Những loại ma quỷ trong văn hóa Nhật Bản
1. Ma vô diện Noppera-Bou (のっぺら坊)
"Noppera-Bou", "ma vô diện" hay "ma không mặt", là một loại ma truyền thống của Nhật Bản. Đôi khi chúng bị nhầm với Mujina, một từ Nhật cổ chỉ loài chồn hoặc lửng. Tuy nhiên, Mujina là loài động vật có khả năng biến thành hình dáng của những vật khác, còn Noppera-Bou thì thường là người. Những con vật này đôi khi cũng biến thành Noppera-Bou để hù dọa con người. Nhà văn Lafcadio Hearn đã dùng tên loài vật này để đặt tựa cho bộ phim về những con quái vật không mặt, có lẽ điều đó đã gây ra những cách dùng từ sai.
Noppera-Bou chủ yếu chỉ dọa dẫm con người, còn ngoài ra thì vô hại. Đầu tiên chúng xuất hiện như những người bình thường, đôi khi lại đóng vai một người giống với nạn nhân, trước khi làm cho nét mặt mình biến mất, để lại một khuôn mặt trống trơn trên một nền da mịn, không mắt, không mũi và không miệng.
Truyền thuyết kể rằng một người đánh cá lười biếng đã quyết định đi câu ở ao hoàng tộc Koi gần cung điện Heiankyo. Mặc cho người vợ cảnh báo rằng cái ao đó nằm trên vùng đất thiêng và gần khu nghĩa địa, người đánh cá vẫn quyết tâm đi. Trên đường đi, anh ta gặp một người đánh cá khác, người này khuyên anh điều tương tự, nhưng anh ta cũng bỏ ngoài tai. Đến nơi, anh gặp một người phụ nữ trẻ, cô gái nài nỉ anh đừng câu cá ở cái ao này. Anh ta lờ cô gái đi, và thật kinh hoàng, cô ta tự tẩy sạch mặt mình. Quá sợ hãi, người đánh cá chạy thục mạng về nhà, anh đã đã đụng phải một người có vẻ như vợ mình, bà ta đánh đập ông vì sự độc ác của ông, sau đó cũng tự tẩy trắng mặt mình.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về Noppera-Bou được Lafcadio Hearn thu thập trong quyển sách của mình: "Kwaidan - Những truyền thuyết và nghiên cứu về những vật thể lạ". Câu chuyện kể về một người đàn ông đi qua Akasaka để tới Edo (tên cũ của Tokyo), anh đã đi ngang qua một người phụ nữ ở một vùng quê hẻo lánh gần đồi Kunizaka, cô đang khóc và tỏ ra tuyệt vọng. Sau khi anh cố gắng an ủi và đề nghị giúp đỡ, người phụ nữ quay mặt về phía anh, làm người đàn ông giật mình kinh hoàng vì khuôn mặt trắng bệch, trống trơn của một con ma không mặt. Hoảng sợ, anh chạy hết sức bình sinh, cho tới khi đi ngang qua một quán mì soba. Dừng lại để nghỉ, người đàn ông kể lại cho chủ quán câu chuyện của mình, nhưng ngay sau đó anh giật mình lùi lạ khi người chủ quán soba vuốt mặt, biến thành một Noppera-Bou.
Những truyền thuyết về Noppera-Bou còn rất nhiều, ví dụ như về một người phụ nữ trẻ được cứu thoát khỏi toán cướp bởi một samurai oai vệ trên lưng ngựa, nhưng anh ta không có mặt, về những người quý tộc đi hẹn hò, để sau đó phát hiện ra cô nàng gái gọi hạng sang mà mình đã chơi bời cùng, là một Noppera-Bou.
Rất nhiều bộ phim có sự góp mặt của Noppera-Bou, trong đó, về hoạt hình, có lẽ nổi tiếng nhất là Pom Poko của Studio Ghibli và Inuyasha. Ngoài ra còn một bộ phim phát hành năm 2005 - The Great Yokai War - Đại chiến Ma Giới.
2. Chó mặt người Jinmenken (人面犬)
Văn hóa dân gian Nhật Bản đầy ắp những sinh vật kỳ bí được cho là có sức mạnh siêu nhiên và lằn ranh giữa sự thật và hoang đường rất mờ nhạt. Những con "chó mặt người" của Nhật Bản là một trường hợp như thế. Chó mặt người - được người Nhật gọi là "Jinmenken" (人面犬 - Nhân Diện Khuyển) - tồn tại từ rất lâu trong văn hóa dân gian nước này, ít nhất từ thời đại Edo (1603 - 1868). Chúng được mô tả như là giống chó lai bẩn thỉu có khuôn mặt giống người đến kỳ lạ. Theo truyền thuyết dân gian, Jinmenken có thể nói chuyện được và khi có ai đến gần thì nó thường bật ra giọng nói yếu ớt: "Xin để cho tôi yên".
Người Nhật Bản tin rằng sự xuất hiện của Jinmenken là điềm báo sắp xảy ra tai nạn hoặc thảm họa. Trong suốt thời kỳ Edo (hay còn gọi là thời kỳ Mạc phủ Tokugawa), những con chó mang khuôn mặt giống người thường được người dân nhìn thấy vào ban đêm. Thậm chí có tin đồn ít nhất một con Jinmenken bị người dân bắt sống được.
Vào thế kỷ XIX, nhà sử học Nhật Bản Ishizuka Hokaishi xuất bản cuốn sách tựa đề "Gaidan Bunbun Shuyo", trong đó đề cập đến một con Jinmenken mà người dân bắt được và con chó kỳ dị được phô bày giữa nơi công cộng đã gây chú ý cho rất nhiều người.
Những câu chuyện về Jinmenken nghe có vẻ hoang đường nhưng nhiều sự chứng kiến cho thấy dường như nó có thật và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Cuối những năm 80 thế kỷ trước, báo cáo về sự xuất hiện của Jinmenken gia tăng rất nhiều. Trong đó các nhân chứng đều mô tả Jinmenken là giống chó có đầu hay mặt người và thường xuất hiện vào ban đêm tại các khu đông người ở.
Một báo cáo cho biết Jinmenken xuất hiện trên đường phố quận Shibuya của Tokyo, một trong những khu dân cư đông đúc và náo nhiệt nhất thế giới. Ngoài ra là các câu chuyện kể Jinmenken săn đuổi những chiếc ô tô trên đường cao tốc giữa đêm khuya. Các nhân chứng mô tả những sinh vật này chạy rất nhanh, có thể đạt tốc độ đến 100 km/h và thường phát ra âm thanh the thé.
Nhiều lời đồn còn thêu dệt rằng ẩn náu trong sinh vật này là linh hồn của các nạn nhân bị tai nạn giao thông, hay Jinmenken thật ra là những con chó bị ma quỷ nhập, thậm chí là một sản phẩm thí nghiệm khoa học thất bại. Theo một giả thuyết khác, Jinmenken thật ra là quái thú hút máu Chupacabra ở Nhật Bản. Một loài khỉ đuôi ngắn của Nhật Bản cũng được cho là Jinmenken. Loài linh trưởng này có mặt khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, nhìn từ xa trông nó khá giống chó. Loài khỉ này có khuôn mặt giống như người và phát ra tiếng kêu khiến người ta lầm tưởng là tiếng người. Khỉ đuôi ngắn Nhật Bản cũng không bị nuôi nhốt trong những khu bảo tồn. Ở nhiều địa phương, giống khỉ này còn bạo gan mò tới những khu dân cư để lục lọi thùng rác nên được nhiều người nhìn thấy và cho đó là Jinmenken.
Vào thời kỳ Edo, người Hà Lan có mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản và thường đưa những động vật ngoại lai thuộc loại hiếm vào nước này. Người ta cũng cho rằng có lẽ có quá nhiều con vật ngoại lai được giới thiệu tại các misemono cho nên dễ xảy ra tình trạng vài con thoát ra ngoài và tưởng lầm là Jinmenken. Trong trường hợp Jinmenken, có lẽ nó cũng không phải là khỉ đuôi ngắn Nhật Bản mà thuộc một loài linh trưởng ngoại lai nào đó.
Dù thế nào đi nữa thì cho đến nay các nhà khoa học vẫn không thể giải thích được hiện tượng Jinmenken. Xu hướng tôn trọng những đường nét con người nơi động vật của người Nhật Bản cũng phần nào giúp phổ biến ý tưởng về chó mặt người. Ngoài Jinmenken, ở Nhật Bản còn có giống cua Heike có gương mặt giống võ sĩ samurai rất rõ nét in trên mai cua. Ngoài ra, trên thế giới cũng xuất hiện con cá chép mặt người rất kỳ lạ.
3. Quái vật Ubume (姑獲鳥)
Đối với những vụ mất tích không lí do, người ta cho rằng là do một con quái vật tên là Ubume (姑獲鳥) bắt đi. Theo các truyền thuyết cổ xưa của Nhật Bản, Ubume là linh hồn của những người phụ nữ chết trong khi sinh con hoặc đang mang thai.
Ubume được mô tả như một giống chim nhưng có thể hóa thành phụ nữ khi lông nó bị ngắt đi. Quái vật này luôn khao khát tìm lại những đứa con đã mất của mình. Mỗi khi chúng bị mất chiếc lông là lúc chúng đi lùng sục khắp nơi để bắt cóc trẻ con.
Một dị bản khác của truyền thuyết này cho rằng Ubume là một người phụ nữ để ngực trần bế em bé. Thường xuyên xuất hiện tại các giao lộ hay cầu cống vắng người, Ubume dụ dỗ người khác giữ hộ con của cô rồi bỏ đi. Bởi tà thuật của quái vật, đứa bé sẽ trở nên ngày một nặng hơn. Để hóa giải cần phải đọc một lời cầu nguyện Phật giáo. Đúng như thế, Ubume sẽ quay lại và cảm ơn họ vì đã đưa con mình trở về thế giới của người sống.
Thêm một câu chuyện khác về quái vật mất con này, dân gian Nhật Bản tin rằng Ubume cố gắng nuôi đứa trẻ sau cái chết của mình. Cô ta làm điều đó bằng cách thường xuyên vào thị trấn mua đồ nhưng số tiền mà người chủ nhận được sẽ biến thành lá khô hay sỏi đá sau khi Ubume rời đi.
4. Bà ngoác miệng Kuchisake-Onna (口裂け女)
Kuchisake-Onna (口裂け女) là người đàn bà miệng bị rạch hay còn gọi là "Khẩu Liệt Nữ" trong thần học Nhật Bản. Họ là những người phụ nữ bị những người chồng hay ghen làm tổn thương và biến thành những linh hồn hiểm độc, bắt người khác tái diễn lại những gì họ phải chịu đựng lúc còn sống.
Truyền thuyết về Kuchisake-Onna được cho là bắt nguồn từ một người phụ nữ trẻ sống hàng trăm năm về trước (một số dị bản cho rằng nó bắt nguồn từ thời kỳ Heian) và là vợ hoặc thiếp của một võ sĩ samurai. Người ta nói rằng cô ta rất xinh đẹp nhưng cũng rất kiêu căng và thường xuyên lừa dối chồng. Một ngày nọ, người võ sĩ phát hiện vợ ngoại tình, cơn ghen lên đến đỉnh điểm, anh ta đã tấn công vợ, vừa rạch miệng bà ra đến tận hai mang tai, vừa thét:
"Giờ thì còn đứa nào cho rằng mày đẹp nữa?"
Truyền thuyết đô thị dựa vào điểm này, kể về một người đàn bà đi lang thang trong đêm (đặc biệt là những đêm đầy sương mù) với khuôn mặt được che kín mạng, cũng không có gì là quá bất thường, vì người ốm cũng thường che mạng để khỏi lây sang người khác. Khi gặp một ai đó (chủ yếu là trẻ con hoặc học sinh), bà ta sẽ bẽn lẽn hỏi:
"Anh nghĩ tôi có xinh đẹp không?"
Nếu người đó nói có, bà ta sẽ bỏ mạng che ra, để lộ cái miệng bị rạch toét và hỏi lại cũng câu hỏi đó. Nạn nhân thường sẽ bỏ chạy và la hét, và Kuchisake-Onna sẽ đuổi theo sau, mang theo một thứ vũ khí sắc nhọn như dao hay lữa hái. Nếu tóm được người đó, là đàn ông thì sẽ bị giết ngay tức khắc, còn nếu là đàn bà sẽ bị biến thành một Kuchisake-Onna khác và bị nguyền rủa sẽ phải nối tiếp nỗi kinh hoàng. Truyền thuyết nói rằng nếu nói có ở câu trả lời thứ hai sẽ làm Kuchisake-Onna cười và để người đó được yên, còn rất nhiều dị bản khác thì nói rằng những Kuchisake-Onna hay ngượng sẽ không làm thế. Cách chắc chắn để thoát, dựa trên tất cả các phiên bản của truyền thuyết, là đánh lạc hướng Kuchisake-Onna bằng cách ném kẹo, hoa quả hoặc một vật gì đó hấp dẫn.
Vào khoảng những năm 2000, truyền kỳ về Khẩu Liệt Nữ được sống lại với câu trả lời của các nạn nhân được thay đổi là "tàm tạm". Với cách thay đổi câu trả lời này sẽ khiến Khẩu Liệt Nữ suy nghĩ phải làm gì với nạn nhân. Nạn nhân có thể bỏ chạy khi bà đang suy nghĩ. Một cách khác để thoát khỏi Khẩu Liệt Nữ là cho bà kẹo cứng, hổ phách. Cách nữa là nói: "Sáp thơm bôi tóc" ba lần (ở một vài biến thể khác là sáu lần). Cách nói này có thể làm bà nao núng, ấp úng và bỏ chạy. Nếu nạn nhân có sáp vuốt tóc thì họ có thể bôi sáp vào sau lưng của bà ta để tránh sự theo đuổi. Tin đồn này bắt nguồn từ việc sáp vuốt tóc có thể làm cho bà gợi nhớ về chất nhựa thơm để phẫu thuật của nha sĩ, thứ mà người tình của bà đã dùng nó để bôi vào miệng bà.
Vào khoảng đầu năm 1979, những lời đồn đại đầy rẫy khắp Nhật Bản về việc có người đã nhìn thấy Kuchisake-Onna đang săn đuổi bọn trẻ (một người phụ nữ trẻ đeo khẩu trang đến gần những học sinh tiểu học trên đường về nhà. Bà ta hỏi chúng: "Ta có xinh không?", sau đó cởi khẩu trang ra để lộ cái miệng bị rạch ngoác rộng đến mang tai. Nếu lũ trẻ trả lời là: "Không xinh!". Chúng sẽ bị giết chết ngay tại chỗ bằng lưỡi hái. Nếu câu trả lời là: "Xinh!". Thì chúng sẽ bị chết ngay khi bước chân vào nhà ở thềm cửa!?! Để tránh bị giết, câu trả lời tốt nhất là: "Thường thôi!". Tuy nhiên, câu chuyện này có lẽ chỉ là trường hợp một người đàn bà tâm thần tấn công trẻ con nơi công cộng, mặc dù chưa được thừa nhận.
Người ta đồn rằng Khẩu Liệt Nữ mặc một bộ quần áo trắng dính máu, và bà có thể chạy 10.000 mét trong vòng 6 phút, thậm chí còn có thể chạy vượt xa xe của cảnh sát!?!
Bà là nỗi sợ hãi của các học sinh tiểu học và trung học khắp nước Nhật đến nỗi mà tại Kouriyashima và Hiratsukashi, xe cảnh sát luôn đi tuần tra. Ở Tokyo, bà bị công bố rộng rãi là "một vật bị canh chừng", và ở Hokkaido lạnh giá, có nhiều vụ nghỉ học tập thể của học sinh.
Vào tháng 10 năm 2007. Một nhân viên điều tra những vụ chết bất thường đã tìm những ghi chép cũ liên quan đến Khẩu Liệt Nữ cuối thập niên 70 về một người đàn bà đuổi theo bọn trẻ và đã bị một chiếc ô tô đâm chết ngay sau đó. Miệng bà này bị rách toạch đến tận mang tai. Và người ta tin rằng bà ta đã làm xôn xao dư luận vào khoảng thời gian đó.
5. Ma cổ dài Rokurokkubi (ろくろ首)
Một thiếu nữ xinh đẹp ngồi một mình dưới ánh trăng thanh và khiến bạn say đắm ngắm nhìn. Nhưng bỗng... bạn sửng sốt - mình hoa mắt ư? - rõ ràng cổ cô ta đang dài ra... Và bạn bắt đầu nhận ra mối nguy hiểm... Cô nàng cổ dài đó chính là một con ma truyền thống của Nhật Bản có tên Rokurokkubi (ろくろ首).
Rokurokkubi có ở khắp mọi nơi, nhất là những thành phố xa hoa và ăn chơi. Năng lực đặc biệt duy nhất của nó là kéo dài cổ chứ không thể gây hại cho con người. Ban ngày, Rokurokkubi trông không khác gì những cư dân bình thường, nhưng vào ban đêm, chúng được tiếp thêm sức mạnh và có thể làm cho cổ dài ra đến mức kinh ngạc. Chúng cũng có khả năng biến khuôn mặt thành những Oni đáng sợ (quỷ của Nhật Bản) để tăng thêm sự khủng khiếp của mình. Trong hình dạng con người ban ngày, Rokurokkubi sống rất bình thường, không mấy ai phát hiện ra được chúng, thậm chí chúng còn có thể lập gia đình với con người. Rất nhiều Rokurokkubi trở nên quen với cuộc sống mà chúng phải chịu những nỗi đau lớn lao để che giấu bí mật về hình dạng thật của mình. Tuy nhiên, về bản chất chúng là những kẻ chuyên đi lừa gạt, và chúng không thể kiềm chế được cái ham muốn do thám con người và làm họ hoảng sợ. Vì vậy một số Rokurokkubi chỉ cần hiện nguyên hình trước những kẻ say, những gã khờ, những tên đang ngái ngủ hoặc những người mù để thỏa mãn ham muốn của mình. Số Rokurokkubi khác thì lại không kiềm chế đến mức đó, chúng cứ thả phanh đi dọa nạt con người. Chúng ta chẳng có cách nào tránh được Rokurokkubi ngoài việc chịu đựng và chờ đợi cô nàng đi dọa kẻ khác.
6. Thủy quái Kappa (河童)
Kappa (河童 - Hà Đồng) còn được gọi là Kawako (川子 - Xuyên Tử - đứa con của sông), Suiko (Hổ Nước), Kawa wappa hay Gataro, là một loại thủy quái trong truyền thuyết Nhật Bản.
Kappa cao cỡ một đứa trẻ bốn hoặc năm tuổi, nặng khoảng 20 cân, có hình dáng giống khỉ hoặc ếch hơn là giống người. Điểm đặc trưng của loài thủy quái này là có một cái đĩa nước trên đầu, chừng nào cái đĩa còn đầy nước thì Kappa còn sức mạnh. Ngoài ra Kappa có mũi khoằm, mắt tròn, bốn chi năm ngón có màng, bụng có túi để chứa đồ và có thể thay đổi màu sắc tùy theo môi trường, nhưng chủ yếu có màu xanh xám.
Kappa là thủy quái song lại có thể sống cả ở trên cạn lẫn dưới nước. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ưa thích cuộc sống ẩm ướt ở các sông, hồ, ao, kênh đào. Chúng là loài bơi cực giỏi, lặn rất sâu, hình ảnh chúng ăn sâu vào tâm thức người Nhật đến nỗi những ai bơi giỏi sẽ được ví "bơi giỏi như Kappa" hay nếu chẳng may bơi giỏi mà chết đuối thì sẽ là "Kappa-no-kawa-nagare" nghĩa là "Đến Kappa còn chết đuối". Khẩu vị của Kappa khá lạ: chúng thích ăn trứng, táo, dưa chuột và gan người nữa. Những con Kappa giao tiếp với nhau bằng những tiếng quắc quắc.
Kappa nổi tiếng bởi hành vi và tính cách trẻ con hiếm có của loài quái thú này. Trong văn hóa Nhật Bản, Kappa là kẻ gây ra vô cùng nhiều rắc rối. Chúng cư xử như những đứa trẻ: nếu trêu chọc chúng, chúng sẽ khóc òa lên còn ngược lại nếu đối xử tốt, đôi khi chúng lại giúp đỡ con người. Song có rất ít trường hợp này xảy ra bởi cơ bản Kappa là kẻ đầu têu những trò phá rối đáng sợ. Chúng rất thích dọa và bắt cóc trẻ con, tốc váy kimono của phụ nữ, kéo chân nhiều người xuống nước. Đến tận hôm nay, nhiều trẻ em khi đi tắm sông, ao, hồ thường có thói quen vứt một quả dưa chuột xuống nước với mong muốn là Kappa sẽ không làm phiền mà trêu chọc hay bắt cóc chúng.
Hình ảnh đáng sợ của Kappa đã ăn sâu vào văn hóa người Nhật Bản. Năm 1910, một cuốn sách nổi tiếng đề cập đến Kappa và bản tính hung hăng của nó có tên Tōno Monogatari (遠野物語 - Huyền thoại vùng đất Tono) đã ra đời mà tác giả là nhà văn hóa dân gian Yanagida Kunio. Từ đó, vùng hồ Tono luôn là một điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách, nhất là những người tin vào truyền thuyết và mong muốn được nhìn Kappa bằng xương bằng thịt một lần trong đời.
7. Ma ô Karakasa Kozō (唐傘小僧)
Karakasa Kozō (唐傘小僧) dịch ra nghĩa là "thằng nhãi dù nan tre", ngoài ra Karakasa còn có nghĩa là "ô Trung Quốc". Yêu quái này ở mỗi địa phương còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Karakasa Obake, Kasa Obake, Kasabake và đều có nghĩa chung là "ma ô".
Karakasa là một dạng ma Nhật Bản bắt nguồn từ những đồ vật đạt đến ngưỡng 100 năm tuổi và thu hút được sinh khí. Karakasa nói riêng là hồn ma của những chiếc ô trăm năm tuổi. Những chiếc ô này thường được bồi bằng giấy dầu. Đặc điểm của chúng là có một mắt, một cái lưỡi dài đỏ lòm thè ra từ cái mồm há ngoác, và chỉ có một chân, thông thường là đi geta.
Đặc điểm của chúng là không gây hại cho con người mà chỉ nhảy nhót trong nhà khi trời tối, khi gặp người thì thè cái lưỡi đỏ ra hù dọa. Vì vậy, Karakasa Kozō được xếp vào loại không nguy hiểm trong hàng ngũ yêu quái.
Tuy vậy, tại thành phố Mizukuchi (tỉnh Tottori), lại có một ngoại lệ. Ở đây, người ta đồn thổi về câu chuyện một con ma kỳ lạ có hình dạng khá giống như Karakasa Kozō. Sở thích của loài này là mỗi khi gió to, nó sẽ thổi tung người từ dưới đất lên cao.
Theo truyền thuyết, Karakasa còn là một kẻ chuyên đi lừa gạt và rất thích dọa nạt con người. Tuy nhiên, chúng cũng rất thích chơi đùa. Chúng sẽ rất hạnh phúc khi được chơi với bất cứ ai, đặc biệt là những người có vẻ ngoài trẻ con. Karakasa còn có sở thích bay lượn lòng vòng trong những ngày trời mưa.
Lần xuất hiện đầu tiên của Karakasa trong tranh cuộn "Hyakkai Zukan" (百怪圖巻 - Trăm quỷ đi đêm) của họa sĩ Kano Motonobu từ thời Muromachi (khoảng 1336 - 1573). Trong cuộn tranh này, tác giả đã vẽ nên nhiều yêu quái khác nhau vốn là do đồ vật hóa thành. Nhưng từ thời Edo (1603-1868) trở đi, trong số này chỉ còn mỗi Karakasa Kozō là yêu quái được nhiều người biết đến.
Sau Thế chiến II, Karakasa Kozō trở thành yêu quái nổi tiếng đến độ thường hay xuất hiện trong các bức vẽ nghệch ngoạc trên tường của trẻ em và trở thành nhân vật tiêu biểu của các bức tranh ma, hay ngôi nhà ma. Thế nhưng không có một tài liệu dân gian nào ghi chép về loại yêu quái này. Các bức tranh vẽ Karakasa Kozō cũng chỉ có hình chứ không kèm theo một lời giải thích nào.
Mặc dù là ma nhưng vẻ ngoài có phần "ngốc nghếch" của Karakasa (lưỡi lúc nào cũng thè lè) và bản tính thích vui đùa khiến đôi khi người ta không sợ mà còn có cảm tình với nó nữa. Bằng chứng là đồ chơi Karakasa xuất hiện rất nhiều ở Nhật Bản, thậm chí tay chân còn có cả khớp nối để cử động nữa.
Và cũng giống như nhiều yêu quái khác, Karakasa cũng được người Nhật tổ chức một lễ hội riêng. Lễ hội Karakasa thường được tổ chức vào mùa hè, ở đó người ta bắn pháo hóa, mặc đồ truyền thống nhảy múa, ngoài ra còn có các gian hàng trò chơi dân gian và ẩm thực truyền thống.
8. Ma chết đuối Funayūrei (船幽霊)
Trong văn hóa dân gian của người Nhật Bản, Funayūrei (船幽霊 - Thuyền U Linh) được cho là những linh hồn của những người chết đuối trong vụ đắm tàu. Vì quá oan ức nên họ quyết ở lại nhân gian với mục đích tạo ra nhiều người chết như mình.
Mỗi địa phương ở Nhật Bản lại có cách mô tả về Funayūrei khác nhau. Có vùng, chúng được mô tả là những bóng ma lướt trên mặt biển, nơi khác lại cho rằng Funayūrei chính là thủy thủ trên một chiếc tàu ma, có khu vực lại nói về Funayūrei như ma quỷ bơi trên sông hay đầm lầy.
Funayūrei thường xuất hiện trong đêm trăng tròn hay vào những ngày mưa gió. Khi chúng xuất hiện thường mang theo tiếng kêu ai oán và những ánh sáng kỳ lạ. Cách phổ biến nhất mà Funayūrei sử dụng để làm đắm một con thuyền là lại gần và hỏi mượn thủy thủ đoàn một chiếc thùng múc nước. Nếu thủy thủ đoàn dại dột ném chiếc thùng cho Funayūrei, chúng sẽ múc nước và đổ đầy lên chiếc thuyền tội nghiệp với tốc độ kinh hoàng. Chẳng mấy chốc, con thuyền nhanh chóng đầy nước và chìm xuống đáy biển sâu. Cách để thoát khỏi sự tấn công ghê rợn này của Funayūrei là ném một nắm cơm xuống biển hoặc đưa cho Funayūrei một cái thùng không đáy.
Một số địa phương còn mô tả Funayūrei như những ma quỷ vô cùng khôn ngoan. Vào những buổi tối nhiều sương mù, Funayūrei tìm cách lái những con tàu đâm vào vách đá, hoặc không, tự chúng biến thành một chiếc thuyền lao về phía thuyền của nạn nhân. Những người yếu tim sẽ giật mình, cố gắng tránh nhưng lại vô tình lao vào một rạn san hô nguy hiểm.
Ngoài ra, trong một số tài liệu đề cập việc Funayūrei đốt lửa trên vùng biển nhiều đá ngầm để gây hiểu lầm cho những con thuyền. Các ngư dân sẽ nhầm tưởng phía trước là đất liền và lái thuyền đi vào vùng biển nguy hiểm đó.
Funayūrei hung hãn như vậy nên ngư dân Nhật Bản rất sợ con ma này. Họ nghĩ ra các tục lệ để tránh, hay cầu xin bọn ma ác độc này bỏ qua. Ngư dân một số vùng còn quan niệm sương mù chính là dấu hiệu của Funayūrei, vào những ngày quá mịt mù họ sẽ ở nhà hay thay đổi hải trình theo hướng an toàn hơn.
Nếu đang trên biển khơi mà gặp thời tiết xấu, những ngư dân sẽ thắp hương, làm lễ, ném xuống biển gạo cúng, tiền giấy... để "hối lộ" các Funayūrei. Ở mỗi vùng, người ta còn có thêm những quy định về lễ vật ném xuống biển cho Funayūrei. Ở tỉnh Kochi, lễ vật sẽ là tàn hương và 49 chiếc bánh gạo, những nơi khác là đậu, tại Nagasaki là thảm dệt, tro và củi đốt.
Không chỉ là một con ma trong những câu chuyện dân gian, Funayūrei còn xuất hiện trong nhiều câu chuyện mang hơi hướng lịch sử.
Vào năm 1185, sau trận hải chiến Dan no Ura khiến gia tộc Taira bị tận diệt, những người đi qua eo biển Shimonoseki thường nghe thấy những âm thanh ai oán. Một số ngư dân còn bắt gặp hình ảnh người võ sĩ mặc giáp sắt bơi trên biển và luôn miệng kêu: "Cho tôi mượn chiếc thùng". Người dân vô cùng sợ hãi, họ không dám đi qua vùng biển này hay nếu có đi cũng mang trên thuyền nhiều lễ vật. Sự hỗn loạn chỉ chấm dứt khi xuất hiện một nhà sư dùng phép để siêu thoát cho những linh hồn tử sĩ trên vùng biển Shimonoseki.
Ngày 26/9/1954, một vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng đã xảy ra với con tàu Tōya Maru trên eo biển Tsugaru, khiến 1.153 người thiệt mạng. Khi xem xét chiếc thuyền gặp nạn, các chuyên gia phát hiện nhiều vết hình bàn tay lạ in trên chân vịt của con tàu. Từ đây, những tin đồn kể về việc các nạn nhân trong vụ tai nạn đã biến thành Funayūrei và cào móng vuốt vào chân vịt. Một thời gian ngắn sau trên đảo Hokkaido lại xuất hiện tin đồn vào lúc nửa đêm một phụ nữ sẽ xuất hiện bên bờ biển, toàn thân ướt đẫm và miệng luôn lầm bầm chữ "Tōya Maru".
Ngoài ra trong năm 1969, ở vùng biển Kanagawa không ít người đã quan sát thấy một vài người có làn da màu trắng bơi lội trong đêm ở vùng biển ven bờ. Nhiều ngư dân khi đi tàu đã nghe thấy một giọng nói rùng rợn: "Hãy cho tôi mượn cái thùng". Đáng sợ hơn, cách đó không lâu, một chiếc du thuyền đã bị chìm và làm chết nhiều người vô tội. Tất nhiên, bí ẩn về các sinh vật được cho là "hồn ma" này vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có bằng chứng nghiên cứu nào cho thấy đây là ma quỷ, hay chỉ đơn giản là tai nạn do chính con người gây ra.
9. Quỷ hai miệng Futakuchi-Onna (二口女)
"Ngày xửa ngày xưa, tại một làng nhỏ có một kẻ hà tiện sinh sống, vì không thể chịu phải tốn tiền để nuôi một người vợ nên lão sống hoàn toàn cô độc. Một ngày, lão gặp một người phụ nữ không ăn gì cả, và ngay lập tức lấy làm vợ. Bởi vì cô gái chẳng bao giờ ăn gì mà vẫn tần tảo làm lụng, lão già hà tiện cực kì sung sướng, nhưng mặt khác lão bắt đầu tự hỏi vì sao các kho thóc của mình lại đang giảm đi nhanh chóng.
Một ngày, lão giả vờ ra khỏi ra đi làm, nhưng thay vào đó lại trốn vào phía sau để do xét người vợ mới. Trong nỗi khiếp sợ, lão nhìn thấy tóc của vợ mình rẽ ra ở phía sau đầu, xương sọ tách rộng để lộ một cái miệng há ngoác. Cô ta cởi tóc, những lọn tóc với ra như những xúc tu để lấy gạo và đưa chúng vào cái miệng háu đói."
Những người đàn bà như câu chuyện trên được gọi là Futakuchi-Onna (二口女 - Nhị Khẩu Nữ - người đàn bà hai miệng), là một loại yêu quái hay ma quỷ của Nhật Bản. Chúng có đặc điểm là có hai miệng - một cái bình thường ở trên mặt và cái thứ hai ở sau đầu, dưới lớp tóc. Tại đó, xương sọ của người đàn bà này tách ra hình thành môi, răng và một cái lưỡi, tạo thành một cái miệng thứ hai với đầy đủ chức năng.
Mặc dù có một số câu chuyện liên hệ sự xuất hiện cái miệng thứ hai của Futakuchi-Onna với những nguyên nhân khác nhau, nhưng nó được liên hệ nhiều nhất với việc phụ nữ ăn ít đến mức nào. Một người sắp trở thành Futakuchi-Onna thường là vợ của một kẻ keo kiệt và hiếm khi ăn. Để chống lại việc này, một cái miệng thứ hai xuất hiện một cách bí ẩn phía sau đầu của người phụ nữ. Cái miệng thứ hai thường lầm bầm những lời đầy hằn học và hăm dọa với người phụ nữ và đòi thức ăn. Nếu không được cho ăn, nó có thể rít lên đầy tục tĩu và tạo ra cho người phụ nữ cơn đau khủng khiếp. Cuối cùng, tóc của người phụ nữ bắt đầu chuyển động như một cặp rắn, cho phép cái miệng dùng những bữa ăn của người phụ nữ.
Một Futakuchi-Onna cũng thường được coi như một người đàn bà để mặc con riêng của chồng chết vì đói trong khi vẫn nuôi con mình no đủ. Có lẽ linh hồn đứa trẻ bị bỏ rơi đã ám trong cơ thể mẹ ghẻ để trả thù. Trong một câu chuyện khác, cái miệng thứ hai được tạo ra khi một trong những người đàn bà keo kiệt này bị rìu của chồng mình đập vào đầu khi ông ta đang chẻ củi, và vết thương không bao giờ lành.
Trong thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản, câu chuyện về Futakuchi-Onna cùng loại với Rokurokkubi, Kuchisake-Onna và Yama-Uba, đều là những phụ nữ phải chịu đựng những lời nguyền rủa và những căn bệnh dị thường, khiến họ hóa thành yêu quái. Sự dị thường của những người phụ nữ trong những câu chuyện này thường được giấu cho đến phút cuối cùng, khi bản chất thật được bộc lộ.
10. Búp bê mọc tóc Okiku (お菊人形)
Búp bê Okiku được đặt tên theo người chủ sở hữu cuối cùng. Truyền thuyết kể rằng một cậu bé đã mua tặng con búp bê này cho cô em gái của mình, cô bé Okiku khi mới 2 tuổi. Okiku rất thích coi búp bê giống như một người bạn, luôn gắn bó với nó. Tuy nhiên thảm kịch đã xảy ra: cô bé Okiku mất vì bạo bệnh.
Gia đình Okiku giữ lại con búp bê, tuy nhiên một thời gian sau họ nhận thấy mái tóc của nó dường như đanng mọc dài ra. Một thầy phù thủy nhận định linh hồn cô bé không thể siêu thoát và đã nhập vào thứ gắn bó nhất với mình.
Năm 1938, gia đình quyết định giao búp bê cho nhà chùa. Búp bê Okiku hiện vẫn được trưng bày tại đền Mannenji thuộc thành phố Iwamizawa, tỉnh Hokkaido. Con búp bê khá lớn, dài khoảng 40 cm, mặc kimono truyền thống của Nhật Bản và mái tóc vẫn đang mọc tiếp.
Khi mới xuất hiện tại đền Mannenji, búp bê Okiku có bộ tóc trụi lủi, nhưng qua nhiều năm mái tóc đã dài ra đáng kể - khoảng 25 cm và vẫn đang phát triển dù được tỉa tót hàng năm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro