Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

#8 Truyền thuyết Mai An Tiêm

Truyền thuyết Mai An Tiêm - (Sự tích Quả dưa hấu)

Nhiều năm về trước, vào thời Hùng Vương, đất nước ta rất trù phú và rộng lớn với những ngọn núi cao tới 9 tầng mây, những con sông rộng mênh mông và những khu rừng bạt ngàn với rất nhiều các loài cây và muông thú.

Ở thời đó ruộng đồng vẫn còn rất thưa thớt và các loại cây cho trái ngon, quả ngọt chưa được phong phú như thời bây giờ vì mọi người vẫn chưa khám phá ra hết để mang về trồng.

Vua Hùng Vương thứ 17 có nuôi một người con nuôi tên là Mai An Tiêm. An Tiêm rất tháo vát và đặc biệt là có trí thông minh hơn người. Vua Hùng rất yêu quý An Tiêm nên khi có của ngon vật quý là vua hay ban cho An Tiêm.

An Tiêm rất thẳng tính, và chính sự thẳng tính đó đã gây nguy hại tới chàng. Theo thói đời thì vua thường rất thích nịnh, khi các quan trong triều được nhà vua ban thưởng cho một chút bổng lộc nào đó thì tấm tắc khen vua hết lời này đến lời khác. Nhưng An Tiêm lại khác, nhận được bổng lộc vua ban thì An Tiêm thường bảo: “Của được biếu là của phải lo, của được cho là của phải nợ” và xem thường những thứ đó. Không ngờ câu nói đó của An Tiêm lọt đến tai Vua.

Vua khi biết đã nổi giận lôi đình và ra lệnh cho quân lính đầy cả gia đình Mai An Tiêm ra đảo hoang ở ngoài biển khơi. An Tiêm và vợ con của chàng được áp tải xuống một chiếc thuyền buồm và bị đầy ra ngoài biển khơi trong khi không có một chút hành lí mà chỉ được mang theo một chiếc gươm nhỏ để phòng thân. Con thuyền xa dần xa dần bờ và chồng chềnh giữa biển khơi mênh mông.

Đến ngày hôm sau, con thuyền cập bến vào một hòn đảo hoang không một bóng người. Quân lính đưa cho gia đình An Tiêm số lương thực chỉ đủ dùng cho 5 ngày, và một chiếc nồi nhỏ để nấu cơm. Sau đó quân lính quay thuyền trở về bờ và bỏ lại gia đình của An Tiêm trên hòn đảo hoang. Nàng Ba, người vợ của An Tiêm bế đứa con nhỏ trên tay, mắt hướng theo chiếc thuyền càng ngày càng khuất dần và mất hẳn. Nàng khóc và sợ, sợ rằng sẽ sống ra sao trên hòn đảo hoang này khi 5 ngày nữa là lượng lương thực sẽ hết và khi đó sẽ không còn gì để ăn, không còn gì để uống.

An Tiêm an ủi vợ và dắt vợ con tìm một hốc đá để ở tạm. Sau đó chàng lên đường với chiếc gươm nhỏ đi xung quanh hòn đảo hoang để thăm dò.

Quả thật hòn đảo này rất hoang vu và không có một bóng người, chắc chưa từng có người nào đặt chân lên hòn đảo. Trên đảo chỉ có chút cây cỏ mọc lơ thơ và vài loài chim biển sinh sống. Chàng tìm kiếm mãi mới tìm được chút quả dại chua chát và chút rau dại để ăn tạm qua ngày.

Kể từ khi đó, hàng ngày An Tiêm đi khắp con đảo tìm những loại rau rừng để trồng, kiếm quả rừng để ăn. Nàng Ba, vợ An Tiêm thì ra biển kiếm ngao kiếm ốc. Đứa con lớn được chàng dạy cho cách làm bẫy bắt chim, nhưng rồi dần dần lũ chim cũng đề phòng nên có những ngày thằng bé không bẫy được con chim nào.

Mặc dù cá rất nhiều nhưng An Tiêm không có lưới để bắt, quả thì cũng có mùa. Chính vì vậy cả gia đình An Tiêm vẫn chủ yếu sống qua ngày đoạn tháng bằng những thứ rau dại mang về trồng trong vườn. Cuộc đời của cả 4 người rất khốn khó và lao đao. Tuy muôn vàn khó nhọc nhưng An Tiêm vẫn nuôi trong mình một hy vọng rồi sẽ có ngày cuộc sống sẽ khấm khá lên.

Một hôm đang trong lúc đi kiếm rau rừng thì An Tiêm thấy một con chim đang ăn một quả gì đó, thấy An Tiêm nó sợ nên đã vội vã bay đi, để lại một miếng mồi đo đỏ. An Tiêm cầm lên xem thì đó là một quả dưa rất lạ chưa từng thấy bao giờ, nó to bằng hai ngón tay người. Chàng nghĩ thầm trong bụng: “Chim ăn được thì chắc người cũng sẽ ăn được”. Chàng nếm thử một chút thì thấy có vị ngọt ngọt rất dịu. Chàng ăn hết miếng dưa cho đỡ khát rồi gom toàn bộ số hạt lại để mang về gieo trồng.

Ít ngày sau, hạt dưa đã trồi mầm đâm lá, thân dây dưa tỏa ra bò khắp một khoảnh vườn. Nàng Ba vợ An Tiêm cũng phụ giúp chồng ngày ngày chăm sóc giống dưa lạ. Vợ chồng An Tiêm hồi hộp trông thấy vài bông hoa đầu hé nở, một thời gian sau hoa kết trái. Lúc đầu quả chỉ bằng ngón tay út nhưng mấy ngày hôm sau nó đã to như con chuột, một thời gian ngắn sau nó đã vổng như con lợn con. Thấy nó cứ lớn cứ lớn nên An Tiêm cũng không rõ khi nào có thể hái quả vì đây là giống dưa lạ chàng chưa thấy bao giờ.

Một sớm tinh mơ, khi đang trong giấc ngủ thì nàng Ba nghe thấy tiếng quạ kêu ngoài vườn. Nàng thấy sự lạ nên đã gọi chồng dậy và bảo:

– Ở đây là nơi hoang vắng, sao lũ quạ lại tụ họp ở đây nhỉ, chắc có chuyện gì ngoài kia, anh ra xem sự thể có chuyện gì!

An Tiêm ra đến vườn thì đàn quạ bay đi, chúng bỏ lại một quả dưa mà chúng đang ăn dở bị mổ thủng lỗ trỗ. An Tiêm thấy vậy bèn lấy dao cắt dưa mang về. Khi bổ dưa ra, cả nhà ngạc nhiên vì màu đỏ tươi của ruột dưa, lẫn trong đó là những hạt đen nhánh như hạt huyền. Bọc ngoài là một lớp vỏ trắng viền xanh. Để cẩn thận vì là giống dưa lạ, An Tiêm cắt thử cho mỗi người một mảnh nhỏ để ăn thử, lũ trẻ ăn xong khen ngợi quả rất ngọt, vị ngọt thanh mát, mùi thơm rất dịu của quả lạ, ăn vào thấy đỡ khát và còn khỏe hẳn ra. Thấy quả ăn được, An Tiêm mạnh dạn bổ nốt số dưa còn lại cho cả nhà ngồi ăn.

Cũng nhờ lũ quạ mà An Tiêm mới biết đến khi nào thì có thể thu hoạch quả, cả nhà mừng rỡ rồng rắn nhau ra vường để hái dưa đem về. Còn lại những qua chưa chín thì cả nhà thay phiên nhau canh quả, tránh cho lũ quạ lại tới ăn.

Với tài năng chăm bón của mình, vườn dưa nhà An Tiêm càng ngày càng sai trái, thịt quả càng thêm dày, vỏ mỏng dần đi, vị ngọt càng thanh và dịu hơn. Cứ mỗi lần hái trái, An Tiêm lại khắc đánh dấu lên quả rồi thả ra biển mong chờ có một ngày có một chiếc thuyền buôn gặp được dưa trôi thì An Tiêm sẽ dùng dưa để đổi lấy thức ăn và lúa gạo.

Quả nhiên, một hôm có một chiếc thuyền buôn đi ngang qua, thấy giống dưa lạ ăn rất ngon. Chủ thuyền ngỏ ý muốn mua dưa đem bán trên đất liền. Kể từ đó, gia đình nhà An Tiêm đã có thêm thức ăn lương thực, cuộc sống cũng đã khấm khá hơn trước kia.

Về phần Vua Hùng, từ ngày đầy cả gia đình An Tiêm ra đảo hoang, vua luôn nghĩ rằng An Tiêm đã chết rồi, đôi khi nghĩ tới vua cũng bùi ngùi thương xót. Cho đến một ngày, được thị thần dâng lên quả dưa lạ, vua ăn thấy rất ngon miệng bèn hỏi xem ai đã trồng ra giống dưa này. Biết được An Tiêm trồng, vua rất vui mừng cho quan lính đem thuyền ra đón cả gia đình An Tiêm trở về nhà. An Tiêm rất mừng rỡ, thu lượm hết những quả dưa chín đem về tặng cho bà con lối xóm. Còn một số quả An Tiêm giữ lại lấy hạt để gieo trồng. Đó chính là nguồn gốc giống dưa hấu mà chúng ta vẫn ăn ngày nay.

Về sau khắp nước ta đều có giống dưa hấu. Nhưng người ta nói chỉ có huyện Nga Sơn là trồng được những quả ngon hơn cả, vì nơi ấy xa là hòn đảo An Tiêm ở, trải qua mấy nghìn năm nước cạn, cát bồi nay đã liền vào với đất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro