Chương 6
Tôi – Tường Vi, hai mươi chín tuổi, hai mươi ba năm kinh nghiệm đi học. Nghe thì có vẻ đầy mình nhưng mà tôi chưa có kinh nghiệm đi học trong tình trạng ngồi xe lăn.
Ngày đầu tiên đi học của tôi chắc chắn không phải là một trải nghiệm vui vẻ gì.
Tôi cứ tưởng được cho mười lăm phút truy bài là cuộc đời tôi nó đỡ mệt không, nhưng không, cuộc đời tôi vẫn mệt như thế.
Ở thế giới trước, tôi có thói quen là chỉ soạn sách vở trước khi đi học, chứ không phải là soạn sách vở sẵn từ tối hôm trước. Nhưng mà bây giờ trong tình trạng này, bố mẹ tôi lại bắt tôi phải soạn sẵn sách vở đi học trước để hôm sau còn đi học luôn. Thôi thì tôi hiện tại ở trong tình trạng vô dụng, bố mẹ bảo thế nào thì phải nghe như thế không có quyền cự lại, mà cự lại thì lại bị mắng rát tai lắm.
Cơ mà đó chỉ là một vấn đề rất nhỏ trong những vấn đề khác.
Trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố có nội quy là đi học thì phải mặc đồng phục. May mắn làm sao là đồng phục ở đây không phải là đồng phục theo bộ, mà chỉ có đúng một mẫu sơ mi nhưng in tên trung tâm là đồng phục mùa hè, còn mùa đông có thêm áo khoác. Tôi thì cơ thể bất tiện, nên không thể mặc quần mà thay vào đó là mặc váy. Bình thường tôi đi trị liệu thì toàn mặc một cái áo thật to thật dài hoặc váy to dài, tròng lên người là xong. Đi trị liệu thì ai cũng trông bô nhếch cả, tôi ngủ dậy chỉ cần rửa mặt qua loa với đánh răng rồi buộc gọn tóc lên trông không như con mèo là được.
Nhưng bây giờ đi học rồi ai lại thế.
Sáu giờ sáng, mẹ dựng tôi dậy bắt tôi ăn sáng.
Bình thường thì tôi ăn sáng xong mới làm vệ sinh, một lần thôi cho tiện, thế nên lúc mẹ lên phòng gọi tôi dậy, trong tay mẹ đã sẵn một bát cơm rang.
Tôi vừa ăn vừa ngáp ngắn ngáp dài, tối hôm trước thì tôi đã đi ngủ sớm, nhưng dậy sớm thì đương nhiên là vẫn không thoải mái. Mẹ vừa giục tôi ăn vừa lấy quần áo ra cho tôi mặc. Mà tôi thì vẫn nên hạn chế cử động, nên mẹ đã phải lau mặt và buộc tóc cho tôi trong túc tôi đang đánh răng.
Mặc quần áo là một công đoạn cực kỳ gian nan. Vì cánh tay trái của tôi bây giờ đã không còn bị bó cứng bằng thạch cao nữa mà chuyển sang dụng cụ đeo nẹp chuyên dụng, nên tôi có thể mặc áo được, tuy nhiên, tay áo sơ mi thì lại hơi khó để luồn qua, thế là mẹ phải tay cho tôi bằng một cái áo sơ mi tay vừa ngắn vừa rộng, còn áo sơ mi của trường thì tôi vẫn đem đi, dặn tôi khoác hờ ở ngoài nhỡ có người đến kiểm tra thì còn phải trình bày lý do nọ kia.
Vật lộn một chút đã đến giờ phải đi học, không thì muộn mất. Tôi biết là bây giờ mình trông hơi xộc xệch nhếch nhác, nhưng tôi không quan tâm cho lắm. Dù sao thì bây giờ trông có tử tế thì chút nữa lăn qua lộn lại cũng lại thành nhếch nhác mà thôi.
Ngồi trong xe của bố, tôi chậm chạm nhích người để chỉnh lại cái váy. Vài hôm trước, tôi có nghe được thầy giáo chủ nhiệm bảo tôi là bình thường thì dãy lớp mười nằm trên tầng hai, nhưng vì trường hợp của tôi nên lớp tôi đã được đặc cách chuyển xuống tầng dưới, tức là học chung với khối mười một. trung tâm giác dục cũng không có đông học sinh cho lắm, năm nay lớp mười cũng chỉ có ba lớp – điều được cho là tín hiệu đáng mừng vì như thế là hầu hết học sinh trong thành phố đều đã đậu được vào hai trường cấp ba, một trường khối công lập và một trường khối bán công lập cảu thành phố. Cả hai trường thì đều yêu cầu phải có điểm đầu vào.
Tôi dù không được dùng điện thoại nối mạng – tôi nghĩ đây là một dạng hình phạt mà bố mẹ dành cho tôi. chứ thật ra tôi thấy cái thời này rồi mà phải dùng điện thoại cục gạch chỉ có mỗi chứ năng nghe gọi thì đúng là quê quá đi mất. Nhưng bị phạt thì phải chịu, chỉ còn nước phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn thôi.
Bây giờ tôi không có một cái gì cả.
Trước đây, tôi không phải là đứa giàu có gì, nhưng so với chúng bạn, tôi không phải là đứa túng thiếu về mặt tài chính, lúc nào trong túi cũng có dự trữ vài trăm nghìn. Cần gì thì xin bố mẹ.
Nhưng mà cái tính trạng mới của tôi, là không có một đồng nào vẫn khiến tôi sốc lắm. tôi cũng biết là bây giờ đi học thì cũng cần đồng nào đâu. Vì tôi còn chẳng tự đi được, chốc nữa lại ngồi xe lăn lên lớp, không ra ngoài thì không phải tiêu tiền, nhưng việc không có đồng nào trong người khiến tôi bất an kinh khủng.
Bây giờ quay lại thời học sinh thì chỉ có học thôi chứ còn việc gì nữa đâu.
Nhưng kể ra thì cũng buồn cười.
Ý tôi là, tôi không hiểu lý do gì mà mình lại đến thế giới này nữa.
Nếu muốn Vi nhỏ làm lại cuộc đời thì sửa tính sửa nết cho con nhóc là được, cần gì phải đến tôi?
Kiến thức không phải là vấn đề với tôi, dù không còn trong độ tuổi tiếp thu nhanh được như ngày xưa, nhưng tôi nghĩ rằng mình có thể bắt kịp lại kiến thức, dù sao thì tôi cũng đã từng học qua tất cả những thứ này, không những thế, lại còn có kiến thức chuyên một đặc biệt sâu với một trong bốn môn tự nhiên.
Nhưng mà như thế có công bằng cho người khác không?
Để một người lớn 'đè đầu' một đám trẻ thì có ra gì không?
Cái vị nào triệu tôi đến đây hình như không suy xét đến vấn đề một cách thấu đáo thì phải?
Tôi đến đây cũng là chỉ để chữa cháy cho Vi nhỏ thôi nhỉ?
Hay là, tôi có nên nhân dịp này, làm lại cuộc đời của chính mình, thử thách bản thân với những điều mà tôi muốn nhưng chưa bao giờ có cơ hội làm?
Thực ra mà nói, tôi sống một cuộc đời không hẳn là viên mãn nhưng chắc chắn không có bất mãn gì quá lớn lao. Những gì tôi có được cho đến trước khi bị triệu đến cái thế giới này đều là quyết định của chính tôi chứ không phải bị ép uổng gì cả.
Tôi đã từng có ước mơ làm lại cuộc đời, nhưng tôi cũng biết năng lực của chính mình.
Đến nước này thì tôi cũng chỉ có thể hành động dựa trên hoàn cảnh thôi.
Ngày đầu tiên đi học mệt mỏi hơn tôi tưởng tượng rất nhiều, từ khía cạnh thể chất cho đến tinh thần.
Đầu tiên là, việc phải ngồi suốt bốn tiếng đồng hồ mà không được cử động thoải mái là một việc cực kỳ mệt mỏi và tốt sức.
Mẹ tôi bảo là tôi trừ khi đi vật lý trị liệu thì không nên cử động nhiều vì cử động sai có thể dẫn tới chấn thương. Thế là một mình tôi ngồi ngay một bàn đầu cạnh cửa ra vào, và cái bàn này thì không phải bàn học thông thường, do nhà trường dùng bàn học loại khung cố định ghế liền với bàn, cho nên tôi được ngồi một mình một cái bàn trông như bàn giáo viên, khá là buồn cười và hài hước. kể ra cũng tiện vì nó rộng rãi, nhưng mà đi học thì cũng chẳng ai bày bừa gì, cái bàn quá rộng còn tăng thêm cảm giác lạc lõng và cô đơn với tôi nữa.
Thứ hai là, tôi mặc tã đi học, và ngồi với cái tã ấy bốn tiếng đồng hồ là việc cực kỳ khó chịu. dù tôi không đi vệ sinh, nhưng mà nó bị ra mồ hồi rất là ngứa, mà tôi thì không thể cử động lộ liễu để chình quần do ngồi bàn đầu được. Hồi trước vẫn còn trong tình trạng nằm bất động thì tôi còn có ống thông, nhưng từ sai khi có thể chuyển động được thì tôi bắt đầu dùng tã. Ban đầu thì cũng hơi ngại, nhưng tôi hiểu ra đây là giải pháp tốt nhất dành cho mình. Loại tôi mặc thì thiết kế giống như bỉm trẻ em chỉ cần dính vào là được, nhưng mà tôi mặc váy vải dày và còn có chăn nhỏ đắp ngang đùi thì đi học cũng không bị lộ.
Buổi sáng nay đi học kiến thức cũng nhẹ nhàng, chưa đến đoạn đánh đố nào. May mắn làm sao, tiết toán được xếp vào tiết học đầu tiên, khi tôi vẫn còn đang phấn khích và chưa cảm thấy khó chịu bất cứ chỗ nào. Nhưng càng về sau, tôi lại càng thấy mệt và muốn được đi nằm.
Nhưng bỏ qua những bất lợi đó, thì ngày hôm nay cũng khá là vui.
Trước giờ tôi chưa bao giờ đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, cho nên có thể coi việc này là một trải nghiệm hiếm có. Trước giờ, tôi cứ nghe nói là ở trung tâm giáo dục thường xuyên toàn những đứa bất hảo và ngu dốt, nhưng hóa ra không phải vậy. Ở đây không hề có cảm giác 'tận cùng giáo dục' một chút nào. Dù ban đầu lúc mới được đẩy vào lớp thì tôi cũng hơi choáng váng bới sự đầu xanh đầu đỏ và tư thái hơi bặm trợn của đám học sinh. Nhưng ở trung tâm giáo dục thường xuyên không chỉ có những đứa như vậy, mà còn có cả người lớn. Họ là những người trước giờ không có cơ hội được hoàn thành hết chương trình phổ thông, đến bây giờ quay lại giảng đường để có được tấm bằng cấp ba. Trong một lớp học dành cho lớp mười quy tụ đủ loại người như vậy, cực kỳ vận vào câu trường học là mô hình thu nhỏ của xã hội.
Không biết có phải là trong lớp có người lớn hay không, mà những đứa xăm trổ tóc xanh tóc đỏ nhìn qua là không thấy có cảm tình cũng không ho he hó hé gì. Giáo viên bộ môn cũng là những giáo viên bình thường, nghiêm túc làm nhiệm vụ của họ, chứ chẳng hề tỏ thái độ gì với cái đám loai choai thất bại ở bên dưới.
Nói chung là hoàn toàn khác hẳn như những hình dung của tôi trước đó. Đúng là cái gì cũng phải mắt thấy tai nghe mới được, chứ trước đây tôi suy nghĩ hạn hẹp thiển cận quá.
Tôi tan lớp lúc mười một giờ ba mươi, trước đó, bố đã nhắn tin cho tôi là đợi bố một chút đến mười hai giờ thì bố sẽ đón tôi đi ăn trưa, sau đó thì bố sẽ đưa tôi đến trung tâm hồi phục chức năng để tôi ở đó cả chiều và mẹ sẽ đưa tôi về. Tôi thực ra rất mệt và chỉ muốn về nhà nằm, nhưng nếu không tập hồi phục chức năng thời gian bất tiện của tôi sẽ kéo dài ra rất nhiều, và đây mới chỉ là ngày đầu tiên tôi quay trở lại cuộc sống ngày thường, mới thế mà đã mệt thì có phải hơi yếu đuối quá không?
Lớp học văng hoe, không có lấy một bóng người, mọi người đã đi ra ngoài hết. Tôi thong thả xếp sách vở, tính là sẽ tự lăn xe ra ngoài hiên nhà để đợi bố cho thoáng. Khi nãy, có vài anh chị tốt bụng đã hỏi tôi có muốn được đưa về không, họ có xe ô tô nên có thể đưa tôi đi được thì tôi lịch sự từ chối, nói là chốc nữa sẽ có người nhà đến đón. Mọi người nghe thế xong thì cũng gật gù rồi rời đi chứ không nói gì thêm.
Tôi sắp xếp sách vở đâu ra đấy, rồi cho vào cặp và móc vào một bên xe lăn, vừa mới lăn bánh xe ra khỏi cửa lớp thì thấy thầy giáo chủ nhiệm đang đi tới. Thấy tôi, thầy bước nhanh lại gần. Tôi cúi đầu chào thầy lúc thầy tiến lại gần. Thầy gật đầu, có vẻ như định đi ra phía sau để giúp tôi đẩy xe, nhưng tôi bảo thầy không cần, cứ mặc kệ em. Thầy thấy tôi thế thì cũng không cố gắng giúp tôi, lại đứng dựa vào lan can trước mặt để nói chuyện với tôi.
"Em đi học có thấy mệt không?" Thầy quan tâm hỏi han.
Thầy thực ra vẫn còn khá trẻ. Tôi nghĩ là đâu đó bằng tuổi tôi. Ấn tượng tôi về thầy, thầy là một người rất nhiệt tình và có trách nhiệm, tôi ở nhà gần nhà gần sáu tuần, thì trung bình tuần nào cũng thấy thầy quan tâm đến tôi theo cách ngày hay cách khác, không gọi điện cho bố mẹ hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi thì cũng là đến nhà đưa bài đưa vở. Vậy nên, nhờ công thầy mà tôi hôm nay đi học không hề cảm thấy bị choáng ngợp hay bỡ ngỡ gì, chỉ có môn toán là tôi vẫn không nhanh nhạy được cho lắm, dù tôi vẫn hiểu được bài. Nhiều lúc tôi nghĩ, không biết thầy có phải là bị phức cảm đáng-cứu-thế, tự dưng quàng lên đầu mình cách trách nhiệm là khai sáng và dẫn đường cho lũ trẻ đi lệch đường ở đây không biết nữa.
Cái sự yêu nghề và tận tâm là thứ mà trước giờ tôi chưa bao giờ có.
"Em không sao ạ." Tôi chỉnh lại cái chăn đắp trên đùi.
Thầy nhìn tôi, im lặng một lúc, không biết là đang suy tính cái gì. Nhưng đã rất nhanh, thầy tiếp tục: "Thầy chỉ sợ em đi học muộn, không theo kịp mọi người." Nói đến đây, thầy rút điện thoại ra, hí hoáy một lúc rồi đưa cho tôi xem.
"Đây, có trang web này, em chụp lại, trang web này có tổng hợp bài giảng mọi người đăng lên từ hồi covid. Em muốn học lại môn nào thì có thể tìm phần môn đó mà học." Thầy chạm vào thanh menu trên đầu trang web rồi nói. "Đây, nó chia thành kiến thức của các năm như thế này này..."
Thầy nhiệt tình đến độ tôi dù hơi mệt nhưng cũng không dám thể hiện thái độ.
"Em lấy điện thoại ra chụp tên trang web luôn đi." Thầy bảo tôi.
Tôi móc điện thoại từ trong túi áo ngực ra cho thầy xem. "Thầy ơi, em không chụp ảnh được. Hay là thầy cứ nhắn tin trang web cho bố mẹ em, về nhà có gì em sẽ lên mạng xem."
Thầy trố mắt ra nhìn tôi, chính xác là nhìn cái điện thoại của tôi với một vẻ cực kỳ hứng thú.
"Uầy, nhà em vẫn giữ được cái điện thoại như thế này cơ á? Cái này là thời ngày xưa thầy lên cấp ba dùng này." Thầy tỏ vẻ hoài niệm.
"Cái này là của bố em đấy thầy."
Vừa mới nói xong, tôi đã thấy xe của bố đang tiến vào sân trường. Tôi giơ tay lên vẫy vẫy với bố, sau đó quay sang chào thầy. "Thầy ơi, bố em đến rồi ạ. Em chào thầy."
"Ừ, ngày mai gặp." Thầy bảo tôi. "Ngày mai lớp mình có tiết Sinh học là tiết của thầy đấy."
Tôi gật gù, môn Sinh học à, được đấy.
Thầy dù chào tôi, nhưng vẫn chưa đi ngay, mà đứng đó đợi như thể định nói chuyện với bố tôi vậy. Quả thật đúng vậy, sau khi đỡ tôi vào trong xe, bố tôi đóng cửa lại cho tôi ngồi ở trong, sau đó đứng ngoài nói chuyện với thầy.
Nhưng mà tôi ngồi ở trong, nên chẳng hóng được cái gì cả.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro