Chương 5. Gia đình lạ lùng
Chương 5. Gia đình lạ lùng
Thật ra, ba năm ở nhà bá hộ Trần, Duyên có rất nhiều thắc mắc, nhưng thị luôn giấu kín trong lòng. Nhà họ Trần này cũng hơi trái khoáy, các cụ không để ý đến cậu Hòa, các cụ thích cô Minh và cậu Hải hơn. Dẫu rằng cậu Hòa là cậu cả, nhưng hình như các cụ chẳng đặt lắm kỳ vọng làm gì.
Nếu như cậu Hòa không phải con ruột của vợ chồng nhà bá hộ, thị còn hiểu được, nhưng đằng này thị từng nghe mẹ mình kể rõ hồi còn làm hàng xóm với họ, bà bá hộ mang cậu nặng nhọc như nào, sinh cậu ra bao nhiêu yêu thương. Hay vì yêu quá mà dung túng buông tuồng cho cậu toàn làm càn? Đến khi cậu lớn, đổ đốn rồi, ông bà bá hộ mới đành kỳ vọng vào hai đứa con thứ nhiều hơn?
Mà không chỉ ông bà bá hộ lạ lùng, ngay cả cô Lệ cũng thế.
Thật, Duyên không biết mình có đắc tội gì với cô Lệ hay không, mà cho dù trên dưới trong nhà bá hộ tuy có kẻ khinh, người ghét nhưng chưa có ai lại lạnh lùng cùng cay nghiệt với Duyên như Lệ. Dẫu cho sự cay nghiệt đấy không bao giờ để kẻ khác nhìn ra.
Cái ác cảm của cô Lệ sâu đến mức khiến cho Duyên tự hỏi mình và cô nợ nần gì nhau hay không? Lúc hỏi ra thì biết thêm phần đời của cô Lệ. Quả cũng bi thương. Đều là trẻ mồ côi, côi cút giữa những điều tiếng gia tộc, tại sao lại phải căm ghét nhau?
Nhưng, cái sự ghét của cô Lệ khéo giấu dưới những sự yêu thương đến mức Duyên ngẩn người. Không biết cô nghe từ ai việc Duyên không ăn được lạc, lại làm một cái bánh bột lọc đầy lạc cho Duyên.
Hôm đấy ở trong sân chỗ cậu Hòa, hai người mang rượu ra thưởng trăng ngắm hoa. Còn có mấy món ăn được bưng lên nữa. Cô Lệ vui vẻ vẫy Duyên lại gần, rồi kéo thị ngồi xuống cùng cô. Ân cần bóc mấy cái bánh bột lọc rồi để vào bát cho Duyên rồi ngọt giọng.
"Em ăn đi!"
Ăn? Duyên ngơ ngác.
"Bẩm cô, em không ăn được lạc ạ." Duyên lắc đầu.
"Cô cho em cứ ăn đi, đừng ngại." lúc này cậu Hòa lên tiếng.
Cả hai người khuyên mãi, Duyên ăn một miếng rồi tính nhả lạc ra, nhưng trước cái nhìn chăm chú của cô Lệ và cậu Hòa, Duyên đành lặng lẽ nuốt xuống. Đêm hôm ấy, Duyên mê man phát sốt.
Đó là lần đầu tiên. Giả như một hai lần còn là vô tình. Nhưng mười mấy lần vu oan, chắc chẳng phải là tình cờ đâu nhỉ. Tỉ như một sớm, cô Lệ lu loa mất chiếc trâm gỗ lúc ở cùng Duyên, hành thị đến khổ để minh oan cho bản thân mình.
Chuyện hôm đó thế nào ấy nhỉ? Hình như là buổi sớm, cậu Hòa cùng Duyên đang chuẩn bị lên huyện chơi thì thấy cô Lệ mắt đỏ hoe, đi đâu có vẻ vội lắm! Cậu Hòa gọi giật cô Lệ lại, hỏi rõ nguyên nhân sự tình. Cô Lệ lắc đầu, tay xua xua.
"Cậu cứ đi công chuyện, chị đi tìm chiếc trâm. Không biết hôm qua đi đâu mà rơi mất rồi."
Duyên đứng bên cố gắng nén xuống tiếng thở dài. Cô Lệ càng đuổi, cậu càng xoắn xít hơn thôi. Cậu Hòa nhất định ở lại, sau đó hỏi xem hôm qua cô Lệ có gặp ai không, lần cuối nhìn thấy nó vào lúc nào. Vòng vo một hồi quay về việc hôm qua cô xuống bếp làm cơm, vấn tóc cho chắc rồi không biết có để cây trâm ở đâu không. Dưới bếp hôm qua chỉ mình Lệ và Duyên.
Ơ, không phải nghi ngờ mình đấy chứ? Cây trâm gỗ thì có gì để mà cướp đâu? Nào ngờ cô Lệ nhìn thị một ánh nhìn rất nhanh, nhưng đủ lâu để cậu Hòa quay ánh nhìn nghi hoặc sang thị. Ối mẹ, quả nhiên là gài để nghi ngờ thị thật.
"Để em tìm thử xem ạ!" thị Duyên lật đật nhấc vạt áo lên rồi rút trong đai lưng ra chiếc túi đựng bạc của cậu cả Hòa. Móc hẳn ra rồi đổ vào lòng bàn tay mình, toàn bạc vụn lóa mắt chứ làm gì có chiếc trâm nào.
"Tôi đâu có nghi ngờ em đâu!" cô Lệ mỉm cười, thị Duyên cũng vâng dạ đáp lại.
Nếu như thật sự không nghi ngờ, cô Lệ hẳn đã ngăn cản thị từ lúc thị vén vạt áo lên cơ. Nhưng thị giấu suy nghĩ của mình qua cái cúi đầu thật thấp. Nhưng đáng tiếc, có người nhất định không tha cho thị. Cậu cả Hòa chẳng hạn. Thế là hôm đó, thị phải đi tìm cây trâm cho cô Lệ. Thị phải đi nhà trên nhà dưới, cầm theo cuốn sổ gõ cửa từng phòng gia nhân để hỏi, ai ai cũng đành dở việc dở tay mà dẫn thị đi tìm. Có khi còn phải lội ra tận đồng, hỏi từng người trên đồng xem có thấy cây trâm gỗ đâu không. Cũng may, người ta tuy khó chịu cũng không đến mức đánh thị, chỉ gắt gỏng đuổi thị đi.
Nguyên ngày vật lộn, đến chiều tối, con hầu của cô Lệ mới bảo tìm thấy cây trâm trong chậu quần áo.
Thị Duyên nén tiếng thở dài, chỉ biết cười ngọt nhạt "Trộm vía, em lại tưởng mất thì phải tội. Nghe nói cái này là kỷ vật của cụ nhà cô lúc sinh thời, giờ tìm được rồi cũng an ủi cô phần nào." Một câu nói nghe không ra kẽ hở, nhưng lại đậm mùi châm chọc trêu đùa. Rõ ràng là kỷ vật của cha mẹ cũng dám lấy ra làm trò đùa để hành hạ. Thị Duyên càng lúc càng nhận ra địch ý bất tận của cô Lệ.
Đáng lẽ thị không nên tận tâm như thế. Mà thôi, phải tận tâm, tận tâm cho người ta xem, kẻo lại mang tiếng ra.
Đến một ngày nọ, Duyên bắt đầu không biết phải làm thế nào khi cô Lệ nhắm vào mình ngày càng cay nghiệt. Đó là trong buổi sinh thần của cậu Hòa. Thị Duyên đến vời cô lên nhà chính để chung vui. Nào có ngờ, lúc vừa mở cửa ra, cô lăn đùng xuống đất, chả hiểu để làm gì!
Ơ, cô ơi cô ngã thế có đau không ạ?
Thị suýt hỏi cô Lệ như vậy nhưng mà lại ngẫm đến phận mình, liền tứa mồ hôi hớt hải hỏi.
"Cô ơi, cô sao thế ạ?"
Cô chả sao cả, thị biết thừa. Cô chỉ cố gắng tìm cách khiến thị khổ thôi. Tự dưng đang yên đang lành nhắc đến sinh nhật cậu thì cô lăn đùng ra giãy giụa. Mà có mình thị ở đó thì thị phải hầu chứ làm sao. Nâng Lệ lên giường, thị nhanh chóng về lại nhà chính bẩm báo. Thấy thế, cậu cả Hòa tuy có sốt sắng nhưng trước cái nhìn dòm ngó của song thân, cậu chỉ phất tay cho Duyên đi chăm cô Lệ.
Trước khi đi, còn ghì thật chặt cổ tay của con bé đến khi nó thốn đau mà dặn dò.
"Chăm cô cho cẩn thận! Cô mà làm sao, tôi không chắc sẽ làm gì em đâu!" còn là tôi em, vẫn còn lưu tình.
Duyên ra chiều vâng dạ, đến lúc khuất bóng cậu, thị chỉ chẹp miệng, nhép môi một cách rất lạnh nhạt mà thôi.
Lúc chăm cô nghỉ trên giường, khi cô mở mắt, câu đầu tiên Duyên hỏi lại là.
"Hay em xin đi khỏi nhà bá hộ cho cô đỡ ghen nhé!" Duyên nói vậy.
Thì cậu Hòa cũng tỏ vẻ chiều con hầu là thị thật. Mua cho áo lụa, mua cho hài vải, mua cho khăn vấn, đôi lúc còn tùy hứng cho thị mấy miếng trang sức xinh xinh tuy chẳng đáng tiền. Thị vui vẻ nhận nhưng chẳng bao giờ mang, cũng cất hết vào trong tủ, chưa từng nhìn lại. Bởi thị biết cậu cứ bày ra như thể cậu yêu chiều con bé lắm nhưng cũng là cất giấu cảm tình của mình cho người con gái yếu ớt trên chõng này.
Cô Lệ chỏi tay ngồi dậy, cười đến là hiền từ.
"Sao em lại nghĩ tôi ghen vậy?"
Duyên ngẩn người. Còn vì sao, không phải cô ghen nên mới năm lần bảy lượt làm khó thị sao. Thị đã lật bài cho cô xem. Hay là cô chưa muốn lật bài? Hóa ra ván tam cúc này cũng chưa ra quân được sao? Hay là do Duyên suy nghĩ lắm điều quá nhỉ? Hay là do cô chẳng qua chỉ ngứa mắt Duyên thôi nhỉ, vì trông Duyên cũng có chút sắc gọi là...
Duyên bối rối, tính di mũi giày nhưng nhớ ra ở cái xứ này, chỉ có người có tiền mới đi giày, bọn phận hầu hay bần nông đều chân đất mà đi. Duyên cười ngọt.
"Dạ, em tưởng cô ghét em."
"Sao tôi lại ghét em cơ?" chất giọng cao hơn của Lệ thể hiện rõ sự ngạc nhiên tất lẽ.
Duyên lại càng khó hiểu. Thị nhìn cô ngồi trên giường, một thân yếu ớt. Cuối cùng đành thở hắt ra một hơi.
"Cô thứ cho em, mấy nay em đều bị cậu cả bắt lao lực quá ạ! Em không tìm được ai để đổ lỗi nên mới đâm ra oán cô." Duyên cúi thật sâu, sau đó mới bưng chén nước cho Lệ.
"Chắc tại vụ chiếc trâm khiến em nghĩ nhiều đúng không?" Lệ vuốt ve cổ tay mảnh khảnh của mình.
Duyên lắc đầu. Không phải nghĩ nhiều vì vụ chiếc trâm, mà có nhiều vụ như chiếc trâm nên mới nghĩ!
Trong trí nhớ của thị, ba năm qua ngoài phiền não còn có bực bội. Thị nào dám quên ơn trên của cô Lệ mỗi lần gây sự khiến Duyên chật vật thân mình. Chẳng nhẽ lại lấy cuốn sổ nợ ra ghi từ những điều nhỏ nhặt nhất?
Sáu tháng đầu tiên sau ở phủ của ông bà bá hộ Trần, đời sống của Duyên chỉ có phiền nhiễu bởi mỗi cậu cả Hòa mà thôi. Nửa năm sau đó có thêm cô Lệ. Phân đoạn một năm sau thì khỏi nói, cả nhà trên nhà dưới thi thoảng cứ phải hỏi cô "Duyên này, mày gây tội gì với cậu Hòa, cô Lệ à?". Thị mà biết thì đã chẳng ngồi đây đoán già đoán non làm cái gì.
Thị còn nhớ lần đầu tiên cảm thấy ác ý của cô Lệ là vào bữa ăn giới thiệu thị là con hầu của cậu cả. Sau đó, hừm, hình như bắt đầu từ tháng thứ bảy, khi cô Lệ nhờ thị thêu cho cô đôi hài bằng chỉ bạc.
Lúc nhận được lệnh, Duyên còn ngây người. Thị bôi tay vào vạt váy, vội vã đứng lên hỏi lại cô Lệ.
"Cô nhờ em thêu giày ạ?"
"Ừ, cô nghe nói em thêu khéo lắm!"
Thế là ròng rã một tháng trời, đêm nào Duyên cũng thức đến giờ sửu mới đi ngủ chỉ để vừa học thêu giày rồi sau đó quay sang thêu cho cô. Cũng may thị lanh lẹ, tay chân cũng khéo léo nên học nhanh, rồi thêu quen tay liền kính cô đôi giày chỉ bạc.
"Sắp đến Tết nên cô sắm đôi giày chỉ bạc ạ?" thị không ngăn nổi miệng mình, lúc đem giày đến cho cô lỡ hỏi một câu.
"À, cô dùng giày cho việc khác!"
Việc khác chính là kính giày cho bà bá hộ trong ngày mừng thọ bốn mươi của bà. Đáng tiếc, hôm đó cô bị ốm, lại nằm ở phòng, chỉ dám nhờ người mang quà đến biếu. Nói mấy câu "tấm lòng", lúc giở tấm vải phủ ra, nhìn thấy đôi giày, bất chợt cả nhà như câm lặng, kể cả Duyên. Bà bá hộ ngắm nghía đường thêu, sau đó chỉ cười nhạt.
Đến khi tiệc tàn, bà mới hỏi giày này ai thêu. Duyên mới run rẩy đứng ra nhận là mình thêu, cô Lệ lúc này chẳng hiểu sao đột nhiên khỏe lại, cũng tới nói mấy câu.
"Bẩm bà, là con nhờ Duyên thêu ạ!"
"Có biết nhà ta chỉ tặng giày cho người đã khuất không?" bà cười cười, nụ cười như đêm đông, rét lạnh, thét gào.
Nghe đến đây, cả hai lập tức quỳ xuống tái mặt lạy.
"Lệ không biết ta không nói, chẳng ai đi nói những chuyện này cho con cả, nhưng Duyên, mày đã được dạy từ khi làm hầu cậu rồi cơ mà, sao không cản cô!"
Duyên biết có lệ này, nhưng không hề biết cô Lệ định tặng mừng thọ cho bà bá hộ. Nếu nó biết... thôi, bỏ đi, đến nước này chỉ còn cách dập đầu xin tha.
Ngày hôm đó, cô Lệ vì ốm yếu nên mới được tha về phòng nghỉ, còn Duyên, đương nhiên chân đất ngâm nước lạnh đứng từ đó đến sáng hôm sau. Đó là ngày đông, gió rét thét gào.
Lúc lết được về phòng, thị cũng chẳng chống đỡ được mà lịm đi.
Nhưng trời sinh voi, sinh cỏ nên sinh Duyên sinh Lệ. Thị không chết được. Cái cảm lạnh đấy cũng chỉ khiến thị sụt sùi vật vờ mấy hôm mà thôi, còn lại mấy ngày sau thị vẫn hầu cậu Hòa lên xới, vẫn cơm bưng nước rót cho cậu. Từ đó trở đi, thị đã cố gắng né tránh cô Lệ cật lực.
Một lần đó có lẽ là thôi, nhưng từng chuyện từng chuyện cô bày ra chỉ nhằm một mục đích siết đường sống của Lệ, đã khiến Lệ rùng rợn.
Cứ như thế mà thẳng đến ngày hôm nay. Cái ngày mà tự nhiên cậu cả Hòa công bố sẽ cưới cô Lệ. Nếu không rước được cô về, thì lấy Duyên. Duyên cười đến méo mặt.
...
Nhận được thuốc của cậu Hòa, thị lặng lẽ bôi lên chân mình. Đau thì đau, nhưng giờ chưa phải lúc khóc. Ba năm qua, khổ nào cũng là khổ, thị chẳng việc gì phải khóc cả. Nhìn vết thương rớm máu, nhìn những bột thuốc trắng phau phủ lên chân mình, thị càng đi sâu vào suy nghĩ.
Giãy dụa tránh né không phải cách hay. Giờ cũng không danh chính ngôn thuận trở thành bà bá hộ của cậu Hòa lại càng gây nên dị nghị. Nước cờ cậu đi đấu không lại tính toán của bà bá hộ, Lệ một bên nhọc lòng đày đọa thị, cậu một bên ngu ngốc dẫn lối, bên trên thì vợ chồng bá hộ, bên dưới cái nhìn của gia nhân. Tứ diện sở ca – bốn bề đều là địch, cuối cùng Duyên cũng hiểu câu này có nghĩa là gì rồi.
Mười năm lăn lộn từ nông thôn đến kinh thành, lết mình nuôi anh cả ăn học, thị bôn ba đủ từ ngõ chợ đến nhà quan và bây giờ vẫn sống, thị đâu có muốn buôn mình làm gì. Duyên nằm chặt lọ thuốc trong tay, than nhẹ một tiếng, cuối cùng thản nhiên đắp băng vải lên cho mình.
Muốn lấy cái gì của thị đi cũng được, chỉ có cái mạng này thị phải giữ.
Cửa phòng chưa đóng, một cơn gió thổi qua, lành lạnh, âm u.
Tiếng lòng như miệng giếng sâu
Nông sâu ai biết, trong ngầu ai hay
---
Updated: 23/02/2023
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro