truyện cổ tích
Truyện Cổ Tích » Sự Tích Đèo Phật Tử
Tác Giả: Truyện Cổ Tích
Ngày xưa có bốn người đêm ngày đọc kinh niệm phật quyết tu cho thành đạo. Bốn người có bốn họ khác nhau: Hoàng, Trần, Lí, Lắm. Ba người là đàn ông, riêng người họ Lắm là con gái.
Sau hàng chục năm tụng kinh, niệm phật, ăn chay tu chí trong chùa, họ đều trở thành những tăng ni đắc đạo. Chọn được ngày lành tháng tốt, họ liền cùng nhau tìm đường lên núi Thiên Sơn để hóa Phật. Đường đi Thiên Sơn xa lắc xa lơ, thành thử họ phải đi ròng rã mấy năm trời mới tới nơi. Đến chân núi Thiên Sơn, cả bốn người đều mệt nhọc không sao tả xiết. Nhưng ai cũng nghĩ đã tu thân quyết chí đến được đây mà bỏ cuộc thì uổng quá. Nên dù trời đã gần tối, họ vẫn theo đường mòn để leo lên đỉnh núi. Khi tới đỉnh đèo, đêm đã khuya lắm, trời tối như mực, bụng đói cồn cào, họ kiệt sức, không đi tiếp được nữa.
Cái đói và mệt nhọc buộc họ phải dừng lại nghỉ nhưng không ai chợp mắt nổi. Bỗng một người trong bọn họ lên tiếng:
- Bây giờ nếu có một cây gậy ước thì các bậc đàn anh muốn ăn gì nào?
Mọi người đã quá đói và mệt nên họ không còn giữ gìn nữa, ai thích thứ gì dù những người tu hành phải kiêng, nay cũng nói toạc ra.
Thoạt tiên người họ Trần nói:
- Tôi ước được chén một bữa thịt chó, có đủ gia vị, cúc tần, giềng lát, rau mùi, húng chó...
Người họ Trần đang kể lể thì người họ Hoàng ngắt lời:
- Tôi mơ ước một bữa thịt trâu. Trâu càng già càng dai, nhai càng đã răng.
Người họ Lí nói tiếp lời luôn:
- Tôi chỉ muốn bữa thịt gà luộc có lá chanh.
Sau cùng ni cô Lắm nói:
- Tôi chỉ thích một bữa rau luộc cho mát ruột và húp cho đỡ khát thôi.
Sáng dậy, khi mọi người đang chuẩn bị xuống đèo đi tiếp, thì có một ông già râu róc bạc phơ chống gậy từ chân dốc đi lên, vẻ mệt nhọc nhưng cất giọng sang sảng hỏi:
- Các người ở đâu đến đây?
- Thưa cụ! Bầy tăng chúng tôi tìm đường lên núi Thiên Sơn để hóa Phật đấy ạ. Dám mong cụ chỉ đường giúp cho.
Nghe xong câu trả lời, ông già nói:
- Được, ta sẽ đưa các người đến núi Thiên Sơn nhưng bây giờ các người hãy nhổ nước bọt xuống lá cây xem đã.
Nói xong, ông già rút từ trong túi ra bốn cáo lá bồ đề to như nhau, rồi đặt trước mặt cho từng người nhổ vào đất. Bốn người nhổ xong, đều cảm thấy lợm giọng, ruột gan nao nao buồn nôn. Trong nháy mắt cả bốn người đều nôn tống nôn tháo. Quái lạ là đêm hôm qua ai ước ăn gì đều nôn ra thứ đó. Thấy ba người nôn nào là thịt gà, thịt trâu, thịt chó, duy chỉ có ni cô họ Lắm là nôn ra rau xanh. Ông già bèn nói:
- Chính đây là đỉnh núi Thiên Sơn, các người đã đến cõi Phật rồi. Nhưng nôn ra toàn những thứ kiêng kị thì sao gọi là chân tu được. Các người không thể hóa Phật được đâu.
Rồi ông già lại chỉ vào ni cô họ Lắm nói: "Người này cứ theo đỉnh chóp mà lên, chớ đi xuống, sắp tới nơi rồi."
Ni cô họ Lắm theo đường mà lên, rồi hóa thành Phật Bà Quan Âm. Phật Bà có nhiều phép lạ để trị bọn âm binh quấy nhiễu, giữ gìn phúc lành cho muôn dân. Ngày nay họ Lắm thờ phật Quan Âm trong nhà và mỗi khi Tết đến cúng Phật Bà, đều phải có một bát canh rau.
Còn ba người kia xấu hổ vì không được hóa Phật lại mất bao công sức tu thân, nên buồn rầu mà chết ở giữa đỉnh đèo. Họ chết ơ nơi hoang vắng đó, chẳng ai hay mà chôn cất, nên sau này người đời truyền nhau khi đi qua đèp đều phải mang theo nắm đất hay hòn đá ném vào chỗ đó để đắp thành mộ. Chỗ đất ấy người ta gọi là mộ "Phật". Từ đó mộ "Phật" ngày một lên cao và tên đèo được đổi thành đèo Phật tử.
Truyện Cổ Tích » Gà Mượn Màu Vịt
Ngày xưa, vịt đực có bộ cánh biếc xanh và chiếc mào đỏ rực. Còn gà trống thì không có mào.
Lần ấy mùa xuân về, bản làng mở hội vui lắm. Ai ai cũng nô nức sửa soạn áo quần đi chơi hội. Gà bèn sang nói với vịt:
- Hội xuân tới rồi. Anh đã có áo lại có mào. Tôi chẳng có gì. Anh làm ơn cho tôi mượn cái mũ của anh tôi đi hội.
Sau một lúc lâu suy nghĩ, Vịt cho Gà mượn cái mũ mào đỏ của mình để Gà đi chơi hội.
Được mũ đỏ, Gà tung tăng chơi hội khắp chốn gần xa. Thấm thoắt đã hết mùa xuân, hội hè cũng hết. Gà vẫn chưa trả mào cho Vịt.
Một hôm Vịt sang đòi mũ. Gà đội mãi đã quen không muốn trả. Điều qua tiếng lại, cuối cùng xô xát với nhau. Gà cậy có thân hình nhanh nhẹn, nhảy tung lên đá Vịt ngã lăn ra đất, rồi dẫm chân vào đầu và cổ Vịt rất đau. Vịt vì nặng nề chậm chạp nên bị thua đau và bị mất cả mào. Từ đó, mỏ Vịt bị dẫm bẹp và cổ Vịt bị đau, nên tiếng kêu khàn khàn không rõ. Người ta bảo "khàn khàn như tiếng vịt đực" là vì vậy.
Truyện Cổ Tích » Bơ Lô Đu Lơ Hay Truyện Trầu Cau
Ngày xửa, ngày xưa có một người đàn bà Catu sinh được mười cô con gái, cô nào cũng xinh đẹp. Một hôm, người mẹ vào rừng sâu chặt củi, tự nhiên mất cái rìu. Nhìn quanh, bà chẳng thấy ai. Trông lên cao, bà thấy một con rắn hổ mang đang quấn lấy cành cây. Bỗng nhiên con rắn biến mất và trước mặt bà hiện ra một chàng trai trẻ khôi ngô tuấn tú.
Bà già hỏi:
- Anh có thấy cái rìu của tôi ở đâu không?
Chàng trai trả lời không biết. Nhưng bà già lại bảo:
- Chắc anh lấy cái rìu của tôi rồi. Bởi vì ở đây ngoài tôi và anh ra có ai nữa đâu.
- Thế nếu tôi tìm được rìu cho bà thì bà trả công tôi cái gì nào?
Bà già hứa sẽ trả công chàng trai nhiều của cải, nhưng chàng trai không chịu nhận. Chàng nói:
- Nếu bà gả con gái cho tôi, tôi sẽ trả lại chiếc rìu cho bà.
Nhìn thấy chàng trai khỏe mạnh, xinh đẹp, bà già suy nghĩ một lát rồi gật đầu. Trưa hôm ấy, về nhà, người mẹ gọi các con lại và bảo:
- Con nào thương mẹ hãy nghe lời mẹ lấy anh Rắn để anh trả lại rìu cho mẹ. Có rìu thì mới có củi. Anh Rắn ở gần đây. Con nào ưng thì đến ở với anh ấy.
Các cô gái, cô nào cũng muốn vui lòng mẹ nên ưng thuận. Sáng hôm sau, các cô đến nhà anh Rắn. Lạ thay cô thứ nhất, cô thứ hai, cô thứ ba... cho đến cô thứ tám, cô thứ chín, cô nào đến nhà anh Rắn cũng gặp ngay một con rắn hổ mang rất lớn. Thấy rắn thổi phì phì, cô nào cũng khiếp vía chạy về nhà xin mẹ đừng bắt mình lấy anh Rắn.
Khác với các chị, cô gái út tên là Bum Viêm đến chỗ ở của anh Rắn thì gặp một chàng trai trẻ đẹp. Cô ở lại đó sống với chàng. Hàng ngày, Bum Viêm ở nhà trông nhà, còn chàng Rắn đi bắt thú đem về làm thịt và hai người cùng ăn. Được ít lâu, Bum Viêm sinh được một đứa con trai.
Các cô chị thấy em mình ở với rắn sung sướng quá, liền kéo đến dò la.
- Chồng mày thương mày lắm phải không? Thế chồng mày có hôn hít mày không?
Bum Viêm thật thà trả lời:
- Chồng em chẳng hôn hít em đâu.
- Thế thì chồng mày không thương mày đâu. - Tất cả các cô đều bảo Bum Viêm như vậy.
Thế là cô út đâm suy nghĩ về chồng mình. Chồng cô bảo vợ:
- Không phải anh không thương em nhưng vì trong mồm anh có cái răng độc nên không hôn em được. Nếu anh hôn em, em sẽ chết ngay lập tức.
Nghe chồng nói cũng có lí, nhưng Bum Viêm vẫn không chịu vì các chị đã nói rằng không hôn là không thương.
Bị vợ nghi ngờ, chàng Rắn bèn đi lấy gỗ đóng một chiếc hòm và bảo Bum Viêm.
- Vậy thì anh sẽ hôn em, em sẽ chết và anh sẽ chôn em trong hòm này.
Sau đó, chàng Rắn hôn vợ suốt cả buổi chiều. Đến tối, Bum Viêm chết.
Chàng Rắn bèn bỏ xác Bum Viêm vào hòn đá và mang đi chôn. Khốn nỗi, chôn ở sông chàng sợ cá ăn, chôn ở bờ lại sợ bị đào lên. Chỗ nào cũng có con nhông, con đà chực ăn xác Bum Viêm. Chàng Rắn phải chờ đến nửa đêm cho cá ngủ mới dám đem hòm thả xuống sông.
Trên sông có ông Na và ông Rế đơm cá. Đêm ấy, cá ngủ cả, chỉ có nước chảy mà thôi. Xác Bum Viêm trôi vào đó đơm cá của ông Na. Sáng hôm sau khi ra xem đó, ông Na thấy cái hòm bèn mở ra xem. Thấy xác Bum Viêm vẫn tươi đẹp như người còn sống, ông Na đem Bum Viêm về nhà rồi mời một bà già đến hút hết máu độc trong người nàng. Bum Viêm dần dần sống lại. Bum Viêm kể lại chuyện cho ông Na nghe. Để trả ơn cứu sống, nàng lấy ông Na làm chồng và một năm sau thì sinh được một đứa con trai.
Một ngày kia, người chị của Bum Viêm đi chơi dọc bờ sông gặp lại em gái, hỏi ra mới biết em mình đang ở với ông Na. Cô chị về kể chuyện với bà mẹ. Bà mẹ lại đến nói với chàng Rắn. Mừng mừng, tủi tủi, chàng Rắn lao vút đến nhà ông Na khoét nóc nhà dòm xuống. Thấy rắn, đứa con trai chạy lại gọi cha mẹ đến xem thì rắn lại bỏ đi mất.
Ông Na và Bum Viêm lấy nhau đã đẻ con nhưng chưa làm lễ cưới. Gần ngày cưới, ông Na đi tìm chàng Rắn và mời chàng đến dự đám cưới của mình. Chàng Rắn hứa với ông Na thế nào cũng đến sự. Đoán biết khi gặp mặt, chàng Rắn và ông Na sẽ đánh nhau, Bum Viêm vào rừng kiếm mấy gói thuốc giấu sẵn trong người để khi cần sẽ dùng đến.
Đúng như Bum Viêm dự đoán, vào ngày cưới, ông Na và chàng Rắn đánh nhau kịch liệt. Hai người đánh nhau suốt từ lúc mặt trời còn ở trên đỉnh đầu cho đến nửa đêm mà không ai thắng ai. Thấy cả hai người cùng xây xát, Bum Viêm đem thuốc ném cho cả hai. Gói thuốc thứ nhất đụng vào người chàng Rắn, tự nhiên chàng hóa thành một cây cau. Gói thuốc thứ hai đụng phải ông Na, ông liền biến thành một tảng đá vôi trắng nằm sát bên cây cau. Bum Viêm thấy vậy chạy ra ôm cây cau, nàng bỗng nhiên hóa thành dây trầu gốc mọc trên tảng đá và thân leo lên tận ngọn cau. Hai đứa con của chàng Rắn và ông Na chạy đến nhặt gói thuốc thứ ba tức khắc biến thành cái cối giã trầu. Dân làng đến xem đều bị biến thành những cây chay to lớn, tươi tốt.
Có một mụ Cơ Rúa đi xúc tép mò cá tạt ngang qua vùng này. Mụ hái lá trầu ăn với quả cau, nhổ nước vào đá, đá rực lên màu đỏ thắm. Mụ lại lấy trầu, cau, đá vôi ăn thử với vỏ chay. Lúc mới nhai, mụ cảm thấy cay cay, một lúc sau môi tươi lên, hồng rồi đỏ. Ai đi qua trông thấy cũng khen môi Cơ Rúa đẹp quá. Nghe dân làng hỏi tại sao môi lại đẹp thế, mụ Cơ Rúa thật thà kể lại chuyện cho dân làng nghe. Từ đấy, dân làng đều biết ăn trầu cau. Ông già bà lão thì bỏ trầu cau vào cối giã nhỏ mới ăn.
Người Catu ăn trầu, người Kinh cũng bắt chước ăn trầu. Tin đến tai nhà vua. Vua sai quân lính đi tìm cho được mụ Cơ Rúa. Mụ kể lại chuyện cho vua nghe và mụ được vua phong làm hoàng hậu. Vua lại cho lính đến đào cây cau, dây trầu đem về, nhưng đào mãi mà dây trầu vẫn không hết. Vì vậy, ngày nay, đâu đâu cũng có trầu cau.
Truyện Cổ Tích » Mưu Ông Cụ Si Ruộc
Tác Giả: Truyện Cổ Tích
Ông cụ Si Ruộc có một chỗ đơm cá ở ngọn thác, đầu vực khe. Cả nhà ông chỉ nhờ vào số cá thu được đó để sinh sống qua ngày.
Dạo ấy, ông cụ bị mất cá luôn. Mỗi sáng đi lấy cá ông phải chữa lại đập chắn nước và đặt lại hom lờ. Giận quá, một hôm ông ông cùng đứa cháu nội lẻn ra bờ khe rình bắt cho được kẻ gian.
Con bìm bịp kêu trở canh hai ba lần, hai ông cháu đã đến ngồi thu mình sau tảng đá lớn cạnh chỗ đặt đó cá.
Đợi mãi, cái lưng đã mỏi, muốn nằm, thì cả hai ông cháu nghe có tiếng bước chân lội ào ào dưới khe. Nhìn kĩ về phía có tiềng động, hai ông cháu rùng mình khi thấy một con Chóc Cà Tực to hơn con trâu đực, tay vượn, đầu người đang dừng bước và lẻn đến ngồi tùm hum trên chỗ đơm cá.
Hai ông cháu sợ quá, nép sát mình vào thành đá. Con Chóc Cà Tực có bốn mắt. Khi nó cúi xuống bắt cá thì hai con mắt phía sau gáy nhìn thấy hai ông cháu. Vẫn ngồi hau háu, nó nói:
- À! Hai ông cháu mày ngồi làm gì đấy? Ăn hết cá, tao phải ăn nốt cả hai ông cháu mày mới đầy được bụng tao.
Con Chóc Cà Tực khoắng cánh tay lông lá, dài đêu vào hom lờ và vớt ra từng nắm cá to cho vào miệng. Vướng tay, nó xé toạc cả cái lờ để dễ nhặt cá.
Vừa sợ, ông cụ vừa xót ruột. Ngẫm nghĩ một lúc ông bèn lấy một hòn đá to gõ vào phiến đá trước mặt. Con Chóc Cà Tực ngẩng mặt lên, nhe những chiếc răng to như những lưỡi rìu, gầm ghè:
- Chúng mày làm gì đấy?
Ông già cố nén sợ, dõng dạc trả lời:
- Tôi đang nêm cán dao.
Ông già lại lấy hòn đá to ghè mạnh vào phiến đá trước mặt lần nữa. Con Chóc Cà Tực đang cúi xuống quờ tay khoắng cá, giật mình tỏ vẻ khó chịu, hỏi:
- Chúng mày làm gì, hở?
Ông già bình tĩnh nhô đầu lên phía sau phiến đá, trả lời:
- Tôi vẫn đang đóng lại cán rựa đây.
Nó lại cúi xuống. Ông già lại gõ thêm một nhát thật mạnh nữa. Bực quá, nó xoay hẳn người lại chồm hai cánh tay vươn lên đập nước, định lao về phía hai ông cháu. Nó hỏi gặng:
- Cái rựa của mày to bằng mấy mà đóng cán mãi thế?
Ông già lại nhô đầu lên, trả lời tỉnh khô:
- Cây rựa của tôi có chiếc cán to bằng cánh tay hổ, cái lưỡi to bằng cổ con nai.
Chóc Cà Tực nghe nói cây rựa to quá vậy, ngơ ngác hỏi:
- Mày làm gì sắm cây rựa to quá thế?
Ông già trả lời:
- Cây rựa to vẫn chưa hạ nổi cây gai đấy.
Nó hỏi vặn:
- Cây gai to bằng mấy?
Ông già trợn mắt, nói:
- Cây gai này to, những ba người ôm gốc, tay vẫn chưa nối bàn tay.
Con Chóc Cà Tực chưa từng thấy cây gai nào to như thế, nên rất ngạc nhiên hỏi:
- Mày chặt cây gai để làm gì?
Ông già trả lời gọn lỏn:
- Để bóc vỏ cây gai ấy làm dây ná.
Nghe vậy, Chóc đoán ông già có cây ná to lắm. Cái ná chắc hẳn là cả một thân cây lim to nhất rừng. Nó giương tròn cả bốn mắt hỏi:
- Cây ná của mày to thế để làm gì?
Ông già leo lên phiến đá, vừa nhồi thuốc vào nồi điếu, vừa trả lời:
- Cây ná to để bắn ngã con lợn rừng.
Nó càng thắc mắc:
- Bắn con lợn thì cần gì cây ná to thế?
Ông già quẹt lửa châm thuốc, đủng đỉnh nói:
- Ồ, con lợn này to lắm. Đứng trên đầu lợn sẽ thấy một vùng sông không bờ dưới xuôi. Đứng phía chót đuôi lợn sẽ nhìn rõ hết những đỉnh núi cao của Giàng. Từ đầu lợn đến đuôi lợn ai khỏe chân lắm cũng đi mất một ngày.
Chóc Cà Tực hồ nghi, hỏi:
- Mày bắn con lợn đó thì nồi đâu luộc nó?
Gõ ống điều vào sống chân, ông già trả lời:
- Nồi tao đã đổ đầy nước và bắc sẵn rồi. Cái nồi to lắm, luộc một lúc hai con lợn như thế còn rộng chỗ.
- Chiếc nồi ấy mày để ởn đâu?
Ông già thong thả trả lời:
- Tao để ngay đây thôi. Hiện giờ, tao nuôi ở thành nồi bên trai hơn nghìn con ếch, con nhái. Thành nồi bên phải tao xếp mười bụi lau làm rau chém.
Con Chóc nghe vậy thì sửng sốt. Nó nhìn lướt quanh thấy đúng bờ khe bên trái có hơn mười bụi lao lách, bờ bên phải có tiếng ếch nhái kêu ì ộp rinh ran. Nó lại hỏi:
- Mày lấy gì múc canh trong nồi đó?
Ông già cười, ngẩng mặt lên, chỉ tay lên khoảng trời lộ ra giữa hai bờ khe trên đầu, nói:
- Cái thìa tao gác trên tán cây kia. Đợi khi nào nấu xong, tao sẽ lấy xuống múc cháo, múc canh đấy.
Nó thu mình lại hỏi thêm:
- Giờ mày đang nấu gì đấy?
Ông già bảo đứa cháu mang lên một ôm lá khô rồi vừa nhóm lửa, ông vừa chậm rãi trả lời:
- Các con vật tao bẫy suốt đêm giờ đang nằm gọn dưới đáy nồi cả. Tao nhen lửa để nấu chúng. Khi nào chín tao lấy thìa múc dần ra để hai ông cháu ăn.
Chóc Cà Tực sinh nghi, lo mình sa bẫy ông già, bèn hỏi gặng:
- Mày múc lũ ếch nhái ra ăn à?
Ông già khoát tay, xì mũi:
- Đâu thèm ăn loại ấy. Khi nước sôi, tao sẽ khoắng thìa múc ra cái đầu voi. Lúc nước cạn, bốc khói, tao múc tiếp cái đầu tê giác. Sau cùng thì tao múc nốt đầu mày đấy Chóc Cà Tực à!
Chóc Cà Tực nhìn quanh một lượt nữa, thấy vực khe phía dưới chân rộng thênh thang. Chỗ nó đang ngồi đúng là một bên thành nồi, cạnh các bụi lao. Trước mặt nó ếch nhái đang kêu. Nhìn xuống đáy vực, nó thấy bóng mình in lòa nhòa dưới đó. Nó rùng mình, thất kinh: đúng là nó sa bẫy, nằm trong nồi ông già rồi. Nỗi hốt hoảng làm nó co rúm người lại. Không hỏi gì nữa, nó quay ngoắt lưng về phía ông già, đu mình tung vội lên sườn lèn đá bên cạnh, mong nhảy ra khỏi nồi. Vì hốt hoảng, Chóc Cà Tực trượt chân, đập đầu vào lèn đá rơi xuống vực chết tươi.
Thấy thế, hai ông cháu vui mừng reo vang núi và chạy về báo cho dân bản biết tin.
Tiều A Lé
Có hai vợ chồng một ông già nọ ngày đêm buồn phiền vì không con. Một buổi lên nương, ông bà bỗng thấy một đứa bé ốm yếu, khắp người chi chít ghẻ lở, nằm khóc oa oa bên đường. Bà già nói với chồng:
- Ai đem con ném ở đây chắc là ý Giàng muốn cho ta.
Ông lão gật đầu, bảo bà vợ ẵm đứa bé về nhà nuôi. Họ đặt tên cho nó là Tiều A Lé.
Hai vợ chồng ông già rất mực yêu thương đứa bé. Có bao nhiêu của cải dành dụm được bấy lâu nay, họ đều đem ra đổi lấy gạo, muối, thịt cá để nuôi Tiều A Lé. Những ngày nắng cũng như mưa, bà già đều ẵm cậu bé trên tay, còn ông già lặn lội khắp nẻo suối khe kiếm thêm con ốc, con cua khe về nuôi bé.
Tiều A Lé ngày một lớn lên, nhưng vẫn ốm yếu, oặt oẹo và ghẻ lở, mụn nhọt đầy người. Hai ông bà đã đem nồi đồng, bạc nén đi đổi lấy thuốc chạy chữa mà ghẻ lở ở người Tiều không bớt đi được chút nào. Chạy hết các thứ thuốc, ông bà lại đi mời hết thầy mo gần, thầy mo xa, thầy mo lạ, thầy mo quen đến cúng, mà bệnh tình A Lé vẫn không giảm bớt.
Mười lăm mùa rẫy đi qua, thân thể Tiều có dài ra, mồm Tiều có nói năng được nhưng vẫn phải nằm liệt giường. Lúc ăn, lúc uống, ông bà già phải bón từng miếng cơm, đưa từng ngụm nước.
Của cải trong nhà vơi dần, hai ông bà tuổi ngày một cao, còn sức ở chân, ở tay đã hết. Những ngày động trời, những đêm giá rét, ông già ôm ngực ho khù khụ, còn ở góc nhà thì bà lão rên hừ hừ.
Rồi một đêm rét mướt, ông già cất giọng khàn khàn yếu ớt, bàn với vợ:
- Bà nó à! Ta hết lòng thương con, nhưng liệu có sống được mà nuôi nó nữa không?
Bà già run rẩy trả lời:
- Vợ chồng mình chết, e nó cũng chết theo mất thôi! Nên làm sao bây giờ ông ơi!
Suy nghĩ hồi lâu, ông già bảo vợ:
- Bà nó à! Mình già mình chết! Nó còn trẻ phải để nó sống chứ!
- Biết vậy, nhưng liệu có ai chịu nuôi nó?
Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng hai ông bà quyết định sẽ đổi căn nhà của mình lấy một chiếc bè. Có bao nhiêu thức ăn, vật dụng trong nhà, họ chuyển cả lên bè và đặt Tiều A Lé lên đó, rồi thả cho trôi theo dòng nước để may ra có bến thương, bến quý nào nhận nuôi nó lớn lên thành người.
Việc bàn bạc đó được thực hiên. Đứa bé A Lé ra khỏi bến quen, ông bà quay về bản cũ, nằm ngủ trên nền nhà trống. Họ ngủ một giấc dài và không bao giờ dậy nữa.
- o O o -
Chiếc bè đưa Tiều A Lé xuôi mãi theo dòng nước, đến mấy tuần trăng thì dạt vào một bến lạ.
Bến ấy là của một bản đông người, nhà ở rải rác trên một triền núi dài, nhiều như cả một đàn voi đứng giữa đồi tranh.
Người trong bản đi lấy nước trên bến thấy chiếc bè lạ đều tò mò dòm ngó. Thấy một chàng trai bẩn thỉu nằm trên bè, người ta xỉ mũi, khạc nhổ, lấy sào đẩy bè ra giữa dòng cho nó trôi đi. Nhưng mỗi lần chiếc bè bị đẩy ra giữa dòng nước, chỉ xoay xoay rồi lại dạt vào bến cũ.
Mỗi lần có người xuống khe lấy nước, Tiều A Lé thường ngả tay xin ăn. Con trai, con gái, người già, người trẻ nghe tiếng nó xin xỏ, đều quay mặt đi, vội lánh xa.
Chuyện chiếc bè lạ chở một người ghẻ lở, bẩn thỉu dạt vào bến, lọt đến tai A Nha giàu có. A Nha cho tôi tớ xua đẩy chiếc bè đi, nhưng cũng như mọi vận, chiếc bè bị đẩy ra rồi lại xoay vào chỗ cũ.
Cô con gái út A Nha nghe tôi tớ về bàn sự lạ cùng tò mò lấy cớ xách bầu đi múc nước để xem sao. Vừa đến gần bờ cô gái đã nghe tiếng gọi từ trên bè:
- Cô gái ơi, cho tôi xin ngụm nước.
Thấy chàng trai đau ốm tội nghiệp, lại đang bị hất hủi, cô gái rủ lòng thương, múc ngay cả một bầu nước đầy, đưa lên bè cho anh ta.
Tiều A Lé uống nước xong, lại nói:
- Tôi đói quá. Cô gái cho tôi ăn với!
Nghe chàng trai nói vậy, cô gái ton tả trở lại nhà mang típ(1) cơm của mình đem xuống cho A Lé. Được cơm, anh ta lại kêu:
- Tay tôi nhức buốt quá, không đưa cơm vào miệng được, biết làm sao cô gái ơi!
Chần chừ một lúc, cô gái bước bạo lên bè bón cơm cho chàng trai ghẻ lở ăn.
Chuyện cô gái út A Nha cho chàng trai lạ ghẻ lở uống nước, ăn cơm chẳng mấy chốc từ mồm người này truyền sang tai người kia, lan ra khắp bản và đến tai A Nha. A Nha giận lắm, vừa thấy mặt con gái út dưới chân thang sàn, A Nha đã quát xua đuổi, tiếng quát vang như cọp gầm:
- Đứa con mất nết kia! Mày đã dây bẩn rồi! Tao không cho mày lên sàn, không nhận mày làm con tao nữa!
"Giúp đỡ người bệnh hoạn, đau ốm mà là mất nết sao? Cái lí đúng không như lời cha bảo đâu!" Cô gái út toan cãi lại, nhưng thấy nét mặt hầm hầm của cha, tay cha lại đang lăm lăm ngọn giáo, nên cô cúi đầu, quay ngoắt người đi thẳng về bến nước.
Dân bản nghe A Nha to tiếng đều kéo đến bây kín dưới chân dàn. Nghe A Nha mắng nhiếc cô gái út, có kẻ thương, có người giận, những chẳng ai dám nói một lời bênh vực. Cả những kẻ xấu bụng đã từng mách lẻo chuyện cô gái thương thằng ghẻ, giờ thấy cô lầm lũi đi xuống bến nước, cũng cúi gằm mặt, băn khoăn.
Cô gái leo thẳng lên bè của Tiều A Lé và đẩy bè ra giữa dòng rồi cô nói với anh ta:
- Anh cho tôi ở nhờ với. Cha tôi đuổi tôi ra khỏi bản rồi!
Lần này, chiếc bè ra giữa dòng chảy thì trôi xuôi chứ không lộn quẩn trở lại như trước nữa. Nghe cô gái bảo vậy, Tiều A Lé liền nói:
- Cô muốn ở thì ở chứ tôi chẳng giúp gì được cho cô đâu. Tôi ốm đau, ghẻ lở thế này...
Cô út chỉ chớp mắt, im lặng, mắt nhìn theo con nước đang đưa chiếc bè trôi miết về xuôi. Cô gái út lo lắng, không biết chiếc bè sẽ đưa mình đến bến bờ nào?
Chiều hôm đó, chiếc bè dạt vào một bờ vắng và mắc cạn luôn ở đó. Tiều A Lé hỏi cô út:
- Cô đi với tôi không sợ sao?
Cô út trả lời ngay:
- Sợ kẻ đau yếu, bệnh tật ư? Không! Tôi đi theo vì thương anh thôi.
Tiều A Lé lại hỏi:
- Tôi có gì cho cô ăn đâu?
Cô út bảo:
- Ơ! Rừng của Giàng lắm củ, lắm trái. Con khỉ trên cây, con cá dưới nước có ai nuôi chúng đâu.
Tiều A Lé vặn lại:
- Cô đi trên bè tôi, mong tôi chết để lấy bè à?
Cô út rơm rớm nước mắt bảo:
- Anh nghĩ thế à? Tôi thương anh đem hai bàn tay đến để nuôi anh đấy chứ!
Tiều A Lé quay mặt đi.
Cô gái thấy thế cũng không nói gì thêm nữa. Cô nhảy lên bờ, bứt lá chuối, bẻ cây đem về làm tạm một cái mái che bè. Làm xong thì trời sắp tối, áo váy của cô út bị rách tơi tả. Tiều A Lé nhìn cô gái hồi lâu, rồi bảo:
- Em gỡ dưới mái che, lấy áo váy ra mà mặc.
Cô út nhìn quanh ngơ ngác, ngỡ A Lé nói quẩn. Cô ngồi thụp xuống góc bè. Tiều A Lé lại nhắc:
- Đi thay áo, thay váy đi, áo váy đã có sẵn dưới mái che bè ấy.
Mái che do chính cô út lợp bằng lá chuối làm gì có áo, có váy ở đó? Nhưng nghe A Lé giục, cô út nể lòng, đứng lên sờ tay vào mái lá. Chẳng ngờ chuyện có thật. Ở ngay trong lớp lá chuối cô mới lợp lên có mấy bộ áo váy đẹp để sẵn. Cô gái mừng rỡ, mặc áo váy đẹp vào người.
Tiều A Lé lại bảo:
- Em đói rồi. Từ sáng đến giờ em đã ăn gì đâu.
Lòng cô út rộn lên, quên cả đói:
- Em còn no. Ngày mai em sẽ lên rừng đào củ, hái trái về, hai ta cùng ăn.
A Lé xoay người nói:
- Chẳng phải đợi đến sáng mai. Em đói rồi thì cứ lấy cơm canh trên góc mái xuống mà ăn.
Khi cô gái với tay lên góc lán lấy thức ăn thì ngay trên liếp bè phía gần sau lưng cô chợt bùng lên một bếp lửa.
Cô gái bưng cơm canh xuống, ngồi bón cho Tiều A Lé và cả mình cũng ăn bên bếp lửa bập bùng, ấm cúng. Sự lạ ấy ban đầu làm cô út ngỡ ngàng, nhưng lâu dần cũng quen đi. Ngày qua ngày, cô út được ăn no lại có áo váy đẹp, cô càng trở nên xinh đẹp hơn.
Mỗi ngày một lần, cô út vào rừng kiếm lá, đào rễ cây thuốc về chữa chạy bệnh tình cho Tiều A Lé. Thấy cô gái chăm sóc mình vậy. A Lé nói:
- Bệnh của tôi khó lành lắm. Em đi vậy tốn sức nhiều quá!
Nghe A Lé nói vậy, cô út chỉ cười.
- o O o -
Chuyện lạ về Tiều A Lé và ôc út đã lọt vào mắt những người tò mò, lại từ miệng người này, sang tai người nọ rồi đến tai A Nha.
Lúc giận, A Nha đuổi cô út đi nhưng lúc con đi xa rồi thì niềm thương, nỗi nhớ như con kiến bò, như con ong đốt bụng A Nha. Duy chỉ có lòng ghét con người ghẻ lở, bẩn thỉu đã rủ rê con gái ông thì vẫn còn nguyên vẹn. Nay nghe tin con gái sống đầy đủ, lòng A Nha có êm êm, bớt nỗi lo đôi chút.
Bỗng đâu có một lũ Nhắc(2) từ phía rừng đang đêm vào cướp bản. Chúng giết trẻ con, đánh bọn người lớn và vơ vét hết của cải nhà A Nha.Trong cơn hoạn nạn, A Nha và những sống sót trôi dạt tận đâu đâu.
Tin đó đến tai cô út và Tiều A Lé. Cô út khóc ròng còn A Lé chỉ nín thinh.
Một hôm, như thường lệ, cô út lại vào rừng lấy thuốc. Mãi đến lúc mặt trời chạy quá nửa vòng đầu, gác ngay vành tai, cô út lại lán, không còn thấy Tiều A Lé đâu.
Lục quanh lán, thấy típ cơm đã xắn ăn mất một nửa, bát canh cũng vơi đúng một nửa, cô út rất lo lắng. Đã có bao giờ Tiều A Lé tự xúc cơm ăn đâu? Hay đã có một người nào đến đây mang A Lé đi mất? Cô út sờ tay lên mái lán, lại thấy mình có thêm nhiều bộ áo váy mới. Cô sờ tay vào góc lán, lại thấy trên tay nặng trĩu. Từ đó, cô kéo ra đúng một gùi gạo với nhiều miếng thịt khô, một ống muối đầy.
"Thôi phải rồi, Tiều A Lé đi đâu đây, nên đã lo đủ cho mình cái ăn cái mặc trong những ngày chờ, những đêm nhớ". Nghĩ vậy rồi, cô út lấy típ cơm, bát canh ra ăn.
- o O o -
Lại kể về Tiều A Lé.
Khi cô út vào rừng thì A Lé bỗng ngồi dậy và hiện nguyên hình là một chàng trai đẹp, khỏe. Vấn chiếc khố đỏ gọn gàng, giắt đầy một ống tên dài, Tiều A Lé ăn hết một nửa phần cơm canh, rồi cầm giáo, mang ná nhảy lên bờ, đi về phía bản A Nha.
Từ xa, chàng đã nhìn thấy bọn Nhắc đông vô kể. A Lé giương ná, lắp tên, bắn vèo một mũi giết một lúc hai đứa. Lũ Nhắc thấy vậy nháo nhác cả lên.
Lại một mũi tên nữa bay vèo vào bản, xuyên chết thêm hai đứa. Thằng Nhắc cầm đầu đã nhận ra phía mũi tên bay tới bắn lén bọn chúng. Hắn gầm lên như tiếng gầm của con hổ đực, gọi tất cả bè lũ phóng lao về phía Tiều A Lé.
Hàng trăm mũi lạo nhọn thi nhau bay về một góc rừng. A Lé vung giáo lên đỡ, gạt các mũi lao. Các cây lao bị gạt đều gãy vụn ra, bay trở lại đường bản, biến thành một trận mưa chông, mưa tên, trút ào ào vào đầu lũ Nhắc. Thềm nhiều thằng Nhắc nữa chết trong trận mưa chông, mưa tên dữ dội đó.
Lũ Nhắc nhận ra kẻ thù của chúng có sức mạnh kì lạ. Chúng bèn chạy vào hẻm núi để dựa vào gốc cây, bờ đá chống lại. Tiều A Lé múa giáo đuổi theo, giết thêm không biết bao nhiêu thằng Nhắc khác. Lũ Nhắc sống sót đã lần được một lèn đá dốc đứng, thấy Tiều A Lé đã chạy đuổi đến sát dưới chân, chúng hè nhau xô những hòn đà to như những con trâu đực, con lợn rừng từ trên cao nhào xuống.
Tiều A Lé buông giáo, giơ tay đỡ những hòn đá to tướng ấy, nhẹ nhàng ném bật trở lại đỉnh lèn, tạo nên những tiếng sấm , tiếng sét ầm ầm làm rung chuyển, đổ sụp cả đỉnh lèn, giết chết hết lũ Nhắc.
Leo lên đỉnh lèn đã bị đánh đập tan hoang, mỗi tay Tiều A Lé xách thêm năm xác thằng Nhắc chết, đem về rải ra khắp bản.
Cô út thấy một chàng trai to lớn, ngực rộng, lưng dài, mắt sáng hiện ra trên bến nước, thì hoảng hốt thu mình lại trong góc lán. Người con trai ấy gọi lớn:
- Em ơi! Tiều A Lé đã về đây!
Cô út bưng mặt khóc nức nở, chối từ:
- Anh đi đi! Anh không phải là Tiều A Lé của tôi. Tiều A Lé của tôi khác cơ.
Chàng trai cười:
- Thì chính anh đây chứ còn Tiều A Lé nào nữa?
Cô út quay lưng lại người trai lạ và khóc to hơn:
- Ôi! Tôi đương mỏi mắt chờ Tiều A Lé tôi về! Lá thuốc tôi đã kiếm về đây. Anh là ai? Anh đi đi, đừng đến đây phá tổ, đạp hang của chúng tôi!
Tiều A Lé bước lên bè nghiêng hẳn về một bên. Cô út hoảng hốt kêu to:
- Ối! Ối!
Tiều A Lé chợt biến thành chàng trai ghẻ lở ngồi trước mặt cô út. Cô út mừng rỡ, reo lên!
- Ôi! Tiều A Lé!
Cô nắm lấy bàn tay nhớp nháp của A Lé. Bỗng dưng con người ghẻ lở ấy biến mất. Như trong mơ, cô út đang nắm bàn tay đen rám, chắc nịch của người con trai khỏe mạnh. Chàng nói:
- Em đừng sợ. Anh không còn ghẻ lở nữa. Giàng đã cho anh mang cái lốt bẩn thỉu ấy về do lòng tốt của con người trên miền đất này. Em là người rất tốt, tốt nhất trên thế gian. Anh cùng em làm vợ, làm chồng.
Cô út mừng vui vô hạn, nước mắt cứ trào ra. Hai bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của cô cứ nắm chặt bàn tay to bè, nâu rám cuồn cuộn gân của chàng trai.
Tiều A Lé kể chuyện mình đã đi giết xong lũ Nhắc cứu bản A Nha cho vợ nghe, cô út càng hởi lòng, hởi dạ. Nghe chồng kể, tưởng mình đang trong cơn mơ.
Hồi lâu, Tiều A Lé nhìn vợ và bảo:
- Em à! Anh giết xong Nhắc nhưng chưa tìm được A Nha. Con nai vàng làm sao gọi được bầy hươu lạc trở về.
Cô út còn trong cơn xúc động nói với Tiều A Lé:
- Tiều A Lé à! Lá xanh mắc trên cành, lá vàng rơi cũng chỉ rơi về cội. Anh cho em đi tìm cha em và dân bản về.
A Lé gật đầu bảo:
- Anh đã nghĩ thế nên anh đem xác Nhắc rải khắp đường bản làm dấu cho em về lại với cha.
Sáng hôm sau, Tiều A Lé cùng cô út quay về phía bản, len lách khắp rừng rậm, núi cao, hú gọi A Nha và dân bản trở về.
Nghe tiếng hú quen, dân bản lục tục kéo về.
Gặp lại cô út, nghe cô kể chuyện Tiều A Lé đã giết hết Nhắc, dân bản còn nửa tin, nửa ngờ. Nhưng khi về bản thấy xác Nhắc nằm chết ngổn ngang, họ mới tin đó là chuyện thật và cử người đi tìm A Nha.
Trong niềm vui được thoát nạn, A Nha càng thêm xót xa về việc làm của mình đối với con gái út trước đây. A Nha cúi mặt, lau nước mắt nói:
- Của cải, trâu bò, cái nhà sàn đẹp che mất con mắt nhìn, làm bẩn tấm lòng cha đối với con.
Dân bản thì vây quanh Tiều A Lé, người sờ vai, kẻ nắm từng cuộn thịt trên bắp tay, trên tấm ngực rộng của chàng. Mỗi người một tiếng khen, có cả tiếng cười, cả những giọt nước mắt mừng vui.
- A Nha à! Con ong làm nên mật mới biết tìm hoa. Hoa La Giong(3) đẹp đấy, nhưng con ong có đến đâu? Hoa Ma koong(4) rơi trên mặt đất ta chỉ ngửi ra mùi hắc mà con ong bâu vào lấy nhụy, lấy phấn, hút mật là tại làm sao? Con út nhà A Nha khác lũ ta ở chỗ đó. Nay A Nha tính sao?
A Nha ngẩng lên, chậm rãi nói:
- Người già nói trúng bụng nghĩ của ta rồi.
Dân bản nghe thế đều vui. Mỗi người một tiếng nói vun vào. A Nha nói tiếp:
- Con gái ta như con chim không biết chọn cành cây gửi tổ. Ta thương nó, dân bản thương nó. Ta biết ơn nó, dân bản biết ơn nó. Còn nó lại bảo nhờ Tiều A Lé. Bụng ta với dân bản cùng một bụng như nó. Nó nhận Tiều A Lé làm chồng, ta nhận Tiều A Lé làm rể, dân bản có nhận Tiều A Lé về ở chung với dân bản không? Người già, dân bản có muốn cho ta làm lễ cúng Giàng không?
Thấy dân bản đều vui vẻ nhận điều tốt lành, ngay ngày hôm sau, A Nha cùng dân bản giết trâu ăn mừng đã trừ được Nhắc và làm luôn lễ cưới cho cô út với Tiều A Lé.
Người già và dân bản đều muốn A Lé làm Xuất (5) làm người mạnh giữ tên ngày vui, giấc ngủ cho dân bản. A Nha trao cả gia tài cho vợ chồng cô út coi giữ cho dân bản vui lòng.
- o O o -
(1): Típ: cái giỏ đựng một khẩu phần cơm trong mỗi gia đình Vân Kiều.
(2): Nhắc: Lũ quỷ, lũ cướp khác dòng máu.
(3) Hoa La Giong: loại hoa vàng, không thơm, không có nhụy phấn.
(4) Hoa Ma Koong: một loại hoa rừng màu vàng, có đài hoa cứng.
(5) Xuất: chủ làng.
Truyện Cổ Tích » Nàng Bia Nát
Ngày xưa, có gia đình ông bà Hơ Rô sinh được tám con gái. Tám cô đều xinh cả, nhưng đẹp nhất và tốt nhất là Bia Nát, cô gái út.
Một hôm ngồi khâu với tám cô gái bên bờ suối, bà Hơ Rô hỏi:
- Sau này, các con muốn làm dâu ai?
Các cô tranh nhau trả lời. Cô cả thích làm dâu nhà ông Hoan giàu có. Cô hai muốn làm dâu nhà ông Bua nhiều trâu, nhiều ngựa... Cho đến cô thứ bảy, cô nào cũng muốn làm dâu nhà chủ làng. Bà Hơ Rô thích lắm. Bà nghĩ như thế, không những các con bà sau này sẽ giàu có mà nhà bà cũng được nhiều trâu, nhiều voi, nhiều ngựa... Nhưng khi hỏi đến nàng út thì cô bảo là cô thích lấy một anh đốt than. Nghe vậy, bà Hơ Rô tức lắm. Bà liền mắng con:
- Mày khôn hơn con thỏ, con nai, sao mày lại muốn theo một thằng đốt than?
Bia Nát không nói gì, nàng cứ ngồi yên khâu vá. Thấy thế, bà Hơ Rô càng tức:
- Con thỏ sắp bị con cọp ăn thịt rồi đó. Con nai cũng sắp bỏ núi rừng rồi, còn mày thì đợi gì nữa mà không đi theo thằng đốt than!
Nói xong, và ném cho con gái một cục vàng, rồi đuổi nàng đi. Bia Nát thấy mẹ không thương mình, các chị cũng lánh mặt, nàng liền nhặt cục vàng xách thúng khâu ra đi. Nàng quyết tìm được một chàng đốt than để lấy làm chồng. Nàng đi mãi vào rừng sâu, đi đến đâu cũng chỉ thấy núi non, cây rừng, hoa lá, còn chàng đốt than thì chẳng thấy đâu. Nàng cất lời hỏi rừng xanh, hỏi suối sâu. Con nai, con chồn không biết trả lời, con bướm, con sâu cũng im lặng. Ngày nàng đi lang thang. Tối nàng trèo lên cây ngủ, đói thì ăn quả, khát thì uống nước suối. Một hôm đi xa, mệt quá, nàng ngủ thiếp đi bên một gốc cây to. Trong giấc ngủ nàng mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, chống gậy đến bên nàng và bảo:
- Con hãy đi tìm khói. Cứ đi theo khói thì sẽ gặp được người mà con muốn.
Khi tỉnh dậy, nàng lại đi. Gặp con chim, nàng hỏi:
- Chim ơi! Chim bay khắp chim có thấy ở đâu có khói không?
- Cô đi nữa đi, đi nữa đi, sắp đến chỗ có khói rồi đấy!
Đi đuợc một đoạn, nàng lại gặp chú thỏ. Thỏ dẫn đường cho nàng đi. Một lát sau, nàng gặp được khói. Từ đàng xa, đã thấy một đám khói trắng xóa. Nàng đến gần, đám khói đó chính là đám khói đốt than. Người đốt than là một chàng trai khỏe mạnh. Nàng nhìn anh từ đầu đến chân. Người tầm thước, ngực nở, đùi to, mắt đen. Trông thấy Bia Nát, chàng trai cất tiếng hỏi trước:
- Ơ cô gái đẹp đi đâu đó?
- Tôi đi chơi.
- Đi chơi sao lại mặc áo đẹp thế?
- Áo đẹp rồi áo cũng xấu đi thôi!
Anh đốt than không biết Bia Nát đên đây có việc gì, anh cứ đứng nhìn mãi.Thấy vậy, Bia Nát liền nói:
- Anh nhìn gì tôi mà nhìn kĩ vậy, tôi có đẹp gì đâu. Anh nhìn kia kìa, hoa trên cành còn đẹp biết mấy, những con thỏ, con chim kia còn đẹp biết mấy.
Anh đốt than nhìn theo ngón tay chỉ của Bia Nát không hiểu nàng định nói gì. Bia Nát bảo anh hãy nghỉ tay, hút thuốc, uống nước. Anh kêu lên:
- Tôi không đùa đâu!
Bia Nát cũng nói:
- Tôi có đùa với anh đâu. Nhà anh ở đâu?
- Nhà tôi ở chân núi đằng kia.
- Bây giờ em mang gùi cho anh, anh mang thúng khâu cho em, ta đi về nhà anh.
Anh đốt than cũng chưa hiểu nàng định làm gì, nói gì, nên bảo:
- Ơ! Cô gái đẹp, lạ quá! Tôi không dám đùa đâu, đừng mang gùi than của tôi đi mà lấm váy, bẩn chân, bẩn da trắng đẹp của cô.
Bia Nát không nói gì cứ mang gùi than đi trước, chàng đốt than đành lủi thủi mang thúng khâu của nàng đi theo sau. Về đến làng, mọi người hỏi, anh không đáp. Lúc tới nhà, anh bảo cô gái:
- Nhà tôi che bằng vỏ cây, lợp bằng cỏ dại. Nhà tôi không có chỗ nằm, chỉ có một giường thôi. Giường của tôi làm bằng cây lau, cây sậy, con nai con thỏ cũng không nằm được.
Tối đến, Bia Nát cứ lên giường đó ngủ, anh đốt than đành ngủ dưới đất. Bia Nát gọi chàng lên giường ngủ chung, chàng không dám. Đến giữa đêm, gió núi nổi lên rét lắm, chịu không nổi, chàng đành phải lên giường nằm với nàng. Và từ đó hai người thành vợ chồng.
Hai người sống chung với nhau rất thuận hòa. Một hôm, Bia Nát mang than đi đổi muối. Ở nhà, thấy có gà rừng vào sân ăn lúa, chàng liền lấy cục vàng ném gà. Khi Bia Nát về, tìm không thấy cục vàng thì òa lên khóc. Thấy vậy, anh đốt thanh liền hỏi:
- Làm sao em khóc?
- Mất cục vàng trong thúng rồi!
- Tưởng thứ gì, chứ thứ ấy thì ở chỗ anh đốt than có nhiều lắm.
Đêm hôm ấy, hai vợi chồng ngủ ngon và sáng mai, khi gà rừng vừa dậy, hai vợ chồng dậy mang gùi ra đi.
Người chồng bảo:
- Em Bia Nát này, anh không biết loại đá ấy quý như thế nào, chỗ anh đốt than có nhiều loại đá ấy lắm.
Đến hang đá, chàng chỉ cho nàng chỗ đá màu vàng. Nàng nhặt vàng bỏ vào gùi mang về. Mang xong chuyến này, hai vợ chồng lại đi gùi chuyến khác cho hết ngày hôm đó. Từ hôm ấy, Bia Nát mang vàng xuống chợ đổi lấy các thứ cần thiết.
Một đêm, nằm ngủ, Bia Nát thấy ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc đến bảo:
- Con muốn cho chồng con trở thành người đẹp thì con hãy lấy lúa giã nhỏ, cả trấu cũng giã nhỏ, rồi đem đổ lên chính tàu lá chuối to. Con bảo chồng con nằm lên đống bột. Con phủ kín bột khắp người nó, trừ mắt, mũi, miệng. Đúng ba ngày, ba đêm, con bảo chồng con dậy đi tắm, thế là được.
Sáng hôm sau, Bia Nát làm y như điều trong mộng. Quả nhiên, chồng nàng trở thành một chàng trai đẹp lạ thường. Trong khi chồng đi tắm, Bia Nát đã nhờ chim, nhờ voi trong rừng đến giúp làm xong ngôi nhà. Chồng đi tắm về đã thấy có nhà mới, liền hỏi:
- Ơ em Bia Nát, nhà ai mà đẹp thế?
- Nhà của anh và của em đấy!
Người chồng sung sướng lắm vì suốt đời anh chỉ chui rúc trong túp lều rách. Bây giờ anh mới biết Bia Nát là người tài giỏi. Bia Nát bảo chồng đem vàng chia bớt cho bà con láng giềng để mọi người đổi lấy những đồ cần thiết cho mình.
Bây giờ hai người mới nghĩ đến làm lễ cưới. Bia Nát đi mời bố mẹ và các chị đến, nhưng chẳng ai thuận đi. Bia Nát phải bảo chồng đi mời. Người chồng mặc khố thêu chỉ đỏ, mình khoác chân vàng, cưỡi ngựa trắng đi mời bố mẹ và các chị vợ đến dự lễ cưới. Bố mẹ Bia Nát nhìn thấy chàng, liền bảo:
- A, chồng Bia Nát không phải là một thằng đốt than đâu!
Được con rể và em rể về mời dự đám cưới, cha mẹ và các chị của Bia Nát mừng lắm, nhận lời đi ngay.
Đến nơi thấy vợ chồng Bia Nát giàu có, ai cũng ngạc nhiên. Người mẹ đến bên cạnh con gái hỏi:
- Con còn giận mẹ nữa không?
Nàng không nói gì. Nàng mời mẹ và mọi người lên nhà. Bà mẹ đi sát bên con lại hỏi:
- Chồng con có phải là một thằng đốt than không?
- Đúng rồi! Chồng con là người đốt than đó.
Rồi nàng kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Nghe xong bà mẹ lấy làm xấu hổ và hối hận.
Truyện Cổ Tích » Nàng Bò Tót
Hai bà cháu anh mồ côi ra đặt bẫy ở một cánh rừng, giết được một con bò tót. Họ làm thịt con bò chia cho bà con dân bản, chỉ giữ lại một đùi phần mình.
Năm ngày qua đi, hai bà cháu đã ăn hết phần thịt, chỉ còn lại cái chân, anh mồ côi gác lên sàn bếp.
Một hôm, hai bà cháu đi làm về, thấy sàn nhà sạch sẽ, bếp lò đỏ than, giữa sạp sàn bày một rá cơm với một nồi canh.
Thấy lạ, nhưng vì đói bụng, hai bà cháu đánh liều cùng ngồi ăn. Ăn xong cả hai người đều lo lắng vì sợ cơm ma. Đêm đó họ không sao ngủ được. Sáng hôm sau thấy trong người vẫn bình thường khỏe khoắn, họ yên lòng mang gùi xách dao lên rẫy như mọi ngày.
Chiều về, hai bà cháu lại thấy cơm canh đã được ai dọn sẵn như hôm qua. Đang đói bụng, họ lại ngồi vào ăn. Tuy ăn cơm lạ mà bọn họ vẫn không hết nghi ngờ.
Hôm sau, ra rẫy, hai bà cháu vừa phát cây vừa nói về mâm cơm lạ. Anh mồ côi nói:
- Bà ơi! Có ai mà lại cứ đến quét dọn cho nhà ta, nấu cơm, nấu nước cho bà cháu ta mãi thế?
Bà lo lắng trả lời:
- Ăn của con ma thì phải chết theo con ma thôi, cháu ơi!
Rồi hai bà cháu bàn nhau tìm xem ai là người đã làm việc đó. Sáng hôm sau, vừa thức dậy, anh mồ côi nói to:
- Bà ơi! Việc nương rẫy đã xong, còn ít cây con chưa dọn hết, bà ở nhà làm hết, cháu phải sang bản Cà Lơ xin ít muối và gạo nhé!
Bà soạn gùi, xách giỏ nứa ra sàn ngoài cho cháu, dặn:
- Cháu đi nhanh chân, chóng về kẻo bà nhớ, bếp lửa trông!
Anh mồ côi hẹn:
- Cháu đi hai lần mặt trời dậy, hai lần mặt trời ngủ mới về.
Bà cầm dao, mang giỏ lên nương. Anh mồ côi mang gùi, đeo giỏ, tách rừng đi về phía mặt trời mọc.
Đi được một quãng ngắn, anh mồ côi rẽ vào lối rậm, đạp tắt đường rừng, quay về nấp sau mô đá cao cạnh nhà mình. Từ chỗ đó, anh thấy rõ hết những gì xảy ra trên sạp, ngoài sàn nhà mình.
Anh ngạc nhiên sửng sốt khi thấy một cô gái đẹp từ đâu hiện ra dọn sàn trong sàn ngoài, rồi vác ống tre xuống suối lấy nước, lại lên nhóm lửa bếp nấu cơm, làm canh.
Khi đã dọn đầy đủ cơm nước ra cạnh bếp, cô gái xõa tóc ra hong nắng ở cửa ngách sàn ngoài. Ngắm nhìn cô gái đẹp nằm dài trên sạp sàn nhà mình, anh mồ côi vừa mừng vừa lo.
Rồi anh lẹ làng men đến nắm lấy mớ tóc dài của cô gái, vấn ba vòng, bảy vòng vào tay mình rồi mới lên tiếng:
- Ta bắt được kẻ xấu vào nhà ta rồi!
Cô gái giật mình, toan vùng dậy lẩn trốn nhưng đầu không cựa nổi, đành vật vã trên sàn kêu lên:
- Anh buông tôi ra! Tôi là người trong nhà đây mà!
Anh mồ côi thấy thân hình cô gái mềm mại, khuôn mặt hiền dịu thì có ý thương, nên tháo dần ra một vòng tóc và hỏi:
- Ta có thù oán gì với ai mà cô toan bỏ thuốc độc giết bà cháu ta?
Cô gái lắc đầu hỏi lại:
- Tôi là người trong nhà, anh không nhận ra sao?
- Cô đừng giấu quanh nữa. Cô ở đâu đến đây? Nếu cô nói dối thì tôi sẽ giết chết cô!
Cô gái run run nói:
- Anh có của mà không biết của đấy. Tôi là cái chân bò tót mà. Anh không ăn tôi nên tôi đến để trả ơn anh.
Anh mồ côi nhìn lên sàn bếp thấy mất chân bò tót thì có phần tin, nên buông lỏng thêm một vòng tóc nữa và hỏi:
- Cô trả ơn tôi cho đến bao giờ?
Cô gái lưỡng lự một lúc rồi trả lời:
- Tùy anh thôi!
- Ồ, thế thì cô làm vợ làm chồng với tôi nhé! Nhà tôi nghèo, cô có ưng không?
Cô gái e thẹn trả lời:
- Làm vợ làm chồng thì phải theo phép của Giàng chứ!
Anh mồ côi buồn bã nói:
- Tôi nghèo, bà tôi nghèo, bạc nén không có, nồi đồng, chiêng núm, chiêng bằng cũng không có. Nhà mình rỗng như chiếc nồi úp miệng xuống đất thì lấy gì của bỏ, lấy gì làm lễ cưới?
Cô gái bảo:
- Giàng cho ta làm vợ làm chồng thì một lễ nhỏ cũng thành. Anh nấu một nồi cơm, vắt đủ tám nắm, luộc một quả trứng cắt ra làm tám miếng để lễ Giàng và ma hai nhà. Lúc lễ, anh ngồi trong nhà, em ngồi ngoài sân. Nếu anh ném đúng vào tay em cả tám nắm cơm, anh lại ngửa tay hứng đủ tám miếng trứng em tung vào, không có miếng trứng, miếng cơm nào rơi xuống đất là ý Giàng thuận cho ta làm vợ làm chồng. Nếu Giàng không cho thì em xuống thang đi luôn.
Anh mồ côi lo lắng, vội đi nấu cơm, luộc trứng để làm lễ cúng Giàng.
Vào lễ, anh đũ tung được cả tám nắm cơm vào tay cô gái và húng đủ cả tám miếng trứng, không để rơi lại một miếng nào. Cô gái đem cả tám nắm cơm lại thành một nắm to và trao lại cho anh mồ côi.
Hai người đã nên vợ chồng.
Bà đi làm rẫy về thấy cháu mình đang ngồi nói chuyện vui vẻ với một cô gái xinh đẹp ở trên sạp sàn thì lạ lắm. Bà chưa kịp hỏi, anh mồ côi đã kể hết ngọn nguồn cho bà nghe. Bà cháu vui mừng khôn xiết.
Bà cháu sống với nhau rất hòa thuận. Họ chung sức làm được một rẫy lúa to.
Lúa rẫy anh mồ côi chín sớm hơn mọi rẫy khác nên bị bò tót kéo đến phá phách mất nhiều. Anh đã mang ná đi rình nhiều đêm nhưng chưa bắn được một con nào cả.
Người vợ hết mực siêng năng, chăm chỉ công việc ruộng nương, bếp núc. Mỗi lần nấu nướng, chị ta thường giữ kĩ nắm vung trên nồi, không cho ai sờ tay vào. Khi nào bà thấy cháu quá bận rộn, vào làm giúp thì chị ta dặn:
- Bà không được mở vung làm sống cơm bà nhé!
Bấy lâu thấy cháu vẫn giữ kĩ vung nồi, bà lấy làm lạ lắm. Nhân lúc cháu vác ống tre đi múc nước ở suối, bà liền mở vung, hé mắt nhìn vào nồi cơm đang sôi thì lạ thay: một nửa nồi đã thành cơm, còn nửa kia là một nắm thóc vàng.
Đoán ra được cơ sự, bà đậy vung nồi cơm lẩm bẩm một mình:
- Bấy lâu ta tưởng bò tót ăn mất lúa rẫy, hóa ra cháu ta cắt về nấu cơm cho cả nhà cùng ăn. Nó là giống bò tót mà lại!
Biết chuyện, bà càng thương cháu dâu nhưng không kể lại chuyện cho chàng mồ côi biết. Ít lâu sau, bà già qua đời. Vợ chồng anh mồ côi đã sinh được hai đứa con xinh đẹp.
Một hôm, có đàn bò tót đạp rào vào phá ngô ở nương nhà anh. Anh mồ côi lấy ná ra toan bắn thì vợ ngăn lại, van xin:
- Anh ơi, sao anh nỡ bắn họ hàng nhà em?
Đang xót ruột vì nương ngô bị phá, anh chồng gắt:
- Thấy đàn bò ác lại nhận là bà con chú bác là nghĩa làm sao? Nó phá hết ngô, lấy gì cho con ăn?
Người vợ khóc lóc bảo:
- Cây một gốc, nước một nguồn, có phải bà con em mới nhận chứ đâu có nhận quàng. Anh không cho ăn thì ra đuổi đi!
Anh mồ côi vẫn chưa nuôi cơn giận, quát to:
- Đuổi được nó à? Nó húc cho thủng ruột ra ấy chứ? Ừ, bà con cô thì cô ra mời họ ra khỏi rẫy nhà tôi đi!
Người vợ nghe thấy thế giận tím mặt. Chị gạt nước mắt, ôm cả hai con chạy thẳng ra phía đàn bò ở bên rẫy.
Anh chồng thấy thế biết mình quá lời, hoảng hốt lo lắng cho vợ con, vội buông ná gọi to:
- Em ơi, lui lại! Bò giết mất em với các con đấy!
Người vợ vẫn cắm đầu chạy. Anh mồ côi giơ cả hai tay lên trời chới với như người sắp chết chìm, miệng lắp bắp kêu tên vợ, tên con.
Người vợ ẵm hai đứa con lao thẳng vào giữa đàn bò và cũng biến thành một con bò mẹ với hai con bê con. Ba mẹ con bò chạy húc vào lưng, vào cổ, vào bụng những con bò khác trong đàn. Cả đàn bò tót vểnh cổ, cong đuôi chạy lao mất vào rừng sâu.
Anh mồ côi bỗng nhiên mất vợ, mất con, càng ăn năn với cơn nóng giận của mình. Anh khóc rống lên. Tiếng khóc u buồn của anh đến cây rừng nghe cũng rũ lá, vượn nghe cũng khóc theo, chim chóc nghe thì ngừng tiếng hót.
Khi khóc đã khô nước mắt, anh mồ côi lập bàn thờ cúng vợ.
Từ đó, hễ đám lễ nào có giết bò, hoặc nhà nào săn được bò rừng thì anh không dám đến lễ ấy, đến nhà ấy nữa. Vì ai nỡ ăn thịt dòng dõi vợ con mình bao giờ?
Truyện Cổ Tích » Ba Chàng Dũng Sĩ
Ở làng kia, có một người đàn bà rất chăm làm. Từ mờ sáng, khi chim Mơ lang vừa cất tiếng hót thì đã thấy bà rời làng lên nương rồi. Bà cặm cụi làm việc cho đến khi ngôi sao Bắc đẩu lấp lánh trên trời cao mới lại trở về làng.
Một hôm, đang làm rẫy, bà bỗng thấy trong người choáng váng, khó chịu, cổ họng khô cháy như lửa đốt. Bà vội tìm đến chiếc chòi giữa rẫy, nhấc ống nước định uống thì thấy trong ống chẳng còn giọt nước nào. Cơn khát ngày càng hành hạ bà. Bà đảo mắt nhìn quanh để tìm nước uống, chợt thấy xa xa từ khe núi có một khe nước đang rỏ giọt. Bà mừng rỡ vội vã rảo cẳng chạy tới. Đó là một quả núi giống hình một người đành ông to lớn, đang cầm chà gạc
(*)
ngó trời. Từ trên đỉnh đầu hình người chảy ra những giọt nước trong vắt, mát lạnh. Bà ngửa cổ vừa uống ba ngụm đã thấy cơn khát dịu ngay, cổ họng còn đọng mãi vị thơm ngọt của dòng nước lạ.
Từ hôm đó, bà thấy trong người khang khác và bụng ngày một to dần. Bà đã thụ thai.
Nhưng đã chín tháng mười ngày rồi mà bà vẫn chưa đẻ. Một năm, rồi hai năm, ngày sinh vẫn chưa tới. Cho mãi đến năm thứ ba, vào một ngày mặt trăng và mặt trời gặp nhau (nhật thực) tỏa ánh sáng vàng dìu dịu, bà mẹ mới trở dạ. Bà sinh được ba đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh và giống nhau như lột.
Ngày tháng trôi qua, ba đứa trẻ lớn dần lên. Từ đấy, núi rừng có thêm ba chàng trai khỏe mạnh. Cánh tay họ cứng như sắt có thể bẻ gãy cây to như ngắt ngọn cỏ. Cặp chân họ chạy nhanh như gió, một bước nhảy vượt băng một cánh rừng. Mắt họ sáng, nhìn xa hơn mắt chim ưng.
Thấy các con đã khôn lớn, một hôm bà mẹ bảo họ:
- Đất trời mình còn rộng lắm. Các con hãy chia nhau đi các ngả mà làm ăn. Lâu lâu, các con hãy về thăm mẹ nhé!
Ba chàng trai vâng lời, từ biệt mẹ lên đường.
Người em út theo hướng mặt trời mọc mà đi. Đường đi mỗi ngày một xuống thấp và chẳng bao lâu đồng bằng bát ngát, biển khơi mênh mông sóng nước hiện ra. Người em út ưng miền đất đẹp này lắm và chọn nơi ấy làm chốn ở của mình. Từ đó, ngày tắm nước bể trong xanh, đêm nằm dài trên cát mịn, da dẻ chàng thay đổi dần, trắng trẻo như cục bột. Người ta gọi chàng là Ngọc.
Người em thứ hai cứ theo hướng mặt trời lặn mà đi. Đất dưới chân chàng ngày một cao dần lên, rừng rậm trùng điệp hiện ra và núi non hùng vĩ nhô lên như chào đón chàng. Gặp một khe suối nước chảy óng ánh như màu đồng hun, chàng cởi áo lội qua bờ bên kia. Dòng nước kì lạ ấy đã làm cho người em thứ hai khi từ khe nước bước lên đổi hẳn màu da, trở thành ngăm ngăm đen hệt như màu nước. Thấy đất màu mỡ, chàng bèn dừng lại và dựng trại làm ăn. Từ đó người ta gọi chàng là chàng Lèo.
Còn người anh cả ở giữ quê hương. Chàng dựng lên một chiếc nhà rông cao nhất trời, mái nhà cong vút chấm tới mây, cột nhà dựng san sát như cây rừng. Chàng sống ở đó, trông núi rừng cho suối đánh đàn, cho hoa nhảy múa, cho muôn thú và gió lộng hát ca...
Nhưng bỗng một hôm, một con Xà tinh không biết từ đâu hiện ra, mình nó lớn bằng cả một dãy núi. Nó có cánh để bay vút lên trời, lại có vây để lặn sâu xuống nước. Nhưng lợi hại nhất là ba viên ngọc ước của họ nhà trời mà Xà tinh đã ăn cắp được, đem về cất giấu trong chiếc túi tròn, đeo ở nách bên phải của nó. Hòn ngọc thứ nhất màu xanh biếc, khi giơ ra thì lập tức giông bão nổi lên, gió gào thét điên cuồng, thổi bật đi cả từng khu rừng một. Hòn ngọc thứ hai màu trắng nhạt, cầm đến nó thì lập tức sóng nước cuồn cuộn trào dâng, cuốn trôi băng cả hàng chục làng. Hòn ngọc thứ ba màu đỏ chói, khi tung lên thì khói lửa rừng rực bốc lên, thiêu rụi hết mọi vật. Xà tinh dùng ba viên ngọc ước này để tàn phá tất cả những miền mà nó đi qua.
Một hôm, Xà tinh mò đến quê hương của ba chàng trai. Nó đi đến đâu, cây rừng nghiêng ngả, gió rú ào ào, khói mây bay mù mịt đến đấy. Người anh cả thấy có chuyện lạ, vội từ trong nhà rông bước ra, một tay cầm chiếc khiên đính lục lạc đồng, một tay cầm con dao nhọn, sắc như nước.
Trông thấy vẻ hùng dũng của người anh cả, Xà tinh cũng có ý chờn. Nó thò tay vào túi, bốc viên ngọc xanh biếc ra, tức thì dông bão ầm ầm nổi lên, cây bật rễ, đá núi bay rào rào. Thấy Xà tinh bỗng dưng tác oai, tác quái, tàn phá buôn làng quê hương mình, người anh cả nổi giận lao người tới trước mặt nó, vung mạnh tay khiên. Chiếc khiên quay vun vút làm thành một trận gió mạnh, xô bạt cơn dông của Xà tinh đi. Sau nửa ngày đánh nhau kịch liệt, Xà tinh đuối sức phải thu ngay viên ngọc xanh lại. Nó tức giận gầm lên một tiếng vang trời rồi nhấc viên ngọc màu trắng nhạt ra. Lập tức cả một bể nước ậo tới, phủ kín núi rừng. Lợn lòi, chồn, rắn nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trước sức mạnh ghê gớm của nước lụt, người anh cả thấy hết phương chống cự. Chàng chạy vội lên ngọn núi cao nhất, quờ cây khô, dồn lá héo, chất thành đống lớn, châm lửa đốt lên. Ngày trước, lúc chia tay lên đường, ba anh em đã hẹn ước với nhau rằng bao giờ có giặc hay gặp nguy nan, người anh cả sẽ dùng ánh lửa đốt trên núi cao để báo hiệu gọi các em về, một ngọn là hiệu gọi em út, hai ngọn là gọi em thứ hai.
Thấy một ngọn lửa nơi quê mẹ bùng cháy, chàng Ngọc lúc đầu ngỡ là ánh sáng mặt trời rọi lên, chẳng để ý tới. Nhưng ánh lửa mỗi lúc một cháy to, ngọn lửa lắc lư như vẫy gọi. Biết là lửa của anh cả gọi mình, chàng Ngọc bèn chạy một mạch như bay về quê hương.
Tới làng cũ, nhìn thấy núi rừng tiêu điều, xơ xác, chàng Ngọc vô cùng căm giận, ngồi bên suối ngày đêm nghĩ cách trừ Xà tinh.
Một buổi sáng, chàng Ngọc từ biệt anh cả đi thẳng vào sào huyệt của yêu quái. Thấy chàng trai trắng trẻo, Xà tinh gầm gừ rồi quát lớn:
- Hỡi con thỏ trắng kia! Mày mang da đến đây cho tao lột phải không?
Chàng Ngọc dũng cảm thét vào mặt nó:
- Ta đến tìm mày để hỏi tội đây. Thần nước ở quê ta, ta còn trị được nữa là vũng nước chân trâu hôi thối của mày!
Xà tinh giận lắm. Hắn bốc ngay viên ngọc trắng nhạt ra. Lập tức sóng ngàn, nước cả hiện ra trắng xóa một vùng. Nhanh như chớp, chàng Ngọc co mạnh tay, dẫm mạnh chân xuống đất. Tức thì, từ trong lòng đất nổi lên một bức thành dài dằng dặc. Lớp thành đất vững chắc như thép nhô cao lên mãi, vây chặt lấy bể nước rồi khép dần lại. Dòng nước hung dữ cố sức phá vỡ bức thành để tràn ra ngoài nhưng không nổi. Nước ngày một cạn dần đi. Xà tinh yếu thế vội thu viên ngọc trắng lại và giở viên ngọc đỏ chói ra. Lập tức khói bốc lên mù trời, lửa cháy rừng rực, cây xanh cháy thành than. Nước suối sôi lên ùng ục. Người em út không trị được nạn lửa ghê gớm ấy, đành phải chạy về vùng biển.
Thấy nguy khốn, người anh cả lại lên núi cao, chất hai đống lửa lớn, gọi người em thứ hai về cứu. Trông thấy hiệu lửa, chàng Lèo liền nhắm hướng lửa mà chạy như gió, chẳng quản ngày đêm. Đến quê mẹ, chàng chạy thẳng đến hang Xà tinh và gặp nó đang mài vuốt trước cửa hang. Chẳng nói, chằng rằng, chàng Lèo nhằm giữa mặt nó phóng một ngọn lao mạnh như sấm sét. Biết dòng họ dũng sĩ đã lại đến, Xà tinh liền tìm cách thử tài. Lùi lại tránh mũi lao, nó bốc một nắm lá, niệm thần chú rồi tung lên trời. Lập tức một bầy ong vò vẽ hiện ra vù vù xông tới. Chàng Lèo bình tĩnh tháo bông hoa cài trên đầu cắm nhẹ trên đất. Tức thì khắp một cánh rừng, những bông hoa muôn sắc tỏa ra rồi dệt lại thành một tấm thảm đẹp tuyệt vời. Đàn ong bén mùi mật hoa, sà cả xuống bám đen nghịt. Chúng chui vào bông hoa để hút mật. Bỗng nhiên bông hoa rùng mình khép luôn cánh lại, nhốt chặt đàn ong ma quái ở bên trong.
Thấy phép thuật của mình đã bị hại, Xà tinh gầm lên, bốc viên ngọc đỏ chói ra, thét lớn:
- Đến ngọc này thì mày cũng sẽ phải chạy như hai tên nhãi trước thôi!
Thấy ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao, cháy rừng rực, dữ tợn, chàng Lèo liền cởi ống nước phép đeo trên lưng, trút xuống đất. Những tia nước mát rượi bắn tung ra rồi bỗng dâng cao thành những suối nước khổng lồ bao lấy lửa. Chẳng bao lâu, lửa của Xà tinh đã bị các suối nước làm tắt ngấm hết. Bị thua, Xà tinh càng điên cuồng gầm thét. Hắn thu viên ngọc đỏ lại rồi vung viên ngọc trắng nhạt ra. Lập tức sóng nước dâng lên cuồng cuộn, mưa xối ào ào như nước chảy trong ống. Nước dâng lên rất nhanh khiến người em thứ hai không tài nào chống nổi, đành phải theo hướng mặt trời lặn mà chạy về núi.
Người anh cả thấy các em mình không trị được Xà tinh thì vô cùng lo lắng. Dâng làng thấy vậy cũng rất lo. Họ liền hợp sức nhau lại, góp công đóng một chiếc thang thật dài, bắc qua sông, bảo người anh cả leo lên hỏi Trời xem có phép gì giúp cho dân làng giết được Xà tinh không. Người anh cả leo thang lên Trời ngay.
Sáng hôm ấy, Trời ngủ dậy muộn, vừa mở mắt Trời đã thấy người anh cả quỳ trước mặt, thưa rõ đầu đuôi câu chuyện và xin Trời giúp cho cách đánh Xà tinh. Suy nghĩ một lát, trời gật gù bảo:
- Con Xà tinh này quả là có lắm phép. Nhưng tài trí của các cháu cũng không kém gì nó lắm đâu. Chỉ vì các cháu chưa biết hợp sức lại mà đánh nên mới trị được phép này, nó lại giở phép khác. Thôi, bây giờ hãy trở về núi cao, đốt lửa gọi hai em cháu về. Rồi cả ba anh em cùng hợp sức đánh thử xem. Nếu vẫn thua, ta sẽ bày cách khác.
Người anh cả vâng lời, trở về núi cao đốt lửa gọi hai em lần nữa. Ba anh em hợp nhau lại cùng với dân làng, chia thành ba ngả kéo thẳng đến sào huyệt Xà tinh.
Đang gục đầu ăn gan trâu trắng, uống rượu đen, chợt thấy ba chàng dũng sĩ đứng chặn ngay trước cửa hang, Xà tinh liền gầm gừ:
- Kìa, ba con thỏ non lại kéo đến nộp mạng rồi. Hãy đợi đấy, ăn uống xong, ta sẽ hỏi tội chúng mày.
Người anh cả đáp lại, giọng to như tiếng cồng vang:
- Yêu quái, hôm nay mày sẽ phải đền tội. Mày đã tàn phá núi rừng này, giết hại dân làng này, giờ đây anh em ta sẽ hợp sức nhau lại trị tội mày.
Xà tinh giận lắm. Nó nhảy ra khỏi hang, giơ viên ngọc xanh ra. Dông bão nổi lên. Nhanh như chớp, người anh cả vung chiếc khiên, giơ đằng đông, núi đằng đông sạt; giơ đằng tây, núi đằng tây đổ. Chiếc khiên quay tròn, cuốn gió thổi bạt cả dông bão của Xà tinh đi. Xà tinh thua trận đầu, vội giở tiếp ngay viên ngọc trắng ra. Nước lũ ào ào tràn tới. Người em út lao ngay ra giữa dòng nước, giơ cao kiếm dẫm chân mạnh xuống đất. Tức thì lớp lớp thành lũy nổi lên, bủa vây và nhốt chặt dòng nước lại. Thấy phép màu bị hại, Xà tinh hấp tấp bốc vội viên ngọc đỏ ra. Khói lửa cuộn đến, cháy ngút trời. Nhanh như cắt, người em thứ hai trút ngay ống nước phép xuống đất. Những dòng nước nhỏ, trong chốc lát biến ngay thành trăm ngàn con rồng bằng nước lạnh, uốn khúc, lấp loáng bám lấy bể lửa. Lửa lụi dần rồi tắt ngấm.
Thấy mất trọn cả ba phép lạ, Xà tinh cuống cuồng toan chạy trốn ra bể. Nhưng chàng Ngọc đã lăm lăm thanh kiếm chặn mắt đường. Xà tinh hoảng sợ vội quay đầu chạy lên núi. Nhưng chàng Lèo đã chống ngọn lao đợi sẵn ở đấy. Bí thế, Xà tinh toan chạy trốn lên trời, nhưng người anh cả đã nhảy vọt tới, vung con dao sắc như nước xả tới tấp vào mình nó. Xà tinh gào thét giãy giụa chuyển cả rừng, rung cả đất. Cuối cùng kiệt sức, nó lăn ra chết, hóa thành dãy núi Róc Ron lởm chởm, nứt nẻ, lồi lõm, cằn cỗi màu chết chóc.
Từ đó, núi rừng Tây Nguyên trở lại cảnh thanh bình ngày trước. Nương đầy lúa, rẫy đầy khoai, sông đầy cá, bờ suối khoe sắc hoa vàng hoa đỏ. Ba chàng dũng sĩ lại chia tay nhau, kẻ xuống hướng đông, kẻ lên phía tây làm ăn. Người anh cả ở lại rừng, dựng nhà rông cao to hơn xưa để giữ gìn quê mẹ. Hàng năm, người em út dưới biển gánh muối lên cho hai anh em, người em thứ hai cõng chiêng, mền lên cho anh cả. Còn anh cả thì chia cho các em gỗ quý, mật ong, thịt rừng, nếp thơm.
Cho đến nay, đồng bào Tây Nguyên còn truyền tụng rằng: người anh cả có tài múa khiên bạt gió, đó là người Tây Nguyên. Chàng Ngọc, người em út ở gần sông gần bể nên thạo nghề đắp đê ngăn nước, là người Việt. Còn người em thứ hai - chàng Lèo ở xứ nóng bức, có gió Lào, hay bị hỏa hoạn nên có tài chống lửa, đó là người Lào. Ba anh em xưa là con một mẹ.
(*) một loại vũ khí đi rừng của người Tây Nguyên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro