái đản và thê thảm nhất tôi đã nhận ra chị đầu bếp mà những cử động vụng về bình thường của chị ta lúc này với tôi thật bi thảm. Những cây sáo vẫn phát ra những thanh âm khó mường tượng như trước, và từ phía hòn đảo lại vang lên tiếng thôi thúc giục giã của những chiếc trống, và chính lúc này các nữ thần sông suối chầm chậm và duyên dáng bước xuống làn nước của khu đầm lầy cổ xưa. Còn những người đi theo sau các nữ thần ấy không hề chậm bước cũng bắt đầu xuống nước và chẳng bao lâu mất hút dưới làn nước vô tình. Trong ánh sáng hồng trên mặt đầm lầy thật khó nhận ra những vệt bong bóng khí lan trên nước. Người cuối cùng mà vực thẳm kia nuốt chửng là chị bếp béo, con người đã gợi nên nơi tôi sự thương cảm. Khi chị ta khuất hẳn dưới làn nước thì những cây sáo cùng trống im hẳn, cái ánh sáng do đống phế tích phát ra làm chói mắt cũng tắt; ngôi làng lại lặng đi trong ánh sáng thanh bình của vầng trăng vừa mọc.
Tôi hoàn toàn bối rối. Liệu tôi có mất trí hay không đây? Tôi đang ngủ chăng? Liệu có phải những điều đó đã xảy ra trên thực tế hay không? Tôi nghĩ chính sự sững sờ mà tôi bất ngờ chìm đắm vào đã cứu tôi khỏi cái số phận bi thảm chung cho đám người ấy. Có lẽ tôi đã cầu nguyện thần Arteuris, thần Latona, thần Persephone và thần Pluto. Tóm lại tôi đã cầu xin tất cả các vị thần mà tôi nhớ được trong văn học cổ điển, nỗi kinh hoàng vừa nếm trải đã biến tôi thành một kẻ mê tín. Tôi hiểu rằng tôi đã trở thành người chứng kiến cái chết của cả làng, không còn nghi ngờ gì nữa: trong tòa lâu đài chỉ còn lại có tôi và Dennis Barry, chính sự khinh suất rồ dại của chàng đã dẫn đến thảm họa. Khi nghĩ về chàng thì trong tôi lại choáng ngợp nỗi khiếp đảm đến nỗi đôi chân khuỵu ngã xuống và tôi ngã lăn trên sàn nhà, mặc dầu tôi không hề bị ngất. Bất thình lình tôi cảm thấy một cơn gió lạnh buốt từ phía đông nơi mặt trăng vừa mọc và tôi cũng nghe thấy những tiếng kêu tuyệt vọng ở tầng dưới của tòa lâu đài. Chẳng bao lâu sau tiếng kêu chuyển thành tiếng la hét thất thanh ghê gớm đến mức bây giờ tôi cũng còn thấy kinh hoàng khi nghĩ đến tiếng la hét ấy. Tôi có thể nói ngay rằng đó chính là tiếng gào thét của ông bạn tôi.
Có lẽ, làn gió lạnh giá và những tiếng kêu khủng khiếp đã buộc tôi phải đứng dậy bởi vì, như tôi còn nhớ, tôi chạy hồi lâu dọc các căn phòng tăm tối và các dãy hành lang tối om cho đến khi lọt ra bên ngoài. Người ta tìm thấy tôi lúc rạng sáng cách Ballylow không xa. Tôi đã đi lảo đảo như một kẻ không nhà không cửa, miệng lẩm bẩm điều gì trong trạng thái hoàn toàn mê man. Sự cố cuối cùng tôi thấy ở Kilderry đã đẩy tôi tới trạng thái khốn đốn cùng cực đó. Cái cảnh ấy thật quái đản, ghê sợ đến nỗi tôi sẽ không bao giờ quên được cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Cảnh đó luôn luôn hiện lên trước mắt tôi nếu tôi bất thần đứng gần một đầm lầy vào đêm trăng nào đó.
Vậy là sau khi rời bỏ tòa lâu đài khủng khiếp, đang phóng đi dọc bờ đầm lầy bỗng nhiên tôi nghe thấy những âm thanh gì mới lạ, chẳng có gì đặc biệt, nhưng ở đây, tại Kilderry, thì cho đến nay tôi chưa bao giờ nghe thấy. Làn nước tù hãm mà trong đó chẳng có chút sinh khí nào giờ thật khoái hoạt, sinh động. Mặt đầm lầy nhung nhúc biết bao những con ếch kềnh kêu ồm ộp liên tục. Ánh trăng lấp lóa hai bên lườn phồng mọng màu xanh của chúng, nhưng ánh sáng còn tia ra từ một nguồn sáng, và có lẽ những con ếch kềnh ấy đang chú ý dõi nhìn về phía tia sáng ấy. Tôi theo dõi một con ếch đặc biệt béo mỡ và xấu xí và nhìn thấy chính cái điều đã khiến tôi hoàn toàn mê muội.
Một tia sáng nhấp nháy yếu ớt không phản chiếu trong mặt nước đầm lầy trải dài từ công trình bí ẩn trên hòn đảo nhỏ tới vầng trăng khuyết. Còn tôi thót tim khi nhìn thấy trên con đường mòn nhợt nhạt chết chóc một hình người quằn quại, một cái bóng mờ ảo đang cố sức cưỡng lại những con quỷ vô hình đang kéo cái bóng đó theo sau. Có thể là tôi điên, nhưng cái bóng dáng đó, một bức biếm họa quái đản man dại, đã khiến tôi nhớ một cách lạ lùng đến con người đã từng là Dennis Barry.
Linh Ứng
Font Size: Tác Giả: W.W. Jacobshenwit
Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:
Ở ngoài trời, gió đêm lạnh lẽo và ẩm ướt, nhưng trong căn phòng có rèm che kín mít của biệt thự Lakesnam thì sáng lung linh ánh lửa. Hai cha con đang đánh cờ với nhau và có lối chơi riêng biệt, ông già vừa đi những nước sai cơ bản, làm hở thế cờ rất nguy hiểm đến nỗi bà vợ ngồi đan áo bên lò sưởi cũng cau mày.
Gió rít nghe ghê quá, ông White nhận ra sai lầm của mình trong nước cờ nên cố gợi chuyện để con trai mất tập trung.
Vâng, con cũng nghe thấy, tuy đáp nhưng hai mắt của người con vẫn dán chặt vào bàn cờ và đưa thẳng bàn tay ra - chiếu.
Tối nay trời lạnh quá, người cha tiếp tục nói.
Vâng, chiếu - cậu con trai đáp.
Thật tệ khi phải sống xa mọi người! Ông White chợt nói to. Trong tất cả những nơi hẻo lánh của xứ này thì đây là nơi khó chịu nhất. Lối đi ngoài vườn đầy các vũng nước, còn đường đi biến thành dòng nước chảy xiết. Tôi thật không hiểu người ta đang nghĩ gì. Chỉ có hai hộ ngụ cư nên chẳng ai thèm lo cái chốn này đâu.
Thôi, ông bình tĩnh lại đi, bà vợ dịu dàng động viên. Có thể ván sau ông sẽ thắng.
Ông White ngước nhìn lên và bắt gặp ánh mắt ra hiệu ngầm giữa hai mẹ con. Ông không nói nữa và mỉm cười khó hiểu.
Anh ta đến đấy, Herbert White nói khi nghe thấy tiếng mở cổng vườn và tiếng chân bước nặng nề về phía cửa nhà.
Ông già vội đứng lên mở cửa rồi chia buồn với người khách mới đến và nghe người ấy than phiền về tình cảnh của mình, đến nỗi bà White phải thì thầm: "Lạy chúa tôi!" rồi cất tiếng ho khẽ khi chồng bà trở vào phòng, theo sau là một chàng trai cao to mạnh khoẻ có đôi mắt tròn và gương mặt đỏ au.
Đây là thượng sĩ Morris, ông White giới thiệu.
Sau khi bắt tay bà chủ nhà cùng cậu Herbert, Morris ngồi xuống ghế bành bên lò sưởi và khoan khoái thấy chủ nhà bày lên bàn một chai whisky và mấy chiếc cốc.
Sau ba cốc rượu, đôi mắt của người khách long lanh hơn và anh ta bắt đầu kể cho mọi người nghe về những cảnh kỳ quái, những sự kiện hiển hách, về chiến tranh, bệnh dịch và những dân tộc lạ lùng.
Tất cả những điều đó đã diễn ra những hai mươi mốt năm đấy, ông White vừa nói vừa gật đầu về phía hai mẹ con. Lúc ra đi cậu ấy là một đứa bé gầy yếu như que củi và đang làm công tại kho hàng hoá. Thế mà bây giờ cậu ta cao to như thế này đây.
Cậu ta không có vẻ gì là phải chịu khổ quá nhiều, bà White lịch sự đáp.
Tôi muốn đi một chuyến sang Ấn Độ để xem cuộc sống bên ấy ra sao. Ông chồng nói.
Bác cứ ở nhà còn hơn làsang bên đó, người khách lắc đầu.
Rồi anh ta đặt chiếc cốc đã uống cạn xuống bàn, khẽ thở dài và lại lắc đầu.
Tôi thì thích xem những đền thờ cổ bên ấy, xem những vị đạo sĩ và những tay làm trò ma thuật, ông White tiếp. Lần trước hình như cậu đang kể cho tôi nghe về một bàn tay khỉ, phải không cậu Morris?
À, chẳng có gì đâu, bác. Anh lính vội đáp. Chẳng đáng để kể lại.
Một bàn tay khỉ à? Bà già tò mò hỏi.
Ồ, chỉ là trò ma thuật thôi, Morris đáp với vẻ tự mãn.
Mọi người tỏ ra chú ý lời nói của Morris. Vị khách lơ đãng đưa chiếc cốc không lên môi rồi đặt xuống. Chủ nhà liền rót tiếp cho anh.
Nhìn bề ngoài, Morris vừa nói vừa để bàn tay trong túi áo, - Nó chỉ là một bàn tay khỉ nhỏ bé, bình thường và khô héo như một xác ướp.
Morris rút trong túi ra một vật rồi đưa cho mọi người xem. Bà White nhăn mặt khựng lại, còn Herbert thì cầm lấy bàn tay khỉ lên quan sát một cách tò mò.
Nó đặc biệt ở chỗ nào? Ông White lấy bàn tay khỉ từ tay cậu con trai rồi xem xét một lát trước khi đặt nó xuống bàn.
Người ta bảo rằng nó đã được một ông đạo sĩ già làm phép. Ông ấy đúng là một vị thánh sống. Ông muốn thiên hạ thấy rằng con người thì phải có số mệnh và ai cãi lại thì phải gánh lấy hậu quả đau khổ. Đạo sĩ đã làm phép cho bàn tay khỉ này để nó giúp ba người khác nhau mỗi người được hưởng ba điều ước.
Morris nói bằng giọng xúc động đến nỗi người nghe có cảm giác như họ đã cười không đúng lúc.
Thế tại sao anh không ước cả ba điều đi? Herbert có vẻ châm biếm.
Người lính nhìn thẳng vào cậu con trai bằng ánh mắt mà người già cho là có vẻ tự phụ.
Tôi đã ước cả ba điều rồi, Morris bình tĩnh nói nhưng gương mặt đỏ au của anh tái dần.
Và cả ba điều đều đạt kết quả chứ? Bà chủ nhà hỏi.
Vâng, Morris đáp và nghiến hai hàm răng vào miệng cốc.
Còn ai dùng chiếc bùa này nữa không? Bà chủ hỏi.
Có, trước cháu có một người, anh ta cũng ước ba điều. Cháu không biết hai điều ước đầu tiên của anh ta là gì, song điều thứ ba thì anh ta ước được chết. Thế là bàn tay khỉ này rơi vào tay cháu.
Giọng Morris trở nên trang nghiêm đến nỗi cả nhà lặng im, không ai nói gì cả.
Nếu cháu đã ước đủ ba điều rồi, cuối cùng ông già lên tiếng, thì Morris này, cái bàn tay khỉ hết giúp cháu nữa rồi. Vậy cháu còn giữ nó làm gì.
Có lẽ tại cháu thích giữ thế thôi, người lính gật đầu đáp. Ban đầu cháu định bán nó, nhưng sau lại thôi, nó đã gây ra khá nhiều tội lỗi rồi. Vả lại, chẳng có ai muốn mua nó cả. Có người bảo rằng đấy chỉ là trò đùa, còn những người hơi tin một chút thì họ muốn thử trước rồi sau mới trả tiền.
Nếu còn ba điều ước nữa thì cháu có ước không? Ông già nhìn thẳng vào Morris.
Cháu không biết... quả thật... cháu không biết nữa, Morris đáp.
Anh cầm lấy bàn tay khỉ, mân mê trong tay một lát rồi bất ngờ quẳng nó vào bếp lửa. Ông White khẽ kêu lên rồi vội cúi người lôi nó ra. Bác cứ để cho nó cháy đi thì hơn, Morris nghiêm trang nói.
Nếu cháu không muốn giữ nó nữa, Morris ạ, thì cháu cho bác vậy, ông già bảo.
Không. Anh lính khăng khăng đáp. Cháu đã quăng nó vào lửa rồi. Nếu bác muốn giữ lại thì về sau có chuyện gì bác đừng trách cháu. Nếu bác là một người hiểu biết, thì bác nên quăng nó vào lò đi.
Ông già lắc đầu, chăm chú quan sát vật vừa chiếm được.
Cách dùng nó như thế nào? Ông hỏi.
Chỉ cần cầm nó trong bàn tay phải và nói to điều mình muốn ước... Cháu xin báo trước cho bác là nó có thể gây ra hậu quả chẳng tốt đẹp gì đâu.
Giống chuyện "Nghìn lẻ một đêm" quá, bà White nói rồi đứng lên dọn bàn. Ông có thể ước cho tôi có tám tay được không?
Ông chồng rút lá bùa ra khỏi túi, rồi cả ba cùng bật cười khi thấy Morris hốt hoảng giữ lấy cánh tay ông.
Nếu bác quyết định ước một điều - Anh nghiêm nghị bảo, thì ít nhất bác nên ước một điều tốt chứ.
Ông White đút bàn tay khỉ vào túi rồi dọn ghế mời khách ăn cơm. Trong bữa ăn mọi người hầu như quên câu chuyện bùa chú vừa rồi. Ăn xong, gia đình ông White thích thú ngồi nghe một câu chuyện mới về cuộc phiêu lưu của anh lính trẻ trên đất Ấn Độ.
Sau khi khách ra về, Herbert mới nói với ba mẹ:
Nếu chuyện về bàn tay khỉ thật như chuyện anh ấy vừa kể cho nhà mình nghe thì nó chẳng có lợi gì cho nhà ta đâu.
Hình như ông đã trả cho Morris cái gì rồi phải không? Bà White hỏi và soi mói nhìn chồng.
Ồ, có đáng gì đâu. Ông chồng đỏ mặt đáp. Cậu ấy không muốn nhận, nhưng tôi ép cậu ấy phải lấy. Rồi cậu ta van xin tôi vứt cái bàn tay khỉ ấy đi.
Xin đừng! - White vừa kêu lên vừa làm vẻ kinh ngạc. Này nhé, nhà mình sẽ giàu có, sẽ nổi tiếng và sống sung sướng. Trước tiên ba ước được làm vua đi. Và như thế ba sẽ không còn chịu sự lãnh đạo của mẹ nữa.
Rồi cậu ta chạy quanh bàn ăn để tránh đòn bà mẹ đuổi theo.
Ông White rút bàn tay khỉ ra rồi do dự ngắm nhìn.
Quả thực ba không biết nên ước cái gì, ông nói khẽ. Ba thấy chẳng thiếu gì cả.
Nếu ba trả hết tiền nhà ngay lúc này thì sướng quá phải không? Herbert đặt tay lên vai ông bảo. - Này nhé, nếu ước có hai trăm đồng bảng thì ba sẽ hết nợ.
Ông White mỉm cười ngượng ngùng, sau đó cầm lá bùa giơ lên trong lúc Herbert giả vờ trang nghiêm rồi nháy mắt ra hiệu cho bà mẹ với vẻ hơi khôi hài. Cậu ta ngồi vào ghế trước cây đàn piano, dạo vài hợp âm truyền cảm.
Tôi ước có hai trăm đồng bảng, ông già quyết định lên tiếng.
Câu nói hoà lẫn trong tiếng đàn piano rồi bất ngờ bị ngắt quãng bởi tiếng kêu sợ hãi của ông White. Vợ con ông vội chạy về phía ông.
Nó nhúc nhích! Ông White hét lên, sợ hãi liếc nhìn bàn tay khỉ đang nằm dưới đất. Lúc tôi nói điều ước thì nó quằn quại trong tay tôi như một con rắn.
Tuy nhiên không thấy tiền đâu cả, Herbert vừa tuyên bố vừa nhặt lá bùa đặt lên bàn. Và con xinh đánh cuộc là con sẽ không thấy tiền xuất hiện.
Này ông, trí tưởng tượng đã lừa ông rồi. Bà White lo lắng nhìn chồng.
Ông White lắc đầu bảo:
Không sao, chẳng có chuyện gì tồi tệ xảy ra cả. Nhưng nó đã làm tôi phát hoảng lên.
Cả nhà lại ngồi trước lò sưởi, hai cha con tiếp tục hút thuốc. Bên ngoài gió thổi ngày càng mạnh, còn ông White thì giật mình sợ hãi khi nghe thấy tiếng kẹt cửa ở tầng hai. Trong phòng bao trùm sự im lặng khác thường và buồn tẻ cho đến khi hai vợ chồng đứng lên đi ngủ.
Con tin là ba sẽ thấy tiền trong chiếc túi to đặt giữa giường, Herbert nói và chúc cha mẹ ngủ ngon.
Sáng hôm sau, lúc cả nhà ngồi ăn điểm tâm trong căn phòng ngập ánh nắng mai, Herbert chế giễu thái độ sợ hãi của người cha. Không khí trong phòng rất bình thường, khác hẳn với không khí đêm hôm trước. Bàn tay khỉ quắt queo dơ bẩn nằm lăn lóc trên một chiếc bàn nhỏ chứng tỏ mọi người đã mất hoàn toàn lòng tin vào khả năng phù phép của nó.
Tôi nghi là bọn lính đều giống nhau, - bà White nói. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy cả nhà ta ngồi nghe những chuyện tào lao như thế. Thời nay làm sao ước được như vậy. Và nếu điều ước thành hiện thực thì hai trăm đồng liệu có thể gây tai hoạ gì chứ?
Chúng có thể rơi từ trên trời xuống trúng đầu ba đấy, Herbert nói châm biếm.
Morris khẳng định mọi việc sẽ xảy ra rất tự nhiên, đến nỗi ta tưởng nó là do trùng hợp ngẫu nhiên.
Dù sao ba cũng đừng động đến số tiền ấy trước khi con đi làm về, Herbert đứng lên - Con sợ rằng ba sẽ trở thành ông già keo kiệt để mẹ nhăn mặt nhăn mày thôi.
Bà mẹ mỉm cười tiễn con ra cửa. Sau đó bà quay vào bàn ăn và cười ngặt nghẽo vì tính cả tin của chồng. Sau đó bà vội chạy nhanh ra cửa khi nghe tiếng gõ cửa của ông đưa thư, rồi bà thấy rằng ông đưa thư chỉ gửi cho mình một tờ biên lai của bác thợ may, như vậy tay thượng sĩ nát rượu đã gạt ông bà rồi.
Chắc thằng Herbert sẽ không ngừng chế giễu chúng ta khi nó đi làm về. Bà nói khi cả hai ngồi vào bàn ăn sáng.
Tất nhiên, Ông White vừa đáp vừa rót bia. Nhưng điều đó không có nghĩa là bàn tay khỉ đã không nhúc nhích trong tay tôi. Tôi dám thề như vậy.
Đó chỉ là ảo giác thôi, Bà vợ tuyên bố.
Tôi nhắc lại là nó cựa quậy thật sự. Hoàn toàn không phải là ảo giác. Ơ... nhưng bà làm sao thế?
Bà White không đáp. Bà đang quan sát một người đàn ông đang lởn vởn một cách bí hiểm bên ngoài nhà bà, anh ta nhìn ngôi nhà và tỏ ra lưỡng lự không dám vào. Nghĩ tới câu chuyện hai trăm đồng bảng, bà thấy rằng người lạ ăn mặt rất chỉnh tề, đầu đội mũ trụ mới tinh. Anh ta dừng lại ba lần trước cổng rồi lại bỏ đi. Đến lần thứ tư anh ta đột ngột mở cổng rồi đi thẳng vào nhà. Đúng lúc đó bà White vội đưa tay ra sua lưng cởi bỏ tạp dề nhét xuống đệm ghế bành.
Bà dẫn người lạ vào phòng khách. Sau khi giới thiệu xong, bà White kiên nhẫn đợi người khách lạ cho biết lý do viếng thăm. Nhưng anh ta vẫn im lặng một cách khác thường.
Người ta nhờ tôi đến thăm ông bà, cuối cùng anh ta lên tiếng vừa cúi người nhặt một sợi chỉ vương trên quần. Tôi thay mặt hãng Mo và Meghin.
Bà già giật mình.
Có tai nạn gì xảy ra với Herbert ư? Xin anh làm ơn nói ngay chuyện gì đã xảy ra!
Thôi nào bà ơi, Ông chồng vội bảo, Bà ngồi xuống đi và đừng vội kết luận, sau đó ông quay sang người khách với vẻ trầm ngâm rồi hỏi tiếp:
Chắc anh không đem tin dữ đến cho chúng tôi chứ, có phải không?
Rất tiếc... anh kia đáp.
Nó bị thương à? Bà già hỏi.
Vị khách gật đầu.
Anh ấy bị thương nặng, anh ta bình tĩnh nói. Nhưng anh ấy không hề đau đớn.
Lạy Chúa tôi! bà già chắp hai tay kêu to. Người đã tránh cho con của con không phải đau đớn. Lạy Chúa,...
Bà bỗng ngưng bặt khi hiểu ra ý nghĩa câu nói an ủi xã giao của người khách và đọc thấy trên nét mặt anh ta lời xác nhận cho nỗi sợ hãi của mình. Bà nín thở quay sang ông chồng rồi đặt bàn tay già nua run rẩy lên bàn tay ông. Mọi người im lặng hồi lâu.
Anh ấy bị xe hơi đụng, cuối cùng người khách khẽ lên tiếng.
Xe đụng à - Ông White ngơ ngác.
Ông ngồi im trên ghế nhìn qua cửa sổ, mắt nhòe đi, ông nắm tay bà vợ và siết chặt như trong ngày lễ đính hôn của họ cách đây bốn mươi năm.
Chúng tôi chỉ có một mình nó, Ông nói và chậm rãi quay sang vị khách. Đúng là nghiệt ngã cho chúng tôi quá.
Người khách ho khẽ rồi đứng lên chậm rãi bước tới bên cửa sổ.
Hãng chúng tôi giao cho tôi nhiệm vụ đến chia buồn chân thành với ông bà vì sự mất mát đau đớn này, anh ta nói mà không quay đầu lại... Xin ông bà hiểu cho, tôi chỉ là một nhân viên thừa hành nhiệm vụ.
Không có tiếng đáp lại. Bà già tái mặt đi, nhìn trân trối vào người khách và thở ngắt quãng. Ông White cũng đứng chết lặng.
Tôi cũng được giao nhiệm vụ truyền đạt lại cho ông bà hay rằng hãng Mo và Meghin không chịu trách nhiệm về tai nạn này, vị khách nói tiếp, nhưng xét thấy công lao làm việc chăm chỉ của con trai ông bà cho hãng chúng tôi, nên hãng muốn biếu ông bà một khoản bồi thường.
Ông White buông tay vợ ra, đứng lên và hoảng hốt nhìn chằm chằm vào người khách. Sau đó ông chỉ cố nhếch mép nói được một từ:
Bao nhiêu?
Hai trăm đồng bảng.
Không nghe thấy tiếng kêu xé ruột của vợ, ông già khẽ mỉm cười đưa tay ra như một người mù rồi ngã khuỵu xuống!
Ông bà White chôn cất con trai tại nghĩa trang lớn cách nhà ba cây số, sau đó họ quay về căn nhà tối tăm và quạnh quẽ của họ. Mọi việc diễn ra nhanh đến nỗi ban đầu họ không hiểu nổi. Họ vẫn chờ đợi như có một chuyện gì đó nữa phải xảy ra, và nó có khả năng làm giảm nhẹ gánh nặng quá lớn đối với hai tâm hồn già nua. Nhưng ngày lại ngày trôi qua, mong ngóng của họ biến thành sự cam chịu, một sự cam chịu vô vọng của người già mà thiên hạ thừơng gọi nhầm là sự lãnh đạm. Đôi khi họ chỉ nói với nhau vài câu, bởi vì họ chẳng còn gì để nói nữa, đối với họ ngày tháng sao mà dài lê thê, chỉ còn là sự chán chường và mệt mỏi.
Khoảng một tuần sau khi chôn cất con trai xong, hôm nọ ông White giật mình thức dậy lúc nửa đêm, ông quờ tay sang và chẳng thấy vợ đâu. Căn phòng ngập đầy bóng tối. Bên cạnh cửa sổ có tiếng khóc nghẹn ngào. Ông White ngước cổ lên nghe ngóng.
Lên giường đi mình ơi, Ông nhẹ nhàng bảo vợ. Mình sẽ cảm lạnh mất.
Con trai tôi còn đang phải chịu lạnh hơn tôi nhiều, Bà đáp lại và càng khóc to hơn.
Rồi dần dần ông White không còn nghe tiếng khóc nữa. Chiếc giường ấm áp đã làm cơn buồn ngủ ập đến. Ông cuộn mình ngủ thiếp đi. Một tiếng kêu tuyệt vọng của vợ làm ông giật mình tỉnh giấc.
Bàn tay khỉ! Bà kêu lên như điên dại - Bàn tay khỉ.
Ông già rùng mình sợ hãi.
Nó đâu? Ông hỏi. Có chuyện gì vậy?
Bà vợ run rẩy bước lại giường.
Tôi đang cần nó, Bà nói. Ông chưa vứt nó đi đấy chứ?
Tôi để nó ở ngoài phòng khách ấy, Ông kinh ngạc đáp. - Nhưng sao vậy?
Vừa khóc vừa cười, bà White cúi xuống hôn lên má chồng.
Tôi vừa nhớ ra nó, Bà nói với giọng đứt quãng. Tại sao tôi không nghĩ đến nó sớm hơn nhỉ? Còn ông, tại sao ông cũng không nghĩ tới?
Nghĩ tới gì?
Nghĩ tới hai điều ước kia chứ còn nghĩ tới gì nữa. Chúng ta mới chỉ ước có một điều.
Thế bà không thấy như vậy là quá đủ hay sao? Ông gắt lên.
Không! Bà kêu lên đắc thắng. Chúng ta sẽ ước một điều nữa. Ông hãy đi lấy bàn tay khỉ ngay và ước cho con trai chúng ta sống lại.
Ông già ngồi bật dậy, quăng cả mền gối và run lên cầm cập.
Trời ơi, bà điên mất rồi! Ông kinh hoàng thốt lên.
Ông đi tìm bàn tay khỉ đi! Bà nghẹn ngào ra lệnh. -Tìm ngay và ước điều đó đi... Ôi, con trai của tôi!
Ông White bật diêm châm nến.
Bà đi nằm đi, ông bảo. Bà lẩm cẩm rồi đấy.
Nhưng nếu điều ước thứ nhất đã thành thì tại sao lại không thể ước điều thứ hai?
Đó chỉ là sự trùng hợp, Ông lắp bắp.
Ông đi tìm bàn tay khỉ ngay đi! Bà vừa kêu lên vừa đẩy ông ra cửa.
Sau khi bước xuống thang gác trong bóng tối, ông mò mẫm đi vào phòng khách. Vật bùa vẫn nằm ở chỗ cũ, và ông hoảng hốt khi nghĩ tới chuyện, nếu ước xong thì thằng con trai què cụt, mình mẩy đầy máu sẽ xuất hiện trước mặt ông trước khi ông kịp chạy ra khỏi căn phòng. Ông quính quáng nên không tìm ra cửa. Trán ông toát mồ hôi lạnh, ông vừa cầm chặt bàn tay khỉ vừa đi vòng qua một chiếc bàn, men theo tường và cuối cùng ra được tới hành lang. Khi trở về buồng ngủ thì ông thấy gương mặt vợ ông đã biến sắc, mặt bà tái đi một cách khác thường. Ông White bỗng nhiên thấy sợ.
Ông ước đi! Bà quát lên.
Làm thế không nên đâu bà, ông lắp bắp nói.
Ước đi! Bà nhắc lại.
Ông chồng giơ tay lên thì thầm:
Tôi muốn con trai tôi sống lại!
Vật bùa rơi xuống sàn. Ông già run rẩy nhìn theo rồi buông mình xuống ghế bành, trong khi vợ ông nhớn nhác bước tới cửa sổ và kéo rèm lên.
Ông vẫn ngồi im cho đến lúc cảm thấy lạnh, thỉnh thoảng ông liếc nhìn sang phía bà vợ đang trông ngóng cạnh cửa sổ. Ngọn nến cháy gần hết, nó hắt lên trần nhà và bốn bức tường xung quanh những cái bóng lung linh. Cuối cùng nó phả một ánh lửa sáng hơn rồi phụt tắt. Nghĩ là vật bùa, không còn tác dụng ông White cảm thấy hài lòng, thong thả lên giường nằm, và một lúc sau bà vợ ông cũng chẳng nói chẳng rằng lên nằm cạnh ông.
Cả hai im lặng lắng nghe tiếng tích tắc đồng hồ. Có tiếng cót két cầu thang. Một con chuột chạy bên tường kêu chít chít. Bóng đêm càng trở nên nặng nề. Lúc ấy, lấy hết can đảm, ông White cầm bao diêm bật một que và xuống nhà tìm nến.
Khi ông bước tới xuống chân cầu thang thì que diêm cháy hết. Đúng lúc đó ông nghe thấy tiếng gõ nhẹ ngoài cửa chính.
Ông già đánh rơi hộp diêm xuống đất và đứng như trời trồng, miệng không dám thở, cho đến khi có tiếng gõ cửa lần nữa vang lên. Thế là ông vội quay lui leo lên thang gác trở về phòng và đóng cửa lại.
Tiếng gõ cửa lần thứ ba vang lên khắp nhà.
Cái gì thế? Bà già giật mình kêu lên.
Một con chuột cống, Ông White run rẩy đáp - Nó chạy qua mặt tôi ngoài thang gác.
Bà White chồm dậy nghe ngóng. Tiếng gõ cửa lại vang lên mạnh hơn.
Herbert đấy! Bà reo to. Con trai của tôi!
Bà chạy ra cửa, nhưng ông chồng vượt lên và túm lấy tay bà.
Bà làm gì thế? Ông khản giọng hỏi.
Con trai tôi! thằng Herbert đấy! Bà kêu lên và vùng vẫy để thoát ra.
Tôi quên mất là nghĩa địa cách đây có ba cây số. Tại sao ông cản tôi? Buông tôi ra! Tôi phải ra mở cửa cho nó!
Lạy Chúa, không được mở cửa! Ông hét lên và run lập cập.
Ồ, thì ra ông sợ thằng con của ông à? Buông tôi ra!... Mẹ đây, Herbert, mẹ ra đây!
Tiếng gõ cửa vang lên từng chập. Bà vợ nhoài người thoát khỏi tay chồng và chạy ra khỏi phòng. Ông chồng chạy theo tới cầu thang, van xin bà quay trở lại, trong lúc đó bà nhảy ba bốn bậc một lúc chạy xuống dưới. Ông nghe thấy tiếng xích sắt kêu loảng xoảng và tiếng chốt dưới chân cửa lách cách. Sau đó ông nghe thấy tiếng hét lên của bà vợ.
Chốt cửa phía trên! Ông xuống mở giúp tôi với. Tôi không với tới.
Nhưng ngay lúc đó, ông White đang nằm bò ra sàn tuyệt vọng mò tìm bàn tay khỉ. Ông cầu mong tìm thấy nó trước khi con người ở ngoài kia bước vào nhà! Tiếng dập cửa ầm vang khắp nhà và ông nghe tiếng bà vợ kéo ghế kê sát cửa. Rồi tiếng chốt trên bắt đầu vang lên cót két. Đúng lúc đó ông già chộp được bàn tay khỉ, hốt hoảng lẩm nhẩm đọc điều ước cuối cùng.
Tiếng gõ cửa lập tức im bặt, mặc dù âm thanh của nó vẫn còn vang vọng trong nhà. Chiếc ghế được kéo lui và cánh cửa mở ra. Một luồng gió lạnh ùa vào cầu thang. Tiếng rên dài tuyệt vọng và đau khổ vang lên. Hai vợ chồng già chạy nhanh xuống thang gác rồi cùng lao ra cổng. Dưới ánh sáng lung linh của ngọn đèn trước nhà, con đường trải dài hun hút bóng đêm, nó vắng lặng, không một bóng người, chỉ có tiếng côn trùng rã rích thê lương.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro