49/ Nhờ vả
Thần Shamash - thần đỡ đầu của ngài Gilgamesh và cũng là thầy dạy phép yêu dấu của tôi - có sở thích tích trữ. Ông đã sưu tầm được một khối lượng sách khổng lồ, tất cả đều bị nhồi nhét vào một không gian bé tí tẹo, tạm gọi thư viện.
Nói là sách, thực chất là phiến đá vì nơi này không có giấy. Mỗi phiến đều được phù phép, vừa khó bị phá huỷ vừa chứa được nhiều thông tin hơn hẳn đá thường. Vấn đề là, thần Shamash chỉ thích tích không thích dọn nên chúng hoàn toàn chẳng được phân loại, mỗi lần tôi vào thư viện tìm tài liệu đều bở cả hơi tai.
Đôi lúc tôi tự hỏi có thần mặt trời nào bê bối như ông ấy không? Tôi tưởng thần mặt trời là phải rực rỡ này, nền nếp này, điều khiển lửa nên cũng có gì đó năng động, nồng nhiệt này... ý tôi là, nhìn thần Apollo, thần Ra, thần Helios của thần thoại nhà người ta đi? Thần nhà tôi chỉ được cái nóng nảy. Hỏi thần thì ông ấy nói tôi quá rập khuôn, chuyên phép thuật lửa thì cũng có thể già dặn, chín chắn (?) như ông chớ sao, nhất là khi lửa của ông ấy còn nuôi dưỡng được sự sống. Cái thời ông trẻ trung sung sức, mỗi ngày đều chăm chỉ chải chuốt rồi đi kéo mặt trời lên qua rồi, giờ già cả chỉ muốn ở nhà dưỡng lão, nghiên cứu phép thuật, dạy dỗ đồ đệ, uống trà hoa cúc, thưởng thức mĩ thực vân vân. Tất nhiên, mỗi bình minh và chạng vạng vẫn phải làm lụng, nhưng mà qua loa thôi, đằng nào cũng chẳng ai trông thấy. Với lại, quyền năng của ông cũng đang dần tan biến rồi, vì người dân càng lúc càng không dựa dẫm vào thần linh nữa. Một ngày nào đó, ông sẽ phải về Thần toạ (1), mặt trời ắt hẳn cũng sẽ tự mọc thôi.
Ôi, cái thế giới khái niệm quái quỷ, chưa bao giờ khiến tôi hết ngạc nhiên.
Trở lại với cái thư viện - nạn nhân trực tiếp từ thói bừa bãi của thần Shamash, gọi nó là cái "ổ chứa sách" thì có lẽ chuẩn xác hơn "thư viện". Y như phòng ngủ của ông ấy, dù tôi có giúp dọn dẹp bao nhiêu lần đi chăng nữa thì cũng sẽ đâu lại vào đấy. Kệ sách tôi làm cho bị vùi lấp hết trong đống phiến đá chồng chất, bảng tên phân loại tôi mất công khắc hộ cũng bị vứt la liệt, từng núi từng núi phiến đá to nhỏ lấp hết cả lối đi, thường xuyên phải dùng đến thuật chiêm tinh để bói xem cuốn sách mình cần ở chỗ nào. Càng ngày tôi càng thạo thuật chiêm tinh vì cái lí do nực cười này, tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu nay mai có người ở Đài chiêm tinh tới tuyển dụng đâu.
Không những thế, thư viện còn là nơi cho thần Shamash nhét bừa rất nhiều thứ đáng ngờ. Các loại thuốc, nguyên liệu kì dị còn bình thường chán, có hôm tôi vừa vào đã há hốc mồm vì một con rồng nằm chình ình giữa thư viện, vảy bị cháy đen thui, chỗ cháy mọc đầy hoa cỏ, cánh và chân bị trói bằng gân ma thú. Tôi nhớ lúc đó mình đã đóng sập cửa lại ngay lập tức– dù cấp thấp thì nó vẫn là huyễn thú (2), huyễn thú đó, ăn đứt cái đám ma thú tôi vẫn hay cho vào nồi! Đến khi đủ can đảm nhìn kĩ lại tôi mới để ý: tuy con rồng có tạo hình rất dữ tợn, mắt mũi ầng ậc nước lại khiến hình tượng sụp đổ hết. Cuối cùng tôi thấy tội nghiệp quá nên thả nó ra, hậu quả là thần nổi giận vì con rồng ấy rất khó bắt, phạt tôi phải sang Điện thánh ở các thành phố khác trộm tài liệu quý. Nếu không nhờ cái ngón nghề kết giới ẩn thân, không thể tưởng tượng nổi tôi sẽ chật vật thế nào.
Có hôm thì thấy thần Dumuzid chờ sẵn trong thư viện, yêu cầu được bồi thường tổn thất tinh thần vì bị đánh thuốc mê cùng với chỗ lông bị vặt, nếu không sẽ tiêu huỷ cho bằng sạch đống tài liệu. Khổ nhất là khi tôi vừa mở miệng nói thần Shamash đi vắng đã bị ngắt lời: thầy làm, học trò chịu đi. Chẳng lẽ thần Dumuzid biết tôi cũng hơi hơi thích bộ lông ấy nên mới... Nhưng oan quá, thích là một chuyện, thân là pháp sư cỏn con, ai lại dám đi vặt lông thần thật chứ? Bị thần cấm không cho làm phép nữa thì nguy to.
Được rồi, nói cho công bằng thì, bỏ qua mấy vụ việc dở khóc dở cười với cái thư viện và lối sống của thần Shamash, tôi cũng đã được lợi rất nhiều từ sở thích sưu tầm lẫn nghiên cứu của thần. Hầu hết các kiến thức về thần thoại, lịch sử vùng Sumer, các tri thức về phép thuật của tôi đều học được từ sách trong thư viện. Ngoài kiến thức cơ bản ra, kiến thức nâng cao, chuyên sâu hoặc hiếm đến nỗi gần như bị thất truyền đều có. Mấy pháp sư ở Điện thánh vẫn luôn thèm khát cái thư viện này, có điều không phải ai muốn vào cũng được. Được ra vào tuỳ ý như tôi, phải tính là cực kì may mắn.
Tóm lại, dù tôi có ý kiến ý cò về cái thư viện của thần Shamash thế nào, tôi vẫn phải biết ơn vì nó tồn tại. Nhất là vào tình cảnh của tôi hiện giờ... vì nó đang bị tôi trưng dụng làm phòng ở.
Ngài Gilgamesh bảo mùa này chưa là lúc thích hợp để lấy vật liệu, lí do vì sao thì không nói rõ. Trong lúc chờ ngài Gilgamesh thực hiện lời hứa, tôi chuyển đến thư viện ở tạm.
Siduri sống giản dị nên nhà hơi nhỏ, tôi không muốn làm phiền. Enkidu thì không thích ở trong nhà, anh ấy toàn trèo lên cây ngủ; hoặc biến thành cái gì đó: hôm thì biến thành chiếc lá thả mình trên một dòng suối, sáng dậy thấy mình ở ngoài cửa sông, còn bị một con ếch chiễm chệ cưỡi (sao tôi thấy con ếch này quen quen); hôm thì biến thành tấm vải, sáng dậy thấy mình sắp bị một cô gái may thành váy cưới. "Bởi vì thú vị!", anh ấy nói.
Khi biết tôi đang tìm phòng ở tạm, Enkidu đề nghị biến thành nhà cho tôi ở, tôi ngẫm nghĩ một lúc, cảm thấy vẫn là kiếm cái phòng thật thì hơn, ai lại "sử dụng" anh mình như thế, vả lại cảm giác ngủ trong "bụng" anh ấy cũng rất... tóm lại là quên đi. Cũng có tính đến nhà khách cung điện, nhưng ở đấy có Xuân Đàm– đúng vậy, cái người này vừa về sau chuyến đi giao thương do ngài Gilgamesh sai sử, mà chẳng hiểu sao trước giờ vẫn ở lì trong nhà khách dù rằng cô ta khá giàu có. Suy đi tính lại, thư viện vừa riêng tư vừa có thứ để giải sầu là lựa chọn tối ưu.
Còn cung điện của ngài Gilgamesh? Từ đại ma pháp sư thành hầu ngủ thật đấy. Chừng nào lấy tôi làm vợ hoặc ít nhất cho tôi làm bạn gái thì hẵng tính tiếp, hứ.
Hầu hết thời gian tôi đều giam mình trong thư viện để tiêu bớt nỗi sầu bị cháy nhà. Thỉnh thoảng anh Enkidu có rủ đi chơi, tôi cũng vui vẻ đi cùng, nhưng hễ cuộc vui kết thúc là lại nhớ đến căn nhà bé nhỏ đáng thương của mình. Lúc ban đầu, mỗi buổi sáng ngủ dậy còn định đi tưới cây để rồi ngậm ngùi nhớ vườn nhà mình đã cháy rụi. Thèm ngâm mình cũng chẳng có hồ mà ngâm. Khi nghiên cứu sách trong thư viện cũng thường vô thức tìm đến các truyền thuyết về nữ thần Inanna, vô thức tìm điểm yếu hay thứ gì đó giúp tôi trả đũa, chẳng qua càng đọc về nữ thần càng thấy ghi thù vị này không phải là ý kiến hay.
Ngọn núi Ebih mà ngài Gilgamesh hứa đến tìm vật liệu xây nhà cho tôi chính là ngọn núi bị nữ thần phá huỷ long mạch thành núi chết. Trước đây nơi đó nổi tiếng rừng thiêng nước độc, là nơi có vào không ra, thần linh cũng phải e dè, nhưng nữ thần là người rất thích chứng tỏ sức mạnh, và quả thật nữ thần mạnh áp đảo. Âm giới, Kur, cũng từng bị nữ thần thách thức, may mà chủ nhân Âm giới là nữ thần Ereshkigal có quyền năng tuyệt đối với tất cả những kẻ đặt chân xuống lãnh địa, ngài đã cho Inanna một trận nhớ đời. Thú thật đọc tới đây tôi khá hả dạ, lòng dấy lên một sự tôn kính đối với nữ thần Ereshkigal. Chắc chỉ có Chủ thần Anu và nữ thần Ereshkigal - cũng là cha và chị của nữ thần Inanna mới trị nổi ngài ấy. Tôi hy vọng Inanna sẽ lại nổi hứng xuống Âm giới để ăn thêm một chùm quả đắng, mặc dù biết nữ thần tuy tự đại, hiếu chiến nhưng cũng không ngu ngốc để mà đâm đầu vào đá lần hai.
Tuy thần Shamash để tôi tuỳ ý sử dụng cũng như cải tạo thư viện của ông ấy, nhưng phận ở nhờ như tôi không nên đi quá giới hạn. Kê một cái giường trong góc, đọc sách, học tập, ngủ nghê gì cứ làm hết trên giường. Còn mấy việc như vệ sinh thân thể thì nhờ phép thuật là xong. Về công việc nấu nướng... tôi mặc kệ, để nhà bếp cung điện nấu cho ai đó ăn đi. Tôi sẽ chỉ vào bếp khi nào anh Enkidu muốn ăn thôi.
Ngài Gilgamesh tức giận lắm, khi nhận ra tôi tự ý chuyển chỗ ở đã nổi trận lôi đình đòi tìm bắt tôi về cung điện. Tôi nhanh trí dịch chuyển bản thân chạy thoát, sau đó trốn trong thư viện của thần Shamash, nhờ ông ấy đặt lệnh cấm thì đến ông Vua đang thét ra lửa nào đó cũng bó tay không vào được. Thần Shamash rất vui lòng giúp, bởi "lâu lâu mới có dịp trả thù thằng bé ngỗ nghịch kia". Tôi còn tưởng ông ấy thương tôi chứ, rõ là...
Enkidu đến thăm, sợ tôi đói nên nhét cho tôi cái khăn trải bàn biết biến ra thức ăn của ngài Gilgamesh, còn khoe rằng chính bạn thân đã chia sẻ kho báu với mình. Còn nhớ lúc ấy tôi đã vo vo miếng vải, lòng ngập tràn cảm xúc hỗn độn, ghen tị hả hê buồn cười có đủ cả, nhưng nhớ rõ nhất là tâm tư "được bắt nạt ngài Gilgamesh thật tuyệt". Tâm tư này còn được thoả mãn mỗi lần đi chơi với anh Enkidu, bị quý ngài mèo bự bắt gặp nhưng vẫn an toàn thoát thân nhờ có Enkidu che chở.
Bẵng được vài tuần, khi tôi chịu hết nổi cuộc sống ngột ngạt trong thư viện mà mò ra ngoài hít thở không khí, ngài Gilgamesh chẳng biết từ đâu xuất hiện túm cổ tôi ngay lập tức. Người này thù dai không chịu được, mà lại còn xuất quỷ nhập thần nữa. Lúc bị xách về cung điện mới phát hiện thì ra do Toku-tan, cái chậu cây nho nhỏ tôi dùng để liên lạc với ngài ấy gây hoạ. Chẳng biết cái vị chúa tể bảo bối, kĩ sư thiên tài DoraeGil này cải tạo nó làm sao mà chỉ cần ma lực của tôi xuất hiện bên ngoài, nó sẽ báo động ngay lập tức. Hức, đúng là nuôi ong tay áo, kiếm củi ba năm thiêu một giờ.
Lọt vào tay cường quyền, đến anh Enkidu cũng cứu không được nữa rồi. May mà chẳng bao lâu sau đã có một chuyện khiến tôi tạm thoát ách đô hộ.
Buổi sáng xấu trời nọ, khi tôi đang khó nhọc ngủ trong tư thế cực kì không thoải mái: nằm sấp trên lồng ngực cứng như đá của ai đó trong khi cái lưng bị cánh tay ngài ấy đè nặng, một giọng nói lạnh lùng cứng nhắc vang lên, đánh thức cả tôi và ngài Gilgamesh.
"Kẻ ngoại lai. Trả lời ta, kẻ ngoại lai."
Ở cái Uruk này, chỉ có tôi mới bị gọi như thế. Tôi nặng nề mở mắt, vừa ngóc đầu dậy thì bàn tay của ngài Gilgamesh đập vào ót tôi, dí mặt tôi vào ngực ngài ấy trở lại.
"Ereshkigal? Không cai quản Âm giới của cô đi, mò đến đây làm gì?" Ngài Gilgamesh cau mày.
Cái gì? Ereshkigal? Nữ thần Âm giới? Ở đâu? Tôi chống tay ngồi dậy ngó quanh. Chẳng thấy ai cả. Bầu không khí xung quanh lạnh bất thường, tôi bất giác rùng mình.
"... Ngậm miệng lại, tên vua của nhân loại kia. Ta không có việc với ngươi. Ta nghe nói kẻ ngoại lai tên Aria đang ở đây."
"Vâng vâng! Tôi đây!" Tuy rằng không thấy ai, nhưng tôi vẫn hớt hải lên tiếng. "Ngài có việc gì cần tìm tôi ạ, thưa nữ thần Ereshkigal?"
Nữ thần chưa kịp trả lời, ngài Gilgamesh đã xen vào: "Khoan hẵng mở mấy cái gương nhìn trộm của mình, nữ thần. Tạp chủng này đang không chỉnh tề cho lắm." Vừa nói vừa vươn tay vuốt một lọn tóc dài của tôi ra trước ngực mà nghịch. Lúc này tôi mới để ý bộ dạng của mình, vội vàng biến tạm một bộ váy tròng vào người, đồng thời bò khỏi giường cúi rạp người xuống. Mắt liếc qua chiếc đồng hồ nước, đã gần trưa, vậy mà trời âm u lạ thường.
"Được rồi đấy." Ngài Gilgamesh vừa nói xong, không gian trước mặt tôi bỗng rung động, khí lạnh toát ra. Một thứ gì đó hình rẻ quạt chậm rãi xuất hiện.
Tôi từ tư thế cúi rạp chuyển sang quỳ một chân. Sao mà hết em rồi đến chị thế này, trái tim nhỏ bé của tôi sắp bị áp lực đè bẹp rồi.
Đang căng thẳng, tóc ở sau lưng bỗng giật giật. Ôi trời, cái người này không biết lựa lúc gì cả. Tôi liếc ra sau, làm biểu cảm năn nỉ: đừng nghịch nữa mà. Thế là ngài ấy ngồi phắt dậy, choàng áo rồi lững thững đi rót cho mình một ly rượu.
Bị ngài Gilgamesh làm phân tâm, áp lực bất giác nhẹ đi một ít. Khẽ ngẩng đầu, chỉ thấy thứ đã hiện hình hoàn chỉnh là một chiếc gương có hoa văn đầu lâu màu bạc. Mặt gương gợn sóng, một dáng người yểu điệu ngồi trên chiếc ngai khổng lồ xuất hiện. Xung quanh chỗ ngồi có vô số lồng trông như lồng chim cao ngất, chứa những đốm lửa xanh bập bùng, thắp sáng một vùng nhỏ trong không gian tối om, tứ phía đều sâu hun hút. Tuy rằng người đó khoác áo choàng đen che hết nửa khuôn mặt, nhưng vẫn nhìn ra được bóng hình trông rất giống Inanna. Đây chính là chị gái song sinh của nữ thần Inanna, vị thần cai quản Âm giới - Ereshkigal?
Trong lúc tôi lén quan sát, nữ thần chống cằm, cũng nhìn tôi một lúc rồi cất giọng lạnh nhạt, ẩn chứa uy nghiêm:
"Nhân loại kia, ngươi là ma pháp sư chuyên thuật trồng trọt và kết giới, đúng chứ?"
Tôi đáp vâng, nữ thần ừ một tiếng, tiếp tục nói: "Vậy thì, trả lời ta: Ngươi có biết loài hoa nào nở được ở Âm giới?"
Tôi sửng sốt. Không ngờ nữ thần lại hỏi vấn đề như thế này. Ngài ấy muốn... hoa?
Ngài Gilgamesh bỗng phá lên cười nắc nẻ. Không phải chứ... lại nữa à? Tôi tái mặt nhìn ngài ấy. Ông thần này đang cười đến hụt hơi, chỉ tay vào cái gương mà chế giễu: "Hoa, hoa nở dưới Kur? Ha ha ha ha ha, Ereshkigal à, cuối cùng, cuối cùng cũng chỉ là một thiếu nữ sao! Ha ha ha ha thật thú vị, hai chị em nhà cô đúng là dị hợm!"
"Là, là vậy ạ!" Tôi hoảng hồn xen miệng vào. Ngài Gilgamesh, ngài có biết rút kinh nghiệm là gì không, lần trước nhà tôi đã phải hứng chịu thay cho ngài đấy!
"Xin nữ thần đợi một chút ạ, để tôi nhớ lại, ừm... ừm...." Tôi cật lực quét đống kiến thức mình đọc được từ sách vở xem có loài hoa nào chịu được âm khí dưới Kur. Chắc chắn phải là một loài hoa đặc biệt, có chứa ma lực. Là hoa nào, hoa nào, nghĩ đi não tôi ơi.
"Từ từ nghĩ, đừng căng thẳng. Ta không vô lý như Ishtar, cũng không nóng nảy như tên vua nhân loại khó coi kia, không biết cũng không sao. Tất nhiên, nếu ngươi giúp được, ắt sẽ có thưởng hậu hĩnh."
Lời nói của nữ thần làm trái tim đang đập điên cuồng trong lồng ngực tôi dịu xuống. May quá, cuối cùng cũng có một vị thần thấu tình đạt lí. Không có áp lực thời gian khiến tôi bình tĩnh lại, nghĩ ngợi thấu đáo hơn. Tôi ngồi xuống mặt đất vẽ pháp trận chiêm tinh, tìm mấy cuốn sách thực vật từ thư viện của thần Shamash rồi trực tiếp triệu hồi chúng. Trong mấy cuốn này có đề cập đến các loài hoa chứa ma lực, để xem nào... Hoa tử đinh hương đánh dấu mùi của cái chết... Hoa oải hương giúp tụ ma lực và thanh tẩy... Hoa hồng xứ Kemet (3) được các pháp sư bên ấy ưa dùng để hiến tế thần linh...
"Ta sẽ ẩn mình đi một lúc. Ngươi cứ tiếp tục suy nghĩ cho cẩn thận, không cần vội, ta rất kiên nhẫn. Khi nào xong thì gõ vào gương để diện kiến ta." Nữ thần Ereshkigal lên tiếng. Tôi ngẩng lên thì thấy cái gương vụt thu nhỏ lại, bay lơ lửng trên không trung như chiếc lông vũ rồi nhẹ nhàng đáp đất.
Tôi bỏ gương vào túi, không ngăn nổi nụ cười trên môi. Trời ạ, nữ thần Ereshkigal sao có thể trái ngược hẳn với Inanna thế này? Nhờ vả đơn thuần mà không phải ra lệnh tôi đã biết ơn lắm rồi, không ngờ ngài ấy tinh ý nhận ra sự tồn tại của mình sẽ khiến tôi căng thẳng, lại còn năm lần bảy lượt nhắc nhở tôi cứ thong thả. Trái ngược với hình ảnh rùng rợn về thần cai quản cõi âm, nữ thần Ereshkigal khá điềm đạm, tâm lí đó chứ, khiến tôi thật tâm muốn giúp đỡ ngài ấy.
Đang nghiêm túc tìm kiếm, ngài Gilgamesh ngồi xuống giật lấy phiến đá trong tay tôi, nói: "Tạp chủng, khỏi tìm nữa. Cả Ereshkigal cũng biết cô ta mơ mộng hão huyền, chẳng có loài hoa nào như thế đâu."
Tôi lấy lại phiến đá, tiếp tục dò tìm. Làm sao ngài biết được chứ, ngài đâu phải chuyên gia.
Đầu bị ngài ấy vỗ bốp một cái, lại nghe ngài nói: "Cái đồ ngoại lai nhà ngươi, dám tự cho bản thân sành sỏi khu vườn của ta hơn ta? Dỏng tai lên mà nghe này: Đất ở Kur không cho phép bất kì loài vật sống nào sinh sôi nảy nở. Đến đám hồn ma còn đau đớn khi không ở trong lồng của cô ta, ngươi nghĩ thứ vốn rất yếu ớt như hoa cỏ lại chịu nổi?"
Hứ, vì tôi ngoại lai nên mới biết đến khái niệm lai giống, lai giống ấy ngài hiểu không. Ngài tưởng tôi tìm vớ tìm vẩn sao? Tôi tìm xem loài nào thích hợp để lai cơ mà. Hơn nữa, tôi là ma pháp sư có chút thực lực, ít ra cũng cho tôi thử chứ.
Mà khoan đã, Ereshkigal cho linh hồn vào lồng chim để giúp họ bớt đau đớn à? Thế mà trong dân gian lại lưu truyền rằng đó là sở thích giam cầm quái đản của nữ thần, người dân bình thường toàn đem tên ngài ấy ra doạ trẻ con thôi.
"Tạp chủng, đừng tưởng Ereshkigal là dạng hiền lành. Cô ta đúng là đỡ điên khùng hơn Ishtar, nhưng ở lâu dưới đó khiến cô ta chẳng biết gì cả, ngây ngô đến mức làm cái gì cũng sử dụng phương pháp trực tiếp, ngắn gọn nhất. Ví dụ như... nếu cô ta thích ngươi, khả năng cao sẽ thẳng tay giết ngươi rồi giữ ngươi ở Âm giới."
Tôi nhìn ngài Gilgamesh, tủm tỉm cười: "Sao ngài bỗng dưng tốt bụng thế? Nếu chuyện xảy ra thật thì ngài bớt mất một đồ ái mộ phiền phức còn gì."
Ngài Gilgamesh sầm mặt. Tôi lại cười hì hì, gỡ cái tay đang kịch liệt vò vò đầu mình ra.
"Rồi rồi, tôi biết ngài không thích bị thách thức uy quyền thôi. Vậy, nể tình tôi hầu hạ ngài lâu năm, lúc tôi bị hãm hại, ngài nhớ đi cứu tôi nha."
"Tại sao bản vương phải xuống cái chốn hoang vu lạnh lẽo ấy cứu ngươi? Ngủ mớ à tạp chủng?"
"Thì xem như đi lấy lại bảo bối bị người ta cướp mất thôi mà."
"Bảo bối? Hah! Rèn luyện thêm đi!"
"Vâng vâng."
Tôi dịch chuyển đống sách về thư viện, đoạn đứng dậy đi vệ sinh cá nhân. Tắm xong tỉnh cả người, đầu óc cũng sáng suốt hơn, tuy nhiên bụng đói thì sẽ không làm được gì cả nên tôi quyết định đi nấu bữa trưa trước. Tôi vừa sắp thức ăn ra một cái bàn kê trong sân cung điện, Enkidu đúng giờ mò đến. Tôi vừa hầu ngài Gilgamesh dùng bữa vừa nói với Enkidu về chuyện tìm hoa cho nữ thần. Anh ấy gật gật đầu, không đợi nuốt thức ăn xuống đã ấm ớ giải thích chính mình đã bảo nữ thần tìm tôi. Lúc ấy tôi mới biết hoá ra nữ thần hỏi Enkidu trước, anh ấy nhất thời chưa nghĩ ra, bèn giới thiệu tôi.
"Vậy đó, hai anh em mình hợp lực, chắc cũng giúp được nữ thần há." Enkidu hào hứng nói. Tôi cười cười, đúng là chuyện này phải nhờ anh ấy thật. Muốn lai tạo thì cũng phải dùng mấy loài hoa chứa ma lực, mà chúng bao giờ cũng khó kiếm, có Enkidu sẽ khiến công việc dễ dàng hơn nhiều.
"Anh nhớ hồi xưa ở rừng tuyết tùng có vài khóm thuỷ tiên vàng bị Humbaba đạp phải vẫn sống nhăn răng. Hỏi ra thì chúng nó bảo quá yêu bản thân nên phải sống để mà tự ngắm bóng mình dưới nước tiếp, thảo nào toàn thấy mọc cạnh bờ suối. Còn nữa còn nữa, cỏ chân ngỗng, cái loại mà em thích trồng ý, cũng khá ngầu. Sống ở vùng đất nhiễm độc ma thú mà vẫn phát triển mạnh mẽ, vì có gốc gác là máu cùng nước mắt dị thần (4). Phục không?"
Chà... Đời sống của đám hoa cỏ này cũng phong phú ghê. Tôi bỗng nảy ra trong đầu một ý, tò mò hỏi: "Anh nghe được sinh vật nói chuyện, thế lúc ăn uống thì sao? Chúng nó không van xin anh à?"
Enkidu ngó miếng thịt trong tay, lại ngó ngó mấy đám bèo tím phủ đầy mặt nước của suối phun trang trí trong cung điện. Là ảo giác của tôi hay chúng nó run rẩy vậy nhỉ? Tôi dụi dụi mắt, tính nhìn kĩ lại thì nghe Enkidu cười hờ hờ: "Nhưng mà nó ngon."
Tôi: ...
Chịu anh rồi.
"Hỏi kiểu gì đấy tạp chủng?" Ngài Gilgamesh lên tiếng. "Ăn là hưởng thụ, bạn ta xứng đáng được hưởng thụ. Đã ngủ bờ ngủ bụi rồi, lại còn muốn đớp gió uống sương thì khoái lạc ở đâu ra? Bản vương sẽ cho Enkidu thưởng thức hết các loại thịt trên đời!"
Tôi dở khóc dở cười khi thấy hai con sư tử đang ngửa bụng phơi nắng bỗng bật dậy trốn biệt. Anh Enkidu nói tiếp: "Với lại khi thành món ăn đưa đến trước mặt anh, hầu hết là chết queo rồi. Nếu chúng nó còn sống thì anh cũng không nỡ đâu."
Ủa, sao cuộc đối thoại bỗng trở nên tăm tối thế này?
Tôi vội đổi chủ đề: "Vậy lát nữa giúp em tìm hoa nhé. Em có thể tìm trong sách, nhưng có nhiều loài em không biết thực tế chúng ra sao."
Ăn xong, tôi và Enkidu vào thư viện ngay. Ngài Gilgamesh xứng danh ăn chơi trác táng, rõ ràng là rất rảnh rỗi nhưng không chịu gánh vác công việc gì cả, cứ lò dò đi theo chúng tôi. Thế nhưng ngài ấy không vào được thư viện– vì thần Shamash đã cấm cửa. Tôi và Enkidu nghe ngài ấy đạp cửa chửi bới bên ngoài mà lăn ra cười.
Sau cả một ngày tìm kiếm, hai chúng tôi rút ra được kết luận: loài hoa thích hợp nhất là hoa dạ quỳnh. Nếu tìm đúng loại thấm đẫm ma lực thì chúng sẽ toả ra ánh sáng dịu nhẹ, rất thích hợp để trồng ở Kur tối tăm. Xuất hiện trong nhiều câu chuyện dân gian, truyền thuyết... nên lượng Thần Bí (5) khá lớn. Điều quan trọng nhất là loài hoa này không những không sợ âm khí mà còn hấp thụ âm khí để khai hoa, thế nên chúng mới nở vào ban đêm. Tuy nhiên hoa dạ quỳnh nổi tiếng mong manh và thời gian nở hoa cũng ngắn ngủi, tôi sẽ phải kết hợp với một số loài hoa có sức sống mạnh mẽ để bù lại.
Có mục tiêu, tôi trở nên phấn chấn hẳn. Khổ nỗi trong sách lại không ghi chép nơi hoa quỳnh nở, chỉ nói nó là hoa dị quốc. Enkidu thậm chí còn chưa thấy chúng bao giờ. Theo như tôi nhớ thì loài hoa này mọc ở châu Mỹ. Uruk có khí hậu, địa hình và con người khá giống vùng Trung Đông, tuy nhiên tôi lại không thể xác định mình đang ở cổ đại hay một thế giới khác. Ở chợ giao thương thỉnh thoảng cũng thấy vài người đến từ Kemet, họ ăn mặc giống như người Ai Cập cổ đại nên cho dù không phải cùng thế giới, rất có thể nơi này vẫn có điểm tương đồng với thế giới của tôi.
Ừm, đoán mò cũng chẳng được ích gì. Cứ bắt tay vào tìm kiếm cái đã.
Nếu hoa quỳnh đã được ghi chép lại, có nghĩa là người xưa đã từng thấy chúng đâu đây. Tôi có thể dùng bản đồ chiêm tinh để bói nhưng phạm vi phép thuật của tôi lại không được rộng lắm, dù sao đây cũng chỉ là thuật pháp do Điện thánh chế tạo dựa trên phương pháp bói sao của Đài chiêm tinh, không thể bì kịp với các chuyên gia với đầy đủ công cụ được.
Có lẽ tôi phải đi nhờ vả bên chiêm tinh thôi. Nhưng mà... tôi lại là pháp sư duy nhất dưới trướng ngài Gilgamesh, mà mối quan hệ của ngài ấy với bên chiêm tinh không hẳn là hoà thuận.
Cùng với Ziggurat của ngài Gilgamesh, Đài chiêm tinh và Điện thánh là hai thế lực lớn còn lại nắm giữ Uruk. Hai bên có quan hệ khá phức tạp: vừa là học hỏi vừa cạnh tranh nhau. Họ đều không ưa Ziggurat, còn Ziggurat, mà nói đúng hơn là ngài Gilgamesh, không thích Đài chiêm tinh và ghét Điện thánh. Điều kì lạ là, Điện thánh là nơi gần thần linh nhất lại chịu khó qua lại với Đài chiêm tinh - nơi khoa học phát triển hơn là Ziggurat - với chủ nhân là một á thần. Tôi nghĩ lí do không hẳn là vì tính cách và tư tưởng của ngài Gilgamesh, mà là vì các lí luận và học thuyết của Đài chiêm tinh vẫn khá duy tâm, vẫn còn sử dụng các yếu tố Thần Bí để giải thích nhiều hiện tượng. Họ tin rằng những vị thần linh trên thiên giới điều khiển vận mệnh loài người, cho nên nắm giữ được sự dịch chuyển của sao trời sẽ biết trước được vận mệnh. Còn vì sao họ cạnh tranh với Điện thánh, chắc cũng giống như câu hỏi "hai học sinh giỏi có đáp án khác nhau thì sẽ thế nào", đáp án ở đây chính là cách lí giải thế giới: Điện thánh thì tin tưởng sùng bái thần tuyệt đối, còn Đài chiêm tinh lại đi sâu vào tìm hiểu ý chí, ý định của thần linh.
Tuy rằng Điện thánh rất thân thiện với tôi, nhưng thái độ của Đài chiêm tinh thì tôi không chắc lắm bởi tôi ít qua lại, mặc dù rất thích khía cạnh quan sát bầu trời trong hàng tá các công việc liên quan đến bói toán, viết lịch, dự báo thiên tai của họ... Được rồi, không nghĩ nhiều nữa, vì nữ thần Ereshkigal, phải xông pha thôi!
... Tất nhiên là ôm theo cục đất đáng yêu của tôi làm khiên chắn. ('ᗜ'*)
Không như Điện thánh luôn được xây ở khu dân cư giàu có đông đúc, Đài chiêm tinh toạ lạc ở một ngọn đồi nhỏ phía tây bắc Uruk, xung quanh ngoài các đài quan sát cũng chỉ có khu kí túc xá cho học giả. Khi tôi với anh Enkidu đến nơi, phản ứng của mọi người lạnh nhạt hơn tôi tưởng. Không như Điện thánh đủ loại người qua lại tấp nập, ở đây toàn là học giả. Họ vùi đầu vào mấy chồng phiến đá, bản đồ sao hoặc đủ loại thiết bị, thấy chúng tôi đi vào cũng chỉ liếc một cái rồi lại chú tâm vào việc đang làm, có người còn chẳng thèm quan tâm luôn.
Đây là lần đầu tiên tôi đến trụ sở Đài chiêm tinh, cũng là lần đầu tiên được chiêm ngưỡng nội thất bên trong. Kiến trúc nơi đây khá giống bên Điện thánh, tức là có rất nhiều cột nhà cao từa tựa kiến trúc Hy Lạp, không xây tường để che nắng gió mà sử dụng kết giới, không gian cực kì thoáng và sáng sủa. Phần trần nhà thì lại khác một trời một vực, không vẽ hình ảnh thần thoại mà vẽ chi chít bản đồ sao trên nền chất liệu trong suốt, nhìn kĩ thì thấy các hình vẽ còn có thể tự chuyển động, có lẽ chúng không chỉ để trang trí mà còn phục vụ quan sát bầu trời đêm. Vào ban ngày trông đã rất hay ho, thế thì ban đêm sẽ đẹp và huyền bí đến mức nào? Nếu không đến vì công việc, chắc hẳn tôi sẽ đứng ngắm đến mê mẩn.
Đài chiêm tinh được xây khá cao, đứng từ đây nhìn xuống thảm cỏ rộng lớn phía dưới sẽ thấy được hoàn chỉnh hình vẽ lịch mặt trăng khổng lồ, hmm, trông ra xa một chút còn thấy một cái thước lục phân áp tường cỡ đại nữa, chẳng lẽ đây lí do họ chọn khu vực ngoại ô để xây trụ sở?
Mặc dù kiến trúc không có nhiều khác biệt, cách bày biện nội thất lại khác hẳn. Đâu đâu cũng chất đầy kệ sách, bàn ghế, các loại đồng hồ, lịch, đĩa bầu trời, thước trắc tinh... ở trung tâm còn có một cái bàn lớn, ngay chính giữa mặt bàn khảm bình đồ Sumer. Có vẻ nơi đây không những là trụ sở Đài chiêm tinh mà còn kiêm cả thư viện và chỗ họp hành. (6)
Ngắm nghía xong xuôi vẫn chưa có người nào đếm xỉa đến sự tồn tại của tôi và anh Enkidu. Hai đứa ngơ ngác đứng giữa cái sảnh to rộng toát ra vẻ tri thức này, bối rối không biết phải tìm ai giúp đỡ. Ở Điện thánh thì có thể tìm đến bộ phận tương tự với tiếp tân thời hiện đại, nhưng ở đây hình như không có chỗ tiếp khách, mọi người cũng chẳng có vẻ gì là hoan nghênh. Nếu tôi đến một mình thì thái độ này tôi hiểu, nhưng chẳng lẽ họ không thấy cái người đang toả sáng bừng bừng, xinh đẹp rạng ngời, lấp la lấp lánh bên cạnh tôi sao? Uầy, biết thế dắt theo con mèo bự dữ dằn nhà tôi. Chỉ cần thấy bóng ngài ấy, hễ còn chút lí trí đều sẽ run rẩy quỳ mọp xuống tiếp đón.
Tôi đang ôm cằm suy nghĩ nên làm thế nào, anh Enkidu - lần đầu tiên nếm mùi bị hắt hủi - đã đi đường tắt. Anh ấy đứng giữa nhà hét toáng lên: "Xin chào! Khách đây! Có ai rảnh không? Có việc cần giúp đỡ!"
Vô số ánh mắt bất mãn đổ dồn đến đây, tôi nhào tới bịt miệng Enkidu lại rồi quay về phía mọi người cười xin lỗi. Một cô gái với làn da ngăm hơn bình thường đang dí mặt vào đồ thị trên bàn bỗng ngẩng phắt đầu, vừa điều chỉnh thứ giống ống nhòm mini trên mặt không cho nó rớt xuống vừa lắp bắp nói: "Gì? Khách? Đâu? Đâu?"
Ơ, thế nào lại là một gương mặt quen thuộc?
"Kerah?" Tôi không nhận nhầm đấy chứ? Một thầy tu Điện thánh như cô ấy làm gì ở đây?
"Úi? Ngài Đại ma pháp sư?" Kerah mừng rỡ đứng dậy, chạy vù đến cạnh tôi, nắm áo tôi khóc lóc: "Ngài Đại ma pháp sư, xin hãy giúp tôi, xin cho tôi về lại Điện thánh với hu hu hu..."
"Chị bị chuyển công tác à?" Tôi gãi gãi đầu.
"Tôi chỉ giỏi phép chiêm tinh hơn người ta một tí thôi mà, lại bị Tổng tư tế gửi sang đây học tập!" Kerah kéo tôi ra chỗ vắng người, nhỏ giọng kể khổ, "Mà đám chiêm tinh này thấy tôi đến từ Điện thánh nên luôn tìm cách làm khó. Bắt bẻ công việc của tôi đã đành, lại còn giao cho một đống việc linh tinh, cả nhiệm vụ tiếp khách cũng đẩy cho tôi! May mà chỗ này mươi bữa nửa tháng mới có người đến, nếu không chẳng phải mệt chết tôi rồi! Nhà cửa thì xây ở chỗ khỉ ho cò gáy, tốn một đống thời gian mới về đến thành phố, muốn dùng pháp trận dịch chuyển lại phải xin giấy phép phiền chết đi được! Lâu rồi tôi không về nhà. Ôi tôi nhớ chị Shali quá!"
A, thì ra không phải là không có tiếp tân.
"Chị đánh giá tôi cao quá rồi, làm sao tôi can thiệp được chứ. Tôi đâu phải người Điện thánh." Tôi bất đắc dĩ xua tay.
Kerah ôm mặt rên rỉ, "Vị kia thật quá đáng! Ỷ Đại ma pháp sư hiền lành nên ức hiếp, giấu cho riêng mình, làm lơ tài năng của ngài, sai ngài đi chạy vặt khắp nơi, lại còn đối xử với ngài như hầu ngủ! Nếu không bị giữ chân, Đại ma pháp sư thừa sức lên được chức tư tế, chắc chắn nói giúp được tôi rồi... Hu hu, Shali ơi, chăn đơn gối chiếc bao lâu chị có buồn không..."
Tôi bị mấy lời này làm cho ho sặc sụa, anh Enkidu nén cười vỗ vỗ lưng tôi. Ngượng quá... Chỉ tại người nào đó cứ công khai làm chuyện xấu... Từ từ, "chăn đơn gối chiếc"... Khụ khụ, ra vậy.
"Nếu chị nhớ Shali quá thì viết thư hay làm quà gì đó, để tôi gửi giúp?"
Kerah thở dài thườn thượt: "Thôi khỏi. Tôi tự gửi cũng được, ở đây cũng không đến nỗi cắt đứt đường liên lạc. Dù sao cũng cảm ơn ngài. A, nãy giờ toàn nói về tôi, hai ngài nói có việc cần giúp đỡ phải không?"
Tôi gật đầu. "Ừm, tôi cần nhờ một học giả giỏi thuật bói sao phạm vi rộng để tìm một loài hoa. Nếu phạm vi phủ khắp Sumer được thì càng tốt."
"Hmm. Để tôi nghĩ xem. Tôi thì không làm nổi rồi. Mấy học giả khác thì phải là người ở tầng cao mới đủ sức, phí cũng cao. Ngài có thể trả bao nhiêu?"
"Một trăm bạc Vua."
"A, vậy thì dư sức. Ngài đợi tôi một chút."
Kerah dẫn tôi và Enkidu đi tới một cái đài nhỏ có gắn thiết bị trông tương tự thiết bị ở đài thông cáo trên đỉnh ziggurat. Cô ấy điều chỉnh một chút rồi nói, thanh âm vang vang khắp toà trụ sở:
"E hèm, các học giả xin chú ý. Ngài Đại ma pháp sư Aria ở ziggurat đang cần một học giả giỏi thuật bói sao, phạm vi phủ khắp Sumer, thù lao một trăm bạc Vua. Có ai nhận không? Có ai nhận không?"
Khắp trụ sở đồng loạt vang lên tiếng la ó:
"Ồn quá! Yên lặng cho tôi tính toán!"
"Ai rảnh! Tự đi bói đi! Còn bao nhiêu là việc."
"Một kì mặt trăng nuốt mặt trời nữa sắp tới rồi, giúp cô ta để lỡ mất à."
"Giúp người từ ziggurat! Hừ! Buồn cười!"
"Một ả hầu ngủ thôi, đại ma pháp sư cái gì, vớ vẩn. Học giả cao quý tốt nhất đừng nên liên quan tới cái loại ấy."
Người nói tôi là hầu ngủ lập tức bị anh Enkidu xách cổ ném vào một bụi cây. Tôi không kịp ngăn anh ấy, hậu quả đúng như tôi tưởng tượng: Các học giả khác giận giữ bất bình, quyết tâm không giúp chúng tôi nữa. Enkidu khoanh tay bĩu môi, cái vẻ phụng phịu trông y như ngài Gilgamesh lúc đang dỗi. Hình như đây là lần đầu anh ấy chứng kiến người khác chửi bới thẳng mặt tôi nhỉ? Với tính tình thích bao che của anh ấy thì giận là phải. Còn tôi thì cũng quen rồi.
Kerah cũng bực mình. Cô ấy nói học giả ở đây cứ có cái thói khinh người vậy đấy, được vài người tử tế thì lại mọt sách đến độ không quan tâm đến bất kì cái gì ngoài công việc của bản thân. Lúc đầu cô ấy đến đây còn có suy nghĩ cố học tập cho tốt, giờ thì chỉ muốn về quách cho rồi.
"Hầy, nếu không nhờ thầy tôi thì tôi còn khổ sở gấp bội. À ngài chưa biết thầy tôi nhỉ. Tính ra người ta không dám ép uổng tôi quá mức chính nhờ thầy tôi đấy. Tuy mới đến trước tôi không lâu, nhưng năng lực rất cao, nghĩ ra nhiều lí luận kì lạ mới mẻ, làm việc vừa nhanh vừa chuẩn xác, mọi người đều rất tôn trọng. Khổ nỗi thầy tôi khá bận, nếu không tôi đã trực tiếp giới thiệu cho ngài rồi."
"Ồ? Thầy chị là ai thế?" Tôi tò mò hỏi.
"Là tôi."
Ặc.
Quay đầu lại... Quả nhiên, người nói là Xuân Đàm.
gilocked
25/7/2021
——
Chú thích:
(1) Thần toạ: nằm ở Mặt Sau của Thế Giới, nơi thần linh trú ngụ khi Thời đại Thần thánh kết thúc. Họ có thể tiếp tục dõi theo thế giới từ Thần toạ nhưng không thể can thiệp.
(2) Huyễn thú: Một trong bốn cấp bậc Huyễn Tưởng Chủng của Nasuverse. Bốn cấp bậc đó là: dã thú, ma thú, huyễn thú, thần thú. Rồng thuộc huyễn thú.
(3) Kemet: theo một số tài liệu thì đây là cách Ai Cập cổ đại tự gọi mình.
(4) Dị thần: Enkidu đang đề cập đến thần Hy Lạp. Trong Nasuverse, họ đến từ nền văn minh ngoài Trái đất.
(5) Thần Bí: nguồn gốc của các hiện tượng siêu nhiên. Cái gì càng nhiều Thần Bí thì càng mạnh.
(6) Một số thiết bị thiên văn được đề cập là do t dựa trên tư liệu lịch sử và tự tưởng tượng, không đảm bảo chính xác.
Lịch mặt trăng:
Thước lục phân áp tường: Nói cho chuẩn cái t đang đề cập thì là mural instrument (dụng cụ đo trên tường), nhưng một số công trình cổ được gọi là sextant (kính lục phân) luôn nên t viết thế nghe cho nó kêu.
Đĩa bầu trời: Một cái đĩa đồng trông giống như này:
Thước trắc tinh: thiết bị tam giác đạc (gg hộ t cái này, giải thích ở đây chắc chết), đo toạ độ chân trời của sao (gg nốt), xác định vĩ độ... Đương nhiên, khi ở thời lưỡng hà thì không thể phức tạp như thế, nhưng mà nói chung là có rồi. Hơi trễ so với thời của Gil tí nhưng t cứ thích viết vào đấy.
Bình đồ: hình chiếu địa hình của một khu vực trên mặt phẳng ngang.
Aria gọi tên được những dụng cụ này nhờ đọc sách. Ẻm có hứng thú với chiêm tinh, chỉ là không giao lưu với bên Đài chiêm tinh thôi. Chương sau sẽ rõ hơn.
——
Lời tác giả:
Đố biết con ếch cưỡi (lá) Enkidu, khăn trải bàn biến ra thức ăn, hoa liên lạc Toku-tan từng xuất hiện trong chương nào?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro