Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

truyen cuoi'

Ở đây, kẹt xe không phải là sự lạ. Thấy lạ, có chăng là mấy thằng Tây ba lô. Khi xẩy ra một đám kẹt xe, tính văn hoá cộng đồng tiểu thị dân càng có cơ hội phát tiết. Còi xe inh ỏi, chỉ là bóp để mà bóp. Khạc nhổ, chửi bới. Những gương mặt lậm lừ bản lĩnh. Cần thì đánh ngay. Vui. Ghê.

Đầu tôi hình tam giác thường, góc nhọn bên trái, góc tù bên phải, trông như có sừng. Hậu quả của một ca đẻ khó và bác sĩ sản khoa giận hờn vô cớ. Hôm qua, tôi đi cạo trọc. Đầu hình tam giác lệch mà cạo trọc nom rất ngầu. Thằng bạn hoạ sĩ của tôi bảo, để tao “đì –zai” bộ mặt của mày, cạo trọc, nuôi râu cằm, vừa ngầu vừa nghệ. Tôi không cần nghệ, chỉ cần ngầu. Tôi muốn ngầu hơn đám đông, đơn giản chỉ để đề phòng những kẻ quá khích khi kẹt xe.

*

 

Hồi tối, đi với em vào một quán bar trên đường Lê Lợi, mấy đứa tiếp viên xổ một tràng tiếng Tây Tầu vào mặt. Choáng váng, bảo, nói tiếng Việt đi các em. Chúng nó đấm vào lưng nhau thùm thụp rồi lảng hết. Em cười sướng. Cái đầu trọc đang phát huy tác dụng.

*

Quán bar này có món nhậu rất lạ, được giới thiệu là món Mễ (hay Miên chả nhớ), nó rất nhiều hành, tỏi sống. Cay. Rất cay. Mồi với bia tươi rất tuyệt. Vào đây, tôi chỉ gọi duy nhất món đó. Vì giá rẻ. Tất nhiên, đó không phải là yếu tố quyết định.

Khi chia tay, chúng tôi hôn nhau, ngay trên đường. Đó là thủ tục bình thường của những cặp tình nhân thời bản sắc văn hoá dân tộc đang có nguy cơ lung lay. Hôn âu yếm như Tây. Đắm đuối. Mắt cũng dấp dính. Đèn đường, đèn xe, nhấp nháy, đuổi nhau, mờ nhoè tạo cảm giác như đang coi một triển lãm ảnh nghệ thuật. Em bảo, mồm anh hôi quá, toàn mùi hành. Em ưa nói thẳng. Em là người có tư duy đơn giản. Những người có tư duy đơn giản là những người hạnh phúc. Càng giản đơn, càng hạnh phúc.

*

5 giờ chiều, giờ của những vụ kẹt xe lớn. Trên đoạn đường rày xe lửa khúc Hoàng Văn Thụ, người ta hạ ba-ri-e. 10 phút chờ đợi, một chiếc auto ray bé xíu như đồ chơi thong thả chạy trên đường rày, trên xe, chỉ có người tài xế, anh mơ màng hút thuốc trước hàng ngàn cặp mắt ấm ức. Một hình ảnh minh hoạ đặc sắc cho tinh thần mọi người vì mình. Thằng cha đi chiếc Dylan khạc nhổ, mặt tôi hứng trọn những vụn bọt li ti, thối khắm. Tôi rồ ga, húc mạnh vào đít xe nó, vỡ cả đèn hậu. Nó quay lại gầm gừ, tôi bảo, địt mẹ thằng thối mồm. Nó im re quay đi. Một lần nữa, cái đầu trọc phát huy tác dụng.

*

Hai tuần một lần, chiều tối thứ sáu, họp tổ dân phố, đây là thông lệ của 35% các khu dân cư. 65% còn lại họp tuần một lần, có khi hai. Thứ sáu tuần này, tôi tham gia cuộc họp đó. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia, lí do bởi gần đây, ông tổ trưởng dân phố nhìn tôi với cặp mắt rất hắc ám. Có thể cũng bởi cái đầu trọc và chòm râu cằm.

Cái gì chả có tính hai mặt. Hay nói cho sang là tính nhị phân của sự vật/hiện tượng.

Nội dung cuộc họp cũng giống với cuộc họp thường lệ sáng thứ hai ở cơ quan tôi. Ông tổ trưởng dân phố kiêm bí thư đảng uỷ phường, là cựu chiến binh, con cái phương trưởng, tinh cỡ giám đốc công ti hữu hạn nên rất tích cực trong hoạt động công tác xã hội. Ông báo cáo diễn biến tình hình thế giới, tình hình “diễn tiến hoà bình” của các thế lực thù địch, tình hình chế độ ta bảo đảm quyền tự do dân chủ nhân quyền. Ông lên án gay gắt một nhân vật X. nào đó, lợi dụng dân chủ tuyên truyền bôi xấu chế độ. Rồi ông kết luận, lớp trẻ là tương lai đất nước, cần đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu của địch. Anh mắt ông dính lên trán tôi, đầy ngụ ý.

Rất có thể ông nghĩ, cạo trọc đầu, nuôi râu cằm là biểu hiện của sự “phản động”. Ông không biết rằng, lớp trẻ chúng tôi còn quá nhiều việc để quan tâm, để chơi, để xả láng.

*

Chiều nay, gần cổng cơ quan tôi, có ông hói trán dựng chiếc @ láng coóng bên vệ đường, đứng đái. Một tay ông cầm chim, một tay ông giữ xe. Có người đi qua, làm bắn nước (trời mới mưa, rất nhiều vũng nước trong thành phố) lên chiếc @, hói quay ngoắt lại, mẹ cha cái quân vô ý vô văn hoá, bất lịch sự, mù à… Hói chửi.

Tôi không thấy ngạc nhiên. Ở đây, ai mắng ai là mù, là bất lịch sự, là vô văn hoá, cũng đúng. Ở đây, ngành văn hoá đi đo từng tấc váy ca sĩ, nhưng vạch chim đái đường một cách khêu gợi thì ai chẳng đã từng.

Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, vựa tôm cá của quốc gia, nhà vệ sinh không có cửa nên khi hành sự, mọi người lấy tay che mặt. Cũng như thành phố, khi cần đái bậy, chỉ cần tìm một gốc cây, bức tường, mà úp mặt vào là ổn. Mặt thì mỗi người mỗi vẻ, còn chim cò ai chả giống ai? Công an nhận diện, truy nã tội phạm bằng tấm hình chân dung, tức khuôn mặt, chứ có bao giờ đi nhận diện bằng cách nhìn chim? Khôn thật!

4000 năm từ vượn thành người, may ra thơm tho hơn chút xíu, vì mĩ phẩm bây giờ nhiều và rẻ. Còn thì đâu hoàn đấy

*

Dạo này mắt tôi kém quá. Đi khám, đo mắt, bác sĩ phán, cận. Bụp phát, hai độ ngay. Hệ quả của tám giờ vàng ngọc trong cơ quan, tôi dán mắt vào màn hình vi tính, chơi game. Em khen, anh râu cằm đầu trọc, đeo kính cận giống Hàn Quốc ghê.

Văn hoá phim bộ Hàn Quốc là thứ văn hoá thời thượng, nó đang/đã ăn sâu bén rễ trên xứ sở này. Kệ bản sắc dân tộc, giống Hàn Quốc là điều đáng tự hào, dù chỉ là “giống” cái mặt.

Bữa trước, lang thang trên vỉa hè khu trung tâm, mấy em rối rít, du… du, gô dù, gô dù, dù thi hăn rịt, pho hăn rịt pho oăn nai [1] .Tôi rảo bước nhanh, mấy em láo xáo, đù má nói thách cao nó chạy là phải, ra kia đốt phong long.

Cũng chẳng ngạc nhiên, bởi em nói tôi giống Hàn Quốc.

*

Thằng bạn từ thời để chỏm “meo” cho tôi, cuối tuần ra sân bay đón tao, đợt này tao về cùng với phái đoàn Việt kiều yêu nước. Bạn tôi là Việt kiều Nhật, thành phố Kôbê. Việc nó định cư ở Nhật cũng lắm li kì. Nhà văn Hồ Anh Thái viết truyện “Chạy quanh công viên mất một tháng” đọc đã li kì, nhưng chưa sánh được với chuyện bạn tôi. Nó bảo, tao đi ỉa mất hăm lăm năm mới về nhà. Nó về nước lần đầu năm hai lẻ ba

Nhà nó gần bãi biển, hôm đó, đi ra bãi biển ngồi ị, ngờ đâu, có đám vượt biên, hai bên cùng nhìn thấy nhau, đám vượt biên sợ nó về tố nên tóm nó theo luôn. Chuyến vượt biển bình an vô sự, không gặp bất trắc nào như phần lớn đám vượt biên thời đó. Cập bến Nam Dương, vật vờ ba tháng, được vào Nhật. Êm và gọn.

Hay thật, hai mấy năm trước đi ỉa bậy, giờ thành Việt kiều yêu nước thập phần danh giá. Tao ở trong nước, làm việc lòi mắt mà nào có ai khen yêu nước bao giờ. Tôi hậm hực. Thế thì có gì đáng nói, lắm thằng vượt biên, bị bắt lại, bị bỏ tù vì tội phản quốc, ra tù, lại vượt, thoát, giờ về cũng Việt kiều yêu nước. Chuyện thường thôi. Lưỡi người đời mà. Nó thao thao bất tuyệt. Đúng là ngoại quốc về có khác. Trên thông thiên văn, dưới tường chánh trị.

Bạn tôi nghề chính là đi thó đồ trong siêu thị, nghề phụ là gá bạc tại gia. Hàng hoá trong siêu thị Nhật Bản thì bao la, nó khoe. Từ những thứ lặt vặt như thỏi son, quần xìlíp phụ nữ cho tới những thứ giá trị như camêra, đầu DVD, máy ảnh số …, chúng nó thó tất. Cũng đôi khi bị bắt, nhưng chả sao, cảnh sát Nhật coi đây là ăn cắp vặt, chỉ phạt qua loa. Hàng hoá đó tuồn về Việt Nam, thông qua đội ngũ thuỷ thủ tầu viễn dương, tiếp viên hàng không. Đi ăn cắp vặt nhưng là vặt với thiên hạ, bạn tôi mỗi lần về nước về nhà là mỗi lần vinh qui bái tổ.

*

Chòm râu cằm tôi mọc dài/ rậm. Thằng bạn hoạ sĩ bảo, nghệ lắm rồi. Tôi không biết độ nghệ có lớn hơn độ ngầu, nói chung, tôi thích ngầu hơn. Nhưng nghệ kể cũng thích. Thằng hoạ sĩ khen nhiều, khiến tôi cảm thấy mình là nghệ sĩ thật. Cũng đú đởn tí tởn, nhạc một tí, văn một tẹo, thơ một chút, hoạ một chụt…, vân vân, đủ trò, gi gỉ gì gi cái gì cũng chơi tuốt. Cũng có cái hay, tám giờ vàng ngọc ở cơ quan, tôi sáng tác, không còn chơi game nữa, mang tiếng chết.

Lại nghe, nghệ sĩ phải dấn thân, nên vỉa hè đầu đường xó chợ, nhậu nhẹt bét nhè không quản ngại. Tháng chỉ tắm hai lần, dù thời tiết Sài Gòn thường trực băm lăm độ xê. Đánh răng thì khỏi nghĩ, lâu lâu cỡ tuần lễ, mươi ngày mới cọ quẹt chút đỉnh. Ánh mắt luôn đắm chìm vào hư không cứ như Jean-Paul Sartre, dù đầu rỗng tuếch chẳng biết suy nghĩ gì.

Cứ dấn thân, chán thì tháo thân. Không phá chấp thì phá bĩnh. Chả có gì quan trọng.

*

Sáng chủ nhật tuần rồi, đưa em đi ăn phở, em cứ ẽo ợt khêu từng sợi, rồi trều cặp môi đỉa trâu, bảo, em xinh đẹp thế này mà phải đi làm bằng xe đạp, cả viện (em làm hộ lý viện tâm thần) họ đàm tiếu. Tôi giả vờ điếc, cứ cắm cúi ăn. Ăn xong, quay sang, tô phở em vẫn nguyên si. Chán cảnh, tôi bước ra lấy xe, về thôi em. Em vẫn im lặng. Tôi đề máy, em hớt hải, chờ em với, rồi em dốc ngược tô phở vào họng, lấy đũa quẹt hai bên mép, gọn ghẽ.

Em đã bắt đầu không coi cái đầu trọc, chòm râu, cặp kiếng của tôi ra gì. Em mang điều phiền muộn của em đi kể khắp lượt với đám bạn tôi. Quyết liệt hơn, giờ em ăn hay uống đều theo cái tiết tấu ăn phở sáng hôm chủ nhật, tất nhiên, khi có tôi bên cạnh. Thật may, thằng bạn Việt Kiều bơm cho ít tiền, sắm ngay cho em quả “uây” Tầu — một trong những tác nhân quan trọng gây kẹt xe. Nhẹ cả người, cứ như vừa xả ra một tác phẩm để đời.

*

Chiều mai, thằng bạn Việt Kiều của tôi về nước. Kì này, nó góp vốn với một công ty quốc doanh, thực hiện dự án nuôi bò tót trong môi trường nhân tạo. Nó cho biết, số vốn bỏ ra khá lớn, giá trị dự án không dưới giá trị ba công-ten-nơ đồ lót phụ nữ nhãn hiệu Triumph. Nó thủ thỉ khuyên tôi, tam thập nhi lấy vợ, thôi, cưới đi, đàn bà con gái lành lặn như nó thì hâm hấp là tốt. Chứ có chút nhan sắc, lại tinh khôn thì không phò phạch, gái bao, gái gọi, nó cũng cặp bồ hay tìm chồng ngoại quốc, đâu tới lượt mày… Nhá, cưới đi nhá…, có gì “meo” cho tao.

Tôi nghe nó khuyên rồi thở dài đánh thượt.

Tháng này, có hai nhà thơ được xuất ngoại, vì dịch cúm gia cầm đang bùng phát tại châu Âu. Một thằng đi im như thóc, không kèn không trống. Một thằng đi có 67 tờ báo, từ trung ương tới địa phương, đưa tin. Trong đó có cả tờ nội san của công ty thuốc sát trùng. Không biết thơ thằng nào hay hơn thằng nào, nhưng theo lí tự nhiên, giới động/sinh vật khi khoe mẽ hoặc hù doạ kẻ thù, chúng đều giương vây, xù lông.

*

Sinh nhật em, tôi đưa em lên quán café Panorama, toạ lạc trên tầng lầu 33 toà nhà Sài Gòn Tower. Giá café ở đây cao gấp 19 lần giá café ở quán tôi vẫn ngồi mỗi sáng. Chỉ hai đứa dưới ánh nến lung linh. Em bảo, năm nay không muốn tụ tập bạn bè.

Từ tầm cao này, Sài Gòn về đêm hiện ra thật đẹp. ánh sáng rực rỡ lung linh trải dài tới chân trời như một dải thiên hà. Sài Gòn nhìn từ thật cao, thật xa nào kém gì Paris, kinh đô ánh sáng. Bóng bẩy ngoài da là tốt lắm rồi.

Chúng tôi ra về khi quán đã hết khách, trong thang máy chỉ có hai đứa. Chúng tôi hôn nhau trong thang máy, cứ như phim ngoại quốc. Thật lãng mạn.

Nụ hôn hơi ngắn. Em bảo, mồm anh thối quá. Tôi khum hai bàn tay vào mồm, rồi phà, rồi hít, tuyệt nhiên chẳng có mùi gì. Lạ thật. Em cười, bảo, không ai ngửi thấy mùi thối của mồm mình.

Ừ, có ai ngửi thấy mùi thối từ mồm mình?

Tôi thở dài, có khi anh bị hở van dạ dầy? Em lại bảo, chả phải hở đâu, anh bớt dấn thân đi, chăm đánh răng, đừng mơ màng văn thơ nữa, sẽ hết thối chăng.

Ôi, em. Em tư duy đơn giản. Em hâm hấp chập cheng. Nhưng em thật thà, và đôi khi thổ ra những điều rất gần chân lí. Có lẽ, cuối năm nay tôi sẽ cầu hôn em.

*

Trên đường về, chúng tôi gặp đám kẹt xe. Kẹt xe vào lúc nửa đêm thì có hơi lạ, hơi bất thường. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Thậm chí còn cảm thấy thú vị.

Cái bất thường không ở trên trời rơi xuống. Cái bất thường sinh ra từ những cái bình thường. Cái bất thường rồi sẽ trở nên bình thường.

Ở đây đang cần nhiều cái bất thường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #lúc#mãnh