Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

chương 4

Chương thứ 4 .

  Sau cái hẹn gặp ăn uống và nói chuyện với luật sư Tùng , Phùng Thời với cơn giận ngút ngàn chẳng biết phải xả hết vào đâu , trên đường về Kế Tài là kẻ xúi quẩy phải ngồi nghe đàn anh tụng hết hồi này sang hồi khác . Đầu đuôi cũng tại nó hết trọi , như khổng như không hiến cho cái kế bão lãnh khiến cho mình bây giờ như kẻ mang gông . Một bà già trầu xấu đau xấu đớn mà cái thằng luật sư cà chớn nó biểu mình đi cuối nẽo đường tình với bả hả trời . Ôi , Phùng Thời này dù hèn cũng thể , dù bể cũng còn kêu xèn xèn chớ đâu có đến nỗi phải ôm một bà già để gọi là bà xã . Mỹ Ngọc , Thu Đan , Diễm Hồng , Oanh móng đỏ , Nancy Bùi , Mỹ Huyền , bao nhiêu giai nhân mượt mà , mặt hoa da phấn đã đi qua đời ta mà ta còn chưa muốn dừng chân đứng lại , thế mà một bà già đen đúa thô kệch như bà Lý lại gá nghĩa đến cuối cuộc đời à . Còn lâu !

  Thế nhưng lời khuyên của luật sư Tùng là không nên làm lớn chuyện sẽ bị lôi thôi với pháp luật . Chỉ có hại chớ chẳng lợi lộc gì . Vì Tùng đã vạch ra cho ông thấy , đặt trường hợp bà Lý đòi ly dị thì đương nhiên gia tài của ông sẽ bị chia hai lần nữa . Cái này mới quan trọng , của cải do tay ông tạo dựng , chia đôi lần trước với Ngọc là đi đúng theo câu của ông bà mình dạy , của chồng công vợ . Ngọc hưởng phân nửa gia tài vì nàng đã cùng Thời tạo dựng , nếu chẳng có công thì cũng có lao chớ bộ . Hơn nữa , hai đứa con chung sau này nó thừa hưởng chớ có ai vô đâu mà tiếc . Còn bây giờ , nếu đem cưa đôi thì bà Lý . Bà có công cán ơn nghĩa gì đâu mà đắc lợi như thế chớ . Không thể nào , không thể nào . Nhờ câu nhắn nhủ của luật sư Tiêu Văn Tùng cho nên Phùng Thời không dám làm lớn chuyện . Thôi kệ , coi như cuộc đời mình xui sẻo nên mới nghe theo thằng đàn em rước cái ách giữa đường mang vô cổ , mang một bà già trầu vô nhà rồi chẳng dám đuổi ra .

  Từ đó Phùng Thời không còn lý gì tới bà Lý nữa , bà không nấu cơm dọn dẹp thì ông tự làm lấy . Mà cũng quái lạ làm sao , sau cái đêm “quậy tới bến” đó thì bà Lý như được trớn , cứ nằm ì nay than nhức lưng mai than đau bụng , chẳng làm lụng chi cả . Có gì khó giải thích đâu , chính gã cháu là Lý Kế Tài biểu bà phải làm như vậy . Vì sao , vì bà là người ở mà chẳng làm gì thì sẽ bị ông chủ la rầy hoặc thậm chí đi đến đánh đập . Phùng Thời bây giờ vì tiếc của nên hiền khô , có dám ngó ngàng gì tới bà nữa đâu mà đánh . Hắn không ngó ngàng thì đương nhiên tiền lương hàng tháng cũng chẳng cần phải trả . Một tháng , hai tháng ở không có lương , túng quá bà Lý mới lên tiếng thì Phùng Thời cười khẩy biểu :

  - Luật của chính phủ ở đây , chồng không có trả lương cho vợ đâu bà ơi .

  Thế là bà Lý chẳng có đồng bạc nào để gởi về cho mấy đứa cháu . Chẳng lẽ ngữa tay xin ông à . Không đời nào , bởi bà nghe lời xúi dại của Thu Đan và Kế Tài , đừng bao giờ đòi tiền công mà chỉ đòi ly dị thôi . Đúng hơn , đó chỉ là lời xúi giục của Kế Tài , vì Thu Đan thì thù coi như trả xong . Mỹ Huyền đã đoạn tuyệt với Phùng Thời thì mục đích của nàng đã đạt . Còn chuyện gia tài sự sản của hắn chia chát cách nào cũng chẳng sao vì nó đâu có dính dáng gì tới nàng .

  Phùng Thời là một gã từ tay trắng làm nên sự nghiệp nên cũng đâu phải là một tay mơ . Biết mình khôn ba năm dại một giờ , nghe theo lời thằng đàn em nên bây giờ ôm hận . Bà Lý đòi xin tiền lương hoài hổng được thì bắt đầu đề tài ly dị  . Ừ , bà đòi thì cứ để cho bả đòi , ông ta chẳng thèm trả lời trả vốn gì ráo là xong . Có một hôm bà mang chuyện ly dị ra nhắc thì Phùng Thời ngồi im như cục đá . Bà Lý tức mình lên tiếng hăm he :

  - Ông hổng nghe tui nói hả . Ừ , tui đem cái chuyện ông giả bão lãnh tui qua đây để làm con sen ở đợ cho ông tui trình lên ông nhà nước . Tới chừng đó coi ai đi tù cho biết nghen .

  Phùng Thời cũng đâu có thua , hắn hỉnh mũi hỏi lại :

  - Tui đi ở tù thì bà cũng bị ở tù chớ bộ được tha à . Hổng chừng người ta còn gởi bà về luôn bên Việt Nam nữa kìa .

  Lời qua tiếng lại vài lần thì bà Lý lòi cái đuôi gian ra . Người ta bảo gian là phải xảo , bà chẳng biết xảo cho nên vô tình để cho Phùng Thời biết kẻ thị thiền cho bà là gã đàn em Lý Kế Tài . Từ đó hắn giận đời , giận người không còn qua lại với cái thằng quân sư phản chủ , bất nghĩa bất trung ấy nữa .

  Từ khi nghe Phùng Thời biểu là làm lớn chuyện bà sẽ bị trả về bổn xứ thì bà Lý giật mình . Cũng dám lắm à nghen . Về lại với mấy đứa cháu nghèo hổng có cục đất mà cạp sao nó ớn quá . Bà Lý có mòi hơi sợ nên im luôn không còn dám òn ỉ ly thân ly dị gì nữa . Bởi không được ông chủ phát lương tháng cho nên bà Lý phải tìm việc làm hầu có tiền để giúp đở thân nhân bên nhà . Bà nhờ Kế Tài dò la coi chỗ nào cần người thì xin cho bà đi làm . Thằng cháu Gia Các Khổng Minh dạo này không còn qua lại với đàn anh Phùng Thời nữa . Hắn thì chỉ mong dì của mình ly dị , chia đôi gia tài để hưởng lợi chút đỉnh nhưng Phùng Thời khôn quá , cái mòi này chắc không ăn được của hắn đồng nào đâu . Thấy bà dì của mình bây giờ lâm vào thế kẹt , có chỗ ở , có cơm ăn nhưng bạc tiền thì thiếu thốn . Bất đắc dĩ Kế Tài bèn hỏi một người bạn có xe chở người đi làm farm . Làm farm là tiếng gọi chung chung cho cái nghề làm ở ngoài nông trại như hái cà , nhổ củ cải , cắt nắm v.v . Công việc này chẳng đòi hỏi kinh nghiệm hoặc trình độ Anh ngữ gì ráo . Lao động tay chân mà . Từ khi kiếm được việc làm đầy thời gian rồi thì bà Lý đi suốt , có khi ở cả tuần dưới nông trại chẳng thèm về . Có đi làm , có tiền vô mà chẳng  ra đồng nào thì đương nhiên là dư dã quá . Con người mà , khi nghèo không bạc không tiền thì cái gì cũng được , nhưng lúc có đô la dằn túi rồi , dù chẳng bao nhiêu nhưng bà Lý thấy mình nên thay đổi một chút cho giống theo thiên hạ . Trước nhất bà lấy quyền làm vợ , đòi Phùng Thời phải dạy bà tập lái xe để đi thi bằng lái , sau đó lại có ý tưởng mua một chiếc xe để tự lái nữa .

  Từ một ông chủ nhà cao cửa rộng ngon lành , Phùng Thời sau bao nhiêu thăng trầm sóng gió , ly dị với bà vợ đầu tiên rồi bị Mỹ Huyền đoạn tuyệt . Hai cú xốc trong đời kể cũng quá đủ để cho ông già thêm chục tuổi . Thêm cái vụ bà Lý nữa thì ông cảm thấy đời mình như bế tắt . Ông buồn quá nên đâm ra chán đời , chẳng để tâm tới mấy cơ sở làm ăn đang hồi xuống dốc của mình , cứ ngày tối tụ tập bạn bè ăn nhậu , bạc bài thâu đêm suốt sáng .

  Cho đến một ngày đẹp trời mà không đẹp lúc kia , ông chủ Phùng Thời nhận được thư của sở thuế , họ báo cho biết là sẽ tới tận cơ sở làm ăn của ông để kiểm kê sổ sách . Thời biết ngay là có chuyện chẳng lành . Ở Canada hoặc xứ nào cũng vậy , hễ cơ sở làm ăn ngay thẳng đâu ra đó thì không có gì để nói , bằng như lương lẹo giấy tờ hay nói trắng ra là khai man trốn thuế để làm giàu nhanh , đến khi họ phát giác ra thì rắc rối tới nơi . Sở thuế mà ngó tới ai rồi thì người đó coi như mặt mày tái mét . Hổng ít thì nhiều cũng phải trút hầu bao ra mà chi trả cho họ . Phùng Thời làm ăn lớn nhưng lại làm theo cái kiểu gian lận chính phủ . Hám lợi , nhận tiền mặt khỏi cần hóa đơn để năm nào cũng khai lỗ , tiết kiệm được một khoảng tiền thuế khổng lồ theo lẽ phải đóng .

  Lần này thì coi như không còn chì chày gì nữa , sự nghiệp còn lại của Phùng Thời là hai cửa tiệm Nail supply phải đóng cửa vì số tiền phạt quá cao . Vừa bị sở thuế phạt , vừa bị nhân viên lường gạt , lợi dụng lúc ông chủ đang bị xính vính vì ba cái chuyện mèo mỡ gia đạo ít tới lui cửa tiệm nên họ hè nhau tha hồ mà thục két . Hàng bán ra nhiều nhưng hóa đơn chẳng có bao nhiêu . Lần này thì Phùng Thời lỗ nặng , chuyện làm ăn đành phải chấm dứt ngang xương .

  Bị thêm vố này nữa thì Phùng Thời không còn muốn miễng cưỡng . Ông tên Thời nên cũng là người biết thức thời . Cái câu “Ngũ thập tri thiên mệnh” đã cảnh báo cho ông biết , người ngoại ngũ tuần đã bị vấp ngã nằm sát đất , muốn phấn đấu gầy dựng lại sự nghiệp , chuyện đâu phải dễ làm . Tiền bạc còn lại bao nhiêu trong băng ông tạm thời đóng băng chẳng dám đụng tới nữa . Cũng may là còn được căn nhà để ở , đó là vốn liếng mấy mươi năm gầy dựng . Ông quá mệt mõi nên quyết định rửa tay gát kiếm , xa lánh chốn giang hồ gió tanh mưa máu với toàn là những thằng đàn em khốn nạn . Khi mình ăn nên làm ra thì bám theo nịnh bợ , tâng bốc để chờ ăn chực uống ké , nhưng lúc xuống dốc lại lánh xa , chẳng có được một thằng bên cạnh hầu chia sớt nổi buồn hiu quạnh của kẻ hết thời . Chúng nó đúng là một lũ vô lại , không tỏ ra thương hại mình thì hổng nói làm chi , đàng này còn bêu rếu sự suy xụp của mình ra cho thiên hạ biết nữa . Cái tên Lê Phùng Thời mang đầy ý nghĩa , hay ho như thế mà chúng dám ngang nhiên đổi lại thành Lê Hết Thời , đó không phải bêu rếu đàn anh thì là gì . Thiệt đúng là “còn tiền còn bạc còn đệ tử . Hết cơm hết rượu hết ông tôi” .

  Phùng Thời ky cóp vốn liếng tạo dựng cả đời còn lại sau bao nhiêu cuộc thăng trầm , trở về với một cuộc đời bình lặng trong ngôi nhà bốn mùa hiu quạnh chỉ có ông và bà Lý . Bà Lý thì vì ham tiền quá nên đi làm chẳng ngày nghỉ . Ông chủ nhà Phùng Thời , tức người chồng bất đắc dĩ phải thay bà lo cơm nước , dọn dẹp . Ngoài những công việc nội trợ ấy ra thì ông cũng vẫn còn nhàn nhã , sáng uống trà chiều đọc sách . Cuộc đời vốn là một chuổi bất ngờ . Phùng Thời đâu có bao giờ ngờ rằng đời mình lại có ngày xuống cấp như thế này đâu . Khi con người ta đã đi vào cái tuổi tri thiên mệnh , đặc biệt là Phùng Thời , hắn biết ông trời đã cho hắn những gì hắn muốn hồi còn trẻ rồi . Bởi mình có mà không biết giữ thì ổng giận ổng lấy lại thôi . Có tiếc nuối cũng bằng thừa , cái hào quang thuở trước đã bị bóng tối cuộc đời che khuất đi rồi . Thôi thì đành phải bằng lòng với cái hiện tại mà vui sống . Nghĩa là gát lại chuyện quá khứ để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại . Một ông chủ xuống cấp thành người nội trợ , một bà ở đợ đổi đời thành của nợ bên ông . Một bà vợ ngang xương chẳng ái chẳng ân mà phải ở chung một nhà dù khác phòng , phải lo cho bà cơm nước từng ngày , hổng phải cục nợ thì là gì ! Tuy nhiên Phùng Thời cũng cảm thấy vui vui khi có được những ngày bà nghỉ không đi làm . Có người ra vào , một câu nửa chữ với nhau thì căn nhà đỡ hiu quạnh biết bao . Ông bây giờ chỉ cầu có sức khỏe tốt để an nhàn sống tà tà như vầy cho hết kiếp .

  Một hôm , bà Lý hơi ể mình nên xin nghỉ ở nhà một bửa . Phùng Thời vừa nhâm nhi ly cà phê vừa đọc báo ở bàn ăn . Bởi do thói quen , tự pha cà phê rồi ngồi tại bàn ăn vừa uống vừa hút thuốc , vì chỗ này ông có thể mở cửa cho khói thuốc loãng đi . Chợt nghe tiếng động nơi cầu thang , ông nhìn lên thì thấy bà Lý từ trên phòng ngủ đi xuống , ngạc nhiên nên ông mới hỏi :

  - Ủa , tưởng bửa nay bà đi làm chớ . Hồi sáng sớm tôi có giở sẳn phần cơm cho bà đem theo đi làm kia kìa .

  Bà Lý co ro có lẽ vì ớn lạnh :

  - Ừ , bửa nay sao thấy hơi ể mình nên tui ở nhà một bửa .

  Phùng Thời xếp tờ báo và tháo cặp kiếng lão để lên bàn . Ông nhìn bà Lý hỏi :

  - Lại bệnh rồi à . Bà có cần đi bác sĩ hông ? Sẳn đang không có gì làm , tôi chở cho mà đi .

  Bà Lý khoát tay lia lịa :

  - Giàu đứt tay như ăn mày đổ ruột . Nóng lạnh có chút xíu mà bác sĩ bác siếc mần chi cho mất công hông .

  Thời nhăn mặt :

  - Lớn tuổi rồi bà cũng phải cẩn thận , đừng có ỷ y quá hổng có nên đâu bà .

  Bà Lý vẫn cứng cửa cãi lại :

  - Bệnh của tui , tui biết . Ông bày đặt làm tài khôn hồi nào vậy ?

  Thốt xong câu này bà chợt thấy hối hận . Ông chủ từ lâu đã trở thành người tốt trong nhà mà bà vì vô tâm nên chẳng để ý , bây giờ ngẫm lại thì thấy mình thiệt là bậy hết sức , dù gì cũng phải một tiếng cám ơn cho phải lẽ chớ . Đã bảo bà là người thiếu tiền , thiếu tình nên đã quen khô khan từ thuở còn xuân mà .

  Sau cái hôm nghe theo kế hoạch của thằng cháu và Thu Đan , bà vùng lên dành quyền làm vợ cho tới giờ , khi nghĩ lại càng thấy tự hỗ thẹn với lương tâm và không dám nhìn thẳng vào mặt ông chủ nữa . Khi lương tâm bà Lý biết cắn rứt thì lương … tháng cũng bị ông chủ Phùng Thời cúp luôn , thế mới đáng nói . Bây giờ số tiền còm 300 đô mỗi tháng còn hổng có thì nói gì tới cả trăm ngàn . Nhiều đêm nằm gát tay lên trán suy nghĩ chuyện mình làm , càng nghĩ bà càng thêm hối hận . Bà tự trách mình nghe tới tiền là sáng con mắt tối cái đầu không nghĩ không suy . Nhà cửa tài sản của người ta bộ nói muốn sang đoạt chừng nào thì sang đoạt hay sao . Luật lệ là luật lệ , còn đạo lý con người nữa chớ . Mình đúng là già mà còn dại , nghe theo lời xúi bậy của tụi nó để rồi bây giờ dỡ khóc dỡ cười , ở chung một nhà ra vào nhìn nhau hoài thiệt là ngại hết sức .

  Ngại nhất là những buổi sáng thức dậy sớm bắt gặp giỏ thức ăn do ông giở sẳn để đó cho bà mang theo đi làm . Hai người dù sống chung nhưng sinh hoạt của ai người nấy biết . Phùng Thời chẳng hỏi han gì tới bà và bà cũng chẳng để ý tới ông . Tuy nhiên , sự chu đáo dù là không thường xuyên của ông trong thời gian qua cũng làm cho bà cảm thấy mình dường như đang thiếu ông một món nợ cần phải trả . Nợ gì không biết nhưng chắc hẳn là chẳng phải nợ tiền rồi . Trong bụng thì nghĩ vậy nhưng có lẽ vì ngại nên khi đối diện với ông chủ , bà thường ăn nói xẳng lè . Xẳng lè theo cái kiểu con người khô khan , lạnh lùng . Thật ra thì bà cũng chẳng cần phải giả bộ dửng dưng bất cần như vậy cho mệt  , vì bà xưa nay vốn là con người khô khan lạnh lùng mà .

  Là một người nhà quê , đời bà nghèo khổ cơ cực nên lúc nào cũng chỉ nghĩ tới tiền . Tiền là cứu cánh , tiền là tất cả . Một cô phụ chân quê , từ lúc sinh ra đã gặp phải hoàn cảnh đất nước loạn ly , mẹ cha mất sớm . Lúc lớn lên thì chiến tranh chấm dứt nhưng bà phải lo đùm bọc mấy đứa cháu con nhà chú . Cha của chúng là một trong những chiến sĩ vô danh đã nằm xuống trong những ngày cuối cùng bảo vệ miền Nam , còn mẹ chúng đã cao bay xa chạy theo nhân tình mới về phương trời nào .

  Khi những đứa cháu lớn khôn thì người cô này đã luống tuổi . Trai ba mươi tuổi đang soang , gái ba mươi tuổi đã toan về già . Ở đâu chẳng biết chớ ở Việt Nam , giữa những năm cuối thập niên 70 , vào cái thời nhà nước bao cấp ra lệnh bắt nghĩa vụ quân sự để đi làm nghĩa vụ quốc tế , nghĩa là kéo sang xứ chùa tháp đánh mấy ông Miên đen thùi thì hạng tuổi thanh niên đồng trạng với bà Lý thảy đều tìm đường cởi sóng ra khơi . Họ vượt biên nườm nượp , lớp còn kẹt lại thì bị bắt đi lính , khiến cho xã hội lúc bấy giờ gần như loạn lên vì cái nạn gái thừa trai thiếu . Thanh niên con trai hiếm hoi quá , mà bà Lý lại kém nhan sắc thì đương nhiên là phải phòng không gối chiếc cho tới bây giờ .

  Bà vốn là người không có giang ăn nói , có khi cái bụng thì muốn như vậy như vậy nhưng cái miệng lại chẳng biết phải mở lời ra sao . Ừ . Hổng biết thì cứ nói bừa , ai chớ ông chủ nhà mà , có gì phải sợ chớ . Phùng Thời thì quen quá nên đâu có chấp nhứt gì . Ông chỉ cười hề hề :

  - Ừ , tôi tài khôn mà có lợi cho bà . Sao , ăn cơm hay ăn cháo . Hổng ấy tôi bắt nồi cháo lên cho bà nghen .

  Bà Lý lắc đầu , giọng của bà dường như nghèn nghẹn vì cảm động :

  - Thôi được rồi ông chủ . Để tui tự mình nấu được mà . Với lại , lâu quá … lâu quá rồi tui hổng có làm cái gì hết . Bửa nay ông cứ ngồi đọc báo để tui vô bếp một bửa .

  Ông chủ Lê Hết Thời khoát tay lia lịa :

  - Ở thì nhiều ăn bao nhiêu . Nấu nướng mần chi cho mất công . Bửa nay bà nghỉ làm ở nhà , hổng ấy mình đi ra ngoài ăn một lần hén . Để coi , từ ngày bà qua đây tới giờ tôi chưa chở bà đi ăn ở ngoài lần nào hết .

  Bà Lý tiếc tiền nên lắc đầu nguầy nguậy :

  - Ở nhà nấu ăn coi vậy mà ngon hơn , đi tiệm đi quán làm cái giống gì cho tốn kém hả ông .

  Thời đã quyết định nên dứt khoát :

  - Bà đi lên thay đồ rồi mình đi , sẳn tui chở bà đi chợ luôn một thể .

  Thế là hai ông bà cùng ra xe đi ăn rồi đi chợ . Nhà của Phùng Thời ở Mississauga nên họ đi ăn ở Mississauga cho gần thay vì phải lái lên Toronto hơi xa và kẹt xe dử lắm . Thành phố ven bờ hồ Mississauga mà người viết tạm đổi thành tên Việt cho dễ nhớ là Suối gà , cho đến thời điểm này thì dân Mít ta dồn về đây nhiều lắm . Đa số họ không thích sống trong nội thành Toronto bởi lẽ sinh hoạt nhà cửa quá đắc đỏ , đi lại thì khó khăn vì cái nạn kẹt xe , ùn tắt như cơm bửa . Suối gà cách Toronto khoảng 15 cây số , nằm dọc theo bờ hồ Ontario .

  Hễ ở đâu người Việt tập trung đông thì chợ búa quán xá Việt Nam cũng theo đó mà mọc lên như nắm . Hai ông bà đi ăn phở ở quán Rùa Vàng . Rùa Vàng chuyên trị bò bảy món , ngoài ra phở mì hủ tiếu thì cũng thường thôi , nhưng nhờ quán rộng và thanh lịch , nhân viên phục vụ lịch sự nên lúc nào cũng tấp nập khách khứa . Ăn phở xong hai người tấp vào chợ mua vài thứ rồi tà tà về nhà . Lâu quá không có đi ra ngoài thoải mái như bửa nay nên Phùng Thời coi có mòi vui lắm . Ông cứ huyên thuyên cái miệng với bà Lý . Trong những câu chuyện nhàn đàm này khoảng cách của họ vô tình như nhích lại gần nhau hơn . Ông hỏi thăm bà chuyện bên quê nhà , nơi mà ông coi như đã quên hẳn kể từ ngày bước vào con đường xông xáo đua chen  . Người ta nói kẻ có tuổi thường hay sống nhiều về dĩ vãng . Phùng Thời và bà Lý được dịp quay trở lại nơi mình sinh trưởng bằng những mẫu chuyện rời rạc trao đổi trên đường về . Rồi trong vô tình bà Lý mới ướm hỏi :

  - Sao ông không về thăm quê một chuyến cho biết với người ta . Tui đi mới có một năm mà nhớ nhà muốn chết . Còn ông thì có tới mấy chục năm , bộ quên hết rồi hả ông ?

  Phùng Thời liếc nhìn kiếng chiếu hậu , bật đèn tín hiệu quẹo phải . Vừa bẻ cua ông vừa lắc đầu cười :

  - Nhớ chớ bà . Nhưng mà anh em của tôi tụi nó qua đây hết rồi còn ai nữa đâu mà về .

  - Thì mồ mã ông bà cha mẹ . Bộ nói đi là đi rồi bỏ hết trơn hết trọi được à .

  Câu nhắc nhở của bà Lý vô tình làm cho ông Thời cắn môi suy nghĩ . Quá khứ xa xôi của hơn ba mươi năm kể từ ngày xuống tàu ra đi nay chợt hiện về trong đầu của một kẻ tha hương . Cái làng quê nghèo mang tên Song Phụng nằm dọc theo con sông Hậu , nơi Phùng Thời sinh ra và lớn lên . Rồi theo năm tháng , anh thanh niên đến hạn tuổi quân dịch vì sợ bị bắt đi lính cầm súng ra trận nên phải bỏ nhà bỏ cửa trốn đi xứ khác . Cuộc đời trôi nổi như vận nước nổi trôi . Sau ngày 30 tháng Tư , Thời mới trở về nguyên quán thăm lại gia đình . Sau đó song thân của hắn trước sau đều ra đi , chỉ để lại cho đàn con bốn đứa vài công ruộng và ngôi nhà nho nhỏ ven con lộ đất dọc theo bờ sông . Phùng Thời là em Út trong nhà . Giàu Út ăn nghèo Út chịu , hắn vì không muốn cả đời chết dí nơi góc trời quê bốn mùa chân lấm tay bùn này cho nên bỏ lại tất cả cho mấy thằng anh rồi biền biệt ra đi , tha phương cầu thực . Hắn trôi dạt tận miệt Bảy giá , bắt đầu bằng cái nghề đi đánh cá . Thời may chiếc ghe đánh cá ấy ra khơi rồi vượt biên luôn . Đúng là có phần hổng cần gì lo , Thời tưởng chỉ ra khơi một hai bửa rồi về , nào dè ông chủ ghe làm một cú thẳng tới Pulau Bidong . Bắt đầu làm một thuyền nhân tị nạn từ đó .

  Sau cái hôm hai ông bà đi ăn rồi đi chợ , những mẫu chuyện vặt vảnh ấy đã khiến cho Thời nhiều đêm trằn trọc . Hông nhắc thì thôi mà khi nhắc lại thì ký ức đâu từ thời còn trẻ nó cứ ồ ạt trở về . Bà Lý nói đúng , mình phải về Việt Nam một chuyến . Một chuyến sau hơn ba mươi năm dài để thăm lại mồ mã cha mẹ . Con người ta sống có cái nhà , chết có cái mồ . Cha mẹ mình khuất núi đã lâu , con cái bốn đứa thì tứ tán làm ăn , chẳng biết bây giờ ai lo giỗ quảy khói nhang và nơi yên nghỉ của ông bà .

  Ý nghĩ về thăm mồ mã làng quê khiến cho Thời nôn nao hết sức , cộng thêm những lời đốc thúc của bà Lý . Bà cứ nói vô riết thét rồi Phùng Thời quyết định . Ừ , ở đây mình cũng chẳng làm cái gì , thì thôi , về bên ấy một chuyến xem sao . Ông bàn với bà là đi khoảng 3 tuần , nhà cửa giao lại cho bà trông coi . Bà Lý bây giờ ngoan ngoãn lắm , bà nguýt ông một phát rồi đẩy đưa :

  - Dòm chừng nhà cửa cho ông mà ông có trả lương cho tui hông chớ ?

  Phùng Thời cười ha hả :

  - Xứ này , chồng hổng có trả lương cho vợ à nghen !       

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: