Chương 1: Chết Hết Một Nhà
Trong mặc định suy nghĩ của thiên hạ, nếu là có mười tên phú hộ thì chắc chắn sẽ có chín kẻ cướp đêm bóc lột mồ hôi xương máu của dân, kẻ cuối cùng là đang cướp thì sợ quả báo kiếm tới mình nên hãi hùng tìm đường đi tu.
Không quan tâm ngươi là chín kẻ đầu tiên hay kẻ cuối cùng kia, ngươi đang làm chuyện ác hay đang tìm cách quay đầu, nói chung cứ là phú hộ thì đều đáng bị căm phẫn, lên án và nguyền rủa đến tận xương tủy. Bởi cho dù có tìm đường quay đầu thì cũng chẳng khiến dân nghèo hết nghèo được.
Trong đám dân nghèo không chịu được cảnh mồ hôi nước mắt của mình như muối bỏ biển trả hoài không hết nợ cho các phú hộ, có một số kẻ nảy lên ý tưởng học thầy luyện bùa nguyền rủa trù ếm, nhưng vì nghèo, vét cả gia tài lẫn bán nốt con chó què trong nhà cũng không đủ để mua một vé dự gặp thầy, nên đừng nói tới chuyện xin học thầy.
Thế là sau tất cả, trù ếm không được mà vùng lên đánh bại cũng không xong. Bọn họ chỉ có thể ngày ngày nguyền rủa trước khi ngủ như một thủ tục, mong ngày nào đó quả báo sẽ ập lên đầu chủ nợ, ít nhất thì tưởng tượng đến cảnh dinh thự nhà phú hộ đột nhiên bốc hỏa mang theo tất cả giấy nợ cháy rụi hết cũng khiến họ ngủ ngon mỗi đêm.
Trời không phụ lòng người, sau bao năm rõng rã thì cuối cùng cũng đã xuất hiện tên phú hộ xui xẻo đầu tiên dính chưởng. Nhưng đặc biệt ở chỗ là không chỉ hắn, mà cả nhà, cả dòng họ hắn đều bị quả báo kéo xuống vạn trượng mất mạng.
Thiên hạ kể lại, cả nhà phú hộ họ Vũ sống ở đời độc ác với người làm, tàn bạo với dân, ức hiếp người lành, nhà hắn hối lộ quan lại hàng tháng, có đánh chết người cũng không đòi lại được công đạo. Tội chồng chất tội, mỗi tầng tội là mỗi tiếng than oán căm hận của người hiền kêu vang thấu trời xanh.
Trong lúc vợ hai của phú hộ họ Vũ ấy đang mang thai đứa con đầu tiên, có một nhà sư tới khất thực ở cổng nhà. Tuy bà hai phú hộ Vũ cũng giống chồng làm việc ác rất quen tay, nhưng đối đãi với sư thầy, bà hai không dám bất kính, bà nghĩ trong lòng: "Bất kính với đệ tử của Phật không khác gì bất kính với ngài, ta đang mang thai nên để lại phước báu cho con". Thế nên không những mời thầy vào nhà, sai người làm mang đồ ngon ra biếu sư thầy, bà còn rất niềm nở xin sư thầy mách điều để quý tử sinh ra được xuất chúng, tiền đồ rạng danh, lùi cũng làm thầy, tiến thì làm quan.
"Vợ chồng con trước giờ không ngại làm phước tích đức, con mang thai con đầu là niềm kì vọng của cả nhà. Xin hỏi sư thầy có thể dặn dò cho con điều gì để con cái sinh ra được xuất chúng, sau này rạng danh làm vui chồng con hay không?"
Trong lòng ôm cả một bụng mong chờ, bà hai long lanh mắt hỏi sư thầy. Nhưng đối với sự kì vọng và tiếp đãi tử tế của bà, sư thầy ấy chỉ lấy đồ ăn đủ cho một bữa chứ không lấy dư. Sư thầy nhìn bà hai, xong lại nhìn về cơ ngơi ngói đỏ khang trang của phú ông, nói:
"Có được cơ ngơi khang trang dư của ăn của để là phúc của gia chủ, nhưng quý tử này sinh ra mệnh không dày phúc như phú ông ở nhà. Tôi có lời khuyên bà không nên nuôi con trẻ như ngọc giấu trong nhà mà nên nuôi như con của đa số nông dân ngoài kia. Có vậy đứa trẻ mới lớn lên bình an!"
Cái cần biết thì không được biết, cái không mượn nói thì phát ngôn linh tinh. Bà hai đang cực kì kì vọng, nghe xong thì giận lắm, phẫn nộ chất vấn sư thầy:
"Ý ông là sao? Là quý tử nhà ta sinh ra phải chân lấm tay bùn, khổ cực như tụi khố rách áo ôm kia mới được bình an á? Ông nói bậy bạ cái gì đấy?"
Bà hai điên tiếc sai người đuổi sư thầy đi, mặc định trong lòng đây là kẻ lười làm khoác áo cà sa tới xin ăn nhà bà. Sư thầy bị đuổi ra chỉ lẳng lặng nhìn lại nhà phú ông một cái xong thở dài, sư đi chầm chậm không nói gì nữa, để lại phía sau một đám người làm đang không ngừng phỉ báng, mắng nhiếc mình không ngừng.
"Tên khốn kiếp này dám nguyền rủa quý tử, sư cái đầu mo chứ ở đấy mà sư. Tao thấy là tụi dân đen nhà nào đó muốn tính kế để kéo quý tử của phú ông xuống ngang với con mọn của tụi nó đúng hơn!"
"Gớm, đợi phú ông về, tên đó không xong đâu. Tao nhớ mặt nó rồi"
"Sao bà hai không xử luôn mà phải đợi phú ông về nhỉ? Tới lúc đó gã chạy xa lắm rồi!" - Một tên thắc mắc.
"Mày ngu à? Bà hai hiền lương lại đang mang thai quý tử, làm gì có chuyện bà nỡ sai người băm hắn ra bã. Nhưng chạy bằng trời. Không thấy thằng Tí tháng trước chạy đến tận thôn Đoài vẫn bị ông sai người bắt về đánh bán sống bán chết à?'
Chiều đấy phú ông họ Vũ về, nhìn bà hai một bên nước mắt lưng tròng, một bên nghe con của hắn bị phán bậy bạ. Hắn điên hơn cả bà, vừa điên vừa đau lòng.
"Quý tử của ông, đời này ông ghét tụi dân đen còn không hết, bây giờ lại tính kế cho đứa con chưa ra đời của ông không được sống sung sướng" - Hắn điên tiết, vứt luôn chén trà bằng ngọc trên tay vỡ choang.
Hắn ôm vợ hai đang nước mắt lưng tròng không ngưng vào lòng, một tay lau nước mắt cho vợ, một tay xoa xoa bụng bầu trấn an:
"Em đừng sợ, ta nhất định sai người tìm cho ra tên thèm chết ấy đánh gãy chân, sai người tán vào mồm nó cho đến khi nào nó không nói được thì thôi. Phải làm gương cho cả cái thôn Mây này biết đụng tới con ông, vợ ông sẽ có kết quả thế nào!"
Nói là làm, bản tính ác độc đã quen. Rất nhanh tụi người làm đã bắt được sư thầy ấy. Phú hộ họ Vũ sai người đánh ông ta gãy hết hai chân, miệng bị tát đến gãy hết bốn cây răng. Sau lần ấy, sư thầy chỉ còn tay để lết đi khất thực, nhưng trời đang vào mùa mưa, mưa không ngớt, gió lạnh lại ùa về, vị cao tăng cuối cùng không chống lại được bệnh tật, đau đớn chết giữa đường vào lúc trời đêm.
Sư thật sư giả không ai biết được, nhưng dân làng nhìn thấy thì vừa sợ vừa hận. Những kẻ có ý định bày trò học thầy bùa thì tắt hết can đảm, kẻ thì tin chắc những lời sư thầy nói là thật sự, không ai giàu ba họ, bọn họ ngày ngày trông chờ phú hộ họ Vũ bị quả báo kéo tới, đời con của hắn sẽ lãnh trọn tất cả.
Trước khi bà hai chuyển dạ, phú hộ đã chuẩn bị xong cho quý tử một bà vú. Chỉ chờ ngày con cưng của hắn ra đời, hắn sẽ cho con hưởng tất cả điều tốt đẹp nhất của nhà họ Vũ. Chỉ có điều, trăm vạn phòng, ngàn vạn ngờ, phú ông cũng không tính được tới chuyện tất cả gia sản nhà họ Vũ của hắn đều thuộc về bà vú mà hắn tự tay đem về này.
Ngày bà hai đẻ cũng là khởi điểm cho ngày tàn của nhà họ Vũ. Lần lượt từng người từng người, từ kẻ hầu người hạ đến những bà vợ lẻ lẫn cả của phú hộ đều chết thảm, có kẻ chết không toàn thây, kẻ thì chết mất xác. Và người cuối cùng, phú ông họ Vũ, hắn chết vô cùng thê thảm. Theo người làng kể lại, người ta phát hiện xác hắn là khi trời vừa sáng, chân hắn đứt lìa khỏi thân, hai mảnh bị quăng dưới ruộng, tay không lìa xác nhưng cũng bị bẻ ngược ra sau, hắn chết không nhắm mắt, hoặc nói cụ thể hơn là mắt bị móc lồi ra ngoài chừng nửa con rồi nên không nhắm lại được.
Những người may mắn sống, chỉ có đứa con gái đỏ hỏn của bà hai mới sinh được ba tháng và bà vú đã nuôi đứa nhỏ từ lúc nó mới lọt lòng. Dân làng nhìn vào vui mừng vô cùng, đúng là tin vào báo ứng thì chắc chắn sẽ có báo ứng.
Cả nhà phú hộ chết, không ai kế thừa gia sản, bác chú anh cậu gần xa lần lượt ùa về khóc thương, thực chất kẻ nào cũng muốn nhảy vào ăn phần. Nhưng bất kì ai có ý định đều nhận kết cục tương tự.
"Nhảy vào kế nghiệp của phú hộ họ Vũ là tự nhận mình là người họ Vũ, đều bị báo ứng chết hết cả đám không chừa kẻ nào"
Lời nguyền thổi đi xa, ban đầu có những kẻ không tin, đến khi chết rồi mới để lại gương cho những kẻ phía sau. Cuối cùng, những người họ hàng xa cũng không còn dám lén phén tới khối gia sản kết xù kia nữa, suy cho cùng chúng vẫn quý mạng hơn quý của.
Còn lại đứa nhỏ mới sinh là máu mủ thật sự của phú hộ họ Vũ, danh chính ngôn thuận thừa hưởng toàn bộ tài sản kia. Không còn ai nuôi đứa nhỏ, bà vú đành một tay nuôi lớn. Không muốn bị người khác đổ oan mình là thủ phạm đứng sau đồ sát cả một nhà để dành sản nghiệp nên dù bà vú thương cô Hai như mẹ ruột thương con , bà cũng không dám dạy đứa nhỏ gọi mình là mẹ. Từ nhỏ tới lớn, cô Hai nhà họ Vũ đều gọi bà là dì không thay đổi.
Cô Hai lớn lên sắc sảo xinh đẹp. Bà vú biết con gái như cô không cần học cao, càng không lo cuộc đời nghèo khổ, cuối cùng từ khi cô Hai nhỏ xíu, bà đã quyết định mời thầy pháp cho cô theo học. Bà cũng từ nghèo khổ vươn lên, biết được suy nghĩ học thầy để nguyền rủa nhà phú hộ của một số dân đen, bà không muốn đứa nhỏ bà nuôi lại gặp chuyện bất trắc.
Có thể nói, từ khi cả nhà họ Vũ chết hết cũng là lúc dân làng thôn Mây sống không lo đói ăn. Nếu trước kia phú hộ họ Vũ bán gạo đắt cắt cổ người, thì giờ đây bà vú đã lấy danh cô Hai bán gạo cho dân nghèo với giá mềm hơn, những ai quá khổ, bà không ngại phát miễn phí. Người nghèo ở thôn khác nghe tới nhà họ Vũ phát gạo miễn phí cho người nghèo thì cũng kéo tới xin được làm thuê. Thôn Mây vì vậy mà không còn những tiếng kêu than thấu trời xanh nữa. Cô Hai lớn lên trong sự yêu thương và biết ơn của người dân thôn Mây, nhờ học pháp thuật biết dùng bùa xua quỷ mà thôn Mây ít bị ma quỷ cô hồn quấy phá hơn hẳn các thôn khác.
Dần dần, lời tiên tri của sư thầy năm xưa cũng chẳng còn ai nhớ tới. Nếu có hiếm hoi một số ít người nhớ tới thì cũng mặc định đó là kẻ giả mạo đắp áo cà sa. Bởi sự thật rành rành dù cả nhà phú hộ họ Vũ có chết hết, đứa nhỏ bị phán là phước mỏng năm xưa vẫn sống trong sung sướng và thương yêu, vẫn bình an vô sự đó thôi!
Năm Nhâm Thìn, cả một vùng gặp đại nạn.
Khi ấy đang mùa hạ, nắng cháy da đầu, dì Thương đang uống nước trà trên ván, vừa uống vừa tra khảo cô con gái trước mặt mình:
"Cô Xuân chiều hôm qua đi đâu đó nhỉ?"
"Con hả? Con đi thăm một vòng mấy mảnh ruộng coi người làm có làm ổn không. Đang thời gặt mà không đi coi chừng là dễ bị mót lúa lắm dì ơi!"
Hương Xuân trả lời nghe thật lắm, mà mồ hôi đổ trên trán cô cũng không hay. Cô nói dối kém quá, dì nhìn là dì biết ngay.
Dì nhăn mặt:
"Hả?"
"Hả dì...?"
"Nay cô học đâu ra ý tốt quan tâm đến ruộng rẫy nhà này vậy cô Xuân. Tôi cho cô nói thật lại lần nữa đó nha, cô không khai ra thì liệu hồn với tôi" - Dì Thương căng quá, vừa nói dì vừa nhìn chằm chằm vào con gái yêu của dì.
Hương Xuân mếu máo, biết không giấu được dì rồi, đành vừa khai vừa dùng tuyệt chiêu muôn thở:
"Dì đừng đuổi con mà dì, hôm qua con đi chơi hội đèn ở chợ, con sợ dì không cho nên con mới trốn đi. Dì bỏ qua cho con đi dì. Con lỡ ham chơi chứ con thương dì nhất trên đời, giờ dì đuổi con thì không còn ai thương dì giống như con được đâu"
Ôi trời cái chiêu tỏ ra đáng thương này ngoài cô Hai Hương Xuân thì không ai xài được với dì Thương đâu, cô xài mười bảy năm rồi, lần nào cũng ngon lành hết á.
"Ai dám đuổi cô đi đâu, nhà này là của cô mà. Tôi á hả, tôi chỉ là ở đợ thôi, tôi không tự vác cái thân già này đi cho khuất mắt cô thì thôi chứ ai lại dám đuổi cô"
Hương Xuân cầm hai tay dì xoa xoa, lại đặt lên mũi hít hà, vừa hôn vừa cười hì hì:
"Dì kì cục ghê, dì đuổi con lúc nào mà không được. Nhà này ai cũng bảo là của con nhưng trong nhà này có ai dám cãi dì đâu. Lỗi con mà, thôi dì cứ ngồi yên, con rót trà uống cho dì uống mát họng rồi dì xí xóa cho con đi dì ha"
Miệng cô Hai cứ ngọt sớt như đường, sao mà dì Thương trách phạt cho nỗi. Dì nhìn đứa con gái dấu yêu mà thở dài bất lực. Cô Hai ý, là tiểu thơ con phú hộ mà sao chẳng ra dáng tiểu thơ. Tiểu thơ mà dì Thương biết là kiểu chạnh chọe, cao sang, không thích chơi cùng dân đen cơ. Mà Hương Xuân là gái yêu hiền ngoan của dì, sao mà chảnh chọe được. Ai cũng thương cô Hai không hết, người ta bảo cô Hai thảo hiền, là châu báu của thôn Mây.
Nhưng mà vẫn còn chuyện khiến dì Thương đau đáu trong lòng lắm.
"Cô Hai này!"
"Dạ dì?"
"Sao tới giờ vẫn chưa có ai chịu rước cô Hai nhỉ?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro